Thursday, August 18, 2022

 Tướng Đỗ Cao Trí, sau Tướng Trần Văn Đôn, là người biết nhận diện và trọng dụng tài ba quân sự xuất chúng của Tướng Hiếu. Khi Thiếu Tá Hiếu tốt nghiệp US Army Command and General Staff vào tháng 5 năm 1963, Tướng Trí bổ nhiệm Trung Tá Hiếu vào chức Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 1 Bộ Binh, rồi Tư Lệnh của Sư Đoàn này khi ông được cử thay thế Tướng Lê Văn Nghiêm trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn I. Chính trong tư cách Tư Lệnh Sư Đoàn 1, Trung Tá Hiếu đã chỉ huy toán quân của Sư Đoàn 1 đến vây hãm dinh thự Cậu Cẩn và vào gặp riêng Cậu Cẩn. Tướng Hiếu đã thành công trong việc thuyết phục ông ra lệnh cho đơn vị phòng vệ dinh thự buông súng đầu hàng mà không phải tốn phí một viên đạn nào. Sau cuộc đảo chánh tháng 11 năm 1963, Đại Tá Hiếu được Tướng Trí đưa về Đà Nẵng làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn I; rồi khi Tướng Trí và Tướng Khánh hoán chuyển Quân Đoàn I và II với nhau, Đại Tá Hiếu theo Tướng Trí lên Pleiku giữ chức Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Ngày 10/9/1964, Tướng Trí bổ nhiệm Đại Tá Hiếu Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, nhưng rồi ông bị Tướng Khánh cách chức Tư Lệnh Quân Đoàn II, vì bị nghi dính líu vào vụ chính biến do Tướng Dương Văn Đức cầm đầu xảy ra vài ngày sau đó, 15/9/1964. Chỉ trong vòng 5 tuần lễ sau, ngày 24/10/1964, Đại Tá Hiếu được Tướng Nguyễn Hữu Có, người thay Tướng Trí trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn II, đưa trở lại chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II. Không đầy một năm sau, ngày 20/6/1965, Tướng Vĩnh Lộc thay Tướng Có, và Đại Tá Hiếu tiếp tục giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II cho đến khi được Tướng Vĩnh Lộc bổ nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 thay Tướng Nguyễn Thanh Sằng ngày 23/6/1966.

Ba năm sau, ngày 14/8/1969, Tướng Hiếu được Tướng Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn III, triệu về nắm Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Trong ba Tư Lệnh Sư Đoàn 5, 18 và 25 thuộc Quân Đoàn III, theo nhận xét của Đại Tá Nguyễn Khuyến, Chánh Sở An Ninh Quân Đội Quân Đoàn III, Tướng Trí "tỏ vẻ trọng dụng Tướng Hiếu nhất". Tướng Trí đã đặc biệt nhờ vào tài chỉ huy của Tướng Hiếu với Sư Đoàn 5 để cày nát chiến khu Dương Minh Châu và mật khu Hố Bò, khiến cho các đơn vị của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trung Ương Cục Miền Nam không còn chốn nương thân phải bỏ chạy qua ẩn nấu bên lãnh thổ Cam Bốt. Đầu năm 1971, khi Tổng Thống Thiệu muốn cử Tướng Trí thay Tướng Hoàng Xuân Lãm để cứu vãn tình trạng lún bùn bi đát của Hành Quân Lam Sơn 719, Tướng Trí muốn Tướng Hiếu thay mình trong chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn III, nhưng ông Thiệu không chịu và khi Tướng Trí thình lình bị tử nạn trực thăng vào tháng 2/1971, ông Thiệu cử Tướng Nguyễn Văn Minh thay Tướng Trí.

Ai cũng biết Tướng Trí là một tướng giỏi; nhưng chỉ có ít người, trong số đó có Tướng Trí, biết Tướng Hiếu cũng là một tướng giỏi. Sau đây xin chứng minh điều đó qua một số chiến công do Tướng Hiếu đã thực hiện.

Hành Quân Đỗ Xá


 


General Nguyen Van Hieu, Hành Quân Đỗ Xá


 


Tướng Trí đã ủy thác cho Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, điều nghiên và thi hành Hành Quân Quyết Thắng 202 đánh thẳng vào mật khu bất khả xâm phạm Đỗ Xá của Việt Cộng, nằm sâu trong dãy núi Trường Sơn tại giáp giới ba tỉnh Kontum, Quảng Ngãi và Quảng Tín, từ 27 tháng 4 đến 27 tháng 5 năm 1964.

Tham dự cuộc hành quân này gồm có các đơn vị của Trung Đoàn 50 thuộc Sư Đoàn 25 dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Phan Trọng Trinh, bốn tiểu đoàn Biệt Động Quân dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Sơn Thương và một tiểu đoàn Dù dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Ngô Quang Trưởng.

Các toán quân được trực thăng vận tới hai địa điểm đổ bộ do ba phi đội trực thăng yểm trợ: phi đội HMM-364 của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, phi đội 117 và phi đội 119 thuộc Phi Đoàn 52 Không Lực Lục Quân Hoa Kỳ.

Cộng Quân tấn công mãnh liệt các phi vụ đổ bộ trong hai ngày đầu, sau đó chúng lủi chốn tránh né đụng độ. Tuy vậy, Hành Quân Đỗ Xá đạt được thành quả sau đây: phá hủy hệ thống truyền tin của bộ chỉ huy Việt Cộng gồm năm trạm phát thanh, một trạm dùng để liên lạc với Bắc Việt, và bốn trạm dùng để liên lạc với các đơn vị Việt Cộng hoạt động tại các tỉnh lỵ; địch tổn thất 62 chết, 17 bị bắt, hai súng phòng không 52 ly, một súng liên thanh 30 ly, 69 súng cá nhân, và một số lượng lớn mìn và lựu đạn, các dụng cụ công binh, chất nổ, thuốc men và tài liệu; phá hủy 185 căn nhà, 17 tấn lương thực và 292 mẫu mùa màng.

Hành Quân Thần Phong


Map of Than Phong Operation Battle


 


Năm 1965, Cộng Quân tấn công ồ ạt khắp vùng Cao Nguyên thuộc Quân Khu II. Vào đầu tháng 7 năm 1965, ba trung đoàn BV (32, 33, và 66) đã hoàn toàn cô lập hóa vùng Cao Nguyên. Các đơn vị bạn không còn xử dụng được các Quốc Lộ 1, 11, 14, 19 và 21, và mọi tiếp tế cho vùng Cao Nguyên chỉ có thể thực hiện qua đường hàng không.

Ngày 8 tháng 7 năm 1965, Tướng Vĩnh Lộc ủy thác cho Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II, điều nghiên kế hoạch khai thông Quốc Lộ 19.


Trái ngược với thông lệ khi hành quân khai lộ là tập trung một lực lượng quân lính to lớn để tuần tự dẹp các ổ phục kích và nút chận của địch quân dọc trên quốc lộ, Đại Tá Hiếu đã nghĩ ra kế cấm cản địch quân thiết lập các ổ phục kích và nút chận bằng cách dùng chiến thuật dương đông kích tây. Từ ngày N-6 đến N+2, Đại Tá Hiếu cho Sư Đoàn 22 và Thiết Vận 3 đánh thốc từ Qui Nhơn xuống Tuy Hòa trên Quốc Lộ 1; cho Chiến Đoàn 2 Dù cùng Địa Phương Quân và Nhóm Dân Sự Chiến Đấu tấn công tái chiếm Quận Lệ Thanh; cho Chiến Đoàn Alpha TQLC và Trung Đoàn 42 đánh từ Pleiku lên Bắc Dak Sut trên Quốc Lộ 14; và cho Tiểu Đoàn Công Binh Chiến Đấu đánh từ Phú Bổn đến Tuy Hòa để sửa chữa Liên Tỉnh Lộ 7.


 


Map of Than Phong Operation Battle


 


Sau khi gây hoang mang cho địch quân với đồng loạt các cuộc hành quân qui mô đó, Đại Tá Hiếu "dồn ép Việt Cộng từ ba hướng với các cuộc tiến quân phát xuất từ Pleiku và Qui Nhơn và một bủa vây thẳng góc từ bắc An Khê tung xuống. Những động tác này được thi hành bởi một chiến đoàn của tiểu khu Pleiku phát xuất từ Pleiku, hai chiến đoàn của Sư Đoàn 22 Bộ Binh phát xuất từ Qui Nhơn, và một chiến đoàn của hai tiểu đoàn Dù được trực thăng vận vào mạn bắc An Khê và tấn công xuống hướng nam với Chiến Đoàn Alpha của Lữ Đoàn TQLC thực hiện việc kết nối," đồng thời "đặt để một lực lượng trừ bị lớn mạnh gồm ba tiểu đoàn (một biệt động quân, một thủy quân lục chiến, và một dù) và hai đơn vị thiết giáp tại các địa điểm chiến thuật: Pleiku, Suối Đồi, An Khê và Đèo Mang." Nhờ vậy, các đoàn xe vận tải có hộ tống có thể di chuyển ngày đêm trên Quốc Lộ 19 trong 5 ngày từ N+3 đến N+7, "gầy dựng được một tồn trữ tiên khởi tiếp tế lên tới 5,365 tấn tại Pleiku". Tiếp đó các đơn vị hành quân rút về các căn cứ trong hai ngày N+8 và N+9.

Kết quả của Hành Quân Thần Phong là “các đoàn xe được hộ tống tạo một sinh khí mới trên Vùng Cao Nguyên. Vật giá thực phẩm và hành hóa thuyên giảm từ 25 đến 30 phần trăm, đồng thời dân chúng hồi phục cảm nghiệm an ninh, tin tưởng và hy vọng. Các học sinh tại Pleiku tình nguyện giúp quân lính gỡ hàng xuống, và dân chúng trước đây di tản nay trở về làng xã.”

Trận Đánh Pleime


 


Map of Pleimer Ia Drang Valley Operation Battle


 


Sau khi thất bại đánh chiếm trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Cơ tháng 8/1965, vào tháng 10/1965 Tướng Võ Nguyên Giáp phát động Chiến Dịch Đông Xuân nhằm cắt Nam Việt Nam làm đôi, từ Pleiku thuộc vùng cao nguyên xuống đến Qui Nhơn thuộc vùng duyên hải. Kế hoạch của Tướng mặt trận VC Chu Huy Mân như sau: 1. Trung Đoàn 33 BV vây hãm tiền đồn Pleime để nhử Quân Đoàn 2 đem viện binh từ Pleiku kéo xuống; 2. Trung Đoàn 32 BV nằm phục kích đón chờ quân viện binh (một con mồi ngon khi không được yểm trợ bởi hỏa lực của các căn cứ pháo binh đặt gần bên); 3. sau khi triệt hạ viện binh, Trung Đoàn 32 BV trở đầu tiếp sức Trung Đoàn 33 BV thanh toán trại Pleime; 4. đồng thời một khi tuyến phòng thủ của tỉnh Pleiku bị suy yếu vì phải đưa quân tiếp cứu trại Pleime, Trung Đoàn 66 BV sẽ khởi sự tấn kích cầm chừng Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2, chờ cho Trung Đoàn 32 và 33 BV thanh toán xong trại Pleime lên tiếp sức tấn chiếm tỉnh Pleiku.

Để hóa giải chiêu độc địa của Tướng Chu Huy Mân, Đại Tá Hiếu, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn II bàn định kế hoạch với Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ như sau: 1. Quân Đoàn II làm bộ mắc mưu địch phái một đơn vị Biệt Kích hỗn hợp Mỹ Việt tới trại Pleime trước để tiếp sức với quân đồn trú bảo vệ trại; 2. gửi một Chiến Đoàn từ Pleiku xuống tiếp cứu trại Pleime; 3. Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Mỹ sẽ gửi một Lữ Đoàn thay thế số quân đi tiếp ứng bảo vệ tỉnh Pleiku; 4. đồng thời Sư Đoàn 1 Không Kỵ sẽ trực thăng vận nhiều pháo đội rải rác tại các vị trí gần địa điểm phục kích dùng thế "tiền pháo hậu xe" yểm trợ cho Chiến Đoàn tiếp cứu khi hữu sự.

Nhờ vậy mà Trung Đoàn 66 BV bị vô hiệu hóa nằm bất động ở rặng núi Chu Prong, Trung Đoàn 33 BV bị đánh tan tành ở điểm phục kích, và Trung Đoàn 32 BV phải bỏ vây hãm căn cứ Pleime và tiu nghỉu tháo lui vào rừng rậm.

Hành Quân Đại Bàng 800

Tháng 6 năm 1966, Tướng Vĩnh Lộc bổ nhiệm Đại Tá Hiếu làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Đầu tháng 2 năm 1967, Đại Tá Hiếu phát động Hành Quân Đại Bàng 800. Trước đó ròng rã ba ngày, các đơn vị của Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Hoa Kỳ, ráo riết truy lùng địch quân, nhưng thất bại không phát hiện được một mống du kích quân nào. Thay vì đi lùng kiếm địch, Đại Tá Hiếu khôn khéo hơn xoay qua kế dụ địch, bằng cách phái một trung đoàn trừ vào vùng Phù Mỹ đóng quân qua đêm, biết chắc là các điệp viên địch quân trà trộn trong dân chúng sẽ báo cáo quân số yếu kém của đơn vị bạn. Trong khi đó, Đại Tá Hiếu ếm sẵn một tiểu đoàn bộ binh cơ giới và một thiết đoàn kỵ binh cách địa điểm đóng quân 10 cây số, ngoài mọi tầm quan sát của địch. Thế là địch tưởng bở ngỡ là có một con mồi ngon, tung ra một trung đoàn thuộc Sư Đoàn 3 Sao Vàng BV, định xơi tái trung đoàn trừ vào lúc 2 giờ sáng. Được báo động, Đại Tá Hiếu ra lệnh cho đơn vị trừ bị phóng tới cắt đường tháo lui của địch và đồng thời hợp lực với quân trú phòng tạo thế gọng kìm làm thịt địch quân. Kết quả là sau ba tiếng đồng hồ giao tranh, địch quân bỏ lại hơn 300 xác chết và vô số súng ống ngổn ngang trên bãi chiến trường.

Hành Quân Vượt Biên Snoul


Map Of Snoul Operation Battle


 


Tháng 8 năm 1969, Tướng Hiếu được Tướng Trí giao cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Cuối năm 1970, Tướng Hiếu bàn định với Tướng Trí phải dụ địch bằng cách đặt một trung đoàn ở Snoul sâu trong lãnh thổ Căm Bốt, phía bắc Lộc Ninh trên Quốc Lộ 13. Bắc Quân có 3 Sư Đoàn (5, 7 và 9) hoạt động quanh vùng đó. Quân Đoàn III sẵn sàng dốc toàn bộ 3 Sư Đoàn 5, 18 và 25 nếu Cộng Quân dám tung quân vào trận chiến một, hai hay cả ba sư đoàn. Rủi ro thay, Tướng Trí bị tử nạn trực thăng cuối tháng 2 năm 1971, và Tướng Minh, người thay thế Tướng Trí, không chịu thi hành đến cùng kế hoạch dụ địch vào phút chót, khi Chiến Đoàn 8 thành công dụ địch bu quanh Snoul với hai Sư Đoàn 5 và 7 BV. Quân lính phòng thủ của Chiến Đoàn 8, khi không thấy viện binh tới mà cũng không có B-52 đến yểm trợ, sắp phải toan phất cờ trắng đầu hàng. Tuy nhiên, Tướng Hiếu đã trở tay kịp để rút quân an toàn về tới Lộc Ninh. Cuộc lui binh được thực hiện cách trật tự qua ba giai đoạn: (1) ngày 29/5/1971, Tiểu Đoàn 1/8 phá vỡ vòng vây rút từ tiền đồn nằm ở phía bắc Snoul về chợ Snoul, nơi đóng quân của Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 8; (2) ngày 30/5/1971, Chiến Đoàn 8 dùng Tiểu Đoàn 1/8 làm mũi giáo chọc thủng vòng vây địch, kéo theo các Tiểu Đoàn 2/8, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, Thiết Đoàn 1 với Tiểu Đoàn 2/7 bọc hậu, rút từ Snoul tới địa điểm đóng quân của Tiểu Đoàn 3/8, cách Snoul 3 cây số trên Quốc Lộ 13; (3) ngày 31/5/1971, Tiểu Đoàn 3/8 thay Tiểu Đoàn 1/8 làm mũi giáo chọc thủng vòng vây, kéo theo sau Tiểu Đoàn 3/9, Tiểu Đoàn 2/7, Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn, Thiết Đoàn 1 với Tiểu Đoàn 1/8 bọc hậu, rút từ địa điểm 3 cây số cách biên giới Việt Miên này về tới Lộc Ninh.

Trong chiến sử QLVNCH, thử hỏi mấy ai thực hiện được một cuộc lui binh tài tình như vậy?

Hành Quân Svay Riêng


Năm 1974, trong tư cách Tư Lệnh Phó Hành Quân Quân Đoàn III, phụ tá cho Tướng Phạm Quốc Thuần, Tướng Hiếu đã áp dụng chiến thuật Blitzkrieg (chiến trận thần tốc) để giải tỏa áp lực của Sư Đoàn 5 BV từ tỉnh lỵ Svay Riêng trong vùng Mỏ Vẹt thuộc lãnh thổ Cam Bốt nhằm vào căn cứ Đức Huệ. Trước hết, Tướng Hiếu dùng hai mươi tiểu đoàn di động bao quanh vùng Mỏ Vẹt. Tiếp đến, ngày 27 tháng 4, Tướng Hiếu tung Trung Đoàn 49 Bộ Binh và Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân qua vùng đồng lầy quanh Đức Huệ tiến tới biên giới Cam Bốt, và cho Không Quân bắn phá dội bom các vị trí đóng quân của Sư Đoàn 5 BV. Đồng thời, Tướng Hiếu cậy nhờ hai tiểu đoàn ĐPQ của Quân Đoàn IV từ Mộc Hóa tấn lên phía Bắc, thiết lập những nút chận mạn Đông Nam của vùng tập trung quân và khu tiếp vận của Sư Đoàn 5 BV.

Vào ngày 28 tháng 4, Tướng Hiếu tung mười một tiểu đoàn vào trận địa để thực hiện những cuộc hành quân tiên khởi chuẩn bị cho cuộc tấn công chính.

Vào sáng ngày 29 tháng 4, ba chi đoàn thiết giáp của Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III chọc thủng qua biên giới Cam Bốt từ phía Tây Gò Dầu Hạ, nhắm hướng bản doanh bộ tư lệnh của Sư Đoàn 5 BV mà xông tới.

Trong khi đó, Chiến Đoàn Bộ Binh và Thiết Giáp của Quân Đoàn IV được điều động xuất phát từ Mộc Hóa tiến qua biên giới đi vào vùng Cẳng Chân Voi, đe dọa đường rút lui của Trung Đoàn 275 BV. Trong khi các chi đoàn Thiết Giáp tiếp tục xông tới, tiến sâu đến mười sáu cây số vào lãnh thổ Cam Bốt trước khi chuyển bánh lái về phía Nam hướng về tỉnh lỵ Hậu Nghĩa, và trong khi các trực thăng đổ quân bất ngờ xuống các vị trí địch quân, các đơn vị khác của QLVNCH phát động những cuộc hành quân đánh chớp nhoáng vào vùng giữa Đức Huệ và Gò Dầu Hạ.

Ngày 10 tháng 5, khi đơn vị cuối cùng của QLVNCH trở về căn cứ, các hệ thống truyền tin và tiếp vận của Cộng quân trong vùng bị phá vỡ trầm trọng. Cộng quân thiệt hại hơn 1,200 chết, 65 bị bắt, và hàng trăm khí giới bị tịch thu. Mặt khác, nhờ vào các yếu tố vận tốc, bí mật, và phối trí của một hành quân đa diện, QLVNCH chỉ bị chết có dưới 100 quân lính.

Trận Svay Riêng này là trận đánh lớn nhất và thành công nhất sau cùng QLVNCH thực hiện trước ngày mất nước với sự tham dự đồng loạt và qui mô của một lực lượng tương đương với ba sư đoàn thuộc Quân Đoàn III và IV

Trong 6 trận đánh kể trên, ngoại trừ Đại Bàng 800 và Snoul, công lao của các trận kia đều được gán cho các tướng lãnh khác: Đỗ Xá, Đỗ Cao Trí; Thần Phong và Pleime, Vĩnh Lộc; và Svay Riêng, Phạm Quốc Thuần.

Kết Luận

Tướng Hoàng Xuân Lãm viết trong thư đề ngày 01/03/1999: "Chúng tôi anh em khóa Trần Hưng Đạo rất hãnh diện có một người bạn trung trực và hiên ngang như Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu."

Và Tướng Lữ Lan viết trong thư đề ngày 27/09/1999: "Năm kia, Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn 2, đã từ trần ở California, để lại mấy bài viết về cuộc đời phụng sự QLVNCH có đoạn nhắc tới Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, với lòng kính mến tuyệt đối, một Cấp Chỉ Huy ưu tú, thanh liêm và khả kính nhất".

Nguyễn Văn Tín

Ngày 12/12/2004

(Viết riêng cho đặc san Đa Hiệu)


Về Thư Ngỏ Của Tướng Trần Quang Khôi liên quan đến bài Tướng Nguyễn Văn Hiếu – SVSQ Khoá 3 Trần Hưng Đạo

Bài Tướng Nguyễn Văn Hiếu, SVSQ Khóa 3 Trần Hưng Đạo được đăng trên Đa Hiệu số 74 tháng 6 năm 2005 tại trang 44-60. Đồng thời bài Cuộc Phản Công Chớp Nhoáng của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh tại Đức Huệ của Tướng Trần Quang Khôi cũng được đăng trong số tạp chí này tại trang 171-197. Bài này của Tướng Khôi cũng được đăng trong cuốn sách Thép và Máu (2005) của Đại Tá Hà Mai Việt tại trang 320-331.

Vì hai bài trên cùng đăng trong số 74 Đa Hiệu, nên Tướng Khôi không thể không để ý tới bài Tướng Nguyễn Văn Hiếu, SVSQ Khóa 3 Trần Hưng Đạo, nhất là khi trong bài này cũng đề cập tới hành quân Svay Riêng mà ông gọi là Cuộc Phản Công Chớp Nhoáng của Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh tại Đức Huệ. Tướng Khôi đã có một phản ứng mạnh mẽ biểu lộ qua thư ngỏ ông gửi Ông Chủ Nhiệm và Chủ Bút Đa Hiệu ngày 22 tháng 7 năm 2005:


 


Open letter from General Tran Quang Khoi


 


Open letter from General Tran Quang Khoi


 


Tướng Khôi nói là “trong 5 cuộc HQ mà Ô. Nguyễn V. Tín kể ra, tôi có trực tiếp tham dự 3 cuộc HQ. Những gì ông viết ra trong 3 cuộc HQ này là không đúng với sự thật: HQ Đỗ Xá, HQ vượt biên Snoul và HQ Svay Riêng.” Tướng Khôi viết tiếp là “ông [Tín] không hiểu về tổ chức chỉ huy, về tổ chức đơn vị nên viết lung tung dựa vào sự suy diễn và tưởng tượng.”

Tôi xin thưa với Tướng Khôi là bài Tướng Nguyễn Văn Hiếu, SVSQ Khóa 3 Trần Hưng Đạo được viết riêng cho Đa Hiệu là tóm tắt của những bài viết về các cuộc hành quân và trận đánh của Tướng Hiếu đăng trên mạng lưới nơi Trang Nhà Tướng Hiếu. Vì viết cho độc giả đại chúng của Đa Hiệu gồm cả thế hệ trẻ của đại gia đình Võ Bị Đà Lạt, nên không ghi chú các xuất xứ. Xin mời Tướng Khôi vào trang nhà Tướng Hiếu sẽ nhận thức tôi viết theo “suy diễn và tưởng tượng” hay “viết có sách mách có chứng”.

Trong khi chờ đợi Tướng Khôi mở máy điện toán, để tranh thủ thời gian, tôi xin liệt kê các nguồn xuất xứ của ba đoạn viết về ba cuộc HQ Tướng Khôi nêu lên.

HQ Đỗ Xá được viết dựa vào chứng từ của Tướng Lữ Lan, ba bản tường trình tình báo hằng tuần của CIA, bài Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá (Do Xa Strike Mission) của Thiếu Tá Franklin A. Gulledge, TQLCHK, bài Phi Ðoàn 52 LQHK Yểm Trợ Chiến Dịch Đỗ Xá (US 52nd Aviation Battalion Supporting Do Xa Operation) của William E. McGee, và tường thuật của nhật báo New York Times The New York Times Tường Thuật Hành Quân Đỗ Xá (Do Xa Operation in New York Times).

HQ Snoul được viết dựa vào ba lá thư của Tướng Hiếu, ba tiêu lệnh hành quân (Toàn Thắng 8/B/5, Đặt Máy Dò Thám, Lộc Ninh), công điện mật số 3685/BCH/HQ/SĐ5/P3/, mật điện số mã 1652 ngày 062330H/05/71, Công Văn số 639/SD5BB/CL/ADHT của Bộ Tổng Tham Mưu, bài Trận Snoul Và Những Hậu Quả của Trần Văn Thưởng, TĐ1/8, bài Một Chuyến Chui Qua Cửa Ải Hỏa Ngục (A Trip Through the Gates of Hell) của Dan Sutherland, hai bài viết của Việt Cộng ghi trong bài Trận Snoul Dưới Mắt VC, và tường thuật của nhật báo New York Times The New York Times Tường Thuật Hành Quân Snoul (Snoul Operation in New York Times).

HQ Svay Riêng được viết dựa theo bài Hành Quân Svay Riêng (Svay Rieng Operation) của Samuel Lipsman và Stephen Weiss, The False Peace, The Vietnam Experience, Boston Publishing Company)

Tướng Khôi minh họa trí tưởng tượng của tôi như sau: “Ví dụ HQ Svay Riêng: không có cuộc HQ nào gọi là HQ Svay Riêng, chỉ có cuộc HQ phản công của LLXKQĐIII ở căn cứ Đức Huệ (xem Đa Hiệu 74 trang 171-197). Ông Tín (trang 58) viết: “…tướng Hiếu áp dụng chiến thuật Blitzkrieg (chiến trận thần tốc) để giải tỏa áp lực của SĐ5BV, tướng Hiếu dùng 20 tiểu đoàn di động … Ngày 28 tháng 4, tướng Hiếu tung 11 tiểu đoàn v.v…” Và Tướng Khôi khẳng định: “Tất cả những điều này là do óc tưởng tượng của Ô. Tín.”

Để đáp lại lời cáo buộc hàm hồ của Tướng Khôi, tôi xin trích dẫn nguyên văn lời của hai nhà sử gia Samuel Lipsman và Stephen Weiss để đối chiếu với các trích dẫn trên của Tướng Khôi: “That threat had materialized on March 27 when units of the 5th [NVA] Division attacked and invested the ARVN base at Duc Hue. As April wore on, and Communist forays out of Svay Rieng Province in Cambodia increased, III Corps commander Lieutenant General Pham Quoc Thuan collected twenty South Vietnamese maneuver battalions around the Parrot's Beak, determined to neutralize the North Vietnamese before the onset of the heavy rains of the summer monsoon. […] On April 28, with eleven ARVN battalions already in the field mounting a variety of operations preliminary to the major assault Thuan had readied for the following day. […] On the other hand, the speed, secrecy, and coordination of the multifaceted operation had limited ARVN KIA to fewer than 100.”

Nếu Tướng Khôi cho là hai nhà sử gia Samuel Lipsman và Stephen Weiss dùng trí tưởng tượng để dựng tạo cuộc HQ Svay Riêng, thì tôi xin đầu hàng chịu thua.

Thật ra thì bài viết của Lipsman và Weiss về cuộc hành quân Svay Riêng được gần như sao chép lại đoạn viết Cẳng Chân Voi và Cánh Thiên Thần về cuộc hành quân này của Đại Tá William Le Gro, sĩ quan tình báo Mỹ. Đại Tá Le Gro ghi rõ các nguồn tham khảo của đoạn viết này: Các dữ kiện hành quân về Trị Pháp và các trận đánh bên Căm Bốt được tham khảo từ các bàn tình hình, các báo cáo, và các tổng lược tình báo hàng tuần của DAO Sài Gòn, cũng như từ các bản tổng lược hàng tuần của Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu. Các kẽ hở trong thông tin được khỏa lấp bởi các tham khảo ghi chép riêng của tác giả và các bản tường trình từ các văn phòng của Sư Quán Hoa Kỳ, Sài Gòn.

Nếu 30 năm trước, khi nắm sinh mạng của các chiến binh thuộc LLXKQDIII, mà Tướng Khôi hành xử như ông hành xử trong vụ này khi ông hớ hêng nhận định sai lầm là tôi hoàn toàn dựa vào óc tưởng tượng, rồi đả kích tôi một cách quyết liệt không chút nương tay, thì thử hỏi khi ông xua quân và thiết giáp tấn công địch sau khi ông nhận định sai lầm về ý đồ và khả năng địch, sự tổn hại đến đạo quân của ông sẽ tai hại đến mức độ nào.

Bây giờ, tôi xin bàn tới lời khẳng định của Tướng Khôi: “Không có cuộc HQ nào gọi là HQ Svay Riêng, chỉ có cuộc HQ phản công của LLXKQĐIII ở căn cứ Đức Huệ”.

Sở dĩ Tướng Khôi nhất quyết như vậy là ông không biết là cuộc phản công do ông chỉ huy chỉ là một thành phần trong toàn bộ HQ Svay Riêng, vì trong tư cách một Tư Lệnh của một đơn vị tăng phái ông chỉ có cái nhìn hạn hẹp của vai trò của mình mà không có được cái nhìn bao quát của toàn cuộc Hành Quân Svay Riêng như hai sử gia Samuel Lipsman và Stephen Weìss mô tả. Nói tán rộng ra, khi một người kể lại một trận đánh mình có tham dự, thì sự mô tả đó thường chỉ hạn hẹp tùy theo vai trò của người đó trong trận đánh: binh sĩ, tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, sư đoàn trưởng, tham mưu trưởng hay chỉ huy trưởng của đơn vị tăng phái, v.v…

Trong trường hợp HQ Đỗ Xá, không biết lúc đó Tướng Khôi mang cấp bậc gì, trung úy hay đại úy (Tướng Ngô Quang Trưởng tham dự HQ Đỗ Xá với tư cách Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng TĐ5 Dù), và đóng vai trò gì. Còn trong trường hợp HQ Snoul, vào thời đó Tướng Khôi là Tư Lệnh LLXKQĐIII được tăng phái cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh vào ngày cuối của cuộc lui binh, tức ngày 31/5/1971, khi mà cuộc lui binh khởi sự từ ngày 25/5; và LLXKQĐIII chỉ tiến sâu vào nội địa Cam Bốt 3 cây số trên đường tiếp cứu Chiến Đoàn 8. Do đó, tất cả những điều xảy ra trên chiến trường từ ngày 25 tới ngày 30, ông đâu có am tường, cho dù ông "có trực tiếp tham dự" cuộc HQ Snoul, để mà ông dám quả quyết là những điều tôi kể ra "không đúng với sự thật".

Xin mời Tướng Khôi đọc đoạn trích Cẳng Chân Voi và Cánh Thiên Thần lấy từ cuốn sách Vietnam: Cease Fire To Capitulation của Đại Tá William Le Gro, sĩ quan tình báo Mỹ. Đoạn này mô tả chiến dịch Svay Riêng và nêu rõ Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III do Tướng Khôi chỉ huy chỉ được Bộ Tư Lệnh cho tham chiến vào Giai Đoạn II của chiến dịch.

Tôi không đồng ý với Tướng Khôi nói là “Nếu tướng Hiếu còn sống, mà đọc bài của Ô Tín viết về ông, tôi nghĩ tướng Hiếu sẽ rất bất mãn”. Tướng Hiếu chỉ bất mãn trong trường hợp tôi “viết các cuộc HQ một cách méo mó, sai sự thật, không dựa vào những sự kiện lịch sử”. Đàng này tôi hết sức cố gắng thu thập càng nhiều tài liệu và chứng từ càng tốt, kể cả của Việt Cộng, vì vốn tự biết mình là giới dân sự “không hiểu về tổ chức chỉ huy, về tổ chức đơn vị”. Tôi thiết nghĩ anh tôi, dù đã chết, phải lấy làm hãnh diện khi thấy tôi trả lại các công trạng chiến trận cho ảnh, những công trạng mà khi anh tôi còn sống được gán cho các thượng cấp của anh tôi, như tôi nhận xét trong bài này (Trong 6 trận đánh kể trên, ngoại trừ Đại Bàng 800 và Snoul, công lao của các trận kia đều được gán cho các tướng lãnh khác: Đỗ Xá, Đỗ Cao Trí; Thần Phong và Pleime, Vĩnh Lộc; và Svay Riêng, Phạm Quốc Thuần)- và bây giờ lại thêm Trần Quang Khôi (?!).

Anh tôi, tuy không thích khoe khoang, nhưng không khỏi cảm thấy khoái, như mọi người phàm, khi được người khác khen ngợi công việc mình làm. Trong vụ phơi bày lạm dụng Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội, Tướng Hiếu đã khoe với viên chức Sứ Quán Mỹ:

6. Tướng Hiếu nói là tiếp sau màn trình diễn trên đài truyền hình ông được một số sĩ quan QLVNCH khen ngợi ông về bản tường trình. Một tướng lãnh bạn chú thích là cảm tưởng thoạt tiên cho là Phó Tổng Thống Hương chỉ là một "Con Cọp Giấy" trong vấn đề tham nhũng nay đã biến cải sau khi bản tường trình được công bố.

Đối với lời "đề nghị Tòa Soạn Đa Hiệu nên rất thận trọng khi xét đăng những bài do những người dân sự viết về quân sự" của Tướng Khôi, tôi xin có hai ý kiến. Một là: dù trường hợp người dân sự hay người quân sự viết về quân sự thì cũng phải có thái độ thận trọng như nhau; điều quan trọng không phải là dân sự hay quân sự, mà là giá trị của nguồn tin và tài liệu tham khảo; mà có lẽ nên thận trọng hơn khi là người quân sự viết, vì biết một tí có bề dễ thêm bớt (chẳng hạn chỉ tiến sâu tới cây số 3 thì lại nói cương lên là thọc sâu tới tận cây số 9), hơn là người dân sự không biết gì hết khi viết mà không dựa vào nguồn tin hay tài liệu thì dễ bị lật tẩy ngay là đồ tưởng tượng (thử hỏi, thường các sử gia viết về quân sử là người dân sự hay người quân sự?). Hai là: khi cho đăng bài của tôi, Ông Chủ Nhiệm và Chủ Bút Đa Hiệu đã biết thừa đến mức độ sưu tầm dồi dào và giá trị của các tài liệu tham khảo trong Trang Nhà Tướng Hiếu và cuốn sách Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, Một Viên Ngọc Ẩn Tàng được giới thiệu cùng trong số Đa Hiệu 74 nơi trang 304; chẳng hóa người mù lại muốn dạy khôn người sáng mắt sao?

Thêm một điểm chót. Tướng Khôi viết: "Ô. Tín có quyền vinh danh tướng Nguyễn Văn Hiếu về tài năng và đức độ nhưng không được viết các cuộc HQ một cách méo mó, sai sự thật, không dựa vào những sự kiện lịch sử". Tôi thiết nghĩ chắc Tướng Khôi ngụ ý không nên viết ? Vì ở nước tôn trọng tự do ngôn luận này, đâu có ai lại cấm đoán người khác như vậy.

Nguyễn Văn Tín

Ngày 04 tháng 09 năm 2005

- Tái bút ngày 10/12/2005 - Nhân dịp tiếp xúc với Đại Tá Lê Tất Biên, BĐQ, về sự tham dự của Lực Lượng Đặc Biệt trong Chiến Dịch Đỗ Xá năm 1964, tôi hỏi ông về trận Đức Huệ. Ông cho biết là Tướng Khôi có hỏi ông rất nhiều về các chi tiết trận đánh liên quan đến vai trò của Biệt Động Quân. Trong trận đó, coi như Lữ Đoàn 3 Thiết Giáp của Tướng Khôi được tăng phái cho Liên Đoàn 33 BĐQ. Trên nguyên tắc, khi xử dụng nhị thức bộ binh thiết giáp, chỉ huy trưởng bộ binh nắm quyền chỉ huy chiến đoàn. Nhưng vì ông là trung tá, còn ông Khôi là chuẩn tướng, nên Tướng Khôi được nhường phần chỉ huy trận đánh. Tuy nhiên, lực lượng chủ động vẫn là các đơn vị bộ binh. Ngoài ra, ông cho biết thêm đáng lẽ ra ông được thăng lên cấp đại tá sau trận đánh, nhưng Tướng Khôi đã dành lấy phần thưởng đó cho tư lệnh phó thiết giáp của ông. Quả là Tướng Khôi đã không vô tư trong bài tường thuật về trận đánh Đức Huệ; trái lại, ông có vẻ nói cương lên hơi nhiều.

- Tái bút ngày 24/10/2008 - Xin mời Chuẩn Tướng Khôi vào xem bài Mặt Trận Đức Huệ để có tầm nhìn chính xác hơn về trận đánh. Trong buổi trình diễn bản nhạc hòa tấu Mặt trận Đức Huệ, Chuẩn Tướng Khôi là nhạc công chơi nhạc cụ thiết giáp, Tướng Hiếu là nhạc trưởng điều khiển toàn ban nhạc gồm nhiều nhạc cụ khác nhau.

- Tái bút ngày 13/12/2008 - Trong bài viết Từ Trị Pháp Đến Svây Riêng, tác giả Mê Kông đề cập tới vai trò của Tướng Hiếu và Tướng Khôi trong Mặt Trận Đức Huệ.

- Tái bút ngày 19/08/2009 - Tôi nhận được điện thư sau đây có người tìm cách liên lạc với Tướng Khôi để xin một đính chính liên quan tới tên của Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 46/SĐ25BB bị tử thương trong trận đánh Đức Huệ:

Chúng tôi đọc bài viết của Tướng Trần Quang Khôi Chân dung người chiến sĩ thiết giáp kỵ binh và biệt động quân trong hai năm cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam (1974-1975) - Trận Đức Huệ. Sau bao nhiêu tìm kiếm địa chỉ để có thể liên lạc với ông Khôi, nhưng không được, chúng tôi chỉ thấy có một chút liên lạc đến với "generalhieu.com" với địa chỉ email này.

Chúng tôi là bạn của con ông Trung tá Cao Hữu Nhuận, Trung đoàn trưởng trung đoàn 46, sư đoàn 25 của QLVNCH. Chúng tôi có thấy được những bằng chứng để chứng minh rằng tên của ông Trung đoàn trưởng mà Tướng Khôi viết trong bài trên là không chính xác. Tướng Khôi viế̀t rằng: "Sau đó quân địch pháo kích tập trung hỏa lực thẳng vào căn cứ Phước Chỉ bằng hỏa tiễn 107 ly và 122 ly, khiến Trung Tá Cao Xuân Nhuận, trung đoàn trưởng Trung đoàn 46/SĐ25BB bị tử thương." Thật sự ông tên là Cao Hữu Nhuận. Chúng tôi có đủ bằng chứng để yêu cầu quý vị đính chính lại: giấy báo tử của Sư đoàn 25, những mẩu báo phân ưu còn lưu giữ, ông được truy thăng Đại tá và truy tặng đệ tam Bảo quốc huân chương, Anh dũng bội tinh cùng nhành dương liễu. Tất cả những dữ kiện trên, hiện vật đó vẫn còn được cất giữ cẩn thận. Mộ phần của ông vẫn còn ở Nghĩa trang quân đội Biên hòa.

Mục đích chúng tôi viết thư này gởi cho Quý vị là mong rằng tên cha của bạn chúng tôi được viết lại cho đúng vì đó là lịch sử. Nếu không phải trong quyền hạn của quý vị, xin vui lòng chuyển giúp cho chúng tôi lá thư này đến Tướng Trần Quang Khôi. Xin chân thành cảm ơn. (Vương Nhàn)


Tướng Hiếu, Một Thiên Tài Quân Sự?

Các Tướng Lãnh QLVNCH

No comments:

Post a Comment