Wednesday, February 26, 2020

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ TRUNG ĐOÀN 7 SƯ ĐOÀN 5 BB VNVH.
Kỳ 1: TRÌNH DIỆN ĐƠN VỊ

Đã 38 năm từ ngày rời mái trường mẹ!
Chúng tôi, khóa 2: 7 người được thuyên chuyển về Trung đoàn 7, Sư đoàn 5 bộ binh gồm Lý Văn Tài, Phạm Văn Thẩm, Đinh Văn Chương, Tôn Thất Nguyện, Nguyễn Văn Hoàng (Tarzan), Huỳnh Ngọc Thành (Laba) và tôi.

Sau hai tuần lễ ở Bộ tư lệnh Sư đoàn để đi tham quan sinh hoạt tại một số đơn vị cho chúng tôi có một khái niệm về thực tiễn, chúng tôi được cấp sư vụ lệnh về trình diện Trung đoàn.

Sư đoàn 5 Bộ binh, một trong ba sư đoàn chủ lực của Quân đoàn III, ngoài Sư đoàn 18 và 25, phụ trách một vùng trách nhiệm gồm ba tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long, với những mật khu nổi tiếng Hố Bò, Long Nguyên, Tam giác Sắt... Đây cũng là cứ địa Chiến khu D, sào huyệt của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam với nhiều ngõ ngách giao liên chằng chịt. Chúng lợi dụng địa thế hiểm trở, rừng núi chập chùng, để chuyển vận binh lính và vũ khí xâm nhập từ Kampuchia vào miền Nam Việt Nam.

Cũng nên nhấn mạnh, Sư đoàn 5 Bộ binh là sư đoàn đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã tiếp nhận các sĩ quan CTCT khóa I như một thí điểm xử dụng tại đơn vị tác chiến. Mặc dù có bỡ ngỡ bước đầu, những con chim đầu đàn của trường mẹ đã thích ứng nhanh chóng với chiến trường, tạo những thành tích vẻ vang khiến các đơn vị trưởng đã phải thay đổi cái quan niệm đánh giá về sĩ quan CTCT trước đây. Cho tới ngày mất nước, một số niên trưởng tại SĐ5BB đã anh dũng hy sinh để không làm hổ thẹn mái trường thân yêu đã đào tạo họ như Nguyễn Hữu Cung, Lê Bách Việt, Quách Kế Nhơn...

Có lẽ thời gian đã quá lâu, một số kỷ niệm không còn chính xác lắm. Bảy đứa chúng tôi về trình diện hậu cứ Trung đoàn 7, sau khi thỏa thuận tự gia hạn cho mình thêm một tuần lễ phép, lúc đó còn đóng tại một căn cứ cũ tại Bình Dương, sau chuyển về Phú Giáo. Chỉ huy hậu cứ, Đại úy Mão, một người bề ngang thì có bề dài thì không, nhìn chúng tôi với cặp mắt không mấy thiện cảm, đám sĩ quan vừa mới ra trường đã ba gai, ông chờ chúng mày cả tuần lễ rồi chả thấy đứa nào, vậy là “ba gai tập thể “ đấy. Được rồi, ông ta cất giọng:
- Tôi nhận công điện cả tuần lễ rồi, sao bây giờ các anh mới trình diện?
Im lặng một lúc, thấy không ai lên tiếng tôi đành vả lả:
- Đại úy thông cảm, chúng tôi học ở quân trường quá lâu, mãn khóa chỉ có hai tuần phép, ít quá. Ra đơn vị tác chiến, không biết khi nào mới có dịp nữa...
Có lẽ không muốn mất thì giờ nghe tôi giải thích, ông ta cắt ngang:
- Các anh lên trình bày với Trung đoàn trưởng, bây giờ cho tôi xem căn cước quân nhân.
Nói xong, ông bước lại góc phòng, nơi có đặt một máy liên lạc truyền tin báo về trung đoàn gì đó. Tôi nghĩ ông ta cần căn cước quân nhân để ghi chép các chi tiết vào hồ sơ cá nhân nên móc bóp lấy. Sáu người còn lại cũng vội vàng làm theo. Thu bảy cái căn cước xong, ông ta lấy một sợi giây thun cột chung mấy cái căn cước bỏ vào ngăn kéo và bảo:
- Các anh xuống dãy nhà phía sau kiếm chỗ ngủ. Tôi đã điện lên Trung Tâm Hành Quân, nay mai, khi nào có trực thăng, các anh lên Phước Long.
Một ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu, tai sao ông ta không coi căn cước của chúng tôi nếu cần ghi lại những chi tiết gì đó vào hồ sơ cá nhân? Tôi phản ứng ngay:
- Đại úy làm ơn cho chúng tôi xin lại căn cước.
- Không được, lệnh của Trung đoàn trưởng.
Mặc dù không để ý ông ta đã liên lạc với trung đoàn những gì, nhưng tôi suy đoán không thể có cái lệnh đó. Ông ta sợ chúng tôi, với cái tính bai gai cố hữu, có thể dọt bất cứ lúc nào vì trực thăng chưa chắc gì đã có trong vòng vài ngày nữa! Nếu chờ đợi vài ngày không có phương tiện, tụi tôi buồn buồn có thể biến dạng như chơi. Ông ta sẽ trả lời sao với trung đoàn? Nhưng đó là việc của ông ta, chúng tôi cũng cần thể diện. Lịch sự nhưng vẫn dõng dạc, dù chả ai trong nhóm cử tôi làm đại diện, tôi cất tiếng:
- Thưa Đại úy, chúng tôi không phải tân binh quân dịch. Chúng tôi, những sĩ quan hiện dịch, xuất thân từ trường Đại Học CTCT Đà Lạt, không vì bất cứ lý do gì Đại úy lại giữ căn cước quân nhân của chúng tôi.
- Tôi chỉ làm theo lệnh trung đoàn. Muốn gì các anh lên đó khiếu nại.
Nóng mặt, chả cần suy nghĩ, tôi phạng lại:
- Xin lỗi Đại úy, đã đến đây, chúng tôi cũng muốn nhanh chóng có phương tiện để về đơn vị mới, thời gian với gia đình cũng đã đủ. Nhưng vì Đại úy đã coi chúng tôi giống như những tân binh quân dịch, nên chúng tôi xin báo cho Đại úy biết, chúng tôi sẽ đi thêm một tuần nữa. Đại úy đừng tưởng không có căn cước chúng tôi sẽ không dám đi đâu.
Không cần để ý tới phản ứng của ông Đại úy chỉ huy hậu cứ trung đoàn, tôi quay sang các bạn:
- Chúng mình về chơi thêm. Đúng ngày này tuần sau gặp lại ở đây.
Câu nói của tôi phát ra nhanh quá, các bạn nhìn tôi rồi quay sang nhìn nhau như dọ hỏi ý kiến lẫn nhau. Không để cho họ bày tỏ thái độ trước mặt lão Đại úy, tôi kéo bọn họ ra khỏi phòng. Cái phong cách dõng dạc nhưng không kém phần quyết liệt của tôi có lẽ làm anh em ngạc nhiên phần nào, nhưng trước sự việc đã rồi, họ đành chấp nhận!

Chia tay nhau để rồi sau đúng một tuần chúng tôi lại gặp lại ở đây. Lần này chúng tôi thiếu một người: Lý Văn Tài. Lúc đó tôi chỉ cho rằng Tài còn muốn nghỉ thêm. Sau này được biết Tài đã thu xếp sao đó để được về phục vụ tại một đơn vị Hành chánh tài chánh nào đó.

Ông chỉ huy hậu cứ trung đoàn có lẽ đã quá chán ngán với đám sĩ quan ba gai tụi tôi nên cũng chẳng thèm nói chuyện. Cho một tay trung sĩ xuống bảo tụi tôi chuẩn bị sẵn sàng, sáng hôm sau sẽ có GMC chở bằng đường bộ lên Phước Long thay vì trực thăng bốc như lần trước.

Đúng 6 giờ sáng, còn đang ngái ngủ, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng xe hai chiếc GMC đang nổ máy, tiếng con nít khóc, tiếng léo nhéo của mấy bà vợ lính kêu réo nhau lên xe đi thăm chồng, tiếng chuyển đồ đạc lịch kịch lên xe... Chúng tôi lật đật thu xếp ba lô, làm vệ sinh cá nhân thật nhanh và kéo ra sân. Trong cảnh mờ sáng mờ tối, tôi chỉ kịp nhận thấy hai chiếc xe nhà binh mười tám bánh, một mới một cũ đang nổ máy, khói phun mù mịt, không kịp tan trong sương lạnh vẫn còn dày đặc. Chiếc xe trước, còn mới toanh, gia đình vợ con lính đã leo lên ngồi đầy chặt. Chiếc sau coi thật bệ rạc, chất hàng chuyển lên trung đoàn cũng gần đầy ắp, chúng tôi đành leo lên. Chỉ còn được ba chỗ ngồi. Thẩm, Chương và Nguyện may mắn, còn lại ba đứa đành đứng vịn thành xe!

Đường bộ từ Bình Dương lên Phước Long theo quốc lộ 13 vế phía bắc, ra khỏi châu thành độ mười cây số đến ngã Ba Sở Sao, chạy thẳng thì lên Bến Cát, Lai Khê (Căn cứ Bộ Tư Lệnh SĐ5BB), Chơn Thành, Bình Long, Lộc Ninh..., tách ra bên phải là Liên tỉnh lộ 13A, đi về Phú Giáo (Hậu cứ trung đoàn 7BB sau này), Đồng Xoài, Bù Nho, Phước Bình, Phước Long, Bù Gia Mập...

Lô trình dài khoảng hơn hai trăm cây số, hai bên là cao su. rừng tre, rừng già... cây cối nhiều đoạn thò ra tận ngoài đường lộ. Đường tráng nhựa chỉ tới được Phú Giáo, Phước Vĩnh, còn lại là đất đỏ, nắng thì bụi mịt mù, mưa thì sình lầy trơn trượt, thật nguy hiểm khi chạy qua những khúc lên đồi xuống dốc, uốn khúc quanh co. Đoàn xe chạy khoảng một tiếng, đang qua ấp Nhà Đỏ, gần cầu Sông Bé, chiếc đầu còn mới nên chạy khá nhanh, bỏ xa xe chúng tôi cả gần cây số vì đường lộ khúc này Mỹ làm rất tốt, thình lình, vì đứng và nhìn về phía trước, tôi thấy chiếc xe trước đảo qua đảo lại rồi lộn tung hai ba vòng lật văng vào lề đường. Qua đám bụi mờ từ xa, tôi thấy bóng đàn bà, con nít tung lên ra khỏi thành xe, rớt xuống, cùng với mớ hành lý bay còn cao hơn!

Khi xe chúng tôi vừa tới, không kịp chờ xe thắng lại hẳn, chúng tôi cùng một số binh sĩ trên xe nhảy vội xuống. Ngoài tài xế bất tỉnh, nhưng người còn lại đều trầy trụa xây sát nhưng cũng may không có ai trầm trọng. Đồ đạc trên xe chúng tôi được vất xuống lấy chỗ khiêng những người bị thương chở về bệnh viện Bình Dương. Còn lại, chúng tôi ngồi bên vệ đường chờ hơn hai tiếng sau, cũng chiếc xe cũ kỹ đó quay lại đón chúng tôi về lại hậu cứ.
Sáng hôm sau nữa, cũng bằng phương tiện GMC, chúng tôi được chở lên Bộ chỉ huy trung đoàn, lúc đó đóng tại một căn cứ dã chiến, sát sân bay Phước Bình, dưới chân núi Bà Rá. Tới nơi đã gần 5 giờ chiều. Ban 1 trung đoàn giao chúng tôi cho hai niên trưởng khóa I: Minh “Móm” và Chiếu “Mù” thuộc khối CTCT trung đoàn tiếp nhận chờ ngày sau trình diện Trung đoàn trưởng.

Lần đầu tiên từ khi ra trường, khóa I có được mấy chú đàn em về tiếp sức, hai niên trưởng Minh và Chiếu tiếp đãi chúng tôi thật ân cần. Sau khi về phòng bỏ tạm hành lý, hai niên trưởng dẫn chúng tôi ra câu lạc bộ dã chiến trung đoàn.

Gọi là phòng cho lịch sự, thật ra đó là dãy những thùng đạn pháo binh được sắp xếp chồng lên nhau, bên ngoài phủ những lớp bao cát để chống pháo kích, diện tích chưa tới năm mét vuông, chỉ vừa kê đủ hai chiếc ghế bố và một cái bàn bằng những thùng đạn pháo binh gá ghép lại!
Câu lạc bộ dã chiến trung đoàn còn thê thảm hơn. Rộng khoảng mười thước vuông, cũng bằng những thùng đạn pháo binh xếp chung quanh, ngoài phủ bao cát, mái là một tấm tăng lớn, chống lên cao nhờ một cây cột ở giữa, tứ phía là những sợi giây để căng tấm bạt cột vào những cọc sắt đóng sát mặt đất. Nhân viên phục vụ chả ai khác hơn ba anh lính thuộc đại đội công vụ trung đoàn dưới sự điều hành của tay Thượng sĩ thường vụ.

Biết chúng tôi đói bụng qua một đoạn đường dài vất vả, hai niên trưởng gọi cho chúng tôi mấy tô mì gói vì hủ tíu chỉ sáng sớm mới có. Qua trao đổi chuyện trò trong lúc ăn, chúng tôi được biết còn một số niên trưởng khác cũng thuộc trung đoàn nhưng đang ở ngoài các tiểu đoàn tác chiến 1, 2, 3 và 4. Niên trưởng Minh trước ở đại đội 7 trinh sát, niên trưởng Chiếu mới được đưa về từ TĐ2/7, niên trưởng Rang TĐ3/7, niên trưởng Việt đã xuất ngành đang giữ chức vụ đại đội trưởng ở TĐ3/7, niên trưởng Vững trưởng ban 5 TĐ4/7, niên trưởng Thiện TĐ1/7 và niên trưởng Thành trưởng ban 5 TĐ2/7, niên trưởng Cung vừa tử trận tại Snoul. Chúng tôi rất yên tâm khi đã có những đàn anh đi trước hướng dẫn tình hình.

Bữa ăn chấm dứt sau đó vì chúng tôi cũng đã mệt với cuộc hành trình một phần, nhưng cũng vì cảnh nghèo nàn thực phẩm của cái câu lạc bộ dã chiến nên xin từ chối phần nhậu kế tiếp. Theo sự sắp xếp của trung đoàn, hai niên trưởng dẫn chúng tôi về một cái bunker nổi kế vọng gác ngoài cổng căn cứ thu xếp chỗ ngủ. Căn hầm đủ rộng cho sáu người trải poncho xuống nằm. Tôi trằn trọc suy nghĩ về những ngày mới lạ đang chờ đón rồi cũng thiếp đi trong giấc ngủ lúc nào không hay.

Bảy giờ sáng hôm sau, niên trưởng Minh đánh thức chúng tôi dậy dẫn lên câu lạc bộ, niên trưởng Chiếu đã có mặt. Chúng tôi ai ăn gì gọi nấy. Nửa tiếng cà phê thuốc lá chưa chấm dứt, một anh trung sĩ bước vào bảo chúng tôi lên trình diện Trung đoàn trưởng. Theo chân anh ta, bước vào phòng, chúng tôi đứng nghiêm chào tay và trình diện tên họ, số quân, cấp bậc từng người. Chờ chúng tôi chấm dứt, Trung tá trung đoàn trưởng Phan Đình Niệm, đanh sắc mặt, phán cho chúng tôi một tràng huấn thị. Đã quá lâu, tôi không còn nhớ được từng chi tiết. Đại khái chúng tôi làm hổ danh sĩ quan hiện dịch, vô kỷ luật, làm sao có thể chỉ huy thuộc cấp sau này... Ông không lớn giọng, không quát tháo nhưng thật thấm thía. Và cuối cùng, để cảnh cáo, dù không muốn phạt trọng cấm, ông ra lệnh nhốt chúng tôi bẩy ngày trước khi phân phối đơn vị.

Cũng anh trung sĩ đưa chúng tôi về lại căn hầm ngoài vọng gác. Lần này, anh ta sau khi đóng cánh cửa, lấy ra một ổ khóa, khóa lại bên ngoài. Chúng tôi chẳng biết làm gì hơn, nằm tán dóc cho qua thời giờ. Mười hai giờ trưa, có tiếng mở cửa, một anh lính đem đến cho chúng tôi những dĩa cơm phần từ câu lạc bộ rồi trở ra khóa cửa lại sau khi dặn sẽ trở lại thu dọn, ai cần mua gì đưa tiền anh sẽ mua hộ. Buổi chiều, đúng năm giờ, cảnh này tái diễn, nhưng lần này có thêm hai niên trưởng Minh, Chiếu xuất hiện. Họ an ủi chúng tôi đừng lo, họ sẽ tìm cách cho chúng tôi ra ngoài ngày mai chứ bữa nay chưa được vì 44 (danh hiệu Trung đoàn trưởng) còn đang nóng giận.

Thực tình mà nói, những anh lính làm nhiệm vụ ở đây, họ rất lễ phép với chúng tôi dù chúng tôi đang bị phạt. Sau này tôi hiểu được, họ phòng xa, lỡ một ngày đẹp trời nào đó... họ bị đì ra các đại đội tác chiến, chắc chắn họ sẽ gặp lại một trong những ông thần đang nằm tại đây!

Quả thực như hai niên trưởng khóa I đã nói, sáng hôm sau, không biết bằng cách nào, đến bảo chúng tôi chuần bị ra ngoài thị xã Phước Long chơi. Chúng tôi leo lên một chiếc xe dodge của toán chính huấn thuộc đại đội 301 CTCT Biên Hòa, đang công tác tại trung đoàn 7BB. Từ căn cứ dã chiến này ra tới thị xã độ khoảng 6, 7 cây số đường đất đỏ, nhà dân rải rác thưa thớt, có những đoạn rất quanh co nguy hiểm. Chính trên con đường này, niên trưởng Rang, TĐ 3/7, đã bị bấm mìn tử nạn chỉ cách căn cứ độ hơn cây số vài tháng sau đó.

Thị Xã Phước Long, chu vi chưa tới vài cây số vuông, dăm ba con lộ chính trải nhựa, còn lại vẫn đất đỏ. Mùa mưa thì lầy lội, nắng bụi bay mù mịt, nhà cửa tiệm tùng lúc nào cũng phủ một màu đỏ đất. Dân số, trừ một ít buôn bán làm ăn lên đây lập nghiệp, đa số là vợ con công chức, quân nhân thuộc tiểu khu, vì vậy rất thưa thớt nếu không kể đến một số đồng bào thượng với nhiều sác dân sống rải rác chung quanh, hàng ngày vẫn tụ họp về thị xã mua bán đổi chác các vật dụng cấn thiết. Ngoài căn chợ nhỏ, sinh hoạt thị xã tóm gọn với những quán ăn, tiệm cà phê nhạc, vài tụ điểm bi da và mấy quán nhậu. Đó là nơi lính tráng thường lui tới để tìm khuây sau những ngày hành quân dài trong rừng rậm, dù những ngày này cũng chẳng được bao nhiêu!

Chúng tôi trải qua một ngày đầu tiên tại vùng đất mới, sau một chầu ăn sáng hủ tíu, mì... Ghé vào một quán cà phê, tiếp đãi không ai khác hơn là một cô gái, con chủ, nhan sắc không sắc sảo lắm, nhưng ở cái tỉnh lỵ nhỏ bé thế này thì cũng được liệt vào hạng hoa khôi rồi. Chả có ai phụ bàn vì có lẽ khách cũng chả lắm khi đông đúc! Được cái cà phê khá ngon vì đưa thẳng từ Ban Mê Thuột về qua đường Quảng Đức rất gần. Đến trưa, chúng tôi ghé vào một quán nhậu cách đó vài căn. Món nhậu ở đây khá phong phú, đũ các loại thịt rừng: nhím, heo, chồn, rắn, trúc... Hai món tôi rất thích là chồn hương nướng và trúc xào lăn. Thịt chồn hương tự nó đã có một mùi thơm khó tả, còn trúc xào lăn, da của nó dòn sần sật cũng thật là độc đáo, nuốt miếng nào khoái khẩu miếng đó! Chúng tôi, đứa nào cũng có một ít tiền thủ túi vì chưa biết chứng nào mới được phát lương, thế là vung vít gọi món ăn với một két bia 33 chai lùn. Vì là ngày thường, quán chỉ có mỗi bàn chúng tôi. Vừa nhậu, chúng tôi vừa hỏi thăm tình hình chiến sự, nhân số các niên trưởng khóa I phân phối về trung đoàn... Ngoại trừ Thành Laba uống cô ca, chúng tôi ai cũng uống bia. Bữa nhậu qua đi thật nhanh nhưng không thể kéo dài. Bốn giờ chiều chúng tôi phải trở về căn cứ, trễ hơn tình hình an ninh không bảo đảm trên đoạn đường xa 6, 7 cây số. Sau khi chia nhau trả tiền chúng tôi theo hai niên trưởng leo lên xe quay về căn cứ.

Sáng hôm sau, niên trưởng Minh sắp xếp cho chúng tôi đi một vòng ngoạn cảnh với toán Chính Huấn của Đại đội 301 CTCT. Toán trưởng, một Thiếu úy đón chúng tôi bằng chiếc xe Dodge cơ hữu, phụ tá là một trung sĩ với một hạ sĩ tài xế, tôi đã quên tên tất cả vì đã quá lâu. Sau khi ăn sáng, uống cà phê ở một tiệm hủ tíu mì, chúng tôi lên xe đi thăm thác Đức Mẹ cách thị xã khoảng 4 cây số theo lộ trình đi Bù Gia Mập, về hướng đông bắc. Lúc đó độ khoảng hơn 10 giờ, xe chạy phon phon vì giao thông rất vắng, đường lại đang đổ dốc. Tay thiếu úy ngồi phía trước cạnh tài xế. Sáu đứa chúng tôi chia nhau hai hàng ghế phía sau với anh trung sĩ phụ tá ngồi sát trên cùng ngay sau lưng tài xế.
Thình lình, chúng tôi nghe tiếng đạp thắng gấp và cảm thấy chiếc xe trợt bằng bốn bánh trên lớp sỏi, lao khá nhanh xuống dốc. Chỉ quan sát được phía đàng sau chiếc xe, tôi thấy cát bụi cuộn lên mù mịt hút ngược lên thùng xe chỗ chúng tôi ngồi và rồi chiếc xe lộn đi mấy vòng không biết nữa, chúng tôi bị quẳng ra khỏi xe la liệt trên mặt đất. Tôi may mắn ngồi ngoài, cuối cùng nên văng ra khỏi xe đầu tiên. Vừa định hồn đứng dậy, tôi thấy bóng Chương mờ mờ, vì cặp kính cận đã văng đâu mất, đang kẹt dưới một bánh xe phía sau của chiếc Dodge, phản ứng không suy nghĩ, tôi lao lại nắm hai chân lôi ra trước khi cái trớn dốc có thể đẩy chiếc xe lùi lại đè Chương bẹp dí! Một vài phút sau tỉnh táo, dáo dác đảo mắt tìm được cái kính đeo vào, kiểm điểm tình hình, tôi mới nhận ra chúng tôi còn quá may mắn! Anh tài xế lái khá nhanh, gặp khúc quanh hơi gấp nên thắng bớt, không ngờ đường đổ dốc, bánh xe không lăn mà cứ thế trượt trên những lớp sỏi sạn của đường núi đất đỏ và bị hất tung ra khỏi con đường.
Cái may tôi muốn nói ở đây, nhờ cái xe tuột quá nhanh nên bị hất văng vào một bãi đất trống cạnh thác Đức Mẹ. Chỉ cần chậm hơn một chút cả chiếc xe đã lao xuống vực thẳm của thác và chắc chắn chúng tôi không có mạng nào nguyên vẹn. Chúng tôi, ngoại trừ Chương bị choáng váng còn năm yên trên mặt đất, những người khác chỉ xây sát nhẹ. Toán chính huấn không may mắn như vậy. Trưởng toán bị kính phía trước bể khiến đầu và mặt nhiều chỗ trầy trụa. Anh tài xế bị tay lái ép mạnh vào lồng ngực còn đang bất tỉnh. Anh trung sĩ phụ tá là người xấu số nhất, bị một thanh gỗ ngang trên nóc xe gẫy, khi xe lộn mấy vòng, đâm sâu vào đầu đã tử nạn tại chỗ.

Khoảng mười lăm phút sau, một chiếc Honda từ hướng Bùi Gia Mập chạy qua. Chúng tôi chận lại nhờ ghé qua bệnh viện tiểu khu báo tin xin xe cứu cấp. Chờ thêm nửa tiếng nữa xe cứu thương mới xuất hiện. Cùng với nạn nhân chúng tôi cũng leo lên xe theo về thị trấn. Tới sân bệnh viện tiểu khu, hai niên trưởng Minh, Chiếu đã có mặt cùng với thiếu tá Tăng, trưởng ban 3 trung đoàn. Chương được đưa vào phòng cấp cứu cùng với tay thiếu úy trưởng toán chính huấn.
Mười phút sau Chương trở ra, không có gì nghiêm trọng. Không biết ông thiếu tá trưởng ban 3 bàn nhỏ gì với hai niên trưởng khóa I, niên trưởng Minh quay sang dặn tụi tôi coi như không có chuyện gì xảy ra và bảo tụi tôi lên xe về căn cứ ngay sau đó.
Thì ra, các sĩ quan ban tham mưu trung đoàn cũng thông cảm với chúng tôi, dấu Trung đoàn trưởng, để chúng tôi lén ra ngoài thoải mái ít ngày trước khi được bổ nhiệm đơn vị chính thức. Nào ngờ tai nạn xảy ra. Các ngài phải dấu nhẹm và đồng thời dặn chúng tôi không được hó hé! Có lẽ vì thế, sáng hôm sau, còn đang ngồi nhâm nhi cà phê tại câu lạc bộ, chúng tôi được gọi lên văn phòng nhận lệnh bổ nhiệm. Thẩm về TĐ1/7, Nguyện và Chương TĐ3/7, Thành Laba, Hoàng Tarzan TĐ4/7, tôi TĐ2/7.

Tất cả ba tiểu đoàn kia đang hoạt động tại Phước Long. Riêng TĐ2/7 tăng phái cho chiến đoàn 8 (Trung đoàn 8, SĐ5BB cộng thêm thiết giáp, pháo binh...) đang hành quân tại Snoul, Kampuchia. Thẩm may mắn nhất, về làm đại đội phó cho một thiếu úy trẻ gốc người Nùng, tên Châu Cẩm Sáng, đại đội này đang giữ an ninh vòng đai phi trường Phước Bình ngay sau lưng căn cứ dã chiến trung đoàn. Sở dĩ tôi còn nhớ được tên họ của tay đại đội trưởng này vì cái họ khá đặc biệt.
Sau này tôi mới rõ, SĐ5BB từ khi thành lập, đã có rất nhiều binh sĩ người Nùng gia nhập vì họ thù cộng sản. Do đó tinh thần chiến đấu của họ rất cao, cộng thêm sự gan dạ, sức chịu đựng dẻo dai bền bỉ của dân tộc miền sơn cước, Sư đoàn 5 Bộ Binh đã khiến cộng quân phải gờm mặt sau nhiều lần đụng độ. Sáng lái xe đón Thẩm về đại đội chỉ mười lăm phút sau khi bổ nhiệm.
Buổi trưa, TĐ3/7 cho người về đón Chương và Nguyện. Trên xe Jeep bước xuống một trung úy trẻ măng, dây ba chạc mang trên người nhưng để lỏng không cài, nón sắt với một lớp vải ngụy trang bằng vải rằn ri, bó lại bởi một sợi thun dẹp màu xanh cùng với một hộp chữ nhật nhỏ phía trong, hộp băng cứu thương cá nhân. Cặp chiếc nón sắt dưới nách ông trung úy trẻ bước lại gần chúng tôi, miệng cười cười tự giới thiệu:
- Tôi, Lê Bách Việt, khoá I...
Chúng tôi cùng một lúc khép mạnh hai chân, giơ tay lên chào vị niên trưởng thứ ba mà chúng tôi gặp tại trung đoàn. Sau một lúc trò chuyện, chúng tôi được biết niên trưởng Việt đang giữ chức vụ đại đội trưởng tại TĐ3/7. Chương và Nguyện đưa mắt nhìn nhau. Biết ý, niên trưởng Việt quay sang họ bảo:
- Hai anh đều là đàn em. Tôi không muốn thiên vị, vả lại tôi cũng không biết riêng gì hai anh trước đây nên đã trình tiểu đoàn trưởng để ông ấy quyết định. Kết quả là anh Nguyện về làm đại đội phó cho tôi, đại đội 9, còn Chương về đại đội 10. Tiểu đoàn còn một niên trưởng nữa, niên trưởng Rạng, đang làm trưởng ban 5. Tiểu đoàn đang đóng ở Bù gia mập, cách đây hai chục cây số.
Thêm một lúc hỏi han chuyện vãn, niên trưởng Việt cáo từ hẹn có dịp sẽ gặp sau vì đường về khá xa, dẫn theo Chương và Nguyện.

Khoảng hơn một tiếng sau, TĐ4/7 cho xe tới đón Thành và Hoàng. Tiểu đoàn này đang đóng tại Bù Nho, phía nam quận Phước Bình khoảng 8 cây số. Người đón là một thượng sĩ ban 1. Sau khi dọ hỏi chúng tôi được biết tiểu đoàn này cũng có một niên trưởng khóa I: Vương Trọng Thiện, trưởng ban 5.

Mọi người đi hết, tôi nằm lại một mình trong cái bunker cạnh cổng chờ đợi có trực thăng bốc về đơn vị mới. Ba ngày ròng rã trôi qua, chả thấy ai réo gọi. Ban ngày, tôi leo lên xe lam chở khách ra thị xã, lang thang cho đỡ buồn, vì hai niên trưởng Minh, Chiếu đều có công việc của họ. Tối kéo nhau ra câu lạc bộ hoài cũng nhàm chán. Buổi tối, nằm vắt tay lên trán suy nghĩ miên man. Những ngày đám khóa 2 tụi tôi tụ họp ở đây thật ngắn ngủi, chưa biết khi nào có dịp gặp lại nhau tuy cùng chung một trung đoàn. Những ngày ngắn ngủi này cho tôi một ấn tượng về từng người một. Chương lầm lì ít khi mở miệng, tính khí có vẻ cọc cằn, khó thân cận. Thành Laba, miệng lúc nào cũng oang oang, cái gì cũng biết, nhưng có lẽ trăm voi không được bát nước xáo! Nguyện hơi bộp chộp, gần như nhanh nhẩu đoảng, nhưng thẳng thắn tốt bụng. Hoàng Tarzan, có lẽ cái biệt danh anh em trên trường đặt cũng khá chính xác. Hoàng rất nóng tính, có lẽ bản chất thật thà bộc trực của người nam bộ, nhưng sức chịu đựng thì rất khá. Bằng cớ là hôm bị lật xe, Thành la bai bải, Nguyện nhăn nhăn nhó nhó, Chương luôn miệng kêu đau. Tôi nghĩ Thẩm, Hoàng và tôi không có gì. Tối về Hoàng vén áo, chỉ cho tôi thấy, nguyên một mảng da lưng bị trầy trụa khá nặng! Riêng Thẩm, một mẫu người khá đặc biệt. Da ngăm ngăm đen, đôi môi hơi thâm giống như dân hút thuốc phiện lâu đời, nhưng miệng lúc nào cũng chúm chím mở nụ cười, thêm vào hàm răng không đều đặn lắm nhưng lại làm lộ cái răng khểnh khá có duyên. Có thể nói, Thẩm là tay tẩm ngẩm tầm ngầm chết voi. Không biết có em gái nào ở vùng hoạt động của chúng tôi chết vào tay Thẩm chưa, vì thực tình, tuy chung một trung đoàn, hầu như rất ít khi chúng tôi có dịp gặp nhau sau đó.

Hai hôm sau nữa, quá buồn, tôi ra thị xã, ghé trạm hàng không Air Việt Nam mua vé leo lên máy bay vù về Sàigon chơi thêm một tuần. Ngày tôi lên hậu cứ tiểu đoàn, một chiếc GMC về lấy đồ tiếp liệu cho tiểu đoàn, tôi tháp tùng theo. Trên xe, tôi gặp một niên trưởng nữa, niên trưởng Thành. Niên trưởng Thành, trưởng ban 5 tiểu đoàn, người trắng trẻo, tròn trịa tính tình vui vẻ. Hèn chi các niên trưởng ở đây gọi là Thành sữa. Sữa chỉ là vẻ bên ngoài, sống và tồn tại ở một đơn vị tác chiến hai năm trời không dễ dàng. Vả lại không phải tự dưng mà về làm trưởng ban 5. Niên trưởng Thành cũng đã từng có thời gian dài lặn lội ngoài các đại đội tác chiến. Sau khi trình diện tiểu đoàn trưởng, ở đây tất cả mọi người đều gọi bằng danh hiệu 92, mặc dù sau lưng cũng có một biệt danh “Cù lũ” Giảng. Nếu có bạn nào từng binh xập xám, chắc thừa hiểu cù lũ chỉ có thua mậu binh! Có lẽ ông tiểu đoàn trưởng này cũng thuộc loại có cựa.

Đó là một Đại úy, người to lớn bệ vệ, đầu gần như hói. Ông tiếp tôi trong căn hầm chỉ huy tuy không lớn lắm, nhưng dù ngồi, đầu ông cũng gần đụng tới nóc. Có lẽ trong thời gian vừa qua tiểu đoàn đụng địch liên miên. Tình hình chiến sự bên đây rất sôi động. Ta vừa phải bung quân lục soát, vừa phải giữ các yếu điểm, rải mỏng quân giữ trục lộ từ biên giới tới đây hơn chục cây số. Địch thì rình, đợi ta sơ hở tập trung lực lượng tập kích, lấy đông đánh ít. Sự tổn thất không thể tránh khỏi. Mới hai tuần trước khi tôi về đây, một niên trưởng đã ra đi vĩnh viễn: Nguyễn Hữu Cung. Tiểu đoàn trưởng, hỏi tôi vài câu lấy lệ, công điện từ trung đoàn đã đến từ lâu. Tôi cũng không phải là sĩ quan CTCT đầu tiên về đơn vị. Sau khi khuyên tôi cố gắng để nhanh chóng thích ứng, ông cho tôi về làm đại đội phó đại đội 7. Nhờ niên trưởng Thành dẫn tôi ra đại đội, ông với đưa cho tôi lệnh phạt 15 ngày trọng cấm của Trung đoàn trưởng!



Tôi theo niên trưởng Thành ra ngoài vành đai căn cứ, nơi đại đội tôi đang làm nhiệm vụ giữ an ninh. Cái căn cứ này rất nhỏ. Chu vi chưa tới 100 mét vuông, được xe công binh ủi thành hai vòng tròn đồng tâm, vách đất cao chừng hai mét, cách nhau độ hơn mười thước. Vòng trong là bộ chỉ huy tiểu đoàn, một trung đội pháo binh 105 ly với hai khẩu súng và một hầm đạn nổi chứa khoảng hai ngàn trái pháo. Vòng ngoài được tô điểm với những lô cốt nổi, cấu tạo bởi những thùng đạn pháo binh và bao cát, đó cũng là nơi lính trú ngụ. Phía ngoài là vài hàng concertina thả vòng quanh căn cứ. Xa chút nữa, trong khoảng chu vi hơn hai trăm thước, đất trống trải nhờ xe ủi đã san bằng để phe ta dễ dàng quan sát nếu địch dám bén mảng tiếp cận.

No comments:

Post a Comment