Saturday, August 1, 2020

Thăm vùng đất các "Pà"

10/01/2012 11:09 GMT+7

TTCT - Người miền xuôi đến huyện Giằng - nay được đổi tên là Nam Giang, một huyện miền núi giáp Lào của Quảng Nam - ai cũng ngạc nhiên khi nghe tên gọi các địa phương ở đây đều bắt đầu với tiếng “Bà” vốn bị đọc chệch từ tiếng “Pà” của người Cơ Tu bản địa.

9vqO1Nkl.jpg
7-8 giờ sáng sương mù vẫn bao phủ vùng Giằng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
BYjVx7mE.jpg
Ông già người Cơ Tu ở làng Pà Vả, xã Ta Bhing vót mây đan gùi bán cho du khách đến thăm làng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Những tên gọi khiến liên tưởng đến phụ nữ: Pà Lanh, Pà Dồn, Pà Păng, Pà Dấu, Pà Ting, Pà Xua, Pà Rồng, Pà Vả... lại là những câu chuyện về một cõi Trường Sơn đặc thù trên các tuyến đường 14, 13 nổi tiếng với những đổi thay thật khó tưởng tượng. Vùng Trường Sơn của Quảng Nam có tám huyện, địa hình bị chia cắt bởi đỉnh Ngọc Linh cao gần 2.600m. Giằng là vùng núi cao rừng rậm sông sâu, có ba dân tộc Ve, Tà Riềng và Cơ Tu chung sống, quan hệ rất thiết thân với vùng đồng bằng kề dưới.
Từ Đà Nẵng đi ngã ba Hòa Cầm, theo quốc lộ 14B, vượt khoảng 60km là đến cầu vượt Hà Nha, từ đây khách bắt đầu chạm mặt sự hùng vĩ của Trường Sơn với điệp trùng núi cao vây bủa, kề đường đi là dòng Vu Gia mông mênh. Thị trấn Thạnh Mỹ cách Hà Nha chừng 15km là “thủ phủ” của Giằng, nhưng thật ra huyện Đại Lộc lâu nay được coi là cửa ngõ của Giằng với hai xã Đại Sơn, Đại Hồng là cổng vào.
Chuyện xưa
Dù địa danh Nam Giang đã có vài năm nay nhưng Giằng vẫn là tên gọi cửa miệng của nhiều người bởi gốc rễ lâu đời của nó. Bến Giằng - nơi xuất phát tên gọi ấy - là bến đò sát quốc lộ 14, đưa người vượt sông Thanh đến các xã Tà Bhing, Tà Pơơ, Chaval, Zuôih và các xã biên giới Dăk-pre, Dăk-pring, La Dêê, La Êê, Chơ-chun.
Ông Nguyễn Tri Hùng, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, người am hiểu văn hóa Cơ Tu, cho biết: “Chỗ bến đò Giằng là nơi sông Rô từ huyện Phước Sơn chảy xuống hợp nước với sông Thanh từ phía Tà Bhing chảy ra. Ngay chỗ hai sông gặp nhau nước rất mạnh, lại bị một quả núi chắn ngang nên nước xoáy cuộn vòng như cái giằng xay (của cối xay lúa). Khách thương hồ đi bằng ghe nhỏ từ Đại Lộc đến đây thấy vậy đặt tên là Giằng Xoay, lâu ngày gọi tắt là Giằng, gọi tên bến là bến Giằng”.
Xe88XnxJ.jpg
Chị Un Thị Gió, dân tộc Ve ở xã vùng biên Đăk-pre, lấy chồng về làng Pà Ting, dệt thổ cẩm để bán cho du khách ngang qua làng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
“Tiếng Pà - thật ra là Pa vì tiếng Cơ Tu không dấu nhưng đọc theo người Kinh lâu thành quen là Pà - chỉ là tiếng đệm mà người Cơ Tu vùng Giằng thường dùng với một từ đứng sau để đặt gọi tên làng. Cũng như một số danh từ riêng chỉ địa danh của người Kinh không thể định nghĩa được, chữ Pà dùng trong tên làng ở đây cũng không giải nghĩa được”.
Giằng xưa là vùng ma thiêng nước độc, heo hút, hiểm trở mà nỗi ám ảnh truyền đời của cư dân bản địa là đói muối ăn, thiếu rựa làm rẫy. Những ghe nhỏ của người Kinh từ huyện Đại Lộc luồn theo sông Cái đến bến Giằng để bán hai nhu yếu phẩm này. Quốc lộ 14 nay là đường Hồ Chí Minh, đoạn ngang qua đất Giằng, theo lời ông Đinh Ghinh, một cán bộ lão thành người Cơ Tu, hóa ra được người Pháp khởi công từ những năm 1936-1937.
“Người Kinh dưới đồng bằng cùng với đồng bào thiểu số ở đây bị Pháp bắt đi làm công, gọi là “xâu Giằng”, cực khổ trăm phần. Nỗi thống khổ của người làm xâu Giằng đã khiến chàng trai Cơ Tu Tr’gia ở làng Dh’ngoh, xã La Êê đứng lên gọi lũ làng chống lại. Tr’gia dùng ná bắn bị thương tên chỉ huy Pháp Lơ Pi-sông (Le Pichon) ở eo núi Con-cơ-neng khi y đưa quân đến bắt dân La Êê đi xâu hồi năm 1938...” - ông Ghinh kể.
Đất Giằng ma thiêng nước độc nhưng rất giàu vàng. Ông Ghinh nói ngoài các đồn Bến Giằng, Bót Xít, người Pháp còn lập đồn Khe Lăng ở tận xã Zuôih để bảo trợ việc khai thác vàng trong khu vực. “Thời đó người làm vàng nơi các con sông, con khe ở đây đều là người Morocco, Tunisia, Algeria, một ít là người dân tộc ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Người Pháp lập hẳn một đội vận chuyển bằng voi, do người bản địa phụ trách, chuyên lo vận chuyển lương thực, vật dụng phục vụ việc đãi vàng, cho binh lính ở đồn...”, ông Ghinh kể.
Những năm 1980-1990, người miền xuôi đổ xô đến Giằng khai thác vàng sa khoáng đã ngẩn người khi bắt gặp dấu tích đào đãi vàng từ trước! Vàng sa khoáng nhiều đến mức họ không cần đào, chỉ cần mót lại những bãi này.
pnN74whp.jpg
Một góc thị trấn Thạnh Mỹ của huyện Nam Giang trên đường 14, từ đây qua cầu Thạnh Mỹ trên hành trình đường Hồ Chí Minh ra phía Bắc, đi thẳng là đường 14B đến Đà Nẵng - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Ngang dọc đường Giằng
7g sáng, trời bớt sương mù, tôi dong xe theo quốc lộ 14D đến cửa khẩu Đăk Ôốc ở xã La Dêê, vượt 75km đường nhựa chỉ sau hơn hai giờ. Hầu như không còn dấu vết nhà sàn ở những làng Pà Ting, Pà Ia, Pà Xua, Pà Vả, Pà Lừa... dọc theo đường, chỉ có nhà mái ngói, mái tôn. Nơi xa ngút nay đã sáng ánh điện. Xe máy có khắp các bản làng. Sóng điện thoại cũng được phủ đến vùng biên ải. Ngoài cửa hàng thương mại cửa khẩu, quán xá ở khắp nơi.
Núi rừng Giằng heo hút từng là nơi mang đến cơm áo, cơ vận đổi đời cho người miền xuôi khắp ba miền khi họ khám phá những dòng sông vàng, những dãy núi trầm ở đây vài chục năm trước. Nước mắt mồ hôi và cả máu của hàng vạn người tứ xứ đã đổ xuống đây. Nhưng đường 14D đã làm thay đổi một vùng rừng núi thâm u.
Dừng chiếc xe tải bên cầu khe Vinh, nơi từng nổi tiếng vì vàng sa khoáng, một người ở Đại Lộc trước đây làm trầm nói: “Cung đường trước đây bọn tui phải đi hai, ba ngày ròng nay chỉ còn vài giờ chạy xe. Người làm trầm làm vàng khi xưa giờ đến lại vùng này không ai có thể nhận ra cảnh vật ở đây”. Ngày ấy, những “binh đoàn” vàng - trầm đổ đến cơ hồ làm rung rinh rừng núi, có lúc va chạm đẫm máu với cư dân bản địa.
Thị trấn Thạnh Mỹ cách bến Giằng chừng 13km từng là nơi tụ hội của những “đội quân” trầm - vàng ngày trước nay đã lột xác với đường hai chiều xe, là điểm dừng của nhiều xe khách Bắc - Nam. Qua cầu Thạnh Mỹ, cũng trên quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh, chỉ hơn nửa giờ sau tôi đã đứng bên cầu sông Bung, một vọng đài nhìn ra bốn bề đại ngàn. Rừng nguyên sinh ở đây nhìn không hết mắt, mây che trắng mờ đỉnh núi, cảnh trí tuyệt đẹp.
Ông Đinh Ghinh kể rằng những năm Pháp bắt xâu Giằng, cư dân vùng La Êê, La Dêê không thể xuống bến Giằng, phải cắt rừng theo sông Bung để đến Hà Nha mua muối mua rựa, đi - về mất sáu, bảy ngày, cực khổ vô cùng. Lối đi này cũng đã được những người làm trầm làm vàng trước đây lặp lại để tránh các ngành chức năng.
7m5rU2Ev.jpg
Cầu Bến Giằng thay đò Bến Giằng, là nơi khởi đầu đường 14D, nối đường 14 - tức đường Hồ Chí Minh (có những vệt sơn) với cửa khẩu La Dêê (ở hướng những dãy núi phía trước) - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Đường Hồ Chí Minh đoạn Thạnh Mỹ - Axờ được khai mở đã nối liền Giằng với quốc lộ 49 ở Thừa Thiên - Huế nếu vượt cầu Sông Bung rồi đi tiếp đến B’rao, đến A Lưới; nối vào quốc lộ 9 ở Quảng Trị nếu từ A Lưới đi tiếp đến
Đăk-prông. Nhưng đến Giằng cũng nên đến làng Rô, làng Ngói nằm sát bên đường để xem làng, xem con sông Rô “xẻ đá ra mà chảy” như lời những chủ quán ở Thạnh Mỹ bảo tôi. Ngói và Rô đều ở xã Cà Dy gần cầu Xơi - do nơi đây cọp thường ra rình bắt người “xơi” nên người ta mới đặt tên cầu như vậy.
Làng Ngói, theo lời ông Alăng Nhơn, cán bộ hưu trí người Cơ Tu, cũng có tên là Pà La, “ngói” theo tiếng Cơ Tu là con trâu, bởi ngày trước làng này nuôi rất nhiều trâu. Còn làng Rô, không rõ sông Rô lấy theo tên làng hay làng lấy theo tên sông, nhưng theo ông Alăng Nhơn, làng Rô cũng có tên là Pà Giá, dân làng từ vùng biên giới đã dời xuống đây sinh sống từ thời Pháp thuộc.
Tháng 3-1942, khi nhà thơ Tố Hữu vượt ngục Đăk Glei đến đây đã được dân làng Rô che chở và tìm cách đưa ông vượt đồn Bến Giằng đến nơi an toàn, để rồi nhà thơ đã viết những câu: Ôi! Làng Rô nhỏ của tôi/Cao cao đỉnh núi chiếc nôi đại bàng/Trăm năm ta nhớ ơn làng/Cánh tay che chở bước đường gian nguy. Phía trên làng Rô, làng Ngói một quãng không xa là thị trấn Khâm Đức, trạm của dân làm vàng, nơi tiếp giáp với Đăk Glei, có dãy Ngọc Linh - nóc nhà chung của hai tỉnh Quảng Nam - Kon Tum.
Trên những nẻo đường Giằng, người Cơ Tu bày bán trái lòn bon vốn chỉ được trồng ở đồng bằng. Chợt nhớ lại chuyện quân Nguyễn Ánh khi bị Tây Sơn vây ở rừng tây Quảng Nam đã nhờ trái lòn bon qua cơn đói kiệt, sau này Nguyễn Ánh đã đặt tên cho loại quả rừng này là “nam trân”. Theo những người làm vàng ở Thạnh Mỹ, ở khe Vinh lòn bon mọc dày thành rừng. Anh Zơrâm Thực, cán bộ xã Tà Bhing, cho biết vài năm gần đây cư dân trong huyện đã đưa lòn bon trồng ở vườn nhà.
UHcl6KSK.jpg
Nhà gươl - đình làng của người Cơ Tu ở Pà Rồng, xã Tà Bhing - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Hạnh phúc nhất với người dân vùng đại ngàn Trường Sơn là nay họ có được xe máy thay cho đôi chân vượt dốc. Họ bảo: “Vài năm nữa đường Đông Trường Sơn làm xong sẽ nối Thạnh Mỹ mình với Đà Lạt. Thêm con đường này Nam Giang mình như thêm tay thêm chân ra đó...”. Và nguồn đá vôi ở núi rừng Thạnh Mỹ rồi sẽ vào lò để thành ximăng trong hai năm tới khi nhà máy ximăng công suất lớn đang được xây dựng ở thôn Đồng Râm. \
Ở phía trên, cư dân làng Pà Lừa tăm tối năm xưa giờ đang vào làng mới để làm thủy điện sông Bung. Ở các làng Pà Ting, Pà Đâng, Pà Ia bên dưới người dân cũng nao nức bên con đường đang được xây dựng để vào thác Grăng - một dự án du lịch có vốn từ Nhật...
Vùng đất Nam Giang - Giằng đang được đánh thức.
Ông ĐINH GHINH(nguyên phó chủ tịch huyện Nam Giang)

© Copyright 2020 TuoiTre Online, All rights reserved

No comments:

Post a Comment