Saturday, May 19, 2018

HỒI KÝ CHIẾN TRƯỜNG BÀI 24
          Vũ Trung Kiên - CCB trung đoàn 207
ĐÁNH CHIẾM ĐỒN NGÃ TƯ THANH MỸ
hk-ct-bai

“ Là Việt Nam chống Mỹ
Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ
Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa Tự do...

Người dạy chúng tôi
Hãy bền gan đánh giặc
Dẫu phải chết cũng không khuất phục:
"Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!"
 ( Trích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm)
            Chiến thắng Ngã Sáu Bằng Lăng là một chiến công to lớn của ta ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, làm nức lòng quân và dân 3 tỉnh: Định Tường, Kiến Phong, Kiến Tường.
            Thời kỳ này đang là cao điểm mùa khô nên bộ đội ta mỗi lần di chuyển rất khó khăn (nửa bộ, nửa xuồng).
            Các kênh lớn có độ sâu nên bộ đội ta vẫn hành quân được bằng xuồng. Ngược lại các kênh rạch nhỏ khi nước thủy triều lên thì lòng kênh rất sâu, rất thuận lợi cho bộ đội ta di chuyển bằng phương tiện đường thủy nhưng khi thủy triều rút xuống thì lòng kênh cạn kiệt có chỗ nước chỉ còn ngang đầu gối. Bộ đội hành quân trong một ngày một đêm 24 giờ có hai lần lên xuống như vậy. Do đó việc hành quân di chuyển của bộ đội ta phụ thuộc rất nhiều vào sự tính toán của các vị chỉ huy để hạn chế đến mức thấp nhất cho bộ đội ta không bị mất thời  cơ vào chiến dịch và cũng đỡ vất vả.
            Giữa tháng 3 năm 1975, cơ quan trung đoàn bộ đóng xung quanh khu vực Mỹ Thiện. Ở đây cây cối rậm rạp, xanh tươi, đan xen có những vườn cây ăn trái. Do dân cư vẫn còn thưa thớt nên dưới các kênh rạch cá tôm nhiều vô kể. Chúng tôi đã chứng kiến cách bắt cá của nhân dân vùng này đặc biệt là loại cá chốt. Họ chẳng cần vó, lưới, lợp gì cả. Chỉ với chiếc xuồng ba lá và con mắm (loại mắm cá lóc còn nguyên con, cũng không cần to lắm chỉ bằng ngón chân cái là được), các chị, các cô ngồi trên chiếc xuồng ba lá, nghiêng về một bên tay trái cầm con mắm thả lập lờ trên mặt nước, đàn cá chốt thấy mùi bu lại “lúc nhúc”. Có khi rộng bằng cả mấy chiếc chiếu. Vậy là mấy ngón tay của bàn tay phải các chị quấn vải lại (cho khỏi trơn) và cứ vậy nắm râu cá chốt thảy lên xuồng. Thời gian chỉ vài tiếng đồng hồ là chiếc xuồng ba lá đầy cá chốt, muốn khẳm.
            Cánh chúng tôi không quen bắt cá kiểu này thì kiếm chà gai hoặc nhánh cây bó lại như bó củi cột lại bằng dây rồi quẳng xuống nước ven các kênh rạch. Một đầu dây kia buộc vào cọc hoặc gốc cây trên bờ kênh để cho bó chà khỏi lạng đi xa. Buổi tối thả xuống, sáng hôm sau kéo bó chà lên, giũ ra là trong bó chà đã có được từ 2 – 3 ký cá, đủ các loại: cá rô, cá chốt, cá sặt, cá trê… Do vậy một bếp ăn sẽ tùy theo quân số để tính toán làm chà bắt cá.
            Gặp những đìa cá, nhân dân đã khai thác, nước trong đìa chỉ còn đến bụng nhưng cá lóc (cá chuối) vẫn còn nhiều vô kể.
          Anh Năm Thắng và đc Nói là hai “tay” bắt cá cự phách.
            Bữa đó 3 chúng tôi quyết định “trổ tài”, kéo thêm đồng chí Tốt liên lạc ra tận ngoài cánh đồng cách đơn vị đóng quân cũng gần cây số và gặp ngay một đìa cá bỏ hoang. Vậy là anh Năm Thắng ra lệnh “hành động”. Bốn chúng tôi bỏ súng đạn, quần áo trên bờ (chỉ mặc quần đùi) xuống đìa “tác nghiệp”. Anh Năm Thắng và đc Nói quậy tưng bừng làm cái đìa nước đục ngầu, các loại cá nhảy tưng tưng. Chờ một lát các anh mò theo những dấu chân dưới lớp bùn và lôi lên những chú cá lóc to bằng cườm tay, thảy lên bờ. Tôi cũng theo chân các anh, lòm khòm thọc tay xuống qua lớp nước là xuống lớp bùn: “cá nhiều vô kể”. Tuy nhiên, do “kém tài” nên tôi loay hoay cả nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa bắt được con cá nào. Lúc nắm phải đầu, lúc tóm phải đuôi. Nhưng nó chỉ quẫy một cái là đã vuột khỏi tay tôi bơi đi mất dạng. Tôi đổ quạu dùng cả 2 tay chộp cá nhưng ôi thôi vừa đút tay vào một lỗ hang thì tay tôi đau nhức muốn phát khóc. Rút tay lên khỏi mặt nước thì giữa lòng bàn tay trái máu chảy đầm đìa, anh Năm Thắng vội lao tới dìu tôi lên bờ đến đống quần áo móc túi lấy ra điếu thuốc ruby xanh vé vụn đắp vào vết thương cho tôi, anh nói “loại này cầm máu tốt lắm” và anh an ủi tôi: “Không sao đâu chắc bị gai cá trê đâm ấy mà”.
            Cuộc bắt cá tạm đành phải dừng. Đồng chí Tốt lấy ngay quần dài buộc túm 2 ống quần lại rồi lượm cá dồn vào phải mấy chục ký, lệ khệ vác về tặng nhà bếp.
Trong suốt thời gian này, sau khi đánh chiếm hoàn toàn đồn Ngã sáu, các đơn vị bộ binh được nghỉ ngơi, tập huấn. riêng hai đại đội trinh sát C21 và đặc công C25 được giao nhiệm vụ trinh sát đồn Ngã tư Thanh Mỹ, đây là một đồn lớn, nằm trong hệ thồng đồn bốt cùng với đồn Ngã sáu, nằm trên kênh 28 và kênh Nguyễn Văn Tiếp,  là một hệ thống liên hoàn với đồn Ngá Sáu nhằm án ngữ và ngăn chặn tuyến giao liên bằng đường thủy của ta nên chúng bố phòng rất kiên cố. Đồn do 2 đại đội bảo an đóng giữ, xung quanh là 7, 8 lớp rào kẽm gai chằng chit và các bãi mìn, trong đồn là những lô cốt bằng bê tông cốt thép, xen lẫn những lô cốt bằng bao cát chất dày cả mét. Đồn được bố trí các loại trọng liên 12 ly 7. đại liên 30 và đủ các loại đạn nhọn, súng chống tăng M72. Trung tâm đồn là trận địa cối 106,7, cối 81 và cối 60 ly.
    Khi đồn Ngã sáu chưa bi diệt, thì hai đồn Ngã tư Thanh Mỹ và Ngã sáu của địch thường chi viện cho nhau, nay đồn Ngã sáu bị đã bị diệt, nên địch trong đồn Ngã tư Thanh Mỹ ra sức củng cố lại, tăng thêm viện, mở thêm các đồn tua (là một loại chốt nhỏ, bố trí xung quanh đồn, mỗi chốt có 3-5 tên địch chốt giữ, cách đồn chính khoảng 100-200m), làm cho việc trinh sát, điều nghiên gặp rất nhiều khó khăn. Song C25 đặc công và C21 trinh sát của trung đoàn 207 vẫn luồn lách điều nghiên kỹ lưỡng. Gần đến ngày nổ súng, C25 dẫn đường đưa các chỉ huy tiểu đoàn 2 - 3 và các chỉ huy đại đội trực thuộc như C16 hỏa lực, vào tận hàng rào ngoài cùng để nắm tình hình địch, và xác định vị trí sẽ tấn công.
17h, ngày 23/3/1975, trung đoàn bộ lại được lệnh hành quân. Vẫn bằng xuồng ba lá luồn lách qua những kênh rạch. Và dừng chân bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp. Trung đoàn  quyết định sử dụng tiểu đoàn 2 + 3+ C25 và toàn bộ hỏa lực chi viện đánh đồn Ngã Tư Thanh Mỹ.
  Đồng chí Phan Xuân Thi nhớ lại: Để chuẩn bị cho việc đánh đồn Ngã Tư Thanh Mỹ, ngày 20/3 đại đội trinh sát nhận lệnh hành quân trước để bám địch giúp cho cán bộ chỉ huy nghiên cứu đồn Thạnh Mỹ. Khi còn cách đồn Thanh Mỹ khoảng 3 km, thì bỗng một loạt cối trong đồn bắn ra, trúng đội hình hành quân của đại đội trinh sát. Một quả nổ cạnh chiếc xuồng của đc Cương (lúc này đc Cương là đại đội phó đại đội trinh sát). Chiếc xuồng bị lật úp, đc Cương bị thương phần mềm còn 2 đc chiến sỹ đi chung xuồng vô sự. Sau này đc Cương lên làm đại đội trưởng trinh sát và đã hy sinh tại mặt trận phía Tây Nam năm 1979.
                        Khoảng 2h sáng ngày 25/3/1975 các đơn vị đã vào hết vị trí tập kết theo quy định, tiểu đoàn 2 chiếm lĩnh đào công sự từ hướng Nam, C25 từ hướng Đông, Tiểu đoàn 3 từ hướng Tây + Bắc. Hỏa lực 12ly 8 được tăng cường cho 2 tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy. Trận địa cối 82 nằm ngay trước mặt sở chỉ huy trung đoàn.
            Sở chỉ huy trung đoàn nằm cách đồn Thanh Mỹ khoảng 2km. Đây là khu vực dân cư nhưng nhà dân còn thưa. Nhà nào cũng lợp bằng lá dừa nước và có hầm trú ẩn tránh bom pháo.
            Anh Năm Thắng theo sát cụm đài 2w nằm ngay cạnh hầm của anh Năm Thời và anh Ba Trứ. Tôi ở chung với cụm đài 15w, cách hầm của sở chỉ huy khoảng 50m.
            Cạnh chiếc hầm lộ thiên của đài 15w. Cách khoảng 20m là một ngôi nhà dân nhỏ nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Tôi quyết định cho một bộ phận ở lại trực đài còn lại tranh thủ chui vào nhà dân ở nhờ, tranh thủ chợp mắt để giữ sức khỏe cho những ngày sau.
            Chủ nhà là một cô gái tên Hồng độ 24 – 25 tuổi, mặc bộ quần áo bà ba loại vải tuyết nhung (một loại vải rất đẹp thời đó các chị em phụ nữ miền Nam vẫn mặc). Căn nhà  có 2 gian, vách ngăn cũng bằng lá. Chỉ có một chiếc giường bằng tre trong gian buồng nên chúng tôi phải trải tấm nilon xuống đất giăng mùng. Thấy có chiếc máy may  thì tôi đoán cô chủ làm nghề thợ may.
            4h kém 15, đc liên lạc đi với anh Năm Thắng đánh thức tôi dậy, tôi quơ đại khẩu súng ngắn và đến hầm của cụm đài 2w… Đúng 4h sáng, pháo các cỡ của ta được lệnh bắn phá đồn Thanh Mỹ. Cối 120 của sư đoàn tăng cường, cối 82 của trung đoàn. Đạn cầu vồng của ta nổ ì ầm trong căn cứ địch kèm theo những ánh chớp nhì nhằng.
            4h30, pháo cầu vồng được lệnh ngưng bắn, bộc phá sào và mìn DH10 nổ tung phá tan nhiều đoạn rào dây thép gai, tạo ra những khu cửa mở quanh đồn chuẩn bị cho bộ đội xung phong. Đc Se trung đội phó hữu tuyến trực máy tại sở chỉ huy đưa tổ hợp cho anh Năm Thời và anh Ba Trứ. Tin tức truyền về: Bọn địch chống cự rất quyết liệt. Các loại cối pháo ở trong đồn tuôn đạn vào đội hình của bộ đội ta. Đạn 12ly7, đại liên 30 và các loại đạn nhọn, cũng tuôn ra các hướng cửa mở như vãi trấu, đạn M79 (cối cá nhân) nổ chát chúa… Bộ đội ta đã có thương vong.
            Ta vẫn chưa đánh chiếm được cửa mở. 5h30 sau khi bàn bạc với chính ủy trung đoàn Ba Trứ, trung đoàn trưởng Năm Thời ra lệnh qua máy hữu tuyến, bộ đội ta chuyển sang vây ép để bảo tồn lực lượng, vậy là cả ngày hôm đó, bộ đội ta phải ẩn mình dưới các công sự ngay sát hàng rào địch. Cứ mỗi lần nghe pháo bắn thẳng của ta khai hỏa là đạn các cỡ trong đồn địch lại rộ mé tuôn ra các hướng. Đêm  25, bộ đột ta được lệnh tiếp tục áp sát trận địa địch. Số liệt sỹ và thương binh được C22 vận tải chuyển về phía sau. Rồi họ lại vận chuyển đạn dược ra bổ sung cho các trận địa. Suốt đêm hôm đó, pháo cầu vồng của ta tiếp tục bắn phá đồn Thanh Mỹ, pháo bắn thẳng khi phát hiện được hỏa điểm là lập tức khai hỏa tiêu diệt ngay.
Đêm 25, C25 đặc công được tung vào trận, do bị vậy ép cả ngày, nên bọn địch trong đồn rất cảnh giác, việc luồn sâu vào trong bốt là không thể được, do không còn yếu tố bí mật bất ngờ, vì thế C25 đặc công, bằng kỹ thuật điêu luyện, mang theo 6 quả mìn DH 10 (một loại mìn hình nón, mỗi quả chứa 10kg thuốc nổ TNT) vào sát hàng rào ngoài cùng, lập thành hai cụm mìn cách nhau khoàng 5-6 m, mỗi cụm 3 quả chồng lên nhau, nối kíp nổ cho cả hai cụm mìn vào cùng một nguồn điện, và lính c25 nằm chờ cách đó khoảng 30m,  khoảng gần 5 giờ sáng, lệnh từ tổng chỉ huy cho nổ mìn. Cùng lúc, một tiếng nổ long trời do hai cụm mìn cùng lúc phát nổ, tạo thành một hành lang rộng hướng thẳng vào đồn giặc, đất đá mù mịt rơi xuống, nhưng lính C25 vẫn nhanh chóng vượt qua tất cả các chướng ngại vật, xông thẳng vào trong đồn, dùng thủ pháo tấn công vào những vị trí kháng cự của địch từ bên trong đồn.
              Ngay sáu đó, rạng sáng ngày 26/3/1975 bộ đội ta được lệnh xung phong. Từ các công sự  các chiến sỹ ta nhất loạt  xông lên  tràn qua cửa mở . C25 đặc công  như một mũi mác vượt lên trước đánh thẳng vào trung tâm đồn ,tiểu đoàn 2 và 3 cũng phối hợp nhịp nhàng … Không chịu nổi  với sức tấn công như vũ bão của ta, quân đich lớp chết, lớp bị thương, lớp mở đường máu tháo chạy.(riêng khu vực do C25 đặc công đảm nhiệm bọn địch bỏ lại rất nhiều xác chết , 1 tên địch chạy không kịp đã bị lính đặc công của ta bắt sống .Chấp hành triệt để chính sách tù hàng binh của quân đội và nhà nước ta, đc Vũ Chí Nghiêm chính trị viên C25 đã nhanh chóng giảng giải ,trấn an tinh thần rồi quyết định phóng thích tên tù binh tại chỗ, hướng dẫn cho anh ta an tâm về với gia đình  …Tên tù binh mừng vui ra mặt, cảm ơn quân giải phóng và hứa “sẽ không bao giờ đi lính, làm tay sai cho giặc nữa” !
            6h sáng 26/3/1975, từ ngoài trận địa báo về, ta đã làm chủ hoàn toàn đồn Thanh Mỹ thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến tranh. Vậy là đồn Thanh Mỹ nằm trong khu vực Đồng Tháp mười đã bị E207 san bằng và từ đó trở đi khu vực này vĩnh viễn nằm trong vùng giải phóng của ta. Hậu cứ của quân khu 8, của tỉnh Kiến Phong, Định tường, Kiến tường và hành lang đường giao liên từ biên giới xuống chiến trường được mở rộng vững chắc, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tiếp tục thọc sâu xuống chiến trường cửa ngõ phía nam Sài Gòn thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
        Trận đánh này toàn trung đoàn bị thương 4 đc, hy sinh 7đc  (trong đó có đc Nguyễn Xuân Viễn, chính trị viên phó đại đội quê quán tại xã Đức Thuận, huyện Đức Thọ,Tỉnh Hà Tĩnh)
            17h cùng ngày, sở chỉ huy trung đoàn được lệnh xuống xuồng tiếp tục hành quân rời vị trí. Tôi vội ghé nhà cô thợ may để từ giã và cảm ơn. “Người chủ nhà” đã cho chúng tôi ngủ nhờ khi chuẩn bị bước vào trận đánh.
            Cô chủ  “bịn rịn” tiễn chúng tôi ra tận bờ kênh để chúng tôi xuống xuồng. Lúc này tôi mới nhìn rõ mặt Hồng, khuôn mặt tròn trịa, da trắng hồng, rất đẹp…nhưng cô ấy đi cà nhắc, cà nhắc rất khó khăn… Thì ra chân trái của Hồng là chân giả. Hồng bị một mảnh pháo của địch cách đây 4 năm, được gia đình chuyển về bệnh viện Sài Gòn tháo khớp tới tận đầu gối và thay thế bằng chiếc chân giả. Hồng làm nghề thợ may nhưng mỗi khi may đồ chỉ đạp bàn máy bằng  một chân….
            Chiến tranh là thế… Rất nhiều người dân vô tội đã phải mang thương tật suốt cuộc đời vì bom pháo, mìn và các chất nổ…
(còn nữa…)
HỒI KÝ CHIẾN TRƯỜNG BÀI 25
TIẾP QUẢN CĂN CỨ ĐỒNG TÂM - TP MỸ THO
SÀO HUYỆT CUỐI CÙNG CỦA
SƯ ĐOÀN 7 BÔ BINH QL VNCH
VŨ TRUNG KIÊN CCB E207
bai-25-1
chiếm xe tăng địch
bai-25-2
đường vào ca7n cứ Đồng Tâm - Mỹ tho
bai-25-3
một góc sân bay Đồng tâm -Mỹ tho

2
3 
            Đầu tháng 4/1975, trung đoàn 207 lại được lệnh tiếp tục thọc sâu về hướng Nam cửa ngõ Sài Gòn. Từ vùng Đồng Tháp Mười sở chỉ huy trung đoàn lúc đầu hành quân bằng xuồng theo kênh Nguyễn Văn Tiếp rồi qua nhiều kênh rạch…
            Khác với kênh rạch ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi đây chúng tôi hành quân ven những kênh  là những hàng cây trái xanh tươi, trĩu quả, miên man là dừa, xoài, cam, ổi… Nhà dân của vùng này cũng đông đúc hơn nhiều.
          Thời gian này Trung đoàn vẫn tiếp tục “nhổ” các đồn bốt của địch án ngữ trước mặt “hướng tiến quân” về giải phóng Sài Gòn. Rộn rã trong lòng mỗi người lính Giải Phóng Quân lời bài hát Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Bao năm chiến đấu gian khổ trường kỳ, biết bao đồng đội kế tiếp nhau ngã xuống, hôm nay đây, ngày toàn thắng đang đến gần, nhưng mỗi chúng tôi đều không thể biết chắc mình có kịp sống đến ngày toàn thắng, mặc dù vậy, lòng không chút nao núng, chúng tôi vẫn tiến lên phía trước, vẫn ca vang bài ca ra trận giải phóng nước nhà:
“…. Quê nhà ta đau đớn lầm than đang bóp nghẹn tim người
 Sài Gòn ơi! Ta đã về đây! Ta đã về đây! …
 Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi
Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ!
Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô!...”
            Tiểu đoàn 2 + 3 được lệnh đánh chiếm đồn Xẻo Muồng và Mỹ Phước Tây thuộc huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Định Tường,  2 đồn này án ngữ, bảo vệ hành lang cho quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1.)
            Tiểu đoàn 1 được lệnh đánh chiếm và tiêu diệt đồn Cầu Bà Tồn trên quốc lộ 4.( Bạn đọc có thể xem bài viết của Hồ Tĩnh Tâm cựu chiến binh trung đoàn 207 về trận đánh ở Cầu Bà Tồn đã đăng trên trang web E207.)
            Ngày 24/4/1975, cả trung đoàn được lệnh tạm dừng chân, tôi và anh Năm Thắng được mời dự họp quân chính do Đảng ủy và Ban chỉ huy trung đoàn triệu tập khẩn cấp tại một vườn cây ăn trái rậm rạp.  Đc chính ủy nói tóm tắt tình hình chíến sự rồi đc trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị với phương châm là “thần tốc”. Mục tiêu là “căn cứ Đồng Tâm rồi thẳng tiến về ngã ba Trung Lương hướng về Sài Gòn”. Tin thắng trận từ khắp các chiến trường lan nhanh nhưng cánh lính chiến như chúng tôi thì gần như “mù tịt”, cứ triền miên qua hết trận đánh này tới trận đánh khác mà cũng chẳng có điều kiện và thời gian đâu mà nghe được đài (radio)...Khi biết tin ta đã giải phóng vào tới tận Xuân Lộc cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, nhiều chiến sỹ ta đã nhảy lên, ôm nhau mừng vui khôn tả…
            Ngày 25/4/1975, hậu cần tiếp tục bổ sung súng đạn và lương thực cho bộ đội, ngoài cơ số chiến đấu như thường lệ, còn nhiều cơ số dự bị được lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển luôn theo sát, tiếp tế kịp thời cho lực lượng vận tải, hậu cần của trung đoàn, ( không khí chiến thắng rõ rệt ngay cả trong lĩnh vực vận tải vũ khí  đạn dược và lương thực cho bộ đội).
            Đêm 25/4/1975, 3 tiểu đoàn bộ binh  được lệnh hành quân trước. Các đơn vị trực thuộc cũng được lệnh bám gót các tiểu đoàn bộ binh để kịp thời chi viện hỏa lực khi có yêu cầu. Sở chỉ huy trung đoàn lại được lệnh “nhổ neo” cùng các đơn vị tiến về phía trước. Thời gian này, cánh thông tin hữu tuyến được “xả hơi”. Vì đội hình toàn trung đoàn luôn cơ động. Lực lượng thông tin 2w phải làm việc hết công suất. Đài 15w cũng phải thường xuyên mở máy phát sóng, ngay cả khi  hành quân. Tuy nhiên, để nhận lệnh và báo cáo về trên một cách nhanh nhất, đài 15w phải lợi dụng tất cả các địa hình, địa vật, “ tạm dừng chân” kéo ăng ten, mở máy phát sóng có khi ngay bên cạnh các bờ kênh, gò đất…
             Ngày 28/4/1975, sở chỉ huy trung đoàn vẫn tiếp tục hành quân đường bộ (lúc này phương tiện bằng đường thủy không còn tác dụng nữa). Ngay đêm đó tiểu đoàn 1 đi đầu đã vào trận. Tập kích quân địch của sư đoàn 7 đóng giã ngoại gần quốc lộ 4 (trận đánh này Hồ Tĩnh Tâm, cựu chiến binh E207 đã viết và đăng trên trang web của trung đoàn). Người bạn rất thân của  Hồ Tĩnh Tâm là đc Thơ đã hy sinh trong trận đánh này:
“…. Đêm đó trong lửa đỏ
Mày chia lửa cho tao,
Vượt hàng rào phòng thủ
Tao với mày gặp nhau.
Mặt mày lem thuốc pháo
Nở nụ cười với tao,
Rồi lao vào hai mũi
Lửa đỏ trùm hai nơi.
Thọc sâu vào tung thâm
Đánh tan tiểu đoàn địch,
Trong tiếng hò thắng lợi
Tao cõng mày trên lưng.
Máu mày rơi từng giọt
Từng giọt đỏ như cờ;
Thịt da mày nóng rực
Như mặt trời ban trưa
Tao gọi mày…Thơ   ơi! ”
 ( Hồ Tĩnh Tâm – Thơ….ơi )

          Tiểu đoàn 2 đã áp sát quốc lộ 4. Tiểu đoàn 3 áp sát căn cứ pháo binh Long Định. Cả 3 tiểu đoàn 1, 2, 3 của ta vừa đánh địch, vừa mở đường thẳng về hướng căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho).
            Căn cứ Đồng Tâm cách thành phố Mỹ Tho khoảng 10 km là một căn cứ quân sự thuộc loại bậc nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Căn cứ này trước đây là căn cứ quân sự của Mỹ và sau này là hậu cứ của sư đoàn 7 quân Ngụy Sài Gòn. Nó có diện tích rộng tới mấy chục km2, có 2 đường bộ lớn ra vào (cổng 1 đường qua Bình Đức chạy thẳng về TP Mỹ Tho, cổng 2 đường chạy thẳng ra quốc lộ 4)
 .
(Cây cầu nối liền căn cứ Đồng Tâm và thành phố Mĩ Tho)
            Khu quân sự Đồng Tâm được xây dựng rất kiên cố, xung quanh là nhiều lớp rào dây kẽm gai và những bãi mìn dày đặc. Bên trong được chia thành nhiều khu có đường nhựa ngang dọc như bàn cờ để tiện cho các loại xe  cơ giới ,cơ động.
            Từng khu trong căn cứ lại có hàng rào riêng biệt, bên trong từng khu là một hệ thống nhà, hầm vừa bằng bê tông cốt thép, vừa bằng bao cát và đầy đủ các tiện nghi, ngoài lính bộ binh bảo vệ vòng ngoài, căn cứ Đồng Tâm có đủ các loại pháo cối từ 60, 81, 106,7 và pháo 105, 155. Căn cứ Đồng Tâm còn có nhiều chi đoàn xe tăng và xe bọc thép cùng với sân bay lên thẳng
.
 (Sân bay trong căn cứ Đồng Tâm)
            Với diện tích và cơ sở vật chất như vậy, sau khi ta tiếp quản, sư đoàn huấn luyện 868 của ta do anh Tư Dẫu nguyên chính ủy trung đoàn 207 trực tiếp làm chính ủy sư đoàn với biên chế có lúc lên tới 27 tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn từ 5 – 6 trăm quân .
            Khoảng 3h sáng ngày 29/4/1975, chúng tôi vẫn bám gót sở chỉ huy trung đoàn , hành quân bộ, tiến về hướng quốc lộ 4. Đi ngược lại với chúng tôi là rất nhiều cáng liệt sỹ và thương binh được chuyển về phía sau (liệt sỹ và thương binh của cả 3 tiểu đoàn), do du kích và nhân dân địa phương giúp đỡ chuyển thương.
            Khoảng 4h sáng ngày 29/4/1975, sở chỉ huy trung đoàn được lệnh dừng chân tại một khu vườn có diện tích khoảng vài ha. Xung quanh là cánh đồng lúa đã thu hoạch chỉ còn chừa lại những gốc rạ.
            Cả 3 cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đều khẩn trương đào công sự.
            Đài 15w đã nhanh chóng mở máy phát sóng 2 đồng chí vào kíp trực làm việc ngay, các đồng chí còn lại cũng khẩn trương đào hầm.
            Khoảng 7h sáng ngày 29, chúng tôi đã hoàn thành chiếc hầm dã chiến lộ thiên có giao thông hào qua hầm đc chính ủy và trung đoàn trưởng. Hầm của cụm đài 2w gồm 4 máy cũng chỉ cách hầm đài 15w độ 5m.
            Tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt, các đơn vị phía trước tiểu đoàn 1, 2, 3 và các đại đội trực thuộc vẫn tiếp tục nổ súng đánh địch. Pháo của địch tại căn cứ Đồng Tâm, Bình Đức, Long Định và các vùng lân cận vẫn ầm ầm nhả đạn.
            Khoảng 9h sáng ngày 29/4/1975, sở chỉ huy trung đoàn bị hàng trăm quả đạn 155 của địch bắn phá, nhưng rất may, cán bộ và chiến sỹ ta không có thương vong.
            12h trưa ngày 29/4/1975, thông qua bức điện “tối khẩn” của bộ chỉ huy chiến dịch, anh Ba Trứ và anh Năm Thời mới “tiết lộ” cho chúng tôi tin tức nóng hổi và bất ngờ ( không như chúng tôi tưởng tượng rằng mình sẽ ào ào như vũ bão tiến thẳng về Sài Gòn ):
      - Đội hình hành tiến của sư đoàn 8, trong đó có trung đoàn 207,  có nhiệm vụ quan trọng là “dừng chân” bao vây và đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm do sư đoàn 7 quân Ngụy Sài Gòn đóng giữ. Nhiệm vụ của sư đoàn 8 phải kềm chân sư đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn không cho chúng về chi viện và ứng cứu Sài Gòn. Các sư đoàn còn lại thuộc quân đoàn 4 của địch đã có các đơn vị bạn của ta đảm nhiệm, kềm chân.
            Vậy là một sư đoàn của ta đối đầu với 1 sư đoàn của địch (50/50), nhưng bọn địch có ưu thế về hỏa lực pháo binh, xe tăng, xe thiết giáp và cả không quân chi viện.
            Khoảng 14h, ngày 29/4/1975, chiếc máy bay trinh sát 2 thân (OV10) từ hướng Cần Thơ lao đến, đảo nhiều vòng trên bầu trời và sau đó 4 chiếc phản lực F5 cũng xuát hiện.
            Bất ngờ, chiếc OV10 chúi đầu phóng quả pháo khói chỉ điểm. Cột khói trắng chỉ cách cụm đài 15w chúng tôi khoảng 30m. Gần trăm cán bộ chiến sỹ của trung đoàn bộ “thót tim”... Một khoảng đất “ bé tí tẹo” nằm giữa vùng đồng trống mà công sự hầm hào thì đủ sức tránh pháo và đạn nhọn chứ đâu có tránh nổi bom có sức công phá lớn, chúng tôi sẽ ra sao đây?.
Chúng tôi hình dung với số lượng bom của 4 chiếc phản lực đang vòng lộn trên bầu trời kia khi nó trút xuống khoảng đất này thì sự tàn phá của nó sẽ vô cùng khủng khiếp. Một “tai họa” sắp đến cho sở chỉ huy trung đoàn…
            Trong tình huống nguy cấp ấy, người chỉ huy dũng cảm sẽ có những quyết định sáng suốt. Anh Năm Thời ra lệnh ngay cho các khẩu đội A72 (một loại súng tên lửa phòng không vác vai tầm nhiệt) được bộ chỉ huy chiến dịch  tăng cường. Bốn đồng chí xạ thủ thoát lên khỏi công sự lợi dụng những thân cây dừa làm bệ tỳ ngóc nòng súng lên bầu trời “nghênh chiến”.
            Cụm khói trắng cạnh chúng tôi đã tan dần, 4 chiếc phản lực đã thu hẹp đường vòng. Chiếc OV10 quyết định chúi đầu phòng tiếp pháo khói chỉ điểm cho lũ phản lực… Tôi chỉ nghe tiếng Oàng..xéo…xéo…, một quả đạn A72 cách chỗ tôi khoảng 50m xé gió lao lên cắm vào chiếc OV10 nổ tung. Chiếc máy bay trinh sát đứt làm đôi rơi xuống cánh đồng cách sở chỉ huy khoảng 2 km.
            Biết chúng tôi đã có loại vũ khí vô cùng lợi hại, 4 chiếc phản lực không muốn chịu chung số phận như chiếc OV10, chúng mở rộng vòng bay rồi biến mất về hướng Cần Thơ. Chúng tôi thoát chết trong gang tấc!
            Khoảng 20h ngày 29/4/1975, nguồn tin trinh sát báo về, bọn địch ở căn cứ pháo binh Long Định đã bỏ đồn tháo chạy. Anh Năm Thời ra lệnh cho tiểu đoàn 3 cử 1 bộ phận vào thu dọn chiến trường rồi giao cho bộ đội và du kích địa phương canh giữ.
            2h sáng ngày 30/4/1975, cả 3 tiểu đoàn được lệnh vượt quốc lộ 4 áp sát căn cứ Đồng Tâm.
            7h sáng, ngày 30/4/1975, những công điện bằng máy 2w từ các tiểu đoàn  liên tục báo về sở chỉ huy trung đoàn. Những mệnh lệnh của bộ tư lệnh sư đoàn và bộ chỉ huy chiến dịch cũng tới tấp chuyển tới qua đài 15w. Bộ phận báo vụ và bộ phận cơ yếu làm việc không biết mệt mỏi. Thông qua những bức điện, cánh chúng tôi hiểu rằng, tình hình trên khắp các chiến trường đang “nghiêng hẳn” có lợi thế cho ta, riêng anh Ba Trứ và anh Năm Thời, tôi cảm thấy các anh vui mừng và tự tin hơn bất cứ lúc nào.
            9h sáng ngày 30/4/1975, địch cho nhiều xe thiết giáp phản kích ra hướng D1, D3, tiểu đoàn 1,  3 được lệnh dùng hỏa lực chống tăng kềm chân quân địch, ,khoảng 10h từ trận địa D1, D3 báo về lũ xe tăng và xe bọc thép đã “co đầu” vào trong căn cứ, bộ đội ta đã có một số hy sinh và bị thương.
            12h ngày 30/4/1975, một công điện từ bộ chỉ huy chiến dịch: “Tổng thống ngụy, Dương Văn Minh, đã đầu hàng, Sài Gòn đã được giải phóng”. Mọi người trong sở chỉ huy,  trung đoàn bộ, trong có có anh Ba Trứ và anh Năm Thời nhảy cẫng lên, nhiều đồng chí rơi  nước mắt, một niềm vui… thật khó mà có thể nói hết được … của chúng tôi ngày ấy,  giờ phút thiêng liêng của Tổ quốc đã đến. Miệng cười tươi mà nước mắt tuôn trào…bởi đồng đội của chúng tôi vẫn kẻ trước người sau đang tiếp tục ngã xuống…
            12h 15 ngày 30/4/1975, một công điện khẩn cấp từ bộ tư lệnh sư đoàn và bộ chỉ huy chiến dịch: trung đoàn 207 và sư đoàn 8 chuyển sang vây ép căn cứ Đồng Tâm, không được nổ súng khi quân địch không phản kích. Lúc này các chiến sỹ ta ngoài mặt trận vẫn còn chưa hay biết gì… Vẫn vững chắc tay súng và sẵn sàng đợi lệnh xung phong…
            Khoảng 2h chiều, một công điện từ bộ chỉ huy chiến dịch: “Tên Trần Văn Hai sư đoàn trưởng, sư đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn đã tự sát”. Từ ngoài trận địa báo về, bọn địch trong căn cứ Đồng Tâm đã kéo cờ trắng XIN ĐẦU HÀNG.
            Lệnh từ sở chỉ huy trung đoàn xuống các tiểu đoàn: mở đường cho đám lính sư đoàn 7 tư do thoát thân.
            4h chiều cùng ngày ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Tâm,cùng với toàn quân, toàn dân giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất tổ quốc…
(còn nữa…)
bai-25-1

Viết thêm về ngày 30/4
Có 2 chuyện cười ra nước mắt nhân ngày 30/4 về C25 đặc công – E207
1-     Trước khi vào chiến trường, lính đặc công đều được học lái xe ở Xuân Mai  (Hà tây cũ), vì thế , khi vào tiếp quản căn cứ Đồng tâm, cứ 4-5 anh có 1 xe ô tô, nhóm thì xe jeep, nhóm xe tải nhẹ, chạy tung trời trong căn cứ, chạy cả ra Mỹ tho chơi, khi về hết xăng, bỏ xe lại, nhờ xe khác về, khi mang xăng ra thì mất xe, lại về căn cứ kiếm cái khác, trong lần đi tìm xe lái chơi, lính ta phát hiện ra 1 chiếc xe thể thao hai cửa, mui trần, chắc là của sỹ quan Mỹ bỏ lại, lính ta lái dạo chơi khắp căn cứ Đồng Tâm. Ai dè thủ trưởng sư đòan thấy được, yêu cầu mang nộp về sư. Thế là  trên đường về, lính ta đẩy ngay xe xuống sông phía sau căn cứ, sau đó báo cáo là xe bị tai nạn, lao xuống sông, còn thò lên mỗi tí đuôi. Báo hại, hôm sau vệ binh sư đoàn phải dùng xe GMC kéo lên mang đi, sau này không biết xe đó đi về đâu?!
2-     Khi vào tiếp quản căn cứ Đồng tâm, tranh ảnh khỏa thân rất nhiều, lính ta hầu hết còn rất trẻ, chưa nhìn thấy bao giờ, vì thế, anh nào cũng thủ vài tấm trong ba lô, chính trị viên trưởng Vũ Chí Nghiêm biết được, đang đêm báo động di chuyển khẩn, đi trấn áp tàn quân, lính ta  vội vã thu dọn ba lô di chuyển theo lệnh, khi đi không quên mang theo ảnh khỏa thân, khi đi ra đến cánh đồng trống, thủ trưởng cho nghỉ giãi lao, và ra lệnh khám ba lô, thế là bao nhiêu ảnh khỏa thân bị thu và đốt tại chỗ, xong lại quay về ngủ. Lính ta tức lắm, ngày hôm sau, biết tính Thủ trưởng Vũ Chí Nghiêm ăn ở rất sạch sẽ, mỗi tối, trước khi ngủ, thủ trưởng phải rũ chiếu, quét giường đàng hoàng, lính ta bèn mang một tấm ảnh cô gái khỏa thân to đúng bằng chiếc chiếu giường một, lót xuống chiếu, tối thủ trưởng rũ chiếu để ngủ, phát hiện ra, tức quá, quát tháo ầm ĩ, điều  tra, nhưng không ai nhận. Sau này khi đã ra quân về làm dân, chúng tôi hỏi xếp lúc đó thấy sao, xếp bảo cũng hơi thinh thích nhưng phải gương mẫu.
(Không tin các bạn cứ hỏi lại Đ/C Vũ Chí Nghiêm, nay là chủ tịch hội đồng quản trị công ty Sách và Thiết bị Trường học tỉnh Hải Dương)

Người Bình Long – Chốt chặn (blocking positions) Tân Khai – An Lộc / 1972

Tháng 5 –1972, Trung đoàn 209/VC được lệnh tức tốc chuyển về thay thế Trung đoàn 165 (hai TRĐ này đều thuộc Sư Đoàn 7 quân CSBV xăm nhập, giả danh là quân giải phóng của MTGPMN, Ghi chú) chốt ở khu vực Cống Ông Tề, Tàu Ô, xóm Ruộng. Khẩu hiệu là: “Chốt cứng, chặn đứng, không cho 1 xe, 1 tên địch qua trận địa, từ Bình Long chạy về Sài Gòn và ngược lại”.
Tại sao lại chọn khúc Tàu Ô?
VC giải thích và quyết thực hiện bằng được lệnh: “Không cho 1 xe, 1 tên địch qua trận địa. Bởi khu vực Tàu Ô, phía bắc chi khu quân sự Chơn Thành 3km, có con suối chảy từ tây sang đông, đường rộng 20 – 30 mét, nước nông nhưng là vật cản thiên nhiên tốt. Hai bờ bắc, nam của con suối là những vạt đồi thoải, quá trình mở rộng đường 13, địch san ủi vẫn còn những ụ đất cao từ 1 đến 1,5 mét, lâu ngày đất rắn, có thể cải tạo thành những ụ chiến đấu tốt. Nam suối Tàu Ô khoảng 500 mét có cống Ông Tề rộng 8 mét. Địa thế khu vực này tương đối cao, càng về phía nam địa thế càng thấp dần, đứng ở Tàu Ô ta có tầm nhìn khống chế được phía nam”(Theo hồi ký của Nguyễn Thế Trị, cựu cán bộ chính trị của TRĐ209; Vũ Việt Hồng là TRĐT)
1Trong 150 ngày đêm chốt chặn trên Quốc lộ 13 là 150 ngày đọ sức giữa QLVNCH và quân CSBV, cũng là nổi ám ảnh, sợ hãi cùng cực của dân BL chạy nạn từ AL về Chơn Thành. Nếu nói dân chạy nạn trong AL là chạy chết (vì bom đạn) thì ở Tân Khai là chạy thoát (vượt qua đựợc làn đạn hai bên giao tranh).
Mặc dù thiệt hại nhân mạng rất lớn, 1.062 cán binh ( theo báo cáo TRĐ 165+209, thuộc Sư đoàn 7/VC) đã hy sinh. Nhưng họ cố bám giữ chốt chặn này, để cản ngăn các đơn vị của QLVNCH từ Chơn Thành lên giải tỏa cho AL. Không cho dân chúng BL chạy thoát về Chơn Thành, từ đây xe chuyển về trại tiếp cư Phú Văn Bình Dương.
Theo luận điểm chính trị của VC: “Trước khi quân địch rút chạy khỏi Bình Long, chúng thăm dò, điều tra trận địa của ta ở khu vực chốt, bằng cách cho một số vợ con sĩ quan ngụy quân và ngụy quyền vờ tháo chạy qua trận địa chốt. Chúng dụng ý, nếu ta nổ súng thì lập tức vu cáo quân giải phóng bắn vào dân thường… Nếu ta để họ đi qua sẽ lộ trận địa chốt. Lúc này, ngoài chốt gọi điện về xin ý kiến. Tôi và anh Hồng trao đổi gấp và quyết định cho lực lượng trinh sát và trợ lý địch vận chặn họ trước trận địa, giải thích cho họ rằng có mìn phía trước, rất nguy hiểm và dẫn họ đi vòng qua bên sườn chốt về hậu cứ”.( hồi ký Nguyễn Thế Trị)
Hậu cứ của họ lúc đó là đưa ngược dân lên Lộc Ninh, sau khi giam giữ và thanh lọc dân ra nhiều thành phần đối tượng:” ngụy quân ngụy quyền ác ôn xữ tử tại chỗ, bắt tù binh khai thác tình báo, bắt thanh niên bổ sung vào bộ đội, dân thường lùa về Lộc Ninh để có dân chúng ra mắt Chính Phủ MTGPMN”.
1
Đến tháng 6-72, đoạn QL13 này mới được QLVNCH giải tỏa cho dân chúng bị kẹt giữ, trong các khu vực Tân Khai, Đức Vinh (Xa cát) chạy thoát thân về Chơn Thành; có người bị giam hay đưa đi từ những ngày đầu cuộc chiến tháng 4-72.
Với âm mưu thâm độc đó, dân BL bị giữ lại từ ấp Chà Là đến ấp Tân Khai do bộ đội địa phương (dân nằm vùng) gọi là Công Trường (SĐ)Bình Long; họ là giao liên vận tải lương thực, dân vận chỉ điểm, đề lô chấm tọa độ pháo binh, dẫn xe tăng vào thành phố …
Không biết bao nhiêu là những câu chuyện thương tâm, đau xót của dân lành vô tội, cho đến ngày nay vẫn còn âm ỉ, âm thầm oán hận kể lại cho người thân, bạn đồng hương, bạn cũ mới trong ngoài nước, mỗi khi nhắc lại chiến cuộc BL 72.
(hình trên  internet)
(hình trên internet)
Xin kể lại một trường hơp thương tâm( một trong những câu chuyện có thật) mà những vị viết sử, sách về AL,BL trong mùa hè đỏ lửa 72 cũng cần nên tham khảo thêm về tính nhân bản trong chiến tranh, không vì nặng phần chính trị tuyên truyền cho chế độ, hay cường điệu đề cao chiến trận quân sự. Trong cuộc chiến tương tàn, dù bên nào thắng trận, người dân vẫn là người thua trận của cả hai bên ngay từ phút đầu.
“Chuyện của Ba tôi”:
Cuối cùng ba tôi quyết cả gia đình đi bộ và bị bắt ngay tại Chà Là.
Trước đó, Bình Long bị pháo kích quá nhiều nên ba tôi phải làm 2 cái hầm , một hầm chìm và một hầm nổi. Hầm chìm đào sâu dưới đất, tráng xi-măng, và trên gác nhiều thanh đà ngang chất mấy chục bao cát.
Nhiều lần, đạn 122 ly trúng xung quanh hầm nhưng không hề gì. Những ngày tháng 4/72 bị pháo kích nhiều quá, gia đình tôi ở luôn dưới hầm, vứa bớt pháo lên nấu cơm.
Khoảng một tuần chịu không nỗi vì sợ sập hầm nên gia đình kéo nhau xuống nhà ở Chợ Mới ngay đại lộ Hoàng Hôn mà ở. Được vài ngày cũng không yên lại không gạo ăn.
Cuối cùng ba tôi đi bộ lên Tiểu Khu xin cho gia đình tá túc ở dinh tỉnh trưởng. Được bằng lòng và gia đình đi bộ lên và ở đó. Nơi đây cũng bị pháo kích quá, nhưng cũng nhờ lính tiếp tế đồ ăn nên tạm sống qua ngày.
Khoảng 10 ngày không chịu nỗi pháo nên cả gia đình nhất quyết đi bộ theo dân tìm đường sống.
Lúc đó cả gia đình tôi có ba người bị bệnh nên gia đình phải thay phiên nhau bồng bế nhau; thật hết sức cực khổ vô cùng. Ba tôi vì ba người con mà phải đi bộ theo sống chết có nhau.
Đi đến Chà Là thì một nhóm người đến chặn ba tôi lại (dân địa phương) và bắt ba tôi đi. Mấy mẹ con than khóc quá nhưng họ không tha, cuối cùng phài đi bộ về tới Tân Khai.
Ở đó cũng khổ vô cùng vì có gạo mà không có muối, nước uống phải vét nước sình mà uống. Ăn nằm ngoài trời, chưa yên được nửa tháng thì Chơn Thành pháo kích, lại một phen hãi hùng. Cũng may Phật thương nên gia đình không sao cả.
Ở gần một tháng thì Sư Đoàn 21, kéo đến rất đông giải cứu đồng bào và cho máy bay trực thăng bốc về Lai khê. Sau đó họ chở chúng tôi(trừ Ba tôi bị giữ lại) về trại tạm cư Phú Văn, nhập trại lãnh gạo, được chính phủ cưu mang cho đến ngày 30/4.
Xin kể tiếp về ba tôi: Ba tôi lúc bị bắt họ đưa vào Minh Đức (Xa cam) và sau đó đưa ba tôi ra tòa án nhân dân. Họ hỏi dân, ba tôi có ác ôn không? Dân trả lời ông nầy rất hiền từ, thương dân. Thế rồi họ tha, nếu chỉ cần nói ba tôi ác ôn thì sẽ bị xử bắn ngay.
Họ bắt ba tôi vẽ sơ đồ các cơ quan quân sự, ba tôi nói: tôi là dân sự không phải là lính nên không biết vẽ. Tạm yên, nhưng họ xiềng tay chân ba tôi lại, nói ra đau lòng lắm!
Thế rồi, sau đó họ đã đưa ba khi khắp nơi trong rừng, có khi lên tận chiến khu Dương Minh Châu. Đến năm 1973 nghe nói thả tù binh, má và tôi lên tận Biên Hòa và Lộc Ninh nhưng không thấy, họ chỉ thả những người không có chức quyền.
Sau này, còn nghe ba nói ở trong rừng thiếu thốn đủ bề; ba tôi suýt chết mấy lần vì bệnh. Cũng may trời Phật còn thương nên vẫn còn sống. Sau 1975 họ đưa ba tôi về giam tại trại giam Chí Hòa, đến 1976 do người bạn cho biết địa chỉ nên ba tôi liên lạc được với gia đình.
Từ đó hàng tháng gia đình đi thăm nuôi. Đến cuối năm 1977 ba tôi được tha về với giấy ra trại ghi : “ngụy quyền, làm tay sai cho Mỹ ngụy “. Chính mấy dòng chữ này làm cho ba tôi và gia đình khốn đốn, khổ sở vô cùng.
Chế độ mới theo dõi ba tôi từng ngày, khoảng một tuần/lần; ban đêm họ xét nhà. Mỗi tháng phải làm bản tự khai đem nộp cho công an. Quản lý hơn 6 tháng thì họp tổ dân phố; lúc đó ba tôi mới được trả quyền công dân, và sau đó được nhập hộ khẩu theo gia đình.
Về nhà ba tôi phụ với gia đình buôn bán sống qua ngày. Cho đến khi nghe tin có chương trình đi HO; lúc đầu ba tôi sợ không dám nộp đơn, vì lúc đó các con đang đi làm phải bị nghỉ việc(?)
Chần chừ mãi đến năm 1990 ba tôi mới nộp hồ sơ xin đi theo diện HO. Chính phủ VN căn cứ vào giấy ra trại, vì từ lúc bị bắt cho đến khi thả ra là 5 năm, 9 tháng, 11 ngày nên họ đã cấp cho ba tôi HO25(tính đến ngày 12/1990).
Sau đó Mỹ có mời lên phỏng vấn, họ quay ba tôi 45 phút. Cuối cùng họ nói ba tôi không đủ điều kiện đi tỵ nạn, họ giải thích thời gian chỉ tính từ 5/1975 nên ba tôi không đủ 3 năm. Còn thời gian làm tù binh họ không tính? Thế là vỡ mộng phải ở lại!
Buồn đau vô cùng; ba tôi thì chỉ mong đem con cái theo để có tương lai, nào ngờ, ba buồn đến sanh bệnh nhiều năm liền.
Ba tôi thì biết nước Mỹ rồi, trong năm 1966 ba tôi được Tỉnh đề nghị đi Mỹ tham quan về hành chánh địa phương trong 3 tháng, tất cả chính phủ đài thọ. Ba tôi đi được 25 thành phố trong đó có cả Cali, nên ba tôi biết nước Mỹ một phần nhỏ.
Nằm nhà mãi thất chí ba tôi chỉ biết than : đời lên voi rồi xuống chó. Rồi thời gian cứ trôi qua, ba tôi bị bệnh rất nhiều, tuổi già sức yếu nên ba tôi qua đời…..
Người Bình Long
(Trích Biên Khảo Tỉnh Bình Long)