Monday, June 13, 2022

Tài Trần - Trận Dak To năm 1967

Lời mở đầu: Trong bài "Tiểu đoàn 3 Dù tại Ngok Wan", cựu trung tá Bùi Quyền đã mô tả kỹ lưỡng trận đánh Ngok Wan ở bắc Dak To tỉnh Kon Tum tháng 11/1967. Ông cũng nhắc đến các trận đánh gần đó của sđ 4 bộ binh và lữ đoàn 173 Dù của Mỹ. Để giúp các bạn tìm hiểu thêm về các hoạt động của hai đại đơn vị (đv) Mỹ này trong thời gian trên, tôi đã chuyển ngữ một bài trong sách The Rise and Fall of An American Army của Shelby Stanton.

========

Trận Dak To.

Những viên đạn mở đầu của Trận Dak To thực sự đã bắt đầu trong tháng Sáu 1967 khi trại Lực lượng Đặc biệt (LLĐB) Mỹ ở Dak To, nằm trong những ngọn núi cao ở giữa tỉnh Kontum, bị pháo bởi súng cối. Kế đó trại đã gửi ra ngoài một toán tuần tiểu và họ đã bị phục kích (bushwack). Gió mùa đã che phủ vùng này với mây thấp và sương mù sát mặt đất, nhưng hai tiểu đoàn (TĐ) của lữ đoàn 173 Nhảy Dù đã được không vận đến Dak To ngày 17/6/1967. Hành quân này ban đầu được đặt tên GREELEY. Khu vực hành quân là một vùng núi non hiểm trở che phủ bởi rừng 2 hay 3 tán lá. Những rừng thưa trong khu vực rừng núi nguyên sinh này thì đầy cây tre với độ cao 15 tới 20 feet. 

Ngày 22/6, một đại đội của TĐ 2 của trung đoàn 503, viết tắt là TĐ 2/503, đã đụng với TĐ 6 trung đoàn 24 CSBV tại một trong những trận đánh ác liệt nhứt của chiến tranh Việt Nam. Buổi sáng đó, đại đội A rời vị trí đóng quân đêm trong rừng ba tán lá và bắt đầu cẩn thận di chuyển xuống một sườn núi dốc. Họ định đi tới BCH lữ đoàn ở Dak To vào buổi chiều. Tiểu đội đi đầu đã đụng một đv quân csbv. Pháo binh và trực thăng đã tưới đạn vào rừng xanh. Đại đội đã mất liên lạc với tiểu đội này. Hai trung đội được lịnh tiếp viện cho tiểu đội này. Lúc 11 giờ sáng, các trung đội này cũng đã mất liên lạc. Sau đó một đám lính rối loạn và bị thương chạy về phòng tuyến đại đội này. Quần áo rách nát, bằng dù trên túi áo bị nám đen và dính máu, và bộ mặt hốc hác của họ đã nói lên tất cả. Thành phần còn lại trong đại đội này chạy ngược lên núi, và bắt đầu hối hả chặt cây để lập bãi đáp. 

Đại đội B và C được lịnh tiếp cứu ngay lập tức. Đại đội B đã bị tấn công sau khi di chuyển khỏi bãi đổ quân một đoạn. Đại đội C đã có thể đến khu vực này lúc 2 giờ của một buổi chiều đầy sương mù. Tuy nhiên, khi đại đội này cố gắng tiến tới khu vực mà các trung đội trên đây bị tràn ngập, họ bị đẩy lui bởi hỏa lực mạnh. Ngày kế, những người lính dù mệt mỏi này đã cố gắng lục soát khu vực mà những trung đội chiến đấu tới phút cuối. Rải rác đó đây bên cạnh những bụi rậm bị giẫm đạp, cây gẫy, và những chiến cụ tan nát hay hư hỏng (war debris), là thân xác co rúm của 76 lính dù. 

Phần còn lại của lữ đoàn 173 dù thiện chiến của chuẩn tướng Deanne đã tới tp Kontum một tuần sau, cùng với lữ đoàn 3 của sđ 1 không kỵ của đại tá McKenna. Các lính dù dày dạn kinh nghiệm của TĐ 5 và 8 dù VNCH và một TĐ của trung đoàn 42 VNCH cũng được chuyển tới. Một BCH tiền phương của sđ 4 bộ binh được lập. Những người lính mà tướng Westmoreland cần để chinh phục Cao nguyên Trung phần đã tới.

Những tháng kế đó, những người lính này đã di hành gian khổ vào khu vực xa xôi phía tây của tỉnh Kontum, nơi mà quân csbv cố thủ trong các hầm hào vững chắc. Lính dù Mỹ đã bị thiệt hại ngày càng tăng khi tấn công các công sự này. Những hầm trú ẩn này đã luôn luôn được bảo vệ bởi các vị trí đại liên hỗ trợ lẫn nhau, ko thể phát hiện trừ khi bắc quân nổ súng. TĐ 299 công binh Mỹ, dù mưa như thác đổ, đã cố gắng lập lại các cầu bị giựt sập trên quốc lộ 14, con đường duy nhứt nối Kontum và Dak To. Mưa mùa đã biến những đường này thành những bãi lầy ko thể vượt được. Đôi khi Dak To phải tiếp tế bằng máy bay. Máy bay thường xuyên đụng vào núi. 

Một nét đặc biệt kinh dị của cuộc chiến này là sự liên tục khám phá các bộ xương từ những trận đánh trước. Ngày 20/6, lính dù của lữ đoàn 173 đã tìm thấy những bộ xương của hai lính lực lượng đặc biệt (LLĐB) Mỹ, tám lính dân sự chiến đấu (DSCĐ), và một lính csbv. Ba ngày sau, bộ xương của một âm thoại viên của lữ đoàn đã mất tích trước đây được tìm thấy. Vẫn còn nhiều bộ xương của lính LLĐB và DSCĐ được tìm thấy trong suốt thời gian này. Những bóng ma hình như đã ám ảnh mọi người lính dù, và những lính dù yếu bóng vía (unnerved) đã công khai nhìn nhận khu vực này đã "làm cho họ sợ" (spook them out).

Lữ đoàn của sđ 1 Không kỵ lục soát có hệ thống bắc của Kontum suốt tháng 7. Một lực lượng DSCD có cố vấn Mỹ thuộc trại Plateau Gi đã phục kích một đv csbv đang rút quân ngày 12/7. Pháo binh của sđ 1 không kỵ yểm trợ cho họ. Gần Dak Seang, ngày 3/8, những TĐ dù VNCH được trực thăng chỡ đến. Một TĐ của trung đoàn 42 VNCH đã bị kẹt cứng (hung up) trên một đỉnh đồi đầy công sự mà họ đã tấn công. Trong một trận đánh dữ dội tối ngày 6/8, những người lính thiện chiến của TĐ 8 dù VNCH đã đẩy lui năm lần các cuộc xung phong của TĐ 2 trung đoàn 174 csbv. Mười ngày sau đó, các TĐ dù mệt mỏi này đã rời Kontum, kế đó là phần lớn của lữ đoàn 173 dù đi Tuy Hòa. Ngày 11/10, cuộc hành quân GREELEY đã sát nhập vào hành quân MAC ARTHUR. Vào cuối tháng, lữ đoàn 1 của sđ 4 bộ binh được chỡ tới Dak To. Tăng cường cho đv này là TĐ 4 của trung đoàn 503 thuộc lữ đoàn 173 nhảy dù. Trận đánh quyết định Dak To sắp bắt đầu. 

Thị trấn Dak To nằm trên một thung lũng kế một con sông, chung quanh là những núi, bao phủ bởi những cây to và rậm rạp, có ba từng lá, cao cả trăm feet. Những đỉnh núi và sườn núi dốc có độ cao trên 4.000 feet. Suốt hai tuần đầu của tháng 11, tại tây và tây bắc của Dak To, một loạt các cuộc tấn công nhắm vào các hệ thống hầm hào vững chắc của quân csbv trên các đường đỉnh. Khi bắt đầu trận chiến này, chỉ có năm TĐ mà hai thuộc quân lực VNCH, đồn trú gần Dak To. Đến giữa tháng 11, con số này nhân gấp ba, và Dak To trở thành một địa điểm yểm trợ tiếp vận lớn. 

NGÀY 4 THÁNG 11, ở một điểm chỉ cách khoảng 1.000 mét từ trận ác chiến tháng 6 của lữ đoàn 173, tiểu đoàn 3 trung đoàn 12 thuộc sđ 4 bộ binh, viết tắt là TĐ 3/12, đã đụng địch tại một đỉnh núi cao. Vì đv này không thể đánh trực diện với địch, 40 phi xuất đã đổ bom đạn xuống mục tiêu. Quân Mỹ sau đó đã tiến vào hệ thống công sự đổ nát của địch, trong khi đó, ngày 6/11, TĐ 4/503 thuộc lữ đoàn 173 nhảy dù đã đụng nặng tại ĐỒI 823. Thiệt hại đã làm giảm sức chiến đấu; một đại đội 164 người chỉ còn 44 người. 

Chuẩn tướng Leo H. Schweiter, nắm lữ đoàn 173 vào ngày 24/8, lập tức chuyển lính của ông về Dak To. Cùng đi với lữ đoàn là 11 toán của trung đội 39 quân khuyển. Những chó này được dùng làm một thành phần của toán khinh hay tiền tiêu (point element). Ở địa thế trống trải, chó đi trước người khinh binh, ở rừng rậm, chó sẽ đi theo người khinh binh. Bằng cách này, chó sẽ không phí sức vì có người mở đường cho nó. Ở những địa thế quá hiểm trở, người lính phải dùng cáng để mang nó qua. Ở mọi nơi, nó luôn luôn báo động cho chủ về xuất hiện của địch, đường hầm, kho chứa lương thực, và hầm trú ẩn. Khi giao chiến xảy ra, chó được đưa về phía sau vì âm thanh của cối, pháo binh hay oanh kích sẽ triệt tiêu năng khiếu nghe ngóng của chúng. 

TĐ 4/503 đã bị thiệt hại quá nhiều ở phía nam trại Ben Het, đến độ phải được thay thế. Những lính dù của tđ 1/503 phải chiến đấu xuyên qua hệ thống hầm hào của bắc quân để bắt tay với họ. Ngày 12/11, tđ 2/503 được trực thăng vận vào vùng. Vào buổi tối cùng ngày, bắc quân đã bắn súng cối vào sân bay Dak To, nơi đang chứa hàng tấn tiếp liệu. NGÀY 14 THÁNG 11, trận chiến mở rộng khi TRUNG ĐOÀN 42 VNCH đụng độ quân csbv ở đông bắc Dak To. Hai TĐ thiện chiến 2 và 3 của sđ dù VNCH đã được tăng cường ngay cho mặt trận này. (Theo bài 'Tiểu đoàn 3 dù ở Ngok Wan' của cựu trung tá Bùi Quyền thì hai đv này, dưới quyền chỉ huy của trung tá Nguyễn khoa Nam đã tham dự trận này.-- Người dịch). 

TĐ 3/12 của sđ 4 bộ binh đã hành quân tại núi này tới núi khác. Khi họ tới Đồi 1338, họ đã áp dụng phương pháp sau đây: sau khi bắn phá hệ thống công sự của đối phương trên triền đồi, họ dùng phi pháo ồ ạt (massive) để hủy diệt (obliterate) đỉnh đồi. Lữ đoàn 173 nhảy dù đã xuống một triền núi, vượt qua một thung lũng, kế đó họ leo lên một ngọn núi. Các người bộ binh đã kiệt sức (strain) vì ba-lô đầy ắp đạn, lựu đạn khói, pháo sáng (trip flare), và mìn claymore.

NGÀY 13 THÁNG 11, đại đội của tđ 2/503 của lữ đoàn 173 dù, đã kiểm tra một vị trí ở triền núi để đóng quân qua đêm. Khi phát hiện hai bunker, họ đã bị bắn sẻ. Vì có mang theo một đại bác không giựt 90 ly và 22 quả đạn, nên họ xử dụng. Một người lính trong tổ súng ngồi trên ba-lô để chắc chắn rằng ko ai trong khu vực nguy hiểm do súng phụt hậu khi bắn (blast-area area of the gun). Đột nhiên y nghiêng qua một bên và ngả xuống, do một viên đạn bắn sẻ trúng đầu. Kế đó địch bắn súng nhỏ và B-40 ào ạt vào đại đội. Nhiều hiệu thính viên và sĩ quan nhanh chóng gục ngả. Những người còn lại nhanh chóng lập chu vi phòng thủ trong khi TĐ 3 của trung đoàn 174 CSBV tấn công họ. 

Người xạ thủ khẩu 90 ly vừa bắn quả cuối cùng trong khi lựu đạn địch nổ chung quanh họ. Họ bò trở lại một đống các khúc gỗ đã lỗ chỗ đạn của hai bên. Lính Bắc Việt cố gắng tiến gần các khúc cây này. Một binh nhì, bị bắn hụt, ló đầu lên để bắn trả, và lần này bị bắn vào giữa trán. Một lính dù trúng đạn vào ngực và đã chết khi y tá sơ cứu. Kế đó đống gỗ này bị trúng một quả B-40, và lính CSBV xung phong. Lần nữa, lính dù đẩy lui đợt tấn công này.

Cận chiến, tiếng nổ của B-40 và lựu đạn, tiếng đạn liên thanh, đang diển ra trong các bụi tre và bụi cây. Sườn phải của đại đội B đã bị chọc thủng vì bắc quân tấn công. Phi pháo ko thể dùng do hai bên quá gần. Tre dầy đến nỗi lính dù nghĩ rằng đạn M16 ko thể xuyên qua. Đại đội A đã chiến đấu hết sức để giữ vững phòng tuyến khi trời tối.

Suốt đêm hai đại đội dù này bị bắc quân tấn công mãnh liệt. Đạn dược được trực thăng thả vào một hố bom lớn gần trung tâm của vị trí đóng quân, nhờ một sĩ quan hướng dẫn bằng đèn pin. Quân hai bên cố gắng cứu thương binh. Hai bên ko dùng pháo sáng vì sợ lộ vị trí. Lúc hừng đông, bắc quân rút lui. Trận chiến đã ác liệt đến nỗi rằng một khúc gỗ đã được thấy vào buổi sáng với 6 lính dù Mỹ một bên và 4 lính csbv nằm bên kia. Ở cuối khúc gỗ là hai lính Bắc Việt, một người là sĩ quan, tay vẫn còn nắm chặt một khẩu M16 của Mỹ.

====

Ngày 15/11/1967, một tổn thất lớn cho quân Mỹ xảy ra khi sân bay Dak To bị pháo bằng cối, trúng kho đạn. Tiếng nổ rung rinh toàn căn cứ, và toàn bộ đạn dược tồn trữ trước giờ bị thiêu hủy. Hơn nữa, hai vận tải cơ khổng lồ C-130 bị hủy diệt. Vài ngày sau, cầu không vận cấp tốc được lập để bù lấp số đạn dược đã bị phá hủy. Ngày 17/11, chiến sự đã bùng nổ dữ dội ở hai phía đông và tây của Dak To và chẳng bao lâu tập trung ở Đồi 875. Trận đánh tại đồi này cuối cùng trở thành CAO ĐIỂM (climax) của Trận Dak To, cũng như của cả chiến dịch cao nguyên năm 1967. Thời tiết lúc đó rất tốt, nhiệt độ ở 91 độ F ban ngày và 55 độ F ban đêm. 

NGÀY 18 THÁNG 11, đại đội 26 Xung kích Mike Force đã đụng một đv lớn của csbv phục sẵn trong hầm hào ở sườn đông của Đồi 875, khoảng 12 dặm hay 19 km tây của Dak To. Vì hệ thống hầm trú ẩn và giao thông hào quá vững chắc do trung đoàn 174 csbv chiếm giữ nên đại đội nhanh chóng rút lui. Sau này tình báo xác nhận rằng hệ thống phòng thủ này gồm những hầm trú ẩn nối với nhau bằng nhiều đường hầm (tunnel) và đã được xây dựng từ 3 đến 6 tháng trước đây, nên cây cỏ trên hệ thống hầm hào này tiệp màu với cây cối chung quanh. NGÀY KẾ, trung tá James R. Steverson, chỉ huy TĐ 2/503 của Lữ đoàn 173 Nhảy Dù, một sĩ quan kỳ cựu, đã từng nhảy vào Chiến khu C tháng Hai 1967, nhận trách nhiệm khó nuốt là "tấn công và quét sạch đồi 875".

SÁNG 19 THÁNG 11, đại đội C và D nhận trách nhiệm tấn công lên sườn bắc của đồi, nơi đây đầy cây lớn và tre bao bọc. Sau 4 giờ liên tục bị chống trả dữ dội, đột ngột hai đại đội này đã bị xung phong nhiều đợt bởi bộ đội của TRUNG ĐOÀN 174 CSBV, đang cố thủ đồi này. Lính dù Mỹ bỏ ba-lô và rút lui vào bụi rậm. Họ đã tuyệt vọng (desperately) dùng dao và nón sắt để đào hố chiến đấu. Quân CSBV, ko một phút ngưng nghỉ (respite) đã xung phong từng đợt, mỗi nhóm từ 20 đến 30 người. Lính CSBV ngụy trang rất kỹ, mặt sơn đen. Súng liên thanh, phóng lựu, cối và các lính bắn sẻ CSBV đã xuyên thủng (riddle) đội hình của hai đại đội này. 

Lúc đó đại đội A làm trừ bị ở chân đồi và đang phá rừng tạo bãi đáp. Các đợt tấn công của bộ đội csbv đã đánh xuyên qua vị trí của đại đội này đến độ hai trung đội bị mất liên lạc (evaporate). Giờ đây bị chia cắt và tấn công dữ dội, thành phần trừ bị này của TĐ nhiều khả năng bị tràn ngập. Phần lớn lính dù ở đây đã chết khi BCH gồm 6 người đã hoàn toàn bị quét sạch trong cận chiến. 

Hỏa lực của địch đổ xuống họ rất nhanh đến đến độ mọi người nghĩ rằng họ sẽ chết. Một trung sĩ trúng đạn và một y tá kéo y đến một thân cây, nơi mà người y tá bị trúng đạn ở đầu. Khẩu đại liên M-60 của một binh nhì (private) đã bay khỏi tay y vì trúng đạn B-40. Vị trung úy của họ ba lần ráng bò đến viên trung sĩ và lần nào cũng trúng đạn. Viên trung sĩ sắp chết hô to, "Trời ơi, trung úy, đừng đến đây; vì có khẩu đại liên sau cây này!" Viên trung sĩ trúng đạn 7 lần. Với hàng chục lính dù chết, nhiều người khác mất tích, và hàng trăm bị thương, những kẻ sống sót của TĐ tan nát này đã cố gắng thiết lập một chu vi phòng thủ. 

Trong khi người chết và bị thương nặng được kéo vào trung tâm của chu vi phòng thủ, một quả bom từ máy bay Không quân đã rơi vào đám người này. Một tiếng nổ dữ dội xé tan và tung thân người và quần áo lên toàn khu vực. Hai mươi lính dù tan thây, và 30 người khác bị thương nặng. TĐ đã mất hầu hết cấp chỉ huy; kể cả linh mục tuyên úy cũng bị thương đến chết. 

Dù lính dù bắn trả dữ dội, lính csbv vẫn xuất hiện khắp nơi. Đại đội 335 trực thăng đã có 6 chiếc bị bắn rơi khi bắt đầu đáp xuống. Đã vậy pháo binh, do lầm lẩn, lại bắt đầu nả đạn xuống TĐ, và một trung sĩ trung đội trưởng chạy đến các máy truyền tin hư hỏng để tìm một máy còn hoạt động. Y đã hốt hoảng liên tục vặn nút tần số để tìm đài bạn. Cuối cùng y đã tìm được đài của trung tâm phối hợp pháo binh để nơi này ko bắn lên đầu quân bạn. 

Đêm đó còn nhiều điều khủng khiếp hơn. Lính hai bên la hét (holler) và ném lựu đạn qua phòng tuyến của nhau. TĐ 4/503, suốt đêm chuẩn bị để đánh lên đồi 875 hầu giải cứu đồng đội. Họ đã nhét đạn đầy ba-lô và túi áo túi quần. Họ bỏ lại mọi thứ trừ một phần ăn, một bi đông nước và một poncho để mang người chết và bị thương.

Sáng NGÀY 20 THÁNG 11, TĐ 4/503 của trung tá James H. Johnson bắt đầu tấn công lên đồi. Họ đã tìm thấy rải rác đó đây các hộp khẩu phần Ration-C trống rỗng đã bị lính CSBV lấy trước đó của lính Mỹ. Băng cứu thương (do TC sản xuất) đẫm máu, và các thùng đạn trống rỗng của Mỹ nằm khắp sườn đồi. Một người lính nằm chết kế gốc cây, bên cạnh một đống vỏ đạn, tay vẫn còn nắm chặt khẩu M60 đã bị kẹt đạn. Họ đã đi ngang rất nhiều xác chết lính Mỹ đến độ vài binh sĩ đi đầu nghĩ rằng đâu còn ai sống để bắt tay với TĐ của họ. Tuy nhiên, ko còn kháng cự của địch và sau khi đã đi lên núi khoảng 6.400 mét, lính của TĐ 4/503 đã tới chu vi phòng thủ tơi tả của TĐ 2/503 lúc 10 giờ đêm. Những người lính sống sót của TĐ này đã khóc khi quân bạn đã cứu họ. 

Ngày kế một bãi đáp mới được lập giữa rừng già, và lần đầu tiên lữ đoàn 173 dù đã có thể tải thương lính từ trận đánh ngày 19 THÁNG 11. Sau đó, trong vòng bảy giờ, đồi 875 đã bị tàn phá bởi phi pháo khả dụng. Máy bay ném bom mỗi 15 phút, đốt cháy chỏm núi (crest) bằng 7,5 tấn bom napalm. Lính Mỹ định tấn công vào buổi chiều. Sau khi sườn đồi được dọn bãi kỹ lưỡng bởi pháo binh, lính dù liền chuẩn bị hàng ngũ để xung phong. Đột nhiên, cối của địch tiếp tục rơi xuống. Lính dù nhảy xuống hố trong khi đạn cối rơi xuống vị trí của họ. Do quá chen chúc trong các hố, lính Mỹ bị thiệt hại trước họ có thể tiến lên đồi. 

Lúc 3 g chiều, quân Mỹ tiếp tục tấn công, nhưng do bị bắn trả nên tiến quân rất chậm. Lính dù đã thấy họ đang chống lại một hệ thống các hầm thông thương với nhau, nằm sát mặt đất (built flush to the ground), với nóc dầy khoảng 4 mét gồm đất và các khúc gỗ. Các hầm này chỉ được phát hiện khi địch nổ súng và quân Mỹ phải triệt hạ từng hầm. Lựu đạn thường, súng phun lửa, và súng ko giựt ko có tác dụng. Một nhóm lính dù bắn 12 hỏa tiển chống tăng trực tiếp vào một cửa hầm và sau đó xung phong. Nhưng họ đã bị bắn trả bởi những người trong hầm này, vì địch đã dùng đường hầm để trốn khi quân Mỹ bắn hỏa tiển. TĐ đã cho các người lính ném (heave) những túi 20 cân Anh chất nổ xuống miệng hầm hay đổ dung dịch xăng đặc (napalm) vào bên trong hầm và dùng lựu đạn kích hỏa.

Lính csbv từ trên cao đã liều lỉnh bắn trả bằng B-40, đạn bị trượt trên mặt đất và nổ nơi lính Mỹ đang núp sau các khúc gỗ hay mô đất. Đạn B-40 nổ, giết và làm bị thương vài chục lính mỹ. Rất may cho lính Mỹ, các thủ pháo TC mà lính csbv dùng đều bị lép. Lính CSBV còn cố gắng đánh vào cạnh sườn và mặt sau của TĐ này. Sau khi hai dãy giao thông hào bị chiếm bằng cận chiến, toán tiền quân của TĐ phải ngừng cách đỉnh đồi 250 bộ Anh hay 76 mét. Sau khi trời tối, lịnh "giữ vững vị trí" đổi thành "rút quân". Để nhường cho phi pháo hoạt động vào ngày kế. 

Suốt NGÀY 22 THÁNG 11, máy bay đã liên tục bằm nát đồi 875 và khu chung quanh với bom nổ, bom lửa, và rocket. Đỉnh của 875 đã bị trọc hết cây cối sau khi bị oanh tạc, kéo dài suốt đêm. TĐ 4 được tăng cường bởi lực lượng tăng viện bằng trực thăng, đổ xuống gần sườn đông nam của đồi. Đây là hai đại đội của TĐ 1/12 thuộc sđ 4 bộ binh, đến từ tỉnh Darlac (Ban Mê Thuột). Họ đã trải một đêm bị pháo lai rai bằng cối để chuẩn bị tấn công lên đồi ngày kế. Họ kiểm tra vũ khí, đạn dược và túi chất nổ. 

Cuộc tấn công cuối cùng lên đồi 875 xảy ra ngày 23 tháng 11. Lính dù và bộ binh bắt đầu tiến lên đồi, nhưng lần này ko gặp chống đối. Họ đã nhanh chóng vượt qua các giao thông hào cao ngang đầu người và các hầm trú ẩn lớn trống rỗng. Lính csbv đã rút, vì nhiệm vụ của họ đã hoàn tất. Lúc 11:45 sáng hôm đó, lính dù đã tới đỉnh đồi trống vắng. Họ đã reo hò với những bài hát bắt nhịp (chant), mà họ đã hô to khi nhảy khỏi trực thăng, đây là những khẩu hiệu đã có từ các chiến thắng trong Đệ Nhị Thế Chiến -- như "Airborne!" và "Geronimo!" Tuy nhiên, tiếng hò reo của họ đã giảm đi phần nào do nhiều cựu chiến binh của đv nhảy dù duy nhứt tại Việt Nam giờ đây đã chết. (Trong chiến tranh VN, chỉ có lữ đoàn 173 là nhảy dù, còn lại là TQLC, bộ binh, lực lượng đặc biệt.-- Người dịch). Một số lính khác, khi tới đỉnh đồi đã im lặng ngồi giữa đám bụi và những thân cây cháy đen (charred), mở khẩu phần ration-C , và ăn trưa. 

Trận đánh Đồi 875 đã chấm dứt, và tính tới ngày 28/11, dĩ nhiên là Trận Chiến Năm 1967 Tại Cao Nguyên cũng chấm dứt. Hai trung đoàn 32 và 66 đã kiệt quệ (battered) của sđ 1 quân csbv, đã rút về bên kia biên giới, nhờ đoạn hậu bởi trung đoàn 174 sđ 1 csbv. (Trung đoàn này từng chiến đấu ở Lào trước khi vào VN). 

Từ 25/10 đến 1/12/1967, một nỗ lực quân sự to lớn đã được tiến hành bởi một số đv giỏi nhứt của lục quân. Họ đã đi qua một số những lãnh thổ nguy hiểm nhứt tại nam Việt Nam và đã chiến đấu chống lại một số những đơn vị bộ binh giỏi nhứt thế giới. Và người Mỹ đã xử dụng rất nhiều bom đạn cho các trận đánh này: 151.000 đạn pháo binh, 2.096 phi xuất chiến thuật, và 257 phi xuất do B-52. Tổn thất cũng rất cao. Đại đội 179 trực thăng, đã xử dụng trực thăng Chinook để bốc hơn 40 xác trực thăng đã bị địch bắn rơi.

Trận Dak To đã đẩy quân CSBV sang Lào và KPC. Lục quân Mỹ đã có được chiến thắng nhờ vượt qua những khó khăn lớn về tiếp vận để tiếp cận (close with) và đánh bại một đối thủ hàng đầu (first-class). Khi năm 1967 sắp hết, khả năng của quân csbv mở những tấn công lớn tại Cao nguyên Trung phần đã bị triệt tiêu phần lớn. Tuy nhiên, như những biến cố trong năm 1968 đã chứng minh, những tác động lâu dài trên đây đã ít đạt yêu cầu như mong đợi của các nhà quân sự Việt Mỹ. Thất bại này của quân CSBV chỉ có tác dụng nhất thời, trong khi đó Trận Đánh năm 1967 tại Cao Nguyên đã gây thiệt hại rất lớn cho cả sđ 4 bộ binh và lữ đoàn 173 nhảy dù. 

Chuyển ngữ từ bài The Battle of Dak To từ trang 166 - 176 của sách The Rise And Fall of An American Army của Shelby L.Stanton. 

San Jose ngày 27 tháng 2 2022. 

Tài Trần


No comments:

Post a Comment