Sunday, May 18, 2025


(Nguồn: Tập san ĐA HIỆU số 128 – Tháng 5/2024)

Từng cánh lại từng cánh,
Hoa dù nở trong mây.
Hồn tôi ai chấp cánh?
Không gian vương dấu giầy.

(Hà Huyền Chi)

Huy về binh chủng Nhẩy Dù với đầy đủ hành trang của người sĩ quan được đào luyện từ trường Võ Bị: Tổ quốc – Danh dự – Trách nhiệm và hơn nữa Huy yêu binh chủng Nhẩy Dù như Huy yêu quê hương, đất nước. Vào Nhẩy Dù, Huy hy vọng có dịp đi khắp mọi nơi, sống với mọi người, mọi miền trên đất nước mà vẫn có hậu cứ tại Sài Gòn, quê hương thứ hai mà chàng yêu dấu sau Hà Nội.

Advertisement

Vào Nhẩy Dù, Huy và các bạn ôm ấp giấc mộng ngày thống nhất Bắc, Nam. Nhẩy Dù sẽ là đoàn quân đầu tiên tiến chiếm lại Gia Lâm, Hà Nội mà trong đó Huy nghĩ có chàng.

Hà Nội là quê hương mộng tưởng thời thơ ấu mà chàng phải rời xa ngay khi tuổi thơ mộng bắt đầu nên chàng hằng ước ao ngày trở lại. Ngày đó không gian chắc chắn phải vương dấu giầy của những chàng trai mũ đỏ. Huy biết chàng sẽ phải trả giá cho lý tưởng của mình nhưng chàng sẵn sàng chấp nhận và hăng hái nhập “cuộc chơi”.

Cả khóa Huy chỉ có ba người được về binh chủng này. Chàng còn đầy lý tưởng, những gì người khác cho là bất công, chàng nghĩ đó có thể chỉ là một cách “luyện thép”. Có thể vì thấy những sĩ quan trẻ trong đó có chàng quá tự tin, hăng hái đến thành liều lĩnh nên người chỉ huy muốn “dũa” bớt những hăng hái quá mức của họ để bảo vệ sinh mạng, để xây dựng kinh nghiệm cho họ, để tạo uy tín và kỷ luật cho binh chủng và để xây dựng một lực lượng sĩ quan chỉ huy ưu-tú trong tương lai.

Nhẩy Dù là một binh chủng rất kỷ luật, đôi khi Huy thấy quá lố. Có lúc Huy ngượng khi có người lính run tay lúc chàng bắt tay họ vì họ tự thấy mình thấp thỏi quá. Huy nghĩ họ mới là những người đáng quý, họ hy sinh không điều kiện, chiến đấu hiên ngang, không e sợ khi chạm mặt tử thần và không bao giờ nghĩ là họ đang hy sinh cho đất nước mà chỉ nghĩ rất giản dị: Đó là bổn phận của người lính. Chàng thương họ như thương anh em, còn hơn nữa vì cùng trung đội với nhau, họ gắn chặt với chàng, chia xẻ nhau cả định mệnh, sống chết.

Khi Huy về Nhẩy Dù, chàng được làm sĩ quan phụ tá cho ông …Thượng Sĩ Nhất Trung Đội vì Huy chưa học lớp huấn luyện về Nhẩy dù! Huy thở dài vì nản chí anh hùng khi đọc danh sách quân nhân: Nùng, Miên, Chàm, Tàu… Lính nói đủ mọi thứ tiếng kể cả tiếng… Tây! Việt Nam chỉ hơn một nửa. Trung đội là của mình nên chàng cố gắng tìm hiểu tính tình, hoàn cảnh của từng anh em trong trung đội.

Huy nói với Trung Úy Kim, Đại Đội Trưởng của chàng:

– Số tôi chắc khá lắm, Trung Úy.

– Sao vậy anh?

– Mới ra mà tôi đã chỉ huy toàn quân “Liên Hiệp Quốc”, Trung Úy thấy không?

Trung Úy Kim cười:

– Trung đội anh, thằng Thạch Ét và Danh Sum nói tiếng Miên. Thằng Vòng A Pẩu nói tiếng Xạ Phang. Thằng Lan Vòng Ca nói tiếng Nùng. Thằng Trung nói tiếng Tàu, nhiều thằng nói được tiếng Tây, phần còn lại nói tiếng Việt. Anh sẽ học được nhiều ngôn ngữ mới nữa.

Huy bật cười:

– Thế lúc đụng trận, tụi nó nói tiếng gì, Trung Úy?

– Đủ thứ hết nhưng đừng lo, trung đội anh là một trong những trung đội sáng giá đấy.

Trong khi Huy tìm hiểu về anh em trong trung đội thì họ cũng tìm hiểu về chàng!

Thấy tướng ông thiếu úy “ngon” quá, lại là Sĩ Quan Thủ-Khoa Đà Lạt, lính đã nể sẵn. Khi cần Huy xổ tiếng Tây ra và đối đãi đàng hoàng với lính thì họ khoái chí và hãnh diện lắm, chỉ chờ dịp coi “Đích Thân” (1) của họ “biểu diễn một màn ngoạn mục” là sẵn sàng sống chết với chàng.

Chàng “ra mắt” binh sĩ lúc chính thức nắm Trung Đội Trưởng ở giữa chiến khu D. Trung đội chàng được giao trách nhiệm từ Tân Uyên tới trại cùi Bến Sắn.

Một buổi chiều, đi tuần về thì lương tới. Thượng sĩ Nghi đề nghị:

– Thiếu úy khao anh em một chầu đi, thiếu úy.

Huy nghĩ rất nhanh: “Bọn nó thử lửa mình đây. Rồi, chúng mày muốn thử thì ‘Thiếu Úy’ cho thử”.

Chàng hất hàm cười:

– Được, anh cho người lo đi.

Ông Thượng Sĩ già vui vẻ:

– Cho mấy thằng đi, thiếu úy?

– Chừng ba bốn thằng thôi, đừng cho mang súng.

– Không cho mang súng rủi gặp Vẹm thì sao, thiếu úy?

– Mang súng theo, mất súng lấy mạng đền à? Cho mỗi thằng đem theo mấy trái “na”, có gì thì thẩy cho lẹ rồi dọt về.

Huy móc túi đưa cho ông Nghi một phần xấp lương thiếu úy vừa lãnh còn nóng hổi của chàng. Mấy “thằng con chịu chơi ” của Huy đi khoảng ba tiếng, tha về không biết bao nhiêu là rượu đựng trong những bi-đông (2) sắt thu dụng của bạn bè trong đơn vị, cộng thêm cả đống “mồi”. (3)

Huy thở phào nhẹ nhõm: “May không thằng nào việc gì.”

Ngoài lính tiền đồn và canh gác, chàng cùng tất cả lính tráng bắt đầu nhập cuộc. Lính uống tới đâu, chàng “làm” tới đó và chàng không say!

Tiếng thì thào:

– Đích Thân mình coi “non” vậy mà… ngon à!

– Đích Thân chịu chơi quá! Được, được ạ.

– Nhẩy dù phải biết nhậu, phải chịu chơi chớ.

Huy nghĩ thầm: “Phải cho tụi mày biết mặt ‘Đích Thân’ để lần sau tụi mày tởn.”

Huy lầm lì uống…

Mặt trời bắt đầu lặn, chói chang, gay gắt, đỏ rực một góc rừng nhưng cũng không thể đỏ hơn những khuôn mặt lính của chàng sau khi nốc hết bằng ấy bi-đông rượu với cả thúng “mồi”.

Advertisement

Huy nhìn đồng hồ, dằn mạnh ly rượu vừa uống cạn xuống,  lừng lững đứng dậy:

– Đủ rồi, tất cả xuống suối tắm hết!

Thằng Thạch Ét cười phun cả rượu ra:

– Em mới… tắm… hồi trưa này… khi làm đồ… nhậu mà, Đích… đích… thân!

Thằng Bảy líu cả lưỡi:

– Chiều rồi… Lạnh quá… Đích Thân, uống… rượu mà… tắm… chi… dz..ậy?

Huy lạnh lùng:

– Tắm cho tỉnh rượu để tối gác đàng hoàng, loạng quạng Việt Cộng nó vô xơi tái mình.

Thượng sĩ Nghi nhe răng cười, vừa nấc cục vừa lè nhè:

– Việt Cộng nào… dám vô đây?… Đích Thân? Mình… nhẩy… nhẩy… nhẩy… dù mà…

Huy rút súng, lên cò, bắn tung chiếc bi-đông rượu bên cạnh ông Thượng sĩ:

– Tất cả xuống suối. Ai còn nhậu, tôi bắn chết bỏ.

Cả trung đội giật mình, líu ríu kéo xuống suối tắm trong cái lạnh giá của buổi chiều núi rừng.

Ở chiến khu D được vài tuần, đơn vị Huy được chuyển ra Phú Bổn. Rừng ở đây tương đối thưa, núi đồi thấp nên hy vọng đi hành quân sẽ đỡ cực hơn.

Đơn vị tới được hai ngày thì có lệnh hành quân. Trung Đội Huy đi đầu, Binh Nhất Khuê đeo máy truyền tin theo Huy sát nút. Áp dụng đúng bài học ở quân trường, Huy cho đơn vị mở đội hình thật cẩn thận rồi cả trung đội im lặng đi. Trung đội vừa vòng qua để tránh một trảng tranh. Bất chợt, một tràng súng nổ ran. Cành cây, lá cây bắn tung lên, khói súng mù mịt. Huy đứng sững người, chưa kịp có phản ứng! Những bài học trong quân trường về tác chiến, về bổn phận của người chỉ huy khi đụng trận chưa kịp chuyển lên óc chàng để biến thành hành động! Đụng trận đột ngột, bất ngờ quá. Huy vẫn đứng đó, hồi chuông nào trong óc chàng reo vang vang: “Tao ngộ chiến! Tao ngộ chiến!”

Lính đã tự động bung ra khỏi đội hình, tìm những vị trí thuận lợi bắn trả.

Tiểu Đội Trưởng Lan Vòng Ca líu lo tiếng Nùng, Thạch Ét và Danh Sum xổ tiếng Miên. Tiểu Đội Phó Vòng A Pẩu và thằng Trung xổ tiếng… Tàu! Đủ mọi thứ tiếng lẫn trong tiếng… Việt và tiếng súng!

Advertisement

Súng nổ nhiều quá, loạn xạ từ mọi phía!

Huy vẫn đứng sững, chàng chưa biết phải làm gì. Lính tráng đã tràn lên chiếm các vị trí chiến thuật. Các Tiểu Đội Trưởng, Tiểu Đội Phó đang làm bổn phận chỉ huy của họ.

Chợt chàng nghe tiếng Binh Nhất Khuê lập cập sát đằng sau:

– Đích Thân, Đích Thân! Núp sau cái cây, đứng khơi khơi nó bắn bể gáo!

Huy chợt bật cười. Tội nghiệp thằng Khuê, nó vác máy truyền tin nên phải bám sát chàng như bóng với hình. Chắc thằng con “lạnh cẳng” nhưng không dám tìm chỗ núp một mình vì “Đích Thân” còn đứng đực ra đấy. Chàng như tỉnh lại, đưa vội chiếc còi lên miệng thổi một hơi thật dài, ra lệnh tấn công và lao vào trận “tao ngộ chiến” đầu tiên theo phản-xạ, theo bản-năng sinh-tồn. Những bài học từ quân trường trồi ra từ tiềm thức và chàng phản ứng như máy. Đạn cầy tứ phía, Huy quan sát thật nhanh rồi khom lưng lao tới gốc cây có vị trí tốt nhất còn trống. Chàng chồm lên, hò hét, chỉ huy và rút đầu vào trong chiếc nón sắt để bảo vệ… “cái gáo” của chàng! Cạnh chàng, bóng những người lính vun vút lao về phía địch.

Một lát, khi súng dịu xuống, chàng đứng dậy quan sát trận địa. Thằng Khuê chạy theo sát bên chàng:

– Đích Thân! Đích Thân! Đại Đội Trưởng gọi.

Huy đỡ chiếc ống liên-hợp, áp vào tai:

– Tôi nghe.

– Anh “đụng” hả? Có sao không?

Tiếng súng chỉ còn rời rạc, lẻ tẻ. Huy trả lời:

– Dạ, chưa biết, sẽ báo cáo sau.

Hạ Sĩ Lan Vòng Ca chạy lại, báo cáo bằng giọng hết sức phấn khởi:

– Báo cáo Đích Thân: Mình lụm được ba cây “củi” nhưng thằng Lý bị “ngồi” rồi, Đích Thân.

– Nặng không?

– Dạ, chắc không sao.

Huy cười sung sướng:

– Còn tụi nó?

 “Chém vè” rồi Đích Thân, để lại dấu máu nhiều lắm, chắc nó bị nặng.

–  Kỳ này làm ăn khá, về tôi sẽ khao. Nhớ lục soát kỹ, coi chừng nó bắn sẻ.

Chàng tới chỗ Lý đang nằm, máu thấm ướt ra cuộn băng cá nhân quấn quanh bắp chân và hắn đang phì phèo điếu thuốc lá. Huy hỏi:

– Lý, có sao không?

– Dạ, chắc không sao, đạn chỉ vô… thịt thôi.

Quay qua Y Tá Hùng, Huy bảo:

– Anh cho khiêng về đại đội, nếu cần, xin tải thương ngay.

Huy đứng dậy, đốt điếu thuốc lá hít một hơi thật dài, rồi nuốt luôn khói thuốc, chàng thoải mái thưởng thức mùi thuốc thơm nồng giữa chiến trường còn khét mùi thuốc súng.

Advertisement

Binh Nhất Khuê vẫn theo sát bên chàng, thấy “Đích Thân” rảnh rang hút thuốc, nó nhìn chàng thán phục, hỏi nhỏ:

– Đích Thân có ngải phải không, Đích Thân?

Huy ngạc nhiên:

– Sao?

Khuê mở lớn mắt:

– Em thấy Đích Thân đứng khơi khơi…

Chiến thắng lớn mà thiệt hại nhẹ làm Huy đâm ra vui tính, chàng cười phá lên:

– Rồi mày nghĩ tao có ngải nên mày bám sát tao luôn?

– Đâu phải, nhiệm vụ em là “bám” Đích Thân mà. Thấy Đích Thân đứng… ngay lưng, em ớn quá nhưng… đạn nó tránh ông thầy hết, kỳ thiệt.

Hắn xoa đầu, băn khoăn không nói tiếp nhưng cặp mắt tinh nhanh, láu lỉnh như muốn nói với Huy rằng hắn biết chàng có… “ngải” rồi nhưng chàng không muốn tiết lộ bí mật vì sợ “ngải” hết linh thôi.

Huy im lặng cười tủm tỉm, chàng không muốn hắn thất vọng.

Buổi chiều, khi dừng quân nghỉ tạm trong rừng, Trung Úy Kim Đại Đội Trưởng, gọi chàng tới. Kim bảo:

– Mở hàng mà anh làm ăn khá quá. Anh cho chuẩn bị danh sách binh sĩ lập chiến công để gửi lên tiểu đoàn ngay cho tôi.

– Tôi đã cho làm xong, sẽ trình lên Trung Úy.

Kim nhìn chàng từ đầu tới chân rồi vỗ vai thân mật:

– Huy à, tôi hỏi thật. Cậu có thất tình không?

Huy ngạc nhiên:

– Tại sao Trung Úy hỏi vậy? Bộ coi tướng tôi giống thất tình lắm sao?

– Tôi nghe tụi lính nói lại thì cậu có vẻ… muốn chết quá.

– Đâu có Trung Úy, tôi còn yêu đời lắm mà.

– Cậu muốn làm anh hùng, hay làm cho lính nó nể thì cũng chịu khó quý cái mạng mình dùm tôi một chút. Đánh đấm khơi khơi thì dám mau… xanh cỏ lắm.

Advertisement

Huy bật cười, nhớ lại những phút sững người của mình trong trận đánh đầu tay hôm nay, chả lẽ lại thú thật là mình… thộn ra, không kịp phản ứng vì bất ngờ? Nhớ lại ngày trình diện binh chủng, chàng phịa:

– Đâu phải Trung Úy, tôi nhớ hồi trình diện binh chủng, ông Tư Lệnh mình bảo, “Chỉ huy Dù là chỉ huy đứng, chấp nhận rủi ro để chỉ huy, không có người hèn nhát trong Dù.”

Kim gật gù, Huy hứng chí, “tố” thêm dù biết Kim không mấy tin:

– Ông Tư lệnh còn dặn rằng, “Các anh phải đứng để quan sát, chỉ huy. Không được nằm núp bắn ra. Vai trò chỉ huy không phải là để nhắm bắn địch. Tuyệt đối không nằm vì nằm rồi là không dám đứng lên nữa, là tiêu. Phải đứng để chỉ huy thôi. Tôi chỉ thực hành bài học thôi, đâu có gì sai phải không Trung Úy?

Kim vỗ vai chàng, cười:

 “Chiêu” đầu tiên của cậu khá quá. thuộc bài lắm, nhưng nhớ thì nhớ, chứ áp dụng thì còn tùy. May mà nó rút chứ nó cố đánh, cậu đứng khơi khơi thì… phiền lắm.

– Dạ.

– Lính nó nể cậu rồi, từ đây cậu bảo nó nhẩy vào… Việt Cộng là nó nhẩy vào ngay. Tôi quý cậu, nhắc cậu một điều, “Đứng thì Đứng vừa vừa thôi. “Đứng” kỹ quá thì phiền lắm’” Tôi muốn làm việc với cậu lâu dài, chỉ mong cậu “đỏ ngực” là đủ. Thôi, cậu về đi.

Huy đứng thẳng lên, giơ tay chào:

– Cám ơn Trung Úy.

Huy quay ra, Kim còn nói với theo:

– Nhớ nghe, “Đứng vừa vừa” thôi.

Sau này, khi đã dầy dạn với chiến trường và ở vào những vị trí chỉ huy quan trọng hơn, Huy mới hiểu thấm thía lời khuyên của Kim.

Từ đó, Huy có hỗn danh “Thiếu Úy Đứng” khi chỉ huy nói về chàng. Với lính, họ gọi lén chàng là “Ông thầy… ngải”. Gọi gì thì gọi, Huy không cần biết, chỉ biết là chàng nắm Trung Đội ngon lành từ sau ngày đó, dù đóa hoa mai trên áo chàng còn quá mới so với tất cả những người lính trong đơn vị.

Advertisement

Chàng mau chóng nắm ngay được ưu điểm nổi bật của những người lính Nhẩy Dù. Họ là những người lính gan dạ và thiện-chiến nhất trong quân đội, nếu không họ đã không tồn tại được trong binh chủng này. Câu họ hay nói nhất “Nhẩy Dù so gan ăn tiền.”

Bài giảng đầu tiên:

– Các anh phải nhớ chỉ huy Dù là “chỉ huy đứng”, phải chấp nhận rủi ro để chỉ huy, không có người hèn nhát trong Dù.

Càng ở Nhẩy Dù lâu, Huy càng thấy kinh nghiệm đó là đúng. Đạn réo ngang, réo dọc, đạn réo trước, réo sau, đạn đốn gục bạn bè, lính tráng chung quanh. Những khi hành quân, dù đang di chuyển hay khi trấn đồn, trấn cầu, đóng chốt thì mình vẫn là mục tiêu hấp dẫn cho pháo địch… tác xạ. Biết đâu mà tránh, thôi thì cứ đứng thẳng, bắt buộc phải can đảm mà chỉ huy, tìm đường sống trong cái chết, đúng là “so gan ăn tiền”!

Lần đầu Huy ngây ra không biết phản ứng ra sao thật, nhưng sau tất cả quen đi. Huy và những người lính nhẩy Dù chấp nhận:

– Cứ biết là sống ngay bây giờ, biết đâu mình chẳng thấy mặt trời mọc ngày mai hay chẳng còn thấy mặt trời lặn tối nay?

– Đạn tránh người chứ người biết đâu mà tránh đạn.

Huy học sống trong chiến tranh từng giờ, từng phút. Huy học kinh nghiệm bằng thực tế máu lửa và Huy chai đá dần với chiến trường.

Nhưng có những điều học rất… khó chịu và khó thuộc.

Lần đầu vừa hành quân về, trình diện tiểu đoàn, Huy gặp cảnh vợ con tử sĩ tới đại đội làm thủ tục lãnh Tử-Tuất cho cô- nhi, quả-phụ.

Khu nhà tập họp của Đại Đội trắng xóa một màu tang chế. Những gương mặt đau khổ, rã rời. Những người mẹ, người vợ gầy gò, héo úa. Những đứa trẻ thơ xanh xao, ngơ ngác, buồn rầu. Tiếng khóc than nức nở, tiếng oán trách nghẹn ngào, những đôi mắt lạc thần, mất mát làm Huy tưởng đầu mình muốn nổ tung ra vì đau khổ và giận dữ. Chàng muốn quát lên:

– Mấy người ra kiếm… thằng già Hồ mà đòi cha, đòi chồng, đòi con. Nó mới là người có trách-nhiệm về những cái chết này. Bọn Việt Cộng xâm lấn miền Nam và Quân Đội của chúng ta chỉ tự-vệ để bảo vệ miền Nam. Sao trách cứ Quân- Đội?

Advertisement

Phải, những người chỉ huy như chàng nào có trách nhiệm gây ra cuộc chiến dù họ có đích thân chỉ huy trận đánh! Quân Đội, cái Quân Đội chàng đang phục vụ nào có muốn đem những người lính như họ ra hy sinh!

Quân đội nào muốn có chiến tranh?

Chàng nào muốn có chiến tranh?

Chiến tranh không tha cha già, mẹ yếu, vợ dại, con thơ!

Chiến tranh không còn chỗ cho tình yêu, cho bạn bè, cho người tình và cho cả tình người?

Chiến tranh chỉ biết súng đạn, thương vong và nước mắt! Nhưng… cả một thế-lực chính trị quốc tế kẹp chặt cứng lấy chàng và những người lính như chàng vào quân đội. Kẹp chặt cứng quân đội vào cái thế chỉ được quyền chủ động trong giới hạn nào đó. Quân đội chỉ được tùy nghi ứng phó theo từng mùa, từng chiến dịch tấn công của giặc trong khi chúng được hậu thuẫn của cả khối Cộng Sản quốc tế sau lưng.

Còn Mỹ? Huy và các bạn chàng biết tuy Mỹ và đồng minh là bạn ta nhưng phải chăng đó chỉ là những mối tình qua đường vì quyền lợi chung, chứ nào phải vì lý tưởng Tự Do hay vì đất nước mình?

Làm sao để kết thúc được những đau khổ trong cuộc chiến triền miên này?

Huy không tìm được câu trả lời! Lần đó, Huy bỏ đi uống rượu một mình, say khướt một bữa. Chàng cần phải quên họ, những người lính vừa âm thầm ngã xuống. Những người góa phụ đau khổ xanh xao:

– Anh ơi, sao anh nỡ bỏ em…, bỏ con cho đành?

Những trẻ mồ côi thất thần, ngơ ngáo kêu đòi:

– Cha ơi, cha về với con…

Những người cha, người mẹ tóc bạc phơ ngẩn ngơ, thờ thẫn, không còn nước mắt khóc những lá xanh rụng trước lá vàng.

– Con ơi là con, sao con đành bỏ cha, bỏ mẹ. Thà là cha mẹ chết thay cho con…

Những vành khăn trắng xô lệch, tang thương, quấn vội trên những mái đầu chĩu nặng khổ đau. Họ đã thua trắng tay trong cuộc cờ định mệnh! Và Huy, chàng cũng bị ngụp lặn trong cuộc cờ tàn nhẫn đó! Chàng chẳng làm gì được cho họ và chàng chẳng làm gì được cho chàng!

Advertisement

Huy say nhưng những hình ảnh đau thương vẫn còn đó, theo đuổi chàng, chàng vừa lầm lì uống vừa trào nước mắt. Niềm đau của mọi người mà chàng mang nặng mãi trong hồn vào cơn say không còn trời đất dù thật tâm chàng không ân hận hay cảm thấy tội lỗi bao giờ.

Chàng hay bất cứ người nào khác cũng đều có thể thay thế những người bất-hạnh đã nằm xuống để trở thành tử-sĩ bất cứ lúc nào!

Chàng thấm cơn say và thấm luôn hai câu thơ cổ:

“Dục phá thành sầu, tu dụng tửu,
Túy tự túy đảo, sầu tự sầu.”
 (4)

Phải, sau cơn say, nỗi sầu mênh mang, lồng lộng vẫn còn đó, chỉ trốn thật kín, thật sâu làm trái tim thêm nặng chĩu, tê tái đến chai ngắt, sượng sần.

Huy tập thêm những chịu đựng và cố gắng tối đa để giảm bớt nỗi đau của gia đình thuộc cấp, bạn bè. Chàng còn làm gì hơn được? Ngay sinh mạng của mình, chàng cũng chỉ biết từng giờ.

Mỗi lần gặp xe chở những cỗ quan tài phủ quốc kỳ ủ rũ, những khuôn mặt xanh xao, vàng vọt ngồi ôm chiếc bình nhang, khói hương nhạt nhòa, với tấm ảnh những người lính đang hồn-nhiên nở nụ cười bất-diệt, Huy nghe lòng mình chùng lại. Chàng đưa tay lên chào, âm thầm gửi thêm một lời cầu nguyện cho người chiến-hữu, rồi giữ vẻ mặt thản-nhiên chàng đưa điếu thuốc lên môi hít một hơi dài, trán càng hằn thêm nét ưu tư nhưng đành chấp nhận thân-phận người trai thời loạn. Đôi khi chàng bâng khuâng:

– Bao giờ tới lượt mình?

Tiểu đoàn Huy đi khắp mọi vùng chiến-thuật để tăng-viện cho những trận chiến ác liệt nhất, tàn khốc nhất, chết người nhất. Huy thấy hết cái tàn bạo của chiến tranh, cái thê thảm và bi hùng của thân phận người lính chiến và hơn hết, chàng cảm nhận được nỗi cô-đơn, sự khó khăn vô chừng của người chỉ huy.

Chàng phải quyết định hết sức cẩn thận, cân nhắc, đắn đo từng li, từng tí trong từng tíc tắc chết người. Không có vấn đề bốc đồng, không có vấn đề tự ái vặt cho một người chỉ huy giỏi và kỷ-luật phải được duy trì tối đa vì sức mạnh của quân đội là kỷ luật. Chàng nữa, chàng cũng phải tôn trọng những kỷ luật chàng đặt ra cho mình khi chỉ huy, bởi vì mỗi quyết định của chàng sẽ được tính bằng máu, bằng nước mắt, bằng tàn phế, bằng đau thương, bằng sinh mạng thuộc hạ, bạn bè và cũng tính bằng mất mát, nước mắt và nghèo đói của gia đình họ.Thua, được! Sống, chết chỉ cách nhau một chớp mắt phù du và chàng đã bao lần phải quyết định trong những chớp mắt giết người như vậy!

Advertisement

Cuộc sống nguy hiểm với cái chết đến không hẹn giờ, chiến trường ngày càng lan rộng, càng sôi động làm tương lai ngày thêm mờ mịt. Huy và rất nhiều bạn bè không dám nghĩ tới việc lập một mái gia đình. Có lần họp khóa, Khoa tâm sự với Huy và Hân:

– Đâu phải mình không biết yêu hay trái tim đã chai đá vì chiến trường, phải không mày? Cũng chẳng phải tao không tìm được người yêu hay không có người dám cùng tao lập “lâu đài trên cát”, nhưng tao không muốn lôi cuốn người mình yêu vào vòng tình ái vớ vẩn vì tao… sợ!

Hân và Huy cùng gật gù, thông cảm.

Những người lính chiến sợ thật, họ sợ lắm cảnh thê lương cho người ở lại.

Huy ngậm ngùi:

– “Anh trở về trên đôi nạng gỗ. Anh trở về dang dở đời em…” Thành thật mà nói, tao thà không trở về…

Mấy người bạn hít từng hơi thuốc, thả khói mịt mù, trầm ngâm.

Phải, đối diện với cái chết từng giờ, từng phút, họ sợ đem đau khổ, tang tóc, cô đơn tới cho người mình yêu dấu. Sợ để lại người vợ trẻ với vành khăn góa phụ! Sợ tạo ra những đứa trẻ bơ vơ thiếu người cha là cột trụ cuộc đời! Họ không sợ cho họ nhưng sợ nhiều lắm cho những người thân yêu sẽ ở lại cuộc đời nếu chẳng may họ phải ra đi hay chịu đời tàn phế.

Mỗi lần hành quân về, họ kéo nhau đi ăn, đi chơi, quậy phá cho thỏa thích, cho quên những ngày hành quân cực khổ, những giây phút kinh hoàng và… trên tất cả: Quên những người vừa nằm xuống, những bạn bè, thuộc cấp mới ra đi, những người đang quằn quại với đau khổ, với mất mát còn tươi mùi máu đổ ra từ hình hài họ!

Phòng trà, vũ nữ thay thế cho một mái nhà và người vợ hiền.

Những khi tỉnh rượu, thấy mình cô đơn, trơ trọi, Huy buồn thấm thía.

Chẳng lẽ chỉ vì chiến tranh, chàng sẽ không bao giờ được quyền mơ tưởng tới hạnh phúc riêng tư, suốt đời ôm ấp mãi những thân xác cho thuê?

Chẳng lẽ sẽ không bao giờ chàng được diễm phúc bồng ẵm thân hình bé bỏng, mũm mĩm, kháu khỉnh, thơm nồng mùi sữa mẹ của những đứa con thơ?

Đời lính chiến thiệt thòi nhiều quá nhưng chàng đã chọn con đường binh nghiệp đầy chông gai rồi thì còn gì để chàng hối tiếc?

Huy lên tiếng:

– Nếu được làm lại tất cả, mình có làm khác không?

Rồi chàng tự trả lời, dứt khoát:

– Chắc chắn là không.

Khoa cũng gật đầu:

– Tao cũng vậy.

Ghi chú:

(1). Đích Thân: Một cách gọi của lính với sĩ quan chỉ huy trực tiếp của họ trong binh chủng Nhảy Dù, biến thể từ ngôn ngữ liên lạc vô tuyến.

Advertisement

(2). Bi-đông: Đồ đựng nước cá nhân của người lính dùng khi đi hành quân.

(3). Mồi: Thức ăn để nhậu khi uống rượu.

(4). Mượn rượu giải sầu
Say thì say, sầu vẫn sầu.

Advertisement
This entry was posted in 2.Một thời để nhớNgười Lính VNCHVăn Hoá Vụ - Trường Võ Bị Đà LạtĐa Hiệu. Bookmark the permalink.

Ý kiến - Trả lời