Friday, June 23, 2017

.

Đăng bởi Elvis Ất on Friday, June 23, 2017 | 23.6.17


Vũ Thư Hiên: Tôi hân hạnh giới thiệu với các bạn bài viết nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam của tác giả Thái Văn. Bài điểm sách Lời Ai Điếu của Lê Phú Khải dài, tôi xin trích vài đoạn để các bạn làm quen trước khi gặp toàn văn. Bài này là do một bạn đọc đáng tin cậy chuyển cho tôi, không ghi nguồn, tôi xin phép đưa lên đây với lời cáo lỗi cùng tác giả.

Dai tuong Le Duc Anh viet ve nguyen Tong bi thu Le Duan - Anh 3
Nghĩ ra một chủ nghĩa bao giờ cũng là các bậc thiên tài. Thực hiện cái chủ nghĩa đó bao giờ cũng là những người cuồng tín và hưởng thành quả của chủ nghĩa đó thì bao giờ cũng là bọn lưu manh”. 


"…Cũng có người nhận xét, Lời ai điếu là cuốn hồi ký của những phác thảo chân dung chính khách cộm cán trên chính trường từ khi Chủ nghĩa Cộng sản thắng thế trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khi giành được thắng lợi, những người Cộng sản cai trị đất nước theo cách riêng của mình. Thành phần lãnh đạo được chọn lọc rất kỹ qua sự sàng lọc khắt khe của Ban Tổ chức Trung ương mà thành phần giai cấp là tiêu chí quan trọng nhất. Cho nền, hầu hết những nhà lãnh đạo đều là những kẻ vô học và cơ hội, thậm chí coa nguồn gốc lưu manh trong các băng đảng tội pham, bị tù tội, được các đảng viên Cộng sản “giác ngộ”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lộng quyền, tham nhũng, tha hóa nhân cách. Tuy nhiên, với người Cộng sản, lừa bịp, dối trá lại là “nghệ thuật” lãnh đạo. Họ thường dùng tấm màn đỏ che giấu sự nhếch nhác, hủ bại nhằm giữ thể diện trước nhân dân và cộng đồng thế giới. Lê Phú Khải làm ngược lại. Ông tìm mọi cách tháo gỡ tấm màn lòe loẹt ấy, phơi bày trước bàn dân thiên hạ mặt thật của những kẻ đạo đức giả, vừa ngu dốt vừa kiêu ngạo, lúc nào cũng coi mình là trung tâm vũ trụ.

Chân dung đầu tiên mà tác giả khắc họa là Trần Quốc Hoàn. Ngày nay, một số người lầm lẫn vẫn coi Trần Quốc Hoàn là “nhà cách mạng”, nhưng bộ mặt thật của ngài ủy viên Bộ Chính trị, đứng đầu ngành công an suốt 28 năm liền thì không phải ai cũng biết nếu không có tướng Lê Hữu Qua nhiều lần kể cho cháu mình nghe về chuyện “thâm cung bí sử”. Tác giả viết: “Gộp những gì tướng Qua nhắc đến thì đây là một ông quan liêu nặng, dốt nát nhưng hay khoe mẽ, ích kỷ và dối trá, thích cấp dưới tâng bốc mình, ghét người trung thực, đặc biệt là trí thức. Ông đã loại bỏ trí thức ra khỏi guồng máy công an. Vợ ông là một người tham lam vô độ, cái gì vơ được là vơ… Chưa bao giờ tôi thấy tướng Qua gọi tên hay chức vụ bộ trưởng đối với Trần Quốc Hoàn. Ông gọi vị bộ trưởng này bằng tên H lưu manh”. Ở một đoạn khác, Lê Phú Khải nhắc lại lời tướng Qua: “Tên H lưu manh này chỉ biết hắn thôi. Sau ngày giải phóng Thủ đô, hắn chiếm ngay ngôi biệt thự này. Tất cả cán bộ cao cấp khác, hắn bắt ở trong cơ quan với lý do bảo vệ cán bộ”. Trong khi ấy, tướng Lê Hữu Qua, người hùng của chế độ, từng lại xe đưa cụ Hồ thoát khỏi sự truy đuổi của quân Tàu Tưởng, được cử đi bảo vệ cho Phạm Văn Đồng ở Hội nghị Genève năm 1954, chỉ bởi trực tính mà bị cho về hưu sớm. Tác giả kể về ông chú mình: “Cả một đời ngang dọc, đánh đông dẹp bắc chiến tích đầy mình mà đến cuối đời chú tôi vẫn phải ở trong căn nhà “như cái chuồng chó” ấy thật là bất công. Bây giờ, mỗi khi vô một căn nhà, chủ nhân chỉ là viên sỹ quan cấp tá thôi nhưng nhà họ nguy nga như một lâu đài. Tôi mới ngẫm ra rằng, như một nhà hiền triết đã nói: Nghĩ ra một chủ nghĩa bao giờ cũng là các bậc thiên tài. Thực hiện cái chủ nghĩa đó bao giờ cũng là những người cuồng tín và hưởng thành quả của chủ nghĩa đó thì bao giờ cũng là bọn lưu manh”. 

Tướng Qua còn nói về thói ích kỷ, sự dối trá và nhất là sợ chết của Trần Quốc Hoàn. Dưới gầm bàn làm việc, ông ta cho xây căn hầm: “Chỉ cần bấm nút một cái là cả bàn giấy của H thụt xuống hầm sâu. Căn hầm có thể tránh được bom nguyên tử. Bên phố Yết Kiêu gần đấy, dưới đất là cả một căn hầm rộng mênh mông. Tên H rất sợ chết, chỉ lo bảo toàn tính mạng cho riêng hắn”.

Bộ trưởng như thế, đương nhiên các thứ trưởng và đám thuộc hạ phải được chọn theo ê kíp. Cục trưởng Hoàng Mai và Lê Quốc Thân chính là sản phẩm của vị bộ trưởng có thời kỳ cầm cờ đám ma và hành nghề lưu manh trên đường phố Hà Nội. Vẫn theo lời kể tướng Qua, phe cánh của Cảnh Con (biệt danh của Trần Quốc Hoàn) thường xuyên gây áp lực đến mức hàng loạt cán bộ cao cấp bị đẩy khỏi ngành: “Ở ngành an ninh Việt Nam, sau khi Lê Giản chuyển sang ngành Tư pháp – Tòa án, lần lượt các vị “lão tướng trung thần” như Nguyễn Tạo, Lê Tuấn Thức đều ra đi. Ông Nguyễn Tạo sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp, Lê Tuấn Thức sang làm Chánh Văn phòng cho Tổng cục Lâm nghiệp… vì không thể ở lại ngành dưới triều đại của Trần Quốc Hoàn”. 

Trần Quốc Hoàn là nhân vật nổi tiếng với những thành tích bất hảo ngay từ thời kỳ đầu lãnh đạo ngành công an, là nhân vật chính trong kế hoạch thủ tiêu người tình của ông Hồ Chí Minh, nhưng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không hiểu vì lý do gì lại im lặng. Về vụ thảm án này, Lê Phú Khải viết: “Được biết về vụ án cô Nông Thị Xuân năm 1957. Trước đó Trần Quốc Hoàn đã hiếp dâm cô Nông Thị Xuân ở số nhà 66 phố Hàng Bông Nhuộm rồi lập mưu giết hại cô như thế nào?

Trong cuốn Đêm giữa ban ngày nhà văn Vũ Thư Hiên cũng viết trên giấy trắng mực đen vụ án kinh tởm ấy. Vũ Thư Hiên còn nói rõ trong Đêm giữa ban ngày là, cán bộ từ cấp vụ trở lên ở Bộ Công An đều biết vụ án này. Vì thế, tướng Qua mới luôn gọi Trần Quốc Hoàn là “thằng H lưu manh” khi nói chuyện với tôi. Còn nhà văn XĐ quê ở Nghệ An thì nói với tôi rằng, nếu giết hết được cả làng tôi thì thằng Hoàn nó cũng giết, vì cả làng đều biết nó là thằng ăn cắp ở chợ làng trước kia!”. 

Từ những câu chuyện mang bóng dáng “một nửa sự thật” không ghi trong chính sử ông trùm công an Cộng sản, tác giả liên hệ đến những phát ngôn ấn tượng của nhà văn Dương Thu Hương: “Cần có cách mạng để quét đi những rác rưởi, và cần có tự do để quét đi những rác rưởi mà một cuộc cách mạng đã sinh ra! Chỉ tiếc là, rác rưởi mà một cuộc cách mạng vô sản đã sinh ra lại nhiều hơn cả rác rưởi mà nó định quét đi, vì thế mà tướng Trần Độ đã viết trong Nhật ký rồng rắn của mình rằng: Tôi đi làm cách mạng để xóa đi một xã hội xấu xa, nhưng xã hội hiện nay lại xấu bằng và xấu hơn cái xã hội mà chúng tôi đã xóa đi!”.

Một nhân vật cao cấp khác được tướng Qua nhắc đến là Phạm Văn Đồng, người có thâm niên 32 năm làm Thủ tướng Chính phủ “nhưng không làm gì” như bài vè dân gian thời ấy giễu nhại. Nghe Lê Phú Khải kể lại những chi tiết dưới đây, khiến ai cũng phải giật mình, bởi một chính khách vô tích sự như vậy đứng đầu nội các, mà guồng máy xã hội vẫn hoạt động bình thường thật là sự lạ: “Dưới mắt tướng Qua thì Phạm Văn Đồng là con người chủ quan, bốc đồng và rất vô tích sự. Ông kể: vừa mới giải phóng thủ đô, tôi phải bảo vệ cuộc họp quan trọng của đại diện Cộng Hòa Pháp với chính phủ ta. Tôi phải đích thân lái xe đến chỗ Sainteny để chở hắn sang họp với Phạm Văn Đồng… Cuộc họp kết thúc, Sainteny chưa bước ra khỏi phòng họp thì đã thấy tiếng cười lớn Ha! Ha! Ha! của Phạm Văn Đồng rồi tất cả cười theo. Thấy thế Sainteny quay ngoắt lại, có vẻ rất ngạc nhiên và khó chịu. Sau khi đưa Sainteny về rồi, tôi quay lại hỏi ông Lê Thanh Nghị… ông Nghị cười nói: Sainteny sau cùng có đề nghị ta, nếu chính phủ Việt Nam có cần giúp đỡ, bồi hoàn chiến tranh của chính phủ Pháp thì xin các ông cứ đề đạt, tôi sẽ là người tích cực trong công việc này… Nghe Sainteny nói, anh Đồng không trả lời, khi y quay ra thì anh Đồng nói: Mới đánh cho thua vãi cứt mà đã lên mặt! Rồi anh ấy cười lớn, mọi người cười theo!”. Kể xong câu chuyện trên, tướng Qua hạ một câu: “Phạm Văn Đồng là thế đó, chỉ làm hại đất nước”.

Tuy nhiên những chuyện trên mới chỉ là một phần sự thật. Còn một sự thật động trời nữa là, quốc dân đồng bào không thể ngờ, vị Thủ tướng “đáng kính” của mình là tay nghiện thuốc phiện và chơi gái có hạng. Ở các nước tư bản “giãy chết”, các chính khách vướng vào vụ scandal động trời như vậy, cầm chắc là phải hầu tòa hay chí ít ra cũng phải từ chức về “đuổi gà cho vợ”, nhưng ở ta, đây cũng là “bí mật quốc gia”, luôn được giấu kín như mèo giấu… của! Chuyện này cũng do tướng Qua kể, tác giả ghi lại: “Lần này thì chính ông ta gọi tôi lên để trình bày về cái vụ thế giới nó chỉ trích ta về nhân quyền trong vụ bắt tù nhân là tướng lĩnh sỹ quan Sài Gòn đi cải tạo vô kỳ hạn sau 1975. Với tư cách Cục trưởng Cục Trại giam, tôi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để còn biết đường mà trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí Phương Tây. Tôi chuẩn bị khá kỹ tài liệu để báo cáo. Gặp tôi, ông ta không thèm hỏi han một câu nào, chỉ ra hiệu, anh nói đi! Tôi vừa báo cáo được vài câu thì đã thấy ông ta ngủ gật. Tôi phải vờ đặt cái tay xuống bàn thật mạnh để ông ta tỉnh dậy. Tôi lại báo cáo, ông ta lại ngủ gật. Lúc tỉnh dậy, ông nói, anh báo cáo lại đi tôi nghe chưa rõ. Tôi đứng dậy và nói thẳng vào mặt ông ta, anh có nghe đâu mà rõ… sau đó tôi quay gót về luôn. Ông ta cũng không nói gì cả. Chắc là để ngủ tiếp! Sau này tôi được nghe nhà báo TĐ ở báo Nhân Dân kể, Phạm Văn Đồng chuyên hút thuốc phiện và chơi đĩ do Lê Đức Thọ cung cấp, vì thế hai cái môi thâm sì. Và Lê Đức Thọ bảo sao thì phải nghe vậy, không thì cắt nguồn thuốc phiện và gái! Tôi tin lời anh TĐ vì suy ra, người hút thuốc phiện hay ngủ gật, và điều tướng Qua nói là hoàn toàn đúng về cái sự ngủ gật của ông Thủ tướng lâu năm này. Chả có thế mà đã thành bài vè trong dân gian: 

Hoan hô ông Phạm Văn Đồng 
Tuy là Thủ tướng nhưng không làm gì!”

Viết về chân dung Phạm Văn Đồng, Lê Phú Khải có nhắc đến chuyện, trong một cuộc hội thảo khoa học năm 1978 về kế hoạch khai hoang 50 vạn héc ta, một đại biểu phụ nữ Nam Bộ đã dũng cảm phản biện rất dữ dội chiến dịch phiêu lưu này, phớt lờ ba lần rung chuông của Phạm Văn Đồng khiến ông ta mất mặt. Sau cái gọi là “giải phóng” năm 1975, Phạm Văn Đồng đi đâu cũng tiền hô hậu ủng đăng đàn chém gió bên cạnh bọn “trí thức công nông” xu nịnh bốc ông ta lên tận mây xanh. 

Nhân một lần đi theo chuyến máy bay chở cá giống vào Nam cùng mấy chuyên viên kỹ thuật của Bộ Thủy sản, Lê Phú Khải suy ngẫm về nền công nghiệp nước nhà: “Cái máy bay như thế mà đã vứt vào nghĩa địa vì nó được bay hết giờ quy định của hãng chế tạo ra nó. Phương Tây là như thế. Tôi nghĩ, 100 năm nữa chưa chắc nước ta đã làm nổi một chiếc máy bay từ A tới Z như cái DC tôi vừa đi. Tôi chưa thấy ai bốc phét như ông Phạm Văn Đồng “đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mươi, mười lăm, hai mươi năm nữa!”. Một đất nước được lãnh đạo bởi những con người hoang tưởng và lố bịch như thế thì đất nước sẽ đi về đâu? Nhân dân sẽ sống thế nào? Còn đám trí thức kia thì chỉ ngậm miệng ăn tiền mà thôi”.

Nếu Phạm Văn Đồng chỉ là viên thư lại, vô tích sự, thì Lê Duẩn đích thị là vị hoàng đế điều hành đất nước với sự trợ giúp đắc lực của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ. Qua ngòi bút phóng khoáng của Lê Phú Khải, Lê Duẩn xuất hiện như một nhà độc tài, vô học, cuồng tín và cực kỳ hoang tưởng. Với hàng loạt chính sách phiêu lưu, duy ý chí, từ sau năm 1975, ông ta đã đưa đất nước vào những đợt khủng hoảng triền miên, kinh tế suy thoái, nạn đói hoành hành khiến hàng triệu người phải bỏ đất nước ra đi, tạo nên hiện tượng thuyền nhân (boat people) như một vết nhơ hằn vào lịch sử. Cho dù Lời ai điếu chỉ là một vài nét chấm phá nhưng chân dung tác giả “Quyền làm chủ tập thể” vẫn sừng sững “thi gan cùng tuế nguyệt” chẳng khác gì một “tượng đài nghìn tỷ”, biểu tượng cho sự hổ nhục trong tâm thức dân tộc. 

Không phải ngẫu nhiên mà ngay ở “Lời nói đầu” Lê Phú Khải đã đưa đến cho người đọc một thông tin gây sốc: “Tôi nhớ, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi Tổng Bí thư (TBT) Lê Duẩn vô thăm tỉnh Tiền Giang. Ban Thường vụ tỉnh ủy lúc đó đứng đầu là Bí thư Tỉnh ủy Chín Hải (tức Lê Văn Phẩm), và Chủ tịch tỉnh Sáu Bình (Nguyễn Công Bình) dẫn TBT Lê Duẩn vô thăm vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa phận Tiền Giang (90.000 ha). Đứng trước cánh đồng bao la bát ngát của vùng Đồng Tháp Mười, TBT Lê Duẩn chỉ tay về cánh đồng trước mặt, hỏi: 

- Trồng những cây gì thế kia? 

Bí thư Tỉnh ủy Chín Hải lễ phép trả lời: 

-Thưa Tổng Bí thư, đó là rừng tràm ạ. 

Bỗng mọi người sửng sốt khi nghe TBT quát: 

-Ngu! Ngu! Sao không trồng lúa? 

Trước cơn giận dữ của TBT vì sao tỉnh lại không trồng lúa ở Đồng Tháp Mười mà lại trồng tràm… thì mọi người chỉ còn biết chết lặng mà thôi. Ai dám cãi lại? Ai dám cả gan giải thích cho đồng chí TBT rằng, đất Đồng Tháp Mười là đất phèn nặng, chỉ trồng tràm là hợp nhất mà thôi… Khi TBT Lê Duẩn đi rồi, tôi nghe rõ tiếng than của Bí thư Tỉnh ủy Chín Hải: 

-Ông Ba (tức Lê Duẩn) quay cờ rồi (!)”.

Sự kiêu ngạo của nhà lãnh đạo quốc gia thiếu một nền học vấn cơ bản, xuất thân từ nghề bẻ ghi xe lửa được phản ánh khá rõ qua tác phẩm “Quyền làm chủ tập thể” và kế hoạch hoang đường “sắp xếp lại giang sơn” với 500 pháo đài XHCN, khiến giáo sư Tạ Quang Bửu phải thốt lên: “Tôi là một nhà toán học, tiếp xúc nhiều với khái niệm trừu tượng, nhưng tôi chưa thấy cái gì trừu tượng bằng khái niệm làm chủ tập thể”. Nói về việc sáp nhập các tỉnh, các huyện thành đơn vị hành chính lớn của Lê Duẩn gây bao phiền toái cho dân, tác giả nhận xét: “Có xe hơi mà chúng tôi đi từ Lạng Sơn sang Cao Bằng để gặp lãnh đạo Cao Lạng phải toát mồ hôi hột thì nhân dân, cán bộ trong tỉnh miền núi này đi lại vất vả biết nhường nào. Chỉ sau một giấc ngủ, các nhà lãnh đạo trong thể chế toàn trị độc tài hứng chí lên là có thể sáp nhập các tỉnh trong cả nước một cách vô lối và điên rồ như thế…”. 

Các kế hoạch “hoành tráng” đổ vỡ, đời sống bế tắc, xã hội uể oải bởi chính sách cai trị quái đản của những người Cộng sản mất hết lương tri, khiến dân gian lưu truyền nhiều giai thoại độc đáo về ông Đảng trưởng coi trời bằng vung để xả nỗi bực tức. Một trong những tiếu lâm truyền kỳ ấy là, có anh chàng mò đến số 6 Hoàng Diệu xin gặp Tổng Bí thư. “Bảo vệ hỏi: anh quan hệ với TBT như thế nào? Anh chàng kia trả lời: Bạn học cũ! Anh ta liền bị còng tay ngay vì đồng chí Lê Duẩn có đi học bao giờ đâu mà có bạn học!”. 

Đời tư Lê Duẩn cực kỳ phức tạp, và quan hệ tình ái của ông ta cũng khá lăng nhăng, vô trách nhiệm như hầu hết các ông lớn Cộng sản khác. Trong mục “Nguyễn Hà Phan, bi hay hài”, Lê Phú Khải viết lại những gì được nghe từ người em họ Lê Thị Tuyết, Phó Ban Tài chính Trung ương Đảng đã kể: “Khi bà vợ hai của Lê Duẩn báo sẽ ra Bắc, thì lập tức cô phải điều bác sỹ đến khám sức khỏe cho bà cả. Rồi theo kịch bản, bác sỹ la lối lên “sức khỏe chị Cả kém lắm rồi, phải đi Tam Đảo nghỉ ngơi!”. Khi bác sỹ đến khám, có cả hai nữ công an mặc quân phục, đeo súng bên hông rất oai để “bảo vệ” chị Cả đi Tam Đảo an dưỡng… Thấy mình oai quá, chị Cả đi liền. Thế là tối đó, đưa Tổng Bí thư lên biệt thư ở Hồ Tây, chị Hai từ Sài Gòn ra, xuống sân bay là đưa thẳng đến biệt thự! Có lần cô còn tố cáo với vợ tôi: Lê Duẩn tàn độc lắm, có lần ngủ với cô y tá được cử đến để đấm bóp cho ông ta. Sau khi ngủ với cô y tá này, ông ta ra hiệu phải… Cô Tuyết nói nguyên văn với vợ tôi: – Em là phụ nữ, có chồng có con, lại theo đạo Phật, không bao giờ em làm điều thất đức”. 

Nhân cách Lê Duẩn không chỉ như vậy, ông ta còn là thủ phạm gây ra sự biến Mậu Thân tắm máu đồng đội. Tác giả cuốn hồi ký nhận xét: “Tết Mậu Thân là tội ác trời không dung, đất không tha. Biết là lộ, là thua rồi vẫn cứ lùa quân đi vào chỗ chết. Nhiều chiến binh ở Nam Bộ còn sống sót trong Tết Mậu Thân đã kể với tôi, quân ta đi đánh thì máy bay do thám của địch bay trên đầu, địch biết hết nên đánh đợt hai đi 100, về chỉ còn 1, 2…”.

Lê Đức Thọ là nhân vật gian hùng số một của triều đình Cộng sản Việt Nam. Nếu Lê Duẩn là Vua, thì trên thực tế Sáu Búa (biệt danh của Lê Đức Thọ) là Tể tướng chứ không phải Phạm Văn Đồng. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thời kỳ ấy là chức vụ siêu quyền lực. Lê Đức Thọ sử dụng hệ thống mật vụ kiểu KGB giám sát nhất cử nhất động tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương đến các Bộ trưởng, Thứ trưởng… Đó là một xã hội bị bóp nghẹt dưới sức nặng của chính sách hộ khẩu, chính sách tem phiếu và mạng lưới công an, đặc tình (chỉ điểm) khiến người dân chẳng khác gì những tội đồ trong một trại tập trung khổng lồ. Sáu Thọ như một phù thủy cao tay ấn điều khiển đám âm binh, trong đó có Tổng cục 2, chế tạo ra nhiều vụ án tưởng tượng để thanh toán phe đối lập trong Đảng.

Ngay từ khi ký hiệp định Genève, Lê Đức Thọ cũng như Lê Duẩn đã tỏ ra ghen tức vầng hào quang Điện Biên của tướng Giáp, đến khi hai nhân vật này nắm trọn quyền lực trong tay thì số phận Vainqueur de Dien Bien Phu (người chiến thắng ở Điện Biên Phủ) như báo chí Phương Tây gọi là vô cùng cay nghiệt. Cũng về nhân vật đầy mưu mô xảo quyệt này, tác giả viết: “Theo cách phân loại con người qua ba tiêu chí: thông minh, lương thiện và Cộng sản, mà ông Hà Sĩ Phu nói đến, thì, nếu thông minh mà Cộng sản thì gian hùng như Lê Đức Thọ, nếu lương thiện mà Cộng sản thì bầm dập, nếu thông minh và lương thiện thì không theo Cộng sản”. 

Bàn tay sắt của Sáu Búa cùng với công cụ chuyên chính do Trần Quốc Hoàn nắm giữ đã tiến hành bắt giữ hàng loạt cán bộ trung, cao cấp trong vụ án gọi là “Xét lại chống Đảng năm 1967”. Theo nhà nghiên cứu người Mỹ Sophie Quinn-Judge đã viết trên tờ Journal of Cool War History (Lịch sử chiến tranh lạnh), tháng 11 năm 2005, thì vụ án này có 300 người bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao cấp, tất cả bị giam giữ lâu và không xét xử gì cả, rồi thả dần.

Theo nhận xét của Nguyễn Kiến Giang, một nạn nhân trong chiến dịch thanh trừng này kể lại, thì Lê Đức Thọ, ngay từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước đã có ý định lật đổ Lê Duẩn. Ông kể lại: “Lê Duẩn lên Tổng Bí thư, ông Trường Chinh bảo tôi sang gặp anh Ba Duẩn để xin anh ấy các bài viết, các phát biểu… đem về in thành sách… Ông Duẩn rất cởi mở, đưa tôi một ôm tài liệu, bảo muốn làm gì thì làm… Tôi đọc kỹ thấy ông Duẩn không hiểu gì về chủ nghĩa Marx cả, chỉ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa… Khi trao đổi với Lê Đức Thọ khi ông vào thăm tôi ở trong tù, tôi có nói ý đó. Thọ bảo tôi viết lại thành tài liệu đưa Thọ. Thọ về rồi, tôi suy nghĩ kỹ. Thọ nham hiểm lắm, muốn lợi dụng tôi để lập hồ sơ về Lê Duẩn, khi cần thì sử dụng. Đó là cách Thọ thường làm. Thì ra Thọ đã có ý lật Lê Duẩn từ đó. Nghĩ thế nên tôi không mắc lừa, không viết gì phê phán Lê Duẩn là dân tộc chủ nghĩa cả!”.

Còn một chuyện khá khôi hài nhưng lại là hiện thực về sự đa nghi đúng chất Tào Tháo của “Ông cố vấn” từng được Giải Nobel hòa bình, vẫn do cô em Lê Thị Tuyết kể với tác giả cuốn hồi ký: “Có lần cô Tuyết kể trực tiếp cho tôi nghe, khi cần vụ của Lê Đức Thọ đem một cái chăn bông đã rách nát đến đổi chăn bông mới, cô nói với chú cần vụ này: Thủ trưởng của câu tiết kiệm quá, chăn rách cả mền, lòi cả bông ra thế này mới chịu đem đổi. Cậu ta cười nói: Tiết kiệm cái con tiều! Tối nào trước lúc đi ngủ ông ta cũng nắn bóp cái chăn đến nửa tiếng đồng hồ, chỉ sợ người ta gài mìn thôi… nên chăn mới rách bươm ra như thế. Tối qua, bông nó xổ ra, bay tứ tung làm ông ấy ho suốt đêm nên sáng nay mới bảo tôi đem đổi!”. 

Trong đời mình, Lê Đức Thọ đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác với dân tộc, hãm hại không biết bao nhiêu người lương thiện, vì thế, sau khi ông ta chết, gia đình các nạn nhân vẫn không quên trả thù bằng cách hàng tuần bí mật đổ phân tươi lên phần mộ. Cuối cùng, gia đình Sáu Búa phải dời mộ từ Mai Dịch về quê.

Là một trí thức có tư tưởng cấp tiến, Lê Phú Khải nhận rõ bản chất của cái gọi là “báo chí cách mạng”. Trước khi bàn sâu về nền báo chí của nhà nước độc tài toàn trị, tác giả kể một chuyện vui nghe như tiếu lâm hiện đại thời bao cấp: “Không hiểu vì lý do gì hay sơ xuất mà trong khi mỗi nhân viên phục vụ ở Quốc hội được phát một phiếu mua hàng, còn ba nhà báo mới được một, nên phải bốc thăm để loại nhau. Một đồng nghiệp của tôi ở TTXVN mới phán một câu xanh rờn: Thì ra ba thằng bồi bút mới bằng một con bồi bàn!”. 

Nghĩ về thân phận nhà báo, Lê Phú Khải viết: “Ở nước ta báo chí chỉ có một thang bậc giá trị là chức vụ hành chính. Và thực chất, các nhà báo của chúng ta là những ông công chức trong cơ quan nhà nước. Họ chỉ có thể tiến thân bằng con đường quan chức báo chí. Vì thế, có thể nói nước ta chưa có báo chí, chưa có “nhà báo” đúng nghĩa vì chỉ có báo quốc doanh. Thậm chí, có nơi chẳng “doanh” gì cả. Họ lấy tiền công quỹ ra để in báo rồi biếu không cũng chẳng ai đọc. Một phóng viên dù tài giỏi đến đâu nếu không có một chức sắc gì trong cơ quan, thì cũng chỉ là nhân viên hạng… chót!”. Cũng bởi đã lăn lộn với nghề báo chí minh họa, hiểu được bản chất của hệ thống tuyên truyền nên tác giả khẳng định, nhà nước có hơn 800 tờ báo, tạp chí và cả trăm đài phát thanh truyền hình nhưng chỉ có một Tổng Biên tập là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, vì “đảng ta” dứt khoát không chấp nhận báo chí và xuất bản tư nhân. Thế mới có chuyện cười ra nước mắt: “khi chiến sự ở Iraq nổ ra, một tờ báo ở TP HCM năng nổ cử phóng viên thạo tiếng Anh đi Iraq viết tin, bài… thì lập tức bị cấp trên phê phán là chưa báo cáo xin phép!”. Trong khi đó, nữ “phù thủy” Lê Bình, Giám đốc chương trình “Chuyển động 24 giờ”, lại cùng ê kíp cánh hẩu, ngụy tạo bộ phim về chiến sự ở Syria mà nội dung hoàn toàn ăn cắp của các đồng nghiệp người Nga, thì lại được công chiếu trên VTV1!?

Là trí thức có nền học vấn đại học nghiêm túc, có tầm văn hóa dày dặn, lại có chú ruột là tướng công an nhưng Lê Phú Khải không vào đảng, không ham chức tước mà chỉ chỉ muốn làm một nhà báo đúng nghĩa, tự do rong ruổi khắp những dặm dài đất nước. Từ biên chế ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tác giả dám “Nam tiến” làm một phóng viên tỉnh lẻ Đồng Bằng Sông Cửu Long, chứng tỏ bản lĩnh đáng nể của kẻ sĩ Hà Thành cùng với đặc tính thích phiêu lưu mạo hiểm của người làm báo có nhân cách. Và cũng chính bởi cuộc “thiên di” bất đắc dĩ theo tinh thần “tự cứu mình trước khi trời cứu” này, Lê Phú Khải đã thành danh. Ông lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm vùng châu thổ sông Cửu Long, dấn thân vào cuộc nhân sinh đầy cam go, kết giao với nhiều bạn bè, hòa đồng được văn hóa Bắc Kỳ với tính cách hào sảng của các Anh Hai Nam Bộ. Và cũng do cơ may ấy, ông viết được hàng chục đầu sách có giá trị về vùng đất phương Nam trù phú, về văn hóa đặc thù Miệt Vườn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc trong và ngoài nước.

Định cư ở vùng sông nước Nam Bộ, với tư cách là người làm báo ưa phản biện, Lê Phú Khải luôn hy vọng góp một chút công sức vào sự phát triển của đất nước, đồng thời tác động ít nhiều đến bộ óc trì trệ của những nhà lãnh đạo quốc gia bảo thủ, vô cảm và quan liêu. Nhưng rồi ông hoàn toàn thất vọng khi mà những nghịch lý cứ phơi bày ra trước mắt: “Thật là chua chát! Cho đến nay khi Việt Nam đã xuất khẩu gạo vào hàng nhất nhì thế giới, nhưng càng xuất nông dân ĐBSCL càng nghèo và các nhóm lợi ích càng giàu. Người làm ra hạt lúa thì nghèo, kẻ đi buôn gạo được lấy tiền ngân hàng lãi suất thấp đi buôn, buôn độc quyền thì phè phỡn. Tham nhũng thành quốc nạn, lãnh thổ bị gặm dần bởi anh bạn 16 chữ vàng, đất nước đứng bên bờ vực thẳm. Đó là kết quả của đại hội VI, chỉ cải cách kinh tế mà không cải cách chính trị, dẫn đến một nền kinh tế của bọn mafia. Tôi chỉ còn một con đường là cầm bút viết cho báo “lề trái”, viết cho mạng Internet tự do”. 

Nghĩ lại cuộc tranh chấp ruộng đất vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long những năm tám mươi, Lê Phú Khải chỉ ra nguyên nhân sâu xa của nó nhưng nhà cầm quyền có thói quen ăn sẵn chỉ giải quyết phần ngọn: “Chính sách hợp tác hóa của Đảng là nguyên nhân của tội ác này. Và nói thật công bằng, giới báo chí cũng phải chịu trách nhiệm về tội ác này vì đã cổ vũ cho phong trào “hợp tác hóa”. Trong những tội ác mà báo chí đã gây ra, có tôi, kẻ viết những dòng chữ này cũng nhúng tay vào tội ác đó. Chính tôi đã viết không biết bao nhiêu tin, bài cho đài cho báo để cổ vũ cho hợp tác hóa vì sự ngu dốt, ngộ nhận của mình”. Tuy nhiên, việc tự “thú tội” với việc thay đổi cách viết để “phục thiện” là cả một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, bởi vì: “… báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng chỉ để ca ngợi, để minh họa đường lối của Đảng, để “đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”. Báo chí không cần dự báo, không được “bôi đen” chính sách của Đảng và không cần đưa cuộc sống vào nghị quyết Đảng”.

Mời xem Video: Đảng Cộng sản Việt Nam tách làm 2 cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm Chủ tịch đảng Lao Động?



…Không phải ngẫu nhiên mà tác giả để ra đến 50 trang viết về chân dung ba nhà cách mạng nổi tiếng một thời, được nhân dân và quân đội kính trọng, biết ơn, nhưng lại bị đối xử là “thế lực thù địch”. Đó là ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt (Phan Văn Hòa) và Võ Viết Thanh. Võ Nguyên Giáp bị Tổng cục 2 lập hồ sơ, vu cho là con nuôi Chánh Mật thám Đông Dương. Tướng Võ Viết Thanh không chịu xét xử vụ án ngụy tạo “Sáu Sứ Năm Châu” do Lê Đức Thọ sắp đặt để dằn mặt tướng Giáp, bị mất chức với lý do bố mẹ đã “khai báo” khi bị địch bắt. Còn Võ Văn Kiệt sau chuyến ra Hà Nội, về Sài Gòn, thì qua đời… 

Có thể nói, những cán bộ Cộng sản muốn làm người tốt là rất khó. Cả một guồng máy dối trá, lừa lọc và tàn độc cai trị đất như các băng đảng tội phạm. Chúng luôn tìm cách hãm hại người lương thiện, coi đất nước là tài sản riêng của một nhóm đặc quyền đặc lợi, vì thế, lúc này, vấn đề dân chủ vẫn còn là một cái gì quá xa vời… 

Lời ai điếu của Lê Phú Khải thực chất là tiếng nói lương tâm của một nhà báo có bản lĩnh và nhiệt huyết sau một đời cầm bút khi đã hiểu quá rõ bản chất chế độ độc tài toàn trị. Ông dũng cảm xé toạc tấm màn nhung che đậy những thứ gọi là “bí mật quốc gia”, phơi bày sự thật khủng khiếp vương triều Cộng sản cai trị đất nước mấy chục năm qua. Chính họ là nguyên nhân đưa đất nước vào tình cảnh thảm hại của ngày hôm nay…"

Làng Bần, ngày báo chí “cách mạng” Việt Nam (21.6.2017)

Thái Văn

(FB Vũ Thư Hiên)

Nguồn : http://www.tintuchangngayonline.com/2017/06/viet-loi-ai-ieu-le-phu-khai-ven-tam-man.html