TIỂU ĐOÀN 516 ANH HÙNG - CHIẾN THẮNG LỘ THƠ, PHÁ VÒNG VÂY AN KHÁNH
--------
Cuộc đời binh nghiệp giúp tôi nghiệm ra: Kẻ thù có thể “bấm nút” phát động cuộc chiến, nhưng không thể sử dụng “nút bấm” để điều khiển đi đến kết cục của chiến tranh theo ý muốn. Những chiến lược, chiến thuật của đối phương dù hiểm độc tân kỳ đến đâu cũng lần lượt phá sản khi đối đầu với sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân. Ngày nay, tham vọng điên cuồng, nham hiểm của nước lớn cũng sẽ thất bại thảm hại khi thách thức lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Sự kiện nào của lịch sử cũng đều có nhân có quả, có tiền đề và nối tiếp, có kế thừa và phát huy. Từ quan điểm đó, khi nhìn nhận sự kiện ra đời, chiến đấu và trưởng thành của đơn vị vũ trang nằm trong tiến trình của lịch sử thì rõ ràng Tiểu đoàn 516 thời kỳ chống Mỹ được hình thành có kế thừa truyền thống của Chi đội 19, Trung đoàn 99 thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Chúng ta cần có cự ly giãn cách để quan sát những vật thể lớn. Đó là nguyên tắc trực quan nhận biết hình khối không gian. Thế còn khi nhìn nhận sự kiện lịch sử thì cần có khoảng lùi về thời gian mới bao quát sự kiện trên cơ sở khoa học lịch sử. Nửa thế kỷ trôi qua, đủ độ dài thời gian để khẳng định tầm vóc của Tiểu đoàn 516 và trận đầu thắng lớn ở Lộ Thơ, phá vây thoát hiểm ở xã An Khánh vào tháng 8-1964.
Lịch sử là dòng chảy thời gian song hành với chuỗi sự kiện nối tiếp và hàm chứa sự phát triển. Vì thế lịch sử không có sự lặp lại. Thế nhưng, thực tiễn dòng chảy lịch sử có những trùng hợp tưởng chừng như lịch sử lặp lại. Sự trùng hợp ấy theo qui luật từ không đến có, từ yếu đến mạnh và bao giờ cũng trên tinh thần kiên cường trong đấu tranh vũ trang, vượt qua thử thách, khó khăn ác liệt để tồn tại, phát triển bền vững. Thật vậy, những ngày đầu khởi sự đánh Tây sau giành chính quyền năm 1945 và trước khi nổ ra cuộc Đồng Khởi năm 1960 thì lực lượng cách mạng chưa có đơn vị vũ trang. Từ bạo lực chính trị chuyển sang chiến tranh cách mạng, bạo lực vũ trang giành chính quyền là một tất yếu. Những đơn vị vũ trang ban đầu của hai thời điểm ấy được ra đời từ không đến có, từ nhỏ lẻ manh mún đến tập trung lớn mạnh. Chỉ có khác nhau là những đơn vị tiền thân của Chi đội 19 hoạt động chưa có sự lãnh đạo của Đảng, còn các đơn vị vũ trang tiền thân của Tiểu đoàn 516 được sự lãnh đạo của Đảng ngay từ đầu - xem đó là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển không ngừng và lớn mạnh toàn diện dài lâu.
Đảng bộ và nhân dân Bến Tre tiến hành cuộc Đồng Khởi lịch sử năm 1960 từ tay không, nổi dậy phá thế kềm kẹp, chuyển từ thế thủ sang thế công. Trong cao trào Đồng Khởi ấy, lực lượng vũ trang các nơi nhen nhóm hình thành từ không đến có. Hai đại đội vũ trang tuyên truyền được thành lập mang phiên hiệu C269 ở cù lao Bảo và C264 ở cù lao Minh. Tuy đơn vị còn son trẻ, nhưng đến tháng 3-1960 đã biết phối hợp đánh diệt Đại đội Thủy quân lục chiến ở ấp Định Hưng (xã Định Thủy). Sau đó phối hợp với các lực lượng và quần chúng cách mạng tiếp tục chống càn thắng lợi: đánh bại cuộc bao vây của tướng Lê Văn Tỵ chỉ huy hơn một vạn quân hỗn hợp “triều Ngô” vào ba xã trọng điểm Đồng Khởi, bẻ gãy ý đồ tiêu diệt đầu não lãnh đạo và lực lượng vũ trang cách mạng còn son trẻ mà Ngô Đình Diệm gọi là “ung nhọt Kiến Hòa”. Chiến dịch “Bình trị Kiến Hòa” của địch bị thất bại. Lực lượng cách mạng vẫn tồn tại và phát triển, giữ thế tiến công địch bằng cả chính trị, binh vận và vũ trang.
Đại đội C269 và C264 là tiền thân của đại đội cơ động đầu tiên của tỉnh với phiên hiệu 261 để rồi sau đó trở thành lực lượng nòng cốt hình thành Tiểu đoàn 516 có biên chế đủ các bộ phận của một đơn vị chủ công với khoảng 800 quân. Tiểu đoàn 516 thực sự trở thành quả đấm mạnh về quân sự, đồng thời làm đòn xeo cho phương thức tiến công địch bằng “hai chân, ba mũi” và hỗ trợ đắc lực cho phong trào du kích chiến tranh nhân dân rộng khắp trong tỉnh.
Lịch sử có thêm sự trùng hợp lý thú, đó là Tiểu đoàn đầu tiên của Bến Tre thời kháng chiến chống Mỹ được thành lập, chính thức ra mắt cũng tại địa danh Tân Xuân - nơi hình thành Chi bộ Đảng đầu tiên của Bến Tre thời kháng chiến chống Pháp. Phải chăng sự trùng hợp ấy có ý nghĩa khởi nguồn cho truyền thống vẻ vang của Tiểu đoàn bộ binh nòng cốt của lực lượng vũ trang Bến Tre trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và cũng là đơn vị thực binh nòng cốt trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trên quê hương Đồng Khởi!
Thật vậy, mới bốn tháng tuổi, Tiểu đoàn 516 ra quân trận đầu thắng lớn ở Lộ Thơ (xã Thành Triệu), diệt gọn 2 tiểu đoàn chủ lực và phá vây thoát hiểm ở xã An Khánh do tướng Trần Thiện Khiêm và Nguyễn Vĩnh Nghi điều khiển hải, lục, không quân với quân số hỗn hợp lên đến 1 sư đoàn tăng cường siết chặt vòng vây. Chiến binh “Năm mười sáu” kiên cường đánh trả, diệt thêm gần 300 tên, quả cảm phá vòng vây, bảo toàn lực lượng. Ba sự kiện: công đồn Phú Túc, diệt viện Lộ Thơ và phá vây An Khánh nằm trong tổng thể trận đầu ra quân của Tiểu đoàn 516 đã vượt tầm dự kiến của Tỉnh ủy, Tỉnh Đội về không gian chiến trường, về đối tượng tác chiến và qui mô chiến trận. Từ đó, chiến công nối tiếp chiến công của Tiểu đoàn 516 gắn liền với những trận đánh hay, thắng lớn trên các địa danh khắp ba dải cù lao xứ Dừa, mãi mãi được lưu danh trong sử sách.
Công đồn, diệt viện và phá vây là những hình thức chiến thuật nằm trong tổng thể trận đầu ra quân của Tiểu đoàn 516. Sẽ không đúng tầm vóc khi tự hào thắng lớn ở Lộ Thơ mà xem nhẹ thắng lợi công đồn Phú Túc và phá vây An Khánh. Đồng thời cũng không công bằng khi ghi nhận chiến công của Tiểu đoàn 516 mà quên sự góp công của các đơn vị được tăng cường phối thuộc, trong đó có Đại đội Địa phương quân Châu Thành và du kích các xã có chiến sự, hợp thành một trận đánh hay, đánh đẹp của ba thứ quân. Ngoài ra, Huyện ủy, các ngành và nhân dân Châu Thành góp công to lớn trong vai trò hậu phương trực tiếp của chiến trường. Đặc biệt hành động quả cảm của các mẹ, các chị nuôi quân những ngày Tiểu đoàn nằm trong vòng vây ở An Khánh. Tôi xem các mẹ, các chị như những anh hùng! Là người trong cuộc - nhân chứng của Ban Chỉ huy Tiểu đoàn, tôi xin ngả nón cúi đầu cám ơn Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Châu Thành đã góp công xuất sắc cùng Tiểu đoàn 516 làm nên chiến thắng: công đồn Phú Túc, diệt viện Lộ Thơ và phá vây An Khánh. Đó là chiến công chung của các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, không phải của riêng ai.
Tiểu đoàn 516 trải qua nhiều chiến trận, nhanh chóng trưởng thành, vinh dự được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang đầu năm 1970 với danh hiệu những chữ vàng truyền thống “Liên tục tiến công - thắng Mỹ, diệt ngụy”, “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”. Tiểu đoàn 516 trở thành đối tượng phong phú cho văn, thơ, nhạc, họa và điêu khắc của văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Phiên hiệu “Năm mười sáu” luôn là niềm tự hào của lực lượng vũ trang, đơn vị đầu đàn tin yêu của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre.
Tiểu đoàn 516 chẳng những là đơn vị chủ công trong thế trận chiến tranh nhân dân mà còn đảm trách vai trò nòng cốt phát triển lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh, đáp ứng cho từng giai đoạn tác chiến trên chiến trường Bến Tre và sẵn sàng cung ứng lực lượng theo yêu cầu của cấp trên. Tiểu đoàn 516 thực hiện sự “nở nồi”, làm nòng cốt hình thành ba tiểu đoàn bộ binh để khi bước vào chiến dịch tổng công kích Xuân Mậu Thân năm 1968 có đủ lực lượng tiến công vào thị xã Bến Tre trên các hướng.
Tiểu đoàn 516 đóng vai trò đơn vị chủ công, lập nhiều thành tích xuất sắc trong đội hình Chiến đoàn Bến Tre và Trung đoàn Đồng Khởi cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. “Năm mười sáu” chẳng những là đội quân chiến đấu giỏi, đối tượng đáng sợ của chủ lực đối phương trên chiến trường Bến Tre, mà còn là đội quân công tác tốt, luôn ân nghĩa với đồng bào. “Năm mười sáu” có cái đặc biệt là Tỉnh ủy, Tỉnh Đội chỉ đâu đánh đó, dù nhiệm vụ có khó khăn nặng nề cỡ nào cũng phấn đấu vượt qua để giành thắng lợi. Trong chiến đấu, “Năm mười sáu” chưa rời khỏi chiến trường khi thương binh, liệt sĩ còn nằm ở trận địa và luôn chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tù binh, hàng binh. Đồng bào ở khắp chiến trường trên ba dải cù lao xứ Dừa dành trọn tình nghĩa với “Năm mười sáu”, bởi các chiến binh luôn nêu cao khẩu hiệu hành động “Đến dân mừng - Làm dân tín - Ở dân thương - Đi dân nhớ”, góp sức xây dựng xã, ấp chiến đấu, vận động quần chúng hăng hái thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hậu phương trực tiếp của chiến trường. Bà con nơi nào cũng muốn “Năm mười sáu” về trú quân ở ấp mình. Nhiều bà mẹ tự nguyện nuôi thương binh. Nhiều thương binh ở bệnh xá dã chiến chưa lành bệnh lại đòi về đứng trong đội hình của “Năm mười sáu”. Tinh thần chiến đấu, tình đồng đội, nghĩa đồng bào trong chiến tranh được xem là nguồn lực sức mạnh chiến đấu và trưởng thành của “Năm mười sáu”.
Sau 30-4-1975, cán bộ, chiến sĩ “Năm mười sáu” chưa đủ thời gian thăm lại chiến trường xưa - những nơi từng in dấu bước chân quân hành… để tạ ơn đồng bào vùng giải phóng cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ Tiểu đoàn trong khói lửa chiến tranh. “Năm mười sáu” nhanh chóng hành quân xa đến với chiến trường nóng bỏng ở biên giới Tây Nam.
Tiểu đoàn 516 tiếp tục “nở nồi”, nòng cốt hình thành ba Tiểu đoàn 516 B, C, E. Sau đó, Tiểu đoàn 516 A nhập thân trong đội hình của Sư đoàn 339 của Quân khu 9, hai Tiểu đoàn 516 B và C nhập thân trong đội hình Quân khu 7, góp công xuất sắc trong chiến tranh biên giới Tây Nam. “Năm mười sáu” còn cung cấp cán bộ góp sức hình thành các Tiểu đoàn của Bến Tre thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia.
60 năm có biết bao thế hệ quân nhân trưởng thành từ nguồn “Năm mười sáu”. Tiếp bước truyền thống vẻ vang của “Năm mười sáu” anh hùng năm xưa, thế hệ trẻ “Năm mười sáu” hôm nay cần ra sức xây dựng đơn vị chính quy, vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng cụm đơn vị, phấn đấu trở thành ứng viên danh hiệu cao quý: “Đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới”. Nâng cao hơn nữa ngọn lửa anh hùng, sáng mãi truyền thống vẻ vang.
-------