Sunday, December 15, 2019

Sáng Cuối Cùng Vĩnh Biệt Pleiku.
Bút ký của Lê Quốc Toản, K20
Viết để tưởng nhớ năm thứ bốn mươi tư mất Phố Núi Pleiku.
Đêm 15 tháng 3 năm 1975 là đêm cuối cùng tôi ngủ tại Pleiku. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng, vì chẳng bao giờ tôi có cơ hội trở lại nơi đây một lần nữa. Trong đêm, không riêng gì tôi mà cả anh em trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, đều trằn trọc thao thức, vì buổi chiều
 cùng ngày chúng tôi nhận được lệnh thay đổi nhiệm vụ. Kể từ nay, các ban tham mưu của các phòng, ban trong Bộ Tư Lệnh được phân chia làm hai. Thành phần ở lại là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II chính. Nửa kia là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II Hành Quân, sẽ được không vận về Nha Trang vào sáng hôm sau, có nhiệm vụ chỉ huy và phối hợp các đơn vị của Quân Đoàn hành quân chiếm lại Buôn Mê Thuột đang bị Cộng Sản Bắc Việt chiếm đóng.
Đêm nay là đêm cuối cùng chúng tôi còn được ôm Pleiku vào lòng để ngủ. Biết đến bao giờ chúng tôi còn gặp lại Pleiku thân yêu? Lòng tôi thật xót xa khi chợt nhớ đến một câu hát trong bản nhạc nào đó, “Đêm cuối cùng buồn lắm em ơi.”
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm lái xe ra phố Pleiku, tôi phải chào nơi đây lần cuối. Trời có sương nhưng rớm nắng, cảnh vật vẫn bình yên như mọi ngày. Nhưng trong cái bình yên ấy, tôi cảm thấy như có mầm chết chóc đang rình rập đâu đây, một không khí bình yên giả tạo trước khi cơn cuồng phong ập tới. Tôi lái xe băng qua chiếc cầu sắt ngang qua phi trường, nơi có Sư Đoàn 6 Không Quân trú đóng, chạy ngang trường Nữ Trung Học Pleime, rồi ghé cư xá sĩ quan Trần Qúy Cáp thân yêu. Nơi đây, tôi đã chia ngọt bùi với gia đình nhỏ của tôi hơn bảy năm qua.
Một trời kỷ niệm bỗng hiện ra trước mắt, tôi bước vào nhà. Các con tôi sinh ra đã lớn lên trong căn nhà này. Mọi vật vẫn nguyên vẹn, vẫn sạch sẽ như thể vợ và các con thân yêu của tôi vẫn đang sinh sống ở đây. Tôi nhìn di ảnh của cha mẹ, nhìn ảnh các con. Tôi thấy chiếc xe đạp nhỏ, mấy cái cặp học trò, và nhiều nữa vẫn còn nguyên vẹn để đúng vị trí cũ. Khoảng năm phút sau tôi khóa cửa ra đi, mơ hồ nghĩ rằng biết đâu ngày sau tôi sẽ có cơ hội trở về lại chốn cũ.
Còn ít thời gian, tôi ra xe và cố gắng đi một vòng thành phố. Bây giờ là sáu giờ sáng, tôi còn khoảng một giờ để nhìn lại những cảnh cũ của phố núi. Đây là Niệm Phật Đường với tượng Đức Quan Thế Âm. Hôm nay trông Người như không vui, mà buồn. Có phải chăng Đức Từ Bi nhận ra vận nước điêu linh, thế gian sẽ khốn nguy vì cơn binh lửa? Đây là tư dinh của Tướng Tư Lệnh Phó Lam Sơn, mà đôi khi chiều về Ông hay ra ngồi trước cửa với chai rượu trên tay, uống để quên đời. Này đây là dinh của Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II. Sao nó đã mất hết vẻ uy nghiêm của một thời vang bóng?
Tôi lái vòng lên tư dinh của vua Bảo Đại ngày xưa, trông buồn hiu như một kỷ vật xa xưa. Tôi chạy thẳng lên khu Chợ Mới, mà mỗi sáng Chủ Nhật tôi đưa vợ và các con đi mua thực
phẩm về chế biến các món ăn ưa thích. Sẵn đường tôi chạy vội lên nhà thờ Phao-Lồ, nhìn thoáng qua ngôi trường, nơi đứa con đầu lòng của tôi đã đi học ngày đầu tiên. Cuối cùng, tôi lái xe vòng qua đường Hoàng Diệu, Phan Bội Châu và đến Diệp Kính, trung tâm của Phố Núi. Thế là hết, tôi đã đi thăm toàn thành phố.
Pleiku nhỏ hẹp, như đã được diễn tả trong câu hát của một bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc, “đi năm phút đã về chốn cũ”; nhưng đối với tôi, Pleiku là tất cả. Tôi quen thuộc với hình ảnh những người lính đi lang thang trên đường phố, không chủ đích, trong các bộ quân phục đủ loại, đôi khi xác sơ của những người mới từ mặt trận trở về. Họ là những hình ảnh quen thuộc, thường xuất hiện trong thành phố cao nguyên này.
Tôi đã quen hình ảnh của những đoàn xe nhà binh nối dài, chở các binh đoàn ra mặt trận, tham dự các trận đánh ác liệt tại Tây Nguyên như Ben-Het, Dakto, Tân Cảnh, Tam Biên... Nơi đây đã là nơi hội tụ của các đơn vị lừng danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mỗi khi chiến trường Tây Nguyên cần đến. Nào là binh chủng Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Biệt Kích... Họ đến rồi đi như bao lần trước.
Qua nhiều chiến dịch, tôi có dịp gặp lại những bạn đồng Khóa 20 Võ Bị của tôi như Lê Trực, Vương Mộng Long,... Trong các buổi trò chuyện tâm đắc, chúng tôi vẫn cho rằng Phố Núi Pleiku là phố của lính và tình yêu. Ai muốn gặp người mình thương thì hãy lên Phố Núi. Chưa kể Phố Núi cao phố núi đầy sương, rất lãng mạn cho những cuộc tình của các cô gái và các chàng trai lính chiến xa nhà!
Người dân địa phương ở nơi đây là những người thuộc sắc tộc thiểu số, sống trong các bảng làng heo hút, trong các khu vực đồi núi xa xôi; trong khi đa số người Kinh tập trung trong thành phố. Họ từ mọi vùng của đất nước, theo bước chân của những người lính chiến lên đây làm ăn, xây dựng sự nghiệp, và đã thành công theo ước nguyện. Đồng cảnh ngộ là những người từ tứ xứ về đây, họ sống với nhau rất hòa đồng và thân thiện. Đặc biệt, hầu như mọi người đều xem Pleiku là quê hương thứ hai thân yêu của họ. Chính tôi cũng vậy, đi đâu tôi cũng nhớ về Pleiku!
Giờ đây, tôi muốn ôm cả cỏ cây, hoa lá Pleiku vào lòng trong giây phút chia ly này. Pleiku của tôi có gió núi mây mùa, có cả quanh năm mùa Đông. Ai đã có dịp dừng gót lãng tử về với phố núi Pleiku, thì khi đi xa cho tới tận sơn lâm cùng cốc, hay phiêu bạt nơi xứ người, ai cũng đều ngậm ngùi khi nhắc đến xứ núi Pleiku. Nếu bạn không tin thì hãy hỏi bất cứ ai đã có thời gian sống ở đây. Họ sẽ giải bày tình cảm của họ về phố núi cho bạn nghe, với bao nhiêu bùi ngùi nhớ thương.
Tôi yêu Pleiku nhiều hơn nơi tôi sinh trưởng. Tôi coi nơi đây đã là quê hương thứ hai, cũng như chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ phải rời xa.
Năm 1974, tôi đỗ thủ khoa Khóa 2 Tiếp Vận cao cấp. Tại buổi lễ bế giảng, Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, và một số cơ quan truyền thông quân đội “tác nghiệp” (chuyên nghiệp) hiện diện. Sau lễ trao văn bằng tốt nghiệp cho các học viên, vị Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Điện Toán Tiếp Vận (TT/ĐTTV) trình xin Trung Tướng Khuyên rút tôi về TT/ ĐTTV. Tôi đã khẩn khoản xin ông cho tôi trở về phục vụ đơn vị cũ ở Pleiku,

bởi tôi không quen chốn phồn hoa, mà vốn dĩ chỉ quen với Tây Nguyên chân tình, nơi cư trú của những người lính chiến phong trần, nhưng giản dị, của cư dân tứ xứ hiền hòa họp lại.
Có người cho rằng Pleiku là nơi tập trung của lính “ba gai” và của những sĩ quan ngang tàng, bất mãn, không tuân theo kỷ luật. Nói vậy là tội cho Pleiku. Ở đây tôi có nhiều bạn thân, như thi sĩ Kim Tuấn, du ca Miên Đức Thắng, Trung Tá Đệ, Trung Tá Lý , Thiếu Tá Bảo Đồng,... phục vụ trong Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II. Họ xiết bao thân thiện, dễ mến và cùng yêu mến Pleiku, cũng như tôi.
Bây giờ khoảng 6 giờ 45 phút sáng ngày 6 tháng 3 năm 1975, tôi đang ở vườn hoa Diệp Kính, trung tâm Phố Núi. Tôi chỉ còn ở lại đây được thêm dăm ba phút nữa trước khi trở lại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, để được không vận về Nha Trang, làm nhiệm vụ mới. Tôi vội ghé tiệm giặt ủi lấy bộ quần áo nhà binh. Trong không khí im lặng, tĩnh mịch bất thường, tôi nghe tiếng hát của một cô bé đang nằm đong đưa trên võng, hát bài “Còn Chút Gì Để Nhớ” của Thi sĩ Vũ Hữu Định.
“Phố núi cao phố núi đầy sương, phố núi cây xanh trời đất thật buồn/ Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương/ Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông...”
Tôi đã nghe bài hát này nhiều lần, nhưng hôm nay tôi thấy bài hát này sao buồn lạ. Tiếng hát của em buồn, hay chính lòng người trộm nghe em hát đang có tâm sự buồn vì nỗi chia ly? Em có biết đâu đại họa sắp giáng lên em và cả dân tộc. Bất giác, tôi nhớ đến hai câu thơ khóc nhục mất nước của nhà thơ Đỗ Mục thời nhà Đường bên Trung Hoa:
“Thương nữ bất tri vong quốc hận Cách giang do xướng hậu đình hoa.“
Tạm dịch:
“Cô gái nước Thương không biết nhục mất nước, còn vui chi mà hát khúc Hậu Đình Hoa”
Lòng man mác buồn, tôi lái xe trở về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn. Nhìn về phía Tây là giải Trường Sơn hùng vĩ, có đèo hình yên ngựa, khiến lòng của tôi bâng khuâng khi nghĩ đến chuyện xưa. Chỉ cách đây mấy năm, cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo cùng biết bao quân nhân của Tiểu Đoàn 11 Dù đã anh dũng nằm xuống vì đại cuộc. Chếch một chút về tay phải của ngọn núi là nơi một năm trước đây Đại Tá Lê Đức Đạt, Tư Lệnh Sư Đoàn 22 BB, cùng các quân nhân thuộc cấp đã anh dũng hy sinh cho Tổ Quốc tại căn cứ Tân Cảnh.
Cũng mới đây thôi biết bao quân nhân của Sư Đoàn 22BB, SĐ23BB, Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân, Thiết Đoàn 3 Kỵ Binh, cùng với lực lượng Địa Phương Quân, Nghĩa Quân của Tiểu Khu Kontum, đã anh dũng chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng. Họ đã đem máu xương của mình bảo vệ đồng bào, tranh giữ từng tất đất yêu dấu của Tây Nguyên. Chẳng lẽ tất cả sự hy sinh trời biển của họ trở thành vô nghĩa hay sao, khi ta đang tâm bỏ Tây Nguyên và bỏ cả Pleiku mà ra đi?
Về tới Bộ Tư Lệnh, tôi vội nhập vào nhóm quân nhân thuộc Bộ Tư Lệnh Hành Quân nhẹ như đã phân chia. Chúng tôi hướng về phi trường Cù Hanh, nơi Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn 6 Không Quân đang đóng, để được không vận về Nha Trang, với nhiệm vụ phối hợp và chỉ huy các đơn vị tái chiếm Buôn Mê Thuột đang bị Cộng Quân chiếm đóng.
Khoảng 8 giờ 45 phút sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975, chiếc C130 cất cánh rời phi trường. Ngồi trên máy bay, tôi nhìn Pleiku lần cuối. Tôi nhận ra rằng tôi đã thực sự mất Pleiku. Bất giác tôi cảm thấy như có giọt nước mắt đang lăn trên má.
Sau nửa giờ bay, chúng tôi nhận được tin từ dưới đất thông báo: Cộng Quân đã tấn công Pleiku, sau khi pháo kích hỏa tiễn 122 ly dữ dội vào phi trường Cù Hanh. Quân và dân chúng Pleiku đã tan tác ùa chạy về hướng Cheo Reo, Phú Bổn để theo đại quân, bám tỉnh lộ 7B rút về Tuy Hòa. Thật vô cùng chua xót! Tình hình chuyển biến nhanh quá, ngoài dự định của chúng tôi. Khi máy bay đáp xuống phi trường Nha Trang cũng là lúc chúng tôi nhận được tin chính thức, Pleiku đã mất vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Ai nấy đều ngậm ngùi thương cảm cho Pleiku yêu dấu một thời. Tôi tự nhủ thầm,
“Mọi người, kể cả tôi, cả chúng ta đều có tội với Pleiku vì đã để mất nơi này.“
Portland, Oregon, ngày 24 tháng Giêng năm 2019
=============

 Vui Buồn Đời 81.
Phan Anh Tuấn, K26
Thật ra, đời 81 của tôi, trừ nỗi đau buồn nhất của chúng ta là ngày 30/4/1975 gãy gánh tan hàng, còn lại là buồn ít vui nhiều. Xin ghi lại để nhớ những ngày “Màu Áo Hoa Rừng”.
***
Trong số gần 180 tân thiếu úy tốt nghiệp của Khóa 26 Võ Bị, có khoảng 20 về Nhảy Dù, 3 về Nha Kỹ Thuật, và 2 về Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Tôi kể như thế để quý vị hiểu được việc chọn lựa về đơn vị này khó như thế nào.
Ngày đầu tiên về Liên Đoàn, tôi được bổ xung về Đại Đội 3/ BCND. Tôi rất thích thú khi được Trung Tá Nguyễn Văn Lân, Chỉ Huy Phó, “bốc” từ hậu cứ trại Bắc Tiến, ngã tư An Sương về căn cứ hành quân tại Suối Máu, Biên Hòa. Căn cứ này nằm về hướng Đông Nam phi trường Biên Hòa, cạnh bên kho đạn. Nơi đây là mục tiêu của Việt Cộng nên thường được hưởng pháo kích quấy rối của địch.
Đại Đội 3/ BCND là một trong những đại đội xuất sắc của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, do Đại Úy Nguyễn Phước Hải làm đại đội trưởng, Trung Úy Nguyễn Văn Sang làm đại đội phó... Các “đại bàng” của đại đội này thứ tự là Trung Tá Nguyễn Văn Lân, Thiếu Tá Phạm Châu Tài; các Trung Úy Nguyễn Ngọc Dũng, Dương Thường Ngộ...
Căn cứ vào bảng tên đeo trên ngực, mọi người có thể phân biệt các đại đội, như sau: Đại Đội 3 mang chữ đen trên nền màu tím, Đại Đội Thám Sát nền đen chữ vàng, Đại Đội 1 nền màu xanh lục, Đại Đội 2 nền màu nâu, Đại Đội 4 nền màu đỏ.
Vì bảng tên màu tím với nón bê rê xanh đen, nên có lần tôi từ Biên Hòa đón xe lam về Thử Đức, có mấy anh chàng Thủy Quân Lục Chiến, cũng nón xanh, vừa lên xe đã vồ lấy vai tôi:
- Trâu Điên về Sài Gòn hả?
Tôi biết các anh nhìn lầm vì Tiểu Đoàn 2 Trâu Điên cũng mang bảng tên trên nền màu tím nên cười cười đáp:
- 81, chứ không phải Trâu Điên.
Mấy anh chàng cũng chợt nhận ra mai đen trên cổ áo của tôi nên chựng lại:
- Xin lỗi Thiếu Úy nha!
- Không có chi. Đại Đội của tôi cũng mang bảng tím giống như của Tiểu Đoàn Trâu Điên.
Đại Đội 3 Xung Kích, cũng như các đại đội khác, có 4 trung đội. Tôi được chỉ định về Trung Đội 2, dưới quyền Trung Úy Nguyễn Khoa Thạch đang làm Trung Đội Trưởng. Tính tình của ông điềm đạm, vui vẻ, và bình dị đối với anh em binh sĩ. Tôi đã học hỏi được từ ông nhiều điều. Sau đó, tôi được Thiếu Úy Lâu Lý Pốc dẫn đi nhảy toán, “thử gió” vài lần. Lại một lần nữa tôi được rèn luyện, được trao cho những kinh nghiệm chiến đấu thực sự trong rừng rậm.
Qua những mùa học Quân Sự tại trường Võ Bị, tôi đã học một khóa Nhảy Dù, ba tuần Rừng Núi Sình Lầy, một tuần học Viễn Thám. Nhưng học tại quân trường là một chuyện, ngoài thực tế thì khác xa. Một lần tôi đi toán theo chỉ định của đại đội, sau mấy ngày bò trườn, lom khom dưới khu rừng tre dày đặc, tôi không còn biết mình ở đâu nữa. Không có suối, không đồi, không có điểm đặc biệt thì làm sao định được điểm đứng? Làm sao định vị tọa độ? Dù phi cơ L19 bay trên vùng, nhưng toán dưới đất không làm sau chiếu kính để xin chấm tọa độ giúp. Vì thế, tôi phải gọi Đại Bàng để chỉ dẫn. Qua âm thoại, tôi vẫn dùng mã số. Tuy nhiên để dễ hiểu, tôi dùng cách nói bình thường để các độc giả tiện theo dõi:
- Tôi bị lạc rồi, đại bàng cho tôi một quả pháo chỉ điểm đi. - Không được! Chỉ điểm sẽ lộ tọa độ của các toán khác. Nhưng đại bàng cũng cho bùa:
- Đi về hướng Đông thì trước sau gì anh cũng gặp con sông. Đi dọc theo sông về hướng Bắc, gặp ngã ba là biết toạ độ ngay. Tôi làm theo chỉ dẫn của Đại Bàng thì đúng y chang. Tới lúc triệt xuất, tôi báo cho trực thăng C&C biết tọa độ. Tuyệt vời! Không trật một mét. Sĩ quan BCD bay hôm đó chắc chịu tôi lắm. Ông ta đâu biết tôi có “bùa”.
Tôi về đơn vị được hơn một tháng thì một tai nạn xảy ra cho Trung Đội 2. Một anh lính trẻ không biết vì bất cẩn, hay thù oán cá nhân, hay bị địch vận làm nổ một trái lựu đạn M26 trong đêm sau phiên gác. Hậu quả là một phần ba trung đội được tải thương ra bệnh viện Tiểu Khu Biên Hòa vào lúc nửa đêm, trong đó có một viên thiếu úy trẻ, là tôi.
Ở bệnh viện, lính 81 cũng được các thương bệnh binh thương mến lắm. Tôi được một ông trung úy trước ở Lực Lượng Đặc Biệt tặng cho một mũ Green Beret chánh hiệu, rất đẹp. Các cô y tá rất dễ thương, nhưng chích Penicillin đau thấu trời xanh nên tôi thương không nổi.
Vậy mà, sau ngày 30 tháng 4 đi tù 6 năm, khi trở về ,tôi lại gặp một cô y tá ở bệnh viện Nguyễn Trãi. (Bệnh viện Phước Kiến ngày trước). Cô y tá trẻ đẹp lại mến mộ người lính Cộng Hòa, thương kẻ bại trận, đồng ý trao duyên, gởi phận. Đúng là ở hiền gặp lành. Cám ơn em, người vợ chung thủy của tôi!
Trở lại đơn vị sau hai tuần lễ dưỡng thương, tôi được chỉ định làm Trung Đội Trưởng Trung Đội 2 vì Trung Úy Thạch được tăng phái cho đại đội khác
Giống như chuyện “Tái Ông Thất Mã” (Tái Ông Mất Ngựa), trong lúc rảnh rồi, tôi vô tình xin đi bay theo một chuyến cho vui. Cùng đi với tôi có Trung Úy Đạt. Chúng tôi đã bắt sống được một tù binh Bắc Việt. Khi chúng tôi dẫn tên từ binh xuống bãi đáp căn cứ hành quân, hàng chục quân nhân BCD reo hò, túa ra xem và bắt tay tụi tôi. Tên tù binh muốn xỉu vì tưởng sắp bị hành quyết. Chúng tôi
giao tù binh cho an ninh Liên Đoàn. Tôi thấy ở đó có hai vị hình như an ninh của Quân Đoàn vừa được cử qua. Tụi tôi bèn lên câu lạc bộ hành quân để làm một tô mì gói, và một ly cà phê. Về đến đơn vị, tôi được Đại Úy Hải kêu lên, dũa:
- “Không lo trực trung đội! Nếu không có vụ bắt tù binh là ông có chuyện với tôi." Cũng may có trung úy Sang đỡ lời, vì trước khi đi tôi có Xin phép trung úy Sang.


Liên Đoàn 81 BCND do Đại Tá Phan Văn Huấn làm Chỉ Huy Trưởng, Trung Tá Nguyễn Văn Lân làm Chỉ Huy Phó. Liên Đoàn có một đại đội Thám Sát và bốn đại đội Xung Kích.
Nhiệm vụ của Đại Đội Thám Sát là “tung” các toán Thám Sát. Mỗi toán có khoảng sáu người do một sĩ quan làm trưởng toán. Toán Thám Sát xâm nhập vào mật khu của địch, mình gọi là “vùng oanh kích tự do”, để thu thập tin tức, bắt sống tù binh, quấy rối, phá hoại cơ sở của VC, hoặc chỉ điểm cho pháo binh “dập”, hay cho phi cơ oanh tạc.
Các đại đội Xung Kích, với lực lượng đông mạnh hơn, có nhiệm vụ yểm trợ các toán khai thác mục tiêu. Các đại đội cũng có các toán, nhưng thường các toán Thám Sát hoạt động ở những khu vực xa hơn và nguy hiểm hơn.
Người lính 81 BKND, mà tiền thân là Lực Lượng Đặc Biệt, rất thiện nghệ trong chiến đấu; vì thứ nhất là tình nguyện, thứ hai là được huấn luyện kỹ càng, và đa số thường là tuổi trẻ độc thân. “Các anh đi vào cõi chết như chuyện bình thường.” Những người bạn phi công trực thăng thường tâm sự với chúng tôi như vậy, trong các dịp hội ngộ sau này.
Có đưa các anh đi mới thấy phục các anh. Sau khi bay, chúng tôi trở về căn cứ Không Quân đầy đủ tiện nghi. Ngược lại, với mặt lạnh như tiền, các anh nhảy vào vùng và “tan biến” trong rừng thẩm. “Rất ngầu!”
Đại Đội 3 có các hạ sĩ quan như các Trung Sĩ Quỳnh, Thân, Tú, Đông, Thượng Sĩ Tiên. Họ là những quân nhân dày dạn kinh nghiệm chiến trường, đã giúp cho tôi rất nhiều trong những ngày tôi ở đơn vị.
Vui nhất sau những ngày xâm nhập là ngày triệt xuất! Tiếng động cơ phần phật của trực thăng từ xa bay đến, sau lần chiếu kính, phất “pa nô”, là những âm thanh tuyệt vời đối với lính 81 BCND. Những người bạn chiến đấu Không Quân đã giúp chúng tôi bay vào vùng đất địch, giờ đây họ là những Thiên Thần bốc chúng tôi rời vùng hành quân trở về với mái ấm gia đình, sau khi hoàn tất nhiệm vụ. Hết sức cảm tạ các người bạn Không Quân, nhất là các phi công trực thăng bay cho 81 vào Phước Long, những tháng cuối của trận chiến 75.
Mỗi lần triệt xuất về căn cứ nghỉ ngơi, tôi và các bạn, đa số là các hạ sĩ quan thuộc Đại Đội 3 dẫn nhau ra Biên Hùng vui chơi. Đối với một thiếu úy trẻ như tôi thì chuyện “cầm nhẫn” (nhẫn Võ Bị) để lấy tiền nhậu là chuyện hàng tháng vì lương lĩnh đâu nhiều. Đội khi cũng có chuyện trục trặc nhỏ, vui buồn tùy người đối diện.
Một buổi chiều, tôi ké xe Honda của Trung Úy Nguyễn Ngọc Dũng. (Ông thường hay bao tôi xem ci nê và uống cà phê.) Sau khi ghé Biên Hùng và trở về, đi ngang cà phê Thảo, tôi thấy hai xe Quân Cảnh bao quanh một xe của 81 BCND (có cắn antenna), có Thiếu Tá VXT nhà mình ngồi. Tôi nói với Trung Úy Dũng:
- Để tôi gặp Thiếu Tá T. xem có chuyện gì.
Tôi rẽ mấy anh Quân Cảnh đứng xung quanh và trình diện theo quân cách:
- Trình diện Thiếu Tá, tôi Phan Anh Tuấn, Đại Đội 3 BCND chờ lệnh.
Thiếu Tá VXT (sau này lên trung tá), đang mặc võ phục VOVINAM ngồi trên xe, gằn giọng cố tình cho Quân Cảnh nghe:
- Cậu về đơn vị nói với Đại Úy Thọ (sau lên thiếu tá), lấy giấy tờ tùy thân cho tôi. Toán Quân Cảnh đang hỏi tôi, dù tôi ra vào họp thường xuyên ở Quân Đoàn, ai cũng biết mặt.
Tôi quay lại nói với viên chỉ huy Quân Cảnh, là một đại úy. (Có lẽ ông có cảm tình với cô chủ quán cà phê Thảo?)
- Đây là Thiếu Tá BCND. Tôi sẽ về đơn vị lấy giấy tờ cho quý vị.
Thấy tôi mặc quân phục BCND chỉnh tề, lon lá đàng hoàng, ngoài kia lại có một trung úy với hai mai đen đang chờ nên mấy anh Quân Cảnh không hỏi gì. Nếu họ hỏi giấy ra trại thì tôi cũng gặp rắc rối luôn.
Chúng tôi chưa về tới trại thì đã có một xe Jeep và một GMC chở đầy lính 81 đem quân đi giải cứu cấp chỉ huy. Dân hai bên phố đang đứng xem một màn hành quân trong thành phố, mà không nổ súng. Quân Cảnh cũng xanh mặt, không nổ súng là may rồi. Chuyện đâu cũng vào đấy, mọi chuyện cũng xong. Giờ đây, mỗi lần gặp nhau hội ngộ, các đơn vị bạn thường kết luận:
- Chỗ nào có Quân Cảnh là mất vui. Nhưng cũng cám ơn các anh Quân Cảnh nhắc nhở giúp chúng tôi tuân theo quân kỷ một cách tốt hơn.
Về Đại Đội Thám Sát chuyên môn nhảy toán, đôi khi tùy theo nhu cầu của Liên Đoàn, cũng tăng cường các toán. Toán Thám Sát của Chuẩn Úy Vinh khám phá một kho tàng với hàng chục hầm dự trữ súng đạn của Việt Cộng, đủ trang bị cho cả trung đoàn. Liên Đoàn đã tung Đại Đội 3 và 4 cùng vào để khai thác mục tiêu.
Suốt chiều hôm đó, hai đại đội phối họp vừa tiêu diệt các toán Việt Cộng đang bảo vệ, một mặt di chuyển các vũ khí gồm: thượng liên, trung liên, v.v... ra bãi trực thăng để chở về Quân Đoàn. Đã có một số anh em Đại Đội 4 bị tử thương vì một hầm thuốc nổ bị kích hỏa.
Các đại đội được lệnh triệt xuất khi chiều xuống. Số chiến lợi phẩn còn lại sẽ bị phá hủy. Đại Đội 4 được lệnh rút đầu, Đại Đội 3 đoạn hậu. Trung đội của tôi được lệnh đi sau cùng. Tôi và một thiếu úy Công Binh đặt những khối thuốc nổ và dây chuyền nổ. Công nhận mỗi binh chủng có những chuyên môn riêng, viên thiếu úy và một hạ sĩ quan Công Binh đã cột những khối TNT và dây chuyền nổ rất thiên nghệ và nhanh chóng. Tôi vội bảo anh ta:
- Thiếu Úy đừng lo, có nguyên một trung đội BCND đang bảo vệ thiếu úy đây.
Sau khi cài xong, thiếu úy Công Binh cho tôi biết đã hoàn tất, tôi ra lệnh rút quân và cho kích hỏa dây cháy chậm. Chúng tôi chạy như điên theo dấu mòn của Đại Đội vừa di chuyển qua. Chạy một hồi tôi thắc mắc:
- Sao không nghe tiếng nổ gì cả???
Vừa nghĩ đến câu hỏi đó thì hàng chục tiếng nổ rít xé gió của đạn pháo binh bay qua chúng tôi. T.O.T., pháo tập trung bắn vào vùng chúng tôi mới vừa rút. Trời ạ! Lúc đó, trung đội của tôi chạy bất kể gai góc, càng xa càng tốt. Tôi đã nghe tiếng nổ phụ từ vùng mình vừa thoát ra. Di chuyển suốt đêm, Đại Đội ra lệnh cho tôi gài thêm mấy trái mìn cóc trên đường rút lui.
Trời tối như mực, giơ bàn tay không thấy. Tôi lại được lệnh lấy lá cây mục sáng như lân tinh gài trên ba lô người đi trước. Cả đoàn quân trở thành đoàn đom đóm chập chờn. Đến sáng, chúng tôi đến bãi đầm nước sâu tới lưng và được bốc về căn cứ.
Sau vụ khám phá kho tàng lớn lao đó, như được mùa, Liên Đoàn nhảy vào chỗ nào cũng vớ được những kho tàng, kho gạo. Một số thì ta tịch thu, còn lại thì phá hủy tại chỗ. Đó là những ngày tháng cuối năm 1974.
Trận Phước Long.
Liên Đoàn 81 thả vào trận địa hai đại đội. Hai đại đội còn lại sẵn sàng cho đợt hai. Lúc đó, Đại Đội 3 đang hành quân ở phía Nam Tân Uyên, thành Đại Nam thì được lệnh tập trung chuẩn vị về căn cứ hành quân để vào Phước Long, đợt hai. Chiều hôm đó, ở Đại An, Tân Uyên, tôi đã chứng kiến hợp đoàn trực thăng, vài chục chiếc bay ngợp trời chuyển Biệt Cách Dù vào Phước Long.
Về căn cứ hành quân Suối Máu, hai đại đội sẵn sàng xuất trận thì vài ngày sau có lệnh hủy bỏ kế hoạch hành quân và chuyển sang kế hoạch rescue (cứu cấp), vì Phước Long đã bị mất. Trước đó, hai đại đội BCD nhảy vào Phước Long đã cùng với quân trú phòng đại chiến kịch liệt với quân Bắc Cộng, nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ”, với một chọi mười, tỉnh này đã bị VC tràn ngập. Một lần nữa với kinh nghiệm thoát hiểm trong rừng, dù chỉ còn 1/3 quân số, BCD vẫn thoát được. Họ còn dẫn dắt thêm một số đơn vị bạn và thường dân ra tới ven rừng ngoài Phước Long và đã được trực thăng tiếp cứu ”bốc” về.
Như những nhận định quốc tế, trận Phước Long được coi như một ván bài để Cộng Sản Bắc Việt thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ, để mở trận tổng tấn công năm 1975.
Sau trận Phước Long, Liên Đoàn 81 BCND được tổ chức lại. Các đại đội biến đổi thành các Biệt Đội. Một Biệt Đội, như một liên đoàn thu nhỏ, gồm một trung đội Thám Sát, và bốn trung đội Xung Kích. Đại Đội 3 thành Biệt Đội 813, do Trung Úy Lại Đình Hợi, Khóa 25 Võ Bị và cũng là một Thiếu Sinh Quân, làm Biệt Đội Trưởng. Dĩ nhiên, ông rất nghiêm chỉnh và kỷ luật. Biệt Đội có các thiếu úy Việt, Ánh, Chuyên, Tuấn, Ngọc, v.v...
Lúc này tình hình các mặt trận rất căng thẳng nên Liên Đoàn được lệnh di chuyển lên Tây Ninh vì nghi ngờ Bắc Cộng từ bên Miên sẽ chiếm Tây Ninh làm bàn đạp tiến về Saigon. Các toán được thả dọc theo biên giới Miên Việt, mật khu Mỏ Vẹt. Tôi đã dẫn một toán lên đường theo kế hoạch.
Buổi chiều, trực thăng bay rất cao đưa toán vào rừng. Khi đến nơi, trực thăng xoay vòng như chiếc lá rơi. Hợp đoàn trực thăng đã bay thật thấp trên rặng rừng tre và bất đầu xạ kích. Lúc đó chiếc trực thăng chở toán bay tách ra thả các toán ở vị trí khác, cách khu vực xạ kích cỡ cây số. Đây là một cách nghi binh của hợp đoàn trực thăng đánh lừa địch. “Dương Đông Kích Tây.” Trong nháy mắt, vừa chạm chân xuống đất toán đã lủi nhanh vào rừng sâu. Như thường lệ, toán luôn luôn được thả vào buổi chiều để có đủ thời gian tan biến vào rừng, khi màn đêm buông xuống. Đêm đó, tụi tôi nằm trong rừng sâu và nghe tiếng chó sủa, tiến báo hiệu canh chừng của Việt Cộng đi săn lùng Biệt Kích ở khoảng xa, nơi hướng trực thăng xạ kích hồi chiều.
Sau mấy ngày đêm lần theo dấu địch để thâu thập tin tức, gần sáng thì trở lại rừng và luôn thay đổi vị trí quan sát, chúng tôi khám phá ra tiếng xe tăng gầm rú khi chiều xuống. Chúng tôi áp sát mục tiêu thì thật ra là do tiếng máy cày, xe be kéo theo mấy thùng phi không, ngụy trang xe tăng. Với tin tức thâu thập cùng các báo cáo của các toán khác, Quân Đoàn nhận định Cộng Sản Bắc Việt không có xe tăng đánh vào hướng Tây Ninh, chủ lực quân của địch không có ở mặt trận này nên rút toàn bộ Liên Đoàn 81 về Biên Hòa.
Những ngày cuối tháng 4, trước đây Biệt Đội 813 trấn thủ ở Xóm Chàm, nay di chuyển vế tăng cường Tòa Tỉnh Trưởng Tây Ninh. Vào những ngày tháng cuối, Biệt Đội 813 mất liên lạc với Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn. Vì thế, sáng 30 tháng 4, Biệt Đội 813 cùng Trung Đoàn 49 của Sư Đoàn 25 Bộ Binh, của Trung Tá Khoa, rút về Sài Gòn để tử thủ.
Đến trưa, chúng tôi nghe Tướng Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng qua radio, nhưng Biệt Đội 813 vẫn di chuyển cặp theo sông Vàm Cỏ xuôi về Nam. Đến chiều, chúng tôi gặp các chốt chặn của Việt Cộng dày đặc nên đành phải ra đường lộ, trút bỏ tất cả vũ khí. Ngay trong đêm hôm đó, toàn bộ Biệt Đội lẫn lộn trong đoàn quân gãy súng tản mác về quê quán, về Sài Gòn.
Giờ đây ở xứ sở tự do, tôi có dịp gặp gỡ các chiến hữu của Liên Đoàn 81 BCND/ Lực Lượng Đặc Biệt, qua các cuộc họp mặt “Chính Nghĩa năm 2009”, “Kỷ Niệm 5 năm Thành Lập GĐ81BCD và Lực Lượng Đặc Biệt/ Houston – Texas năm 2013”, mới đây ‘Một Thời Chinh Chiến” năm 2017. Tôi rất mến phục những chiến hữu trong Ban Tổ Chức: các BCD Nguyễn Văn Đại, Đoàn Đình Nga, Nguyễn Trọng Hiếu & Bích Phượng, Trần Thanh Hà, Trương Văn Út; các LLĐB Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Đình Thành, v.v... đã không ngại gian khổ tổ chức các đại hội, các buổi họp mặt định kỳ để cho “những cánh hoa dù” từ phương xa hàn huyên tâm sự. Rất trân trọng sự hy sinh của quý anh chị.
Trải qua cuộc bể dâu, bị vùi dập trong các trại tập trung của Cộng Sản “để trả thù chứ không phải cải tạo”, chúng ta với tinh thần Biệt Cách Dù, vươn lên từ địa ngục của Cộng Sản, được ơn trên che chở đến bến bờ Tư Do - Dân Chủ, tôi đã gặp các chiến hữu BCD, dù phong sương cằn cỗi, dù khắc khổ chậm chạp, các anh đã vượt lên trên nỗi đau. Tôi vẫn thấy Đại Tá Huấn điềm đạm, nhân hậu như xưa. Tôi vẫn thấy các Trung Tá Lân, Thông kiêu hùng như: “Người Tình Không Chân Dung”; vẫn còn đây “sói cô đơn” Thiếu Tá Nguyễn Sơn, Chỉ Huy Trưởng Bộ Chỉ Huy 2 Chiến Thuật. Dù anh đã “giã từ vũ khí”, nhưng dấu ấn của anh với đồng đội còn rất sâu đậm. Tôi không quên nhắc đến Thiếu Tá Hùng; các Đại Úy Hải, Ngộ, Hợi; Trung Úy Cao... Các anh lúc nào củng là Đại Bàng của tôi.
Vẫn còn đây “DANH DỰ & DŨNG CẢM”, châm ngôn của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù.
Florida, Hurricane Season 2018. BCD 813
GHI CHÚ:
- Đại Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn 81 BCND, Khóa 10/ TVBQGVN.
- Trung Tá Nguyễn Văn Lân, Chỉ Huy Phó Liên Đoàn 81 BCND, Khóa 17/ TVBQGVN.
- Trung Tá Nguyễn Xuân Thông, Chiến Đoàn Trưởng BCND, Khóa 17/ TVBQGVN.


 Giấc Mơ Trâu Ngựa.
Phạm Kim Khôi, K19
Sau khi chiếm hết Việt Nam
Việt Cộng từng bước cúng luôn cho Tàu Cộng Sản chúng nó nuốt nhau
Trung Cộng Việt Cộng bấy lâu ngấm ngầm
Thằng cướp bảo thằng nạn nhân Danh xưng đất Việt bay lầm đất tao Việt Cộng phản ứng thế nào
Một bầy nô lệ kéo nhau qua Tầu
Linh Duẫn Đồng cốt ngựa trâu
Thành Đô hiệp định ký mau lệnh truyền Việt Nam chỉ là một miền
Lãnh thổ tự trị không còn quốc gia
Từng bước đã hiện rõ ra
Từ Nam chí Bắc Tàu qua cắm dùi Nhân Dân Tệ xuất hiện rồi
Tám tỉnh biên giới phải tiêu tiền Tầu
Ba đặc khu dọn trước lâu
Đầu Giữa Cuối nước cho Tầu tự tung Địa tô ngoài mặt sau lưng
Phát triển kinh tế ém quân sẵn sàng
Đợi ngày tràn ngập Việt Nam
Nội ứng ngoại nhập dương luôn cờ Tầu Đảng Việt Cộng chúng mày đâu
Giấc mơ trâu ngựa bấy lâu tất thành.
 60
Đa Hiệu 116

 ĐÊM LÂM VIÊN HOA THỊNH ĐỐN
TRẢ TA SÔNG NÚI
TeaLan, k26/1
Đã chừng khoảng tám năm tôi mới đi lại con đường xuyên bang ở miền Đông này, con đường huyết mạch nối liền nhau cho từ Nam lên Bắc. Khí trời đã vào Xuân,
những rừng cây hai bên đường đã có nhiều lá non vội vàng chớm mọc. Nhìn những đồi thông thanh bình trên xứ người tôi buột miệng thốt lên lời cảm xúc, quá đẹp, quá tình. Lên đồi, xuống đồi, cây thông trùng trùng điệp điệp hai bên đường. Rừng không âm u, không rậm rạp với những gốc thông phủ đầy màu lá úa của nó tạo thành khoảng cách nhỏ vừa đủ cho lối đi, như ngăn nhau. Những cây thông mọc thẳng, rắn rỏi, kiêu hùng nhưng duyên dáng và rất lãng mạn. Hoàng hôn đang xuống, hình như có dáng ai lang thang trong rừng thông để lắng nghe tiếng thông reo vi vu theo gió. Anh nói, “Nhớ Đà Lạt quá.” Nhớ Đà Lạt mà mấy ai không nhớ tới Trường, mấy ai không nhớ tới Đêm Lâm Viên của những chàng Sinh Viên Võ Bị.
Cứ mỗi năm, sau mùa tuyết rơi vào khoảng giữa tháng Ba,
 Đêm Lân Viên Hoa Thịnh Đốn 61

theo thường lệ Hội CSVSQ Hoa Thịnh Đốn đều có tổ chức Lễ Đêm Lâm Viên. Trả Ta Sông Núi là chủ đề cho chương trình ca vũ nhạc cho năm nay, do Hội Phụ Nữ Lâm Viên và đoàn THNĐH đảm trách.
Là khách ở xa nên chúng tôi đến trước xứ Rừng Phong một ngày, tới ở nhà của một anh bạn cùng khóa. Nhà anh chị Tốt - K26, ở vùng ngoại ô trên một mô đất cao rộng hơn hai mẫu, đẹp và lớn có một phòng dành riêng thờ các vị chư tôn Phật. Chị Thủy xin nghỉ làm vài ngày để cùng chồng tiếp đãi thân mật với vợ chồng tôi và một anh Khóa 25 từ Cali sang. Mặc dù có nhiều việc phải lo nhưng anh chị lúc nào cũng cùng với ba người chúng tôi luôn bên nhau, nên tất cả đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ và ấm cúng trong tình hiếu khách của anh chị.
Đêm Lâm Viên được cử hành trong một nhà hàng khá lịch sự với số khách tham dự trong đêm nay gần 400 người. Một con số kỷ lục! Chưa có một Đêm Lâm Viên nào mà số người ghi danh quá đông như lần này, khiến ban tổ chức phải thông báo ngưng nhận thêm quan khách.
Bước vào nhà hàng, đầu tiên chúng tôi thấy một họa sĩ tài ba, anh Đỗ Ngọc Châu K25, đang treo tranh của anh vẽ lên tường. Đây là lần thứ nhì tôi rất vui khi gặp lại anh Châu cũng với tranh của anh ấy vẽ trong kỳ Đại Hội XVIII năm 2012. Giờ đây, tôi còn nhớ tranh của anh với chủ đề Đáp Lời Sông Núi. Cũng với vóc dáng ấy luôn với miệng cười thân thiện và dễ mến. Làm sao quên được một người mà chúng tôi mến mộ, mặc dù hồi đó tóc anh chưa trắng như bây giờ. Hình lần này mà anh đang treo là hình vẽ những chàng CSVSQ trong 8 giai đoạn thời gian khác nhau. Tôi chọn đứng giữa hai hình trong khoảng thời gian 1965-1975 để chụp ảnh với chàng CSVSQ thủ khoa oai phong đang giương cung bắn đi bốn hướng.
Trong đêm hôm nay, chúng tôi gặp lại gần như đầy đủ các anh chị trong Hội VB Hoa Thịnh Đốn và vùng phụ cận. Tôi thấy các anh các chị tất cả đều vui vẻ với nhau, thấy tất cả đều
 62 Đa Hiệu 116

cùng có trách nhiệm cùng bắt tay nhau chung lo cho Đêm Lâm Viên của địa phương mình được hoàn hảo. Tôi gặp lại các chị trong Hội Phụ Nữ Lâm Viên đang lo âu tập dợt lại những màn sắp trình diễn cho buổi văn nghệ đêm nay. Chúng tôi gặp lại anh chị Lân K17. Lần này chị Lân đi phải chống gậy vì chị đã bị té gãy xương chân từ mấy tháng trước. Tôi gặp lại anh chị Đán K18, mà lúc nào cũng luôn bận rộn. Tôi gặp cả anh chị
Từ trái sang phải các CSVSQ khóa 26 cùng phu nhân: Ngô Tùng Lương, Nguyễn Thiện Nhơn, và Huỳnh Văn Tốt.
Lượng, cùng Khóa 28 nhoẻn miệng cười. Tôi còn gặp nhiều “Hiền Tỷ” nữa, nhưng ai cũng có vẻ lo lắng cho buổi diễn xuất nên tôi chỉ dám chào hỏi thôi chớ không có thì giờ tán chuyện mênh mông. Chúng tôi ngồi cùng bàn với các anh chị phóng viên Báo Chí và Đài Truyền Thanh Truyền Hình tại đây. Lần đầu tiên chúng tôi gặp anh Ngọc, K30 là phu quân của ca sĩ Hiếu Thuận. Một đôi vợ chồng trẻ dễ thương của Võ Bị!
Đến giờ khai mạc, nghe tiếng phát ra từ phía sau bàn tôi ngồi: “Mấy ông Võ Bị luôn luôn làm đúng giờ.” Tôi quay lại chắp tay cám ơn những người trong ban tổ chức. Tiết mục đầu tiên là tất cả các CSVSQ mặc quân phục lập đội hình bước lên sân khấu cùng với các chị Phụ Nữ Lâm Viên trong đồng
  Đêm Lân Viên Hoa Thịnh Đốn 63

phục áo dài màu vàng cùng hát bài Võ Bị Hành Khúc. Kế tiếp là bài Trả Ta Sông Núi. Dường như toàn khán giả đang lắng dần trong không khí im lặng để chào đón tiết mục lôi cuốn và xốn xang lòng người này. Kế tiếp nữa là màn ca nhạc cảnh Hội Nghị Diên Hồng như để yểm trợ phong trào đấu tranh của đồng bào trong nước. Tiếng trống, tiếng kèn cùng với lời kêu gọi... nên hòa hay nên chiến... tiếng dân hô từ nam phụ lão ấu... quyết chiến... hy sinh... vang lên. Đó là câu đồng thanh trả lời sau cuộc trưng cầu dân ý, sau cuộc triệu họp của vua Trần Thánh Tông tại kinh thành Thăng Long muốn biết lòng dân nên đánh hay nên hòa. Tôi không nín cười được nghe tiếng ai đó trong phía khán giả ngồi phía sau tôi nói... “Đánh cho chết cha tụi nó đi.”
Tiếp chương trình có bài họp ca “Nhớ Mẹ” do bốn anh em trai, thành viên của TTNĐH có cha là cố CSVSQ cùng khóa với tác giả Tướng Lê Minh Đảo. Một tiết mục thật xuất sắc làm khán giả bùi ngùi xúc động không ít. Còn nhiều tiết mục khác cũng do các nghệ sĩ cây nhà lá vườn, chồng Võ Bị, vợ Võ Bị, cùng con của Võ Bị liên tục. Họ đã trình diễn không thua bất cứ ai.
Đứng trước nguy cơ nước ta bị giặc Tàu xâm lược từ phương Bắc, để thể hiện tình đoàn kết chống giặc ngoại xâm của dân ta hiện nay, chương trình được kết thúc bằng lời ca tiếng hát của ban nhạc cùng với khán giả hòa nhau, tay vung tay vẫy cờ vàng ba sọc đỏ khắp hội trường đồng ca bài “Thề Không Phản Bội Quê Hương”!!!
Chương trình văn nghệ đêm nay đã mang lại cảm xúc vui tươi, hào hứng. Mọi người được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc do các CSVSQ, các chị trong Hội Phụ Nữ Lâm Viên và thế hệ tiếp nối Thanh Thiếu Niên Đa Hiệu cùng dàn dựng và biểu diễn, thể hiện tính năng động sáng tạo chứng tỏ tinh thần đoàn kết và hợp tác theo truyền thống của Trường Võ Bị.
 64 Đa Hiệu 116

Ảnh chụp năm 1968 khi học bài vượt sông tại trung tâm huấn luyện Quang Trung . Tôi còn nhớ , lúc đó tôi vác cây Garant M-1 ko nổi vì tôi nặng khoảng 45 kí .
Hình 2 : chụp lúc mang lon chuẩn hay thiếu úy , chụp tại nhà Đỗ thành Nhân quận 4 Sài Gòn .

Phụ nữ VN trong chiến tranh .
Hình 1 : trong một cuộc hành quân , cô gái này lúc đầu bị nghi ngờ là VC , sau đó được thả ra .




DAKTO VÀ TÂN CẢNH


























DakTo – Đêm Cuối Cùng – Một Thời Để Nhớ

Tác giả: Trang Y Hạ
Toán công tác chúng tôi đang công tác tại xã Tri Lễ, trên tỉnh lộ 512 cách phi trường Phượng Hoàng DakTo 2, chừng 3 cây số, thì được lệnh rút về xã Tri Tạo – gần Võ Định.
Xin nói rõ: Từ KonTum theo QL 14 đến… Võ Định – Tri Đạo – Kon Trang Lang Loi – Konhơnong – Konhơring – Diên Bình – DakRao – Tân Cảnh. Đoạn đường dài khoảng bốn mươi sáu cây số. Từ Tân Cảnh đi tiếp cũng theo QL 14 lên quận DakTo mười hai cây số.
Từ Tân Cảnh quẹo trái vào tỉnh lộ 512 – lên dốc dựng đứng, ngang qua Trung Đoàn 42- Phi trường Phượng Hoàng hay còn gọi là DakTo 2. Đi tiếp đến xã Tri Lễ “xã Dinh Điền”- cầu DakMót vào tiền đồn Ben Hét hay còn gọi là: đồn Bạch Hổ, khoảng hai mươi mốt cây số. Nơi đây là ngã ba biên giới “Việt- Miên- Lào”, gần đường mòn Hồ Chí Minh. Con đường huyết mạch của Cộng quân.
Chúng tôi về xã Tri Đạo thì đã có lực lượng pháo binh và Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 2 Dù lập công sự phòng thủ tại cầu Tri Đạo rất kiên cố. Tri Đạo là một xã “Dinh Điền” thành lập vào năm 1957, theo chính sách Dinh Điền của tổng thống Ngô Đình Diệm.
Dân số khoảng 3000 người đa phần ở Quảng Tín, Quảng Nam và Bình Định gồm 3 Thôn; nhưng Thôn 3 Bình Định – một phần bỏ đi nơi khác từ năm 1965 do cộng quân tấn công DakTo, chiếm Tri Đạo cắt đứt QL 14 trong thời gian gần hai tháng. Chúng tôi cùng với ông Xã Trưởng. Đơn vị Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ cùng người dân trong xã canh giữ, đề phòng cộng quân ban đêm xâm nhập vào xã quấy phá…Hơn hết là dựa vào sự yễm trợ của đơn vị lính Dù. Không khí chiến tranh bao trùm rừng núi, tiếng gầm thét của pháo binh của máy bay suốt ngày đêm…
Tết âm lịch cổ truyền đến! Người dân trong xã vẫn đón tết trong không khí tưng bừng! Bánh trái…vui chơi như: Muá lân, bài chòi, văn nghệ cây nhà lá vườn trong ba ngày xuân…! Tổ chức “Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ!”, xã mua một con bò, còn người dân ai có gì góp nấy: Bánh tét, bánh ú, mứt, trà, thuốc, rượu…gồm hai bao tạ vắt lên hai bên hông con bò! Chuẩn bị đi chúc tết!
Ông xã trưởng và các vị thân hào, chức sắc mặc áo dài khăn đóng cùng chúng tôi, dẫn con bò chở hai bao qùa bánh ra bộ chỉ huy Lữ Đoàn Dù “ Mừng Xuân ”! Thề hiện tình quân- dân… Đời lính xa nhà! Nhìn món quà xuân… ngồ ngộ! Sau những cái bắt tay, đôi mắt các anh người nào cũng đỏ hoe!
Tình hình chiến sự càng ngày càng xấu, khi căn cứ “Charlie” sau một thời gian cầm cự…Ngày 14.4.1972 đã thất thủ! Tin anh “Nguyễn văn Đương – Nguyễn đình Bảo” cùng những người lính Dù tử trận! Mọi người ai cũng buồn, lo lắng và có ý định di chuyển về KonTum. Tin từ DakTo và Tân Cảnh bị cộng quân pháo kích, nỗi lo sợ càng tăng thêm vì người ta quá biết – chỉ có một con đường QL 14 độc đạo nếu bị chặn thì chịu chết!
Chiều ngày 24.4.1972. Lúc 4 giờ, tôi có mặt tại nhà. Cha tôi nói:
-Tụi nó pháo kích vào Trung Đoàn 42 mấy ngày nay, còn sáng nay cha ra sau vườn thấy một toán lính nó bảo:
-Cụ vào nhà đi, đêm nay và ngày mai đừng ra ngòai !
Cha không nhận biết lính của ai? Hay mấy chú Nghĩa Quân đi gài mìn cũng không biết nữa!
Cha tôi đem hai xị rượu thuốc bày ra trên nền sân tráng ciment.
Cha tôi nói:
-Uống chút với cha, nửa năm nay con mới về nhà. Nhớ, đêm nay con xuống Đồn mà ngủ, đừng ở nhà. Cha linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành…!
Khi uống xong ly rượu cuối cùng. Tôi và cha tôi đếm đi đếm lại cây bông hồng trước sân – Cây bông hồng nở vừa đúng 24 cái!
Bảy giờ tối, tôi có mặt tại đồn nghĩa quân bên dòng sông Dakpsi hiền hòa vì mùa khô nước cạn. Tôi gặp lại những người bạn đi phép về thăm gia đình, đến tối thường ra đồn ngủ cho an toàn, nếu có chiến sự thì chiến đấu luôn thể.
Đạn pháo từ Tân Cảnh dội về nghe rất rõ. Trung Đòan 42 – Tân Cảnh bị cộng quân tấn công ánh lửa sáng rực một góc trời.Tất cả mọi người đều yên lặng để theo dõi tin tức qua máy truyền tin “PRC 25″
-Người âm thoại viên nói:
-Em không liên lạc với chi khu DakTo!”
https://i1.wp.com/hoiquanphidung.com/userupload/hqpd/DakTo1967_1444755126.jpgDakTo
Thiếu tá Lò văn Bảo, quận trưởng quận DakTo. Người anh hùng của chi khu – tiền đồn heo hút giờ nầy ra sao? Tôi thật sự lo lắng! Với tôi, Thiếu Tá Bảo – ngoài một số công tác, còn có một chút kỷ niệm về ông.
Đêm nay, trong cái đồn nghĩa quân nhỏ bé bên dòng sông nầy hầu như không một ai nói đến chuyện đi ngủ…
Càng về sáng tiếng nổ càng ít dần và các đám cháy vẫn còn nghi ngút khói… Nhưng có một điều chúng tôi không hiểu là tại sao không có chiếc máy bay B 52 nào đến bỏ bom? Cũng không có máy bay phản lực nào bay đến oanh kích…? Hình như có vài chuyến bay – bay vòng vòng thị sát rồi cũng mất hút!
Chín giờ sáng ngày hai mươi lăm chúng tôi vẫn còn ở trong đồn, chưa dám về nhà, bởi không thấy ai từ Tân Cảnh chạy về báo tin sống, chết như thế nào. Thì có một bà mẹ già đến báo:
-Cộng quân chặng đường ngay đầu thôn 1 – không thể đi xuống làng Konhơring được nữa!
***
Lực lượng mở đường gồm có: 1 Trung đội nghĩa quân; 10 CB/XDNT; 20 NDTV Ấp; Lính về phép 10 người. Vũ khí gồm có: Súng cá nhân M 16, Carbine, 2 cây trung liên và 2 cây súng phóng lựu M 19 và lưu đạn.
Vì dân địa phương nên rành địa hình, chúng tôi cho người mò về thám thính và được biết phiá sau vườn chuối gần xóm nhà tôi chạy dài ra sông Dakpsi, cộng quân bố trí nhiều súng phòng không và những cột truyền tin, đào hầm hố có vẻ bám giữ lâu dài. Về quân số có thề cấp Tiểu, hoặc Trung Đoàn. Chúng giữ dân trong nhà bắt xuống hầm trú ẩn nên chúng tôi dành chịu.
Tuy nhiên chúng tôi cũng tổ chức tiến công áp sát và khiêu chiến đến 2 giờ chiều nhưng không hiệu qủa. Chúng tôi rút về sân vận động gần giữa thôn1, xã Diên Bình nghỉ ngơi! Chúng tôi có 3 người bị thương nhẹ.
***
3 giờ chiều 25.4.1975. Anh em chúng tôi thấy một toán lính Trung Đoàn 42 đi xuống. Người đi dầu đến sân vận động gặp chúng tôi.
Người thiếu tá nói:
-Trung Đoàn 42, thất thủ trong đêm hôm qua số anh em thoát ra được phải về KonTum gấp. “họ” sẽ đuổi theo chúng tôi.
-Phải về KonTum gấp, các anh đi theo không?
Tôi nói:
-Cộng quân chặn đường, chúng tôi cố mở từ sáng đến giờ nhưng không được.
Người thiếu tá nói:
-Tôi đi đường vòng!
Địa hình Thôn 1 Diên Bình – lưng dựa dòng sông DakpSi, trước mặt là đồng ruộng mênh mông chen lẫn những gò mối và đồi cỏ thấp. Chạy thẳng đến chân của ngọn núi – thường gọi là đỉnh cao “ngàn lẻ một” trong bản đồ hành quân. Do đó chúng tôi và lính còn lại củaTrung Đoàn 42 băng ruộng đi bọc xuống làng Konhơring.
Tôi ước tính, lính trung đoàn còn lại chừng 200 người. Súng cá nhân còn đủ, 3 xe bọc thép M 113 chở người bị thương. Trên nét mặt mọi người không hốt hoảng, nhưng đăm chiêu, không ai nói với ai lời nào. Tôi theo họ xuống làng Konhơring -Từ Diên Binh xuống Konhơring 3 cây số. Những người lính lầm lủi đi vào rừng…tôi nhìn theo đoàn quân bị “bức tử” mà nghe trong lòng đau nhói! Sau này tôi được biết toán quân về KonTum bằng an!
Tôi đi vào làng Konhơring lúc nầy đã hơn 4 giờ chiều nhưng bầu trời còn sáng tỏ. Sở dĩ tôi không theo họ vì tôi nán lại chờ tin tức người thân
Phi Trường Kontum
***
5 giờ chiều. Tôi vẫn đứng như trời trồng tại ngã ba Konhơring, trong lòng ngổn ngang trăm mối, nếu đêm nay trở về chỗ cũ thế nào cũng bị bắt, còn không thì sáng mai buộc phải về KonTum. Bỗng dưng như một phép lạ! Đoàn người dân từ Tân Cảnh, Diên Bình, DakRao…ào ào kéo xuống. Người khỏe cõng người bị thương, phụ nữ bồng bế con thơ, người già tựa vào người trẻ – lê lết, thất thểu đi trong nắng chiều! Trong đó có Cha Carat – Linh Mục thừa sai Paris – cha chánh xứ họ đạo Diên Bình và một ít lính Trung Đoàn 42.
Tôi gặp đứa em gái thứ sáu trong đám người đó. Nó còn quá nhỏ không biết gì hơn ngòai những giọt nước mắt tuôn rơi!
Làng Konhơring nhỏ xíu, số người di tản quá đông…,ngưòi ta nằm la liệt ngoài đường, trong nhà thờ, trong bệnh viện do các nữ tu quản lý. Họ cứu chữa những người bị thương, lo ăn uống. Tiếng kêu khóc tìm cha mẹ, vợ chồng, anh em, con nít lạc nhau trong lúc chạy hoặc còn kẹt ở lại ở nhà…!
Đoàn người tiếp tục chạy xuống, đến 8 giờ chấm dứt. Nỗi lo lắng là đêm nay cộng quân có pháo kích hoặc đến bắt dân đi vào rừng?
Trung Đoàn 42 chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh nay đã tan rã! Không còn ai nữa để bảo vệ! Người dân như rắn mất đầu không biết trông cậy vào đâu! Tuy vậy, họ vẫn bất chấp nguy hiểm, tánh mạng, bằng mọi cách chạy về vùng Quốc Gia.
Họ chỉ còn lời cầu nguyện mà thôi!
Mười giờ đêm. Hàng loạt tiếng nổ và ánh lửa lóe sáng hướng Tân Cảnh và sông Dakpsi, dội về làng Konhơring đinh tai điếc óc! Tiếng dội của bom chấn động dù hai tay bịt cứng lỗ tai, mọi người điếng hồn, hoảng loạn. Tiếng kêu khóc vội vã chạy ra khỏi nhà thờ, bệnh viện!
Sau 10 phút trôi qua mọi người ngơ ngơ, ngẩn ngẩn tìm nhau như những hồn ma quờ quạng trở về dương thế!
Tôi và những người lính thì không lạ gì tiếng bom B52. Do đó không ngạc nhiên.
Nhưng ngạc nhiên là: Tại sao mấy đêm trước không thấy B 52 thả bom cứu Trung Đoàn 42…???
***
Konhơring – 5giờ sáng ngày 26.4.1972. Dân chúng vội vã chuẩn bị lên đường về thị xã KonTum. Cha xứ Carat người Pháp – chánh xứ Diên Bình dẫn đầu “con chiên” ngang nhiên đi trên QL 14. Khi đi vừa đền khúc quẹo làng Konhơnong, Cộng quân đã chốt chặn ở đó để đón lỏng – Làng Konhơnong cách Konhơring 3 cây số – cha Carat bị bắt! Dân chúng nhất là các chị và các bà xúm nhau khóc lóc năn nỉ…
-Xin các ông “giải Phóng” đừng có bắt ông Cha của chúng tôi!
nhưng cộng quân không chịu và còn giữ luôn những người này vì tội chạy theo “Mỹ Ngụy”!
Tốp đi sau nghe tin dữ – vội vã tháo chạy ngược về Konhơring thông báo cho những tốp đi sau biết:
-Cộng quân chặn đường ở làng Konhơnong, không cho dân chạy xuống xã Tri Đạo về KonTum!
Như vậy:
Trước sau đều thọ địch!
Không oan gia nhưng lại gặp ngõ hẹp…! Nghe tin sét đánh tôi bàng hoàng – như vậy chỉ còn một cách là băng rừng…
Tám giờ sáng. Đoàn người kéo nhau vào rừng.
Tôi nấn ná lại chờ xem có ai xuống để hỏi thăm tin tức gia đình. Chín giờ sáng dân chúng còn ùa xuống trong số đó có mẹ các em gái và một cháu gái sáu tháng tuổi. Hai mẹ con từ xa về thăm bị kẹt lại.
Cha tôi bị Cộng quân bắt đi vô rừng – Sau này có người cho biết ông trốn về tìm vợ con và bị bắn hoặc vướng mìn chết ngay trên đám đất của ông.
Người con đỡ đầu của cha tôi chôn cha tôi và anh cũng bị bắt làm tù binh. Sau 1975 anh đi cải tạo. Gia đình hiện định cư tại Hoa kỳ .Từ Konhơring xuống Tri Đạo tính theo đường bộ khoảng 30 cây số, nhưng đi đường rừng thì vô cùng nguy hiểm…đối với người dân thường!
Tôi đi vào rừng sau cùng nên không theo kịp đoàn người dân đi trước rẽ hướng nào? Nhóm còn lại theo tôi có: 2 Sĩ quan Trung Đoàn 42, vài ba gia đình người Thượng, một số ít người Kinh và gia đình tôi có 6 người – Tổng số có 31 người.
Không có bản đồ và la bàn, cũng may tôi là người đã sống và công tác ở vùng này nhiều năm, am hiểu địa hình. Tôi không dám đi đường mòn – đường mòn là lối đi của cộng quân dễ bị chặn bắt. Tôi nhắm hướng Căn cứ “charlie” đi vào, nhằm tránh chốt chặng ở làng Konhơnong.
Tôi dặn mọi người im lặng và không cho con nít khóc. Trên đường chúng tôi thấy rất nhiều giây điện thoại kéo trên mặt đất và những dấu chỉ dẫn đường trên các thân cây, không biết của ai. Sáu giờ chiều chúng tôi dừng chân trong cánh rừng rậm nghỉ ngơi qua đêm.
Ai có đem theo thực phẩm thì chia nhau ăn – tuyệt đối giữ im lặng. Cũng may là trẻ con không khóc, có lẽ vì sợ và mệt nên bọn chúng ngủ li bì.
Khoảng 12 giờ đêm chúng tôi nghe rất nhiều tiếng nói vọng lại – toàn giọng bắc, giọng nói nghe còn rất trẻ. Tôi thì thầm ra lệnh với mọi người tuyệt đối im lặng. Đến 1 giờ sáng máy bay B52 bất ngờ đến bỏ bom từng đợt…từng đợt…gần một giờ!
Hôm nay là ngày 27.4.1972. Trời vừa hừng sáng, chúng tôi không nghe những giọng nói tiếng bắc vọng về… tôi đóan sau trận bỏ bom đêm hôm qua họ đã chuyển đi nơi khác chăng?
Nhưng khi chúng tôi di chuyển vào khu rừng rậm, âm u không thấy ánh nắng, dưới chân nhiều dây điện thoại. Bất ngờ một ngưới lính Bắc Việt rất trẻ chừng mười bốn hay mười lăm tuổi, mang khẩu súng AK có vẻ ngang tầm người anh ta. Chặn chúng tôi lại.
-bà con theo tôi trở về nhà, đừng chạy nữa. Tôi chỉ hướng cho bà con về.
Chúng tôi, đa phần các cô, các bà xúm quanh anh ta mỗi người nói một câu – Chúng tôi đi lạc muốn trở về nhà và tự đi được. Tự dưng đám con nít khóc thét lên làm anh ta bối rối… khoát tay bảo chúng tôi đi nhanh lên, máy bay đến bỏ bom chết tất. Hình như anh ta có nhiệm vụ gì rất gấp nên khi bỏ chúng tôi anh ta lẫn vào rừng một cách vội vàng. Và, chúng tôi cũng cắm cổ mà chạy.
Khi chạy đã khá xa cảm thấy an toàn chúng tôi dừng lại ngồi nghỉ. Nhiệm vụ của tôi bây giờ là định hướng lại để tìm đường ra xã Tri Đạo.Nếu ngày hôm nay không thoát coi như sẽ chết đói – tội nghiệp cho những đứa bé; có đứa chỉ mới sáu tháng tuổi.
Tôi nói với hai người Sĩ quan là chúng ta đi về hướng tay trái – cũng mở đường mới mà đi. Chúng tôi thay phiên nhau vén cành cây, không gây tiếng động, đạp cỏ; loài cỏ ba khía bén ngọt cắt nát chân tay mặt mày chúng tôi, cọng với mồ hôi túa ra xót ngứa đau đớn vô cùng khó chịu. Tội cho hai vị sĩ quan ở miền xuôi đổi lên cao nguyên tăng cường chiến đấu chưa kịp bao lâu. Nay gặp hoàn cảnh này! Bản thân đói khác nhưng còn phải phụ giúp những nguời phụ nữ và con thơ qua đèo vượt suối…
Đến khoảng 11 giờ, tôi leo lên cây và nhìn về phía trái. Thì ra đã đến QL 14 – cầu Tri Đạo hiện ra! Không nghĩ ngợi gì cả. Chúng bồng bế nhau chạy ra đường ,chạy vượt qua cầu. Trên mặt đường loang lỗ những vết đạn pháo.
Trời mùa hạ buổi trưa nắng nung đường nhựa bốc khói…vậy mà chúng tôi: Chân không dép; đầu không nón; áo quần tã tơi, đói khác hai ngày hai đêm trong rừng…Cứ cắm đầu chạy như ma đuổi về vùng tự do!
Ban Tiếp Cư – đón tiếp người từ DakTo chạy xuống và tất cả được đưa lên xe về thị xã KonTum! Trường Tiểu Học Phan Chu Trinh Kontum là nơi ở tạm cho những người tạm cư. Gặp lại người quen hoặc không quen cũng mừng mừng tủi tủi nước mắt lưng tròng hỏi thăm tin tức người thân còn kẹt lại.
Những người đàn ông, mỗi sáng, mỗi chiều chạy lên trước cổng Sư Đoàn 22 để ngong ngóng người thân…và trở về với những cái lắc đầu trầm ngâm – nếu có một ai đó đến hỏi:
-Có thấy và biết tin tức gì về người thân không?
***
Sau đoàn người chúng tôi, không còn một ai xuống được, tất cả đều bị bắt lùa vô rừng. Dakto hoàn toàn thuộc về những người cộng quân Miền Bắc kiểm soát!
Tôi thương nhớ DakTo – thương nhớ Tân Cảnh – Konhring – thưong nhớ Diên Bình – nơi một phần tuổi thơ tôi ở đó! Em gái tôi chết lúc ba tuổi cũng ở đó! Và, cha tôi chết cũng ở đó! Những người bạn chiến đấu của tôi cũng chết ở đó – nước mắt tôi tự dưng chảy dài !