Tuesday, July 5, 2016


Nhân tìm hiểu về IMF tôi đọc được một bài nghiên cứu của Daniel Erikson có một đoạn khá chi tiết về lịch sử quan hệ giữa tổ chức này với VN. Dù hầu hết các thông tin không mới, đọc lại lịch sử làm tôi chợt nhớ đến hội nghị Thành Đô và nảy ra một số suy nghĩ về sự kiện này. Viết ra đây đầy rủi ro sẽ bị chụp mũ là ... DLV, nhưng thôi cứ tuân thủ nguyên tắc freedom of expression.

Nhờ hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ của Thứ trưởng Trần Quang Cơ và Bên Thắng cuộc của nhà báo Huy Đức, sự kiện hội nghị Thành đô (HNTĐ) tháng 9/1990 đã không còn là bí mật với đa số giới trí thức VN. Cho đến nay có lẽ đa số mọi người (trong đó có tôi) cho rằng HNTĐ là một sai lầm của phía VN khi đã quá ngây thơ/mù quáng tin vào ĐCS TQ. Hậu quả là VN đã phải nhượng bộ rất nhiều về vấn đề Campuchia để nối lại quan hệ với TQ nhưng cuối cùng vẫn bị TQ lừa. Kể từ đó VN từ chỗ đối đầu trở thành lệ thuộc vào TQ, thậm chí bị "Bắc thuộc" trở lại.

Đọc Erikson (hoặc đọc lại TQC+HĐ) có thể thấy hai sự kiện sau. Giai đoạn 1976-1978 VN đã "suýt nữa" bình thường hoá quan hệ với Mỹ nếu lúc đầu không quá cứng rắn đòi 3.2 tỷ USD bồi thường chiến tranh. Chắc chắn lãnh đạo VN dù kiêu ngạo đến đâu sau năm 1975 cũng hối tiếc đã để hụt cơ hội đó, họ hiểu rằng thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ để tránh bị cấm vận là một điều vô cùng quan trọng. Đến năm 1989 việc bình thường hoá quan hệ với TQ còn quan trọng hơn khi VN đang ở bước đường cùng, bởi vậy họ sẵn sàng chấp nhận trả giá cao để không bị vuột mất cơ hội một lần nữa, bài học năm 1978 còn rất mới.

Sự kiện thứ hai là tháng 9/1989 Mỹ (và Nhật) ngăn cản VN chính thức quay lại với IMF khi không đồng ý để VN trả khoản nợ 130 triệu USD quá hạn với IMF (bằng bridging loan của Pháp). Cho đến năm 1989 VN bị phương Tây tẩy chay, và tất nhiên không tiếp cân được với IMF/WB/ADB chứ đừng nói gì ODA/FDI, vì đang chiếm đóng Campuchia. Những tưởng việc rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia trong năm 1989 làm hài lòng phương Tây, nhưng nói theo lời Daniel Erikson VN đã cay đắng nhận ra rằng "the goalposts had moved". Rút quân chưa đủ, Mỹ còn đòi VN phải dàn xếp một thoả thuận chính trị ổn định cho Campuchia. Điều này chỉ có thể thực hiện được với sự thoả thuận của TQ, kẻ đang đứng đằng sau cả Pol Pot lẫn Sihanouk.

Như vậy không kể tư tưởng bảo thủ/ngây thơ muốn bảo vệ CNCS như TQC/HĐ đã phân tích, VN bước vào HNTĐ với tâm thế phải cầu cạnh TQ để đạt được giải pháp chính trị cho Campuchia bằng bất cứ giá nào và tâm lý không được đánh mất cơ hội một lần nữa. Cái giá phải trả ít là "thủ cấp của Nguyễn Cơ Thạch", nhiều là một thời kỳ "Bắc thuộc" mới. Nhưng VN đạt được mục đích đưa ra giải pháp chính trị cho Campuchia mà phương Tây chấp nhận, sau đó bình thường hoá quan hệ với TQ và Mỹ 5 năm sau.

Nếu năm 1946 Harry Truman đẩy Hồ Chí Minh về phía CS, năm 1978 Jimmy Carter đẩy Lê Duẩn về phía LX, năm 1989 George HW Bush đã góp phần đẩy Nguyễn Văn Linh/Đỗ Mười về phía TQ. Nước Mỹ "nặng nợ" với dân tộc Việt lắm!


http://www.ascecuba.org/c/wp-content/uploads/2014/09/v13-erikson.pdf
Translate