Sunday, April 15, 2018

2- Ba lô lính chiến tăng 1972

CCB- Thương binh Lê Anh Dũng, đại đội 3, tiểu đoàn 21 Anh hùng. Ảnh: Song Hà
Chuyện của CCB, thương binh Lê Anh Dũng
Năm 1972, chúng tớ đi hai tiểu đoàn từ Vĩnh Phú, mỗi tiểu đoàn hơn 30 chiếc. Có giai thoại trong lính cứ đồn rằng, đi B2 sâu mút mùa, chẳng biết thế nào, đói lắm. Thế nến, tớ nhớ nhất là lúc trang bị đi B. Bốn thằng, mỗi thằng 12 bộ gabađin, hai bộ phi, hai bộ áo công tác sơn hai chữ KT trên ngực, hai bộ quần áo lính. Mỗi người phải xếp đồ vào ba lô một danh mục... 43 thứ, từ kim tiêm, đá lửa, lưỡi câu, cước đến thuốc, lương khô, tăng, võng, màn….
Đồ ăn nói trước. Biết không, mỗi thằng 40 cân lương khô, một nửa là loại 701, một nửa là 702, mỗi thùng 10 cân. Bốn thằng là 160 cân. Tiếp đó là mỡ nước đựng trong thùng sắt, 10 cân một thùng. Cũng 160 cân thịt hộp, cố mà nhét, một nửa thịt xay, một nửa thịt kho. Rồi sữa bột cũng 160 cân, chia ra làm 320 hộp xanh to, loại 0,5 cân một hộp. Ruốc hành quân cũng 160 kg chia làm 320 gói nửa cân. Đường Cuba một tạ, gồm bốn bao loại 25 kg. Gạo 4 bao loại 70 kg, mỗi bao tính ra là 280 kg mỗi xe. 50 kg miến dong. Muối một tạ. Một con heo 70 kg...
Cuối cùng là 400 đồng tiền miền bắc để mua bán dọc đường trước khi vào Nam. Trị giá thế nào à? Thì cứ tính, lúc đó ăn ở miền Bắc, cứ trung bình một con gà là 5 đồng, từng ấy là mấy đàn gà? Từ Phà Mía - Sơn Tây vào trong, tiền chỉ để mua gà vịt, mua rượu bỏ bi đông. Ngày đầu tiên có tiền mua gà, tớ “làm” bốn con, mỗi con nửa luộc, nửa chiên. Bốn thằng bổ một thùng 10 lít mỡ ra rán. Lần đầu tiên trong đời tớ được rán gà trong mỡ sâu như thế. Bốn con là 16 miếng. Luộc, rán trong nồi quân dụng, rồi còn làm một nồi miến nữa mà bốn thằng ăn gọn.
Ông Lai, tớ còn nhớ là Tham mưu trưởng Trung đoàn 207 Tăng thiết giáp dặn: “Đây là đồ cho các đồng chí ăn trong sáu tháng hành quân vào B2”. Thế làm gì mà chả lắm. Chưa kể thuốc bệnh cấp một thùng đủ dùng cho một trung đội bộ binh. Nào thuốc sốt rét, bơm tiêm rồi vitamin tổng hợp, độ 10.000 viên.
Món bồi dưỡng khi ốm là bột trứng, bốn thùng loại 5 kg/thùng, chỉ cần đổ nước sôi ăn luôn, nếu không thì để đánh tan, rán trứng. Mì chính cũng một thùng sắt nặng 5 kg...
Quan trọng nhất là vũ khí. Pháo 100 ly 36 quả; loại 12ly7 là một vạn viên. Đạn súng máy là khoảng hai vạn nữa. 20 mắt xích thay, một bánh chịu nặng cột trên pháo. Hai phi dầu đằng sau dự trữ. Riêng nhiên liệu thì đi đến đâu, các binh trạm cấp đủ đến đó.
Riêng tớ, càng vào sâu, càng kinh nghiệm. Pháo 100 ly phải xin lên 50 quả. Muốn để đâu thì để, muốn treo đâu thì treo, không xin gì chỉ xin thêm đạn. Chuyện ăn uống cũng phải dạy nhau. Tớ ăn một cân lương khô trong hai phút. Cắn một thanh lại tợp một ngụm nước. Tớ nạt lính trẻ, không biết cách ăn nhanh, vào chiến trường chỉ có chết. Ăn nhanh lấy sức nhanh, nó mà đánh mình đã xong rồi, chiến đấu được. Để đói là chết.
Lính ta sáng tạo lắm. Chả có đâu, nước nào, bánh xích dự trữ dắt vào tháp pháo. Thịt hộp nhiều thế, 160 kg mỗi xe, tới 12 ba lô thịt trong xe, mấy thằng tính toán, quyết định tháo sàn xe đủ vừa lỗ đặt. Thế là diện tích sàn 3,2 mét x 6 mét, xếp hết thịt hộp, rồi hành quân trên Trường Sơn, đồ hộp cho cả vào pháo 100 ly. Cứ đồ nào ngon, hàng chiến lược cho vào xe, đồ nào tầm tầm bỏ ra ngoài xe. Vào Nam, cũng lính tăng cũ hỏi : “Sao chúng mày được cấp nhiều thế”, tớ bảo “Đâu biết. Trên cấp là chở đi thôi”. Năm đó, có vẻ chuẩn bị đánh lớn. Dốc toàn lực. Xe tăng càng được ưu tiên, chắc thế!
Chiến trường, ngẫm lại
Từ 1972, đánh Lộc Ninh, rồi An Lộc, tăng thiết giáp của ta hao hụt lớn. Riêng An Lộc tôi nghe gần 100 liệt sĩ. Ở đó có bia liệt sĩ riêng của lính tăng thiết giáp. Theo tớ, là cái thằng lính chiến, đánh nhiều trận rồi, điểm yếu nhất là xe tăng không kết hợp tốt với bộ binh. Cho đến tận 1977-1978 đánh Tây Nam tớ góp ý nên có hệ thống thông tin sao đó để xe tăng nói chuyện thẳng với chỉ huy bộ binh. Chứ kiểu liên lạc như thời đánh Mỹ hồi ở An Lộc, xe lên không thấy bộ binh đâu; điện đài bộ binh theo mã số bộ binh, xe tăng theo mã số xe tăng, đợi khi gọi về tuyến sau, chỉ huy gọi được lên điều hành xe phối hợp thì đã chậm mất thời gian độ 10 quả đạn pháo rồi. Tớ nói không ngoa là sau 1973 với Hiệp định Pari, Mỹ nó phải rút, chứ cứ thực tiễn chiến trường mà nói, nó đánh xe tăng khá lắm. Mà nếu mình đánh nó không phát huy được phương tiện do trình độ có hạn thì tổn thất ghê gớm.
Theo tớ đánh tăng của ta những trận thắng lớn là Làng Vây, Lộc Ninh, Phước Long. Còn thiệt hại nặng nề, phải nói đến Cửa Việt, An Lộc. Đánh An Lộc cũng vậy.
Thứ hai, kinh nghiệm xương máu của tớ là lính tăng càng được học văn hóa cao càng tốt. Hồi chúng tớ, ít nhất là lính lớp 10 thì mới sử dụng phát huy tương đối tốt. Sinh viên đại học vào sau càng tốt. Cùng với cán bộ thì phải có chính sách cán bộ tốt. Tớ nói thật thế này, bao nhiêu trận đánh thua, thiệt hại xe và người nặng nề đều do công tác cán bộ. Chính trị viên đa số chỉ làm tốt công tác chính trị thôi. Thiếu người, bắt họ chỉ huy xe là chệch choạc. Cán bộ kỹ thuật cũng vậy.
Chuyện khó tin hậu chiến
Ngày 18-11-2011, Đoàn đặc công 429 đi cải táng một liệt sĩ ở miền Tây (Có một thời gian, do đặc thù, bộ đội tăng thiết giáp Miền Đông Nam bộ được biên chế trong Đoàn đặc công 429). Đến nơi, tớ trèo lên thắp nhang cho Lê Văn Quyền, pháo thủ 2 hy sinh ở xe mình. Rồi đến ông thứ hai hy sinh là Nguyễn Văn Thuyết, trung sĩ trưởng xe khác. Bỗng ở đâu, một con ong phóng lên, đốt thẳng vào tai đau buốt. Tớ xuống đồi, liền gọi ngay cho một thằng bạn biết xem Kinh Dịch hỏi. Nó gieo quẻ, phán: “Thứ nhất, mày không phải chỉ đi thắp nhang cho hai mộ mà là đi làm cho bẩy mộ. Thứ hai, con ong đốt mày là vì mày thắp cho ông quân hàm bé, binh nhất trước, rồi mới đến ông trung sĩ. Ổng giận, xúi ong đốt. Quẻ nói vậy”. Tôi bảo liền : “Để tao quay lên, nói lại với chúng nó”.
Tôi làm nắm nhang nữa, lại leo lên khấn tiếp: “Nếu bảo người lên biên giới này thắp nhang cho thằng Quyền và mày, thì tao là đứa lên nhiều nhất. Thằng Quyền ngồi xe tao, gắn bó hơn, tao lại thấy mộ nó trước nên tao thắp trước. Chân tao, đánh nhau biên giới Tây Nam, Pôn Pốt nó lấy một cẳng rồi, bước thấp bước cao, không quỳ được, mày phải thông cảm cho tao chứ! Chúng mày giận gì mà xúi ong đốt tao?”.
Chuyện có thật mà như là ma trơi. Thằng bạn tôi còn cam đoan “ Thứ ba, quẻ này nói, mày không có tiền đâu!” Mà đúng phóc không à! Ở ngay đó, tớ đi khắp bốn bàn, bốn ông bán vé số mà không tìm được một tờ nào có số con ong (số 56). Về thị xã Tây Ninh, tớ lùng sục thử mua số 56 mà cũng không hề gặp. Quyết thử dò đến cùng, tớ gọi cho thằng bạn ở Long An bảo tìm mua “con 56” “đánh khá khá” lên một chút. Nó bảo hết tiền, chỉ còn đúng 3.000. Thế mà được 210.000 ngay đấy. Vậy mà riêng tôi lùng không được. Vì quẻ bảo là “không có tiền”.
Chuyện lính tăng, nhiều cái không biết thế nào. Tin quá thì lại có khi là mê tín. Mà không tin không được. Hồi ở ngoài Bắc, có ông tự nhiên nhòm tớ bảo : “Khoảng 26-27 tuổi dính nạn binh đao, thập tử nhất sinh, ông bà cứu, đồng đội cứu, may sống!” Cụt lủn, nguyên văn từng chữ vậy. Đấy là năm 1970, trước khi vào lính. Lão còn bảo tiếp: “Tao thấy cái sống, chết của mày lúc ẩn lúc hiện. Nhưng giờ, rõ là sống rồi”.
Bẵng đi chả nhớ làm quái gì. Linh tinh hơi đâu nhớ! Đánh miết đến 1975 chiến thắng. Ai ngờ ! Tớ sinh năm 1952, đến 1975 là 23 tuổi. Hóa ra đến năm 1978-1979 lại binh đao tiếp thật, chả 26-27 tuổi rồi là gì. Ngày 27-9-1977, vừa mở mắt đã thấy bốn chiếc xe Hồng Hà lên sớm thế. Ông phụ trách tập hợp, đọc tên từng thằng đi nhận nhiệm vụ mới. Ngày 28-9-1977, họp tiếp. Trung đoàn trưởng thông báo: “Samát đã chiến tranh. Xe bọc thép, xe bánh lốp lên bị diệt hết rồi. Trên điều tăng T59 đi chiến đấu”
Thế là cái xe đi cùng đời binh nghiệp chống Mỹ của tôi T59 biển số B 366 tiếp tục lên đường (biển đầu 3 , 4 là dòng T59 thí dụ cùng loại với xe B 390 húc đổ Dinh độc lập; biển đầu 8, 9, 7 thí dụ xe 843 húc đổ Dinh độc lập, là T54)
Tớ không quên một kỷ niệm buồn. Vừa hối hận và tiếc. Khó tin là sao hồi đó mình lại làm vậy? Chị em thanh niên xung phong hồi đó khổ lắm, áo quần rách tơi tả hết. Vậy mà hồi đó, xe đi qua trọng điểm, tớ chỉ tặng chị em thực phẩm lương khô, quần áo thì chỉ dám cho đồ lót mà không tặng quần áo dài trong khi mình có tới mười mấy bộ.
Khổ! Hồi đó còn trẻ, nghe bảo “vào B2 khổ lắm”, lính miền Đông Nam Bộ vào sâu lắm, không biết sống chết thế nào, nên cứ lo chết đói, chết rét không có tiếp tế. Mình trang bị tận răng, thanh niên xung phong có gì đâu, thế mà…! Vào đó, trà Lăngcôbơ, thuốc lá Chim Chơrao, thuốc Miên, thuốc lá rơm (rế) xài thoải mái, đồ có dùng đâu, chỉ rặt quần cộc áo bà ba, khăn rằn, biết thế, tớ đã tặng hết ngoài này rồi. Mà họ trần lưng làm đường, phá bom, dẫn lối cho mình. “Cậu biết không, vào B2, trung bình cứ 100 chiếc xe tăng thì bị hỏng, bị bom đánh, bị rơi xuống vực …đủ loại mất khoảng 10 chiếc. Thế mà mình có cái quần áo dài, cho còn tiếc. Nếu bảo chiến tranh có gì hối tiếc, thì chuyện đó, càng nghĩ càng tự hận mình lắm.”
Tôi chuyển ngành về làm truyền hình ở phía nam, bộ phận tổ chức cán bộ. Có người bảo “màu mỡ tha hồ mà ăn!” .Vớ vẩn! Hồi đánh nhau, mình vác bao nhiêu thương binh, liệt sĩ ra vòng ngoài, đâu có ngã giá “tao mang mày ra, mày sống trả tao mấy chỉ, mấy cây !” Các “chú” này nhầm to, chả hiểu đếch gì lính chúng tớ! Các “chú” vào mà “ăn”!
Lính tráng trước sau vẫn thế. Đến giờ vẫn thế. Mình còn sống là may mắn hơn đồng đội lắm rồi. Vẫn nhớ bạn bè chiến đấu lắm. Làm con người phải thanh thản. Có làm có hưởng. Nhưng mình không phải có làm có lộc mà không biết chia nhường, san sẻ. Chỉ có đừng ăn bẩn.
(Còn nữa)

Chuyện của “hùng xế Trường Sơn”- người lái xe dưới mưa bom bão đạn

VOV.VN - Những câu chuyện của người lính lái xe vượt Trường Sơn năm xưa, đầy ắp kỷ niệm vui buồn của một thời đạn bom ác liệt
Chuyện bắt đầu từ hôm tôi vác cái bơm tay kỳ cạch bơm cái lốp xe bị non hơi ở bãi gửi xe. Ông nhìn tôi bơm và bảo: “Để tớ bơm cho mà xem”. Miệng nói tay làm, ông ghì cái bơm vào lòng và dùng sức nặng toàn thân để bơm chứ không dùng tay. “Bơm thế này nó mới được bền sức. Chứ bơm như cậu thì chỉ cần một cái lốp xe con này là đứt hơi rồi… Thế này, ngày xưa tớ bơm một hơi bốn cái lốp Zil ba cầu (Zil 157 – xe của Liên Xô cũ) đấy. Mà ngày xưa chỉ có bơm mô nô thôi, làm gì có như bây giờ.”. Hình như thấy ánh mắt tò mò của tôi, ông hỏi: “Mà cậu có biết cái bơm mô nô không?!”. “Có ạ! Mà trước đây ông làm gì ạ?”, tôi hỏi. Mắt ông ánh lên một vẻ kỳ lạ, vừa có vẻ tự hào lại vừa có vẻ hoài niệm: “Lái xe Trường Sơn đấy”. “Ôi thế ạ?! Ngày nào con cũng được gặp Hùng xế Trường Sơn mà không biết. Để hôm nào con mang rượu ra hầu ông rồi nghe chuyện nhé!”. Và….
hung xe truong son lai xe duoi mua bom bao dan hinh 1
Ông Tắc (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội tại cầu Rào Quán Đường 9 Khe Sanh.
Khoảng gần một tháng sau tôi mới có thời gian ngồi với ông tại trụ sở UBND một phường thuộc địa bàn Q.Thanh Xuân (Hà Nội), nơi ông đang làm bảo vệ, sau khi ông vừa hết ca trực. Hình như ông khoái cái từ "Hùng xế Trường Sơn" của tôi: “Bây giờ có lắm quái xế rồi thì xế điên… mà cậu lại gọi bọn tớ là "Hùng xế". Từ lạ đấy”. Tôi cười: “Thì các ông đúng là anh hùng mà. Huyền thoại Trường Sơn mà không có các ông thì…”. Sau hớp rượu đầu tiên ông kể:
"Phi công mặt đất"
Ông vào bộ đội năm 1968 khi vừa tròn 22 tuổi và từ năm 1969 tham gia lái xe Trường Sơn thuộc phiên chế Binh trạm 27 (Đoàn 559) vận chuyển hàng hóa chiến lược cho chiến trường Miền Nam. Binh trạm của ông đóng ngay Ngã ba Dân chủ (Hưng Hóa, Quảng Trị) khu vực sông Xê Băng Hiên (thượng nguồn sông Bến Hải). Đây cũng là điểm mở đầu của đường 16A và 16B – hai tuyến đường song song được dùng để vận chuyển vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm vào Nam đánh Mỹ. Suốt gần 4 năm từ 1969~1973, những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh, ông trực tiếp lái xe trên hai tuyến đường này, trực tiếp đối mặt với lửa đạn dữ dội của Không quân Mỹ cùng những chiến dịch càn quét khốc liệt của Bộ binh ngụy mà điển hình là Chiến dịch Lam Sơn 719 và để rồi sau đó cùng đơn vị tiến thẳng vào Sài Gòn.
“Không bút nào tả xiết sự khốc liệt đó. Có những ngọn núi bị bom B52 đánh đến mức độ từ đá thành vôi rồi thành tro, rồi thành bùn lầy cao tới hàng mét. Đặc biệt từ cuối 69, khi địch phát hiện tuyến đường vận chuyển của ta, chúng dùng máy bay C130 được trang bị kỹ thuật hồng ngoại tuyến và vũ khí hạng nặng để săn xe ta cả ngày lẫn đêm. Với kỹ thuật này thì kể cả xe đã tắt máy mà còn nóng là bị phát hiện và chúng đã bắn thì trăm phát trăm trúng. Mà đạn thì toàn 40 ly trở lên. Khi phát hiện có xe tăng của ta nó còn bắn cả 80 ly. Mà lúc đầu mình có biết là nó dùng kỹ thuật đó đâu, nên mất nhiều xe lắm. Mãi sau mới phát hiện ra và tìm cách tránh. Đấy là còn chưa kể tới bom bi nổ chậm loại 6 cân một quả…”.
Ông dừng lại như để cho tôi chút thời gian cảm nhận được những gì ông miêu tả, rồi tiếp: “Ấy vậy mà các chuyến xe vào Nam chưa bao giờ dừng lại. Tranh thủ từng phút theo quy luật oanh tạc của địch, bọn tớ vẫn chạy. Như tớ đây, suốt gần 4 năm, đêm nào cũng làm một chuyến và lại trở về binh trạm”.
Hình như thấy ánh mắt ngạc nhiên của tôi, ông nói như trả lời câu hỏi không thành tiếng đó: “Cậu đừng nghĩ bọn tớ liều lĩnh kiểu điếc không sợ súng nhé! Vì theo tính toán, chỉ cần thoát được 1 xe là có thể ngang bằng với 2 trung đoàn dân công vận tải gùi vác trong 2 đến 3 đêm. Hiệu quả cao như thế nên chết cũng làm. Chả thế mà người ta gọi cánh lái xe Trường Sơn bọn tớ là phi công mặt đất. Nó đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Theo nghĩa đen là vì phi công thật được hưởng chế độ 2 đồng 7 hào rưỡi một ngày còn bọn tớ được đến 2 đồng rưỡi. Lúc đó có 4 hào một cân gạo, ăn chả hết được. Còn theo nghĩa bóng là nguy hiểm chả kém gì bay trên trời đánh nhau với máy bay hiện đại của Mỹ”.    
Chuyện chỉ “xế Trường Sơn” mới có
Chiều chạng vạng rồi. Câu chuyện rơi vào khoảng lặng. Tôi nhẹ nhàng rót cho ông ly rượu nữa. Không nói không rằng như kiểu nhập đồng, ông cầm ly làm một hơi hết sạch rồi tiếp: “Bộ đội có nhiều binh chủng, mỗi binh chủng có một đặc thù, nhưng lính xế có nhiều thứ khác người lắm đấy”. Không cần đợi tôi hỏi, ông tiếp luôn: “Này nhé, hành trang của lính tương đối giống nhau, nào là súng ống, đạn dược, quân tư trang… Nhưng riêng bọn tớ thì không thể thiếu được …giẻ khô. Không có giẻ có khi mất mạng hoặc cháy xe. Thật đấy! Vì xe hay phải qua ngầm, qua suối, nước nó vào bộ chia điện mà không có giẻ lau khô thì không nổ được. Không nổ được vào đúng lúc máy bay địch oanh tạc thì có đúng là chết không?! Trừ lính xế, không ai lại yểmgiẻ khô trong người thế cả!”.
Ông vừa nói vừa tủm tỉm cười rồi hỏi tôi: “Chắc cậu cũng thích trăng đúng không? (Tội nghiệp bọn trẻ con thành phố bây giờ, chả có mấy khi được ngắm trăng). Nhưng mà các cậu chắc cũng giống mấy ông văn nghệ sỹ thích trăng vì cảnh đẹp, còn với bọn tớ, trăng còn là thần cứu sinh hộ mệnh. Đêm nào mà sáng trăng, kể cả chỉ là trăng suông thôi thì sướng lắm. Vì chạy không cần đèn mà. Không đèn thì đỡ bị máy bay nó phát hiện. Bọn tớ yêu trăng đầy thiết thực, đúng không?! Điều này đã thành thơ rồi đấy”.
hung xe truong son lai xe duoi mua bom bao dan hinh 2
 Ông Tắc (thứ 2 từ bên trái) cùng đồng đội và Tướng Đồng Sỹ Nguyên (giữa) tại buổi họp mặt Đoàn 559 lần I năm 1982.
Lại một tràng cười sảng khoái nữa và rồi hồi ức lại tuôn trào như suối. “Còn nữa, chắc cậu vẫn nhớ cái khẩu hiệu Yêu xe như con, quý xăng như máu chứ? Đối với bọn tớ, đấy không phải chỉ là khẩu hiệu mà là nguyên tắc, là yếu tố mang tính sống còn… Ngày xưa, bom đạn như thế, đường thì toàn đá hộc đá tảng to như cái bàn này mà suốt ba năm xe tớ vẫn xanh rì màu sơn. Tớ vẫn còn cái giấy chứng nhận 3 năm chạy xe an toàn không va quệt đấy. Tất nhiên, cũng một phần là do mình may mắn, bom đạn nó cứ như tránh mình ấy. Chả thể mà nhiều sếp khi đi thị sát chiến trường toàn thích đi với tớ.”.
Tranh thủ lúc ông dừng lại, tôi hỏi: “Ông ơi, đồng đội của ông nhiều người còn sống không?!”. Giọng ông trầm hẳn lại: “Người còn, người mất. À, mà nhân nói đến đồng đội, tình đồng đội của lái xe Trường Sơn cũng khác lắm. Thông thường là yêu thương, giúp đỡ nhau… Bọn tớ cũng vậy, nhưng giúp nhau theo kiểu khác. Ví dụ như khi đang chạy xe chở hàng vào trong, cho dù biết là xe đồng đội bị cháy, bị hỏng cũng không được dừng lại mà phải chạy tiếp, thoát được xe nào tốt xe ấy, dừng lại là chết chùm, thương nhau mấy cũng phải cắn răng mà chịu vì mục đích lớn hơn. Ai cũng hiểu điều ấy nên lại càng thương nhau hơn. Tớ cũng ở vào hoàn cảnh ấy mấy lần nên thấm lắm. Cái tình đồng đội ấy không chỉ giữa lính xế với nhau đâu, mà còn đối với lính công binh cùng tuyến nữa. Mà mấy ông công binh cùng tuyến với tớ cũng toàn anh hùng cả đấy. Cậu có tin là một ông giữ kho cũng dám mang súng cối ra thụt cho bọn ngụy Lam Sơn 719 chạy rẽ đất. Công binh mà hạ cả trực thăng của địch đấy. Hồi đánh Lam Sơn 719 giai đoạn đầu là toàn công binh cùng tuyến với tớ. Thế làm gì mà chúng nó không thua”.
“Chưa hết đâu nhá! Lái xe Trường Sơn còn kiêm cả vận tải …đường thủy nữa. Chả là mùa mưa, nước to khó chạy xe, thế là bọn tớ nghĩ ra kế đắp đập ngăn sông Xê Băng Hiên lại. Sau khi bọc kỹ hàng hóa thả xuống lòng sông, bọn tớ phá đập. Thế là sức nước dồn hàng chục tấn hàng xuống hạ lưu. Chỉ việc vớt lên là xong. Thế chẳng là vận tải đường thủy là gì?!”.
“Thêm một chuyện nữa để cậu thấy cái độc của Lái xe Trường Sơn nhé! Cậu chắc cũng đi nhiều, nhưng chắc chắn là chưa bao giờ đi đường có mái che đúng không? Bọn tớ đi rồi. Hồi đó, sau mỗi chuyến hàng đi, bọn tớ lại còn chuyển thương binh về Binh trạm để cứu chữa. Để tránh máy bay địch, đảm bảo an toàn cho thương binh, mấy ông công binh nghĩ ra cách lấy cây làm mái che đường. Mái che đó dài hơn hai chục cây số đấy. Khủng chưa?!”
Những kỷ niệm không quên và niềm tin tất thắng
Khi tôi hỏi ông về những kỷ niệm khó quên của mình, ông nhìn tôi có vẻ hơi ngạc nhiên về câu hỏi đầy tính tác nghiệp hơi ngô nghê của tôi. “Ờ thì ngần ấy năm đều là kỷ niệm không quên đấy. Nhưng đúng là có những thứ để đời thật. Mà toàn thứ buồn. Vui cũng có nhưng ít lắm.”.
Kỷ niệm thứ nhất đến tận hôm nay vẫn như vừa xảy ra là sự ra đi của 38 đồng đội ngay trước mắt ông. Chuyện là, đêm đó ông được lệnh đưa 42 đồng đội đi cứu kho đạn dược, chất nổ sắp bị cháy lan đến. Vừa đến hiện trường, 42 đồng đội đi vào khu vực kho bị bắn cháy, còn ông đang loay hoay tìm cách quay xe thì kho bộc phá và đạn dược phát nổ. Ông bị sức ép nhấc khỏi nóc ca-bin văng xuống đất, bốn người khác thoát nạn một cách kỳ diệu nhưng quần áo bị xé nát tươm không còn một mảnh và bị thương nặng, trong đó một người bị mất cánh tay trái. Chính ông đã đặt cánh tay đó vào cốp xe và đưa đồng đội bị thương về binh trạm cứu chữa. 38 người hy sinh không thể tìm được thi thể và được đưa tiễn bằng những loạt súng chào danh dự vào sáng ngày hôm sau tại hiện trường.
“Mà thôi không kể chuyện buồn nữa, kể chuyện vui nhé. Có lần tớ chở khoảng hơn năm chục người đi làm nhiệm vụ. Lúc đi, cũng con đường ấy, không vấn đề gì. Lúc về, khi xe vừa lên đỉnh dốc, hai bánh sau còn ở bên này dốc, hai bánh trước vừa sang bên kia, linh tính mách bảo là có vấn đề. Tớ bèn xuống xe, lấy đèn pin ra soi phía trước. Ối chà chà, một cái hố bom tấn sâu khoảng 20 mét đen ngòm ngay trước mũi xe. Chạy đêm không đèn nên có thấy gì đâu. Lao xuống đấy thì chắc là cả tớ và vài chục mạng không còn đường về quê mẹ nữa. Người trong cuộc ai cũng nhớ chuyện đó cả.”
“À, còn một chuyện vui nữa là tớ tham gia đoàn công tác đưa Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanuc và Phu nhân về nước. Xuất thân Hoàng tộc mà vợ chồng họ bình dị lắm. Khi bọn tớ gọi là Quốc trưởng, bà vợ bảo thôi đừng gọi thế mà cứ gọi chồng tôi là Thắng còn tôi là Lợi. Sau khi đến nơi an toàn, họ còn tặng quà cho anh em chúng tôi nữa. Cảm động lắm.”.
Tôi lại rót mời ông thêm một ly rượu rồi hỏi: “Trong những tháng năm đó có lúc nào ông nghĩ mình chắc chắn chết không?”. Ông trả lời ngay không cần suy nghĩ: “Có chứ. Suốt từ 69 đến 72 tớ nghĩ là mình sinh ra ở Tuyên Quang nhưng chắc chắn chết ở Quảng Trị. Nhưng chết thì cũng phải làm. Nhiệm vụ mà. Chết còn chấp nhận thì còn ngán gì. Thế cho nên có lần bị mảnh pháo vào đùi mà tớ còn không làm thủ tục công nhận thương binh cơ mà.”. Vừa nói, ông vừa cho tôi xem vết thương: “Cao lên một chút nữa là xong rồi. Chết còn đỡ hơn là sau này không có thằng chống gậy(ông cười tếu táo). Mà có lẽ cũng vì sự chấp nhận đó mà nhiều khi đói, phải ăn môn thục trong khi kho và xe đầy thịt hộp, cá hộp bọn tớ cũng chẳng tơ hào mảy may.”.
“Thế vào thời điểm nào thì ông tin chắc là mình sống?”. Tôi hỏi và tự trả lời luôn theo kiểu biết rồi: “Chắc là 30 tháng tư năm 75 chứ gì?!”. “Không! Sớm hơn nhiều. Từ Tết âm lịch năm 73 là tớ đã tin là sống. Lúc đó bọn nó buộc phải ngừng bắn mà. Ngay sau giao thừa xe pháo lại ầm ầm vào Nam. Thế mạnh vũ bão. Lúc đó, tất cả bọn tớ đều tin là chắc chắn sống. Mà đúng thế thật, không hề lạc quan tếu tý nào. Bọn tớ vào đến tận Sài Gòn. Đêm 30 tháng 4 năm 75 đã có mặt tiếp quản nhà một tướng ngụy. Nhân nói chuyện xe pháo ầm ầm vào Nam tớ lại nhớ ra một chuyện. Bây giờ tắc đường là vấn nạn. Ngày xưa cũng tắc đường đấy. Mà phải gâp ba gấp bốn lần bây giờ, nhưng vui lắm. Bộ đội, dân công hỏa tuyến, xe pháo… đông quá nên tắc đường, thế nhưng nó lại cho thấy sức mạnh của mình. Tớ gọi là tắc kiểu lạc quan…”.
hung xe truong son lai xe duoi mua bom bao dan hinh 3
Ông Tắc bây giờ.
Câu chuyện chắc sẽ còn tiếp nữa nếu ông không phải đứng dậy đi kiểm tra cửa rả cơ quan cuối ngày. Nhìn theo dáng đi tất bật của ông tự nhiên tôi thấy bâng khuâng. Đã quá cái tuổi cổ lai hy mà ông vẫn làm việc. Không chỉ vì bát cơm manh áo mà còn vì cái chất lính đã ngấm vào máu thịt: “Chỉ nghỉ ngơi thật sự khi đã nằm sâu dưới ba thước đất”. Ông tên là Hoàng Văn Tắc./.
https://www.facebook.com/trananhtu19/posts/2407784482568697