Thursday, October 8, 2020

 CHUYẾN VƯỢT BIÊN HÃI HÙNG CỦA TÀU VT 1502


Thế giới biết đến Thuyền Nhân Việt Nam và công nhận tỵ nạn chính trị CSVN vào ngày 14/11/1978 do chính nhiều chuyến vượt biên đầy hiểm nguy và gian khổ đến được các bờ đất liền hay do các tàu bè di chuyển quanh vùng cứu vớt , một trong những lý do đưa đến sự ra đi tìm tự do bằng cách này , là vì bờ biển VN trải dài từ miền Bắc xuống đến miền Nam hơn hai ngàn cây số , vòng qua phía sau giáp ranh với Cam Bốt và vịnh Thái Lan , những nước gần chung quanh VN được nhắm để đến là : Hồng Kông ( lúc đó còn là thuộc địa của Anh Quốc ) , Mã Lai , Nam Dương , Tân Gia Ba , Phi Luật Tân , Thái Lan và có chuyến đi đến cả Úc Châu …

REPORT THIS AD

Vào những năm 1978-1979 CSVN và CS Tàu có những tranh chấp dữ dội về những vấn đề biên giới cũng như là vấn đề chiếm đóng Cam Bốt của CSVN , một trong những bùng nỗ cụ thể mà các đồng bào sinh sống ở các tỉnh gần biên giới phía Bắc từng chứng kiến là các cuộc giao tranh quân sự qui mô giữa bộ đội CSVN và bộ đội CS Tàu ( cuộc giao tranh này phía CSVN gọi CS Tàu là bọn bá quyền phương Bắc , còn phía TC ( xin đọc là Tàu Cộng ) thì gọi CSVN là ‘dạy cho VN một bài học’ ) , và chính những anh chị em bị đày trong các trại tù cải tạotại đây cũng được chứng kiến và thường xuyên bị di chuyển trại vì lý do an ninh . Do sự kiện này đã gây ra nhiều sáo trộn xã hội lúc bấy giờ ở trong những sinh hoạt của Hoa kiều sinh sống tại VN , nhất là vùng Chợ Lớn trong thành phố Sài Gòn , và chính TC cũng kích động một phần trong các chương trình phát thanh bằng tiếng Hoa , phát vào Việt Nam nhằm khuấy động lên tình hình xã hội , kinh tế và chính trị có lợi cho TC , cộng với việc mở cửa mời gọi ngay tại biên giới , phần đất bên TC thường dựng lên các doanh trại với các phướng vải to lớn như : Hân hoan chào đón công dân trở về tổ quốc , đã có nhiều người thoát chế độ CSVN bằng cách đi này , mặc dù đời sống bên TC chẳng khá gì hơn VN , nhưng miễn là cứ thoát khỏi VN đã ! Sau đó họ lại tìm đường vượt biển bằng các tàu buồm từ TC qua Hồng Kông , rất thịnh hành vào những năm sau đó : 1980 , 1981 , 1982 …

REPORT THIS AD

Phong trào bỏ chạy bằng đường biển mỗi ngày một lên cao , mà nhà càm quyền CSVN không làm sao ngăn cản nỗi , kết quả thế giới càng ngày càng lên án và tẩy chay chế độ phi nhân tại VN , cộng với các vấn đề liên quan tới biên giới TC ở trên , từ đó đảng CSVN nghĩ và đẻ ra được một chính sách gọi là Đi Bán Chính Thức» , với chính sách này họ tung được một mũi tên bắn ra , trúng được nhiều mục tiêu cùng một lúc , trên nguyên tắc chỉ dành cho những người Việt gốc Hoa , với lệ phí phải đóng cho nhà nước VC là vàng thẻ ( tuỳ theo địa phương số vàng được ấn định là từ 06 đến 12 cây cho người lớn , và 03 đến 06 cây cho trẻ con ) , tuy nhiên nếu là người Việt Nam , muốn đi thì một là mua giấy tờ do Công An cấp , để trở thành người Việt gốc Hoa , hai là hối lộ cho cơ quan công an địa phương tổ chức các chuyến đi ! ( vì họ thừa biết rằng : dù có là người Hoa hay người Việt , thì ai cũng muốn chạy càng xa càng tốt để tránh nạn CS ) , với chính sách này vừa đuổi được những người mà họ gọi là khúc ruột thừa hay nguỵ quân nguỵ quyền , vừa lấy được vàng , tịch thu tài sản ( vào thời điểm này chưa được bán nhà , mặc dù là của mình với đầy đủ giấy tờ chứng minh ) , hơn nữa dù nhà nước có cho đi hay không ? Thì trước sau gì người ta cũng vẫn cứ tự đứng ra tổ chức lấy những chuyến đi chui , bất chấp có canh phòng cẩn mật cở nào và tù tội ra sao ? người dân thường nhạo báng chế độ là : Đến cây cột mà biết đi , thì cũng còn bỏ đi nữa , huống chi …

Các chuyến đi tự động do người dân đứng ra tổ chức được gọi là Vượt Biên hay Đi Chui , từ ngữ « Đi chính thức » dành cho những diện ra đi đoàn tụ do gia đình bảo lãnh , hay hồi hương cho những người có quốc tịch nước ngoài , còn chương trình ra đi này thì được gọi là Đi Bán Chính Thức hay cũng có thể hiểu là : vượt biên có giấy tờ do CA cấp cho đi ??? Thoạt đầu mới nghe qua , chính những người trong cuộc cũng lầm tưởng đây là một biệt đãi , một ân huệ ! Từ cái nhìn bên ngoài cách thức tổ chức , hồ sơ giấy tờ với đầy đủ chi tiết tên họ , địa chỉ , lý lịch gia đình và có cả dán ảnh 4×6 như một hình thức thông hành , cho đến bãi tập chung tụ họp , di chuyển tập thể từ các nơi đến địa điểm bằng các đoàn hộ tống do Công An tỉnh hướng dẫn , địa điểm khởi hành là những cảng , bến hay doanh trại của Hải Quân , và từng người với hành lý giấy tờ , thủ tục khám xét , không khác gì như ra phi trường để đi , chỉ có những đơn vị Công An Tỉnh , hành phố lớn mới được biết , các làng xã nơi xa xôi hẻo lánh không được biết đến chính sách này . Đó là bề nổi , càng sâu vào bên trong người ta càng hiểu nhiều hơn về những toan tính , chia chác , có nhiều chuyến đi phải dời tới dời lui nhiều lần , chỉ vì cố nhồi nhét số người đi tối đa cho chật cứng , bất chấp trọng tải miễn sao thâu được càng nhiều vàng càng tốt , có những chuyến đoạn chót của chương trình này là : các âm mưu đục thủng tàu cho chìm , vơ vét lấy sạch vàng vòng của những nạn nhân đem theo phòng thân , và bắn giết thủ tiêu xoá tông tích ! Bởi vì sau 1975 , khi chiếm được toàn miền Nam , người Cộng Sản VN , xem người dân miền Nam như những người cần phải loại bỏ , cụ thể những người vượt biên thường bị phân biệt đối xử và họ thường gọi là : phần tử phản động , bắn bỏ ! , với cách bắn bỏ này không đổ máu , không ai nhìn thấy , mà còn thu được Vàng và tài sản !

Chính sách trả thù dành cho Quân Nhân , Công Chức , Cán Bộ , Nhân Viên làm việc cho chế độ trước đây của Việt Nam Cộng Hoà là cải tạo , học tập , chính sách tịch thâu nhà cửa ruộng vườn ngoài Bắc là Cải Cách Ruộng Đất với đấu tố , địa chủ …  trong Nam thì đánh tư sản , chính sách cướp đoạt tài chánh trắng trợn , với bao nhiêu lần đổi tiền , mỗi lần đổi thì trị giá của đồng tiền mới lại thấp nhiều hơn so với trị giá đồng tiền cũ , và họ ấn định mỗi gia đình chỉ được tối thiểu một số tiền tượng trưng , số còn lại do ‘nhà nước’ giữ , lúc nào cần và lý do thì phải do ‘nhà nước’ chấp thuận mới được lấy ! hệ thống Kinh tế Việt Nam trao đổi với nhau không qua trung gian ngân hàng , mà tất cả bằng tiền mặt hay vàng , qua kinh nghiệm đổi tiền , người dân không ai còn tin và dám giữ tiền trong nhà , có bao nhiêu tiền đi mua vàng cất giấu ! chính sách ‘Đi bán chính thức’ nằm trong mục tiêu cướp đoạt vàng là vì vậy ! Trong suy nghĩ bình thường bỏ vàng ra để đổi lấy sự ra đi tìm tự do , ai cũng nghĩ đơn giản như vậy , nhưng nếu tất cả không bắt đầu bằng các tai nạn khủng khiếp xảy ra sau đây :

– Chiếc tàu sắt ‘Cát Lái’ bị lật trong lúc lên tàu và chìm ngay lúc còn chưa khởi hành vào cuối năm 1978 , có đến khoảng 500 người chết , mở đầu tai hoạ cho chính sách Đi Bán Chính Thức vì tầm mức quan trọng của chiếc tàu : to lớn , bằng sắt ( rất hiếm vì thường là bằng gỗ ) nhiều nhân vật quan trọng của Sài Gòn đi trong chuyến này .
– Chiếc tàu gỗ ‘VT 1502’ khởi hành tại cảng Vũng Tàu sau tàu ‘Cát Lái’ vài ngày , bị chìm vào lúc 03 giờ sáng ngoài khơi Vũng Tàu ( khoãng 60 hải lý ? ) , với con số phõng đoán hơn 400 người chết , chấn động khu Chợ Lớn vì nhiều thương gia người Hoa đi trong chuyến này .
– Chiếc tàu NT 337 bị chìm trước đó cũng vào cuối năm 1978 , tại ngoài khơi Nha Trang với số lượng cũng vài trăm người chết .
– Một chiếc tàu hơn hai trăm người đi từ miền Trung bị chìm ngoài khơi HongKong , cũng vào cuối năm 1978 .

Và tiếp theo đó là hàng loạt các tàu đi bán chính thức bị chìm ở hầu như khắp các tỉnh có bờ biển . Con số chính thức bị chết cũng như các chi tiết thường được giấu kín , không công bố , chỉ những chuyến nào còn người sống sót thì may ra mới biết được một số tin tức tối thiểu , hoặc do các cư dân sống chung quanh ven bờ biển cung cấp , mỗi khi có xác người , đồ vật hay ván tàu bị bể trôi vào … Trái với những chuyến đi chui , các chuyến đi ‘bán chính thức’ có nhiều hy vọng được biết tin tức nhiều hơn , có được thời gian , địa điểm , ngày giờ khởi hành mà người ta có thể dự đoán được chiếc tàu đã tới chưa , bị chìm hay mất tích ? có những chuyến đi mất tích đến nay chẳng một ai biết , cũng có những chuyến bị chìm cho đến nay mới có người kể lại . Các câu chuyện được kể lại , như những đoạn phim ma quái , kinh dị , bệnh hoạn , tưởng chỉ có thể xảy ra trên màn ảnh hay phim truyện , mà chính người kể cũng phải xót xa rùng mình , nỗi da gà khi hồi tưởng lại :

– Hận người CSVN đẩy dân vào đường cùng , liều mạng với sóng gió , biển cả để đi tìm tự do , mà chưa biết chắc có đến được hay không ? hai vợ chồng cùng đi trên một chiếc ghe với hơn 70 người , sau nhiều ngày trôi dạt bị sóng đánh tan tành , chỉ còn lại đám người bám vào các ván gỗ trôi lênh đênh trên biển , người chồng xấu số đã chết vì kiệt sức , để lại người vợ đang có bầu chuyển bụng đẻ , và đứa bé đã ra đời trong một hoàn cảnh bất đắc dĩ với bao nhiêu trôi nỗi cuộc đời ngay tối hôm đó trên đại dương mênh mông .
– Hai chị em chia tay cha mẹ để ra đi trên một chiếc ghe , chẳng may bị chìm và người em sau nhiều ngày tự lượng sức , biết mình không chống cự nỗi với thiên nhiên , buông tay hy sinh cho người chị được miếng ván gỗ một mình , để hy vọng sống sót trở về …
– Nhìn thấy vợ con bị hải tặc Thái Lan hãm hiếp trước mặt , người đàn ông gầy yếu sau bao nhiêu ngày bị sóng nhồi nhừ tử , lấy hết sức lực còn lại đứng lên xô đẩy đám người man rợ kia ra , một nhát dao mã tấu chém ngay cổ , anh ngã quỵ xuống chỉ kịp trợn mắt nhìn , trước khi làm một điều gì khác !
– Người thiếu nữ xấu số kia sau bao nhiêu lần bị hãm hiếp trên biển , được đưa vào đất liền bán cho các động mãi dâm bên Thái , đến khi không còn ăn khách vì thân hình tiều tuỵ ốm yếu đau bệnh , được ngã giá và đưa sang bên Tàu làm vợ cho một nông dân , sáng hôm sau chị mới phát hiện ra ‘người chồng hôi hám , nhớp nháp đêm qua’ là một người cùi , từ đó người ta thấy một người đàn bà bị cùi lở loét , lê lết ngoài chợ để xin ăn …
– Thỉnh thoảng người ta vẫn cứ phải đuổi bắt , đem anh vào phòng mặc quần áo để giữ gìn thuần phong mỹ tục trong sân trại ; Kể từ khi phải chứng kiến cảnh tàn nhẫn hành hạ thể xác vợ và thân nhân anh , để lại trong tâm trí anh một hình ảnh kinh hoàng cho đến khi lên bờ , vào trại thì anh chỉ còn là một gã điên …
– Sau nhiều ngày đêm bồng bềnh trên biển , trải qua bao sóng gió , đói khát bệnh tật hoành hành , hết thuỷ táng người này đến người kia ! người ta phải cắt tay để lấy máu mà uống , cầm cự qua ngày , một thiếu phụ tự cắn vú mình chảy máu cho con bú , đến khi người ta phát giác ra thì bà đã trút hơi thở , chết từ khi nào .
– « Bố ơi Bố ! Nếu con có chết Bố đừng ăn thịt con nghe Bố » , đó là một câu nói van xin của một đứa bé với người cha , ngay từ tuổi ấu thơ người ta đã vô tình nhồi nhét vào đầu em những hình ảnh ghê rợn !
– Ai cũng nhìn em , không hiểu tại sao em đi khập khiễng với hai người dìu đỡ hai bên , vào trạm y tế khám xét mỗi ngày ? Chẳng qua vì tuổi em còn nhỏ , khi bọn quỷ dữ hãm hiếp em , chúng đã lấy dao rạch em ngay chổ đó !
– Chúng nó hãm hiếp con dâu của bà đang mang bụng chữa , thằng con trai bà sáp lại định can thiệp , nó phang cho một đao , bà chạy lạy ôm thằng con , đầu lìa khỏi thân rơi xuống biển , máu tuông xối xã ướt hết thân mình bà ! Bằng một sự nhiệm mầu , bà sống sót trong đống xác người ngỗn ngang …
– Năm đó anh là một thanh niên 18 tuổi , đi trên một chuyến tàu hơn 400 người , khởi hành không được bao lâu , tàu anh đã chìm sau khi vật lộn và chịu thua trước sóng gió , anh bám vào các phao nổi , cùng nhiều người lênh đênh trên biển , thời gian cứ trôi thì số người càng thưa dần . Ngày anh trôi được vào bờ cộng thêm với 4 người khác sau 3 ngày đêm … Tổng cộng anh mất đi 8 người thân trong gia đình gồm cha mẹ , anh chị em , và hai đứa cháu .
– ! ! !
– ? ? ?

Và còn nhiều trường hợp dã man , kinh khủng , đau thương khác mà không bút mực nào ghi chép cho hết ! Tất cả , họ chỉ muốn được quên đi , để tiếp tục sống những ngày còn lại bình an « sóng yên biển lặng » , đây là nỗi đau mất mát của cả dân tộc ! Không thể chối cãi , nạn nhân là những người đi trên các chiếc ghe thuyền , thủ phạm là những tên hải tặc Thái Lan và nhà cầm quyền CSVN . Ở những nước tự do dân chủ , mỗi một chính sách người ta cân nhắc đo lường , một hành động dù nhỏ sơ ý đến đâu , ảnh hưởng đến sức khoẻ , tính mạng người dân , đều bị pháp luật xét xữ nghiêm minh , ngỏ hầu bảo vệ tối đa quyền lợi cho người dân . Qua chính sách đi ‘bán chính thức’ , ngoài những điều thu vét vàng và tài sản ở đoạn trên đã kể , chỉ riêng về một vấn đề : tiêu chuẩn giao thông đường biển của các ghe thuyền VN , cũng đủ nói lên tính cách tàn nhẫn của đảng CSVN , cố tình làm ngơ đẩy người ta đi vào chổ chết , một cách tài tình không đổ máu . . . không súng đạn !

Đảng CSVN sẽ phải trả lời ra sao về sự xua đuổi người dân vào đường cùng ?
Đảng CSVN sẽ phải giải thích thế nào về những chuyến đi bán chính thức ? 
Đảng CSVN sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về chính sách này ?

Vào năm 1978 , khi bang giao giữa Việt-Nam và TC đến hồi căng thẳng , Nhà càm quyền Hà-Nội đưa ra một chính sách giải quyết có lợi nhiều mặt cho họ ( Thâu tài sản , Vàng bạc , giải toả phần nào áp lực từ TC , và đuổi được những phần tử « phản động » ra khỏi VN ) , qua chính sách mà ta thường nghe đến qua tên «Đi Bán Chính Thức» , ở từng nơi do Công-An địa phương thâu và cấp giấy phép ( trung bình Người lớn từ 10-12 lượng Vàng , trẻ con phân nửa ! ) qua trung gian của chủ tàu đứng ra lo tổ chức . Chuyến đi của gia đình tôi gồm 9 người : Bố và Má lớn tôi ( mới ngoài 50 ) , Vợ chồng anh H . ( chưa đầy 30 ) và cháu DL ( 1 tháng tuổi ) , anh T . ( ngoài 20 ) , em H . ( con người bạn của Bố tôi khoảng 13 , 14 … ) , cháu CP . ( 4 tuổi , con của người anh thứ tư , bố mẹ và em gái cháu đi chuyến trước , hiện ở Hoa-Kỳ ) , và tôi ( lúc đó 18 tuổi ) . Tất cả tàu của tôi gồm hơn 400 người , già trẻ ,lớn bé , trai gái có đầy đủ cả , phần đông là gia đình với nhau , ví dụ như gia đình của tôi 9 người , gia đình bạn bố tôi 5 người ( chú TH ở cầu chữ Y ) , gia đình chủ tàu nghe nói đâu nội ngoại tất cả lên đến vài chục người . Và đa số là người Việt gốc Hoa , cũng có nhiều gia đình người Việt , nhưng phải làm giấy tờ giả hoặc đút lót thêm cho công an !

Gia đình tôi ra ngoài Vũng-Tàu ở nhà chú B . ( gần bến xe ) , chú thím có tất cả 6 người con , lâu ngày không liên lạc thư từ , quên không nhớ rõ 5 hay 6 gì đó ? chú thím sống nhờ bán hàng và thỉnh thoảng cách vài ngày thì làm thịt một con bò , nhờ vậy tôi có dịp tận mắt xem cách mổ bò và cắt từng phần bộ phận của con bò , thường vào lúc sớm 4-5 giờ sáng , muốn xem phải thức dậy từ sớm , sau khi cột chặt tứ phía , tay phải chú tôi cầm một cái búa thật to , tay trái làm động tác nhấp nháy để che hai mắt con bò lại , và búa một búa thật mạnh xuống , bò chưa kịp phản ứng đã ngã gục ngay xuống đất , cái khéo là ở chổ này , vì nếu búa không đủ mạnh bò chưa chết , với sức mạnh của nó chuyện gì sẽ xảy ra … Sau đó thọc tiết lấy máu tươi , pha với chút rượu uống ngay tại chổ còn nóng hổi , vì cuộc hành trình sắp đến không biết mất bao lâu , cần nhiều sức khoẻ , cho nên dù không quen cũng cố gắng uống vài ngụm , kế tiếp mỗi người một việc , lóc da , xẻ thịt , làm sạch bộ đồ lòng … Cuối cùng dọn dẹp , vệ sinh sạch sẽ , làm sao để kịp đem ra chợ thật sớm để bán . Trong ngày thời giờ rảnh rổi chúng tôi thường đi tắm biển , từ nhà ra bãi đi bộ khoảng 15-20 phút , chiều về ra sau vườn chơi với mấy người con chú trong khi chờ đợi thím làm cơm , ngày nào cũng vậy mỗi lần lên bàn ăn ít nhất cũng có đến gần 20 người ăn , trong lúc ăn cơm mọi người trò chuyện hàn huyên tâm sự , vì nghĩ rằng không biết đến lúc nào mới có dịp gặp lại nhau ( thật vậy , cá nhân tôi đến nay gần 30 năm chưa gặp lại chú thím , nghe anh T nói chú thím hiện định cư ở Đan-Mạch ) . Đến khoảng 8 giờ tối thì mọi người ai về chổ ngủ người đó , được sắp hàng dọc hai bên với mùng che muỗi màu trắng ngà , ở giữa là lối đi , giống như trong các dãy nhà ngủ trong trường nội trú mà hồi nhỏ tôi có ở qua .

Liên tiếp mấy ngày nay mưa tầm tả , đi tắm biển nhanh nhanh khăn gói chạy về nhà trú mưa , đến một buổi sáng nọ … khi dời tới dời lui nhiều lần vì lý do gì không hiểu ? Chúng tôi được cho hay là tới ngày khởi hành , có thể nói tất cả xe ba bánh của Vũng-tàu được huy động đến từng địa điểm đón khách để đi …( người ở khách sạn bãi trước , kẻ ở khách sạn bãi sau , bãi dâu , Ô-Quắn , bến xe … ) , đoàn xe được hộ tống bởi Công-An đến từng nơi một , người đi mỗi lúc một đông thêm , dân chúng đổ xô đứng hai bên đường như tiển đưa khi đoàn xe đi ngang qua . Đến khoảng 3 giờ chiều chúng tôi được đưa vào một dãy nhà , bên kia con đường là Cảng Vũng-Tàu , trước cổng sắt Công-an đứng canh gác dầy đặc , ngoài trời mưa vẫn cứ rơi lâm râm; Mọi người xôn xao chờ đợi , nét mặt ai cũng như lo lắng một điều gì xảy ra ! Bình thường cháu P . ( 4 tuổi ) hay chạy nhảy vui đùa , từ khi vào đây đến giờ cháu cứ im lìm , đứng yên một chổ , Bố tôi hỏi : “Sao buồn vậy ? không chạy chơi đi ?” , cháu trả lời : “Con sợ quá !” , “Con sợ gì ?” , “Con sợ tàu chìm !” , Bố tôi mắng cháu xong lại ôm cháu vào lòng vuốt ve ! Mặc dù chưa bao giờ cháu đi tàu , vả lại với tuổi như cháu sao có thể suy nghĩ và sợ như vậy ! Có phải đây là điềm báo trước những chuyện không may sẽ đến ! ( có nên tin hay không ? ) .

Chúng tôi được phát mỗi người một phần ăn , hình như là 1 ổ bánh mì ? 1 trái chuối ? và nước uống ? Đến khi trời bắt đầu tối ( khoảng 6-7 giờ ) thì mọi người tập trung sắp hàng theo từng gia đình , Công-an điểm danh kêu từng người một theo danh sách có dán hình và lý lịch , ( tất cả đã chuẩn bị từ trước , từ Vàng phải nộp cho đến tên tuổi v .v… ) , người nào được gọi thì đến trình diện , họ kiểm xem có phải người trong hình và danh sách không ? Hành lý , túi cầm tay tất cả xong xuôi mới được lên tàu , đậu sát ngay bên cạnh , có những trường hợp phải bỏ bớt lại đồ đạt vì quá tải hoặc phải chi thêm ! Tàu được chia làm 3 tầng , tầng dưới cùng nhất ( hầm tàu ) dành cho thanh niên trai tráng , tầng ở giữa cho đàn bà con gái , trẻ con … trên Boong tàu là gia đình , nhân viên , bạn bè thân thuộc của chủ tàu ( kể cả buồng lái ) . Như vậy tôi , hai người anh ( anh H và anh T ) , em H được chỉ định xuống hầm tàu , mới xuống chưa quen khó thở , phải chạy lại mấy góc ( đầu hoặc đuôi tàu ) , kê mũi vào một ống tròn khá to nhìn thông suốt lên trên trời để hít thở không khí , Má lớn và chị dâu ( vợ anh H ) xuống tầng ở giữa , Má lớn tôi một tay ôm tượng Phật Bà Quan Âm , một tay dắt cháu P , miệng luôn khấn niệm ! , chị dâu thì ôm cháu DL , còn Bố tôi thì một phần vì quen thân với chủ tàu , một phần vì có mang bệnh trong người nên được ưu đãi ngồi tầng trên ( trong buồng lái ) .Tàu bắt đầu khởi hành vào khoảng 9 giờ tối , mọi người được phân phát vài viên thuốc say sóng uống ngay tại chổ , và một túi ny lông nhỏ , nếu có ói mửa thì dùng để đựng .

Tôi chợt thức giấc vì phát hiện ra đằng sau lưng mình có một lổ thủng khoảng 20 cm đường kính , mọi người nằm ngủ la liệt vì thuốc say sóng , ở đường đi chính giữa một số thanh niên đang chuyền tay nhau từng sô nước để đổ ra ngoài , tôi cố ngồi dậy mặc dù đầu óc đang quay cuồng , khều tay sang bên cạnh anh H đang say ngủ , lắc mạnh cũng không thấy động tĩnh gì , quay sang bên kia kêu em H , vẫn không thấy phản ứng , tôi dùng hai tay bám và đu theo mấy cây gỗ to lớn ở trên đầu vì dưới sàn mọi người nằm la liệt , không còn chổ để đi , đến chân cầu thang thì gặp anh T , đang cùng đoàn người chuyển những sô nước lên trên để đổ ra ngoài , ở trên cầu thang có một anh dùng chân cản không cho tôi lên , vì lúc này cũng khá nhiều người tụ tập ở đây , sợ tất cả làm rối loạn trật tự ! nằm ngay tại chổ chưa đầy 10 phút , bổng tàu lắc mạnh , sau nhiều lần và tàu lật ngang , nước tràn vào … mạnh ai nấy nhảy xuống biển và bơi ra thật xa theo vị trí của mình ! anh T nhảy ra trước gọi tôi nhảy theo , từ dưới biển nhìn lên con tàu như một cái gáo múc nước , nghiêng một bên múc đầy nước vào , xong nghiêng trở lại và từ từ chìm xuống ! Tiếng la khóc , kêu gào từ những người còn kẹt lại trong tàu tắt dần theo mực nước , đến khi cây cột cao nhất của tàu từ từ đi vào trong lòng biển ! Trên mặt biển chỉ còn lại đồ đạc hành lý và khoảng vài chục người đang cố gắng bơi lội , tìm kiếm những gì có thể mang theo được , từ Va-Li túi xách tay đến đồ ăn trái cây , bình nướ c…Tụi tôi hai anh em mỗi người ôm một cái Va-Li làm phao , vớt được không biết của ai ? may thay lục trong đó có chai dầu Nhị-Thiên-Đường , vì lúc này là nửa đêm nên rất lạnh , có chai dầu bôi đầy mặt mũi cũng thấy ấm áp phần nào ! Từ xa có một nhóm người đang bám vào các phao nổi dính chùm với nhau bằng dây , loại phao dài màu trắng , hai đầu có hai cái lổ để cột dây , thường treo bên hông tàu để làm vật cản khi tàu va chạm , cứ đầu cái này lại cột với đuôi cái kia , có đến hơn trăm cái dính với nhau bằng dây nên đoàn người lúc nào cũng trôi chung với nhau mấy ngày đêm ! Chúng tôi bỏ Va-Li bơi tới xác nhập với đoàn người , cũng may vì nước bắt đầu thấm vào mỗi lúc Va-Li một nặng thêm , lấy phao trắng kẹp vào hai bên nách , mỗi bên một cái , một cái khác chêm dưới cầm để nâng đầu khỏi mặt nước ! Từ xa chúng tôi nhìn thấy một ánh sáng nhỏ tí từ ngọn đèn Hải-Đăng Vũng-Tàu , nhờ H ( con trai chủ tàu , 13 tuổi ) đeo đồng hồ điện tử , nên trong đêm tối chúng tôi biết được bấy giờ là 3 giờ sáng ! Có một anh ( nghe nói là cựu Hải-Quân , cũng đã bị chìm trong một chuyến đi trước đây không thành công ! ) trôi chung và bảo chúng tôi : Ai thấy gì ăn uống được thì nhớ vớt theo , nhờ vậy trong ngày đầu chúng tôi có ít cam quýt để ăn , một bình nước truyền nhau uống , nhưng bị nước biển thấm vào nên ăn uống cái gì cũng mặn hết ! Chỉ có trái dừa là còn giữ được nguyên vị , có điều phải hy sinh lấy đồng hồ tay đập để lấy nước uống .

Trời sáng mọi người mới bắt đầu nhìn rõ mặt nhau hơn , ngoài sợi dây phao dài cả trăm cái , đoàn chúng tôi còn có một cái phao ruột bánh xe khá to , có thể nằm trên đó thả trôi theo , một cái tàu sắt nhỏ dài khoảng một thước , hai bên được hàn dính hai thùng phuy nước để làm phao nổi , có một em nhỏ ( 9-10 tuổi ? ) không biết bơi ngồi trong tàu sắt đó , chúng tôi vừa kẹp phao trắng vừa bám chung quanh hai thùng phuy nước và chiếc tàu sắt này , mỗi lần cơn sóng ập đến là cái tàu sắt bị lật úp lại và dĩ nhiên em nhỏ đó tơi bời ngụp lặn trong đó ! Phải khó khăn mất rất lâu chúng tôi mới lật lại được , và vớt em lên ! Mắt đỏ ké , bụng căng phình vì uống nước biển , nhiều lần như vậy em bắt đầu đuối sức và mê sảng , lần úp cuối cùng không còn tìm thấy em đâu ? Nhiều xác người cứ trôi lẩn quẫn dưới chân chúng tôi , một anh trong đoàn thò tay xuống lôi lên một xác , thì đúng là xác của em ( tôi cũng không biết tên em là gì ? ) , và mọi người cầu khấn với em , phù hộ cho nhanh tới được đất liền , sẽ làm lể cúng cho em ! Từ đó không còn thấy xác em theo nữa ! Lần khác sau khi một cơn sóng đi qua , có tiếng người cách xa chúng tôi vài chục thước , nhìn kỹ thì ra có vài người vì thiếu cẩn thận , không ôm chặt phao để cơn sóng đánh văng ra xa ! Cũng có trường hợp vì đuối sức tự buông xuôi theo dòng nước , hoặc chìm sâu vào lòng biển như anh T ( Lúc tàu vừa lật anh nhảy ra trước và kêu tôi nhảy theo ) ; Hai anh em trôi được hai ngày , một phần có lẻ vì lúc đầu vừa phải chống trả với thiên nhiên , một phần vừa lo lắng cho tôi , vì so với sức khoẻ của anh , tôi yếu sức hơn nhiều ! Anh bắt đầu có những triệu chứng bất bình thường , nhất định không chịu bỏ áo khoát ra , ( xuống nước áo nặng trĩu , vừa đuối sức vừa mặc áo trong người thêm gánh nặng ! ) , anh nói đây là vật kỹ niệm của một người bạn tặng trước khi đi ? Và anh tháo nhẫn đeo tay ra trao cho tôi bảo đem về trả cho anh T , tôi nói hai anh em cùng trôi thì sẽ cùng về thì cứ giữ đó đi ! ( Lúc trước khi đi bố tôi có sắm cho anh em tụi tôi mỗi người một vài thứ : nhẫn đeo tay , đồng hồ , dây chuyền đeo cổ … ) , ngay lúc đó tôi cũng không để ý , vì người lúc nào cũng nửa tỉnh nửa mê ! Sau này mới nghĩ ra đây là những lời trăn trối cuối cùng của anh , con người có những giác quan mà ta thường gọi là thứ sáu , chỉ phát hiện vào giờ phút lâm nguy hay cuối cùng … chăng ? Tôi cũng chẳng biết anh ra đi vào lúc nào , được mấy người bạn ( đồng hành … ) tả lại các chi tiết thì đúng là xác của anh có trôi ngang qua chúng tôi , nói về anh thì phải nói là số phận ! Trước đó anh và anh D ( có con là cháu P , 4 tuổi ) cùng ở ngoài Nha-Trang nhiều tuần lể liên tiếp để chờ đợi đi vượt biên ! Vì trở ngại kỹ thuật chưa đi được , quay về Sài-Gòn do gia đình sắp xếp lại nên đi trong chuyến này ! Còn anh D đi chuyến khác tới được đảo và đi định cư cùng vợ và con gái ( em của cháu P ) . Nguyên ngày trôi trên biển phải chống chọi với sóng gió , ban ngày thì nắng gắt , phải cố ngâm sát người dưới nước biển , vừa đủ để thở cho bớt nóng , tránh nắng trên đầu ! thỉnh thoảng lấy tay múc nước để xối lên đầu cho ướt , chiều đến khi mặt trời sắp sửa chìm sâu xuống nước cộng với gió thổi lành lạnh ! nhất là vào ban đêm thì lạnh run , hai hàm răng đánh bò cạp không ngừng ! Mỗi cơn sóng ập tới là một hung thần đem theo không biết bao mạng người ! Vì sơ ý không bám chặt phao sóng đánh văng ra xa , vì các miếng ván gỗ tàu bể to tướng đánh vào đầu , và có khi vì các sợi dây cột hai đầu phao quấn vào cổ nghẹt thở ! Hoặc chỉ vì đang đuối sức mê mê tỉnh tỉnh , một cơn sóng lớn ập vào cũng đủ chết ngộp ! Ngoài ra còn đói khát , đau ốm … Ban đầu còn tí đồ ăn , nước uống mang theo chia nhau dùng , đến khi cạn … ngửa mặt lên trời mỗi khi có mưa , há to mồm để hứng những hạt nước thần tiên từ trên rơi xuống ! Hy vọng sống sót mong manh ? giữa sống và chết có khi trong giây phút , mới thấy đó mà đã mất đâu rồi ?

Bước sang ngày thứ nhì cũng không khá hơn ! Càng trôi xa hy vọng càng ít đi ! Trên đại dương mênh mông chỉ thấy trời và nước dính liền với nhau , hai màu tương phản xanh trời và đen ngòm của biển cả . Đoàn người cứ trôi nổi theo dòng nước , thỉnh thoảng một vài cơn sóng từ xa xa như những mái nhà bốn năm từng lầu sắp tràn đến , sữa soạn lấy lại tư thế vững vàng , hớp một vài hơi không khí cho đầy buồng phổi ! Sóng ập vào , cố gắng ngụp lặn cho qua để thấy là vẫn còn sống sót , cũng có khi cơn sóng trôi qua êm đềm đưa lên tuốt tận trên ngọn , để từ trên cao nhìn xuống vực thẩm sâu hun húc …

Bỗng từ xa một làn khói trắng thổi ra từ một ống đen tròn ! lúc ẩn lúc hiện ! Sau năm lần bảy lượt trồi lên trồi xuống thì rõ ràng đúng là một chiếc tàu đang chạy ngang từ tuốt phía xa , thật vui sướng không gì bằng ! ! ! người cởi áo phất lên ra hiệu , kẻ lấy tay đập vào hông hai thùng phi , tất cả mọi người la kêu cầu cứu cùng hướng về chiếc thuyền kia ! … Con thuyền vô tình chẳng để ý đến , cứ lặng lẽ vượt sóng đi tiếp hành trình , càng lúc càng thu nhỏ đến khi không còn nhìn thấy … Chúng tôi chết lịm người , bao nhiêu hy vọng tan thành mây khói , nữa tủi nữa hờn ! Thật ra sau này suy nghĩ lại , mình dưới biển như giọt nước , người thấy tàu chứ tàu có nhìn thấy người đâu ? hay có thể họ sợ mang hoạ vào thân … Nhưng dù sao thì vẫn cứ an ủi rằng chắc họ không thấy . Trong suốt mấy ngày đêm lênh đênh trên biển , nếu không lầm tổng cộng chúng tôi sống đi chết lại như vậy ba bốn lần , và lần nào cũng vậy , chẳng có tàu nào đến cứu vớt !

Vào một buổi trưa kia … xa xa có một chấm màu xanh lá cây , khác với bình thường chỉ thấy xanh trời và xanh đen ! chấm xanh lá cây đó càng lúc càng to lên , và biến đổi từ từ thành cây dừa , rồi hàng dừa , dù chẳng còn sức vẩn cố gượng lên nhìn mỉm cười , vì biết rằng chẳng còn bao lâu sẽ trôi đến đất liền ! Bổng chân tôi đụng đất , nước xanh trong nhìn thấy từng đoàn cá bơi qua bơi lại chung quanh , có con còn bay lên khỏi mặt nước , và một con rắn xanh lè dài hơn một thước , dầy độ hơn ngón tay cái bơi ngoằn ngoèo tiến đến chổ chúng tôi , vừa đúng một cơn sóng nhẹ đánh văng con rắn trôi đâu mất ? Một số anh em còn khoẻ , độ mươi người rủ nhau bỏ phao , bơi về phía đất liền có trồng dừa kia ! Chắc cũng khoảng mấy cây số , cho tới giờ này tôi cũng chẳng biết số phận của mấy người đó ra sao ? Có đến được bờ không ? Coi vậy , bơi ngoài biển sóng gió với bơi trong hồ nước yên lặng khác nhau nhiều lắm ! Còn chúng tôi vì yếu sức đành chịu , cứ thả người trôi theo ! Chiều đến nước thuỷ triều dâng lên , lại lôi chúng tôi rời khỏi vùng nước cạn này để đi ra xa , tiếp tục cuộc hành trình bất đắc dĩ ! Chúng tôi bị lôi đến một vùng có nhiều chòi thật cao , nghe nói đâu của dân đánh cá dùng để nghỉ ngơi , ăn uống … được dựng đứng thẳng bằng một cây gổ to cao , có từng nấc thang để leo lên trên , tuốt trên cao là một cái nhà nhỏ bằng gổ , có cửa và cửa sổ để nhìn ra tứ phía , chung quanh được cột dây và kéo căng từ trên nhà nhỏ xuống biển , chúng tôi bám vào các sợi dây này khá lâu để chống trọi với những cơn sóng , có anh còn đề nghị trèo lên đây nghỉ ngơi , nhưng phần vì mệt , không leo lên nổi nên chỉ đứng dưới chân cột , rồi lại thả trôi tiếp !

Như vậy đêm nay là đêm thứ ba chúng tôi ngủ dưới nước , thật ra lúc thức lúc ngủ , lúc tỉnh lúc mê , ban ngày ban đêm , tất cả không chủ động được ! chắc vì phản xạ tự nhiên nên cứ ôm phao mà trôi , và tuỳ sức dẻo dai và chịu đựng bền bỉ của mỗi người mà sống còn ! Chỉ có bộ nhớ là tương đối còn hữu hiệu , tất cả hình ảnh thâu được như một cuộn phim kinh hoàng !

Trời tờ mờ sáng , chúng tôi đang nằm trên bãi cát , thỉnh thoảng từng cơn sóng nhỏ trôi đến mức cuối cùng , và đụng nhẹ vào người chúng tôi , mặc dù đã trôi và nằm ngay trên bờ rồi , nhưng tôi vẫn còn nhớ là chả ai có phản ứng gì cả , mà cứ nằm bất động như vậy ! Đáng nhẻ ra phải mừng vui phấn khởi hay gì gì ? hoặc giả phải đứng lên chạy nhanh đi tìm đồ ăn , nước uống , người thân … Cho đến khi có tiếng người đi từ xa tiến về phía chúng tôi , họ là dân chài lưới ở trong những căn nhà tranh sát cạnh bờ biển , họ thức dậy từ sớm để chuẩn bị đi lưới cá , nhờ vậy họ phát giác ra chúng tôi đang nằm ở đây và cứu chúng tôi vào nhà ! Vì nếu cứ nằm như vậy đến khi nước thuỷ triều lên thì có lẻ chúng tôi lại bị nước biển lôi đi tiếp , không biết đến nơi nào ? Và có còn sống nổi không ? Đoàn người trôi mỗi lúc một thưa đi , mất dần theo thời gian ! Chúng tôi được hai người xách hai bên , kéo lê lết một khoảng khá xa vào một căn nhà gần đó ! bỏ hết quần áo ướt rách tả tơi ra , tôi chỉ còn cái áo sơ mi mất hai cánh tay và cổ áo , vì nước biển ăn mục chỉ , và một cái quần ngắn , trong khi trước khi đi mặc hai ba cái áo và độn hai cái quần , tranh thủ tối đa để đem được càng nhiều càng tốt ! mắt kiếng và đồng hồ đeo tay của tôi thì bị sóng đánh mất ngay từ lúc đầu mới nhảy xuống biển ! Thay quần ngắn khô vào , leo lên bộ ván gổ chùm kín chăn nằm ngủ , dưới chân giường là một cái lò than đốt nóng để sưởi ấm chúng tôi , thật không gì bằng ! Đến chiều tôi tỉnh giấc vì có tiếng người nói chuyện ngoài sau hè , ngồi dậy thò hai chân xuống đất , định bước đi thì té nhào vì đầu óc còn đang quay cuồn , từ từ bò dậy vịn vào thành giường , đi bám sát vách nhà ra ngoài , ngồi xuống chổ mọi người đang trò chuyện , tôi được một bác kia múc cho một chén cháo trắng và căn dặn ăn từ từ , để cho bao tử làm việc nhẹ nhàng trở lại ! Sau khi trò chuyện cùng mọi người , tôi biết nhóm tụi tôi vào đây sáng nay chỉ còn năm người ! Bốn con trai ( tôi 18t , H 13t con chủ tàu , quên tên …14t cháu chủ tàu , và một anh thuỷ thủ chắc lớn hơn tôi vài tuổi ) , và một chị độ trên dưới 30 , bị xảy thai nên được đưa thẳng lên bệnh viện huyện nằm điều trị ! Còn bốn đứa tôi thì có một xe Jeep Công-An đến rước đem về trại để giam ; Vì đây là một xả nhỏ ven bờ biển nên chuyện gì vừa xảy ra , là tất cả mọi người đều biết , kể cả Công-An ! Như lúc nãy ngồi nói chuyện với rất nhiều người , họ biết tin chúng tôi mới trôi vào sáng sớm nay , nên kéo đến để hỏi chuyện , có một chú kia người Hoa đang đóng tàu tại đây sửa soạn để đi , hỏi tôi ở đâu ? tôi trả lời : « Ở Quận năm Trần Hưng Đạo , nhà là trường dạy đánh máy chữ và dạy lái xe … » , ông nói có biết nhà của tôi và hỏi tiếp : « có ai quen ở đây không ? » , « tôi nói có , gần bến xe ! » , « Bến xe nào ? » , « Bến xe Vũng-Tàu » , ông nói : « Đây là Trà-Vinh , chứ đâu phải Vũng-Tàu … » , ông lấy ra phân phát cho tụi tôi mỗi đứa Hai mươi đồng ( khoảng một đồng một tô phở ! ) , thì ra bây giờ tôi mới biết là mình trôi từ Vũng-Tàu về tới Trà-Vinh ! Và cũng không biết vị ân nhân kia là ai ? tên gì ? chuyến đi của ông ra sao , và hiện ở đâu ?

Họ đưa tụi tôi vào một trại giam gần đó ( ngồi xe độ khoảng 20 phút ? ) , nhưng vì vừa mới được vớt lên , vừa nhỏ tuổi ốm yếu nên được giam lỏng , không phải vào buồng giam như những người vượt biên khác , chổ giam tụi tôi là một gò đất lồi lõm , có mái che và bốn cột nhà không cửa không vách , ban đêm gió thổi rất lạnh , phải lấy chiếu nằm quấn vào người để che , và lẻ dỉ nhiên là không gối không nệm , nguyên đêm đầu không tài nào ngủ được , mình mẩy ê ẫm vì cái sàn nhà không được bằng phẳng ! trước mặt là cổng ra vào có trạm canh gác , bên hông trái là dảy nhà làm việc và nhà giam , bên hông phải là hàng rào kẽm gai , phía sau có cái ao khá lớn và mấy cái nhà nhỏ , dựng trên mặt nước dùng làm nhà cầu ! mới lần đầu không quen , nhìn xuống thấy đầy cá ở dưới ! Có mấy anh Công-an trẻ tuổi lại hỏi tụi tôi : « Vượt biên hả ? » , « Tụi tôi đi bán chính thức , nhà nước cho phép ! » , « Nhà nước nào cho tụi bay đi ? tội phản động , đem bắn bỏ ! » , và anh chàng đưa khẩu AK lên định dùng báng gỗ đập tụi tôi , từ phía trong dãy nhà có một anh đi ngang qua nói : « Khoan đã , mấy chú để tôi làm việc với mấy người này ! » , thì ra đây là anh hai ( nghe họ gọi như vậy , trưởng đồn CA , và anh ba là CA phó đồn ) , vì ở dưới làng xã , mấy anh CA cắt ké đâu biết có chính sách ra đi « bán chính thức » như vậy ; chỉ có xếp lớn mới biết , may mà anh này can thiệp kiệp thời .

Họ đưa tụi tôi một tờ giấy khai , hỏi khẩu cung từng người một , đại khái đi ở đâu ? tàu nào , chủ tàu và tên tàu … Sau khi khai xong , họ bảo tụi tôi về lại chổ giam , ở đó chờ ! Vì nằm sát cổng ra vào , nên gần như đêm nào cũng chứng kiến cảnh bắt người đi vượt biên , đem về giam ở đây ! có đêm hai ba vụ một lúc ! Ban ngày tụi tôi được ra ngoài đi chợ , nấu ăn tự túc không như những ngày đầu phải ăn cơm tù ( bo bo với đường hoặc muối , suốt đêm đau bao tử ngủ không được ) , nhờ gia đình tiếp tế có thêm tiền đi chợ , cộng với áo quần cùng đồ ăn …

Ngày qua ngày , chúng tôi ở đây hơn một tuần lể chưa thấy nói năng gì ? phần vì buồn nhớ gia đình , nhớ nhà , nhớ những người thân yêu …cộng với hình ảnh trong những ngày sóng gió vừa qua , chúng tôi quá chán nản mất hết tinh thần , bàn tính với nhau ngày mai lúc được cho ra ngoài đi chợ , sẽ trốn luôn không trở về trại nữa ! Cũng may đang dự trù thì được tin từ Vũng-Tàu xác nhận , đúng là chuyến đi có những tên như đã khai báo v .v…Và sẽ được thả nội nay mai , báo tin về cho anh T hay ; Vì nhà tôi đông anh em , nên phải chia ra đi thành nhiều chuyến , vợ chồng anh K ( anh thứ năm ) đi đường bộ qua ngả biên giới Việt-Nam Trung-Quốc , và 5 năm sau vượt biển qua Hồng Kông , khi vừa mới đến TQ nhắm tình hình không ổn , báo tin về cho bố tôi đừng cho tụi tôi đi tiếp con đường này , và nhờ người ta dẩn em H ( đi cùng anh chị qua TQ ) trở về VN , và đi trong chuyến này ! Vợ chồng anh D ( anh thứ tư ) thì đi trước đó một tháng ( có kể ở đoạn trên ) , vợ chồng của hai người chị ( thứ nhì và thứ bảy ) thì ở bên chồng , nhờ vậy không đi trong chuyến này ! Còn vợ chồng anh T ( anh cả ) thì ở lại trông nhà , nếu có trục trặc thì trở về còn hộ khẩu …và nhà để ở , lúc này chưa được quyền bán nhà , mặc dù là của mình ! ( năm 1978 ) .

Lúc tàu vừa chìm thì sáng hôm sau ở Vũng-Tàu mọi người đều biết , vì đồ đạc , gổ tàu , xác … trôi vào ! Nghe nói có người còn nhặt được Va-Li của bố tôi trong đó có cả con dấu ! hơn nữa mới tiển đưa hôm qua ai cũng biết , cho nên gia đình chú tôi ở đó cho người đi dọ hỏi , và báo tin về Sài-Gòn cho anh T hay , anh cho người đi khắp nơi tìm tông tích gia đình , cùng lúc có một ông đến gặp , cho hay trong gia đình , có một người sống sót là tôi hiện ở Trà Vinh ! ( ông người Hoa có lại thăm hỏi và cho tiền tụi tôi lúc mới lên bờ ) , sau đó anh T nhờ anh WD ( phụ giúp việc , bố tôi xem như người trong nhà ) cùng C mang theo quần áo , đồ ăn cùng tiền đi thăm nuôi tôi ! ( nhờ vậy mà mấy ngày sau có tiền đi chợ , có kể ở đoạn trên ) . Sau khi CA cho biết là sẽ thả tụi tôi , tôi báo tin về nhà , một lần nủa WD được anh T nhờ đi lên đón tôi về .

Không biết do ý kiến của ai ? tối hôm đó trong đồn CA làm một bữa tiệc tiển đưa tụi tôi , nhờ vậy được ăn một bữa hả hê … ( tiền của mấy gia đình đi thăm nuôi đóng góp ) . Sáng hôm sau chúng tôi lần lượt được gia đình đến làm thủ tục bảo lãnh ra trại , đứa đi trước đứa đi sau ! Chúng tôi hẹn nhau tại nhà của bác … đã cứu tụi tôi lúc mới vừa trôi vào bờ ! Rời đồn CA , ra chợ đón xe ôm đi đường ngoằn ngoèo , ổ gà cũng gần một giờ đồng hồ mới tới nơi ! Mọi người vui vẻ hỏi thăm nhau , tôi gặp lại chị L tại đây ! ( vì từ khi trôi vào bờ , chị vào thẳng bệnh viện , còn tụi tôi thì bị giam ) . Nghe bác kể lại : « Hôm đó khoảng hơn nửa đêm , từ xa lắm như có tiếng rên của ai ngoài khơi , lúc đầu không để ý , càng lúc càng gần và to hơn , sai mấy người con ra xem cái gì ? Mấy anh ra xem rồi quay vào bảo là xác người ta trôi vào bờ ! bác nói rõ ràng là tiếng người còn sống vì có nghe tiếng rên , và mấy cha con cùng rủ hàng xóm đốt đèn đi ra xem và cứu … » , sau đó bác lấy từ trong nhà ra trao tận tay từng đứa , cái nhẩn đeo tay , sợi dây vàng đeo cổ và tờ giấy mười Mỹ-Kim của tôi , không thiếu món nào ! Thì ra lúc mới vừa cứu tụi tôi vào đây , thay đồ ướt trước khi đi ngủ , bác cẩn thận cất hộ tụi tôi vì sợ vào trại giam … ( tất cả nhờ giấu trong một túi nhỏ may trong quần đùi ) , và bây giờ lấy ra của ai trả lại cho người đó ! Tụi tôi chẳng ai bảo ai , tất cả không lấy và xin biếu lại bác , bác nhất định từ chối không nhận , dằn co mãi cuối cùng bác cũng phải nhận , vì nếu không có bác , có chắc là tụi tôi còn sống không ? Huống hồ là mấy cái nữ trang này , vì vậy xin bác giữ làm kỷ niệm , gọi là chút quà kỷ niệm nho nhỏ ! chúng tôi ở lại đây ngủ qua đêm , vì phải đợi sáng sớm mới có xe đi ra tỉnh , và từ tỉnh đón xe về xa cảng miền tây , từ đây lấy xích lô về nhà ! Cũng may lúc đầu dự định vượt ngục , đường đi ở đây rắc rối , không có phương tiện giao thông , phải trải qua năm lần bảy lượt đổi xe , không phải giờ nào cũng có , lại trong làng nhỏ mọi người đều biết mặt nhau , vì vậy tụi tôi đi đến đâu ai cũng nhìn , và biết ngay là mấy người sống sót sau khi tàu chìm , trôi từ VT về đây …

Sau vài ngày nghỉ ngơi , ăn uống tẩm bổ lấy lại sức , mọi người bắt đầu đến thăm hỏi , có khi còn hỏi vài điều cần biết để chuẩn bị cho chuyến đi sắp đến của họ ! chẳng hạn như phao loại thổi không khí , chỉ xài được mấy tiếng đồng hồ là xì , tốt nhất là loại gổ có bọc vải , mang vào người , một con dao cá nhân loại bỏ túi rất cần thiết , vỏ chanh hoặc vỏ quýt trị khát rất hay , vì ở dưới biển suốt ngày nội ngâm nước cũng đủ đừ người rồi , và khát nước triền miên ! Ban ngày thì nắng muốn điên lên , nóng khủng khiếp , ban đêm thì lạnh … Khi lên bờ toàn thân đứa nào cũng như rắn , từ trên xuống dưới chổ nào cũng bị lột da . Nói là kinh nghiệm cũng không hẳn , vì mỗi trường hợp một khác , hơn nữa không tin ở số cũng không được , cá nhân tôi ốm yếu , lại bệnh hen suyễn vậy mà lại sống , anh T tôi trước ngày nào cũng thể thao , bơi lội đủ thứ chỉ cầm cự đến ngày thứ hai là ra đi … Và còn bao nhiêu trường hợp khác rất kỳ lạ ! Suốt mấy tuần lể đi đứng lúc nào cũng như người say rượu , nhiều đêm đang nằm ngủ mớ thấy lại cảnh đang trôi , la lối um sùm , anh T ở trên gác nghe chạy xuống hỏi gì vậy ? Cho đến bây giờ mỗi khi đi thuyền là tâm lý vẫn thấy có cái gì ngài ngại ! Còn hình ảnh thì vẫn còn trong đầu mỗi khi nghĩ đến , không bao giờ có thể quên được …

Tôi trở lại VT kỳ này , với nhiều kỷ niệm đau buồn ! cũng bãi cát , hàng cây , quán cóc …tất cả như không có gì thay đổi , nhưng lòng cứ chùn xuống , vừa đi vừa nhìn cảnh vật chung quanh , mới ngày nào còn vui đùa cùng mọi người , giờ đây chỉ còn lại một mình … không cầm được nỗi xúc động , tiếc thương cho những người thân yêu đã mất ! ! !

* * *

VT 1502 là tên của chiếc tàu định mệnh ra đi ngày 10/10/1978 , tại cảng Vũng-Tàu , do CA thị xã VT cấp giấy phép , trong chương trình ra đi “bán chính thức” , gồm hơn 400 người . Tôi thuộc nhóm 5 người còn sống sót sau 3 ngày trôi trên biển , từ VT ngang qua biển Ba-Động , và vào được bờ biển của xã Mỹ-Hoà , huyện Cầu-Ngang , tỉnh Trà-Vinh . Tôi cũng là người duy nhất còn sống sót trong gia đình ! Bố tôi , má lớn , 2 người anh , chị dâu , em họ và 2 đứa cháu ( tất cả 8 người ) coi như đã mất trong chuyến đi này ! ( vì tới nay hơn 25 năm không có tin tức ? ) . Sau chuyến đi thất bại này , họ đề nghị cho tôi đi một chuyến khác , nhưng tôi đã nhất định từ chối ! ( xin lấy lại tiền hoặc thế chổ cho người khác cũng không được ) ; Ở lại chờ 3 năm sau đi chính thức bằng máy bay sang Pháp , theo diện đoàn tụ gia đình do bác P tôi bảo lãnh .

http://wp.me/p5NAhq-6Q

TND  – Paris Tháng Tư 2005 – C/N 2010/10

No comments:

Post a Comment