Saturday, May 19, 2018

HỒI KÝ CHIẾN TRƯỜNG BÀI 25
TIẾP QUẢN CĂN CỨ ĐỒNG TÂM - TP MỸ THO
SÀO HUYỆT CUỐI CÙNG CỦA
SƯ ĐOÀN 7 BÔ BINH QL VNCH
VŨ TRUNG KIÊN CCB E207
bai-25-1
chiếm xe tăng địch
bai-25-2
đường vào ca7n cứ Đồng Tâm - Mỹ tho
bai-25-3
một góc sân bay Đồng tâm -Mỹ tho

2
3 
            Đầu tháng 4/1975, trung đoàn 207 lại được lệnh tiếp tục thọc sâu về hướng Nam cửa ngõ Sài Gòn. Từ vùng Đồng Tháp Mười sở chỉ huy trung đoàn lúc đầu hành quân bằng xuồng theo kênh Nguyễn Văn Tiếp rồi qua nhiều kênh rạch…
            Khác với kênh rạch ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi đây chúng tôi hành quân ven những kênh  là những hàng cây trái xanh tươi, trĩu quả, miên man là dừa, xoài, cam, ổi… Nhà dân của vùng này cũng đông đúc hơn nhiều.
          Thời gian này Trung đoàn vẫn tiếp tục “nhổ” các đồn bốt của địch án ngữ trước mặt “hướng tiến quân” về giải phóng Sài Gòn. Rộn rã trong lòng mỗi người lính Giải Phóng Quân lời bài hát Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Bao năm chiến đấu gian khổ trường kỳ, biết bao đồng đội kế tiếp nhau ngã xuống, hôm nay đây, ngày toàn thắng đang đến gần, nhưng mỗi chúng tôi đều không thể biết chắc mình có kịp sống đến ngày toàn thắng, mặc dù vậy, lòng không chút nao núng, chúng tôi vẫn tiến lên phía trước, vẫn ca vang bài ca ra trận giải phóng nước nhà:
“…. Quê nhà ta đau đớn lầm than đang bóp nghẹn tim người
 Sài Gòn ơi! Ta đã về đây! Ta đã về đây! …
 Lướt qua nắng mưa súng bom nhịp chân đi
Quê hương kêu gọi tiến lên diệt quân Mỹ!
Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù
Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô!...”
            Tiểu đoàn 2 + 3 được lệnh đánh chiếm đồn Xẻo Muồng và Mỹ Phước Tây thuộc huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Định Tường,  2 đồn này án ngữ, bảo vệ hành lang cho quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1.)
            Tiểu đoàn 1 được lệnh đánh chiếm và tiêu diệt đồn Cầu Bà Tồn trên quốc lộ 4.( Bạn đọc có thể xem bài viết của Hồ Tĩnh Tâm cựu chiến binh trung đoàn 207 về trận đánh ở Cầu Bà Tồn đã đăng trên trang web E207.)
            Ngày 24/4/1975, cả trung đoàn được lệnh tạm dừng chân, tôi và anh Năm Thắng được mời dự họp quân chính do Đảng ủy và Ban chỉ huy trung đoàn triệu tập khẩn cấp tại một vườn cây ăn trái rậm rạp.  Đc chính ủy nói tóm tắt tình hình chíến sự rồi đc trung đoàn trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị với phương châm là “thần tốc”. Mục tiêu là “căn cứ Đồng Tâm rồi thẳng tiến về ngã ba Trung Lương hướng về Sài Gòn”. Tin thắng trận từ khắp các chiến trường lan nhanh nhưng cánh lính chiến như chúng tôi thì gần như “mù tịt”, cứ triền miên qua hết trận đánh này tới trận đánh khác mà cũng chẳng có điều kiện và thời gian đâu mà nghe được đài (radio)...Khi biết tin ta đã giải phóng vào tới tận Xuân Lộc cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, nhiều chiến sỹ ta đã nhảy lên, ôm nhau mừng vui khôn tả…
            Ngày 25/4/1975, hậu cần tiếp tục bổ sung súng đạn và lương thực cho bộ đội, ngoài cơ số chiến đấu như thường lệ, còn nhiều cơ số dự bị được lực lượng dân công hỏa tuyến vận chuyển luôn theo sát, tiếp tế kịp thời cho lực lượng vận tải, hậu cần của trung đoàn, ( không khí chiến thắng rõ rệt ngay cả trong lĩnh vực vận tải vũ khí  đạn dược và lương thực cho bộ đội).
            Đêm 25/4/1975, 3 tiểu đoàn bộ binh  được lệnh hành quân trước. Các đơn vị trực thuộc cũng được lệnh bám gót các tiểu đoàn bộ binh để kịp thời chi viện hỏa lực khi có yêu cầu. Sở chỉ huy trung đoàn lại được lệnh “nhổ neo” cùng các đơn vị tiến về phía trước. Thời gian này, cánh thông tin hữu tuyến được “xả hơi”. Vì đội hình toàn trung đoàn luôn cơ động. Lực lượng thông tin 2w phải làm việc hết công suất. Đài 15w cũng phải thường xuyên mở máy phát sóng, ngay cả khi  hành quân. Tuy nhiên, để nhận lệnh và báo cáo về trên một cách nhanh nhất, đài 15w phải lợi dụng tất cả các địa hình, địa vật, “ tạm dừng chân” kéo ăng ten, mở máy phát sóng có khi ngay bên cạnh các bờ kênh, gò đất…
             Ngày 28/4/1975, sở chỉ huy trung đoàn vẫn tiếp tục hành quân đường bộ (lúc này phương tiện bằng đường thủy không còn tác dụng nữa). Ngay đêm đó tiểu đoàn 1 đi đầu đã vào trận. Tập kích quân địch của sư đoàn 7 đóng giã ngoại gần quốc lộ 4 (trận đánh này Hồ Tĩnh Tâm, cựu chiến binh E207 đã viết và đăng trên trang web của trung đoàn). Người bạn rất thân của  Hồ Tĩnh Tâm là đc Thơ đã hy sinh trong trận đánh này:
“…. Đêm đó trong lửa đỏ
Mày chia lửa cho tao,
Vượt hàng rào phòng thủ
Tao với mày gặp nhau.
Mặt mày lem thuốc pháo
Nở nụ cười với tao,
Rồi lao vào hai mũi
Lửa đỏ trùm hai nơi.
Thọc sâu vào tung thâm
Đánh tan tiểu đoàn địch,
Trong tiếng hò thắng lợi
Tao cõng mày trên lưng.
Máu mày rơi từng giọt
Từng giọt đỏ như cờ;
Thịt da mày nóng rực
Như mặt trời ban trưa
Tao gọi mày…Thơ   ơi! ”
 ( Hồ Tĩnh Tâm – Thơ….ơi )

          Tiểu đoàn 2 đã áp sát quốc lộ 4. Tiểu đoàn 3 áp sát căn cứ pháo binh Long Định. Cả 3 tiểu đoàn 1, 2, 3 của ta vừa đánh địch, vừa mở đường thẳng về hướng căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho).
            Căn cứ Đồng Tâm cách thành phố Mỹ Tho khoảng 10 km là một căn cứ quân sự thuộc loại bậc nhất của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Căn cứ này trước đây là căn cứ quân sự của Mỹ và sau này là hậu cứ của sư đoàn 7 quân Ngụy Sài Gòn. Nó có diện tích rộng tới mấy chục km2, có 2 đường bộ lớn ra vào (cổng 1 đường qua Bình Đức chạy thẳng về TP Mỹ Tho, cổng 2 đường chạy thẳng ra quốc lộ 4)
 .
(Cây cầu nối liền căn cứ Đồng Tâm và thành phố Mĩ Tho)
            Khu quân sự Đồng Tâm được xây dựng rất kiên cố, xung quanh là nhiều lớp rào dây kẽm gai và những bãi mìn dày đặc. Bên trong được chia thành nhiều khu có đường nhựa ngang dọc như bàn cờ để tiện cho các loại xe  cơ giới ,cơ động.
            Từng khu trong căn cứ lại có hàng rào riêng biệt, bên trong từng khu là một hệ thống nhà, hầm vừa bằng bê tông cốt thép, vừa bằng bao cát và đầy đủ các tiện nghi, ngoài lính bộ binh bảo vệ vòng ngoài, căn cứ Đồng Tâm có đủ các loại pháo cối từ 60, 81, 106,7 và pháo 105, 155. Căn cứ Đồng Tâm còn có nhiều chi đoàn xe tăng và xe bọc thép cùng với sân bay lên thẳng
.
 (Sân bay trong căn cứ Đồng Tâm)
            Với diện tích và cơ sở vật chất như vậy, sau khi ta tiếp quản, sư đoàn huấn luyện 868 của ta do anh Tư Dẫu nguyên chính ủy trung đoàn 207 trực tiếp làm chính ủy sư đoàn với biên chế có lúc lên tới 27 tiểu đoàn. Mỗi tiểu đoàn từ 5 – 6 trăm quân .
            Khoảng 3h sáng ngày 29/4/1975, chúng tôi vẫn bám gót sở chỉ huy trung đoàn , hành quân bộ, tiến về hướng quốc lộ 4. Đi ngược lại với chúng tôi là rất nhiều cáng liệt sỹ và thương binh được chuyển về phía sau (liệt sỹ và thương binh của cả 3 tiểu đoàn), do du kích và nhân dân địa phương giúp đỡ chuyển thương.
            Khoảng 4h sáng ngày 29/4/1975, sở chỉ huy trung đoàn được lệnh dừng chân tại một khu vườn có diện tích khoảng vài ha. Xung quanh là cánh đồng lúa đã thu hoạch chỉ còn chừa lại những gốc rạ.
            Cả 3 cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần đều khẩn trương đào công sự.
            Đài 15w đã nhanh chóng mở máy phát sóng 2 đồng chí vào kíp trực làm việc ngay, các đồng chí còn lại cũng khẩn trương đào hầm.
            Khoảng 7h sáng ngày 29, chúng tôi đã hoàn thành chiếc hầm dã chiến lộ thiên có giao thông hào qua hầm đc chính ủy và trung đoàn trưởng. Hầm của cụm đài 2w gồm 4 máy cũng chỉ cách hầm đài 15w độ 5m.
            Tình hình chiến sự ngày càng khốc liệt, các đơn vị phía trước tiểu đoàn 1, 2, 3 và các đại đội trực thuộc vẫn tiếp tục nổ súng đánh địch. Pháo của địch tại căn cứ Đồng Tâm, Bình Đức, Long Định và các vùng lân cận vẫn ầm ầm nhả đạn.
            Khoảng 9h sáng ngày 29/4/1975, sở chỉ huy trung đoàn bị hàng trăm quả đạn 155 của địch bắn phá, nhưng rất may, cán bộ và chiến sỹ ta không có thương vong.
            12h trưa ngày 29/4/1975, thông qua bức điện “tối khẩn” của bộ chỉ huy chiến dịch, anh Ba Trứ và anh Năm Thời mới “tiết lộ” cho chúng tôi tin tức nóng hổi và bất ngờ ( không như chúng tôi tưởng tượng rằng mình sẽ ào ào như vũ bão tiến thẳng về Sài Gòn ):
      - Đội hình hành tiến của sư đoàn 8, trong đó có trung đoàn 207,  có nhiệm vụ quan trọng là “dừng chân” bao vây và đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm do sư đoàn 7 quân Ngụy Sài Gòn đóng giữ. Nhiệm vụ của sư đoàn 8 phải kềm chân sư đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn không cho chúng về chi viện và ứng cứu Sài Gòn. Các sư đoàn còn lại thuộc quân đoàn 4 của địch đã có các đơn vị bạn của ta đảm nhiệm, kềm chân.
            Vậy là một sư đoàn của ta đối đầu với 1 sư đoàn của địch (50/50), nhưng bọn địch có ưu thế về hỏa lực pháo binh, xe tăng, xe thiết giáp và cả không quân chi viện.
            Khoảng 14h, ngày 29/4/1975, chiếc máy bay trinh sát 2 thân (OV10) từ hướng Cần Thơ lao đến, đảo nhiều vòng trên bầu trời và sau đó 4 chiếc phản lực F5 cũng xuát hiện.
            Bất ngờ, chiếc OV10 chúi đầu phóng quả pháo khói chỉ điểm. Cột khói trắng chỉ cách cụm đài 15w chúng tôi khoảng 30m. Gần trăm cán bộ chiến sỹ của trung đoàn bộ “thót tim”... Một khoảng đất “ bé tí tẹo” nằm giữa vùng đồng trống mà công sự hầm hào thì đủ sức tránh pháo và đạn nhọn chứ đâu có tránh nổi bom có sức công phá lớn, chúng tôi sẽ ra sao đây?.
Chúng tôi hình dung với số lượng bom của 4 chiếc phản lực đang vòng lộn trên bầu trời kia khi nó trút xuống khoảng đất này thì sự tàn phá của nó sẽ vô cùng khủng khiếp. Một “tai họa” sắp đến cho sở chỉ huy trung đoàn…
            Trong tình huống nguy cấp ấy, người chỉ huy dũng cảm sẽ có những quyết định sáng suốt. Anh Năm Thời ra lệnh ngay cho các khẩu đội A72 (một loại súng tên lửa phòng không vác vai tầm nhiệt) được bộ chỉ huy chiến dịch  tăng cường. Bốn đồng chí xạ thủ thoát lên khỏi công sự lợi dụng những thân cây dừa làm bệ tỳ ngóc nòng súng lên bầu trời “nghênh chiến”.
            Cụm khói trắng cạnh chúng tôi đã tan dần, 4 chiếc phản lực đã thu hẹp đường vòng. Chiếc OV10 quyết định chúi đầu phòng tiếp pháo khói chỉ điểm cho lũ phản lực… Tôi chỉ nghe tiếng Oàng..xéo…xéo…, một quả đạn A72 cách chỗ tôi khoảng 50m xé gió lao lên cắm vào chiếc OV10 nổ tung. Chiếc máy bay trinh sát đứt làm đôi rơi xuống cánh đồng cách sở chỉ huy khoảng 2 km.
            Biết chúng tôi đã có loại vũ khí vô cùng lợi hại, 4 chiếc phản lực không muốn chịu chung số phận như chiếc OV10, chúng mở rộng vòng bay rồi biến mất về hướng Cần Thơ. Chúng tôi thoát chết trong gang tấc!
            Khoảng 20h ngày 29/4/1975, nguồn tin trinh sát báo về, bọn địch ở căn cứ pháo binh Long Định đã bỏ đồn tháo chạy. Anh Năm Thời ra lệnh cho tiểu đoàn 3 cử 1 bộ phận vào thu dọn chiến trường rồi giao cho bộ đội và du kích địa phương canh giữ.
            2h sáng ngày 30/4/1975, cả 3 tiểu đoàn được lệnh vượt quốc lộ 4 áp sát căn cứ Đồng Tâm.
            7h sáng, ngày 30/4/1975, những công điện bằng máy 2w từ các tiểu đoàn  liên tục báo về sở chỉ huy trung đoàn. Những mệnh lệnh của bộ tư lệnh sư đoàn và bộ chỉ huy chiến dịch cũng tới tấp chuyển tới qua đài 15w. Bộ phận báo vụ và bộ phận cơ yếu làm việc không biết mệt mỏi. Thông qua những bức điện, cánh chúng tôi hiểu rằng, tình hình trên khắp các chiến trường đang “nghiêng hẳn” có lợi thế cho ta, riêng anh Ba Trứ và anh Năm Thời, tôi cảm thấy các anh vui mừng và tự tin hơn bất cứ lúc nào.
            9h sáng ngày 30/4/1975, địch cho nhiều xe thiết giáp phản kích ra hướng D1, D3, tiểu đoàn 1,  3 được lệnh dùng hỏa lực chống tăng kềm chân quân địch, ,khoảng 10h từ trận địa D1, D3 báo về lũ xe tăng và xe bọc thép đã “co đầu” vào trong căn cứ, bộ đội ta đã có một số hy sinh và bị thương.
            12h ngày 30/4/1975, một công điện từ bộ chỉ huy chiến dịch: “Tổng thống ngụy, Dương Văn Minh, đã đầu hàng, Sài Gòn đã được giải phóng”. Mọi người trong sở chỉ huy,  trung đoàn bộ, trong có có anh Ba Trứ và anh Năm Thời nhảy cẫng lên, nhiều đồng chí rơi  nước mắt, một niềm vui… thật khó mà có thể nói hết được … của chúng tôi ngày ấy,  giờ phút thiêng liêng của Tổ quốc đã đến. Miệng cười tươi mà nước mắt tuôn trào…bởi đồng đội của chúng tôi vẫn kẻ trước người sau đang tiếp tục ngã xuống…
            12h 15 ngày 30/4/1975, một công điện khẩn cấp từ bộ tư lệnh sư đoàn và bộ chỉ huy chiến dịch: trung đoàn 207 và sư đoàn 8 chuyển sang vây ép căn cứ Đồng Tâm, không được nổ súng khi quân địch không phản kích. Lúc này các chiến sỹ ta ngoài mặt trận vẫn còn chưa hay biết gì… Vẫn vững chắc tay súng và sẵn sàng đợi lệnh xung phong…
            Khoảng 2h chiều, một công điện từ bộ chỉ huy chiến dịch: “Tên Trần Văn Hai sư đoàn trưởng, sư đoàn 7 quân ngụy Sài Gòn đã tự sát”. Từ ngoài trận địa báo về, bọn địch trong căn cứ Đồng Tâm đã kéo cờ trắng XIN ĐẦU HÀNG.
            Lệnh từ sở chỉ huy trung đoàn xuống các tiểu đoàn: mở đường cho đám lính sư đoàn 7 tư do thoát thân.
            4h chiều cùng ngày ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Tâm,cùng với toàn quân, toàn dân giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất tổ quốc…
(còn nữa…)
bai-25-1

Viết thêm về ngày 30/4
Có 2 chuyện cười ra nước mắt nhân ngày 30/4 về C25 đặc công – E207
1-     Trước khi vào chiến trường, lính đặc công đều được học lái xe ở Xuân Mai  (Hà tây cũ), vì thế , khi vào tiếp quản căn cứ Đồng tâm, cứ 4-5 anh có 1 xe ô tô, nhóm thì xe jeep, nhóm xe tải nhẹ, chạy tung trời trong căn cứ, chạy cả ra Mỹ tho chơi, khi về hết xăng, bỏ xe lại, nhờ xe khác về, khi mang xăng ra thì mất xe, lại về căn cứ kiếm cái khác, trong lần đi tìm xe lái chơi, lính ta phát hiện ra 1 chiếc xe thể thao hai cửa, mui trần, chắc là của sỹ quan Mỹ bỏ lại, lính ta lái dạo chơi khắp căn cứ Đồng Tâm. Ai dè thủ trưởng sư đòan thấy được, yêu cầu mang nộp về sư. Thế là  trên đường về, lính ta đẩy ngay xe xuống sông phía sau căn cứ, sau đó báo cáo là xe bị tai nạn, lao xuống sông, còn thò lên mỗi tí đuôi. Báo hại, hôm sau vệ binh sư đoàn phải dùng xe GMC kéo lên mang đi, sau này không biết xe đó đi về đâu?!
2-     Khi vào tiếp quản căn cứ Đồng tâm, tranh ảnh khỏa thân rất nhiều, lính ta hầu hết còn rất trẻ, chưa nhìn thấy bao giờ, vì thế, anh nào cũng thủ vài tấm trong ba lô, chính trị viên trưởng Vũ Chí Nghiêm biết được, đang đêm báo động di chuyển khẩn, đi trấn áp tàn quân, lính ta  vội vã thu dọn ba lô di chuyển theo lệnh, khi đi không quên mang theo ảnh khỏa thân, khi đi ra đến cánh đồng trống, thủ trưởng cho nghỉ giãi lao, và ra lệnh khám ba lô, thế là bao nhiêu ảnh khỏa thân bị thu và đốt tại chỗ, xong lại quay về ngủ. Lính ta tức lắm, ngày hôm sau, biết tính Thủ trưởng Vũ Chí Nghiêm ăn ở rất sạch sẽ, mỗi tối, trước khi ngủ, thủ trưởng phải rũ chiếu, quét giường đàng hoàng, lính ta bèn mang một tấm ảnh cô gái khỏa thân to đúng bằng chiếc chiếu giường một, lót xuống chiếu, tối thủ trưởng rũ chiếu để ngủ, phát hiện ra, tức quá, quát tháo ầm ĩ, điều  tra, nhưng không ai nhận. Sau này khi đã ra quân về làm dân, chúng tôi hỏi xếp lúc đó thấy sao, xếp bảo cũng hơi thinh thích nhưng phải gương mẫu.
(Không tin các bạn cứ hỏi lại Đ/C Vũ Chí Nghiêm, nay là chủ tịch hội đồng quản trị công ty Sách và Thiết bị Trường học tỉnh Hải Dương)

No comments:

Post a Comment