Wednesday, March 21, 2018

Femme Fatale (phụ nữ sát/hại phu) * hay Vợ Pháp Và Vợ Việt .
- Muốn biết kiếp trước tạo nhân gì , hãy xem kiếp này hưởng quả gì .
Muốn biết kiếp sau hưởng quả gì , hãy xem kiếp này tạo nhân gì .-- Kinh Phật .
Tôi vừa nghe 1 câu chuyện : một VK Pháp từng có vợ Pháp , có 2 con , do làm ăn khá nên có 4 nhà . Sau đó ly dị với vợ Pháp , bà này ra đi ko đòi hỏi gì hết , chỉ được quyền giữ con .
Sau đó y cặp với một phụ nữ Việt rất đẹp , từng có BA đời chồng Pháp và có 3 con ; và y phải nuôi luôn 3 đứa con của bà này . Vì từng ly dị nên y ko làm hôn thú với bà này nhưng cách đây ba năm thì kết hôn . Bà này có tật xấu là mê cờ bạc và nay thường xuyên về VN . Ông từng PHẢI BÁN 4 căn nhà ở Pháp để trả nợ của bà này và nay thuê 1 phòng bằng lương hưu .Trước đây 2 ng xài chung thẻ bằng tiền của ổng : nay muốn đóng thẻ cũng ko được vì muốn đóng thẻ phải có chữ ký của bà này . Chỉ có cách là làm thẻ khác hay xài tiền mặt .
Nhận xét : theo nhà Phật , KIẾP TRƯỚC ông này thiếu nợ hay làm khổ bả nên kiếp này bả gặp ổng để đòi nợ hay trả thù .
* Những ng đàn bà này , ai gặp họ thì ko chết cũng thân bại danh liệt .
Chuyển tiền cho các căn cứ.

Sau khi lấy được tiền Z, một khâu rất quan trọng nhưng lại đầy rủi ro là chuyển về các vùng căn cứ.

Quy ước là chỉ nhận tiền lớn và đã đóng gói, có dấu của ngân hàng để đỡ mất công đếm. Sau khi nhận, tiền được cất trong các kho phân tán tại các cơ sở rải rác khắp nội thành, do Tư Trần An sắp đặt và Dân Sanh quản lý. Cũng chính Dân Sanh là người tổ chức vận chuyển. Tiền giấy chở nhiều là rất nặng, Dân Sanh phải tổ chức một loạt đường vận chuyển hợp pháp để kết hợp chở hàng, chở khách với việc chở tiền. Đây cũng là cả một kỳ công.

Mười Phi:

"Trần An đã thiết lập những kho chứa kiên cố, bí mật để giấu tiền chờ giao, chờ chuyển, xe hơi có thể ra vào chở hàng thuận tiện. Phía Dân Sanh cũng có hệ kho của mình. Dân Sanh tổ chức thêm xe tải chở đậu vào Chợ Lớn bán rồi mua phân tro tải về Suối Sâu. Năm Đậu tải phân đồng thời tải luôn cả tiền về giao cho Ba Công để chuyển tiền về R.

Dân Sanh đã tự tạo cho mình một cơ cấu bình phong dày đặc gồm một đoàn xe tải, hai tàu đi buôn về miền Trung, làm nhiều thứ việc, phối hợp với Phương Mai, Thu Hương, Dân Cường.

Về sau C.130 đã có cả đoàn bốn mươi xe tải mua bán gạo với cao nguyên và Trung Bộ, giao tận đại lý gạo tại Buôn Ma Thuột. Nơi đó, Khu VI cử người đến nhận lại tiền, giấu trong gạo. Đồng thời có hai chiếc tàu Phương Mai và Thuận Phong mua bán bia từ Sài Gòn chở ra Huế, Đà Nẵng. Trên đường ra miền Trung, tàu dừng lại Vũng Rô (Phú Yên) ban đêm chờ bộ đội giải phóng ra khơi nhận tiền, đưa lên núi cho Khu V”

Tiền mặt các loại, chủ yếu bằng đô la Mỹ và tiền Sài Gòn, theo cả hai phương thức chi viện AM và FM cuối cùng đều được tập trung về các vùng căn cứ kháng chiến, do các cơ quan tài chính và ngân tín trực tiếp quản lý điều hành phân phối theo các nhu cầu kháng chiến.
Về việc vận chuyển tiền cho các căn cứ, một trong những người trực tiếp tham gia là bà Đỗ Thị Lệ Hồng, nay là Phó Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương tỉnh Cần Thơ, kể lại:

"Trước khi về miền Tây, tôi là lính của anh Trần Dương, tức anh Ba Thái, Ban Kinh - Tài Trung ương Cục. Tôi được phân công vào một nhóm có nhiệm vụ chuyển tiền từ Campuchia về cho các đơn vị; thuộc Trung ương Cục. Chúng tôi sắm những con thuyền có gắn máy, đóng vai đi buôn gạo, buôn trái cây dọc sông Mê Kông, vận chuyển hàng từ Phnom Penh về Nam Bộ.

Có khi một tháng một lần, khi vài tháng một lần. Bên dưới đáy thuyền có giấu tiền. Chúng tôi phải bố trí những chuyến hàng rất cẩn thận, vì đó là tài sản của Đảng, của bao nhiêu đơn vị đang cần đến nó cho công cuộc kháng chiến. Tiền chở về được đưa về những địa chỉ nhất định, có người tiếp nhận.

Tuy là lính của anh Trần Dương, nhưng trong thời kỳ chiến tranh chưa bao giờ tôi biết mặt anh. Chúng tôi đi về, gặp nhau, giao nhận tiền... thường đều bịt kín mặt, chỉ thấy con mắt. Trong hoàn cảnh ác liệt lúc đó, đảm bảo bí mật là yêu cầu tối quan trọng. Phải không ai nhận được mặt nhau, để nhỡ kẻ địch bắt được ai thì cũng không dễ lần ra đầu mối.

Trong số những anh em đến vùng căn cứ, có không ít những người hoạt động trong nội thành. Những người đó lại càng phải giữ bí mật, không ai nhận diện được. Có những trường hợp chúng tôi thậm chí không nhìn thấy người nhau, không thấy dáng đi của nhau, mỗi người một bên bức vách bằng lá, trao đổi với nhau một số điều cần thiết, để lại tài liệu, thỏa thuận những mật hiệu và những con số..., sau đó mỗi người một ngả.

Chính vì vậy kẻ địch khó có thể phát hiện và tìm ra manh mối của các cơ sở cách mạng, cả trong thành lẫn ngoài vùng căn cứ." (Bà Đỗ Thị Lệ Hồng kể chuyện với tác giả tại trụ sở của Ngân hàng Ngoại thương Cần Thơ ngày 04/07/2003.)
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #141 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:05:48 AM »

Đối với các vùng căn cứ thuộc miền núi và cao nguyên hẻo lánh mà hệ thống ngân hàng không vươn tới được, thì buộc phải dùng phương pháp thủ công như trên đã nói, tức là người mang tiền đi.

Còn đối với các vùng căn cứ gần các thị trấn hoặc thị xã, thì phương pháp chuyển ngân đã được sử dụng. Với phương pháp này, C130 bố trí các đầu mối trong thị trường tiền tệ quốc nội của Nam Việt Nam để chuyển tiền từ N.2683 tới các thị trấn, thị xã, ở đó có người của các khu căn cứ tới nhận.

Một trong những tuyến chuyển ngân quan trọng nhất là chuyển từ C130 tại Sài Gòn về các tỉnh miền Tây. Đối với miền Tây, từ sau cuộc Đồng Khởi, việc thu đảm vụ tại chỗ ngày càng eo hẹp. Quân đội đối phương lấn chiếm và quản lý rất chật chẽ các vùng nông thôn. Do đó không có khả năng tự túc về tài chính mà phải nhờ sự chi viện từ Trung ương thông qua Trung ương Cục, cụ thể là qua tuyến C.130 rót về.

Người đảm đương công việc này không phải là ai khác mà chính là thân phụ của Lữ Minh Châu, Trưởng ban N.2683.

Thân phụ Lữ Minh Châu là ông Lữ Văn Buổi, một cán bộ lão thành cách mạng hoạt động từ thời Tiền khởi nghĩa. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông đóng vai trò một doanh nhân người Hoa (gia đình ông vốn là dòng họ Minh Hương đã sinh sống ở Cà Mau từ 3-4 thế kỷ trước). Ông chuyên kinh doanh ngành xây dựng. Lĩnh vực của ông là thầu xây dựng các khu chợ thuộc các thị xã và thị trấn ở miền Tây Nam Bộ, suốt từ Sài Gòn đến Cà Mau.

Trong kinh doanh, việc nhận tiền và chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng là việc hoàn toàn thường tình. Ông có phong độ chững chạc của một doanh nhân lớn, công việc của ông lại rất rõ ràng và cụ thể, không ai có thể nghi ngờ được. Khi nhận được "chỉ thị" từ con trai, ông cho chuyển các khoản tiền của C.130 về điểm quy ước là chợ Cà Mau.

Ở Cà Mau có một cơ sở kính doanh của ông nhận khoản chuyển ngân đó. Họ rút ra thành tiền mặt. Lượng tiền mặt đó được đóng thùng như những thùng hàng bình thường rồi chuyển tới các sạp hàng ngay giữa chợ Cà Mau. Người của các Quân khu VIII, Quân khu IX nhận được mật hiệu thì đến đó để nhận "hàng".

Giữa một khu chợ sầm uất, đông đúc và ồn ào như chợ Cà Mau thì việc có người đem tới những thùng hàng nào đó và có người khác tới nhận mang đi là chuyện hoàn toàn bình thường, không ai để ý, cũng không ai có thể nghĩ được rằng việc chuyển giao những khối tiền lớn cho các căn cứ kháng chiến lại được thực hiện ở đây.

Từ đó cho tới ngày giải phóng miền Nam, tuyến đường chuyển ngân qua tay ông Lữ Văn Buổi là tuyến đường quan trọng nhất, là nguồn dinh dưỡng tài chính cơ bản cho toàn miền Tây Nam Bộ.

Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Lữ Văn Buổi đã trút bỏ cái "phần đời" của một nhà thầu khoán, đồng thời cũng thôi công tác cách mạng, sống cuộc đời thanh bạch của một chiến sĩ cách mạng lão thành trong lĩnh vực tài chính của miền Nam.
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #142 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:06:49 AM »

Chi trả:

Sau khi đã nhận và đưa tiền về các khu căn cứ, thì nhiệm vụ tiếp theo là của B.29. Lữ Minh Châu báo bằng mật mã ra Hà Nội cho Nhật Hồng để lo toan việc thanh toán cho đối tác, bằng cách chuyển tiền tới tài khoản của họ ở nước ngoài .

Mười Phi :

"Vì vậy trong lòng của hệ thống Ngân hàng Trung ương Hà Nội có một bộ phận cơ mật đặc biệt chuyên trách, vừa phối hợp với những đầu cầu mối quan hệ đặt ở nước ngoài, ví dụ như tại Hong Kong, tại Paris, Lon don, vừa phối hợp với chúng tôi..."

Lữ Minh Châu:

"Phải làm rất nhiều việc khá phức tạp để đảm bảo ăn khớp và an toàn, nhất là phải phối hợp với B.29 xây dựng và thực hiện các loại quy ước và mật mã để hợp đồng thực hiện..."

Nguyễn Nhật Hồng:

"FM xuất phát từ ý muốn của ta: thương nhân cung ứng đồng Sài Gòn (Z) trước và chịu nhận trả ngoại tệ sau ở nước ngoài. Đây giống như một kiểu "đào hối", có lợi cho phía Giải phóng và tất nhiên đảm bảo lợi ích thiết thực của thương nhân làm ăn với ta.

Nghiệp vụ ngân hàng ở đây là sự chuyển tiền bằng điện hối hoặc chuyển tiền bằng séc cầm tay. Nhưng đặc biệt ở chỗ đây là một kiểu thanh toán tay ba. Quỹ đặc biệt B.29 Hà Nội chuyển trả tiền thay cho chiến trường nhận tiền Z. Thời gian và không gian khác nhau.

Chuyển tiền bằng điện hối: B.29 giữ vai trò "Ngân hàng chuyển tiền”, Khách hàng yêu cầu chuyển tiền là Ban Tài chính đặc biệt N.2683, cũng tức là người mua hàng. Người nhận tiền ở nước ngoài là cơ sở đại diện của người đã cung cấp tiền Sài Gòn. Ngân hàng thực hiện chuyển tiền trả là nơi giữ tài khoán cho B.29 tại hải ngoại.

Tất cả đều quy ước trước: Loại tiền và số tiền đều mã hóa theo những yếu tố quy ước... Chẳng hạn, tại Hong Kong, BOC Hong Kong chọn giúp hai cơ sở ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ giữ tài khoản và trả tiền theo điện hối và séc từ Việt Nam phát hành. Theo quy ước cơ sở này gọi là Anh Bảo, còn đồng đô la Mỹ quy ước là X19...

Chuyển trả tiền bằng séc cầm tay. B.29 thông qua cơ sở trả tiền ở nước ngoài là ngân hàng giữ tài khoản, thực hiện trả tiền cho người cầm séc. Bộ phận N.2683 tại Sài Gòn là người ký phát séc. Người cầm séc là nhà cung cấp vật tư và hàng hóa cho vùng giải phóng, cũng là người hưởng séc. Nội dung của tờ séc là để trả tiền, nhưng quy ước lại là "một tờ lịch" của bất cứ một ngày nào đó đã qua. Những yếu tố ngày, tháng, năm trên tờ lịch cùng những yếu tố về số tiền, loại tiền, địa điểm trả tiền... đều được mã hóa theo quy ước, chính là "số máy điện thoại" được ghi trên tờ lịch. Tờ lịch cũ như tờ giấy lộn, nhưng lại là một tờ séc chuyển tiền cầm tay vô danh của FM. Nếu người cầm tờ séc này bị địch bắt, thì hình thức tờ lịch không nói lên điều gì.

Nội dung là chuyển tiền bằng điện hối, séc. Nhưng sự thể hiện trên giấy trắng mực đen thì không ai biết đó là cái gì cả! Tất cả đều đã được quy ước. Lộ một khâu nào trong dây chuyền là xem như hết! Rất may là ta đã làm việc trót lọt đến tận ngày 30/04/75. Theo tổng kết, FM chiếm đến 1/3 tổng kim ngạch chi viện.". (Phỏng vấn ông Nguyễn Nhật Hồng tại nhà riêng, thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/8/2002)
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #143 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:07:30 AM »

Trong thanh toán quốc tế, tức là chi trả cho những doanh nhân ở Sài Gòn đã giao tiền Z cho C.130 và tiền lót đường cho các sĩ quan quân đội Campuchia, phía C.130 và B.29 có trách nhiệm chi trả bằng ngoại tệ nhưng không phải trả trực tiếp, mà trả vào các tài khoản do họ quy định ở các ngân hàng nước ngoài.

Như vậy phải có những cơ sở ngân hàng nước ngoài tại các trung tâm giao dịch liên quan đến hệ thống thanh toán này, chủ yếu là Hong Kong, Bắc Kinh, Paris, London.

Ở Hong Kong, như trên đã nói, đã có Ngân hàng BOC. ở London và Paris thì Liên Xô đã giúp Việt Nam bằng cách cho sử dụng các chi nhánh ngân hàng quốc gia Liên Xô tại Paris là Eurobank và tại London là Narodnybank. Các Ngân hàng này đã đứng ra nhận các khoản tiền của BOC gửi sang (theo lệnh của B.29). Các ngân hàng đó cũng nhận các khoản tiền giúp đỡ của bà con Việt kiều. Sau đó, cũng theo lệnh của B.29, các ngân hàng này chuyển tiền chi trả vào tài khoản của các khách hàng như đã nói ở trên.

Ông Nguyễn Nhật Hồng, phụ trách B.29 giải thích về cơ chế này:

"Địa bàn quốc tế của B.29 đã lồng vào địa bàn quan hệ thanh toán của Ngân hàng Ngoại thương, tại thị trường tư bản có Paris, Hong Kong, London, Rome, Bruxelles, Tokyo, Stockholme, Zurich, Bangkok, Vientiane,  Phnom Penh. Tại thị trường xã hội chủ nghĩa có Moskva, Berlin, Bắc Kinh, Quảng Châu.

Tại đây, các ngân hàng là đại lý của Ngân hàng Ngoại thương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tài khoản tiền gửi ngoại tệ tự do chuyển đổi với kim ngạch rất lớn, chủ yếu là vốn của B.29 dự trữ để thực hiện thanh toán đặc biệt và kinh doanh ngoại hối. Có một số ngân hàng tại các nước tư bản biết rõ nghiệp vụ này là góp phần chuyển viện trợ quốc tế cho miền Nam chống Mỹ nhưng họ đã tự giác bảo mật chuyện đó.”

Trong công việc thầm lặng và công phu này, phải nhắc đến công lao to lớn của một người cộng sản Pháp tên là Charles Hilsum, ông làm Giám đốc của Eurobank ở Paris từ 1946 đến 1965. Chính ông là người đã thiết kế những đường dây này và nối nó với những hệ thống ngân hàng ở Lon don và các ngân hàng khác.

Ông đã trực tiếp sang Việt Nam những năm đầu thập kỷ 60 để hướng dẫn các cán bộ thuộc B.29 về những thủ tục thanh toán quốc tế trong hệ thống ngân hàng thế giới, mà lúc đó Ngân hàng Việt Nam còn ít nhiều ấu trĩ. Đặc biệt, ông cũng cung cấp nhiều kinh nghiệm về những biện pháp tránh rủi ro trước hệ thống giám sát của các ngân hàng Mỹ.
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #144 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:08:35 AM »

5. Tiếp nhận và phân phối 

Tại B.2 và các địa bàn khác do Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo, có đơn vị kho quỹ là C 32 trực thuộc Ban Kinh - Tài (BS.107) của Trung ương Cục miền Nam. Đó là đầu mối, là tổng quỹ tiếp nhận các nguồn tiền mặt từ Trung ương phân bổ vào theo AM và do N.2683 cung cấp theo FM.

Ông Nguyễn Thành Nguyên, người phụ trách kế toán của C.32:

"Tôi là Trưởng Kế toán và quản lý kho bạc, ký hiệu đơn vị tôi là BL/C32/BSL07. Anh Hai Cảnh phụ trách kho quỹ. Tôi được phân công theo dõi toàn bộ khoản tiền Trung ương chi cho B qua 2 con đường. Tiền đô la được Trung ương chuyển theo đường bộ qua đường dây của Đoàn 559 (Trường Sơn) vào thẳng đến C.32. Tiền ngụy Sài Gòn, riel Campuchia, tiền kip Lào được giao chuyển từ nhiều con đường đến C.32...

Số cán bộ của C.32 lo chế biến có các anh Lý Hồng, Thanh Châu, anh Giàu, anh Năm Hải, anh Ba Hài. Các anh này là cán bộ phụ trách, mỗi chốt đều có thêm một số đồng chí khác cùng làm việc...

Mỗi lần Trung ương có gửi tiền mặt đô la hoặc có chuyển khoản đô la đều có điện báo vào C.32, tôi đều vào sổ để đối chiếu số liệu với các bộ phận liên quan.

Hàng tháng, quý, năm, kế toán chúng tôi đều có lập báo cáo viết và bảng cân đối kế toán nộp lên Ban Kinh - Tài. Ông Trần Dương là Phó ban, ông Hai Xô, Thường vụ Trung ương Cục, là Trưởng ban. Ký hiệu Ban Kinh - Tài Miền là BSL07."

Phạm Bạn, thượng tá an ninh, nguyên chiến sĩ cận vệ Trung ương Cục miền Nam:

"Một hôm, ông Hai Xô cho gọi năm anh em bảo vệ (trong đó có tôi) đến giao nhiệm vụ, ông nói đại ý, hiện có một số hàng cần bảo quản giữ gìn, đây là bí mật quốc gia, các chú phải coi trọng và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho dù phải hy sinh cả tính mạng mình”.
Không có các thủ tục xuất, nhập, giấy tờ, biên bản. Chúng tôi chỉ biết đào hầm bí mật chắc chắn để chứa những hòm sắt dài độ 50 cm dày khoảng 20 cm, nặng chừng 12 kg, trong ruột có một hộp gắn thiếc nặng chừng 3 kg. Bình thường các hộp đó để trong hầm, được canh gác nghiêm mật ngày đêm. Khi có động thì anh em tháo bỏ vỏ, cho các hộp vào ba lô con cóc, mỗi người mang bốn hộp bí mật chuyển cất giấu ở các cứ dự phòng.

Chúng tôi làm công việc thầm lặng này một cách tự giác và nghiêm mật, tôi cảm thấy ngoài ông Hai Già (tức ông Hai Xô) và Ba Thái thì không còn ai biết "kho báu" cất giấu ở chỗ nào...

Vào một buổi chiều mùa khô năm 1972, hàng chục trực thăng quần đả và đổ bộ xuống trảg; sát cứ Kinh - Tài Miền. Nguy cơ bị chụp chỉ còn trong gang tấc. Anh em cảnh vệ đã tính đế phả mở đường máu để cứu nguy thủ trưởng, hoặc chiến đấu đến người cuối cùng để bảo vệ "kho báu". Song chính lúc đó, nhờ sự bình tĩnh và dày dạn kinh nghiệm chiến trường của ông Hai, chúng tôi đã giữ bí mật lực lượng cho đến khi màn đêm sập xuống, bọn địch không dám nống ra. Thời cơ ấy cho chúng tôi cắt rừng chuyển cứ suốt đêm, đảm bảo người và tài sản an toàn đến nơi ở mới.

Sau này, giải phóng miền Nam, chúng tôi mới được biết mình đã từng bảo vệ "kho bạc" có đến hàng triệu đô la trong bom đạn không hề suy suyển một xu. Trong số năm người thì bốn người đã qua đời vì chất độc màu da cam và các cơn bệnh hiểm nghèo, nay chỉ còn lại mình tôi. Còn ông Hai Già - người thủ trưởng năm xưa của chúng tôi thì nay đã ở tuổi 91..." (Phạm Bạn. Chuyện ông Hai Già và "kho bạc" ở chiến trường miền Nam. Tạp chí Ngân hàng, số đặc biệt năm 2001, tr.73. Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Nxb Chính tri Quốc gia, 2003, tr.132)
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #145 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:09:11 AM »

Trong hệ thống phân phối tiền từ Trung ương Cục tới các phân khu, có hệ thống các kho quỹ của khu và tỉnh. Nói đến chữ kho, người ta thường hình dung ra những ngôi nhà kín cổng cao tường, với những két sắt kiên cố... Nhưng cái gọi là Kho của các khu và các tỉnh thời kỳ này thực ra chỉ là một chiếc hòm sắt.

Bà Đỗ Thi Lệ Hồng (đã kể ở trên) sau khi làm công tác vận chuyển tiền, năm 1970 đã được phân công phụ trách kho quỹ của Khu IX, bà kể

"Cơ ngơi kho quỹ của tôi chỉ là một chiếc bàn nhỏ và một chiếc hòm sắt vốn là thùng đựng đạn đại bác, có nắp kín, không thấm nước. Tiền để trong đó. Công việc tôi được giao là cấp phát tiền theo lệnh của khu cho các đơn vị. Tiền đó chủ yếu là để chi tiêu cho các đơn vị như mua sắm, trả tiền thuê mướn, vận chuyển. Còn tiền lương thì tất cả miền Tây lúc đó không có, chỉ có sinh hoạt phí.

Mức sinh hoạt phí của mọi người như nhau. Bản thân tôi cũng như tất cả các đồng chí khác, từ lãnh đạo khu cho tới nhân viên, đều được hưởng một khoản sinh hoạt phí mà tôi không nhớ là bao nhiêu, chỉ nhớ rằng tính ra thì khoản sinh hoạt phí hàng tháng chỉ mua được một ống kem đánh răng và một chiếc bàn chải.

Còn cái "kho" của tôi thì thường xuyên phải dìm xuống sình (bùn) ba đến bốn lần một ngày. Mỗi lần có máy bay, có đại bác bắn thì người phải chui vào hầm, "kho" thì dìm xuống sình để nếu lính càn tới không tìm thấy tiền, bom đạn bắn phá thì cũng không bị hư nát. Khi có người đến lãnh tiền, giao tiền lại phải kéo chiếc "kho" đó lên. Kéo lên xong thì rửa tay cho sạch. Làm xong công việc, lại đưa kho xuống sình. Tay tôi vì thế suốt ngày lấm lem vì sình..."

Tại chiến trường Liên khu V, nguồn tiền Trung ương đưa vào được Ngân tín Khu V, thuộc Ban Tài-mậu Liên Khu ủy, tiếp nhận, quản lý và phân phối. Nếu phải chế biến từ đô la Mỹ ra tiền Sài Gòn, thì ngân tín các tỉnh được giao trách nhiệm thực hiện chế biến phân tán lẻ, theo sự chỉ đạo về số lượng và tỷ giá tối thiểu của Tài-mậu Khu ủy V ...

Ông Võ Văn Kiểu, người phụ trách Ngân tín Bình Định:

"Năm 1968 tôi được Ngân hàng Trung ương cử đi B1, phụ trách Trưởng Tiểu ban Ngân tín, trực thuộc Ban Tài-mậu Tỉnh ủy Bình Định Nguồn tiền mặt đô la Mỹ, Trung ương giao cho Khu, Khu giao cho Tỉnh quản lý và chế biến. Số lượng đô la cần chế biến ra tiền Sài Gòn cũng như tỷ giá tối thiểu giữa đô la và tiền Z đều do Khu ủy chỉ đạo. Người trực tiếp phụ trách là ông Tám Tú, tức đồng chí Nguyễn Quang Lâm, Thường vụ Khu uỷ V phụ trách Tài-mậu.

Tiền đô la từ căn cứ chiến khu cần chuyên tới vùng ven thành phố Quy Nhơn, do cán bộ ngân tín phụ trách. Còn các cán bộ hoạt động "hợp pháp" trong thành phố thì liên hệ với các cơ sở thương nhân để đặt yêu cầu, xác định số lượng và tỷ giá. Nguyên tắc là "tiền trao cháo múc”. Lấy "Núi Bà" vùng ven chiến khu làm nơi giao nhận tiền.

Từ đây, tiền Sài Gòn tiếp tục do các cán bộ ngân tín đưa về căn cứ các nơi theo chỉ đạo của Tỉnh và Khu ủy. Trong những cán bộ Ngân tín làm nhiệm vụ này, hiện ở Bình Định còn nhiều người đang công tác tại các ngành. Như anh Thao, Giám đốc Vietcombank Quy Nhơn hiện thời, đã từng làm nhiệm vụ trên, khi đó anh Thao mới 17, 18 tuổi..." (Võ Văn Kiều. Trả lời phỏng vấn của Ban biên soạn, tại trụ sở Vietcombank Quy Nhơn)
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #146 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:10:23 AM »

6. Quyết toán 10 năm 

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc với thắng lợi trọn vẹn. Quỹ Ngoại tệ đặc biệt cùng với B.29 và guồng máy kinh tài của Đảng ở khắp các chiến trường miền Nam chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của mình. Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, những người đã làm việc âm thầm bao năm trong guồng máy này đã tiến hành việc "quyết toán", đúng với nghiệp vụ ngân hàng...


Các chiến trường đã tiến hành đối chiếu các số liệu về tiếp nhận viện trợ của Trung ương bằng ngoại tệ qua Quỹ đặc biệt suốt những năm chống Mỹ đến 30/04/1975. Trên cơ sở đó, đôn đốc chuyển nộp lại số tiền mặt ngoại tệ chưa sử dụng đến để thống nhất và tập trung sử dụng theo yêu cầu của tình hình mới sau chiến tranh.

Dưới đây là nội dung bản Báo cáo Quyết toán, do ông Mai Hữu Ích thực hiện:

"Kết quả nhận viện trợ của tổ chức, của nhân dân và các tổ chức quốc tế và kết quả chi viện cho các chiến trường từ năm 1964 đến 1975 như sau:

"a/ Trong phần viện trợ bằng ngoại tệ tự do cho miền Nam, sung vào quỹ ngoại tệ đặc biệt, điểm 1 phần thu, ghi là của Tổ chức X từ 1964 đến 1975 số ngoại tệ lên đến 626.042.653,52 USD, chính đó là sự ủng hộ của Trung Quốc.

b/ Chính phủ Cuba có ủng hộ bằng 200.000 tấn đường, rải làm 4 đợt trong 4 năm từ 1967 đến 1970. Ban bán thu ngoại tệ được 3.824.349 bảng Anh, quy ra đô la Mỹ vào Quỹ Ngoại tệ đặc biệt là 9.131.280 USD.

c/ Chính phủ Nam Tư ủng hộ cho miền Nam là 1.200.000 USD (một đợt năm 1970: 200.000 USD, một đợt năm 1973: 1.000.000 USD).

d/ Việt kiều Thái Lan ủng hộ trong các năm 1971, 1972, 1974 (do Văn phòng Trung ương Đảng nhận và chuyển vào Quỹ) là 4.348.083 USD.

e/ Một nhân sĩ quốc tế ủng hộ miền Nam bị bão lụt trong hai năm 1970 và 1971 số tiền là 2.021.616 USD

Đến cuối năm 1975 tồn quỹ đặc biệt là:

(678.701.847,36 - 529.270.079,98) = 149.431.767,38 USD". (Mai Hữu Ích. Báo cáo tổng kết công tác ngoại tệ đặc biệt từ 1964-1975. Lưu trữ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.)

Bảng quyết toán trên cũng khớp với lời kể của ông Nguyễn Nhật Hồng, người trực tiếp phụ trách B.29:

“Từ 1965 đến 1975, B.29 đã tiếp nhận sáu trăm bảy mươi tám triệu bảy trăm ngàn đô la Mỹ (số tròn), trong đó hơn sáu trăm hai sáu triệu đô la là tiền viện trợ đặc biệt, hơn hai mươi bốn triệu đô la là tiền của các tổ chức và nhân dân quốc tế ủng hộ, gần 21 triệu đô la là tiền lãi kinh doanh chuyển đổi và gửi ngoại tệ ở nước ngoài, gần bảy triệu rưỡi đô la là lãi từ tiền dự trữ của chiến trường sau giải phóng...”
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #147 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:11:12 AM »

Đến khi chiến tranh kết thúc, bản kết toán sau đây cho thấy những số liệu về tồn quỹ từ các dạng khác nhau và các nguồn khác nhau:

“Tồn quỹ dự trữ đặc biệt do B.29 điều hành đến cuối năm 1975: 149. 431.767,38 USD

Tồn quỹ ngoại tệ từ các chiến trường nộp về (B.2 và K.5 thực hiện hết sức nghiêm chỉnh): 53.803.36 USD

Tổng cục Hậu cần quân đội giao lại 508.673,29 USD

B.29 tiếp tục điều hành quản lý tác nghiệp quỹ đặc biệt, thu lãi tiền gửi ở nước ngoài, và cả tiền gửi tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam: 14.730.374,94 USD

Tổng cộng quyết toán thu 218.474.176,61 USD

Nhìn lại toàn bộ cuộc vận hành của khối lượng tiền kể trên, bằng cả AM và FM, rõ ràng rằng đã có cả một guồng máy tuyệt vời, được thực hiện bởi một đội quân đông đảo gồm những chiến sĩ thầm lặng ở B.29, N.2683, ở khu căn cứ, trên những tuyến đường máu lửa của Đoàn 559, Đoàn 759, và cả những người thầm lặng hoạt động ở hải ngoại...

Đó chính là một binh chủng không thể thiếu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Để thực hiện nhiệm vụ này, không những chỉ có tấm lòng và của cải của nước bạn, của các nhà hảo tâm mà còn có cả tài năng, ý chí và lòng trung thành tuyệt đối của họ.

Cuối cùng, cũng đáng nêu lên một tình tiết là: Nếu phía Mỹ đã biết nhiều hoặc ít về những con đường mòn trên bộ, trên biển và đã tính đến chuyện đối phó, thì về con đường chuyển ngân này cả Mỹ lẫn Chính quyền Sài Gòn hầu như không biết gì.

Tác giả đã nhờ tìm hiểu các tài liệu đã được giải mật của quân đội và tình báo Mỹ liên quan đến chuyện này, thì được biết: Thời đó tình báo Mỹ không những không biết, mà lại đoán định rất sai về những hoạt động tài chính của Trung ương Cục.

Thí dụ: Trong cuộc giao ban hằng tuần vào chiều thứ Bảy, ngày 13/12/1971 tại phòng họp của tướng Abrams - Tổng Chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam (đã được ghi âm lại và nay đã giải mật), một nhân viên tình báo của CIA tên là James Graham đã báo cáo rằng:

"Có một kế hoạch của Liên Xô viện trợ vàng cho Việt Nam, với mức 9 tấn mỗi năm. Việt Nam tìm cách bán số vàng đó tại thị trường London để lấy ngoại tệ mang qua Campuchia mua các hàng hóa cần thiết rồi chuyển ra đường C-4 vào B-2. Việc mua bán này được thực hiện qua một môi giới là viên trung tá quân đội Hoàng gia Campuchia lúc đó tên là Um Savuôt."

Như vậy là tìm yếu tố thì họ có thể có, và cũng chỉ một vài thôi. Nhưng nội dung, ý nghĩ và mối liên hệ giữa các yếu tố đó thì Mỹ đã hiểu hoàn toàn sai: Việc một thương gia người Hoa nhập vàng về bán tại Sài Gòn là chuyện kinh doanh bình thường đã được hiểu là Liên Xô viện trợ vàng cho Việt Nam.

Chuyện Ngân hàng Narodnybank của Liên Xô ở London giúp Việt Nam trong việc thanh toán cho các "khách hàng" lại được hiểu là Việt Nam đem bán vàng ở thị trường London để lấy ngoại tệ trong khi thực ra thì ở London, Việt Nam đã có ngoại tệ rồi, chỉ cần nhờ các tay buôn vàng chuyển ngoại tệ đó ra tiền Sài Gòn (Z) và tiền riel (R) và nhờ các ngân hàng Liên Xô đứng ra thanh toán giúp thôi ...

Trung tá Um Savuôt là nhân vật có thật, nhưng không phải là người môi giới trong việc chuyển vàng của Liên Xô ra hàng hóa, mà là môi giới trong việc nhận tiền lót đường cho các xe chở vũ khí từ cảng Sihanoukville về khu giải phóng...
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #148 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:12:15 AM »

Thay cho lời kết sau khi trình bày về 5 tuyến đường khác nhau mà miền Bắc sử dụng để chi viện cho miền Nam, người viết e ngại rằng những trình bày đó có thể làm cho một số bạn đọc có hai sự ngộ nhận, và cùng với nó sẽ là hai câu hỏi:

Thứ nhất, những kỳ công và những thắng lợi của những con đường này là do tài năng tổ chức, lòng yêu nước, ý chí, tinh thần hy sinh, trí thông minh, sự gan dạ... của các chiến sĩ cách mạng? Mặt khác còn có thể là do sự dại khờ, kém cỏi của đối phương?

Thứ hai, hình như chỉ có miền Bắc mới thâm nhập miền Nam, còn miền Nam phải thụ động ngăn chặn, chống đỡ? Chống đỡ không nổi vì sức ép của các tuyến xâm nhập từ Bắc vào Nam là quá mạnh mà đường biên giới cả trên biển lẫn đất liền lại quá dài và quá hiểm trở?

Xin thử bàn về cả hai câu hỏi đó:

Về câu hỏi thứ nhất.

Chắc chắn là phần lớn những nhà nghiên cứu của bên này và bên kia đều nhìn nhận rằng phía quân đội Giải phóng có thể thua kém đối phương về nhiều mặt, nhưng hơn hẳn về ý chí. Điều đó đúng.

Không có ý chí thì không thể vượt qua những trở ngại mà theo tính toán thông thường của quân sự là không sao vượt qua được.

Không có ý chí thì không thể nảy sinh được vô vàn những sáng kiến, những giải pháp mà theo tính toán thông thường là không thể có.

Không có ý chí thì không thể chịu đựng được những khó khăn, gian khổ vất vả hiểm nghèo mà theo công thức thông thường về sinh học thì sức người không chịu đựng nổi.

Về điều này thì Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong cuốn sách tổng kết chiến tranh Real War đã xác nhận, ông đã dẫn công thức của những nhà quân sự đại tài trên thế giới để chứng minh điều này:

Napoleon nói:

"Trong chiến tranh, tinh thần so với vật chất là 3 so với 1" (à la guèrre, le moral est au materiel ce qu’est trois a un).

Sir Robert Thompson - là người đã giúp chiến thắng quân Cộng sản ở Mã Lai và sau đó sang giúp miền Nam Việt Nam - đã từng nói:

"Sức mạnh của một quốc gia bằng nhân lực cộng với của cải nhân với ý chí" (La puissance nationale égale la main d’oeuvre plus les ressourses physiques appliquées multipliées par la volonté).

Công thức của ông là:

“Sức mạnh quốc gia = (Nhân lực + Của cải vật chất) x Ý chí.”

Và Nixon kết luận:

"Nếu ý chí là số không, thì tất cả sức mạnh của con người và của cải vật chất cũng sẽ là số không."

Tuy nhiên, trong chiến tranh Việt Nam thì sự tổng kết này vẫn chưa thể coi là đủ. 
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #149 vào lúc: 15 Tháng Một, 2010, 08:12:54 AM »

Trong mọi cuộc chiến tranh, tài năng của những người chỉ huy, ý chí và tinh thần của các chiến sĩ, sự hơn kém về vũ khí là những yếu tố vô cùng quan trọng. Nhưng trên chiến trường Việt Nam, trong chiến tranh Việt Nam, thời nào cũng vậy, luôn luôn có một yếu tố nữa vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định cán cân lực lượng: Đó là Dân.

Xin thử giả định: Giả sử như miền Bắc và quân đội Giải phóng mạnh mẽ, tài giỏi, có ý chí kiên cường như thế và hơn thế nữa, nhưng không được dân ủng hộ, không dựa được vào dân, thì có tạo nên được những kỳ tích kể trên hay không? Chắc chắn là không.

Tất cả những hoạt động trên biển, trên bộ, trên không... đều phải dựa vào một sức mạnh mà đối phương không thể nào chống đờ nổi, đó là sự bao bọc của dân. Dân cho những đoàn quân cái ăn, cái ở. Dân giúp mở ra những bến bãi. Dân làm bình phong để các chiến sĩ "tàng hình" trong đó mà đi qua mọi hệ thống kiểm soát của đối phương. Dân còn trực tiếp tham gia vào sự nghiệp này. Dân gùi thồ vũ khí qua rừng, qua núi. Dân trực tiếp chèo thuyền chuyên chở vũ khí. Dân trực tiếp cất giấu vũ khí trong nhà. Dân chính là biển cả mà đối phương không thể nào tát cạn được. Đó chính là môi trường sống, là sức mạnh quyết định của toàn bộ sự nghiệp kháng chiến.

Trong dịp dự một cuộc hội thảo mới đây về chiến tranh Việt Nam, tác giả đã được gặp và trao đổi với hai nhân vật đã từng trực tiếp tham gia cuộc chiến ở miền Nam từ đầu đến cuối và cũng có tầm cao để nhận định tổng quát những yếu tố quyết định trong cuộc chiến tranh này. Đó là ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ tướng Chính phủ, ủy viên Bộ Chính trị, thời chiến tranh đã từng nhiều lần là Bí thư Khu ủy miền Tây, Bí thư Khu ủy Sài Gòn Gia Định, ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam và Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người mà suốt trong thời kỳ chiến tranh đã trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, để từ cấp sĩ quan trung cấp lên tới Tư lệnh Quân khu.

Đại tướng Phạm Văn Trà nói :

"Không nên đánh giá thấp quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn. Tôi là người trực tiếp đối diện với những quân đội đó. Tôi thấy họ không chỉ mạnh về vũ khí, mà còn mạnh về tổ chức chiến tranh, về kỹ thuật tác chiến và không kém cỏi về tinh thần chiến đấu. Nếu chỉ đơn giản so sánh lực lượng hai bên thì chúng ta kém họ. Vì thế chúng tôi ít khi chủ trương đánh trực diện, mà phải đánh vào chỗ bất ngờ, đánh vào chỗ yếu.

Sở dĩ cuối cùng chúng ta chiến thắng thì ngoài yếu tố vũ khí, yếu tố tinh thần, phải kể tới một yếu tố có tính chất quyết định đó là Dân. Không có dân chúng tôi không có sức để chiến đấu, không có chỗ đứng để chiến đấu, không có cái gì để ăn, để sống mà chiến đấu, không có nơi che chở đùm bọc mà chiến đấu. Dân mình đối với cách mạng, đối với cuộc kháng chiến là tốt vô cùng. Không có yếu tố đó không có chiến thắng. Đối phương không thắng được chúng ta chính là vì chúng ta có dân."

Võ Văn Kiệt nói:

"Suy cho đến cùng, có dân sẽ có tất. Ai mất dân sẽ mất tất." (Tọa đàm với các ông Võ Văn Kiệt và Phạm Văn Trà tại Nhà khách Tỉnh uỷ tỉnh Hậu Giang)

Thiết nghĩ nhận định của hai nhân vật kể trên có thể giúp chúng ta thay đổi lại cách nhìn về nguyên nhân của sự thành bại trong chiến tranh Việt Nam mà đối với con đường Hồ Chí Minh thì mọi thành quả và ý nghĩa của nó cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Từ năm 1959, cục diện miền Nam đi theo chiều hướng mới: tiến công cách mạng. Nhiều vùng căn cứ đã hình thành. Nhiều tổ chức quần chúng, nhiều đơn vị bộ đội, nhiều cơ quan của Xứ ủy, của các khu, các tỉnh phải triển khai hoạt động trong tình hình mới.

Mười Phi:

"Đặc điểm của nền kinh tế vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát là thị trường tự do, hàng hóa dồi dào, hoàn toàn có khả năng giải quyết "hậu cần tại chỗ". Chỉ còn một vấn đề là: Có tiền." (Mười Phi. Góp ý cho Lịch sử Kinh tế Việt Nam, sđd.)

Đến lúc này thì tài chính là vấn đề nóng bỏng. Không có tiền thì không thể triển khai các hoạt động đó. Tiền đô la và tiền Sài Gòn chi viện cho miền Nam trở thành một yêu cầu khẩn cấp, có ý nghĩa sống còn.

Muốn tăng cường chi viện cho miền Nam bằng ngoại tệ mạnh thì phải có nguồn thu. Nhưng thu về xuất khẩu và dịch vụ đối ngoại cũng như thu kiều hối tại miền Bắc lúc đó còn rất eo hẹp, không đủ trang trải cho nhập khẩu và các nhu cầu chi phí đối ngoại khác. Cục Ngoại hối phải gánh trách nhiệm lo toan ngoại tệ cho miền Nam: vận động bạn bè quốc tế, kể cả đặt vấn đề đàm phán với chính phủ các nước bạn, để có viện trợ bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, lấy tiền đó đổi ra tiền Sài Gòn (gọi là "chế biến"). Đó là ngân khoản chi viện dành riêng cho kháng chiến ở miền Nam.

Trong 6 năm (1960-1965), Trung ương đã chi viện cho miền Nam 1.104 triệu đồng tiền Sài Gòn, tương đương với 18,4 triệu đô la, chiếm 34,8 % tổng thu của ngân sách miền trong các năm đó. (Năm 1960, Trung ương chi viện cho miền Nam là 14 triệu đồng tiền Sài Gòn, tương đương 233.000 đô la, chiếm 18% tổng số thu ngân sách miền. Đến năm 1965 thì số chi viện của Trung ương tăng lên tới 655 triệu, tương đương với gần 11 triệu đô la, chiếm 44% tổng số thu ngân sách miền. Lịch sử Tài chính Việt Nam, tập 2, Hà Nội, 1995, sđd, 330-331)

Tổng thu của ngân sách miền cũng tăng lên từ 1.494 triệu đồng tiền Sài Gòn năm 1965 đã tăng lên 5.827 triệu năm 1968, tương đương 582.700 tấn thóc. Phần chi viện của Trung ương năm 1968 cho miền Nam (chưa kể Khu V) đã lên tới 30 triệu đô la, bằng 272% số tiền Trung ương chi viện năm 1965 (11 triệu đô la) và gấp trên 128 lần số Trung ương chi viện năm 1960 .

Sau năm 169, vùng giải phóng bị thu hẹp, biên giới Việt Nam - Campuchia lại liên tục bị càn quét. Nguồn thu tại chỗ không đủ bảo đảm chi tiêu. Trước đó, các tỉnh Nam Bộ chẳng những thu đủ chỉ mà còn nộp về miền hàng trăm triệu, giờ đây cũng chỉ đủ đảm bảo cung cấp với mức thấp nhất cho nhu cầu địa phương. Nguồn thu nhập chủ yếu của ngân sách miền lúc đó là số chi viện của Trung ương.

Từ giữa thập kỷ 60, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc. Từ đây, việc đưa viện trợ vật chất vào Nam, cả bằng đường Trường Sơn lẫn đường biển đều khó khăn hơn trước. Bộ Chính trị đã giao cho ông Phạm Hùng, ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách vấn đề chi viện miền Nam. Đến năm 1 965, ông Phạm Hùng đã đề xuất với Bộ Chính tri một quyết định có ý nghĩa lịch sử: Lập riêng tại miền Bắc một "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt", lấy từ các nguồn viện trợ quốc tế để trực tiếp chi viện cho miền Nam.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Một, 2010, 01:50:43 PM gửi bởi macbupda » Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #131 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 10:44:00 PM »

2. "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" - B.29 

Về hình thức hoạt động công khai chính diện, "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" có danh nghĩa Cục Ngoại hối của Ngân hàng Quốc gia Việt Nam để khi cần thiết có thể làm các thủ tục hợp pháp. Còn về điều hành, nó không phải là một đơn vị trong Ngân hàng Quốc gia. Để đảm bảo tuyệt đối bí mật và an toàn, Quỹ này chịu sự chỉ đạo đơn tuyến. Nét độc đáo trong cách tổ chức này là: Lấy cái công khai làm bình phong cho cái bí mật, mọi hoạt động của cái bí mật đều lấy danh nghĩa của cái công khai.

Như vậy, trong thực tế B.29 tồn tại và hoạt động như một "Ngân hàng Ngoại hối đặc biệt", phục vụ riêng cho việc chi viện chiến trường bằng ngoại tệ.

Biên chế của B.29 trong thời gian 10 năm (1965- 1975) là trên mười người. Người trực tiếp điều hành hoạt động của B.29 là ông Mai Hữu Ích, lúc đó là Phó Cục trưởng Cục Ngoại hối, đồng thời là ủy viên Ban Viện trợ miền Nam.

Ông Mai Hữu Ích:

" Về chức năng, nhiệm vụ của "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt": Theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 1965, Ngân hàng nhà nước đã thành lập tại Cục Ngoại hối - Vietcombank - một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ  thanh toán đặc biệt với danh nghĩa là Phòng B.29 hay là Quỹ đặc biệt với biên chế mười cán bộ có nhiệm vụ chính trị và chuyên môn là:

1/ Tập trung các nguồn vốn ngoại tệ về viện trợ và ủng hộ cho miền Nam vào "Quỹ đặc biệt".

2/ Nắm vững tính chất từng nguồn vồn đó để xây dựng phương án chi viện cho các chiến trường, đệ trình Trung ương duyệt và đảm bảo chi viện bằng ngoại tệ được tuyệt mật và kịp thời cho tiền tuyến trong bất cứ tình huống nào.

3/ Bảo vệ và điều chuyển vốn ngoại tệ của Quỹ đặc biệt này để tránh thiệt hại về ngoại tệ mất giá và phá giá, cố gắng tranh thủ được lãi suất cao để tăng tích luỹ ngoại tệ cho Nhà nước.

4/ Báo cáo kịp thời, chính xác tình hình cho Thủ tướng Chính phủ để phục vụ cho sự chỉ đạo chi viện cho tiền tuyến được chặt chẽ..." (Báo cáo tổng kết công tác ngoại hối đặc biệt từ 1964-1975 và từ 1976 đến cuối năm 1978. lưu trữ Ngân hàng nhà nước)

Tài sản ngoại tệ thuộc "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" là dành riêng cho miền Nam nên được điều hành một cách hoàn toàn độc lập, không liên quan gì đến vốn ngoại tệ công khai của Nhà nước tại miền Bắc. Vốn của Quỹ Ngoại tệ Đặc biệt B.29 được gửi tại Vietcombank. Đến lượt mình Vietcombank lại gửi vốn đó ở nước ngoài, tại các ngân hàng đại lý quốc tế lớn đáng tin cậy. Như vậy, B.29 được coi như "khách hàng gửi tiền đặc biệt" và "ngân hàng đại lý đặc biệt" trong quan hệ với Vietcombank.

Mọi nguồn thu của "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" cũng nằm ngoài ngân sách Nhà nước. B.29 tiến hành hạch toán kế toán riêng, mọi hoạt động thu, chi đều có báo cáo định kỳ đơn tuyến cho cấp trên, trực tiếp là Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị (khi Phó Thủ tướng Phạm Hùng về Nam lãnh đạo Trung ương Cục)
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #132 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 10:44:54 PM »

Cách hạch toán của B.29 cũng rất đặc biệt: dùng đồng đô la Mỹ làm đơn vị tiền tệ để hạch toán cân đối tổng hợp chung theo phương pháp kế toán kép. (Khác với cách hạch toán kế toán ngoại hối tại Cục Ngoại hối là hạch toán các tài sản ngoại tệ theo từng nguyên tệ, có quy ra đối giá bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá kết toán nội bộ hiện hành. Nhưng khi hạch toán cân đối tổng hợp, thi tất cả tài sản ngoại tệ thuộc tài sản Nợ và tài sản Có - đều chỉ còn phản ánh thống nhất bằng tiền Việt Nam.)

Tuy Ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương và Cục Ngoại hối về danh nghĩa là cấp trên của B.29, nhưng các hoạt động cụ thể của Quỹ thì lãnh đạo ngành không can dự vào.

Phan Đình Mậu:

"Quỹ Ngoại tệ đặc biệt gồm có năm loại tiền: đô la Mỹ, tiền Sài Gòn tiền riel Campuchia, tiền kíp Lào và tiền bath Thái Lan. Việc đóng gói tiền để vận chuyển vào Nam là do C100 Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm." (Bản tham gia của ông Phan Đình Mậu, nguyên Kế toán trưởng của B.29, gửi cho tác giả)

Mai Hữu Ích báo cáo:

"Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận ngoại tệ viện trợ đặc biệt và thực hiện kế hoạch chi viện cho các chiến trường bằng ngoại tệ, chúng tôi đã vận dụng linh hoạt các mặt nghiệp vụ kinh doanh chuyển đổi ngoại lệ, tranh thủ điều chuyển vốn viện trợ bằng đô la Mỹ, từ không có lãi để chuyển thành loại ngoại tệ mạnh, thu được chênh lệch tỷ giá và lãi suất cao bằng ngoại tệ Chúng tôi lợi dụng tình hình biến động thị trường tiền tệ tư bản, bố trí gửi ngoại tệ vào ngân hàng đại lý nào có lãi suất cao, nhằm thu được nhiều lãi nhất.

Trong tình hình hệ thống tiền tệ tư bản chủ nghĩa thường xuyên biến động phức tạp mất giá, phá giá, chúng tôi đã linh hoạt chuyển đổi nhiều loại ngoại tệ của Quỹ đặc biệt thành những ngoại lệ mạnh tương đối ổn định, hoặc có xu hướng sẽ nâng giá so với đô la Mỹ. Nhờ đó, đã hạn chế được thiệt hại, và trong thời gian qua, chúng tôi đã thu được 20.993.950 USD tiền lãi..."

Bình luận của Mười Phi:

"Có đi vào chiều sâu mới hiểu hết tài năng của Bảy Ích. Vốn là chuyên viên ngoại hối bậc thầy của Ngân hàng Đông Dương, nên mới có thể nghĩ ra những biện pháp để không những bảo toàn ngoại tệ mà còn dùng nó để kiếm lời cho công quỹ, gọi là "Jeu de bourse”. Cần ghi nhận công lao rất lớn của Bảy Ích đối với sự nghiệp tài chính miền Nam."

Phạm Hùng hiểu rõ năng lực này của Bảy Ích nên khi Bảy Ích tập kết ra Bắc, ông đưa ngay vào Ngân hàng Quốc gia để lo liệu các công việc hối đoái và đến khi cần chi viện cho miền Nam thì dùng Bảy Ích như một cánh tay đắc lực đặt tại Ngân hàng Quốc gia.

Xưa nay, trong nghiệp vụ ngân hàng, chung quy chỉ có hai phương thức thanh toán: tiền mặt và chuyển khoản. Để chi viện cho miền Nam, N. 2683 đề xuất và phối hợp với B.29 dùng đến cả hai phương thức trên, được mang mật hiệu là AM và FM. Hai khái niệm này chỉ là những quy ước tuyệt mật của thời chiến, chưa hề có trong bất cứ sách giáo khoa nào về ngân hàng. Nhưng xét về tính năng hoạt động thì đó vẫn chỉ là hai phương pháp cổ điển của hoạt động ngân hàng:

Chuyển tiền mặt, được gọi là AM.

Chuyển khoản, được gọi là FM.

Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, để thắng và "vượt mặt" một đối phương không những mạnh về quân sự mà còn rất thành thạo về tài chính tiền tệ, hơn nữa còn là kẻ khống chế cả hệ thống tiền tệ quốc tế, thì AM và FM là ký hiệu của cả một guồng máy rất tinh vi, liên kết giữa hậu phương với tiền tuyến, có mạng lưới trong nước và quốc tế. Trong đó ta vừa vận dụng những nghiệp vụ ngoại hối cổ điển của ngân hàng, vừa kết hợp với những kỹ thuật quân sự, tình báo mà xuyên suốt những hoạt động đó là ý chí cách mạng, là niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc 
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #133 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 10:46:19 PM »

Phương thức AM 

Quy trình của phương thức AM rất phức tạp, đa dạng, muôn hình, muôn vẻ. Đến nay, đã từng có nhiều người trong cuộc mô tả lại trong những báo cáo, trong các bài hồi ký... Để giúp người đọc hệ thống hóa lại những nét cơ bản của phương thức AM, xin điểm qua mấy công đoạn chủ yếu như sau:

"Chế biến" tiền từ ngoài nước 

Tại các chiến trường miền Nam, nhu cầu tài chính bằng tiền mặt chủ yếu gồm hai loại là tiền Sài Gòn (mật danh lúc đó là tiền Z) và tiền đô la Mỹ. Ngoài ra, còn có nhu cầu chi phí tại một số địa bàn các nước lân cận là Campuchia, Lào, Thái Lan theo yêu cầu của công cuộc kháng chiến, nên cũng cần một lượng nhất định tiền mặt bằng đồng riel, kip và bath:

Từ những năm đầu thập niên 1960, để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Trung ương Đảng và Chính phủ có đặt vấn đề với Trung Quốc viện trợ cho miền Nam một số ngoại tệ bằng tiền mặt đô la Mỹ. Trung Quốc còn giúp lập một cơ sở ngân hàng tin cậy tại Hong Kong. Tại đó, đô la viện trợ được "chế biến", tức là lấy một phần đô la đó mua gom một số biệt tệ khác như tiền Sài Gòn, riel Campuchia, bath Thái Lan và kip Lào, rồi cùng tiền mặt đô la Mỹ được đưa về nước.

Ông Nguyễn Nhật Hồng, người trực tiếp phụ trách B29 nói:

“Từ 1965 đến 1975, B29 đã tiếp nhận sáu trăm bảy mươi tám triệu ba trăm ngàn đô la Mỹ (số tròn), trong đó hơn sáu trăm hai sáu triệu đô la là tiền viện trợ đặc biệt, hơn hai mươi bốn triệu đô la là tiền của các tổ chức và nhân dân quốc tế ủng hộ, gần 21 triệu đô la là tiền lãi kinh doanh chuyển đổi và gửi ngoại tệ ở nước ngoài, gần bảy triệu rưỡi đô la là lãi từ tiền dự trữ của chiến trường sau giải phóng..."

Ông cũng giải thích về chuyện đổi tiền mặt các loại:

"AZ là đổi đô la Mỹ thành tiền Sài Gòn. AK là đổi thành tiền kip Lào, AR là đối thành tiền riel Campuchia, AB là đổi thành bath Thái Lan, chuyển vào các chiến trường có nhu cầu thích hợp với từng loại tiền. Việc đổi tiền này được thực hiện tại Hong Kong, rồi đưa tiền về Quảng Châu, từ Quảng Châu đưa về Hà Nội, từ Hà Nội chuyển đến các chiến trường miền Nam."

Chí phí "chế biến" ra các biệt tệ nói trên đương nhiên là tốn kém, vì phải chịu thua thiệt về tỷ giá và các chi phí khác (tới khoảng 3% trị giá tiền cần mua). Việc "chế biến" đó được thực hiện bởi một cơ sở ngân hàng ở Hong Kong, được quy ước gọi là "Anh Bảo".

Mai Hữu Ích:

"Tôi có quan hệ với đồng chí Trang Thế Bình, sau là Tổng Giám đốc Ngân hàng Trung Quốc BOC ở Hong Kong. Ông Bình đã giúp chúng ta mở L/C với BOC và nhiều ngân hàng khác tại Hong Kong. Lúc đầu, chủ yếu phục vụ phát triển ngoại thương, sau đó ông Bình giúp ta chuyển đổi USD lấy tiền Sài Gòn và nhiều biệt tệ khác, gọi tắt là "chế biến" hoặc chuyển khoản đặc biệt vào miền Nam để phục vụ cho chiến trường." (Mai Hữu Ích. Nhớ mãi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Trong Hồi ức 35 năm Ngân hàng Ngoại thương VN. Tập san Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. số 4, 1998.)

Tiền mặt các loại do "Anh Bảo" chuẩn bị được tập trung về cơ sở của ngàn hàng Trung Quốc BOC (Bank of China) tại Quảng Châu. Đây chính là nơi tập kết các nguồn tiền mặt của đường dây. Từ đây, cán bộ biệt phái hải ngoại của B.29 dùng đường điện cơ yếu của Bộ Ngoại giao thông báo từ Bắc Kinh về cho B.29 ở Hà Nội. B.29 cử người sang Quảng Châu nhận về . 
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #134 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 10:47:03 PM »

Để phối hợp thật chính xác mọi công tác đổi tiền, chuyển tiền, nhận tiền, tại Bắc Kinh có một cán bộ đặc nhiệm. Người này chính là ông Lê Văn Châu, sau này là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hội đồng Chứng khoán Quốc gia. Ông Châu là "trung tâm của ba trung tâm": làm đầu mối liên hệ giữa "Anh Bảo" ở Hong Kong, BOC ở Quảng Châu, và B.29 ở Hà Nội. Để đảm bảo bí mật và thông suốt, những thông tin được chuyển bằng mật mã qua hệ thống cơ yếu của ngành ngoại giao và quốc phòng.

Lê Văn Châu:

"Cho đến nay, vẫn rất ít người biết rằng trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, Ngân hàng Ngoại thương và nhiều cán bộ ưu tú nhất của ngân hàng đã được cử vào miền Nam và ra nước ngoài hoạt động với nhiệm vụ tìm mọi cách để bí mật cung cấp một nguồn tài chính rất quan trọng cho chiến trường. Ngay từ đầu những năm 1960, không ít cán bộ ngân hàng đã được giao trọng trách tham gia hoạt động trên một trận chiến thầm lặng: tạo các “kênh tài chính" rất bí mật, xuyên qua nhiều nước, nhiều vùng, với đầy rủi ro và nguy hiểm, để cung cấp kịp thời số lượng không nhỏ các loại tiền mà chiến trường cần, đất nước cần." (Lê Văn Châu, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mà thời chiến tranh được cử đặc trách đầu mối ở Bắc Kỉnh. Trên con đường xuyên thế kỷ. Trích trong Hồi ức 35 năm... sđd, tr.25.)

Ba Hồng tao ngộ: ông Ba Hồng, tức Nhật Hồng kể lại:

"Một lần, đại diện từ bên Hong Kong báo cho tôi sang gặp ở Ngân hàng Quảng Châu để nhận tiền. Số tiền là hai triệu đô la Mỹ. Tôi cho vào vali và đi tàu hỏa từ Quảng Châu về Nam Ninh. Ngoài chiếc vali và một bộ quần áo duy nhất mặc trên người, tôi không mang đồ đạc gì khác. Gần đến Nam Ninh thì có một chuyện không ngờ. Hồng vệ binh đang làm náo loạn ở đây và lấy đi đầu tàu hỏa.

Tôi nằm chết gí một tuần lễ giữa đường. Vì tôi là khách Việt Nam nên họ không đụng đến, mà chỉ dồn vào phòng trong một trường học bên đường. Tôi loay hoay không biết làm thế nào. Liên lạc với lãnh sự của mình ở Nam Ninh là đồng chí Diên không được, vì mọi đường liên lạc đã bị cắt. Quảng Châu thì báo về Hà Nội rằng tôi đã nhận tiền và đi rồi. Hà Nội thì mãi không thấy tôi về! B.29 và cá anh Lê Thanh Nghị coi như tôi mất tích cùng hai triệu đô la! Cả hai đầu đều gọi cho Tổng Lãnh sự quán của mình ở Nam Ninh. Lãnh sự trả lời không biết!

Trong khi đó tôi cứ ngồi ôm chiếc vali trong cái trường học bỏ hoang đó! Đến ngày thứ sáu, tôi tìm cách "dân vận" với anh bảo vệ nhà ngang. Tôi nói: "Tôi có việc rất gấp cần gặp ông Tổng Lãnh sự Việt Nam. ông ấy nhờ tôi chuyển thư và ít quà cho vợ con ở Việt Nam. Trong lúc Mỹ đánh phá Việt Nam thì thư và quà là điều thiêng liêng lắm. Đồng chí cầm giúp thư này chuyển tới Lãnh sự Việt Nam giúp tôi."

Thế là thư tới tay đồng chí Diên. Ngày thứ bẩy, đồng chí Diên tới. Tôi nói như giao nhiệm vụ: "Tôi có trách nhiệm đặc biệt vận chuyển hai triệu đô la trong chiếc vali này. Về nguyên tắc không ai được biết. Nhưng do tình hình đột xuất, tôi buộc phải cho đồng chí biết và đồng chí có trách nhiệm thu xếp để tôi chuyển số tiền này về nước. Đồng thời phải báo ngay cho anh Lê Thanh Nghị về tình hình của tôi”

Ngay hôm đó đồng chí Diên đã tìm cách đưa tôi về Nam Ninh trên một chuyến tàu khác. Để tránh những trục trặc tương tự, tôi đi máy bay từ Nam Ninh về thẳng Hà Nội. Sau chuyện hú vía đó, anh em nói đùa: Bây giờ mới thật là cuộc tao ngộ Ba Hồng. (ý nói Hong Kong, Hồng vệ binh và Nhật Hồng). Chuyến "tao ngộ" đó tôi nhớ suốt đời."
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #135 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 10:47:51 PM »

Đối với các nguồn viện trợ quốc tế tại các nước Âu - Mỹ, bằng rất nhiều loại bản tệ khác nhau như bảng Anh, franc Pháp, franc Thụy Sĩ, lire Ý, coụronne Đan Mạch... thì việc “chế biến" ra tiền mặt đô la Mỹ được giao cho đại diện Vietcombank Paris tiến hành ngay tại Pháp và Thụy Sĩ, rồi bằng "giao thông ngoại giao" đưa qua đường Moskva về Hà Nội.

Lê Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương:

"Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tôi được cử làm công tác đặc biệt của Vietcombank tại Paris. Tôi có một chế độ làm việc riêng, không liên quan đến sứ quán, mặc dù có phòng làm việc riêng tại đây. Tôi thay mặt cho Vietcombank tiếp nhân viện trợ của nhân dân, đoàn thể, cá nhân muốn ủng hộ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta. Các nơi thường gửi về Paris.

Tiền gửi về thường là tiền mặt, đủ các loại khác nhau - đồng franc Pháp, franc Thụy Sĩ, đô la Mỹ, bảng Anh, zloty Ba Lan, couronne của Tiệp và Đan Mạch, lire của Ý, peso của Tây Ban Nha và Cuba...

Nhiệm vụ của tôi là phải tìm cách chuyển đổi số tiền đó ra đô la. Nhưng chuyển đổi một lúc hàng triệu đô la tiền mặt không phải dễ. Tại các nước Âu - Mỹ, tiền mặt chỉ đế chi tiêu lặt vặt. Ai chuyển đổi hàng triệu đô la lập tức bị để ý. Chúng ta giải quyết bằng cách nhờ sứ quán của các nước xã hội chủ nghĩa tiêu giúp. Đằng nào họ cũng phải trả lương, mua sắm những thứ sinh hoạt cần thiết trên thị trường. Sau đó, bạn trả bằng cách chuyển khoản vào tài khoản của Vietcombank.

Đó là một trong những cách để hình thành tài khoản ngoại tệ của chúng ta ở nước ngoài. Cũng theo lệnh của B. 29, ta lại chuyển khoản để chi trả cho những khách hàng đã trao tiền Sài Gòn hoặc bán hàng cho chúng ta ở miền Nam.

Đó là các loại tiền không phải là đô la. Còn đô la tiền mặt thì nhiều khi tôi không đưa vào tài khoản mà phải chuyển từ Paris về Moskva theo con đường ngoại giao.

Đã có lần tôi bỏ 3 triệu đô la vào trong vali ngoại giao, đi với hộ chiếu đỏ đặc biệt từ Paris về tới Moskva. Lần đó cũng hú vía như chuyện anh Nhật Hồng đã kể. Tôi đã nhờ sứ quán ta ở Paris báo theo tuyến đặc biệt cho sứ quán ta ở Liên Xô cho xe ra đón, có cắm cờ Việt  Nam. Nhưng do trục trặc gì đó, tôi xuống sân bay không thấy xe của sứ quán đâu! Đi taxi ở ngoài với mấy triệu đô la là cả một điều mạo hiểm.

Cuối cùng thì tôi cũng về được Sứ quán an toàn. Còn con đường từ Moskva về Hà Nội, đi máy bay của bạn thì hoàn toàn đảm bảo..." (Lê Hoàng. Phát biểu ý kiến trong buổi tọa đàm về Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương)
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #136 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 10:48:36 PM »

Đưa tiền vào Nam 

Đây là hành trình tiếp theo của đồng đô la và các biệt tệ, thường gọi là giai đoạn hai. Tiền của "Quỹ Ngoại tệ đặc biệt" được cất giữ nghiêm ngặt tại tầng hầm Ngân hàng Nhà nước Trung ương, số 49 Lý Thái Tổ. Hà Nội, do B.29 quản lý. Đến thời điểm hẹn trước, một bộ phận đặc biệt chuyên trách vấn đề vận chuyển là đơn vị C.100 thuộc Đoàn 559 cùng B.29 tiến hành các thủ tục giấy tờ giao nhận, đóng thùng đặc chủng và chở đi.

Trong giai đoạn đầu, tiền đi vào Nam theo một con đường khá "sang trọng": Tiền được đặt trong "vali ngoại giao", hoặc nếu nhiều thì đóng vào các thùng nghi trang như đồ hộp xuất khẩu, đi theo tuyến hàng không Hà Nội - Phnom Penh hoặc Hà Nội - Quảng Châu - Phnom Penh (như đã nói trong Chương 4). Đó là thời kỳ Campuchia của Sihanouk, một người rất có cảm tình với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Con đường thường xuyên và gian khổ nhất của đại bộ phận đô la vẫn là tuyến đường Trường Sơn, bằng xe tải quân sự và đường biển trên những chuyến tàu không số, cất giấu dưới hầm tàu hai đáy trên con đường lịch sử Hồ Chí Minh trên biển. Có thể nói, giai đoạn 2 của phương thức AM là những trang sử thật hào hùng. Những tổn thất, hy sinh xảy ra ở khâu này không nhỏ.

Ông Mai Hữu Ích:

"Thay mặt ngân hàng, tôi còn mở rộng họp tác với anh Lê Ba, Đại tá Tổng cục Hậu cần; anh Phước, Cục trưởng Hải quân; anh Ngô Nam, Anh hùng lao động của Bộ Giao thông Vận tải và anh Lý Ban, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Việt Nam, tổ chức vận chuyển vũ khí tiền bạc trên tuyến đường Trường Sơn bằng phương tiện của Đoàn 559 và trên biển, bằng tàu hai đáy với hòm đựng tiền bằng sắt tây có phòng chống cháy, để giúp miền Nam kháng chiến chống Mỹ."

Ông Bảy Hiền, một trong những trợ lý của ông Phạm Hùng:

"Trong một số năm sau 1960, cách chi viện tiền cho chiến trường B2 (Nam Bộ và Khu VI) là đưa đô la Mỹ cho một tổ chức tài chính đặc biệt ở trong Nam, do anh Mười Thăng Long phu trách. Tại Cục Ngoại hối ở Ngân hàng Trung ương ngoài Hà Nội có giữ một quỹ mật đô la Mỹ do nước bạn viện trợ, dành cho miền Nam. Anh Hai Hùng (tức đồng chí Phạm Hùng) là người quyết định sử dụng quỹ này.

Phải làm sao có được một khối lượng đô la tiền mặt lớn, mỗi lần vài ba triệu đến chiến trường vừa nhanh vừa an toàn? Và không phải chỉ một vài lần, mà nhiều lần như vậy trong một năm. Công việc này được thực hiện như sau:

Khi cần đưa tiền đi, anh Hai Hùng điện gọi anh Thùy Vũ từ Campuchia về Hà Nội làm việc. Tôi cầm lệnh xuất tiền của anh Hai đến Cục Ngoại hối gặp anh Doãn - Cục trưởng, hoặc anh Bảy Ích - Cục phó. Nhận tiền xong, dùng xe anh Hai Hùng chở tiền về phòng làm việc của tôi tại nhà anh Hai Hùng. Ở đây, tiền được gói ghém dưới dạng hàng mẫu để giao cho anh Thùy Vũ mang vào Phnom Penh bằng máy bay. Lúc đó Hà Nội đã có cơ quan đại diện thương mại tại Phnom Penh rồi.

Mỗi lần gửi tiền, tôi phải nghĩ cách nghi trang khác nhau. Mấy triệu đô la là một khối lượng lớn, không thể xách tay mà phải gửi theo hàng, cho nên phải nghi trang khéo léo." 
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #137 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 11:04:02 PM »

Tiếp nhận và "chế biến" tại chỗ 

Hành trình của các loại tiền kể trên từ Hà Nội vào Nam được phân bổ theo từng phân đoạn, theo quy định của Trung ương: tiền tới địa chỉ nào thì nơi đó có đơn vị đặc nhiệm tiếp nhận và cất giữ. Trung ương phân bổ theo từng khu vực lớn là: Trị Thiên - Huế, Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ (B2)... Tại từng khu vực nói trên, việc cấp phát, phân bổ, sử dụng, chi tiêu là công việc nội bộ từng nơi, dưới sự lãnh đạo toàn diện của từng Đảng bộ, với sự tham mưu chỉ đạo chuyên ngành là các Ban Tài chính hoặc Ban Kinh - Tài trực thuộc.

Trong phương thức chi viện AM, tiền mặt đô la Mỹ vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất. Khi có nhu cầu chi tiêu bằng biệt tệ, mà số do Trung ương đã đổi và chuyển vào không đủ, thì phải tiến hành "chế biến" tại chỗ. Việc chế biến này được thực hiện theo phương pháp phân tán, nhỏ lẻ để khỏi bị lộ (trung ương không chủ trương tích giữ dài ngày đồng tiền Sài Gòn, bởi từ sau 1970, sự mất giá của tiền Sài Gòn xảy ra liên tục, tỷ lệ mất giá ngày càng cao).

Việc quản lý thu, chi, theo dõi hạch toán kế toán, kho quỹ được thực hiện rất chặt chẽ. Tại Ban Kinh - Tài hoặc cơ quan Ngân tín được Đảng bộ từng khu vực giao trách nhiệm chỉ đạo, điều hành công tác này, các bộ phận chuyên trách về kế toán và kho quỹ đều được thành lập. Kế toán từng khu vực đều tiến hành đối chiếu số liệu định kỳ với kế toán B.29.

Tóm lại, hành trình AM có thể sơ đồ hóa như dưới đây:
Xin nợ sơ đồ này (sao Vang)

Với sự phát triển của chiến tranh từ 1964 đến 1965, chi phí cho miền Nam tăng lên rất nhiều, thì phương thức AM càng thêm khó khăn, tốn kém, kể cả sự hy sinh xương máu. Trong tình hình mới, nó bộc lộ mấy nhược điểm sau đây:

Thứ nhất, chiến tranh càng ác liệt, Mỹ càng ra sức đánh phá các con đường trên bộ và trên biển, gây rất nhiều khó khăn cho việc vận chuyển. Vận chuyển đường thủy rất dễ gặp tàu địch. Vận chuyển đường bộ thì bị máy bay đánh phá. Nếu chỉ vận chuyển một vài chuyến đột xuất, thì mức độ rủi ro không lớn, nhưng nếu vận chuyển thường xuyên bằng những con đường này thì độ rủi ro khá cao.

Thực tế đã xảy ra một số lần địch ném bom thùng xe chở hàng, trong đó có các thùng đựng tiền. Vỏ thùng đựng tiền tuy không bị cháy, nhưngiưcs nòng của lửa đã làm phân huỷ số đô la bên trong. Cụ thể trong các năm 1972 và 1973, số lượng tiền bị cháy trên đường vận chuyển vào nam do Mỹ oanh tạc như sau: (Để giảm phần nào tổn thất, ngành vận tải quân đội đã giữ nguyên các thùng tiền bị cháy, đưa trở ra Hà Nội, nộp lại cho B.29. Vietcombank đã dùng nghiệp vụ của mình sửa sang, phân loạt từng tờ bạc. Số tiền còn đủ tiêu chuẩn lưu thông thì gửi nhờ các ngân hàng đại lý thuộc loại "bạn bè tin cậy" tiêu thụ hộ. Kết quả đã thu lại được 1.241.910 USD, tiếp tục sử dụng chi viện chiến trường, chi bù thêm 3.794.090 USD vì không thể sử dụng được.)

Để tránh địch uy hiếp đường thủy và đường bộ, con đường hàng không được sử dụng tối đa nhờ mối quan hệ hữu hảo với chính quyền bạn. Nhưng từ giữa thập kỷ 60, tình hình chính trị của Campuchia bất ổn, đặc biệt từ khi có đảo chính của Lonnol thì con đường này cũng chỉ có thể được sử dụng một cách rất hạn chế.

Thứ hai, với đà phát triển của chiến tranh, việc "chế biến" lần thứ hai từ đô la ra tiền Sài Gòn cũng gặp khó khăn. Không thể nào "chế biến" một cách nhanh chóng một số tiền quá lớn trên thị trường miền Nam.

Ông Mười Phi :

"Làm như vậy rất chậm, khối lượng tiền không được nhiều, dễ bị tổn thất, địch dễ phát hiện, lại mất nhiều phí tổn đối tiền (đổi 100.000 USD  phải mất 2.700 USD). Nếu chỉ làm mãi theo phương cách này thì lượng tiền chế biến không thể nhiều và nhanh, không theo kịp nhu cầu của cuộc kháng chiến.

Giải quyết khối lượng lớn AM như thế, đều đều, hàng tháng, hàng năm, kéo dài từ năm này sang năm khác thì có thể hình dung được tất cả sự nguy hiểm.
Thời gian và khối lượng tiền tệ không ngừng gia tăng theo đà phát triển của chiến tranh tại miền Nam, rồi mở rộng ra Campuchia, Lào đòi hỏi phải tìm những giải pháp khác...".
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #138 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 11:05:56 PM »

Phương pháp mới FM 

Có thể coi đây là hình thức vận chuyển hiện đại nhất: Chuyển ngân.

Từ 1965, Trung ương Cục có chủ trương phát triển các cơ sở tại nội thành. Những cán bộ chủ chốt của Ban Tài chính đặc biệt đã được đưa vào nội thành để bám trụ. Chính trong cuộc sống, trong những gian truân của tình thế đã nảy sinh những ý tưởng mới.

Hai cán bộ là Mười Phi và Nguyễn Thanh Quang (còn gọi là Năm Quang, tức Dân Sanh) đã nảy ra ý đinh "chơi theo luật chơi", nghĩa là sử dụng chính hệ thống ngân hàng của thế giới và của chế độ Sài Gòn để chuyển tiền cho cách mạng.

Các ông suy nghĩ: Ngân hàng là một công cụ mà loài người đã phát minh ra để giúp cho con người có thể chuyển tiền bằng những tín hiệu, không cần phải mang tiền theo người. Tai sao lại không áp dụng phương pháp đó? Phát hiện bất ngờ này được đề xuất với Trung ương. Sau đó được Trung ương chấp thuận cho thực thi, gọi là phương pháp mới, ký hiệu là FM.

FM là phương thức chi viện tiền cho miền Nam bằng chuyển khoản. Chuyển khoản có hai chiều: Nhận và trả.

Khâu nhận: Tiền Z được lấy ngay tại Sài Gòn qua một đường dây hoạt động nội thành của Ban Tài chính đặc biệt thuộc Trung ương Cục miền Nam (tức N.2683). Sau đó hoàn trả cho nhà cung cấp tại nước ngoài bằng đô la.

Nhà cung cấp tiền Z Sài Gòn là những chủ kinh doanh lớn sẵn sàng hợp tác với một đầu mối của N.2683 trong nội thành Sài Gòn, có mật danh là C.130, do Dân Sanh đảm nhiệm. Họ có tài khoản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài và ở Sài Gòn. Theo sự thỏa thuận với N.2683, họ rút tiền Z từ ngân hàng để cung cấp cho cách mạng nhưng lấy lý do là để sản xuất kinh doanh.

Trong nhiều trường hợp có những khoản lớn là tiền Z, không cần rút từ ngân hàng mà thu trực tiếp do bán hàng nhập khẩu. Thí dụ, trường hợp ông Tư Trần An, một Hoa kiều chuyên nhập vàng từ Hong Kong về bán buôn cho các chủ tiệm vàng ở Sài Gòn, cung cấp tiền mặt Z cho C.130. Đổi lại, sau đó các đại thương gia được thanh toán bằng ngoại tệ ở nước ngoài. Đôi đằng đều lợi.

Mười Phi :

"Mai Hữu Ích điện cho Mười Phi, mật báo rằng AM đã bắt đầu khó khăn và phí tổn quá lớn, nhất là tại thị trường AM ở Lon don. Mai Hữu Ích hỏi ý kiến Mười Phi xem có cách nào tiết kiệm được hơn không. Có một đại thương gia người Hoa tên là Trần An, còn gọi là Tư Trần An, do một cán bộ nội thành là Năm Tấn giới thiệu để bắt liên lạc. Nhân dịp đó Mười Phi đã đột nhập vào Sài Gòn để rà soát lại con người thương nhân Trần An.

Được biết đó là một tay buôn vàng cỡ lớn, đã từng làm việc tại Ngân hàng Đông Dương Sài Gòn, có rất nhiều kinh nghiệm về chuyện chuyển tiền. Mười Phi trực tiếp gặp Trần An và tìm hiểu được cách Trần An buôn lậu vàng vào Sài Gòn thế nào. Trần An dùng đám lái máy bay chở vàng về, lại có tài khoản đặt sẵn ở Ngân hàng Hong Kong, như vậy là có đầy đủ hạ tầng cơ sở. Các cán bộ cách mạng làm sao có được những cơ sở như vậy!

Hai bên thỏa thuận với nhau: Trần An rút tiền Sài Gòn cho N.2683. Sau đó đô la sẽ được thanh toán vào tài khoản của Trần An tại Hong Kong. Như thế, về phía Trần An đã giải quyết được việc rất quan trọng là rửa được số tiền bán vàng ở trong nước, lại làm sạch số tiền đô la ở Ngân hàng Hong Kong. Trần An đã nhất trí làm việc đó với N.2683, hai bên đều có lợi.

Mười Phi báo với Phạm Hùng và Nguyễn Văn Linh, được lãnh đạo nhất trí và cho thực hiện, đó chính là FM" 
 Logged

SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205


« Trả lời #139 vào lúc: 13 Tháng Một, 2010, 11:06:45 PM »

Trường hợp Tư Trần An :

"Từ 1965, Trần An trở thành một nòng cốt chủ lực của C.130 trong nghiệp vụ chế biến tiền. Công ty của Trần An trở thành trung tâm giao dịch nội bộ của C130, có trách nhiệm đảm bảo liên lạc đặc biệt với các đầu mối ở nước ngoài... Trần An ứng trước tiền cho Dân Sanh đưa về chiến khu rồi thanh toán lại sau cho Trần An bằng ngoại tệ. Công lao và tình nghĩa của những nhân vật người Hoa này dù không có tên trong danh sách C.130 hay N.2683, song vẫn hằng sống trong tâm khảm những người từng chịu ơn họ mà hoàn thành nhiệm vụ"

Tiền Z được giao tại những nơi quy ước, đó là vùng giáp ranh ven đô Sài Gòn - Gia Định, có khi còn đi xa hơn, phân tán trong các kho nhỏ rồi tổ chức các chuyến ô tô đem đi.

Phương pháp này được mang ký hiệu là FM vì FM vừa là tên gọi một kênh phát sóng ngắn hơn AM, vừa là chữ viết tắt của phương pháp mới (F: phương pháp; M: mới).

Phương pháp này có nhiều thuận lợi hơn phương pháp AM: Thứ nhất, nó có thể giải quyết một vụ chuyển tiền lớn chỉ trong một ngày, thay vì nhiều tháng hành trình đầy rủi ro của phương pháp AM. Thứ hai, nó an toàn hơn, kín đáo hơn. Thứ ba, không bị thiệt thòi do vấn đề tỷ giá, mà có trường hợp còn sinh lợi nhờ hưởng lãi suất phát sinh tại các ngân hàng (khoản lãi suất này trong 10 năm, tính ra tới gần 25 triệu đô la).

Để thực hiện FM, cần phải có một hệ thống tổ chức rất tinh vi và dày công bố trí.

- Tại Hà Nội, bộ phận B.29 thuộc Vietcombank dùng các mật mã, điện đài để liên lạc với miền Nam và liên lạc với các ngân hàng trên thế giới để nhận và gửi các lệnh chi tiền, chuyển tiền. Bộ phận đó vẫn do ông Mai Hữu Ích điều hành và trưởng phòng thanh toán Nguyễn Nhật Hồng (còn gọi là Ba Hồng) trực tiếp phụ trách.

Mười Phi:

"Với FM, các chiến trường miền Nam được chi viện tài chính rất nhanh. Một vụ FM chỉ thực hiện trong một ngày là xong thay vì nhiều tháng hành trình đầy rủi ro của đồng đô la giấy. Nguồn ngoại tệ chi viện cho miền Nam không bị hao mòn vì không còn phải trải qua lắm khâu đổi chác, vận chuyển như trước."

Ở trong Nam, một bộ phận có bí danh là N.2683 do ông Mười Phi làm Trưởng ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục phụ trách. Một bộ phận đặt tại Sài Gòn. Cơ sở này trực thuộc Trung ương Cục, gọi là Ban Công tác đặc biệt. Nó là một "đối tác" đặc biệt của B.29. Đầu mối và cùng là cơ sở của N.2683 là một đại thương gia có khả năng chi tiền mặt cho N.2683. Rồi theo thông báo của N.2683, B.29 lại chi trả cho họ bằng cách chuyển ngân vào tài khoản của họ ở các ngân hàng nước ngoài.

Mười Phi:

"Đây cũng là một loại đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng không dùng ô tô, tàu thủy, máy bay hay đường ống, cho nên không có vết chân người. Chỉ có những lệnh chuyển tiền thôi. Ngay trong sào huyệt của Mỹ - Ngụy, ta phải hình thành một cơ cấu bình phong hợp pháp phục vụ cho cách mạng miền Nam, phải tồn tại hoạt động suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ để hoàn thành nhiệm vụ cho đến ngày hoàn toàn giải phóng. Anh Phạm Hùng cho tôi danh sách năm người để tôi chọn. Tôi chọn anh Ba Châu và nhắc anh Phạm Hùng nên cho anh Ba Châu đi học thêm tiếng Khmer, học tình báo rồi hãy vào Phnom Penh giúp chúng tôi..." (Nguyễn Quang Sáng. Người lính ngân hàng Lữ Minh Châu... Đặc san Công an TP Hồ Chí Minh. số ra các ngày 13, 20, 27-07-1996 và số ra các ngày 3 và 10)

Lữ Minh Châu, Phó Ban N2683 :

"Sau khi tối nghiệp về Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Tài chính Moskva, tháng 12/1964 tôi về đến Hà Nội. Ngay ngày hôm sau, anh Sáu Tiêm, Phó Ban Tổ chức Trung ương đảng gọi tôi đến, và đưa tôi sang gặp anh Lê Đức Thọ và anh Phạm Hùng... Các anh cử tôi vào hoạt động công khai, hợp pháp trong lòng Sài Gòn..."

"Chiến trường mở rộng, nhu cầu tiền càng nhiều, càng nhanh càng tốt và phải cung cấp cho nhiều nơi. AM không thể đáp ứng được các nhu cầu, phải tìm cách làm tốt hơn. Cách đó không có gì khác hơn là phải vận dụng các nghiệp vụ mua bán và thanh toán quốc tế của ngân hàng và quan hệ nhiều nơi. Phương pháp này chúng tôi gọi tắt là FM có nghĩa là phương pháp mới.".

Với biện pháp FM, nói cách khác, với hoạt động ngân hàng đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ tại miền Nam, chúng tôi "Ban Công tác đặc biệt" trực thuộc Trung ương Cục miền Nam, với các loại bí số D.270 và N.2683, mà tôi là Phó Trưởng ban, anh Mười Thăng Long là Trưởng ban, đã cung cấp các loại tiền nhanh chóng, đủ và đúng theo yêu cầu của Cục Hậu cần miền Nam."