Tuesday, November 21, 2017

TẠI SAO TÔI TIN CÓ LUÂN HỒI NHÂN QUẢ ?
- Nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn đại dương .-- Kinh Phật .
- Nếu biết KIẾP TRƯỚC tạo nhân gì , hảy xem kiếp này hưởng quả gì .-- Kinh Phật .
Tôi là ng thường xuyên cổ vỏ cho Luân Hồi Nhân Quả trên FB này . Có bạn có thể nghĩ rằng tôi là 1 Phật tử THUẦN THÀNH (nên truyền bá đạo mình) : sai rồi , vì dù chỗ ở kế chùa nhưng tôi chỉ qua vài lần khi bạn bè mời ăn cơm chay tại nhà hàng chay của chùa ; dù ở Mỹ 23 năm , tôi đi chùa chưa tới 10 lần . Ở nhà cũng ko có bàn thờ Phật , chỉ thờ cha mẹ ông bà . 
Hồi 14-15 t , khi được gia sư Pháp văn (từ Pháp về dạy cho 2 anh em tôi) nói về luân hồi (LH) , tôi ko tin . (Viết tới đây con gái ông láng giềng Mỹ đen xin 1 cuộn giấy VS và nói dăm ba câu chuyện , chờ khi cô đi tôi viết tiếp) .
Tôi nói với thày , "nếu có LH sao tôi ko nhớ kiếp trước" và tôi cải rất hăng . Sau này , khi bất ngờ bị bịnh nặng khi 14 t , dùng nhiều trụ sinh , cơ thể bắt đầu gầy ốm , suy dinh dưỡng , thường xuyên bịnh tật , v.v... tôi bắt đầu đặt câu hỏi như TẠI SAO TAI HỌA ĐẾN VỚI MÌNH mà ko đến với người khác , v.v...
Năm 1968 , khi vào quân trường đã bị bạn bè coi thường , thậm chí khinh rẻ vì PHẢN XẠ VỤNG VỀ , ĐẦU ÓC LẨM CẨM , v.v...
Khoảng giửa năm 1969 , khi ra đơn vị đầu tiên , tôi bị cấp trên khinh rẻ , coi thường , v.v... Họ xử sự cũng đúng thôi vì lúc đó là chiến tranh ác liệt , đơn vị trưởng sẽ rất khó chịu khi phải tiếp nhận 1 quân nhân "vịt đẹt" hay "cà chớn" như tôi (sic) ! . 
Để quên đi ĐAU KHỔ này , mỗi chúa nhựt , tôi thường nghe diển thuyết tại hội Thông thiên học đường Phan Thanh Giản Sài Gòn và tôi bắt đầu say mê tìm hiểu về LH , đặc biệt đọc ngấu nghiến quyển Những Bí Ẩn Của Cuộc Đời do Nguyễn Hửu Kiệt dịch .
Tôi suýt quên , cũng do một THÔI THÚC VÔ HÌNH , sau cơn bịnh nặng này , tôi bắt đầu TỰ HỌC Anh ngữ và đọc nhiều sách về KHKT từ cơ khí (kể cả cơ khí xe hơi) , cơ học , vật lý , xây dựng , kiến trúc , điện , y khoa , điện tử . . . và khảo cổ , cảm giác ngoài giác quan (extra-sensory perception/ESP) ,v.v.... 
. . . 
Từ đó , tôi đã phần nào biết NGUYÊN NHÂN của đau khổ về THỂ XÁC .
Tới năm 1986 , nhân khi dự đám tang của em gái tại chùa , tôi đọc 1 đoạn kinh như sau "Trong các thân nhân nhà ngươi , có kẻ KIẾP TRƯỚC là KẺ THÙ của ngươi , nay họ đầu thai làm thân nhân của ngươi để TRẢ THÙ" . Tôi vẫn ko tin vì chưa thấy (quan tài chưa đổ lệ) .
Tuy nhiên , vài năm sau đó , 1 người thân trong gđ bắt đầu quậy do mê cờ bạc , v.v... và tôi THẤM THÍA lời dạy trong kinh này . Tới năm 1994 , tôi đi Mỹ và y cũng xuất cảnh thì gđ tôi tạm yên 1 phần .
Cũng do có tánh ĐỒNG CẢM (empathic) nghĩa là CŨNG đau khổ khi thấy kẻ khác đau khổ , tôi bắt đầu làm những chuyện , mà nhiều kẻ gọi là RUỒI BU , để giảm bớt đau khổ của người nghèo , kẻ sa cơ thất thế , v.v... - mà tôi THƯỜNG XUYÊN BÁO CÁO trên FB .
Vì sách của Linda Goodman viết về tôi : “Họ ban ân cho kẻ khác với thiện ý xuất phát từ sự thấu hiểu về tình cảm của họ truớc nỗi đau khổ của kẻ khác (they bless others with the grace of their sympathetic understanding of pain and suffering) ; do vậy bạn bè , thân nhân , đồng nghiệp thuờng nhờ họ giải quyết những khó khăn của mình “. Tôi đã giúp đở nhiều nguời từ lúc còn ở VN . . . 
(còn tiếp) .
Đang viết về Luân hồi Nhân quả thì 1 ông bạn cầu cứu : màn hình iPhone 7 Plus bị đơ (screen is frozen) , nhưng vẫn gọi và nhận các cuộc gọi .
Tôi bấm các icon : chúng đứng yên ; bấm nút Wake/Sleep (để Slider hiện ra) thì cũng bị đơ .
Vào mạng đặt câu hỏi "iPhone don't work" .
Họ cho nhiều đường dẫn trong đó của Apple : nếu là iPhone 7 thì bấm cùng lúc nút Wake/Sleep và nút Volume Down cho tới khi logo quả táo hiện ra .
Sau đó phone hoạt động bình thường .
Y nói : khi ở tiệm điện thoại ATT , nhân viên cũng bấm nút Wake/Sleep và Home nhưng quả táo ko hiện ra . (Vì cô này tưởng phone của y là iPhone 6) . Cô còn bảo : phải đem máy đến cửa hàng Apple ở Valley Fair Mall để họ sửa giùm .


Y cám ơn rối rít và nói : nếu ko gặp anh , tôi phải chạy cửa hàng , mà đến đó phải vì họ đông khách ; nhiều khi chờ vài giờ , đến đây anh Tài làm liền .
TRẠI TÙ BÀ BÈO - DÀNH CHO NGƯỜI VƯỢT BIÊN .
THƯA CÁC BẠN ,
TÁC GIẢ BÀI VIẾT NÀY (TRƯƠNG TẤN THÀNH) , BỊ BẮT NĂM 1988 VỀ TỘI VƯỢT BIÊN . . . BÀI RẤT HAY , MÔ TẢ LỐI SỐNG NHƯ THỜI TRUNG CỔ TRONG CÁC TRẠI TÙ CS . TRƯỚC 75 , KHI Ở SĐ 7 BB , TÔI ĐÃ HÀNH QUÂN Ở VÙNG NÀY . SAU 75 , TÔI ĐI TÙ GẦN 6 NĂM , HƠN 3 NĂM Ở MIỀN BẮC , VÀ RA TÙ NĂM 81 . VÌ KO TIỀN NÊN KO VƯỢT BIÊN , NẾU KO CŨNG CÓ THỂ Ở TÙ TẠI TRẠI NÀY . N . EM TÔI , VƯỢT BIÊN NĂM 89 VÀ BỊ BẮT TẠI TIỀN GIANG ; NHƯNG DO CÓ NGHỀ THIẾT KẾ XÂY DỰNG NÊN ĐC GIAM TẠI TRẠI TẠM GIAM (Ở KẾ TP MỸ THO , TRÊN ĐƯỜNG ĐI GÒ CÔNG) KHOẢNG 1 NĂM ; TÔI ĐI THĂM NUÔI CẢ NĂM . SAU ĐÓ N. VƯỢT BIÊN NỮA , VÀ ĐỊNH CƯ Ở CND - TÀI .
- - - -
Tác giả Trương Tấn Thành, ngụ tại Lacey, WA. Tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, hiện là trợ giáo cho trường dạy người da đỏ và giảng viên part-time cho Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA.
Vượt biên bị bắt ở Bà Bèo
Ngày đi tan tác, ngày về đau thương
Nếu ở trên đời này có địa ngục thật sự thì đó là trại cải tạo lao động của cộng sản, có cái tên quái gở dành cho người vượt biển : Bà Bèo.
Trại Bà Bèo thuộc tỉnh Tiền Giang, nếu tôi không lầm thì thuộc diện "miệt thứ" kinh làng Bảy. Tôi được "diễm phúc" rơi vào cái địa ngục này khoảng năm 88. Trại này được lập ở giữa một cánh đồng sình lầy nước phèn đầy cỏ lát như một hàng rào thiên nhiên ngăn cản tù nhân trốn trại một cách vô cùng hữu hiệu, nhất là dân quen sống ở đô thị. Ngoài ra trên cánh đồng sình lầy đó còn có cây "chà là" đầy gai nhọn cứa sát chân người tù mới bị đi lao động bên ngoài. Đây là một trại tù thật sự vì người bị nhốt có bị kêu án. Thường thì tù vượt biển bị kêu một năm cải tạo nhưng nếu không biết chỗ lo lót thì hơn một năm là chuyện thường. Tính ra từ ngày tôi bị bắt đến ngày tôi được thả là một năm rưỡi. Ngoài ra trại còn nhốt rất nhiều tội phạm hình sự và tệ nạn xã hội như gái điếm, hút sách.
Chuyến tàu vượt biển của tôi khi ra cửa Vàm Láng thì bị tàu của bọn công an biên phòng rượt theo bắn và bắt lại. Ngồi trong ghe mà tôi nghe đạn ghim "bup bụp" vào thành. Có hai người bị thương. Toàn ghe bị bắt dồn lên xe chở hàng chờ về trạm tạm giam Tà Niên. Bọn công an nhìn chúng tôi bằng cặp mắt thù hằn và luôn miệng quát tháo:
- Cho tụi bây hết vượt biên!
Trại tạm giam cũng có cái tên quái gở: Tà Niên, mới được xây, tường vôi còn mới. Vừa xuống xe tụi tôi lục tục kéo vào sân trại sắp hàng để bị lục xét. Lúc đó tôi mang theo một chiếc khâu vàng một chỉ tôi vội tìm cách dấu nó vào làn chỉ rách trên nắp túi áo là nơi an toàn nhất. Sau đó chúng phân thành nam nữ và đem bọn tôi đi nhốt riêng.
Nhốt chung với tôi là một thanh niên trẻ rất vui tính, hoạt bát và dễ mến. Anh mới vừa đi thanh niên xung phong về và là con của một sĩ quan Cộng hòa tên là Quốc. Anh có óc khôi hài đầy ý vị. Đây là một câu chuyện về chủ nghĩa cộng sản có tính châm biếm cao độ anh kể mà tôi còn nhớ mãi. Đó là một tranh biếm họa về cái nghèo đói của người dân dưới chế độ cộng sản. Họa sĩ biếm họa vẽ hình hậu môn của một nông dân ở miền Bắc đóng đầy mạng nhện. Bạn biết tại sao rồi chứ gì? Vì có gì ăn đâu mà ị ra… nên mạng nhện phủ kín "đường ra, lối vào"!
Thật là đáng cười ra nước mắt. Phòng giam thì chật đến độ ngộp thở. Mỗi ngày người bị nhốt chỉ được ra ngoài hành lang có cửa sắt bao quanh hai lần chừng năm phút vào buổi sáng và vào buổi chiều. Hơi người và không khí tù hãm thật ngộp ngạt trong phòng giam làm ai nấy thấy nặng nề, khó thở vô cùng. Tôi thường phải ngồi gần cánh cửa sắt chỗ khe hở để hít chút không khí ngoài trời.
Ở trại tạm giam này đi ị mà cũng có thằng theo coi phân! Thật đấy. Mỗi lần có đám bị nhốt vào, ngay ngày đầu tiên sau khi ai đi cầu vào thùng gỗ đều có thằng ăn-ten trong nó bươi đống phân xem có ai nuốt vàng, cà rá gì không? Chế độ ăn uống trong trại thì khỏi nó. Chỉ có chén cơm và canh "toàn quốc". Đây cũng là lối chơi chữ của anh bạn trẻ đầy óc…móc lò của tôi. "Toàn" đây có nghĩa tất cả là vậy và "quốc" đây hiểu theo nghĩa nước H2O thiệt! Cho nên đây là thứ canh toàn là nước mà không có cái, họa chăng chỉ có vài cọng rau lang, rau muống và khoai lang về gởi xuống nhà bếp luộc để ăn dặm thêm. Tôi và Quốc vì ít tiền nên mỗi khi rau muống mua về tụi tôi xin lấy gốc để mà ăn sống. Còn khi khoai lang chia xong tụi tôi gom lấy vỏ vớt ra để….ăn cho đỡ thèm.
Trong phòng ai ngồi chỗ nấy ít dám nói chuyện với người cùng chuyến về chuyến đi của mình vì sợ tụi ăn-ten nó nghe báo cáo lên thì đời thêm khốn khổ. Vả lại lúc đó đầu óc đang hoang mang lo nghĩ cách để trả lời khi bị lên "làm việc" về chuyến đi của mình (hai từ "làm việc" và "làm tốt" bị cán bộ cộng sản "cưỡng hiếp" một cách thật dốt nát và khôi hài).
Ngoài anh bạn trẻ dễ mến tên Quốc ra con một nhân vật rất đặc biệt bị nhốt chung với tôi, cụ Bính. Lúc bị bắt cụ phải hơn 60 tuổi, người nhỏ và gầy đét như con mắm nhưng sức khỏe và tinh thần vô cùng khỏe mạnh. Trước khi xuống ghe chuyến này cụ làm "nghề" chở củi bằng xe thồ ở Long Khánh. Cụ phát biểu một câu xanh dờn "thả tôi ra tôi tìm cách đi nữa". Thật đáng nể! Mà không đáng nể sao được vì cụ sinh ra ở cùng quê với "uncle Ho" của cộng sản. Mỗi lần bị ra ngoài lao động thấy cụ vác mấy cây tràm cong lưng cóng róng thấy thật là thảm hại. Rồi mấy tuần sau tụi tôi bị chuyển xuống địa ngục của trần gian: Trại Bà Bèo ở kinh làng thứ bảy.
Tôi còn nhớ hôm chuyển xuống Bà Bèo lúc đó nhằm mùa lụt, xe tới cổng tội nhân xuống sắp hàng ngoài cổng để điểm số. Tôi nhìn trại mà thấy hãi hùng. Lúc đó trời mưa lâm râm, bầu trời xám xịt. Hàng rào bằng cây tràm trước cửa trại trông như những trại hồi thời trung cổ với đầu vạt nhọn chỉa lên trời, phía trên có một chòi canh có mũi cây AK đang chăm chăm chỉa xuống. Dưới chân tôi là sình đen ướt nhèm nhẹp "Ôi thật là đời đen như đất bùn".
Sau khi điểm số xong cửa cổng mở ra để đón "em mới".
Vừa bước vào bên trong một cảnh tượng….u minh "quả không hỗ với tiếng đồn" bày ra trước mắt tôi. Ngay trước mắt tôi là một sân rộng ngập đầy nước. Trong các dãy trại hình chữ U vuông góc nằm lộn ngược đáy ở bên trên, mái lá cửa bằng phên tre lố nhố người trong ánh đuốc như ma trơi. Thật không thể tưởng tượng nỗi là ở cuối thế kỷ hai mươi lại có những nơi bán khai như vầy! Lúc đó đang có lụt nên sân giữa ngập nước lấp xấp.
Ngay ngày hôm sau tụi tôi phải ra đứng làm dây chuyền người nam có nữ có, ngày này qua ngày nọ cả tháng trời làm chuyện khổ dịch đó. Tội nhất là mấy người tù nữ vượt biển con nhà thành phố giờ phải chân không đứng dưới mưa, dưới sình để làm cái khổ dịch của tù nhân. Tôi còn nhớ là mình bị đưa vào đội 2 lao động, đội trưởng tên Tín. Hắn ta là một thanh niên khỏe mạnh con của một sĩ quan Cộng Hòa đi vượt biển bị bắt và vì lao động tiên tiến nên được cử làm đội trưởng chỉ huy tù đi làm nô lệ cho trại. Căn trại tôi ở cũng như các đội khác có một cái sân để đan chiếu và đánh dây. Nó làm bằng đất sình trộn rơm. Chỉ có một cửa ra vào hai bên vách là chỗ tù nằm.
Đội trưởng có chõng ngủ riêng nơi cửa ra vào còn bọn tù nằm chung với nhau trên ván lót. Mé hai bên vách có treo ván làm kệ. Còn cho chính giữa thì để đồ đạc trên đầu nằm. Mỗi đêm đều cắt phiên tù thức tới sáng để canh chừng trốn trại. Giới nghiêm ban đêm lúc tám giờ, cửa đóng tới sáng. Chắc bạn đặt câu hỏi còn việc đi vệ sinh ban đêm thì sao? Xin thưa là anh tù nào cũng thủ một bình plastic có khoét lỗ để nửa đêm có mắc thì tiểu vào đó đặng đi đổ vào hố để trồng rau. Còn đi ị thì sao? Bọc nylon là "cái bồn cầu" đó bạn à! Cho nên vào những ngày có thăm nuôi số người bị chột bụng rất nhiều và mỗi lần có người đi ị thì phải bịt mũi mà chịu. Một điều kinh tởm nữa là những bọc nylon đựng phân đó cũng có tù đi lấy để phơi cho trại nữa.
Đội tôi ở chia làm tổ tương đối sướng như: đan chiếu, tổ quấn sợi gai, tổ nhuộm lác chiếu và đông nhất và khổ nhất là tổ lao động ngoài trại. Ngoài ra trại chuyên về đánh dây bằng loại "cỏ bàng" để làm dây quấn thành thảm.
Cây cỏ bàng mọc rất nhiều ở ngoài đồng sình lầy chung quanh trại, cao cở đầu người, bên trong ruột rộng. Trại có toán đi nhổ cây bàng về để phơi cho khô rồi có toán giã bàng cho đẹp để cho tù đánh thành sợi có chỉ tiêu cho mỗi ngày. Người đi nhổ phải dùng tay mặt quấn một nắm cỏ bàng cho thật chặt rồi giựt thật mạnh để làm sao đứt bựt nó lên mà gốc vẫn còn nằm dưới sình. Trại cấm không được dùng liềm hái vì làm vậy cây bàng sẽ chết mất đi tài nguyên của trại. Ai đi nhổ cỏ bàng đầu tiên tay đều bị cứa chảy máy vì không quen nắm chặt cây bàng nên bị cạnh của cỏ bàng bén như lưỡi dao cạo xé nát cạnh bàn tay. Chi tiêu là hai bó bàng phải đúng thước tấc, nếu không thì bị "phế" bỏ, hôm sau phải nhổ bù. Sau khi nhổ xong phải dùng dây ghịt lại cho chặt thành bó cỡ hơn hai vòng gang tay rồi cõng về trại xa nhiều cây số còn phải lội qua đồng sình lầy.
-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), September 05, 2004
Answers
Response to TRẠI BÀ BÈO, TRẠI TÙ VƯỢT BIÊN
Tôi chỉ đi nhổ bàng một ngày mà đêm đó tôi bị quị ngã vì quá sức mình và rồi bị loại khỏi ra toán nhổ bàng. Sau đó tôi được chiếu cố đưa ra tổ đánh sợi dây để dệt chiếu tổ dây có chừng sáu cái "máy" đạp bằng chân. Người xe đay chân đạp tay liên tục cho sợi đay đã chãi nhỏ vào để se thành sợi với chỉ tiêu đề ra mỗi ngày. Đay được mua về thành bó là vỏ của cây đay cứng như khô mực. Khi nhận phần bó võ đay người đánh đay phải đem ngâm xuống kinh trước một đêm. Ngày hôm sau vớt lên dùng dao lạng đi phần vỏ cứng sần sùi để lấy phần mỏng mềm. Kế đó lại phải đem phần võ đã lạng mỏng đó đưa vào bàn lượt có răng bằng sắt để "chãi" vỏ đay ra thành những sợi nhỏ dài.
Hôm nào bị một đợt vỏ đay cụt lại vừa xấu, vừa già thì thật là khốn nạn. Sợi cứng thì sẽ bị rối hoài, sợi cụt ngắn thì phải tiếp sợi liền tay. Nếu ngồi vào được guồng se còn tốt và đợt đay tốt người đánh có thể xong chỉ tiêu lúc hơn hai giờ trưa có thì giờ đi tắm giặt nấu nướng trong khi đám lao động ngoài còn đang dầm mình dưới đất bùn bị mấy tên trưởng toán chửi mắng là chây lười.
Tôi vốn chân tay vụng về chỉ biết cầm phấn và cầm viết nên đánh đay bị rối hoài và luôn luôn xong sau cùng. Thay vì đay là một loại lao động… nhẹ thì đối với tôi nó lại thành một loại khổ dịch. Cuối cùng tôi lại bị đá ra lao động ngoài.
Mới đầu, tôi bị lùa đi trồng cây bạch đàn, một loại cây họ hàng của khuynh diệp.
Mới sáng năm giờ rưỡi tiếng kẻng đã gõ liên hồi. Mọi người trong toán bỏ cà men, chén ra để được phát phần cơm trong ngày. Thường là chỉ đầy một chén nhỏ và vài con khô mắm và một giá canh rau. Bắt đầu điểm số xong là sắp hàng ra cổng.
Từ trại ra đến chỗ trồng phải lội qua mấy cánh đồng xấp nước, kinh rạch mà tù nhân phải nhảy ùm xuống nước lạnh buốt như một đàn vịt bị xua xuống ao để tiếp tục đi như chạy tới chỗ trồng. Vừa đói lại vừa phải nhảy xuống nước lạnh mà ai nấy vẫn phải nhảy xuống trèo lên như những cái xác không hồn.
Một trong những lần đau khổ nhất của đời tù là lần tôi phải đi đắp "đại lộ kinh hoàng". Đây là một đại lộ thật sự vì bề rộng xe hơi có thể chạy được. Bề cao hơn thước mốt và toàn là bằng đất sình. Một công trình do "nước sông, công tù" đầy ngu ngốc nhất của đám cộng sản nhà quê. Nó nối xã này với xã nào đó và được chánh quyền địa phương ký hợp đồng với trại lấy công tù để hưởng tiền. Toàn thanh niên trong trại dồn vào công trình quái đản đó.
Cách làm là khởi đầu đắp lộ từ gần đến xa mất cả hơn tháng trời. Cọc tiêu được cắm ngay trung tâm của con lộ sau đó từng toán tù được phân ra để chịu trách nhiệm đắp từng đoạn. Sau khi san bằng làm sạch cây cỏ trên mặt đất, toán đắp đầu bị chia thành khu để dùng leng, một thứ sẻng lưỡi dài, để xắn đất hai bên lên thành từng mảng lớn. Người đào thay cho người đứng kế của dây chuyền rồi cứ thế thẩy chuyền nhau để quăng vào nơi con lộ sẽ thành hình.
Càng về chiều càng đói và càng mỏi mệt mỗi tảng đất sình đến tay tôi là một khối sắt. Lưng tôi còng gấp xuống mỗi lần đón tảng sình.
Thỉnh thoảng tên trưởng toán lại cầm một cây que dài để đi kiểm soát "chất lượng" của con lộ. Nó sọt cây que xuống hết nơi này đến nơi nọ để xem nơi nào không đắp kín chặt đất sình, bị "rộng ruột" thì nó "phế" liền. Thế là anh em trong toán lại hì hục sữa chữa đến chiều tối mới xong trong khi mọi toán khác đã ra về từ lâu.
Lúc đầu còn gần từ từ sau con lộ dài ra đi phải sớm hơn mà về thì phải muộn hơn. Có khi về chỉ kịp ra kinh rửa sình và gụt rửa quần áo thì đã đến giờ kẻng tối giới nghiêm vào trại. Khi đào thì ăn uống tại chỗ và đái ị cũng… tại chỗ. Không được phép đi nơi khác.
Lính trại ngồi trên bờ đê cầm súng nhìn chăm chăm. Dưới nước bọn trưởng toán lội qua lội lại quát tháo, đôn đốc đám tù đang cong lưng đào xắn. Có lần tên cán bộ trại đứng trông coi con lộ ra xem, lúc đó trời đã nhá nhem tối. Anh em yêu cầu trưởng toán xin về trại vì muỗi cắn quá thì hắn nói một câu thật không phải là người "muỗi cắn các anh chứ đâu phải cắn tui".
Sau khi con lộ đắp xong, có lần tụi tôi đi qua thì thấy nhiều khúc của con lộ kinh hoàng đó bị sạt lỡ xe bò cũng không qua được. Thật là đỉnh cao của trí tuệ….ngu si. Sau đó nhờ có chút tài đàn tôi được vào ban văn nghệ ở không chơi đàn phục vụ cho những đêm văn nghệ mà… mọi người đều chửi vào mỗi cuối tuần. Trại không muốn cho tù ở không chút nào nên dù cho ban ngày tù đã đi lao động mệt mỏi đêm vào cuối tuần còn phải thường xuyên ra sân ngồi giữa trời, gục lên gục xuống để nghe "văn nghệ" dù tuồng cải lương diễn hoài đến ai cũng thuộc và những ca sĩ trại lên…rộng những bài ca phải được trại cho phép hát đến điếc con ráy!
Vào toán văn nghệ tôi khỏi phải đi lao động ngoài và được sống những chuỗi ngày nhàn nhã. Có lần còn được đi ăn đám cưới của cán bộ ở một xã nào đó với kết quả là anh ca sĩ trong đoàn trốn về Saigon mất mẹ. Nhưng rồi bỗng đâu tai họa lại đến với tôi.
Số là hôm đó tên cán bộ coi về lao động trong trại thình lình đi xuống trại thấy mấy tên kép cà chớn trong đoàn cải lương đánh cờ, cười giỡn, chửi thề trong giờ lao động nên hắn phạt cả tổ văn nghệ trong đó có tôi đi lao động ngoài cho bỏ ghét! Lúc đó trại hợp đồng với một xã ở hóc bà tó nào đó xuống cát do ghe chài chở tới để làm nền cho công trình xây dựng gì đó. Tôi lại bị đày ra theo toán lao động để xuống cát.
Toán xuống cát được ghe trại chở tới địa điểm rồi nhốt trong một căn nhà chật ních để mỗi ngày đội cát từ ghe xuống đổ làm nền. Ghe chở cát đậu ở bờ sông với hai miếng ván bắt từ ghe xuống bờ. Một miếng làm đường đi lên, miếng kia làm đường để đội cát xuống. Mấy tên mạnh thì đứng xúc cát đổ vào thúng, tên khác chuyền thúng để thẩy lên vai cho người kế đội thúng cát đi xuống đổ. Cứ đi lên rồi đội cát lên vai đi xuống từ sáng đến ba bốn giờ chiều cả hơn một tháng như vậy. Tối về chỉ kịp đi vệ sinh rồi bị nhốt vào căn nhà tù nằm ngủ đạp lên mặt lên mũi nhau để lãnh cơm ăn dưới ánh đèn dầu, chờ đến khổ dịch hôm sau.
Cứ đi lên đi xuống với thúng cát trên vai riết rồi tôi như một cái máy không còn biết gì khác hơn là mong cho cát mau hết để được trở về trại. Lúc này thật không còn gì đúng hơn là câu "nước sông, công tù". Nước nào trên thế giới sợ nuôi tù chứ dưới chế độ cộng sản thì tù nuôi cán bộ trại. Chuyến bị đày này tôi thật đúng nghĩa bị bầm dập.
Đến đây xin được nói về thân phận người tù phái nữ ở cái trại khốn nạn này.
Tôi nghĩ rằng thật là một bất công và bài này trở thành vô ý nghĩa nếu không viết lại những gì các phụ nữ phải tủi nhục trải qua trên đường trốn chạy cộng sản. Trước tiên xin được nói về nơi ăn chốn ở cho tù nữ trong trại.
Tù nữ vượt biển ở chung với tù nữ tệ nạn xã hội trong một căn nhà làm bằng vách sình trộn rơm và mái lá cỏ tranh. Căn nhà tù lớn lúc nào cũng chật người nhất là những lúc người ta vượt biển nhiều vào những mùa biển êm sóng. Có nghĩa là….bao nhiêu người nó đều chứa được hết! Trời nóng, người đông phương tiện vệ sinh không có, đối với người tù nữ thì đây không phải là địa ngục mà là hơn một địa ngục. Chiều chiều họ chỉ được đưa ra nơi tắm giặt ở con kinh trong trại mà "nhà tắm" được che bằng những tấm phên lá lộ thiên.
Ở trại này có nuôi cá vồ, một loại cá tra, mà thức ăn chính là …phân của tù! Cầu cá này được dựng trên ao bằng những cây tràm và che vách bằng lá dừa nước. Từ bờ đất vào cầu tù phải đi qua một cầu tre tương tựa như cầu khỉ bắc ngang bằng thân cây tràm khẳng khiu và vô cùng trơn trợt khi mưa xuống. Mỗi ngày tù nữ được cho đi trước tù nam. Khi tất cả phải đi một lượt, xắp hàng ra cổng có trưởng toán dẫn và báo cáo số tù cho tên lính canh ở lối đi ra cầu. Đi vệ sinh thứ cầu cá vồ này thật là một sự sỉ nhục cho tù nữ. Mỗi lần phân rơi xuống cầu cá vồ lại bu lại đớp quay nước làm văng bắn cả lên người đi cầu! Vậy mà nó lại được bọn cán bộ gọi là "nếp sống văn minh" đó!
Vào những ngày trời mưa, đất sình trở nên trơn trợt mà phải đi qua cái cầu khỉ đúng nghĩa đó để vào cầu nếu không cẩn thận thì trợt té xuống ao dễ như chơi. Khổ nhất là vào những ngày có thăm nuôi có chất béo và thức ăn lạ chứ không phải chỉ cơm rau và cá khô như thường ngày vào bao tử thì xấp hàng để được tới phiên mình ngồi được vào cầu là cả một cực hình thô bỉ. Rồi khi cá lớn trại cho lưới lên để bán cho tù với số lượng bắt buộc tù phải mua (đây là lối "làm kinh tế rất khoa học và đầy nhân đạo' của bọn coi tù của trại). Đa số đem cho tù hình sự hết vì họ không có thăm nuôi nên phải ăn cái thứ gọi là "cá kít" đó. Tôi còn nhớ cái ngày cá đem về đội ngoài cầu kinh nơi làm cá bay mùi thối ai nấy phải bịt mũi rán mà ăn. Ai cũng nghĩ tù nữ thì chỉ có bị nhốt rồi chờ ngày thả nhưng ở trại này thì còn khuya! Không phải ngày về mà một năm mới về và phải đánh dây, đan chiếu, làm thảm thấy….bác luôn.
Tù nữ hình sự phải đánh dây sau đó đem nhuộm và kết thành thảm bán. Tù nữ vượt biển không phải đánh dây như tù nữ hình sự nhưng phải đan đón. Đánh dây đây là đánh dây cỏ bàng như đã nói trên. Mỗi ngày chỉ tiêu là khoảng mười sáu sải tay. Tù nữ đánh dây chỉ tiêu ngắn hơn tù nam.
Cỏ bàng sau khi nhổ về được toán lao động nhẹ gồm người tù già và tàn tật, gọi là "toán lao động nhẹ" đem phơi cho úa rồi đưa qua toán giã bàng cho dẹp ra để đánh dây. Bàng được nắm thành bó nhỏ đưa lên một tảng đá xanh rồi nện bằng một chày gỗ cho dẹp ra sau đó phân đi cho tù đánh dây. Dây được đánh theo kiểu thắt bím tóc nhưng sợi bàn to cứng và phải nhúng nước liên tục cho mềm.
Khởi đầu người đánh ngồi bệt dưới đất dùng hai ngón chân kẹp lấy cái gút đầu tiên của sợi dây rồi đánh một khúc dài cỡ bằng một sãi tay. Sau đó đứng lên cột vào cột gỗ trong sân căn trại tiếp tục đánh cho hết chỉ tiêu (một căn nhà trại có khoảng 10 gốc cột). Hai ngón tay của người đánh thường bị thâm đen vì mũ bàng và bị đỏ cứng vì bị co sát quá nhiều khi thắt dây mỗi ngày. Sau khi đánh xong còn phải "cắt râu" là những cọng bàng tủa ra hai bên dây bằng một con dao quắm nhỏ mới tạm gọi là xong. Chưa hết khi xong còn phải đưa dây lên kho để được "nghiệm thu" về thước tấc và kỹ thuật xem mắt dây có đều hay không gọi là xong! Nhiều người vụng tay, chịu đau không thấu, buổi tối cửa trại tù đóng còn phải đánh tiếp phòng cho tới giờ giới nghiêm. Nếu không đủ chỉ tiêu thì phải chịu hình phạt là đi móc đất sình để đắp trại.
Tôi đã chứng kiến nhiều nữ tù bị ngâm nước móc sình cả ngày vì đánh "không đạt chỉ tiêu". Có nhiều người thà đi móc sình còn hơn bị dây "đè" dây "quấn" mỗi ngày dù là phụ nữ! Cái lối bóc lột người mà ta thường biết "vắt chanh bỏ vỏ" phải nói là chẳng thấm vào đâu với đâu với cái thứ bóc lột độc hại hơn đó là "vắt chanh rồi ăn luôn vỏ" này của trại tù vượt biển.
Còn trăm ngàn cay đắng và tủi nhục nữa của người tù vượt biên ở trại Bà Bèo mà trên đây chỉ là một vài sự kiện chính mà tôi còn nhớ được. Tôi ghi lại đây để bạn đọc thấy rõ sự vô nhân đạo của các trại tù cộng sản mà biết đâu chừng cũng có vị đã từng bị rơi vào địa ngục này. Tôi cũng ghi lại đây vì nghĩ rằng nói lên sự thật là bổn phận của mọi người, trong đó có tôi.
TRƯƠNG TẤN THÀNH
-- Kẻ Sĩ Bắc Hà (ke_si_bac_ha@yahoo.com), September 05, 2004.