Monday, February 10, 2020

(Cựu) Trung Tá Lê Hồng Người Chiến Hữu Trước và Sau Năm 1975 Của Tôi - Trần Đức Tường
Related image
Tôi muốn viết về một người bạn tôi đã gập lần đầu cách đây đúng 41 năm trên chiến trường Quảng Trị. Những tưởng cơ duyên bèo bọt. Không ngờ tôi với anh đã trở thành đôi bạn thân. Tình bạn đó kéo dài cho tới ngày nay, tuy rằng anh đã từ biệt cõi đời từ ngày 1/5/1985 tại khu chiến của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam.
Gặp nhau trên chiến địa.
Tháng 5/1967, tôi được bổ nhiệm Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 3 Nhẩy Dù, một tiểu đoàn thiện chiến có dây biểu chương mầu đỏ Bảo Quốc và là tiểu đoàn kỳ cựu của Sư Đoàn Nhẩy Dù, hiện được đặt dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Trần Quốc Lịch và đang hành quân tại Vùng I Chiến Thuật. Thế là tôi đã phải khăn gói ra đáo nhậm đơn vị tại vùng hành quân, thay thế bác sĩ Lê Văn Châu, tức nhà văn quân đội Trang Châu.
Đáp xuống sân bay Phú Bài giữa trưa hè nóng bức, tôi được anh em binh sĩ TĐ3ND đón tôi đưa vô vị trí đóng quân, lúc đó tại thôn Thượng An, nằm trên bờ phía bắc sông An Lỗ, cách Huế 17 cây số. Sau khi gặp bác sĩ Châu và bàn giao quyền chỉ huy Trạm Cứu Thương trước hàng quân, bác sĩ Châu đưa tôi sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn để trình diện ông Tiểu Đoàn Trưởng. Đi qua những lũy tre rậm rạp, chúng tôi tới một căn nhà gạch. Tôi thấy ban truyền tin nhộn nhịp điện đàm và gửi công điện bằng morse. Bước vào Bộ Chỉ Huy và trình diện theo đúng lễ nghi quân cách. Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng vui vẻ bắt tay và giới thiệu tôi với một vị sĩ quan cấp trung úy đứng cạnh, dáng người nhỏ nhắn với đôi mắt tinh anh, khuôn mặt xương xương và nụ cười tự nhiên. Đó là trung úy Lê Hồng, Phụ Tá Ban 3 của Tiểu Đoàn. Một người nữa có mặt ở đó là vị sĩ quan cố vấn Mỹ, Đại Uý Andrews. Hai người bắt tay tôi vui vẻ. Tôi đưa mắt nhìn quanh, không thấy ai ngoài 3 người trong Bộ Chỉ Huy. Thiếu tá Lịch cùng tôi trò chuyện, hai vị sĩ quan kia lánh mặt phía sau nhà. Đó là lần đầu tôi gặp Lê Hồng.
Từ giã thiếu tá Lịch, bác sĩ Châu và tôi trở về trạm cứu thương. Sau khi tiễn BS Châu về Huế để trở vào Sài Gòn, tôi được Y tá Trưởng của tôi là hạ sĩ Nguyễn Mạnh Am đưa đi thăm các Đại Đội. Theo tổ chức quân y trong một tiểu đoàn nhẩy dù, Trạm Cứu Thương gồm bác sĩ và khoảng hơn một chục y tá trong đó có 2 khiêng cáng ở cùng với Đại Đội Chỉ Huy. Ngoài ra, tại 4 đại đội tác chiến còn có 1 Y Tá Đại Đội và một khiêng cáng. Tới mỗi đại đội, tôi đã được các Đại Đội Trưởng chào mừng và cũng gặp toán y tá của tôi. Đi ráp vòng, tôi ra bờ sông An Lỗ. Trời nóng bức, tôi nhảy xuống tắm. Cứ nghĩ rằng tiểu đoàn còn đóng quân ở đây vài ba hôm nữa vì ông Tiểu Đoàn Trưởng mới mổ xong. Tắm xong tôi trở về Trạm Cứu Thương. Lúc đó cũng khoảng 6 giờ chiều. Anh em đã dọn một mâm cơm đạm bạc có trứng tráng và cá chiên. Tôi đang ăn thì thấy ông Tiểu Đoàn Trưởng, Lê Hồng, cố vấn Mỹ đai nịt gọn gàng, máy truyền tin một đoàn đến trước sân.
Tiểu đoàn được lệnh di chuyển. Tôi ngầm rủa trong bụng là y tá của mình nó không báo trước cho mình để cả tiểu đoàn phải chờ ông bác sĩ mới tới đáo nhậm đơn vị còn ngồi ăn cơm. Tôi vội vàng đeo dây ba chạc, đội nón sắt lên và bước theo Bộ Chỉ Huy. Tiểu đoàn lội bộ từ trong làng ra đến Quốc Lộ 1 khoảng chừng hơn cây số. Một đoàn xe "công voa" đã chờ sẵn và chở chúng tôi lên hướng Quảng Trị. Tôi leo lên xe ngồi chung với Trạm Cứu Thương. Đi chưa được mấy đỗi thì xe rẽ xuống hướng biển. Xa xa đã nghe tiếng súng lớn, súng nhỏ nổ rền. Đoàn xe dừng lại khi nghe rõ được tiếng súng ta, súng địch. Tiểu đoàn dàn đội hình tiến về phía trước. Bộ chỉ huy trụ ở một ngôi miếu gần lũy tre làng. Sau khi bố trí xong Trạm Cứu Thương, tôi sang Bộ Chỉ Huy. Lúc đó thiếu tá Lịch đang điện đàm bằng máy PRC25 với các đại đội. Ông ra lệnh các đại đội sẵn sàng nghênh địch và chặn hướng rút của chúng. 8 giờ tối. Trời tối mịt. Lê Hồng đang chăm chú chiếu đèn pin có gắn kính đỏ trên tấm bản đồ trải trên thềm ngôi miếu. Cố vấn Mỹ cũng đang nói máy với cấp trên. Tôi thấy mọi người bận rộn, còn mình thì đứng sớ rớ không có việc làm, cũng hơi lúng túng. Bước tới sát phía sau lưng Lê Hồng. Nhìn qua vai Lê Hồng tôi thấy trên tấm overlay ghi đầy ký hiệu bằng bút chì mỡ đen đỏ chi chít. Hồng ngước đầu lên và dường như đoán được trong ánh mắt tôi có điều muốn hỏi, anh mỉm cười chào rồi nói nhanh:
- Tiểu Đoàn 2 đang đụng ở chỗ này. Mình ở chỗ này, Bác Sĩ.
Vừa nói anh vừa chỉ một điểm trên bản đồ bằng chiếc bút chì mỡ trên tay. Lúc này tôi mới để ý, Lê Hồng nói giọng miền Trung, không phải giọng Huế. Được thể, tôi ngồi sổm ngay xuống bên cạnh anh để nhìn cho rõ hơn. Theo Lê Hồng thì TĐ2ND đụng cấp tiểu đoàn địch ở chếch phía Tây Bắc của tiểu đoàn tôi. Cách chừng 1 cây số. Tiếng súng càng lúc càng nổ ran. Tôi hỏi Lê Hồng:
- Tiểu đoàn mình đến tiếp viện phải không trung úy ?
- Mình có nhiệm vụ án ngữ, blocking force, không cho địch rút chạy lên núi.
Bỗng nghe ông Lịch nói :
- Mấy đứa con đã vào vị trí án ngữ chưa, Hồng Vân ?
Tôi còn đang phân vân, không biết ông Tiểu Đoàn Trưởng hỏi ai thì Lê Hồng đã nhanh nhẩu đáp :
- Trình Mặt Trời, tất cả xong xuôi rồi ạ.
À, thế ra ông Tiểu Đoàn Trưởng là Mặt Trời, còn Lê Hồng là Hồng Vân. Trong máy truyền tin, nghe thấy nhiều tên lạ như Kim Tước, Kinh Kha, Cần Thơ vv... Lúc đó, tôi chưa biết ai vào với ai cả. Có lẽ Kim Tước ở gần trận địa nhất, nên thấy ông Lịch nói trong máy:
- Kim Tước đây Mặt Trời.
- Trình Mặt Trời, Kim Tước tôi nghe.
- Anh nói mấy đứa con anh nó mở mắt ra quan sát cho kỹ. Nếu "nó" tràn đồng rút về hướng anh thì anh cứ thẳng tay vớt nó cho tôi.
Trăng đã xuống sau lũy tre làng. Nhưng không gian vẫn được soi sáng bởi những ánh hoả châu được thả từ chiếc C130 vũ trang vừa bay lượn trên vùng vừa trút những tràng đại liên nhiều nòng xuống đầu địch. Trông như những vòi lửa từ trời đổ xuống. Tôi rút bao thuốc lá Ruby quân tiếp vụ ra mời Lê Hồng. Anh giơ tay từ chối:
- Cám ơn bác sĩ, tôi không hút thuốc.
- Tôi hút được không ?
- Bác sĩ vào khuất trong miếu mà hút.
Tôi đứng lên. Chân hơi tê. Vào trong miếu hoang, tôi đốt thuốc. Rít từng hơi dài. nhìn ra ngoài, thỉnh thoảng có lính của mình chạy qua trước cửa. Tôi trở ra sau khi dụi tàn thuốc dưới chân. Lê Hồng cũng đã đứng lên từ hồi nào. Trong lúc ông tiểu đoàn trưởng thì lại ngồi trên một cái ghế đẩu, chắc mượn trong nhà dân. Ống nghe PRC25 vẫn áp sát tai. Tôi chợt nhớ ra mình đang ở trong một ngôi làng, mà không thấy nhà nào đốt đèn, cũng chẳng thấy bóng người dân nào cả. Tôi nghĩ, chắc, trong vùng chiến tranh, dân đã quen trú ẩn dưới hầm mỗi khi có tiếng súng. Ngoài tiếng sôi của máy truyền tin, không ai nói tiếng nào cả. Tiếng súng bên phía Tiểu Đoàn 2 cũng thưa dần. Tiếng đại bác bay qua đầu nổ ở phía biển. Tôi hỏi Lê Hồng:
- Tình hình ra sao rồi ? Mình có đụng không ?
- Tiểu Đoàn 2 báo địch rút ra phía biển. Pháo binh đang truy kích. Chúng không chạy về phía mình. Bên đó đang chuẩn bị đóng quân.
Tiếng súng ngớt dần rồi dứt hẳn. Chiếc máy bay vũ trang cũng rời vùng lúc nào không biết, trả lại màn đêm cho khung trời đầy sao. Ông Lịch đứng lên tiến lại phía chúng tôi. Thấy tôi, ông cười và nói:
- Lữ Đoàn ra lệnh cho mình đóng quân qua đêm ở đây. Bên Tiểu Đoàn 2 đang thanh toán chiến trường và cũng đóng quân tại chỗ. Hồng Vân dặn các con cái cẩn thận, thả sonnettes ra ngoài. Đề phòng chúng rút thành toán nhỏ qua phòng tuyến của mình. Tango cho các nơi đóng quân. Thi hành.
Tôi trở lại Trạm Cứu Thương, hỏi y tá trưởng của tôi :
- Tango là ai ?
- Dạ thưa là ông trung úy Toán xử lý thường vụ Đại Đội Chỉ Huy thay thế đại úy Hoàng.
Cùng lúc đó thì Tango tới chỗ chúng tôi và nói :
- Bác sĩ và Trạm Cứu Thương đóng ở cái miếu. Truyền Tin ở chỗ này. Bộ Chỉ Huy ở nhà kia.
Tôi ghi nhận phương hướng để phòng khi ban đêm đụng trận thì còn biết đường biết xá. Thầy trò tôi thu dọn đồ đạc trở lại ngôi miếu. Dọc đường gặp Bộ Chỉ Huy đang di chuyển. Ông Tiểu Đoàn Trưởng nói :
- Đêm nay tiểu đoàn đóng quân ở đây. Chúc bác sĩ ngủ ngon.
- Cảm ơn thiếu tá, chúc thiếu tá ngủ ngon.
Lê Hồng đi ngay sau lưng ông tiểu đoàn trưởng, buông lửng câu :
- Ngủ ngon.
- Ngủ ngon, Trung Úy.
Đại úy Andrews đi kế cũng nói :
- Have a good night, sir.
Tôi đáp lại lời chúc. Bụng bảo dạ, anh này là đại úy, mình là trung úy mà anh gọi mình là sir. Cũng kỳ.
Anh em mở một chiếc băng ca và thổi cái nệm hơi rồi giăng mùng cho tôi nằm ngoài thềm miếu, chỗ Lê Hồng cùng tôi coi bản đồ lúc nãy. Tôi không muốn vào bên trong vì phần thì ngại phạm tới linh thiêng, phần vì nếu bị tấn công ban đêm thì không bị lúng túng trong nhà. Cái nệm hơi sột soạt mỗi khi cựa mình hơi làm tôi khó chịu. Nhìn qua nóc mùng, trời đầy sao lấp lánh. Tôi nghĩ ngợi lung tung. Không biết Trần Lâm Cao cùng ra đáo nhậm tiểu đoàn có bàn giao với bác sĩ Trần Đoàn không ? Nếu nó bàn giao kịp thì nó hơn mình, đã được thử lửa trận đầu rồi (baptême du feu). Tôi nghĩ về vợ con ở Sài Gòn. Chắc nhà không ngờ mới ngày đầu mình đáo nhậm đơn vị đã nếm mùi súng đạn. Không biết giấc ngủ đã đến với tôi lúc nào. Mở mắt ra thấy trời đã sáng. Đồng hồ tay chỉ 6 giờ. Liếc quanh, anh em y tá đã dậy và đang đun nước. Tôi vùng ra khỏi "giường". Trung, người lính cần vụ của tôi khệ nệ mang đến cho tôi một nón sắt nước để đánh răng, rửa mặt:
- Bác sĩ ngủ được không ?
- Được lắm. Cảm ơn cậu. Anh em thế nào ?
- Anh em dậy và đóng ba-lô cả rồi.
Rửa mặt xong, trở lại chỗ ngủ thì Trung đã dọn dẹp hết rồi. Tôi thấy trên thềm miếu, đúng chỗ Lê Hồng trải tấm bản đồ hôm qua, một ca mì gói, khói bốc nghi ngút và một ca nước trà nóng. Tôi thật lòng:
- Ở nhà tôi ít ăn sáng lắm. Chỉ uống ly cà phê sữa thôi.
- Thưa bác sĩ, ở đây mình không có cà phê. Để khi nào ra Huế hay Quảng trị em đi mua. Bác sĩ dùng tạm, kẻo nếu tiểu đoàn phải di chuyển thì đói mệt lắm đó, bác sĩ. Trung nói một hồi.
Vừa ăn xong, đang hút điếu thuốc đầu tiên trong ngày thì Am tới báo :
- Trung úy Toán bảo mời bác sĩ 7 giờ 30 lên Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn họp.
Tôi và Am đi rảo một vòng Trạm Cứu Thương. Tôi dặn Am là nếu đêm nay còn đóng ở đây thì cho anh em đào hố cá nhân. Đêm qua mới tới và sửa soạn ứng chiến nên không ai đào hố được. Lúc đó khoảng 7 giờ 15. Tôi lững thững một mình lên Bộ Chỉ Huy. Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng và Lê Hồng đang đứng trước thềm nhà. Tôi chào kính.
- Chào bác sĩ. Đêm qua bác sĩ ngủ được không ? Ông Lịch tươi cười nói.
- Cám ơn thiếu tá, dạ ngủ được.
Ông bắt tay và kéo tôi ngồi cạnh ông trên bậc thềm. Các Đại Đội Trưởng lục tục kéo đến đúng giờ. Ai nấy đều nón sắt, đai nịt chỉnh tề, tay cầm bản đồ như chuẩn bị xuất phát. Kể cả Lê Hồng. Tôi thấy ngượng quá vì sau khi đi một vòng trạm cứu thương tôi sang thẳng bên này nên đầu trần, giây ba chạc, súng ống không có trên mình. Các đại đội trưởng và cố vấn Mỹ đứng trước mặt ông Lịch. Ông cất tiếng:
- Tôi giới thiệu với các "đích thân", bác sĩ Trần Đức Tường, mới về tiểu đoàn thay thế bác sĩ Trang Châu.
Tất cả giơ tay bắt tay chào hỏi tôi. Thực ra tôi đã gặp các vị chiều hôm qua khi đi thăm các đại đội. Ông Lịch nói tiếp :
- Lệnh Lữ Đoàn, Tiểu Đoàn 3 sẽ đóng tại đây mấy ngày, chờ TĐ9ND ra hoán chuyển TĐ2ND trở về hậu cứ. Tiểu đoàn cấm quân, không ai được đi phép. Các đại đội bố trí canh gác, không được gây phiền hà cho dân. Bác sĩ nghiên cứu làm công tác dân sự vụ. Lát nữa, tôi và Bộ Chỉ Huy sẽ đi một vòng tới các đại đội. Chiều nay tiểu đoàn sẽ nhận tiếp tế. Bác sĩ nếu thấy cần thêm thuốc men làm dân sự vụ thì nói với Ban 3 đánh công điện về tiền trạm gửi ra chiều nay. Ban 5 phối hợp với bên quân y để thông báo dân làng đến địa điểm khám bệnh. Ai có câu hỏi ?
Ông Lịch và Lê Hồng giải đáp vài ba câu hỏi của các đại đội trưởng và cuộc họp chấm dứt. Tôi có câu hỏi canh cánh trong lòng nhưng ngại không dám nêu, sợ quê. Trước khi mọi người giải tán, tôi quay sang Lê Hồng hỏi nhỏ :
- Cái làng này tên là làng gì vậy trung úy ?
- Sịa.
- Cái gì ?
- Làng này kêu là làng Sịa.
Tôi về gần tới ngôi miếu thì đã thấy tụ tập phía trước khoảng chục người dân, già có trẻ có, nam có, nữ có. Tới nơi, Am nói với tôi :
- Thưa bác sĩ có mấy người này bị bệnh tới xin bác sĩ khám.
Thế là tôi làm công tác dân sự vụ liền rồi. Tôi nhận thấy, ngoại trừ một vài người bị ho, cảm, huyết áp thấp, hầu hết đều đến khai bệnh tiêu chảy, phân có đàm. Khám bệnh, phát thuốc xong, tôi chạy vội sang Bộ Chỉ Huy trình sự việc với ông tiểu đoàn trưởng. Tôi kiếu trước với ông là sẽ không tháp tùng ông đi tuần sát các đại đội. Tôi sẽ đi điều tra về nguồn nước, tình trạng vệ sinh trong làng. Nếu bệnh kiết lỵ mà lây lan sang binh sĩ thì hậu quả không thể lường được. Ông Lịch chấp thuận ngay. Tôi chào kính rồi quay ra.
Tôi gọi Am, Phan Khuynh đi cùng với tôi tìm hiểu tình hình vệ sinh. Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là trong làng có rất nhiều ruồi. Rất ít nhà có cầu tiêu. Dân chúng thường ra bờ ruộng đi cầu. Các giếng nước đều có vẻ tốt. Vấn đề sơ khởi là phải điều trị ngay những người đang bị kiết lỵ. Đồng thời phải xịt thuốc diệt ruồi, đào cầu tiêu cho những nhà không có. Mặt khác phải mở chiến dịch tuyên truyền trong dân làng không ăn rau sống, phải uống nước đun sôi. Ban 5 kẻ nhiều biểu ngữ trên bờ tường và trên vải căng ngang cổng làng. Tôi tới trường học để giảng cho các em học sinh về vệ sinh phòng bệnh. Lê Hồng đã sát cánh cùng tôi trong công tác dân sự vụ. Cũng vì vậy mà khoảng cách khách sáo giữa chúng tôi được thâu hẹp lại.
Tuổi thơ thời loạn
Chiều hôm đó, trong lúc chờ đợi tiếp tế, tôi lững thững đi ra phía bờ tre. Đang ngồi trên một mô đất đợi chờ một cơn gió thoảng. Mùa này sao mà nóng thế ? Bỗng nghe thấy tiếng ai bước tới sau lưng. Tôi quay lại và thấy Lê Hồng đang đi về phía tôi. Vẫn ánh mắt ấy, nụ cười ấy, Lê Hồng nói đùa:
- Bác sĩ đang ngồi làm thơ đấy à ?
- Tôi đâu phải là văn sĩ thi sĩ như bác sĩ Trang Châu đâu. Ở phía trong nóng bức quá, tôi ra đây hóng mát.
- Mùa này Miền Trung có gió Lào nên khó chịu.
- Gió Lào ?
- Thật ra, đó là gió Tây, từ bên Lào thổi sang, qua những vùng khô khan nên mang theo cái hơi nóng thổi qua đây.
Câu chuyện thời tiết chuyển sang chuyện gia đình. Tôi kể sơ cho Lê Hồng hoàn cảnh gia đình của tôi. Và Lê Hồng cũng kể chuyện đời của anh. Sau đây là những lời anh kể, không phải chỉ kể trong lần này mà lai rai trong suốt những năm chúng tôi cùng chung sống trong một đơn vị tác chiến. Đúng là một thiên truyện dài nhiều hồi.
Ngày đó Lê Hồng có vợ và cũng có 4 đứa con như tôi, chỉ khác là cả 4 đứa đều là trai, trong lúc tôi có một cháu gái đầu lòng. Tuổi thơ của chúng tôi gần giống nhau. Tôi là một cô nhi ở trong cô nhi viện. Hồng tuy cha mẹ không chết, nhưng cũng kể như mồ côi, được một ân nhân nuôi dưỡng. Hồng kém tôi một tuổi, tuổi Dần, sinh năm 1938. Anh quê ở Hà Tĩnh. Tôi người Bắc Ninh. Anh kể trường hợp thất lạc gia đình trong chiến tranh như thế này:
Năm đó, chiến trận tràn về quê anh rất khốc liệt. Quân đội Pháp càn quét khắp vùng. Lúc đó anh mới 12 tuổi, đang học lớp nhất. Sau khi chiếm làng anh, Tây bắt một số dân gồm người già, đàn bà, con nít mang vác chiến lợi phẩm cho chúng. Lê Hồng, mặt mũi sáng sủa, dễ thương, đã được một sĩ quan Tây bắt đeo chiếc máy truyền tin đi theo ông ta. Họ tới bến đò để rút đi thì thả hết dân làng. Chỉ trừ Lê Hồng. Có lẽ ông Tây quên thả anh. Hay ông ta muốn bắt đi theo. Hồng không dám bỏ máy truyền tin xuống và cứ ngoan ngoãn đi theo ông ta xuống tầu máy. Thế là anh đã phải lìa xa gia đình, bắt đầu cuộc sống cô nhi. Về tới Hà Nội, người sĩ quan Pháp không có điều kiện để giữ anh bên cạnh trong doanh trại. Quá nhỏ để tuyển mộ anh thành lính. Ông ta bèn giao cho một vị đại úy người Việt trong đơn vị. Họ đã cho anh vào quy chế "trợ chiến quân" (supplétif), không có số quân và anh phục vụ cho đơn vị "cảm tử quân" (commando) của ông ta. Tại hậu cứ, anh được học về truyền tin tín hiệu (morse). Với bản tính thông minh, anh học rất tiến bộ và chỉ sau vài tháng đã trở nên một chú "lính" truyền tin rất giỏi. Anh gửi và nhận công điện tiếng Việt cũng như tiếng Pháp rất thành thạo, không bị lỗi, bằng cần đánh đơn cũng như cần đánh kép. Tuy tiếng Pháp anh không hiểu gì, nhưng nghe sao chép vậy, rất được cấp chỉ huy thưởng thức. Anh thường được cử theo các toán biệt kích của commando nhẩy vào vùng địch. Đặc biệt, anh đã nhiều lần nhẩy xuống Hòn Mê, ngoài khơi Thanh Hoá, Nghệ An để theo dõi hoạt động vận chuyển của Việt Minh trên vùng ven biển Liên Khu 4. Anh kể, có lần phải nằm cả tháng. Lắm lúc hết lương không tiếp tế được, cũng cực khổ lắm.
Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước và quân đội viễn chính Pháp phải rút khỏi Việt Nam. Các đơn vị thuộc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam (QĐQGVN) còn đặt dưới quyền người Pháp được bàn giao cho các sĩ quan Việt Nam chỉ huy. Các đơn vị do quân đội Pháp thành lập hầu đáp ứng chiến trường Đông Dương được hoặc là chuyển sang Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, hoặc là giải tán; các quân nhân trực thuộc có thể giải ngũ ở lại, hay tiếp tục tại ngũ và đi theo đoàn quân viễn chính về Pháp. Đơn vị commando của Lê Hồng được chuyển về Tiểu Đoàn 3 Nhẩy Dù Việt Nam (3ème BPVN : Troisième Bataillon Parachutiste Vietnamien, sau chỉ gọi là TĐ3ND), lúc đó do Đại Úy Phan Trọng Trinh vừa tiếp nhận quyền chỉ huy từ người Pháp. Lê Hồng không muốn giải ngũ, cũng không thích đi theo quân viễn chinh Pháp. Anh ở lại TĐ3ND.
Quân đội QGVN không có "quân trợ chiến". Lê Hồng thì năm 1955 mới được 17 tuổi, chưa đủ tuổi đăng lính. Rời quê Hà Tĩnh, ra Hà Nội, rồi vào Nam, Lê Hồng không có ai là thân nhân ruột thịt, ngoại trừ gia đình vị đại úy cùng đơn vị khi xưa. Lê Hồng đã phải trải qua gần một năm là "chú lính" không số quân trong trung đội truyền tin thuộc Đại Đội 30, Đại Đội Chỉ Huy Yểm Trợ của TĐ3ND. Hồng được cái may mắn là vị đại đội trưởng rất thương anh và mến tài anh, nên mới được ở lại tiểu đoàn. Phải chờ đến năm 1956 anh mới trở thành binh nhì Lê Hồng, có số quân, thuộc quân số chính thức của tiểu đoàn và có lương tháng. Lúc đó, anh là người lính nhỏ tuổi nhất, cấp bậc thấp nhất tiểu đoàn, "đơ dèm cùi bắp".
Quyết chí vươn lên
Được sự khuyến khích của gia đình vị đại úy mà anh coi như cha mẹ nuôi và của ông đại đội trưởng, với ý chí cố gắng vươn lên, Lê Hồng đã mua sách vở để tự học ngoài những giờ canh gác, công tác, tạp dịch. Mục tiêu của anh vào lúc đó là phải thi đậu bằng trung học đệ nhất cấp. Thời giờ dành cho việc học của anh rất hạn chế vì công tác rất nhiều. Lúc hành quân, lúc ứng chiến, lúc trực gác... Thêm vào đó, sự ganh ghét của người hạ sĩ quan trung đội trưởng của anh cũng gây không ít khó khăn cho anh. Vì vậy, anh đã phải kiên trì 4 năm mới thi đậu, trước cuộc đảo chánh 11/11/1960. Sau đó, với sự giúp đỡ của đại đội trưởng, anh đã được gửi đi học khóa hạ sĩ quan tại Nha Trang. Ra trường với cấp bậc trung sĩ, anh trở về TĐ3ND và tiếp tục phục vụ trong ban truyền tin tiểu đoàn.
Không bằng lòng an phận với sự thành công vừa đạt được, Lê Hồng đã quyết chí tiếp tục tự học để thi tú tài. Vào thời điểm này chiến sự đã bắt đầu tái diễn sau một khoảng thời gian thái bình do Hiệp Định Genève quy định. Các thành phần cộng sản được cài lại Miền Nam đã hoạt động trở lại với những vụ ám sát, khủng bố. Một vài trận đánh quy mô đã xảy ra gây thiệt hại đáng kể cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Liên Đoàn Nhẩy Dù đã được điều động để tiếp viện trong nhiều trận chiến. Vì vậy, TĐ3ND luôn bị đặt trong tình trạng báo động, ứng chiến. Do đó, việc học hành của Lê Hồng cũng gặp nhiều khó khăn hơn trước đây nhiều. Có lắm khi, cả tháng trời không đụng đến sách vở. Nhưng khi về đến hậu cứ, là anh lại miệt mài đèn sách. Anh vẫn gặp một số khó khăn đến từ viên hạ sĩ quan trung đội trưởng truyền tin, không muốn anh học hành. Bất chấp, anh vẫn không nản lòng. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Năm 1963, anh đã đậu Tú Tài I.
Theo quy chế QLVNCH, các hạ sĩ quan có một số năm thâm niên cấp bực và thâm niên quân vụ, nếu có bằng tú tài I, có thể nộp đơn theo học các khóa sĩ quan đặc biệt tại Nha Trang. Lê Hồng đã được may mắn gửi đi khóa sĩ quan đặc biệt này. Tốt nghiệp khóa học, với cấp bậc chuẩn úy, anh trở về phục vụ tại TĐ3ND với tư cách sĩ quan phụ tá Ban 3 (Hành quân & Quân huấn).
Chiến trận ngày càng ác liệt và TĐ3ND đã phải liên tục hành quân. Liên Đoàn Nhẩy Dù (LĐND) trong thời gian này cũng đã trở thành Lữ Đoàn Nhẩy Đoàn Nhẩy Dù rồi Sư Đoàn Nhẩy Dù (SĐND) với sự thành lập TĐ2ND và TĐ11ND. Với các công trận của tiểu đoàn vào năm 1966, Lê Hồng được vinh thăng trung uý. Và đó cũng là thời điểm chúng tôi gặp nhau.
Sát cánh bên nhau trên từng trận địa
Sau 4 ngày đóng quân tại Sịa, thời gian hơn 2 năm tôi phục vụ tại TĐ3ND là thời gian tiểu đoàn tham dự hơn 20 trận lớn nhỏ với những chiến tích lẫy lừng. Trận đầu tay của tôi là cuộc hành quân Lam Sơn 54 tại vùng Phi Quân Sự, bờ Nam sông Bến Hải. Đây là một trận lớn. Năm ngày đêm liên tục TĐ3ND đụng với 3 tiểu đoàn địch. Tôi đã hết sức vất vả để săn sóc thương binh với sự giúp sức đắc lực của Lê Hồng. Sự bình tĩnh của anh, của ông Tiểu Đoàn Trưởng và của anh em binh sĩ đã trấn an tôi, một ông bác sĩ mới ra trường, đáo nhận đơn vị chưa được một tuần. Sau trận đó đến Lam Sơn 63 ở Chợ Cạn, phía Nam Quảng Trị. Và rồi Đaktô, đồi 1416, Tết Mậu Thân ở Xóm Mới, Kho Đạn, An Phú Đông, Khe Sanh, Ashao, Thiện Ngôn, Bình Nhâm, An Sơn, Trảng Lớn, Bến Cát, Khu Tam Giác Sắt vv... Cờ tiểu đoàn trong thời gian tôi ở TĐ3ND đã được gắn thêm 3 anh dũng bội tinh với nhành dương liễu và quân nhân tiểu đoàn đã được vinh dự mang dây biểu chương mầu Tam Hợp. Phần lớn anh dũng bội tinh cá nhân của tôi, trong đó có 1 nhành dương liễu, đều được gắn tại TĐ3ND. Ngoại trừ huy chương Bronze Star with V device tôi được gắn cùng ngày với Lê Hồng, về cấp bậc, từ đại úy đến trung tá, Lê Hồng đều lên lon trước tôi 6 tháng.
Tôi rời TĐ3ND, tháng 9/1969, về Bệnh Viện Đỗ Vinh và rồi làm Đại Đội Trưởng Đại Đội I Quân Y, trong lúc Lê Hồng vẫn còn ở TĐ3ND. Tuy không còn cùng nhau lặn lội theo tiểu đoàn trên các chiến trường, nhưng chúng tôi và hai gia đình vẫn giữ liên lạc và thân tình. Chị Lê Hồng là mẹ đỡ đầu của con gái tôi sinh tháng 12 năm 1968 lúc Tiểu Đoàn đang hành quân tại vùng Bình Nhâm, An Sơn, Bến Cát. Năm 1970-71, trong lúc tôi đang du học tại Hoa Kỳ thì SĐND tham dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào. Theo lời kể của bác sĩ Đường Thiện Đồng, lúc đó là Y Sĩ Trưởng TĐ3ND, thì khi căn cứ bị tràn ngập, Lê Hồng đã gọi pháo binh bắn lên đầu mình. BS Đồng phải kéo người lính mang máy chạy xuống đồi làm đứt dây ống nói, Lê Hồng mới chịu rời vị trí chạy xuống. Nghe kể, tôi không ngạc nhiên vì Lê Hồng là con người như thế. Sống chết với đơn vị. Thà chết vinh hơn sống nhục.
Mùa Hè Đỏ Lửa, lúc tôi lên làm Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn Quân Y thì Lê Hồng cũng được cử làm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1ND. Sư Đoàn đã có mặt trên cả 3 chiến trường ác liệt nhất là Kon Tum, An Lộc và Quảng Trị. Mỗi lần tiếp nhận thương binh TĐ1ND, tôi đều hỏi tin tức về Lê Hồng. Tại chiến trường Quảng Trị, tiểu đoàn của Lê Hồng đã có 2 chiến tích đáng ghi nhớ là tái chiếm quận lỵ Mai Lĩnh. Hình ảnh người lính TĐ1ND phất lá cờ vàng ba sọc đỏ trên nóc quận đường đã khiến cho bài hát "Cờ Bay, Cờ Bay..." mang nhiều ý nghĩa hào hùng và xúc động. Chiến công thứ nhì là Tiểu Đoàn của Lê Hồng đã chiếm gọn một trận địa pháo phòng không gồm hơn 100 khẩu cao xạ hạng nặng trong vùng rừng núi phía nam tỉnh lỵ Quảng Trị. Chiến công này không những khiến không quân ta vui mừng mà cả SĐND đều phấn khởi. Nó tránh cho bên ta những tổn thất nặng nề, đồng thời gây thiệt hại mang tầm chiến lược cho quân địch.
Trận chiến tái chiếm Cổ Thành tạm ổn thì Việt Cộng huy động đại lực lượng mở mũi tiến công vào Đà Nẵng. Chúng đã chiếm quận Thượng Đức. Tháng 8/1974, Sư Đoàn được điều động tức tốc rời căn cứ Hiệp Khánh ở cây số 17, Thừa Thiên - Huế về căn cứ Non Nước ở Đà Nẵng. Nhiều tiểu đoàn nhẩy dù đã mở các đợt tấn công chiếm cứ cao điểm 1062. Thiệt hại đôi bên rất nặng. Nhưng SĐND đã bẻ gẫy được mũi tấn công của Việt Cộng vào Đà Nẵng. Trong trận này, Lê Hồng đã được vinh thăng Trung Tá và được cử làm Lữ Đoàn Phó Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù.Tình hình chiến sự và chính trị lúc đó diễn biến phức tạp. SĐND được lệnh rút bằng đường thủy về bảo vệ thủ đô. Tới ngang Nha Trang, để tiếp ứng cho cuộc "rút quân chiến lược" từ Vùng II Chiến Thuật, LĐ3ND đã được lệnh đổ bộ lên Nha trang và thiết lập nút chặn tại đèo M'Rac, phía Tây Nha Trang. Sau đó, LĐ2ND lại bị điều ra Phan Rang để án ngữ. Các đơn vị Nhẩy Dù đã chịu tổn thất nặng nề trong các quyết định này. Tại Vùng Thủ Đô chỉ còn LĐ4ND tân lập án ngữ và phòng thủ. LĐ1ND đang hành quân ở Long Khánh cũng được lệnh rút về Gò Công.
Những lời từ biệt.
10 giờ sáng ngày 29/04/1975, lúc tôi đang ở trong Trung Tâm Hành Quân SĐND, sau khi toàn thể Bộ Chỉ Huy SĐND đã biến dạng, tôi vào tần số LĐ1ND và đã trực tiếp với Lê Hồng. Hồng ngỏ ý muốn kéo quân về. Tôi thấy là vô ích vì BCH/SĐND đâu còn ai. Tôi nói lời giã biệt với Lê Hồng. Tôi cho Hồng biết là mấy ngày trước tôi đã thề trước cờ và trước hàng quân là sẽ ở lại với đơn vị cho đến giờ phút cuối. Đơn vị của Lê Hồng đang ở xung quanh anh. Anh có nhiệm vụ ở với họ và chỉ huy họ đến giờ phút cuối. Tôi mong anh có ngày dẫn quân về trả thù cho chúng tôi, nếu chúng tôi sa vào tay giặc hay bị giặc bắt giết. Những tiếng nói nghẹn ngào nuốt lệ chưa dứt thì từng tràng pháo địch rơi vào khuôn viên Trại Hoàng Hoa Thám. Tôi dặn với:
- Bye Bye Hồng Vân. Đi đi.
Và tôi cúp máy.
---- oOo ----
Sau 3 năm tù cải tạo, tôi được thả và người đầu tiên tôi tới thăm là gia đình Lê Hồng. Tôi đã gặp chị Hồng và các cháu. Chị sống cùng với bà cụ thân sinh. Tôi hỏi thăm thì chị cho biết cũng không có thư từ gì của anh. Lúc đó là vào năm 1978, CSVN đang tiến hành trả thù những người thuộc chế độ cũ với chính sách cưỡng bách đầy ải gia đình "ngụy quân, ngụy quyền" đi các vùng Kinh Tế Mới. Cũng trong thời điểm này, chúng tiến hành đợt "đánh tư sản mại bản". Có thể nói thời điểm này là thời điểm đen tối nhất của nhân dân Miền Nam nói chung và gia đình quân cán chính VNCH nói riêng.
Mọi người đều ở trong tình trạng nghèo khó, không ai giúp ai được. Thấy chị Hồng một nách 6 đứa con, làm giáo viên dậy học, tháng được dăm sáu chục đồng mà rớt nước mắt. Ngẫm lại tình cảnh nhà mình cũng không khá gì hơn. Có cái là mình đã được về đoàn tụ với vợ con. Còn chị Hồng thì vẫn tiếp tục, một mình xoay trở... Tình trạng thảm thương, nhưng chị Hồng vẫn luôn tin tưởng vào một ngày mai sáng lạn. Phải chăng niềm tin này xuất phát từ Đức Tin Công Giáo của chị ? Anh chị Lê Hồng là những kitô hữu rất thuần thành giữ đạo. Chị hy vọng một ngày sẽ được anh Hồng bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Tôi thầm nghĩ, như vậy, có khi chị còn hên hơn mình vì anh Hồng đang ở Mỹ, nên cơ hội rời khỏi địa ngục cộng sản này có nhiều hơn tôi. Tôi không có ai thân thuộc ở nước ngoài. Chắc phải tự vượt biên rồi mới bảo lãnh được vợ con...
Và kế hoạch vượt biên của tôi đã được thực hiện vào đúng ngày 30/04/1980. Ghe bị 3 lần cướp, nên khi đến Thái Lan, chỉ còn nhớ địa chỉ nhà mình. Vào trại Songkhla, tôi gặp được nhiều bạn bè, một số gốc nhẩy dù như tôi. Bỗng một hôm tôi nhận được thư của Lê Hồng. Mừng quá. Hồng muốn tôi gửi hồ sơ cá nhân để làm thủ tục bảo lãnh sang Mỹ. Tôi viết thư dài trả lời, thông báo tin tức gia đình cho Hồng và tỏ ý muốn đi Pháp, tiện lợi hơn. Tuy thời gian ở trại chỉ hơn 2 tháng, tôi và Lê Hồng đã trao đổi bốn năm lá thư. Tình chiến hữu vẫn khắng khít như hôm nào. Những chuyện tâm huyết về đất nước, không thư nào là không có đề cập.
Tới Pháp vào giữa tháng 7/1980, một mặt lo giấy tờ định cư, một mặt tìm cách gửi tiếp tế về cho gia đình: nhưng tối nào cũng lấy thư Lê Hồng ra đọc rồi trả lời. Lê Hồng đề cập đến lý tưởng phải "Giải Phóng Việt Nam" khỏi gông cùm cộng sản. Tôi cũng đồng ý và vẫn nuôi lý tưởng đó. Trong một thư sau, Hồng đề cập đến Lực Lượng Quân Dân Hải Ngoại và mời tham gia. Tôi nhận lời và đã điền đơn gửi cho Lê Hồng. Thế là Lê Hồng trước năm 1975 đã là chiến hữu của tôi trong SĐND thì nay tôi lại tiếp tục là chiến hữu của Lê Hồng trong Lực Lượng Quân Dân và Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam (MTQGTNGPVN).
Lê Hồng thường xuyên gửi cho tôi tài liệu và báo Cờ Vàng. Tôi cảm thấy ngày càng lạc quan và tin tưởng vào công cuộc đấu tranh mới: "Đấu tranh giải phóng" khác hẳn với chiến tranh quy ước hay chiến tranh du kích. Tôi hoàn toàn đồng ý với lối đánh mới: "Đấu Tranh Vận Dụng". Thực chất, theo nhận xét và kinh nghiệm chiến đấu của cá nhân tôi, mọi hình thức chiến tranh cổ điển đều không hữu hiệu đối với cộng sản. Nhưng ở vào thời điểm năm 1980 là lúc mà CSVN và cộng sản quốc tế đang ở thế mạnh tột đỉnh, những hình thức đấu tranh vận dụng không mang tính thuyết phục đối với cả người Việt Nam lẫn người ngoại quốc. Vì thế nên tôi rất đồng ý với quan niệm chiến lược thứ ba của Mặt Trận là "Kết hợp đấu tranh vận dụng và đấu tranh võ trang, mà đấu tranh vận dụng là chính".
Chính để thực hiện quan niệm chiến lược này, Mặt Trận đã quyết định về vùng biên giới Thái-Lào để thiết lập Khu Chiến để huấn luyện các Kháng Chiến Quân (KCQ) cho một trận thế mới. Lê Hồng đã tháp tùng Chiến hữu Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh và một số chiến hữu tiên phong trở về thành lập khu chiến. Hay tin này, tôi thèm được như Lê Hồng để cùng anh tiếp tục trong cuộc chiến mới đầy chính nghĩa này. Hình ảnh buổi Lễ Công Bố Cương Lĩnh MTQGTNGPVN đã được đưa ra hải ngoại. Tôi và các chiến hữu trong cơ sở tại Paris đã say sưa theo dõi. Tôi đã nghe lại được giọng nói đanh thép, thân quen của Lê Hồng, tức Chiến Hữu Đặng Quốc Hiền, Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến: "Chúng ta không được đòi hỏi phải có cái này, phải có cái kia. Có thì quý, không có thì thôi. Điều phải duy nhất là phải giải phóng Việt Nam".
Sau Lễ Công Bố Cương Lĩnh, thỉnh thoảng Lê Hồng có viết thư thăm tôi và chia sẻ tâm sự của kẻ trong khu chiến, người ngoài bốn phương. Tôi biết Lê hồng đang nỗ lực hết mình để xây dựng đoàn Kháng Chiến Quân. Tôi không thể thờ ơ được. Vì thế tôi cũng ngày đêm lặn lội trên khắp Âu Châu để đi phát triển đoàn viên, xây dựng cơ sở, vận động đồng bào yểm trợ Kháng Chiến, đồng thời đi thuyết trình với chính giới, các trường đại học, các tổ chức chống cộng về chế độ bạo quyền phi nhân của cộng sản tại Việt Nam cũng như những nỗ lực của nhân dân Việt Nam nhằm giải phóng đất nước khỏi gông cùm cộng sản.
Đại Hội Chính Nghĩa năm 1983, tôi đã về dự tại Washington DC với hy vọng được gặp Lê hồng. Nhưng Lê Hồng không ra. Chiến Hữu Chủ Tịch cho biết Chiến Hữu Đặng Quốc Hiền phải ở lại phòng thủ chiến khu. Tôi hơi buồn, nhưng hiểu được nhiệm vụ là cái gì quan trọng nhất đời đối với Lê Hồng. Tinh thần kỷ luật và ý thức trách nhiệm của Lê Hồng đáng là tấm gương sáng cho tôi và nhiều anh chị em chiến hữu chúng tôi noi theo.
30/04/1984, Mặt Trận quyết định đưa Lê Hồng ra công tác Hải Ngoại. Những tưởng anh sẽ có thể đi một vòng tại Âu Châu. Nhưng rốt cuộc thì cũng không được. Tôi được Mặt Trận yêu cầu mời một vị tướng lãnh Pháp sang dự buổi lễ được tổ chức tại California. Tôi đã tìm được thiếu tướng Meyer, vị tướng sáng lập binh chủng "commando nhẩy dù" của Pháp sau Đệ Nhị Thế Chiến. Ông có tham chiến tại Đông Dương và có biết đến đơn vị commando của Lê Hồng khi xưa. Nghe nói đến một người lính cũ của ông, nay là tướng Tư Lệnh Lực Lượng Võ Trang Kháng Chiến, ông vui vẻ nhận lời. Và ông đã có mặt, trao đổi với Lê Hồng những vấn đề về chiến tranh du kích, về chiến tranh commando. Lúc trở về Pháp, gặp tôi, ông rất hãnh diện gặp được một "vị anh hùng" Việt Nam (theo lời ông nói). Nhân dịp này Lê Hồng đã được phép về thăm gia đình mới được bốc sang Hoa Kỳ. Trước khi trở về khu chiến, anh đã gọi điện thoại cho tôi. Trong suốt 30 phút chuyện trò, tâm sự, anh cho tôi biết, được nghe báo cáo những công tác chúng tôi đã tiến hành tại Âu Châu. Tôi cho anh biết là chúng tôi mới phát động chiến dịch "một kí gạo nuôi kháng chiến quân" nhằm vận động đồng bào quyên góp mỗi người ít là 1 kí gạo để tiếp vận kháng chiến. Lê Hồng rất mừng và cho biết, anh em KCQ rất cần tiếp vận từ hải ngoại: nhưng anh em cũng khắc phục tăng gia để đỡ gánh nặng cho hải ngoại.
Theo dõi tin tức của cộng sản và FBIS của Mỹ viết về trận Hạ Lào tháng 8/1987, tôi và anh chị em nghĩ nhiều đến âm mưu tuyên truyền của địch. Về phần tôi, thì tôi tin chắc là Việt Cộng tuyên truyền vì trong trận chiến này, chúng kể tên nhiều chiến hữu, duy chỉ có tên Lê Hồng là không có. Không thể có chuyện vị Tư Lệnh lại không ở bên cạnh ông Chủ Tịch. Với tư cách là người lãnh đạo Mặt Trận tại Âu Châu và Ủy Viên Trung Ương Đảng Việt Tân, tôi được biết là Tổ Chức đã có quyết định chỉ công bố những tổn thất khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Muốn thay đổi quyết định này, cần phải có đại đa số Trung Ương Đảng biểu quyết.
Trong suốt thời gian từ 1987 đến năm1999, Việt Tân đã nỗ lực thu thập tin tức và những dữ kiện về các tổn thất trong trận Hạ Lào. Năm 1989, tôi đã trở về Khu Chiến trong một chương trình huấn luyện Quân Y và đã có dịp gặp mặt và thảo luận với Chiến Hữu Ngô Chí Dũng. Chính Chiến Hữu Ngô Chí Dũng cũng không tin vào những nguồn tin của Việt Cộng.
Tháng 8/2001, sau khi có đầy đủ bằng chứng và có Quyết Định mới của Trung Ương Đảng, Tổ Chức đã chính thức công bố các tổn thất của Việt Tân. Riêng trường hợp Lê Hồng, anh đã mất vì bạo bệnh ngày 1/5/1985. Theo lời kể lại của các KCQ ở gần cận anh thì vào lúc đó, Chiến Hữu Chủ Tịch phải đi công tác ở hải ngoại. Chiến hữu Đặng Quốc Hiền bị sốt rét ác tính. Anh từ chối đi bệnh viện để có mặt chỉ huy phòng thủ khu chiến. Đến khi bệnh tình trở nặng, anh bắt đầu bị hôn mê, anh em cán bộ quyết định đưa anh ra bệnh viện Thái Lan. Nhưng anh đã qua đời và ngày 1/5/1985. Anh được hỏa thiêu và tro cốt đã do chiến hữu Nguyễn Kim, Chủ Tịch Đảng và tôi trao lại tận tay cho chị Lê Hồng.
Nhớ về người chiến hữu
Lê Hồng không ngã gục trên trận địa vì đạn thù. Nhưng anh cũng không phải là người đã chết trên giường bệnh gần vợ, gần con. Anh chết trong lúc thi hành nhiệm vụ. Anh chết cho sự nghiệp giải phóng Tổ Quốc. Anh chết trong vùng chiến khu. Nhớ lại bài thơ "Chết" của vị Anh Hùng Dân Tộc Phan Bội Châu, anh quả thực đã chết cho quê hương xứ sở. Cái chết của anh đáng lưu danh sử sách...
Ngày hôm nay, hồi tưởng những kỷ niệm xưa để viết về anh, tôi không sao quên được vóc dáng thư sinh, nụ cười tươi trẻ, ánh mắt cương nghị... Tôi có cảm tưởng anh đang ngồi bên tôi để nhắc tôi những chi tiết mà thời gian đã bôi nhòa trong trí nhớ. Hồng Vân ơi, không bút nào viết hết những cảm tình sâu đậm giữa anh và tôi, người chiến hữu của tôi trước và sau 1975.
Posted by NGUYỆT-SAN VIỆT-NAM at 19:44

No comments:

Post a Comment