Monday, July 6, 2020

Trình duyệt của bạn bị hư hỏng nặng do 4 virus !
Có lần một ng quen mang iPhone 7 đến cho biết : trên máy xuất hiện thông tin sau , xem hình . Xem qua , tôi nghĩ rằng đây có thể là trò mèo của các cty (bán phần mềm chống virus) hù dọa mình để mua sản phẩm của họ . Vì theo tôi biết , virus thường vô máy âm thầm , khi ta biết đã quá muộn .
Tuy nhiên tôi khuyên cô này đến cửa hàng Apple ở Valley Fair Mall để hỏi họ . Ở đây họ xem xét rất kỷ và cho biết , máy vô sự , cứ an tâm mà xài .
Thế là tôi cũng vui vì đã "chẩn đoán" đúng bịnh .
Tôi dặn cô này , chỉ vào các website có chữ https hay có ổ khóa đứng đầu .Nếu xem clip thì chỉ coi Youtube . . .
Tôi nghĩ bảo mật (security) của hệ điều hành iOS của Apple tốt hơn Android của Google nhiều nên ng dùng có thể an tâm hơn .





TOÁN CHIÊU HỒI .
Ngày đầu xuân 1969. Bầu không khí sẵn sàng tác chiến trong những ngày Tết qua đi và giờ đây giới quân sự đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Đơn vị tôi, Tiểu đoàn Phi Hổ Nùng đồn trú tại Trại CCN (Command & Control North) nằm sát cạnh núi Ngũ hành sơn, Đà Nẵng cùng phối hợp với một Đại đội biệt lập người Thượng. Được không vận đến phi trường Quảng Trị, để rồi tức tốc trên những chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ... được đẩy vào ngay trận địa. Tôi nghe thấy một người Mỹ sau lưng nói “Có lẽ đây là cuộc hành quân mở màn cho năm...”
Tiểu đoàn Phi hổ Nùng (Nung Haymaker Force) được thành lập tại CCN trong chương trình kế hoạch OP35 của Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt nam (MACV). Tất cả quân số được người Mỹ tuyển mộ... chỉ một nhiệm vụ duy nhất là Xung kích và dưới sự chỉ huy trực tiếp bởi những quân nhân Đặc Nhiệm Mỹ. (SOG)
Có gốc gác từ Trung hoa, người Nùng được người Pháp phát hiện và tin dùng rồi di cư xuống phương Nam... ồ ạt nhất là năm di cư 1954 và trở thành Dân tộc thiểu số sắc dân Nùng. Khởi đầu cho kế hoạch OP35 (Đặc trách đường mòn Hồ chí Minh) Người Nùng qua sự chọn lọc và giới thiệu của cán bộ thuộc NHA KỸ THUẬT... họ được ưu tiên tuyển mộ cho chương trình OP35 cùng những sắc dân thiều số khác như Mường, Mán, Thái,Thổ, Tày... Người Việt sau này mới được tuyển và tôi thuộc số đó.
Người Nùng có được dân tộc tính, tín ngưỡng riêng và nhất là tổ chức dân sự. Sự ưu ái của người Mỹ đối với họ bằng việc chấp nhận để lập một miếu thờ trong doanh trại được cho là quân sự hiện đại. Họ cử người cúng vái hằng ngày, lâu lâu tổ chức “lên Đồng”.
Đêm đầu tiên trong mục tiêu. Trung úy Sabatinelli nằm cạnh tôi bật dậy vì tiếng rít, gầm gừ như muốn hét lên tiếp theo là những bước chân vội vã và dưới ánh trăng nửa vành, tiếng sột soạt cùng bóng người căng kín bốn chiếc poncho che chắn và ánh lửa tỏa lên không trung kèm theo trong gió mùi nhang khói bay. Có vài người đang chắp tay sụp lạy. Không hỏi lấy một lời, Trung úy kéo tay tôi nằm xuống miệng lầm bầm “đồ điên...” Tín ngưỡng đã được tôn trọng đúng mức.
Nắng đã lên mở đầu cho một ngày mới. Trung sĩ John người truyền tin đứng dậy cùng đoàn di chuyển bỗng một tràng đạn chát chúa xóa tan bầu không khí và cái bóng cao lớn của John vật xuống với máu đẫm nơi ngực người chiến sĩ đầu tiên thiệt mạng mà trên gương mặt vẻ sững sờ và đôi mắt ấy mở như ngạc nhiên. Tiếng súng im bặt cùng sự yên lặng rợn người và dưới kia người ta vừa đưa lên hai cái xác địch quân. Đúng lúc này súng lại nổ và trận chiến bùng lên từ hai đầu... tiền và hậu quân bị tấn công. Rừng cây cao bóng cả thật chật chội cho trận địa nhất là tầm nhìn. Nhưng rất lợi cho ẩn núp. Thời gian trôi dần và sự lạnh lùng của rừng liền ập đến... địch đang xài chiến thuật bắn tỉa cầm chân. Lúc này tôi phải thay John mang máy truyền tin đi sau bốn người lính khiêng xác.
Hai chiếc F vừa bay ngang nhưng mất hút về hướng tây. Trung úy đi sau đang nhận lệnh gì trong máy cùng hơi thở thơm mùi kẹo cao su mơn man tôi nơi sau gáy. Trên kia, ngang tầm mắt chùm Phong Lan tạm gửi lay nhẹ cùng gió Xuân. Qua khoảng không gian hẹp trên cao nắng chói lọi chiếu vàng rực rỡ và có cụm mây vừa trôi nhanh. Trời im gió, tỏa mùi ngai ngái của rừng theo đoàn quân lầm lũi. Người lính Nùng mang “Thần hoàng” hành quân bỗng nhiên trượt chân ngã trước tôi vài người, miệng nói gì gì đó tiếng Nùng tôi chả hiểu. Có những ánh mắt nhốn nháo nhanh chóng trao nhau. Trung đội trưởng Biệt kích Tsan phảnh Lầm vội vã báo cáo... Tôi dịch ngay cho Trung úy “Có điềm rất xấu cho đoàn quân...” Tất cả sự việc không qua khỏi mắt Trung úy, ông điềm đạm qua cái nhún vai tay vỗ trên cây súng và cộc lốc ra lệnh “move” quanh những nét mặt thoáng không hài lòng và những cái đầu cui cúi bộc lộ chán nản. Trung úy vẫn miệng nhai kẹo cao su và tôi đang phân vân về tín ngưỡng của họ. Tiếng gọi trong máy và lệnh cơm trưa. Cây cổ thụ mé trái lũ Khỉ chả lấy gì làm sợ vẫn thi nhau chuyền cành.
Tiếng hét trấn áp từ cuối đoàn quân tan ngay bầu khí... súng nồ dòn tan. Trung úy mỉm cười và mọi người đều biết rằng... chiến thuật bắt tù binh đang được thực hiện. Lúc này súng nổ dầy hơn còn có nghĩa Tiểu đội tiếp ứng đã quay trở lại nơi phục kích. Khi hậu quân bị bắn tỉa và Bộ chỉ huy tin rằng có địch đeo bám nên âm thầm phục kích. Thời gian cơm trưa chỉ là kế hoạch chờ đợi. Rừng lại yên như không gì xảy ra và lệnh di chuyển. Người ta đỡ vất vả hơn khi làm xong cái cáng cho xác John. Qua tàng cây tầm nhìn dưới lũng bầu trời mây đen về hướng Đông. Lệnh dừng quân theo sau chốc lát đã có tiếng mìn nổ ở phía trước và sau đoàn quân cùng câu lệnh từ Trung úy “sẵn sàng cho triệt xuất” đồng nghĩa với việc người ta đang dùng mìn phá cây để tạo bãi đáp.
Bốn trực thăng võ trang và bốn CH-47 của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang có mặt trên bầu trời. Đơn vị hậu quân là Đại Đội người Thượng, đã có tiếng trực thăng UH vừa lên khởi đầu cho không vận... Thời gian bay thật ngắn đổ đoàn quân xuống ngọn đồi trống gần bên... cứ như cuộc thực tập và từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tiểu đoàn hành quân rời khỏi mục tiêu ngay trong buổi chiều mà vẫn dư thời giờ tổ chức bố phòng. Cơn gió núi ập tới lay động những luống trồng khoai sọ và mạnh hơn trên giàn Su Su sai trái điểm bên dưới những cây ớt hiểm chín mọng xinh xắn. Bóng đêm ập đến để rồi ba ngày sau Tiểu Đoàn mới được bốc về với lý do thời tiết!
Văn phòng Tiểu Đoàn Phi Hổ Nùng sáng nay nhộn nhịp khác thường và không có tập họp buổi sáng như thường lệ. Ba chiếc GMC sẵn sàng đưa số người trên nó ra đi.... Những người lính Biệt Kích bị giải thể hôm nay với lý do rất lịch sự “thặng dư quân số” theo sự cải tổ trong đơn vị. Đổi mới luôn là yếu tố cần thiết quyết định thành quả của đơn vị đặc nhiệm này. Trung úy Saba tinelli vào phòng như một cơn lốc. Sự nhanh nhẹn cố hữu của ông luôn là sự nhạy bén. Đêm qua tại câu lạc bộ ông đã giải thích cho tôi về việc đổi mới của ngày hôm nay. Nhìn chung, quân đội Mỹ tại Việt Nam đang thay đổi chiến thuật tác chiến của họ. “Lùng và diệt” dựa vào hỏa lực ưu việt đã đến hồi cũ mèm! Thậm chí còn bị đánh giá là thất bại. Ý chí vẫn là yếu tố quyết định. Trên sân, người đi kẻ ở bên nhau trong trang phục dễ nhận nhưng bùi ngùi khoé mắt. Tự thâm tâm trước cảnh nhìn, lòng tôi dâng lên một niềm thương cảm chia ly bất chợt.
Trung úy Sabatinelli đã nhận một nhiệm vụ mới... Toán trưởng Toán Chiêu Hồi (Earth Angel) là thông dịch cho ông dĩ nhiên tôi phải theo. Người ta đã gửi đến Trại (CCN) hai Toán Chiêu Hồi (lại một sự thay đổi trong chiến thuật). Những người lính Bắc Việt Cộng Sản bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh hoặc ra hồi chánh... được người Mỹ tuyển mộ và huấn luyện chỉ để làm một công tác điệp vụ.
Bước vào phòng Toán, chúng tôi niềm nở bắt tay từng người khi họ đứng một hàng chào. Sáu thành viên trong Toán được giới thiệu, và thế là dưới nụ cười tươi tắn, nước da ngăm ngăm của người Mỹ gốc Ý, Trung úy đưa tay mời “chúng ta sẽ ăn mừng trên Câu Lạc Bộ...”
Ngang qua một ngôi trường rực mầu phượng đỏ. Bên cạnh quán cà-phê vừa nghe câu hát “Ra phố hôm nay thấy buồn lên mắt...” hòa cùng tiếng ve như gợi buồn thôi thúc. Sau năm ngày nghỉ phép, nay trở về Trại. Đến phòng, người gặp đầu tiên vừa bước ra từ phòng Toán là Trung úy, ông nhìn tôi nở ngay nụ cười và nhanh nhẩu “Có việc bận, hẹn tí nữa” theo cùng cái vẫy tay ra sau. Tiếng nói cười trong phòng khi chân tôi bước vào theo cùng tiếng “a.” mừng chào.
Thành viên của Toán chỉ mới được kết hợp khoảng tháng nay và đã cùng nhau ôn tập chiến thuật tác chiến, học thêm kỹ năng mưu sinh, thoát hiểm, v.v. Công tác và huấn luyện là nhiệm vụ của một Biệt Kích quân. Từ những nơi xa lạ hợp thành và cùng nhau chơi trò chơi “Biệt kích...” tạm gọi như vậy đi! Nhưng điều chắc trước kia... họ là người bên phía địch. Còn tôi và cả Trung úy nữa chỉ là nhiệm vụ. Nhiều đêm suy nghĩ sự kết hợp này có được như mong muốn hay không? Câu trả lời vẫn là còn ở phía trước! Điều này tôi cố tìm hiểu nơi Trung úy nhưng không một dấu hiệu gì để phân vân, e ngại. Chỉ có điều thấy ông chỉ huy với một sự quá vui vẻ, hòa đồng phóng khoáng đôi khi còn tỏ vẻ chiều chuộng. Tôi đã có những đêm nhiều e ngại nghĩ suy bởi những tâm sự thường bị gẫy vụn để rồi chưa thoát ra được cái rào cản... ý thức. Những người tù binh hoặc hồi chánh kia nhiều lúc đưa ra những nhận định làm tôi sững sờ nhưng họ luôn theo sau là nụ cười giả lả. Thật khó đoán và như bị ai... cù léc. Theo sau có cái lạnh nơi gáy.
Thời gian, tạo cho tình người nảy nở. Sự thân thiện đến ngẫu nhiên và cuộc sống gần gũi nhau đã làm nên tình người xuất hiện dần dần có tác dụng quên đi và phai loãng... Nhất là đối với anh Tình, anh Cơ, người Quảng Bình. Cứ thấy gương mặt là tôi cảm mến. Bởi trong họ toát ra một cái gì rất hiền và chân thật. Trung úy xuất hiện cùng một cán bộ thuộc NHA KỸ THUẬT giới thiệu đây là thành viên mới của Toán... anh tên Cử và Trung úy xin tràng pháo tay mừng. Theo tiếng tay vỗ, sự kết hợp chóng vánh đầy tình Lính trong bầu khí mừng vui... cũng là lúc đến giờ cơm trưa.
Toán lên khu cấm chiều nay. Trung úy và anh Cử (người cán bộ thuộc Nha Kỹ Thuật) hẹn chúng tôi sau cơm chiều rồi họ lên TOC (Bộ chỉ huy hành quân chiến thuật) dự thuyết trình hành quân. Phòng bên cạnh, người ta đang dọn dẹp vì Toán người Thượng ấy bị “xóa sổ” êm ru qua hai ngày trong mục tiêu. Đó cũng là sự thường trong trại Biệt Kích này. Ngoài kia, thằng con nuôi của Trung tá Chỉ Huy Trưởng trại mếu máo khi xe đạp tuột xích và hai người lính ra phụ nó sau mấy cái nhéo vào tai thằng bé. Gió từ biển thổi hơi mát làm dịu đi cái nóng của cơn nắng. Có tiếng súng nổ nơi cuối dãy nhà... bình thường thôi... trong cái Trại Biệt Kích này đó có thể là đụng độ cá nhân hay buồn bắn một phát chơi hoặc vui nhắm bắn con thạch sùng trên trần nhà. Người Mỹ không mấy quan tâm đến súng đạn (sự thường) nên mặc nhiên cho phép tự do. Kỷ luật đáng sợ nhất và là duy nhất của sắc lính này là... “bị sa thải”.
Đã khuya Toán vào khu cấm và được đưa ra phi trường. Xe qua cầu, nhìn thành phố lung linh ánh đèn đẹp trong màn đêm. Một chiếc F gầm rú cất cánh thực hiện phi vụ đêm và xe chạy thẳng vào cửa sau của chiếc C-130 đang chong đèn đợi. Nó tức tốc đóng cửa và ra ngay phi đạo. Thầm nghĩ phi vụ này sang thật. Chỉ để chuyên chở mười người Toán tôi.
Một cái gì đó ào chụp áp lực đến đôi tai xe xé rồi lùng bùng thật khó chịu và trong bụng có vẻ nhẹ tâng, lòng thổn thức... biết ngay là phi cơ đang hạ cánh. Tiếng chạm đất theo cùng lực xoáy vào đôi tai bùng nghe ào ạt tiếng động cơ nhỏ dần nhỏ dần rồi dừng hẳn. Cửa sau máy bay đã được mở và một chiếc xe loại bít bùng đang de thẳng vào thật sát với khung cửa còn có nghĩa bí mật không cho bên ngoài thấy gì. Đi trước tôi, tướng thấp bé của anh Cử, Nha Kỹ Thuật, không cần phải khom lưng khi qua cửa xe.
Đến một nơi xa lạ đối với tôi kích thích sự tò mò tìm hiểu... nhưng hiện tại trên xe, ngoài cái chạy êm ru chỉ còn là thùng xe bịt kín. Nơi đến đã đến, cửa sau xe vừa mở, ngọn đèn trên cao chiếu rực sáng dõi bóng những con thiêu thân xuống một cái sân đúc xi-măng khá rộng nhìn vuông vắn mà quanh nó những dãy nhà tiếp nhau như cố ý được xây dựng để che chắn cái sân vuông, quay lại sau lưng là cánh cửa sắt rộng hai cánh và chính nó có tác dụng còn lại... bịt kín để người bên ngoài không thể nhìn thấy trong sân. Tôi hiểu ngay đây là khu vực cấm mang tính bí mật quân sự. Điều chắc chắn, bên ngoài kia hẳn là có đề biển “Cấm Chụp Hình” và chịu thôi, chưa biết đây là đâu?
Buổi thuyết trình sáng nay, Trung úy, anh Cử, James và tôi tham dự. Nhiệm vụ vẫn là thám sát khu vực, còn riêng James trách nhiệm đặt máy dò. Mật hiệu vẫn là Bright Light, tuy cũ nhưng vẫn còn xài tốt cho các bạn... lời của Thiếu tá chỉ huy hành quân kèm theo nụ cười thật hóm hỉnh kết thúc thuyết trình. Về trên hành lang gỗ quanh khắp khu nhà bao quanh sân. Mùi gạo nấu thơm lừng từ nhà bếp gợi thèm cùng tiếng cười nữ nhưng không thể thấy vì cửa của căn nhà được trổ ra phía trước ngoài kia. Về đến phòng, Trung úy ngay lập tức gọi tôi tụ tập anh em và công bố mục tiêu và nhiệm vụ. Thám sát khu vực Phong Nha (Bố Trạch) có những hang động hiểm trở... Nơi xuất phát của con đường 20 nổi tiếng thông với tỉnh Khâm Muội (Lào). Hai trung sĩ Mỹ mang tới những vật dụng hành quân cho năm ngày, nổi trội là vũ khí mười khẩu AK báng xếp và một thùng trang phục bộ đội Bắc Việt. Riêng James nhận thêm một khẩu 22 ly hãm thanh.
Trực thăng CH-53 đậu rũ cánh trong một hangar không mái. Một Trung tá tới bắt tay từng người khi chiếc bít bùng de sát vào hông cửa trực thăng để Toán lên tầu. Quả thật bằng cách đó... chả con mắt nào thấy gì được chuyển lên trực thăng. Nắng chiều đã tắt và trực thăng đang ra khoảng cất cánh. Nó vút lên và được tính toán để chạm đất cũng vừa lúc màn đêm ập đến. Tiếng êm êm của động cơ bay bỗng không khí trở lạnh, lạnh có thể run phải cưỡng lại và tôi biết rằng trực thăng đang bay ở độ cao nhất để tránh phòng không. Thời gian trôi mau và như trực thăng đang xuống bởi tiếng động cơ khác hẳn. Có những làn mây trắng như vập vào tầu và trời vẫn còn sáng. Lệnh chuẩn bị từ sĩ quan thả Toán và người phi hành mới vừa rời khỏi ghế riêng của anh ta. Trực thăng đang cú “để rơi” với tôi cảm giác sốn sang trong bụng còn có nghĩa đã đến bãi đáp. Bên ngoài, qua khung cửa hông ánh sáng nhạt nhòa xen mây trắng vụt bay. Lệnh chuẩn bị, sĩ quan thả Toán vừa bắt tay Trung úy và ra hiệu “tốt số 1” vào chúng tôi. Sự khác lạ bất chợt qua lại làn sóng âm giữa đôi tai cùng cái khoác tay “go” của Trung úy với cú đáp đất nhẹ nhàng so với khối hình to lớn, bệ vệ của trực thăng. Một con suối cạn nước mùa lởm chởm đá cuội dưới chân và trực thăng vụt bay tiếp theo sự yên tĩnh của rừng ập đến cùng bóng của đêm. Nhanh chóng di chuyển đang là sinh mạng của cả Toán và bất chấp những trở ngại địa hình, Toán phải cố đi càng xa càng tốt. Tôi bôi thêm thuốc muỗi vào mặt và hai tay chống lại tiếng muỗi như đàn âm binh đói khát không nuốt được mồi và bí ẩn rừng lại lên hừng theo ánh vàng đục của con trăng sắp nhô lên vòm cây. Có tiếng như reo hò âm thanh loang xa ở phía trước, Trung úy bảo tôi “tiếp tục di chuyển.” Anh Cử Nha Kỹ Thuật đi sau ho khục khặc vào hai tay. Trời đêm trở lạnh và chả mấy chốc con trăng đã đứng bóng. Ngoài kia sự hoạt động của địch càng lúc âm thanh càng lớn dần. Toán đã chọn được vị trí thích hợp nghỉ đêm.
Trong cái áo mưa đủ ấm cho cơ thể chống lại cái buốt lạnh [của] đêm rừng. Tiếng kêu của muông thú cùng quanh quanh côn trùng vang lên. Anh Tình cạnh bên được người kế bên lay dậy vì tiếng ngáy ngủ. James buột miệng chửi thề có lẽ bực với cái máy dò mang trên ba lô. Kinh nghiệm cho thấy chưa một Toán nào bị tấn công tại địa điểm ngủ đêm. Nhưng không vì thế mà lơ là khi chọn vị trí mà phải thẩm định và tuân theo những nguyên tắc nghiệp vụ... và trí óc nhạy bén luôn là sự sống còn... lạc quan không có chỗ trong người Biệt Kích quân. Một ý tưởng “giật mình” mang đến từ những người lính Bắc Việt cạnh tôi làm lạnh sống lưng. Dụng ngay cái mẹo để cố dỗ giấc ngủ... nghĩ ngay đến một bầu trời trong xanh rồi xanh xanh cao mãi... và như trôi vào một thế giới khác.
Đã ba ngày qua trong khu vực thám sát. James vừa xoa tay khi gài xong cái máy dò của nợ vào vách đá. Núi dựng đứng tiếp nhau và có ngọn tách riêng trông giống Ngũ Hành Sơn cạnh Trại. Rừng và đồi tiếp nhau tạo một mầu xanh diệp lục vô tận nhưng lỗ chỗ mây mù. Trung úy và James đang quan sát con đường trước mặt để tìm cách vượt qua. Con đường được ở ẩn trong cánh rừng rậm khó bị phát hiện nên dĩ nhiên được chăm sóc, bảo vệ cùng sửa chữa thường xuyên... một nông trường kế bên và những đơn vị dân quân, Toán đã gặp trong mấy ngày qua. Có tiếng nơi hướng Đông và dần lên tốp đầu tiên. Chim trên cành bỗng the thé xà cánh xuống thấp và rồi chớp vút bay. Đoàn vận chuyển bằng xe đạp thồ đang ngang qua. Trung úy vừa liên lạc xong, nét mặt tươi và tôi cũng vừa nghe tiếng máy bay tận cao xanh... Ông chỉ về sau lưng ý muốn nói cái máy dò và ra dấu “số một!” Trời trở gió xuyên ánh vàng chiều cùng cảnh vật và sự im lìm đáng sợ của con đường khi đoàn vận chuyển vừa kết thúc. Lệnh gỡ mìn phòng thủ để di chuyển. Trung úy đã thảo luận với Toán và cho rằng thời điểm thích hợp để qua con đường, chính là vào lúc này. Bước chân vội vã lại vội hơn khi gần đến tảng đá lớn ven đường. Ý tưởng táo bạo của Toán khi quyết định thay vì dựa vào bóng đêm để di chuyển đang là một thử thách. Toán viên đi đầu đã qua đường và người sau rốt đang xóa những dấu giầy. Một tiếng hú từ phía Đông nổi lên... hu, hú hú. Đó là tiếng gọi nhau của những người quen nghề rừng. Nhìn ra xuất hiện đám dân quân (theo trang phục) cùng những cánh tay vẫy ước chừng chỉ một trăm mét... có tiếng hú đáp trả trong chúng tôi và không ai bảo ai vẫy tay cùng họ cho đến khi biến vào lùm cây ven đường. Thoáng vẻ hài lòng, Trung úy phất tay tiếp tục di chuyển. Rừng rậm vẫn là người bảo vệ cho Toán.
Màn đêm mau đến cùng sương lạnh xuống nhanh. Rừng tĩnh lặng dĩ nhiên vẫn theo bản trường ca muông thú và côn trùng. Cái đá chân của Trung úy làm tôi thức giấc khi mới vừa chợp mắt nhưng chưa quên giấc mơ gạ bạn đua xe mà loay hoay với chiếc xe tuột xích. Ngoài kia hừng lên ánh hồng của lửa xen âm thanh huyên náo trời đêm. Tiếng xe hơi tăng ga loang xa theo nhịp nhấn... mắt nhìn đồng hồ chỉ hai giờ sáng. Tiếng Cú vừa bay ngang và con tắc kè đua với con gà gáy sớm. Trên tàn cây một cụm mây vừa bay qua ánh trăng đang xếch về tây. Tôi tiếc cho giấc ngủ và cái kết của giấc mơ. Sự hoạt động ngày đêm của địch chủ yếu là vận chuyển xuất phát từ những hang động trong quần thể khu vực đồi núi có những ngọn dựng đứng với sông, suối bên trong. Sương lạnh theo gió núi mờ bay đem theo những giọt nước li ti phà vào mặt cùng nghe tiếng gáy dồn của gà rừng như chận lại âm thanh mỗi lúc một nhỏ của đoàn chuyển vận về hướng Tây.
Ngọn đồi đã được chọn làm bãi đáp triệt xuất. Toán đã bỏ lại bìa rừng ẩn chứa nhiều bất trắc. Không gian thoáng đãng và nắng thật gần. Ẩn nấp trong những lùm cây, nơi đây cây thật thấp. Khoảng trống trước mặt lý tưởng cho trực thăng đáp. Trung úy nhìn đồng hồ trong chờ đợi. Ông căn dặn nhớ gỡ mìn phòng thủ khi thấy trực thăng trong khu vực. James vừa xong cuộc điện đàm và công bố cái hẹn triệt xuất chính xác vào giữa trưa. Cơn gió núi đi qua theo sau con gió lốc xoáy ào ạt và chạy xuống đồi thoải. Ngẩn người vì tiếng nói vọng lên thật ngắn gọn rồi im bặt, chính xác từ hướng Toán vừa đi qua, Trung úy ra hiệu hướng thoát theo đúng chiến thuật và không khí bao chụp thật nặng, còn gió, tự nãy giờ đi đâu mất. Giọt mồ hôi nhanh chóng theo kẽ lưng. Anh Cử Nha Kỹ Thuật, ra dấu “ten” theo ngay là tiếng súng nổ, Trung úy đã chọn trước tiếng Zulu trong trường hợp này và sau nửa băng đạn đầu Zulu đã được hét lên. Vừa chạy vừa nhìn bóng nắng... nó thật gần với cái hẹn triệt xuất. Nhìn tay đồng hồ chỉ 11 giờ 15 phút. Trung úy bỗng dừng chân có thể vì thấm mệt và tôi ngạc nhiên khi đưa mắt nhìn Toán giờ chỉ còn lại năm người... một nửa số đã bốc hơi! Báo cáo với Trung úy, ông ngao ngán lắc đầu rồi lại bận với cái máy truyền tin từ lưng James.
Di chuyển vội theo thế lưng khom vì tàn cây thấp. Địa thế cho phép vừa đi vừa đợi trực thăng. Năm người chiêu hồi của Toán mất tích một cách đáng ngờ. Không một ai chứng kiến họ tử hay bị thương. Cuộc đụng độ chớp nhoáng có một vẻ ngẫu nhiên với địch quân đúng là những người đi săn bắn hơn là tác chiến. Người còn lại là anh Cơ (Trình ngọc Cơ). Những người lính Bắc việt đã từng là tù binh hay hồi chánh viên, được SOG tuyển mộ và huấn luyện. Hẳn là chương trình này (của SOG) nhằm mục đích điệp vụ hơn là tác chiến như những Biệt Kích quân khác. Ý nghĩ ban đầu chợt đến và cơn gió nhẹ vẫn mơn man nơi gáy. Trung úy tất tật với cái máy truyền tin. Anh Cử Nha Kỹ Thuật và James vừa gài xong mìn phòng thủ. Tôi nhìn Cơ anh ta cũng nhìn tôi miệng cười... từ cái miệng rộng có hàm răng hơi hô ấy ẩn chứa gì? Tôi cứ nghĩ và không thể trả lời! James đưa tay chỉ trên bầu trời ba chấm đen và nó to dần hình thể của một trực thăng và hai Khu trục A1. Trên thật cao vẫn là tiếng của chiếc OV-10 có từ trước. James và anh Cử gỡ xong mìn và cái dáng bệ vệ của trực thăng tuy to lớn nhưng nhẹ nhảng đáp xuống bốc Toán cứ như trong thực tập. Hai A-1 đến để làm kiểng và cùng chúng tôi bay về.
Mùa Phục sinh 2018.
Hạ sĩ Nguyễn văn Hải,
Đoàn 1 Sở Liên Lạc. Nha kỹ Thuật.
Viết câu chuyện này đẻ tưởng nhớ Trung úy Vincent Sabatinelli... một người Mỹ gốc Ý. Sau chuyến công tác trên, Toán Chiêu Hồi giải tán. Trung úy nhận nhiệm vụ mới còn tôi chuyển về làm thông dịch cho Thiều úy Bửu Chính, Trưởng Toán Thăng Long thuộc Nha Kỹ Thuật (Thời điểm này SOG mới chấp nhận chuyển giao chỉ huy cho Nha Kỹ Thuật...) Khoảng cuối năm 1969, một lần gặp trên câu lạc bộ, James cho tôi biết Trung úy Sabatinelli trong một nhiệm vụ đã tử trận cùng chiếc trực thăng mất tích mà người ta chưa tìm ra nguyên nhân?
sở liên lạc và tôi .
Xuống taxi ngay ngã 3 vào Bắc Việt Nghĩa Trang, tôi tìm địa chỉ Sở Liên Lạc (SLL) để trình diện vào khoảng cuối năm 1964. Thấy trước mặt bên tay phải là một doanh trại có trạm gác, tôi bèn đến hỏi thăm thì quả đúng là SLL đây rồi. Tuy nhiên, vì thấy người lính gác cổng mặc quân phục Dù, đội nón đỏ nên tôi không biết chắc đó có phải là SLL hay không, vì khi được lệnh về trình diện SLL, tôi cũng không biết đơn vị này hoạt động như thế nào? Thấy được thuyên chuyển về SLL, tôi đinh ninh đây là một đơn vị chuyên về hành chánh. Do đó, khi được người lính gác cổng cho biết đây là SLL, tôi hết sức bàng hoàng và nghĩ nhanh trong đầu: “Bộ mình được thuyên chuyển về Nhảy Dù sao?” Sau đó, tôi được sĩ quan trực cổng hướng dẫn vào Phòng 1 để trình diện. Trên đường từ cổng vào, tôi thấy doanh trại được thiết lập theo hình chữ U trông thật bề thế. Ở giữa khoảng sân rộng là một cột cờ cao và một lá cờ thật lớn đang căng rộng trên khoảng không gian đầy mây trắng. Song song với 2 dãy doanh trại là 2 hàng phượng vĩ trùm, đầy hoa đỏ thắm.
Hai vị sĩ quan tôi gặp đầu tiên là Đại úy Lê quang Tiềm và Trung úy Trần lưuHuân. Hai vị này rất niềm nở, và hỏi sao tôi về trình diện trễ quá vậy! Tôi trình Sự Vụ Lệnh (SVL), và cho họ biết tôi mới nhận được SVL cách nay có 3 hôm. Nhưng vì đơn vị thiếu sĩ quan (SQ) nên gần 3 tháng sau, khi có lệnh thuyên chuyển tôi mới được ra đi. Sau này, tôi được biết các anh Lê tấn Thành, Tống hồ Huấn, Trần trung Ginh, v.v. đã về trình diện trước tôi hơn 3 tháng. Sau đó, tôi được Trung úy Huân hướng dẫn lên trình diện Chỉ Huy Trưởng (CHT) SLL. Lúc bấy giờ, Đại tá Hồ Tiêu còn là Trung tá. Ông rất cởi mở, vui vẻ hỏi thăm tôi về những hoạt động của binh chủng Biệt Động Quân. Ông có nhiều nhận xét rất chính xác về hoạt động cũng như hiệu năng của binh chủng này. Ra khỏi văn phòng CHT, tôi lại được Trung úy Nham hướng dẫn giới thiệu các Ban, Phòng của SLL. Qua các phòng, tôi thấy mọi người đều cởi mở và thân thiện khiến tôi cũng bớt bỡ ngỡ.
Phần lớn các sĩ quan SLL đều thuyên chuyển từ Sư Đoàn Nhảy Dù sang, và được tuyển chọn từ những sĩ quan xuất sắc ở các Tiểu Đoàn Dù thiện chiến, như Trung tá Nguyễn viết Cần, Trung tá Liêu quang Trung, Đại úy Phan trọng Sinh, v.v. Riêng các Thiếu úy Văn thạch Bích, Nguyễn thái Kiên, Phạm văn Hy, Nguyễn văn Thụ, Phan nhựt Văn, Vương vĩnh Phát, Nguyễn hải Triều, Đoàn kim Tuấn, đều là những SQ Trung Đội Trưởng hoặc Đại Đội Trưởng xuất sắc, thuộc các Tiểu Đoàn Dù tuyển chọn về. Ngoài ra, còn có Đại úy Nguyễn mạnh Tường và Đại úy Nguyễn văn Thanh, từ Côn Đảo trở về sau khi tham gia cuộc đảo chánh năm 1960 bất thành. Nhìn tác phong của các vị này tôi ngưỡng mộ hết sức.
Tôi được bổ sung vào Phòng 3, Trưởng Phòng là Đại úy Nguyễn mạnh Tường. Phòng 3 lúc bấy giờ đã có 6-7 SQ rồi. Trong thời gian này, các Tiền Doanh chưa được thành lập nên công việc cũng chưa có gì nhiều. Hằng ngày, chúng tôi chỉ có việc lên bản đồ qua những tin tức do các hộp thư từ bên Lào gửi về. Tôi chỉ ngồi chờ ngày đi học nhảy dù! Được biết SLL lúc thành lập nằm trong Bộ Tổng Tham Mưu, và mới di chuyển về đây một vài tháng nay thôi. Doanh trại này trước kia thuộc BTL/LLĐB. Sau cách mạng 63, LLĐB di chuyển về Nha Trang, và SLL từ trong Bộ TTM dời về đây. Doanh trại còn rất nhiều phòng trống, giấy tờ nằm ngổn ngang trong các phòng ốc, tủ và bàn giấy. Do đó, nhóm SQ độc thân chúng tôi phải thu dọn, và sau đó mỗi người chiếm một phòng thật thoải mái. Ở trong trại, tới giờ ăn thì chúng tôi ra ngoài Lăng Cha Cả ăn 2 bữa trưa và chiều, rất tiện lợi. Nhưng không có việc gì làm, chỉ ngồi chờ ngày đi học nhảy dù nên tôi bắt đầu nhớ những ngày ở Biệt Động Quân... Cũng may, sau gần hơn tháng ngồi chơi tôi theo học khóa 58A Nhảy Dù ở Trung Tâm Huấn Luyện Sư đoàn ND. Mãn khóa Dù, khoảng nửa tháng sau, tôi cùng 5 sĩ quan khác lên Trung Tâm Huấn Luyện Long Thành tham dự khóa Thám Sát, do các cố vấn Mỹ hướng dẫn. Khóa học rất hữu ích, và cho tôi rất nhiều kinh nghiệm trong thời gian hơn 2 năm tôi nắm Toán Trưởng sau này. Sau gần 3 tháng huấn luyện và hành quân thực tập, chúng tôi 5 SQ, nắm 5 toán Lôi Hổ đầu tiên, gồm có: Thiếu úy Văn thạch Bích, Nguyễn thái Kiên, Nguyễn văn Thụ, Phạm văn Hy, và tôi.
Trong thời gian này các Tiền Doanh chưa có, chỉ có C&C ở Đà Nẵng thôi.
Chúng tôi từ Long Thành mỗi lần đi hành quân, điểm xuất phát là các trại Khâm Đức, hay trại Khe Sanh, trại A-Shao, thuộc các trại A Lực Lượng Đặc Biệt. Xong hành quân là về lại Long Thành. Mỗi toán chúng tôi đều có 1 phòng ở đây. Đi phép xong, trở về Long Thành, lên C130 đi hành quân tiếp. Mỗi lần ra Khe Sanh hay Khâm Đức hành quân, nếu gặp thời tiết tốt thì ngày hôm sau là “Go” ngay. Tuy nhiên, gặp những ngày thời tiết xấu thì nản hết sức. Có khi cả tuần hay nửa tháng mới xâm nhập được! Đi hành quân mà ngoài vũ khí và đạn dược ra, chúng tôi còn phải mang theo 1 túi xách để chứa khăn tắm, quần áo lót, bàn chải và kem đánh răng, đề phòng thời tiết xấu không xâm nhập được. Cũng may, chúng tôi chỉ chịu đựng như thế đâu khoảng hơn nửa năm thì thành lập các Tiền Doanh hay FOB (Forward Operation Base), và sau đó tôi được thuyên chuyển đến FOB 2 Kontum.
Trong thời điểm này, mỗi FOB có khoảng từ 10 đến 15 Toán. Nhưng vì không đủ sĩ quan nên các Toán Trưởng được bổ sung là Hạ Sĩ Quan, hoặc các Biệt Kích Quân giỏi và có khả năng. Trước đó, FOB 2 Kontum là doanh trại quân xa của Tiểu Khu Kontum. Lúc mới nhận, trại rất chật chội. Mọi người đều phải ngủ trên ghế bố, kể cả Biệt Đội Trực Thăng KingBee 219. Công Binh Mỹ làm việc ngày đêm. Nhưng sau một chuyến hành quân 7 ngày trở về, tôi đã thấy có đầy đủ phòng ngủ, phòng ăn, câu lạc bộ, nơi chiếu phim, v.v. Mỗi toán đều có 1 phòng riêng biệt, rộng rãi và thoải mái. Đến khoảng giữa năm 1967, tôi bàn giao Toán Ohio cho Văn minh Huy, và đổi về C&C Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng được khoảng 2 tháng, buồn quá nên tôi xin đổi về Phú Bài, và coi Đại Đội Thám Sát. Cuối năm 1967, tôi được giải ngũ. Trong đợt này, SLL có 3 người được giải ngũ là: anh Nguyễn văn Ôn Khóa 13, anh Trần trung Ginh Khóa 14, và tôi Khóa 15 Thủ Đức. Nhưng giải ngũ còn đang đi phép thì xảy ra vụ Tết Mậu Thân... Thế là bị gọi tái ngũ lại, xách ba-lô trở ra lại Phú Bài. Mới vắng Huế có mấy tháng, nay trở ra lần này thấy Huế chịu trận Tết Mậu Thân bị đổ nát tiêu điều! Khắp thành phố Huế, gần như mọi người đều chít khăn tang. Trong khi đó, nhiều tỉnh lỵ trong miền Nam vẫn còn đang giao tranh với VC.
Khoảng giữa tháng 5 năm 1968, tôi nhận được lệnh đi xuống Thất Sơn, tỉnh Châu Đốc để tuyển mộ người Miên vào Biệt Kích. Cùng đi với tôi là 1 HSQ Mỹ và 1 thông dịch viên người Miên lai Hoa, thông thạo tiếng Anh-Pháp-Việt và Miên. Những người Miên này thường được gọi là “Khmer Kampuchea Krom” hay là “KKK”, có nghĩa là những người Miên ở miền dưới, chứ không phải trên Cao Miên. Có thời gian họ ly khai, kéo quân vào mật khu chống lại chính phủ miền Nam, và chống luôn cả Việt Cộng. Họ có tổ chức đến cấp tiểu đoàn, sau này trở về quy thuận với chính quyền miền Nam. Chúng tôi đến gặp vị dân biểu người Miên ở quận Tri Tôn, sau đó được giới thiệu đi gặp Ông Lục Cả, vị Sư lớn nhất của vùng Thất Sơn. Chúng tôi trình bày và xin được phép tuyển mộ lính Miên, và ông cũng chấp thuận. Vài hôm sau, họ gom lại thành từng Trung Đội, Đại Đội, cùng các cấp chỉ huy tập trung tại Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng chờ C130 đến đón về Phú Bài. Có điều lạ là có người mang theo vợ con, và cũng có cả ông Lục (Ông Sư) tháp tùng theo nữa!
Trong khoảng thời gian cuộc tấn công Mậu Thân đợt 2, vào một buổi chiều, tôimđược lệnh cùng mấy HSQ Mỹ đem 1 Đại Đội Miên về Sài Gòn bằng C130 ngay trong đêm. Về đến Sài Gòn cũng đã 2-3 giờ khuya, cả Đại Đội ngủ dọc dài theo các hành lang trong Sở. Riêng nhóm HSQ Mỹ thì về số 10 đường Nguyễn minh Chiếu. Sáng hôm sau, tôi dựa theo các bài tấn công trong thành phố đem ra hướng dẫn, dùng các phòng trong Sở để huấn luyện Đại Đội Miên. Phần các HSQ Mỹ thì họ nói gần, nói xa là họ không tham dự. Buổi chiều, tôi theo SQ Trưởng Phòng 3 vào Chợ Lớn đường Tổng đốc Phương gần hãng xà bông VN thăm dò chiến trường, vì có nhiều nhóm VC còn đang chiếm các cao ốc gần đó. Chung tôi dự tính kế hoạch là sẽ dùng trực thăng đu dây xuống.
Thật ra, kế hoạch này nếu dùng cho toán Thám Sát thì rất tốt, nhưng nếu dùng choĐại Đội Xung Kích thì lại không thuận lợi bằng. Ngày hôm sau, tôi nghe nói phía đối nhiệm Mỹ không bằng lòng sử dụng Đại Đội Xung Kích trong nhiệm vụ này. Thế là được lệnh ngày hôm sau trở về lại Phú Bài. Thật sự thì tôi không “mặn” với Đại Đội Xung Kích Miên trong nhiệm vụ này cho lắm, bởi vì tiếng Việt họ nói cũng không rành, và nhất là họ cũng chưa từng sống trong các thành phố lớn, chưa quen các ngõ ngách, nhà cửa trong thành phố.
Lực Lượng Xung Kích Miên (Hatchet Forces) và các cố vấn Hoa Kỳ lên đường hành quân. Khoảng giữa năm 1968, tôi đổi về Tiền Doanh 6, Hồ ngọc Tảo, Thủ Đức. Trại này bên LLĐB Mỹ mới bàn giao cho MAC-SOG nên cán bộ VN rất ít. Thời gian này chưa thành lập các toán Việt Nam, mà người Mỹ thì không được quyền xâm nhập vào đất Miên, do đó chúng tôi chỉ hành quân bên này biên giới, từ Đức Lập chạy dài xuống tới Tây Ninh. Căn cứ địa 352 và 353 có 2 khu Mỏ-Vẹt và Lưỡi-Câu nằm tại đây. Vùng này rất nặng, các toán chạm địch liên miên. Nửa năm sau, Tiền Doanh 6 di chuyển về Ban mê Thuột nhập chung với Tiền Doanh 5 để trở thành Chiến Đoàn 3 (CCS). Đến giữa năm 1969 thành lập Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật 32 Quản Lợi và căn cứ xuất phát Quản Lợi. Tôi về Quản Lợi từ lúc đó cho đến đầu năm 1972, và sau đó thuyên chuyển lên Chiến Đoàn 2 phụ tá cho Chiến Đoàn Trưởng Đỗ văn Tiên. Mấy tháng sau, tôi bàn giao với Trung tá Tiên để Trung tá Tiên đổi về BCH/NKT. Vào lúc này, quân ta mất Tân Cảnh sau khi bao vây Kontum gần 3 tháng nhưng không chiếm được “Kontum Kiêu Hùng”. Vòng đai phòng thủ của Kontum bây giờ có đường bán kính khoảng từ 20 đến 25 cây số. Phía Bắc thì đến Võ Định, phía Tây thì đến Poleiken Sông Pô-kô, phía Đông chưa đến chân dải Ngọc Long, phía Nam thì QL-14 đi Pleiku vẫn còn thông thương.
Tuy Sư đoàn 23 và Biệt Động Quân vẫn kiểm soát được Chu Pao, nhưng thỉnh thoảng VC vẫn lén ra phục kích và bắn xẻ. Có một lần xe CĐ2 đi Pleiku bị bắn xẻ, khiến cho em gái Thiếu úy Phước của CĐ2 đi quá giang xe bị bắn chết. Trong giai đoạn này, CĐ2 không còn hành quân xâm nhập ngoại biên nữa. CĐ đuợc đặt dưới quyền điều động của Quân Đoàn 2, và thường xuyên được tăng phái cho Sư Đoàn 22 hoặc Sư Đoàn 23/BB trong các mặt trận lớn của 2 Sư Đoàn này. Đầu năm 1975, Đoàn 2 dời trại lên Pleiku đóng ở Biển Hồ, và cho đến tháng 3/1975 cùng với Quân Đoàn 2 di tản về Sài Gòn.
Trong suốt hơn 10 năm phục vụ SLL, tôi đã làm việc gần như ở bất cứ nơi nào có căn cứ của Sở. Chỉ có những khoảng thời gian ngắn như thời gian ở bên Lào, thời gian mấy tháng giải ngũ, hoặc tham dự các khóa huấn luyện Rừng Núi Sình Lầy ở Mã Lai, khóa Đại Đội Trưởng, khóa Bộ Binh Cao Cấp, là rời các cuộc hành quân mà thôi. Tôi đã phục vụ qua 5 đời Chỉ Huy Trưởng SLL, từ những ngày đầu với Đ/T Hồ Tiêu, kế đến là Đ/T Liêu quang Nghĩa, Đ/T Nguyễn văn Minh, Đ/T Nguyễn bá Trước và sau cùng là Đ/T Nguyễn minh Tiến, mỗi người đều là những vị chỉ huy tài ba, gương mẫu, thân thiện và cởi mở với thuộc cấp, được mọi người kính phục và thương yêu. Bây giờ còn 2 vị đang sống ở Mỹ: Đ/T Minh và Đ/T Nghĩa. Đ/T Liêu quang Nghĩa sức khỏe vẫn còn tráng kiện, không vắng mặt mỗi kỳ Đại Hội NKT nào cả. Riêng các Chiến Đoàn Trưởng thì đã ra đi khá nhiều, gồm có: N/T Nguyễn tuấn Minh, N/T Hồ châu Tuấn, N/T Ngụy Hiền, N/T Trang, N/T Nhã và N/T Tiên. Phần các N/T ở tại BCH Sở thì có N/T Ngô văn Hùng đã chết ở Bắc Việt trong thời gian cải tạo. Gần đây thì N/T Lê quang Tiềm, và N/T Trần đắc Trân cũng mới ra đi. Cầu xin cho các N/T và các C/H đang sống ở quê nhà hay quê người, cá nhân và gia đình được nhiều sức khỏe. Có gặp được nhau nhớ và nhắc lại những chiến tích kiêu hùng, thân ái ngày xưa.
Lê Minh