Tuesday, October 29, 2013

Ràng buộc của người VN khi mua nhà tại Mỹ
Nguồn : khudothimoi.com
Qua Mỹ mua nhà không còn là chuyện lạ lẫm, nhất là từ khi nền kinh tế Mỹ bước vào suy thoái hai năm trước, nhiều người thất nghiệp không còn khả năng trả nợ mua nhà phải giao lại cho ngân hàng để nơi này bán tháo thu hồi tiền cho vay.
Số liệu chính thức của nước này cho thấy, khoảng ba triệu căn nhà đã bị ngân hàng tịch thu, biến thị trường địa ốc Mỹ thành nơi hấp dẫn cho những ai có tiền xem đây là cơ hội đầu tư, trong đó kể cả những người Việt Nam (và nhất là Trung Quốc) có con du học. Số người này ban đầu còn ít nhưng nay thì ngày càng nhiều.
Ai có con cái du học ở Mỹ đều biết tiền ký túc xá khá cao, nếu mua được một căn nhà ở Mỹ thì con mình có chỗ ở, lại có tiền chi tiêu nếu cho thuê được một vài phòng trong căn nhà. Một số người kinh doanh nhà đất chuyên nghiệp trong nước cũng tìm thấy ở thị trường Mỹ một thời cơ và họ lên kế hoạch dài hạn đầu tư vào lĩnh vực này. Và cũng không loại trừ đây là cách rửa tiền của các quan tham muốn chuyển dần của cải sang đất Mỹ.
Báo chí trong nước cũng như ở nước ngoài từng đề cập nhiều về các tour du lịch kết hợp với việc săn tìm nhà giá rẻ, đã tạo ra những đợt mua nhà của người Việt ở Mỹ.
[Nhận QC tại đây]
Mặc dù giá nhà thấp vì ngân hàng có nhu cầu thu hồi tiền sớm, nhưng thị trường nhà ở Mỹ lại mang tính cạnh tranh cao do nhiều người Việt Nam có khả năng trả tiền mặt để giành những căn nhà tốt. Đặc biệt những vùng có nhiều người Việt như Garden Grove, Westminster (California), trường hợp trả tiền mặt như vậy không phải là hiếm. Các nhà phân tích thị trường ở Mỹ cho rằng, sự có mặt của những khách hàng người Việt trong chừng mực góp phần làm cho giá nhà không còn rơi tự do như thời kỳ đầu, đặc biệt là đối với nhà có hơn hai phòng ngủ vốn được người Việt Nam ưa chuộng hơn cả.
Thế nhưng, việc mua nhà ở Mỹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ mà vướng mắc lớn nhất là phương thức thanh toán, vì luật pháp Mỹ buộc các khoản tiền mặt trên 10.000 USD phải chứng minh nguồn gốc. Và cho dù vượt qua được trở ngại này thì việc chuyển tiền từ Việt Nam sang Mỹ với số lượng lớn càng không dễ, khi quy định của Ngân hàng Nhà nước không cho phép người xuất cảnh mang theo quá 7.000 USD. Muốn chuyển những khoản tiền lớn phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép với lý do đầu tư ra nước ngoài hoặc chuyển tiền cho con du học (với những khoản tiền nhỏ hơn).
Do những ràng buộc ngặt nghèo từ cả hai phía, hầu hết người mua nhà đã chọn phương thức chuyển ngân lậu khá phổ biến: những khoản tiền Việt kiều gửi về giúp thân nhân được giao ở Mỹ và nhận tại Việt Nam qua một cú điện thoại hay một thư xác nhận. Một con đường khác đưa tiền ra nước ngoài khá an toàn là qua hệ thống thẻ tín dụng của ngân hàng nước ngoài. (Thành phần nào làm được việc này , nếu ko phải là con cháu cái các quan tham VN .-Tài) . Đây là một kẽ hở được dân làm ăn địa ốc khai thác, số lượng không lớn nhưng "tích tiểu thành đại".
Không ít người Việt Nam đã nhờ người thân có đủ điều kiện đứng tên vay tiền ngân hàng. Thông thường, người mua nhà ở Mỹ được ngân hàng bảo lãnh có thể trả mức tối thiểu 10% trị giá nhà, số tiền còn lại trả góp, chia đều trong 15 - 30 năm. Và theo tính toán của những người am hiểu, cứ mua một căn nhà trên dưới 100.000 USD thì phải trả khoảng 485 USD/tháng. Khoản tiền này không mấy khó khăn chuyển sang Mỹ nếu biết tận dụng các quy định.
Tất nhiên, phía chúng ta không khuyến khích người trong nước mua nhà ở Mỹ vì điều này làm cho nguồn ngoại tệ vốn không dồi dào lại phải vơi đi, ảnh hưởng đến chính sách quản lý và điều hành ngoại tệ, nhưng nếu bảo cấm thì cũng chưa có quy định nào cụ thể.
Phía Mỹ thì chính sách thuế áp dụng cho nhà ở rất nặng nhằm chống đầu cơ. Đây là khoản thuế đánh trên giá trị bất động sản đang sở hữu với mức từ 1% đến 3% tùy theo tiểu bang. Vì vậy, đối với những người mua nhà với ý định đầu tư thì cần cẩn trọng, bởi nếu mua một căn nhà giá khoảng 300.000 USD thì chỉ riêng tiền thuế, mỗi năm chủ nhân phải đóng từ 3.000 - 9.000 USD, một con số không nhỏ.
KhuDoThiMoi.Com - Theo PNO

Thận trọng khi đầu tư nhà, đất ở Mỹ

Việc mua nhà ở Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro, do hành lang pháp lý trong nước chưa có quy định cho vấn đề này.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thời gian qua đã khiến giá nhà, đất ở Mỹ giảm sâu. Tận dụng cơ hội này, một số người Việt thông qua các tour du lịch kết hợp mua nhà đã sang Mỹ để tìm cơ hội mua nhà. Dù chưa thống kê được có bao nhiêu người Việt mua nhà ở Mỹ, song thực tế nhu cầu này đã và đang tồn tại. Tuy nhiên, việc mua nhà ở Mỹ đang gặp phải các trở ngại, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro, do hành lang pháp lý trong nước chưa có quy định cho vấn đề này.

Gần đây, một số công ty du lịch tại TP.HCM rộ lên xu hướng mở các tour du lịch kết hợp mua nhà tại Mỹ. Khi tham gia tour này, với giá khoảng 3.100 USD/người, ngoài việc được tham quan các danh thắng tại Mỹ, du khách còn có cơ hội tìm hiểu tính pháp lý, thị trường bất động sản ở California, San José, San Francisco... Khi các tour du lịch này được mở ra, đã có khá nhiều người quan tâm tham gia, đặc biệt là những người có con em đang du học ở Mỹ.

Theo lời một nhân viên tư vấn của một công ty du lịch trên đường An Dương Vương (quận 5), không có gì khó nếu muốn mua nhà ở Mỹ. Theo đó, công ty này sẽ đứng ra tìm kiếm những sản phẩm nhà ở Mỹ với giá cực tốt, đó là những căn nhà do nhiều người Mỹ thế chấp ở ngân hàng, nhưng do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, họ không có khả năng trả nợ, nên bị ngân hàng phát mãi.

Ông Ngô Dương Hoàng Thao, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt kiều Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đại Đông Dương, một doanh nghiệp chuyên tư vấn mua nhà, đất ở châu Âu, Mỹ, cho biết, không chỉ Việt Nam, mà ngay cả ở Nhật Bản, Trung Quốc…, nhu cầu mua nhà ở Mỹ là có thực, đặc biệt là với những người có con cái đang du học ở Mỹ.

Theo ông Thao, pháp luật Mỹ khuyến khích người nước ngoài mua nhà, đất ở Mỹ. Song, cái khó của người Việt muốn mua nhà ở Mỹ đang gặp phải là làm sao có thể chuyển tiền ra nước ngoài để mua nhà. Bởi, theo quy định của pháp luật Việt Nam, người đi du lịch chỉ được mang không quá 7.000 USD tiền mặt. Luật Đầu tư cũng quy định cá nhân được quyền đầu tư ra nước ngoài, nhưng mua một căn nhà không được xem là dự án, nên không thể áp theo quy định đầu tư ra nước ngoài để có thể chuyển tiền mua nhà.

Phần lớn người mua nhà ở Mỹ là mua theo hình thức trả góp. Do không thể chuyển tiền ra nước ngoài, nên nhiều người muốn mua nhà ở Mỹ phải nhờ người thân có quốc tịch Mỹ đứng tên, nhằm chứng minh thu nhập cho việc mua trả góp. Điều này sẽ dẫn đến một số rủi ro nhất định”, ông Thao nói và đưa ra cảnh báo, việc một số công ty du lịch Việt Nam tổ chức các đoàn đi thăm dò, mua nhà ở Mỹ với nhiều hứa hẹn, nhưng thực chất là để phục vụ việc kinh doanh của mình.

Vẫn theo ông Thao, người Việt muốn nhà ở Mỹ cần xác định rõ mục đích mua nhà. Với những người có con đang du học, thì việc mua nhà để con ở đi học, hoặc có tiền nhàn rỗi mua nhà để cho thuê thì không có vấn đề gì. Song với người mua nhà có ý định đầu tư, thì nên cẩn trọng, bởi nếu không xác định rõ mục đích của việc mua nhà, thì sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí giữ nhà. Theo đó, mỗi năm, khách hàng phải đóng thuế nhà đất 1 - 3% tổng giá trị căn hộ, tùy khu vực. Đối với căn nhà có giá khoảng 300.000 USD, chỉ tính riêng tiền thuế, mỗi năm chủ nhân phải đóng thuế 3.000 - 9.000 USD.

Nếu khách hàng không biết điều này thì sẽ “mang nợ” vào thân. Đó là chưa kể, chủ bất động sản còn phải mua các loại bảo hiểm, như bảo hiểm nhà, bảo hiểm các đồ vật trong nhà, cho nhà kế bên; đóng các loại phí về sửa chữa, điện, ga, nước…

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cho rằng, việc người Việt có khả năng và có nhu cầu đầu tư nhà, đất ở Mỹ là chuyện hết sức bình thường. Song, do chưa có quy định cho phép người có nhu cầu mua nhà ở Mỹ chuyển tiền ra nước ngoài để mua nhà, nên đã làm hạn chế ý định mua nhà của nhiều người, đồng thời tạo cho những người đã mua nhà ở Mỹ gặp những rủi ro do không tự đứng tên được, mà phải nhờ người khác. Đó là chưa kể, vì không thể chuyển được tiền ra nước ngoài để mua nhà bằng con đường chính thống, nên nhiều người phải tìm cách chuyển ngân lậu, gây thất thu cho Nhà nước.
Tăng Triển

Quyền lực và trách nhiệm 


Blog / Nguyễn Hưng Quốc

. . . Quyền lực không phải là một cái gì có tính chất tự thân: quyền lực vì quyền lực. Mọi quyền lực chính đáng đều có tính mục đích: quyền lực để làm một cái gì. Dưới chế độ độc tài, cái gì đó là bản thân người và/hoặc gia đình người có quyền lực; dưới chế độ dân chủ, cái gì đó là những mục tiêu chung mà mọi người tin tưởng và giao phó, thuộc về cộng đồng, hay rộng hơn, quốc gia. Những mục tiêu chung ấy chính là trách nhiệm.

Có thể nói, quyền lực chỉ chính đáng trong chừng mực nó gắn liền với trách nhiệm và chu toàn trách nhiệm. Một nhà lãnh đạo lý tưởng phải nhắm đến trách nhiệm nhiều hơn là quyền lực. Ở Việt Nam, ngược lại, với quyền lực, người ta muốn tuyệt đối (độc quyền lãnh đạo), nhưng với trách nhiệm, người ta lại muốn chia sẻ (trách nhiệm tập thể). Hậu quả là không ai chịu trách nhiệm về điều gì cả, ngay cả với những sai lầm của chính mình và/hoặc thuộc quyền hạn của mình.

Tất cả những điều ấy, người ta đều thấy từ lâu. Vụ thất thoát tài sản đến cả mấy tỉ đô la của tập đoàn kinh tế Vinashin: Không ai chịu trách nhiệm cả. Các vụ vỡ nợ liên tục của các tập đoàn kinh tế quốc doanh khác sau đó: Không ai chịu trách nhiệm cả. Kinh tế càng lúc càng suy thoái: Không ai chịu trách nhiệm cả. Nạn tham nhũng càng ngày càng phát triển từ một số con sâu đến cả một “bầy sâu”: Không ai chịu trách nhiệm cả. Đạo đức ở khắp mọi nơi càng ngày càng suy đồi: Không ai chịu trách nhiệm cả. Giáo dục càng ngày càng xuống dốc: Không ai chịu trách nhiệm cả.

Mới đây, gây xôn xao dư luận trong nước nhiều nhất là những chuyện liên quan đến ngành y tế: Nhiều bác sĩ, vì bất cẩn và thiếu đạo đức, làm chết hàng loạt bệnh nhân, trong đó có các sản phụ và trẻ em, thậm chí, một bác sĩ thẩm mỹ ở Hà Nội làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang. Trách nhiệm thuộc về ai? Không có ai nhận cả. Mọi người cứ đổ lỗi cho nhau. Dân chúng bức xúc đến độ, lần đầu tiên trên báo chí chính thống (PetroTimes) trong nước, có người kêu gọi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức.

Có lẽ, cuối cùng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn tiếp tục làm Bộ trưởng. Như tất cả những nhà lãnh đạo khác của Việt Nam từ trước đến nay. Vô trách nhiệm đến mấy, cái ghế của họ vẫn bất khả xâm phạm, dù cái giá mà họ và đảng họ phải trả rất đắt: Càng ngày càng mất sự tín nhiệm của dân chúng.

Không có trách nhiệm, mọi quyền lực đều là ăn cắp. Không có sự tín nhiệm, mọi quyền lực đều là ăn cướp. Không có cả hai, người ta vừa ăn cắp vừa ăn cướp.