Wednesday, February 26, 2020

Biến đổi hành chính của huyện Bù Đăng qua các thời kỳ
Năm 1827, triều đình nhà Nguyễn chia đất Nam Bộ thành Năm trấn gọi là đất “Ngũ Trấn”. Vùng đất Bù Đăng thuộc trấn Biên Hòa. Tuy vậy, các đơn vị đồn trú nhà Nguyễn này chỉ thiết lập được ở hai nơi là An Lộc và Đồng Xoài. Lúc đầu sự tiếp xúc giữa người Xtiêng và cư dân người Kinh chỉ thông qua binh lính đồn trú nhà Nguyễn và gia đình của họ. Những người Kinh này phần lớn là dân từ vùng lưỡng Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Năm 1832, nhà Nguyễn đổi đất “ngũ Trấn” thành “Nam Kỳ lục tỉnh”. Miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước trực thuộc tỉnh Biên Hòa. Năm 1867, sau khi chiếm được đất Nam Kỳ, thực dân Pháp chia Nam Kỳ làm 27 địa hạt hành chính. Năm 1889, các địa hạt được nâng lên thành tỉnh thì Bù Đăng vẫn là vùng đất thuộc tỉnh Biên Hòa.
Năm 1905, chế độ sơn phòng của triều đình Huế chính thức bị bãi bỏ, nghĩa là việc giải quyết những vấn đề về Tây Nguyên không thuộc trách nhiệm của nhà Nguyễn mà thuộc quyền của những tòa đại lý và các công sứ Pháp.
Năm 1903, Pháp đặt một đại lý hành chính ở Hớn Quản và một đồn binh trong vùng Xtiêng ở Bù Đốp. Cùng với công cuộc khai thác Đông Dương vào những năm 20 của thế kỷ này, thực dân Pháp mở rộng việc bình định trong vùng đồng bào Xtiêng ở phía Bắc. Từ năm 1909 - 1911, thực dân Pháp kéo quân vào bình định vùng Nam Tây Nguyên, nơi cư trú chủ yếu của người M’nông và đặt cơ quan hành chính ở Pusra. Năm 1920, một toán quân Pháp tiến lên vùng Bà Rá đặt một địa lý hành chính, lấy tên là Sông Bé, do Gatille làm quận trưởng. Đây là dấu mốc ban đầu trong quá trình thống trị của thực dân Pháp ở Bù Đăng.
Giữa thập niên 1920, thực dân Pháp cho mở rộng đường 14 nối quốc lộ 13 từ Chơn Thành đi Đồng Xoài - Bù Đăng về Buôn Ma Thuột. Quá trình hình thành và mở mang đường 14 gắn liền với việc đặt ách thống trị của thực dân Pháp tại địa phương. Để đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, năm 1924 thực dân Pháp thành lập quận Sông Bé (Bà Rá) và quận Bù Đốp (Bố Đức). Về hành chính, từ năm 1931 đến năm 1938 các buôn, sóc Xtiêng, Mnông ở Bù Đăng được chia thành nhiều tổng, xã. Nhiều buôn góp thành xã, nhiều xã góp thành tổng. Đứng đầu các đơn vị hành chính này là các xã trưởng và chính tổng. Các tổng, xã đều là do thực dân Pháp chỉ định và hầu hết là những người giàu có và có nhiều thế lực trong xã. Việc phân chia tổng, xã chỉ mang tính ước lượng chứ chưa cụ thể rõ ràng. Các xã được tính theo tổng số các bon, các sóc mà xã quản lý, nhưng các bon các sóc này cũng thường xuyên thay đổi địa điểm.
bm 2.jpg
Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập xã Bình Minh, huyện Bù Đăng
(Ngày 1/3/2008 - 1/3/2018)
Bù Đăng nguyên là tên một sóc của đồng bào dân tộc Xtiêng. Năm 1941, khi người Pháp cho mở đường 14, địa điểm này được chọn làm nơi đặt trạm công chánh nên sóc Bù Đăng S’Rei dời đi cách khoảng 2km về hướng Buôn Mê Thuột. Lúc này Bù Đăng có tên gọi là làng Công Chánh hay trạm Công Chánh, đồng thời cũng có tên gọi là Bu Tullier-Minh (tên ghép của ông Tullier - Trưởng ty công chánh Thủ Dầu Một và ông Minh Giám thị công trình). Có người còn gọi là “ Bù Đăng 55” có nghĩa là từ Đồng Xoài đến Bù Đăng cách xa 55 km.
Ngày 21-3-1958, theo Nghị định số 718/BNV/NĐ của Bộ trưởng Nội vụ chính quyền Sài Gòn, Bù Đăng được lấy tên là quận Phước Tâm - thuộc tỉnh Phước Long. Ngày 15/9/1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ra Nghị định số 1502- TTP/VP thành lập các vùng dinh điền, từ đó các dinh điền Vĩnh Thiện, Bù Na (Nghĩa Trung), Vi Thiện (Thọ Sơn), Đức Bổn ra đời. Đầu năm 1959, tách quận Phước Tâm ra khỏi tỉnh Biên Hòa và đổi tên là quận Đức Phong, lập nên xã mới là Vĩnh Thiện. Những năm 1959 - 1974, Bù Đăng thuộc quận Phước Long trên bản đồ hành chính của chính quyền Sài Gòn, với hai xã Bù Đăng và Vĩnh Thiện.
Về phía cách mạng, ngày 10-12-1945 Hội nghị quân sự toàn Nam bộ quyết định chia Nam bộ thành các chiến khu 7,8,9. Bù Đăng lúc đó nằm trong khu 7 trực thuộc sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Biên Hòa. Lúc này, vấn đề mở rộng căn cứ và xây dựng phong trào kháng chiến trong vùng đồng bào dân tộc được quan tâm.
Cuối năm 1947, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Biên Hòa đã cử những đội võ trang tuyên truyền lên xây dựng cơ sở cách mạng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đồng chí Ngô Văn Long, Dương Đình Ngũ và đồng chí Thái đã nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng và thành lập quận Sông Bé do đồng chí Ngô Văn Long làm Bí thư.
Tháng 6-1957 để thống nhất sự chỉ đạo, đồng thời do yêu cầu mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn đồng bào thiểu số và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang của công nhân cao su, Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định thành lập Ban cán sự Đảng vùng dân tộc Bù Na - Tân Thuận. Những năm tiếp theo, tùy từng thời điểm sáp nhập mà Bù Đăng có những tên gọi khác nhau, như K50, K59, K19 với 13 xã vùng căn cứ, lấy tên gọi theo số thứ tự từ xã 1 đến xã 13. Mỗi xã chỉ có vài chục hộ, dân số 13 xã khoảng hơn 2.000 người.
Ngày 14-12-1974, Bù Đăng được giải phóng, ngày 8-1-1975, chính quyền cách mạng chính thức ra mắt nhân dân lấy tên là Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Bù Đăng. Huyện bao gồm 8 xã: Đăng Trung, Đăng Nghĩa, Đăng Minh, Đăng Thọ, Đăng Quang, Đăng Hòa, Đăng Hưng, Đăng Sơn. Lúc này dân số Bù Đăng có 11.838 người (dân tộc thiểu số có 8.694 người), trong đó dân sống trong ấp chiến lược trước kia là 9.538 người (đồng bào dân tộc 6.717 người) dân số trong vùng căn cứ 2.206 người ( có 1.977 người đồng bào dân tộc).
Năm 1976, huyện Bù Đăng được sáp nhập vào huyện Phước Long. Tháng 11-1976, các xã vùng căn cứ gồm xã 2, 3, 4, 5, 6 sáp nhập thành xã Đồng Nai Thượng; các xã 1, 7, 8, 9, 10, sáp nhập thành xã Thống Nhất. Do địa bàn rộng, dân cư ngày càng đông, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nên ngày 4-7-1988, theo Quyết định 112-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, Bù Đăng được tách ra từ huyện Phước Long. Đơn vị hành chính bao gồm 7 xã: Thọ Sơn, Đoàn kết, Minh Hưng, Nghĩa Trung, Đồng Nai, Thống Nhất và Đắk Nhau.
Ngày 5-12-1991, xã Đức Liễu được thành lập theo Quyết định số 628/TCCP của Ban Tổ chức Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Nghĩa Trung. Từ thời điểm này, huyện Bù Đăng có 8 đơn vị trực thuộc.
Ngày 1-8-1994, thị trấn Đức Phong và xã Đăng Hà được thành lập theo Nghị định số 77/CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Đoàn Kết và xã Thống Nhất. Đến tháng 8-1994, huyện Bù Đăng có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 1 thị trấn.
Ngày 26-12-1997, xã Bom Bo được thành lập theo Nghị định số 119/NĐ- CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Minh Hưng và xã Đắk Nhau, nâng tổng số đơn vị hành chính của huyện lên 11 xã, thị trấn.
Ngày 5-4-2002 xã Phước Sơn được thành lập theo Nghị định số 36/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Thống Nhất và xã Đoàn Kết. Xã Phú Sơn được thành lập theo Nghị định số 36/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Thọ Sơn.
Ngày 23-3-2007, xã Nghĩa Bình được thành lập theo Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của xã Nghĩa Trung.
Ngày 1-3-2008, xã Bình Minh được thành lập theo Nghị định số 22/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới của xã Bom Bo và xã Minh Hưng.
Ngày 10-4-2009, xã Đường 10 được thành lập theo Nghị định số 14/NĐ-CP của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Đắk Nhau và Bom Bo.
M.AN
Quân và dân huyện Bù Đăng trong kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975)
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Ba Phú chỉ huy hoạt động ở địa bàn Bù Đăng tập trung về Chiến khu Đ chờ ngày tập kết ra Bắc. Lúc này ở Bù Đăng địch đưa các đoàn công dân vụ xuống các buôn, sóc dưới hình thức xịt muỗi và điều tra dân số, nhưng thực chất là để truy lùng cán bộ ta cài cắm ở lại địa bàn. Đồng bào Xtiêng bị chúng o ép, dồn vào “khu trù mật” để tách dân khỏi phong trào kháng chiến.
Sau khi đưa dân vào các “khu trù mật” và dinh điền, đầu năm 1959, địch siết chặt hơn nữa ách kiểm soát. Toàn huyện có một đại đội bảo an cơ động với đầy đủ vũ khí. Mỗi xã có khoảng một trung đội dân vệ được trang bị súng trường, tiểu liên có đủ sức mạnh để đàn áp nhân dân. Nhằm siết chặt nhân dân, địch thành lập các xã, ấp; dưới ấp, là các liên gia; cứ 5 nhà gọi là “ngũ gia liên bảo”, khi có “người lạ mặt” vào khu vực phải báo cáo cho tề, điệp.
Năm 1960, cùng với phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam, việc khai thông con đường chiến lược bắc - nam đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở địa phương phát triển. Tháng 12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã tạo bước ngoặt căn bản trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Ở Bù Đăng, các lõm căn cứ và cơ sở cách mạng ngày càng được củng cố và mở rộng. Trước khí thế cách mạng ngày càng dâng cao, cuối tháng 12-1960, Tỉnh ủy Phước Long quyết định triệu tập một cuộc míttinh với số lượng khoảng trên 250 người, gồm các đại biểu là các già làng, đại diện các buôn, sóc, thanh niên, nam nữ đồng bào Xtiêng, Mnông… có sự tham gia của Tỉnh ủy và đại diện các ban ngành của tỉnh.
Sau thất bại của cuộc “chiến tranh đơn phương”, Mỹ - Diệm tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với kế hoạch xương sống là hình thành hệ thống ấp chiến lược. Trên địa bàn Bù Đăng, địch ráo riết tăng cường các hoạt động quân sự nhằm phục vụ cho mục tiêu gom dân vào ấp chiến lược, thực hiện chiến thuật “tát nước bắt cá” để cắt đứt mối liên hệ giữa cách mạng với quần chúng nhân dân. Chi khu quân sự Đức Phong ra đời trong hoàn cảnh đó. Địch bố trí ở đây một lực lượng tương đối mạnh gồm một đại đội lính ngụy có cố vấn Mỹ và một tên Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng trực tiếp chỉ huy, một Quận phó phụ trách bộ máy hành chính. Từ năm 1962 trở đi, ngoài Chi khu quân sự Đức Phong nằm ở trung tâm còn có một hệ thống phòng thủ chân rết nối tiếp với hệ thống phòng thủ ở các ấp chiến lược. Địch bố trí mỗi ấp 2 trung đội dân vệ, có trang bị đầy đủ vũ khí để tuần tra, canh phòng trong và ngoài ấp.
Địa bàn Bù Đăng lúc bấy giờ chia thành hai vùng. Vùng địch kiểm soát trải dài trên trục lộ 14 từ Kilômét số 24 đến số 94, từ Bù Na đến giáp Kiến Đức. Ngoài những dinh điền cũ, địch gom dân xây dựng 25 ấp chiến lược, bao gồm các ấp chiến lược Bù Jrah, Bon Ría, Long Cơ (khu vực Kiến Đức), Bù Na 1, 2, 3 (thuộc dinh điền Bù Na); kéo dài từ Kilômét số 24 đến số 55 gồm các ấp chiến lược Vĩnh Thiện 1, 2, 3, 4 (thuộc xã Vĩnh Thiện), ấp chiến lược Hòa Đồng 1, 2, Bình Lộc, Bình Thọ, Bùi Nhùi, Bù Môn, Bù Đăng S’rei (thuộc xã Bù Đăng), ấp chiến lược Vi Thiện (thuộc dinh điền Vi Thiện); ấp chiến lược Đăng Gowrr, Bù Murr, Bù Ló, Đăng P’Lang 1, 2, Đăng Lang Laru (thuộc Kilômét số 94).
BO, BO.png
Phụ nữ dân tộc X,tiêng giã gạo nuôi quân (Ảnh: tư liệu)
Phía bắc của huyện có ấp chiến lược ở sân bay Nhân Cơ và ấp chiến lược ở dinh điền Đạo Nghĩa. Ngoài ra, dân ở các buôn, sóc khác cũng bị địch gom vào ấp chiến lược như: Bù Ghe, Bù Nung, Bù Ting, Bù Cho, Bù Ló Lăng, Bù Coh, Bù Nhết, Bù Đăng Tru, Bù Tăm Té, Bù Siett, Bù Sar, Bù Nat, Bù Tom, Bon 2, Bù Mướp, Bù Lat, Bù Boon, Bom-pe (Bom Bo)… để lôi kéo và tranh thủ đồng bào dân tộc thiểu số lập ra một số “ấp chiến lược kiểu mẫu” để mị dân, nhưng thực chất đây là những trại giam trá hình. Do đời sống sinh hoạt bị xáo trộn, mất tự do nên một số đồng bào đã bỏ trốn về buôn, sóc cũ.
“Ấp chiến lược” hình thành đến đâu là hệ thống kìm kẹp, tề điệp, đồn, bót của địch được xây dựng đến đó, kết hợp với việc phân loại quần chúng dựa vào bọn đầu hàng chỉ điểm. Bên ngoài ấp chiến lược là hàng rào thép gai và chông mìn dày đặc nhằm ngăn ngừa cơ sở cách mạng đến với nhân dân. Tình hình này gây cho ta nhiều khó khăn.
Vùng do cách mạng kiểm soát có 13 xã là các xã 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 và xã 14. Mỗi xã chỉ có vài chục hộ. Dân số của 13 xã chỉ có hơn 2.000 người.
Thời kỳ này, tuy hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số bị gom vào các ấp chiến lược, nhưng vẫn còn một số người tìm cách trốn không để bị địch gom hoặc bất hợp tác với chúng, dân làng chỉ ăn ở ngoài rẫy. Điển hình như gia đình già làng Điểu Tế, Điểu Bay, Điểu Gớ vẫn bám đất, bám rừng, một lòng ủng hộ cách mạng.
Âm mưu của địch trong việc thiết lập hệ thống ấp chiến lược trên địa bàn là nhằm mục đích cắt đứt mối quan hệ mật thiết gắn bó giữa quần chúng nhân dân với cách mạng và tiêu diệt lực lượng cách mạng. Để chống lại âm mưu thâm độc đó, chủ trương của ta là phải nắm lại dân và xây dựng lại các cơ sở cách mạng ngay trong lòng địch. Thực hiện chủ trương trên, ta đã gấp rút xây dựng các đội, mũi vũ trang tuyên truyền. Các đội, mũi này đột nhập vào các ấp, móc nối với những quần chúng trong ấp chiến lược để từng bước gây dựng các cơ sở cách mạng trong đó, đồng thời, cảnh cáo và tiêu diệt những tên ác ôn có nợ máu với nhân dân để răn đe những kẻ làm tay sai cho địch. Khi có điều kiện, các đội, mũi vũ trang phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược.
Với chủ trương phải xây dựng lực lượng vũ trang, vững mạnh trên địa bàn Khu ủy Khu 10 (T10) đã thành lập Đại đội 273, do đồng chí Cao Hoàng Thiên làm Đại đội trưởng. Nhiệm vụ của Đại đội là bảo vệ vùng căn cứ nơi có cơ quan đầu não của Khu ủy đóng và phối hợp với các tổ du kích địa phương khi có yêu cầu.
Về cơ bản, vùng căn cứ kháng chiến đã từng bước được hình thành và thực lực cách mạng từng bước phát triển. Vùng căn cứ kháng chiến được sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa thông qua hành lang chiến lược bí mật bắc - nam. Nhiều đồng chí được học tập và rèn luyện ở miền Bắc được Đảng điều động vào Bù Đăng cùng đồng bào và cán bộ, chiến sĩ còn ở lại tiếp tục cầm súng chiến đấu với kẻ thù.
Huyện Bù Đăng lúc này có mật danh là K50 trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí Phạm Văn Nhường - Tỉnh ủy viên - được phân công về làm Bí thư K ủy.
Để đánh bại quốc sách “ấp chiến lược” của địch, chủ trương của ta là phải gấp rút xây dựng lực lượng với quyết tâm diệt ác, phá kìm. Dưới sự lãnh đạo của K50, bốn đội mũi công tác vũ trang tuyên truyền của huyện được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của lực lượng Công an huyện Bù Đăng sau này.
Nhiệm vụ của các đội, mũi công tác là vừa vũ trang tuyên truyền, phát triển củng cố xây dựng cơ sở trong vùng trọng yếu, vùng địch kiểm soát; xây dựng bảo vệ vững chắc vùng căn cứ, làm tốt công tác phòng gian bảo mật, công tác chống do thám gián điệp; tiếp tục móc ráp, xây dựng cơ sở vùng giáp ranh; bảo đảm an toàn, bí mật các đầu mối mà hành lang chiến lược bắc - nam đi qua; kết hợp diệt ác, trừ gian với vận động bọn tề điệp nới lỏng cho dân bung ra làm ăn, đồng thời tạo thời cơ thuận lợi để có dịp phá banh, phá rã ấp chiến lược.
Trong giai đoạn đầu địch thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, lực lượng của ta gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nhân dân do sự kiểm soát gắt gao của chúng. Tuy nhiên, nhân dân sống trong ấp chiến lược vẫn một lòng hướng về cách mạng, tạo điều kiện cho cán bộ vào xây dựng cơ sở, vận động quần chúng. Có ấp chiến lược, mặc dù hình thức là của địch, nhưng bên trong là do cán bộ, đảng viên ta nắm giữ.
Phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân trong các ấp chiến lược và dinh điền ngày càng phát triển, bất chấp địch kiểm soát gắt gao. Lúc đầu, địch còn cho dân trong ấp chiến lược đi lại dễ dàng, nhưng sau đã quy định giờ giấc chặt chẽ để ngăn cản dân tiếp tế và thông tin cho cách mạng.
Mặc dù tình hình khó khăn, ta vẫn chủ trương cho các đội tuyên truyền vũ trang tiếp tục hoạt động, nhưng hết sức bí mật để vừa việc xây dựng các cơ sở đảng trong lòng địch, vừa tránh cho dân khỏi bị địch khủng bố, đàn áp. Đối với vùng căn cứ, ta đẩy mạnh xây dựng về mọi mặt, tăng cường các hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm để vừa cải thiện đời sống cho nhân dân, vừa dự trữ khi có nhu cầu. Tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang, các đội du kích tại chỗ. Hệ thống tổ chức đảng được phát triển ngày càng vững mạnh.
Do lo sợ mất sự kiểm soát, địch tăng cường các biện pháp dồn dân bằng cả hình thức vừa mua chuộc mị dân, vừa trắng trợn cưỡng bức, thẳng tay đàn áp những hộ dân ở trong ấp chiến lược có biểu hiện phản kháng hoặc chúng nghi ngờ có liên quan đến cách mạng.
Năm 1961, địch đã gom đồng bào vào ấp chiến lược ở Long Khánh. Số đồng bào trở về quê cũ làm ăn bị địch thẳng tay đàn áp dã man. Phong trào đấu tranh đòi trở về quê cũ của đồng bào ngày càng quyết liệt đã lôi cuốn và cảm hóa được cả những người vốn có tư tưởng dao động hoặc còn thờ ơ với cách mạng. Ta tiếp tục đẩy mạnh xây dựng vùng căn cứ thông qua việc phát động phong trào toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển các tổ du kích, không ngừng tiếp sức và cổ vũ cho phong trào đấu tranh của đồng bào trong các ấp chiến lược. Vì vậy, sau một thời gian, vùng căn cứ kháng chiến đã phát triển về nhiều mặt, tình đoàn kết giữa quân và dân, giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng vững chắc. Địch quyết tâm gom dân, ta kiên quyết phá, thực lực cách mạng ngày càng lớn mạnh.
Từ năm 1961 đến năm 1962, trong các trận chiến đấu với địch trên địa bàn huyện ở Bù Đăng đều có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang C270 của tỉnh Phước Long. Riêng các đội, mũi công tác ở Vĩnh Thiện 1, 2, 3, Long Cơ, Bon Ría, Bù Jrah, Hòa Đồng hoạt động khá tốt nên đã đột nhập vào ấp xây dựng được 2 chi bộ Đảng ở Bon Ría và Bù Jrah. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều quần chúng ưu tú đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhiều cơ sở đảng ra đời. Phía bắc đường 14 khu vực Đắk Liên - Đắk Nhau, Bom Bo đã thành lập được chi bộ Đảng. Phía nam đường 14, chi bộ đầu tiên được thành lập trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã 8, gồm các đồng chí: Điểu Tiên A, Điểu Bay, Điểu Sơ Rức và đồng chí Điểu Gớ - K ủy viên - làm Bí thư Chi bộ.
Giữa năm 1964, do yêu cầu nhiệm vụ chính trị, Khu ủy Khu 6 (T6) quyết định sáp nhập K9 thuộc Tỉnh ủy Quảng Đức với K50 thuộc Tỉnh ủy Lâm Đồng thành K59, do đồng chí Năm Nhường làm Bí thư để xây dựng, mở rộng địa bàn căn cứ của Khu.
Địa bàn K59 rất rộng, từ cầu Kilômét số 11 thuộc địa phận Đồng Xoài qua Bù Na đến Bù Đăng S’rei, Kiến Đức, Nhân Cơ, bao quanh khu căn cứ rộng lớn từ vùng Cát Tiên, Đinh Giari và dọc theo sông Đồng Nai, có hành lang chiến lược bắc - nam đi qua K59 trực thuộc tỉnh Lâm Đồng do Khu 6 trực tiếp chỉ đạo.
Khu ủy quyết định phải mở rộng vùng căn cứ bằng cách tấn công ra quốc lộ 14, giải phóng các ấp chiến lược, cắt đứt thế bao vây của địch đối với vùng căn cứ cách mạng.
Tháng 5-1963, đồng chí Lê Huy Quang được Khu 6 phân công về Bù Đăng nắm tình hình an ninh của huyện và xây dựng phong trào, hỗ trợ việc bảo vệ hành lang, kho tàng, đường dây, vùng căn cứ và đột phá các ấp chiến lược của địch để mở rộng vùng giải phóng.
Năm 1964 và đầu năm 1965, nhiều cán bộ an ninh của Khu 6 và Tỉnh ủy Phước Long được tăng cường về địa bàn Bù Đăng như các đồng chí: Đào Ba, Hồ Quyết Tâm, Đặng Bình Sơn, Phan Hải, Trần Đình Trị, Vũ Huy Chài, Chu Thanh Bình, Quang (lùn), Chu Liên Anh, Sáu Cương, Năm Giang, Khung, Tiêu, Cốc…, do đồng chí Lê Huy Quang phụ trách. Đây là mốc đánh dấu ra đời của lực lượng an ninh vũ trang huyện Bù Đăng.
Sự ra đời của lực lượng an ninh vũ trang tạo sự chuyển biến về chất trong công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ căn cứ, hành lang, kho tàng, trại giam, phòng gian bảo mật. Mỗi người dân vùng căn cứ là một “tai mắt” của Đảng. Nhiều trận càn của địch vào vùng căn cứ bị ta đánh bại. Lực lượng du kích và nhân dân vùng căn cứ đã rào làng chiến đấu, cắm chông ngăn chặn bước tiến của giặc, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ kho tàng của cách mạng. Ta đã thành lập được các đội, mũi công tác lấy tên là X1, X2…
Tháng 10-1964, đồng chí Trần Quang Minh (Ba Minh) - Ủy viên Thường vụ K59 - được phân công ra vùng Bù Na để chỉ đạo phong trào, nắm tình hình, xây dựng cơ sở, tạo điều kiện giải phóng các dinh điền trên dọc lộ 14 để mở rộng căn cứ. Lúc này đồng chí Đạm làm Đội phó đang phụ trách đội công tác địa bàn Bù Na.
Được sự hỗ trợ của nhân dân dinh điền, đầu tháng 11-1964, đồng chí Đạm và đồng chí Ba Minh bí mật đột nhập ấp Phước Đông thuộc Bù Na 2 để xây dựng cơ sở cách mạng, đồng thời nắm một số dân vệ, cán bộ xã của chính quyền ngụy cũng như cách bố phòng và tuần tra của địch để phục vụ cho việc giải phóng dinh điền Bù Na.
Phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân Bù Đăng đã làm cho quân địch đóng ở Chi khu quân sự Đức Phong và các ấp chiến lược rất lo sợ. Với ý đồ tiêu diệt bằng được lực lượng vũ trang và bắt sống cán bộ của ta, đầu tháng 11-1964, địch tập trung đánh phá vào khu căn cứ Nửa Lon của ta đóng ở vùng Đắk Nhau. Địch huy động một tiểu đoàn lính ngụy có xe tăng, máy bay và pháo binh yểm trợ. Nắm được tình hình đó, được sự chỉ đạo của trên, lãnh đạo K59 đã bàn phương án chống địch và bí mật chỉ thị xuống từng đơn vị vũ trang, tổ du kích và nhân dân vùng căn cứ Nửa Lon, chủ động sơ tán những người già yếu, phụ nữ và trẻ em vào sâu trong rừng, chỉ để lại trên địa bàn lực lượng vũ trang của Khu, tỉnh, K59 cùng các tổ du kích địa phương và số dân công phục vụ chiến đấu.
Để tiến vào căn cứ “Nửa Lon”, ngay từ vòng ngoài, địch đã bị vướng hầm chông, cạm bẫy của ta. Với chiến thuật chia cắt, xé lẻ địch ra để đánh, sau một ngày chiến đấu quyết liệt, ta đã buộc địch phải rút quân. Kết quả, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 31 tên địch, phá hủy một xe cơ giới, thu nhiều súng và đạn dược. Chiến thắng Bom Bo là nguồn cổ vũ động viên to lớn đối với quân và dân Bù Đăng. Nó có tác động tích cực đến phong trào đấu tranh chính trị ở các ấp chiến lược và dinh điền. Đồng thời tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh vũ trang với lực lượng ngày càng lớn mạnh, đóng góp thêm kinh nghiệm trong chiến đấu chống lại kẻ thù. Chiến thắng Bom Bo đã củng cố quyết tâm của quân dân Bù Đăng trong việc đập tan âm mưu lập ấp chiến lược của địch. Phong trào đấu tranh của đồng bào ở các ấp chiến lược, xây dựng vùng căn cứ cách mạng, đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang có bước phát triển mới.
Sau chiến thắng Bom Bo, cũng trong năm 1964, lực lượng vũ trang của huyện có sự phối hợp của lực lượng khu và tỉnh, đã tấn công ấp chiến lược Bom Ría, đánh tan lực lượng địch và làm chủ ấp chiến lược.
Thực hiện chủ trương đánh đến đâu, giải phóng đến đâu thì xây dựng cơ sở cách mạng, củng cố và mở rộng vùng giải phóng đến đó, sau khi giải phóng các dinh điền Bù Na, Đức Bổn, Vi Thiện, Đạo Nghĩa, ta chủ trương giãn dân, chuyển thế ăn ở, bám dinh điền, sản xuất, xây dựng thế chiến đấu chống địch tại chỗ. Đối với dinh điền Vĩnh Thiện sát với chi khu Đức Phong nằm trong tầm khống chế của pháo địch, ta chỉ làm chủ được một nửa dinh điền và ở thế giằng co với địch để tranh thủ thế hợp pháp ra vào Bù Đăng. Ta vận động đồng bào dân tộc thiểu số bỏ ấp chiến lược, bung ra sản xuất ngoài rẫy, vận động con em bị bắt đi lính cho địch bỏ súng về nhà làm ăn. Lúc này vùng giải phóng mở rộng ra sát các đồn, bót địch, cắt đứt giao thông trên đường 14, từ Đồng Xoài đến Kiến Đức. Ta đẩy mạnh kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận với vũ trang chống địch bắn phá và càn quét. Ở vùng địch tạm chiếm, ta vận động nhân dân tiếp tục đấu tranh chống địch bắt lính và vận động binh sĩ bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng.
Như vậy, từ đầu năm 1965, hệ thống ấp chiến lược của địch ở Bù Đăng gần như bị phá banh. Các dinh điền Bù Na, Vĩnh Thiện, Vi Thiện, Đạo Nghĩa được hoàn toàn giải phóng, góp phần đắc lực cho chiến thắng Phước Long - Đồng Xoài. Trong chiến dịch này bà con dân tộc ở vùng Đắk Nhau (sóc Bom Bo) đóng góp ủng hộ 2.000 xá lúa (một xá bằng 3 thùng), 80.000 gốc mì. Đồng bào dân tộc thiểu số đã dùng một cây sao dài đục 14, 15 lỗ để ngày đêm giã gạo, riêng sóc Bom Bo với chưa đầy 30 hộ, bình quân mỗi hộ giã 500kg gạo, ủng hộ cách mạng trước thời gian quy định.
Bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của Nhạc sĩ Xuân Hồng ra đời trong hoàn cảnh ấy đã khắc họa tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc của bà con vùng Đắk Nhau và sóc Bom Bo. Sóc Bom Bo đã trở thành niềm tự hào của quân và dân Bù Đăng nói riêng, của tỉnh Bình Phước và cả nước nói chung. Hình ảnh bà con đồng bào dân tộc thiểu số không quản ngại khó khăn, gian khổ để giã gạo nuôi quân đã thực sự động viên các chiến sĩ bước vào Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài.
Khoảng đầu tháng 12-1964, Khu 6 (T6) đã duyệt kế hoạch giải phóng Bù Na đồng thời hỗ trợ cho K59, Trung đội 273 thuộc C290. Theo kế hoạch, đêm 20-12-1964, ta bất ngờ tấn công trung đội địa phương quân của địch ở Kilômét số 24, diệt 5 tên, thu 2 súng, số địch còn lại bỏ chạy về Đồng Xoài. Ta dùng động thái nghi binh đồng thời vận động nhân dân và gia đình binh lính ngụy tác động mạnh vào 2 trung đội dân vệ ở Bù Na 1 và Bù Na 2. Kết quả, hai trung đội này tan rã. Ta vận động các gia đình binh lính ngụy kêu gọi con em ra đầu hàng cách mạng. Kết quả đã có nhiều binh lính ngụy ra trình diện và được ta khoan hồng cho về với gia đình, cam kết cùng gia đình tham gia ủng hộ cách mạng.
Trong khi ta đã làm chủ hoàn toàn Bù Na 1, Bù Na 2, thì ở Bù Na 3, lực lượng dân vệ địch dù co lại án binh bất động nhưng vẫn ngoan cố giữ dân, chờ Chi khu Đôn Luân chi viện. Nếu tiếp tục tấn công Bù Na 3 thì lực lượng ta không những gặp khó khăn mà còn gây thiệt hại cho đồng bào. Vì vậy, đồng chí Ba Minh đã chỉ đạo dừng tấn công Bù Na 3 bằng quân sự và chuyển sang công tác binh, địch vận.
Sau ba ngày chiến đấu từ ngày 21 đến ngày 24-12-1964, kết hợp với đấu tranh chính trị, binh vận, đội mũi, công tác khu vực Bù Na mà nòng cốt là các đồng chí trong lực lượng an ninh vũ trang đã phối hợp cùng với lực lượng K59 và B273 thuộc C270 phá bung, phá rã 3 dinh điền Bù Na, giải phóng hoàn toàn xã Tân Thuận với 2.000 dân, làm tan rã 2 trung đội dân vệ, thu gần 100 súng. Tổ chức ngụy quyền xã bị phá tan, đặc biệt có một số dân vệ đi theo cách mạng, trong đó nhiều người trở thành du kích, đảng viên, tham gia cách mạng cho đến ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975.
Đầu tháng 1-1965, địch huy động lực lượng hòng tái chiếm Bù Na nhưng bị ta chặn phục kích, diệt một số tên buộc chúng phải rút. Tuy nhiên, sau nhiều lần phản kích, địch chiếm lại được một nửa dinh điền Bù Na 1.
Các đội, mũi công tác và lực lượng an ninh của ta đã áp dụng nhiều hình thức đấu tranh, lấy nhân dân làm lực lượng chính để lôi kéo ngụy quân, ngụy quyền kết hợp với hoạt động vũ trang đánh địch, diệt ác. Trong thời gian ngắn ta đã 2 lần đánh và giải phóng dinh điền Đức Bổn, Bù Rạt, sau đó giải phóng các dinh điền Đạo Nghĩa (Kiến Đức) các ấp chiến lược Bù Jrah, Bon Ría, tranh chấp quyết liệt với địch tại dinh điền Vĩnh Thiện góp phần mở rộng căn cứ của Khu 6, tạo điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài năm 1965 thắng lợi.
Đã có trên 300 con em Bù Na, Đức Bổn thoát ly tham gia lực lượng vũ trang và các cơ quan của tỉnh, khu.
Tháng 5-1965, đội trinh sát vũ trang do đồng chí Lê Quang Giang (Năm Giang) làm Đội trưởng được tăng cường về sóc Bom Bo đã làm tốt công tác vận động nhân dân ủng hộ lương thực, giã gạo nuôi quân phục vụ chiến dịch giải phóng Phước Long - Đồng Xoài.
Hòa nhịp khí thế chiến thắng Bù Na, ngày 6-1-1965, được sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 840, ta đánh vào Chi khu Đức Phong, làm tan rã một đại đội bảo an, bắt sống 10 tên lính ngụy và 1 tên Mỹ.
Đến giữa năm 1965, Chi bộ Đảng ở Bù Na ra đời đã tổ chức chống địch càn quét rất kiên cường kết hợp với xây dựng lực lượng du kích, huy động đóng góp được nhiều lương thực và dân công phục vụ chiến dịch. Bù Na được cấp trên nêu gương điển hình về kinh nghiệm phá ấp chiến lược.
Trong Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài tháng 5-1965, ta đã giành thắng lợi lớn, kết thúc chiến dịch bằng trận đánh Chi khu Đồng Xoài và diệt 2 tiểu đoàn của Mỹ - ngụy ở xã Thuận Lợi. Trong chiến dịch này, đồng bào các địa phương như sóc Bom Bo, Đồng Xoài, Bù Na, những nơi đã được giải phóng đã phục vụ hàng ngàn ngày công cho chiến dịch.
Thắng lợi to lớn đó còn thể hiện ở sự đoàn kết giữa cộng đồng các dân tộc, giữa quân dân với Đảng, ở sự kết hợp giữa lòng dũng cảm hy sinh của quân dân Bù Đăng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng trong đấu tranh với kẻ thù. Các cơ sở cách mạng được xây dựng làm hạt nhân lãnh đạo, đấu tranh ngay trong lòng địch. Vùng căn cứ được xây dựng và mở rộng kết hợp với phong trào diệt ác, trừ gian, phá banh, phá rã các ấp chiến lược đã tạo điều kiện cho dân bung ra sản xuất, ủng hộ phong trào cách mạng. Việc kết hợp giữa đấu tranh chính trị, binh vận với đấu tranh vũ trang đã tạo thành sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù. Những bài học kinh nghiệm quý báu của giai đoạn 1961 - 1965 là hết sức cần thiết cho cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ trong giai đoạn kế tiếp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Bù Đăng.
Sau thất bại của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Ở ấp chiến lược Đắk Zăm - Bù Bông, lực lượng an ninh của ta đã tuyên truyền, vận động nhân dân phá ấp, kêu gọi lính bảo an, dân vệ địch về với cách mạng, về với gia đình. Ngày 2-9-1966, nhận được mật báo về việc địch ở căn cứ quân sự Vĩnh Thiện mở cuộc hành quân càn quét ra các vùng xung quanh, ta đã tổ chức phục kích tại địa điểm cầu Tin Lành. Bốn giờ sáng, tổ công binh của ta cho nổ một quả mìn ĐH10 làm chết và bị thương 32 tên, địch hoảng loạn kéo nhau chạy trở lại căn cứ quân sự Vĩnh Thiện.
Mùa khô năm 1966, địch đánh phá ác liệt vào vùng Đắk Nhau. Trước cuộc hành quân lớn của địch, ta phối hợp 3 thứ quân để tiến công. Kết quả ta đã tiêu diệt 30 tên, bắn 3 máy bay và phá hủy xe tăng bằng súng trường gắn đầu đạn AT. Vùng căn cứ được bảo vệ an toàn. Một số cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã dũng cảm hy sinh, trong đó có tấm gương tiêu biểu là đồng chí Xã đội trưởng Điểu Xiêng cầm cự với 20 tên địch. Khi súng hết đạn, đồng chí bị địch bắt đem về Chi khu quân sự Đức Phong và dùng nhục hình tra tấn dã man nhằm khai thác thông tin, nhưng đồng chí vẫn giữ khí tiết đến hơi thở cuối cùng.
Lúc này địch tăng cường thêm cho các ấp chiến lược 3 trung đội dân vệ với số lượng mỗi trung đội có từ 18 đến 25 tên. Các chi khu, yếu khu, ấp chiến lược, địch còn có các đơn vị độc lập gồm một đại đội thám báo, một trung đội pháo 105 ly và cối 106,7 ly do một cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy.
Về phía ta, để khắc phục tình trạng thiếu quân, ta tiếp tục động viên các thanh niên ở Bù Na, Vĩnh Thiện ra vùng căn cứ thành lập được một trung đội. Lúc này K10 và K19 cùng các xã nhanh chóng củng cố lực lượng, cơ sở cách mạng; các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị, binh địch vận; vừa làm tan rã hàng ngũ địch vừa xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Nhân dân tổ chức các cuộc đấu tranh trực tiếp với ngụy quân, ngụy quyền, phá ấp chiến lược, bung ra tự do đi lại làm ăn, chống bắt lính đôn quân, chống càn quét, bắn phá…
Năm 1967, tại sóc Bom Bo, đội công tác và an ninh huyện và xã đã tuyên truyền, vận động, gây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng nhân dân. Được sự chỉ đạo của cấp trên, ta đã thành lập chi bộ gồm 6 đảng viên là các đồng chí: Điểu Sự, Điểu Mông, Điểu Dung, Điểu Ố, Điểu Cóc và Điểu Đách, do đồng chí Điểu Đách làm Bí thư. Chi bộ Đảng lãnh đạo nhân dân phá ấp chiến lược, đấu tranh với địch chống càn, chống bắt lính, đôn quân, chỉ huy các đội du kích hỗ trợ đồng bào phá ấp chiến lược như các ấp Bù Bông, Bù Ría, Bù Trang, Bù Oai… Đồng chí Điểu Đon đã dùng súng B40 bắn cháy một chiếc xe tăng của địch tại cầu Bù Trang.
Được các đội công tác, lực lượng an ninh và các lực lượng vũ trang đánh địch hỗ trợ, công tác binh, địch vận hoạt động có hiệu quả. Các gia đình có con em trong lực lượng bảo an, dân vệ đấu tranh để con em không đi lính, đến mùa rẫy được về với gia đình thu hoạch, hoặc đấu tranh với địch không bắn phá nương rẫy của đồng bào… Thông qua vận động của các đội công tác, ta tuyên truyền kết hợp với giáo dục, răn đe nên lực lượng địa phương quân thường hành quân theo đường chính để tránh gặp lực lượng ta, khi phát hiện lực lượng cách mạng thì bắn báo động hoặc bắn chỉ thiên để tránh tổn thất.
Tháng 4-1967, đội công tác đã vận động ông Chang và ông Phá trực tiếp đem thư của đồng chí Ba Thọ (Trưởng Ban An ninh K29 - Bù Đăng) viết gửi cho Lê Nguôi là người dân tộc thiểu số, Quận phó quận lỵ Đức Phong. Lê Nguôi đã tiếp nhận và giảm bớt kìm kẹp nhân dân, cho phép đồng bào được đi lại làm rẫy, mua gạo muối, thuốc men tiếp tế cho cách mạng. Sau đó ba tháng, ta tiếp tục vận động Đại úy Huề - Quận trưởng quận lỵ Đức Phong.
Tháng 11-1967, qua phong trào phòng gian bảo mật, quần chúng đã phát hiện tên Giang Văn Sanh là điệp báo chỉ điểm đánh phá đường dây chiến lược bắc - nam. Khi lực lượng an ninh ta đã làm đầy đủ thủ tục, hoàn chỉnh hồ sơ và được dân đồng tình, ta đã xử lý tên này.
Tại Bù Na, Đội công tác X3 bắt đầu hình thành từ cuối năm 1967, đầu năm 1968. Lúc đầu có 7 đồng chí. Đội công tác đã tuyên truyền vận động nhân dân chống bắt lính, đôn quân, đấu tranh đòi tự do đi lại làm ăn, nổi dậy phá ấp chiến lược. Phối hợp với bộ đội đột ấp, phá kìm làm cho địch hoang mang, lo sợ không dám đi lùng sục, càn quét. Đội công tác X3 trong quá trình hoạt động đã thay đổi nhiều đội trưởng như: Đồng chí Năm Anh, đồng chí Hạ Hà, đồng chí Ba Kim, cuối cùng là đồng chí Năm Hường.
Lúc này, Tỉnh ủy Phước Long đã tổ chức triển khai học tập quán triệt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11 (khóa III): Vừa ổn định tư tưởng vừa rèn luyện ý chí chiến đấu cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang, trước diễn biến của tình hình để tích cực xây dựng lực lượng vững mạnh về mặt chính trị - tư tưởng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân vững mạnh.
Các đảng viên gương mẫu làm nòng cốt vận động, phát động quần chúng tiếp tục đấu tranh giữ vững thế tiến công, chống càn, chống bắt lính, gom dân, đòi để dân đi lại tự do làm ăn, vận động các gia đình có con em đi lính “quốc gia” trở về với gia đình, buôn, sóc…
Cuối năm 1967 đầu năm 1968, Thường vụ K ủy quyết định phân công đồng chí Điểu Ban là K ủy viên trực tiếp phụ trách công tác binh, địch vận của huyện.
Sau thất bại lớn về người và của trong các chiến dịch mùa khô 1965 - 1966, 1966 - 1967, Mỹ buộc phải chuyển từ thế phản công sang thế phòng ngự chiến lược. Ta chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định như Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra.
Thực hiện nhiệm vụ tổng tiến công và nổi dậy trong Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân Bù Đăng khẩn trương, bí mật chuẩn bị lực lượng; trọng tâm là tạo điều kiện hậu cần ở vùng căn cứ để đáp ứng cho nhu cầu của đợt tổng tiến công trên địa bàn huyện, đồng thời dự phòng phương án đối phó với các tình huống có thể xảy ra.
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, các đơn vị vũ trang của huyện đã sẵn sàng vào vị trí tập kết. Đúng giờ G, ở Bù Đăng các đơn vị của ta đánh thẳng vào ấp chiến lược Bù Na. Địch bị bất ngờ nên chống trả yếu ớt và rút vào co cụm. Ta cắm cờ giải phóng sát ấp chiến lược, hô hào dân chúng nổi dậy. Trong chiến đấu, một số đồng chí đã anh dũng hy sinh như đồng chí Huỳnh Văn Giữ (Tiểu đội trưởng), đồng chí Lê Văn Trích, đồng chí Lâm, đồng chí Tiệm, đồng chí Hề, đồng chí Bé cùng nhiều bà con và dân công hỏa tuyến.
Tháng 5-1968, tỉnh Phước Long đã chỉ đạo K19 sáp nhập với K10 để thành lập K29. Địa bàn hoạt động của huyện được mở rộng. Đồng thời, lực lượng vũ trang của K19 và K10 được sáp nhập lại thành một đại đội lấy tên là C290. Sau tổng tiến công và nổi dậy, để đánh địch tái chiếm các vùng đã mất, từ ngày 31-1-1968 đến ngày 31-8-1968, quân và dân Bù Đăng đã tổ chức đánh 46 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 157 tên, bắt 11 tên, phá banh 5 ấp chiến lược, đánh sập 5 lô cốt.
Phối hợp với các hoạt động vũ trang, nhân dân các xã còn phát động phong trào quần chúng vùng căn cứ thực hiện tốt công tác phòng gian, bảo mật. Hành lang, kho tàng, đường dây chiến lược Bắc - Nam, đến các vùng căn cứ được bảo đảm. Tại vùng địch kiểm soát, quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm, giành quyền làm chủ các ấp chiến lược với mức độ khác nhau. Công tác binh, địch vận trong vùng địch tạm chiếm, cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Từ những ngày đầu năm 1968, ta tập hợp quần chúng nhân dân hình thành mặt trận rộng rãi đấu tranh chống địch. Ta vận động được khoảng 300 phòng vệ và quần chúng ấp Hòa Đồng 1 và 2 kéo về bao vây quận lỵ Đức Phong đòi địch giải quyết các yêu sách về dân chủ, dân sinh, chống bắt lính đôn quân, chống bắn phá bừa bãi nương rẫy và các vùng dân cư… buộc địch phải giảm bớt những hành động tàn ác, kìm kẹp quần chúng. Trong các xã vùng căn cứ và vùng giải phóng đều thành lập Mặt trận.
Tháng 6-1968, K ủy và Ban an ninh K29 nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy và Ban an ninh tỉnh Phước Long đã cùng các lực lượng ở Bù Đăng phối hợp phá tan một tổ chức phản động gồm 27 tên.
Tháng 10-1968, sau khi bắt 7 tên vào trại tạm giam, ta tổ chức cuộc họp đồng bào dân tộc thiểu số dọc hai bên bờ sông Đồng Nai, có sự tham dự của các già làng và đảng viên. Cuộc họp do Bí thư chi bộ chủ trì, đưa vụ tổ chức phản động vừa bị phá ra báo cáo trước toàn dân. Do có đường lối và chính sách dân tộc đúng đắn, biết dựa vào dân để cảm hóa, thuyết phục, giáo dục, nên những người lầm đường lạc lối đã tiến bộ rõ rệt, đặc biệt đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số ở đây quản lý những đối tượng này rất tốt, cho nên sau này không có người nào làm nội gián cho địch.
Trong giai đoạn 1965 - 1968, quân và dân Bù Đăng đã đánh bại âm mưu, thủ đoạn “bình địch và tìm diệt” của địch. Vùng giải phóng được mở rộng, các Ban Giải phóng, Ban Cán sự Đảng, Ban An ninh huyện, vùng căn cứ cách mạng được giữ vững. Vượt qua muôn vàn khó khăn, quân, dân huyện Bù Đăng không ngừng phát triển lực lượng, kết hợp ba mũi giáp công, kết hợp ba thứ quân để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, quân và dân Bù Đăng đã nỗ lực tham gia vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược để cung cấp cho các chiến trường; tăng cường công tác binh, địch vận, tuyên truyền vận động đồng bào, lực lượng bảo an, dân vệ xây dựng lực lượng, cơ sở, góp phần cùng các lực lượng của trên bảo vệ hành lang, kho tàng, vùng giải phóng góp phần tạo tiền đề cho chiến thắng Tết Mậu Thân năm 1968 ở huyện Bù Đăng.
Từ năm 1969 đến năm 1971, theo chủ trương của Thường vụ Khu ủy Khu 10, K ủy 29 đã bàn bạc, thống nhất đưa một bộ phận dân vùng căn cứ gồm những người già yếu, phụ nữ, trẻ em ra vùng tạm chiếm ở Bù Na để tạo thuận lợi cho nam, nữ thanh niên và quần chúng trong vùng căn cứ tập trung sản xuất, vừa chống địch càn, tránh tổn thất, vừa giải quyết được khó khăn về lương thực; đồng thời cài cắm một số cơ sở nòng cốt của ta theo dân ra vùng địch hoạt động hợp pháp.
Cuối năm 1971, do yêu cầu củng cố, sắp xếp tổ chức đảng, Thường vụ K ủy K29 đã quyết định thành lập Đảng bộ Đội công tác X3, gồm 30 đồng chí với 3 chi bộ mật. Hệ thống đoàn thể và các tổ chức cách mạng khác cũng được xây dựng lại với chi đoàn có 7 đoàn viên, 3 tổ binh vận, 4 tổ an ninh mật, 5 tổ thanh niên chống bắt lính. Sau khi củng cố tổ chức, Chi bộ đã vận động nhân dân đấu tranh chống địch bằng nhiều hình thức khác nhau. Tháng 2-1971, Thường vụ K ủy 29 đã họp đánh giá hai bộ phận: dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số. Người Kinh ở trong các dinh điền trên địa bàn là kết quả của việc thúc ép di dân thời Mỹ - Diệm 1958 - 1963. Nhưng đại bộ phận họ là những người có gắn bó, tham gia cách mạng trong thời kỳ chống Pháp. Một bộ phận dân tộc thiểu số tại chỗ tuy có hiểu biết, gắn bó với cách mạng nhưng do bản tính thật thà, chất phác, yêu thích tự do, muốn giúp đỡ cách mạng nhưng sợ địch theo dõi, gây khó khăn và làm hại gia đình cũng như bản thân, nên chưa dám bung ra rẫy làm ăn và liên hệ với cách mạng. Những đối tượng này cần phải tiếp tục tuyên truyền và vận động.
Đi đôi với công tác an ninh và binh vận, phong trào đấu tranh chính trị và tiến công quân sự khá phát triển. Riêng trong bốn năm từ năm 1969 đến năm 1972, đồng bào đã tổ chức nhiều đợt đấu tranh chống bắt lính và vận động 23 bảo an và dân vệ trở về buôn, sóc làm ăn. Các cuộc đột ấp để “diệt ác, phá kìm” của các mũi công tác và lực lượng B271 làm cho địch hoang mang, lo sợ. Ta đánh gần 200 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 1.486 tên địch. Qua phong trào đấu tranh, ta đã kết nạp 9 đồng chí vào Đảng ở 3 chi bộ của 13 xã vùng căn cứ. Chi bộ các đội, mũi công tác kết nạp 27 đồng chí vào Đảng; 7 chi bộ vùng giải phóng kết nạp 42 đồng chí vào Đảng; 4 chi bộ vùng yếu khu kết nạp 18 đồng chí vào Đảng.
Những thắng lợi của ta trên mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari năm 1973, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng đế quốc Mỹ vẫn tìm mọi cách “hà hơi, tiếp sức” để thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài nước ta. Ở Bù Đăng, địch tiến hành cuộc chiến tranh lấn đất, giành dân nhằm xóa thế “da báo” giữa ta và địch. Chúng tăng cường đôn quân, bắt lính để bổ sung và phát triển lực lượng, kết hợp với việc củng cố ngụy quyền xã, ấp và tăng cường điệp báo, thám báo. Địch kiểm tra chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển lương thực nhằm ngăn chặn nguồn tiếp tế cho cách mạng, đẩy mạnh do thám vùng căn cứ, tung biệt kích, gián điệp luồn sâu vào khu vực hành lang vận chuyển và kho tàng của ta để nắm tình hình.
Về phía ta, tháng 7-1973, K ủy 29 tổ chức Đại hội lần thứ II Đảng bộ huyện Bù Đăng. Đồng chí Út Minh thay đồng chí K’Ban làm Trưởng ban Binh vận huyện. Cũng tại Đại hội này, các đồng chí trong K ủy quán triệt tinh thần Chỉ thị số 02-CT/TW của Trung ương về nội dung của Hiệp định Pari, về chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc và chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Cùng với phong trào cách mạng sôi nổi trong cả nước, từ sau Hiệp định Pari, phong trào cách mạng ở Bù Đăng như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới. Ở các đội mũi tiến công X1, X2, X3 và Ban An ninh đã xây dựng được 15 tổ với 113 người, tổ thanh niên chống bắt lính có 45 người, 6 tổ du kích mật với 20 người, an ninh mật là 13 người, binh vận có 36 tổ với 114 người, 2 chi bộ mật kể cả đảng viên sinh hoạt đơn tuyến gồm 21 đồng chí.
Mùa khô năm 1974, Tỉnh ủy Bình Phước trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Đình Tuyến, Bí thư K29 với nội dung: “Thời cơ đã đến, chuẩn bị cho kế hoạch mùa khô trong hai năm 1974 - 1975 để giành thắng lợi to lớn, góp phần giải phóng miền Nam”. Nhận được chỉ thị trên, Thường vụ K29 đã triệu tập cuộc họp bất thường đề ra kế hoạch các giải pháp tích cực phát động phong trào quần chúng, giữ vững khí thế cách mạng và phát huy truyền thống đoàn kết của các tầng lớp nhân dân để chống kẻ thù. Phát huy thắng lợi đã giành được, củng cố niềm tin tất thắng vào sự lãnh đạo của Đảng để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các đội mũi công tác và lực lượng an ninh tiếp tục đẩy mạnh ba mũi giáp công để giành quyền làm chủ. Đầu năm 1966, Khu 10 được thành lập lại, gồm ba tỉnh: Phước Long, Bình Long và Quảng Đức. Địa bàn K59 trực thuộc Tỉnh ủy Phước Long, vùng Đạo Nghĩa giao cho Quảng Đức, phần còn lại tách ra làm hai đơn vị gồm K10 và K19 cho thích hợp với tình hình và nhiệm vụ thực tế.
Từ năm 1973 đến năm 1974 là giai đoạn chuyển biến rất lớn của cách mạng miền Nam nói chung và Bù Đăng nói riêng. Địch bị đánh những đòn đau, tinh thần chiến đấu của binh sĩ ngụy sa sút nhanh chóng. Ngược lại, lực lượng cách mạng ngày càng trưởng thành và dạn dày kinh nghiệm trong chiến đấu, ta càng đánh càng thắng và nắm quyền chủ động đẩy quân ngụy vào thế bị động. Đứng trước cục diện mới, Trung ương Đảng nhận định: Thời cơ đã đến. Đây là thời cơ thuận lợi nhất để nhân dân ta hoàn thành giải phóng miền Nam, giành thắng lợi cuối cùng. Giữa năm 1974, Trung ương Cục chỉ rõ nhân tố mới đã xuất hiện và chuẩn bị kế hoạch để mùa khô 1974 - 1975 mở đợt tấn công lớn, giành thắng lợi có tính chất quyết định, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Ngày 19-11-1974, Tư lệnh Quân đoàn 4 đã chỉ đạo triển khai công tác tiến công quận lỵ Đức Phong, giao nhiệm vụ chính cho Sư đoàn 3 và một số lực lượng phối hợp khác. Đây là trận đánh hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn, mở màn cho chiến dịch giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở phía Nam tạo điều kiện cho Bộ Chính trị đánh giá thực lực, khả năng cơ động và chiến đấu của quân địch trên chiến trường, đồng thời thăm dò khả năng phản ứng và can thiệp trở lại của Mỹ ở Việt Nam nhằm mở ra cục diện mới trên chiến trường Nam Bộ. Để bảo đảm thắng lợi, đồng chí Hoàng Cầm - Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn 4 cùng cán bộ lãnh đạo hai Trung đoàn 271 và 201 thuộc Sư đoàn 3 đã trực tiếp đi trinh sát nghiên cứu mặt trận từ ngày 16-11 đến ngày 6-12-1974, trước khi ta quyết định tấn công tiêu diệt địch.
Chiến dịch đường 14 Phước Long mà Chi khu quân sự Đức Phong được chọn làm trận đánh mở màn thắng lợi đã góp phần quan trọng mở thông hành lang chiến lược đường 14, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng hoàn toàn Đồng Xoài và tỉnh lỵ Phước Long, tạo tiền đề cho Chiến dịch đại thắng mùa Xuân 1975.
Anh Đức
Lượt xem: 143

File đính kèm:

No comments:

Post a Comment