Tuesday, July 15, 2014

Hoạt động quân-dân y Mỹ-Việt trong thời gian chiến tranh (phần 2) .
2 SQ quân y của Lục quân Mỹ ngồi nghỉ tại căn cứ Cam Ranh chờ phương tiện chở về Bịnh viện 8 Dã chiến tại Nha Trang .

Hình 1 : 1 y tá băng bó vết thương của 1 phụ nữ bị thương do CS pháo kích vào Saigon . Hình 2 : thiếu úy Mary Huepers chữa cho 1 nhóm dân làng tại đảo Kỳ Hòa ngoài khơi Chu Lai . Chương trình Quân y Dân sự vụ (Medical Civic Action Program MEDCAP là 1 phần quan trọng trong cố gắng bình định của TQLC Mỹ .

BLV Tạ Biên Cương bị ghét không chỉ vì 'thảm họa bình luận'

GDVN/Thể thao số.vn 
Ảnh bên: Khán giả sẽ có cái nhìn rộng lượng hơn với BLV Biên Cương nếu BLV này biết nói "Xin lỗi" mỗi khi nói sai, nói nhầm.
NQL: Tính viết một bài nghiêm chỉnh về bình luận bóng đá và BLV nói chung nhưng thôi, nước đổ đầu vịt, viết ra chỉ tổ mất thời gian người ta có cớ gây sự với mình. Thế hệ tụi tui ai nói một câu trên báo mất ăn mất ngủ cả tuần, với các bạn trẻ này họ bình thản như không, coi đó là  những thị phi của đám " không có chuyên môn", không chấp. Sự cao ngạo của các bạn trẻ này thật đáng sợ.

 “Chỉ cần Biên Cương biết nói “xin lỗi quý vị, chính xác hơn…” thì khán giả sẽ rộng lượng với BLV này hơn. Không ai là không bao giờ mắc sai lầm và bản lĩnh của con người nằm ở chỗ anh ta có dám đối diện với sai lầm, dám nhận lỗi và sửa lỗi…”

BLV nói sai phải xin lỗi khán giả

Bạn đọc Trần Huy Dũng (huydung86@gmail.com) viết: “BLV Biên Cương bình luận sôi nổi và khá thú vị. Nhưng mỗi lần nói sai, nói nhầm, BLV Biên Cương không nói được hai từ “xin lỗi” với khán giả đang dõi theo”.

 Đây cũng là ý kiến chung của khá nhiều độc giả gửi về. Chẳng hạn, bạn đọc Tùng Chelsea viết: “Khi Biên Cương nói sai, anh ta không xin lỗi mà chỉ lấp liếm “chính xác hơn là…” Ngược lại, khi nói đúng thì: "Như chúng tôi đã nói từ đầu". Một người sẽ không thể trở thành BLV giỏi nếu không dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận lỗi và sửa chữa”.

Độc giả Vũ Quốc Hoàn cũng chia sẻ nhận định này: “Chỉ cần Biên Cương biết nói “xin lỗi quý vị, chính xác hơn…” thì khán giả sẽ rộng lượng với BLV này hơn. Không ai là không bao giờ mắc sai lầm và bản lĩnh của con người nằm ở chỗ anh ta có dám đối diện với sai lầm, dám nhận lỗi và sửa lỗi…”

“Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”

Nói nhiều, nói lan man không có trọng tâm, nói sai… là những điểm yếu của các BLV trẻ đã được khán giả yêu bóng đá chỉ ra. “Khi xem bóng đá tôi muốn nghe những âm thanh thực của trận đấu: tiếng reo hò của CĐV bên ngoài, tiếng quả bóng được sút căng, tiếng í ới của cầu thủ trên sân hơn là tiếng bình luận theo kiểu khoe mẽ vốn kiến thức mà không biết kiến thức đó có chuẩn không. BLV nên nói ít thôi, tập trung vào các pha bóng, thỉnh thoảng cung cấp thêm một vài thông tin như thành tích đối đầu, trích ngang thành tích của một vài cầu thủ,” bạn đọc Phú Hưng chia sẻ nỗi lòng. 
Các BLV VTV được nhận xét là nói nhiều, nói dai, không nhập tâm vào diễn biến trận đấu. (Ảnh: BLV Khắc Cường)
 Bạn đọc Nguyễn Trần Đăng bình luận: “Không phải nói nhiều là làm tốt công việc BLV. Hãy để ý BLV Quang Huy, anh không nói nhiều, không khí của trận đấu dường như hoà cùng không khí trên sân, những kiến thức sâu sắc về bóng đá và tập trung đi vào phân tích diễn biến trận đấu, chiến thuật và một chút lịch sử đội bóng, cầu thủ... đủ để khán giả biết thêm thông tin. Đó đều là thông tin được BLV chắt lọc, chứng tỏ một sự cầu thị, yêu nghề.”

Ngay cả một người trong nghề như BLV Trần Văn Sơn (Truyền hình cáp Quy Nhơn - Bình Định) cũng chỉ ra yếu điểm của các đồng nghiệp trẻ: “Không phải khi các bạn chuẩn bị tư liệu với rất nhiều thông tin về hai đội bóng mà bạn nói hết những thông tin ấy ra, tuỳ từng hoàn cảnh mà sử dụng tư liệu cho hợp lý, không nên lạm dụng bởi như thế giống như bạn đang khoe kiến thức với khán giả.” Một độc giả khác nhắn nhủ các BLV trẻ: “Các cụ nói: “Rượu nhạt uống lắm cũng say. Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”. Không nhất thiết các anh phải nói, nói, nói... suốt cả trận như thế bởi ai cũng thấy như các anh cả. Người xem cần thêm BLV là bởi họ mong muốn BLV có cái nhìn sâu sắc hơn. Nếu anh chưa phát hiện ra điều gì thì tốt nhất nên im lặng.”

Một số ý kiến khác. Bạn đọc Phạm Mạnh Hùng: “Tôi biết trong đầu anh Biên Cương có quá nhiều thông tin khi bình luận mà lưỡi lại lại uốn không kịp tốc độ nghĩ nên nói sai, biết chắt lọc và đơn giản hóa đi thì sẽ chuẩn hơn.” Độc giả Nguyễn Hùng: “Có lẽ thế hệ BLV bây giờ biết nhiều thông tin nên nói nhiều hơn, mà thường thì nói nhiều hay sinh nói bậy”… Còn theo độc giả Chi Mai, thói quen nói nhiều của BLV, BTV VTV còn khiến họ bất nhã với những khách mời được phỏng vấn: “Các BLV VTV luôn cố gắng khoe mẽ, thể hiện mình trước các chuyên gia và khán giả bằng cách cướp lời, lập ngôn, dùng những từ đao to búa lớn mà chẳng ăn nhập gì. Quý vị cứ xem các cuộc phỏng vấn, bình luận của BLV Tiểu Huyền và các đồng nghiệp thì rõ. Đặt câu hỏi thì diễn giải dài dòng, áp đặt ý chủ quan, thời lượng dành cho hỏi gấp nhiều lần câu trả lời của các chuyên gia, làm cho người được phỏng vấn, bạn xem truyền hình phải chời đợi và cảm giác rất khó chịu.”

Trưởng thành từ những sai lầm

Theo bạn đọc Giáo Dục Việt Nam, các BLV trẻ không mấy quan tâm đến ý kiến phản hồi của khán giả để tự hoàn thiện mình. Bạn đọc Nguyễn Minh nhận xét: “Bình luận bóng đá không phải là dễ, nhưng đã làm nghề thì phải biết lắng nghe và học cách thay đổi. Nhiều BLV (đặc biệt là BLV Biên Cương) thường xuyên gặp sai sót, nói vô tội vạ và chắc chắn đã nhận được rất nhiều phản hồi của người xem nhưng đã qua mấy mùa bóng rồi mà vẫn như thế.” 
Các BLV cần phải rút ra bài học từ những sai lầm và tự hoàn thiện mình (Ảnh: BLV Tuấn Anh - Kênh VTV3).
 Độc giả Nguyễn Tiến Đạt cho rằng: “Sai lầm thì ai cũng sẽ mắc phải nhưng sai lầm có hệ thống, sai lầm nhiều lần, sai lầm những lỗi căn bản thì đó không còn là tai nạn nữa mà là do trình độ, khả năng nghề nghiệp quá kém. Ai bảo BLV Tạ Biên Cương là một BLV trẻ khi anh ta cũng có ít nhất 6 năm trong nghề từ World Cup 2006?” Bạn đọc Thanh Bình viết: “BLV cũng là con người, nên việc có sai sót trong quá trình tác nghiệp là điều tất nhiên, nhưng không phải vì vậy mà "cá mè một lứa". Những sai sót của Biên Cương, Khắc Cường đã thành hệ thống, không phải bây giờ mà từ khi các anh vào nghề đến nay…”

Anh Nguyễn Hải Anh, một độc giả thân thiết của báo Giáo Dục Việt Nam dành lời khuyên cho các BLV trẻ: “Khi tôi học tại Liên Xô cũ những năm 80 còn nhớ Nikolay Ozerov là BLV thể thao hàng đầu của Liên Xô. Trong một trận khúc côn cầu, vì bực mình khi các cầu thủ Liên Xô chơi kém ông đã văng tục. Sau sự kiện đấy, phải mất một thời gian ông mới được quay trở lại bình luận thể thao. Việc mắc sai sót thì không ai có thể tránh được, nhưng không có nghĩa là không rút kinh nghiệm và cho qua.”

Theo Thể thao số

Hãy để Đảng và Nhà Nước ... khác lo!

Đăng bởi Kent Pham vào Thứ Hai, ngày 14 tháng 7 năm 2014

Trong những cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược từ 2011 đến gần đây, sau khi bị xô, đạp, đẩy, và chở về các đồn công an, những người biểu tình hầu như luôn luôn nhận được một thông điệp từ các "chiến sĩ công an" cấp cao hơn với tông điệu bảo ban của những người con trưởng, rằng: "Anh/chị bày tỏ lòng yêu nước 1 lần như thế là tốt rồi. Bây giờ về nhà, đừng biểu tình nữa. Đây là chuyện lớn, phải để cho Đảng và Nhà nước lo."

Lúc đầu, khi nghe câu nói này, người nghe, dù nhiều hay ít, cũng có ấn tượng chắc lãnh đạo phải có chủ mưu hay kế sách gì đó thì công an mới dám mạnh miệng như thế chứ. Thậm chí, khi mới có tin giàn khoan HD981 vào thềm lục địa Việt Nam, có nhà dân chủ đã khuyên bà con hãy để cho lãnh đạo có thời giờ đối phó đi đã, rồi nếu không thấy gì thì người dân hẵng tự phát phản đối. Nghĩa là một chính phủ thì dù giỏi hay dở đều phải có kế sách về những chuyện như thế, vì vấn nạn Biển Đông kéo dài đã bao năm rồi.

Và nhiều người đã chờ ...

Nhưng càng chờ, thì kế sách đâu chẳng thấy, mà người dân càng thấy cách hành xử của Đảng và Nhà Nước ta giống y như cách hành xử của Liên Xô thời chiến tranh lạnh. Thời ấy, những người sống tại các tiểu quốc thuộc Liên Xô, đặc biệt là các khoa học gia gốc Do Thái, xin đi sống ở nước khác hay ngay cả chỉ đi thăm nước khác, đều bị cấm ngặt hoặc bị tống giam ngay. Lý do chính thức Nhà nước Liên Xô đưa ra là vì sợ những người này tiết lộ bí mật quốc gia. Cả thế giới bên ngoài Liên Xô đều, dù nhiều hay ít, tin đó là lý do thật. Mãi đến khi có vài người trốn thoát đi được và đặc biệt sau khi Liên Xô sụp đổ, cả thế giới mới vỡ lẽ: bí mật lớn nhất của Liên Xô là tình trạng trống rỗng đằng sau lớp vỏ nhiều màu sắc trong mọi lãnh vực, từ kinh tế đến quân sự đến cả khoa học không gian.

Cũng vậy, cả người Việt và giới quan sát quốc tế đang từ từ nhận ra điều bí mật lớn nhất trong đối sách của đảng và nhà nước hiện nay là KHÔNG BIẾT LÀM GÌ CẢ. Hay nói cho đúng hơn, lãnh đạo đảng thấy con đường nào cũng có thể làm lung lay chiếc ghế cai trị của mình nên hay nhất là LÃNH ĐẠO CẤP THƯỢNG TẦNG KHÔNG LÀM GÌ CẢ, mà đẩy cho cấp tỉnh (như Đà Nẵng), cấp ban ngành (như Hội nghề cá), và ngay cả chờ nước khác (như Nhật, Philippin, Australia, Mỹ) làm giùm.

Rõ ràng trong suốt nhiều năm qua, lãnh đạo đảng chỉ làm duy nhất có một việc là nài nỉ Bắc Kinh qua các cuộc họp song phương, với kết quả từng mảng chủ quyền cứ lần lượt biến mất: Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, hàng trăm ngàn cây số vuông vùng biên giới phiá Bắc bao gồm nhiều cao điểm quân sự, rừng biên giới, rừng đầu nguồn, Nóc nhà Đông Dương dưới danh nghĩa khai thác bauxite ... và trên biển từ đảo đến quyền đánh cá đến tài nguyên dưới lòng biển đến hải phận, .... Trong lúc đó đất nước ngày càng lệ thuộc Trung Cộng ở nhiều mặt khác, từ thực phẩm độc hại lan tràn khắp đất nước đe dọa nghiêm trọng sức khoẻ của dân chúng, đến các trò thu mua để phá hoại nền nông nghiệp Việt Nam, đến tình trạng khuynh loát thị trường đấu thầu với tay trong hối lộ tham nhũng, ... Điều đã khá rõ hôm nay là Bắc Kinh tận dụng các cuộc đàm phán song phương (không cho các nước khác ảnh hưởng) để dễ dàng đẩy tới liên tục kế hoạch xâm lược tiệm tiến. Còn Hà Nội vì không biết làm gì khác và quá tin vào 16 chữ vàng nên cứ mỗi lần thấy bước xâm lược mới thì lại la toáng lên yêu cầu ngồi xuống ... đàm phán song phương. Lãnh đạo Tàu lại chậm rãi, mỉm cười ngồi xuống đàm phán. Thế là lãnh đạo ta lại an tâm.

Tại điểm này, có lẽ cũng cần nói thêm về mấy cái tàu ngầm Kilo mà cách đây không lâu báo chí đưa tin là để phòng thủ chống Trung Cộng. Nhìn cái giá 2 tỉ mỹ kim và bức hình chụp cảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm tàu, nhiều người đã ái ngại lo âu: "Bên trong còn loang lổ, rỉ sét như thế thì vỏ tàu còn rệu rạo đến thế nào nữa? Không lẽ đây chỉ là lập lại vụ mua tàu chiến phế thải của Ukraine?"

Nỗi lo âu này nay đang hiện rõ là thực tế. Đã có chỉ dấu các tàu ngầm này chẳng khá gì hơn cái ụ nổi của Vinalines - cái ụ đã góp phần tạo bản án tử hình của ông Dương Chí Dũng. Có người còn gọi đấy là 2 cái tàu "chìm" Kilo - vì đã "ngầm" quá lâu và không trồi lên nữa.

Cũng có dòng phân tích sâu hơn cho rằng lãnh đạo Việt Nam không có ý định mua tàu ngầm để hù Bắc Kinh vì chính Bắc Kinh cho mượn ngoại tệ để mua. Lãnh đạo VN cũng biết là Bắc Kinh, với tay chân len lỏi trong guồng máy quân đội, dư biết về tình trạng của 2 cái ụ "không nổi" này. Do đó, 2 vũ khí tuyên truyền rỉ sét giá 2 tỉ mỹ kim này chỉ dành riêng cho người dân Việt Nam.

Nhưng điều mà nhiều người cho là ác độc khi lãnh đạo đảng cứ hô hào, thúc đẩy ngư dân tay không ra khơi "bám biển" như thể đảng rất thiết tha với chủ quyền hải phận tổ quốc. Khi những người Việt can đảm này bị đủ loại tàu thuyền của Trung Cộng đâm, bắn, đánh thì không thấy bóng dáng hải quân Việt Nam đâu cả. Khi họ bị Trung Cộng bắt giữ như 6 ngư dân vào khoảng đầu tháng 7/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao lại phán một câu rồi toàn ban lãnh đạo đảng chỉ biết đứng nhìn. Nhưng khi có người nào thoát chết về đến bờ, lãnh đạo lại đến phát bằng khen rồi khuyến khích bà con nên noi gương họ ra khơi "bám biển". Trong khi đó, Hải quân Việt Nam không những kiên quyết "bám bờ" hiện giờ mà Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh còn hứa trong tương lai cũng sẽ tiếp tục "bám bờ" như vậy, qua lời tuyên bố tại Sangri-La rằng chính phủ của ông xem chuyện tại Biển Đông, bao gồm từ việc đặt giàn khoan đến giết, bắt ngư dân Việt Nam, chỉ là chuyện lục đục nhỏ trong gia đình. Nghĩa là không đáng cho hải quân Việt Nam can dự vào.

Với khả năng quân sự quá yếu kém sau giấc ngủ dài với lời ru "16 chữ vàng và 4 tốt" đó, thế giới cũng rất ngạc nhiên khi thấy lãnh đạo Việt Nam từ chối mọi cách chống xâm lược khác. Cho đến nay, nếu tổng hợp các điểm chính trong đối sách mà lãnh đạo đảng đã tuyên bố, người ta chỉ thấy: (1) Quyết không kiện TQ ra tòa án quốc tế; (2) Quyết không liên minh với ai để phòng thủ chung Biển Đông; (3) Quyết chỉ đàm phán song phương với TQ như đã làm bao năm qua. Cả 3 cái "quyết" trên cột lại trở thành QUYẾT KHÔNG LÀM GÌ HẾT. Và kinh người hơn nữa, 3 quyết đó rất đúng với chỉ thị "4 không được" do Bắc Kinh tung ra ngay trước khi sứ giả Dương Kiết Trì đến bảo ban các lãnh đạo Việt Nam, những người mà họ thẳng thừng gọi là mấy đứa con hoang đàng.

Thế là các lãnh đạo cao nhất, tứ trụ, sau một thời gian dài im lặng, nay chỉ nói chứ không dám ra văn bản; chỉ nói nho nhỏ với vài tổ cử tri chứ không dám dùng các diễn đàn quốc gia; và cũng chỉ nói những câu bâng quơ để ai muốn diễn dịch sao cũng được. Ông Nguyễn Tấn Dũng, sau câu nói mạnh tại Philippines đã vội ôm thắm thiết Dương Khiết Trì để tạ tội và từ đó đến nay không dám nói thêm gì nữa. Trong khi đó, báo đài hết lời khen ngợi đó là chính sách kiềm chế, khôn ngoan, dũng cảm, linh hoạt, yêu hòa bình, v.v.

Chỉ có một việc có vẻ lãnh đạo đảng nhanh chóng làm ngay là các khóa học tập cho tập thể đảng viên. Để trấn an nội bộ và để biện minh cho kế sách QUYẾT KHÔNG LÀM GÌ HẾT kể trên, lãnh đạo nay muốn thuyết phục cả đảng hãy cùng sợ Bắc Kinh để sống còn. Các giảng viên nói rất thẳng thừng: (1) Đụng trận với Trung Quốc là thua; (2) Phải sợ Trung Quốc thì mới giữ được chế độ; (3) Mỹ mới là kẻ thù lâu dài; còn Trung Quốc tuy có khó khăn trước mắt nhưng vẫn là đồng minh dài lâu.

Một vài cán bộ cao cấp còn thố lộ riêng với gia đình rằng thế hệ lãnh đạo đảng hiện nay than thở họ bị trói tay vì những ký kết của các thế hệ lãnh đạo trước suốt từ Hội Nghị Thành Đô 1990 đến những năm gần đây. Và nay họ không thể làm gì khác ngoài việc thực thi những ký kết đó.

Hậu quả đau đớn là nay ngay cả việc Quốc Hội Việt Nam ra một nghị quyết chính thức về tình trạng xâm lấn của Bắc Kinh tại Biển Đông, lãnh đạo đảng cũng không dám làm vì sợ Bắc Kinh nổi giận. Chỉ khi Quốc Hội Nhật, Thủ tướng Úc, và Quốc Hội Mỹ ra nghị quyết, tuyên bố phản đối hành vi ngược ngạo của Bắc Kinh, thì báo đài Việt Nam mới dám in và vỗ tay.

Có lẽ đã đến lúc Ban Tuyên Giáo nên yêu cầu công an điều chỉnh thông điệp cho chính xác khi dạy dỗ những người biểu tình yêu nước: "Anh/chị bày tỏ lòng yêu nước 1 lần như thế là tốt rồi. Bây giờ về nhà, đừng biểu tình nữa. Đây là chuyện lớn, phải để cho Đảng và Nhà nước ... khác lo!" ./.

   Hoàng Trường

( Diễn Đàn CTM )