Thursday, August 18, 2022

 Tướng Đỗ Cao Trí, sau Tướng Trần Văn Đôn, là người biết nhận diện và trọng dụng tài ba quân sự xuất chúng của Tướng Hiếu. Khi Thiếu Tá Hiếu tốt nghiệp US Army Command and General Staff vào tháng 5 năm 1963, Tướng Trí bổ nhiệm Trung Tá Hiếu vào chức Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 1 Bộ Binh, rồi Tư Lệnh của Sư Đoàn này khi ông được cử thay thế Tướng Lê Văn Nghiêm trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I. Chính trong tư cách Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Trung Tá Hiếu đã chỉ huy toán quân của Sư Đoàn 1 đến vây hãm dinh thự Cậu Cẩn và vào gặp riêng Cậu Cẩn. Tướng Hiếu đã thành công trong việc thuyết phục ông ra lệnh cho đơn vị phòng vệ dinh thự buông súng đầu hàng mà không phải tốn phí một viên đạn nào. Sau cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963, Đại Tá Hiếu được Tướng Trí đưa về Đà Nẵng làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn I; rồi khi Tướng Trí và Tướng Khánh hoán chuyển Quân Đoàn I và II với nhau, Đại Tá Hiếu theo Tướng Trí lên Pleiku giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Ngày 10/9/1964, Tướng Trí bổ nhiệm Đại Tá Hiếu Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, nhưng rồi ông bị Tướng Khánh cách chức Tư Lệnh Quân Đoàn II, vì bị nghi dính líu vào vụ chính biến do Tướng Dương Văn Đức cầm đầu xảy ra vài ngày sau đó, 15/9/1964. Chỉ trong vòng 5 tuần lễ sau, ngày 24/10/1964, Đại Tá Hiếu được Tướng Nguyễn Hữu Có, người thay Tướng Trí trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II, đưa trở lại chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Không đầy một năm sau, ngày 20/6/1965, Tướng Vĩnh Lộc thay Tướng Có, và Đại Tá Hiếu tiếp tục giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II cho đến khi được Tướng Vĩnh Lộc bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 thay Tướng Nguyễn Thanh Sằng ngày 23/6/1966.

Ba năm sau, ngày 14/8/1969, Tướng Hiếu được Tướng Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III, triệu về nắm Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Trong ba Tư Lệnh Sư Đoàn 5, 18 và 25 thuộc Quân Đoàn III, theo nhận xét của Đại Tá Nguyễn Khuyến, Chánh Sở An Ninh Quân Đội Quân Đoàn III, Tướng Trí "tỏ vẻ trọng dụng Tướng Hiếu nhất". Tướng Trí đã đặc biệt nhờ vào tài chỉ huy của Tướng Hiếu với Sư Đoàn 5 để cày nát chiến khu Dương Minh Châu và mật khu Hố Bò, khiến cho các đơn vị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trung Ương Cục Miền Nam không còn chốn nương thân phải bỏ chạy qua ẩn nấu bên lãnh thổ Cam Bốt. Đầu năm 1971, khi Tổng Thống Thiệu muốn cử Tướng Trí thay Tướng Hoàng Xuân Lãm để cứu vãn tình trạng lún bùn bi đát của Hành Quân Lam Sơn 719, Tướng Trí muốn Tướng Hiếu thay mình trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III, nhưng ông Thiệu không chịu và khi Tướng Trí thình lình bị tử nạn trực thăng vào tháng 2/1971, ông Thiệu cử Tướng Nguyễn Văn Minh thay Tướng Trí.

Ai cũng biết Tướng Trí là một tướng giỏi; nhưng chỉ có ít người, trong số đó có Tướng Trí, biết Tướng Hiếu cũng là một tướng giỏi. Sau đây xin chứng minh điều đó qua một số chiến công do Tướng Hiếu đã thực hiện.

Hành Quân Đỗ Xá


 


General Nguyen Van Hieu, Hành Quân Đỗ Xá


 


Tướng Trí đã ủy thác cho Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, điều nghiên và thi hành Hành Quân Quyết Thắng 202 đánh thẳng vào mật khu bất khả xâm phạm Đỗ Xá của Việt Cộng, nằm sâu trong dãy núi Trường Sơn tại giáp giới ba tỉnh Kontum, Quảng Ngãi và Quảng Tín, từ 27 tháng 4 đến 27 tháng 5 năm 1964.

Tham dự cuộc hành quân này gồm có các đơn vị của Trung Đoàn 50 thuộc Sư Đoàn 25 dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Phan Trọng Trinh, bốn tiểu đoàn Biệt Động Quân dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Sơn Thương và một tiểu đoàn Dù dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Ngô Quang Trưởng.

Các toán quân được trực thăng vận tới hai địa điểm đổ bộ do ba phi đội trực thăng yểm trợ: phi đội HMM-364 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, phi đội 117 và phi đội 119 thuộc Phi Đoàn 52 Không Lực Lục Quân Hoa Kỳ.

Cộng Quân tấn công mãnh liệt các phi vụ đổ bộ trong hai ngày đầu, sau đó chúng lủi chốn tránh né đụng độ. Tuy vậy, Hành Quân Đỗ Xá đạt được thành quả sau đây: phá hủy hệ thống truyền tin của bộ chỉ huy Việt Cộng gồm năm trạm phát thanh, một trạm dùng để liên lạc với Bắc Việt, và bốn trạm dùng để liên lạc với các đơn vị Việt Cộng hoạt động tại các tỉnh lỵ; địch tổn thất 62 chết, 17 bị bắt, hai súng phòng không 52 ly, một súng liên thanh 30 ly, 69 súng cá nhân, và một số lượng lớn mìn và lựu đạn, các dụng cụ công binh, chất nổ, thuốc men và tài liệu; phá hủy 185 căn nhà, 17 tấn lương thực và 292 mẫu mùa màng.

Hành Quân Thần Phong


Map of Than Phong Operation Battle


 


Năm 1965, Cộng Quân tấn công ồ ạt khắp vùng Cao Nguyên thuộc Quân Khu II. Vào đầu tháng 7 năm 1965, ba trung đoàn BV (32, 33, và 66) đã hoàn toàn cô lập hóa vùng Cao Nguyên. Các đơn vị bạn không còn xử dụng được các Quốc Lộ 1, 11, 14, 19 và 21, và mọi tiếp tế cho vùng Cao Nguyên chỉ có thể thực hiện qua đường hàng không.

Ngày 8 tháng 7 năm 1965, Tướng Vĩnh Lộc ủy thác cho Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, điều nghiên kế hoạch khai thông Quốc Lộ 19.


Trái ngược với thông lệ khi hành quân khai lộ là tập trung một lực lượng quân lính to lớn để tuần tự dẹp các ổ phục kích và nút chận của địch quân dọc trên quốc lộ, Đại Tá Hiếu đã nghĩ ra kế cấm cản địch quân thiết lập các ổ phục kích và nút chận bằng cách dùng chiến thuật dương đông kích tây. Từ ngày N-6 đến N+2, Đại Tá Hiếu cho Sư Đoàn 22 và Thiết Vận 3 đánh thốc từ Qui Nhơn xuống Tuy Hòa trên Quốc Lộ 1; cho Chiến Đoàn 2 Dù cùng Địa Phương Quân và Nhóm Dân Sự Chiến Đấu tấn công tái chiếm Quận Lệ Thanh; cho Chiến Đoàn Alpha TQLC và Trung Đoàn 42 đánh từ Pleiku lên Bắc Dak Sut trên Quốc Lộ 14; và cho Tiểu Đoàn Công Binh Chiến Đấu đánh từ Phú Bổn đến Tuy Hòa để sửa chữa Liên Tỉnh Lộ 7.


 


Map of Than Phong Operation Battle


 


Sau khi gây hoang mang cho địch quân với đồng loạt các cuộc hành quân qui mô đó, Đại Tá Hiếu "dồn ép Việt Cộng từ ba hướng với các cuộc tiến quân phát xuất từ Pleiku và Qui Nhơn và một bủa vây thẳng góc từ bắc An Khê tung xuống. Những động tác này được thi hành bởi một chiến đoàn của tiểu khu Pleiku phát xuất từ Pleiku, hai chiến đoàn của Sư Đoàn 22 Bộ Binh phát xuất từ Qui Nhơn, và một chiến đoàn của hai tiểu đoàn Dù được trực thăng vận vào mạn bắc An Khê và tấn công xuống hướng nam với Chiến Đoàn Alpha của Lữ Đoàn TQLC thực hiện việc kết nối," đồng thời "đặt để một lực lượng trừ bị lớn mạnh gồm ba tiểu đoàn (một biệt động quân, một thủy quân lục chiến, và một dù) và hai đơn vị thiết giáp tại các địa điểm chiến thuật: Pleiku, Suối Đồi, An Khê và Đèo Mang." Nhờ vậy, các đoàn xe vận tải có hộ tống có thể di chuyển ngày đêm trên Quốc Lộ 19 trong 5 ngày từ N+3 đến N+7, "gầy dựng được một tồn trữ tiên khởi tiếp tế lên tới 5,365 tấn tại Pleiku". Tiếp đó các đơn vị hành quân rút về các căn cứ trong hai ngày N+8 và N+9.

Kết quả của Hành Quân Thần Phong là “các đoàn xe được hộ tống tạo một sinh khí mới trên Vùng Cao Nguyên. Vật giá thực phẩm và hành hóa thuyên giảm từ 25 đến 30 phần trăm, đồng thời dân chúng hồi phục cảm nghiệm an ninh, tin tưởng và hy vọng. Các học sinh tại Pleiku tình nguyện giúp quân lính gỡ hàng xuống, và dân chúng trước đây di tản nay trở về làng xã.”

Trận Đánh Pleime


 


Map of Pleimer Ia Drang Valley Operation Battle


 


Sau khi thất bại đánh chiếm trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ tháng 8/1965, vào tháng 10/1965 Tướng Võ Nguyên Giáp phát động Chiến Dịch Đông Xuân nhằm cắt Nam Việt Nam làm đôi, từ Pleiku thuộc vùng cao nguyên xuống đến Qui Nhơn thuộc vùng duyên hải. Kế hoạch của Tướng mặt trận VC Chu Huy Mân như sau: 1. Trung Đoàn 33 BV vây hãm tiền đồn Pleime để nhử Quân Đoàn 2 đem viện binh từ Pleiku kéo xuống; 2. Trung Đoàn 32 BV nằm phục kích đón chờ quân viện binh (một con mồi ngon khi không được yểm trợ bởi hỏa lực của các căn cứ pháo binh đặt gần bên); 3. sau khi triệt hạ viện binh, Trung Đoàn 32 BV trở đầu tiếp sức Trung Đoàn 33 BV thanh toán trại Pleime; 4. đồng thời một khi tuyến phòng thủ của tỉnh Pleiku bị suy yếu vì phải đưa quân tiếp cứu trại Pleime, Trung Đoàn 66 BV sẽ khởi sự tấn kích cầm chừng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2, chờ cho Trung Đoàn 32 và 33 BV thanh toán xong trại Pleime lên tiếp sức tấn chiếm tỉnh Pleiku.

Để hóa giải chiêu độc địa của Tướng Chu Huy Mân, Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II bàn định kế hoạch với Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ như sau: 1. Quân Đoàn II làm bộ mắc mưu địch phái một đơn vị Biệt Kích hỗn hợp Mỹ Việt tới trại Pleime trước để tiếp sức với quân đồn trú bảo vệ trại; 2. gửi một Chiến Đoàn từ Pleiku xuống tiếp cứu trại Pleime; 3. Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ sẽ gửi một Lữ Đoàn thay thế số quân đi tiếp ứng bảo vệ tỉnh Pleiku; 4. đồng thời Sư Đoàn 1 Không Kỵ sẽ trực thăng vận nhiều pháo đội rải rác tại các vị trí gần địa điểm phục kích dùng thế "tiền pháo hậu xe" yểm trợ cho Chiến Đoàn tiếp cứu khi hữu sự.

Nhờ vậy mà Trung Đoàn 66 BV bị vô hiệu hóa nằm bất động ở rặng núi Chu Prong, Trung Đoàn 33 BV bị đánh tan tành ở điểm phục kích, và Trung Đoàn 32 BV phải bỏ vây hãm căn cứ Pleime và tiu nghỉu tháo lui vào rừng rậm.

Hành Quân Đại Bàng 800

Tháng 6 năm 1966, Tướng Vĩnh Lộc bổ nhiệm Đại Tá Hiếu làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Đầu tháng 2 năm 1967, Đại Tá Hiếu phát động Hành Quân Đại Bàng 800. Trước đó ròng rã ba ngày, các đơn vị của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ, ráo riết truy lùng địch quân, nhưng thất bại không phát hiện được một mống du kích quân nào. Thay vì đi lùng kiếm địch, Đại Tá Hiếu khôn khéo hơn xoay qua kế dụ địch, bằng cách phái một trung đoàn trừ vào vùng Phù Mỹ đóng quân qua đêm, biết chắc là các điệp viên địch quân trà trộn trong dân chúng sẽ báo cáo quân số yếu kém của đơn vị bạn. Trong khi đó, Đại Tá Hiếu ếm sẵn một tiểu đoàn bộ binh cơ giới và một thiết đoàn kỵ binh cách địa điểm đóng quân 10 cây số, ngoài mọi tầm quan sát của địch. Thế là địch tưởng bở ngỡ là có một con mồi ngon, tung ra một trung đoàn thuộc Sư Đoàn 3 Sao Vàng BV, định xơi tái trung đoàn trừ vào lúc 2 giờ sáng. Được báo động, Đại Tá Hiếu ra lệnh cho đơn vị trừ bị phóng tới cắt đường tháo lui của địch và đồng thời hợp lực với quân trú phòng tạo thế gọng kìm làm thịt địch quân. Kết quả là sau ba tiếng đồng hồ giao tranh, địch quân bỏ lại hơn 300 xác chết và vô số súng ống ngổn ngang trên bãi chiến trường.

Hành Quân Vượt Biên Snoul


Map Of Snoul Operation Battle


 


Tháng 8 năm 1969, Tướng Hiếu được Tướng Trí giao cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Cuối năm 1970, Tướng Hiếu bàn định với Tướng Trí phải dụ địch bằng cách đặt một trung đoàn ở Snoul sâu trong lãnh thổ Căm Bốt, phía bắc Lộc Ninh trên Quốc Lộ 13. Bắc Quân có 3 Sư Đoàn (5, 7 và 9) hoạt động quanh vùng đó. Quân Đoàn III sẵn sàng dốc toàn bộ 3 Sư Đoàn 5, 18 và 25 nếu Cộng Quân dám tung quân vào trận chiến một, hai hay cả ba sư đoàn. Rủi ro thay, Tướng Trí bị tử nạn trực thăng cuối tháng 2 năm 1971, và Tướng Minh, người thay thế Tướng Trí, không chịu thi hành đến cùng kế hoạch dụ địch vào phút chót, khi Chiến Đoàn 8 thành công dụ địch bu quanh Snoul với hai Sư Đoàn 5 và 7 BV. Quân lính phòng thủ của Chiến Đoàn 8, khi không thấy viện binh tới mà cũng không có B-52 đến yểm trợ, sắp phải toan phất cờ trắng đầu hàng. Tuy nhiên, Tướng Hiếu đã trở tay kịp để rút quân an toàn về tới Lộc Ninh. Cuộc lui binh được thực hiện cách trật tự qua ba giai đoạn: (1) ngày 29/5/1971, Tiểu Đoàn 1/8 phá vỡ vòng vây rút từ tiền đồn nằm ở phía bắc Snoul về chợ Snoul, nơi đóng quân của Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 8; (2) ngày 30/5/1971, Chiến Đoàn 8 dùng Tiểu Đoàn 1/8 làm mũi giáo chọc thủng vòng vây địch, kéo theo các Tiểu Đoàn 2/8, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, Thiết Đoàn 1 với Tiểu Đoàn 2/7 bọc hậu, rút từ Snoul tới địa điểm đóng quân của Tiểu Đoàn 3/8, cách Snoul 3 cây số trên Quốc Lộ 13; (3) ngày 31/5/1971, Tiểu Đoàn 3/8 thay Tiểu Đoàn 1/8 làm mũi giáo chọc thủng vòng vây, kéo theo sau Tiểu Đoàn 3/9, Tiểu Đoàn 2/7, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, Thiết Đoàn 1 với Tiểu Đoàn 1/8 bọc hậu, rút từ địa điểm 3 cây số cách biên giới Việt Miên này về tới Lộc Ninh.

Trong chiến sử QLVNCH, thử hỏi mấy ai thực hiện được một cuộc lui binh tài tình như vậy?

Hành Quân Svay Riêng


Năm 1974, trong tư cách Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III, phụ tá cho Tướng Phạm Quốc Thuần, Tướng Hiếu đã áp dụng chiến thuật Blitzkrieg (chiến trận thần tốc) để giải tỏa áp lực của Sư Đoàn 5 BV từ tỉnh lỵ Svay Riêng trong vùng Mỏ Vẹt thuộc lãnh thổ Cam Bốt nhằm vào căn cứ Đức Huệ. Trước hết, Tướng Hiếu dùng hai mươi tiểu đoàn di động bao quanh vùng Mỏ Vẹt. Tiếp đến, ngày 27 tháng 4, Tướng Hiếu tung Trung Đoàn 49 Bộ Binh và Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân qua vùng đồng lầy quanh Đức Huệ tiến tới biên giới Cam Bốt, và cho Không Quân bắn phá dội bom các vị trí đóng quân của Sư Đoàn 5 BV. Đồng thời, Tướng Hiếu cậy nhờ hai tiểu đoàn ĐPQ của Quân Đoàn IV từ Mộc Hóa tấn lên phía Bắc, thiết lập những nút chận mạn Đông Nam của vùng tập trung quân và khu tiếp vận của Sư Đoàn 5 BV.

Vào ngày 28 tháng 4, Tướng Hiếu tung mười một tiểu đoàn vào trận địa để thực hiện những cuộc hành quân tiên khởi chuẩn bị cho cuộc tấn công chính.

Vào sáng ngày 29 tháng 4, ba chi đoàn thiết giáp của Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III chọc thủng qua biên giới Cam Bốt từ phía Tây Gò Dầu Hạ, nhắm hướng bản doanh bộ tư lệnh của Sư Đoàn 5 BV mà xông tới.

Trong khi đó, Chiến Đoàn Bộ Binh và Thiết Giáp của Quân Đoàn IV được điều động xuất phát từ Mộc Hóa tiến qua biên giới đi vào vùng Cẳng Chân Voi, đe dọa đường rút lui của Trung Đoàn 275 BV. Trong khi các chi đoàn Thiết Giáp tiếp tục xông tới, tiến sâu đến mười sáu cây số vào lãnh thổ Cam Bốt trước khi chuyển bánh lái về phía Nam hướng về tỉnh lỵ Hậu Nghĩa, và trong khi các trực thăng đổ quân bất ngờ xuống các vị trí địch quân, các đơn vị khác của QLVNCH phát động những cuộc hành quân đánh chớp nhoáng vào vùng giữa Đức Huệ và Gò Dầu Hạ.

Ngày 10 tháng 5, khi đơn vị cuối cùng của QLVNCH trở về căn cứ, các hệ thống truyền tin và tiếp vận của Cộng quân trong vùng bị phá vỡ trầm trọng. Cộng quân thiệt hại hơn 1,200 chết, 65 bị bắt, và hàng trăm khí giới bị tịch thu. Mặt khác, nhờ vào các yếu tố vận tốc, bí mật, và phối trí của một hành quân đa diện, QLVNCH chỉ bị chết có dưới 100 quân lính.

Trận Svay Riêng này là trận đánh lớn nhất và thành công nhất sau cùng QLVNCH thực hiện trước ngày mất nước với sự tham dự đồng loạt và qui mô của một lực lượng tương đương với ba sư đoàn thuộc Quân Đoàn III và IV

Trong 6 trận đánh kể trên, ngoại trừ Đại Bàng 800 và Snoul, công lao của các trận kia đều được gán cho các tướng lãnh khác: Đỗ Xá, Đỗ Cao Trí; Thần Phong và Pleime, Vĩnh Lộc; và Svay Riêng, Phạm Quốc Thuần.

Kết Luận

Tướng Hoàng Xuân Lãm viết trong thư đề ngày 01/03/1999: "Chúng tôi anh em khóa Trần Hưng Đạo rất hãnh diện có một người bạn trung trực và hiên ngang như Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu."

Và Tướng Lữ Lan viết trong thư đề ngày 27/09/1999: "Năm kia, Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn 2, đã từ trần ở California, để lại mấy bài viết về cuộc đời phụng sự QLVNCH có đoạn nhắc tới Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, với lòng kính mến tuyệt đối, một Cấp Chỉ Huy ưu tú, thanh liêm và khả kính nhất".

Nguyễn Văn Tín

Ngày 12/12/2004

(Viết riêng cho đặc san Đa Hiệu)


Về Thư Ngỏ Của Tướng Trần Quang Khôi liên quan đến bài Tướng Nguyễn Văn Hiếu – SVSQ Khoá 3 Trần Hưng Đạo

Bài Tướng Nguyễn Văn Hiếu, SVSQ Khóa 3 Trần Hưng Đạo được đăng trên Đa Hiệu số 74 tháng 6 năm 2005 tại trang 44-60. Đồng thời bài Cuộc Phản Công Chớp Nhoáng của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh tại Đức Huệ của Tướng Trần Quang Khôi cũng được đăng trong số tạp chí này tại trang 171-197. Bài này của Tướng Khôi cũng được đăng trong cuốn sách Thép và Máu (2005) của Đại Tá Hà Mai Việt tại trang 320-331.

Vì hai bài trên cùng đăng trong số 74 Đa Hiệu, nên Tướng Khôi không thể không để ý tới bài Tướng Nguyễn Văn Hiếu, SVSQ Khóa 3 Trần Hưng Đạo, nhất là khi trong bài này cũng đề cập tới hành quân Svay Riêng mà ông gọi là Cuộc Phản Công Chớp Nhoáng của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh tại Đức Huệ. Tướng Khôi đã có một phản ứng mạnh mẽ biểu lộ qua thư ngỏ ông gửi Ông Chủ Nhiệm và Chủ Bút Đa Hiệu ngày 22 tháng 7 năm 2005:


 


Open letter from General Tran Quang Khoi


 


Open letter from General Tran Quang Khoi


 


Tướng Khôi nói là “trong 5 cuộc HQ mà Ô. Nguyễn V. Tín kể ra, tôi có trực tiếp tham dự 3 cuộc HQ. Những gì ông viết ra trong 3 cuộc HQ này là không đúng với sự thật: HQ Đỗ Xá, HQ vượt biên Snoul và HQ Svay Riêng.” Tướng Khôi viết tiếp là “ông [Tín] không hiểu về tổ chức chỉ huy, về tổ chức đơn vị nên viết lung tung dựa vào sự suy diễn và tưởng tượng.”

Tôi xin thưa với Tướng Khôi là bài Tướng Nguyễn Văn Hiếu, SVSQ Khóa 3 Trần Hưng Đạo được viết riêng cho Đa Hiệu là tóm tắt của những bài viết về các cuộc hành quân và trận đánh của Tướng Hiếu đăng trên mạng lưới nơi Trang Nhà Tướng Hiếu. Vì viết cho độc giả đại chúng của Đa Hiệu gồm cả thế hệ trẻ của đại gia đình Võ Bị Đà Lạt, nên không ghi chú các xuất xứ. Xin mời Tướng Khôi vào trang nhà Tướng Hiếu sẽ nhận thức tôi viết theo “suy diễn và tưởng tượng” hay “viết có sách mách có chứng”.

Trong khi chờ đợi Tướng Khôi mở máy điện toán, để tranh thủ thời gian, tôi xin liệt kê các nguồn xuất xứ của ba đoạn viết về ba cuộc HQ Tướng Khôi nêu lên.

HQ Đỗ Xá được viết dựa vào chứng từ của Tướng Lữ Lan, ba bản tường trình tình báo hằng tuần của CIA, bài Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá (Do Xa Strike Mission) của Thiếu Tá Franklin A. Gulledge, TQLCHK, bài Phi Ðoàn 52 LQHK Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá (US 52nd Aviation Battalion Supporting Do Xa Operation) của William E. McGee, và tường thuật của nhật báo New York Times The New York Times Tường Thuật Hành Quân Đỗ Xá (Do Xa Operation in New York Times).

HQ Snoul được viết dựa vào ba lá thư của Tướng Hiếu, ba tiêu lệnh hành quân (Toàn Thắng 8/B/5, Đặt Máy Dò Thám, Lộc Ninh), công điện mật số 3685/BCH/HQ/SĐ5/P3/, mật điện số mã 1652 ngày 062330H/05/71, Công Văn số 639/SD5BB/CL/ADHT của Bộ Tổng Tham Mưu, bài Trận Snoul Và Những Hậu Quả của Trần Văn Thưởng, TĐ1/8, bài Một Chuyến Chui Qua Cửa Ải Hỏa Ngục (A Trip Through the Gates of Hell) của Dan Sutherland, hai bài viết của Việt Cộng ghi trong bài Trận Snoul Dưới Mắt VC, và tường thuật của nhật báo New York Times The New York Times Tường Thuật Hành Quân Snoul (Snoul Operation in New York Times).

HQ Svay Riêng được viết dựa theo bài Hành Quân Svay Riêng (Svay Rieng Operation) của Samuel Lipsman và Stephen Weiss, The False Peace, The Vietnam Experience, Boston Publishing Company)

Tướng Khôi minh họa trí tưởng tượng của tôi như sau: “Ví dụ HQ Svay Riêng: không có cuộc HQ nào gọi là HQ Svay Riêng, chỉ có cuộc HQ phản công của LLXKQĐIII ở căn cứ Đức Huệ (xem Đa Hiệu 74 trang 171-197). Ông Tín (trang 58) viết: “…tướng Hiếu áp dụng chiến thuật Blitzkrieg (chiến trận thần tốc) để giải tỏa áp lực của SĐ5BV, tướng Hiếu dùng 20 tiểu đoàn di động … Ngày 28 tháng 4, tướng Hiếu tung 11 tiểu đoàn v.v…” Và Tướng Khôi khẳng định: “Tất cả những điều này là do óc tưởng tượng của Ô. Tín.”

Để đáp lại lời cáo buộc hàm hồ của Tướng Khôi, tôi xin trích dẫn nguyên văn lời của hai nhà sử gia Samuel Lipsman và Stephen Weiss để đối chiếu với các trích dẫn trên của Tướng Khôi: “That threat had materialized on March 27 when units of the 5th [NVA] Division attacked and invested the ARVN base at Duc Hue. As April wore on, and Communist forays out of Svay Rieng Province in Cambodia increased, III Corps commander Lieutenant General Pham Quoc Thuan collected twenty South Vietnamese maneuver battalions around the Parrot's Beak, determined to neutralize the North Vietnamese before the onset of the heavy rains of the summer monsoon. […] On April 28, with eleven ARVN battalions already in the field mounting a variety of operations preliminary to the major assault Thuan had readied for the following day. […] On the other hand, the speed, secrecy, and coordination of the multifaceted operation had limited ARVN KIA to fewer than 100.”

Nếu Tướng Khôi cho là hai nhà sử gia Samuel Lipsman và Stephen Weiss dùng trí tưởng tượng để dựng tạo cuộc HQ Svay Riêng, thì tôi xin đầu hàng chịu thua.

Thật ra thì bài viết của Lipsman và Weiss về cuộc hành quân Svay Riêng được gần như sao chép lại đoạn viết Cẳng Chân Voi và Cánh Thiên Thần về cuộc hành quân này của Đại Tá William Le Gro, sĩ quan tình báo Mỹ. Đại Tá Le Gro ghi rõ các nguồn tham khảo của đoạn viết này: Các dữ kiện hành quân về Trị Pháp và các trận đánh bên Căm Bốt được tham khảo từ các bàn tình hình, các báo cáo, và các tổng lược tình báo hàng tuần của DAO Sài Gòn, cũng như từ các bản tổng lược hàng tuần của Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu. Các kẽ hở trong thông tin được khỏa lấp bởi các tham khảo ghi chép riêng của tác giả và các bản tường trình từ các văn phòng của Sư Quán Hoa Kỳ, Sài Gòn.

Nếu 30 năm trước, khi nắm sinh mạng của các chiến binh thuộc LLXKQDIII, mà Tướng Khôi hành xử như ông hành xử trong vụ này khi ông hớ hêng nhận định sai lầm là tôi hoàn toàn dựa vào óc tưởng tượng, rồi đả kích tôi một cách quyết liệt không chút nương tay, thì thử hỏi khi ông xua quân và thiết giáp tấn công địch sau khi ông nhận định sai lầm về ý đồ và khả năng địch, sự tổn hại đến đạo quân của ông sẽ tai hại đến mức độ nào.

Bây giờ, tôi xin bàn tới lời khẳng định của Tướng Khôi: “Không có cuộc HQ nào gọi là HQ Svay Riêng, chỉ có cuộc HQ phản công của LLXKQĐIII ở căn cứ Đức Huệ”.

Sở dĩ Tướng Khôi nhất quyết như vậy là ông không biết là cuộc phản công do ông chỉ huy chỉ là một thành phần trong toàn bộ HQ Svay Riêng, vì trong tư cách một Tư Lệnh của một đơn vị tăng phái ông chỉ có cái nhìn hạn hẹp của vai trò của mình mà không có được cái nhìn bao quát của toàn cuộc Hành Quân Svay Riêng như hai sử gia Samuel Lipsman và Stephen Weìss mô tả. Nói tán rộng ra, khi một người kể lại một trận đánh mình có tham dự, thì sự mô tả đó thường chỉ hạn hẹp tùy theo vai trò của người đó trong trận đánh: binh sĩ, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, tham mưu trưởng hay chỉ huy trưởng của đơn vị tăng phái, v.v…

Trong trường hợp HQ Đỗ Xá, không biết lúc đó Tướng Khôi mang cấp bậc gì, trung úy hay đại úy (Tướng Ngô Quang Trưởng tham dự HQ Đỗ Xá với tư cách Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5 Dù), và đóng vai trò gì. Còn trong trường hợp HQ Snoul, vào thời đó Tướng Khôi là Tư Lệnh LLXKQĐIII được tăng phái cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh vào ngày cuối của cuộc lui binh, tức ngày 31/5/1971, khi mà cuộc lui binh khởi sự từ ngày 25/5; và LLXKQĐIII chỉ tiến sâu vào nội địa Cam Bốt 3 cây số trên đường tiếp cứu Chiến Đoàn 8. Do đó, tất cả những điều xảy ra trên chiến trường từ ngày 25 tới ngày 30, ông đâu có am tường, cho dù ông "có trực tiếp tham dự" cuộc HQ Snoul, để mà ông dám quả quyết là những điều tôi kể ra "không đúng với sự thật".

Xin mời Tướng Khôi đọc đoạn trích Cẳng Chân Voi và Cánh Thiên Thần lấy từ cuốn sách Vietnam: Cease Fire To Capitulation của Đại Tá William Le Gro, sĩ quan tình báo Mỹ. Đoạn này mô tả chiến dịch Svay Riêng và nêu rõ Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III do Tướng Khôi chỉ huy chỉ được Bộ Tư Lệnh cho tham chiến vào Giai Đoạn II của chiến dịch.

Tôi không đồng ý với Tướng Khôi nói là “Nếu tướng Hiếu còn sống, mà đọc bài của Ô Tín viết về ông, tôi nghĩ tướng Hiếu sẽ rất bất mãn”. Tướng Hiếu chỉ bất mãn trong trường hợp tôi “viết các cuộc HQ một cách méo mó, sai sự thật, không dựa vào những sự kiện lịch sử”. Đàng này tôi hết sức cố gắng thu thập càng nhiều tài liệu và chứng từ càng tốt, kể cả của Việt Cộng, vì vốn tự biết mình là giới dân sự “không hiểu về tổ chức chỉ huy, về tổ chức đơn vị”. Tôi thiết nghĩ anh tôi, dù đã chết, phải lấy làm hãnh diện khi thấy tôi trả lại các công trạng chiến trận cho ảnh, những công trạng mà khi anh tôi còn sống được gán cho các thượng cấp của anh tôi, như tôi nhận xét trong bài này (Trong 6 trận đánh kể trên, ngoại trừ Đại Bàng 800 và Snoul, công lao của các trận kia đều được gán cho các tướng lãnh khác: Đỗ Xá, Đỗ Cao Trí; Thần Phong và Pleime, Vĩnh Lộc; và Svay Riêng, Phạm Quốc Thuần)- và bây giờ lại thêm Trần Quang Khôi (?!).

Anh tôi, tuy không thích khoe khoang, nhưng không khỏi cảm thấy khoái, như mọi người phàm, khi được người khác khen ngợi công việc mình làm. Trong vụ phơi bày lạm dụng Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội, Tướng Hiếu đã khoe với viên chức Sứ Quán Mỹ:

6. Tướng Hiếu nói là tiếp sau màn trình diễn trên đài truyền hình ông được một số sĩ quan QLVNCH khen ngợi ông về bản tường trình. Một tướng lãnh bạn chú thích là cảm tưởng thoạt tiên cho là Phó Tổng Thống Hương chỉ là một "Con Cọp Giấy" trong vấn đề tham nhũng nay đã biến cải sau khi bản tường trình được công bố.

Đối với lời "đề nghị Tòa Soạn Đa Hiệu nên rất thận trọng khi xét đăng những bài do những người dân sự viết về quân sự" của Tướng Khôi, tôi xin có hai ý kiến. Một là: dù trường hợp người dân sự hay người quân sự viết về quân sự thì cũng phải có thái độ thận trọng như nhau; điều quan trọng không phải là dân sự hay quân sự, mà là giá trị của nguồn tin và tài liệu tham khảo; mà có lẽ nên thận trọng hơn khi là người quân sự viết, vì biết một tí có bề dễ thêm bớt (chẳng hạn chỉ tiến sâu tới cây số 3 thì lại nói cương lên là thọc sâu tới tận cây số 9), hơn là người dân sự không biết gì hết khi viết mà không dựa vào nguồn tin hay tài liệu thì dễ bị lật tẩy ngay là đồ tưởng tượng (thử hỏi, thường các sử gia viết về quân sử là người dân sự hay người quân sự?). Hai là: khi cho đăng bài của tôi, Ông Chủ Nhiệm và Chủ Bút Đa Hiệu đã biết thừa đến mức độ sưu tầm dồi dào và giá trị của các tài liệu tham khảo trong Trang Nhà Tướng Hiếu và cuốn sách Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Một Viên Ngọc Ẩn Tàng được giới thiệu cùng trong số Đa Hiệu 74 nơi trang 304; chẳng hóa người mù lại muốn dạy khôn người sáng mắt sao?

Thêm một điểm chót. Tướng Khôi viết: "Ô. Tín có quyền vinh danh tướng Nguyễn Văn Hiếu về tài năng và đức độ nhưng không được viết các cuộc HQ một cách méo mó, sai sự thật, không dựa vào những sự kiện lịch sử". Tôi thiết nghĩ chắc Tướng Khôi ngụ ý không nên viết ? Vì ở nước tôn trọng tự do ngôn luận này, đâu có ai lại cấm đoán người khác như vậy.

Nguyễn Văn Tín

Ngày 04 tháng 09 năm 2005

- Tái bút ngày 10/12/2005 - Nhân dịp tiếp xúc với Đại Tá Lê Tất Biên, BĐQ, về sự tham dự của Lực Lượng Đặc Biệt trong Chiến Dịch Đỗ Xá năm 1964, tôi hỏi ông về trận Đức Huệ. Ông cho biết là Tướng Khôi có hỏi ông rất nhiều về các chi tiết trận đánh liên quan đến vai trò của Biệt Động Quân. Trong trận đó, coi như Lữ Đoàn 3 Thiết Giáp của Tướng Khôi được tăng phái cho Liên Đoàn 33 BĐQ. Trên nguyên tắc, khi xử dụng nhị thức bộ binh thiết giáp, chỉ huy trưởng bộ binh nắm quyền chỉ huy chiến đoàn. Nhưng vì ông là trung tá, còn ông Khôi là chuẩn tướng, nên Tướng Khôi được nhường phần chỉ huy trận đánh. Tuy nhiên, lực lượng chủ động vẫn là các đơn vị bộ binh. Ngoài ra, ông cho biết thêm đáng lẽ ra ông được thăng lên cấp đại tá sau trận đánh, nhưng Tướng Khôi đã dành lấy phần thưởng đó cho tư lệnh phó thiết giáp của ông. Quả là Tướng Khôi đã không vô tư trong bài tường thuật về trận đánh Đức Huệ; trái lại, ông có vẻ nói cương lên hơi nhiều.

- Tái bút ngày 24/10/2008 - Xin mời Chuẩn Tướng Khôi vào xem bài Mặt Trận Đức Huệ để có tầm nhìn chính xác hơn về trận đánh. Trong buổi trình diễn bản nhạc hòa tấu Mặt trận Đức Huệ, Chuẩn Tướng Khôi là nhạc công chơi nhạc cụ thiết giáp, Tướng Hiếu là nhạc trưởng điều khiển toàn ban nhạc gồm nhiều nhạc cụ khác nhau.

- Tái bút ngày 13/12/2008 - Trong bài viết Từ Trị Pháp Đến Svây Riêng, tác giả Mê Kông đề cập tới vai trò của Tướng Hiếu và Tướng Khôi trong Mặt Trận Đức Huệ.

- Tái bút ngày 19/08/2009 - Tôi nhận được điện thư sau đây có người tìm cách liên lạc với Tướng Khôi để xin một đính chính liên quan tới tên của Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 46/SĐ25BB bị tử thương trong trận đánh Đức Huệ:

Chúng tôi đọc bài viết của Tướng Trần Quang Khôi Chân dung người chiến sĩ thiết giáp kỵ binh và biệt động quân trong hai năm cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam (1974-1975) - Trận Đức Huệ. Sau bao nhiêu tìm kiếm địa chỉ để có thể liên lạc với ông Khôi, nhưng không được, chúng tôi chỉ thấy có một chút liên lạc đến với "generalhieu.com" với địa chỉ email này.

Chúng tôi là bạn của con ông Trung tá Cao Hữu Nhuận, Trung đoàn trưởng trung đoàn 46, sư đoàn 25 của QLVNCH. Chúng tôi có thấy được những bằng chứng để chứng minh rằng tên của ông Trung đoàn trưởng mà Tướng Khôi viết trong bài trên là không chính xác. Tướng Khôi viế̀t rằng: "Sau đó quân địch pháo kích tập trung hỏa lực thẳng vào căn cứ Phước Chỉ bằng hỏa tiễn 107 ly và 122 ly, khiến Trung Tá Cao Xuân Nhuận, trung đoàn trưởng Trung đoàn 46/SĐ25BB bị tử thương." Thật sự ông tên là Cao Hữu Nhuận. Chúng tôi có đủ bằng chứng để yêu cầu quý vị đính chính lại: giấy báo tử của Sư đoàn 25, những mẩu báo phân ưu còn lưu giữ, ông được truy thăng Đại tá và truy tặng đệ tam Bảo quốc huân chương, Anh dũng bội tinh cùng nhành dương liễu. Tất cả những dữ kiện trên, hiện vật đó vẫn còn được cất giữ cẩn thận. Mộ phần của ông vẫn còn ở Nghĩa trang quân đội Biên hòa.

Mục đích chúng tôi viết thư này gởi cho Quý vị là mong rằng tên cha của bạn chúng tôi được viết lại cho đúng vì đó là lịch sử. Nếu không phải trong quyền hạn của quý vị, xin vui lòng chuyển giúp cho chúng tôi lá thư này đến Tướng Trần Quang Khôi. Xin chân thành cảm ơn. (Vương Nhàn)


Tướng Hiếu, Một Thiên Tài Quân Sự?

Các Tướng Lãnh QLVNCH

 Tấn Công và Phản Công trên Quốc Lộ 19

Năm 1965 cộng sản Bắc Việt phát động một chiến dịch nhằm cắt đôi Việt Nam và đánh bại QLVNCH trong một trận chiến quy ước.

Trong cuộc tấn công Đông-Xuân năm 1964-65 Việt Cộng hướng về vùng Cao Nguyên Trung Phần. Cường độ của cuộc tấn công của Việt Cộng tại An Lão về phía bắc của Tỉnh Bình Định vào tháng 12 cho thấy Việt Cộng đang chuẩn bị tăng gia nhịp độ sinh hoạt từ các hành động du kích cỡ nhỏ lên tới một cuộc chiến di động. Trong hành động này, chúng hành quân với lực lượng cấp trung đoàn hay chiến đoàn với ít nhất ba hoặc bốn tiểu đoàn. Việt Cộng chống trả và chỉ rút lui dưới áp lực mạnh của QLVNCH. Đây là một thay đổi so với quá khứ, từ chính sách tấn kích và phục kích rồi rút quân khi QLVNCH xuất hiện .

Thế rồi vào tháng 2, đồng thời với các cuộc tấn công vào khu trú đóng của nhóm cố vấn Quân Đoàn II và vào phi trường của Tiểu Đoàn 52 Không Quân tại Pleiku, Việt Cộng phát động một loạt tấn công cỡ lớn vào phần đất phía bắc của Tỉnh Bình Định. Các cuộc tấn công này nhằm chiếm cứ toàn vùng bắc của tỉnh lỵ, và chúng đã thành công. Chúng chiếm đoạt nhiều cứ điểm của lực lượng trung đoàn QLVNCH và chế ngự phần bắc của Tỉnh Bình Định, bằng cách xô đẩy các lực lượng còn lại của QLVNCH vào những khu vực cô lập tại Bồng Sơn và Phù Mỹ chỉ có thể tiếp tế bằng đường hàng không. Hành động này được tiếp nối bởi một cuộc hành quân tại trung tâm Bình Định để cắt đứt Quốc Lộ 19, con đường huyết mạch giữa hải cảng chính trong vùng (Qui Nhơn) và vùng Cao Nguyên. Nếu thành công, cuộc tấn công này sẽ tách rời các tỉnh Kontum và Pleiku trên Cao Nguyên. Một khi không còn tiếp tế được bằng đường bộ, hai tỉnh này sẽ phải lệ thuộc hoàn toàn vào đường bay về mặt tiếp tế. Tình trạng này sẽ làm suy giảm tinh thần và đặt Việt Cộng vào một thế rất lợi cho một cuộc tấn công trong tương lai, vào mùa mưa, nhắm vào Kontum và Pleiku.

Điểm đáng chú ý là xem Việt Cộng noi gương được đến mức độ nào Việt Minh, bậc thày và bậc tiền bối của chúng, trong thế di chuyển nhanh chóng các cuộc tấn công từ vùng này qua vùng kia để hỗ trợ cho một kế hoạch toàn diện. Điểm đáng chú ý khác là thế di động chân cẳng, trong khi có thể đối lại các công xa và chiến xa Pháp, nay gặp khó khăn khi đương đầu với thế di động trực thăng vận và hỏa lực của các lực lượng QLVNCH thời nay.

Nỗ lực toan tính phá phách Quốc Lộ 19 lớn đầu tiên của Việt Cộng trong năm 1965 được phát động vào ngày 14 tháng 2. Chiến lược này đã được tư lệnh Quân Đoàn II (Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Có) tiên đoán trước vào tháng 12 năm 1964, sau trận đánh An Lão. Tư lệnh Quân Đoàn II là một tư lệnh chiến trường dày kinh nghiệm với một trí hiểu biết trực giác về các chiến thuật của cộng sản, kết quả của nhiệm vụ chỉ huy cuộc chiến Việt Nam trong 20 năm qua. Vào tháng 12, khi các cuộc tấn công tiếp diễn tại An Lão và các cuộc điều quân của Việt Cộng chỉ cho thấy sinh hoạt trong tương lai nằm tại các vùng phía bắc Bình Định, Tướng Có bắt đầu kiện toàn các vị trí dọc theo con đường tiếp tế chính giữa Qui Nhơn và Pleiku. Ông giải thích: "Tình trạng này giống hệt chiến dịch đông-xuân của Việt Minh năm 1954. Chúng sẽ đánh vào đồng bằng phía bắc Bình Định để buộc chúng ta đổ các lực lượng trừ bị về vùng duyên hải. Và rồi chúng sẽ tìm cách cắt đứt Quốc Lộ 19 và tách biệt vùng Cao Nguyên. Lần này chúng ta sẵn sàng đối phó chúng."

Để kiện toàn các lực lượng, đã bị trải mỏng khắp vùng Quân Đoàn II - vùng quân đoàn lớn nhất tại Việt Nam, bao gồm gần 50 phần trăm đất đai toàn nước - Tướng Có hành động như sau: Một số đại đội thuộc Nhóm Dân Sự Chiến Đấu (DSCĐ) được đặt để tại hai trại dọc theo Quốc Lộ 19. (Các đại đội DSCĐ được kết hợp từ dân chúng địa phương và được huấn luyện bởi Lực Lượng Đặc Biệt. Trên vùng Cao Nguyên các đại đội DSCĐ được kết hợp từ các bộ lạc dân Thượng). Tiếp đó, nhiều tiểu đoàn bộ binh từng thi hành các sứ vụ an ninh tĩnh động được giải tỏa khỏi sứ vụ đó và xung vào các lực lượng trừ bị di động. Tướng Có cũng chỉ thị cho ban tham mưu chuẩn bị các kế hoạch đáp ứng trường hợp bất ngờ này. Các vùng bãi đáp trực thăng và phi cơ được tân trang và đạn dược, xăng nhớt, và các tiếp liệu khác được tồn kho tại các vùng chính yếu. Đồng thời với các chuẩn bị trên, các lực lượng trừ bị di động được huấn luyện về mặt kỹ thuật di chuyển bằng trực thăng và phi cơ Caribou và C-123. Với việc hoàn tất của các chuẩn bị trên, sân khấu đã được dựng xong cho giai đoạn kế tiếp của cuộc tấn công đông-xuân của Việt Cộng.

Cuộc tấn công đầu tiên của Việt Cộng hướng vào Quốc Lộ 19 xảy ra với một đại đội Địa Phương Quân tiểu nhược đang trên đường di chuyển từ Pleiku đến các vị trí trên Đèo Mang Yang. Đại đội này bị phục kích ở phía tây của Đèo Mang Yang và bị tổn thất nặng nề. Trong cuộc tấn công này địch quân được trang bị với những súng ống của Tàu Cộng sao bản của loại súng ống bộ binh tân tiến nhất của Nga Sô: súng trường SKS, súng trường tấn công AK, và liên thanh nhẹ RPD, cùng một sao bản của súng phóng hỏa tiễn chống chiến xa RPG-2 của Nga Sô. Đây là chứng cớ cụ thể đầu tiên cho thấy một đơn vị mới đang hành quân trong vùng. Lệnh được ban bố để gia tăng sinh hoạt các đơn vị bạn dọc theo Quốc Lộ 19, và các đơn vị DSCĐ trong vùng gia tăng các cuộc tuần tiễu chiến đấu và khởi sự hành quân với các đơn vị cỡ đại đội.

Ngày 20 tháng 2 Việt Cộng dốc toàn nỗ lực để chiếm lấy Quốc Lộ 19 và cắt lià vùng Cao Nguyên. Trước hết chúng đánh vào một tiền đồn DSCĐ, Căn Cứ Hành Quân Tiền Phương 1 (FOB1) phía tây Đèo Mang Yang. (Sketch 1). Các lực lượng của Nhóm Dân Sự Chiến Đấu tại An Khê đáp ứng lập tức và phái một đại đội DSCĐ như là một lực lượng phản ứng. Khi tiến gần tới tiền đồn, đại đội này rơi vào một ổ phục kích. Đại đội này đánh tan địch quân bằng cách dốc toàn lực trực diện phản công khiến Việt Cộng tháo chạy, để lại súng ống và xác chết tại chỗ. Tiếp đó đại đội DSCĐ tiến vào tiền đồn và gom góp các lực lượng bạn bị tản mác lại và đóng trại qua đêm. Ngày hôm sau, trên đường trở về căn cứ, đại đội lại bị phục kích lần nữa, và các công xa của đại đội bị đánh gục bởi các hỏa tiễn chống chiến xa RPG. Lần này Việt Cộng thành công và đại đội DSCĐ bị tổn hại nặng nề. Khi hay tin về trận phục kích này, đại đội DSCĐ trừ bị tại An Khê được phái đi tiếp cứu. Khi tới gần địa điểm phục kích, đại đội trừ bị này phải đứng dừng lại vì gặp một nút chận và hỏa lực súng cối 82 ly dữ dội khiến cho công xa dẫn đầu bị tiêu hủy và gây nhiều thương vong. Sợ bị vây hãm và bị hỏa lực súng cối làm thịt, đại đội rút về An Khê.

Tiếp sau đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt C Detachment tại Pleiku đặt kế hoạch đưa một đại đội DSCĐ từ một căn cứ tại Suối Đồi phía đông Đèo Mang Yang, di chuyển về hướng tây xuống Quốc Lộ 19 trong khi các lực lượng tại An Khê tiến lên về hướng tây (Sketch 2). Các cuộc hành quân này nhằm dồn ép Việt Cộng từ hai hướng. Một trung đội DSCĐ trừ bị trực sẵn để được trực thăng vận bởi phi đoàn Eagle Flight để hỗ trợ đại đội này từ Suối Đồi. Cũng còn thêm một tiểu đoàn Biệt Động Quân là thành phần lực lượng trừ bị của Quân Đoàn túc trực sẵn sàng xung trận nếu cần thiết.

Khi tiến gần tới địa điểm đoàn quân Groupe Mobile Pháp bị phục kích và tiêu hủy năm 1954, các công xa của đại đội DSCĐ Suối Đồi cũng bị hỏa tiễn chống chiến xa RPG phá hủy tan tành. Tiếp đó là một cuộc xung phong tàn khốc của Việt Cộng. Đại đội bị tràn ngập, nhưng cuối cùng những người sống sót chiến đấu ra được khỏi ổ phục kích và trở về Đèo Mang Yang. Họ được yểm trợ bởi trực thăng vũ trang và chiến đấu cơ A-1E là những thành phần của lực lượng tiếp cứu đã được dự phòng cho một trường hợp bất ngờ như vậy. Các quân nhân DSCĐ sống sót báo cáo là họ bị tấn công bởi biển người Việt Cộng ném lựu đạn và trang bị với các loại súng mới. Họ báo cáo là sau khi hết đạn, họ dùng dao găm, lưỡi lê và lựu đạn đánh sáp lá cà tiếp sau trận phục kích. Một dấu hiệu chỉ cho thấy mức độ tàn khốc của cuộc xung đột là các loại vết thương. Một quân nhân DSCĐ bị cắn xuyên thủng bắp vế chân.

Hay tin cuộc phục kích, trung đội Eagle Flight được lập tức tung lên và đáp xuống tại phía đông vị trí phục kích để gây áp lực phía hậu của Việt Cộng và phá vỡ ổ phục kích. Nỗ lực này thất bại vì Việt Cộng quá mạnh và hỏa lực của chúng ghim chặt Eagle Flight xuống.

Tiếp sau đó trung đội Eagle Flight được tăng phái bởi một chuyến trực thăng vận của một đại đội Biệt Động Quân được thả xuống tiếp ứng. Đại đội này bị một hỏa lực mãnh liệt uy hiếp và sau khi hứng chịu nhiều thương vong thiết lập được một chu vi phòng thủ cho qua đêm. Vào giờ phút này trời đã xầm tối và số còn lại của tiểu đoàn Biệt Động Quân không còn có thể được trực thăng vận vào khu vực này, nhưng được các phi cơ Caribou đưa tới phi trường An Khê. Sáng hôm sau trung đội Eagle Flight và đại đội Biệt Động Quân tiến chiếm vị trí phục kích và kêu gọi các trực thăng đến tản thương. Trong số người bị thương có một đứa bé chín tháng, người sống sót duy nhất trong số hành khách dân sự của một chuyến xe đò di chuyển từ Qui Nhơn lên Pleiku đã bị Việt Cộng tàn sát tại địa điểm phục kích. Đại đội Biệt Động Quân và trung đội Eagle Flight từ địa điểm phục kích di chuyển về hướng đông dọc theo Quốc Lộ 19, nhưng vì các lực lượng Việt Cộng trong vùng quá mạnh, họ được lệnh kết nối với một tiền đồn DSCĐ kế cận (FOB2) và phòng thủ vùng này cho đến khi một lực lượng tiếp viện đến .

Tiểu đoàn Biệt Động Quân tại phi trường An Khê được lệnh phát động một cuộc tấn công cấp tiểu đoàn dọc xuống Quốc Lộ 19 về hướng tây và kết nối với các đơn vị QLVNCH hiện đang bị cô lập tại FOB2.

Tiểu đoàn Biệt Động Quân tấn công xuống Quốc Lộ 19 về hướng tây vào sáng ngày 23 tháng 2 với sứ vụ khai thông đường lộ và kết nối với các đơn vị bị cô lập tại FOB2. Khởi đầu Biệt Động Quân tiến nhanh chống lại một kháng cự yếu và phát hiện các công xa bị phá hủy tại địa điểm đại đội DSCĐ An Khê bị phục kích. Nhưng chẳng mấy chốc sau đó, họ gặp phải một vị trí Việt Cộng đông đảo núp trong các hầm hố. Tiếp đó họ phối trí lại hàng ngũ và phát động một cuộc tấn công phối hợp nhưng bị chận đứng bởi số thương vong nặng nề.

Đến lượt Việt Cộng phản công, yểm trợ bởi hỏa lực súng cối mãnh liệt, do đó tiểu đoàn Biệt Động Quân từ từ rút lui về An Khê.

Vào lúc này tham mưu trưởng Quân Đoàn (Đại Tá Hiếu) và cố vấn trưởng Quân Đoàn bay thám thính chiến trường để nhận định tình hình cho tư lệnh Quân Đoàn. Họ khám phá là các đơn vị Việt Cộng ở cấp tiểu đoàn, được trang bị đầy đủ, và dùng chiến thuật bộ binh quy ước vừa bắn vừa di chuyển. Thêm vào đó, Việt Cộng đã được huấn luyện thành thạo các kỹ thuật hỏa lực phòng không chống các trực thăng vũ trang. Những đơn vị bị bắn trực tiếp sẽ tìm cách ẩn núp, nhưng những đơn vị hai bên sườn sẽ tiếp tục bắn vào trực thăng. Cuộc thám sát này nhận định là nỗ lực của Việt Cộng nhằm chiếm đoạt Thung Lũng An Khê được khơi mào bởi một số lượng đông đảo gồm các đơn vị thiện chiến Việt Cộng. Sau khi hay biết điểm này, Tướng Có, tư lệnh Quân Đoàn II, lập tức kêu gọi tăng phái từ các đơn vị của lực lượng tổng trừ bị tại Sài Gòn và ra lệnh cho các đơn vị của mình bảo vệ An Khê.

Vấn đề nan giải to lớn ngay trước mắt là 220 quân nhân bị bao vây tại căn cứ FOB2 của Nhóm Dân Sự Chiến Đấu. Ai nấy đều cảm thấy là nếu họ không được tiếp cứu thì sẽ sớm bị tràn ngập. Tướng Có lập tức chấp thuận một kế hoạch bốc họ bằng trực thăng, và kế hoạch được thi hành khẩn cấp. Đây là một cuộc hành quân khó khăn vì lẽ các đơn vị mắc bẫy bị hoàn toàn bao vây bởi Việt Cộng và các trực thăng sẽ rất dễ bị trúng đạn súng nhỏ khi đáp xuống và khi cất cánh. Cộng thêm vào đó, nếu như vùng bãi đáp bị hỏa lực súng cối mãnh liệt uy hiếp, thì sẽ xảy ra vô số tổn thất và xáo trộn. Một kế hoạch được đề xướng và được sự chấp thuận của Tướng Westmoreland để đem ra xử dụng lần đầu tiên các phản lực cơ vào việc yểm trợ cho các cuộc hành quân tại Việt Nam.

Kế hoạch trù định xử dụng phản lực cơ Hoa Kỳ hai bên sườn các trực thăng để cung cấp hỏa lực đánh dập bằng cách nã đại liên và trút bom xuống trong khi các trực thăng vũ trang trang bị súng bắn sát bên hông các trực thăng lanh lẹn. Kế hoạch này - cố gắng phối hợp ăn khớp các trực thăng, các phản lực cơ F-100, các chiến đấu cơ cánh quạt A-1E và các phóng pháo cơ B-57, tất cả với những vận tốc và đặc điểm khác nhau, thành một cuộc hành quân hội nhập duy nhất - đòi hỏi thiết kế cẩn thận và thi hành thật chính xác. May là mọi sự tiếp diễn vuông tròn. Hầu như không có tai nạn xảy ra, 220 quân nhân QLVNCH và DSCĐ được bốc lên trong ba đợt vào buổi chiều ngày 24 tháng 2. Trong chuyến bốc cuối cùng các trực thăng bắt đầu gặp hỏa lực súng cối và một ít hỏa lực súng nhỏ gần bãi đáp, nhưng may là chỉ có một trực thăng bị trúng đạn và một người bị thương. Các trực thăng của Lục Quân, với sự yểm trợ của phản lực cơ Không Quân, đã chứng tỏ nhiều khả năng bằng cách thêm một kiểu hành quân mới vào bảng liệt kê thành quả lớn lao của đơn vị tại chiến trường Việt Nam. Nếu hành động này xảy ra vào năm 1954, những người bị cô lập trong thung lũng hẳn phải toi mạng giống như đơn vị Groupe Mobile Pháp khi đơn vị này bị bao vây cũng tại chính khu vực này. Tuy nhiên lần này, các trực thăng và các phản lực cơ đã chứng tỏ là một yếu tố mới khiến Việt Cộng phải thua thiệt. Vào lúc này các đơn vị tổng trừ bị của lữ đoàn Dù được đổ xuống phi trường An Khê. Chiến đoàn Dù này lập tức phát động một cuộc tấn công vào tiểu đoàn Việt Cộng trước đây đã đẩy lui và cấu xé tiểu đoàn Biệt Động Quân. Khoảng chừng 200 lính Việt Cộng bị sát hại trong trận đụng độ này. Chúng bị trừng trị nặng đến độ chúng để lại nhiều súng ống và xác chết trên chiến trường.

Bị đánh bại dọc theo Quốc Lộ 19, tiếp sau Việt Cộng tìm cách tràn ngập căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt tại Kannak. Căn cứ nằm phía bắc Quốc Lộ 19 này, và căn cứ song đôi phía nam Quốc Lộ 19 tại Plei Ta Nangh, được đặt để trong Thung Lũng An Khê như những tiền đồn cho Quốc Lộ 19. Tuy không ngăn chận được sự xâm nhập của các đơn vị tấn công Quốc Lộ, 19, hai tiền đồn này uy hiếp mặt hậu của các đơn vị Việt Cộng hành quân dọc theo quốc lộ. Chúng đặc biệt là mối đe dọa cho việc tiếp tế và di tản thương binh Việt Cộng từ các cuộc giao tranh dọc theo các quốc lộ.

Việt Cộng phát động cuộc tấn công vào căn cứ Lực Lượng Đặc Biệt tại Kannak vào 1 giờ 50 ngày 8 tháng 3. Các tài liệu tịch thâu được cho thấy là các phần tử của hai tiểu đoàn tham chiến. Chúng tấn công trong một hành động đẫm máu giống như trận đánh cay chua tiền đồn bên Triều Tiên tại Pock Chop, T-Bone và Old Baldy vào mùa xuân năm 1953. Hai tiền đồn nhỏ bé hơn của căn cứ bị tràn ngập trước. Một trong hai tiền đồn nhỏ này sau này được tái chiếm bởi một cuộc phản công của nhóm DSCĐ. Khu vực trung tâm của căn cứ đứng vững và Việt Cộng bị đánh bật tan tành ra khỏi trại. Chúng bỏ lại 126 xác chết vắt vẻo trên giây kém gai và bên trong những vị trí của tiền đồn mà chúng đã xâm nhập. Ngoài rất nhiều súng ống mới bao gồm cả các súng liên thanh, các súng không giựt 57 ly, các súng cối hai chân 82 ly và vô số lựu đạn, còn là vô số ống chứa chất nổ và mìn phá hoại bị bỏ lại bởi các quân Việt Cộng khi chúng bị đánh bại và tẩu tán. Tác động này sau cùng đã bẻ gãy giai đoạn đầu của cuộc tấn công đông-xuân của Việt Cộng.

Phá vỡ được cuộc tấn công của Việt Cộng, kế tiếp tư lệnh Quân Đoàn II phát động một giai đoạn phản công. Những cuộc hành quân này nhằm tái mở trước hết Quốc Lộ 19 và tiếp đến Quốc Lộ 1. Giai đoạn thứ nhất của cuộc tấn công của Quân Đoàn quét sạch quân Việt Cộng khỏi các trục lộ đưa tới quốc lộ trong Thung Lũng An Khê và trong một thời gian ngắn Quốc Lộ 19 được thông mở cho các đoàn xe dân sự chở các hàng tiếp tế tối cần cho vùng cao nguyên.

Giai đoạn kế tiếp, một cuộc tấn công để tái mở Quốc Lộ 1, được phát động bởi Sư Đoàn 22. Mục tiêu cuộc hành quân là quét sạch Việt Cộng khỏi phần đất phía bắc Tỉnh Bình Định mà chúng đã chiếm đoạt trong cuộc tấn công vào tháng 2. Nhiệm vụ thứ nhất là nối kết với một trại cô lập tại Phù Mỹ và sửa chữa con đường và các cầu đã bị Việt Cộng làm hư hại. Sau khi quốc lộ được sửa chữa xong tại Phù Mỹ, một cuộc tấn công được phát động từ phía bắc Phù Mỹ và từ phía nam Bồng Sơn, nhằm quét sạch Việt Cộng khỏi Quốc Lộ 1 và giải tỏa trại quân tại Bồng Sơn trước đây cũng đã bị bao vây và phải được tiếp tế bằng đường hàng không từ khi Việt Cộng tấn công vào tháng 2. Hai cuộc tấn công này được thiết kế phối hợp với một lực lượng thứ ba, được trực thăng vận để thiết lập một đường bay an toàn giữa Bông Sơn và Phù Mỹ. Cuộc tấn công này tiến hành nhanh chóng chỉ gặp phải một kháng cự yếu ớt của địch quân, và con đường tới Bồng Sơn được tái mở cách mau lẹ. Khi Quốc Lộ 1 được tái mở giữa Bồng Sơn và Qui Nhơn, không mấy chốc các xe cộ dân sự bắt đầu di chuyển và đồng bào di cư bắt đầu trở lại các ấp xã và dưới sự kiểm soát của chính phủ.

Sau khi Bồng Sơn được khôi phục, kế hoạch bắt đầu bước qua giai đoạn chót và gian nan nhất của cuộc hành quân. Quận Hoài Nhơn gồm 125.000 dân rất thiết yếu cho kế hoạch kiểm soát Tỉnh Bình Định của Việt Cộng. Ai cũng cảm thấy Việt Cộng sẽ phản ứng mạnh mẽ để ngăn ngừa QLVNCH tái khôi phục quận này. Trung Đoàn 2 Việt Cộng gồm ít nhất bốn tiểu đoàn đã tháo lui trước sự tấn công của Sư Đoàn 22 từ các núi đồi phía tây của Quốc Lộ 1. Vì cuộc tấn công này đã được thiết kế nhằm quét sạch Việt Cộng khỏi Quốc Lộ 1 cho tới tận ranh giới của Quân Đoàn, Tướng Có (tư lệnh Quân Đoàn II) và cố vấn trưởng Quân Đoàn viếng Đà Nẵng (bộ tư lệnh Quân Đoàn I) và phối hợp giai đoạn này của cuộc tấn công với tư lệnh và ban tham mưu Quân Đoàn I. Kế hoạch cũng thảo chi tiết cho phần yểm trợ của pháo binh và không tập.

Giai đoạn chót này của cuộc tấn công Quốc Lộ 1 bắt đầu từ ngày 10 tháng 4 với một tấn kích của hai tiểu đoàn trực thăng để thiết lập một đầu mũi bãi đáp tại Vĩnh Thụy, gần ranh giới Quân Đoàn I. Cuộc tấn kích này được phối hợp với một cuộc tấn công bộ binh tại phía bắc Bồng Sơn và cũng được hỗ trợ bởi một cuộc hành quân của Quân Đoàn I để chiếm đoạt phần đất cao điểm chế ngự Quốc Lộ I tại ranh giới của hai quân đoàn. Lúc ban đầu cuộc tấn kích trực thăng đổ bộ và cuộc tấn công từ bắc Bồng Sơn chỉ gặp phải một ít kháng cự lẻ tẻ.

Sau khi dọn sạch khu vực bãi đáp chống lại một chống cự yếu ớt, hai tiểu đoàn TQLC phân tán ra và bắt đầu dẹp sạch các thôn ấp dọc theo Quốc Lộ 1. Đó là điều Việt Cộng đang trông chờ. Đêm ngày 21 tháng 4, năm ngày sau cuộc tấn kích trực thăng, Trung Đoàn 2 Việt Cộng phát động một cuộc tấn công với một lực lượng ước tính khoảng ba đến bốn tiểu đoàn, nhằm phá hủy phần cận nam của tiểu đoàn TQLC. Nếu thành công, cuộc tấn công này sẽ tiêu diệt tiểu đoàn này, cắt đứt Quốc Lộ 1, và cô lập hóa tiểu đoàn TQLC và đơn vị pháo binh ở phía bắc. May là TQLC cảnh thức, phòng thủ kiên cố, và nắm vững địa thế. Với sự yểm trợ của pháo binh, họ dập tan cuộc tấn công Việt Cộng, địch quân rút lui và để lại hơn 200 xác chết trên chiến trường cùng khoảng 100 vũ khí, gồm có súng đại liên, súng không giựt, và súng cối. Trong khi Việt Cộng rút lui về hướng tây, chúng bị các chiến đấu cơ bắn hạ và hứng chịu nhiểu tổn thương hơn nữa. Tối hôm sau Việt Cộng phát động một cuộc tấn công cấp một tiểu đoàn nhằm bao bọc cuộc rút quân tổng quát về vùng căn cứ của lực lượng tan tành cách thảm thương cùng với nhiều xác chết và thương binh. Cuộc tấn công thành công này đã bẻ gãy sự chống cự của lực lượng chính Việt Cộng trong vùng này, và Sư Đoàn 22 và TQLC tiếp tục càn quét các lực lượng địa phương và du kích Việt Cộng còn để lại đàng sau.

Để chuẩn bị cho màn đánh kế tiếp, các lực lượng của QLVNCH xúc tiến cấp kỳ việc tái củng cố trong vùng. Họ sửa chữa đường lộ, tái tổ chức các cán bộ chính phủ trong xã ấp, và bắt đầu tái huấn luyện và tái tổ chức các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân trong một nỗ lực tái thiết lập guồng máy kiểm soát dân sự trong vùng. Đợt đầu gia đoạn của cuộc tấn công Việt Cộng đã thất bại. Tuy nhiên, mùa mưa sắp đến, Việt Cộng có khả năng tăng phái các đơn vị với những tiểu đoàn và trung đoàn mới của Bộ Đội Miền Bắc từ Bắc Việt xuống và tấn công lại một lần nữa, lần này với một con số đông đảo hơn.

Bài học đáng kể nhất trong thời kỳ này là tính cách quan trọng của yếu tố tinh thần - điều khó đo lường trong các cuộc hành quân mà các phân tích gia nặng phần áp dụng kỹ thuật điện toán trong trò chơi đánh giặc và nghiên cứu của họ không thèm màng tới. Lúc ban đầu bị bại và đẩy lui bởi cuộc tấn công Việt Cộng giáo đầu bởi các đơn vị mới xâm nhập từ Miền Bắc, tinh thần của các chiến binh QLVNCH chìm thấp một cách trầm trọng khoảng giữa tháng 2 năm 1965. Vào thời điểm này, các cuộc không tập Hoa Kỳ tại Bắc Việt và việc đem ra sử dụng các phản lực cơ để yểm trợ các cuộc giao tranh địa phương - ghi nhận trong việc cứu vớt thành công 220 quân lính QLVNCH bị mắc bẫy tại Quốc Lộ 19 - đã cho một mũi tiêm thuốc vào cánh tay khiến cho các lực lượng QLVNCH lên tinh thần. Việc Tổng Thống Johnson phái TQLC Hoa Kỳ đến Đà Nẵng được coi như là chứng tỏ tối hậu của ý chí cương quyết của chúng ta hậu thuẫn cho chính phủ Nam Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo trì tự do của mình. Cuộc phản công thành công của QLVNCH kế tiếp và việc tái mở Quốc Lộ 19 và 1 lại nâng cao tinh thần lên hơn nữa.

Bị phân tán và đẩy lui trở về các căn cứ trong rừng núi, màn kế tiếp tùy thuộc Việt Cộng. Với mùa mưa gần kề, chúng có khả năng tăng quân số đông đảo với các quân lính từ Miền Bắc. Sau khi chuẩn bị chúng có thể tấn công nữa, với lớp màn che của mưa giông bão đổ xuống vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6 trên vùng cao nguyên. Tuy nhiên cho dù chúng có làm gì đi nữa, Việt Cộng sẽ đối mặt với các đơn vị QLVNCH với một tinh thần nâng cao bởi các cuộc chiến thăng mới đây và bởi một xác tín là Việt Cộng có thể bị chận đứng tại chiến trường. Như Tướng Có nói, "Giai đoạn sau tùy thuộc Việt Cộng. Chúng ta đã đánh bại chúng trong một trận chiến quy ước. Giờ đây chúng phải lựa chọn trở lui lại du kích chiến hay đưa vào những lực lượng Bắc Quân mới ngõ hầu chiếm được ưu thế với con số đông đảo. Nếu chúng làm vậy, cuộc chiến sẽ tiến vào một giai đoạn mới."

Đại Tá Theodore C. Mataxis
Army, October 1965

(Vietnam Center Archive)

generalhieu.com

 Attack and Counter-Attack on Highway 19

In 1965 the North Vietnamese communists launched a campaign designed to cut Vietnam in two and to defeat the Army of Vietnam (ARVN) in open warfare.

During the winter-spring offensive of 1964-65 the Viet Cong turned to the highlands of central Vietnam. The strength of the VC attack at An Lao in northern Binh Dinh Province in December indicated that the VC were prepared to quicken the tempo of activities from small-scale guerrilla actions to mobile warfare. In this action they operated at regiment or task force strength of at least three or four battalions. The VC held their ground and withdrew only under strong pressure by the Army of Vietnam. This was a change from their previous policy of raiding and ambushing, withdrawing as ARVN troops approached.

Then in February, concurrently with attacks on the II Corps advisory group billets and the 52d Aviation Battalion airfield in Pleiku, the VC launched a series of large-scale assaults in northern Binh Dinh Province. These were designed to seize control of the entire northern section of the province, and were successful. They overran several ARVN and regimental force positions and seized the northern portion of Binh Dinh Province, driving the remaining ARVN forces into isolated enclaves at Bong Son and Phu My which had to be supplied by air. This action was quickly followed by an operation in central Binh Dinh to cut Highway 19, the main supply route between the major port in the area (Qui Nhon) and the highlands. If successful, this attack would have isolated the highland provinces of Kontum and Pleiku. Cut off from supplies by road, they would have then depended only on air for resupply. This would have further weakened morale and put the VC in an excellent position for a later offensive, during the rainy season, against Kontum and Pleiku.

It is interesting to see how the Viet Cong retain the ability of their masters and predecessors, the communist Viet Minh, to shift their attacks rapidly from sector to sector in support of an overall plan. It is also significant to note how the foot mobility, while good enough to match that of French tanks and trucks, is having difficulty in coping with the helicopter mobility and firepower of today's ARVN forces.

The first serious attempt by the VC during 1965 to harass Highway 19 was launched on 14 February. This strategy had been anticipated by the II Corps commander (Brigadier General Nguyen Huu Co) in December 1964, after the An Lao battle. The II Corps commander is an experienced field commander with an intuitive grasp of the communist tactics resulting from extensive filed and command duty during the past 20 years of war in Vietnam. In December, when the attacks were made against An Lao and increased VC movements pointed to future activity in the northern Binh Dinh areas, he began to strengthen positions along the main supply route between Qui Nhon and Pleiku. As he explained: "This is just like the Viet Minh winter-spring campaign of 1954. They will strike in the plains of northern Binh Dinh to force us to rush our reserves over to the seacoast. Once this is done, they will then try to cut Highway 19 and isolate the highlands. This time we will be ready for them."

To strengthen his forces, already stretched thin over the II Corps area - the largest corps area in Vietnam, comprising nearly 50 per cent of the country's land - he took this action: Several companies of the Civilian Irregular Defense Group were deployed into two camps along Highway 19. (CIDG companies are formed from among the local populace and trained by Special Forces. In the plateau region CIGD companies are formed from among the various Montagnard tribes.) Next, several infantry battalions that had been on static security missions were freed from that mission and reassigned as mobile reserves. He also had his staff prepare plans for this contingency. Helicopter landing zones and airstrips were resurveyed and ammunition, POL, and other supplies stocked in key areas. Concurrently with these preparations, the mobile reserves were trained in the techniques of movement by helicopter and fixed-wing transport, Caribous as well as C-123s. These preparations completed, the stage was set for the next phase of the VC winter-spring offensive.

The first blow by the Viet Cong, directed against Highway 19, fell on an under-strength Regional Force company moving from Pleiku to positions in Mang Yang Pass. This company was ambushed west of Mang Yang Pass and suffered several losses. In this attack the enemy was armed with Chinese copies of the latest Soviet family of infantry weapons: SKS rifle, AK assault rifle, and RPD light machine gun, as well as a copy of the new Soviet RPG-2 antitank rocket launcher. Here was the first concrete evidence that a new unit was operating in this area. Orders were given to intensify friendly activity along Highway 19, and the CIDG units in the area increased their combat patrols and began operation in company-sized units.

On 20 February the VC launched their all-out effort to seize Highway 19 and cut off the highlands. First they struck at the CIDG outpost, Forward Operational Base No.1 (FOB1) east of Mang Yang Pass. (Sketch 1). The Civilian Irregular Defense Group forces at An Khe replied immediately and dispatched a CIDG company as a reaction force. As this company approached the outpost, it ran into an ambush which it routed by a head-on assault which caused the VC to break and run, leaving weapons and bodies on the site. The CIDG company then proceeded to the outpost where it gathered up the scattered friendly forces and remained overnight. Next day, as the company was returning to base camp, it was ambushed again, and its vehicles knocked out by the RPG antitank rockets. This time the Viet Cong succeeded and the CIDG company suffered heavy losses. On learning of this ambush, the CIDG company on alert at An Khe was dispatched to its relief. As the alert company approached the ambush site it was stopped by a roadblock and met heavy 82 mm mortar fire which destroyed the lead vehicle and caused several casualties. Threatened by encirclement and under mortar fire, the company withdrew to An Khe.

Plans were then made by the C Detachment at Pleiku for a CIDG company from Soui Doi, a camp to the west of Mang Yang Pass, to move to the east down Highway 19 while the forces in An Khe would work to the west (Sketch 2). These operations were designed to press the VC from two directions. Arrangements were made to have a helicopter-borne Eagle Flight of one CIDG platoon on standby to be lifted in to support the company from Soui Doi. Also alerted as further backup in case it was needed was the Corps reserve, a ranger battalion.

As the Soui Doi CIDG company approached the site where the French Groupe Mobile was ambushed and destroyed in 1954, their trucks were also hit by RPG antitank rockets which literally blew the trucks apart. This was followed by a furious VC assault. The company was overrun, but the survivors finally fought their way out of the ambush and back to Mang Yang Pass. They were supported by helicopter gunships and A-1E fighters which had been on column cover for such a contingency. The CIDG survivors reported that they had been assaulted by waves of Viet Cong who threw grenades and were armed with new weapons. They reported that after their ammunition had run out they used knives, bayonets and grenades in the hand-to-hand combat which followed the ambush. An indication of the ferocity of the melee was the nature of the wounds. One CIDG trooper had the calf of his leg bitten through.

On hearing of the ambush, the Eagle Flight platoon was immediately launched and landed to the east of the site in an effort to put pressure on the VC rear and rout the ambush. This attempt failed because the VC were too strong and their fire pinned down the Eagle Flight.

The Eagle Flight was soon reinforced by a helicopter lift of a ranger company which joined up with the Eagle Flight. They came under heavy fire and after suffering several casualties established a defensive perimeter for the night. By this time it was dark and the rest of the ranger battalion could not be lifted by helicopter into this area, but was airlanded by Caribous at the An Khe airfield. Next morning the Eagle Flight and the ranger company seized the ambush site and called in helicopters to evacuate the wounded. Among the wounded was a nine-month-old baby, sole survivor of a busload of civilians headed from Qui Nhon to Pleiku who had been massacred by the Viet Cong at the ambush site. The ranger company and Eagle Flight at the ambush site began moving east along Highway 19, but due to strong VC forces in the area, were ordered to join up with a nearby CIDG outpost (FOB2) and to defend the area until a relief force arrived.

The ranger battalion at the An Khe airfield was ordered to launch a battalion attack down Highway 19 to the west and link up with the ARVN troops now isolated at FOB2.

The ranger battalion assaulted to the west down Highway 19 on the morning of 23 February with the mission of clearing the road and linking up with the isolated ARVN troops at FOB2. Initially the rangers advanced rapidly against light resistance, uncovering the destroyed trucks at the site where the An Khe CIDG company was ambushed. Soon thereafter, however, they ran into a strong, dug-in VC position. They then organized and launched a coordinated attack but were stopped cold with heavy casualties.

The Viet Cong in turn counterattacked, supported by heavy mortar fire, so the ranger battalion withdrew slowly back toward An Khe.

At this time the Corps chief of staff (Colonel Hieu) and the Corps senior advisor reconnoitered the area to clarify the situation for the Corps commander. They found that the VC troops were in battalion strength, well equipped, and had used conventional infantry tactics of fire-and-movement. In addition, the VC had been well trained in the techniques of antiaircraft fire against helicopter gunships. Those being fired at directly would seek cover, but those in the flanks would continue firing at the chopper. The reconnaissance determined that the VC effort to seize the An Khe Valley was sparked by large numbers of hard-core Viet Cong troops. After learning this General Co, II Corps commander, immediately called for reinforcements from units of the general reserve at Saigon and ordered his troops to defend An Khe.

The major immediate problem was the 220 troops surrounded at the Civilian Irregular Defense Group's FOB2. It was felt that if they were not relieved they would soon be overrun. General Co immediately approved the scheme for removing them by helicopter, and planning was expedited. This was a ticklish operation since the trapped units were completely surrounded by VC and the choppers would be extremely vulnerable to small-arms fire while landing and taking off. In addition, if the landing zone itself came under heavy mortar fire, it could well result in serious losses and chaos. A plan was drawn up and approved by General Westmoreland for the first use of jet aircraft in support of operations in Vietnam.

The plan called for use of U.S. jets on the flanks of the helicopters to provide suppressive fires by strafing and bombing while the helicopter gunships flew shotgun on the immediate flanks of the "slick" choppers. This scheme - trying to match helicopters, F-100s and A-1E fighters and B-57 bombers, all of different speeds and characteristics, in a single integrated operation - required careful planning and split-second execution. Fortunately it went off like a charm. Almost without incident, 220 ARVN and CIDG troops were taken out in three lifts on the afternoon of 24 February. On the last lift the choppers began meeting mortar fire and sporadic small-arms fire near the landing zone, but fortunately only one chopper was hit and one man wounded. The Army Aviation choppers, supported by Air Force jets, proved their versatility by adding a new type of operation to their already impressive list of accomplishments in Vietnam. Had this action happened in 1954, the men isolated in the valley would have been lost as was the Groupe Mobile when it was surrounded in the same area. This time, however, the choppers and jet aircraft proved to be the additional factor which turned the table on the Viet Cong. By this time reinforcements from the general reserve airborne brigade were pouring into the An Khe airfield. The airborne task force quickly reconnoitered and launched an attack against the VC battalion which had pushed back the ranger battalion, and mauled it severely. It was estimated the VC lost more than 200 in this engagement. They were punished so badly they left many weapons and bodies on the battlefield.

Defeated along Highway 19, the VC next tried to overrun the Special Forces camp at Kannak. This camp north of Highway 19, and its sister camp south of Highway 19 at Plei Ta Nangh, had been placed in the An Khe Valley as outposts for Highway 19. While unable to stop infiltration of units to attack Highway 19, they threatened the rear of the Viet Cong units operating along the highway. They were a particularly dangerous threat to VC resupply and evacuation of wounded from these engagements along the highways.

The VC launched their attack on the Special Forces camp at Kannak at 0150 hours on 8 March. Captured documents indicate that elements of two battalions participated. They attacked in a bloody action reminiscent of the bitter outpost fighting in Korea at Pork Chop, T-Bone and Old Baldy in the spring of 1953. The two smaller outposts of the camp were initially overrun. One was later retaken by a counterattack by the CIDG. The central part of the camp held firm and the VC were driven off in complete disorder. They left 126 dead in the barbed wire and inside the outpost positions they penetrated. In addition to many new weapons including machine guns, 57 mm recoilless rifles, bipods of two 82 mm mortars and many grenades, bangalore torpedoes and demolition charges were abandoned by the defeated and disorganized VC. This action finally broke the back of the first phase of the Viet Cong's winter-spring offensive.

The VC offensive blunted, the II Corps commander next launched a phased counteroffensive. These operations were designed to reopen first Highway 19 and then Highway 1. The first phase of the Corps attack cleared the VC from highway approaches in the An Khe Valley and soon Highway 19 was opened to civilian trucks carrying the much needed supplies for the highland plateau.

The next phase, an offensive to reopen Highway 1, was launched by the 22d Division. Its objective was to clear the Viet Cong from the northern portion of Binh Dinh Province which they had seized during their February offensive. The first task was to link up with the isolated garrison at Phu My and repair the road and bridges which had been severely damaged by the VC. The highway repaired to Phu My, an attack was launched north from Phu My and south from Bong Son, designed to clear the VC from Highway 1 and relieve the garrison at Bong Son which had also been surrounded and had to be supplied by air since the VC attack in early February. These two attacks were mounted in coordination with a third force, lifted by helicopter to secure an air-head midway between Bong Son and Phu My. This attack progressed rapidly against only light enemy resistance, and the road to Bong Son was soon reopened. When Highway 1 was opened between Bong Son and Qui Nhon, civilian traffic soon started moving and refugees began returning to the hamlets and to government control.

Bong Son having been secured, planning began for the last and most difficult step of the operation. The Hoai Nhon District of 125,000 people was vital to the VC plan for securing Binh Dinh Province. It was felt that the VC would react strongly to prevent the ARVN from recovering the district. The Viet Cong 2d Regiment of at least four battalions had withdrawn in face of the 22d Division's attack to the mountains west of Highway 1. Since this attack was designed to clear the Viet Cong from Highway 1 all the way to the Corps boundary, General Co (II Corps commander) and the Corps senior advisor visited Danang (I Corps headquarters) and coordinated this phase of the attack with the I Corps commander and his staff. Detailed plans were also prepared for artillery and close air support.

This last phase of the Highway 1 offensive was begun on 10 April with a two-battalion helicopter assault to secure an airhead at Vinh Thuy, near the I Corps boundary. This was coordinated with a ground attack north from Bong Son and also supported by an operation by I Corps which secured the high ground dominating Highway 1 on the boundary of the two corps. This helicopter assault landing and the attack from Bong Son (north) at first met only scattered resistance.

After clearing the landing zone against light opposition the two Marine Corps battalions separated and began clearing the hamlets along Highway 1. This was what the VC had been waiting for. On the night of 21 April, five days after the helicopter assault, the Viet Cong 2d Regiment launched an attack by a force estimated at three to four battalions, designed to destroy the southernmost Marine battalion. If successful, the attack would have destroyed the battalion, cut Highway 1, and isolated the northern Marine battalion and its artillery. Fortunately, the marines were alert, well dug in, and stood their ground. Supported by artillery, they completely crushed the VC attack, the enemy withdrawing and leaving more than 200 bodies on the battlefield along with some 100 weapons, including machine guns, recoilless rifles, and mortars. As the VC withdrew to the west, they were hit by fighters and suffered still more casualties. The next night the VC launched a battalion-sized attack designed to cover the general withdrawal into their base area of their badly mauled force along with their many dead and wounded. This successful action broke the back of resistance by the Viet Cong main force in this area, and the 22d Division and marines continued mopping up against the local VC and guerilla forces that remained behind.

In preparation for the next round, the Army of Vietnam forces expedited their reconsolidation of the area. They repaired the road, reorganized the village government cadres, and began retraining and reorganizing their Popular and Regional Force units in an effort to reestablish civilian control in the area. The initial phase of the Viet Cong offensive had been defeated. However, the rainy season approaching, the VC were capable of reinforcing their units with new battalions and regiments of the People's Army of (North) Vietnam from North Vietnam and attacking once again, this time in much greater numbers.

The most impressive lesson learned during this period was the importance of the factor of morale - that imponderable in military operations too often ignored by today's computer-oriented operations research analysts in their wargames and studies. Initially defeated and driven back by the VC offensive which was spearheaded by new units infiltrated from the North, the morale of the ARVN troops sank to a critically low point by mid-February 1965. At this time U. S. air strikes on North Vietnam and the release of jet aircraft to support local engagements - noted in the successful recovery of 220 trapped ARVN troops on Highway 19 - gave a shot in the arm to the morale of the South Vietnamese armed forces. President Johnson's dispatch of U.S. marines to Danang was viewed as the final evidence of our firm determination to stand with the South Vietnamese government in its fight to retain its freedom. The Army of Vietnam's successful counteroffensive that followed and the reopening of Highways 19 and 1 have still further raised morale.

Dispersed and driven back into their mountain and jungle bases, the next move was up to the VC. With the approach of the monsoon season they had the capability for massive reinforcement with more troops from the North. Once prepared they could strike again, under cover of the rain storms due in late May or early June in the high plateau. However they move, the VC will be facing ARVN units whose morale has been raised by recent victories and a belief that the VC can be stopped on the battlefield. As General Co said, "The next move is up to the VC. We have defeated them in open warfare. They must now make the choice of going back to guerrilla warfare or introducing new PAVN forces in order to regain a superiority in numbers. If they do this, the war will enter a new phase."

Colonel Theodore C. Mataxis
Army, October 1965

(Vietnam Center Archive)

generalhieu

NGUYỄN = 7

VĂN = 615 = 12 = 3

MẾN = 455 = 14 = 5

Cộng lại: 7 3 5 = 15.

HÀNH QUÂN HAWTHORNE: TRÔNG ĐỢI NHIỀU HƠN CÁC CHIẾN THẮNG Ở BIÊN GIỚI.

                           

Bản đồ Tou Morong

Bản đồ Dak To

- Hành quân Hawthorne là một hoạt động quân sự năm 1966 của liên quân Việt Mỹ, gồm giai đoạn đầu có 2 tiểu đoàn VNCH và một tiểu đoàn Mỹ tham dự nhằm giải tỏa áp lực chung quanh tiền đồn Tou Morong, xem bản đồ, ở bắc Dak To, tỉnh Kontum. Trung đoàn 24 csbv đã chuẩn bị chiến trường rất kỹ để dụ liên quân. Nhưng giờ chót, trung đoàn này (2.000 bộ đội) lại bị liên quân bao vây và bị giã nát bởi B-52 với thiệt hại 60/100 và năm sau đó (1967), đã ko có hoạt động quân sự đáng kể. 

I/Lời mở đầu.

"Trong năm 1965, quận csbv đã tung ra một chiến dịch được thiết kế để cắt Việt Nam làm hai và đánh bại quân VNCH theo chiến tranh cổ điển hay qui ước.

Trong chiến dịch đông xuân 1964-65, VC đã hướng về cao nguyên trung phần. Cường độ của cuộc tấn công của VC tại An Lão bắc Bình Định trong tháng 12/1964 đã chỉ rõ rằng đối phương đã chuẩn bị đẩy mạnh nhịp độ (tempo) các hoạt động từ hoạt động du kích qui mô nhỏ thành chiến tranh di động. Trong hoạt động này, họ đã dùng lực lượng cấp trung đoàn hay một lực lượng gồm ít nhứt 3 hay 4 tiểu đoàn. Quân VC đã giữ trận địa và chỉ rút lui trước áp lực mạnh của quân VNCH. Đây là một thay đổi từ lối đánh trước đây là tấn công, phục kích, và rút lui khi quân VNCH tới gần.

Vào tháng 2/1965, đồng thời với các tấn công vào doanh trại (billet) của toán cố vấn quân đoàn II và sân bay của tiểu đoàn 52 không quân Mỹ tại Plei Ku, VC đã tung ra một loạt các tấn công quy mô lớn ở bắc Bình Định. Các trận này được thiết kế để nắm quyền kiểm soát phần phía bắc của tỉnh này và đã thành công. Chúng đã tràn ngập vài vị trí cấp trung đoàn (regimental force) của VNCH, khiến những lực lượng VNCH còn lại biến thành những nội phận (vẫn do VNCH kiểm soát nhưng chung quanh là VC.--người dịch) tại quận Bồng Sơn và Phù Mỹ và phải tiếp tế bằng máy bay. Chiến dịch được nhanh chóng nối tiếp bởi một tấn công vào quốc lộ (QL) 19, giữa Bình Định, nhằm cắt con đường tiếp tế chánh giữa hải cảng Qui Nhơn và cao nguyên. Nếu thành công, nó sẽ cô lập các tỉnh cao nguyên như Kontum và Pleiku, khi đó hai tỉnh này phải tiếp tế bằng máy bay. Điều này sẽ làm suy yếu tinh thần của quân VNCH và tạo cho VC một ưu thế cho một tổng tấn công sau này, vào mùa mưa tại Kontum và Pleiku.

Điều đáng quan tâm là làm thế nào VC áp dụng chiến thuật của kẻ đi trước, là Việt Minh CS, để di chuyển nhanh chóng từ khu này sang khu khác trong một kế hoạch toàn diện. Nên nhớ rằng, khả năng đi bộ của họ từng có thể đối phó với chuyển quân bằng xe tải của Pháp, chắc chắn phải gặp khó khăn khi đối phó với di chuyển nhanh lẹ bằng trực thăng của quân VNCH ngày nay. (Theo bài Attack and Counter-Attack on highway 19 của đại tá Theodore C. Mataxis).  

II/ Sau đây là chuyển ngữ từ trang 275 - 288 trong quyển Stemming The Tide của John Carland do Trung tâm Quân sử của Lục quân Mỹ in. 

Trước khi bắt đầu đọc, xin các bạn làm quen với một số chữ viết tắt như:

- đv: đơn vị

- TĐ: tiểu đoàn

- sđ: sư đoàn

- BCH: bộ chỉ huy

- HQ: hành quân

- CSBV: Cộng sản Bắc Việt.

- TĐ 1/327 là tiểu đoàn 1 của trung đoàn 327; hay TĐ 2/327 là tiểu đoàn 2 của trung đoàn 327; hay TĐ 2/502 là TĐ 2 của trung đoàn 502. Cả ba TĐ này thuộc lữ đoàn 1 sđ 101 nhảy dù Mỹ của tướng Pearson. Lữ đoàn này là nỗ lục chánh trong trận Tou Morong.  

======

"Mặc dù gặt hái nhiều thắng lợi quanh Sài Gòn và các đồng bằng ven biển của Quân khu II, tính tới những tháng đầu năm 1966, quân Mỹ chỉ có tiến bộ (headway) hạn chế tại Cao nguyên Trung phần. Những núi non và thung lũng hiểm trở này vẫn là hành lang quan trọng dùng để chuyển người, vũ khí và tiếp liệu của Hà Nội vào Nam Việt Nam. Tướng Westmoreland đã lý luận như sau vào năm ngoái (1965): Nếu địch quân được phép dùng cao nguyên mà ko bị trừng phạt, chúng sẽ dễ dàng di chuyển đến những vùng đông dân xa hơn ở phía nam và cũng dùng cao nguyên là đường rút lui khi thất bại. Thất bại của quân Đồng Minh trong vùng này sẽ là "bước đầu tiên trong việc sói mòn toàn bộ sức mạnh của chúng ta trong đất nước này," tư lịnh của bộ tư lịnh yễm trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam, gọi tắt là MAC-V, đã kết luận, và ông ta có ý định sẽ đối đầu (contest) mọi tấn công của đối phương tại cao nguyên này.

Cán cân quân sự này giữa hai bên tại Cao nguyên Trung phần sẽ ko thay đổi cho tới khi lữ đoàn 2, sư đoàn (sđ) 4 bộ binh Mỹ tới TP Plei Ku vào tháng 7. Dù ko có thêm quân trong vài tháng, nhưng tướng quân quan niệm ko muốn xin thêm hỏa lực một khi ông tấn công. Ngoài căn cứ không quân Phan Rang ở bờ biển, căn cứ Plei Ku cũng đang mở rộng, giờ đây tiếp đón các máy bay A-1 Skyraider (một loại khu trục cánh quạt, sản xuất từ 1946, qua nhiều cải tiến, và chấm dứt xử dụng vào đầu thập niên 1980.--người dịch) của không quân Mỹ và Việt Nam, và những máy bay Hỏa Long mới (như AC-47, AC-119, thời điểm 1966 chưa có AC-130.-- người dịch). Hơn nữa, sự xuất hiện vào tháng Sáu tại Plei Ku của trung đoàn 52 pháo binh (52d Artillery Group) và tiểu đoàn 3/6 pháo binh của trung đoàn này, đã gia tăng hỏa lực mà Westmoreland cần cho chiến lược của ông. 

Để làm tốt chiến lược này, các đơn vị (đv) Nam Hàn và Nam Việt Nam sẽ tiếp tục bảo vệ các căn cứ dọc theo bờ biển trong khi sđ 1 không kỵ lục soát đồng bằng và đồi núi để tìm những đv chính quy của đối phương. (Thời điểm 1966, sđ 1 không kỵ chỉ hành quân trong tỉnh Bình Định, và đặt căn cứ ở An Khê trên quốc lộ 9 trong tỉnh này.--người dịch). Bất cứ đe dọa nào xuất hiện ở Cao nguyên Trung phần sẽ được giải quyết bởi lữ đoàn 3, sđ 25 bộ binh Mỹ, và khi cần thì có lữ đoàn 1 của sđ 101 nhảy dù. Khi quân CSBV và VC di chuyển qua khu vực này, quân Mỹ sẽ đối đầu với chúng khi chúng xuất hiện hay--nếu chúng quá mạnh--sẽ cần lực lượng từ nơi khác. Trong trường hợp này, sđ 1 không kỵ, sư đoàn lưu động (swing division) của Quân đoàn II, sẽ được không vận tới chiến trường. Westmoreland đã tin rằng ông phải "ở thế thượng phong" (elusive) so với đối phương và hy vọng cách tiếp cận này sẽ "khiến đối phương ko thể đoán biết ý định điều quân của ông, và ko thể chọn địa điểm và thời gian để mở một mặt trận như họ đã quen làm từ trước đến giờ."

=======

TRẬN TOU MORONG THÁNG 5 VÀ 6 1966 

Trong cuối tháng 5, cộng quân đã tiến gần một tiền đồn của địa phương quân (ĐPQ) ở Tou Morong, bắc của Dak To tỉnh Kontum. Trong vài ngày, chúng chỉ quấy rối bằng súng cối và bắn sẻ, nhưng chẳng bao lâu ý định của chúng đã rõ ràng. Các hồi chánh viên cho biết trung đoàn 88 csbv đã vượt biên giới Lào Việt khoảng 35 km tây bắc của tiền đồn, trong khi những tin tức tình báo khác cho biết các đơn vị (đv) của trung đoàn 24 csbv ở rừng rậm phía bắc và tây nam của tiền đồn. Cuối cùng, một nhật ký tịch thu bởi các đv Mỹ cho thấy các đv Bắc Việt đã lập kế hoạch để mở một chiến trường kiểu Điện Biên Phủ ở nơi nào đó trên cao nguyên, với trục tiến quân chánh trong tỉnh Kontum. Dù nhật ký ko có thời biểu, nhưng mức khả tín của các thông tin khiến quân Mỹ phải đáp ứng.

Thế là hành quân (HQ) Hawthorne được hoạch định và chỉ huy bởi tướng Pearson, tư lịnh lữ đoàn 1 của sđ 101 nhảy dù. Tướng Kinnard, quyền tư lịnh của Lực Lượng 1 Dã Chiến (I Field Force), đã gặp tướng Pearson và Vĩnh Lộc, tư lịnh quân đoàn 2 của VNCH, vào ngày 28/5 để thảo luận sẽ dùng lực lượng nào. Lúc đó, Pearson chỉ có tiểu đoàn (TĐ) 1/327 của đại tá Meinzen đóng tại bộ chỉ huy (BCH) tạm của lữ đoàn ở Cheo Reo thuộc tỉnh Phú Bổn -- còn TĐ 2/327 của đại tá Wasco tại Tuy Hòa và TĐ 2/502 của đại tá Emerson tại Pleiku, cả hai đv dưới sự chỉ huy của lực lượng 1 dã chiến. Tướng Vĩnh Lộc cung cấp TĐ 1/42 bộ binh và TĐ 21 BĐQ, đều thuộc biệt khu 24 của tỉnh Kontum.

TĐ BĐQ sẽ được trực thăng vận đến các vị trí 12 đến 15 km tây bắc tiền đồn và TĐ 1/327 xuống đông bắc. Một khi xuống đất, cả hai đv sẽ tiến về tiền đồn. Cùng lúc, TĐ 1/42 bộ binh sẽ di chuyển đường bộ từ Dak To. Pearson nghĩ rằng TĐ bđq và quân Mỹ sẽ tấn công vào phía bắc của địch, TĐ bộ binh tiến lên từ phía nam. Nếu địch ko giao chiến, tiền đồn sẽ được giải tỏa.

TĐ 1/327 chỡ bằng C-130 từ Cheo Reo lên Dak To. Thiếu tá Hackworth, trưởng ban 3 lữ đoàn, làm quyền tiểu đoàn trưởng của 1/327 vì đại tá Meinzen bị bịnh. 

Địa thế và thời tiết ở tỉnh này ko làm ai ngạc nhiên. Những ngọn núi dốc đứng, phủ đầy rừng và bụi rậm, có mặt khắp khu vực. Ngoài quốc lộ 14 là trục lộ nam bắc duy nhứt, còn lại là những đường mòn xuyên rừng rậm rạp. Do ảnh hưởng của gió mùa, vào lúc này trong năm, mây thấp và mưa bắt đầu mỗi ngày vào xế chiều và đôi khi kéo dài đến sáng sớm hôm sau. Sương mù xuất hiện sau khi mưa buổi sáng, vừa che chỡ cho địch và gây trở ngại cho không yễm.

HQ Hawthorne đã bắt đầu ngày 2/6, với TĐ 1/42 di chuyển bằng xe từ Dak to. Đi được 4 km, họ chạm súng nhỏ với khoảng một đại đội địch. Tối hôm đó, một thành phần của tđ 1/327 của thiếu tá Hackworth được trực thăng chỡ tới khoảng 9 km đông bắc Tou Morong. Phần còn lại của TĐ sẽ tới sáng ngày kế, cùng lúc với tđ BĐQ tới bãi đáp của họ. Mọi việc theo kế hoạch, trừ quân VNCH tiến chậm so với dự trù. Vào ngày thứ ba của HQ, để yễm trợ cuộc tiến quân, pháo đội B của TĐ 2/320 pháo binh được chỡ tới một đồn cũ của Pháp có tên Dak Pha, nằm trên đường từ Dak To đi Tou Morong. Đại đội A của tđ 2/502, chỉ huy bởi đại úy Walter Brown, bảo vệ pháo đội này, xem bản đồ.

Ba tđ đã đến Tou Morong ngày 5/6, giải tỏa tiền đồn này. Quân VNCH đã hộ tống đv ĐPQ này về Dak To. Vì bắc quân né tránh đụng độ, bộ tham mưu của tướng Pearson đã gặp Hackworth tại Tou Morong. Thiếu tá Hackworth xin lục soát phía bắc, tây bắc, và tây của tiền đồn này; tướng quân đồng ý. 

Vào buổi chiều cùng ngày, một đại đội của ông khi lục soát phía tây bắc đã đụng độ một đại đội cộng của csbv (vì quân số nhiều hơn một đại đội). Một quả đại bác bắn yễm trợ đã rơi lầm làm chết 5 lính Mỹ và bị thương 5. Họ cầm cự để chờ phần còn lại của tđ sẽ đến sáng hôm sau. 

Nhưng đụng độ lớn lại xảy ra ở Dak Pha. Bắc quân đã quấy rối căn cứ này từ 3/6. Lúc 2 g sáng ngày 7/6, sau khi pháo bằng cối, bắc quân thăm dò chu vi phòng thủ. Tám lính csbv chết so với 3 lính Mỹ. Tấn công ồ ạt bắt đầu khoảng 0320 sáng, khi một thành phần, sau này được biết là của trung đoàn 24 csbv tấn công từ hướng bắc, tây, và đông. Đợt đầu tiên bằng B-40, thẳng vào khẩu số 6, nằm ở phía tây của đồn hình ngôi sao này, khiến các pháo thủ bỏ chạy về giữa căn cứ. Lúc 0400 sáng, một tấn công khác từ tây bắc, khiến một số lính của pháo đội này chạy về trung tâm của căn cứ. Một lát sau lính Mỹ phản công và đẩy lui địch. 

Khoảng cùng lúc đó, pháo đội B của tđ 1/30 pháo binh, đóng gần căn cứ Dak To 1 nổ súng để yễm trợ Dak Pha. (Đừng lầm với Dak To 2 ở tây nam cách đó 3 km là một trại lực lượng đặc biệt.--người dịch). Những loạt đạn 155 ly, nổ sát bên ngoài chu vi, khiến bắc quân bỏ khẩu số 6, và vài giờ sau đó, hỏa lực liên thanh và cối của địch giảm đáng kể. 

Việc hưu chiến này chỉ tạm thời vì ngay sau hừng đông, pháo kích gia tăng, và lúc 0640 sáng, quân cs mở tấn công mới, lần này tập trung vào khẩu 6. Hai tiểu đội bắc quân đã chiếm khẩu này. Thay vì phản công, lính Mỹ ở trong hố cá nhân, nhường cho pháo binh tấn công địch trong 2 giờ. Trực thăng võ trang và máy bay tham chiến tới khi địch ngừng tấn công Dak Pha. 

Khoảng 0730 sáng, thiếu tá Hackworth và đại đội B và C của ông được trực thăng từ Tou Morong tới Dak Pha, khoảng cách 4 km. Ông chỉ huy luôn đại đội A (của đại úy Brown)và ra lịnh cho đại đội này, đang bảo vệ căn cứ, phải tiến về phía bắc. Ông ra lịnh cho đại đội B và C giữ sườn trái của A để ngăn địch rút về hướng đó. Sau đó, đại đội A của Hackworth và trung đội viễn thám, cũng rời Tou Morong để vào khu vực. Giờ đây Hackworth có 3 đại đội và một trung đội viễn thám tiến về phía bắc của Dak Pha. Mọi dấu hiệu cho thấy bắc quân ở gần đó nhưng họ đang rút sâu vào rừng núi bắc của Tou Morong. 

Lúc 0920 sáng, phần còn lại của tđ 2/502 của đại tá Emerson được bốc từ Dak To 1 đến 10 km bắc Dak Pha. Emerson ra lịnh cho đại đội C lục soát phía bắc của bãi đáp và đại đội B phía đông. 

Khi tiến về phía bắc, lính của Hackworth thấy hàng ngũ địch rối loạn, chúng chạy ngờ ngờ giữa đồng trống, nên quyết tâm đuổi theo. Họ ko ngờ họ đã sập bẫy vì lọt vào một hệ thống công sự vững chắc mà trung đoàn 24 csbv đang chủ động chờ đợi họ -- mở màn cho trận đánh 3 ngày của lữ đoàn này. 

Trận đánh này đã bắt đầu với một loạt chạm súng rất sớm vào ngày 8/6. Một trong những chạm súng đó là của trung đội viễn thám của đại úy Lewis Higinbotham có phóng viên Ward Just của báo Washington Post đi theo làm phóng sự. Ngày trước đó, trung đội này đi theo đường mòn cũ về phía tây bắc và đổi về phía bắc. Họ đã lần lượt tìm thấy hai nơi đóng quân mà địch đã rút. "Rừng hoàn toàn yên tỉnh, trừ vài con bướm đầy màu sắc," phóng viên Just sau này mô tả lại. Khi trời tối, trung đội đào hố. 

Ngày kế, 8/6, họ tiếp tục truy kích. Hầu như ngay sau đó, họ đã gặp một nơi đóng quân bỏ hoang của địch, rất lớn đủ chứa ít nhứt là một TĐ, hay cả một trung đoàn. Tất cả vẫn yên tỉnh, nhưng lúc 1315 chiều, lính Mỹ bị phục kích. Ít nhứt 200 lính csbv nổ súng bằng súng nhỏ và B-40. Trung đội của Higinbotham bắn trả, vội vàng lập phòng tuyến và gọi phi pháo. Đạn pháo Mỹ rơi sát phòng tuyến. Dù vậy đạn súng nhỏ và B-40 rơi tới tấp vào phòng tuyến Mỹ. Sợ rằng có thể bị tràn ngập trước khi được tiếp viện, Higinbotham cho thu hẹp phòng tuyến.

Thiếu tá Hackworth phản ứng lập tức, gửi đại đội A và hai trung đội của C tăng viện cho trung đội viễn thám. Dựa vào tiếng súng, đại đội C chạy nhanh về phía trước, và đụng địch. Họ bị cầm chân trong giây lát và sau đó lúc 1700 chiều hai đại đội đã tới gần mục tiêu. Lính của trung đội viễn thám la hét ầm ỉ để hướng dẫn quân tiếp viện tìm thấy họ. Bắc quân có lẽ ko để ý điều này nên tiếp tục rút về phía bắc. Lợi dụng tình hình này, Higinbotham di tản người chết và bị thương và nhận tiếp tế. Trung đội viễn thám của ông chết 5 và 17 bị thương, nghĩa là gần nửa quân số. Không biết tổn thất địch. 

Các ngày kế, Hackworth tiếp tục tìm kiếm địch. Ngày 9/6, đại đội C được trực thăng đổ xuống tây bắc và đại đội B tìm địch ở bắc Dak Pha. Đại đội A và trung đội viễn thám vẫn ở chỗ chạm súng cũ của ngày 8/6. 

Trong khi đó, ở phía bắc, tđ 2/502 của Emerson đã ko đụng độ đáng kể trong hai ngày đầu, có lẽ họ ở xa đường rút lui của địch. Tuy nhiên ngày 9/6, tình hình đã thay đổi. Trong khi đại đội A của Brown trở về với TĐ 2/502 của Emerson, và bảo vệ BCH TĐ này, đại đội B của trung úy Louis Sill lục soát hướng đông theo nhiều trục và đại đội C của đại úy William Carpenter chuyển về nam và đông cho tới khi họ tới ranh giới trách nhiệm của tđ của Emerson và Hackworth. Chẳng bao lâu họ đều chạm súng.

Sau khi đi khoảng 1.000 mét, quân của trung úy Sill bị tấn công bằng súng liên thanh. Đại úy Carpenter cũng bị tấn công nhưng chiếm một cao điểm. Vào lúc đó, với Hackworth trên đường giúp đại đội B, Carpenter được lịnh chuyển về phía bắc và đông để ngăn đường rút lui có thể của địch. Do địa thế tre gai chằng chịt khiến tiến quân rất chậm, nên Carpenter cho đại đội đi hàng một. Trung đội viễn thám đi đầu, kế là trung đội 1, BCH đại đội, trung đội 3, và cuối là trung đội vũ khí nặng. Mỗi trung đội cách nhau khoảng 200 m.

Khi đoàn quân vượt qua một chõm núi nhỏ, toán viễn thám nghe giọng người khoảng 200 m phía trái. Carpenter ra lịnh cho đại đội dừng lại để phía sau bắt kịp. Ông có 2 chọn lựa: đổi hướng để tránh địch; hay vượt qua chõm núi để tìm địch. Ông chọn cách thứ hai. Ông cho trung đội 1 tấn công, hai trung đội kia chuẩn bị tiếp cứu. 

Lúc 1530 chiều, tiểu đội đầu của trung đội 1 bò về hướng có tiếng người--khoảng 10 tới 15 lính csbv đang tắm và nấu ăn. Quân Mỹ nổ súng, giết và làm bị thương số quân này, và tiếp tục tiến. Chỉ trong vài phút, bắc quân phản công. Ít nhứt là hai khẩu đại liên ở trước và bên trái của quân Mỹ nổ súng, chận đứng trung đội 1. Trung đội 3 tiến đến cách sườn trái của trung đội một 50 mét, hy vọng bọc hông (outflank) địch, nhưng bị bắn trả dữ dội và bị cầm chân. 

Chẳng bao lâu cả đại đội của Carpenter bị tấn công. Ngay cả BCH đại đội và trung đội vũ khí nặng, dù ở xa phía sau, cũng bị tấn công bằng đại liên. Hỏa lực mạnh nhứt đến từ ngọn đồi khoảng 200 mét hướng đông. Trung đội vũ khí nặng được lịnh bắn yễm trợ. Nhưng quân Mỹ chỉ tiến 1/3 đường thì phải ngừng lại vì hỏa lực mạnh.

Tình hình của trung đội 3 rất bi đát. Địch ném lựu đạn để đánh bọc hông lính Mỹ. Trung đội trưởng trúng đạn chết và một tiểu đội trưởng chết vì lựu đạn. Một tiểu đội trưởng khác hoảng hốt gọi máy báo Carpenter rằng vị trí của y bị tràn ngập và y là người duy nhứt trong tiểu đội còn sống và sau đó tắt máy.  

Thông thường phi pháo giúp ích cho bộ binh nhưng ở đây là rừng tre gai khiến phi pháo ko hiệu quả vì người lính ko thể thấy nơi đạn đại bác hay bom rơi để điều chỉnh. Họ chỉ có thể dựa vào âm thanh để biết hướng bom hay đại bác rơi. Trong tình hình thất lợi như vậy, địch lại tấn công dồn dập khiến đại đội của Carpenter có nguy cơ bị tràn ngập. Lúc 1615 chiều, đại đội bắt đầu rối loạn hàng ngũ. Carpenter có thể rút nhưng địch bao vây ít nhứt 3 mặt, nhiều lính Mỹ bị thương và bất cứ người nào của trung đội 3 đang trốn trong rừng có thể bị bỏ lại. 

Trong tuyệt vọng, đại úy Carpenter mở một lựu đạn khói và ném về rìa phía bắc của chu vi phòng thủ nhỏ bé của ông và gọi máy bay ném bom xuống chỗ đó. Một F-4 Phantom ném 2 bom napalm lúc 1645. Một quả rơi xa quân Mỹ, trúng địch quân; quả sau rơi cách quả trước 30 - 50 mét, rất gần quân Mỹ. Theo trung sĩ thường vụ đại đội Walter Sabalauski, "quả này rơi cách phòng tuyến vài mét". Theo Carpenter, "bom rơi giữa trung đội vũ khí nặng và trung đội 1 và cách phòng tuyến khoảng 15 mét". Ít nhứt một tá lính Mỹ bị phỏng -- một người chết sau đó. "Quả bom trở thành quả cầu màu vàng và nóng khủng khiếp ", một y tá kể lại. Các tường trình sau đó nói rằng Carpenter đã xin napalm, nhưng đại úy phủ nhận, nói rằng "Tôi đã ko biết vũ khí nào mà máy bay đang có."

Nhưng điều này cũng xấu cho bắc quân. Trung đội trưởng vũ khí nặng kể lại, "rất nhiều bắc quân trúng bom...tôi thấy một lính csbv, như bó đuốc, chạy lên chõm núi." Sửng sốt (staggering) vì bom napalm, bắc quân đã ngừng bắn trong hơn 1/2 giờ để tái tổ chức, khiến quân Mỹ có thì giờ rút về sau và lập chu vi mới. Từ lúc này, họ giữ vững vị trí suốt đêm, dù địch tiếp tục thăm dò.

Trong khi đó, các tư lịnh Mỹ đã làm mọi thứ để giúp Carpenter. Đại tá Emerson ra lịnh các đại đội còn lại của TĐ đi tiếp cứu. Lúc 1710 chiều, đại đội B của Emerson chỉ còn dưới 3km đông bắc của Carpenter khi họ gặp một TĐ csbv. Hai bên đã giao chiến suốt đêm, khiến đại đội B khó tiếp cứu Carpenter kịp thời. Đại đội A của 1/327, giờ đây cũng do Emerson chỉ huy, cũng bị chận đánh. Sau ba đợt xung phong để phá phòng tuyến địch, đại úy Willis, đại đội trưởng, cố gắng đi vòng quanh nhưng thất bại. Cuối cùng, đại úy cho đóng quân tại chỗ. Trước khi hừng sáng, bắc quân đã giết 8 và làm bị thương 20 lính của Willis. 

Tuy nhiên, các đv khác đều ko phải như vậy. Lúc 1715 chiều, đại đội A của 2/502 của đại úy Brown, hoạt động chưa tới 2 km tây của Carpenter, đã bắt đầu đi bộ tới chiến trường. Suốt đêm, những lính này di chuyển về đông nam trong lúc mưa nặng hạt, lúc mưa lúc tạnh. Trời rất tối đến độ có lúc họ phải nắm tay để khỏi lạc. Khi họ đến khoảng 500 m cách đại đội của Carpenter, họ nghe giọng nói Việt Nam. Brown lập tức gọi Carpenter, yêu cầu bắn một loạt đạn để ông biết vị trí của đại đội của Carpenter. Lính của ông vượt qua vòng dây của địch, và toán đi đầu đã gặp Carpenter lúc 2135 tối và phần còn lại của đại đội của Brown đến sau nửa đêm.

Từ đó, lính của trung đội 3 của Carpenter, như những bóng ma, đã lần mò trở về đại đội của mình. Đối với phần còn lại của đại đội của Carpenter, mà trước đây đã nghĩ rằng trung đội 3 đã bị tiêu diệt, nay trung đội đã về gần đủ trừ ba người. Sau khi kiểm kê quân số, Carpenter thấy đại đội chỉ chết 3, bị thương 34, và 3 mất tích.

Quyết tâm chiến đấu này của bắc quân đã khiến tướng Pearson mở rộng HQ Hawthorne. Đầu tiên, ông chuyển TĐ 1/42 bộ binh VNCH về hướng tây, ngăn cản địch rút về hướng này. Lực lượng 1 Dã chiến rút một đại đội của 2/327 để tăng phải cho TĐ của Emerson. Sư đoàn 1 không kỵ tăng phái TĐ 1/5 không kỵ đến phía đông của chiến trường. Với TĐ của Hackworth tấn công từ bắc, và Emerson từ nam, tướng Pearson nghĩ rằng đã bao vây 4 mặt bắc quân.

Nhưng Pearson muốn chắc chắn rằng ông sẽ giã nát bắc quân, do vậy ngày 10/6, ông đã yêu cầu B-52 ném bom trước khi quân của ông tấn công. Khi yêu cầu được chấp thuận, ông nói các đại đội phải rút về sau ít nhứt 3km, và đừng để bắc quân biết.

Việc di tản thương binh về nơi an toàn gặp khó khăn vì trực thăng bị bắn khi đáp xuống. Quân Mỹ phải đợi trời tối để khiêng vác thương binh. Dù trực thăng đã thả cáng tải thương (litter) cho 2 đại đội, nhưng vì mưa lớn, trời quá tối, và rừng quá rậm, họ phải đợi trời sáng mới di chuyển.

Ngày 11/6, khi trời sáng rõ của, hai đại đội đã bắt đầu đi bộ về phía tây tới một bãi đáp mới lập. Họ chỉ thiệt 1 người vì bắn sẻ. Họ tới bãi đáp sau 1100 sáng, lên máy bay, và đi hết lúc 1230 trưa. Suốt ngày kế, họ nghỉ ngơi và tái trang bị và chờ B-52 oanh kích trước khi trở lại chiến trường.

Trong khi đó, tướng Pearson nhanh chóng chuẩn bị cho B-52. Để địch quân nghĩ rằng quân Mỹ vẫn còn trong khu vực, ông ra lịnh cho phi pháo tấn công địch từ 11 - 13/6. Cùng lúc, các thành phần của TĐ của Hackworth tích cực lục soát nhưng các đv này từ từ rút lui, chỉ để lại trung đội viễn thám của Higinbotham. Trung đội này cũng rút lui vào sáng sớm 13/6, vài giờ trước khi oanh kích bắt đầu. Hơn nữa, các lực lượng ngăn chặn đường rút lui của địch phải vào vị trí.

Ngày ném bom có thời tiết rất tốt. Lúc 0750 sáng các chiến đấu cơ nhào lộn và ném 900 hộp đựng (canister) hơi cay vào khu vực mục tiêu. Pearson hy vọng rằng hơi cay này sẽ khiến bắc quân ra khỏi hầm hố trước khi B-52 ném bom. Ba mươi phút sau, B-52 có mặt bên trên mục tiêu và thả bom -- 648 tấn bom sắt.

Ngay sau oanh kích chấm dứt, lính Mỹ đổ quân xuống. Kinh nghiệm cho thấy địch đã nhanh chóng tập họp lại sau một oanh kích và biến mất trước khi bụi khói tan, do đó Emerson và Hackworth đã cho các đại đội tới khu vực này ngay lập tức. Phản ứng nhanh này cho kết quả tốt. Những người lính CSBV mất hồn (stunned) vì sốc sau cơn mưa bom. Một đại đội của Emerson bắt sống 20 tên. Những kẻ khác chống cự yếu ớt.

Dựa vào quan sát của trực thăng và tra hỏi 22 tù binh, bộ tham mưu của Pearson kết luận có ít nhứt 200 tên bị giết và có lẽ thêm 250 tên khác bị giết. Quân Mỹ ko có ai thiệt hại trong ngày này. 

Cuộc ném bom đã tàn phá trung đoàn 24 csbv. Từng năng nổ đánh với quân Mỹ từ 6 - 12/6, nay họ bắt đầu né tránh và HQ Hawthorne đã nhanh chóng trở thành HQ đánh giá thiệt hại (mop-up) của địch. Hai TĐ của Emerson và Hackworth đã lục soát khu vực mà họ đã làm trước oanh kích. Các đv có nhiệm vụ án ngữ cũng tham gia việc săn lùng này. Bốn TĐ đã lục soát suốt một tuần nhưng ko gặp gì hết. Vào ngày 20/6, Pearson chấm dứt HQ và rút lữ đoàn về Dak To 1. 

Tổng kết, lực lượng của Pearson tiêu diệt 479 quân địch và không quân giết thêm 52. Con số quân địch chết được ước lượng cao hơn. Phe bộ binh cho biết có thêm 506 địch chết và không quân 209. Cộng lại là 1.246 tên địch.

Nếu đây là sự thực thì trung đoàn 24 csbv với quân số 2.000 đã thiệt hại 60/100 quân số, ko còn khả năng chiến đấu. Theo sĩ quan tình báo của Pearson, trung đoàn 24 đã ko tham gia một hoạt động đáng kể trong hầu hết năm kế là 1967. Thiệt hại của Mỹ là 48 chết và 239 bị thương - 25 của TĐ 1/327 của Hackworth và 16 của 2/502 của Emerson.

Tướng Pearson nghĩ rằng lực lượng đặc nhiệm của ông chẳng những đã bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ở Tou Morong nhưng cũng ngăn ngừa bắc quân thực hiện các mục tiêu khác ở tỉnh Kontum. Tướng Westmoreland đồng ý. Ông gọi Hawthorn là "một cuộc tấn công phá hỏng ý định của đối phương" và là khuôn mẫu của một cuộc HQ thành công./."

San Jose ngày 20/8/2022.

Tài Trần.