Tuesday, February 12, 2019

Phi vụ Tống Lê Chân - Nguyễn Văn Ba

Posted by   January 01, 2019  779
Phi vụ Tống Lê Chân - Nguyễn Văn Ba
“Tống Lê Chân,” mới nghe qua, như tên người con gái Trung Hoa, có nhan sắc đẹp tuyệt vời, tài danh nổi bật, được ghi trong sử sách lưu truyền cho hậu thế!
Tôi không biết mỹ danh đó có từ lúc nào, xuất xứ từ đâu? Nhưng nó đã chiếm một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong mùa Hè đỏ lửa 1972.
Nhiều sư đoàn chánh quy Bắc Việt được yểm trợ bởi chiến xa và đại pháo hạng nặng, ồ ạt tiến sang từ biên giới Campuchia và Hạ Lào, theo đường mòn Hồ Chí Minh, với mưu đồ đánh chiếm hai tỉnh Bình Long và Phước Long để thành lập chánh phủ gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam,” gây hậu thuẫn quốc tế và đặt áp lực nặng nề cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Sàigòn.

Tống Lê Chân là một địa danh, hay đúng hơn là một ngọn đồi chiến lược, khoảng hơn năm dặm về hướng Tây Nam của thành phố An Lộc. Ngọn đồi này nhờ nằm ở một địa thế cao, được trấn giữ bởi một tiểu đoàn Biệt Động Quân Việt Nam Cộng Hòa rất tinh nhuệ, nên nó chính là tai và mắt, không những cho thành phố An Lộc mà ngay cho chính thủ đô Sàigòn, vì nó kiểm soát được sự vận chuyển của bộ đội Bắc Việt và cơ giới chiến tranh, về hướng Tây Bắc Sàigòn, đưa quân vào Bình Dương, Lái Thiêu và Biên Hòa, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Vùng III Chiến Thuật. Vì lý do chiến thuật và toàn bộ chiến lược xâm chiếm miền Nam, nên ngọn đồi Tống Lê Chân là cây gai nhọn nhức nhối trong mắt, cộng sản phải nhổ nó đi bằng mọi giá.

Từ một ngọn đồi hiền lành, xung quanh bao bọc bởi rừng xanh bát ngát, dưới chân đồi một con suối uốn khúc quanh co, tô đậm nét như một bức tranh thủy mặc. Nếu không có trận chiến vừa qua, cũng chẳng có ai cần biết nó, như Ben Hét, Đức Cơ, Dakpek, Dakto, v.v...

Những địa danh thật xa lạ với mọi người dân thị thành, nhưng bỗng chốc, nó trở thành những danh xưng được nhắc nhở thường xuyên qua những trận đánh hãi hùng, khiếp đảm, hàng ngày trên báo chí, đài phát thanh, màn ảnh truyền hình, đã làm chấn động lương tâm thế giới.

Đã lâu lắm rồi, những vết tích tàn phá của chiến tranh trong trí nhớ gần như đi vào quên lãng. Nhưng chiều hôm nay nó được hâm nóng và sống lại trong tôi, vì tình cờ đã gặp lại những chiến hữu cùng một đơn vị sau hơn hai mươi năm dài đằng đẵng cách biệt.

Người hùng “Tống Lê Chân,” Đại Úy Lê Văn Cầu, phi tuần trưởng của Phi Đoàn 237 Chinook, tôi không dùng đại danh hay ca tụng anh để lấy lòng, nhưng sự thật đã xảy ra cách đây trên hai thập niên vừa qua. Vẫn dáng người gầy gầy như ngày nào, nhưng không bao giờ thiếu nụ cười cởi mở, buông thả trên gương mặt để đón chào anh em chiến hữu.Gặp lại anh trong bữa tiệc họp mặt tại thành phố San Jose, California, với một số anh em cựu Lôi Thanh như: Nguyễn Mai, Trần Duy Tôn, Lưu Thế Ngọc, Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Vũ, Nguyễn Văn Mai (Đà Nẵng), cùng hai phu nhân của hai anh Vũ và Mai. Thật sung sướng và hãnh diện, tôi được may mắn gặp lại anh em đã có một thời chiến đấu vào sinh ra tử có nhau, chia sẻ từ bịch gạo sấy, lon thịt heo ba lát, cùng ngồi ăn trưa dưới bụng tàu, trong những buổi trưa Hè nắng cháy của vùng hỏa tuyến Tây Ninh.



Bây giờ gặp lại các anh em ở vùng đất xa lạ này, chúng ta tuy có già thêm đôi chút, cuộc sống nhiều thay đổi hơn xưa, tuy vậy tình anh em vẫn nổng nàn, ấm áp như thuở nào.

Tôn vẫn tính nào tật nấy, hào hoa quá mức, Ngọc ăn chơi công tử, Vũ vẫn hoạt bát trẻ trung, Mai cứ ngỡ là tài tử Henry Chúc, Tiên mới sang nên còn nhiều ưu tư bỡ ngỡ. Niên trưởng Mai cựu phi đoàn trưởng Đà Nẵng, mới về hưu ở hãng IBM, trông đạo mạo như cụ non, cần nhiều chất tươi để để tóc bớt rụng!

Chúng tôi chia nhau chén tới chén lui, chén qua chén lại, từ ba giờ trưa mãi đến gần bảy giờ chiều, vì có nhiều anh em phải đi đám cưới chiều hôm đó nên chúng tôi tạm chia tay nhau, và hẹn sẽ gặp lại ở vũ trường Mini vào lúc chín giờ ba mươi tối. Niên trưởng Mai đưa tôi về để thăm gia đình anh chị. Còn “chú Tư Cầu” về nhà rước vợ con sẽ tới sau.

Thật hạnh phúc và sung sướng không ai bằng, “chú Tư Cầu” được thím Tư vừa trẻ, vừa đẹp, về để giúp chú “nâng cằm sửa mũi...” và tặng cho chú hai cháu thật ngoan hiền, kháu khỉnh dễ thương. Lúc này niên trưởng Mai, có lẽ muốn dành sức lực để phục vụ bà xã tối nay, nên xin vào nghỉ lưng một tí, cón tôi với “chú Tư Cầu” ngồi lai rai nhậu tiếp dài dài, kể chuyện rên trời dưới biển, rồi đến chuyện hành quân ly kỳ, hấp dẫn của một thời “Dốc Sỏi” Biên Hòa. Tôi biết Cầu từ ngày thành lập đệ nhất Phi Đoàn Chinook Lôi Thanh 237, vào giữa khoảng năm 1970-1971, anh thuộc vào nhóm sĩ quan hoa tiêu trẻ, mới ra trường, chưa vợ con, rất hăng say hoạt động trong mọi công tác. Còn chúng tôi, lúc đó không đến nỗi già lắm, tuy nhiên đối với anh em thì được xếp vào lớp “lão làng.”

Vào khoảng mùa Hè năm 1972, chiến trận ở Vùng III Chiến Thuật càng ngày càng trở nên khốc liệt hơn, thành phố An Lộc chịu đựng hàng ngàn quả đạn pháo ngày đêm, nhà cửa, phố xá nát tan từng mảnh vụn, dân chúng đã bồng bế, dẫn dắt nhau, bỏ hết tài sản theo quốc lộ chạy về hướng Chơn Thành, về gần Sàigòn.



Tiền đồn Tống Lê Chân được tử thủ bởi khoảng một tiểu đoàn Biệt Động Quân, đã bị cô lập nhiều tuần bởi cả trung đoàn chính quy Bắc Việt, đang rình rập sát dưới chân đồi, trực thăng tải thương và tiếp tế bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 và súng phòng không đe dọa trầm trọng, không thể đáp được trong ban ngày, phi cơ vận tải C-130 thả dù thực phẩm, thuốc men, phần lớn đều bị gió đưa ra ngoài, vào vùng kiểm soát của địch.

Việt Cộng thường xuyên pháo kích, đại pháo cày nát gần trọc hết ngọn đồi, những chiến sĩ Mũ Nâu gan lì của Việt Nam Cộng Hòa, núp trong những giao thông hào, sâu trong lòng đất như những con rắn độc, đã oai hùng, mãnh liệt đốn ngã những đợt tấn công biển người của Việt Cộng. Trung Tá Ngôn, chỉ huy trưởng tiền đồn kêu gọi Không Quân cho trực thăng đưa quân vào tăng viện và chuyển bớt thương binh về bệnh viện để ông rảnh tay chiến đấu.

Lệnh từ tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng Hòa đưa xuống Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 3 Không Quân, yêu cầu cho trực thăng Chinook CH-47-Phi đoàn 237- thi hành phi vụ cảm tử này. Lôi Thanh I, phi đoàn trưởng, Phi Đoàn 237 nhận được mật lệnh, ông cho mở một cuộc họp kín, với sự có mặt đầy đủ một số anh em phi hành đã có nhiều kinh nghiệm chiến trận, để chọn người tình nguyện. Sau khi Lôi Thanh I tuyên bố lý do và cho biết mật lệnh, không khí trong phòng họp lúc đó trở nên cực kỳ im lặng, nặng nề và khó thở, không ai có một lời thêm bớt hay bình luận gì cả. Tôi nhìn tất cả các anh em hoa tiêu và anh em hạ sĩ quan phi hành lòng chùng xuống, mắt mờ đi, tâm não hoàn toàn như tê dại, tự nhủ thầm:

“Người ta sắp bắt chúng tôi làm vật tế thần.”

Thật ra tất cả anh em chúng tôi không phải là những người sợ chết hay muốn tránh né những phi vụ hiểm nguy, nhưng cái bực tức không nói lên được lúc đó là cấp chỉ huy đã không hiểu khả năng kỹ thuật cơ giới của một chiếc Chinook, hay vì sợ trách nhiệm nên sử dụng chúng tôi một cách sai lầm?... Cũng không thể dựa vào các yếu tố chiến tranh chính trị hay tâm lý chiến thuật nào khác để bào chữa cho phi vụ, vì nó có thể thực hiện được bằng trực thăng loại nhỏ UH-1, chở mỗi lần mười quân nhân và chọn thời gian đáp trong năm lần khác nhau. Loại trực thăng UH-1 được chế tạo dùng trong chiến thuật đạt yếu tố bất ngờ trong lòng địch, như chiến thuật “Diều Hâu,” nó có khả năng xoay trở rất nhanh nhẹn, chỉ cần một thời gian, trong khảng năm giây đồng hồ, là có thể đổ được quân và đem được thương binh lên dễ dàng.

Chinook lao vào trận địa.

Ta có thể ước đoán tông số thời gian kể như nguy hiểm nhất, từ lúc vào bãi đáp cho đến khi rời khỏi vị trí một cách tương đối an toàn, chỉ tốn vào khoảng hai mươi giây đồng hồ là tối đa. So với một chiếc Chinook CH-47, thật to lớn kềnh càng, chở năm chục binh sĩ, khi hạ cánh với một tốc độ rất chậm, vào một tiền đồn trên đồi, không chỗ ẩn núp, diện tích bãi đáp không lớn hơn khuôn viên một căn nhà, xung quanh triền đồi toàn là quân chính quy Bắc Việt, núp dưới giao thông hào chằng chịt, với những đại liên phòng không tối tân của Nga Xô và Tiệp Khắc, hỏa tiễn SA-7, súng cối 82 ly, và đại pháo 122 ly, đã lấy tọa độ bãi đáp chính xác.



Tôi giả sử binh lính Việt Cộng có mù mắt, điếc tai, ngủ gục hết cả lũ, tính theo thời gian nhanh nhất, khi tàu giảm tốc độ vào cận tiến để chuẩn bị đáp an toàn cho năm mươi quân nhân chạy ra phía cửa sau đuôi và chờ khiêng thương binh đưa vào, xong xuôi cất cánh, ra tới vị trí tương đối an toàn, ít ra cũng phải mất hết khoảng hai trăm giây đồng hồ. Nếu ta thử so sánh thời gian nguy hiểm trên vùng với chiếc phản lực cơ F-5, khi chúi xuống thả bom, xong kéo lên rời vị trí, chỉ trong tích tắc vài giây đồng hồ mà đôi khi còn bị bắn hạ bởi SA-7 hay đạn phòng không một cách dễ dàng, còn chiếc Chinook, to lớn gấp hai, ba lần, xoay trở rất chậm chạp, hai bên hông tàu mang cả chục ngàn lít xăng JP-4, chỉ cần một phát súng nhỏ, nhạy lửa là nó trở thành một cây đuốc khổng lồ, soi đường cho thần chết, không những thiêu mạng phi hành đoàn mà nó còn đốt cháy năm mươi quân nhân ngồi phía sau nữa.

Trong phạm vi bài này, tôi không có ý gián tiếp chỉ trích cá nhân bất cứ một cấp chỉ huy thừa hành nào cả, vì tôi biết lệnh từ trên tối cao đưa xuống, tôi chỉ đưa ra những dẫn chứng sai lầm về sự sử dụng kỹ thuật tác chiến cơ giới. Nhưng quân đội, lệnh là phải thi hành, nếu may mắn còn sống sót không tật nguyền hoặc sứt tay, gãy gọng là điều đáng mừng, phước đức ông bà để lại.

Một phút im lặng nghẹt thở trôi qua, như dò xét sự phản ứng của tất cả đoàn viên phi hành. Lôi Thanh I cho biết rằng đây là lệnh của thượng cấp đưa xuống, nếu không có người tình nguyện ông sẽ chỉ định người để thi hành phi vụ tối quan trọng này. Thời gian chậm chạp như muốn ngừng lại, tôi lên tiếng hỏi để biết nhiệm vụ chính của phi vụ dùng vào công việc gì?... Mặc dù tôi là trưởng phòng Hành Quân của Phi Đoàn lúc đó, nhưng ông ta cũng từ chối, cốt ý để bảo toàn bí mật cho bãi đáp. Khi Lôi Thanh I vừa dứt lời, tôi nhận thấy Đại Úy Lê Văn Cầu, phi đội trưởng Phi Đội 1 ngồi bên ghế trái của tôi, đưa tay lên xin tình nguyện, tiếp theo là Đại Úy Huỳnh Bá Hùng, phi đội trưởng Phi Đội 2 cũng đưa tay tình nguyện.

Xạ thủ phi hành trên Chinook. Bây giờ cần một cơ phi, xạ thủ và áp tải. Thượng Sĩ Nguyễn Văn Tranh, Trung Sĩ Nguyễn Văn Hoàng cũng đưa tay tình nguyện. Tôi nhớ cũng còn nhiều anh em sĩ quan và hạ sĩ quan khác nữa cũng xin tình nguyện, nhưng sau cùng chỉ chọn được phi hành đoàn có đầy đủ khả năng như sau: Trưởng phi cơ cho phi vụ Đại Úy Cầu, hoa tiêu phụ Đại Úy Hùng, cơ phi Thượng Sĩ Tranh, xạ thủ Trung Sĩ Hoàng và áp tải viên tôi rất tiếc là không còn nhớ rõ tên anh. Phiên họp kết thúc vào khoảng bốn giờ chiều, để bảo toàn bí mật phi vụ, lệnh phi đoàn cấm trại 100% cho tới khi nào công tác thi hành xong. Tôi đưa các anh em trong phi hành đoàn tình nguyện vào khu quán ăn của cư xá hạ sĩ quan trong căn cứ Không Quân để dùng cơm chiều.

Bảy giờ chiều ngày 26 tháng 12, 1972, phi cơ được lệnh cất cánh từ phi trường Biên Hòa, liên lạc với C&C qua tần số vô tuyến FM, để đáp vào An Lộc nghe thuyết trình và nhận lệnh từ đơn vị bạn. Trời cuối tháng vào mùa lễ Noel nên có vẻ tối sớm hơn thường lệ, những tia nắng hanh vàng đã bắt đầu nhạt dần, ở phía bên kia đầu phi đạo, sân bay đã vắng người qua lại, chỉ còn mình tôi lẻ loi đang ngồi đây để tiễn đưa anh em. Trong trận thế chiến vừa qua, phi đội Thần Phong cảm tử của Nhật Hoàng trước khi cất cánh ra trận, được vinh dự đứng trước hàng quân uống cạn ly rượu “Sake” hâm nóng, trao tặng từ một tướng lãnh cao cấp để rồi bay vào tử địa. Còn các anh bây giờ được ai tiễn, ai đưa? Hàng quân vinh dự nào đứng dàn chào để tiễn biệt các anh? Tôi biết các anh cũng chẳng cần những thứ rườm rà, màu mè đó, nhưng với ý chí và lòng dạ sắt son nguyện dâng hiến đời mình cho quê mẹ Việt Nam, nên các anh đã hy sinh tình nguyện chấp nhận phi vụ, đáp vào một nơi được gọi là “địa ngục trần gian.” Phi cơ đã mất hút, chìm vào bóng hoàng hôn về hướng Tây Bắt chân trời. Tôi lặng lẽ lái xe trở về phòng Hành Quân phi đoàn để theo dõi tin tức phi vụ, lòng lâm râm khấn vái cầu nguyện cho các anh đi được bình an...

Trách nhiệm phi vụ các anh chia đều cho nhau, Đại Úy Cầu chỉ huy toàn diện, cũng như lo phần bay và điều khiển các cơ phận phi cơ. Đại Úy Hùng lo phần vô tuyến, truyền tin liên lạc với C&C và đơn vị bạn, cũng như kiểm soát bản đồ, hướng bay và tọa độ hành quân, các anh em cơ phi, xạ thủ và áp tải giữ an ninh phía trong tàu và đồng thời kiểm soát, báo cáo các vị trí phòng không, SA-7 của Việt Cộng từ dưới bắn lên, để phi cơ tránh né cùng lúc sử dụng hỏa lực tối đa của hai khẩu đại liên, gắn hai bên thân tàu để làm áp lực địch. Kim đồng hồ chỉ hơn tám giờ tối, phi cơ đã đến vùng chỉ định, bên ngoài chỉ còn lại là một màu đen, xung quanh là rừng núi âm u của đêm sau ngày Chúa Giáng Sinh. Thành phố An Lộc hoàn toàn như một bóng ma trong đêm, không còn một ngọn đèn đường nào đứng vững hay được cháy sáng để ghi nhận là vị trí của một khu phố. Ngọn đồi Tống Lê Chân cách đó không xa lắm, nghe tiếng phi cơ bèn chớp đèn hiệu, không liên lạc được với C&C hai anh cứ ngỡ đó là thành phố An Lộc, nên cho phi cơ bay thẳng vào hướng có ánh đèn hiệu.

Một phút sau, những tia chớp sáng không ngừng của đại liên phòng không từ dưới đất bắn lên như pháo bông ngày Tết, các anh mới nhận ra là đang bay hơi chệch về hướng Tống Lê Chân. Đại Úy Cầu bình tĩnh kéo nhanh cần lái về phía phải cho con tàu lướt nhanh ra khỏi tầm hỏa lực địch, cũng trong lúc đó Thượng Sĩ Tranh báo cáo nhìn thấy đèn hiệu về hướng một giờ cách đó không xa lắm. Sau khi quan sát thật kỹ và liên lạc được với quân bạn, Đại Úy Hùng OK, đưa ngón tay cái lên trời đồng ý cho Đại Úy Cầu chuẩn bị cho phi cơ đáp xuống phía Nam của An Lộc.

Sau khi kiểm soát lại phi cơ, mọi sự đều an toàn, anh em phi hành đoàn được đưa vào Bộ Chỉ Huy Hành Quân tiền phương để nghe thuyết trình phi vụ. Sĩ quan tình báo cho biết quân chính quy Bắc Việt được trang bị với đại liên phòng không đủ loại đang ẩn núp dưới các hầm hố xung quanh chân đồi, tin cũng cho biết thêm là chúng cũng có thể đã được trang bị hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 để chống lại các loại phi cơ chiến đấu của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhiệm vụ chính của phi vụ là chở năm chục lính Biệt Động Quân để tăng viện và thay thế những người ở quá lâu trong đó, đồng thời rước về một số thương binh, phi vụ rất giản dị có thế thôi, nếu ở một vị trí nào khác thì công việc không có gì quan trọng hay đáng nói cả.

Giờ hẹn tại bãi đáp là đúng 12 giờ khuya. Trung Tá Ngôn, tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân phải chuẩn bị sẵn sàng tại bãi đáp, đèn hiệu phải đặt dưới hầm trú ẩn để Việt Cộng khỏi nhìn thấy. Phi hành đoàn họp nhau để bàn về kỹ thuật đáp và phân chia công việc cho mọi người. Tàu sẽ chở năm chục quân nhân với trang bị vũ khí đầy đủ, là một việc khó khăn cho hoa tiêu điều khiển phi cơ để tránh né đạn phòng không vì quá nặng nề, không xoay sở nhanh chóng được. Nếu bay sát ngọn cây với tốc độ thật nhanh, đột ngột từ phía chân đồi nhảy lên thẳng bãi đáp quá nhỏ, xung quanh là ụ súng của tiền đồn, thì là một chuyện không thể thực hiện được nhất là về ban đêm như tối hôm nay, chỉ có loại phi cơ nhỏ một cánh quạt như UH-1 hay H-34 là có thể thực hiện được lối bay nguy hiểm tránh phòng không này; như vậy chỉ còn lại một giải pháp cuối cùng là kỹ thuật đáp 360 độ. Cầu và Hùng đều đồng ý với lối bay này tuy nó rất là nguy hiểm, vì sẽ làm mồi cho súng phòng không, nhưng còn có cơ hội sống sót nhiều hơn là kỹ thuật bay “nhảy bổ” vào lúc ban đêm.

Đúng 11 giờ 45 khuya, trời bên ngoài tối om như mực, năm mươi quân nhân Biệt Động đã ngồi yên lặng trong lòng tàu. Đại Úy Cầu cho quay máy chuẩn bị cất cánh, âm thanh phản lực của hai động cơ gắn phía sau hòa lẫn với tiếng cánh quạt quay đều trong gió, nghe như tiếng rống phẫn nộ của rừng xanh vang lên trong đêm khuya tĩnh mịch. Đại Úy Hùng kiểm soát lại các tần số liên lạc với C&C và các danh hiệu đơn vị lần cuối, Thượng Sĩ Tranh báo cáo cho trưởng phi cơ tình trạng tàu tốt sẵn sàng cất cánh.



Hơn 11 giờ 50, C&C cho lệnh cất cánh lấy cao độ khoảng hai ngàn bộ, trực chỉ hướng Tây Nam vào thẳng Tống Lê Chân. Đại Úy Cầu ra lệnh cho Trung Sĩ Hoàng lên đạn hai khẩu đại liên để sẵn sàng tác xạ. Đèn Navigation bên ngoài phi cơ đã tắt, chiếc phi cơ hiên ngang như một dũng tướng ngày xưa đơn thương độc mã tiến vào trận địa. Đại Úy Hùng chỉ về phía trước mặt đèn báo hiệu bãi đáp đã nhấp nháy dưới hầm, tiền đồn Tống Lê Chân gần kề trước mặt.

- OK! “Pitch down”!

Toàn thân phi cơ như hụp xuống khỏi mặt nước, xoay tròn thật gắt 360 độ về phía trái như muốn vỡ tung, hết sức khó chịu vì sức rơi lúc đáp quá nhanh từ trên cao độ. “Rầm... Rầm...!!!”

Nhiều khối lửa to lớn đang chớp nhoáng phía dưới, chúng đang pháo kích vào bãi đáp. Địa ngục trần gian bắt đầu cơn bão lửa! Đạn phòng không dưới chân đồi đã tập trung giăng chằng chịt cả màn đêm, những viên đạn đỏ tươi như màu máu vọt lên đan vào nhau thành những tia sáng như hình rẻ quạt quét cả trọn vùng trời, nhắm về hướng phi cơ đang lơ lửng xoay tròn giữa không gian; vì trời quá tối nên nhiều trái sáng được địch quân bắn lên để cho chúng dễ dàng nhận diện phi cơ.

Dưới sức sáng nhân tạo của các trái hỏa châu, con tàu thật lẻ loi đơn độc không thể giấu mình trong màn đêm được nữa, đã gánh chịu hàng trăm viên đạn của loài quỷ đỏ hung hăng ghim vào thân xác như một con đại bàng bị tên trúng vào tử huyệt, nhưng oai hùng dang cánh thản nhiên đáp trên đầu địch.

Đại Úy Hùng không còn liên lạc qua tần số vô tuyến với C&C được nữa, cơ phận phát điện bị trúng đạn phát hỏa, hệ thống thủy điều bị bể ống hoàn toàn ngưng hoạt động, cần lái bị “locked” chặt cứng không còn điều khiển được. Đại Úy Cầu như tê dại nhìn thẳng phía trước, dùng hết sức còn lại với phản ứng tự nhiên của mình, cố điều khiển để cho con tàu rơi từ trên cao hơn 30 bộ xuống bãi đáp. Thân phi cơ chạm mạnh trên đất nhảy dựng trở lên, uốn mình như con khủng long hung hăng giãy chết, những cánh quạt phía trước chặt mạnh vào ụ súng của tiền đồn tan nát văng từng mảnh vụn. Lửa khói đã cuồn cuộn cháy ở phía sau đuôi, đạn súng cối, hỏa tiễn địch quân liên tiếp pháo vào, những chuỗi dài nối tiếp nhau chớp sáng của tạc đạn nổ long trời, cát bụi tung bay mù mịt cả bốn bề.

Con tàu sau vài giây đồng hồ mới chịu đứng yên, chấp nhận ngày cuối cùng của đời mãnh long trên ngọn đồi xa lạ này. Lửa đã cháy dữ dội hơn, một số Biệt Động Quân còn sống sót chạy tràn ngập ra phía trước phòng lái, tìm cách thoát ra ngoài. Đại Úy Cầu cảm thấy đau đớn nhức nhối ở gót chân mặt nhưng vì sự sống còn, anh cố gắng lết ra từ phía bên trái cửa sổ phi cơ. Bên ghế phải Đại Úy Hùng đang bị buộc chặt vì dây an toàn bị gãy chốt, ghì chặt anh vào thành ghế với áo giáp, súng đạn mang lỉnh kỉnh bên hông, lại bị lính Biệt Động Quân chen lấn thoát thân đè chặt anh xuống ghế, lửa đã cháy sát bên lưng, sức nóng hừng hực của cả ngàn lít dầu JP-4 táp vào mặt, anh cảm thấy gần như tuyệt vọng.

Trong lúc đó một anh lính Biệt Động sau cùng vừa trèo lên để chui ra thì bị một mảnh đạn pháo kích trúng vào đầu bị thương ngã người lại phía sau, tay anh lính níu chặt lấy chiếc gối nệm phía sau lưng Đại Úy Hùng để khỏi ngã quỵ xuống sàn tàu, chiếc gối sút ra văng xuống theo tay anh lính. Nhờ cơ hội may mắn hiếm hoi này, Đại Úy Hùng lòn mình thoát ra được từ phía lỗ trống trên nóc phòng lái. Trung Sĩ Hoàng nhờ Trời, Phật che chở nên chui ra ngoài được an toàn trước khi phi cơ phát nổ.

Tất cả những anh em thoát chết đều cố gắng bò nhanh xuống hầm trú ẩn gần đó, đạn pháo vẫn tiếp tục rú lên trong gió gây ra những âm thanh thật kỳ dị nghe như tiếng ma tru, quỷ rống rợn cả người. Lửa cháy phi cơ soi sáng cả góc trời, có lẽ giờ phút đó dưới chân đồi trong các hang hóc chằng chịt, loài quỷ đỏ đang ăn mừng nhảy múa bên các vong linh oan hồn mà chúng vừa mới sát hại.

Trung Tá Ngôn cho anh em Biệt Động Quân ra khiêng Đại Úy Cầu vào băng bó, kiểm điểm quân số phi hành đoàn không thấy Thượng Sĩ Tranh, mọi người nghĩ rằng anh đã chết. Sáng hôm sau mọi việc tương đối yên lặng, anh em lần mò bò ra phi cơ để lấy xác vì có rất nhiều quân nhân Biệt Động đã bị súng phòng không của Việt Cộng bắn chết trong lúc đáp, cũng như bị thương chạy ra ngoài không được bị chết cháy trong tàu. Phi hành đoàn nhận diện được dấu tích của Thượng Sĩ Tranh mặc dầu đã bị cháy tan biến, nhưng thẻ bài kim loại và súng đạn anh mang theo, cho biết rằng anh đang đứng gần cửa phía sau thân tàu, có thể anh bị đạn phòng không chết trước khi đáp. Đại Úy Hùng thu nhận cẩn thận tất cả thân xác còn lại của anh chờ ngày mang về để mai táng.

Khoảng ba ngày sau, phi hành đoàn được báo là sẽ có một phi hành đoàn UH-1 vào rước về, mọi người thức suốt đêm chờ đợi sau cùng được báo là phi vụ cứu cấp bị lộ nên bãi bỏ, không thể nào rước các anh ra được. Những giờ phút ở đây thật dài vô tận, những giấc ngủ chập chờn, tử thần luôn luôn rình rập, ranh giới giữa sự sống và chết gần như lẫn lộn không giới tuyến rõ rệt. Các anh lính Mũ Nâu anh hùng chiến đấu thật cô đơn, cam khổ, đạn pháo địch ngày đêm từng chập không ngơi nghỉ, tiếng trống, tiếng loa của loài quỷ đỏ vẫn hò hét, kêu gào dưới triền núi vọng lên như tiếng khóc than từ địa ngục. Những anh lính Biệt Động Việt Nam Cộng Hòa ngày đêm kìm chặt tay súng, núp sâu dưới lòng đất sẵn sàng đứng lên để đập vỡ cái mưu toan của chúng muốn biến nơi này thành mồ chôn tập thể.

Vào khoảng chín giờ tối của đêm thứ năm, Trung Tá Ngôn cho phi hành đoàn biết lệnh mật từ Bộ Chỉ Huy Hành Quân Không Quân là sẽ có người vào rước anh em trong giờ giao thừa của đầu năm Dương lịch. Mọi trách nhiệm và kế hoạch di tản được chuẩn bị đầy đủ. Trung Sĩ Hoàng sẽ cõng Đại Úy Cầu bị thương chân không đi được, Đại Úy Hùng sẽ ôm xác Thượng Sĩ Tranh cố gắng chạy nhanh ra tàu.

Bây giờ là 23 giờ 55 đêm 31 tháng 12, 1972, chỉ còn năm phút nữa là một năm mới sẽ ra đời. Trong những giây phút thiêng liêng này ở các quốc gia khác, người ta đang hạnh phúc sung sướng bên những ly sâm-banh sùi bọt, những lời chúc an lành, những nụ hôn ấm cúng, những dạ hội, những vũ điệu, những bài ca gần như bất tận trong đêm nay. Còn tại nơi đây, nơi một quốc gia nhỏ bé, một tiền đồn heo hút nằm giữa rừng hoang vắng, nơi mà những căm thù được dựng lên bằng những suy luận vô lý của hai ý thức hệ ngoại lai.Hỡi những người Việt Nam da vàng máu đỏ, tại sao?... Và tại sao?...

Tiếng động cơ trực thăng đã bắt đầu nghe rõ từ hướng Đông Bắc, như một thiên thần từ trời cao đang ngang nhiên tiến vào chiến tuyến giữa đêm trừ tịch để cứu người lâm nạn. Đạn lửa phòng không nổ ròn như pháo Tết, hỏa tiễn ì ầm rơi vào bãi đáp. Cộng sản đang làm lễ đăng quang để tiếp rước thiên thần đang giáng thế. Thật bình tĩnh với nụ cười ngạo mạn, Trung Úy Phát tự “Phát Sứt,” đã nhiều lần vào sinh ra tử khéo léo đặt con tàu vào bãi đáp một cách dễ dàng, bên ghế trái, hoa tiêu phụ là Trung Úy Bằng, một cựu Biệt Động Quân Biên Phòng, một người anh hùng luôn luôn đặt nặng trách nhiệm và bổn phận của tổ quốc giao phó trước sự sống còn của đời mình.

Đạn pháo kích vẫn tiếp tục rơi tới tấp, những cái chớp nhoáng, lập lòe gây ra một thứ ánh sáng cực kỳ man rợ. Trung Sĩ Hoàng hết sức khó khăn vất vả mới đưa được Đại Úy Cầu lên tàu. Đại Úy Hùng nhất quyết ôm chặt tro xác của Thượng Sĩ Tranh lần mò chạy theo sau. Phi hành đoàn đã lên tàu đầy đủ. Trung Úy Bằng đưa ngón tay lên trời ra dấu cho trưởng phi cơ Trung Úy Phát sẵn sàng cất cánh. Như một con chiến mã thật hiên ngang nhảy vọt lên không trung, chỉ trong tích tắc sau đó đã lặng lẽ biến mình trong màn đêm dày đặc.

Xin giã biệt Tống Lệ Chân, giã biệt những anh hùng Mũ Nâu Biệt Động. Qua tần số radio của đài phát thanh Sàigòn, chuông kiểng nhà thờ đã rộn rã khua lên từng hồi để chào đón một năm mới vừa ra đời.

Các anh: Cầu, Hùng, Hoàng và vong linh của Thượng Sĩ Tranh, cũng như phi hành đoàn UH-1 cấp cứu, anh Phát, anh Bằng... Hôm nay tôi viết bài này để nhắc nhở những thành tích oanh liệt, can trường của các anh. Các anh là những anh hùng của Không Quân nói riêng và của quân đội Việt Nam Cộng Hòa nói chung. Vì vận nước không may các anh đã chia tay nhau mỗi người mỗi nẻo khắp nơi trên thế giới, nhưng “tinh thần Tống Lê Chân” của trên hai mươi ba năm về trước các anh đã thể hiện được tình huynh đệ chi binh, quên thân mình để cứu giúp đồng đội, chiến hữu. Tôi cầu nguyện và chúc lành các anh em gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc trong quãng đời còn lại.

Riêng Thượng Sĩ Tranh, tôi xin thành tâm khấn vái và cầu nguyện cho vong linh anh được yên lành trong thế giới vĩnh cửu, hãy vui trong giấc ngủ bình yên...

Nguyễn Văn Ba
Cựu Lôi Thanh II/Phi Đoàn 237

Một thời bay đêm - Phạm Văn Cần

Posted by   December 20, 2018  1167
Một thời bay đêm - Phạm Văn Cần
Thời gian chồng chất có lúc tưởng như đã quên đi tất cả quá khứ vui buồn chờ đợi ngày trở lại với cát bụi. Dầu vậy như người nào đó đã nói “Người ta có thể đem tôi ra khỏi quân đội nhưng không thể đem quân đội ra khỏi tôi“. Tôi không thể nào quên Không Quân. 

Khi con trai tôi còn nhỏ tôi thường dẫn nó lên Phi Đoàn những ngày nó nghỉ học. Trong khi tôi làm việc thì nó lang thang chơi trong hangar và trong bãi đậu phi cơ C-7A Caribou trước phi đoàn. Lúc đó khoảng 1973 viện trợ Mỹ đã giảm. Rất nhiều phi cơ bị đình động vì không còn đủ nhiên liệu và phụ tùng thay thế. Tôi còn nhớ có một lần tôi đi bay test một phi cơ đã được thay hai máy mới. Tôi ra xe đi bay thằng con đòi theo. Tôi chiều nó dẫn nó đi. Khi ra phi cơ tất cả phi hành đoàn đều mang dù theo chỉ trừ một mình tôi vì mang theo con trai cho nên tôi không thể đem dù. Nếu có chuyện gì thì thôi không có chọn lựa nào khác mà phải đem phi cơ về đáp an toàn. Chuyện qua quá lâu nhưng vì thương con nên đã phạm luật an phi cũng may mắn là đã không gặp chuyện gì rắc rối. 

Nhưng có lẽ vì thế mà đã vô tình gieo hạt giống Không Quân vào trong lòng con lúc nào không biết, để gần 40 năm sau nó vẫn nhớ và muốn nghe chuyện Không Quân tôi kể. Trong những bữa ăn họp mặt ở nhà con trai lớn. Chúng tôi thường bàn đủ chuyện thế sự thăng trầm của đất nước Việt Nam và thế giới. Nó vẫn thường hỏi tôi về chuyện bay bổng trong Không Quân. Hôm nay ráng xoá lớp bụi thời gian tôi viết lại đây một trong những mẫu chuyện kỷ niệm tôi còn nhớ của khoảng đời Không Quân mà tôi đã kể cho nó nghe. Những gì tôi kể lại đây có gì thiếu sót xin các niên trưởng, bạn hữu bổ túc vì hơn 40 năm đã qua trí nhớ cũng suy mòn dần. 

Tôi mê Không Quân từ khi còn đi học. Ngoài giờ rảnh rỗi, các bạn tôi thường rũ nhau đi xem đá banh, bơi lội. Còn tôi thì thích lên phi trường Tân Sơn Nhứt nhìn từ ngoài hàng rào kẽm gai những phi cơ C-47 mang cờ tam tài xanh trắng đỏ, hoặc Air France đáp và di chuyển về bến đậu. Nhìn những pilots bước ra khỏi phi cơ, trước mắt tôi họ như những thiên thần mới từ trên trời xuống. Giấc mơ của tôi trở thành một phi công lúc đó sao mà như đội đá vá trời. Bẵng đi một thời gian cuối cùng rồi giấc mộng thành phi công cũng thành sự thật. Năm 1962 tôi mãn khóa pilot bay T-28. Từ Mỹ trở về nước tôi được Bộ Tư Lệnh Không Quân chọn phục vụ trong phi đoàn 413 bay C-47. 

Trung Tá Nguyễn Cao Kỳ lúc đó là chỉ huy trưởng của Liên Phi Đoàn Vận Tải gồm ba phi đoàn. 

Phi Đoàn 413, Phi đoàn trưởng Đại Úy Lý Tri Tình. Phi đoàn 415, Phi đoàn trưởng Đại úy Phạm Ngọc Trọng. 

Phi Đoàn 314 (VIP), Phi đoàn trưởng Thiếu Tá Phạm Ngọc Sang sau này là Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 6 KQ. Phi Đoàn trưởng sau của 314 cùng là Trung Tá Đặng Ngọc Hiển. 413, 415, 314 là ba phi đoàn vận tải đầu tiên. Gồm có khoảng 30 phi cơ của Không Quân Pháp giao lại sau trận Điện Biên Phủ. Riêng Phi Đoàn 314 có 6 chiếc C-47 trong đó có chiếc CE (Charlie Echo). 

Charlie Echo trang bị đặc biệt để dành chở Tổng Thống Ngô Đình Diệm, năm chiếc còn lại thường dùng để chở nhân viên tháp tùng hoặc cargo. Thường thì chỉ dùng hai chiếc. Cũng nói thêm trong phi đoàn này có một chiếc Aerocommander củaTổng Thống Eisenhower tặng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sau này ông Kỳ lấy đặt tên là Kỳ Duyên Mai. 

Còn lại hai phi đoàn 413, 415 chia nhau hoạt động ngày lẫn đêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Ban ngày hoạt động khắp các vùng chiến thuật trong các nhiệm vụ: thả dù, tải thương, vận chuyển quân dụng, chuyển quân. Ban đêm thả trái sáng, soi sáng các vùng hành quân hay đồn bót đang bị Việt Cộng lợi dụng bóng đêm tấn công, chúng tôi soi sáng để quân bạn chống trả. Những năm 1960 -1968 từ những đơn vị du kích phá hoại, tấn công đồn bót lẻ tẻ đến năm 1968 chúng đủ mạnh để đánh trực diện với QLVNCH. 

Chúng tôi được biệt phái đi khắp 4 vùng chiến thuật. Mỗi vùng ban đêm có phi cơ C-47 bay bao vùng thả trái sáng. Những phi vụ này do Phi đoàn 413, 415 đảm nhiệm. Những phi vụ vận tải được điều động bay trong mọi thời tiết. Những phi công thuộc các phi đoàn trên hầu hết có trên dưới 10 ngàn giờ bay rất nhiều kinh nghiệm. 

Các phi đoàn luân phiên biệt phái cho các tướng vùng I, II mỗi tuần một phi cơ. Ngoài ra Air Việt Nam hàng tháng cũng xin biệt phái các phi công vận tải qua bay các tuyến đường Sài Gòn Paris, Sài Gòn Tokyo, Taiwan, Hong Kong, Singapore, đến tận Ấn Độ Bombay ... 

Có người nói phi công có thể bay vận tải bánh đuôi như C-47 thì có thể điều khiển được tất cả các loại vận tải tối tân khác? Các phi công vận tải C-47 của Việt Nam đã bay các loại Jet tối tân thời đó như Caravelle, bay đường Sài Gòn-Paris (Trung Tá Cung Thăng An). Hoặc bay Boeing 727, Boeing 707, Trung Tá Huỳnh Minh Bon, Trung Tá Trần Thanh Lịch. Hoặc các loại DC-6, DC-4 Trung Tá Quang (thầy giáo). Trung Tá Nguyễn Quế Sơn, Trung Tá Hà Hậu Sinh. Thiếu Tá Nguyễn Tấn Châu. 

Tết Mậu thân 1968. Tôi bay trên bầu trời Sài Gòn-Chợ Lớn thả trái sáng. Những trái sáng do hai áp tải thả xuống bằng một cái máng đặt ở cửa cargo, cửa cargo đã gỡ trống. Mỗi trái sáng nặng khoảng 10 kg được đặt trên máng. Dây kích hỏa an toàn được cài sẵn vào máng phóng. Trên phi cơ có hai đèn hiệu do trưởng phi cơ điều khiển. Đèn xanh chuẩn bị, đèn đỏ thả. Trái sáng được phóng ra ngoài sẽ có tiếng nổ nhỏ “bụp” rồi dù trắng bung ra giữ cho trái sáng lơ lửng trong không trung. Mỗi trái sáng là một triệu nến đèn, một mặt trời nhỏ, soi sáng vùng hành quân khoảng 3 - 4 phút. Mỗi trái sáng được tính ra khoảng mười ngàn đồng VNCH thời đó. Một phi cơ có thể chở từ 100 đến 200 trái sáng theo nhu cầu. 

Mậu thân 1968 tôi bay trên thành phố Sài Gòn thân yêu được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông để soi sáng cho Sài Gòn, ngoài việc thả trái sáng soi sáng vùng hành quân cho quân bạn trong tay của chúng tôi không có một thứ vũ khí gì để chống lại Việt Cộng khi nhìn thấy chúng từ trên cao. Việt Cộng tấn công nhiều nơi lửa cháy, nhiều nơi loé sáng vì đạn nổ. Lúc đó lòng của tôi thật là đau đớn nặng nề, vừa bay vừa nhìn Sài Gòn bị tấn công nặng nề mà tự nhiên nước mắt trào ra vì thương tâm và oán giận. 

Tháng 5/1968, KQ QLVNCH được trang bị AC-47. Tôi là một phi công trong phi đoàn 417 Hỏa Long vận tải võ trang đầu tiên của KQVN đồn trú ở Tân Sơn Nhứt Sư Đoàn 5 Không Quân. Phi đoàn trưởng là Thiếu Tá Phạm Công Minh, Phi đoàn phó Đại úy Nguyễn Quế Sơn, trưởng phòng hành quân Đại úy Cung Thăng An. Hoa Kỳ chuyển giao khoảng 20 phi cơ AC-47 (AC = Attack Cargo) cho Việt Nam. Hỏa lực trang bị trên phi cơ là 3 Miniguns 7.62 ly mỗi khẩu có thể bắn 6000 viên một phút, 3 khẩu 18000 viên phút. Mỗi phi cơ đổ đầy xăng mang hai tấn đạn, hỏa châu. Phi hành đoàn gồm 2 pilots, 1 navigator, 1 flight mechanic, 2 load masters, 2 gunners gồm 8 người có thể bay suốt đêm. 

Bay đêm trên những phi vụ AC-47 là những giờ phút căng thẳng, mệt nhoài lạnh lẽo vì cửa cargo đã được gỡ bỏ. Phi hành đoàn phía sau phải đứng nghiêng nhiều giờ khi phi cơ nghiêng cánh bay trong vòng tròn. Khi phi cơ nghiêng cánh xạ kích mùi khói súng tràn ngập theo gió từ cửa sau lùa khắp khoang tàu lên đến cockpit. Nói là những đoàn viên trong phi hành đoàn vận tải võ trang mang chiến bào nhuốm mùi thuốc súng khi hành quân như những chiến sĩ bộ binh đánh trận dưới đất thì cũng không ngoa. 

AC-47 cất cánh từ lúc mặt trời lặn và hoạt động đến lúc mặt trời mọc. Có nhiều người trong Không Quân thời đó chỉ nghe đến AC-47 Hỏa Long chứ chưa bao giờ thấy vì ban ngày những phi cơ này lúc đó là thứ vũ khí mới được cất kỹ trong ụ có canh gác cẩn thận. 

Bay đêm nhiều giờ trên chiếc AC-47 căng thẳng mệt nhọc nhưng tôi lại rất vui vì tình trạng bất lực nhìn Việt Cộng đánh phá mà không có hỏa lực để đánh trả chúng không còn nữa. Chúng tôi có thể nhìn rõ mục tiêu dưới ánh hoả châu và tiêu diệt chúng từ trên cao. Hỏa Long AC-47 thực sự là những hiệp sĩ bảo vệ giấc ngủ cho miền Nam. Tình trạng mất đồn không còn xảy ra sau năm 1968. Mỗi đêm đều có những phi vụ Hoả Long túc trực. Khi một Hoả Long được điều động cất cánh đi hành quân thì một phi hành đoàn Hỏa Long khác sẽ túc trực sẵn sàng cất cánh để thay thế. 

Chúng tôi có một hệ thống truyền tin rất hữu hiệu. Các tiền đồn đều có trang bị PRC 25. Khi có đụng độ họ gọi về tiểu khu. Tiểu khu liên lạc về các đài kiểm báo. Vùng 4 CT Paddy (Trung Tá Nguyễn Bửu Lộc chỉ huy trưởng), Vùng 3 CT Paris (Đại Tá Vũ Văn Ước chỉ huy trưởng),Vùng 2 CT Pyramid (Trung Tá Huỳnh Bá Mỹ chỉ huy Trưởng), Vùng 1 CT Panama (Trung Tá Nguyễn Cầu chỉ huy trưởng). Trên đường đến vùng làm việc chúng tôi liên lạc với các bộ chỉ huy vùng I, II, III, VI bằng hệ thống VHF UHF. Đến mục tiêu thì đổi sang PRC 25 trực thoại với quân bạn. Trước khi đến mục tiêu chúng tôi thường yêu cầu quân bạn xác định mục tiêu bằng trái khói xanh, đỏ, tím, vàng nếu không có thì yêu cầu họ đốt mũi tên lửa chỉa về hướng địch. Những mũi tên lửa này thường là những cái đèn bằng lon sữa bò chứa dầu hỏa đốt sáng xếp trên miếng gỗ theo hình mũi tên có thể quay 360 độ để chỉ hướng địch và cho biết chúng đang ở phạm vi 100m, 200m, 300m và xin tác xạ. Cũng có trường hợp Việt Cộng dùng PRC 25 do chúng tịch thu được của ta hướng dẫn phi cơ tác xạ vào những nơi có quân bạn vì chúng không có những phương tiện như mũi tên lửa, trái khói cho nên chúng tôi biết chúng là Việt Cộng giả dạng. Trong những trường hợp này tôi thường để cho các bạn navigator đấu khẩu với bọn vẹm. Vẹm: Miền Bắc tự do gấp triệu lần Ngụy quyền. Ta: Mày nói mày có tự do vậy mày thử chửi Hồ Chí Minh rồi tao chửi Nguyễn Văn Thiệu cho mày nghe!!! ... Ê Vẹm! mày thử bắn lên trời một phát coi hay mày thử đốt lửa cho tao coi. Vẹm trả lời: Tụi bây thử bật đèn lên và bay thấp là tao bắn liền. Tuổi trẻ hăng máu không biết sợ tôi liền bật đèn pha sáng trưng anh em phi hành đoàn căng mắt tìm kiếm lửa đạn của Vẹm bắn lên. Nhưng Vẹm như chuột rút vào hang vì chúng biết bắn lên lộ mục tiêu là chúng rồi đời. 

Phi hành đoàn trực bay đêm sau bữa cơm chiều phải vào túc trực trong phi đoàn. Chúng tôi được điều động bay bất cứ lúc nào từ 7 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Nhiều lúc đang ngủ ngon bị đánh thức để cất cánh lúc một hai giờ sáng. Mắt còn chưa tỉnh ngủ phi hành đoàn được xe đưa ra phi cơ. Mỗi người một nhiệm vụ trên phi cơ. Phi cơ đã được tiền phi từ lúc chiều. Ban đêm chỉ cần lên quay máy, cất cánh. Từ lúc điều động đến khi cất cánh chỉ có 5, 6 phút. Bay đêm trên mục tiêu tất cả 5 giác quan đều phải căng thẳng hoạt động. Hai mắt nhìn liếc qua các phi cụ. Nhìn ra ngoài xem mục tiêu. Tai phải nghe rõ yêu cầu của quân bạn. Miệng lúc nào cũng phải bận rộn liên lạc với quân bạn, qua interphone với navigator và gunners. Hai tay giữ vững cần lái. Hai chân đạp rudder điều hoà khi nghiêng cánh. 

Đêm nào một phi vụ AC-47 đụng trận ít nhất là hai lần có khi đến 5 lần. Có nhiều đêm cất cánh yểm trợ cho cho quân bạn từ 7 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Sau những phi vụ bay đêm như thế phi hành đoàn ai cũng mệt, buồn ngủ tay chân rã rời. 

Sau Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi những phi hành đoàn AC-47 bị cấm trại. Ngày ngủ đêm bay. Xin kể lại một vài phi vụ mà tôi còn nhớ và vẫn còn xúc động khi kể lại. Một đêm chúng tôi được điều đến một đồn chỉ có 10 địa phương quân và vợ con họ trú đóng. Vị trí đồn này nằm ở ngã tư Kinh Xà No. 

Kinh này do Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đào thẳng tắp từ Vị Thanh (Long Xuyên) đến Rạch Giá. Khoảng 2 giờ sáng một đêm sau năm 1968, chúng tôi bay trên không phận Cần Thơ thì được lệnh bay đến địa điểm trên. Khi đến mục tiêu liên lạc được với dưới đất chúng tôi được cho biết là lực luợng Việt Cộng rất đông đã vào đến hàng rào và sắp sửa tràn ngập vào đồn. Phía ta nhiều chiến sĩ đã bị thương và chết, quân số chỉ còn phân nửa. Sau này nghe kể lại vợ con của họ cũng ra chiến đấu, chồng bị thương vợ lên thay cũng cầm súng bắn. Những đứa con lính chưa đầy mười tuổi đầu mà cũng phụ khiêng đạn băng bó cho cha mẹ. Tôi bay trên mục tiêu đề nghị quân bạn rút hết vào đồn. Và đừng ai chạy ra ngoài khi nào xong xin các bạn cho biết và rút attenna xuống xin cho tôi vài phút để thanh toán mục tiêu. Quân bạn cho biết đã sẵn sàng. Tôi cho 3 khẩu minigun chuẩn bị bắn, và thả trái sáng soi sáng mục tiêu. AC-47 Hỏa Long nghiêng cánh 3 khẩu mini guns phun lửa dài xuống đất bao phủ hàng rào, bắn phủ ngay trên đồn. Sau đó tôi ngưng bắn và cho thả hỏa châu. Dưới ánh sáng hỏa châu những người lính địa phương quân và vợ con túa nhau ra khỏi đồn vui mừng. Chiến lợi phẩm họ thu được đêm đó là hàng trăm súng và mã tấu. Phần lớn Việt Cộng bị tiêu diệt một phần bị thương. Tôi gọi cho Paddy (Bộ chỉ huy HQ KQ Cần Thơ) xin trực thăng tản thương cho quân ta và gia đình của họ cùng với các Cộng quân bị thương về quân y viện Phan Thanh Giản Cần Thơ. Quân bạn dưới đồn cho biết còn một số Việt Cộng đang dùng xuồng ba lá trốn thoát dưới kinh. Trong lòng chẳng nhớ đã suy nghĩ ra sao mà tôi không tiếp tục truy sát chúng nữa. 

Bay AC-47 hàng đêm chúng tôi được dịp đi ngoại quốc mà không cần mang passport, hành lý, ngoại tệ chi cả.. Vì trong thời gian này ngoài những phi vụ bảo vệ lãnh thổ VNCH còn có một phi vụ AC-47 của KQVN hàng đêm được biệt phái đi Campuchia để bảo vệ thủ đô Nam Vang. Có tuần tôi đi “vượt biên” đi ngoại quốc đến hai lần. 

Cất cánh vào những lúc mặt trời lặn. AC-47 mang đầy xăng, đạn chậm chạp nặng nề rời khỏi Tân Sơn Nhứt. Cất cánh lúc 7 giờ tối sau 50 phút là chúng tôi đã đáp ở Phi trường Pochentong bên Cam bốt. Lúc đó Việt Nam yểm trợ giúp đỡ cho Thủ tướng Lonol chống Miên Cộng Khmer đỏ tay sai của Việt Cộng và Trung Cộng. AC-47 của Việt Nam đánh khắp vùng Biển Hồ, Siem riep, Ankor thom, Ankot Watt, Kampung Thum, Kampung Sum và giữ vững thủ đô Nam Vang và phi trường Pochentong là nơi Khmer đỏ thường pháo kích rất nặng nề. Mỗi lần thấy phía Bắc sông Mekong nháng lửa là tôi nghiêng cánh xạ kích vào mục tiêu đó. Cho đến khi quân Khmer bị tiêu diệt hoặc rút lui. Có lần bay như thế đến nữa đêm thì nhà máy điện phi trường Nam Vang bị pháo trúng. Phi trường đèn đuốc tắt ngúm, chỉ còn liên lạc được với đài kiểm soát. Tôi cho họ biết là xăng phi cơ chỉ còn 30 phút bay và đã hết đạn và trái sáng. Tôi cần đáp để đổ xăng và tái trang bị để cất cánh trở lại hành quân. Họ cho biết là không có cách nào khôi phục đèn phi đạo. Tôi yêu cầu họ cho bốn chiếc xe Jeep bật đèn soi sáng hai đầu phi đạo họ cũng không đáp ứng được. 

Về Sài Gòn thì không còn đủ xăng nên chỉ còn một con đường là phải đáp xuống Pochentong. Tôi dùng đèn pha C-47 rà tìm phi trường và cuối cùng cũng đáp được an toàn. Sau khi xăng nhớt đổ đầy, đạn trái sáng load đầy đủ. Thì Miên Cộng lại tiếp tục pháo kích như mưa vào phi trường. Tôi nghĩ ở dưới đất chắc cũng không xong và cũng không có chỗ tránh pháo. Nên tôi quyết định cất cánh trong màn đêm trên một phi đạo không có đèn. Sau khi cất cánh an toàn chúng tôi tiếp tục yểm trợ quân bạn đến khi trời sáng. 

Bây giờ mọi sự đã sang trang, tôi cảm ơn mấy anh trong phi hành đoàn đã giữ kín không báo cáo tôi vi phạm an phi nếu các anh báo cáo tôi đã đáp xuống và cất cánh trên một phi đạo không có đèn giữa đêm đen thì không biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi. 

Một đêm tháng 5/1968, khoảng 2 giờ sáng, tôi đang bay trên mục tiêu nhà thờ Fatima Bình Triệu. Qua PRC-25 tôi được cho biết là Thủy Quân Lục Chiến đang đụng trận nặng xáp lá cà với Việt Cộng bên bờ sông phía Gò Vấp và họ bảo tôi đợi mà không cho chỉ thị hay yêu cầu gì rõ ràng. Tôi trả lời: Chúng tôi còn nhiều nơi cần yểm trợ không có thời giờ để coi mấy anh đánh cận chiến. Quân bạn cho biết là Việt Cộng bên kia sông dùng bập dừa, thân chuối, ruột xe hơi, xe Vespa đang lội qua sông để bắt tay với đám đã ở bên này sông. Tình hình rất nguy ngập nếu để chúng xáp nhập được với nhau thì phi trường Tân Sơn Nhứt và bộ Tổng Tham Mưu sẽ bị nguy hiểm. Qua tần số FM tôi đưa ra một đề nghị và nói các anh em TQLC đồng ý thì làm theo tôi còn không thì bỏ qua. Tôi dùng âm thoại bây giờ không còn nhớ call sign của họ và tôi là gì vì mỗi trận đánh đều có mật khẩu và tên gọi riêng. Tôi đề nghị mấy bạn đừng đánh cận chiến nữa, mà rút chạy về hướng nào an toàn. Khi nào rút xong cho tôi biết chi tiết. Và các bạn cứ để mặc cho chúng (bọn VC) lội qua sông khi nào chúng nó lội được quá phân nữa thì cho tôi biết. TQLC bàn nhau kế hoạch mới. Khoảng vài phút sau họ đồng ý theo lời đề nghị của tôi. Họ báo cho tôi biết là đã rút lui với khoảng cách an toàn và bọn Việt Cộng bắt đầu lội gần được nửa sông. Tôi đã ngưng bắn trái sáng khoảng 5 phút. Bây giờ tôi báo cho quân bạn biết là chúng tôi sẽ thả trái sáng trở lại và bắt đầu xạ kích. Tôi bấm cò bắn 3 khẩu miniguns cùng một lượt. 18 ngàn viên đạn/phút hụ lên như tiếng bò rống. Tôi bắn chận đầu và chặn đuôi Việt Cộng không cho chúng tiến lên cũng như rút lui. Tôi bắn trên bờ vị trí quân bạn đánh cận chiến với VC không lâu trước đó. 

Khoảng 5 giờ sáng, hơn 200 VC ra đầu hàng. Chúng ngồi dài theo dốc cầu Bình Lợi. Nếu toán còn lại sáp nhập được với bọn này thì việc gì sẽ xảy ra cho đồng bào ở Gò Vấp, Phi Trường Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham Mưu? 

5giờ 30 sáng, tôi báo cho TQLC biết sẽ rời tần số làm việc để về đáp Tân Sơn Nhứt. Người chỉ huy TQLC yêu cầu tôi cho biết tên và cấp bậc. Tôi hỏi bạn cần biết tên tôi để làm gì?, TQLC đáp để báo cáo thưởng huy chương cho tôi. Tôi trả lời trên phi cơ này chúng tôi gồm 8 người, nếu bạn đồng ý đề nghị báo cáo thưởng huy chương cho hết 8 người thì tôi sẽ đưa tên tất cả 8 người, còn nếu chỉ một mình tôi thì xin phép được từ chối. 

Bay trên AC-47 cửa cargo đã gỡ trống toác gió lùa phần phật vào phi cơ. Pilot và copilot thì được ngồi trong cockpit được che chở phần nào, còn anh em xạ thủ, áp tải, cơ phi thì phải liên tục đứng làm việc trong gió lạnh. Anh cơ phi nghe từng tiếng động cơ thay đổi rồi lên trao đổi đề nghị chúng tôi điều chỉnh động cơ. Mấy anh mới là những người xứng đáng được thưởng huy chương. Quân bạn TQLC có lẽ nghe rõ nhưng không trả lời... tôi rời tần số về đáp ở Tân Sơn Nhứt. 

Sau này mỗi lần nghe ca sĩ Thanh Thúy hát Một Chuyến Bay Đêm ... 

Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền 
Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm 
Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió 
Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ. 
Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo 
Đường Minh Đế nhàn du khắp tinh cầu... 


Lời ca thật là đẹp mô tả phi công như một ông hoàng rong ruỗi ngắm trăng sao. Nhưng chúng tôi bay đêm chỉ thấy toàn lửa đạn, áo bay khét mùi thuốc súng. Bay đêm trên Hỏa Long AC-47 là một cực hình. Phi hành đoàn phải túc trực bay từ lúc mặt trời lặn đến mặt trời mọc. Những chuyến bay đêm này không có nhẹ nhàng thơ mộng như bài hát. Những người Không Quân Việt Nam khi bay đêm không có “níu áo hằng nga” và bầu trời cũng không có có xanh như màu áo của Đường Minh Đế nhàn du... Có lẽ bài hát mô tả một chuyến bay hàng không dân sự êm đềm nào đó được bay bằng auto pilot đường dài và pilots có thể ung dung ngắm trăng sao? 

Ánh hỏa châu đã trở thành rất quen thuộc với quân dân miền Nam, ánh hỏa châu đã đi vào văn chương, văn nghệ. Từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà Mau. Mỗi đêm những ánh hoả châu soi sáng cho các anh chiến sĩ đi tìm diệt Việt Cộng. Có mấy ai nghĩ về những người lính KQ “tác giả” của những ánh hỏa châu, những người bay âm thầm soi sáng đêm đen giữ yên giấc ngủ cho mình? 

Tôi rời phi đoàn Hỏa Long 417 khoảng năm 1970. Phi đoàn 417, lúc này đã đổi danh xưng thành 817, dời ra Nha Trang, Trung Tá Huỳnh Văn Tòng là phi đoàn trưởng cho đến ngày mất nước. 

Để kết thúc xin kể lại một câu chuyện ít ai biết về một phi vụ có liên quan đến những nhân vật lịch sử, tưởng chừng đã đi vào quên lãng dưới lớp bụi ký ức thời gian. 

Phi vụ đón Quốc Trưởng Nguyễn Khánh mồng 2 tết 1964 từ Đà Nẵng về Sài Gòn. Hôm đó tôi là sĩ quan trực Liên Đoàn 33 Tác Chiến từ 7 giờ tối mồng một Tết đến 7 giờ sáng mồng hai Tết. Tất cả mọi việc trong đêm không có gì bất thường. Gần 4 giờ sáng Trung Úy Trưởng Phi cơ Nguyễn Đình Thành ký giấy nhận chiếc C-47 số đuôi CE (Charlie Echo) sau đó cùng với Đại Úy Đỗ Thọ ra bến đậu VIP. 

Hoa tiêu phụ trong sổ ghi là Chuẩn Úy Đặng Văn Âu (?) được Trung Úy Thành gạch đi và ký tên thay vào đó là Đại Úy Đỗ Thọ là hoa tiêu phụ. 4 giờ sáng đúng, Charlie Echo cất cánh từ Tân Sơn Nhứt lấy hướng Ban Mê Thuột, Pleiku, Quảng Ngãi , Đà Nẵng. Khoảng 5 giờ sáng một tiếng đồng hồ sau khi Charlie Echo đã cất cánh, Đại Úy Nguyễn Mạnh Bổng còn mặc quần áo ngủ hớt hãi chạy vào bàn làm việc của sĩ quan trực nói như người mất hồn nét mặt còn chưa tỉnh ngủ hẳn: 

- Anh anh đừng cho Charlie Echo cất cánh!! Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao? 

Đại Úy Bổng trả lời: 

- Tôi thấy nó rớt ở đầu phi đạo Tân Sơn Nhứt rồi. 

Quá ngạc nhiên tôi đáp lại: 

- Charlie Echo đã cất cánh được khoảng một tiếng đồng hồ rồi, tôi đâu có thẩm quyền không cho nó cất cánh hay là kêu nó quay lại hơn nữa đây là phi vụ đón Quốc Trưởng. Đây điện thoại Đại Úy gọi cho TACC hay Pyramid ra lệnh cho Charlie Echo quaylại! Tôi còn nói thêm. Giờ này chắc nó đã gần tới Ban Mê Thuột... 

Đại Úy Bổng cầm điện thoại suy nghĩ một lúc rồi gọi liên lạc với ai đó. Sau đó ông cúp máy rời phòng sĩ quan trực rồi lái xe về nhà. Đến 7 giờ 30 sáng mồng 2 Tết năm 1964. Đà Nẵng gọi về Tân Sơn Nhứt hỏi tôi là sao giờ này vẫn chưa thấy Charlie Echo đáp ở Đà Nẵng?. Và hỏi tôi nó đã cất cánh chưa và cất cánh lúc mấy giờ. Tôi trả lời Đà Nẵng xong thì đúng lúc đó phiên trực của tôi đã hết tôi bàn giao lại cho Chuẩn Úy Sết (quên họ) anh là Navigator. 

Cho đến chiều ngày mồng 2 Tết tôi trở vào phi đoàn thì được biết là chiếc Charlie Echo Trưởng Phi Cơ là Trung Úy Nguyễn Đình Thành, Hoa Tiêu phụ là Đại Úy Đỗ Thọ đã đâm vào núi Trà Bồng trên đường đi Pleiku Quảng Ngãi. Cũng xin nói thêm chiếc Charlie Echo là phi cơ VIP dành riêng cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi ông chưa bị tướng Dương Văn Minh đảo chánh và giết. 

Phạm Văn Cần
10/2014

CHIẾN CÔNG CUỐI CÙNG – KQ Nguyễn Viết Trường

KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG
CHIẾN CÔNG CUỐI CÙNG - Nguyễn Viết Trường
Đời sống Quân ngũ đối với một Quân nhân Tác Chiến thời Binh lửa ngập tràn Quê hương, trong cuộc Chiến Tranh tương tàn Việt Nam, ai cũng có những chiến công của riêng mình, ít hay nhiều không đáng kể, mà qua đó đã chứng minh được sự hy sinh, và tinh thần đấu tranh cho Hòa Bình Dân Tộc của cả một Thế Hệ làm Trai sinh ra, lớn lên trong một đất nước Điêu Linh Chinh Chiến…
Trong phạm vi của bài viết tự truyện này, cho phép tôi được thuật lại một chiến công cuối cùng của tôi, vào thời điểm những ngày hấp hối của Chính Thể Việt Nam Cộng Hòa ( cuối tháng 04 năm 1975).
Một tháng trước ngày nước mất, tôi và anh Nguyễn ngọc Di thuộc Phi Đoàn Thần Ưng 116, đã được lệnh của Quân Đoàn IV Quân Khu IV và Sư Đoàn IV Không Quân, phải túc trực thường xuyên tại Căn Cứ Không Quân Trà Nóc, để bay những Phi Vụ khẩn cấp và đặc biệt, hầu phát giác, ngăn chặn và tiêu diệt sự có mặt của Phiến Cộng trong âm mưu tiến chiến Cần Thơ và Phi Trường Trà Nóc của bọn cướp nước này.
Chúng tôi là những Phi Công mang hai Chỉ Số, nên trong mọi Phi Vụ, chúng tôi được phép bay một mình trong các Phi Vụ Hành Quân.
Vào một chiều cuối tháng tư, tôi được lệnh cất cánh để Bao Vùng và Quan Sát tìm kiếm những âm mưu xâm nhập của Việt Cộng vào Cần Thơ.
Khoảng 05:00 chiều hôm đó, sau một thời gian bay bao vùng, tôi phát giác phía Tây Bắc Ô Môn, trên những dòng sông uốn khúc có khoảng trên 120 chiếc thuyền đủ loại, đang di chuyển về hướng Phi Trường Trà Nóc.
Thấy khả nghi, tôi báo cáo và xin xác định quanh vùng này có cuộc Hành Quân nào không? Và vị trí Quân Bạn có gần hướng đi của những chiếc thuyển này không?
Sau khi được báo cáo không có cuộc Hành Quân nào gần đó, và cũng không có Quân Bạn gần đó, tôi quyết định sẽ tìm ra sự thật những chiếc thuyền này là Dân hay là Địch, trước khi có những hành động thích nghi với bối cảnh lúc ấy.
Sau một hồi Quan Sát, tôi nhận định đoàn thuyền đủ loại này đã không thể là của Quân Bạn thì cũng không thể là của Dân Chúng được, mà chính là của Địch Quân, trong lúc tôi chưa có quyết định dứt khoát, thì trên tần số tôi nhận lệnh trực tiếp của Tướng Nguyễn khoa Nam cho phép tôi toàn quyền hành động tiêu diệt đoàn thuyền này, vì đó chính là đoàn thuyền của Việt Cộng, chúng có ý định tấn công Phi trường Trà Nóc vào buổi tối hôm đó.
QUAN SAT CO L19 KHONG QUAN VNCH.jpg
Sau khi nhận được Lệnh này, tôi bay lên cao và bay ra khỏi tầm quan sát và nghi ngờ của đoàn thuyền, tôi đợi đoàn thuyền đi vào khúc sông mà hai đầu sông tẽ ra làm đôi, đến lúc đó tôi mới quay trở lại vùng để mở cuộc tấn công.
Trong thời gian chờ đợi, tôi liên lạc với hai đơn vị Pháo Binh gần nhất, cho tọa độ và nói họ sẵn sàng đợi lệnh mới khai hỏa, mặt khác tôi liên lạc với phòng Hành Quân Chiến Cuộc xin cung cấp tối đa các Phi Tuần Khu Trục, và được họ cho biết sẽ thỏa mãn tối đa cho tôi những Phi Tuần Khu Trục cánh quạt AD5, AD6 Biệt Phái.
Theo kinh nghiệm Chiến Trường của tôi, thì hiệu quả của các Khu Trục Cánh Quạt rất tốt vì số bom đạn và giờ hoạt động trên vùng của các Khu Trục Cánh Quạt vừa mang nhiều bom lại bay được nhiều giờ.
Thời tiết chiều hôm đó thật quang đãng, bầu Trời trong xanh và gió êm, rất thuận tiện cho tôi thi hành nhiệm vụ.
Khi chiếc cuối cùng của đoàn thuyền lọt vào khúc sông có hai đầu tẽ hai, tôi bắt đầu Điều Chỉnh Pháo Binh nổ chặn hai đầu của khúc sông định mệnh này.
Tôi thấy đoàn thuyển bắt đầu rối loạn, một số Việt Cộng tháo chạy lên hai bờ, vừa lúc ấy có hai Phi Tuần lên vùng, tôi ngưng Điều Chỉnh Pháo Binh, và liên lạc với hai Phi Tuần Khu Trục, tôi mô tả mục tiêu thật rõ ràng, ngắn gọn và khúc triết, khi được biết những đoàn thuyền này sẽ tấn công Phi Trường, thì những Phi Công Khu Trục rất hăm hở quyết thanh toán hết bọn Việt Cộng ác ôn này,
Tôi đề nghị một Phi Tuần sẽ đánh hai bên bờ sông, và một Phi Tuần sẽ đánh ở hai đầu khúc sông định mệnh này.
Vỉ “tứ bề thọ Địch” nên Địch Quân chỉ còn là miếng mồi ngon cho hai Phi Tuần Khu Trục kế tiếp tiêu hủy trọn vẹn hơn 120 chiếc thuyền.
Quang cảnh lúc ấy khói lửa ngập tràn…
Sau khi thanh toán mục tiêu, tôi báo cáo cho Trung tâm Hành Quân Không trợ, Phòng Hành Quân Chiến Cuộc biết kết quả.
Trước khi rời vùng về đáp Phi Trường Trà Nóc, tôi quay nhìn lần cuối hiện trường, cả một dòng sông nhuộm đỏ máu Quân Thù, mảnh vỡ của những chiếc thuyền trôi lềnh bềnh trên sông…
Chiến tranh là thế đấy, mình không diệt họ thì họ sẽ diệt mình….
Tướng Mạch văn Trường theo lệnh của Tướng Nguyễn khoa Nam đã cùng các Phóng Viên đài truyền hình Cần Thơ đáp trực thăng xuống ngay hiện trường, hình ảnh nơi đây được trực tiếp chiếu trên màn hình TV Cần Thơ, theo báo cáo của phía Bộ Binh thì :
• Hơn 120 chiếc thuyền đủ loại bị bom đạn phá hủy
• Hàng tấn vũ khí và đạn dược tịch thu được
• Đếm được 92 xác của Cộng Quân, số bị nát thây không kể.
Sau đó, tôi được Lệnh của Tướng Tư lệnh Quân khu Nguyễn khoa Nam là chính tôi phải trình bày tự sự trên đài truyển hình để dân chúng vững niềm tin vào Quân đội.
( Một chi tiết khá ngộ nghĩnh mà tôi đến nay vẫn còn nhớ, tôi đã có nói với Trưởng phòng Hành Quân, của Phi Đoàn Thần Ưng 116, là thiếu tá Bùi kiêm Điền (Khóa 61), tôi lên đài truyền hình, sẽ đeo kính đen khi trình bày. Thiếu tá Điền hỏi tôi tại sao vậy? Tôi đáp: Vì tôi còn có nickname là Trường kính Đen mà! )
Sau đó, tất cả các Phi Công tham chiến trận đánh này đều được tưởng thưởng huy chương .
Riêng tôi được tưởng thưởng Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh với nhành Dương Liễu và được lên Lon Đặc Cách.
Đáng tiếc, chưa kịp khao Lon cùng các Chiến Hữu, thì ngày 30 tháng 04 đã đến.
Sáng 30 tháng 4 năm 1975 oan nghiệt, tôi vẫn còn đang bay Quan sát trên vùng trời Cần Thơ, được chứng kiến sự hỗn loạn tại căn cứ Không Quân Trà Nóc, và sự ra đi đầy máu và nước mắt của một số Phi Công Trực Thăng.
Sau khi thấy Chuẩn tướng Nguyễn hữu Tần lên Phi Cơ tháo chạy ra nước ngoài, tôi đã lấy chiếc Phi cơ của anh Vũ hiếu Mưu từ Cà Mau trở về Trà Nóc đáp, rồi rủ anh Lê xuân Phong cùng đi, tôi cất cánh và nhắm hướng Thái Lan trực chỉ.
Tôi bay được khoảng nửa đường bay, anh Phong đề nghị với tôi, quay trở lại đáp Phi trường Long Xuyên, rồi liên lạc với toán quân của Hòa Hảo, để tiếp tục đánh trả bọn cuớp nước.
Đề nghị này thật hợp với tâm trạng của tôi lúc đó, nên tôi đã quay về đáp Phi trường Long Xuyên.
Một quyết định mang đến đời tôi nhiều khổ đau tột đỉnh.
• Tôi đã gặp lại người bạn thân nhất của tôi là anh Nguyễn ngọc Trung, anh từ Sóc Trăng
cùng anh Hiệp đáp Long Xuyên, với viên đạn thù còn nằm sâu trong óc, anh đã là một Sĩ Quan Không Quân thuộc Sư Đoàn IV KQ tử trận sau cùng trong cuộc Chiến tương tàn Nam Bắc.
• Tiếp đến tôi đã bị đi tù Cải Tạo tại miền Bắc nước Việt “mút mùa lệ thủy”,
tiếp nữa là ở tù vượt biên, và sau nhiều lần vượt biên không thành, cuối cùng rồi cũng sang được đất Hoa Kỳ vào năm 1991 trong Chương Trình Tỵ nạn Chính Trị HO8.
• Sau cùng là đã chịu cảnh Gia Đình tan nát, vợ tôi đi vượt biên đã bị bọn ác ôn Thái Lan
làm nhục và chúng đã đang tâm chặt vợ tôi ra làm nhiều khúc khi nàng kháng cự lại chúng. Tin này do vợ tôi báo mộng với mẹ và đứa con gái đầu lòng cùng một đêm sau một thời gian dài biệt vô âm tín.
Tôi viết câu chuyện này để nhớ lại và khắc ghi những dữ kiện đã xảy ra trong cuối đời Quân Ngũ của tôi..
Đó cũng là Thân phận của một người Trai thời loạn.
KQ: NGUYỄN VIẾT TRƯỜNG
Khi Youtube bị trục trặc .
Có lần , đã 9 g tối , dù rất mệt nhưng có láng giềng cầu cứu : ko thể xài Youtube trên iPad .
Trên iPad , tôi thấy có chữ Sorry với cái mặt méo sệt trên màn hình .
Tôi xóa icon này và dùng Apps Store để tải app (ứng dụng) Youtube . Tôi hỏi , anh có tài khoản trên Google chưa ? Ông lục 1 cuốn sổ dầy và cho tôi Gmail nhưng lại quên mật mã (chết được) ; một lát sau , sau khi có mật mã , tôi đã đăng nhập vào Google và Youtube hoạt động bình thường .
Tới đây tôi giải thích : mỗi khi Youtube trục trặc , anh có thể xóa app này và sau đó dùng Apps Store để tải và cài đặt app này . Anh cũng làm như vậy với các app như Facebook , Messenger , Viber , Tango , WeChat . Không như trên máy tính , anh có thể đưa các ứng dụng này vào thanh đánh dấu (bookmark bar) .
Vì ở icon Settings có số 1 , tôi giải thích : 1 updates do Apple gửi vào máy để trị các "bug" , v.v... anh phải tải xuống và cài đặt , nó sẽ giúp máy an toàn hơn . Rất nhiều ng ko hiểu ý nghĩa của số 1 ở icon Settings và cứ để nó cứ tồn tại/sống dài dài như ĐCSVN (sic) !!!
Anh cũng yêu cầu tôi tạo mật mã để dùng laptop : tôi vào Search bar (nằm bên phải của Start trên taskbar) gõ chữ 'control panel' , sau đó vào Users Account . Tôi chỉ ông cách tạo mật mã với lời dặn : phải dễ nhớ và ko được quên vì nếu quên sẽ ko mở máy tính , rất nhiều phiền phúc .
Máy còn hiện chữ 'Windows Defender and antivirus program turned off' . Tôi vào Windows Defender để tải xuống các definition updates và cho Scan chạy . . .