Wednesday, October 22, 2014

Du khách đại lục cảm nhận không khí dân chủ ở Hồng Kông


Một nam thanh niên Trung Quốc đại lục (trái) đang thảo luận những quan điểm trái chiều về nền dân chủ của Hồng Kông với một phụ nữ Hồng Kông vào ngày 04 tháng 10 năm 2014. Phong trào chiếm đóng tại Hồng Kông đã chiếm các tuyến đường chính xung quanh các cơ quan chính phủ nhằm đòi hỏi một nền dân chủ rộng rãi hơn. (Matthew Robertson / Epoch Times)
HỒNG KÔNG – Trong một môi trường nói tiếng Quảng Đông như tại Hồng Kông, chất giọng của tiếng Hoa phổ thông Trung Quốc với những âm tắc đột ngột, nhiều âm “laaa” được phát ra ngẫu nhiên, hay kể cả những thanh âm đơn giản như “yi, er, san” – tức “một, hai, ba,” – cũng đủ khiến những người xung quanh ngoái lại nhìn.
Tại những khu vực chiếm đóng ở Hồng Kông nơi các sinh viên và các nhà hoạt động chiếm đóng các tuyến đường và dựng trại, những người Trung Quốc đại lục đi qua đây thường cố gắng tránh gây sự chú ý – do đó chất giọng đôi khi là cách duy nhất để phát hiện ra họ.
Tuy nhiên, trong vài tuần qua nhiều người Trung Quốc đại lục đã hòa vào những người biểu tình, họ chụp ảnh cho nhau (vì thế họ đếm một-hai-ba), nói chuyện chính trị với người dân Hồng Kông, và đắm mình trong bầu không khí sôi động của phong trào nhân dân.
Kể từ cuối tháng Chín, hàng ngàn sinh viên và thanh niên Hồng Kông đã chiếm các đường phố chính trong thành phố với nỗ lực nhằm khiến chính phủ phải tham gia vào các cuộc đàm phán về việc áp dụng một mức độ dân chủ hơn đối với cuộc bầu cử Trưởng đặc khu, chức vụ có vai trò như thị trưởng của thành phố.
Gần đây nhất, những người biểu tình đã dựng lều tại Admiralty – khu vực quan trọng gần các cơ quan chính phủ. Các tác phẩm nghệ thuật, các “lớp học dân chủ”, các bài phát biểu, phim ảnh, thức ăn miễn phí, các trung tâm tái chế, và nhiều thứ khác, đều nổi lên trong khu vực trại.
Đây là quang cảnh chào đón các du khách đại lục – những người quen với một môi trường kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng lại bất ổn hơn.
Tất cả những người đại lục trả lời phỏng vấn của Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) đều cho rằng hiện tượng như thế này không bao giờ có thể xảy ra ở Trung Quốc.

‘Những công dân tốt’

Ông Lý, một doanh nhân từ Thâm Quyến đến du lịch vài ngày tại Hồng Kông cho biết: “Tất cả thật mới lạ, thật đáng ngạc nhiên đối với tôi. Những việc như thế này không bao giờ có ở Trung Quốc”.
“Đảng Cộng sản sẽ trấn áp những phong trào như thế này. Những người dân thường không thể thuyết phục được Đảng.”
Ông Lý cảm thấy rằng các yêu cầu của những người biểu tình là “hợp lý 70%”, và nói thêm rằng nhiều người Trung Quốc đại lục nghĩ rằng được như Hồng Kông là tốt lắm rồi.
“Họ nghĩ rằng: các anh đã có một chút dân chủ rồi, sao còn muốn nhiều hơn làm gì?”
Một quyết định gần đây của cơ quan lập pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép quyền phổ thông đầu phiếu ở Hồng Kông, mặc dù dưới hình thức trói buộc cao, theo đó các cử tri sẽ chỉ được chọn từ hai hoặc ba ứng cử viên do Bắc Kinh sàng lọc. Chính quyết định này và các hành động tương tự của Bắc Kinh đã góp phần châm ngòi cho việc hàng ngàn người đổ xuống đường biểu tình đòi mở rộng đối tượng bầu cử lãnh đạo của Hồng Kông.
Ông Lý cho rằng việc dựng trại của những người biểu tình rất ấn tượng. Phong trào đã dựng lên một khu trại bán kiên cố trên một đường cao tốc 12 làn xe gần các cơ quan chính phủ. Một số người biểu tình còn sống ở đó gần như toàn thời gian.
Ông Lý phát biểu: “Những người Hồng Kông là những công dân tốt”, ông dùng từ suzhi trong tiếng Trung Quốc với ý nghĩa là “có tố chất”. “Nếu người đại lục mà làm một việc như thế này, thì nó sẽ thành một đống hỗn loạn. Người dân tiếp thụ những tư tưởng của hệ thống chính trị mà họ đang sống. Ở Trung Quốc, không có giới hạn thấp nhất của đạo đức. Mọi thứ bây giờ xoay quanh vấn đề kinh tế, và không còn đạo đức nữa.”
Ông Song Shubin, một doanh nhân Trung Quốc, cũng có ấn tượng tương tự về người dân Hồng Kông và phong trào của họ. Ông Song và một người bạn Hồng Kông đi cùng đã trả lời phỏng vấn của một phóng viên cạnh một làn phân cách.
Sau khi nhìn các biển báo và vạch đi bộ đã được đặt trong khu vực này, giúp phân luồng người đi bộ, ông Song phát biểu: “Người dân Hồng Kông thực sự rất văn minh”. Ông nói với một vẻ hào hứng: “Tôi là một người hay để ý đến các chi tiết. Hãy nhìn xung quanh xem. Bạn có thấy một mẩu thuốc lá nào trên mặt đất không? Ở Trung Quốc, các mẩu thuốc lá sẽ ở khắp mọi nơi.”
Ông Song cho biết ông đã kiếm được rất nhiều tiền ở Trung Quốc, và hiện giờ chỉ đi du lịch khắp thế giới. Ông Raimond, người bạn Hồng Kông đi cùng cho biết ông Song thuộc “tầng lớp thượng lưu của Trung Quốc.” Ông Song nói rằng ông không lo ngại về việc dùng tên thật khi được phỏng vấn, mặc dù ngần ngại với việc đăng ảnh của mình lên báo.

Động cơ đen tối

Nhưng tất cả những người Trung Quốc đại lục khác từng nói chuyện với Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) đều không muốn nêu tên đầy đủ của họ, bởi vì họ có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả về mặt chính trị tại Trung Quốc do nói chuyện với truyền thông nước ngoài về cái mà một số quan chức ở Trung Quốc gọi là “cuộc cách mạng màu sắc” được xúi giục bởi “các thế lực nước ngoài.”
Một người đàn ông khác thậm chí không có cơ hội để chia sẻ quan điểm của mình lâu. Khi được phóng viên hỏi về ấn tượng của mình đối với tình hình tại đây, anh ta chỉ kịp nói: “Tôi vô cùng xúc động” trước khi bị người bạn đồng hành trẻ tuổi hơn kéo đi.
Một người đàn ông trẻ tuổi khác thì có thời gian hơn. Anh ta ngồi bàn luận những triết lý chính trị đối kháng và hệ thống thích hợp cho nền dân chủ tại Hồng Kông với một phụ nữ trẻ người Hồng Kông dưới một vọng lâu hơn một giờ đồng hồ. Cuộc đối thoại diễn ra bằng tiếng phổ thông với sự hiện diện của một phóng viên báo Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên).
Anh thanh niên nheo mắt nói: “Những người đại lục chúng tôi thực sự ghen tị với các bạn. Đây là một tình huống rất phức tạp. Tôi hiểu rằng các bạn muốn có dân chủ, nhưng bạn phải nhìn vào tình hình toàn cảnh tại Hồng Kông và lịch sử, và bạn sẽ thấy rằng nó rất phức tạp với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt với chính quyền trung ương. Có rất nhiều vấn đề. “
Cuộc thảo luận của họ không có được kết luận nào, ngoại trừ việc có lẽ là anh thanh niên có quan điểm đầy hoài nghi về chính trị và thế giới hơn là người phụ nữ Hồng Kông nói chuyện với anh ta. Có lúc, anh ta ngắt quãng cuộc nói chuyện để đứng lên và tránh bị quay bằng máy quay phim lưu động.
Anh nói: “Ở Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Đảng sẽ bảo bạn phải làm gì, và bạn phải làm điều đó. Không có nơi nào trên thế giới là công bằng. Luôn luôn có lợi ích ẩn giấu”. Quan điểm này – tức quan điểm về những động cơ đen tối của  con người và việc cho rằng phản kháng là vô ích – là một chủ đề xuyên suốt cuộc trò chuyện của họ. Anh ta kết luận: “Có đủ tiền để ăn và sống trong hòa bình là đủ rồi còn gì”.
Người kia đáp lại với vẻ đầy nhiệt huyết: “Đó là tồn tại chứ không phải sống! Đây không phải là về việc liệu có thể mua được một chiếc iPhone 6 hay không, mà là vấn đề đối với thế hệ tương lai của chúng tôi.”

No comments:

Post a Comment