Sunday, February 2, 2014

III. Dự báo những diễn biến chủ lưu ở Việt Nam năm 2014 :


Dự báo tổng quan, năm 2014 sẽ chứng kiến 5 diễn biến chủ lưu ở Việt Nam :

(1) 2014 là năm đầu tiên của một chu kỳ khủng hoảng ngân hàng, bắt đầu từ sự đổ vỡ của vài ngân hàng hạng trung và có thể dẫn đến sụp đổ dây chuyền trong ít nhất 50 % số ngân hàng hiện hữu trong vài năm sau đó, dẫn đến khủng hoảng gần như toàn bộ nền kinh tế. Chu kỳ khủng hoảng kinh tế có thể lên đến cao điểm vào năm 2016 – 2017 và trở thành sóng nhấn cuối cùng đối với con thuyền chính trị bươm rách. Đây là diễn biến quan yếu nhất.

(2) Bất ổn xã hội và phản kháng dân chúng sẽ tăng cao về số lượng, quy mô, tạo nên áp lực lớn đối với chính thể và nằm trong giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng xã hội trong những năm sau. Xu hướng này sẽ mau chóng biến thành xu thế ở rất nhiều địa phương, liên quan đến đất đai, môi trường, quan hệ giữa người dân và nhân viên công lực, nạn tham nhũng… Sẽ xuất hiện nhiều hội nhóm độc lập của người dân như những tiền đề của xã hội dân sự.

(3) Bước khởi động cho cuộc tranh đua chính trị chuẩn bị cho đại hội đảng thứ 12, đặc biệt là vị trí tổng bí thư đảng và vai trò thủ tướng, kể cả vấn đề “ hậu chuyển tiếp ” cho một mô hình chính trị mới.

(4) Xu hướng và lực lượng gần gũi với phương Tây sẽ rõ nét và chiếm ưu thế hơn trong nội bộ đảng. Nếu thành công trong hai năm 2014 – 2015, xu hướng này sẽ chuyển thành xu thế vào các năm 2016 – 2017 và có thể tạo nên một sự thay đổi lớn về bản chất chế độ chính trị.

(5) Hoạt động dân chủ gia tăng đáng kể về số lượng hội nhóm, nhưng bị hạn chế về nguồn nhân lực và thiếu tính trực tiếp với nhu cầu dân sinh nên không thu hút được số đông quần chúng. Chỉ một bộ phận nhỏ trong số các nhóm dân chủ hoạt động có tính thực chất và đạt được thành công ở mức độ khiêm tốn.

Dưới đây là phần dự báo một số vận động cụ thể :

* Tình hình nhân quyền và những đối sách về nhân quyền của đảng và chính quyền :


Trong năm 2014, có khả năng Quốc hội sẽ được tác động ở mức độ nhất định để ban hành Luật tiếp cận thông tin, Luật lập hội và có thể cả Luật biểu tình. Cả ba đạo luật này đều mặc nhiên xuất phát từ nhu cầu và cũng là xu thế đương nhiên của xã hội công dân, đồng thời là một trong những điều kiện của khối phương Tây trong mối quan hệ thương mại đa phương với Việt Nam.

Cũng nhằm thỏa mãn nhiều hơn yêu cầu của người dân và đòi hỏi của cộng đồng quốc tế, giới chính khách trong nước nhiều khả năng sẽ thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia trong năm 2014. Việc hình thành cơ quan này là một đối sách cho 14 điều cam kết của Nhà nước Việt Nam khi ứng cử Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc, trong đó có nội dung “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền, củng cố các tổ chức quốc gia bảo vệ nhân quyền, trong đó có thể thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia”.

Cơ quan nhân quyền quốc gia có thể tồn tại dưới hình thức Hội đồng nhân quyền quốc gia hoặc như một ủy ban nhân quyền quốc gia trực thuộc chính phủ, thay thế cho ban chỉ đạo nhân quyền quốc gia trước đây. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu hứa hẹn cho việc cơ quan nhân quyền quốc gia này sẽ nhận thức và hành động cân bằng giữa nhiệm vụ “phòng, chống các thế lực lợi dụng nhân quyền” với việc quan tâm thực chất đến quyền con người của dân chúng.

Một thỏa hiệp khác của Nhà nước Việt Nam với phương Tây là sẽ dần thừa nhận vai trò và dần chấp nhận sự tồn tại và vận động của xã hội dân sự ở Việt Nam, và thái độ này sẽ thể hiện rõ nét hơn trong năm 2014. Thỏa hiệp này liên quan đến một trong 14 điều cam kết của Nhà nước Việt Nam khi ứng cử Hội đồng Nhân Quyền Liên hiệp quốc là “Tăng cường nền tảng dân chủ và sự tham gia của nhân dân vào sự lập kế hoạch và thực hiện các chính sách, cải thiện việc Việt Nam tham gia trong các tổ chức chính trị, xã hội trong lĩnh vực nhân quyền”.

Tình hình trên sẽ dẫn đến việc năm 2014 sẽ xuất hiện nhiều tổ chức dân sự hơn năm 2013. Nếu chỉ xét đến các tổ chức dân sự theo đường hướng xã hội – chính trị, số tổ chức hình thành trong năm 2014 có thể gấp đôi năm 2013. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là một số trong đó hoạt động thiếu tính thực chất.

Trong bối cảnh xã hội dân sự bắt đầu được thừa nhận, hoạt động truyền thông xã hội (còn gọi là “lề trái”) sẽ được “hợp thức hóa” và sẽ gia tăng về số lượng, trong khi cơ chế cản trở bằng bức tường lửa trên mạng Internet sẽ giảm bớt.

Năm 2014 cũng có thể chứng kiến một số biểu hiện giao lưu, kết nối kín đáo giữa báo chí “lề phải” với truyền thông “lề trái” về quan điểm và mối tương tác trong một số vụ việc nhạy cảm của xã hội, kinh tế. Theo đó, hiện tượng nhà báo, phóng viên “lề phải” trực tiếp hoặc gián tiếp gia nhập hoạt động truyền thông “lề trái” sẽ gia tăng về số lượng, cung cấp thêm cho “lề trái” một lực lượng nhỏ cây viết chuyên nghiệp. Hiện tượng này sẽ diễn ra bất chấp sự ngăn cản và cấm đoán của hệ thống tuyên giáo đảng.

Tình hình trên cũng có thể dẫn đến chủ trương chính quyền tạm thời không thi hành biện pháp bắt bớ giới bất đồng chính kiến, nhưng thay vào đó sẽ tiếp tục tăng cường hành động gây khó khăn cản trở, sách nhiễu đối với giới này. Đặc biệt tại một số địa phương, những nhóm dân chủ hoạt động công khai ngoài đường phố sẽ có thể hứng chịu hình ảnh “đấm đá nhân quyền” hoặc những hành vi dưới tầm mức văn hóa của nhân viên công lực.

Xu thế chính trị đối ngoại lẫn đối nội cũng tạo điều kiện cho sự xuất hiện đảng chính trị độc lập và còn có thể xuất hiện đảng chính trị đối lập trong dân chúng, tuy chỉ với quy mô nhỏ.

* Khuynh hướng và động thái ngả về phương Tây trong chính giới Việt Nam :


Với những dấu hiệu manh nha từ năm 2013, xu hướng nhóm chính khách mang quan điểm gần gũi hơn với phương Tây sẽ nổi lên rõ hơn vào năm 2014, dần trở nên cân bằng và có thể còn có phần lấn ảnh hưởng của nhóm chính khách “thân Trung Quốc” ở Hà Nội và tại một số tỉnh thành. Biểu hiện sớm nhất và rõ nhất của sự đối chọi giữa hai xu hướng này là mối giao kết về hợp tác hải quân Việt – Mỹ sẽ gia tăng, trong khi Trung Quốc sẽ lại xúc tiến gây hấn tại biển Đông vào một số thời điểm, trùng với thời gian mà mối quan hệ Việt Nam – phương Tây trở nên “nồng ấm” hơn.

Xu hướng ly khai dần khỏi tâm điểm Bắc Kinh cũng liên quan mật thiết đến chính sách nhập khẩu nguyên, phụ liệu của Việt Nam từ Trung Quốc. Để có thể tham gia đầy đủ vào TPP và được miễn thuế xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu là hàng hóa đó phải có xuất xứ từ các nước nội khối TPP, trong khi Trung Quốc vẫn chưa phải là thành viên TPP. Do đó, Chính phủ Việt Nam có thể phải tìm nhiều cách để giảm bớt cơ cấu nhập khẩu nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc và chuyển đổi vùng nhập khẩu sang các quốc gia khác. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ đầy thách thức vì trước đó có đến 80-90% nguyên phụ liệu phụ thuộc vào Trung Quốc, và bởi sức ép về chính trị và kinh tế của Trung Quốc đối với Việt Nam là liên tục và sẵn sàng căng thẳng.

Tuy nhiên, với “quyết tâm” tìm phao cứu sinh từ ngoại viện phương Tây, Việt Nam sẽ được chấp thuận tham gia vào TPP trong năm 2014, thậm chí khả năng này có thể xảy ra ngay trong nửa đầu năm 2014. Tuy nhiên, tính hiệu quả của TPP là không thể tức thời, khi thời hiệu áp dụng sớm nhất của hiệp định này là giữa năm 2015 hoặc đầu năm 2016.

Để được chính thức chấp thuận tham gia vào TPP, Nhà nước Việt Nam sẽ chấp nhận một số điều kiện của phương Tây về cho phép hình thành nghiệp đoàn lao động, lập hội và cải cách doanh nghiệp nhà nước (liên quan đến cơ chế giảm dần và tiến đến xóa độc quyền của một số doanh nghiệp như điện lực, xăng dầu…).

* Cuối 2014 : khởi đầu khủng hoảng kinh tế :


Một sự thật không thể chối bỏ là cho dù được chấp thuận bởi TPP, nền kinh tế Việt Nam vẫn quá khó trong năm 2014. Rất nhiều khả năng nền kinh tế này sẽ vận động ngang trong năm 2014 chứ không thể tăng tốc được, và cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy sẽ “thoát đáy”.

Với những dấu hiệu khá rõ ràng về tình trạng đóng băng bất động sản, nợ xấu, thực trạng khan hiếm tiền mặt, tình trạng bi đát của hệ thống ngân hàng thương mại vào cuối năm 2013, nhiều khả năng hệ thống ngân hàng bắt đầu bước chân và giai đoạn đổ vỡ vào nửa cuối năm 2014. Khi đó nền kinh tế cũng bắt đầu thời kỳ đầu tiên lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế, khi trước đó đã có 7 năm suy thoái.

* Bất ổn và phản kháng : giai đoạn đầu của khủng hoảng xã hội


Kinh tế tiếp tục suy thoái và bắt đầu bước chân vào khủng hoảng là mảnh đất phì nhiêu cho các mầm mống bất ổn xã hội. Nếu trong năm 2013, bất ổn đã sinh ra từ nhiều phản ứng và phản kháng của dân chúng đối với chính quyền, thì đến năm 2014, số lượng và quy mô phản kháng chắc chắn sẽ tăng cao hơn.

Phản kháng dân chúng sẽ tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường, điều kiện lao động, giá cả. Số cuộc và số người dân tuần hành, biểu tình sẽ gia tăng so với năm 2013.

Hiện tượng chống nhân viên công lực và hiện tượng “tự xử” của người dân cũng sẽ gia tăng nhanh chóng tại nhiều địa phương và ngay tại Hà Nội. Hầu hết hiện tượng như vậy đều diễn biến theo chiều hướng tự phát và thiếu kiểm soát. Trong một số trường hợp gặp phải tác động tiêu cực từ phía cơ quan công quyền, phản ứng tự phát của người dân có thể biến thành bạo động cục bộ và quy mô nhỏ.

Vào cuối năm 2014, trong khung cảnh có thể khởi đầu khủng hoảng kinh tế, quỹ bảo hiểm xã hội và quỹ lương hưu cũng có thể bắt đầu lâm vào tình trạng nguy hiểm. Cùng với làn sóng thoái – bỏ đảng phát sinh vào thời điểm này, có thể phát sinh những phản ứng mạnh mẽ đầu tiên của tầng lớp hưu trí, làm tiền đề cho xu thế bỏ đảng trong giới hưu trí và cả một bộ phận thuộc giới đảng viên đương chức trong những năm sau.

IV. Hành động của xã hội dân sự :


* Làm thế nào để các phong trào dân sự có thể được xây dựng nhanh chóng và lan tỏa được ở Việt Nam ?


Một số đánh giá mang tính ước đoán cho biết hiện thời có ba nhóm quan điểm chính trị chủ yếu ở Việt Nam. Nhóm thứ nhất gồm khoảng 30% trí thức trong đảng và nhà nước, bao gồm cả quan chức, được xem là nhóm “trung thành” và có quyền lợi thiết thân với chức vụ và các đặc quyền trong hệ thống. Ngược lại với nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai có khoảng 20% trí thức trong các cơ quan nhà nước, không phải đảng viên hoặc vẫn là đảng viên, nhưng có tư tưởng cấp tiến, muốn thay đổi, song chưa có điều kiện để thể hiện quan điểm và hành động của họ. Nằm giữa hai khuynh hướng vừa đề cập là nhóm thứ ba với khoảng 50% trí thức trong đảng và nhà nước – những người không gắn bó đặc biệt với quyền lợi và chức vụ, mang quan điểm trung dung.

Cũng có những đánh giá cho rằng một xã hội dân sự được tổ chức tốt sẽ có thể thu hút đến ít nhất phân nửa số trí thức đang làm việc cho hệ thống của đảng và nhà nước.

Muốn xã hội dân sự được rút ngắn cung đường khởi động, yếu tố đoàn kết phải là con ngươi của phong trào phản biện, phong trào dân sự và do đó của xã hội dân sự trong tương lai ở Việt Nam. Tình trạng xa cách giữa nhóm trí thức phản biện độc lập với các trí thức trong đảng và hệ thống nhà nước như hiện thời là yếu huyệt nguy hiểm nhất trên con đường cải hóa các mục tiêu xã hội và chính trị, gây loãng tác động điều chỉnh chính sách và càng làm cho đời sống dân tình trở nên khốn khó, bức bách hơn.

Bức bách thách đố đối với những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam lại là phải tạo ra được bầu không khí tranh luận thật sự dân chủ trong đa nguyên tư tưởng, gạt sang một bên những đố kỵ, tị hiềm, ganh ghét hoặc nói xấu lẫn nhau – những biểu hiện vẫn luôn bị coi là một thói xấu trong lịch sử văn hóa của người Việt.

* Những mục tiêu cụ thể của các phong trào dân sự :


Trong giai đoạn đầu của xã hội dân sự, một số hành động cần được ưu tiên triển khai là :

Nhóm hành động chính trị – xã hội : lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo, hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế và chính trị Việt Nam vào Trung Quốc; phản biện chống tham nhũng và các nhóm lợi ích, nhóm thân hữu; thúc đẩy Quốc hội sớm ban hành Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý; thúc đẩy tiếng nói của trí thức độc lập tại Quốc hội; thúc đẩy tính hợp hiến và hợp pháp hóa của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo; phản biện đối với các điều luật chính trị hóa hành vi phản phản biện như điều 79, 87, 88, 258 trong Bộ luật hình sự; phản biện đối với điều kiện giam giữ phạm nhân trong các trại giam; hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các gia đình có người bị giam giữ, liên quan đến yếu tố chính trị…

Nhóm hành động kinh tế – xã hội : bảo vệ quyền lợi của nông dân trước hành vi trưng thu đất đai bất hợp pháp và vô lối; phản biện đối với chủ đề sở hữu trong Luật đất đai và cơ chế thu hồi đất đối với các dự án kinh tế – xã hội; bảo vệ quyền lợi của công nhân và thị dân về điều kiện làm việc và an sinh xã hội; đấu tranh chống tác động tiêu cực của một số doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên…

Thái độ lên tiếng của phong trào dân sự cũng không thể bỏ qua việc phản biện đối với một số vấn đề kinh tế gay gắt như nợ công quốc gia; nợ và nợ xấu; tính độc quyền của kinh tế quốc doanh và một số tập đoàn; ngân hàng; các thị trường đầu cơ như vàng, bất động sản; những ngành có liên quan mật thiết đến người tiêu dùng như điện, xăng dầu, nước…

Và để tự nâng mình lên, các phong trào dân sự cũng phải phản biện với chính những tiếng nói phản biện thiếu tinh thần xây dựng và đoàn kết trong giới hoạt động dân chủ ở Việt Nam và hải ngoại.

Trước mắt hoạt động của phong trào dân sự cần nhích thêm một bước : không chỉ là diễn đàn trên mạng, mà phải hình thành các nhóm công khai trong đời sống theo phương châm ôn hòa, bất bạo động.

Ngay từ bây giờ, đang rất cần đến một sự kết nối có tính thành tâm, hữu dụng và bài bản giữa các nhóm trí thức phản biện độc lập, trí thức trong đảng với các nhóm dân sự tiêu biểu của nông dân, công nhân, tiểu thương, sinh viên, tín đồ tôn giáo trong nước, cùng khối trí thức và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

V. Những đề nghị với các NGO quốc tế :


Dân sinh và môi trường luôn là những tiêu chí đấu tranh rất quan trọng của phong trào dân sự trên thế giới. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt những quốc gia phát triển, những tổ chức phi chính phủ như Hòa Bình Xanh, Chữ Thập Đỏ, DANIDA… đã xây dựng được vai trò và sự ảnh hưởng lớn lao đối với việc cải thiện các vấn đề môi trường và xã hội.

Bài học kinh nghiệm mà nhiều tổ chức phi chính phủ hàng đầu trên thế giới đã tích lũy được và đưa vào chiến lược hành động của họ là không thể thụ động trông chờ thái độ cải hóa và sự cải tiến tự thân của các cấp chính quyền, mà phải tạo được hành động tác động đối với chính quyền nhằm thay đổi về chính sách và những vấn đề liên quan. Đường lối hành động này trong thực tế đã trở nên hiệu quả hơn hẳn ở nhiều quốc gia châu Á như Bangladesh, Ấn Độ, Myanmar và Campuchia, hay gần đây là cáo buộc của tổ chức phi chính phủ Global Witness đối với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Việt Nam…

Sứ mệnh của các NGO tại các quốc gia phát triển (còn gọi là NGO phương Bắc) không chỉ là cung cấp viện trợ và “cần câu” cho các NGO ở các quốc gia đang và kém phát triển (còn gọi là NGO phương Nam), mà luôn cần được ưu tiên về hoạt động truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm về công tác tổ chức, đào tạo và thực hiện dự án, đặc biệt là kinh nghiệm làm thế nào để tạo tác động có hiệu quả đối với các chính sách bất hợp lý, bất công của chính quyền sở tại, nhằm cuối cùng điều chỉnh hoặc xóa bỏ những chính sách đó để bảo vệ quyền lợi người dân và các đối tượng dân chúng chịu rủi ro, mang lại công bằng hơn cho xã hội.

Con số 15-20 tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam là không thể so sánh với 2 triệu NGO đăng ký hoạt động tự do ở Hoa Kỳ. Những gì mà tiền đề xã hội dân sự ở Việt Nam đang biểu hiện cũng trở nên quá ít ỏi so với các xã hội dân sự trưởng thành ở Bắc Âu. Đó chính là lý do mà một xã hội dân sự tương lai của Việt Nam cần dựa vào kinh nghiệm và đường lối của các mạng lưới xã hội dân sự phát triển trên thế giới, nhằm mục tiêu tự xác lập thái độ và cách thức hành xử hợp lý đối với các chế độ chính trị ở Việt Nam – hiện hữu và trong nhiều năm tới.

Từ nhu cầu cấp thiết trên, tham luận này xin nêu ra một đề nghị ban đầu với các NGO quốc tế – những người có mặt trong phòng họp ngày hôm nay và những NGO đang muốn tìm kiếm một nối kết nhiệt thành và hiệu quả với xã hội dân sự ở Việt Nam. Theo đó, cần thành lập mạng lưới NGO quốc tế và NGO Việt Nam. Mạng lưới này nhằm tiến hành một số hoạt động như :

- Tổ chức nghiên cứu các dự án xã hội, thể chế. Trước mắt cần tổ chức nghiên cứu đề tài về xã hội dân sự ở Việt Nam để chuẩn bị cho tương lai.

- Tổ chức truyền thông : đào tạo người viết và cách thức làm báo.

- Can thiệp, tác động các vấn đề về nhân quyền. Trước mắt, cần can thiệp, tác động về chủ đề đất đai, môi trường, nghiệp đoàn lao động, cải thiện chế độ lao tù. Cần thí điểm một số trường hợp cụ thể tại một số địa phương.

- Tổ chức đào tạo diễn giả, thông tín viên để chuyển tải thông tin từ trong nước ra quốc tế.

Về lâu dài, xã hội dân sự và các mạng lưới các NGO ở Việt Nam cần xây dựng một chiến lược mang tính thống nhất về phương châm, mục tiêu, tổ chức, lĩnh vực hoạt động, khu vực hoạt động để hoàn thiện vai trò của mình.

Kết


Hãy hành động, hành động và hành động ! Vì dân sinh, dân quyền, dân chủ và dân trí ! Thay đổi của xã hội cũng là hệ quả cho phản biện và cơ hội cho dân chủ cùng xã hội dân sự ở Việt Nam.

Phải thay đổi về não trạng của chính quyền và nhận thức của người dân để có thể cống hiến cho xã hội nhiều hơn nữa. Phong trào dân sự và những điều kiện cho một xã hội dân sự ở Việt Nam đang nằm trong xu thế và lộ trình khởi động trong 3-4 năm tới. Và nếu được tổ chức tốt, xã hội dân sự hoàn toàn có thể góp sức cho xã hội về những triển vọng lạc quan trong tương lai dài hạn của dân tộc.

Phạm Chí Dũng

Các thao tác trên Tài liệu

Chia tay với SGTT - Nhắc lại một kỷ niệm đẹp


Hoàng Ngọc Diệp (*)


Vào các năm 1995 đến 1998, tôi đã chọn SGTT làm kênh quảng cáo chính cho các sản phẩm mà các công ty tôi làm giám đốc hoặc giám đốc marketing, những sản phẩm như HP, Motorola, Samsung, Swatch, Nokia, Siemens, v.v… Không những SGTT là kênh quảng cáo chính mà đây cũng là một kênh báo chí tôi chọn làm nơi đưa ra hàng loạt những quan điểm, đánh giá và phản biện, vì SGTT, nhất là đội ngũ phóng viên, nhà báo, luôn sẵn sàng chịu "rủi ro" nếu những thông tin đưa ra là hợp lý, minh bạch và đầy đủ. Ngay cả đối với những vấn đề hay sự kiện có thể rất "nhạy cảm".
Dưới đây là một trong những sự kiện "nhạy cảm" đã làm cho ban biên tập và phóng viên bị Thành Uỷ kiểm điểm mà tôi đã vô tình dự phần từ đầu và sau đó phải cố tình tham gia để phần nào giúp giải quyết từ "phía sau lưng hậu trường". 
Viết về sự kiện này như là một lời ngợi khen ngắn gọn của tôi đối với các anh em đã làm việc cho SGTT và như là một lời chia tay với một tờ báo đang bị đóng cửa.
Vào giữa tháng 6/2008, Saigontel được cấp giấy phép đầu tư "Công Viên Phần Mềm Thủ Thiêm", dự án có quy mô: tổng vốn đầu tư trên 1,2 tỉ USD đầu tư cho diện tích 16 hecta; chủ dự án còn tuyên bố rằng: "Trong quá trình xây dựng, dự án này sẽ tạo cơ hội việc làm cho khoảng 40.000 công nhân. Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ duy trì thường xuyên lực lượng lao động bảo trì, phục vụ khoảng 70.000 người. Cũng theo tính toán của các chuyên gia thiết kế dự án trên, trung tâm phần mềm Thủ Thiêm đủ chỗ làm việc cho khoảng 49.000 người."
Với những con số khổng lồ này, tôi thấy ngay dự án này có vấn đề! Không phải chỉ một hoặc hai vấn đề mà nhiều vấn đề vô cùng phản khoa học.
Đối với cộng đồng ICT thì đây quả thật là một siêu dự án có quá nhiều hứa hẹn, vì vậy, nhóm phóng viên ICT tại TP có giao lưu với tôi và tìm hiểu cách nhìn của tôi để tham khảo thêm từ nhiều góc độ khác nhau, cuộc giao lưu thân mật này được thực hiện vào đầu tháng 7/2008 trên sân thượng tầng 5 tại KS Rex (ngoài trời để anh em hút thuốc).
Trong cuộc giao lưu, tôi phân tích rõ về các góc độ sau:
1. Tính hiệu quả kinh tế của dự án: Với 1.2 tỷ USD chỉ cho 16ha đất sử dụng, tính đổ đồng là 7.500 USD/m2 hoặc ~1.000 USD/m2 cho cây xanh và đường sá + ~17.000 USD/m2 cho phần các loại toà nhà. Với con số đơn giản này thôi thì việc thu hồi vốn trong vòn 10 năm là bất khả. Từ đó, không thể có chuyện đầu tư để có hiệu quả kinh tế được. Và nhóm đối tác từ Đài Loan lại vô cùng kinh nghiệm trong kinh doanh bất động sản cho nên rất có vấn đề.
2. Tính thực tế của các doanh nghiệp phần mềm: Gia tài quan trọng nhất của các DN phần mềm là chuyên viên phần mềm, ngay cả ở Silicon Valley, các DN luôn tạo mọi cách để giữ cách biệt chuyên viên của họ đối với mọi DN khác nhằm tránh bị đối thủ dụ dỗ bỏ DN đi nơi khác. Bên cạnh, việc bảo mật về thông tin sản phẩm, thông tin khách hàng, v.v… là những bảo mật hàng đầu. Cho nên không một DN phần mềm nào chọn chung chạ với các DN đối thủ cả. Lý do để DN phần mềm vào khu Quang Trung chỉ là vì lúc đó công viên phần mềm Quang Trung có hạ tầng truyền dẫn tốt, rẻ, và những ưu đãi cho DN vào đó rất lớn so với ở bên ngoài. Nhưng sau 2005 thì thực tế lại khác, những DN này tuy vẫn giữ trụ sở ở trong đó, nhưng những nhóm chuyên viên phần mềm chính của họ được ngấm ngầm đưa ra ngoài để hoạt động. Vì vậy, dự án "Công Viên Phần Mềm Thủ Thiêm" chỉ là tên gọi chứ định hướng kinh doanh không thể nào như họ tưởng tượng. 
3. Thực tế về nhu cầu phát triển ICT tại Việt Nam: Sự rời rạc trong phương pháp phân cấp chủ quyền những dự án IT xương sống của nhà nước hoàn toàn phản khoa học trong góc độ quản trị cũng như trong góc độ triển khai các giải pháp, nhất định sẽ dẫn tới tình trạng thiếu tập trung, lãng phí và trì trệ. Từ đó, việc nhu cầu chuyên viên phần mềm cho lĩnh vực ICT của cả nước sẽ rất nhỏ, chưa bàn đến chuyện có 49.000 người thường xuyên làm việc tại dự án này!
Đó là những tóm tắt ngắn gọn của 1 buổi giao lưu kéo dài hơn 3 giờ trao đổi liên tục giữa phóng viên các báo và cá nhân tôi.
Sau đó hai tuần, vào ngày 21/7/2008, báo SGTT đưa lên một bài báo với tựa đề "Trung tâm phần mềm Thủ Thiêm - 90% là diện tích văn phòng và thương mại" với kết luận:
"Như vậy doanh số, bài toán nguồn nhân lực của trung tâm này đều có ít nhiều hoài nghi tính khả thi của nó. Do đó không ít các doanh nghiệp phần mềm đang ngờ rằng, dự án trung tâm phần mềm Thủ Thiêm cũng là một dự án bất động sản đơn thuần như bao dự án mà SaigonTel đang tham gia. “Để thuận tiện trong việc xin giấy phép, họ lựa chọn “chiêu bài” tập trung vào những lĩnh vực mà TP.HCM đang hướng đến như công nghệ cao, công nghệ phần mềm… Đến khi xây dựng xong, cho ai thuê mà chẳng được. Đâu có quy định chế tài nào không cho các đối tượng khác vào trung tâm phần mềm thuê chỗ đâu”, ông Hoàng Ngọc Diệp, cố vấn cao cấp của tập đoàn Foxconn tại Việt Nam thẳng thắn nhận xét."
Câu chuyện nếu tới đây dừng thì chẳng có gì để bàn luận xôn xao cả. Tuy nhiên, sự việc đã không đơn giản như vậy!
Hai tuần sau, ban biên tập và phóng viên viết bài này nhận một cái công văn từ văn phòng Thành Uỷ lệnh điều tra, báo cáo và kiểm điểm vì viết bài báo này!
3 tuần sau nữa, công ty Foxconn nhận công văn từ UBND TP yêu cầu Foxconn giải trình tại sao tôi, cố vấn cao cấp của Foxconn, lại dám đưa ra những nhận định "tiêu cực" về một "siêu dự án" của TP mà chính Thành Uỷ duyệt và đỡ đầu. Bức công văn này có c.c. đến văn phòng Thành Uỷ. 
Với tư cách một nhà đầu tư đã bỏ ra gần 2 tỷ USD và chuẩn bị bỏ thêm 3 tỷ USD nữa tại VN, Foxconn bắt buộc phải trả lời công văn này. Và với tư cách cố vấn cao cấp của Foxconn, tôi cũng đã phải tham gia "giải trình" theo yêu cầu của công văn này. Tôi đã đề nghị và cùng Foxconn giải quyết như sau:
– Foxconn gửi 1 công văn đến UBND TP khẳng định rằng: Foxconn không hề có liên quan gì đến sự việc này cả. Cố vấn của họ (là cá nhân tôi) hoàn toàn độc lập trong những hoạt động và nhận định của tôi, và Foxconn chỉ chịu trách nhiệm giải trình những gì họ thực hiện cho dù theo sự cố vấn của tôi hay không. Tuy nhiên, để giữ quan hệ tốt với chính quyền địa phương, Foxconn đã đền nghị cố vấn của họ trực tiếp giải trình.
– Phần tôi, tôi viết một bức thư giải trình mọi sự việc, cách nhận xét và đánh giá độc lập của tôi đến UBDN TP, trong bức thư này, tôi có đưa ra thêm ba phần:
1. Tôi sẵn sàng đối chất với bất kỳ tổ chức, bất kỳ nhóm chuyên gia nào của nhà nước hoặc của nhà đầu tư để bảo lưu quan điểm của tôi.
2. Tôi đồng gửi bức thư này đến Văn phòng TƯ đảng, Thủ Tướng CP, Chủ Tịch QH và tất nhiên Thành Uỷ TP.
3. Tôi cho biết rằng vì đây là quan điểm của tôi mà phóng viên viết lại, cho nên nếu BBT và phóng viên của SGTT có bị kỷ luật vì bài báo thì cá nhân tôi sẽ chính thức kiện tổ chức quyết định kỷ luật họ.
Sau 2 tháng kể từ khi Foxconn và tôi gửi phúc đáp, mọi chuyện nhẹ lại và dừng.
Ban biên Tập SGTT và phóng viên bị cảnh cáo nhẹ, phóng viên bị "đì" nhè nhẹ trong vòng hơn 1 năm.
Sau hơn 4 năm treo và vẽ vời, đầu năm 2013, dự án này chính thức bị rút giấy phép vì bị xem như là "chiếc bánh vẽ" to đùng của nhà đầu tư! 
Tại sao hệ thống nhà nước yếu kém đến mức không nhận ra đây là chiếc bánh vẽ từ đầu?
Tại sao lại đi kiểm tra, kiểm điểm, khiển trách một tờ báo viết một bài báo nhận định về nó mà không chịu đánh giá nghiêm túc về phản ánh và phản biện của bài báo?
Tại sao phải mất hơn 4 năm nhà nước mới chịu công nhận đây là chiếc "bánh vẽ"?
Và có một điều nằm ngoài mọi câu hỏi trên:
Sự thẳng thắn và sẵn sàng chịu rủi ro để đưa một bài báo cảnh tỉnh của báo SGTT, sự sẵn sàng chịu sức ép quái dị của nhà cầm quyền mà chính phóng viên đã biết trước là có thể sẽ phải gánh chịu… chính là giá trị của báo SGTT mà từ đầu tôi đã nhận biết.
Chúc SGTT có cơ hội tiếp tục, nếu không, chúc những người bạn đã cũng như đang làm việc cho SGTT tiếp tục có cơ hội đóng góp cho VN. Không như những tờ báo lá cải và tuân phục một chiều!

(*) Thạc sĩ Hoàng Ngọc Diệp, người đã từng ở vị trí Trưởng đại diện của Qualcom Việt Nam ngay từ khi công ty này mở văn phòng ở Việt Nam. Ông cũng là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho công nghiệp phát triển ứng dụng ĐTDĐ tại Việt Nam, cụ thể  là nhà mạng S-Fone với Dự án “Mùa hè sáng tạo”.  Bài viết “Chia tay với SGTT- Nhắc lại một kỷ niệm đẹp” được ghi từ ký ức của gần 20 năm trước. Đó là thời điểm ông vừa nghỉ làm Senior Director của Qualcomm vài tháng, và đang làm Cố vấn cao cấp cho Foxconn tại VN. Foxconn là một công ty của Đài Loan chuyên sản xuất sản phẩm cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Apple (kể cả iPhone), HP, Cisco, v.v…,  lúc đó Foxconn vừa đầu tư xong nhà máy lắp rắp tại Bắc Ninh và đang đầu tư  một nhà máy khác tại Bắc Giang. Ông chủ yếu làm cố vấn chiến lược về phát triển thị trường và đầu tư kinh doanh khác tại VN cho họ.
Diễn Đàn trân trọng cảm ơn tác giả đã cho phép đăng lại bài viết về một chuyện "cũ" nhưng vẫn rất còn tính thời sự này.

Mong ước đầu xuân -
còn một lần nữa không ? 




Nguyễn Tường Bách




Năm 1986 là một năm đáng nhớ trong đời tôi. Một ngày nọ trong mùa thu 1986 bọn chúng tôi sáu người được Hội Người Việt Nam tại Đức cử về nước để “điều trần” về tình hình thế giới, góp ý với Đại hội Đảng lần VI.


Đó là thời điểm mà các nước theo chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu bắt đầu có những dấu hiệu thay đổi. Tại Ba Lan tháng 9-1980 công đoàn Đoàn kết thành hình và ngày càng phát huy ảnh hưởng. Năm 1984 khắp nơi tại Ba Lan biểu tình lan rộng. Tại Hungary năm 1980 kinh tế thị trường bắt đầu được áp dụng, năm 1982 họ gia nhập Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Tại Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức từ giữa những năm 1980, đảng cầm quyền đã phải nhượng bộ thành phần đối lập. Cũng giữa những năm 1980 Mikhail Gorbachev ở Liên Xô thực hiện đổi mới Glasnost và Perestroika. Tháng 3-1985, Gorbachev tuyên bố mỗi nước trong khối Warsaw được quyền theo đường lối riêng. Từ đó học thuyết được mệnh danh Sinatra thay thế học thuyết Brezhnev, vốn được dựng lên từ năm 1968, sau khi Liên Xô đập tan mùa xuân Praha của Tiệp Khắc.

Những ai theo dõi thời cuộc đều hiểu là một khi Liên Xô tuyên bố đường ai nấy đi thì đó là dấu hiệu tan rã của khối Đông Âu.

Tôi chuẩn bị về Hà Nội và nhớ đến CHDC Đức của những năm qua. Đây là quốc gia hùng mạnh nhất của khối Đông Âu, có tiềm lực khá nhất về kỹ thuật và kinh tế so với các nước khác, kể cả với Liên Xô hồi đó. CHDC Đức tiếp giáp với Tây Đức, về mặt địa lý lại chứa cả Tây Berlin nằm lọt thỏm trong lòng nó, nên CHDC Đức chính là “tiền đồn” số 1 của phe xã hội chủ nghĩa. Chính vì lẽ đó mà Đông Đức càng cẩn mật hơn đối với mọi ảnh hưởng của phe Tây phương.

Tôi càng nhớ hơn những ấn tượng của mình tại Đông Đức trong năm 1970. Đó là năm mà bọn sinh viên trẻ chúng tôi, mà chỉ là người nước ngoài, người Đức không được tham dự, được đặc cách cho đi thăm CHDC Đức một ngày, buổi tối không được ở lại, phải trở về Tây Berlin. Chuyến xe buýt chạy trên những hành lang đã định sẵn từ Tây Đức đến Tây Berlin, xuyên qua địa phận Đông Đức, trên những xa lộ cách ly với phố xá làng mạc. Thỉnh thoảng xe dừng lại để sinh viên Tây Đức, với chút ngoại tệ “mạnh” ít ỏi trong túi, được mua cà phê thuốc lá trong các cửa hàng Intershop. Họ cần ngoại tệ mạnh và đó là lý do mà chúng tôi được đi thăm. Qua biên giới ngồi trên xe tôi thấy rõ công an Đông Đức dùng những chiếc gương lớn có bánh xe, đẩy vào gầm xe xem có công dân nào của họ trốn dưới đó không.

 Từ Tây Berlin chúng tôi đến Checkpoint Charlie, đó là cửa biên giới giữa hai phần của thành phố Đông Tây Berlin. Khách hồi hộp đi qua những hành lang hẹp, quanh co dưới cặp mắt dò xét của công an mật vụ Đông Đức. Mỗi khách phải đổi 20 mark, tiền Đông Đức, 1 ăn 1, nghe là để mua sắm, nhưng thực tế là trả tiền vào cửa với ngoại tệ mạnh.

Sau vài góc đường kể từ trạm kiểm soát, lạ thay có một thanh niên tìm tôi hỏi chuyện. Anh hỏi tôi có dư chiếc quần jean nào muốn bán lại cho anh. Tôi trố mắt lắc đầu. Anh lại đề nghị tôi cùng đi đến Intershop mua hàng với ngoại tệ mạnh, tiền anh đưa, công dân như anh không được mua hàng Intershop. Tôi cũng lắc đầu nốt. Vô cùng ngạc nhiên tôi tự hỏi, con người mới ở một xứ ưu việt nhất của khối Đông Âu mà như thế này ư.

Trong ngày hôm đó của năm 1970 tôi lại nhớ lại một kỷ niệm xưa. Trước đó chục năm, khoảng 1960, tôi chỉ là một đứa trẻ 12 tuổi sống trong thành thị miền Nam thời còn hòa bình. Ngày nọ tôi được theo người lớn ra bến sông Bến Hải, đến cầu Hiền Lương nhìn qua bờ Bắc. Vĩ tuyến 17 là đây, sông Hiền Lương nước chảy chầm chậm. Tôi bâng khuâng nhìn qua, bên kia là đồng bào của tôi hay sao. Xa xa ta thấy rõ trẻ con người lớn đi lại, có người đi xe đạp. Nhưng đập vào mắt tôi là một hàng chữ thật to, dành cho người nhìn từ bờ Nam “Hai miền, hai chế độ”. Dù là đứa trẻ, tôi biết ngạc nhiên thấy câu khẩu hiệu có vẻ “hiền”, không khiêu khích, không tuyên truyền như tôi tưởng.

Trên cao ở hai bờ là hai lá cờ, một vàng một đỏ. Lạ thay chiếc cờ vàng rủ xuống. Còn lá cờ đỏ bên kia, không rõ được làm bằng thứ vải gì mà trời ít gió vẫn bay phất phới. Điềm lành điềm dữ gì đây?
Chiếc cầu Hiền Lương khung sắt mặt gỗ chỉ là một chiếc cầu nhỏ như trăm vạn chiếc cầu trên quốc lộ 1, tôi nhìn và nghĩ đời mình sẽ không bao giờ đi trên cầu đó. Thế nhưng hồi đó vẫn có người qua lại, vì khi tôi vào văn phòng quân đội miền Nam đã có một người đội nón cối, miệng hút thuốc ngồi đó. Ông mang “bưu thiếp” từ bên kia qua, khuôn mặt bất động nhìn chúng tôi. Trong bọn chúng tôi có một đứa mũi hơi cao, da hơi sáng. Ông thốt lên “cháu này lai Mỹ”. Câu nói đầu tiên và duy nhất của ông đã trật lất.

Chục năm sau tại Đức tôi đang nếm mùi của “hai miền hai chế độ”. Nhưng hôm nay tôi được băng qua biên giới, đi thăm miền đất của con người mới xã hội chủ nghĩa. Ở đây chưa ai nhìn tôi khinh thị, ngược lại có kẻ chạy theo xin hỏi mua chiếc quần jean.

Suốt chục năm sau tôi không trở lại Đông Đức, nhưng vẫn nghe người dân ở đó vẫn tìm mọi cách vượt biên qua Tây Đức, bất kể hiểm nguy cho bản thân và hệ lụy cho người ở lại.

Thế mà chỉ hơn 15 năm sau kể từ lần viếng Đông Đức, tôi cùng phái đoàn ngồi máy bay về Hà Nội, sẽ gặp lãnh đạo Đảng và Nhà nước để “báo cáo về tình hình thế giới và phong trào”. “Báo cáo” ở đây phải gọi là “báo động” thì đúng hơn vì thông điệp của chúng tôi cho các vị lãnh đạo là hãy thay đổi, trên thế giới đang rục rịch thay đổi.

Trong một buổi sáng nắng hoe vàng như màu nắng thường thấy ở miền Bắc trong mùa thu, chúng tôi đến Văn phòng Trung ương Đảng, vào trong một gian phòng nghiêm trang, ngồi vào một chiếc bàn rất rộng. Người “làm việc” với chúng tôi không ai khác hơn là ông Nguyễn Văn Linh, người sắp trở thành Tổng bí thư. Các nhân vật khác cùng có mặt là các ông Đào Duy Tùng và Hoàng Bích Sơn. Các vị lắng nghe chúng tôi một cách nghiêm túc. Tôi bất ngờ cảm nhận lòng cởi mở thân tình của các vị quan chức cấp cao nhất. Họ để cho chúng tôi nói hết, không tỏ chút gì khó chịu khi nghe nói đến khuyết tật cố hữu của một nền kinh tế kế hoạch.

Ngồi đây tại Hà Nội tôi không khỏi nhớ lại đời mình. Từ một đứa trẻ đứng ngẩn ngơ bên cầu Hiền Lương và nghĩ đời mình sẽ không bao giờ qua bờ Bắc, tôi đã đi một vòng lớn của cuộc đời. Số phận cho tôi đến học tập ở Đức, cũng một nơi được gọi là “hai miền hai chế độ” như nước mình. Rồi tôi cũng từng băng hàng rào sắt qua bên đó và chứng kiến chớp nhoáng cách làm ăn cò con của thời bao cấp. Nay tôi lại ngồi đây, trong một quê hương thống nhất, tại trung tâm quyền lực của cả nước và “làm việc” với những lãnh đạo cấp cao nhất.

Thế nhưng nói thật lòng, ngay hồi đó tôi đã không có chút ảo tưởng nào. Làm sao mà các vị đó tin nghe mình, chấp nhận kiến nghị của dăm ba Việt kiều non nớt và đáng ngờ được. Những người mà họ tin nghe phải là những người khác mà chúng tôi không bao giờ gặp. Tiếng nói của chúng tôi chỉ điểm trang cho vui trong một hoàn cảnh cần chút màu sắc khác lạ.

Sau đó, Đại hội VI diễn ra trong tháng 12-1986 với nhiều thay đổi thực. Lãnh đạo Việt Nam từ bỏ con đường bao cấp, chấp nhận nhiều thành phần kinh tế và mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Đây là một công cuộc đổi mới vô cùng quyết liệt và mang lại thành quả to lớn.

Tháng 11-1989, một biến cố long trời xảy ra tại Đức. Bức tường Berlin sụp đổ. Tôi ngồi xem hàng đoàn người hân hoan đi qua Checkpoint Charlie, nơi mà gần 20 năm trước chúng tôi phải chầm chậm đi về trong ngày, giữa những con mắt xoi mói. Tôi sởn da gà khi nhớ rằng, lịch sử ngàn năm sẽ nhớ lại cảnh này, cảnh một dân tộc thống nhất không cần tốn một viên đạn.

Hè năm 2012, chúng tôi trở về Checkpoint Charlie. Đường Friedrich không còn chập chùng đồn bót, nay rộng rãi thông suốt. Gần đó là một quán ăn Việt Nam đông khách, phục vụ trẻ măng. Đồng bào tôi đây, không hề ít tại nước Đức kỳ lạ này. Xung quanh trạm biên giới cũ, ta còn thấy hình ảnh xưa, nền móng cũ, ngày đó nơi đây một thuở... Quanh tôi là khách du lịch còn trẻ, người nước ngoài khá nhiều. Họ có biết chăng có người cảm khái nhớ đời mình và vận nước non của 40 năm qua.

Tại Đức thì sau 24 năm thống nhất, nước Đức đã đưa Đông Đức lên ngang tầm phát triển của phía Tây, đó là tin vui của họ trong mùa thu năm 2013. Hiện tượng người bỏ sang Tây để kiếm việc đã chấm dứt. Người Đức cũng không phải thánh thiện gì, chính trị gia của họ cũng đầy khuyết tật, cũng ôm ấp những cơ đồ riêng tư và ích kỷ. Nhưng điểm ưu việt của Đức là họ quyết lòng theo một xã hội pháp trị, tất cả phải được điều hành bằng luật pháp. Việc cựu tổng thống của họ hiện nay phải hầu tòa vì tội lạm dụng quyền thế về một số tiền chưa đầy 1.000 đô la Mỹ, cho thấy luật pháp của Đức triệt để như thế nào.

Kể từ đầu những năm 1990 tôi không còn gặp quan chức cấp cao, thật lòng tôi cũng không muốn. Nhưng cấp thấp thì nhiều. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp gỡ chuyện trò với họ, thậm chí chơi thể thao chung. Thỉnh thoảng khơi chuyện “bao cấp” ngày xưa thì y như rằng, ai cũng có chuyện để kể, từ anh lái xe đến ông thủ trưởng. Sức sống dân tộc to lớn thay. Thực vậy, chỉ bỏ ngăn sống cấm chợ và cho nước ngoài đầu tư mà nước ta đã tiến triển một cách ngoạn mục từ năm 1986 đến nay.

Nhưng tiến trình của xã hội luôn luôn thay đổi và đòi hỏi phải có sự đổi mới.

Năm 1986 Việt Nam đã từng có một cuộc đổi thay quyết liệt.

Có còn một lần nữa không ?

NGUYỄN TƯỜNG BÁCH

Sách Xuất Hành

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tanakh
Cựu Ước
Aleppo Codex Joshua 1 1.jpg
Chủ đề Do Thái giáo
Chủ đề Kitô giáo
Sách Xuất hành hay Xuất Ê-díp-tô là quyển sách thứ hai trong Cựu Ước kể lại cuộc ra khỏi Ai Cập (Ê-díp-tô) của dân Israel. Các tín đồ Ki-tô giáo cho rằng đây là một kinh nghiệm về quyền năng giải phóng của Thiên ChúaGiao ước Sinai như một kinh nghiệm cộng đồng về sự gặp gỡ Thiên Chúa.

Tên gọi

Từ "Xuất hành" trong tiếng Việt được Công giáo Rôma dịch từ tiếng Hy Lạp Ἔξοδος, Exodos, nghĩa là "ra đi"; Tin Lành dịch phiên âm là "Xuất Ê-díp-tô", nghĩa là "Rời khỏi Ai Cập".

Tóm tắt

Cuộc sống của Israel ở Ai Cập

Vượt Biển Đỏ, tranh của Nicholas Poussin
Khi người Do Thái (Híp-ri) làm nô lệ ở Ai Cập, sự lớn mạnh về quân số của họ khiến cho Pharaoh lo ngại, ông ra sắc lệnh giết chết tất cả trẻ sơ sinh Do Thái rồi vứt xuống sông Nile. Một người phụ nữ Do Thái thuộc dòng Lê-vi, vì không muốn mất đứa con vừa mới sinh, bà ấy đặt đứa trẻ vào nôi rồi giấu vào bụi sậy bờ sông Nile. Vô tình, công chúa Ai Cập phát hiện chiếc nôi và đem đứa trẻ về nuôi và đặt tên là Moses (Môi-sê). Moses, về chính danh là hoàng tử Ai Cập, nhưng ông luôn ý thức nguồn gốc của mình. Một lần, ông thấy một người Ai Cập đang đánh một người Do Thái, ông liền giết người Ai Cập, rồi vùi dưới cát. Sự việc vỡ lẽ khiến Pharaoh ra lệnh giết ông. Ông trốn khỏi cung điện vào Midian (Ma-đi-an).

Ông Moses được chọn

"Bấy giờ ông Moses đang chăn chiên cho cha vợ là Jethro (Gít-rô), tư tế Ma-đi-an. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khô-rếp. Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Moses nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tự bảo: "Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?" Đức Chúa thấy ông lại xem, thì từ giữa bụi cây Thiên Chúa gọi ông: "Moses! Moses!" Ông thưa: "Dạ, tôi đây!" Người phán: "Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là Đất Thánh." Người lại phán: "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham (Áp-ra-ham), Thiên Chúa của Isaac (I-xa-ác), Thiên Chúa của Jacob (Gia-cóp)." Ông Moses che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa" (Xuất hành 3:1-6).

Yêu sách đòi tự do

Thiên Chúa đặt Moses làm thủ lãnh Israel, để đưa dân tộc này ra khỏi Ai Cập, vào Đất Hứa. Trong những lần tiếp kiến Pharaoh đòi tự do, ông đều bị Pharaoh bác bỏ. Thiên Chúa trừng phạt người Ai Cập bằng nhiều tai ương mà đỉnh điểm là việc giết tất cả các con trai đầu lòng mới sinh. Pharaoh buộc phải đồng ý cho Israel ra đi.

Cuộc Vượt qua và Xuất hành

Đêm diễn ra tai ương cuối cùng, tất cả con đầu lòng mới sinh của người Ai Cập, từ con vua đến con dân thường đều bị giết chết. Theo chỉ dẫn của Thiên Chúa, Israel không bị thiệt hại gì và họ gọi đó là "vượt qua". Israel, gồm 600.000 người kể cả phụ nữ và trẻ em ra đi với tất cả hành lý, chiên, bò...
Hiện tại nhìn lại, nhiều điểm nghi ngờ lẫn giả thuyết xuất hiện từ đây. Khi Israel vượt qua Sinai, hệ sinh thái sa mạc của bán đảo Sinai có thể không cung cấp đủ thức ăn và nước uống để duy trì sự sống cho một lượng người lớn như thế. Thật vậy, dân số hiện nay của Sinai ước lượng chỉ khoảng hơn 38.000.
Pharaoh cho quân đội đuổi theo Irael đến tận Biển Đỏ. Israel đi giữa lòng biển khô ráo. Khi Israel đã đi được qua bờ bên kia thì quân đội Ai Cập vẫn đang đi giữa lòng biển.
Kinh Thánh ghi lại rằng: "Ông Moses giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai Cập đang chạy trốn thì gặp nước biển, Đức Chúa xô ngã quân Ai Cập giữa lòng biển. Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pharaoh đã theo dân Israel vào lòng biển. Không một tên nào sống sót." (Xuất hành 14:27-28). Thế nhưng, ngày nay, người ta đặt giả thuyết có một cuộc thủy triều lớn xảy ra vào thời ấy.

Hành trình tại Sinai

Israel tiếp tục hành trình của mình, nhưng ngay lập tức, họ bắt đầu kêu ca về các khó khăn gian khổ, không thức ăn, nước uống. Thiên Chúa ban cho họ một thứ bánh để ăn, họ gọi là "Manna" và nước uống chảy từ hòn đá của Meribah.
Thuật ngữ "núi của Thiên Chúa" xuất hiện nhiều từ các chương này và là vấn đề gây tranh cãi. Người ta cho rằng, núi này có hai tên gọi: Horeb và Sinai. Các học giả không đồng ý về việc liệu trong thực tế có hai ngọn núi hay không? vì nó chẳng tương quan đến địa lý hiện đại.

Giao ước

Irael đến chân "núi của Đức Chúa". Thiên Chúa và họ lập một giao ước: Thiên Chúa sẽ bảo trợ trên dân tộc họ, và họ sẽ là dân riêng của Thiên Chúa, phải phụng thờ Người thông qua Mười điều răn.
Cùng với Mười điều răn của Chúa, sách Xuất hành còn ghi một số luật về phụng tự. Nhưng ngay sau đó dân đã vi phạm giao ước, đúc bò vàng mà thờ theo kiểu dân Canaan. Nhờ ông Mô-sê cầu khẩn, Chúa đã tha thứ và ban lại Luật Giao ước cho ông Mô-sê.