Saturday, July 22, 2023

Trận Võ Xu hay Võ Su 1966.

Lời nói đầu: Trận đánh cách đây 57 năm này, với sự hy sinh cao cả của những người lính VNCH thuộc TĐ 1 trung đoàn 43 của sđ 18 bộ binh, đại đội bảo an 738 và một trung đội cảnh sát dã chiến, có thể đã đi vào quên lãng, vì không thấy ai nhắc tới -- dầu một vài hình ảnh đã đăng từ lâu trên một website của cố vấn Mỹ của sđ 18 VNCH, rất tiếc là tôi ko nhớ nguồn.




Trong tinh thần "uống nước nhớ nguồn", gần đây, tôi vào mạng và nhiều lần đặt câu hỏi "battle of vo xu 1966" hay "trận võ xu 1966" thì ko có kết quả, nhưng lại có kết quả về "trận Võ Su". Theo tài liệu sau đây của CSVN, trận đánh năm 1966 này đã xảy ra tại xã Võ Su, còn gọi là xã Võ Xu, huyện Tánh Linh tỉnh Bình Tuy. Cách đó khoảng 5 km về phía tây nam là xã Võ Đắc. Bài về trận đánh này dù viết dưới quan điểm của người CS, nhưng rất đặc biệt ở chỗ bài này không có giọng điệu gay gắt hay miệt thị đối phương thường thấy ở người CS.

Sau đây là nguyên văn bài viết.

------

"Trận Võ Su là trận đánh quy mô cuối cùng trong giai đoạn chiến tranh cục bộ của Chiến tranh Việt Nam. Trận đánh diễn ra khi một đơn vị Quân Giải phóng (QGP) miền Nam cấp trung đoàn đánh vào một chi khu của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ.

Quân khu 7 lúc này còn đang trong giai đoạn phát triển, thế và lực tương đối cân bằng với đối phương. Quân Giải phóng (QGP) miền Nam vừa thành lập sư đoàn 5 bộ binh (đơn vị dự trữ chiến lược của quân khu), để mở rộng vùng căn cứ lên phía đông bắc Long Khánh, mở hành lang lên Chiến khu Đ, nên muốn chiếm lấy ấp chiến lược Võ Đắc - Võ Su. Ở bối cảnh đó Quân đội Hoa Kỳ bận tổ chức đối đầu với các sư đoàn chủ lực của Quân Giải phóng nên mỗi ấp chiến lược chỉ có một tiểu đoàn Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lập đồn bót chốt giữ. Quân Giải phóng với kinh nghiệm thực chiến trước đó, tin rằng có thể đánh bung được các đồn bót.       


Lực lượng đôi bên

Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tại vùng này có sư đoàn 18 bộ binh rải quân khắp các huyện. Ở chiến trường Võ Đắc, lính nhà nghề có Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 43 thuộc Sư đoàn 18; quân đồn trú có một trung đội cảnh sát, đại đội bảo an 738; đóng căn cứ dã ngoại với công sự dã chiến, tổ chức thành 3 khu vực phòng ngự. Hàng ngày, họ bung ra hoạt động, đêm co về phòng thủ.

Về phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, lực lượng vũ trang Tánh Linh đã đảm bảo bí mật, đón và hỗ trợ cho đoàn điều nghiên của Trung đoàn Đồng Nai (trung đoàn 4) từ những ngày đầu năm 1966. Trước đó sư đoàn bộ binh 5 Quân Giải Phóng vừa thành lập, tuy nhiên cánh trụ cột là đoàn 55 (Trung Đoàn Cá Gô) vừa kiệt sức vì bị sốt rét toàn bộ quân số, không thể tham chiến. Như vậy không có cánh quân nào đủ để hỗ trợ, buộc QGP phải để lại tiểu đoàn 445, 440 phòng thủ tỉnh Phước Tuy. Tổng lực lượng được chuẩn bị gồm có Trung đoàn Đồng Nai, bộ chỉ huy do Hai Sỹ (Đặng Ngọc Sỹ) điều hành; cánh tiền phương thuộc đại đội quân địa phương huyện Tánh Linh (tương đương quân số 2 trung đội) do tham mưu trưởng Nguyễn Nam Hưng chỉ huy; cùng với dân công hỏa tuyến tỉnh Bình Thuận.

Diễn biến

Trung đoàn Đồng Nai cử trung đội trinh sát cắt rừng hành quân ngược lên quốc lộ 1, lên Suối Kiết - Tánh Linh, cắt thẳng ra khu rừng nam Võ Xu tổ chức nghiên cứu chiến trường. Nửa cuối tháng 2, cả trung đoàn bí mật đóng quân xung quanh chi khu Võ Su.

Quân được chia làm 3 đạo, đánh theo chiến thuật "vây điểm diệt viện", tiền pháo hậu xung:

  • Tiểu đoàn 800 (D1) do Hai Phê chỉ huy được tăng cường một trung đội địa phương đánh hướng chủ yếu từ nam lên. Đây là hướng mạnh nhất với trận địa cối sau lưng yểm trợ cho toàn tuyến.
  • Tiểu đoàn 308 (D3) do Tư Thinh chỉ huy đánh từ hướng tây bắc xuống.
  • Một đại đội của Tiểu đoàn 265 (D2) tổ chức đánh cầu Lăng Quăng.
  • Số quân còn lại ém ở nơi đồng chí Nguyễn Nam Hưng đang chỉ huy, gồm: các tổ còn lại của đại đội địa phương huyện Tánh Linh, 2 đại đội của D2, đều làm dự bị.

Thế gọng kìm được cài vào ngày 27 tháng 2 năm 1966. Đến 0 giờ, nhân lúc đối phương nới lỏng phòng bị, QGP cho pháo bắn cấp tập vào trận địa. Sau 15 phút, các mũi đồng loạt nổ súng xung phong. 20 phút sau, D1 đã chiếm tiền tiêu, D3 bủa vây cánh bắc. Hỏa lực tấn công gồm có đại đội pháo cối B-40, 2 pháo 81 ly, trung đội ĐKZ.

Để chặn chi viện, 1 đại đội của D2 được tăng cường hỏa lực tối đa đánh sập cầu Lăng Quăng dài 40 mét. Các tổ chi viện của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa dồn lại 2 cụm tại đây bị chặn và tiêu diệt. Đây là hướng thành công nhất của QGP.

Nói thêm: Theo bản đồ sau đây thì xã Võ Xu nằm trên tỉnh lộ (TL) 334, cách đó khoảng 5 km là xã Võ Đắc; còn cầu Lăng Quăng, nằm trên TL 335, phía nam của xã Võ Xu. Suối Lăng Quăng, chạy theo chiều bắc nam, là một nhánh của sông La Ngà, nối liền với Biển Lạc, một hồ rất lớn ở cao độ 112 m, ở phía nam của suối này, bởi suối Dar Ro Choc -- Người viết. 

Bản đồ xã Võ Su quận Tánh Linh tỉnh Bình Tuy: https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/tanh_linh-6531-3.pdf


Sau 1 giờ chiến đấu, QLVNCH đã triển khai đội hình khiến cho 2 tiểu đoàn mạnh của QGP  không phát triển được. Quân phòng thủ bám trụ lại trong các công sự quan trọng, dồn hỏa lực chống trả. Sau 1 giờ nữa, bên phía quân tấn công, đại úy Năm Hưng tung quân dự bị vào, đánh bồi 2 lần. Quân phòng thủ cố chịu trận đợi chi viện, nhưng quân chi viện đã bị chặn, họ tiếp tục mất một số đoạn chiến hào tiền tiêu. Tổng thương vong đôi bên lúc này đã lên đến vài trăm. Suốt 1 giờ tiếp theo, quân tấn công chỉ xiết vòng vây nhưng không dám tràn ngập công sự vì sợ hỏa lực phòng thủ; lúc này vì cầu Lăng Quăng đã sập và không có chi viện trên bộ nên quân phòng thủ cũng không dám rút chạy, cố thủ trong đồn.

Bất ngờ, Không lực Việt Nam Cộng Hòa sử dụng máy bay trực thăng, máy bay tiêm kích rải bom trùm lên trận địa. Chủ yếu là bom bi, một số bom napalm và các loại bom khác. Cú không kích đối đất này đã giết hàng loạt bộ đội (bắn trúng cả chỉ huy, chiến sĩ bên tấn công và cả một vài người xấu số của quân phòng thủ). 3 giờ sáng, đại úy Năm Hưng từ trận địa gọi điện yêu cầu bộ chỉ huy rút quân. 6 giờ sáng, QGP thu hồi hầu hết thương binh-liệt sỹ, tù binh và vũ khí.

Kết quả

QLVNCH suýt thất thủ khi phải đối đầu với lực lượng đối phương đông và áp đảo hoàn toàn. Về khí tài, bị tiêu hao tương đương: cháy 2 xe GMC và mất 76 súng các loại, không quá nghiêm trọng đối với một trận đánh cấp chi khu. Nhờ có không lực chi viện kịp thời, họ vẫn trụ được Võ Su trong tình trạng cây cầu chi viện bị sập và cô lập. Thương vong của lực lượng phòng thủ lên đến hàng trăm: đại đội 738 Bảo An bị xóa sổ, tiểu đoàn 1/43 của sđ 18 bị tổn thất nặng, 20 người bị bắt làm tù binh.

Quân Giải Phóng Miền Nam mắc phải sai lầm nghiêm trọng về chiến thuật. Không kể đến số thương vong nhỏ của bộ đội Bình Thuận, riêng trung đoàn 4 sau nhiều đợt tấn công đã tiêu hao một phần. Khi lúng túng giữa lựa chọn rút hay đánh dứt điểm thì họ đã "nếm mùi" bom đạn hủy diệt và chịu thiệt hại nặng nề: thương vong gần nửa đội hình, mất rất nhiều tay súng giỏi, ngay cả chỉ huy các đơn vị cũng bị thương nặng. Dân công Bình Thuận và dân công Bà Rịa thay ca khiêng thương binh về bệnh viện "1500" bị quá tải.

Trận chiến rất lớn nhưng thế trận đôi bên không xê dịch. QLVNCH khi mất cầu Lăng Quăng và bị cô lập nhiều hướng khiến họ không thể phòng thủ được chi khu này. QGP cũng chịu thương vong rất lớn nên không đủ sức đánh tiếp. Trung đoàn 4, đơn vị chủ lực của tam giác Bà Rịa - Long Khánh - Biên Hòa bị tê liệt suốt 2 tháng. Họ phải dưỡng quân ở Suối Quít (Bình Thuận) một thời gian trước trận Tầm Bó. Các chỉ huy QGP ở Phước Tuy từ bỏ tham vọng đánh dứt điểm bằng lối dàn quân cấp trung đoàn, và chọn lối đánh phục kích tiêu hao vì nó hiệu quả hơn".

Nguồnhttps://vi.everybodywiki.com/Tr%E1%BA%ADn_V%C3%B5_Su_(1966)

===============

Ghi chú: 

Cám ơn các cựu thiếu tá Lê Phi Ô và Nguyễn Hữu Chế, các Pháo thủ Nguyễn Hữu Nhân và Nguyễn Phát Tài thuộc sđ 18 bộ binh vì bài của các anh là nguồn cảm hứng khiến tôi tìm hiểu rất nhiều địa linh nhân kiệt của tỉnh Bình Tuy. 

San Jose ngày 3 tháng 8 2023.

Tài Trần

=========

Đọc thêm

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=25540.30

Bản đồ xã Võ Đắc quận Hoài Đức tỉnh Bình Tuy : https://maps.lib.utexas.edu/maps/topo/vietnam/dinh_quan-6431-2.pdf

Các hình dưới đây lấy từ một website của quân đội Mỹ, rất tiếc là ko nhớ nguồn với chú thích của tôi:






 

Bình Tuy được bảo vệ bởi sđ 4, tiền thân của sđ 7 bộ binh, mà TL lúc đó là đại tá Trần thiện Khiêm (từ 17 tháng 3/1958 đến 30/3/1959).

. . . 

"Có lần trung đoàn tôi được chỉ định giữ an ninh vùng Võ Đất, nơi sẽ thành lập thêm một tỉnh nữa gọi là tỉnh Bình Tuy, lấy một phần đất của tỉnh Biên Hòa và một phần của tỉnh Phước Tuy để lập ra tỉnh này. Có đại diện của các bộ ở trung ương gửi về để vẽ bản đồ và nghiên cứu việc xẻ đường và đất đai xem hợp với chủng loại lúa nào, hoặc cây ăn trái nào, vì cả vùng là rừng tranh bát ngát. Ông tỉnh trưởng Biên Hòa và Đại Tá Quan cũng nhiều lần đến bộ chỉ huy họp liên bộ. Vì lẽ đó, nhiều lần Đại Tá Quan ở lại với tôi vào ban đêm, và tôi luôn nhường lều ngủ của tôi cho ông. Nhờ thế, ông quý tôi lắm và hai bên nói chuyện rất cởi mở. Có lần Tổng Thống đến thăm. Tổng Thống ngồi xe jeep do Đại Tá Khiêm, tư lệnh Sư đoàn lái, tôi ngồi sau với sĩ quan truyền tin có máy để liên lạc. Tôi hướng dẫn Tổng Thống đi qua rừng tranh từ Võ Đất ra quốc lộ 1, chỉ là vạt tranh đi chứ chưa có đường sá gì cả, nên chỉ đi xe jeep được mà thôi. Tuy đường đi gập ghềnh và xóc lắm, nhưng Tổng Thống rất vui vẻ. Đến một khu rừng nhỏ độ mấy chục mẫu, cây cối không cao lắm và cạnh đó có một cái đìa khá lớn, Tổng Thống bảo dừng xe lại và xuống xem rừng. Tôi trình Tổng Thống, dân ở đây gọi nơi này là ổ voi vì voi đi hàng đàn, chạy qua đây đều ngừng lại, nghỉ để uống nước. Cả đoàn nghỉ lại trong rừng, ông khen rừng nhỏ, nhưng sạch sẽ và nhắc tôi: - Anh nhớ nhắc ủy ban liên bộ phải bảo vệ khu rừng này, cả cái đìa nữa, để sau này là nơi cắm trại cho học sinh, vì là nơi gần tỉnh. Tôi lấy sổ tay ra ghi, ông có vẻ bằng lòng lắm (tôi nhớ đến lời Đại Tá Quan kể khi gặp ông không mang giấy viết). Khi ấy rừng tranh đã già nên ông hỏi Đại Tá Khiêm, nếu rủi ro bị cháy thì chạy sao cho kịp ? Đại tá nói nếu rừng tranh bị cháy thì không nên chạy về phía trước, mà phải chạy về phía sau, vì phía sau đã bị cháy rồi, chỉ bị nóng một chút chứ không mệt. Ông thích lắm và khen đúng. Ông nói với chúng tôi: - Nước mình còn nhiều tài nguyên chưa được khai thác. Anh xem khu này quá rộng mà chả được canh tác gì, sau này có đường sá, giúp cho dân vào định cư ở đây sẽ trở thành trù phú. Quả nhiên sau này, tôi có dịp đi ngang Bình Tuy và thấy dân cư đông, cây cối xanh tươi, tôi lại nhớ đến ông. Thời đó còn thanh bình, đi lại dễ dàng và có an ninh, nên tụi tôi hay tổ chức đi săn ở các rừng xung quanh. Đêm nào đi săn về cũng có thú rừng như nai, mễn, thỏ v.v…"

. . .

Trích từ "Nhớ lại những ngày ở cạnh TT Ngô Đình Diệm" của cựu thiếu tá Nguyễn Hữu Duệ, TL phó kiêm tham mưu trưởng LĐ liên binh phòng vệ phủ tổng thống thời TT Diệm. 

==

Đi tìm địa danh Bình Tuy

đăng 21:01 19 thg 3, 2017 bởi Pham Hoai Nhan   [ đã cập nhật 01:25 17 thg 12, 2017 ]

Có đến hai mươi năm địa danh tỉnh Bình Tuy là một phần đất rộng lớn phía Tây Nam của tỉnh Bình Thuận ngày nay (1956 - 1976). Dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, từ một sắc lệnh ký ngày 25/10/1956 tỉnh Bình Tuy được thành lập gồm một phần đất của hai huyện Hàm Thuận, Tánh Linh và một phần đất của hai tỉnh Long Khánh, Lâm Đồng lúc bấy giờ. Nhiều câu hỏi địa danh tỉnh mới này tại sao là Bình Tuy, mang ý nghĩa gì? Đối với Ngô Đình Diệm - Tổng thống đệ nhất Việt Nam cộng hòa vốn là người được hấp thụ nhiều Tây học nhưng cũng chịu ảnh hưởng nền giáo dục Nho giáo của gia đình, cho nên quyết định một tên tỉnh mới phải có lý do nào đó.

Mũi điện Kê Gà. Ảnh: Ngọc Lân 


Thời ấy, Bình Tuy có một vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và kinh tế, là địa bàn án ngữ phía Bắc miền Đông Nam bộ, nối dài từ vùng núi cuối dãy Trường Sơn đến bờ biển Đông. Có người suy diễn tên tỉnh Bình Tuy là ghép tên tỉnh Bình Thuận và Phước Tuy bởi liên quan đến phần đất của hai tỉnh này. Thực ra tỉnh Phước Tuy (phần lớn là đất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay) được thành lập cùng lúc với tỉnh Bình Tuy, nguyên từ phủ Phước Tuy dưới thời Minh Mạng thứ 18 (1837). Như vậy cách giải thích đó không mấy thuyết phục.

Khi tỉnh Bình Tuy mới thành lập, tuy đặt tỉnh lỵ tại La Gi nhưng chính quyền lúc đó lấy địa bàn vùng núi đang còn hoang sơ để hình thành các khu dinh điền với quy mô đầu tư hạ tầng rất lớn, quy tập cư dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi… từ miền Trung đến đây lập nghiệp. Các xã Võ Đắc, Võ Xu, Sùng Nhơn (Đức Linh) và Nghị Đức, Huy Khiêm, Bắc Ruộng, Đồng Kho (Tánh Linh) ngày nay có từ thời kỳ đó. Hơn ai hết, Ngô Đình Diệm từ năm 1929 dưới triều Nguyễn được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Bình Thuận đã biết khá rõ về tiềm năng thiên nhiên của vùng đất này. Bởi trước đó, năm Tự Đức thứ 30 (1877) đã cử doanh điền sứ Nguyễn Thông đi khảo sát miền núi phía Tây Nam Bình Thuận. Qua “Nghỉ thỉnh thượng du đồn khẩn nghi sớ” càng thấy ở đây là một vùng đất trù phú, mênh mông rộng trên 3.000 mẫu, nằm cặp theo dòng sông La Ngà và các đầm, hồ lớn Biển Lạc, Đồng Kho… Đây là bản địa của người dân tộc S’tiêng, Chơ ro… cho nên các địa danh từ tiếng dân tộc chuyển sang chữ Hán Việt bị thay đổi khá nhiều. Khi mãi tìm nguồn gốc địa danh Bình Tuy thì may sao trong bài biểu về khai khẩn đồn điền, Nguyễn Thông có ghi “Thần Nguyễn Thông từ phía Tây sông La Ngư xuôi xuống bờ sông phía Bắc qua Bác Dã (Bắc Ruộng), bờ phía Nam qua cửa Biển Lạc (Lạc Dã). Mé dưới là sông La Ngà. Còn mé thượng lưu thì qua Chu Lư, Ba Kế, Côn Hiên, Đại Đồng đến sông Thang, tiếp giáp với xã Cao Cương, tổng Bình Tuy thuộc hạt bên kia” (ý nói thuộc Đồng Nai Thượng). Như vậy địa danh Bình Tuy đã là một đơn vị hành chính cấp “tổng” hồi đó. Liên hệ địa bạ tỉnh Biên Hòa, trước năm 1836, các thôn, sách Định Quát (sau là Định Quán), Cao Lang, Gia Canh, Thuận Tùng, Túc Trưng, Vĩnh An thuộc tổng Bình Tuy, huyện Phước Bình. Đến năm 1899, tổng Bình Tuy nhập vào tỉnh Đồng Nai Thượng. Điều này càng được xác lập rõ hơn ở bản đồ Province de Bình Thuận - năm 1910 (phần phía Tây Tánh Linh và Nam Đắc Lắc) có thể hiện địa danh Bình Tuy nằm bên bờ sông La Ngà thuộc tỉnh Bình Thuận. Theo Đại Nam nhất thống chí (Bình Thuận), năm Thành Thái 13 (1901) trích 2 tổng Cam Thang, Ngân Chử của huyện Tuy Lý đặt làm huyện này (tức Tánh Linh, trước đó là thôn Tấn Linh) để thuộc vào tỉnh Đồng Nai Thượng. Đến năm 1924, làng Định Quán vẫn còn thuộc tổng Bình Tuy thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng. 

Nói về tên gọi Bình Tuy đối với một vùng đất có ý nghĩa yên bình cũng phù hợp nhưng để đặt cho một tỉnh thì địa danh Bình Tuy có từ một tổng lâu đời nằm ở vị trí trung tâm tiềm năng thiên nhiên và có tầm chiến lược để phát triển là lý do để Ngô Đình Diệm chọn lựa.

Đến bây giờ vẫn còn một lớp người mang tên nơi chốn chào đời trên giấy khai sinh của mình gắn với địa danh Bình Tuy và người xa xứ ngày nào cũng còn mãi hoài niệm về Bình Tuy… một địa danh mang nhiều cung bậc trong ký ức một thời. 

PHAN CHÍNH