Wednesday, March 28, 2012

Rộ thông tin lá đu đủ “thần hiệu” chữa ung thư (?!)
Khoa học vẫn chưa chứng minh được "thần hiệu" của lá đu đủ.
Thời gian gần đây, người dân lại rộ lên thông tin lá đu đủ có thể chữa khỏi bệnh ung thư vừa không tốn kém nhưng rất thần hiệu. Nhiều bệnh nhân đã rời bệnh viện về nhà học công thức làm thuốc và tự chữa bệnh cho mình...

“Thần hiệu” chữa ung thư?
Tình cờ, tôi có biết bệnh nhân Lê Văn S - cán bộ hưu trí (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một bệnh nhân ung thư phổi. ông bắt đầu xạ trị khối u phổi từ năm 2006 ở Viện K, Hà Nội. Sau đó ông đã sử dụng "bài thuốc" từ lá đu đủ nấu. Hơn 10 tháng điều trị, ông đi khám bác sỹ cho biết khối u của ông đã nhỏ đi, nhưng làm xét nghiệm máu thì chỉ số ung thư trong máu có phần tăng lên. ông S cho biết rất có thể khối u ở phổi đã di căn sang vị trí khác. Hiện nay ông S tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Việt -Xô.
Cũng giống ông S, gần đây, chị Lê Thị Hoa (thị trấn Đồng Văn, Duy Tiên, Hà Nam) đang điều trị ung thư tại Viện K Trung ương. Sau hơn 2 năm bị ung thư xương, 1/3 xương chậu của chị bị ung thư "ăn" rỗng, rất đau đớn. Mới đây khi nghe nhiều người mách nhỏ về bài thuốc dùng lá đu đủ chữa ung thư, chị Hoa rất mừng. Chị bảo rằng: "Tôi đã uống nước lá đu đủ được hơn 1 tháng. Ban đầu uống chưa quen mỗi ngày tôi chỉ uống được 400ml, nhưng sau thì uống đều 600ml/ngày. Lá đu đủ rất khó uống, ngửi mùi thôi đã thấy khó chịu nên không phải ai cũng uống được ngay. Đặc biệt sau khi nấu xong mà chưa kịp uống hoặc không cho vào tủ lạnh nước đó sẽ chuyển sang dạng sền sệt nhơn nhớt. Ngoài ra tôi còn sử dụng một số thuốc và thường xuyên ăn kèm với một số thức ăn bổ dưỡng khác". Chị Hoa cho biết: "Theo như bài thuốc truyền miệng, phải uống ít nhất trong 6 tháng mới thấy được công dụng. Hiện tại, tôi không vào viện điều trị hóa chất nữa mà chỉ ở nhà uống nước lá đu đủ. Chưa biết thực hư công dụng như thế nào, nhưng "còn nước còn tát" tôi sẽ kiên trì theo phương pháp này. Dù sao bài thuốc cũng không tốn tiền như phải điều trị tại viện".
Đã có không ít bệnh nhân ung thư bỏ ngang việc điều trị ở bệnh viện để theo bài thuốc đu đủ. Theo tìm hiểu của PV, công thức nấu lá đu đủ rất đơn giản. Người bệnh có thể chọn bất kỳ một cây đu đủ, lấy lá và cuống để tươi chứ không để khô, không dùng dao cắt, rồi đập cuống đu đủ cho dập, lá vò nhẹ. Sau đó bỏ tất cả vào nồi thuỷ tinh hoặc nồi i -nốc, đường kính khoảng 30cm, cho càng nhiều càng tốt. Đổ xăm xắp nước, đun từ từ đến khi sôi, để sôi 10 phút, sau đó tắt lửa, đậy vung để nguội dần. Sau 2 giờ đun, rót nước ra uống. Theo bài thuốc được truyền miệng, người bệnh uống 600ml chia 3 lần /ngày, mỗi lần 200ml, khi uống kèm theo 2 thìa cà phê mật mía, uống vào lúc no. Trong thời gian uống thứ thuốc này người bệnh không phải ăn kiêng. Ngoài ra cần lưu ý một số điều: Phải uống cùng với mật mía, uống liên tục từ 5-6 tháng trở lên mới có kết quả. Nước lá đu đủ để ngoài dễ bị thiu và lên men nên khi nấu xong cần cho vào tủ lạnh để uống dần.
Chưa có cơ sở khoa học
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2000, GS.Nguyễn Xuân Hiền, nguyên Trưởng khoa Da liễu - Bệnh viện Quân Y 108 đã phổ biến cách chữa bệnh bằng lá đu đủ cho 12 bệnh nhân và thường xuyên theo dõi qua điện thoại kết quả điều trị của họ. GS đã tổng kết, có 4 trường hợp tốt (3 u phổi, 1 chửa trứng); 3 trường hợp bệnh đã thuyên giảm là u phổi; 1 trường hợp xấu; 3 người chết và 1 không có khả năng sống. Từ kết quả thu được, GS Hiền nhận xét: "Các trường hợp uống thuốc không đem lại hiệu quả thường rơi vào những người bệnh nặng đã chuyển sang di căn; không uống đủ trong thời gian 5 - 6 tháng hoặc uống được một thời gian thì chuyển sang thuốc khác".
Được biết, công thức chế biến lá và cuống đu đủ thành "thần dược" chữa bệnh ung thư được GS. Hiền kế thừa từ bà Lê Thị Đặng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM. Năm 1998, chồng bà Đặng là ông Bùi Hoán, 80 tuổi bị mắc bệnh ung thư lưỡi giai đoạn III. Trong quá trình chữa bệnh cho chồng, bà Đặng đã phát hiện ra thông tin về một bài thuốc bắt nguồn từ một người úc tên là Stan Sheldon bị bệnh ung thư phổi trầm trọng, hai lá phổi đã nát, các bác sỹ đều kết luận ông không thể sống được nữa. Bài thuốc là dùng lá đu đủ nấu lấy nước uống. Khi ấy, GS. Hiền đã dùng “đơn thuốc” này điều trị cho con gái của ông bị ung thư phổi, kết hợp cùng với tia xạ và hoá chất. Thời gian đầu cũng đỡ nhưng do bệnh của con gái ông đã quá nặng, chuyển sang giai đoạn di căn nên bài thuốc không đem lại hiệu quả. Vợ ông thường xuyên uống nước lá đu đủ nấu cũng đã chữa được bệnh viêm đại tràng mãn tính. Tuy nhiên công dụng của lá đu đủ như thế nào, có chữa được bệnh ung thư hay không thì GS. Hiền cũng chưa dám khẳng định.
Một bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Đông chia sẻ: "Nhiều năm làm nghề, tôi chưa từng thấy ai áp dụng bài thuốc này. Khi nghe PV nói, tôi rất ngạc nhiên. Theo tôi, không có một luận chứng nào để tin vào công hiệu của lá đu đủ, trái lại tôi còn nghĩ nhựa đu đủ rất độc, có thể làm chết người. Nhưng với bệnh nhân ung thư, biết đâu chẳng là "dĩ độc trị độc" chăng? Ngày xưa ở Việt Nam, người ta còn uống nhựa đu đủ để trục thai nữa".
Theo BS. Nguyễn Công Doanh - Khoa Đông y (Bệnh viện Bạch Mai) thì: "Trong khi chưa có kết luận chính xác về công dụng của lá đu đủ có vai trò như thế nào với việc điều trị bệnh ung thư thì cách tốt nhất để ngăn suy kiệt, phối hợp với các giải pháp điều trị, là ăn uống đủ chất và phù hợp chứ không nên tin vào một liệu pháp điều trị mới chưa có sở cứ khoa học".
Mới chỉ là ...phỏng đoán!
"Tôi đã từng nghe về phương pháp chữa ung thư bằng lá đu đủ. Tôi có đọc một tài liệu trên một tạp chí y khoa bằng tiếng Anh, do một bác sĩ người Đức làm việc bên úc, công bố: "Thổ dân úc đã biết dùng lá đu đủ chữa khỏi bệnh ung thư". Sau này báo Văn Nghệ, Tiền phong có dịch ra Việt ngữ phổ biến nhưng tôi không quan tâm mấy. Tuy nhiên, đó là ở nước ngoài, còn ở Việt Nam những đánh giá về giá trị của lá đu đủ đối với kết quả điều trị của những bệnh nhân ung thư chỉ là những nhận xét mang tính phỏng đoán chứ chưa phải là một kết luận khoa học mang tính thuyết phục". (Bác sỹ Nguyễn Văn Chuyên, thành viên Hội Đông y Việt Nam).
sưng chân do nhiểm trùng ;

Nhiễm trùng ở chân: Nhiễm trùng ở chân thường gây nóng sốt, đau nhức, sưng, da ửng đỏ và tăng nhiệt độ ở nơi bị sưng. Nhiễm trùng có thể ở xương, khớp xương, hay ở những phần mền của chân. Bệnh nhiễm trùng cần được điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh để tránh biến chứng nhiễm trùng máu hay nhiểm trùng lan rộng ra và di chuyển đến những cơ quan khác. Trong những trường hợp mưng mủ, bọc mủ (áp-xe) cần được mổ ra để mủ thoát ra ngoài thì mới trị dứt bệnh được, vì thuốc kháng sinh không thể vào tận trong bọc mủ để diệt vi trùng.