Saturday, June 1, 2019

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3320847251262411&set=a.197514143595753&type=3&av=100000115071295&eav=AfZ5Hb2bppYJ_5MJrulyUw6-j9WD3gj-PwchI_lUxUFyGPtnRkZRfTJTBwu50gbUKNE&eid=ARCe7ItkdT_HmNsnaiKCDMtMZ-7A4jzS4wlg4m3H4wEPSZxW0-oICooF2TIWq1S7OzkdMpEu1z1Sxkiv
Lời cầu nguyện được đáp ứng .
Khoảng năm 1993-94 , tôi khám khỏe để đi Mỹ . Gần như các cựu tù đều sợ "phổi bị nám , v.v..." Vì nếu bị , mỗi ngày phải đến bv của Công An , gần chợ An Đông và uống một viên ngừa lao (hình như IHS) trong SÁU THÁNG trước mặt y tá . Chỉ cần vắng mặt một ngày , sẽ uống lại trong sáu tháng (sic) ! . Do đó nhiều bạn tù khuyên tôi "nên đến phòng mạch của bs chuyên về X-quang của bv để hối lộ để "dù phổi có nám vẫn đi được" . Người khác chỉ dẫn "mua một chai nhựa 7-Up và bỏ thêm Calcium sẽ khiến phổi trong để qua mặt bs về X-quang" .
Tôi ko làm theo chỉ dẫn trên và nói : nếu tôi bị phổi nám , v.v... tôi sẽ ko đi Mỹ vì tôi ko chấp nhận mỗi ngày phải đạp xe lên bv để uống thuốc ngừa lao .
Kết quả : chụp hình tốt .Qua Mỹ , khi khám sức khỏe tổng quát đầu tiên , tôi khai "từng bị lao khi trong QĐ" , họ cho uống trong một năm .
 November 20, 2018  890
Polei Kleng - KontumPolei Kleng - Kontum
Từ Polei Kleng Đến Ben Het - Liên Đoàn 2 BĐQ Trong Thung Lũng Plei Trap, 1971 
Tác giả : Karl Fee, cố vấn của Tiểu đoàn 23 BĐQ, 70-71


Sau quyết định chuyển giao các trại Lực Lượng Đặc Biệt qua Biệt Động Quân, các trại này trở thành các tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng. Trại Polei Kleng (Lệ Khánh) trở thành Tiểu đoàn 62 BĐQ/BP, trại Ben Het (Bạch Hổ) trở thành Tiểu đoàn 95 BĐQ/BP, trại Dak Pek (Đức Phong) trở thành Tiểu đoàn 88 BĐQ/BP. Các tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng này sẽ lần lượt được đưa về Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ để tái huấn luyện bổ túc chiến thuật tác chiến của binh chủng Biệt Động Quân. Trong khi các tiểu đoàn biên phòng về Dục Mỹ thụ huấn, các tiểu đoàn 22, 23 thuộc liên đoàn 2 BĐQ được đưa lên phòng thủ các trại biên phòng.

Trong tháng Giêng, Hai năm 1971, tôi theo chân tiểu đoàn 23/BĐQ lên phòng thủ trại biên phòng Polei Kleng, một căn cứ nằm nơi cuối thung lũng Plei Trap, gần biên giới Miên và cách vùng tam biên (biên giới Việt-Miên-Lào) khoảng 50 cây số về hướng nam, đông nam. Khu vực có vị trí chiến thuật, ngăn chặn đường xâm nhập của các đơn vị chính quy Bắc Việt trên hệ thống đường mòn HCM, nên đã xẩy ra nhiều trận đánh trước đây. Tiểu đoàn 23/BĐQ được đưa từ Pleiku lên trại Polei Kleng và phòng thủ căn cứ.

Trong khi chúng tôi vào đóng quân trong căn cứ, ở bên ngoài một cuộc hành quân cấp lớn đang diễn ra, bao gồm các đơn vị thuộc: sư đoàn Không Vận (Air Cav) Hoa Kỳ, hai pháo đội A và B, Tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh Hoa Kỳ (175 ly), bốn tiểu đoàn Bộ Binh QLVNCH. Ba trong số bốn tiểu đoàn Việt Nam là Bộ Binh và tiểu đoàn 22/BĐQ. Những khẩu đại bác 175 ly cơ động (gắn trên xe thiết giáp) bố trí ngay bên ngoài hàng rào phòng thủ trại. Sư đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ lập bãi tiếp tế đạn dược, tiếp vận trên phi đạo (các trại LLĐB thường có một phi đạo ngắn để tiếp tế). Với đủ loại máy bay, phi cơ trực thăng Chinook, Huey và Cobra trên bầu trời, trại LLĐB Polei Kleng trông như một tổ ong. (Quân đội Hoa Kỳ rất hãnh diện về Sư đoàn Không Vận ‘Đệ Nhất Sư Đoàn Kỵ Binh Không Vận – First Air Cavalry’. Sư đoàn này chứng tỏ sức mạnh cơ động, với rất nhiều trực thăng đủ loại để chuyển quân, cùng đồ tiếp vận).

Phi Đạo Polei Kleng

Tin tức tình báo, Sư đoàn Không Kỵ thâu thập được cho biết, có đơn vị Bắc Việt hiện diện trong vùng. Chúng tôi biết địch quân đang hoạt động trong khu vực giữa Polei Kleng và biên giới Miên. Tuy nhiên các sĩ quan tình báo vẫn chưa đoán ra được ý định của địch. Trong khi đó hai pháo đội thuộc Tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh Hoa Kỳ bắn yểm trợ hằng đêm.

Chỉ được lệnh bảo vệ căn cứ, Tiểu đoàn 23/BĐQ không phải ra ngoài tham dự cuộc hành quân. Chúng tôi bỗng dưng trở thành… khán giả bất đắc dĩ, theo dõi hai võ sĩ trên võ đài.

Tôi vào trong lều thuyết trình hôm Chuẩn Tướng Wear (Tướng văn phòng của MACV), Cố vấn Trưởng Quân Đoàn II cùng với vị tư lệnh quân đoàn, làm một quyết định mà làm thay đổi tất cả. Ông Tướng Việt Nam ra lệnh cuộc hành quân phải được đưa lên phiá Bắc thung lũng Plei Trap, tiến quân về hướng trại LLĐB Ben Het (tiếng đồng âm là Been Hit, đã bị trúng đòn), trong vùng Tam Biên, một điểm nóng (có nhiều dấu hiệu các hoạt động của địch).

Khi ông Tướng Tư lệnh Quân đoàn nói sẽ sử dụng trực thăng đưa bốn tiểu đoàn Bộ Binh Việt Nam lên Ben Het, câu trả lời của Chuẩn Tướng Wear, tôi sẽ không bao giờ quên "Tại sao lại phí phạm phương tiện không trợ? Ra lệnh cho họ LỘI BỘ trong thung lũng lên đến Ben Het!" Lộ trình di chuyển từ Polei Kleng lên đến Ben Het dài 40 cây số, xuyên qua những cánh rừng rậm và ngang qua những nhánh nhỏ trong hệ thống đường mòn HCM. Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là họ (quân Việt Nam) đã ra khỏi tầm tác xạ yểm trợ của Pháo Binh Hoa Kỳ. Điều này làm xuống tinh thần các binh sĩ VNCH, và rất nguy hiểm cho họ.
Theo lệnh của các cấp chỉ huy Việt Mỹ, tất cả các đơn vị, sư đoàn Không Vận, Pháo Binh, cùng với tiếp vận của họ “khăn gói quả mướp”, rời Polei Kleng. Đúng trong thời gian đó, đơn vị “chủ nhà” (Tiểu đoàn 62 BĐQ/BP) đã thụ huấn xong khóa huấn luyện BĐQ/Dục Mỹ trở về. Tiểu đoàn 23/BĐQ xong nhiệm vụ và chúng tôi lại lên đoàn xe GMC trở về hậu cứ ở Pleiku trên con đường đã bị hư hỏng nhiều, bụi mù.

Ở đây cần nói rõ thêm, trước khi có “lệnh” của các cấp chỉ huy cấp “quân đoàn”, viên Cố vấn Trưởng Tiểu đoàn 22/BĐQ được nghỉ phép sáu ngày (R&R). Ông ta cùng với một hạ sĩ quan trong toán cố vấn được trực thăng “bốc ra” đưa về Pleiku. Trung úy Orie Dubbeld chỉ còn chưa tới 30 ngày là hết thời gian phục vụ tại Việt Nam vào thay, cùng với Trung Sĩ Nhất James Edward Duncan, người vừa đến Việt Nam được một tuần.

Tôi ra bãi đáp trực thăng, trên phi đạo, đón Dubbeld và Duncan khi họ được trực thăng đưa vào vùng hành quân, và cũng là người chứng kiến họ được một trực thăng chuyển quân khác đưa vào Tiểu đoàn 22/BĐQ, lúc đó đang “lội” trong thung lũng Plei Trap. Trung Úy Dubbeld không được vui, anh ta đã gần hết thời gian phục vụ… sao lại phải tham dự cuộc hành quân này…? Tôi sẽ không bao giờ gặp lại cả hai người Dubbeld và Duncan.

Bạn có thể tiên đoán, chuyện gì sẽ xảy ra. Tiểu đoàn 22/Biệt Động Quân cùng với ba tiểu đoàn Bộ Binh Việt Nam di chuyển bộ trong thung lũng Plei Trap lên hướng Bắc (Ben Het), đúng vào nơi đóng quân của ba trung đoàn chính quy Bắc Việt, 28, 40 và 66. Địch đang tập trung trong thung lũng để chuẩn bị tấn công trại LLĐB Ben Het. Ba tiểu đoàn Bộ Binh Việt Nam bị “tàn sát”, có thể nói họ “biến mất” trong quân sử.

Tuy vậy, Tiểu đoàn 22/BĐQ vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu gắn bó của đơn vị, đánh xuyên qua tuyến phục kích cấp trung đoàn của địch, tiếp tục tiến lên hướng Bắc thung lũng Plei Trap. Lúc đó, tiểu đoàn Biệt Động Quân Việt Nam đã ra khỏi tầm mức liên lạc truyền tin của các đơn vị bạn, chỉ còn liên lạc được với phi cơ bay bao vùng. Rừng núi rậm rạp cũng làm trở ngại vấn đề liên lạc qua máy truyền tin, xin không trợ hay trực thăng võ trang yểm trợ cho tiểu đoàn. Một phi cơ “Hỏa Long” lên bắn yểm trợ được một lúc, rồi sau đó phải bay về mà không rõ lý do.

Đêm ngày 3 tháng Ba năm 1971, Tiểu đoàn 22/BĐQ phá được trận phục kích, đến một ngọn đồi nơi hướng Nam trại LLĐB Ben Het, tổ chức phòng thủ đêm. Không “tiêu diệt” được tiểu đoàn Biệt Động Quân, quân Bắc Việt pháo kích như mưa lên ngọn đồi, hàng trăm quả đạn súng cối trong vòng một tiếng đồng hồ. Một quả rơi vào hố chiến đấu của Dubbeld và Duncan.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II, vội vã đưa Tiểu đoàn 23/BĐQ (bằng xe!) từ Pleiku lên Tân Cảnh, rồi từ đó sẽ tiến về hướng Ben Het bắt tay với Tiểu đoàn 22/BĐQ. Để tiếp cứu đơn vị bạn, Tiểu đoàn 23/BĐQ chạy đua với thời gian, từ Tân Cảnh, tới Dak To, rồi xuống tới Ben Het.

Khi vào đến trại LLĐB Ben Het, quân đội Bắc Việt đang pháo kích vào căn cứ, nhiều đám bụi bay lên rải rác, đó đây. Chui vào hầm trung tâm hành quân trại Ben Het, tôi được nghe những lời đối thoại của nhân viên trên hệ thống truyền tin “Đây là Ben Het. Thưa đúng, chúng tôi đang bị pháo kích… Thưa không. Ngay bây giờ. Tôi lập lại ‘Thưa tôi không phải thằng nói láo’…”

Không tới một tiếng đồng hồ sau, trước khi trời sập tối, Tiểu đoàn 23/BĐQ ra khỏi trại LLĐB Ben Het, tiến về hướng Nam, để bắt tay với Tiểu đoàn 22/BĐQ. Tiểu đoàn di chuyển rất thận trọng, nên không có chuyện gì xảy ra. Đến lúc rạng đông ngày hôm sau, chúng tôi bắt tay với tiểu đoàn bạn, rồi cả hai đơn vị, gấp rút quay trở lại trại LLĐB Ben Het.

Sau đó tiểu đoàn 22/BĐQ được một đoàn trực thăng đến đưa về Pleiku. Còn lại tiểu đoàn 23/BĐQ khoảng 300 binh sĩ nằm giữ căn cứ Ben Het. Chúng tôi được biết khoảng mười ngàn quân Bắc Việt đang có mặt trong vùng Tam Biên. Trại LLĐB Ben Het nằm ngoài tầm tác xạ yểm trợ của Pháo Binh… Không yểm cũng không được quyền ưu tiên. Dubbeld và Duncan đã hy sinh… có thể sẽ đến phiên chúng tôi…

TIỂU ĐOÀN 23 BIỆT ĐỘNG QUÂN BEN HET, ĐẦU NĂM 1971
… Chúng tôi cảm thấy rất cô đơn, mặc dầu trong trại Lực Lượng Đặc Biệt biên phòng Ben Het có khoảng ba trăm Biệt Động Quân.

Tiểu đoàn 23/BĐQ trong đó có tôi, từ Ben Het di chuyển vào trong rừng, thiết lập tuyến phòng thủ đêm, nơi hướng nam căn cứ. Chúng tôi đã đề phòng cẩn thận, không có chuyện gì xảy ra trong đêm và sáng sớm hôm sau, chúng tôi bắt tay với Tiểu đoàn 22/BĐQ. Cả hai tiểu đoàn cùng di chuyển vào bên trong trại LLĐB Ben Het, để chỉnh đốn hàng ngũ.

Sau đó tiểu đoàn 22/BĐQ, được đưa về hậu cứ ở Biển Hồ, Pleiku vì đã bị tổn thất trong trận phục kích vừa qua. Tiểu đoàn 23/BĐQ được lệnh nằm lại, chống giữ trại LLĐB, trong khi các binh sĩ trong trại đã được đưa về trung tâm huấn luyện BĐQ Dục Mỹ để tái bổ xung, huấn luyện. (Thực ra, lúc đó trại LLĐB Ben Het đã được cải tuyển sang Tiểu đoàn 95 Biệt Động Quân Biên Phòng và được đưa về Dục Mỹ huấn luyện).

Trong căn cứ Ben Het lúc đó chỉ có khoảng 300 binh sĩ BĐQ tiểu đoàn 23 và BCH liên đoàn 2/BĐQ. Ở bên ngoài, ba trung đoàn chính quy Bắc Việt đang siết chặt vòng vây. Trại LLĐB biên phòng này nằm gần khu vực ba biên giới, Lào, Miên và Việt Nam , nơi cuối con đường cũ do người Pháp xây trước đây, xa hơn trại LLĐB Dak To. Nói theo văn chương, Ben Het ở cuối con đường, hỏa ngục của các trận đánh đẫm máu. Phiá bên kia biên giới là những nhánh nhỏ trong hệ thống đường mòn HCM.

Xem xét lại tình hình bạn và địch, chúng tôi biết rằng cán cân nghiêng về phiá địch quân. Biệt động quân có hai khẩu 105 ly, cơ hữu của căn cứ và một pháo đội 175 ly của tiểu đoàn 1/92 Pháo Binh Hoa Kỳ. Ngoài ra có vài quân nhân LLĐB còn sót lại, họ thuộc đại đội công vụ, lo trông nom, giữ gìn doanh trại.

Sau khi Tiểu đoàn 22/BĐQ vừa đi khỏi, địch quân cắt đứt con đường duy nhất lên Ben Het. Nhóm cố vấn chúng tôi vội vã yêu cầu chuẩn bị cho vấn đề không yểm khi cần thiết, nhưng được trả lời “Không trợ đã được dành cho những mặt trận khác có độ ưu tiên cao hơn”. Chúng tôi có lẽ được một chiếc trực thăng đơn độc đến thăm, đem theo vị sĩ quan tình báo từ Pleiku. Ông ta sẽ di chuyển những chấm đỏ (địch) trên bản đồ và cho chúng tôi biết, trong vùng hành quân có… hàng chục ngàn quân CSBV.

Hai ngày sau, Trung Tá Bùi Văn Sâm, Liên đoàn Trưởng LĐ2/BĐQ, đại úy Nguyễn Văn Phương, Tiểu đoàn Trưởng TĐ23/BĐQ quyết định, đưa một đại đội lên chiếm đóng đồi 880. Ngọn đồi chiến lược quan sát toàn khu vực Ben Het và đường xâm nhập của địch quân nằm bên kia biên giới. Tôi cùng với trung sĩ nhất Acoba đi theo đại đội biệt động quân. Trên đường di chuyển, chúng tôi thấm mệt, lên xuống những hố bom khổng lồ trước khi lên tới đỉnh đồi. Lần leo núi này mệt nhất trong đời, mặc dầu trước đây, tôi đã trải qua hai tuần lễ nơi “Căn Cứ Núi, Ranger Mountain Camp” ở Dahlonga, tiểu bang Georgia, trong khóa huấn luyện Biệt Động Quân Hoa Kỳ. Ngọn đồi này có vị trí chiến lược, là nơi có những trận đánh đẫm máu cho cả đôi bên. Trên đỉnh đồi không có một thân cây nào còn nguyên vẹn, chỉ còn lại mầu đất đỏ cùng với hầm hố, giao thông hào chiến đấu.

Đại đội Biệt Động Quân lên tới đỉnh đồi cũng nằm thở dốc, sau đó rải quân xung quanh ngọn đồi thiết lập tiền đồn phòng thủ. Trên đỉnh đồi hoang tàn, nắng cháy, vấn đề nước uống rất cần thiết. Vài binh sĩ BĐQ lấy nước từ trong hố bom, đục ngầu để uống, kết qủa nằm ôm bụng. Sĩ quan Biệt Động Quân đến quan sát hố bom, dùng gậy khuấy lên mới biết, trong hố bom có xác chết mục rữa, chỉ còn xương. Có lẽ xác của một cán binh Bắc Việt, chết trong trận đánh năm ngoái (vùng tam biên, năm nào đến mùa khô, khoảng tháng Ba địch quân thường mở những trận tấn công lớn). May mắn, lúc đó đang có một trực thăng Hoa Kỳ đậu trong căn cứ, các cố vấn Hoa Kỳ gọi máy xin trực thăng tiếp tế nước uống cho đại đội Biệt Động Quân tiền đồn.

Chiếc trực thăng đem nước cho Biệt Động Quân cất cánh đúng lúc địch quân pháo kích vào trại LLĐB Ben Het bằng hỏa tiễn 122 ly. Trên đỉnh đồi 880, chúng tôi quan sát rất rõ, nhìn thấy được vị trí đặt hỏa tiễn của địch. Tôi vào tần số báo cáo vào trong căn cứ. Một giọng nói lạ như hét lên, cho biết họ đang bị pháo kích, yêu cầu tôi ra khỏi hệ thống để họ làm việc. May thay, trung tá Toner, Cố vấn Trưởng Liên đoàn 2/BĐQ nhận ra được giọng của tôi, chen vào. Ông ta ra lệnh cho tôi gọi không yểm, ông ta quên rằng, tôi đã xin nhưng không được ưu tiên… phải chờ!

Một “chốt” Biệt động quân nằm dưới chân đồi cũng báo cáo lên cho biết, họ trông thấy lính Bắc Việt đi chặt gỗ trong rừng. Đó là một dấu hiệu không tốt cho BĐQ, điều đó chứng tỏ địch quân vẫn ung dung, không màng tới đơn vị BĐQ đang hiện diện trong vùng hành quân. Chắc chắn quân đội Bắc Việt phải có một đơn vị cỡ lớn trong thung lũng Plei Trap. Biết rõ tình hình địch, đại đội BĐQ đang đóng trên đồi đành nằm chịu, vì không thể bỏ tiền đồn, kéo xuống tấn công mấy tên địch lẻ tẻ… Biết đâu, địch quân chơi trò “điệu hổ ly sơn”. Mắc mưu là kể như vừa mất vị trí chiến lược, vừa bị rơi vào trận phục kích. Tôi gọi không yểm… và một lần nữa bị từ chối. Tôi cùng với trung sĩ nhất Acoba ngủ một “đêm dài” nơi tiền đồn cùng với đại đội BĐQ. May thay, không có chuyện gì xảy ra trong đêm. Theo sự ước đoán… Địch quân bắt buộc phải… lấy lại vị trí chiến lược bằng mọi giá. Những cảnh hoang tàn đổ nát trên đỉnh và xung quanh ngọn đồi đã chứng minh sự suy luận của tôi.

Sáng hôm sau, một trực thăng đến đón, đưa tôi và Acoba trở vào trong trại LLĐB Ben Het. Những điều tôi đoán đã trở thành sự thực. Đại đội BĐQ chiến đấu anh dũng trong tuyệt vọng. Căn cứ Ben Het đã bị địch bao vây, pháo kích, không thể đưa quân ra ngoài tiếp cứu được, vả lại lội bộ cũng mất mấy tiếng hồng hồ (phải xử dụng trực thăng tiếp tế nước, đưa đón cố vấn Hoa Kỳ). Lính Bắc Việt xung phong lên đỉnh đồi, tràn vào tuyến phòng thủ của đại đội biệt động quân. Hai bên đánh cận chiến bằng lưỡi lê và lựu đạn… trước khi mất liên lạc với BCH tiểu đoàn 23/BĐQ trong căn cứ Ben Het.

Bên trong căn cứ Ben Het, tình hình rất căng thẳng, trong vùng tam biên có những đơn vị chính quy Bắc Việt cấp lớn. Quân lực VNCH tăng cường thêm quân lên Dak To và thiết lập một căn cứ hỏa lực trên một ngọn đồi nằm giữa Ben Het và Dak To. Bên trong trại LLĐB Ben Het, đồ tiếp liệu, lương thực, đạn dược cần được tiếp tế hàng ngày bằng xe từ Tân Cảnh. Ngày nào xe tiếp tế cũng bị bắn quấy rối, khi vừa qua khỏi Dak To. Cuối cùng, nhu cầu không yểm cho căn cứ được đáp ứng. Trung tá Toner ra lệnh cho tôi: “Fee, mình được biệt phái trực thăng võ trang Cobra bay bao vùng cho xe tiếp tế. Anh đi theo máy bay, quan sát coi tụi nó phục kích ở đâu, rồi điều động Cobra làm thịt”.

Được biết khu vực không được an toàn, phi công trực thăng bay là trên đầu ngọn cây dọc theo con đường để tránh hỏa lực phòng không của địch. Từ trên không nhìn xuống một ngọn đồi nhỏ trước mặt, thay vì bay vòng để tránh, viên phi công tiếp tục bay thẳng, lên cao tránh ngọn đồi, rồi lại xà thấp xuống. Chúng tôi nhìn rõ trận phục kích ở dưới, ngay trước mắt là một chiếc xe GMC chở đạn đại bác đang bốc cháy và sẽ nổ tung không biết lúc nào. Viên phi công hốt hoảng bay lên cao. Chúng tôi quan sát lại cho kỹ tình hình ở dưới, có khoảng ba chiếc xe trúng đạn bốc cháy, binh sĩ VNCH hộ tống đoàn xe, nằm rải rác dọc theo con đường đang chống trả đám lính Bắc Việt từ hai bên đường, đang sửa soạn tiến lên chỗ đoàn xe đang nằm kẹt trên đường.

Tôi báo cáo về Ben Het, và được bốn chiếc Cobra bay theo đội hình hàng dọc lên bao vùng. Tôi cho họ biết vị trí của địch rồi theo dõi các trực thăng võ trang “làm việc” để báo cáo. Chợt có một chiếc máy bay quan sát FAC (Phi cơ điều không tiền tuyến, Forward Air Control) lên bao vùng. 

Viên phi công FAC này tôi quen trong phi trường Cù Hanh ở Pleiku, lên tiếng hỏi.
– Tôi giúp được gì không?
– Chắc chắn. Bạn có những gì?

– Loại “bay nhanh” (phản lực). Trên đường “vượt rào” trở về (vượt biên thả bom trên đất Miên).
– “Đồ chơi” (bom) cỡ nào?

– 500 cân Anh.
– Ồ “bạn hiền” (oh, man!). Để tôi cho mấy chiếc Cobra ra khỏi vùng.

Xin cám ơn Thượng Đế. Tôi đang kiếm “bạc cắc” đào được “vàng”. Sau khi các trực thăng Cobra làm cú chót, tôi nói họ bay về hướng quân bạn. Viên phi công FAC cũng khuyên tôi “Bạn cũng nên ra khỏi khu vực luôn”. Biết gặp “thứ dữ”, tôi nói viên phi công trực thăng, đưa tôi trở lại căn cứ Ben Het. Trung Tá Sâm, Liên đoàn Trưởng LĐ2/BĐQ vui vẻ cho biết, trận phục kích đã thất bại và đoàn xe tiếp tế sắp vào đến căn cứ.

Tôi đi theo Trung Tá Sâm, Trung Tá Toner, mấy sĩ quan BĐQ leo lên nóc pháo đài, dùng ống nhòm theo dõi trận oanh kích. Sau khi máy bay quan sát FAC bắn đạn khói chỉ điểm mục tiêu, hai phản lực F-4 Phantom chúi xuống thả bom. Trận đánh kết thúc nhanh chóng. Một đại đội biệt động quân được lệnh ra ngoài căn cứ, truy kích đám tàn binh của địch đang trên đường rút lui.

Biệt Động Quân đem về ba tù binh. Một trong ba người cấp bậc Hạ sĩ Quan, anh ta có cuốn sổ tay ghi tên và vũ khí trang bị cho các cán binh trong trung đội. Cuốn sổ tay còn cho biết vị trí nhận tiếp tế cho đại đội anh ta. Các tù binh bắt được cùng tài liệu được trực thăng đến đưa về Pleiku. Một điều đáng nói là binh sĩ biệt động quân, đối xử với tù binh rất tốt, cho họ ăn uống và thuốc lá.

Sau trận phục kích, địch quân dường như đã rút quân ra khỏi khu vực tam biên. Có nhiều giả thuyết, có người cho rằng quân đội Bắc Việt dự định tấn công trại LLĐB Ben Het bất ngờ. Sau đó đụng Tiểu đoàn 22/BĐQ trong thung lũng Plei Trap, rồi được biết có thêm TĐ23/BĐQ vào vùng hành quân, nên địch quân bỏ kế hoạch tấn công.

Vùng Tam Biên với trại LLĐB Ben Het là điểm nóng trên vùng Cao Nguyên. Căn cứ hỏa lực vừa mới thiết lập giữa Dak To và Ben Het, chỉ được ít hôm bị địch tràn ngập. Các ngọn đồi xung quanh đều thấm máu của cả hai bên. Cho đến mùa Hè năm 1972, vùng này hoàn toàn lọt vào tay địch quân.

Theo tài liệu: Patrolling, Fall 2009, trang: 67-69
Dallas, Texas
Vũ Đình Hiếu
Xin Có Ý Kiến:
Cần xét lại cuốn sách
của Alan  Dawson về
“55 Ngày Đêm Miền Nam Sụp Đổ”
Ngc Hoài Phương


Ký giả Alan Dawson, trưởng phòng Thông Tấn UPI ở Sài Gòn trước năm 1975. Ông đã viết quyển “55 Days: The Fall of South Vietnam”, Prentice Hall xuất bản năm 1977, dày 366 trang, giá 12.50 Mỹ kim. Quyển sách đó có những điểm sai lầm nhưng hình như chưa có bài viết nào phân tích trên báo chí Việt ngữ tại hải ngoại nên nó đã chìm vào quên lãng.
Nhân bài dịch của ông Hoàng Long Hải, đăng tải trên nhật báo Người Việt số 6698 (Thứ Sáu 9 tháng 4-2004) trong một đoạn trích dẫn cuốn sách “55 Ngày Ðêm Miền Nam Sụp Ðổ” của Alan Dawson, hình ảnh của Chiến Hữu Vương Văn Trổ được nhắc lại. Trung tá Vương Văn Trổ nổi danh người hùng của Quân Lực VNCH trong Ngũ Hổ Miền Tây. Sau ngày 30-4-1975, ông trải qua 13 năm trong lao tù Cộng Sản, hiện định cư tại Houston, Texas; trong khi đó, ký giả Alan Dawson cho khai tử.
Ký giả Ngọc Hoài Phương, Chủ Nhiệm tờ Hồn Việt, liên lạc với nhân chứng – cựu Trung tá Vương Văn Trổ, người đã bị Alan Dawson khai tử – dẫn chứng sự kiện cụ thể mà nhà báo kỳ cựu của UPI đã viết sai lệch. KBC Hải Ngoại)

Sau 13 năm tù cải tạo, và khi đặt chân tới Hoa Kỳ (HO-16 năm 1993) mới chợt khám phá ra là mình đã bị ông nhà báo Alan Dawson khai tử một cách nhục nhã từ cuối tháng 4 – 1975 trong cuốn sách mang tựa đề “55 Ngày Ðêm Miền Nam Sụp Ðổ”. Người bị nhà báo Alan Dawson “giết chết” một cách lãng nhách trên đây là Trung Tá Vương Văn Trổ, nguyên Tỉnh trưởng Kiên Giang kiêm Thị trưởng Rạch Giá.
Mặc dù đã gần ba mươi năm trôi qua, nhưng đối với ngày Quốc Hận 30 tháng 4-1975 vẫn còn là một vết thương nhức nhối không thể xóa mờ được trong tâm trí của người Việt tỵ nạn. Do đó hàng năm, cứ vào dịp này, cộng đồng người Việt ở khắp nơi thường tổ chức những buổi họp mặt để tưởng niệm ngày đau thương của dân tộc, ngày mà Miền Nam Việt Nam đã bị đồng minh bỏ rơi, bán đứng cho Cộng Sản.
Các cơ quan truyền thông, nhất là các báo Việt ngữ trong dịp này cũng thường có những bài đặc biệt liên quan đến biến cố lịch sử đó. Không phải chỉ riêng sách báo của Cộng Sản nặng phần trình diễn tuyên truyền, thiếu trung thực, còn cố tình xuyên tạc mà ngay cả một số nhà báo ngoại quốc khi viết về biến cố 30-4-75 cũng đã đưa ra nhiều chi tiết sai lạc, và tệ hại hơn nữa là có nhiều chi tiết cho người đọc có cảm tưởng là tác giả đã cố tình dựng đứng câu chuyện để bôi nhọ nhân vật được nhắc tới nói riêng và cả tập thể người lính Việt Nam Cộng Hòa nói chung như trương hợp ông Tỉnh trưởng Kiên Giang là một thí dụ điển hình.
Ðọc báo Người Việt số 6698 (Thứ Sáu 9 tháng 4-2004) trong một trích đoạn cuốn sách “55 Ngày Ðêm Miền Nam Sụp Ðổ” của Alan Dawson do Hoàng Long Hải dịch có đoạn ghi như sau:
“Tướng Nam ra lệnh cấm binh sĩ dưới quyền ông rời bỏ vị trí. Ông đến từng nơi lúc bấy giờ được coi như là “tuyến đầu” ra lệnh cho sĩ quan ở ngay vị trí. Ông ta bắn chết viên đầu tỉnh ở Sadec, phía Tây Cần Thơ vì ông nầy bỏ tỉnh di tản theo người Mỹ. Viên tỉnh trưởng tỉnh Kiên Giang ở trong vịnh Xiêm La không tuân lệnh cố thủ của ông, đã bỏ đơn vị lên thuyền chạy về phía Nam. Tướng Nam ra lệnh cho trực thăng đuổi theo và bắn chìm những tàu nầy”.
Sự thật thì đoạn văn trên đây hoàn toàn được viết theo óc tưởng tượng của ông nhà báo Alan Dawson vì ông Tỉnh trưởng Kiên Giang không bỏ đi và nhất là Tướng Nguyễn Khoa Nam, một vị tướng tài ba, một anh hùng của QLVNCH không bao giờ và không thể có những quyết định nông nổi thiếu suy nghĩ như điều Alan Dawson đã gán ghép. Ngay cả đối với địch quân, Tướng Nam cũng mang lòng nhân đạo ra đối xử thì không thể có chuyện ông ra lệnh cho trực thăng đuổi theo bắn chìm những tàu bỏ chạy. Người ta còn nhớ (theo lời kể của Trung Tá Vương Văn Trổ) ngày 25 tháng 2 năm 1975, lực lượng Tiểu khu Kiên Giang đã đánh tan một đơn vị Cộng sản, bắt sống 2 chiến binh CS bị thương nặng hấp hối. Biết chuyện này, Tướng Nam đã ra lệnh cho tiểu khu phải tải thương nhanh để cứu sống địch quân.
Ðể phản bác lại những điều Alan Dawson đã viết liên quan đến thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày cuối tháng 4-1975, qua một cuộc điện đàm, Trung Tá Vương Văn Trổ cho biết: “Khoảng 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4-75, qua điện thoại, Tướng Lê Văn Hưng nhắc tôi rằng Tướng Nam chỉ thị phải cố gắng ngăn chận địch quân ngoài thành phố để tránh gây thiệt hại cho dân chúng. Ðến 6 giờ chiều cùng ngày, Tướng Nam còn chỉ thị tôi phải cố gắng lo cho dân chúng và binh sĩ”.
Với giọng buồn bã, Trung Tá cựu Tỉnh trưởng Kiên Giang nói tiếp: “Nhưng đến 9 giờ tối thì được tin Tướng Lê Văn Hưng đã tự sát và lệnh Quân Ðoàn cho Tiểu Khu buông súng. Tôi cho họp các cấp chỉ huy để thông báo tình hình, và đồng thời cũng loan báo chiến hạm Hải Quân đang chờ thân nhân ngoài khơi. Nhờ thông báo này mà một số cán bộ hành chánh, quân đội, dân chúng tại thị xã đã đem được gia đình ra đi an toàn. Riêng lực lượng Nhân Dân Tự Vệ vì không có hệ thống truyền tin nên đích thân tôi phải dùng xe chạy đi liên lạc. Trong lúc làm nhiệm vụ cuối cùng, tôi bị Cộng sản bắt lúc 12 giờ đêm ngày 30 tháng 4-1975 tại cầu số 2 trong thị xã Rạch Giá…”.
Ðược biết Trung Tá Tỉnh trưởng Kiên Giang vốn xuất thân từ khóa 10 trường Võ Khoa Thủ Ðức. Các chức vụ sau cùng của ông được ghi nhận: Tỉnh trưởng Sa Ðéc (1973-1974), Tỉnh trưởng Kiên Giang kiêm thị trưởng Rạch Giá (1974-1975). Ðầu thập niên 70, năm sĩ quan cấp tá được mệnh danh “Ngũ Hổ Miền Tây” của Quân Lực VNCH: nhất Kiệt, nhì Huy, tam Nam, tứ Trổ, ngũ Cẩn.
Trải qua 13 năm tù từ Nam ra Bắc và cuối cùng chuyển về trại Xuân Lộc (Long Khánh) rồi được phóng thích năm 1988. Ông rời Việt Nam qua Hoa Kỳ theo diện HO 16 và định cư tại Houston, Texas từ 1993 đến nay…
Tháng Tư năm 1999, sau khi đọc bài “Chân Dung Người Lính VNCH” của nhà báo Sơn Tùng trên tờ Diễn Ðàn Hiệp Lực ở Houston, trong đó có nhắc đến Tướng Nguyễn Khoa Nam và ông Tỉnh trưởng Kiên Giang (nhưng lại căn cứ theo sự kiện ghi trong sách của Alan Dawson nên sai lạc), Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường đã cho phổ biến một thư ngỏ gọi là “đóng góp bổ sung với các bài báo đã đăng một vài chi tiết để tinh thần vinh danh anh hùng qua mẩu chuyện trên được giá trị chính xác”. Theo như lời kể của Tướng Trường (nguyên Tư Lệnh Sư Ðoàn 21 Bộ Binh kiêm Tư Lệnh Khu Chiến Thuật Hậu Giang trược thuộc Quân Ðoàn 4) thì đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4-1975 tại miền Tây, Việt Cộng dốc toàn lực tấn công vào các tỉnh lỵ thuộc lãnh thổ QK.4. Riêng tại khu Chiến Thuật Hậu Giang tại An Xuyên, tỉnh lỵ Cà Mau bị hai tiểu đoàn U Minh tấn công; Ðại Tá Nhan Nhựt Chương, Tiểu khu trưởng, cùng lực lượng tiểu khu An Xuyên đã đẩy lui địch và làm chủ tình hình trước trời sáng.
Theo lời kể của Tướng Trường thì tại Tiểu khu Ba Xuyên, tỉnh lỵ Sóc Trăng đã bị hai tiểu đoàn Cợ Ðộng tấn công, nhưng đã bị lực lượng của Tiểu khu dưới quyền Ðại Tá Liêu Quang Nghĩa diệt trọn một tiểu đoàn, và tiểu đoàn còn lại tháo chạy. Trong khi đó đơn vị bạn ở Bạc Liêu dưới quyền Ðại Tá Huỳnh Ngọc Diệp đã đẩy lui cuộc tấn công của một Trung đoàn địch, ta tịch thu nhiều vũ khí. Một Trung đoàn chính quy Bắc Việt cũng mở cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Vỵ Thanh (Chương Thiện). Quân đội VNCH dưới quyền Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã chiến đấu quyết liệt giữ vững vị trí để chờ trời sáng phản công…
Riêng tại Tiểu khu Kiên Giang, tỉnh lỵ Rạch Giá, bị một Trung đoàn Việt Cộng tấn công nhưng đã bị lực lượng bạn dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Vương Văn Trổ đầy lui gây cho địch tổn thất nặng nề. Tại tiều khu Phong Dinh (Bản doanh của Quân Ðoàn 4) vòng đai tỉnh lỵ Cần Thơ do Sư Ðoàn 21 Bộ Binh trách nhiệm phòng thủ, đã bị Sư đoàn 4 Hậu Giang Việt Cộng tấn công nhiều đợt rất ác liệt nhưng đều bị quân ta đẩy lui… Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường cho tập trung báo cáo của các tiểu khu và đúc kết tình hình trình lên Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Quân Ðoàn 4. Theo lời Tướng Trường thì Tướng Nam rất hài lòng và vững tin nơi khả năng chỉ huy và tinh thần chiến đấu của thuộc cấp. Tướng Nam cũng chỉ thị phải ưu tiên hỏa lực yểm trợ cho Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn phản công tại Chương Thiện. Riêng Tiểu khu Kiên Giang theo tin tức phòng 2 thì còn một tiểu đoàn Việt Cộng nằm ngoài vòng chưa tham chiến, và địch có thể tăng cường tiểu đoàn này để tấn công trong đêm sau. Thiếu Tướng Nam không muốn có giao tranh trong thành phố gây thiệt hại sinh mạng và tài sản của đồng bào, nên đã chỉ thị cho Tướng Trường phải tăng cường cho tiểu khu Kiên Giang một tiểu đoàn thuộc SÐ/21 để chận đánh địch ở ngoài vòng đai tỉnh lỵ.
Về chi tiết này, Chuẩn Tướng Mạch Văn Trường ghi lại trong thư ngỏ đã được phổ biến, nguyên văn như sau: “Tôi liên lạc với Trung Tá Vương Văn Trổ TKT/KG để duyệt tình hình sau cùng và chọn bãi đổ quân. Chúng tôi đồng ý bãi đáp thả quân dọc bờ biển phía Tây tỉnh lỵ là an toàn nhất. Nhưng cuộc thả quân chưa kịp thực hiện thì có lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh. Quốc gia bị bức tử!!! Cuộc chiến chấm dứt!!! Tại Quân Khu 4, các Tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng và Trần Văn Hai (Tư Lệnh Sư Ðoàn 7-BB) tự sát. Trung Tá Vương Văn Trổ TKT/KG bị Việt Cộng bắt đêm 30-4-75 tại Rạch Giá. Tôi bị VC bắt ngày 5-5-1975 tại Cần Thơ. Chúng tôi gặp lại nhau trong trại giam VC tại khám Cần Thơ và sau đó bị lưu đày ra miền Bắc. Cựu Trung Tá Vương Văn Trổ được VC phóng thích năm 1988. Tôi được phóng thích năm 1992 (17 năm). Cựu Trung Tá Vương Văn Trổ đi Mỹ diện HO và hiện cư ngụ tại Houston, Texas…”
Trong một buổi tâm tình với ký giả Dương Phục qua làn sóng điện đài phát thanh ở Houston nhân dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực VNCH tháng 6 năm 1999, khi nhắc đến Tướng Nam, Trung Tá Trổ đã nhấn mạnh rằng “Cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam là một vị chỉ huy tài đức vẹn toàn, gương mẫu về mọi mặt. Ông chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, và đồng thời còn có lòng nhân đạo đối với cả địch quân…”. Nhân dịp này, cựu tỉnh trưởng Kiên Giang Vương Văn Trổ cũng không khỏi chua chát than rằng “Thương thay người chỉ huy đáng kính trọng đó lại bị giáng thêm một tội để mang theo về thế giới mới…” qua một đoạn văn trong cuốn “55 Ngày Ðêm Miền Nam Sụp Ðổ” của Alan Dawson khi gán ghép Tướng Nam ra lệnh cho trực thăng đuổi theo và bắn chìm đoàn tàu chở tỉnh trưởng Kiên Giang đang bỏ chạy…
Ông cho đây là một sự nhục mạ danh dự Tướng Nguyễn Khoa Nam và cả tập thể Quân Ðội VNCH. Và ông mong rằng sau này các sử gia sẽ có sự công bằng khi ghi lại các sự kiện liên quan đến lịch sử.
Ngọc Hoài Phương
nguồn: Hưng Việt
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3319313948082408&set=a.197514143595753&type=3&eid=ARBscb5WwhWCvk7XNhKSPV0GlsmIqEO7VHM7luQxgRq25aBW0ia5Fpyhg2-Me1jFvkn7v9xiFXfr2NMU
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2481847508495727&set=pcb.2481847888495689&type=3&__tn__=HH-R&eid=ARA4Wm5L8gMYVhZpObx3ENtvZzy68jbMvXU6JYIG9Lc2kfzGoDr3v5qaP-aznSSbA43wHlteg3iFOoSo
https://www.facebook.com/trananhtu19/posts/2481625701851241