Tuesday, February 25, 2020





Sau gần một năm rưỡi trời giữa vòng vây trùng điệp, lại bị tấn công liên miên, đương nhiên Tiểu Đoàn 92 BĐQ phải kiệt sức. Cho tới khi tình trạng tuyệt vọng, đơn vị chỉ còn đường rút lui để bảo toàn lực lượng nhưng cũng không quên dùng chất nổ phá hủy doanh trại, không để lọt vào tay Cộng quân. Sau đó, tuy bị truy kích, nhưng các con Cọp Rừng Mũ Nâu đã về được tới An Lộc với tổn thất nhẹ không ngờ: trong số 277 binh sĩ gồm nhiều thương binh, một số lớn đã về được An Lộc. Đây là một thành quả quá sức mong đợi cho một cuộc hành quân lui binh sâu trong lòng địch. Với tài chỉ huy khôn khéo, tinh thần kỷ luật và sức chiến đấu bền bỉ gan dạ, các chiến Tiểu Đoàn 92 BĐQ đã làm nhiều người ngạc nhiên và thán phục khi rút quân thành công trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bi đát.
Cuộc lui quân thành công ngoài sức tưởng tượng này đã khiến dư luận phía Hoa Kỳ nghi ngờ rằng Tiểu Đoàn 92 BĐQ đã “thương lượng” với Cộng quân, bằng lòng bàn giao căn cứ Tống Lê Chân để đổi lấy việc rút lui an toàn. Quả thật, việc Tiểu Đoàn 92 BĐQ phá được vòng vây về được đến An Lộc phải coi như một phép lạ nên “dư luận” thương thuyết không phải là không có lý. Vả lại, đây cũng là một trong ba giải pháp mà Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 đã đề nghị lên thượng cấp cách đó không lâu. Ngoài ra, rất có thể những lời đồn đại nói trên là do Cộng quân tung ra để đỡ bị mất mặt vì Tiểu Đoàn 92 BĐQ đã vượt khỏi vòng vây như chỗ không người.
Thật sự, Tiểu Đoàn 92 BĐQ đã chỉ giết giặc chứ không bao giờ thương lượng với chúng và cuộc rút lui thành công vì tinh thần kỷ luật cũng như khả năng chiến đấu tuyệt vời của các chiến sĩ Mũ Nâu. Bằng cớ xác thực nhất là chính những tài liệu bắt được sau đó tại mặt trận cùng những lời khai của tù hàng binh Cộng quân đã cho thấy không hề có chuyện “thương lượng.” Một hồi chánh viên tham dự trận đánh sau cùng vào đêm 12 tháng 4 tại Tống Lê Chân đã thuật lại khá chi tiết về biến cố này.
Sau trận pháo kích dữ dội, bộ binh địch có chiến xa yểm trợ đã mở các cuộc tấn công mạnh. Tiểu Đoàn 92 BĐQ không còn đạn dược và nhất là không có vũ khí chống chiến xa nên bắt buộc phải rời bỏ vị trí. Tống Lê Chân bị bỏ ngỏ từ đêm 12 tháng 4 nhưng vì hàng rào phòng thủ quá kiên cố, lại có nhiều bãi mìn, hơn nữa Cộng quân sợ Tiểu Đoàn 92 BĐQ còn tử thủ sẽ gây cho chúng nhiều thiệt hại như những lần trước nên mãi tới ngày 13 tháng 4 chúng mới vào được trại. Lúc đó, các chiến sĩ Mũ Nâu đã rời xa căn cứ trên đường về An Lộc. Tống Lê Chân đã bị đặt chất nổ phá hủy. Địch chỉ tìm thấy xác của 2 Biệt Động Quân và bắt sống một người khác.
Một bằng chứng rõ ràng khác là bản báo cáo của Cộng quân bị Quân Lực VNCVH tịch thu. Tài liệu này tiết lộ một đơn vị Cộng quân có nhiệm vụ chận đường rút lui của Tiểu Đoàn 92 BĐQ đã bất tuân thượng lệnh, không bố trí quân tại những vị trí đã ấn định vì sợ bị phi pháo Việt Nam Cộng Hòa tiêu diệt. Cuối cùng, bản báo cáo còn đưa ra nhận xét rằng trong trận đánh tại Tống Lê Chân, tinh thần binh sĩ Tiểu Đoàn 92 BĐQ rất cao, còn cao hơn cả nhiều đơn vị chính qui của Cộng quân có nhiệm vụ tấn công.
ĐƯỜNG VÀO LỊCH SỬ
Trận đánh tại Tống Lê Chân chính thức chấm dứt vào ngày 15 tháng 4 năm 1974 khi binh sĩ cuối cùng của Tiểu Đoàn 92 BĐQ về tới An Lộc. Trước đó, vào ngày 13/4, phi cơ của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đã bay 19 phi vụ thả bom đánh vào lực lượng Cộng quân tại Tống Lê Chân. Tuy trận đánh đã chấm dứt từ lâu, nhưng qua cuộc bao vây dài nhất trong quân sử và cuộc lui binh thành công mỹ mãn, huyền thoại của Tiểu Đoàn 92 BĐQ tại Tống Lê Chân vẫn sống mãi. Các chiến sĩ Mũ Nâu dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Lê Văn Ngôn đã tô đậm một nét son cho truyền thống hào hùng của binh chủng Biệt Động Quân và viết một trang sử huy hoàng trong pho quân sử Quân Lực VNCH.

No comments:

Post a Comment