Monday, May 4, 2020

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1388202227860266&set=pcb.1388201054527050&type=3&__tn__=HH-R&eid=ARBUr0atFxx61DE6CZr27sLXD7n-cC6Bx6sedx2dU6G24CzIU23Ev0lb26_CYoVaPlpUM8QWoF8pBSBc
10 giờ 30 phút sáng ngày 9 tháng 3, 1975, quận Đức Lập tỉnh Quảng Đức biến thành biển lửa. Trước đó, hai viên đại bác 82 ly không giật của Bắc quân bắn trúng đài chỉ huy chi khu.
Đài chỉ huy sập. Người Sĩ quan An ninh tử trận tại chỗ. Trung tá Nguyễn Cao Vực, Quận trưởng bị thương, nhúng đầu vào lu nước, thoát ra ngoài. Ông Quận trưởng đích thân chỉ huy và điều khiển hai khẩu đại bác 105 ly, bắn trực xạ, ngăn chận những đợt xung phong biển người của quân Cộng sản Bắc Việt.
Bốn ngày trước, 5 tháng 3, 1975 một cuộc phục kích tại phía đông Buôn Dak Gang cách bắc Đức Lập 10 cây số. Lực lượng chi khu đã bắt được một tù binh thuộc Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt, và tài liệu tiết lộ Bắc quân sẽ đại tấn công Quảng Đức và Ban Mê Thuột, mở đầu chiến dịch Tây Nguyên 1975. Nhưng nguồn tin này, cũng như nguồn tin tình báo tương tự của tiểu khu Ban Mê Thuột, khi khai thác một sĩ quan tù binh Cộng sản Bắc Việt trong toán tiền thám của Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ tại Bắc Ban Mê Thuột (tù binh Bắc Việt bị bắt ngày 7 tháng 3, 1975), đã không được Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh và Quân đoàn II "xếp hạng" là những nguồn tin quan trọng.
Hôm nay Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt nhất định san bằng quận Đức Lập để tiến quân về Ban Mê Thuột. Các công sự phòng thủ trên mặt đất sập hết, nhưng Quận trưởng Nguyễn Cao Vực và các chiến hữu của mình vẫn cầm cự chiến đấu dai dẳng ở các giao thông hào.
Nguyễn Cao Vực, người "pháo thủ" của các chiến trường Chiến khu D 1960, Bu Prang 1968, Kontum 1972, cũng lính là "anh lính kèn người Thượng" với cái tên "Cai Son" của sinh viên sĩ quan khóa 13 trường Võ Bị Đà Lạt. Hạ sĩ Son, anh lính kèn là người đã mang đến cho các sinh viên sĩ quan những giây phút vui buồn đáng nhớ mỗi ngày. Từ điệu kèn báo thức, tập hợp đi ăn, cũng như mặc đồ trận, đeo ba lô buổi tối trình diện dã chiến khi bị phạt ... Nguyễn Cao Vực là người có sắc diện như một cái cột nhà cháy, nên được bạn bè đặt cho cái tên là "Cai Son". Và anh rất thích cái tên đó.
Tôi có khá nhiều kỷ niệm với Vực, vì cùng một trung đội trong hai năm học tại trường. Đầu năm 1960, khi tôi hướng dẫn Dickey Chapel - người nữ Phóng viên kỳ tài của thế giới, đã từng nhảy dù theo một lực lượng Mỹ xuống Okinawa trong trận Thế chiến II - đi hành quân tại chiến khu D, với một đơn vị nổi danh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thời đó là Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh, thì Vực là Pháo đội trưởng Pháo đội 105 ly, tăng cường cho đơn vị này.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tư, Trung đoàn trưởng đã giới thiệu với chúng tôi hai quân nhân thiện chiến và "chì" nhất của Trung đoàn. Đó là Trung úy Bác sĩ Lê Đình Kỳ và Pháo đội trưởng Nguyễn Cao Vực. Bác sĩ Kỳ là ngươi không thích hành nghề chuyên môn mà chỉ thích truyện trận mạc. Còn Vực được mệnh danh là một Pháo đội trưởng lì lợm, thiện xạ, bắn đâu trúng đó.
Một tuần lễ đi hành quân với Trung đoàn 8 Bộ binh trong Chiên khu D, Dickey Chapel và tôi thương ăn và ngủ chung với Bộ Chỉ huy của Trung đoàn, gồm Thiếu tá Tư, Bác sĩ Kỳ, Trung úy Vực, và Hiền. Hiền là Sĩ quan Hành quân của Trung đoàn và cũng tốt nghiệp khóa 13 Võ bị Đà Lạt.
Trong sáu người chúng tôi, lần lượt Đại úy Hiền, Đại tá Tư đều tử trận. Họ đã hy sinh tại vùng đất và đơn vị mà họ đã chiến đấu, phục vụ nhiều năm. Dickey Chapel, người mà tôi kính trọng như một người chị trong nghề phóng viên chiến tranh, cũng vĩnh viễn ở lại Việt Nam trên "dãy phố buồn thiu" ngoài chiến trương miền Trung.
Hôm nay đến lượt Nguyễn Cao Vực. Anh là một Quận trưởng bất đắc dĩ. Anh đã bị thả xuống Đức Lập, và trở thành Quận trưởng dù muốn hay không, giữa năm Mùa Hè Đỏ Lửa 1972.
Và có thể đây là trận chót trong đời binh nghiệp người pháo thủ tài ba của Sư đoàn 5 Bộ binh, của chiến trường Cao nguyên, đã lại có dịp thi thố cái khả năng chuyên môn của mình. Hai khẩu đại bác 105 ly bắn trực xạ vào các đơn vị tiền phong Sư đoàn F10 Cộng sản Bắc Việt chắc chắn đã có một sự đánh đổi cân xứng trước khi và các chiến hữu của mình vùi ngập trong biển lửa.
Tôi tự hỏi, nếu Vực không thoát được trong trận này, còn lại Bác sĩ Lê Đình Kỳ và tôi, ai sẽ là người sống sót sau cùng, sau 20 năm chiến tranh dài của một đời người?
Các "Dũng Sĩ" Trung đoàn 53 Bộ binh tại mặt trận phi trương Phụng Dực
Ngày 10 tháng 3, 1975
Những trận mưa pháo vào Ban Mê Thuột từ 2 giờ đến 4 giờ sáng rạng ngày 10 tháng 3, 1975 đã gây kinh hoàng cho mấy chục ngàn quân cũng như dân, hiện đang có mặt tại thị xã này.
Sau đó là những chiến xa đủ loại, băng rừng, nghiền nát các ngả đường, để các lực lượng của những Sư đoàn 320, 316 Cộng sản Bắc Việt ào ạt tiến vào.
Nhưng, những người kinh hoàng và đau đớn nhất là hai cấp chỉ huy có trách nhiệm phòng thủ Ban Mê Thuột: Đại tá Vũ Thế Quang và Đại tá Vũ Công Luật!
Đại tá Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Ban Mê Thuột là một Sĩ quan Thiết giáp kỳ cựu của Quân lực Viêtn Nam Công Hòa. Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn I Thiết kỵ trong cuộc hành quân sang Lào 1971, người mà báo chí Việt Nam và ngoại quốc gọi là "Patton Việt Nam". Patton là danh tướng Thiết giáp của Mỹ trong Thế Chiến II. Đại tá Luật đã từng chỉ huy một Lực lượng Thiết giáp quan trọng và tối tân nhất của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, với những Thiết đoàn M48, M41 chiến xa trong cuộc tiến quân này.
Đêm nay Bắc quân đánh trận địa chiến vơi chiến xa nặng, với chiến thuật biển người, thì trong tay ông vỏn vẹn có được hai Chi đội Thiết vận xa M113 và những xe bọc sắt tuần tiễu của Địa phương quân. Một thứ "đồ chơi con nít" nếu so sánh với loại Thiết giáp tối tân T54 của Nga Sô mà Cộng sản Bắc Việt hiện đang sử dụng!
Đại tá Vũ Thế Quang, Tư lệnh phó Sư đoàn 23 Bộ binh và Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột khi nghe những tiếng đạn bay xé không gian, nổ tại phi trường L19, trước tiểu khu, bộ Tư lệnh Sư đoàn, đã thấy ngay cái giá mà lực lương phòng thủ phải trả. Bởi vì những khẩu đại bác 122 ly, 130 ly của Bắc quân đã kéo sát tới thị xã!
Những tiếng đại pháo của địch nổ tại Ban Mê Thuột cũng đã làm cho các tướng lãnh nắm vận mạng Đất Nước bừng tỉnh. Họ tạm quên đi những hận thù, những tranh giành quyền hạn, phe phái. Tất cả đều hướng về mặt trận này!
Lệnh của Đại tướng Cao Văn Viên từ Bộ Tổng Tham Mưu Quân lực Viêt Nam Cộng Hòa được truyền đi lúc 7 giờ sáng. Của Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng Chính phủ gọi từ Đà Lạt lúc 8 giờ 40 phút. Của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gọi từ Dinh Độc Lập lúc 10 giờ 10 phút, và 19 giờ tối.
Trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc đã xảy ra. Nhưng lực lượng giữa hai bên quá ư chênh lệch, như trứng chọi với đá nếu so sánh cả về quân số, vũ khí, chiến cụ. Địch đã ở thế thượng phong ngay từ lúc đầu!
Tuy nhiên, trong ngày đầu tinh thần chiến đấu của các dũng sĩ Trung đoàn 53 Bộ binh, sự gan dạ của những phi công anh hùng A37, của những chiến sĩ Địa phương quân tiểu khu Darlac, đã làm cho Bắc quân kinh ngạc, nể vì. Những tin tức phấn khởi bay đi khắp nước ngay khi "những cánh đại bàng" xuất hiện trên vùng trời Ban Mê Thuột.
Phi tuần phản lực A37 đầu tiên đã bắn cháy hai chiến xa, và hai cỗ đại bác phòng không của Cộng sản Bắc Việt ngay trong thị xã lúc 11 giờ 30 phút. Hai chiến xa khác cũng do không quân đánh bom trúng tại 2 cây số tây bắc Ban Mê Thuột. Lực lương Địa phương quân Darlac đã tạo một bất ngờ lúc 11 giờ trưa khi bắn cháy một T54 trước bộ Chỉ huy Tiểu khu ngay trên đường Thống Nhất!
Trận "thử sức" của các trung đoàn tiền phong quân chính quy thuộc Sư đoàn 320 Điện Biên Phủ và những "dũng sĩ" Trung đoàn 53 Bộ binh trên phòng tuyến quanh phi trường Phụng Dực xảy ra lúc 14 giờ.
Mở đầu là những trận mưa pháo, cầy nát sân bay. Từng đoàn chiến xa của Bắc quân gầm thét, di chuyển theo đội hình từ khắp ngả tiến vào.
Nhưng tinh thần các chiến sĩ ta không hề nao núng. Đây cũng không phải là "trận thư hùng" đầu tiên của các đơn vị tinh nhuệ của ta và địch.
Bởi vì trước khi rút về phòng thủ phi trường Phung Dực, Trung đoàn 53 tăng phái cho mặt trận Quảng Đức đã đụng độ với các trung đoàn chủ lực của Sư đoàn F10 rất nhiều lần trong những tháng trước, và mấy ngày mới đây với Sư đoàn 320 của Cộng sản Bắc Việt tại Đông Bắc Ban Mê Thuột.
Sau gần 2 giờ quần thảo, Trung đoàn 53 Bộ binh đã đẩy lui 3 đợt xung phong biển người của địch. 15 giờ 30, Bắc quân chém vè, để lại trên 200 xác và 50 vũ khí đủ loại, 4 chiến xa Cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy.
Báo cáo chiến thắng về Trung tâm Hành quân Quân đoàn II bằng hệ thống điện thoại viễn liên từ phi trường Phụng Dực, "người lính số 1" của Trung đoàn 53 Bộ binh, một trong những anh hùng của mặt trận Ban Mê Thuột, Trung tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng nói với Tướng Phú:
- Trình "Mặt Trời", những "đứa con" của tôi sứt mẻ chút ít, nhưng tinh thần rất cao.Trận đánh vừa kết thúc. Hơn 200 xác Việt cộng còn để nguyên ngoài chiến trường. Vũ khí tịch thu tôi đã cho kéo về phòng danh dự của phi cảng để "triển lảm"! Trong đó có cả 3 đại bác phòng không và 4 hỏa tiễn SA7 còn mới nguyên.
Tướng Phú vui mưng lộ trên nét mặt. Ông khen ngợi và ra lệnh cho Ân bằng một giọng hết sức thân mật:
- "Chú mày" giỏi lắm! Chuyển lời khen của tôi đến anh em. Ráng lên! Sau trận này mỗi người lên một cấp. Nhưng không được khinh thường địch quân! Phải chuẩn bị và đề phòng tối đa ngay! Rõ chưa?
- Trình "Mặt Trời", tôi nhận rõ!
Tướng Phú cúp máy. Trung tá Võ Ân trở ra chiến hào phòng thủ cùng với các chiến hữu của mình.
Tuy nhiên chiến thắng trên đây chỉ là một may mắn đặc biệt, một chiến thắng sau cùng của Trung đoàn 5e Bộ binh trong trận đánh quyết định giữa hai miên Nam-Bắc năm 1975.
Ngày 10 tháng 3, 1975 là một ngày cực kỳ sôi động trên chiến trương Cao nguyên. Trong lịch sử 30 năm chiến tranh Việt Nam kể từ hồi còn quân đội Pháp, chưa bao giờ có những trận đánh đồng loạt, dồn dập như vậy.
Ngoài mặt trận chính Ban Mê Thuột, Cộng quân tấn công khắp nơi. Các trận bắc Kontum, nam Pleiku, bắc Bình Định, Quảng Đức và trên 2 quốc lộ 19, 21 đều bị áp lực nặng nề.
Tiểu khu Ban Mê Thuột bị mất liên lạc lúc 12 giờ trưa. Những đoàn xe chở quân của Bắc Việt vẫn tiếp tục tiến về Ban Mê Thuột. Lệnh phá cầu 14 trên quốc lộ nối liền Quảng Dức-Ban Mê Thuột được ban hành. Những trận pháo kích, đụng độ nặng nề quanh Căn cứ 93 phía nam Pleiku kéo dài suốt ngày.
15 giờ 15 phú, phi trường Cù Hanh, Pleiku bị pháo. Một trực thăng và một dãy nhà bị cháy, một Dakota bị hư hại.
18 giờ 20 phút, Cộng quân pháo trúng Bộ Tư lệnh Quân đoàn, khu câu lạc bộ sĩ quan và Bộ Chỉ huy Không trợ II. Thị xã Pleiku thiết quân luật 9 giờ tối.
Tại mặt trận Bình Định, Trung đoàn 42 và 47 giao tranh suốt ngày với các đơn vị Cộng sản Bắc Việt và hạ 200 tên tại thung lũng Vĩnh Thạnh. Sư đoàn 22 Bộ binh hiện đã trực diện với Sư đoàn 3 Sao Vàng, các trung đoàn biệt lập của Bắc Việt tại Quân khu 5.
Một tin chấn động khác, 17 chiến xa Cộng sản Bắc Việt xuất hiện gần Phù Cát, Bình Định lúc 5 giờ 30 chiều.
Tổng kết tại mặt trận Ban Mê Thuột trong ngày đầu cùng với chiến thắng của Trung đoàn 53 Bộ binh, thêm 100 Cộng quân khác bị hạ trước tiểu khu, trước khi tiểu khu Darlac bị mất liên lạc, và trước dinh Tỉnh trưởng, gần sát với Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. 12 chiến xa Cộng sản Bắc Việt bị bắn cháy, trong số đó có 11 cái do Không quân đánh bom trúng.
Những lệnh cuối cùng trong ngày Tướng Phú chỉ thị cho Tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh mặt trận nam Pleiku và Tỉnh trưởng không được lùi khỏi Căn cứ 93 trên tuyến phòng thủ Bộ Tư lệnh Quân đoàn và thị xã này. Liên Đoàn 21 Biệt động quân đã từ Buôn Hô di chuyển về gần tới Ban Mê Thuột bằng mọi giá phải tái chiếm bộ chỉ huy tiểu khu và kho đạn Ban Mê Thuột.
19 giờ tối, Tổng Thống Thiệu từ Saigon gọi lên chỉ thị cho Tư lệnh Quân đoàn II giải quyết chiến trường Ban Mê Thuột mau lẹ (?)
Giây Phút Cuối Cùng của Tư Lệnh Mặt Trận Ban Mê Thuột
Ngày 11 tháng 3, 1975.
Trận đánh đẫm máu thư 2 giữa Trung đoàn 53 Bộ binh và một lực lương quân chính qui Cộng sản Bắc Việt đã được tăng cường đông hơn gấp 10 lần, xảy ra lúc 5 giờ sáng. Đó cũng là lần xuất trận đầu tiên của Sư đoàn 316, sư đoàn tổng trừ bị của Bắc Việt tại mặt trận phi trường Phụng Dực trên chiến trường Cao nguyên.
Sư đoàn 316 tổng trừ bị Cộng sản Bắc Việt vừa di chuyển từ miền Bắc vào, và mới tới trận địa hồi đêm. Những báo cáo tiên khởi trong 2 giờ đầu cho biết Trung đoàn 53 Bộ binh bị thiệt hại quá nặng.
7 giờ 45 phút sáng, đích thân Tư lệng mặt trận Ban Mê Thuọt, Đại tá Vũ Thế Quang gọi lên Trung tâm Hành quân Quân đoàn II cho biết tình hình vô cùng nguy ngập. 10 chiến xa Cộng sản Bắc Việt đang bắn trực xạ vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn.
Người sử dụng máy siêu tần số lúc đó là Trung tá Không quân Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Không trợ II. Bằng những ngụy thoại, ông cho biết đoàn phản lực cơ cất cánh từ Nha Trang đang trên đường, và sắp tới vùng trời Ban Mê Thuột.
7 giờ 55 phút, hai chiếc phản lực cơ A37 lao xuống mục tiêu, những chiến xa Cộng sản Bắc Việt, và đánh vô cùng chính xác. Nhưng chỉ mấy phút sau, bỗng nghe Đại tá Quang hét lên trong máy truyền tin:
- Ơ!... "nó" đánh trúng tôi!!!
8 giờ. Đó là giờ phút của "định mệnh". Hai trái bom đã thả trúng hầm Chỉ huy và Truyền tin của Tư lệnh mặt trận Ban Mê Thuột. Và Trung tâm Hành quân Quân đoàn II mất liên lạc với Ban Mê Thuột từ lúc đó.
Nghe câu nói sau cùng của Quang, tự nhiên tôi thấy đau lòng và đưa mắt nhìn Giang. Quang, Giang và tôi đều là bạn.
Quang với biệt danh "Quang dù", là người lính của chiến trường và thành phố trong 2 thập niên 1955-1975. Trước năm 1960 khi chiến tranh còn ở cấp tiểu đoàn, một số sĩ quan trong các binh chủng Không quân, Nhảy Dù rất nổi tiếng trong cả hai lãnh vực: ăn chơi và đánh giặc. Tên tuổi họ trở thành những nhân vật trong tiểu thuyết, các phóng sự với những biệt danh riêng. Chẳng hạn như: Cương "khểnh", Hợi "voi", Quang "dù", Hùng "sùi", Giang "nám" ...
Thơi gian ở Nhảy Dù, Quang là một Tiểu đoàn trưởng trung bình, nhưng là người có một "nghệ thuật sống" siêu đẳng. Anh luôn luôn tự chế và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Cuối năm 1963, Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đang được tái huấn luyện tại Trung tâm Vạn Kiếp, mới được tạm thơi giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng, anh đã liều lĩnh mang tiểu đoàn về Saigon tham gia đảo chánh. Nhưng công trạng của anh chỉ được biết đến khi Tướng Nguyễn Cao Kỳ được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân.
Rồi sau đó, khi trở thành Thủ tướng, ông Kỳ đã đề cử Quang chỉ huy Liên đoàn An ninh Danh dự. Đường hoạn lộ chim bay từ đó!
Nhưng phải nói anh là người đàng hoàng, trung trực. Khi ông Kỳ bị ông Thiệu hất cẳng, cho "ngồi chơi sơi nước", một bất ngờ, anh được ông Thiệu cho đi làm Thị trưởng Cam Ranh. Anh vào Tân Sơn Nhất hỏi ý kiến ông Kỳ. Không may cho anh, trong một canh mạt chược dở dang, ông Kỳ rất thờ ơ lạnh lùng. Vì vậy, anh thất vọng bỏ đi. Từ đó, anh trở lại cương vị của một người quân nhân "nhà nghề". Tuy nhiên, bạn bè vẫn nghi ngờ và chế diễu anh là một "petit ... Lên Nguyên Khang" (!) Mỗi khi có chiến thắng Việt Cộng, tay phải cầm khẩu AK47 tặng Trung tướng Thiệu, tay trái trao khẩu CKC cho Thiếu tướng Kỳ. Cũng như Trung tướng Khang, luôn luôn đu giây giữa "cánh phải và cánh trái" dinh Độc Lập với câu nói đầu môi: "ông Kỳ là bạn, ông Thiệu là thày, tôi chỉ biết phục vụ cho quyền lợi của Tổ quốc và Quân đội"!!!
Sau khi rời chức vụ Thị trưởng Cam Ranh vơi thâm niên cấp bậc, Quang được bổ nhiệm làm Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh.
Chiều ngày 9 tháng 3, 1975 , Tướng Phú rất khó khăn và cân nhắc mãi mới chọn lựa anh làm Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột, vì Đại tá Luật, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac chức vụ nhỏ hơn, nhưng trận mạc và cấp bậc thâm niên hơn.
Tôi nhớ khi rời phi trường Phụng Dực, Tương Phú bắt tay Quang và nói:
- Cố gắng và ráng cẩn thận nghe Quang! Đừng để lỡ dịp lên tướng kỳ này. Mình ... Nhảy Dù mà !
Quang đứng nghiêm chào Tướng Phú:
- Thiếu Tướng yên tâm, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được. Và tôi sẽ chết tại đây trước khi Ban Mê Thuột mất!
Sau khi Trung tâm Hành quân, hầm Chỉ huy và Truyền tin của Tư lệnh Chiến trường bị sập, mọi người đều lo lắng cho số phận Ban Mê Thuọt.
Đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn được lệnh thành lập bộ Chỉ huy Hành quân trên không để chỉ huy mặt trận Ban Mê Thuột. Cả hai chiếc C47 và U17 của Tư lệnh Quân đoàn đều được sử dụng. Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Hành quân nhẹ cũng được thành lập gấp rút ở Buôn Hô.
11 giờ 50 phút, sau gần 4 giờ chờ đợi, Trung tâm Hành quân Quân đoàn II ghi nhận mất liên lạc hoàn toàn với Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột và Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng tiểu khu Darlac.
15 giơ 30, Đại tướng Cao Văn Viên gọi cho Tướng Phú gay gắt ra lệnh "bốc" Chuẩn tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn 23 từ mặt trận nam Pleiku thả xuống Ban Mê Thuột chỉ huy.
17 giờ và 23 giờ đêm, những lệnh của Tổng Thống Thiệu và Thủ tướng Chính phủ Trần Thiện Khiêm:
- Linh động trong mọi trường hợp. Cẩn thận không nên dồn hết quân trong mặt trận này.
- Tư lệnh Quân đoàn toàn quyền quyết định, có thể bỏ Ban Mê Thuột. Tránh sa lầy, vì có thể còn hai, ba mặt trận lớn nữa tại Quân khu II.
- Tường trình chính xác các sư đoàn Cộng sản Bắc Việt hiện tham chiến trên trận địa Ban Mê Thuột.
- Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột coi như đã mất tích. Chấp thuận thả một Tỉnh trưởng khác xuống chỉ huy nơi có dân và quân tập trung nhiều. Lập tòa Hành chánh và bộ Chỉ huy tiểu khu Ban Mê Thuột lưu động.
Giây phút cuối cùng của Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột sau này được ghi nhận với những dữ kiện đặc biệt. Buổi sáng khi 2 trái bom 500 cân Anh của Không quân đánh sập một đầu hầm Trung tâm Hành quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, một số sĩ quan trong bộ tham mưu đã thoát lên được. Trên một thiết vận xa M113, Đại tá Vũ Thế Quang sử dụng máy truyền tin liên lạc với chiếc máy bay chỉ huy, cho lệnh các phản lực cơ trút bom xuống bộ Tư lệnh Sư đoàn hiện đang bị địch quân tràn ngập. Và cho biết sẽ rút về phía Trung đoàn 53 Bộ binh tại phi trường Phụng Dực để tiếp tục chỉ huy.
Đại tá Nguyễn Công Luật cùng với Phó Tỉnh trương Hành chánh Nguyễn Ngọc Vỵ đi theo một hướng khác. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, chiếc thiết vận xa chỉ huy bị bắn cháy, Đại tá Quanh thoát chết trong gang tấc. Cộng quân lúc này đầy khắp các ngả đường trong thành phố cùng với những đoàn xe tăng của chúng.
Cũng thời gian này, trên Quốc lộ 14, khoảng đường tư Đức Lập về Ban Mê Thuột, bộ Chỉ huy Hành quân nhẹ của Trung đoàn 53 Bộ binh cùng với một tiểu đoàn, được lệnh rút từ vùng hành quân phía đông bắc quận Đức Lập về tiếp cứu Ban Mê Thuột, cũng bị Việt cộng phục kích chận đánh. Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 53 và hầu hết các sĩ quan đều bị tử trận hoặc bị địch bắt. Cánh quân này coi như bị tan rã trước khi tới được trận địa Ban Mê Thuột.
Đến xế trưa ngày 11 tháng 3, bên cạnh Đại tá Quang chỉ còn có người Thiếu úy, Sĩ quan Tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người đã ẩn tránh trong một vườn cà phê mấy tiếng đồng hồ, đợi đêm tối nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.
2 giờ sáng ngày 12 tháng 3, đi được khoảng 6 cây số đưỜng rừng ngay khi vưa tới sát một làng Thương, thì bị Việt cộng nổ súng, xông ra vây bắt. Thấy Đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn Đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13 tháng 3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe Molotova sang Cam Bốt để khai thác. Vùng rừng núi này, chắc chắn là nơi đặt bản doanh bộ Tư lệnh chiến trường Tây nguyên 1975 của 2 Tướng Cộng sản Bắc Việt Văn Tiến Dũng và Hoàng Minh Thảo.
Trong suốt thời gian bị điều tra, Đại tá Quang bị Việt cộng khủng bố tinh thần, cùm giữ hai chân trong hai thân cây lớn được khoét lỗ sẵn. Đó có thể cũng là kết quả đưa đến những lời cung khai của Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, như Văn Tiến Dũng đã viết trong cuốn Đại Thắng Mùa Xuân.
Nhưng với cuộc tấn chiếm Ban Mê Thuột bằng một lực lượng chính qui Cộng sản Bắc Việt đông hơn gấp 10 lần, có chiến xa, pháo binh yểm trợ, do chính Văn Tiến Dũng, Tổng Tư lệnh quân đội Bắc Việt trực tiếp chỉ huy, việc giữ được Ban Mê Thuột 48 giờ đã là một sự kiện hết sức đặc biệt. Vì Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh không có hệ thống phòng thủ để chiến đấu. Lực lượng chính yếu là Trung đoàn 53 Bộ binh thì trấn đóng tại phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột 5 cây số. Trong thị xã, ngoài các đơn vị Địa phương quân, chỉ có những thành phần quân nhân lo về tiếp liệu, phòng giữ hậu cứ của các Trung đoàn Bộ binh, hậu cứ các đơn vị Thiết giáp, Pháo binh, Truyền tin, Quân cụ, Công binh.
Một Huyền Thoại trong Chiến Tranh Việt Nam
4 giờ sáng ngày 10 tháng 3, 1975.
Sau những trận mưa pháo suốt 2 tiếng đồng hồ, Cộng quân với chiến xa và biển người, tấn chiếm Ban Mê Thuột. Và với một lực lượng đông gấp 10 lần, địch đã làm chủ tình hình ngay từ phút đầu.
Sự chống trả mảnh liệt của những đơn vị phòng vệ thị xã cùng với sự yểm trợ hữu hiệu gan dạ của các phi công anh hùng, đã chặn bớt được sức tiến của quân thù.
Nhưng ngày hôm sau, khi Cộng sản Bắc Việt tung thêm Sư đoàn tổng trừ bị 316 mới ở miền Bắc vào, thì lực lương hai bên giữa ta và địch quá ư chênh lệch, cả về quân số, chiến xa lẫn vũ khí nặng!
12 giờ trưa ngày 10 tháng 3, 1975 tiểu khu Ban Mê Thuột mất!
8 giờ sáng hôm sau 11 tháng 3, 1975, 10 chiến xa T54 của Cộng sản Bắc Việt bắn trực xạ vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Vị Tư lệnh chiến trường chấp nhận rủi ro, nguy hiểm, yêu cầu Không quân đánh bom thẳng vào những xe tăng địch. Những phản lực cơ A37 lao xuống. Ba chiếc T54 bốc cháy, nhưng rồi 2 trái bom khác rơi trúng sập một đầu hầm của Trung tâm Hành quân Sư đoàn 23 Bộ binh. Hệ thống truyền tin giữa Ban Mê Thuột-Pleiku bị hư hại hoàn toàn, mất liên lạc với Tư lệnh Chiến trương và Tỉnh trưởng Ban Mê Thuột từ đó.
8 giờ sáng ngày 11 tháng 3, 1975, giờ phút của định mệnh, và cũng là khởi đầu ngày thứ hai trong trận đánh quyết định giữa hai miền Nam-Bắc 1975. Chiến trường Ban Mê Thuột coi như kết thúc với sự tràn ngập của Bắc quân.
Nhưng tại phi trường Phụng Dực, cách Ban Mê Thuột khoảng 8 cây số về phía đông, một trung đoàn (-) của Sư đoàn 23, với 2 Tiểu đoàn của Trung đoàn 53 Bộ binh, một Chi đoàn Thiết vận xa M113, một Pháo đội đại bác 105 ly vẫn tiếp tục chiến đấu thêm một tuần lễ nữa. Chiến đấu dũng mãnh, dai dẳng, phi thường cho đến những người lính cuối cùng và những viên đạn cuối cùng được bắn đi!
Đó là một huyền thoại trong một cuộc chiến đấu chống Cộng thần thánh nhất của quân dân miền Nam Việt Nam. Đó cũng là biểu tượng tinh thần gang thép, sắt đá của người chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trận thử sức dò dẫm của 2 trung đoàn Cộng sản Bắc Việt và các lực lượng phòng thủ mặt trận phi trường Phụng Dực đầu tiên xảy ra lúc 14 giờ trưa ngày 10 tháng 3, 1975, với kết quả địch bỏ lại chiến trường trên 200 xác chết!
Nhưng chưa đầy một ngày sau, 5 giờ sáng 11 tháng 3, 1975 khi những chiến xa T54 Bắc Việt nghiền nát những đường phố Ban Mê Thuột, tiến thẳng vào bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, cũng là lúc địch quân rửa hận cho đồng bọn chúng tại mặt trận phi trường Phụng Dực.
Sư đoàn 316 tổng trừ bị của Cộng sản Bắc Việt lần đầu tiên được sử dụng trên Chiến trường Cao nguyên và miền Nam Việt Nam. Từ xa lộ đất Hồ Chí Minh, sư đoàn này bất chấp mọi thiệt hại, di chuyển ngày đêm để tới trận địa đêm 10 tháng 3, 1975. Và ngay sáng hôm sau, dốc toàn lực lượng tấn công Trung đoàn 53 Bộ binh.
45 phút khởi đầu là những cơn mưa đạn đại bác khiến chiến sĩ ta chìm ngập trong giao thông hào. Sau đó, Bắc quân với những tên lính trẻ xuất trận lần đầu, hung hăng, hò hét ... xung phong. Từng lớp, từng lớp gục xuống, nhưng chúng vẫn hô, vẫn tiến.
Đập tan cuộc phản kích tái chiếm Buôn Ma Thuột
Buôn Ma Thuột thất thủ đã làm chấn động toàn miền Nam, lan tới Nhà Trắng và Lầu Năm Góc Mỹ. Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn và Đại tướng Cao Văn Viên - Tổng Tham mưu trưởng ký lệnh “tử thủ Buôn Ma Thuột” và ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2, Quân khu 2 phải “tái chiếm Buôn Ma Thuột” bằng mọi giá. Tuy nhiên, ý đồ của quân ngụy đã bị đập tan trong chiến dịch chống phản kích tại Phước An - Nông Trại - Chư Cúc từ ngày 12 đến 18-3-1975, mở đầu bước suy sụp không thể cứu vãn nổi của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Sau khi ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, lực lượng Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy ở Bắc Tây Nguyên và duyên hải Trung Bộ tuy còn đông nhưng mọi con đường đổ về Buôn Ma Thuột đã bị cắt đứt, buộc phải đổ bộ bằng trực thăng. Chuẩn tướng Lê Trung Tường - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 tình nguyện nhận nhiệm vụ chỉ huy lực lượng phản kích buộc phải đổ quân xuống khu vực không xác định trước ở Nông Trại - Phước An trên quốc lộ 21 (nay là quốc lộ 26) cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 30 km về phía đông.
Từ chiều ngày 12 đến hết ngày 13-3-1975, địch huy động máy bay ném bom dọn bãi, dùng trực thăng đổ bộ Trung đoàn 45 và Pháo đội 232 xuống trục đường 21 từ điểm cao 581, Nông Trại đến Phước An, Chư Cúc. Tiếp đó, chúng lại đổ thêm Trung đoàn 44 và dựng Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 xuống vùng này. Địch hy vọng với lực lượng Sư đoàn 23 con cưng “Nam bình, Bắc phạt, Tây Nguyên trấn” và bọn tàn quân Liên đoàn 21 biệt động quân có thể “đánh một trận đẹp mắt với quân Bắc Việt Nam” (Theo lời đại sứ Mỹ Martin) ở phía đông Buôn Ma Thuột để xin viện trợ Mỹ, tiếp tục kéo dài chiến tranh.
Bộ binh và xe tăng Mặt trận Tây Nguyên tiến công tiêu diệt địch trong Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh Tư liệu Bảo tàng BĐTN
Chủ động đón đầu và nắm chắc thời cơ, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên kịp thời đưa Trung đoàn 24, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) và lực lượng xe tăng, pháo binh, phòng không vào chiến đấu trên hướng đường 21. Đêm 13 rạng ngày 14-3, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24 có xe tăng phối thuộc lợi dụng ánh sáng đèn dù vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công. Đúng 7 giờ 7 phút ngày 14, trận tiến công địch ở điểm cao 581 mở màn.
Ngay từ phút đầu, pháo chiến dịch bắn dồn dập, chính xác vào các mục tiêu. 8 giờ 45 phút, bộ binh và xe tăng đồng loạt xung phong và làm chủ hoàn toàn trận địa sau hai giờ tiến công. Thấy Tiểu đoàn 2 ở phía trước bị tiêu diệt, lực lượng còn lại của Trung đoàn 45 ngụy co về khu vực đồn điền cà phê ngã ba Nông Trại nhập với tàn quân của Liên đoàn 21 bảo vệ mặt phía tây quận lỵ Phước An. Ngày hôm sau, địch đổ bộ tiếp Trung đoàn 44 xuống khu vực này, nâng quân số của chúng ở Nông Trại - Phước An lên 5600 tên.
Địch tuy đông, nhưng công sự sơ sài, hỏa lực chi viện hạn chế, tinh thần quân lính rệu rã. Nhận thấy thời cơ thuận lợi, Trung đoàn 24 được lệnh phát triển tiến công ở Nông Trại - Phước An, đồng thời Trung đoàn 28 cơ động về hướng này đánh địch. Sau một đêm chuẩn bị, sáng ngày 16-3, pháo cối của ta bắn dồn dập vào các mục tiêu địch trong vòng 25 phút. Hỏa lực chuyển làn, lập tức bộ binh, xe tăng, xe thiết giáp dũng mãnh tiến công, nhanh chóng đập tan sự kháng cự của Tiểu đoàn 3, rồi chọc thẳng vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 45 ngụy. Đúng 8 giờ 15 phút, ta làm chủ hoàn toàn khu vực Nông Trại.
Sáng 17-3, Trung đoàn 24 làm chủ Phước An, Sở Chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy đã rút về Chư Cúc. Sau bốn ngày tiến công, Trung đoàn 24 và lực lượng tăng cường đã đánh tan Trung đoàn 45 ngụy, loại khỏi vòng chiến gần 1000 tên địch, thu nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng một vùng rộng lớn dọc trục đường 21, tạo điều kiện cho đơn vị bạn tiếp tục phát triển tiến công.

Các chiến sỹ Sư đoàn 10 truy kích địch tại Phước An. Ảnh Tư liệu Bảo tàng BĐTN.
Trước diễn biến thuận lợi, Bộ Tư lệnh chiến dịch và Sư đoàn 10 dùng Trung đoàn 28 và một lực lượng xe tăng, pháo phòng không tiếp tục đánh địch trong hành tiến theo dọc trục đường 21 về hướng Khánh Dương.
Từ chiều ngày 18 đến sáng ngày 19-3, Trung đoàn 28 và Tiểu đoàn 2 xe tăng, Trung đoàn 273 hiệp đồng đánh tan Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 44 ngụy, rồi tiếp tục truy kích đến cầu số 13. Tại đây, địch đánh sập cầu và lập tuyến chốt chặn bên bờ đông, kết hợp với máy bay, pháo binh hòng chặn bước tiến quân của ta. Nhưng trước sức tiến công mạnh mẽ của Trung đoàn 28, lực lượng địch chốt chặn nhanh chóng bị quét sạch, thừa thắng đội hình tiến công binh chủng hợp thành đánh chiếm chi khu quân sự Chư Cúc và làm chủ hoàn toàn khu vực thị trấn lúc 12 giờ.
Trong cơn hoảng loạn, Chuẩn tướng Lê Trung Tường chạy tháo thân, song chiếc máy bay trực thăng bị trúng đạn, y được đồng bọn lôi ra khỏi máy bay và đưa đi trốn. Tàn quân địch từ Chư Cúc chạy về hướng đông đã bị Trung đoàn 25 tiêu diệt. Trong khoảng 20 giờ tiến công hành tiến, Trung đoàn 28 và lực lượng tăng cường đã vượt chặng đường dài 40 km, đánh nhiều trận làm tan rã hoàn toàn Trung đoàn 44 ngụy, tàn quân Liên đoàn 21 biệt động quân và lực lượng bảo an, thu được nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh, giải phóng một vùng đất rộng lớn dọc trực đường 21, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch phát triển về hướng đông.
Trong khi tập trung một lực lượng mạnh đánh bại quân địch phản kích trên đường 21, Bộ Tư lệnh chiến dịch sử dụng Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10) và Trung đoàn 149 (Sư đoàn 316) tiến công tiêu diệt căn cứ 53. Nằm trên trục đường 27, cách trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột 8 km về phía đông nam, căn cứ 53 có hình chữ nhật chiều dài 1,2 km, rộng 1 km, có hệ thống công sự kiên cố, hầm ngầm chỉ huy ở giữa bằng bê tông, xung quanh có tuyến tường hộp dày 1,5 m, cao 2 m và 4 đến 6 hàng rào thép gai.
Chiến sỹ Trung đoàn 66 đánh chiếm sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột). Ảnh Tư liệu Bảo tàng BĐTN.
Từ 17 giờ 10 phút ngày 16-3, hai Trung đoàn 66 và 149 tổ chức tiến công. Quân địch ngoan cố chống trả quyết liệt, gọi máy ném bom vào các khu vực cửa mở. Nhưng trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, chúng suy yếu nhanh buộc phải tháo chạy. Đến 8 giờ ngày 30-3, ta làm chủ hoàn toàn căn cứ 53.
Trong hơn năm ngày tiến công, Sư đoàn 10 và các đơn vị xe tăng, pháo binh, phòng không chiến dịch đã lập chiến công vang dội, hoàn thành xuất sắc trận then chốt thứ hai của chiến dịch Tây Nguyên: Đập tan cuộc phản kích “tái chiếm” Buôn Ma Thuột của Quân đoàn 2 ngụy, xóa sổ Sư đoàn 23 và Liên đoàn 21 biệt động quân; diệt và bắt 5.266 tên, thu 3.718 súng các loại, 305 xe quân sự và 1 máy bay trực thăng; giải phóng hoàn toàn vùng đông bắc tỉnh Đắc Lắk. Chiến thắng trên đường 21 đã góp phần quan trọng thúc đẩy chiến dịch phát triển, tạo thế chia cắt địch về chiến lược, đẩy Quân đoàn 2, Quân khu 2 ngụy ở Bắc Tây Nguyên đến nguy cơ tan vỡ và bị tiêu diệt nhanh chóng khi tháo chạy trên đường số 7, mở đầu bước suy sụp không thể cứu vãn nổi của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.
Thắng lợi của trận đánh khẳng định sự trưởng thành vượt bậc về nghệ thuật chỉ huy chiến dịch, về trình độ tổ chức và thực hành tiến công địch trong hành tiến tiêu diệt lực lượng lớn quân địch phản kích bằng đổ bộ đường không và tinh thần chiến đấu rất dũng cảm của bộ đội chủ lực Mặt trận Tây Nguyên./.
Source: Danh Hiệp - Bảo tàng Binh đoàn Tây Nguyên
13-06-2017


Một chặng đường đã qua
Ban Mê Thuột Chủ nhật 9- 3- 1975 : 8 giờ sáng:
Tôi lái xe ra phố để kiếm cái gì ăn sáng sau một đêm gần như không ngủ được vì phải lo nhiều vấn đề trong việc phòng thủ đơn vị : họp và bàn với các sĩ quan đơn vị (kiểm báo) về phòng thủ, rồi họp với các sĩ quan thuộc các Ðại đội Ðịa Phương quân tăng phái, rồi lại phải đi tuần tiễu trong đêm để kiểm tra các pháo đài, vọng gác. . . quanh yếu khu phi trường. Kể từ mấy ngày nay, Quân Trấn BMT được đặt trong tình trạng cấm trại và cấm quân nghiêm ngặt do tình hình mặt trận Ðức Lập bùng nổ mạnh.
Nhiều lúc tôi nghĩ là việc lo cho Yếu Khu cũng nhiều không kém công việc chính của tôi. Chỉ huy một đơn vị Kiểm Báo, với quân số gần 300 người, lại đồn trú ở xa các Căn cứ và Sư Ðoàn KQ nên gần như phải tự lo liệu đủ thứ. Ðã có lần tôi hỏi ông Chỉ Huy Trưởng tiền nhiệm của tôi (Trung Tá Trần Ðình Giao, hỗn danh De Couteau) là “tại sao mình lại mang thêm vào cái trách nhiệm Yếu Khu Trưởng Yếu Khu 3 làm gì cho thêm vất vả, thì được trả lời :”Thôi thì cũng chả sao đâu ! nghề dậy nghề mà, sau rồi “toi” cũng quen đi. Với lại mình đồn trú trên lãnh thổ của họ nên phải có đóng góp tý gì chứ. Rồi khi cần nhờ vả hoặc “đề mẹc”cái gì họ cũng vui vẻ với ta ngay !”
Như vậy, tôi như một anh lính mang hai ba lô : một cái thuộc Kiểm Báo và cái kia là yếu Khu 3 phòng thủ của thị xã Ban Mê Thuột trực thuộc Tiểu Khu Darlac (Quân Trấn BMT có 5 yếu khu).
Ðang suy nghĩ vẩn vơ thì có tiếng gọi trong máy handy talkie:”Tango 1, Pyramid gọi” (Tango 1 là danh hiệu truyền tin của tôi vừa được dùng trong ngành kiểm báo và cũng được dùng trong liên lạc phòng thủ đơn vị, do BCH/LÐKB đặt)
“Tango 1 nghe đây”.
“Trình Tango 1, có công điện mời họp các đơn vị trưởng tại phòng họp Sư Ðoàn lúc 11 giờ có “Mặt Trời” về dự” (Mặt Trời là Tư Lệnh Quân Ðoàn 2)
“Tôi nhận rõ”.
Ngẫm nghĩ một lát, tôi gọi lại Pyramid :”Anh nói Tango 2 đi họp thay tôi, về báo cáo sau, tôi đang bận chút việc” (Tango 2 là danh hiệu của Th/Tá Phước, CHP/ÐKB). Thật ra thì tôi chả có chút việc gì cả. Do đêm qua thức nhiều nên tôi định ăn điểm tâm xong thì về nhà ngủ một tí cho lại sức. . .
* * * * * * * *
Ðường phố Ban Mê Thuột vẫn đông đúc người qua lại. Khu bùng binh ngã sáu trước nhà thờ vẫn đông người đi lễ. Chợ búa, các quán ăn vẫn sinh hoạt bình thường. Tôi thấy như không có cái không khí chiến tranh ở đây, có lẽ do bởi người dân đã quá quen với cái hoàn cảnh chiến tranh chung của cả nước chứ có riêng gì ở đây đâu ? Chỉ có điều hơi khác biệt với những ngày trước đây là rất ít xe quân sự qua lại, rất ít thấy mầu áo treillis đi phố. . . Cấm trại 100% mà ! Ðã có lệnh của Quân Trấn BMT:tất cả quân nhân, dù bất cứ thuộc Quân Binh chủng nào, hễ có phép ra khỏi đơn vị là phải trang bị đầy đủ ; nón sắt hai lớp, giây 3 chạc, có thể mặc áo giáp và mang súng. . . . Trong quán ăn, người ta nói nhiều về trận đánh lớn đang diễn ra ở Ðức Lập và một vài nơi khác trong tỉnh Darlac. Một vài người đi đến kết luận mà ai cũng hết sức lo lắng : đó là Ban Mê Thuột đang bị cô lập ! Lý do là : về phía Bắc, đường đi PleiKu, thì Việt Cộng đang chặn ở đèo 110 (Quốc Lộ 19), đường đi Nha Trang (Quốc Lộ 21) thì VC chặn ở khoảng giữa Khánh Dương và Phước an. Còn quốc lộ 14 về Sài Gòn thì đang có trận đánh ở Ðức lập ! Rõ ràng là từ nay, nếu không giải tỏa được khúc nào thì vấn đề tiếp tế chỉ còn trông vào đường hàng không mà thôi
* * * * * * * *
Tiếng chuông điện thoại reo đánh thức tôi dậy. Tôi chụp ống nghe và liếc nhanh nhìn đồng hồ : đã hơn 2 giờ chiều rồi, tôi đã có được một giấc ngủ hơn 3 tiếng đồng hồ.
“Trình Tango 1, có công điện mời họp tất cả các Yếu Khu trưởng và Ðơn vị trưởng đồn trú trong Quân Trấn BMT. Buổi họp do Ðại Tá Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng triệu tập vào lúc 3 giờ chiều nay tại phòng họp Tiểu Khu”.
Tôi định hỏi thế còn buổi họp lúc 11 giờ sáng nay thế nào thì đầu dây bên kia cho biết là buổi họp đó đã bị đình hoãn lại.
“Nhận rõ, tôi trả lời. Cho gọi Trung sĩ Cam (là tài xế của tôi) đưa tôi đi họp”.
* * * * * * *
Ðang lúi húi lau xe jeep, thấy tôi ra, TS Cam chào tôi và nói:”Nghe tình hình có vẻ nghiêm trọng quá hả Thiếu Tá?. . . À mà tôi nghe nói có chiếc C 130 chở vật liệu lên, chờ đến 5 giờ chiều nay mới về Sài Gòn, Th/Tá có định cho gia đình về Sài Gòn không ? Tôi bước lên xe và uể oải nói : “Tao chưa tính được gì cả. Chú mày có muốn cho gia đình về Sài Gòn thì cứ việc. . .”
Khi đến phòng họp Tiểu Khu, điều làm tôi ngạc nhiên là thành phần tham dự quá ít, chỉ có khoảng 10 người gồm đủ mặt 5 Yếu Khu Trưởng và một số ít đơn vị trưởng khác đồn trú trong thành phố Ban Mê Thuột. Ðiều làm tôi ngạc nhiên hơn là dáng điệu của Ðại Tá Tỉnh Trưởng (Ð/Tá Luật). Ông ta chống cằm với vẻ mặt suy tư, trầm ngâm. . . Ông hết nhìn xuống bản đồ trải trên bàn lại ngẩng lên nhìn quanh hội trường không nói gì cả. Cả hội trường đều im lặng. Thảng hoặc có vài đơn vị trưởng chụm đầu vào nhau xì xào vài chuyện gì đó. Hơn 10 phút sau vẫn không thấy ai nói gì. Tôi nghĩ : có lẽ mình tới trễ nên buổi họp sắp chấm dứt chăng ? Tôi nhìn đồng hồ : 3 giờ đúng. Bây giờ mới đúng giờ theo công điện mời họp. Tôi vẫn thắc mắc là tại sao Ð/Tá Tỉnh Trưởng và nhiều vị khác đến sớm như vậy ? Có thể có những chuyện đặc biệt quan trọng sắp xẩy ra chăng?. . .
Một vài người rời ghế ra ngoài nói chuyện riêng tư. Cả phòng họp vẫn yên lặng như tờ. Tôi nhìn sang người ngồi kế bên tôi, Th/Tá Hy Trưởng Phòng 3 Tiểu Khu cũng là bạn tôi. Anh ta thẫn thờ bảo tôi hãy ra ngoài một lát đi . . .
Tôi theo Hy ra ngoài đến gần Phòng 2 thì gặp Ðại úy Trị ( SQ Phụ tá Phòng 2) ngoắc chúng tôi vào. Tôi chưa kịp hỏi han tình hình thế nào, họp hành cái gì mà kỳ cục như thế này thì Hy nói :”Họp hành con mẹ gì nữa, nước đến chân rồi !. . .và Ðại Tá có chỉ thị riêng cho chúng tôi một số ý kiến trong buổi họp nhanh trước đây rồi, lát nữa anh sẽ biết”. Hy tiếp:” tình hình nghiêm trọng và bi đát lắm ! “tụi nó” (VC) về đến Châu Sơn rồi !”. Tôi giật mình sửng sốt thì Trị nói :”đúng vậy, tôi cũng mới đi bay quan sát lấy tình hình về đây. Ở Ðức lập, tù binh địch bị quân ta bắt cho biết chúng nó sẽ đánh Ban Mê Thuột tối nay.” Sư đoàn Sao vàng VC đã về đến Châu Sơn. Dân chúng làm rẫy quanh đó chạy về báo tin tụi nó đang giăng dây điện thoại. Ngoài ra còn có 2 Sư đoàn chủ lực 316 và Sư đoàn 2. Trung đoàn 25 đang đụng với bên mình ở Khánh Dương, Tiểu đoàn 401 đặc công đang quanh quẩn ở Quảng Nhiêu (phía bắc BMT khoảng 15 cây số) và có dấu hiệu tăng T54 đang áp sát. . .” Tôi hỏi :
“Như vậy thì lực lượng của bên mình hiện nay có khá không ?” thì Th/Tá Hy buột miệng :
“Khá mẹ gì ! Gần hết Sư Ðoàn 23 đang ở KonTum rồi. Trung Ðoàn 53 và Thiết Ðoàn 8 Kỵ Binh cũng bị cầm chân một số ở Ðức Lập. Chỉ còn một số Tiểu Ðoàn Ðịa Phương Quân mà thôi. Còn các đơn vị đồn trú của các anh thì biết đánh đấm gì . . .”
Tôi lặng người ra. VC đã về đến Châu Sơn, như vậy chỉ còn cách thành phố Ban Mê Thuột có 3 km đường chim bay, thì tình hình quả đúng là nguy ngập quá rồi !
Một anh Hạ sĩ quan vào mời chúng tôi qua phòng họp và buổi họp diễn ra với thành phần như cũ. Ð/Tá Tỉnh Trưởng cho biết tình hình giống như lời Hy nói với tôi lúc nãy, là VC coi như đã vào tới vòng đai thành phố rồi; thậm chí có thể có một số đã trà trộn vào dân. . .Tin tức cho biết thêm VC đang thiết trí truyền tin, phối trí trận địa pháo và hỏa tiễn 122 ly ở khu Trại cùi và núi Châu Sơn. Các quốc lộ 14, 19, 21 dẫn về Ban mê Thuột đều bị VC chặn đánh, quấy phá, chia cắt. Tóm lại, BMT hiện đang bị cô lập. Ð/Tá Luật cho biết Sư Ðoàn 23 và Tiểu Khu đã có kế hoạch chống trả với lực lượng hiện hữu và khuyến cáo các yếu khu và các đơn vị phải cố gắng tối đa về mặt phòng thủ mà tự lo liệu là chính. Tiểu khu sẽ chỉ cho tăng viện trong trường hợp cần thiết mà thôi. Sau đó Ð/Tá chỉ thị thêm một số vấn đề nữa về vũ khí đạn dược và nghe từng đơn vị báo cáo khả năng phòng thủ và tham chiến. Buổi họp kết thúc trong bầu không khí hoang mang và nặng trĩu.
Lúc tôi bước ra thì bỗng nhiên Ð/Tá Luật kéo tôi lại nói riêng :” Anh Mỹ, Ðại Tá Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn (Ð/Tá Vũ Thế Quang) và tôi có xin Sài Gòn tăng viện. Tôi mới nhận được công điện lúc nãy từ Quân Ðoàn là sẽ được tăng viện một Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân. Chúng tôi rất mừng vì ít nhiều vẫn là niềm hy vọng tốt và dấu hiệu lạc quan, anh đồng ý không ? Có điều tôi ái ngại là Liên Ðoàn BÐQ sẽ lên không kịp chiều nay, mà trễ lắm là tối nay phải có mặt ở phi trường Phụng Dực. Trong trường hợp tối tăm như vậy, có cách gì cho phi cơ C 130 đáp xuống được không ?”. Tôi nói :
“Trình Ðại tá, như Ð/Tá biết, Phụng Dực là phi trường dân sự loại D, không có hệ thống đèn phi đạo, chỉ hoạt động lúc ban ngày thôi. . . nhưng biết đâu. . . để tôi hỏi anh Khánh (Nguyễn Gia Khánh) là CHT phi trường ngoài ấy xem sao. Tôi sẽ trình Ð/Tá sau”. (Phi trường Phụng Dực trực thuộc Nha Căn Cứ Hàng Không dân sự, không thuộc KQVN)
Ðại Tá Luật bảo tôi:” Anh cố gắng giùm. Hy vọng là có được liều thuốc hay trong lúc này”. (ý nói LÐBÐQ).
Tôi nói thêm :” trình Ð/Tá, có 6 trực thăng của Sư Ðoàn 2KQ lên tăng phái cho Sư Ðoàn. Họ đang ở trong phi trường L19, xin Tiểu Khu cho tăng cường thêm lính gác tối nay”.
“Ừ, tôi biết, để tôi nói Th/Tá Hy lo cho”.
Tôi chào Ð/Tá Luật và ra về.
16 giờ 30 chiều ngày 9/3 :
Ngay khi về đến đơn vị, tôi tức tốc cho triệu tập buổi họp khẩn cấp toàn thể sĩ quan và hạ sĩ quan chủ chốt. Tôi chỉ thị cho Tr/U Tuyển trách nhiệm phòng thủ khu gia binh, Ð/U Khắc và Ð/U Ðiệp phòng thủ đơn vị và chỉ thị đặc biệt cho Ð/U Ðại Ðội trưởng ÐPQ (có nhiệm vụ phòng thủ vòng đai phi trường) cho tăng cường thêm cấp số đạn dược tại mỗi lô cốt, phối trí thêm súng đại liên ở phía Tây Bắc phi trường.
Tôi gọi ra phi trường Phụng Dực gặp anh Khánh để hỏi về hệ thống đèn phi đạo thì anh cho biết là mấy năm trước đây, khi Hoa Kỳ còn tham chiến ở đây thỉnh thoảng, do nhu cầu tiếp tế quân dụng và thực phẩm, họ có gắn đèn dã chiến trên phi đạo cho phi cơ đáp ban đêm. Ðến nay, hệ thống đèn đó đã hư hỏng, vả lại Hàng Không VN không có nhu cầu hoạt động ban đêm ở phi trường Phụng Dực.
Tuy nói vậy, nhưng do hiểu được tình hình dầu sôi lửa bỏng trong lúc này nên anh Khánh hứa sẽ xem xét ngay lại hệ thống dây, đèn và cắt cử người trực trên control tower phi trường tối nay. Anh cũng yêu cầu tôi cung cấp thêm nguồn điện năng. Tôi đồng ý cho anh được nối điện từ đài TACAN.
17 giờ 30 ngày 9/3/75 :
Tôi đang báo cáo tình hình với Ð/Tá Luật thì có một Chuẩn Úy Bộ Binh trẻ theo Th/Sĩ Kiên vào trình diện tôi.
“Trình Th/Tá, em được lệnh dẫn một Trung đội đến tăng phái canh gác bãi trực thăng của SÐ 2KQ. . .”
Tôi nhổm người lên vì mừng :”À, tốt quá. . . vậy anh có tất cả bao nhiêu người ?”
“Thưa có 20 người kể cả em. . .”
Tôi trừng mắt nhìn anh ta :”Anh nói giỡn hả ? Anh có học quân trường rồi, anh biết một trung đội có tệ lắm cũng phải có ba chục người chứ ?”
“Thưa em biết, nhưng em chỉ được phép nhận có bấy nhiêu, mà lại là lính mới còn đang thụ huấn ở Trung Tâm Huấn Luyện Sư Ðoàn”.
Tôi nhận ra mình đã nóng nảy vô lý, nhưng do tinh thần quá căng thẳng. Tôi ngaongán dịu giọng hỏi tiếp :
“Có ai biết bắn súng M72 không ? Có cần thêm đạn dược không ? Thôi được, ra gặp Th/Sĩ Kiên nhận đặc lệnh truyền tin và mật mã. . .”
Tôi bước ra sân cờ. Tự dưng tôi cảm thấy vừa bồn chồn lo lắng, vừa buồn chán trong cảnh cô đơn của đơn vị. Tôi hỏi lại một lần nữa về tình hình đạn dược và lương khô với Tr/Úy Tấn (SQ Tiếp Liệu) và anh Ð/U ÐPQ, vì Ð/Tá Tiểu Khu Trưởng có nói nếu cần thêm, cho đi lãnh vẫn còn kịp. . .
Tôi bảo Ð/U Khắc :”Cúp hết phép tối nay”. Khắc cho biết là đã quá trễ vì giấy phép đã được ký và phát sớm cho một số quân nhân được ở nhà tối nay. (Ðây là một đặc ân cho những quân nhân có gia đình ngoài phố, cứ khoảng 10 ngày mỗi quân nhân được ở nhà một đêm trong thời gian cấm trại)
Tôi ra lệnh cho Ð/U Khắc :”Anh tìm mọi cách gọi tất cả mọi người vào đơn vị”.
Tôi vào văn phòng gọi về BCH/LÐKB ở Sài Gòn báo cáo tình hình . . .
* * * * * * *
Trong bữa cơm chiều ở nhà hôm đó tôi nói cho vợ tôi biết tình hình hiện nay ở BMT.
Trước đó, sau khi đi họp ở tiểu Khu về, tôi đã khuyên vợ tôi nên đưa các con về Sài Gòn nhân có chuyến C 130 sắp cất cánh. Vợ tôi không chịu đi, nói là về dưới đó ở đâu? Không ai lo giúp cho 3 con còn nhỏ mà đứa nhỏ nhất mới có 3 tháng. Vợ tôi nói tiếp : ”Thôi thì cứ ở đây, tới đâu hay tới đó. . .”
Tôi cố tạo ra bầu không khí vui vẻ trong bữa ăn chứ thật ra lòng tôi vô cùng bồn chồn lo lắng. Sau bữa cơm, tôi đùa dỡn với các con một lúc rồi lững thững đứng dậy chụp bao dây súng và nón sắt. Vợ tôi nói :”Tối hôm qua anh đã ở trong đài rồi mà. Còn nhiều cấp chỉ huy khác nữa chứ ?”. Tôi âu yếm nhìn vợ con tôi :” Ðành là vậy, nhưng ngoài vấn đề chỉ huy ra, anh còn có trách nhiệm nữa. Tình hình gay cấn thế này, anh phải có mặt để anh em trong đó vững tin. Có chuyện gì xẩy ra sẽ được giải quyết ngay”.
Nói vậy nhưng thâm tâm tôi rất lo ngại cho gia đình. Ðầu óc tôi lùng bùng . . . thần kinh căng thẳng . . .
20 giờ tối ngày 9/3/75 :
Trên đường lái xe vào đơn vị chạy ngang qua phố. Thành phố đã lên đèn từ lâu, nhưng sao vắng vẻ quá. Mới 8 giờ tối mà người qua lại đã thưa thớt; thỉnh thoảng có vài xe nhà binh chạy nhanh qua. . . .
Khi tôi vào đến đài thì cũng vừa đúng lúc đơn vị đang điểm danh. Tr/U Chạo báo cáo cho tôi tình hình quân số. Tôi nhìn lướt qưa hàng quân thấy anh em đều trang bị đầy đủ. Tôi nhắc nhở mọi người :”Anh em đã biết tình hình nghiêm trọng như thế nào rồi, vậy chúng ta chỉ còn một cách duy nhất là chiến đấu tới cùng khi bị địch tấn công. Cho dù chúng ta không phải là những người lính đánh giặc thật sự . . . chúng ta chưa bao giờ biết đánh giặc là gì, nhưng khi cần thiết, chúng ta phải chiến đấu, phải nổ súng để tự vệ. . . Tôi lưu ý anh em là, ngoài các phận sự chuyên môn, kỹ thuật, mọi người phải cảnh giác tối đa trong việc canh gác, ứng chiến, tuần tiễu v.v. . . Phản ứng nhanh và tuân hành lệnh thật chính xác, nhất là khi có báo động . . .
Sau đó tôi trao đổi nhanh vài ý kiến với Th/tá Phước, Tr/U Chạo, Tr/U Diện rồi vào phòng hành quân.
* * * * * * *
20 giờ 45 :
Tr/U Chạo báo cáo :”Trình Th/Tá có C130 chở quân lên, đang quần trên không mà không đáp được vì phi đạo Phụng Dực không có đèn. Không biết giải quyết ra sao ? . .."
Tôi lặng người. Tôi gọi ra phi trường Phụng Dực định gặp anh Khánh mà không gặp được. Tôi bấn lên khi nghe thấy 1 chiếc, 2 chiếc, 3 chiếc C 130 quần trên trời gọi Pyramid ơi ới. Tôi bảo Tr/U Chạo gọi DASC 2 xin chỉ thị. DASC 2 sau đó cho lệnh các C 130 bay ra đáp ở phi trường Phù Cát, chờ sáng mai có chỉ thị mới.
Thế là hy vọng ngoài phi trường Phụng Dực họ làm được hệ thống đèn dã chiến cho phi đạo đã không kịp và thất bại và cái phao mà Ð/Tá Tỉnh Trưởng và tôi nghĩ sẽ bám được thì đã trôi đi xa khỏi tầm tay . . .
Tôi gọi về Sài Gòn báo cáo mọi diễn tiến tình hình. Gặp anh bạn Ð/U Ðức(Ðức thẹo) là SQ trực của BCH Liên Ðoàn, Ðức nói :”Tao đã nhận đầy đủ báo cáo và sẽ trình lên trên . . Qua những tin tức tao cũng nhận thấy tình hình trên mày thật nghiêm trọng và bi quan quá . . Thôi thì cố gắng lên và cầu mong mọi sự sẽ được tốt đẹp . . .”
Rời phòng Hành quân, tôi bước vội qua cư xá sĩ quan độc thân. Cái không khí mát lạnh ban đêm bên ngoài cũng không làm dịu được sự bồn chồn lo lắng trong tôi. Một vài sĩ quan báo cáo cho tôi biết tình hình phòng thủ trong mỗi khu vực. Nhìn đồng hồ đã gần 11 giờ khuya rồi .
2 giờ sáng ngày 10/3/75 :
Tôi giật mình choàng dậy vì tiếng pháo nổ từ xa vọng lại dồn dập . . . Tôi bấm máy hỏi SQ trực thì được trả lời :”Trình Tango 1, tôi đã check với TTHQ Sư Ðoàn đó là gà nhà gáy đó”.Tôi dặn SQT nhắc nhở các sĩ quan phòng thủ tuần tra, có gì báo tôi liền.
“Nhận rõ, Tango 1”
Tôi lại nằm xuống ngủ chập chờn thêm một lúc nữa . . .
* * * * * * *
Tôi đang mơ màng, bỗng nghe tiếng gọi trong máy :” Trình Tango 1 có bóng người đột nhập từ cổng Bravo ”. Tôi ra lệnh:”cho báo động đi”.
Tức thì, còi hụ nổi lên từng hồi, và chỉ vài phút sau tôi nghe tiếng súng cối 82 ly của VC rót vào đơn vị như mưa bão. Tôi mang giầy, chụp vội nón sắt, áo giáp xách súng lao ra cửa. Tôi nhảy xuống một hố cá nhân vì đạn pháo nổ chát chúa dầy đặc xung quanh. Tôi nghe tiếng súng nổ vang rền của M16 lẫn trong tiếng “tốc, tốc” của súng AK của VC ở mặt sau đài. Rồi tiếng nổ của đạn M79 từ trên pháo đài bắn ra. Tôi nhìn đồng hồ : 2 giờ 20 sáng. Tôi hét trong máy ra lệnh cho các pháo đài, vọng gác và các sĩ quan có trách nhiệm phòng thủ ở hai mặt phải tìm mọi cách liên lạc các nơi đang bị tấn công. Tiếng đạn và pháo 82 vẫn nổ rền trời. Rồi tôi nghe có tiếng hỏa tiễn 122 ly rú lên và nổ tung xung quanh. Tôi nghĩ đây là chiến thuật tiền pháo hậu xung của VC cho nên tôi lại hét trong máy nhắc các pháo đài phải cảnh giác. Quả nhiên một lát sau là tiếng pháo im bặt, chỉ còn tiếng súng tay và súng đại liên nổ rền vang . . Tôi chạy nhanh ra hầm chỉ huy. Trong hầm tôi thấy có Tr/U Chạo và một số anh em sĩ quan, hạ sĩ quan. Tôi hỏi :”Sao, trên ấy ra sao?” (tức là phòng Hành Quân). Chạo hổn hển đáp :”Tôi có để lại hai người trực điện thoại và hot line, còn lại đều ra vị trí chiến đấu”. Chạo đưa ống nghe máy PRC 25 cho tôi. Tôi liên lạc được các vọng gác, trừ vọng gác B2 (mặt trước phía bên phải đơn vị)
Các vọng gác phía sau cho biết đang bắn chặn bọn VC đang tràn qua hàng rào . . . Lực lượng ÐPQ cho biết họ mất liên lạc với khu vực phía Tây. Tôi nghĩ:”À, thảo nào vòng đai phía Tây phi trường bị thủng sớm, vì nơi đây có khoảng non một trung đội Thám sát tỉnh trú đóng (tức là toán PRU = Provincial Research Unit) gồm toàn người Thượng và là lực lượng bán quân sự. Họ ở trong các căn nhà của hãng thầu Pacific để lại. Khu này không có gài mìn claymore phòng thủ.
Tôi nghe báo cáo : bọn đặc công VC ở trần, mình họ bôi đầy lọ đen, liều lĩnh áp sát vào các vọng gác, pháo đài để ném “bê ta”(4) và lựu đạn. . .
Tiếng súng mỗi lúc mỗi dồn dập hơn rồi lại nghe tiếng nổ của hỏa tiễn 122 ly. Tiểu Khu hỏi :”Có nặng không ?”. Tôi trả lời :”Khá nặng. . . mất liên lạc nhiều nơi . . . nhưng đã có xin máy bay thả flare...”
Tôi nghe tiếng của Th/Sĩ Phong la :”VC tràn vào đông quá, tụi tôi bắn không xuể, phải dùng lựu đạn “. . . Một lát sau . . .VC phát hiện vị trí của tụi này, nó bắn B40 lên. . . bọn tôi rút qua pháo đài giữa . . . và . . . vọng gác số 3 bị trúng B40 rồi . . .”
Lúc đó có TS 1 Thành từ phòng Truyền tin chạy đến báo cáo :”em đã cho nổ phòng mật mã”. . .
Tiếng súng và đạn pháo vẫn nổ rền càng lúc càng nhiều. Tôi nghe 2 tiếng nổ lớn rất gần.“Báo cáo Tango 1 nhà máy điện cháy”. . . và 1 phút sau. . . . “Hội trường cháy !” . . .
Tôi bảo Tr/U Chạo cùng tôi lên miệng hầm để quan sát tình hình và bảo Th/U Hùng trực máy 25. Tôi thấy Th/U Thành chạy đến hổn hển trình :”em cố gắng ra vòng ngoài mà chưa được”. Thành là sĩ quan CTCT của đơn vị. Anh phụ trách khu vực phía sau cùng với Ð/U Ðiệp. Tôi hỏi :”Tango 4 đâu ?”. Thành cho biết Ðiệp đã có mặt ngoài ấy từ lâu. Rồi anh chạy đi nhanh như cơn gió. (Sau này tôi mới biết đó là lần ra đi cuối cùng của anh!)
Tôi biết phía sau đang bị nặng và anh em vẫn còn đang chiến đấu. Tôi nhìn quanh : nhà cháy rực sáng, đạn nổ rền trời, ánh hỏa châu bập bùng soi sáng, mùi thuốc súng khét lẹt . .
Tôi tự nhủ : chiến trường là đây sao ? Ôi 13 năm quân ngũ bây giờ tôi mới biết thế nào là cảnh chiến địa với khói, lửa, đạn, bom . . .
TS 1 Hoàng Công Chính chạy vội tới hét lên :”có 2 thằng VC ở đằng kia !” rồi quả nhiên thấy có 2 bóng đen lướt nhanh qua chỗ chúng tôi cách khoảng 15 mét. Chính ria một tràng M 16. Nhưng cũng sau một tích tắc là một trái Bê Ta nổ vang ngay trên miệng hầm chỉ huy . . . Tiếng Tr/U Chạo la lên: ”Thằng Chính nằm rồi !”( Chính đứng gần tôi và Chạo). Tôi nghe anh ta rên lên một tiếng rồi im bặt. Khói bụi mịt mù tung lên. . . tôi bị hất tung vào bên trong. Có mùi khét của tóc tôi bị cháy, mặt và cánh tay trái bị thương rát bỏng, chiếc máy motorola trên tay bị hất văng ra xa. Tai trái của tôi bị ù và đau nhức không còn nghe thấy gì nữa. Chạo dìu tôi vào bên trong. Lúc này dưới hầm có khoảng 10 người. Có cả anh Th/Tá biệt đội trưởng trực thăng biệt phái cho SÐ 23BB. Anh ta nói với tôi :”Tóc anh cháy hết rồi, vết thương có sao không, anh Mỹ ? Chờ rứt pháo thì tụi mình chạy ra bãi trực thăng, chúng ta cùng thoát”. Tôi nói :”Ðạn nổ như vầy mà đi ra ngoài đó sao được ? VC đã tràn vào đơn vị cho nổ bê ta như anh đã thấy đó. . . Vả lại tôi còn trách nhiệm chỉ huy nữa, đâu có thể bỏ anh em mà đi trong tình hình thế này được. . . thôi anh đi đi . . .” Một lát sau anh ta lướt lên miệng hầm chạy đi. . .
Tr/U Chạo nói :’Thằng Hồng Hà (danh hiệu của ÐPQ) cho biết VC tràn vào từ phía Tây phi trường dừng B 40 bắn cháy các trực thăng và L 19 của ta”. Tôi nói với Chạo :’Bảo nó cố gắng liên lạc với mấy đứa con của nó hãy cố tử thủ, mình sẽ xin Tiểu Khu tiếp cứu. . .”
4 giờ sáng ngày 10/3 :
Lúc này thì tôi không còn liên lạc được với mặt sau nữa, chỉ còn mặt trước và đại đội ÐPQ. Họ cho biết có 2 trực thăng lên được, số còn lại đang bị cháy. Trung đội gác bãi trực thăng thì một số tan hàng, số còn lại tìm đường rút lui.
Tôi xin Tiểu Khu tiếp cứu thì họ cho biết :”TK cũng đang bị pháo nặng lắm. Họ khuyên tụi tôi ráng cầm cự và sẽ cho quân tiếp viện . . .” Tôi nghĩ :”Cầm cự cái con mẹ gì nữa, nó đang đánh và pháo phủ đầu thế này, mình không làm gì được. . .”
Có hai người dìu một thương binh xuống hầm. Ðó là Th/Sĩ 1 Khương (Bảo trì Radar). Anh ta bị thương khá nặng đang rên la. Tôi thấy đau lòng quá. Tôi bảo anh em tạm băng bó vết thương cho anh ta, chờ tới sáng sẽ tính...Anh ta la lớn :”Th/Tá ơi cho chở em đi nhà thương đi, em đau quá, chắc chết mất !”. Tôi ghé vào tai Khương :”Ðược rồi, chờ rứt pháo đã... ráng chịu đựng một lát nữa đi... mà mày rên nho nhỏ thôi, VC ở quanh đây, nó nghe được thì chết luôn cả lũ dưới này !”. Thật tôi nghiệp, nghe vậy anh ta rên nhỏ lại, khe khẽ dần rồi im luôn. . .một lát sau, Th/Sĩ Lộc nói :”Thằng Khương “đi” rồi Th/Tá ơi !”. Tôi lặng người. Ðầu óc tôi lùng bùng, tay trái và mặt bị rát bỏng do trái bộc pha nổ lúc nãy. Tôi nói :”Có cậu nào đó vuốt mắt cho Khương đi !”. Th/Sĩ Lộc cúi xuống . . .
4 giờ 40 sáng :
Lúc này thì tiếng pháo đã dứt, chỉ còn tiếng súng nổ rền. Một vài nơi vẫn còn chiến đấu. Tôi nghe Th/sĩ Y San báo khu vực anh đang chống trả lại VC . . . một lát sau, tiếng anh la trong máy :”Pháo đài bị B 40 bắn sập, Th/U Mỹ cùng vài người nữa bị thương . . . và . . . chuẩn bị rút qua đài Tropo . . .” (Th/U Nguyễn Thế Mỹ là SQ Truyền Tin của đơn vị, chịu trách nhiệm phòng thủ pháo đài này. Anh đã cùng anh em chiến đấu rất gan dạ)
* * * * * * *
6 giờ sáng ngày 10/3 :
Tôi đang ôm ống nghe máy PRC 25 thì Tr/U Chạo nói :”Th/Tá hãy nghỉ một lát, đưa tôi trực máy cho”. Tôi bảo :”Ừ... nhớ có ai gọi phải cho tôi biết ngay”. Một lát sau, Chạo đưa ống liên hợp cho tôi: ”có thằng Hồng Hà gọi”. Tôi nghe giọng nói rè rè và hốt hoảng của nó đang gọi Ðống Ða. (về liên lạc phòng thủ trong phi trường và với Tiểu Khu thì Hồng Hà là ÐPQ gác vòng đai, còn Ðống Ða là BCH/ Ðài Kiểm Báo).
“Ðống Ða nghe”.
“Trình Ðống Ða có mấy thằng T 54 (chiến xa T 54 của VC) đang tràn vào bắn phá từ hướng Tây bắc làm mấy đứa con tôi phải đi chợ rồi!” (tan hàng)
Tôi bảo Hồng Hà giữ liên lạc với tôi và Tiểu Khu và tôi đã xin tiếp cứu rồi. (hướng Tây là nơi có toán Thám sát tỉnh PRU trú ngụ sát nhà dân gần xóm đạo nên không có gài mìn)
7 giờ 30 sáng 10/3 :
Tiếng súng vẫn nổ đều. Cả hầm im lặng như tờ. Thỉnh thoảng mới có tiếng trả lời và tiếng gọi của tôi trong máy. Chúng tôi đang hy vọng và chờ quân tiếp viện. Bỗng có tiếng của Th/Sĩ Lộc (Lộc ruộng) vang lên nói với Chạo và Tấn :
”bây giờ có bộ bài Domino chơi một lát thì hay quá hả Tr/U ?”.
Tôi trừng mắt :
“mày có im đi không, VC đang ở quanh đây, đơn vị coi như xong rồi!”
Lộc nói như mếu khóc :
“. . . cho đỡ buồn Th/Tá ơi, mà sao em lo cho vợ và 6 đứa con em quá không biết giờ này ra sao !?”
Nghe Lộc nói vậy, tôi cũng chạnh lòng và nghĩ đến gia đình tôi. Không biết vợ tôi một mình với 3 con nhỏ bồng bế chạy giặc ra sao, lòng tôi se thắt lại . . . đau xót . . .
Tôi nói :”Theo tin tôi nhận được thì ngoài phố, khu vực Tiểu Khu và Sư Ðoàn cũng đang bị pháo nặng. Có nơi đang giao tranh. Tôi đã xin tiếp cứu, mình phải chờ xem sao. Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện rút đi. . . nhưng thời điểm này chưa thuận tiện, VC tràn ngập trong phi trường, có lẽ phải đợi đến tối. . .”. Anh em nhìn tôi im lặng.
* * * * * * *
9 giờ sáng 10/3 :
Tới giờ này chúng tôi vẫn còn lạc quan vì nhận được tin từ Tiểu Khu là sẽ có một lực lượng tăng viện đánh vào phi trường để giải vây. Quả nhiên một lát sau tôi nghe họ gọi tôi trên tần số và cho biết họ đang có mặt trước cổng phi trường.
“Ðống Ða, anh cho tôi biết hướng nằm của anh để tôi vào thăm”.
Tôi cho họ biết đại khái lấy mốc là một cây dừa nào đó. Họ cho biết đang đánh vào và hy vọng sẽ bắt tay được với đơn vị tôi trong vài giờ. Tôi mừng rỡ. Tiếng súng vẫn nổ vang phía ngoài. . .
Cho đến 11 giờ, tôi vẫn không thấy gì. Cố gắng liên lạc thì họ cho biết tiến rất chậm, chưa vào được. . . một lát sau họ nói đã vào bên trong nhưng bị địch chặn lại, chưa vào sâu được . . . Rồi lại tiếp : “chưa tiến vào được vì bị VC bên trong có T54 bắn ra dữ dội quá”. Quá thất vọng, tôi bấm máy chửi thề :
“ Ð.M các anh đánh đấm cái con “C” gì vậy ? Có một bầy con mà không diệt được tụi nó sao ? “.
Tôi báo cho Tiểu Khu, họ nói : “đơn vị tiếp viện báo về bị nặng lắm. . . cố gắng chờ đi”.
Một lát sau họ nói : “Họ bị quá nặng, không thể vào được”. Thế là chúng tôi tiêu tan hy vọng.
(Về sau trong trại tù binh ở Ðức Cơ, tôi có gặp người chỉ huy cánh quân hôm đó, anh ta tên là Th/Tá Y Kdam Niê. Nhắc lại chuyện giải vây tiếp cứu phi trường, anh ta ôm tay tôi và nhe răng cười:”Tôi biết anh nóng lòng muốn được giải vây nhanh, trong khi VC quá đông lại có tăng T54 bắn ra dữ dội . . . mà tôi chỉ có hơn một đại đội bị thiệt hại nặng nên không làm gì được. . .”)
Tôi liên lạc với đơn vị kế bên là Chiến Ðoàn 3 Xung Kích (Lôi Hổ) để mong được giúp đỡ nhưng họ cho biết xe tăng VC đang tràn vào, họ cũng chuẩn bị rút. . .
16 giờ chiều 10/3/75 :
Ðã nhiều lần bật qua tần số liên lạc với phi cơ của KQ, tôi vẫn nghe rõ tiếng gọi Pyramid của L19 và A37 mà tôi trả lời thì họ không nhận được không hiểu vì sao ? (Có lẽ vì antenna của máy PRC 25 được thiết trí trên tháp cao của máy Search Radar nên bắt được tiếng nói từ phi cơ rất rõ). Thỉnh thoảng tôi cũng nghe họ liên lạc với nhau trên tần số FM qua các danh hiệu “Thiên Lôi, Ó Ðen” (khu trục cơ A37 của các PÐ 524, 548 thuộc Căn Cứ 20CTKQ Phan Rang).
Tôi cố gào trong máy một cách tuyệt vọng mà họ cũng không nghe được. Ðến một lúc sau, lâu lắm, có một chiếc “Thiên Lôi” nghe được tôi. Tôi mừng quá và anh ta cũng mừng. Anh ta gọi một phi cơ khác mà danh hiệu tôi nghi là của L19 (ALO/FAC): “Phải bay on top vertical Pyramid thì mới nghe nó được”. Chiếc Thiên Lôi hỏi tôi tình hình dưới này. Tôi nói : “bi đát lắm!”. Tôi cho anh ta biết : tăng (tank) T54 của VC đã vào phi trường, còn bọn VC thì đông như kiến đang nằm khắp nơi trên phi đạo để chặn đánh không cho lực lượng tiếp viện tiến vào”. Anh ta hỏi tôi có cần gì không ? Tôi nói : “Chỉ xin lực lượng giải vây cho tôi, nếu không có thể chúng tôi sẽ chào vĩnh biệt !”
Một lát sau, Thiên Lôi nói đã chuyển công điện của tôi về DASC 2 rồi. Tôi đề nghị Thiên Lôi thả bom và bắn rocket dọc theo phi đạo và dọc theo con đường phía sau phi trường. Tôi nói là mấy thằng con tôi (ÐPQ) báo cáo về cho biết VC đang tập trung ở đó nhiều lắm. Một lát sau anh ta nói : “Thấy rồi, mà sao tụi nó ở gần đài các anh quá, có sao không ?”
Tôi trả lời :”Cứ làm đi” vì hy vọng may ra Thiên Lôi giải tỏa được hỏa lực VC để lực lượng ÐPQ giải vây tiến vào được . . .”
Sau đó là từng loạt bom nổ rất gần. Bụi cát bay mù mịt phủ đầy đài và phi đạo. Lúc này là khoảng 17 giờ chiều 10/3/75. Từng loạt bom, từng loạt rocket nổ rền, căn hầm chỉ huy của tôi bị rung chuyển từng hồi như bị nhồi lên nhồi xuống vì sức ép của bom nổ quá gần. . .
Tôi báo cho Tiểu Khu là phi cơ của ta có thể đã giải tỏa bớt sự kháng cự của VC, và xin được tiếp viện giải vây cho chúng tôi. Họ nói :”Chờ sẽ có”. Một lát sau họ lại cho biết chưa tìm được lực lượng tiếp cứu vì đang bị VC tấn công và pháo nặng. Chiến xa T54 của VC cũng xuất hiện trước BCH Tiểu Khu. Họ cũng đang chuẩn bị đối phó.
18 giờ tối 10/3 :
Tiểu Khu khuyên tôi :”Nên tìm cách rút đi”. Họ cho biết :” nên đi theo hướng Tây Bắc, dọc theo con đường bao quanh Buôn Kosia lên Trung Tâm Huấn Luyện SÐ, vì đây là hướng duy nhất còn an toàn, và sau đó tìm cách đi lần xuống Phước An. . .”
Tôi vô cùng phân vân vì muốn qua Buôn Kosia và Buôn Păng Lăng thì phải băng qua phi đạo trống trải rồi lại phải băng qua bãi đậu trực thăng nữa, rất dễ làm mồi cho bọn VC đang ở đó.
Tôi báo cho anh em biết tình hình như vậy. Ai nấy đều lặng thinh. Tôi nhìn nét mặt ai cũng lem luốc, hốc hát, đói khát, rã rời và tuyệt vọng. . .
Một lát sau, tôi ra lệnh :”Tất cả chuẩn bị rút. . .!”
* * * * * * *
Khi chúng tôi vừa lên khỏi miệng hầm định tìm hướng rút đi thì sa ngay vào vòng vây của VC. Tôi và tất cả anh em gần 10 người bị bắt trước họng súng đại bác của chiến xa T 54. Tôi bị VC nhốt chung trong trại tù binh cùng với Ð/Tá Quang (TLP/SÐ 23BB), Ð/Tá Dụng (TMT/SÐ 23BB) và Ð/Tá Luật (Tỉnh Trưởng BMT) gần 2 tháng. Sau đó, tôi bị chúng đưa lên Ðức Cơ, rồi chuyển lên PleiKu và sau cùng giam trong trại tù trong đồn điền Méval hơn 7 năm mới được trả tự do.
* * * * * * * *
9 năm sau : Chiến tranh rồi cũng qua đi...
Những năm tháng tù đầy tủi nhục cũng đã qua...
Tôi trở về với tâm trạng nửa vui nửa mừng, vừa buồn chán. Mừng vì được gặp lại gia đình; buồn vì cuộc chiến vừa qua đã gây cho tôi nhiều mất mát : gia đình gần như mục rã vì kinh tế; một đứa con chết vì đau ốm không có thuốc chữa trị; bạn bè, chiến hữu... kẻ mất người còn, kẻ lang bạt ở phương xa... Cái xã hội mà tôi đang sống đây, đối với tôi, đầy rẫy những thù hằn, nghi kỵ, khốn khổ...
Sau này tôi đã có dịp đi trở lại con đường cũ để tới nơi mà trước kia đơn vị tôi đóng quân. Ðó là vào một buổi chiều tháng 12, vẫn với những nét đặc thù của xứ Ban Mê Thuột “buồn muôn thuở”, nầy là : rất lạnh và gió tung bụi đỏ mịt trời ! Ðơn vị cũ của tôi đây rồi sao !?... Nhà cửa tan nát, sập đổ; một vài nơi bị cháy dở chỉ còn trơ lại vách tường lởm chởm vì bị bắn phá, hoặc loang lổ những vết đạn. Hai tháp cao của máy Search và Height finder cũng bị nhiều lỗ đạn phá toang hoác, tuy không sập nhưng dàn Antenna bị sập xuống, gẫy nát... ( tôi không hiểu đã hơn 9 năm rồi mà sao VC lại chưa dọn dẹp đi ?). Tôi đi lang thang nhìn quanh quẩn. Tôi chợt thấy một vài người đang đào bới tìm sắt vụn giữa đám cỏ hoang mọc cao bằng đầu người. Họ không biết tôi là ai. Họ chỉ cho tôi thấy một vài nấm mồ thấp lè tè mà tôi đoán chắc là của các chiến hữu tôi. Tôi khựng lại và đảo mắt nhìn quanh một vòng để nhớ lại đơn vị cũ của tôi. Tôi lặng người đi và cảm thấy buồn vô cùng. Chiến hữu tôi nằm đó mà tôi tệ quá đến nỗi không có được một nén nhang thắp cho họ ! Tôi thì thầm :”Thôi thì xin các anh em yên nghỉ... Phải khó khăn lắm tôi mới được vào đây. Tôi xin cầu nguyện cho linh hồn các anh em được yên nghỉ thanh thản ở một nơi nào đó... không có chiến tranh, không có hận thù... Phần tôi, tuy còn sống trên cõi đời này, nhưng lại mang biết bao nhiêu là tủi nhục...”
Nhìn lại quãng đường hơn nửa đời người đã đi qua, tôi nghĩ, tôi từ một anh chàng thư sinh đang cắp sách đến trường, rồi chiến tranh, để rồi trở thành một người lính, rồi trở thành một tù binh bị đi “cải tạo” nhiều năm, rồi trở về bị mất quyền công dân, bị cái chính quyền trước kia tôi cầm súng chống lại nó đá văng ra bên lề xã hội... thật là khổ nhục. Nhưng rồi có lúc tôi cũng cảm thấy mình không đến nỗi nào : Ðối với Tổ Quốc và Quân Ðội, tôi là một người lính hết lòng phục vụ dưới cờ; đối với anh em trong đơn vị, chúng ta đã đối xử với nhau bằng tình huynh đệ chi binh. Thực lòng tôi lúc nào cũng vậy, là càng nghĩ đến cuộc chiến ngày nào càng thương nhớ các chiến hữu của tôi, nhất là những người đã vĩnh viễn nằm xuống; tôi muốn nói đến cả về lực lượng cơ hữu đến tăng phái. Trận chiến tuy nhỏ nhưng họ đã chiến đấu thật anh hùng. Trong số ấy có những người như anh em Không Quân của Ðài Kiểm Báo BMT, chưa bao giờ biết cầm súng trực diện đánh giặc đối mặt với quân thù, mà vẫn chiến đấu một cách dũng mãnh; chỉ tiếc là đơn độc, thiếu hỗ trợ... tất cả chỉ vì sinh tồn, vì Tổ Quốc. Ðể rồi một số anh em mãi mãi ra đi đang nằm xuống nơi nầy, một số bị thương tật. Nhưng kẻ thù cũng đã phải trả một giá thật sòng phẳng và khá đắt : Ðó là về sau này, tôi có nghe nhiều người dân sống ở xóm đạo nói rằng chính họ đã thấy VC khiêng trên 20 xác chết và bị thương từ phi trường ra, qua ngả của hãng Pacific cũ ( tức là nơi do toán PRU ở) băng qua xóm đạo đi về hướng nghĩa trang BMT trong ngày 10/3/75. Dù sao, các anh em cũng đã hãnh diện là đã hoàn thành nhiệm vụ của người lính đối với Tổ Quốc...
Suy nghĩ miên man như vậy, tôi ngẩng lên nhìn quanh quẩn một lần nữa rồi ra về...
.... Xin giã từ đơn vị cũ, chiến trường xưa; Xin chào các anh em....!
Viết để tưởng nhớ và thương tiếc cho những chiến hữu đã vĩnh viễn ra đi :
Các Sĩ Quan : Ð/U Trần Văn Ðiệp, Th/U Nguyễn Thế Mỹ, Trần Lợi Thành.
Các HSQ và BS : Hàn Bố Quang, Trần Văn Khương, Phan Văn Hoa, Y Wong, Trần Quang Trứ, Y Cuic, Y Bhan, Ðào Huy Bích, Hoàng Trung Chính, Huỳnh Lựu, Ðỗ Dư, Trần Văn Mẹo, Nguyễn Văn Vân... và một số anh em khác...
viết xong tháng 10/1984 .
KQ Hoàng Bá Mỹ
Chú thích :
(1) T/U Hoàng Thanh Nhã sau là Ð/Tá KÐT/KÐ 23CT/Sư Ðoàn 3 KQ ở Căn cứ Biên Hòa.
(2) T/U Ðỗ Minh Ðức sau là SQ đại diện KQ tại Biệt Khu Thủ Ðô/ Sài Gòn.
(3) Ð/Tá Vũ Thế Quang (Dù) TLP/SÐ 23BB, ngày 10/3/75 trên đường rút lui về kho đạn bằng thiết vận xa bị VC vây hãm, đã dùng máy PRC 25 kêu Ð/Tá Thảo (nâu) dội bom ngay vào đầu anh để khởi bị rơi vào tay quân địch.
(4) Bê Ta còn gọi là “bộc pha”là trái nổ do chữ pétard của Pháp.