Tuesday, October 29, 2013

Quyền lực và trách nhiệm 


Blog / Nguyễn Hưng Quốc

. . . Quyền lực không phải là một cái gì có tính chất tự thân: quyền lực vì quyền lực. Mọi quyền lực chính đáng đều có tính mục đích: quyền lực để làm một cái gì. Dưới chế độ độc tài, cái gì đó là bản thân người và/hoặc gia đình người có quyền lực; dưới chế độ dân chủ, cái gì đó là những mục tiêu chung mà mọi người tin tưởng và giao phó, thuộc về cộng đồng, hay rộng hơn, quốc gia. Những mục tiêu chung ấy chính là trách nhiệm.

Có thể nói, quyền lực chỉ chính đáng trong chừng mực nó gắn liền với trách nhiệm và chu toàn trách nhiệm. Một nhà lãnh đạo lý tưởng phải nhắm đến trách nhiệm nhiều hơn là quyền lực. Ở Việt Nam, ngược lại, với quyền lực, người ta muốn tuyệt đối (độc quyền lãnh đạo), nhưng với trách nhiệm, người ta lại muốn chia sẻ (trách nhiệm tập thể). Hậu quả là không ai chịu trách nhiệm về điều gì cả, ngay cả với những sai lầm của chính mình và/hoặc thuộc quyền hạn của mình.

Tất cả những điều ấy, người ta đều thấy từ lâu. Vụ thất thoát tài sản đến cả mấy tỉ đô la của tập đoàn kinh tế Vinashin: Không ai chịu trách nhiệm cả. Các vụ vỡ nợ liên tục của các tập đoàn kinh tế quốc doanh khác sau đó: Không ai chịu trách nhiệm cả. Kinh tế càng lúc càng suy thoái: Không ai chịu trách nhiệm cả. Nạn tham nhũng càng ngày càng phát triển từ một số con sâu đến cả một “bầy sâu”: Không ai chịu trách nhiệm cả. Đạo đức ở khắp mọi nơi càng ngày càng suy đồi: Không ai chịu trách nhiệm cả. Giáo dục càng ngày càng xuống dốc: Không ai chịu trách nhiệm cả.

Mới đây, gây xôn xao dư luận trong nước nhiều nhất là những chuyện liên quan đến ngành y tế: Nhiều bác sĩ, vì bất cẩn và thiếu đạo đức, làm chết hàng loạt bệnh nhân, trong đó có các sản phụ và trẻ em, thậm chí, một bác sĩ thẩm mỹ ở Hà Nội làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang. Trách nhiệm thuộc về ai? Không có ai nhận cả. Mọi người cứ đổ lỗi cho nhau. Dân chúng bức xúc đến độ, lần đầu tiên trên báo chí chính thống (PetroTimes) trong nước, có người kêu gọi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ chức.

Có lẽ, cuối cùng, bà Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn tiếp tục làm Bộ trưởng. Như tất cả những nhà lãnh đạo khác của Việt Nam từ trước đến nay. Vô trách nhiệm đến mấy, cái ghế của họ vẫn bất khả xâm phạm, dù cái giá mà họ và đảng họ phải trả rất đắt: Càng ngày càng mất sự tín nhiệm của dân chúng.

Không có trách nhiệm, mọi quyền lực đều là ăn cắp. Không có sự tín nhiệm, mọi quyền lực đều là ăn cướp. Không có cả hai, người ta vừa ăn cắp vừa ăn cướp.

No comments:

Post a Comment