Wednesday, November 22, 2017

 
 

Thời gian gần đây, khá nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đang hoạt động tại Việt Nam đồng loạt có động thái tháo vốn, bán lại cổ phần đang sở hữu tại một ngân hàng quốc nội nào đó.

Các chuyên gia ngân hàng, chuyên viên kinh tế nhận xét thế nào về hiện tượng đó?
Ngan hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh Bizlive.vn
Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh Bizlive.vn

Khó khăn kinh doanh ở Việt Nam

Đối với nhiều người, việc một số ngân hàng nước ngoài rút khỏi thị trường Việt Nam là một điều ngạc nhiên, nhưng với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng ở Mỹ, lại khẳng định ông hoàn toàn không ngạc nhiên. Theo ông, vấn đề được cho là trở ngại lớn nhất của ngân hàng quốc tế khi hoạt động ở Việt Nam là “môi trường kinh doanh”, làm cho các ngân hàng nước ngoài bắt đầu có xu hướng xem xét lại việc đầu tư vào ngân hàng Việt Nam từ khoảng 7 năm trước, và thể hiện rõ rệt bắt đầu khoảng 5 năm trở lại đây.
“Nó hoàn toàn khác với môi trường kinh doanh ở các nước sở tại của họ. Với những luật lệ chồng chéo, rồi tinh thần kỷ luật của các doanh nghiệp có lẽ rất thấp. Và những khó khăn về tất cả các chính sách của chính phủ làm cho các ngân hàng nước ngoài không có cơ hội phát triển mặc dù tiềm lực của họ rất mạnh, mạnh về vốn, mạnh về quản lý, mạnh về sản phẩm.”
Một sự việc gần đây nhất, tháng 6 vừa qua, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đưa ra thông báo về việc xin ý kiến cổ đông thông qua đề xuất mua lại 19,41% cổ phần tương đương trên 172 triệu cổ phiếu Techcombank của Ngân hàng HSBC. Như vậy HSBC sẽ rút khỏi Techcombank sau 12 năm gắn bó.
Trường hợp thứ hai được báo chí trong nước dẫn chứng, Ngân hàng TMCP Quốc tế ( VIB ) công bố nhận chuyển giao toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) Chi nhánh TP. HCM. Toàn bộ cuộc chuyển giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý III năm nay.
Tờ báo Tri thức trẻ đăng tải trên trang điện tử bài viết ngày 6 tháng 7 nêu lên nguyên nhân khiến cho hàng loạt ngân hàng nước ngoài rút vốn khỏi Việt Nam là do một loạt các vấn đề như tỷ lệ nợ xấu lớn, quản trị rủi ro nhiều thiếu sót trong khi quản trị doanh nghiệp còn hạn chế, làm giảm tính hấp dẫn của các ngân hàng Việt.
Tuy nhiên, Tiến Sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng trong bài báo trên đã có quan điểm không đồng nhất với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Theo ông Lực, hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện nay khá hơn vài năm trước. Thêm vào đó, ông cho rằng môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian gần đây có rất nhiều yếu tố tích cực, như cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, tính bình quân tăng trưởng 15 -16%, hành lang pháp lý thông thoáng hơn…
Và ông cho rằng lý do các ngân hàng nước ngoài rút vốn về là để thay đổi chiến lược kinh doanh.
Có nhận xét tương đồng, chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, từ Sài Gòn cho biết các ngân hàng nước ngoài rút khỏi Việt Nam là do muốn cấu trúc lại vốn.
“Có nhiều khi lúc này họ đặt chi nhánh tại Việt Nam. Còn sau đó do 1 số nhu cầu nào đó họ chuyển dịch sang 1 nước lân cận chẳng hạn, sau đó quay về làm 1 cấu trúc mang tính chất nội bộ chứ đây không phải là sự thoái vốn đồng loạt.
Trước đây, Standard Charter, ANZ, HSBC có góp vốn tại 1 số ngân hàng Việt Nam. Sau 1 thời gian, họ cảm thấy việc góp vốn không hiệu quả hoặc do 1 số yêu tố về tài chính nội bộ, họ yêu cầu chi nhánh đó phải thoái vốn, nghĩa là bán trở lại các cổ phiếu họ đã mua trước đây của các ngân hàng Việt Nam.”

Nợ xấu

Trong một bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng bày tỏ: Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại của mình, Quốc Hội Việt Nam phải nhận lãnh một trách nhiệm liên đới mật thiết đến “sự tồn vong của đảng”: bắt buộc phải ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Và con số mới nhất về nợ xấu ngân hàng được công bố: 600.000 tỷ đồng.
Đây cũng chính là yếu tố được tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu gọi là một trong ba tử huyệt mà các ngân hàng Việt Nam đang gặp phải.
Tổng số nợ xấu lên đến 600 ngàn tỷ, thì đâu đó nó tương đương với vốn chủ sở hữu của toàn thể hệ thống ngân hàng là 677 ngàn tỷ. Đây là con số nợ xấu rất khổng lồ.”
Theo kinh nghiệm của ông chia sẻ, chỉ cần 50% nợ xấu trở thành thiệt hại thật sự, nó sẽ tiêu huỷ gần 1 nửa vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng Việt Nam, và đưa tỷ lệ an toàn vốn từ 12,6% (theo thống kê của (Ngân hàng nhà nước Việt Nam) xuống còn một nửa.
“Thật sự nếu tính tất cả tài sản xấu để có thể thẩm định tình hình sức khoẻ của các ngân hàng và định nghĩa vốn chủ sở hữu 1 cách xác đáng nhất thì tôi nghĩ rất nhiều ngân hàng Việt Nam hiện tại đang thiếu vốn.”
Thế nhưng, với chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lại có quan điểm khá tích cực khi ông không cho rằng con số 600.000 tỷ đồng nợ xấu của ngân hàng Việt Nam là nguyên nhân dẫn đến việc rút lui của các ngân hàng quốc tế.
“Thứ nhất là nó không có quan hệ nhân quả. Không phải là 1 nước mắc nhiều nợ mà các ngân hàng không hoạt động ở đó. Đôi khi còn ngược lại nữa. Ví dụ như số nợ của Mỹ rất lớn nhưng các ngân hàng nước ngoài vẫn hoạt động tốt. Hơn nữa trách nhiệm thanh toán nợ của chính phủ Việt Nam. Khi điều kiện trả nợ khó khăn, tôi nghĩ chính phủ Việt Nam vẫn có thể thương lượng với những định chế tài chính tiền tệ thế giới để gia hạn, hoặc đối với chính phủ cho vay ODA thì sẽ có những gia hạn để giải quyết.”
Gia đình trị
Trong những nguyên nhân dẫn đến động thái thu hẹp hoạt động, rút vốn, hoặc rút lui khỏi thị trường Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh thêm ở phương cách quản trị ngân hàng, một vấn đề mà sau gần 20 năm quay về Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, ông kết luận là “rất thiếu sót và rất xa với thông lệ quốc tế”.
Cách đây khoảng gần 20 năm, khi nói đến các ngân hàng quốc tế hoạt động ở Việt Nam, người ta sẽ nói đến Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA), ANZ, HSBC, Bank of America, Standard Chartered… Nhắc lại thời điểm đó, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu gọi là “thời điểm vàng son của thị trường ngân hàng Việt Nam”.
“Lúc đó với số dân chúng trẻ trung và thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, rất nhiều người chưa có tài khoản với ngân hàng. Cho nên các ngân hàng đến Việt Nam với sự hồ hởi và kỳ vọng rất lớn là họ sẽ khai thác được cái mà lúc đó chúng tôi gọi là ‘miền đất mới của các ngân hàng nước ngoài’.”
Tuy nhiên, ông cho biết đến giờ này thì họ chỉ chiếm vào khoảng đâu đó 10%, và các hoạt động của họ rất hạn chế, mặc dù các ngân hàng quốc tế có rất nhiều thuận lợi.
“Đó là những ngân hàng có vốn rất lớn, tại vì những ngân hàng, chi nhánh con của ngân hàng quốc tế, phần lớn là những ngân hàng rất tầm cỡ ở thị trường thế giới. Các sản phẩm của họ là sản phẩm tiên tiến. Và họ là những ngân hàng rất chuyên nghiệp ở cách quản lý, quản trị ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế. Lẽ ra họ phải có 1 vị thế rất tốt đẹp ở Việt Nam.”
Thế nhưng ngược lại, ông đã thấy càng ngày những ngân hàng ấy càng gặp phải nhiều khó khăn, về luật lệ, cũng như qui định luật pháp.
“Tại nhiều ngân hàng, nó vẫn mang tính gia đình trị, tức là một số thành viên của hội đồng quản trị có quyền nắm giữ và quyết định hầu như là tối hậu trong 1 ngân hàng. Bên cạnh đó thì vấn đề tuân thủ luật lệ ngân hàng, Việt Nam có lẽ còn rất nhiều cái cần phải cải tiến. Luật lệ đưa ra chẳng hạn như lãi suất có qui định thì có những ngân hàng tìm cách vượt trần hoặc vượt qui định. Tôi nghĩ rằng tính tuân thủ cần phải cải tiến rất nhiều.”
Với nhận xét chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Việt Nam cần phải cải tiến từ vấn đề xếp hạng tín nhiệm cho đến thay đổi cơ cấu, giải quyết nợ, tăng vốn, quản trị doanh nghiệp… thì sẽ có cơ hội hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Cát Linh
Theo rfa