Saturday, October 29, 2016

Khi Thác Dương, một giáo sư 40 tuổi, quay về Trung Quốc để lập nghiệp sau 18 năm xa xứ, ông định cư tại một khu công nghệ cao ở thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Triết Giang, cách ngôi làng quê hương ông 45 phút đi đường. Thành phố 6 triệu dân này ưu đãi cho ông rất nhiều thứ. Ông được hỗ trợ một số tiền tương đương 123 triệu đồng VN để lập ra Công ty Greenphile Bioindustrial Solution.
Nguồn : http://nld.com.vn/…/trung-quoc-hau-dai-hoa-kieu-ve-nuoc-lam…
Trong tổng số 3.000 m2 đất ông Dương thuê làm công ty, ông được miễn tiền thuê 750 m2 đất (khoảng 13.000 đồng VN/m2) trong năm đầu tiên và được giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm tiếp theo. Theo so sánh của ông, một văn phòng như thế ở thành phố Atlanta (Mỹ) có thể đắt gấp 3 lần. Những “ưu đãi” như thế không chỉ có ở Hàng Châu. Thành phố Thượng Hải với sự thịnh vượng của các nhà máy chất bán dẫn của mình đã thu hút được James Gao, một cựu giám đốc điều hành một công ty ở Mỹ. Tháng 3 rồi, người đàn ông 34 tuổi gốc Nam Kinh này đã về Thượng Hải sau 11 năm sống ở Mỹ để lập công ty riêng và được thành phố hỗ trợ 184 triệu đồng.
Từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, chính quyền địa phương đang cung cấp cho Hoa kiều mọi ưu đãi từ tiền thuê rẻ đến các khoản thuế thấp để khuyến khích họ quay về quê hương. Ngoài những ưu đãi về mặt tiền bạc, Trung Quốc còn hứa giúp Hoa kiều tuyển dụng được những lao động có trình độ cao hay hợp tác với các doanh nghiệp “chất lượng cao” trong nước. Ðiều này làm người ta nhớ lại thời điểm những năm 1990 khi các đặc khu kinh tế tạo hứa hẹn dành nhiều ưu đãi cho công ty nước ngoài để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, mục đích của chính sách thu hút Hoa kiều giờ đây không chỉ là vấn đề tiền bạc. Hoa kiều được xem như là một “mỏ vàng” của những kỹ năng quản lý và khoa học. Hồ Gia Hoàn, Trưởng Phòng Lao động và Tổ chức cán bộ công nghệ cao mới của Hàng Châu, nhận xét: “Hoa kiều có thể giúp những người chưa từng rời Trung Quốc biết thêm nhiều điều mới mẻ. Họ mang về tư duy mới.”
Ðể quảng bá cho chính sách ưu đãi Hoa kiều, Hàng Châu đã lập ra một trang web để giới thiệu về chương trình, cho quảng cáo trên truyền hình và báo chí, không chỉ ở trong nước mà còn ở Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, thị trưởng Hàng Châu cũng giới thiệu về chính sách của thành phố trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Những thành phố khác thậm chí còn đi xa hơn thế. Khu Trung Quang Thôn ở Bắc Kinh có cả một văn phòng đại diện tại thung lũng Silicon ở California(Mỹ). Bước đầu, những chính sách ưu đãi Hoa kiều đã tỏ ra có hiệu quả. Kể từ khi Hàng Châu áp dụng chúng vào cuối năm 2000, khoảng 250 Hoa kiều đã quay về đây lập nghiệp. Trong khi đó, khu Trung Quang Thôn cũng chào đón 2.030 Hoa kiều trở về với ý định lập nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2001, trong đó có 348 người có được giấy phép kinh doanh. Dù vậy, không phải mọi thứ đều làm Hoa kiều hài lòng. Nhiều người vẫn còn phàn nàn về việc một số chi phí quá cao ở Trung Quốc. Theo Thác Dương, giá điện ở Trung Quốc (1.530 đồng VN/kwh) đắt gấp 5 lần ở Atlanta. Ngoài ra, ông còn nói đến những khoản tiền phải chi cho những buổi ăn nhậu để có được giấy phép vì, theo ông Dương, “mọi chuyện đều được tiến hành trên bàn ăn”.
Ðối với nhiều Hoa kiều, việc giữ cho nền kinh tế Trung Quốc luôn tăng trưởng có thể là cách tốt nhất để kéo họ về nước. Khi ông Dương thành lập Grenphile Bioindustrial Solution, một công ty chuyên sản xuất một chất sinh hóa học không độc hại đến môi trường để loại bỏ mực ra khỏi giấy thải, Trung Quốc đã là nước sản xuất giấy lớn nhất thế giới, sản xuất khoảng 32 triệu tấn mỗi năm. Theo dự đoán của ông Dương, thị trường này sẽ tăng theo cấp số nhân cùng với sự cải thiện các tiêu chuẩn sống của người Trung Quốc. Và như thế cũng đủ để giữ ông ở lại.
PHƯƠNG VÕ (Theo FEER)