Saturday, May 19, 2018

HỒI KÝ CHIẾN TRƯỜNG BÀI 24
          Vũ Trung Kiên - CCB trung đoàn 207
ĐÁNH CHIẾM ĐỒN NGÃ TƯ THANH MỸ
hk-ct-bai

“ Là Việt Nam chống Mỹ
Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ
Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa Tự do...

Người dạy chúng tôi
Hãy bền gan đánh giặc
Dẫu phải chết cũng không khuất phục:
"Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!"
 ( Trích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm)
            Chiến thắng Ngã Sáu Bằng Lăng là một chiến công to lớn của ta ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, làm nức lòng quân và dân 3 tỉnh: Định Tường, Kiến Phong, Kiến Tường.
            Thời kỳ này đang là cao điểm mùa khô nên bộ đội ta mỗi lần di chuyển rất khó khăn (nửa bộ, nửa xuồng).
            Các kênh lớn có độ sâu nên bộ đội ta vẫn hành quân được bằng xuồng. Ngược lại các kênh rạch nhỏ khi nước thủy triều lên thì lòng kênh rất sâu, rất thuận lợi cho bộ đội ta di chuyển bằng phương tiện đường thủy nhưng khi thủy triều rút xuống thì lòng kênh cạn kiệt có chỗ nước chỉ còn ngang đầu gối. Bộ đội hành quân trong một ngày một đêm 24 giờ có hai lần lên xuống như vậy. Do đó việc hành quân di chuyển của bộ đội ta phụ thuộc rất nhiều vào sự tính toán của các vị chỉ huy để hạn chế đến mức thấp nhất cho bộ đội ta không bị mất thời  cơ vào chiến dịch và cũng đỡ vất vả.
            Giữa tháng 3 năm 1975, cơ quan trung đoàn bộ đóng xung quanh khu vực Mỹ Thiện. Ở đây cây cối rậm rạp, xanh tươi, đan xen có những vườn cây ăn trái. Do dân cư vẫn còn thưa thớt nên dưới các kênh rạch cá tôm nhiều vô kể. Chúng tôi đã chứng kiến cách bắt cá của nhân dân vùng này đặc biệt là loại cá chốt. Họ chẳng cần vó, lưới, lợp gì cả. Chỉ với chiếc xuồng ba lá và con mắm (loại mắm cá lóc còn nguyên con, cũng không cần to lắm chỉ bằng ngón chân cái là được), các chị, các cô ngồi trên chiếc xuồng ba lá, nghiêng về một bên tay trái cầm con mắm thả lập lờ trên mặt nước, đàn cá chốt thấy mùi bu lại “lúc nhúc”. Có khi rộng bằng cả mấy chiếc chiếu. Vậy là mấy ngón tay của bàn tay phải các chị quấn vải lại (cho khỏi trơn) và cứ vậy nắm râu cá chốt thảy lên xuồng. Thời gian chỉ vài tiếng đồng hồ là chiếc xuồng ba lá đầy cá chốt, muốn khẳm.
            Cánh chúng tôi không quen bắt cá kiểu này thì kiếm chà gai hoặc nhánh cây bó lại như bó củi cột lại bằng dây rồi quẳng xuống nước ven các kênh rạch. Một đầu dây kia buộc vào cọc hoặc gốc cây trên bờ kênh để cho bó chà khỏi lạng đi xa. Buổi tối thả xuống, sáng hôm sau kéo bó chà lên, giũ ra là trong bó chà đã có được từ 2 – 3 ký cá, đủ các loại: cá rô, cá chốt, cá sặt, cá trê… Do vậy một bếp ăn sẽ tùy theo quân số để tính toán làm chà bắt cá.
            Gặp những đìa cá, nhân dân đã khai thác, nước trong đìa chỉ còn đến bụng nhưng cá lóc (cá chuối) vẫn còn nhiều vô kể.
          Anh Năm Thắng và đc Nói là hai “tay” bắt cá cự phách.
            Bữa đó 3 chúng tôi quyết định “trổ tài”, kéo thêm đồng chí Tốt liên lạc ra tận ngoài cánh đồng cách đơn vị đóng quân cũng gần cây số và gặp ngay một đìa cá bỏ hoang. Vậy là anh Năm Thắng ra lệnh “hành động”. Bốn chúng tôi bỏ súng đạn, quần áo trên bờ (chỉ mặc quần đùi) xuống đìa “tác nghiệp”. Anh Năm Thắng và đc Nói quậy tưng bừng làm cái đìa nước đục ngầu, các loại cá nhảy tưng tưng. Chờ một lát các anh mò theo những dấu chân dưới lớp bùn và lôi lên những chú cá lóc to bằng cườm tay, thảy lên bờ. Tôi cũng theo chân các anh, lòm khòm thọc tay xuống qua lớp nước là xuống lớp bùn: “cá nhiều vô kể”. Tuy nhiên, do “kém tài” nên tôi loay hoay cả nửa tiếng đồng hồ mà vẫn chưa bắt được con cá nào. Lúc nắm phải đầu, lúc tóm phải đuôi. Nhưng nó chỉ quẫy một cái là đã vuột khỏi tay tôi bơi đi mất dạng. Tôi đổ quạu dùng cả 2 tay chộp cá nhưng ôi thôi vừa đút tay vào một lỗ hang thì tay tôi đau nhức muốn phát khóc. Rút tay lên khỏi mặt nước thì giữa lòng bàn tay trái máu chảy đầm đìa, anh Năm Thắng vội lao tới dìu tôi lên bờ đến đống quần áo móc túi lấy ra điếu thuốc ruby xanh vé vụn đắp vào vết thương cho tôi, anh nói “loại này cầm máu tốt lắm” và anh an ủi tôi: “Không sao đâu chắc bị gai cá trê đâm ấy mà”.
            Cuộc bắt cá tạm đành phải dừng. Đồng chí Tốt lấy ngay quần dài buộc túm 2 ống quần lại rồi lượm cá dồn vào phải mấy chục ký, lệ khệ vác về tặng nhà bếp.
Trong suốt thời gian này, sau khi đánh chiếm hoàn toàn đồn Ngã sáu, các đơn vị bộ binh được nghỉ ngơi, tập huấn. riêng hai đại đội trinh sát C21 và đặc công C25 được giao nhiệm vụ trinh sát đồn Ngã tư Thanh Mỹ, đây là một đồn lớn, nằm trong hệ thồng đồn bốt cùng với đồn Ngã sáu, nằm trên kênh 28 và kênh Nguyễn Văn Tiếp,  là một hệ thống liên hoàn với đồn Ngá Sáu nhằm án ngữ và ngăn chặn tuyến giao liên bằng đường thủy của ta nên chúng bố phòng rất kiên cố. Đồn do 2 đại đội bảo an đóng giữ, xung quanh là 7, 8 lớp rào kẽm gai chằng chit và các bãi mìn, trong đồn là những lô cốt bằng bê tông cốt thép, xen lẫn những lô cốt bằng bao cát chất dày cả mét. Đồn được bố trí các loại trọng liên 12 ly 7. đại liên 30 và đủ các loại đạn nhọn, súng chống tăng M72. Trung tâm đồn là trận địa cối 106,7, cối 81 và cối 60 ly.
    Khi đồn Ngã sáu chưa bi diệt, thì hai đồn Ngã tư Thanh Mỹ và Ngã sáu của địch thường chi viện cho nhau, nay đồn Ngã sáu bị đã bị diệt, nên địch trong đồn Ngã tư Thanh Mỹ ra sức củng cố lại, tăng thêm viện, mở thêm các đồn tua (là một loại chốt nhỏ, bố trí xung quanh đồn, mỗi chốt có 3-5 tên địch chốt giữ, cách đồn chính khoảng 100-200m), làm cho việc trinh sát, điều nghiên gặp rất nhiều khó khăn. Song C25 đặc công và C21 trinh sát của trung đoàn 207 vẫn luồn lách điều nghiên kỹ lưỡng. Gần đến ngày nổ súng, C25 dẫn đường đưa các chỉ huy tiểu đoàn 2 - 3 và các chỉ huy đại đội trực thuộc như C16 hỏa lực, vào tận hàng rào ngoài cùng để nắm tình hình địch, và xác định vị trí sẽ tấn công.
17h, ngày 23/3/1975, trung đoàn bộ lại được lệnh hành quân. Vẫn bằng xuồng ba lá luồn lách qua những kênh rạch. Và dừng chân bên bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp. Trung đoàn  quyết định sử dụng tiểu đoàn 2 + 3+ C25 và toàn bộ hỏa lực chi viện đánh đồn Ngã Tư Thanh Mỹ.
  Đồng chí Phan Xuân Thi nhớ lại: Để chuẩn bị cho việc đánh đồn Ngã Tư Thanh Mỹ, ngày 20/3 đại đội trinh sát nhận lệnh hành quân trước để bám địch giúp cho cán bộ chỉ huy nghiên cứu đồn Thạnh Mỹ. Khi còn cách đồn Thanh Mỹ khoảng 3 km, thì bỗng một loạt cối trong đồn bắn ra, trúng đội hình hành quân của đại đội trinh sát. Một quả nổ cạnh chiếc xuồng của đc Cương (lúc này đc Cương là đại đội phó đại đội trinh sát). Chiếc xuồng bị lật úp, đc Cương bị thương phần mềm còn 2 đc chiến sỹ đi chung xuồng vô sự. Sau này đc Cương lên làm đại đội trưởng trinh sát và đã hy sinh tại mặt trận phía Tây Nam năm 1979.
                        Khoảng 2h sáng ngày 25/3/1975 các đơn vị đã vào hết vị trí tập kết theo quy định, tiểu đoàn 2 chiếm lĩnh đào công sự từ hướng Nam, C25 từ hướng Đông, Tiểu đoàn 3 từ hướng Tây + Bắc. Hỏa lực 12ly 8 được tăng cường cho 2 tiểu đoàn trực tiếp chỉ huy. Trận địa cối 82 nằm ngay trước mặt sở chỉ huy trung đoàn.
            Sở chỉ huy trung đoàn nằm cách đồn Thanh Mỹ khoảng 2km. Đây là khu vực dân cư nhưng nhà dân còn thưa. Nhà nào cũng lợp bằng lá dừa nước và có hầm trú ẩn tránh bom pháo.
            Anh Năm Thắng theo sát cụm đài 2w nằm ngay cạnh hầm của anh Năm Thời và anh Ba Trứ. Tôi ở chung với cụm đài 15w, cách hầm của sở chỉ huy khoảng 50m.
            Cạnh chiếc hầm lộ thiên của đài 15w. Cách khoảng 20m là một ngôi nhà dân nhỏ nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Tôi quyết định cho một bộ phận ở lại trực đài còn lại tranh thủ chui vào nhà dân ở nhờ, tranh thủ chợp mắt để giữ sức khỏe cho những ngày sau.
            Chủ nhà là một cô gái tên Hồng độ 24 – 25 tuổi, mặc bộ quần áo bà ba loại vải tuyết nhung (một loại vải rất đẹp thời đó các chị em phụ nữ miền Nam vẫn mặc). Căn nhà  có 2 gian, vách ngăn cũng bằng lá. Chỉ có một chiếc giường bằng tre trong gian buồng nên chúng tôi phải trải tấm nilon xuống đất giăng mùng. Thấy có chiếc máy may  thì tôi đoán cô chủ làm nghề thợ may.
            4h kém 15, đc liên lạc đi với anh Năm Thắng đánh thức tôi dậy, tôi quơ đại khẩu súng ngắn và đến hầm của cụm đài 2w… Đúng 4h sáng, pháo các cỡ của ta được lệnh bắn phá đồn Thanh Mỹ. Cối 120 của sư đoàn tăng cường, cối 82 của trung đoàn. Đạn cầu vồng của ta nổ ì ầm trong căn cứ địch kèm theo những ánh chớp nhì nhằng.
            4h30, pháo cầu vồng được lệnh ngưng bắn, bộc phá sào và mìn DH10 nổ tung phá tan nhiều đoạn rào dây thép gai, tạo ra những khu cửa mở quanh đồn chuẩn bị cho bộ đội xung phong. Đc Se trung đội phó hữu tuyến trực máy tại sở chỉ huy đưa tổ hợp cho anh Năm Thời và anh Ba Trứ. Tin tức truyền về: Bọn địch chống cự rất quyết liệt. Các loại cối pháo ở trong đồn tuôn đạn vào đội hình của bộ đội ta. Đạn 12ly7, đại liên 30 và các loại đạn nhọn, cũng tuôn ra các hướng cửa mở như vãi trấu, đạn M79 (cối cá nhân) nổ chát chúa… Bộ đội ta đã có thương vong.
            Ta vẫn chưa đánh chiếm được cửa mở. 5h30 sau khi bàn bạc với chính ủy trung đoàn Ba Trứ, trung đoàn trưởng Năm Thời ra lệnh qua máy hữu tuyến, bộ đội ta chuyển sang vây ép để bảo tồn lực lượng, vậy là cả ngày hôm đó, bộ đội ta phải ẩn mình dưới các công sự ngay sát hàng rào địch. Cứ mỗi lần nghe pháo bắn thẳng của ta khai hỏa là đạn các cỡ trong đồn địch lại rộ mé tuôn ra các hướng. Đêm  25, bộ đột ta được lệnh tiếp tục áp sát trận địa địch. Số liệt sỹ và thương binh được C22 vận tải chuyển về phía sau. Rồi họ lại vận chuyển đạn dược ra bổ sung cho các trận địa. Suốt đêm hôm đó, pháo cầu vồng của ta tiếp tục bắn phá đồn Thanh Mỹ, pháo bắn thẳng khi phát hiện được hỏa điểm là lập tức khai hỏa tiêu diệt ngay.
Đêm 25, C25 đặc công được tung vào trận, do bị vậy ép cả ngày, nên bọn địch trong đồn rất cảnh giác, việc luồn sâu vào trong bốt là không thể được, do không còn yếu tố bí mật bất ngờ, vì thế C25 đặc công, bằng kỹ thuật điêu luyện, mang theo 6 quả mìn DH 10 (một loại mìn hình nón, mỗi quả chứa 10kg thuốc nổ TNT) vào sát hàng rào ngoài cùng, lập thành hai cụm mìn cách nhau khoàng 5-6 m, mỗi cụm 3 quả chồng lên nhau, nối kíp nổ cho cả hai cụm mìn vào cùng một nguồn điện, và lính c25 nằm chờ cách đó khoảng 30m,  khoảng gần 5 giờ sáng, lệnh từ tổng chỉ huy cho nổ mìn. Cùng lúc, một tiếng nổ long trời do hai cụm mìn cùng lúc phát nổ, tạo thành một hành lang rộng hướng thẳng vào đồn giặc, đất đá mù mịt rơi xuống, nhưng lính C25 vẫn nhanh chóng vượt qua tất cả các chướng ngại vật, xông thẳng vào trong đồn, dùng thủ pháo tấn công vào những vị trí kháng cự của địch từ bên trong đồn.
              Ngay sáu đó, rạng sáng ngày 26/3/1975 bộ đội ta được lệnh xung phong. Từ các công sự  các chiến sỹ ta nhất loạt  xông lên  tràn qua cửa mở . C25 đặc công  như một mũi mác vượt lên trước đánh thẳng vào trung tâm đồn ,tiểu đoàn 2 và 3 cũng phối hợp nhịp nhàng … Không chịu nổi  với sức tấn công như vũ bão của ta, quân đich lớp chết, lớp bị thương, lớp mở đường máu tháo chạy.(riêng khu vực do C25 đặc công đảm nhiệm bọn địch bỏ lại rất nhiều xác chết , 1 tên địch chạy không kịp đã bị lính đặc công của ta bắt sống .Chấp hành triệt để chính sách tù hàng binh của quân đội và nhà nước ta, đc Vũ Chí Nghiêm chính trị viên C25 đã nhanh chóng giảng giải ,trấn an tinh thần rồi quyết định phóng thích tên tù binh tại chỗ, hướng dẫn cho anh ta an tâm về với gia đình  …Tên tù binh mừng vui ra mặt, cảm ơn quân giải phóng và hứa “sẽ không bao giờ đi lính, làm tay sai cho giặc nữa” !
            6h sáng 26/3/1975, từ ngoài trận địa báo về, ta đã làm chủ hoàn toàn đồn Thanh Mỹ thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và các phương tiện chiến tranh. Vậy là đồn Thanh Mỹ nằm trong khu vực Đồng Tháp mười đã bị E207 san bằng và từ đó trở đi khu vực này vĩnh viễn nằm trong vùng giải phóng của ta. Hậu cứ của quân khu 8, của tỉnh Kiến Phong, Định tường, Kiến tường và hành lang đường giao liên từ biên giới xuống chiến trường được mở rộng vững chắc, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tiếp tục thọc sâu xuống chiến trường cửa ngõ phía nam Sài Gòn thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
        Trận đánh này toàn trung đoàn bị thương 4 đc, hy sinh 7đc  (trong đó có đc Nguyễn Xuân Viễn, chính trị viên phó đại đội quê quán tại xã Đức Thuận, huyện Đức Thọ,Tỉnh Hà Tĩnh)
            17h cùng ngày, sở chỉ huy trung đoàn được lệnh xuống xuồng tiếp tục hành quân rời vị trí. Tôi vội ghé nhà cô thợ may để từ giã và cảm ơn. “Người chủ nhà” đã cho chúng tôi ngủ nhờ khi chuẩn bị bước vào trận đánh.
            Cô chủ  “bịn rịn” tiễn chúng tôi ra tận bờ kênh để chúng tôi xuống xuồng. Lúc này tôi mới nhìn rõ mặt Hồng, khuôn mặt tròn trịa, da trắng hồng, rất đẹp…nhưng cô ấy đi cà nhắc, cà nhắc rất khó khăn… Thì ra chân trái của Hồng là chân giả. Hồng bị một mảnh pháo của địch cách đây 4 năm, được gia đình chuyển về bệnh viện Sài Gòn tháo khớp tới tận đầu gối và thay thế bằng chiếc chân giả. Hồng làm nghề thợ may nhưng mỗi khi may đồ chỉ đạp bàn máy bằng  một chân….
            Chiến tranh là thế… Rất nhiều người dân vô tội đã phải mang thương tật suốt cuộc đời vì bom pháo, mìn và các chất nổ…
(còn nữa…)

No comments:

Post a Comment