Monday, May 20, 2019

Nhật ký sau giải phóng (3)
Truyện dịch - Sách dịch Tháng Năm 8, 2015 - Phan Ba's Blog
Phan Ba trích dịch từ “Nach der Befreiung – Damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht” (“Sau giải phóng – để các người biết rằng cuộc sống vẫn tiếp tục)
Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên Dinh Độc Lập
01/05/1975
Bắt đầu từ ngày hôm qua, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, một ngôi sao vàng trên nền đỏ xanh, đã bay trên dinh Độc Lập, nơi mà các tổng thống của chế độ cũ đã cư ngụ trong hai thập niên qua.
Cũng như không ai tin rằng nó sẽ diễn ra nhanh như vậy vào lúc cuộc tổng tấn công bắt đầu. Thế nhưng hệ thống cũ đã đổ sụp xuống như một ngôi nhà xếp bằng lá bài, sau khi các lãnh tụ chính trị và nhân viên thân cận của họ rời bỏ đất nước. Ngày cuối cùng, ngày 30 tháng Tư, là một ngày khắc nghiệt cho toàn Sài Gòn. Quy mô các trận đánh không lớn lắm, nhưng sự căng thẳng về tinh thần thì lên đến đỉnh điểm. Với quân đội cách mạng trước cửa ngõ thành phố, ông tổng thống mới nhậm chức thậm chí còn không có thời gian để bổ nhiệm nội các và thành lập chính phủ. Ông chỉ còn có thể tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tin này được phát qua radio vào lúc trưa ngày 30 tháng Tư. Lúc đó nó còn chưa là “đầu hàng vô điều kiện”, mà là “ngưng bắn”. Thế nhưng người ta biết rõ rằng chẳng có gì để mà thương lượng cả.
Những giây phút cuối cùng của lá cờ vàng
Khi tin báo chấm dứt chiến tranh đến qua radio, phần lớn người dân đều mừng rỡ. Sự hồi hộp biến mất, và con người ôm chầm lấy nhau. Cả trong Trung Tâm, những gương mặt cũng rạng rỡ lên. Ngay cả những người lúc nào cũng biểu lộ sự sợ hãi trước một chế độ cộng sản rõ ràng bây giờ cũng chấp nhận rằng họ vẫn có thể sống được dưới chế độ này. Tôi cảnh báo những người trong Trung Tâm: Trận đánh vẫn còn chưa chấm dứt. Có ai đó đã nói rằng những người chết cuối cùng của một cuộc chiến mới là những sự điên rồ to lớn nhất. Nhưng rõ ràng là còn có nhiều lắm. Tôi không quên đợt tấn công bằng máy bay của Phó Đô đốc Kỳ lên phi trường. Thật sự thì vẫn nghe được liên tục tiếng nổ của hỏa tiển, đạn pháo binh và súng máy. Hệ thống cũ đang giãy chết, nhưng nó vẫn còn chưa chết. Qua khe cửa của Trung Tâm, người ta có thể quan sát thấy hàng đám người đang hôi của trong một hộp đêm Mỹ ở kế bên và trên thực tế là đã lấy đi tất cả những gì có thể lấy đi được – ngay cả những thanh ván của kết cấu mái nhà. Tôi nghĩ rằng những người bị tước đoạt bây giờ lấy lại những gì mà người bóc lột đã cướp đi từ họ. Thế nhưng phương pháp này chắc chắn là tư sản. Những người hôi của mạnh nhất cũng là những người thành công nhiều nhất. Cả Tổng thống Minh lẫn chính phủ cách mạng đều cấm ngặt việc cướp bóc hôi của. Thế nhưng cả hai quyền lực này cho tới nay vẫn chưa thể đứng vững được. Tôi nhìn thấy người ta vác giường bệnh đi dọc theo trên đường Cách Mạng. Sau đó tôi mới biết, Adventist Hospital, trước đây là bệnh viện của quân đội Mỹ ở Sài Gòn, đã bị hôi của và phá hủy toàn bộ trong những giờ phút này. Không còn có quyền lực nào nữa, sau khi các bác sĩ và nhân viên quản lý Mỹ được di tản bằng trực thăng vào phút cuối. Người ta không chuẩn bị đầy đủ cho lần bàn giao sang cho người Việt.
Bây giờ tiếng súng nổ càng lúc càng đến gần hơn. Tôi ở lại trong Trung Tâm, vì sau khi tuyên bố ngưng bắn đã xuất hiện một khoảng thời gian vô chính phủ mà chuyến đi trở về nhà trong thời gian đó có thể nguy hiểm tới tính mạng. Quân lính chế độ cũ của Thiệu đứng trước cánh cửa luôn luôn đóng kín của Trung Tâm và muốn vào hôi của. Chúng tôi có thể thuyết phục được họ, rằng có người sống ở đây và ngôi nhà này không bị bỏ trống. Vì vậy mà họ đã bỏ đi.
Mặt trận chậm chạp kéo đi dọc theo đường Cách Mạng về hướng Trung Tâm. Hiện giờ thì chúng tôi đã phân biệt được tiếng súng sắc nhọn của MTGP với tiếng súng của chế độ cũ đang chấm dứt. Đạn rớt ầm ầm xuống mái nhà của Trung Tâm. Chúng tôi vào các gian phòng để ẩn nấp. Khi cả tiếng súng đại bác cũng to lên tới mức không thể chịu đựng được nữa, mệnh lệnh được đưa ra là ngay lập tức phải di tản tất cả trẻ em xuống hầm. Ở đó, chúng tôi có hai người khách đặc biệt. Một người là người thầy dạy cho các em trai quá cảnh loại võ Vovinam và bình thường thì là lính. Ông, không còn súng ống nữa, đã chạy trốn bằng Honda vào Trung Tâm an toàn của Terre Des Hommes, để tuân theo lời kêu gọi từ bỏ chiến đấu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ông thay quần áo trong Trung Tâm và lẫn vào trong đám đông tẻ con, nhân viên và người nhà của họ. Người thứ nhì là Hue Phat, một giờ trước đó đã đến đây với chiếc xe buýt nhỏ mang hàng chữ “Chào Hòa Bình” và sau đó muốn tiếp tục đến thăm những người bạn khác. Ông đã công khai biểu lộ niềm vui mừng quá sớm. Quân lính của chế độ cũ – đang trên đường rút lui – đã bắn vào chiếc xe và Hue Nhat đã trúng đạn sượt qua ở bụng và tay. Ngay cả trong Trung Tâm, sau lần tuyên bố ngưng bắn, chúng tôi đã gởi hai xe với y tá, nhân viên làm việc xã hội và thuốc men đi, để gom những người bị thương lại và mang vào bệnh viện. Chiếc đầu tiên đã quay lại ngay sau đó. Thế nhưng chiếc thứ nhì vẫn còn chưa trở về trong lúc có bắn nhau dữ dội ở trong vùng của chúng tôi. Tôi rất lo lắng cho nhóm này.
Cuối cùng họ cũng trở về, khi người dân từ trong nhà và những nơi ẩn náu đổ trở ra các con đường chính. Tôi rất cẩn thận cho tới thời điểm này, vì không muốn lâm vào tình thế nguy hiểm là bị nhầm lẫn với một người lính Mỹ. Nhưng bây giờ thì tôi cũng bước ra khỏi Trung Tâm. Đã rõ: quận Phú Nhuận ở gần phi trường đã bị chiếm. Xe tăng và xe tải của Mặt trận Dân tộc Giải phóng với những lá cờ mà tôi đã nhìn thấy nhiều lần ở châu Âu như là biểu tượng cho cuộc đấu tranh của Thế giới thứ Ba chống lại Chủ nghĩa Tân Đế Quốc, đang chạy chậm chậm qua đường phố. Người dân vẫy tay và chào mừng. Ít lâu sau đó, ở tại một góc đường cách Trung Tâm tròn 200 mét, có hai người lính Bắc Việt đứng với bộ quân phục đồng nhất đặc trưng của họ và không có quân hàm. Và tất cả những người nhìn thấy họ đều cho họ là đáng mến, thật thà và hơi ngây thơ với sự thích thú của họ đối với một thành phố lớn như thành phố Sài Gòn mà họ chưa từng bao giờ nhìn thấy.
Sài Gòn, ngày 30 tháng Tư. Hình: Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS
30 Apr 1975, Saigon, South Vietnam — North Vietnamese troops enter Saigon on tanks and trucks, ending the Vietnam War. — Image by © Jacques Pavlovsky/Sygma/CORBIS
Bác sĩ Ariel, người bác sĩ Pháp-Ấn của chúng tôi, không thể chia sẻ niềm vui và sự nhẹ nhỏm mà chúng tôi đã trải qua ở Phú Nhuận. Ông sống gần Dinh Tổng Thống và gần ngôi nhà riêng của Tổng thống Minh đã từ chức. Sau khi quận Phú Nhuận bị chiếm đóng, tôi gọi điện thoại cho ông, ông chỉ ở cách có ba ki-lô-mét, và nghe qua điện thoại của ông tiếng súng máy bắn dữ dội. Airel phải cúp máy. Nhà của ông bị quân lính chính phủ bắn, những người đang cố thủ trong một trường trung học nằm phía đối diện và vẫn còn không đầu hàng. Khi quân đội của Mặt trận Dân tộc Giải phóng phá được ổ kháng cự này thì suýt tí nữa Ariel đã bị quân đội cách mạng bắt giữ như là kẻ thù. Chỉ nhờ vào tài thuyết phục và sự giúp đỡ của láng giềng mà đã có thể tránh được một sự hiểu lầm.
Chúng tôi đi trở về nhà. Giới nghiêm vẫn còn có hiệu lực, nhưng chỉ vào đêm từ 18 giờ đến 6 giờ. Quy định mới của chính phủ, treo cờ trước nhà như là dấu hiệu của sự trung thành đối với chính quyền mới, khiến cho chúng tôi bận rộn vào chiều tối. Đêm của một giấc ngủ dài mà trong đó mọi tiếng súng đều im bặt, đã mang lại cho chúng tôi ngày 1 tháng Năm, ngày đầu tiên dưới chế độ của chính phủ cách mạng Nam Việt Nam.
Rõ ràng là các nhà cách mạng, nhiều người trong số họ là con nhà nông, đã không nghĩ đến vấn đề điều khiển giao thông. Ý định của chúng tôi, làm quen nhiều hơn với chính phủ mới qua một chuyến đi quanh thành phố, sau năm phút đã mang chúng tôi vào trong một trận kẹt xe khổng lồ. Người dân trên hàng ngàn chiếc Honda và ô tô đang đi trên đường phố, hoặc là từ cùng một ý định như chúng tôi, hoặc là cùng với toàn bộ đồ đạc trở về nhà của họ từ những nơi ẩn náu an toàn, hoặc là để trình diện ở nơi làm việc của họ theo lời yêu cầu của chính phủ. Cố gắng điều khiển giao thông là quân đội chính quy Bắc Việt, những người không quen biết Sài Gòn, cũng như thiếu niên địa phương có thiện cảm với họ, nhưng lại hoàn toàn không hiểu gì về điều khiển giao thông. Họ vung vẩy những khẩu súng có đeo băng đỏ của họ, và bắn lên trời khi hoàn toàn không có ai nghe theo họ.
Mặc cho sự hỗn loạn của giao thông, mà trong đó không có dấu hiệu giao thông nào còn hiệu lực và các con đường một chiều lúc trước luôn luôn được chạy theo chiều ngược lại, chúng tôi thấy tất cả mọi người đều rất lịch sự và tự kiềm chế, giống như người dân đã thay đổi một cái gì đó ở bản tính của họ chỉ qua một đêm. Chúng tôi tới được dinh Độc Lập, nơi mà một trại lính khổng lồ của Bắc Việt với xe tăng và pháo binh đã thành hình. Chúng tôi là những người xem hơi đặc biệt, vì con số người nước ngoài ở Sài Gòn hiện giờ đã giảm xuống chỉ còn một vài ngàn. Không còn ai nói “người Mỹ” nữa, mà phần lớn đều tin rằng chúng tôi là người Pháp, những người mà bây giờ được nhìn với ánh mắt tốt hơn. Chỉ có một lần là chúng tôi bị một người lính Bắc Việt xét hỏi. Đó là trước nhà của Ariel, người mà chúng tôi cần phải đón.
30 Apr 1975, Saigon, South Vietnam --- North Vietnamese Arrive in Saigon --- Image by © Francoise de Mulder/CORBIS
Người Bắc Việt vào Sài Gòn ngày 30 tháng Tư 1975. Hình: Francoise de Mulder/CORBIS
Rõ ràng là chúng tôi đã nhìn quanh quá chăm chú. Những lỗ thủng của đạn bắn nhà của ông ấy và cả một người chết từ hôm qua vẫn còn nằm trên lể đường và không có ai mang đi. Đó là một người hôi của, đã bị quân đội cách mạng bắn chết ngay tại chỗ. Khi tôi thông báo quốc tịch Đức của tôi thì người lính đó, thuộc vào một nhóm trông có vẻ thật sự dữ tợn, an tâm.
Chúng tôi không có thời gian để lắng nghe những câu khẩu hiệu của các đoàn sinh viên đi biểu tình, và chỉ có thể vẫy tay chào những người tham gia. Chúng tôi trở về quá muộn, vì tôi đã dự định tổ chức một cuộc họp với những người có trách nhiệm của Trung Tâm vào lúc mười giờ. Cuộc họp này cho thấy các thành viên của Trung Tâm, kể cả những người thủ cựu, đã nhanh chóng thích hợp với tình hình mới ra sao. Chúng tôi quyết định tạm thời cứ tiếp tục tiến hành tất cả các chương trình như cũ, nhưng đồng thời mở rộng sự phục vụ y tế của chúng tôi, để làm giảm bớt sự khó khăn nhất thời của những người bệnh và bị thương. Đúng trong khoảnh khắc đó, chiếc ô tô đầu tiên của Mặt Trận Giải Phóng đi vào Trung Tâm. Một chiếc xe Hồng Thập Tự của Ủy ban Cách mạng Phú Nhuận, xin chúng tôi bông băng và dược phẩm – những thứ mà tất nhiên là họ cũng nhận được.
Rồi vào xế chiều, Trung Tâm cũng bị quân đội chính quy Bắc Việt chiếm đóng. Đầu tiên, một ủy viên của phòng chính trị đến và tham quan Trung Tâm, sau đó có thêm một nhóm nữa tới và hỏi liệu một vài người lính có thể ở trong Trung Tâm được không. Chúng tôi chấp nhận. Và chẳng bao lâu sau đó đã có một cuộc trao đổi sống động với nhân viên và những đứa bé. Tất cả những điều đó đã diễn ra khi tôi vắng mặt. Khi rồi tôi đến chào nhóm người đó, tôi cũng gặp một người trưởng nhóm thân thiện cũng như hết sức ngoại giao, người đưa ra lời khen chúng tôi nhiều hơn là câu hỏi. Ông giải thích cho chúng tôi, rằng bây giờ họ muốn làm quen với vùng này và muốn tìm kiếm những người chống lại hệ thống mới.
Điều thứ nhì làm cho chúng tôi hơi lo ngại, cũng như thông tin, rằng vào buổi sáng, bốn nhân viên của Tổng thống Thiệu đã bị xử tử công khai trước dinh. Mặc dù vậy, tôi yêu cầu tất cả các nhân viên của chúng tôi hãy giúp đỡ quân đội cách mạng với mọi khả năng và đừng biểu lộ nỗi lo sợ của họ về những gì còn có thể đến. Vào buổi tối, khi tôi gọi điện thoại thêm một lần nữa vào Trung Tâm thì rõ ràng là một bầu không khí tốt đã thành hình, không ai còn lộ vẻ lo sợ nữa, mặc dù phần lớn những con đường nhỏ trong khu lân cận của Trung Tâm đều bị quân đội chính quy và quân đội của MTGP chiếm đóng. Đến tối thì biết được tại sao. Cái khách sạn và nhà chứa Milan ở đối diện đã trở thành bộ chỉ huy quân sự địa phương cho khu phố của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng với sự tiếp xúc gẩn gũi như vậy thì chúng tôi ít phải lo sợ hơn là nằm trong sự vô danh.
LSV (s/t & g/th)

No comments:

Post a Comment