Tuesday, January 17, 2023

 

Khái Niệm Hành Quân của Đại Tá Hiếu cho Trận LZ X-Ray

Ngay khi vừa nhận được tin tình báo cho biết là ngày 13 tháng 11, Mặt Trận B3 khởi sự tập họp ba Trung Đoàn chuẩn bị xuất quân tấn công trại Pleime, Đại Tá Hiếu thông báo cho Tướng DePuy ấn định giờ thả bom B-52 là lúc 1600G ngày 15/11.

Bây giờ thì Đại Tá Hiếu cần khiến cho ba trung đoàn bất động tại địa điểm xuất quân cho tới giờ phút B-52 thả bom. Để thực hiện điều này, Đại Tá Hiếu cần chuyển hướng chú tâm của họ từ xuất quân tấn công trại Pleime đến một mối nguy mới.

Họ phải cảm nghiệm mối nguy mới quan trọng đủ để không thể làm ngơ. Đồng thời mối nguy mới không xuất hiện như là một cú đấm mạnh sẽ khiến họ tan rã hàng ngũ lẩn trốn lại vào rừng.

Việc xử dụng tới cỡ một tiểu đoàn Không Kỵ là vừa. Một lực lượng cỡ đại đại sẽ quá nhỏ để thành một mối nguy; họ sẽ làm ngơ và tiếp tục xuất quân và chẳng mấy chốc các vùng tập trung sẽ trống vắng.

Mặt Trận B3 Chỉ Trông Thấy Có Một Tiểu Đoàn Không Kỵ

Và như vậy, Không Kỵ thông báo mình xông tới bằng một 20 phút tiền phi pháo, tiếp nối sau là một “đoàn tàu to lớn và oai nghi gồm 16 chiếc trực thăng” (Coleman, trang 213), với viên tiểu đoàn trưởng trên chiếc trực thăng đầu tiên, thay vì trung đội trinh sát.

Không Kỵ thành công trong việc gây Mặt Trận B3 phải chú ý. Vào khoảng 1120 giờ, Mặt Trận B3 chuyển một thông điệp cho Không Kỵ qua tay một “tù binh” bị bắt: “đừng có dại mà tấn công tụi tôi; bọn tôi gồm ba tiểu đoàn và rất khát máu giết bọn ông”. (Coleman, trang 210)

Vào khoảng 1210 giờ, Mặt Trận B3 am tường tín hiệu của Không Kỵ: đúng thế, chúng tôi đến tấn công các ông, nhưng không ngay lập tức đâu (chúng tôi để lại toán trinh sát đàng sau).

Vào khoảng thời điểm này hầu hết TĐ 1/7 Không Kỵ đặt chân xuống bãi đáp: Đại Đội B, Đại Đội C, Đại Đội D và hầu hết Đại Đội A.

Chủ mưu gây chú ý đã thành đạt: Mặt Trận B3 lấy quyết định đình chỉ tấn công trại Pleime và trù tính giải quyết mối phá quấy nhỏ bé với hai tiểu đoàn trong khi hầu hết các lực lượng vẫn án binh bất động tại các địa điểm tập trung xuất quân. Mặt Trận B3 cho là sẽ giải quyết vấn đề trong nháy mắt và sẽ tiếp tục di chuyển quân tấn công:

họ quá tự tin là cuộc tấn công sẽ khiến TĐ 1/7 Không Kỵ tan rã rất nhanh chóng. (Why Pleime, chương V)

Khi Mặt Trận B3 quyết định tấn công TĐ 1/7 Không Kỵ với hai tiểu đoàn, số còn lại của TĐ 1/7 Không Kỵ được tức tốc đưa vào chiến trường lúc 1500 giờ và hai Tiểu Đoàn 2/7 Không Kỵ và 2/5 Không Kỵ được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng nhập cuộc. Đại Đội B 2/7 Không Kỵ nhảy xuống bãi đáp xong lúc 1800 giờ.

Vào lúc 1850 giờ, trong khi thị sát bãi chiến trường, Tướng Larsen thông báo cho Tướng Kinnard biết về tin B-52 đã được trù định sẽ oanh tạc ngày hôm sau lúc 1600 giờ:

18:50G: 1st Air Cav Div (Lt Col Buham) Tướng Kinnard bàn thảo với Tướng Larsen có thể xử dụng B-52 oanh tạc trong vùng “X” của hành quân Long Reach. Tướng Larsen cổ vũ cho ý kiến này. (Nhật Ký Ban 3/IFFV).

Sau này, Tướng Kinnard cật vấn Tướng Knowles về vụ này. Tướng Knowles nói dối và không bật mí đây là khái niệm hành quân của Đại Tá Hiếu:

Kế hoạch nguyên thủy xử dụng các phóng pháo cơ chiến lược yểm trợ cho sư đoàn được Tư Lệnh Phó Sư Đoàn đệ trình qua Tướng Tư Lệnh Field Force Vietnam cho Ban 3/MACV. (Pleiku Campaign, trang 9)

Mặt Trận B3 Chỉ Trông Thấy Có Hai Tiểu Đoàn Không Kỵ

Vì lẽ Mặt Trận B3 chỉ tung vào một tới hai tiểu đoàn, Đại Tá Hiếu đề nghị với Tướng Knowwles là không nên tung vào hơn hai tiểu đoàn, để khiến cho Mặt Trận B3 không phản ứng lại bằng cách sung vào thêm quân để rồi các mục tiêu dành cho B-52 tan biến ra mây khói.

Vào thời điểm này, Tướng Knowles bị đặt vào một thế khó xử: ngay sau khi thiết lập được một đụng độ, ông phải lập tức dồn đống quân vào; đó là chiến thuật tấn kích trực thăng vận của Tướng Kinnard.

Tướng Knowles cầm điện thoại lên và gọi Tượmg Kinnard đang ở phía sau tại An Khê, xin thêm một tiểu đoàn, thêm pháo binh, và cả trực thăng vận tải quân và chuyên chở vật liệu hạng trung. Tướng Kinnard trả lời, “ Gửi rồi đấy, nhưng việc gì xảy ra vậy? Tướng Knowles trả lời, “Chúng tôi tạo được một cuộc xung đột tốt đang tiến hành. Xin đề nghị anh tới càng sớm càng tốt.” Sau khi sắp đặt công việc tăng cường chuyển bánh xong, Tướng Kinnard nhảy lên trực thăng tại An Khê và đi gặp Tướng Kinnard tại Catecka. Khi Tướng Kinnard tới nơi, Tướng Knowles chỉ cho ông bản đồ tình hình mà ông banh ra trên một thân cây dừa. Tướng Kinnard nhìn thoáng qua và nói, “Ông làm cái gì ở vùng này?” Hẳn nhiên là có người không thông báo cho ông chủ về chỉ đạo của Tướng Larsen là truy đuổi theo địch ngay cả rút đi khỏi các lỗ khô cạn ở phía đông. Tướng Knowles nói với Tướng Kinnard, “Mục đích của cuộc hành quân là tìm ra địch quân, mà đây hẳn nhiên là chúng ta tìm thấy chúng!” Tướng Knowles còn nhớ Tướng Kinnard im lặng một hồi rồi điềm đạm nói, “Thôi được, trông có vể khả quan. Cho tôi biết anh cần tôi giúp điều gì.” (Coleman, trang 219)

Thế là thoát nạn, Tướng Kinnard để yên Tướng Knowles tùy ý hành động: chỉ thêm một tiểu đoàn mà thôi...

Ngày hôm sau khoảng 0915 giờ ngày 15/11, Đại Đội A 2/7 Không Kỵ đáp xuống đất tăng cường cho TĐ 1/7 Không Kỵ. Vì các đơn vị Không Kỵ có mặt tại chiến trường vẫn không tiếp cứu được trung đội bị cô lập, TĐ 2/5 Không Kỵ được lệnh đi bộ từ bãi đáp Victor âm thầm tiến vào LZ X-Ray vào lúc 1205 giờ mà Mặt Trận B3 không hay biết vẫn cứ ngỡ là chỉ có hai tiểu đoàn Không Kỵ tại chiến trường và không cảm thấy cần phái tung vào thêm đơn vị của Trung Đoàn 32, khiến cho Tướng Kinnard thắc mắc:

Không có lời giải thích tại sao Trung Đoàn 32 lại không được sung vào chiến trường đang khi duy trì vị trí khoảng 12-15 cây số hướng tây bắc bên mạn bắc sông Ia Drang. (Pleiku Campaign, trang 88)

B-52 oanh tạc đúng vào lúc 1600 giờ.

Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ hoàn tất sứ mạng!

Tiểu Đoàn 1/7 Không Kỵ được Tiểu Đoàn 2/7 và Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ thay thế và được trực thăng bốc ra khỏi LZ X-Ray vào trưa ngày 16/11.

Tiểu Đoàn 2/7 và Tiểu Đoàn 2/5 Không Kỵ được lệnh đi bộ ra khỏi bãi đáp ngày hôm sau 16/11 để nhưởng chỗ cho B-52 oanh tạc ngay vào X-Ray.

Tướng Knowles tiết lộ chủ đích cho đổ bộ các toán quân Không Kỵ tại LZ X-Ray ngày 14 tháng 11 là “Chộp con hổ đằng đuôi” và đập đầu nó với oanh tập B-52 từ ngày 15 đến 16 tháng 11. Ông cũng giải thích lý do rút quân ra khỏi LZ X-Ray ngày 17 tháng 11 và di chuyển quân tới LZ Albany là để “nắm lấy đuôi hổ từ một hướng khác” đồng thời tiếp tục đập đầu nó với bom B-52 từ ngày 17 đến 20 tháng 11.

Một Cuộc Săn Bắn
Người thợ săn dồn con thú vật vào một góc.
Người thợ săn sắp bóp cò thì con thú vật định di chuyển đi.
Người thợ săn gây một tiếng động nhỏ để gây con thú vật chú ý.
Nó nhìn bạn chầm chập, và nó đứng im.
Người thợ săn tránh làm bất cứ gì khiến con thú vật cảm nhận thấy một mối hăm dọa và sẽ bỏ chạy.
Con thú vật vẫn đứng im và người thợ săn nổ súng bắn hạ con thú vật.

Nguyễn Văn Tín
Ngày 08 tháng 09 năm 2012

Tài liệu tham khảo

- Chính

- Sách báo

* Pleiku, the Dawn of Helicopter Warfare in Vietnam, J.D. Coleman, St. Martin's Press, New York, 1988.

* We Were Soldiers Once… and Young, General Harold G. Moore and Joseph L. Galloway, Random House, New York, 1992.

* "First Strike at River Drang", Military History, Oct 1984, pp 44-52, Per. Interview with H.W.O Kinnard, 1st Cavalry Division Commanding General, Cochran, Alexander S.

* The Siege of Pleime, Project CHECO Report, 24 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

* Silver Bayonet, Project CHECO Report, 26 February 1966, HQ PACAF, Tactical Evaluation Center.

- Việt Cộng

generalhieu.com

 Ra trường ngày 29/7/1972, về đơn vị Nhảy Dù, đã anh dũng Hy sinh ngày 30/7/1972.


Các anh chị Khóa An Lộc thân mến,

Từ ngày tôi có chìa khóa nhà của An Lộc, thỉnh thoảng tôi có ghé thăm, nhưng có khi được vào, có khi không. Tôi không hiểu tại sao? Hay tại tôi không phải là người nhà của An Lộc?

Hôm nay hên quá, vừa tra chìa khóa vào, cửa mở ngay. Tôi bước vào Phòng Khách và theo thói quen, tôi lách vào phòng tin tức. Ồ vui quá, gia đình bạn Sinh mới được đoàn tụ. Xin chúc mừng bạn Sinh và gia đình nhe. Mà ông phó nháy K4/71 cũng ở bên đó sao? Vậy kẻ đông người tây biết bao giờ mới gặp nhau nhỉ?

Tôi bước sang Phòng nhắn tin. À đây rồi anh bạn Phạm Lê Phong! Thì ra Phong cũng thuộc K4/71. Xin lỗi các bạn, tôi nhớ Phong nhưng tôi không nhớ khóa. Đối với Phong, tôi có một vài kỷ niệm, kể cho các bạn nghe nhé. Nhớ được bao nhiêu xin kể bấy nhiêu, gọi là gợi ý để các bạn tìm hiểu thêm về Phong, một người được vinh dự đặt tên cho khóa đàn em: Khóa (CỐ THIẾU ÚY ANH HÙNG PHẠM LÊ PHONG).

Tôi còn nhớ, tôi đưa Tiểu Đoàn 3/SVSQ về Sài Gòn tham gia chiến dịch phòng vệ Thủ Đô. Bộ Chỉ Huy của tôi đóng tại Sở Thú (ngay sau Viện Bảo Tàng). Một hôm tôi đi công tác về, được báo cáo có người đến thăm tôi, chờ mãi không gặp nên đã ra về và có để lại cho tôi mấy chữ. Đọc qua tôi biết gia đình Phong muốn mời tôi đến nhà chơi (nhà cũng gần chỗ đóng quân của tôi).

Đây là một sự kiện lạ đối với tôi, vì thân phụ của Phong là nhân vật nổi tiếng, tôi nghe nói Ông đã từng là Thủ Hiến Bắc Việt một thời và hiện Ông là chủ nhiệm một tờ báo khá nổi tiếng ở Sài Gòn. Tôi đang rất bận rộn nên bốc phone xin cáo lỗi không thể gặp ngay được và hẹn khi nào rảnh sẽ tới thăm. Sau đó, có lần tôi gặp Phong hỏi về truyện này, Phong ngớ ra không biết gì hết. Vài hôm sau tôi gọi điện thoại gặp ông cho biết ông đang rảnh, tôi xin đến thăm ông.

Trong cuộc nói truyện tôi được biết ông có hai người con đã hy sinh trong cuộc chiến, một người là phi công, người kia tôi không nhớ. Phong đang du học ở Pháp và còn cơ hội tiếp tục học lên nữa, nhưng nhất định xin về. Với hoàn cảnh này, Phong có thể xin MIỄN DỊCH, và lại một lần nữa Phong quyết định không xin để rồi đi vào Thủ Đức. Thân phụ của Phong lại tự mình vận động cho con. Một ông tướng Không Quân muốn Phong về với KQ, một ông tướng khác ở BTTM bằng lòng nhận Phong về với ông, Tổng cục Chiến Tranh Chính Trị cũng bằng lòng nhận Phong và thậm chí nếu Phong muốn ở lại Trường Bộ Binh TĐ cũng được, v.v.

Nói tới đây thì thân phụ của Phong ngỏ ý muốn mời tôi cùng gia đình ra Sài Gòn dùng bữa cơm chiều. Tôi đang suy nghĩ tìm cách từ chối thì một SVSQ từ xe của tôi chạy vào, anh đứng nghiêm chào và đưa cho tôi mảnh giấy nhỏ, liếc qua tôi hiểu nội dung đại ý nói có một SVSQ (lâu ngày tôi quên tên) bị chết đuối tại khu vực gần cầu Chữ Y và đang cần sự có mặt của tôi. Tôi vội vàng đứng dậy, xin phép ra đi vì có việc cần, tôi không nói rõ việc gì, và xin hẹn gặp lại khi khác. Ra xe tôi bốc máy liên lạc với đơn vị ở hiện trường thì được biết sơ qua là: SVSQ này có gia đình ở gần khu vực đó và đương sự lại được cắt công tác gần nhà cho nên trưa nào đương sự cũng ghé nhà ăn cơm, nghỉ ngơi và đi tắm khúc sông mà anh đã từng quen tắm từ khi còn nhỏ. Trên đường đi tôi suy nghĩ tìm cách quy trách công vụ cho anh. Làm như thế có hai điều lợi thiết thực la: Gia đình anh sẽ được hưởng 12 tháng lương tử tuất và tôi có thể xin truy thăng cấp bậc chuẩn úy cho anh. Tất cả sự việc này tôi đã làm được và đích thân tôi đã đến tận tư gia gắn lon chuẩn úy cho anh trước khi an táng.

Trở lại vấn đề của Phong. Sau khi chấm dứt Chiến dịch, trở về Trường, đôi ba lần tôi gọi Phong lên văn phòng Tiểu đoàn nói truyện, thường là vào buổi tối. Trong lúc trò truyện, gọi là trò truyện chứ thật tình Phong rất ít nói. Chỉ dạ... dạ... và cám ơn... cám ơn... vậy thôi. Tôi còn nhớ tuyệt đối tôi không khuyên Phong gì hết mà chỉ gợi lại những tình cảm, những lo lắng của người cha cũng như của gia đình. Khi tiếp xúc với thân phụ của Phong, ông cụ không nhờ vả gì tôi hết nhưng tôi vẫn hiểu ý cụ muốn gì. Cũng vậy, tôi không khuyên Phong mà Phong cũng biết ý của tôi, cho nên lần cuối cùng nói truyện chấm dứt, tôi bắt tay Phong, Phong cám ơn tôi và nói:

– Em đã quyết định rồi.

Tôi không hỏi Phong đã quyết định gì, vì có hỏi chưa chắc Phong đã nói. Vả lại tôi cũng muốn tôn trọng cái riêng tư của Phong nên đành chờ cho tới ngày K4/71 tập trung tại Hội Trường để chọn đơn vị.

Cuối cùng thì như mọi người đã biết, Phong tình nguyện về Binh chủng thiện chiến nhất của QLVNCH: Nhảy Dù. Trong thâm tâm tôi vẫn thầm phục một đàn em đầy quả cảm và đầy ý chí!

An Lộc rời Trường Mẹ chẳng bao lâu thì tôi nghe tin Phong tử trận.

Đám tang của Phong vì bận việc nên tôi không tham dự được, nhưng ít ngày sau tôi có tới phân ưu cùng gia đình.

Niên trưởng: Trần Hồng Phú

 

 

 


MŨ ĐỎ 4/71 VÀ PHẠM LÊ PHONG
Viết để nối tiếp theo câu chuyện của Niên Trưởng Trần Hồng Phú
về Phạm Lê Phong (PLP), là người lính trẻ đã hy sinh đầu tiên
của Khóa 4/71 khi về Nhảy Dù

 

Viết để gợi nhớ về một thời chinh chiến cùng các anh em Khóa 4/71 về Nhảy Dù.

Cái chết của Phạm Lê Phong khi về Dù cho đến giờ vẫn là đề tài mà anh em cùng khóa bàn luận bấy lâu nay. Có phải PLP là người tử trận đầu tiên của khóa hay không, hay một ai khác? Chúng ta chỉ biết PLP hy sinh không lâu khi vừa mới ra trường.

Phong chết ngày nào, như thế nào không ai biết rõ. Cái chết của Phong cũng như cái chết của các anh em cùng khóa khi ra trường đúng vào lúc cuộc chiến đang sôi động và khốc liệt nhất.

Cái chết của Phạm Lê Phong sau đó đã được vinh danh như một anh hùng, cũng như bao nhiêu anh em khác cũng đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua: Họ chết để chúng ta được sống!

Hôm nay, nhân đọc những lời của Niên Trưởng Trần Hồng Phú nói về PLP trên trang nhà anloc471. Tôi cũng xin góp vài lời về PLP khi cùng các bạn khác và Phong về cùng Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù.

Trong suốt thời gian hình thành Trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức cho đến thời điểm đó, có lẽ Khóa 4/71 là khóa không được hưởng phép 7 ngày sau khi tốt nghiệp. Tất cả đều được đưa về đơn vị mới ngay sau buổi lễ mãn khóa. Nhưng thiệt thòi nhất vẫn là đám chọn về Dù, các anh em được đưa thẳng về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù và bốc đi sau đó trong buổi tối cùng ngày. Trong khi đó có nhiều anh em may mắn được tiếp tục học những khóa học chuyên môn ngắn hạn trước khi về đơn vị mới, nên họ còn có một khoảng thời gian ở lại đâu đó gần Sài Gòn, đó là khoảng thời gian “vàng” hiếm hoi đối với họ.

Riêng anh em về Dù, lúc lên xe nhiều người vẫn còn hy vọng khi dến nơi, nhận đơn vị mới xong sẽ được về nhà! Nhưng ước mơ vẫn là mơ ước, khi cánh cửa của Khối Bổ Sung Sư Đoàn khép chặt lại khi đoàn xe chở các sĩ quan mới ra trường vừa vào đến bên trong, và từ đó số phận cũng như định mệnh cho cuộc đời từng người cũng bắt đầu ở nơi này.

Đó là Khối Bổ Sung Sư Đoàn Nhảy Dù.

Đêm 29/7/1972 có lẽ đây một đêm dài nhất đối với 118 (?) viên chuẩn úy mới ra trường của Khóa 4/71, một đêm thật buồn thảm mà tôi không bao giờ quên được. Một đêm với nỗi chán chường mênh mông cho tất cả anh em chúng tôi, khi chúng tôi biết không còn hy vọng gì để về thăm nhà. Lúc đó tôi chợt nghĩ thôi rồi Quân Đội đã phỉnh lừa mình rồi, không thể nào như thế được, không thể đi ngay khi chưa từ giã gia đình và bạn bè người thân. Nỗi thất vọng càng tăng cao khi những viên sĩ quan hậu cứ của các Tiểu Đoàn Nhảy Dù bước ra và đọc tên nhận người và phát vũ khí và đạn dược. Tôi hiểu thế là xong! (không còn hy vọng gì nữa), đêm nay sẽ phải đi mà thôi. Trên gương mặt anh em hiện rõ nỗi tuyệt vọng não nề vì những ngày phép cũng như những hẹn hò không bao giờ có với họ như mong đợi. Tất cả đang chờ để đưa đi Quảng Trị, vùng đất của khổ nạn điêu linh! Trong khi đó khổ nhất vẫn còn nhiều anh em mang theo bộ đồ đại lễ không biết gửi ai bây giờ, họ vẫn ấp ủ niềm hy vọng được về phép sẽ mang về nhà cất làm kỷ niệm.

Tờ mờ sáng 30/7/72 khi Sài Gòn còn đang ngái ngủ, những người lính của chín Tiểu Đoàn Dù lầm lũi bước vào những chiếc C–130 đen đủi để bay vào chảo lửa của vùng trời Quảng Trị. Mang theo 118 viên chuẩn úy Khóa 4/71 mới ra trường, để rồi trong số đó gần một nửa không bao giờ trở lại. Có thể đây cũng là lần cuối cùng họ còn nhìn thấy ánh đèn mờ sương xa xa của vùng Gò Vấp qua khung cửa kính máy bay buổi sáng hôm đó. Trong số những người không bao giờ trở về đó có Phạm Lê Phong, SVSQ của Khóa 4/71 mới ra trường.

Buổi sáng đó ngày đó, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của một viên trung tá Không Quân mặc bộ đồ bay đứng tận cửa sau của chiếc C–130 tiễn đứa em của mình theo chân đoàn quân Dù đi vào vùng lửa đạn. Khi phi cơ bắt đầu nổ máy và khi cánh cửa tàu bắt đầu đóng lại. Tôi thấy đôi mắt nhòe lệ của ông ta nhìn theo đoàn quân ra đi, ông đâu biết rằng đây là lần cuối ông nhìn thấy đứa em thân yêu của mình. Đó là Trần Nhật Chánh 354, đây là lần chào vĩnh biệt của hai anh em, nó sẽ không bao giờ trở lại. Chánh “cá thòi lòi” hy sinh một tháng sau đó khi Tiểu Đoàn 7 Dù của nó bị tan tác ở Đồi 90. Viên đạn pháo 130ly đã xé toạc thân nó cùng với ước mơ được đi dạo ở đường Lê Lợi Sài Gòn với nón đỏ và áo hoa Dù mà nó thường mơ ước!

Về đến phi trường Phú Bài, các anh em 4/71 và binh sĩ tăng viện thuộc chín Tiểu Đoàn Nhảy Dù được xe chở về tiền trạm của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Cây Số 17 (cách Huế 17km). Nơi đây, các anh em được phân phối vào các Tiểu Đoàn và nằm chờ rải rác trong căn cứ. Số anh em nào may mắn khi chưa có trực thăng đưa vào trong thì được thảnh thơi ra Huế chơi. Đa số còn lại được bốc đi ngay trong chiều 30 tháng 7/1972 đó.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đặt chân đến nơi này. Một nơi có buổi trưa với cơn mưa lất phất thật buồn, kèm theo những cơn gió mạnh se sắt lạnh đan vào những ngày giông bão làm chúng tôi nhớ Sài Gòn và nhớ gia đình quay quắt đến điên cuồng. Nằm trên những tấm palette gỗ trong căn lều dã chiến của Tiểu Đoàn cùng 5 (?) anh em khác, gồm tôi, Nguyễn Văn Phải 354, Phạm Lê Phong và 3 anh em còn lại lâu quá tôi không còn nhớ tên. PLP vẫn ngồi buồn bã trầm tư với ánh mắt ngó mông lung xa xăm. Đôi mắt to nhiều lòng trắng và cái nốt ruồi bên khóe miệng của PLP đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Chúng tôi không được đi đâu xa vì có lệnh từ đây tới chiều chúng tôi có thể đi không biết lúc nào. Chung quanh đó, các người lính Tiểu Đoàn rầm rì bàn tán về chúng tôi, các sĩ quan mới ra trường với ánh mắt đầy ái ngại pha lẫn sự kính phục. Nguyễn Văn Phải 354 vẫn bình thản nói “nếu từ đây tới chiều mình không đi, tụi mình ra Huế chơi”. Phong và tôi chỉ ừ hử cho qua chuyện.

Đặt chân đến đây, chúng tôi mới biết mình đang đối mặt thật sự với chiến tranh. Thật sự ngửi được mùi của cuộc chiến bàng bạc khắp nơi: Mùi máu nồng nặc của các thương binh và tử khí, mùi của các bộ đồ trận đã lâu không thay, mùi khói của những chiếc GMC ra vào liên tục, mùi của súng đạn... và là mùi của khổ nạn cho tuổi trẻ Việt Nam ngày đó.

Sau đó điều không mong đợi của chúng tôi đã đến. Trên bãi đáp trong căn cứ, các trực thăng UH1B bắt đầu đồng loạt nổ máy. Một hình ảnh đẹp oai hùng mang lẫn nỗi buồn của biệt ly khi nhìn những người lính trẻ vội vàng bước vào bên trong tàu. Động cơ cánh quạt của những chiếc UH1B vần vũ phành phạch đều đều ấy như tiếng trống trận giục dã lòng người. Âm thanh ấy cho đến hôm nay nó vẫn còn gây cho tôi cái cảm giác đầy kỷ niệm của một thời chinh chiến mỗi khi nghe lại được. Âm thanh của niềm vui và nổi buồn, vui khi thấy nó vào tiếp tế, buồn khi thấy nó mang xác anh em về!

Chúng tôi, các người lính của TĐ3 Dù lầm lũi bước vào tàu để đến một nơi xa xăm lạ hoắc mà chưa bao giờ hình dung được. Chiến trường mặt Tây của Quảng Trị từ Quốc Lộ 1 vào tận các rặng núi xa xăm. Ở đây một nơi vắng ngắt và hiu quạnh, chỉ toàn là đồi trọc và hầm hố. Không một bóng cây, không một ngôi nhà, chỉ người và người. Đó là những người lính Nhảy Dù QLVNCH và những người lính bên kia chiến tuyến, với màu áo xanh rêu đội chiếc nón cối mong manh với hàng chữ... “sinh Bắc tử Nam”. Nhưng nhiều nhất nơi này vẫn là màu ĐỎ, màu của máu và của lửa.

Sáu thằng tôi về các đại đội khác nhau. Khi lên trực thăng tôi không đi cùng tàu với Phong, Phải và 3 người khác, nên không biết họ về đại đội nào. Vì các đại đội đóng xa nhau cách mấy ngọn đồi. Từ cây số 17 bay là đà theo quốc lộ 1, nhìn xuống con lộ hoang vắng loang lỗ đầy hố bom. Hai bên vệ đường đầy rẫy các xác xe cháy loang lỗ. Phải gọi đây là tử lộ 1 hơn là quốc lộ 1 mới đúng. Một con lộ hoang tàn của chiến tranh. Nửa tiếng sau chúng tôi đã đến vùng kiểm soát của quân Dù.

Bay sát các sườn đồi để tránh các khẩu 12.7ly của phía bên kia. Tôi nhìn thấy bên dưới quân ta ẩn hiện trong các công sự chiến đấu đang vẫy tay chào. Khi gần đến mục tiêu, các trực thăng chở quân tách ra thành nhiều bãi đáp để tránh bị lộ. Chúng tôi lần lượt nhảy xuống từng nhóm theo hiệu lệnh khói màu của toán tiền trạm Tiểu Đoàn ra đón. Khi chân vừa chạm đất, tôi nghe bên kia ngọn đồi cách bãi đáp tôi không xa. Có tiếng cánh quạt của một chiếc trực thăng đang gầm rú liên hồi như con thú vừa trúng đạn và nhiều tiếng nổ ầm ĩ dội về. Tìm chỗ núp và lần mò theo toán tiền trạm về... nhà mới. Đại đội 34 thuộc TĐ3 Dù do Đại úy Phạm Công Hiếu làm Đại đội trưởng.

Trong buổi chiều hôm đó, Thiếu úy Lâm Tăng Sum cùng trung đội cho tôi biết. Mới hồi trưa Tiểu Đoàn mình thả lầm bãi đáp, nên vài người đã hy sinh trong đó có 1 sĩ quan mới ra trường: Phạm Lê Phong!!!

Ngày đó Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu tá Võ Thanh Đồng chắc biết rõ hơn về cái chết của PLP. Còn Tiếu úy Sum đã mất năm rồi ở San Diego vì bệnh. Nguyễn Văn Phải bị thương giải ngũ năm 1974, hiện nay ở Úc (?). Vì vẫn không liên lạc được nên cái chết của Phong được coi như người sĩ quan đầu tiên của Khóa 4/71 tử trận khi về Dù. Có phải Phong chết lúc thả lầm bãi đáp không? Điều này tôi không rõ và chắc chắn cho đến hôm nay, chỉ nghe Thiếu úy Sum nói lại mà thôi.

Cho nên sự hy sinh của Phong đã mang đến cho Khóa 4/71 một nét vinh quang được chúng ta hãnh diện, cùng với những sự hy sinh của các anh em khác cùng khóa, mà đến giờ chúng ta chưa thể thống kê được.

Cái chết của Phạm Lê Phong được vinh danh sau đó là vì, PLP là con của một vị thủ hiển tên tuổi của miền Nam ngày trước, khi Phong có điều kiện chọn một đơn vị không tác chiến, mà lại tự chọn về Nhảy Dù. Để chỉ thấy hiểm nguy và mất mát trước mát. Cho nên cái chết của PLP ngày đó như cái chết của một anh hùng mà chúng ta đều đã biết.

Không riêng gì PLP, mà còn nhiều anh em khác của chúng ta nữa cũng từ chối những chỗ “ngon lành” hơn, để chọn về Dù, một binh chủng kiêu hùng được mệnh danh là binh chủng... “từ chết cho tới bị thương”... Để rồi sau đó cũng đã bỏ mình trong cuộc chiến vừa qua mà có ai biết đến? Như Trần Nhật Chánh 354, anh ruột là Trung tá Không Quân Trần Nhật Chấn, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Phòng Vệ Phi Trường Tân Sơn Nhất. Chánh cũng là con trai còn lại của gia đình có hai anh đang tại ngũ. Nhưng Chánh vẫn nhất quyết chọn về Dù mặc cho những lời khuyên gián của gia đình! Để rồi chưa đầy một tháng sau từ lúc ra trường, Khi TĐ3ND vào Đồi 90 để thay thế cho “thằng 7” vừa bị “rách áo”. Tôi nhìn thấy thi thể rách bươm của Chánh đang được khiêng ra! Chánh “cá thòi lòi” của 354 được về phép vĩnh viễn trong chiếc poncho gói chặt cuộc đời làm lính Dù ngắn ngủi của nó!

Như Bùi Ngọc Anh 354, hiền như một anh giáo làng! Lành như cục đất. Nghe lời Huỳnh Văn Chính 331 “rủ” đi ND, Chính nói qua Dù... lương cao lắm, Ngọc Anh theo ngay. Để rồi hôm nay chỉ còn lại Chính Dù, Ngọc Anh đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương Qui Nhơn của mình, với đôi môi Anh chưa một lần hôn ai...

Trương Ngọc Hòa 321, dân học trường Tây từ nhỏ, Tú Tài Pháp. Khi mãn khóa, trường Sinh Ngữ Quân Đội xin Hòa về, nó lắc đầu từ chối để theo 118 vị... anh hùng Lương Sơn Bạc kia để rồi... giờ đây ngậm ngùi đến hết cuộc đời vì đã bỏ lại một phần thân thể nơi vùng chảo lửa của mùa hè địa ngục 1972 năm ấy.

Và một Hà Quốc Tuấn cũng ở 354, thủ kỳ Đại đội 35. Trắng trẻo, cao to, đẹp trai như Tây lai. Lập gia đình sớm, nên khi còn là SVSQ đã... có con rồi. Lẽ ra Tuấn phải chọn một đơn vị khác... hiền hiền một chút, gần nhà để lo cho vợ con. Nhưng không, Tuấn nói với tôi: “Tao chỉ khoái Nhảy Dù mày à!” Để rồi Tuấn đã trả giá cái “khoái” của mình trong một trận tapis gần sông Thạch Hãn. TĐ11 Dù của Tuấn bị... chơi quá tay. Một quả lựu đạn chày oan nghiệt đã làm Tuấn không bao giờ còn thấy lại ánh mặt trời nữa cho đến hết đời mình! Và từ đó danh xưng “Tuấn mù” được gọi một cách thân thương mỗi khi ai nhắc đến Tuấn 4/71 của TĐ11 Dù năm xưa.

Và còn nữa Đặng Vũ Hùng mất 2 chân qua gối của TĐ6ND.

Vì sao đa số các 4/71 đều chọn về Dù, khi biết danh sách thương vong trong binh chủng này đứng đầu các đơn vị khác không?

Câu trả lời đơn giản thôi. Vì NHẢY DÙ vẫn là niềm hãnh diện và tự hào cho các 4/71 cho đến ngày hôm nay, chúng ta đã chọn đúng.

Các 4/71 thân mến, các chiếc Dù 4/71 thân thương. Đến giờ chúng ta vẫn chưa thống kê được hết những ai đã còn và đã mất trong số hơn 1500 người của 4/71 chúng ta sau 38 năm nay. Công việc này tất cả chúng ta đang thực hiên cho dù thật khó khăn và nhiều trở ngại.

An Lộc thành phố năm xưa nay đã hồi sinh, ngôi nhà anloc471.com đã vừa xây dựng xong, cửa nhà đang mở rông để các anh em tìm về, chúng ta đã tìm về và gặp được nhau sau bao năm xa cách.

Còn nhiều chiếc Dù 4/71 lẻ loi vẫn chưa tìm thấy được. Có những cánh Dù rách nát chúng ta đang chung tay vá lại nói riêng và tất cả các 4/71 đang còn khó khăn nói chung. Đây là công việc làm thật đáng trân trọng và quý giá, nó nói lên cái tình nghĩa và tấm lòng của anh em chúng ta. Điều này đã đem chúng ta xích lại gần nhau hơn, thương nhau nhiều hơn khi trong cuộc sống hôm nay của chúng ta đôi khi không thấy... thương ai nhiều bằng anh em đồng khóa của mình.

Hôm nay Xuân lại về, bao năm đã qua đi. Chúng ta đã mất thật nhiều, mất bạn bè, mất tuổi thanh xuân cho chiến tranh, cho tù ngục và cho những đắng cay của cuộc đời. Hôm nay nhìn lại đời mình, giật mình, ôi Thu sắp qua rồi, Đông đang chợt về. Nhưng chúng ta luôn vẫn thấy ấm trong lòng vì quanh đây ANLOC 4/71 vẫn mãi là bếp lửa nồng của những buổi chiều Đông lạnh giá.

Mũ Đỏ Saigon Xuân 2010

Phụ lục - Nghe đọc truyện

Thiên Thanh đọc

 

Lời giới thiệuPhạm Lê Phong – Sĩ Quan Nhảy Dù Tử Trận Sau Khi Ra Trường Một Ngày – Mũ Đỏ Sài Gòn – Thiên Thanh đọc.

Đêm 29/7/1972 có lẽ đây một đêm dài nhất đối với 118 (?) viên chuẩn úy mới ra trường của khóa 4/71, một đêm thật buồn thảm mà tôi không bao giờ quên được. Một đêm với nỗi chán chường mênh mông cho tất cả anh em chúng tôi, khi chúng tôi biết không còn hy vọng gì để về thăm nhà. Lúc đó tôi chợt nghĩ thôi rồi Quân Đội đã phỉnh lừa mình rồi, không thể nào như thế được, không thể đi ngay khi chưa từ giã gia đình và bạn bè người thân. Nỗi thất vọng càng tăng cao khi những viên sĩ quan hậu cứ của các tiểu đoàn bước ra và đọc tên nhận người và phát vũ khí và đạn dược. Tôi hiểu thế là xong! (không còn hy vọng gì nữa), đêm nay sẽ phải đi mà thôi. Trên gương mặt anh em hiện rõ nỗi tuyệt vọng não nề vì những ngày phép cũng như những hẹn hò không bao giờ có với họ như mong đợi. Tất cả đang chờ đ
ể đưa đi Quảng Trị, vùng đất của khổ nạn điêu linh! Trong khi đó khổ nhất vẫn còn nhiều anh em mang theo bộ đồ đại lễ không biết gửi ai bây giờ, họ vẫn ấp ủ niềm hy vọng được về phép sẽ mang về nhà cất làm kỷ niệm.

Tờ mờ sáng 30/7/72 khi Sài Gòn còn đang ngái ngủ, những người lính của chín tiểu đoàn Dù lầm lũi bước vào những chiếc C–130 đen đủi để bay vào chảo lửa của vùng trời Quảng Trị. Mang theo 118 viên ch/úy khóa 4/71 mới ra trường, để rồi trong số đó gần một nửa không bao giờ trở lại. Có thể đây cũng là lần cuối cùng họ còn nhìn thấy ánh đèn mờ sương xa xa của vùng Gò Vấp qua khung cửa kính máy bay buổi sáng hôm đó. Trong số những người không bao giờ trở về đó có Phạm Lê Phong, SVSQ của khóa 4/71 mới ra trường
–MĐ Sài Gòn