Wednesday, April 22, 2020

Lee Kun-hee (Korean: 이건희; Hanja: 李健熙; Korean pronunciation: [iːɡʌnhi]; born January 9, 1942) is a South Korean business magnate and the chairman of Samsung Group.// Lee Kun-hee, sanh ngày 9/1/1942, 78 tuổi là ông trùm/đại gia về kinh doanh và chủ tịch Tập đoàn Samsung.
LEE = 3 5 5 = 13 = 4
KUN-HEE = 2 6 5 5 5 5 = 28 = 10 = 1
Vì 4 + 1 = 5 nhỏ hơn 10 nên ta ko thể rút gọn 13 và 28 nên phải cộng số này: 13 + 28 = 41. Số này có cùng ý nghĩa với số 32: sau đây là ý nghĩa của số này.
Ý nghĩa của số 32
Sự giao tiếp (Communication)
Số này có quyền lực phi thuờng (magical power) ảnh huởng hay tác động đến quần chúng (sway masses of people) cũng như số 14, vừa có sự giúp đỡ từ những nguời có địa vị cao cũng như số 23. Thêm vào đó là khả năng bẩm sinh lôi cuốn/thu hút đuợc (charm) kẻ khác bằng tài ăn nói có sức hấp dẫn mạnh mẽ (magnetic), và điều rõ ràng rằng tại sao số 32 đôi khi đuợc biết như, qua cách hiện đại hóa sự tuợng trưng của nguời xưa, là “quyền lực/rung động của chính trị gia“ (the politician's vibration). Sự phức tạp của ngành quảng cáo, viết văn, ấn loát, truyền thanh, và truyền hình không phải luôn luôn, nhưng thuờng trở thành dễ dàng (are an open book) cho nguời số 32, vì họ có khuynh huớng làm việc tốt duới áp lực. Nhưng cũng có một cảnh báo đáng ghi nhớ (a warning note sounded) bên trong âm điệu có vẻ êm ái này (seemingly happy melody). 32 là một số rất may mắn nếu nguời, mà nó thay thế, giữ đuợc lập truờng kiên định (inflexibly) đối với những ý kiến và phán đoán của họ trong cả hai lãnh vực: nghệ thuật hay những thứ trừu tuợng và những thứ cụ thể (in both artistic or intangible matters and material matters). Nếu không là như vậy, những kế hoạch của họ có nguy cơ (are liable) bị làm hỏng (to be wrecked) bởi sự ngoan cố (stubbornness) và đần độn (stupidity) từ kẻ khác./.
(Dịch xong lúc 00:44 rạng ngày 31/03/2010 từ trang 206 của quyển Linda Goodman's Star Signs).
Tỉnh Biên Hòa: 1 trận đánh ở quận Tân Uyên

Tác giả/Nhân vật: Hòa Ái, RFA
Các trận đánh cuối cùng của những người lính thuộc Quân lực VNCH trước khi có lệnh buông súng vào ngày 30/4/1975 luôn ám ảnh những cựu quân nhân trong suốt 40 năm qua. Sau đây là hồi ức về 1 trận đánh ở chiến trường Quận Tân Uyên, phía Nam chiến khu D của cựu Đại úy Bộ binh Nguyễn Văn Thanh mà ông cho rằng sẽ không bao giờ quên cho đến ngày nhắm mắt. Bắt đầu cuộc trò chuyện với Hòa Ái, ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ:
Với tôi là 1 quân nhân đã tham gia nhiều chiến trường nhưng với trận đánh này vẫn nằm trong tâm khảm của tôi suốt 40 năm qua. Khía cạnh tôi muốn nói ngày hôm nay không phải ở phương diện giao tranh với súng đạn mà là sự gắn kết giữa người chỉ huy với những người lính thuộc quyền trong những giờ phút thật là đặc biệt, tức là hơn 10 tiếng đồng hồ nữa là chấm dứt một cuộc chiến tranh tương tàn giữa Nam và Bắc.
Hòa Ái: Thưa ông, với cấp bậc Đại úy trong vai trò của người chỉ huy, ông đã nhận lệnh hành quân trong trận đánh mà ông cho là cuối cùng của mình với tâm trạng như thế nào?
Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Vào thời điểm đó, ngày 28/4 là ngày rất đặc biệt. Chiều hôm đó có 1 sự kiện lớn xảy ra, phi công Nguyễn Thành Trung trở về oanh kích Tân Sơn Nhất. Và đêm hôm đó diễn ra bàn giao chức vụ tổng thống giữa Tổng thống 7 ngày là ông Trần Văn Hương với Đại tướng Dương Văn Minh. Sau khi làm lễ bàn giao xong, tôi thất vọng vô cùng, tâm trạng rất nặng nề. Lúc đó bao nhiêu đại đơn vị ở miền Bắc đã tràn về hướng Sài Gòn một cách hỗn loạn. Tâm trạng người lính như tôi trong một đơn vị nhỏ, thật rối bời.
Tôi nhớ vào khoảng 9-10 giờ đêm, tôi được lệnh hành quân khẩn cấp. Lệnh hành quân gồm có 2 đại đội phải đến giải tỏa 1 cái đồn để giúp cho địa phương bị Cộng quân tràn ngập buổi chiều. Tôi cầm lệnh hành quân thấy hơi kỳ lạ vì trong mục tình hình địch và tình hình yểm trợ của bạn một cách rất mơ hồ. Tình hình địch thay đổi từng ngày từng giờ, theo tôi biết ở chiến trường này giống như đẩy đơn vị tôi vào cái nơi mà chính tôi cũng không biết đi đâu.
Sau khi toán quân của tôi được mấy chiếc GMC chuyển tới thì tôi định được điểm đổ quân tốt nhất theo bản đồ là tại 1 ngôi chùa hoang cũ kỹ ở cuối làng. Nhìn trên bản đồ thì điểm chúng tôi sẽ phải đến còn cách khoảng chừng 3 cây số nhưng tôi nhìn trên thế địa hình thì gần như bằng phẳng, không có chỗ nào để ẩn nấp mà nếu tiến quân như vậy thì quá nguy hiểm. Tôi gọi về Bộ Chỉ huy hỏi pháo yểm và không yểm. Phòng 3 chỉ trả lời một cách ỡm ờ để báo cho tôi biết những đơn vị pháo của viện địa và sư đoàn nằm quanh đó và không yểm nằm bên phi trường Biên Hòa. Nhưng tôi biết phi trường Biên Hòa đã bắt đầu dời đi rồi, phi cơ đã bay đi gần hết thì tại sao phải nói với tôi như vậy? Là một quân nhân tôi không có quyền thắc mắc nhiều mà chỉ thi hành trước và khiếu nại sau.
Lúc đó trời tờ mờ sáng, chúng tôi vừa bước ra khỏi ngôi đền làng, có thể nói một loạt đầu tiên khoảng từ 20 đến 25 quả đạn pháo 82 bắn vào phía chúng tôi. Chỉ vài người bị thương nhẹ, còn riêng nằm cách tôi chừng mười mấy thước, 1 anh chàng tân binh, mới vừa trình diện đơn vị 3 ngày bị thương, đang cắn răng chịu và rên ‘em đau quá’. Tôi nhìn thì không thấy vết thương nào trầm trọng, nhiều lắm là trúng miểng vì thân thể vẫn lành lặn. Người bị thương đầu tiên này tôi đến hỏi thăm cũng là người chết đầu tiên. Sau khi tôi trở lại thì em này đã chết khô cứng rồi.
Hòa Ái: Và ông quyết định tiến về phía trước trong khi ông có linh cảm là cả đại đội của mình sẽ phải chiến đấu khi không có sự yểm trợ nào hết hay sao?
Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Khi tới chỗ cần tiến sát mục tiêu, đặt ống dòm lên thì tôi thấy tình hình này quá nguy hiểm. Trong lệnh hành quân không cho tôi biết một tin tức gì, chỉ nói là 1 đơn vị lớn nhưng tôi không biết lớn bao nhiêu. Một cuộc hành quân lạ lùng, có vẻ chắp vá một cái gì đó! Cách tôi chừng 200 thước có 1 cái đồi rất cao. Theo kinh nghiệm tôi biết hễ ai nắm cái đồi đó thì ngự trị hết vùng và tôi biết chắc chắn Cộng quân đang chiếm ngữ trên ngọn đồi cao đó. Hóa ra là họ đã chờ chúng tôi ở đó, bắn ra gồm có đại liên, B40 với cái thế chúng tôi tiến 1 bước cũng là bia sống để bị bắn, không thế nào chúng tôi lên được, coi như chúng tôi bị lọt vào 1 thế trận đã gài sẵn. Tôi gọi về Bộ Chỉ huy nói rằng nếu không có pháo binh và không quân dập mục tiêu thì đừng bao giờ kêu tôi vô vì tôi phải bảo vệ lực lượng của tôi. Ở trên nói yên tâm và nằm tại chổ để gọi các đơn vị pháo xung quanh bắn yểm trợ. Tôi ngồi đợi 30 phút, chỉ nghe tiếng pháo và tiếng súng của địch thôi, không nghe tiếng gì khác hết. Khoảng vào 2 giờ chiều, địch quân bắt đầu mở cuộc tấn công chúng tôi, chúng tôi cầm cự vừa lùi vừa bắn. Trên đường rút chúng tôi bị một loạt nặng nhất vào khỏang 40-50 trái pháo.
Lúc đó tôi chỉ còn nghĩ làm sao bảo vệ đàn em mình. Tôi cũng không thể nào mang được một cái xác nào của những người lính ra khỏi vùng họ đã ngã xuống. Khi ra được tới bờ suối, tôi nhìn đàn quân nhếch nhác còn lại mà buồn không thể tưởng. Nếu tôi nhớ không lầm vào khoảng 5:30 giờ chiều, nhìn mờ mịt xa xa là cái gò mả nơi tôi bỏ lại 7 người nằm tại đó và người đầu tiên tôi đề cập là 8 người. Tôi cho tập hợp tất cả, nói với anh em rằng ‘trận đánh coi như đã kết thúc nên tôi ra lệnh cho anh em tuyên bố tan hàng, chia tay với anh em từ đây’.
Hòa Ái: Sau khi tuyên bố giải tán rồi thì điều gì xảy ra, thưa ông?
Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Câu chuyện không đơn giản chúng tôi giải tán là xong. Điều này chỉ có anh em nào từng ở trong quân đội mới chia sẻ tinh thần và trách nhiệm của người lính VNCH cao lắm. Khi đó tôi không dám nhìn anh em, anh em đứng ngơ ngác giống như bầy gà con đang lạc mẹ.
Tôi khoát tay, lắc đầu, nói ‘ thôi, anh em đi đi. Tại vì bây giờ chúng ta càng đi đông càng nguy hiểm, cứ nên phân tán mỏng ra và làm theo ý của mình’. Thế rồi tôi xách súng đi với 3 người từng chết sống với tôi trong nhiều năm. Tôi cứ nhắm về hướng Nam để đi. Tôi không ngờ được sau khi tuyên bố giải tán, đi khoảng 30 phút thì tôi thấy 5 người chạy theo tôi, lên được 8-9 người. Đi một hồi nữa thì có 5-6 người chạy theo nữa. Khi trời mờ mờ gần tối khi tôi ngoảnh nhìn lại thì có tất cả khoảng 20 người theo tôi.
Người nào người nấy cười không cười, khóc không khóc mà làm như họ sắp mất một cái gì lớn lắm. Tâm trạng của họ giống như những đứa con trong gia đình sắp xa nhau. Tôi cảm động vô cùng với tinh thần này. Đêm đó chúng tôi về đến xóm thì tình hình rất nguy hiểm với đầy du kích. Chúng tôi đã cởi áo lính, chỉ mặc áo thun. Chúng tôi vẫn còn súng đạn như thường và chúng tôi đã quăng súng xuống suối hết, đi tay không. Lúc đó tôi không còn nghĩ đến tôi và anh em nhiều mà tôi chỉ nghĩ đến 8 người bạn của tôi đã nằm ở lại. Tôi mong rằng đừng ai bị thương nặng sẽ đau đớn cho họ, nếu có chết thì được chết một cách nhanh hơn.
Cho đến sáng ngày 30/4 hôm sau, tôi đau đớn vô cùng vào khỏang 11-12 giờ khi biết được tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng và buông súng. Tôi ngồi tính lại đã để tổn thất 8 anh em và 3 người bị thương nặng trong hơn 10 tiếng đồng hồ. Tôi mang mặc cảm với tội với gia đình của họ quá lớn. Tôi không hiểu tôi đã làm đúng hay sai và gia đình họ sẽ nói sao khi họ nói rằng tại sao đưa người thân của họ vào sự sống chết trong khi chỉ còn 10 tiếng đồng hồ ngưng bắn.
Hẳn nhiên là mình tự trách mình nhiều hơn chứ tôi nghĩ nếu lịch sử lặp lại thì chưa chắc gì tôi làm khác được. Nhưng có điều tôi rất thương mến tinh thần vào giờ chót anh em vẫn đi chung với nhau. Và tới sau 3 giờ chiều ngày hôm đó, chúng tôi ra đường và anh em chúng tôi bị bắt trọn.
Hòa Ái: Kể từ khi bị bắt và bị đi tù trong các trại tập trung cải tạo và thời gian sau khi được trở lại với xã hội, có bao giờ ông gặp lại những người đồng đội của mình và có ai trách cứ ông điều gì không?
Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Cô hỏi câu này làm cho tôi cảm động hơn vì tôi còn mang mặc cảm tội lỗi rất lớn. Trong những ngày bị tù đày, họ không ở tù chung vì họ không cùng cấp và chức với tôi. Tôi ra tù trong hoàn cảnh phải bỏ xứ ra đi vượt biên tới Mỹ nên tôi không có cơ hội nào để gặp ai hết. Tôi vẫn mơ ước được gặp lại một trong những người đó. Mãi hơn 20 năm sau có dịp trở về, tôi có nói ưu tư của tôi nhưng họ nói ‘anh yên tâm, không ai trách anh một tiếng nào’. Họ chỉ nhắc lại kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ mà thôi. Và họ rất hãnh diện đã từng cầm súng trong danh xưng là chiến sĩ của VNCH.
Hòa Ái: Trong hồi ức cuộc đời binh nghiệp của mình, ông có bao giờ nhớ đến những người lính bên kia chiến tuyến mà ông từng đối đầu hay từng gặp gỡ không?
Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của tôi, tôi đã gặp rất nhiều tù binh. Một trong những người tù binh mà tôi nhớ nhất là khoảng năm 1970, một anh tù binh khoảng chừng 16 tuổi, trẻ măng, nước da xanh nhợt. Ban đầu anh này không nói chuyện, và khi nói thì nói với giọng như chửi bới ‘tụi bay là quân Mỹ Ngụy’. Sau khi ăn xong, tôi cho anh này hút điều thuốc và ngồi nói chuyện vài ba tiếng đồng hồ sau thì con người thật của họ mới từ từ nói ra. Anh này nói ‘ở ngoài đó nếu chúng tôi không đi bộ đội thì chúng tôi bị cắt phiếu gạo’.
Khi đó, tôi cũng không biết ‘cắt phiếu gạo’ là gì, chế độ tem phiếu tôi đâu có biết. Qua ngày hôm sau thì thái độ của anh này khác hẳn. Hình ảnh đó tạo cho tôi thấy hình ảnh người chiến binh Cộng sản lúc đó họ là em tôi chứ không phải là kẻ thù vì con người thật của họ cũng là con người có tình cảm, có gia đình, có người yêu, có cuộc sống. Với tôi hình ảnh người chiến binh (bên kia chiến tuyến) không phải là hình ảnh dữ dằn nhưng tại sao họ hiện diện trong miền Nam để gây cuộc tương tàn? Câu hỏi đó là câu trả lời cho tất cả mọi người.
Hòa Ái: Và nếu như được có cơ hội được chia sẻ với thế hệ trẻ sau chiến tranh thì ông sẽ nói gì?
Cựu Đại úy Nguyễn Văn Thanh: Với tôi thì cuộc chiến VN nên nhìn một cách nhân bản chút xíu. Sự thật trong Quân lực VNCH họ có lý tưởng rất lớn. Lý tưởng đó là chúng tôi cầm súng để bảo vệ trong một cuộc chiến tranh tự vệ. Tôi biết họ là người xâm lược vì họ đã vượt tuyến qua. Nhưng gần đây tôi có nghe câu nói của ông Điếu Cày rằng ‘trong cuộc chiến này không có kẻ bại và người thắng mà chỉ có một người bại duy nhất là bà mẹ VN’. Tôi nghĩ đó là câu đúng nhất.
Những người anh em bộ đội miền Bắc nói cho cùng cũng là người bị đưa vào chiến trường chứ họ cũng không biết gì hết. Thành ra tôi thấy cuộc chiến tranh gọi là tương tàn Nam Bắc đã tiêu đi gần 5 triệu con người thật là oan uổng. Và hơn nữa, nhìn lại đất nước ngày hôm nay, tôi thất vọng vì bao nhiêu tài vật và sinh mạng đã đổ ra mà hôm nay kết quả của đất nước không ra gì. Tôi mong rằng có một sự chuyển đổi-‘chuyển đổi mềm’ vừa tiết kiệm xương máu mà Nhân dân VN có 1 ngày tươi sáng hơn. Mong ước của tôi là tuổi trẻ phải biết được làm sao hướng về Tổ quốc VN phải có Tự do-Độc lập-Nhân quyền một cách thật sự nhưng không kinh qua một giọt máu và cuộc chiến tranh nào hết.
Hòa Ái: Xin chân thành cảm ơn thời gian chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thanh với thính giả của đài ACTD.
Hòa Ái, phóng viên RFA
06-03-2015
Nguồn RFA
GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG CỦA MỘT ĐƠN VỊ QLVNCH
Đúng 10 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, tôi nhận được lệnh rút lui, lúc đó đại đội của tôi là tuyến đầu của tiểu đoàn tại vùng ngã tư Quân Vận đến cầu Tham Lương cách hãng dệt Vinatexco 300 mét về hướng Hóc Môn. Cùng lúc đó đứa con đầu đàn của tôi báo cáo đoàn xe địch đang di chuyển vào phòng tuyến xin lệnh tôi. Tôi xin lệnh trên, được lệnh vắn tắt (“Tiêu diệt xong rút về Lăng Cha Cả chờ lệnh kế tiếp. Không thu chiến lợi phẩm, bảo toàn lực lượng”). Tôi cũng xin một nói thêm tiểu đoàn chúng tôi rải quân như sau: Đại đội thứ 4 của tôi từ ngã tư Quân Vận đến cầu Tham Lương, đại đội thứ 3 khu Bình Thới đến ngã ba Bà Quẹo, đại đội thứ 2 từ ngã ba Bà Quẹo đến ngã tư Bảy Hiền, đại đội thứ 1 từ ngã tư Bảy Hiền đến Lăng Cha Cả và Trương Minh Ký.
Tôi cho lệnh chi tiết cho Chuẩn Úy Nhiên, trung đội trưởng Trung Đội 1 của tôi, Nhiên nhanh nhẹn trả lời, “Hiểu và thi hành.”
Đoàn xe địch dẫn đầu bằng 3 chiếc PT 76 thư thả tiến vào Sài Gòn không gặp một sức kháng cự nào, qua ngã tư Quân Vận, qua Khu gia binh của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Tôi đưa ống nhòm theo dõi từng vết xích của chiến xa dẫn đầu đang nghiền nát quê hương tôi. Hai cột khói nâng bổng hai chiến xa dẫn đầu kèm theo tiếng nổ của mìn chống chiến xa, một loạt hỏa tiễn M72 phóng ra, 3 chiến xa dẫn đầu tan nát, kèm theo 10 xe vận tải chở đầy bộ đội Bắc Việt bị lật nghiêng. Đoàn xe sau đụng nhau dồn cục gây thêm một số thương vong cho chúng. Những Cán Ngố chĩa súng bắn loạn xạ, nhưng chúng không thấy chúng tôi. Chúng tôi rút về tới ngã ba Bà Quẹo, một giờ vất vả và vô sự. Đúng lúc đó địch quân cũng đã hoàn hồn và tiếp tục di chuyển, lần này chúng thận trọng di chuyển thật chậm, vừa đi vừa bắn những chỗ chúng khả nghi. Đơn vị chúng tôi tiếp tục di chuyển về ngã tư Bảy Hiền.
Một số phóng viên ngoại quốc bu lấy tôi hỏi đủ chuyện. Lúc đầu tôi trả lời bằng tiếng của họ “Tôi không biết,” nhưng sau đó một phóng viên ngoại quốc hỏi tôi bằng tiếng Việt:
– Anh thuộc đơn vị nào?
– Nhảy Dù
– Tôi muốn hỏi anh thuộc tiểu đoàn nào?
– Anh cứ biết một tiểu đoàn Nhảy Dù đủ rồi.
Thấy tôi không muốn trả lời họ không hỏi nữa. Họ thi nhau chụp hình đơn vị đang rút của tôi rồi bỏ đi về hướng tiền quân.
Nhảy Dù! Không hiểu ai đặt ra cái luật khắt khe, “Không được tự ý trả lời phóng viên dù là tên của mình.” Quý vị thấy những đơn vị bạn có những tên thật đẹp như Cọp Vằn, Hắc Báo, Kình Ngư… Nhưng Nhảy Dù có những tên vô cùng đẹp như: Con Gà tử mị, Sư Tử mắc nước, Con Cù lần, v.v… Còn tên các tiểu đoàn trưởng như: Trưởng ấp, Xã trưởng, Bồi bàn, Cao bồi… Đại Đội Trưởng: T… sốt rét, N. Lai H… ghẻ,… Có một đại đội trưởng may mắn hơn có cái tên đẹp Út Bạch Lan. Thường những tên như vậy cấp dưới biết nhưng không ai dám gọi cả.
Mặc dầu địch quân tiến thật chậm, và thận trọng nhưng chúng tôi nhất định không tha, nếu chúng nắm vững tình hình tiến chậm hai giờ nữa để đơn vị chúng tôi rút lui xong, thì chắc chắn chúng sẽ vào Dinh Độc Lập như vào chỗ không người. Khi tới gần Vinatexco, 2 thiết giáp đi đầu bắn xả vào những “Lô cốt” trong phi trường, nhưng các lô cốt này đã bỏ trống, đơn vị phòng thủ phi trường đã bỏ ngõ từ lúc trưa ngày 29 Tháng Tư 1975. Các loại súng trên thiết giáp thi nhau nhả đạn vào những chỗ chúng nghi ngờ. Chúng đâu có ngờ một pháo đội ngụy trang kín đáo tại vị trí vãng lai của TĐ 1 PB đang sẵn sàng tiêu diệt chúng, 4 viên đạn chống chiến xa ra khỏi nòng súng 105 ly các pháo thủ đầy kinh nghiệm chiến trường rang muối thêm 2 con cua sắt và 2 vận tải. Lần này chúng có kinh nghiệm, chúng không bị dồn cục, nên không bị tổn thất thêm, nhưng đau cho chúng là chúng không biết từ đâu để bắn lại trả thù. Xong nhiệm vụ các pháo thủ Mũ Đỏ cũng rút lui sau khi phá hủy súng.
Đối với chúng tôi, đánh giặc phải tiêu diệt chúng xong, chiếm mục tiêu, thu chiến lợi phẩm thì đơn vị mới có tổn thất, còn diễn trò như hôm nay, gây cho chúng tổn thất rồi mình chạy làng, thì không bao giờ anh em chúng tôi phải hy sinh. Nhưng trò đùa này của chúng tôi cũng làm chúng điên đầu nhức óc, mỗi lần như vậy, chúng lại phải điều quân lại, tổ chức lại đội hình thật lâu chúng mới dám dè dặt tiến quân tiếp. Chúng bắn tứ tung, mất tinh thần thấy rõ, chính vì vậy mà những đơn vị của chúng ta trước đây mỗi khi đi hành quân bảo vệ đồng bào, nếu không cẩn thận dễ bị tổn thất, vì địch không đương đầu chống lại, chúng vừa đánh vừa rút, hoặc phải đương đầu với ta là vì chúng không còn ngõ để chạy nữa. Nhất là những vùng rừng núi rộng rãi chỗ cho chúng chạy thì: Kỹ thuật tác chiến yếu, tinh thần suy sụp là đơn vị hành quân rất dễ bị nướng lắm.
Từ ngã ba Bà Quẹo dân chúng còn lại, hối hả chạy dọc theo đường hướng về phía Sài Gòn, sự sợ hãi, hốt hoảng lộ ra trên nét mặt, không còn một nu ỳcười trên môi các thiếu nữ, không còn tiếng nô đùa trên miệng các em bé vui tươi. Nhìn những khuôn mặt ngây thơ đầy u uất, lòng tôi se lại trong đớn đau nát da, đứt ruột. Đồng bào tôi đây, đang cần sự che chở của quân đội, của chúng tôi, nhưng chúng tôi lại “Khiếp nhược” rút lui! Không thể được, việc trước mắt như cứu lửa, phải bảo vệ đồng bào như một phản ứng tự nhiên. Có bao giờ chúng tôi phải rút lui cay đắng như thế này đâu? Có bao giờ đồng bào nhìn chúng tôi xong lặng lẽ chạy tiếp đâu? Bây giờ giặc đã đến ngõ cụt của thủ đô. Những giọt mồ hôi quái ác làm mắt tôi cay cứng lấy tay áo quệt mồ hôi; mặc dù chưa rõ tình hình chung, nhưng tôi biết đây là trận chiến cuối cùng để dân tộc này, quê hương này sẽ đi vào con đường u tối miên man, không một ánh sáng cuối đường hầm.
Chúng tôi cố tình trì hoãn rút lui để đồng bào chúng tôi đi được một khoảng cách xa an toàn, tôi cho lệnh rút lui tiếp tục, đứa con đầu của tôi, trước cổng Hoàng Hoa Thám chậm chạp di chuyển về phía sau đồng bào. Tôi đang từ Trung Đội 4 trước Hội Đồng Xã Tân Sơn Hòa lướt qua Trung Đội 3, những anh em chiến hữu của tôi đã xả thân tại khắp các chiến trường đất nước, từng làm quân thù bạt vía kính hồn từ trận nhỏ đến trận lớn. Tôi nhìn vào tận mắt của từng người như cầu van tha thứ cho tôi, “Vì đã cho lệnh họ rút lui trước quân thù”; nhưng những ánh mắt nhìn tôi như oán hờn, như trách móc. Tôi cúi mặt tránh những ánh mắt thân thương, lầm lũi bước đi trên đường Lê Văn Duyệt quen thuộc, trước cổng trại Thạch Văn Thịnh (TĐII Nhảy Dù) con đường rộng thênh thang, không còn bóng người dân di chuyển, chỉ còn lại chúng tôi và một số phóng viên ngoại quốc. Tới cổng Hoàng Hoa Thám tự nhiên chân tôi chùn lại, tưởng như một khối chì nặng nề níu chân lại.
Đứng lại trong thế nghiêm tự nhiên, cay đắng nhìn cổng trại thân yêu, cách đây 10 năm tôi vui mừng rạng rỡ bước qua để chính thức trở thành một quân nhân Mũ Đỏ, chiếc cổng vô tri này nhưng ma lực của nó đã có sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với biết bao thanh niên anh hùng ở lứa tuổi đôi mươi. Hình ảnh chiếc cổng hoang tàn với hàng rào Concertina ngổn ngang như hoang phế lâu ngày, nhìn sâu vào trong trại, tôi thấy thấp thoáng những bạn bè, chiến hữu chúng tôi đang vội vã di chuyển trong đó. Tôi không hiểu tôi đang là một thứ người gì, nhưng tôi đang đứng sững nghiêm chỉnh trước chiếc cổng như đại diện cho đơn vị, đơn vị tôi tôn thờ như thánh thần trong tâm khảm. Những ngày tung hoành ngang dọc nào có mơ ước gì hơn là tiêu diệt kẻ thù để đồng bào được yên ổn làm ăn.
Tôi đưa tay chào chiếc cổng thân yêu, các phóng viên muốn thu hình này nhưng quá muộn, tôi lững thững bước đi như xác không hồn. Nước mắt tôi giàn giụa xen lẫn mồ hôi cay đắng, cơn nấc nghẹn ngào làm tôi nghẹt thở. Giã từ Hoàng Hoa Thám, giã từ đơn vị thân yêu, đơn vị đã được chúng tôi dâng trọn cuộc đời thanh niên cho Hoàng Hoa Thám, dâng trọn cho đoàn quân Mũ Đỏ.
Bây giờ với cái thân tàn tạ, hèn nhát này, dẫn đơn vị rút lui, dù theo lệnh trên, nhưng trước sức tấn công ào ạt của địch quân vào thủ đô. Ôi những chiến tích nức lòng dân như: A Châu, A Lưới, Tân Cảnh, Quảng Ngãi, Chương Thiện, Tây Ninh, Kiến Phong, Bình Long, Kom Tum, Quảng Trị, v.v… có chăng chỉ còn là một cơn gió thoảng qua trong cơn nóng nung lửa của tâm hồn. Sự dằn vặt tột cùng của sự tháo lui. Ôi cấp chỉ huy của tôi ơi! Ôi bạn bè của tôi ơi! Ôi những chiến hữu Mũ Đỏ kiêu hùng của tôi ơi! Chúng ta đã chạy thật hay sao đây? Đồng bào của chúng ta kia! Quê hương của chúng ta đó! Doanh trại của chúng ta đây! Hồn thiêng của bạn bè ẩn hiện đâu đây có ai cảm thông nỗi thống khổ này? Những khuôn mặt của Hiền, Được, Khiêm, Nhượng, Tống, Hùng, Hòa và hàng ngàn các chiến hữu Mũ Đỏ đã ra đi giận dữ nhìn tôi.
Tôi nhắm mắt bước đi theo đoàn quân chậm chạp rút lui như tử tội nặng nề bước chân lên bực thang máy chém.
Tôi cố gắng im lặng để thanh thản bước đi nhưng hình ảnh anh em bạn bè, họ là những Chiến sĩ vô danh cứ soi mói nhìn tôi như oán trách, như căm hờn. Bảy điều tâm niệm khi mới bước chân vào quân ngũ tôi vẫn còn thuộc lòng từng câu từng chữ:
Luôn nêu cao danh dự của quân đội
………
Phải thân dân bảo vệ dân và giúp đỡ dân.
Nhưng giờ đây lúc này không phải một điều nào chúng tôi cũng giữ được, thế hệ sau sẽ nguyền rủa. Chúng tôi không phủ nhận, xin nhận tất cả tội lỗi nhưng phải làm gì khác hơn đây. Từ ngày bước chân vào quân ngũ là đã sẵn sàng chấp nhận tấm poncho gói ghém thân mình, hay vinh hạnh hơn nữa là “lá Quốc kỳ phủ lên thân,” sống chết chẳng qua là cuộc đổi đời, quan niệm như vậy nên sự sống, sự chết đối với những người Mũ Đỏ thật cụ thể và nhiệm vụ quân đội, nhân dân giao phó mới đáng kể, nhưng bây giờ nhiệm vụ của quân đội giao phó là rút lui hay sao đây? Lằn tên nào cản được bước chân chúng tôi, bom đạn nào làm chùn chân chúng tôi, quân thù nào ngang cấp số với đơn vị dám đương đầu. Thân xác chúng tôi ai mà chẳng có vết tích của chiến tranh để lại trên thân thể. Thương xót cho bạn bè, cho đồng bào, cho dân tộc không biết sẽ phải đi về đâu đây?
– Thưa Đích Thân “Ba” vừa đánh cháy thêm hai chiến xa nữa. Tiếng của Hòa người mang máy cho tôi. (Hiện nay Hòa đang ở Úc Châu.)
– Ở đâu? Tôi hỏi vắn tắt.
– Ngã ba Bà Quẹo.
Tôi vừa băng qua Đại Đội 1 của đơn vị, được lệnh trực chỉ theo đường Trương Minh Giảng về hướng Sài Gòn đến ngã ba Trương Tấn Bửu chờ lệnh.
Dọc theo bên đường dân chúng ngơ ngác nhìn chúng tôi, người chạy theo lên hướng Sài Gòn, người ngơ ngác đứng nhìn. Tôi vừa dừng chân tại Trương Tấn Bửu, trước bót cảnh sát.
– “Hai” đánh cháy 1 chiến xa và 3 xe vận tải tại ngã tư Bảy Hiền, “Ba” đã qua Lăng Cha Cả, cùng Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn. “Một” còn nằm tại chỗ.
Tôi im lặng nghe Hòa báo cáo.
– Thưa Đích Thân, “Hai” đã qua Lăng Cha Cả.
Cùng lúc đó tôi nhận được lệnh kiếm chỗ trống trải để tập họp cả tiểu đoàn. Trung Đội 4 của Hạnh cho biết có sân trường Đại Học Vạn Hạnh có thể tập họp được. Năm phút sau Hạnh báo cáo có một xe Jeep mang huy hiệu Biệt Động Quân, nhưng do bọn mang băng đỏ bên tay trái lái. Tôi cho lệnh chận xe đó lại khai thác tin tức.
Trung Đội 4 báo cáo xe đó là của một trung tá BĐQ nhà gần đó bị bọn mang băng đỏ (Sau này đồng bào gọi là bọn 30-4 ) cướp sử dụng, trên xe có 6 tên đa số là sinh viên của Đại Học Vạn Hạnh. Chúng sử dụng súng của Nhân Dân Tự Vệ.
Đồng bào thấy chúng tôi mồ hôi nhễ nhãi, người tiếp tế nước đá lạnh, người mang ra bình trà, có người mang cả đồ ăn. Lúc đó mặc dầu khát dữ dội nhưng cầm ly nước lạnh, không sao tôi có thể nuốt trôi được; Tôi đang căm tức bọn băng đỏ, bọn đê tiện phản bội. Ý tưởng thịt bọn chúng lẩn quẩn trong đầu tôi, nhưng tôi nghĩ sau này có thể bị xuyên tạc và dân chúng sẽ hiểu lầm đơn vị, hiểu lầm Binh chủng. Một điều chúng tôi tối kỵ, làm gì cũng được, nhưng nếu danh dự binh chủng bị xúc phạm, dù có chiến thắng hay lợi lộc mấy đi chăng nữa, chúng tôi cũng phải suy xét lại. Tôi nhớ Tết Mậu Thân, đơn vị chúng tôi trên đường về giải cứu cố đô Huế, tiểu đoàn của tôi bị tiểu đoàn VC bố trí trên Cổ Thành Huế chận lại; trong khi chúng tôi ở dưới thấp lại còn vướng một dẫy lạch sâu trồng sen chung quanh Cổ Thành này.
Thành cao không thể leo lên dễ dàng, khó khăn không thể nào vượt qua, nhưng vị chỉ huy của chúng tôi cầm chiếc “nón đỏ” và nói: “Đây là lần đầu tiên nón đỏ này bị ô nhục.” Đơn vị nghe thấy máu nóng bừng bừng ai cũng tưởng như mình thêm cánh, thêm sức. Không đầy 30 phút sau sức lực huyền bí dũng mãnh của tinh thần bảo vệ danh dự đơn vị bùng lên, những thiên thần sát Cộng đã hiên ngang bay qua từng chốt của địch diệt trọn phòng tuyến chính để vào Thành nội Huế. Chính nhờ vậy chúng tôi tiếp cứu được Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn I BB trong trại Mang Cá Huế.
Cùng lúc đó Hòa báo cáo “1 vừa đánh cháy một chiến xa tại Lăng Cha Cả và 2 xe vận tải.”
Vào khu Đại Học Vạn Hạnh, tôi cho lệnh đứa con thứ tư của tôi đóng chốt giữ an ninh chung quanh khu đại học và từng đơn vị vào sân Đại Học Vạn Hạnh tập họp chờ lệnh. Tôi thấy bọn băng đỏ lố nhố trong khuôn viên ĐHVH, chúng có vũ khí nhưng không một tên nào dám nhố nhăng, vì sau chúng có anh em của tôi kềm súng sẵn sàng hỏi tội chúng. Ý tưởng phải thanh toán hết bọn này lại hiện ra trong trí. Nhưng vị anh cả của chúng tôi im lặng, lầm lì quan sát, tôi thấy môi anh mím chặt, cặp mắt giận dữ nhìn chúng nhưng chưa một phản ứng, thì một tên mặc áo tu hành Phật Giáo tay cầm loa đưa ngang miệng dõng dạc trong câu nói điên rồ: “Đất nước đã thống nhất, yêu cầu các anh em Nhảy Dù hãy buông súng trở về với cách mạng, cách mạng sẽ khoan hồng cho anh em.”
Phản ứng tự nhiên, tôi rút súng chĩa về phía hắn, hắn thụt lùi vào trong hành lang, và hàng trăm cây súng sẵn sàng nhả đạn. Nhìn lên những anh em trên cao ốc, tôi thấy anh em đều chĩa súng sẵn sàng chờ lệnh. Tôi biết rằng nếu tôi siết cò súng là súng nổ rền trời ngay lập tức, để đưa bọn Cộng con về với thiên đường Cộng sản. Nhưng thấy chúng cụp đuôi khiếp vía chạy trốn tôi cho súng vào bao, thầm nghĩ may mắn cho chúng gặp tôi, chứ gặp đơn vị khác thì hẳn là ĐHVH này chắc chắn phải trở thành ĐH “Bất Hạnh” ngay lập tức…
Anh cả của chúng tôi im lặng, đứng sững như trời trồng, sau đó anh cho lệnh Đại Đội 1 tìm bãi đất trống trải để tập họp tiểu đoàn, và cả đơn vị rút ra khỏi khu ĐHVH. Đơn vị tôi là đơn vị sau cùng ra khỏi khu Vô Hạnh này. Tôi không thể hiểu nổi ngay tại nơi huấn luyện đào tạo ra lớp người Tổ Quốc mong cho mai sau lại có đuôi chồn đỏ như thế này hay sao? Thua địch quân không đau, buông súng không tủi bằng phải thua ngay những người mình hằng quý mến. Người tình lang mất người yêu chắc cũng chỉ đau đớn thấm thía như chúng tôi lúc này.
Quê hương ơi! Tổ quốc ơi! Đồng bào ơi! Lỗi tại ai đây? Tại chúng tôi hèn nhát? Tại chỉ huy tồi? Tại vận nước suy đồi? Hay nó đã ruỗng ra từ bên trong…! Chúng tôi chỉ còn là cái vỏ mỏng bên ngoài làm sao chống đỡ nổi đây? Đại đội tôi đi sau cùng và vừa ra khỏi khu phản bội được 3 trung đội, trung đội sau cùng và tôi rút ra khỏi khu Vô Hạnh mà phải đi giật lùi như trong vùng địch, cẩn tắc biết đâu chúng giở trò cắn trộm. Tâm hồn tôi chùng xuống xen lẫn cơn giận vô bờ. Bọn chồn đỏ lại ló đầu ra, tôi định cho đơn vị khai hỏa, vì cơn giận trong tôi lại bừng lên, nhưng cùng lúc đó danh dự của đơn vị trồi lên lấn át, tôi cho súng vào bao cho lệnh đơn vị tiếp tục rút lui ra vùng tập trung mới.
May cho bọn chúng nếu không nghĩ đến danh dự có thể sẽ bị hiểu lầm, bị nguyền rủa thì chắc chắn chúng phải đền tội. Nếu không thì tôi, phải chính tôi, vì căm hận chắc chắn không thù hằn, nhưng vì uất ức trước sự phản bội phũ phàng, một phút không kềm hãm được sự nóng giận, tôi chỉ cần nhẹ nhàng vẫy tay thôi bọn chúng sẽ phải theo Cáo Hồ của chúng. Ôi danh dự của đơn vị sao cao siêu quá, sao dũng mãnh quá, chế ngự được tất cả. Tôi không hiểu bọn chúng có biết rằng chúng vừa thoát chết hay không? Chúng có hiểu rằng nếu danh dự của đơn vị không chế ngự được chúng tôi thì hậu quả sẽ đến với chúng như thế nào?! Những dòng chữ này chắc chắn sẽ được một hay nhiều tên trong bọn chúng tại chốn Vô Hạnh hôm đó đọc được, để chúng hiểu rằng hôm đó không may súng nổ: Chính là vì chúng đã không khôn ngoan, đã phản bội trắng trợn, đã ngoại tình đê tiện hèn hạ trước mặt người yêu thương quý mến mình.
Bước ra khỏi khu đê hèn, hai trung đội trưởng của tôi có ý trách móc tại sao tôi không giết bọn chúng. Tôi im lặng, tôi muốn anh em giãi bày để vơi đi niềm uẩn ức của những anh em đang bị phản bội trắng trợn đê hèn. Bọn vô lương tâm đó ngày nay không hiểu chúng có còn được như Trịnh Công Sơn hay đang lần mò trong những trại giam cầm cho đáng đời bọn xảo trá gian manh.
Vùng tập họp mới của chúng tôi ngay tại ngã tư Yên Đỗ và Trương Minh Giảng. Chúng tôi vừa vào hàng ngũ, đơn vị nghiêm chỉnh trình diện anh cả của đơn vị.
Huynh trưởng của đơn vị gương mặt thiểu não nói trong nghẹn ngào. Tôi có cảm tưởng như tiếng nói của anh bị đứt đoạn nhiều lần vì tiếng nấc đau thương: “Tôi xin chào tạm biệt các anh em. Xin báo cho các anh em biết chúng ta đã nhận được lệnh buông súng đầu hàng từ cấp chỉ huy tối cao của chúng ta. Cấp chỉ huy trực tiếp của chúng ta hoàn toàn mất liên lạc từ ngày hôm qua. Nhưng chúng ta không thể đầu hàng chúng được, vì danh dự của đơn vị tôi điều động anh em đến đây để bảo với anh em một lệnh cuối cùng: Chúng ta chào tạm biệt nhau tại đây ai về nhà nấy; tất cả quân trang, quân dụng tùy anh em định liệu; quyền chỉ huy của tôi đến đây đã chấm dứt.”
Cả đơn vị im lặng không một tiếng xì xào bàn tán.
Chúng tôi lặng người trong ngỡ ngàng tột độ, những lời lẽ thiếu mạch lạc của vị huynh trưởng phát ra từ xúc động. Tiếng nói của anh chấm dứt sau 5 phút đơn vị vẫn đứng im, từ trên xuống dưới không ai muốn xa nhau, không ai muốn tan hàng. Cái im lặng xa vắng, cái im lặng khủng khiếp. Tôi cũng đã biết giờ phút này phải đến, nhưng không ngờ nó đến trong bẽ bàng thế này! Nhìn hàng quân oai hùng, súng đạn còn đủ dùng, mặt mũi âu sầu. Cặp mắt mọi người đỏ hoe, tất cả đều gục mặt như mặc niệm bạn bè, mặc niệm đơn vị. Cơn đau đớn ê chề xâm chiếm dần dần như làn hơi thổi vào chiếc bong bóng tới độ không chịu được phải phát nổ. Sự phản bội từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài như cơn lốc bạt ngàn tạt vào mặt chúng tôi, cả hàng quân đang im lặng; vị huynh trưởng vẫn còn đứng đó, anh đang cúi mặt chận cơn đau đại nạn.
Tôi biết hàng ngày anh ăn nói rất văn hoa, nhưng hôm nay làm sao lời anh cộc lốc. Anh còn muốn nói nhiều, có lẽ anh còn muốn nói thật to, gào thét thật lớn, để một lần, một lần thôi rồi không bao giờ được tâm sự nữa. Thình lình Trâm một trung đội trưởng của tôi, nước mắt giàn giụa nhảy ra ngoài hàng quân. Trâm dơ cao trái lựu đạn quát to: “Xin các vị huynh trưởng kính mến của tôi hãy ra về. Các anh em của tôi hãy tan hàng, để một mình Trâm ở lại thôi. Tôi đã thề không đội trời chung với bọn vô thần, chúng vào đây thì tôi phải đi.” Trâm vừa nói xong khoảng 10 anh em vừa bước tới chỗ Trâm vừa nói: “Để tụi tao (tụi em) chơi chung với. Chúng ta không đầu hàng và cũng không tan hàng. Nhảy Dù chỉ có tiến không có lùi.”
Hoàng, đại đội trưởng đại đội thứ nhất la lớn:
– Để tao chơi chung với tụi bay.
Vị huynh trưởng cũng chạy lại chỗ Trâm. Tiếng Trâm sang sảng nhưng nghẹn ngào đứt quãng:
– Không được Đích Thân còn nhiều việc phải lo, còn nhiều việc phải làm, nhất là gia đình của Đích Thân.
– Ai cũng có gia đình tao chỉ biết có Gia Đình Mũ Đỏ, Gia Đình của Mũ Đỏ là gia đình của chính tao.
Một số anh em khác từ từ rời bỏ hàng ngũ, súng đạn, quân phục vứt ngổn ngang. Nhất là những anh em lớn tuổi, từ từ rời bỏ bãi tập họp mỗi người một phương, tôi không biết họ có mang theo vũ khí hay không, hay bỏ lại những gì? Còn lại từng tốp một ôm nhau nói chuyện. Tôi không biết họ đang nói gì nhưng nhìn khuôn mặt ai ai cũng chứa đựng đầy uất hận hiện rõ ràng trên khóe mắt đỏ ngầu rực lửa. Trên bãi súng đạn, ba lô, nón sắt nằm ngổn ngang và trải dọc theo bốn hướng ngã tư. Con phố hiền hòa của Đô Thành nay lại chứng kiến cảnh tan hàng của một đơn vị. Tôi chắc rằng đây là một đơn vị lớn nhất và là đơn vị sau cùng của Biệt Khu Thủ Đô giã từ vũ khí, đi theo mệnh lệnh của dân tộc. Đơn vị đã tan hàng có trật tự và kỷ luật của đơn vị thực sự bãi bỏ sau tiếng nói nghẹn ngào của một huynh trưởng đơn vị. Tôi quyết định phải khuyên Trâm và anh em chúng tôi đang bu lại quanh Trâm. Tôi linh cảm thấy, chậm trễ sẽ xảy ra hậu quả không lường được. Tôi chen vào đám đông và la lớn:
– Chúng ta đàng nào cũng chết, nhưng phải chết cho xứng đáng mới được. Chúng ta hãy liên lạc với nhau trở về Long Khánh. Lâm Đồng rồi cùng chiến đấu. Trâm đưa trái lựu đạn cho anh.
Trâm đưa trái lựu đạn cho tôi sau một hồi giằng co. Chúng tôi cùng thỏa thuận hãy tan hàng rồi kiếm kế sau. Bất chợt hai tiếng lựu đạn nổ chát chúa ở gần bức tường cuối bãi. Chúng tôi chạy vội lại quan sát. Tổng cộng 11 anh em đã ôm nhau từ giã, mắt người nào cũng mở như gửi lại những thông điệp bất khuất, không đội trời chung với Cộng Sản. Trong số 11 anh em cấp bậc lớn nhất là thiếu úy trung đội trưởng, người cấp bậc nhỏ nhất là binh nhì khinh binh. Không có thì giờ cùng địa điểm để chôn cất họ,chúng tôi chỉ còn biết sắp xếp họ nằm ngay ngắn, cùng nhau nghiêm chỉnh chào họ. Anh em đã tự chọn con đường vinh quang cho mình, tôi thầm khấn nguyện trước mặt anh em: “Chúng tôi cần phải sống, vì chắc chắn chúng tôi vẫn còn phải tranh đấu với bọn quỷ hại nước hại dân.”
Sau này tôi được tin Trâm về Bảo Lộc hoạt động nhưng bị nội phản, bị xử tử tại đó. Hoàng về Xuân Lộc hoạt động cũng bị tử thương, còn tôi lưu lạc khắp nơi, nhất quyết không trình diện bọn chúng, tôi vượt biên bằng đường bộ qua Khe Sanh, Lao Bảo, Hạ Lào. Hỡi các bạn trong Gia Đình Mũ Đỏ Việt Nam; Thưa các bạn quân nhân QLVNCH; Bạn bè chúng ta đã chết, một số đang bị đầy đọa cực hình, Quê hương chúng ta còn trong tay bọn quỷ đỏ. Xin các bạn đừng vì xe hơi, nhà cao cửa rộng, ham chơi phù phiếm, mà quên đi những người thân yêu, những vong hồn bạn bè đã khuất, những cô nhi tử sĩ đang đón chờ từng giờ từng phút, mong mỏi bước chân nhịp nhàng của quý bạn tiến về quê hương. Hỡi các bạn thanh niên, lịch sử 4,000 năm văn hiến không lúc nào, không thời đại nào dân tộc chúng ta khiếp vía trước móng vuốt tàn ác của quân thù, không khi nào thanh niên Việt Nam lại đê hèn, quên đi gông cùm đỏ dã man đang siết chặt dân tộc ta. Xin hãy cùng nhau bước lên tiến tới và đừng bao giờ quên bọn quỷ đỏ đang lẩn khuất đâu đây đang ra sức ngăn cản bước chân oanh liệt của chúng ta.
Nghiêm ơi, Trâm ơi, Hoàng ơi, linh hồn các bạn có linh thiêng hãy soi sáng bước chân chúng tôi, máu của các bạn đã chảy, thân xác của các bạn đã nằm xuống, nhưng tấm gương can đảm của các bạn sẽ còn mãi mãi. Trận chiến vừa qua chúng ta tạm lùi, tạm thua giặc. Nhưng chúng ta không đầu hàng giặc, đơn vị chúng ta không buông súng để qui hàng giặc. Tinh thần chúng ta còn đó, chúng ta bỏ nước ra đi bằng áp lực của ma quỷ. Xin hãy hứa cùng nhau “Chúng Ta Sẽ Trở Về.”
Phạm Chi Lan (viết theo Hùng)