Saturday, February 16, 2019

Street Without Joy” "La Rue Sans Joie" “Con Đường Buồn Thiu”
Nguồn : :  https://caybut2.blogspot.com/2016/02/con-uong-buon-thiu-street-without-joy.html
Bản đồ này lấy từ sách Street Without Joy của Bernard Fall , in tại Đài Loan tháng 6/1968 
Ghi chú : ngoài bản đồ trên đây là của tôi , phần còn lại lấy từ nguồn trên . Cám ơn tác giả đã bỏ công dịch bài này , cũng từ sách đã kể . -- Tài Trần .
 photo ANN-53-61-R29_zpsylgrnqn9.jpg
Cuộc Hành Quân “Camargue” tại Quảng Trị năm 1953, lính Dù Quân Đội Pháp và lính Dù Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, truy lùng Việt Minh cộng sản.
OPÉRATION “CAMARGUE” EN CENTRE VIÊT-NAM, DANS LA RÉGION CÔTIÈRE DE QUANG TRI: LARGAGE D’UNITÉS PARACHUTISTES.


Tại sao có tên “Con Đường Buồn Thiu”?

“Con Đường Buồn Thiu” là một nơi nổi tiếng tàn ác của Việt Minh (VC), nơi có chiếc quan tài chở trên xe bị mìn bung nắp ra, lật nghiêng, hất thi hài người chết ra khỏi hòm) người chết hai lần. Đội du kích làng Phù Lễ đặt mìn bừa bãi ở đây để phá hoại bất cứ loại xe nào, dân sự hay quân sự, làm dân thường chết oan không ít.

Năm 1953, Bộ Tư Lệnh Cao Cấp Pháp tập trung các Lực Lượng Trừ Bị trong khu vực với cố gắng quét sạch một lần cho xong những đám du kích, phục kích, pháo kích bừa bãi của Việt Minh đe dọa nầy. Đồng thời, các đoàn xe “công voa” của quân Pháp bị thiệt hại nặng nề vì các cuộc phục kích và pháo kích của các đơn vị của Trung Đoàn 95. Đây là đơn vị quân Việt cộng thiện chiến thâm nhập vào phía sau phòng tuyến Pháp. Khi Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa phục kích tiêu diệt được toán du kích nầy, tình hình an ninh khá hơn nhiều. 

“Con Đường Buồn Thiu” ở đâu? Con Đường Buồn Thiu chính là con đường đất khoảng từ Vân Trình tới Diên Sanh. Ghe đi đò dọc, đi theo kinh Vân Trình nầy. “Con Đường Buồn Thiu” là Phò Trạch.

Vào Huế bằng đò dọc, theo sông Hiền Lương (Bến Hải) vào sông Đông Hà, đến An Cư thì vào sông Thạch Hãn, bọc qua chỗ cầu Sãi trên sông Vĩnh Định để vào Ba Bến, vào Ngô Xá, Trà Trì, Trà Lộc vào kinh Vân Trình, hết kinh Vân Trình qua làng Đại Lộc (thường nói trại là Đại Lược) vào phá Tam Giang để ngược lên Huế.


Con Đường Buồn Thiu” chính là con đường đất nầy (bản đồ Con đường buồn thiu), khoảng từ Vân Trình tới Diên Sanh.

Vào tháng 7 năm 1953, Bộ Tư Lệnh Cao Cấp Pháp quyết định tổ chức cuộc hành quân tên là “Camargue” tại “Con Đường Buồn Thiu” nầy để càn quét quân Việt Minh (tiền thân Việt cộng 'CSVN'), thực hiện những cuộc đổ bộ dọc theo bờ biển cát tại vùng Trung Việt, đồng thời có thêm hai đơn vị thiết giáp phối hợp hoạt động cũng như lực lượng Nhảy Dù làm hậu bị để khóa những con đường trốn chạy của Việt cộng sau khi vòng vây đã xiết chặt. Với một số:

- 1 Trung Đoàn bộ binh
- 2 Tiểu Đoàn nhảy dù
- 1 Trung Đoàn thiết giáp
- 1 Đơn vị hỏa xa bọc thép
- 4 Tiểu Đoàn pháo binh
- 34 (Ba mươi tư) máy bay chuyển vận
- 6 Máy bay trinh sát
- 24 Oanh tạc cơ và
- 12 Tàu hải quân, bao gồm ba tàu LST’s.

Lực lượng nầy chẳng kém gì lắm nếu so với tầm cỡ của những cuộc đổ bộ hồi Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai ở Thái Bình Dương. Lực lượng Cộng Sản rõ ràng chỉ có Trung Đoàn 95 và một ít đơn vị du kích địa phương, ít có cơ may thoát khỏi cuộc bao vây nầy.

Cuộc tấn công thực hiện bằng hai lực lượng đổ bộ, ba chiến đoàn bộ binh và một lực lượng nhảy dù, do tướng Leblanc chỉ huy tổng quát, mỗi cánh quân có một bộ chỉ huy đặc nhiệm do một đại tá cầm đầu.

Rạng đông ngày 28 tháng 7, Chiến Đoàn A đổ bộ vào bờ biển. Hai giờ sau, Chiến Đoàn B từ phía bắc tiến xuống phía nam đằng trước tuyến đổ bộ của Chiến Đoàn A. Vào lúc 7giờ 15, Chiến Đoàn C tiến dọc theo kinh Vân Trình để đẩy các đơn vị địch ở phía tây sông nầy phải ra sát bờ sông hoặc phải vượt qua sông. Chiến Đoàn B lưu ý phối hợp hoạt động với Chiến Đoàn D đổ bộ vào khu phía nam của Chiến Đoàn A, ở phía bắc bán đảo trên phá (Tam Giang).

Nếu được, Chiến Đoàn B sẽ đổ bộ sớm hơn, vào lúc 3 giờ sáng cho lực lượng thủy binh và 5 giờ cho lực lượng bộ binh, tiến lên phía bắc, xuyên qua bán đảo phía ngoài Phá Tam Giang để tạo một trận tuyến chung với Chiến Đoàn C càng sớm càng tốt. Hai Tiểu Đoàn Nhảy Dù làm lực lượng hậu bị chờ lệnh triển khai của bộ Tư Lệnh được đặt trong tình trạng ứng chiến. Đây là lực lượng quan trọng sẽ được đưa vào chiến trường để kết thúc trận đánh.

Thoạt nhìn, trận chiến có vẻ thành công. Xử dụng một lực lượng tổng cọng tới hơn ba mươi tiểu đoàn, gồm cả một lực lượng tương đương hai trung đoàn thiết giáp và hai trung đoàn pháo binh, cuộc hành quân dọc theo “Con Đường Buồn Thiu” chắc chắn là một trong những cuộc hành quân kinh khủng nhứt từng xẩy ra trên chiến trường Đông Dương. Tuy nhiên, về mặt khác, quân số kẻ thù cao lắm cũng chỉ có một trung đoàn bộ binh yếu kém. Sự kiện làm cho cuộc hành quân của Pháp gặp nhiều khó khăn là địa hình.

Từ bờ biển nhìn vào đất liền, khu vực hành quân tự nó có 7 vùng đất khác biệt nhau:
- Thứ nhứt là bờ biển, dài và phẳng, có những đồi cát, không có gì khó khăn lắm. Tuy nhiên, ngoài 100 mét bằng phẳng đó, tại nơi những đụn cát bắt đầu, độ cao thay đổi từ 15 đến 60 bộ, khó trèo lên được và những đụn cát nầy chấm dứt bên phía đất liền bằng nhiều mương rạch hoặc bờ đất đứng. Vài làng đánh cá dựng tạm trên các đồi cát chạy sâu vào hơn hai cây số.
- Tiếp đó là một khu vào sâu khoảng 800 mét, gồm bãi tha ma, chùa miễu rất thuận lợi cho quân phòng ngự.
- Tiếp đó nữa là “Con Đường Buồn Thiu” chạy dọc theo các ngôi làng nhỏ cách nhau khoảng bốn, năm chục mét.

Mỗi làng là một khung cảnh phức tạp, mỗi bề khoảng vài trăm thước bao bọc bằng những lũy tre, bụi bờ hoặc các hàng rào nhỏ làm cho máy bay rất khó quan sát. Trung Đoàn 95 đã bỏ ra hai năm để lập hệ thống phòng thủ cho các làng nầy và liên kết với nhau bằng một hệ thống địa đạo (nhiều lối chui lòn ăn thông trong lòng đất, các điểm chôn giấu vũ khí, trạm cứu thương. Không một cuộc tấn công đơn lẻ nào của các lực lượng lưu động lớn có thể khám phá hay tiêu diệt được. Khu vực nầy gồm hai chục cây số bề dài và ba trăm mét bề ngang, với những làng mạc như thế tạo thành trung tâm kháng chiến của quân Việt cộng Sản ở miền trung Việt Nam.

Về mặt khác, phía “Con Đường Buồn Thiu” là một dãy làng kém đặc sắc, mà trung tâm là làng Vân Trình. Ngược lại, khu nầy được che chở bằng một khu vực rộng lớn gồm những đầm lầy, hố cát, cát lún, kéo dài tới Quốc Lộ 1. Với bề ngang trung bình khoảng tám cây số, chiến xa và các loại xe có động cơ khác của quân đội Pháp không thể di chuyển được, ngoại trừ vài đoạn đường, dĩ nhiên ở đây chôn rất nhiều mìn. Nói một cách ngắn gọn, “Con Đường Buồn Thiu” là một hệ thống phòng thủ mà người Pháp quyết định đập tan bằng một cuộc tấn công phối hợp ba lực lượng: không quân, hải quân và bộ binh.

Quân Pháp còn gặp một khó khăn khác là những làng nầy còn có cư dân đang ở, họ là những nhóm nhỏ làm ruộng hoặc đánh cá. Ít ra, về mặt lý thuyết, số dân nầy được coi là “thân hữu”. Một ngày trước khi cuộc hành quân khai diễn, Bộ Chỉ Huy Cao Cấp ra lệnh cho tất cả các đơn vị phải có “thái độ nhân đạo” và tôn trọng người dân. Trước tiên, quân Pháp không được oanh tạc hay đốt làng. Lệnh nầy chắc chắn hạn chế hỏa lực, làm giảm hiệu năng của cuộc tấn công, đặc biệt khi tấn công vào các căn cứ Việt Minh.

Giờ H là rạng đông ngày 28 tháng 7 năm 1953. Các chiếc tàu LST ì ạch rời khỏi vị trí tập trung vào tối hôm trước, chạy suốt đêm để tới cho kịp vùng đổ bộ dọc theo bờ biển đối mặt với “Con Đường Buồn Thiu”. Cuộc đổ bộ bắt đầu lúc 4 giờ sáng, trong tiếng lách cách vũ khí cá nhân va chạm và tiếng máy tàu gầm rú. Các loại xe lội nước Crabs (cua) và Alligators (cá sấu) của đơn vị đổ bộ bắt đầu rời tàu chạy xuống nước.

Crabs và Alligators là hai biệt danh của loại xe lội nước do Mỹ chế tạo. Crabs là loại chuyển vận xa 29-C và Alligators là loại Thiết Vận Xa Đổ Bộ L.V.T. (Landing Vehicle, Tracked) 4 và 4 A. Như tên gọi, Crabs không bao giờ là loại xe dùng để tác chiến, nhưng người Pháp ở Đông Dương chẳng bao lâu khám phá ra rằng loại xe nầy có thể dùng để chuyển quân như một loại xe thủy bộ tại những vùng đầm lầy không có đường sá, đồng ruộng ở vùng đất thấp Việt Nam hay dọc các bờ biển.

Đầu tiên, loại xe nầy không trang bị vũ khí nên họ phải thiết trí vài loại vũ khí nhẹ, súng cối và chúng trở thành mục tiêu cho loại súng không giật của địch. Sự kiện nầy làm thay đổi chiến thuật, đến năm 1953, các đơn vị xe lội nước nầy trở thành đơn vị thiết giáp thường trực của quân Pháp ở Đông Dương. Đó là sự phối hợp giữa hai chi đoàn 33 xe Crabs cho mỗi đơn vị, dùng để thám thính và truy kích, ba chi đoàn xe Alligators (L.V.T. Landing Vehicle, Tracked) tạo thành lực lượng nòng cốt, do đó, chúng là những đơn vị thiết giáp vũ trang. Cuối cùng một chi đội với 6 xe L.V.T. trang bị đại bác, làm thành một đơn vị pháo di động.

Về mặt khắc, các xe lội nước nầy không được chắc chắn và đòi hỏi bảo trì kỹ lưỡng, khó thực hiện khi các xe nầy được xử dụng trong vùng đầm lầy ở Đông Dương. Loại Crabs trước tiên được chế tạo để vận chuyển hàng hóa ở Alaska – không đủ nước để nổi và hiện cao trên mặt đất, dễ trở thành mục tiêu cho địch sau khi địch khám phá ra rằng đó không phải là loại xe bọc thép. Mặt khác, loại xe nầy có thể chở trên xe vận tải nhà binh (G.M.C.) hay trên tàu thủy hay xà-lan được. Loại Alligators nặng hơn và có bọc thép, lội nước thì hay nhưng khi chạy trên đất thì nặng nề và may móc thì yếu. Trên bộ, loại xe nầy không thể chạy được xa, có thể chuyên chở bằng các loại vận chuyển đăc biệt; không thể chở trên xe nhà binh G.M.C. vì quá to và nặng.

Tuy nhiên, tổng số 160 chiếc xe lội nước tiến vào bờ biển Trung Phần Việt Nam, một chiếc khi đi qua quậy nên một vũng bùn xám xịt màu chì, cùng với những lá cờ cột trên cần ăng-ten bay phất phới trong gió sớm. Đợt đổ bộ đầu tiên thực hiện vào lúc 6 giờ sáng, tiến qua các ngôi làng dọc bờ biển và tức khắc chiếm lĩnh dãy đồi cát hình vòng cung đầu tiên có thể từ đó quan sát hết các ngọn đồi cát khác nằm dọc theo bờ biển. Cuộc tấn công của quân Pháp vào “Con Đường Buồn Thiu” bắt đầu.

Các đơn vị bộ binh thường trực khác thuộc Binh Đoàn Lưu Động Bắc Kỳ (Tonkin) gặp khó khăn hơn. Một trong ba tiểu đoàn, chỉ một mà thôi, Tiểu Đoàn 3 thuộc Bán Binh Đoàn Lê Dương Hải Ngoại số 13 không có kinh nghiệm hành quân đổ bộ, và hai tiểu đoàn khác, Tiểu Đoàn 1 người Mường và Tiểu Đoàn Khinh Binh 26 người Senegal cũng chẳng kinh nghiệm gì trong việc đổ bộ cả. Không giống như việc đổ bộ bằng tàu hạng nặng, loại tàu nhỏ nầy lắc lư, binh lính bị nôn mửa, phải bốn giờ đồng hồ cuộc đổ bộ mới hoàn tất thay vì hai giờ như trong dự trù.

Trong khi đó, binh lính chiến đoàn thủy bộ Sư Đoàn 3 cho xe tiến lên các đỉnh đồi cát. Các xe thiết giáp lội nước Alligators sau khi đổ bộ, vượt qua các đầm lầy và binh lính trên các xe nầy đã triển khai đội hình trên mặt đất. Trong nhiều trường hợp khác, loại xe Crabs nhẹ hơn tiến lên các ngọn đồi cát sau khi vượt qua các bờ đất cao phía ngoài bờ biển. Tuy nhiên, cuối cùng, dù phòng tuyến của họ bị đứt đoạn ở khoảng giữa các làng Tân An và Mỹ Thủy, họ cũng vội vã tiến vào đất liền. Quân Việt cộng không có phản ứng gì, xem như họ không hiện diện ở đó. Có một số người bỏ chạy trốn khỏi làng Mỹ Thủy và ở phía bắc có hai Trung Đội đang tìm đường rút lui.

Trong khi đó, Chiến Đoàn B do Đại Tá Du Corail bắt đầu hoạt động. Lúc 6 giờ30, hai tiểu đoàn của Binh Đoàn Lưu Động Trung Việt vượt qua sông Vân Trình và tới 7 giờ 45 các nhóm đi đầu báo cáo thấy bóng người ngồi trên xe lội nước Crabs đang chạy qua những đồi cát.
Mặt bắc “Con Đường Buồn Thiu” đã bị khóa lại.

Bên phải Binh Đoàn Lưu Động Trung Việt, là Trung Đoàn Kỵ Binh người Ma-Rốc không gặp may. Đơn vị nầy hướng tới vùng đầm lầy không có đáy và các vũng cát sâu nằm ở phía đông Quốc lộ 1. Hầu hết xe cộ của họ, ngoại trừ loại chiến xa M-24 hạng nhẹ, chẳng bao lâu bị kẹt giữa đầm lầy. Họ đến được kinh Vân Trình (tuyến xuất phát của cuộc hành quân càn quét trên bộ) vào lúc 8giờ 30. Trong khu vực của họ cũng không thấy địch phản công.

Thực ra, toàn bộ vùng quê nầy coi như vùng chết hoàn toàn. Không thấy nông dân trên đường. Trong làng, dân chúng trốn trong nhà. Suốt toàn bộ khu vực vắng vẻ nầy chỉ thấy các vật di động là các hàng xe thiết giáp và các xe G.M.C. đang vất vả vượt qua các ngọn đồi cát và bãi lầy để tiến tới kenh Vân Trình.

Chỉ có bên phía cực phải Chiến Đoàn B là có tiếng súng nổ. Ở đó, một đại đội người Angiêri bất thần đụng với một toán khoảng vài ba chục Việt Minh. Binh nhì Mahammed Abd-el-Kader thuộc Đại Đội 2 bị đạn Trung Liên B.A.R. vào ngực, té xuống phía trước. Đồng đội anh ta phản công, bắn chừng vào các bờ bụi và các hố cát. Abd-el-Kadar là thương vong đầu tiên trong trận tấn công nầy.

Bên phải Chiến Đoàn B, Chiến Đoàn C do Trung Tá Gauthier chỉ huy gặp khó khăn nhứt trong cuộc hành quân. Phần lớn chiến đoàn nầy vượt qua Đường Số 1 hướng về kinh Vân Trình phía bắc Mỹ Chánh. Toán thứ hai tiến song song với Quốc Lộ 1 rồi quay về bên phải để tiến tới kinh Vân Trình, đoạn giữa làng Vân Trình và đầm lầy. Cuối cùng, tiểu đoàn (tabor) 9 Ma-Rốc, vào lúc 6giờ 30 dùng xe lội nước đổ bộ xuống làng Lai Hạ, giữ an ninh mặt biển, rồi quặt về phía đông nam dọc theo vùng đất cạnh phá Tam Giang với mục đích bao vây “Con Đường Buồn Thiu”. Tới 8 giờ 30 thì tiến đến làng Tây Hoàng và hoàn thành giai đoạn 1 cuộc hành quân.

Chiến Đoàn D, do trung tá Le Havre chỉ huy, chặn phía bán đảo dọc theo phá Tam Giang tới thành phố Huế. Do rút kinh nghiệm, đoàn quân nầy ít gặp khó khăn như Chiến Đoàn A. Cuộc đổ bộ bắt đầu lúc 4giờ 30 có chi đoàn xe lội nước số 7 đi đầu, theo sau là các đơn vị biệt động và Tiểu Đoàn 3 của Trung Đoàn 3 Angiêri. Lính biệt động và đơn vị đổ bộ tới bờ biển và tiến quân không ngừng. Chi đoàn lội nước tiến lên phía bắc hướng về phá Tam Giang, trong khi quân biệt động chiếm giữ thị trấn Thế-Chí Đông và tiến thẳng qua bán đảo, tiến tới bờ bắc phá Tam Giang vào lúc 5 giờ 30. Coi như Trung Đoàn 95 Việt Minh bị bao vây.

Sau đó là giai đoạn căng nhứt trong toàn bộ chiến dịch: Càn quét địch. Tướng Leblanc ra lệnh cho các tàu hải quân tiến lên phía bắc của các làng Ba-Làng và An Hội, bỏ neo cách bờ khoảng 4 dặm nhằm mục đích khóa chặt không cho địch quân trốn chạy bằng đường biển. Phía cực bắc “Con Đường Buồn Thiu”, Chiến Đoàn B bắt đầu càn quét qua từng làng, thực hiện một cuộc hành quân lớn nhứt một cách cẩn thận, không quan tâm tới hậu quả. Binh lính bao vây từng làng một. Sau đó, bộ binh trang bị đầy đủ tiến vào làng lục soát từng nhà trong khi các toán dò mìn và quân khuyển dò tìm (3) các bụi tre, cau tìm kiếm cửa hầm bí mật của địch giữa sự im lặng của dân chúng.

Như thường lệ, các người đàn ông trẻ trong làng đều bị bắt giữ, họ được các sĩ quan tình báo thanh lọc, tuy nhiên chẳng ai bị truy tố cả.

Tới 11 giờ, Chiến Đoàn B tiến được 7 dặm, xuyên qua các con đường ngoằn ngoèo trong các làng nhỏ nầy, không gặp một sức kháng cự nào. Họ tới làng Đơn Quế (4), ngay giữa “Con Đường Buồn Thiu”, tại ngã tư các con đường nhỏ xuyên qua các đồi cát dẫn tới kinh Vân Trình. Hồi xưa, nơi nầy có một cái “trạm ngựa” xây bằng gạch để chạy văn thư cho triều đình (5), nay trạm nầy vẫn còn, điều đó cho thấy tính cách quan trọng nào đó của nó vào hồi xa xưa.




Con Đường Buồn Thiu
http://www.youtube.com/v/ LS_Z59mIwgw

Làng Đơn Quế nằm dưới ánh mặt trời giữa trưa, nép mình giữa các hàng tre lắc lư, chính là hình ảnh thanh bình của miền thôn dã Việt Nam trong mùa gió mùa đông-bắc, khi nông dân chẳng còn việc gì nhiều để làm ngoài việc cầu trời mưa để cho lúa lên xanh rồi chuyển qua màu lúa chín vàng ruộm. Nhưng bây giờ thì Đơn Quế trở thành mục tiêu tấn công của các chiến xa hạng nhẹ M-24 của tiểu đoàn 6 Ma-Rốc. Thực ra, toàn bộ mũi tấn công phía bắc đều do binh lính Ma-Rốc đảm nhận, tiểu đoàn 1 Khinh Binh có nhiệm vụ thanh sát và được Trung Đoàn 69 pháo binh Howitzers của Trung Tá Piroth yễm trợ. Trung Đoàn nầy đã được hoan nghênh tại Fez, một thành phố phía bắc Ma-Rốc. Những đơn vị nầy trưởng thành trong chiến tranh, chiến đấu chống lại các đơn vị thiết giáp của Tướng Rommel Đức quốc xã ở Tuy-Ni-Di, vượt qua vùng Rapido, tiến qua vùng đồi núi Petrella ở Ý, đập tan binh đoàn 19 của Đức ở Hắc Lâm (Black Forest) và chạy đua cùng quân đội Mỹ, cố giành công chiếm Berchtesgaden. Họ là đạo quân nổi danh của quân đội Pháp ở Bắc Phi và nhiều người Ma-Rốc đã lên tới hàng sĩ quan cao cấp – tướng lãnh của quân Pháp, hơn bất cứ quân nhân thuộc nước nào khác. Ở đây, họ lại thực hiện công việc đó trong khi càn quét khu vực nầy.

Các chiến xa M-24, cẩn thận dàn ra, tiến vào làng Đơn Quế, có bộ binh tùng thiết. Với giác quan thứ sáu bẩm sinh, binh lính Ma-Rốc cố dò mìn bẫy. Họ tới cách làng chỉ còn 150 mét. Mọi sự đều yên tĩnh, nhưng chính giác quan thứ sáu cho họ biết có điều nguy hiểm đang chờ họ trong làng. Một cách lặng lẽ, bộ binh chiếm con đê phía ngoài làng, bên hông các chiến xa.

Trên đầu xe, các người chỉ huy còn ngồi cao trên cửa xe để tầm quan sát được xa, và để hít hơi gió nhẹ. (Tại Trung Đoàn Kỵ Binh Hải Ngoại Số 1, một đội xe có một kỹ sư Đức Quốc Xã cũ, thiết kế một máy lạnh trong chiến xa. Chuyện được nhiều người biết khi chiến xa nầy bị phục kích, toán trên xe chiến đấu bền bỉ một cách bất thường, khi máy đó bị hỏng, họ hồi phục lại được).

Thiếu Tá Derrieu, chỉ huy chi đoàn chiến xa đi tiên phong, hướng thẳng về phía làng. Con đường vào làng chẳng thấy có chướng ngại gì cả, cũng không thấy dấu có chôn mìn. Dù sao, xe tăng vẫn phải dừng lại chờ toán dò mìn ra dấu mới tiến thêm lên phía trước. Một cách có kỹ thuật, các anh lính nước da màu nâu, tai mang ống nghe và tay cầm cán máy dò mìn dài đang dò đường tiến tới làng Đơn Quế, im lặng làm việc dưới ánh mặt trời nhiệt đới gay gắt. Sau đó, anh Trung Sĩ Ma-Rốc đi đầu toán dò mìn không kịp nổ súng phản công khi thấy tia lửa tóa ra từ đầu nòng súng Việt Minh. Họ thấy lính Ma-Rốc tới quá gần! Dù sao, trận đánh cũng đã xảy ra một cách dữ dội và ngắn ngủi. Phản ứng hết sức nhanh, người lính đi đầu toán chỉ còn kịp nhào xuống đất, cuộn tròn mình vào trong bùn của đám ruộng bên đường. Chẳng ai bị thương nặng.
Các chiến xa gặp may vì quân Việt Minh đã nổ súng trước thời hạn. Hai khẩu đại bác không giật đúng ra chỉ nả đạn khi các chiến xa đi đầu rời khỏi các con đê để tiến vào các đám ruộng sâu.

Súng trên các chiến xa phản công bắn vào các mục tiêu nghi ngờ. Các khẩu liên thanh tỏ ra hữu hiệu hơn khi bắn vào các nhà tranh trong làng. Bộ binh triển khai thành một hình vòng cung bao vây làng Đơn Quế, nhưng vẫn chưa tiến vào làng. Đằng sau một trong những ngôi mộ ở bãi tha ma như người ta thường thấy trong vùng dân cư vùng quê viễn đông, viên chỉ huy tiểu đoàn đang ngồi xổm trên bùn, bản đồ đặt trên đầu gối, tay thì cầm ống nói máy truyền tin. Cái máy truyền tin đó do một người Việt Nam đeo trên lưng, người nầy cũng đang ngồi xổm xuống đất như tiểu đoàn trưởng vậy. Người mang máy nhìn một cách dửng dưng về phía trước, đầu anh ta đội một cái mũ rẻ tiền, trong cái nắng tỏa ra mơ hồ trên cánh đồng lúa.

Pháo của Trung Đoàn bắn vài loạt vào mục tiêu, và ít phút sau thì có tiếng máy truyền tin gọi yễm trợ. Làng Đơn Quế bắt đầu tan nát dưới hỏa lực pháo. Nhà tranh trong làng hết cái nầy tới cái khác bắt đầu cháy, khi các quả pháo rơi xuống nổ ầm ì. Vậy mà cũng chẳng có bóng người chạy ra, ngoại trừ có sự di chuyển ở các bờ tre quanh làng, thỉnh thoảnh có tia lửa chớp sáng ở đầu súng (cũng khó thấy rõ trong ánh nắng ban trưa). Có thể trong làng không có người. Bất thần, có tiếng nổ lớn ngay giữa làng, một cột khói đen dày đặc bay lên cao.

Thiếu Tá Derrieu dùng ống nhòm của xe tăng quan sát khung cảnh trước mặt rồi nói với đám lính chung quanh:

- “Có lẽ pháo trúng hầm đạn. Tiến lên đi.”

Tiếp đó là tiếng máy chiến xa gầm rú, ỳ ạch nối đuôi nhau tiến vào làng, bây giờ trông làng như một cái địa ngục. Qua máy truyền tin, Thiếu Tá Derrieu ra lệnh:

- “Đi cho đúng hàng, nhìn vào lằn xe đi trước, đừng sợ làm hại lúa.” Quả thật, anh ta nghĩ đến điều ấy quá muộn dù tổ tiên anh ta cũng là nông dân.

Bây giờ, ở đâu cũng xuất hiện những bóng đen nhỏ, từ các cửa sổ và trên mái nhà, các hố cá nhân đào bên đường, đúng là một làn sóng người chận đứng cuộc tấn công của xe tăng vào làng. Đây là giai đoạn hai của cuộc phòng ngự bất thường. Một khi không nắm giữ được vị trí, Việt Minh dùng dân chúng làm mộc che cho đám lính du kích rút lui. Mưu mẹo đó lần nầy bị thất bại.Chiến xa không hành quân một mình, các bóng người mặc đồ đen từ trong làng chạy thẳng vào họng súng của lính Ma-Rốc. Tới 1 giờ trưa, Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 310 thuộc Trung Đoàn Độc Lập 95, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam bị tiêu diệt hoàn toàn, nhưng sự hy sinh của họ đã thực hiện đúng ý đồ cấp chỉ huy của họ đã vạch ra. Trong vòng hai giờ đồng hồ, đại bộ phận đơn vị rút được về cuối phía nam, chỗ nầy nhỏ như một cái túi, điểm cuối của kinh Vân Trình, nối liền với phá Tam Giang, có cây cối che kín, không ai có thể khóa chặt vòng vây ở ngay tại đó được.

Về phía Pháp, Tướng Leblanc thấy rằng, địch quân thay vì chiến đấu tới cùng thì đã cố gắng một cách tuyệt vọng bằng cách kéo dài thời gian đến tối rút về phía các ngọn đồi phía tây Quốc Lộ 1. Vì vậy, ông ra ra lệnh thả hai Tiểu Đoàn Dù thuộc Lực Lượng Trừ Bị. Vào lúc 10 giờ 45, Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn Nhảy Dù Thuộc Địa Số 1 được đưa bằng phi cơ từ Hà Nội vào, nhảy xuống làng Đại Lộc, vùng đồi cát gần Chiến Đoàn D, tức khắc tiến về đầu kinh Vân Trình. Đó là cuộc chạy đua nôn nóng nhằm khóa kín vòng vây Trung Đoàn 95.

Tới giữa sáng Ngày D, vẫn còn nhiều khe hở lớn ở phía nam kinh Vân Trình, gần làng Phú An và Lai Hạ, trong khi Tiểu Đoàn 9 Ma-Rốc đang cố vượt qua các hố cát và đầm lầy để tới tuyến xuất phát. Rõ ràng Việt cộng dự đoán rất đúng điểm yếu nhất trong vòng vây của Pháp và phản ứng đúng theo dự đoán đó. Vào lúc 8 giờ 45, ngay khi binh lính Ma-Rốc tiến dọc theo các con đê quanh làng Phú An, đại liên và súng nhỏ bắn rất dữ vào đội hình họ. Vì họ đi trên đường đê, in hình rõ trên nền trời và bóng thì lại in xuống các ruộng lúa nước nên trở thành những mục tiêu ngon lành cho địch quân. Tiểu đoàn nầy bị thiệt hại nặng. Bị cầm chưn, Tiểu Đoàn 9 gọi tiếp viện. Nhưng tiểu đoàn nầy là đơn vị thuộc chiến đoàn đang đóng ở xa hơn đơn vị đổ bộ thuộc chiến đoàn D kế bên đã bắt đầu bắn chặn. Liên lạc truyền tin với Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn ở Mỹ Chánh không thực hiện được. Chưa tới 9 giờ 10, Đại Tá Gauthier nhận ra rằng toán quân ở phía cực phải của ông ta hoàn toàn yếu thế.

Nhưng Việt Minh không xử dụng toàn bộ chiến thuật của họ. Vào lúc 11giờ, các đơn vị nhỏ của Tiểu Đoàn 227 Việt cộng tấn công bằng súng cối hạng nặng vào Trung Đoàn Lê Dương Kỵ Binh Hải Ngoại Số 1, đồng thời cũng tấn công bằng súng cối hạng nặng vào Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 4 Bộ Binh Ma-Rốc. Tới 9 giờ 40, Gauthier quyết định thực hiện cú đánh ngược cuối cùng của ông ta: vội vàng điều động từ Huế, tung vào hai Đại Đội khóa sinh đang huấn luyện và ba Đại Đội của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Cuối cùng, hai Đại Đội bộ binh tăng cường được lệnh tiến vào làng Lai Hạ bằng tàu đổ bộ nhưng mãi đến 3 giờ chiều cuộc tiến quân nầy mới hoàn tất. Sau đó họ bị kẹt trong khu đầm lầy mất 4 giờ đồng hồ nữa mới tới được chỗ Tiểu Đoàn Ma-Rốc bị tấn công. Được tiếp viện, tăng cường sức mạnh, binh lính Ma-Rốc phản công dữ dội, tới 5 giờ rưởi chiều thì chiếm được làng.

Thấy chỗ yếu của Chiến Đoàn C, Tướng Leblanc cho thả dù Tiểu Đoàn 3 Dù đang ứng trực tại Tourane (Đà Nẵng). Lệnh nầy ban ra lúc 11giờ 45 và hạn phải thực hiện vào lúc 2 giờ chiều. Nhưng vẫn còn vài điều chưa rõ trong lệnh hành quân. Theo các sĩ quan tham gia cuộc hành quân thì có hai lỗi lầm: Một là lệnh máy bay cất cánh hoãn lại cho tới 3 giờ chiều,
Hai là thời tiết nơi khu vực đổ quân.

Trong mùa gió mùa, vào buổi chiều dọc bờ biển miền trung gió thổi rất mạnh. Đây là điều ai cũng biết, nhưng thỉnh thoảng các đài khí tượng xa miền Trung, đặt gần Sài Gòn hay Hà Nội không tiên đoán được điều đó. Kết quả là khi các máy bay C-47 vận chuyển binh lính xuất hiện ở bầu trời khu vực đổ quân ở làng Láng Bào thì gió đang thổi mạnh, 30 cây số một giờ, gấp đôi cấp gió tối đa cho phép đổ quân. Các sĩ quan chỉ huy cuộc nhảy dù, nhìn khói từ trái khói tỏa ra bị gió thổi sát mặt đất bèn lắc đầu. Một sĩ quan nói:

- “Không thể cho nhảy dù xuống được, họ sẽ bị thổi ra khỏi khu vực vì họ nhẹ lắm.”

Thực ra, "nhẹ cân" là vấn đề và đôi khi trở thành chuyện cười trong binh lính Nhảy Dù Việt Nam. Họ xử dụng dù của Mỹ là loại dù dành cho người nặng 200 pounds, cộng thêm 85 hay 100 pounds trang bị. Vì vậy, loại dù nầy quá lớn với người lính Việt Nam nhỏ con nặng khoảng 100 pounds, dù họ có mang đầy đủ tất cả những thứ lỉnh kỉnh thì cũng chỉ mới nặng bằng nửa người lính Mỹ hay người Tây phương. Do đó, nhìn chung, người lính Nhảy Dù Việt Nam thường bay trên trời lâu hơn (dễ trở thành mục tiêu cho quân địch nhắm bắn) và bay ra ngoài khu vực đổ quân. Cũng không thể cho người lính nhiều trang bị hơn vì một khi đã xuống tới đất, họ không thể mang những trang bị đó đi quanh. Việc "nhẹ cân" nầy, cùng với cơn gió mạnh là tai họa cho họ.

Tới bây giờ, việc đưa thêm quân vào phía bán đảo là hoàn toàn cần thiết để bảo đảm việc bao vây quân đội Việt Minh không cho rút ra ngã bờ biển và phá Tam Giang. Do đó, một Tiểu Đoàn tăng cường được thả dù xuống bất kể hậu quả như thế nào. Vào lúc 4 giờ 50 chiều, đợt đầu tiên quân Nhảy Dù Việt Nam được thả xuống, và sau đó ít giây là các chuyến bay khác, các chiếc dù rơi trong bầu trời xanh. Mọi sự tuồng như tốt đẹp. Có một chiếc dù không mở và người ta thấy người lính rơi thẳng, chân xuống trước, như một vật nặng, khi đụng xuống cát thì tung lên một đám bụi như một quả pháo rớt xuống vậy.

Họ gặp gió mạnh và bị kéo xa tới 150 mét trên mặt đất, giống như có bàn tay vô hình nắm họ mà kéo đi vậy. Có người thay vì rơi theo chiều dọc thì bị gió kéo theo chiều ngang. Có người khi xuống đất thì bị rơi vào bụi bờ, đầm lầy và các con đê làng bằng một tốc độ nhanh như ngựa đang kéo xe. Có hai người giây dù mắc chéo vào nhau, cố gở ra nhưng không được. Đồ trang bị được thả xuống thì tệ hơn. Các trang bị nầy nhẹ hơn trọng lượng người lính nên bị gió thổi đi xa, rơi xuống biển hay bay vào vùng Việt cộng kiểm soát. Tới 5 giờ 30 thì tiểu đoàn tập trung được (Có người bị bay đi xa đến hai cây số và cố tìm đường về với đơn vị). Đó là đơn vị trang bị nhẹ nhưng chiến đấu giỏi. Mười phần trăm trong số họ bị thương khi nhảy dù xuống và hầu hết các trang bị nặng như súng cối, đại liên, đại bác không giật và đạn dược bị mất hết. Tuy nhiên họ cũng kịp thời chiếm lĩnh vị trí làm gọng kềm ở phía nam để kẹp Trung Đoàn 95 vào vòng vây giữa Chiến Đoàn 3 xe lội nước và Tiểu Đoàn 2 Dù được thả xuống đây vào sáng sớm.

Tới tối, sau khi chiếm được làng Phú An và Vân Trình, địch quân bị vây vào một khu vực rộng chỉ có 4 cây số bề ngang và 14 cây số bề dài. Về mọi mặt, cuộc hành quân Camargue được xem như thành công.

Tuy nhiên, sự thành công chỉ là bề mặt hơn là trên thực tế. Rõ ràng một nửa “Con Đường Buồn Thiu” nầy đã rơi vào tay quân Pháp nhưng chẳng bắt được tù binh nào cũng như vũ khí của địch. Điều đó có nghĩa là quân địch và trang bị của họ còn ở trong vùng bị bao vây phía nam Vân Trình. Việc nầy, muốn thành công phải có một cái bẫy khóa hết sức chặt.
Cuộc bao vây nầy, không được chặt như vậy. Dọc theo khu vực phía nam của Chiến Đoàn C, tuyến giao thông hào phòng ngự cuối cùng ở Phú An và cuộc phản công của Tiểu Đoàn 227 làm cho quân Pháp không tới được biên giới thiên nhiên của kinh Vân Trình. Kết quả là 4 Tiểu Đoàn Pháp canh giữ một phòng tuyến dài 12 cây số để canh chừng một lực lượng địch khoảng 2 ngàn 6 trăm người trốn thoát. Rõ ràng khu vực bị bao vây có nhiều kẻ hở nghiêm trọng, đặc biệt toàn bộ hệ thống rạch ngòi kinh rạch cắt ngang kinh Vân Trình tới Quốc Lộ 1.

Để cầm chắc, các xe lội nước Crabs và Alligators dừng lại gần hoặc ngay giữa các kinh rạch và hàng trăm lính bộ binh khó nhọc ngâm mình trong bùn hoặc trong ruộng lúa nước ngang tới đầu gối suốt đêm để canh chừng các bóng đen xuất hiện trước mặt họ, nơi một tiếng động nhỏ của con nhái nhảy xuống nước hay một cán binh Việt cộng sẩy chân đạp nhằm một cành cây đều được chú ý nhưng chẳng có gì cả ngoại trừ tiếng con trâu đi lạc đường thở phì phò tìm đường về chuồng.

Tới sáng, binh lính tập trung tiến lên phía trước. Dưới ánh mặt trời, làng mạc trông có vẻ hoàn toàn hoang vắng. Nông dân không ra đồng, cũng không có hình ảnh các em bé cho trâu ra đồng uể oải nhai cỏ. Chỉ có hình ảnh di động trong cánh đồng quê nầy là chiến xa di chuyển hay các xe lội nước đang chạy chầm chậm trong cơn gió nhẹ sớm mai và các anh lính bộ binh áo quần dơ dáy đầy bùn, tiến thành hàng dài trên các cánh đồng lúa, đôi khi đứt đoạn vì kéo dài ra tới phía chân trời.

Tới 11 giờ, mặt trời nung nóng những cái nón sắt, nón bêrê hay nón vải họ đội trên đầu. Chiến Đoàn A và D, cùng đi với các bộ phận Chiến Đoàn B tới kinh Vân Trình, suốt chiều dài đối diện với Chiến Đoàn C của đại tá Gauthier thì cái bẫy đã gói trọn “Con Đường Buồn Thiu” vào giữa. Các gọng kềm thép của các lực lượng trang bị hiện đại, có thêm sự hỗ trợ của tàu thủy, xe lội nước, xe tăng và máy bay, cố bao vây những người lính được huấn luyyện một cách vội vã, do những người chỉ huy có trình độ chiến thuật không cao, nhưng cuối cùng chẳng bắt được ai cả.

Để ăn chắc, người ta bắt giữ những kẻ tình nghi, đó là những người đang ở trong tuổi lính, không chứng minh được là người thuộc trong làng nên bị tình nghi là đang ở trong đơn vị quân Việt cộng.

Người ta cũng tìm được một ít vũ khí và ở phía cực bắc của khu vực bị bao vây: Đơn Quế, nơi quân Việt cộng đã chống lại, một ít bị bắt với vũ khí trong tay. Nhưng toàn bộ Cuộc Hành Quân Camargue kể từ hôm bắt đầu cho đến gần hai ngày sau thì coi như thất bại. Tuy nhiên, cuộc chiến chưa hẵn đã chấm dứt.

Máy bay trinh sát bay thấp phát hiện có sự di chuyển về hướng làng An Hội, có chứng cớ cho thấy vài đơn vị của Trung Đoàn 95 chạy thoát về hướng bắc. Vì vậy, tới 1 giờ trưa, tướng Leblanc ra lệnh cho lính thủy và một vài đơn vị bộ binh thuộc Chiến Đoàn A thực hiện cuộc tấn công vào An Hội. Cuộc tiến công diễn ra thật nhanh, đổ bộ lúc 3 giờ chiều, lục soát những gì nghi ngờ và trở lại tàu lúc 6giờ chiều. Nhiệm vụ hoàn thành.

Còn một việc cần hoàn thành trong các làng đã bị chiếm đóng: lục soát từng nhà, tìm những gì cất dấu và các cán bộ Việt cộng, những người nầy mặc đồ đen, chỉ khoảng 20 tuổi, thực sự là những người điều khiển chiến tranh bên phía địch. Hàng trăm lính bộ binh cầm máy dò mìn tỏa ra đi tìm, hoăc họ chỉ cầm cây sắt xâm hầm hay dộng báng súng xuống đất, nơi nào nghi có hầm bí mật, có người thì cầm tay nhau nối thành giây, để mò xuống các đầm lầy, ao hồ tìm vũ khí địch cất dấu hoặc trang bị chất đống dưới nước. Một khối lượng lớn người đi lên đi xuống khắp cả vùng quê.

Thỉnh thoảng có người kêu to đau đớn và đồng đội kéo anh ta lên khỏi mặt nước. Chân anh đạp trúng chông. Một mảnh gỗ có cắm những cái chông đầu có hình mũi tên nhọn có thể đâm thủng chiếc giày nhà binh. Vì bị nhiễm độc, chân người phải ba bốn tháng mới lành. Tuy nhiên người ta vẫn nắm tay nhau thành một sợ giây dài để lội xuống nước hoặc những toán dò mìn và quân khuyển tiếp tục công việc nhàm chán và đều đặn đó mà biết chắc chẳng kết quả gì.

Trên đỉnh các ngọn đồi cát, các xe Crabs và Alligators của Chiến Đoàn Xe Lội Nước 2 và 3 đang quan sát vùng bờ biển làng Trung An chờ các toán tình báo an ninh người Việt và Pháp đưa người tới. Họ chính là nạn nhân chiến tranh, những người dân thường xui xẻo khi các xe thiết giáp quân Pháp càn quét các khu ruộng lúa, với chỉ mười phút phá hại công trình trồng trọt của người dân đã được năm tháng mà việc cày bừa thì quá sức nặng nhọc; hoặc còn bị cán bộ kinh tài bắt đóng thuế cho đảng sau khi đã đóng 3 phần tư cho chủ ruộng hay chủ nợ nặng lãi và thuế cho chính phủ. Tình thế thật tệ hại, chẳng có tiền may áo cho bé Hoàng đi học ở trường làng, cũng không có cá, thịt heo cho tết năm nay.

Tới cuối ngày D+2, mọi sức kháng cự không còn. Ngày hôm sau các đơn vị tiên phong, Nhảy Dù, các toán đổ bộ và biệt động được lệnh rút lui. Bây giờ là công việc kiểm soát thường trực vùng mới chiếm đóng. Những cây cầu bị phá mấy năm trước nay được dựng lại, những con đường bị Việt Minh cắt khúc được đắp lại. Những hầm hào chiến đấu do Việt cộng dựng chung quanh “Con Đường Buồn Thiu” bị loại bỏ. Viên chức chính quyền Quốc Gia e ngại xuất hiện trước con mắt dân chúng thù nghịch hay sợ hãi sau một tuần chiến đấu và nhiều năm sống cô lập mà mọi thứ đều thiếu thốn, ngay cả viên thuốc trị bệnh sót rét.

Thiếu Tá Derrieu của Tiểu Đoàn 6 Ma-Rốc, nhìn một vài viên chức chính quyền mới ở trong làng Đơn Quế, nói:

- “Thực là buồn cười, trông họ chẳng bao giờ có thể thành công, làm đúng những gì người dân mong muốn, dù họ có muốn tạ lỗi với tất cả mọi người. Chúng ta mới thực hiện một cuộc hành quân bằng máy bay và chiến xa còn họ thì khoác lác khoe khoang hoặc đe dọa dân làng làm như họ là kẻ thù của đất nước mà chúng ta phải đối đầu.”

Dujardin, một trung úy còn trẻ, đứng cạnh bóng im của một chiến xa M-24, nói:

- “Có thể như vậy, nhưng tối nay tôi chẳng quan tâm đến họ sau khi chúng ta rút quân ra khỏi vùng nầy. Họ sẽ ở lại đây cùng với nhóm nhân viên hành chánh ngay trong ngôi nhà người chỉ huy Cọng Sản ngủ ở đó tối hôm qua, cách cái đồn gần nhứt là ba trăm mét. Tôi chắc rằng họ không dám ngủ ở đây mà vào ngủ trong đồn.”

- “Có lẽ vậy, họ sẽ mất mặt với dân làng và công việc của họ trở thành vô ích.”

- “Nếu không vào ngủ trong đồn, ngày mai họ chết. Đúng là chẳng ích lợi gì. Dù sao, với hậu quả tâm lý của cuộc hành quân, chúng ta có thể bắt đầu với toàn bộ công việc ngay từ bây giờ cho tới ba tháng tới. Thật là một thứ hổn độn vô ích.”

- “Vâng, nếu người Việt Nam không thể thắng thì chúng ta cũng vậy thôi. Dù sao, đây cũng là đất nước của họ. Chúng ta hãy lên xe thôi.”

Rồi hai người nhún vai đi về phía các chiếc xe tăng, trèo lên pháo tháp.

Bên dưới, trong làng Đơn Quế bị chiến trận tàn phá, các viên chức hành chánh người Việt trẻ đầy nhiệt tình mặc áo kaki và quần đen vẫn còn nói chuyện với dân làng đang đứng im lặng và bất động như các pho tượng gỗ.

Ngày 4 tháng 8/1953, Bộ Chỉ huy Cao cấp tuyên bố chấm dứt Cuộc Hành Quân Camargue. Theo tin báo chí, cuộc hành quân hoàn toàn thắng lợi, một lần nữa chứng minh sự tiến bộ và linh động của quân đội Pháp và giá trị trang bị lưu động của họ trong chiến tranh đầm lầy. Tuy nhiên, trong chính báo cáo của họ thì cuộc hành quân đem lại những cảm giác lẫn lộn.

Trung đoàn 95 mất dạng một thời gian ở vùng bờ biển Trung Việt, khoảng vài chục làng lại được đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Quốc Gia. Nhưng đây không phải là cuộc hành quân “rẻ tiền”. Một con số lớn và quan trọng về binh lính cũng như quân dụng của địch đã được rút khỏi các khu vực sinh tử, nơi họ thiếu thốn một cách nghiêm trọng và chính nơi họ vắng mặt tạo nên tình trạng khẩn cấp cho họ.

Kết quả thiệt hại thực tế của địch làm cho người ta nãn lòng. Về phía quân Pháp có 17 người tử trận và 100 bị thương; địch 182 chết và 387 người bị bắt cùng với 51 súng trường, 8 súng máy, 2 súng cối và 5 trung liên B.A.R bị tịch thu. Trong số nầy, không rõ bao nhiêu người thuộc Trung Đoàn 95 hay thuộc lực lượng du kích địa phương.

Về chiến thuật chiến tranh đầm lầy, cuộc hành quân Camargue một lần nữa cho thấy rằng khó có thể khóa kín vòng vây một khi một tiểu đoàn trấn giữ hơn một cây số rưởi bề dài – Thật ra các tiểu đoàn ở cạnh sườn phía nam của khu vực bao vây cuối cùng đã trấn giữ mộ chiều dài hơn ba cây số. Do đó, một số lớn quân Cọng Sản lọt ra khỏi vòng vây qua những lỗ lưới (bouclage).

– Vòng bao vây bộ binh và thiết giáp Pháp trở thành dấu hiệu báo trước chẳng bao lâu bộ binh sẽ chầm chậm tiến tới vào ngày hành quân đầu tiên, loại trừ mọi hy vọng xiết chặt khu vực bao vây chót vào khi đêm xuống.

Bộ binh tiến chậm, tính trung bình một cây số rưởi một giờ đồng hồ. Tại đây, vị chỉ huy chiến thuật gặp phải tình trạng tấn thối lưỡng nan. Mục đích cuộc hành quân không phải là chiếm lĩnh diện địa mà càn quét Cộng quân ra khỏi vùng họ dễ trốn tránh, núp lén, các hầm bí mật. Do vậy bất cứ một cuộc tiến quân nhanh nào sẽ làm lỡ cơ hội kiếm tìm vũ khí, binh lính và các tổ chức bí mật của địch. Tình trạng tấn thối lưỡng nan nầy làm hao tốn thời gian của cuộc hành quân càn quét và chẳng bao giờ làm thỏa mãn ý đồ của cuộc hành quân đó.

Về căn bản, khuyết điểm quan trọng của Cuộc Hành Quân Camargue cũng tương tự như các cuộc hành quân khác của Pháp ở Đông Dương, không khóa chặt lực lượng địch có thể thành công trừ phi lực lượng tấn công trội thế hơn với tỷ lệ 15/1 hay 20/1 so với quân phòng thủ vì địch thì quen địa thế, có lợi về mặt tổ chức phòng ngự và được cảm tình của dân chúng.

Quân Việt Cộng có thêm một lợi thế quyết định khác là tin tức tình báo. Ít khi phía Pháp biết chắc là họ tìm kiếm gì trong một cuộc hành quân càn quét như thế. Mặt khác, chính vì mức độ quân số và tính cơ khí hóa của quân Pháp khi chống lại Việt Minh trước sau gì rồi cũng để lộ ý đồ của Pháp hoặc ngay cả lệnh lạc đã được ban ra. Việc xử dụng một lực lượng lớn lao như vậy cần có tin tình báo chính xác và đầy đủ và quan hệ giữa các viên chức tình báo ít hiện diện và chưa bị phát hiện. Do đó, tính chất bất thần của chiến thuật là – ngoại trừ tấn công bằng nhảy dù - phải tiến quân nhanh như một yếu tố bù trừ cho hành động kiểm soát kỹ lưỡng khu vực tiến quân.

Về phía Việt Minh, Trung Đoàn 95 vẫn tồn tại và về sau, mùa xuân năm 1954, tiếp tục chiến đấu, lại thâm nhập vào vùng đất đã bị càn quét, tấn công các đoàn xe trên Quốc Lộ 1, và tấn công ngay cả một tiểu đoàn Quân Đội Quốc Gia đóng gần Huế. Đơn vị nầy rút đi vào tháng 7/ 1954 theo Hiệp Định Đình Chiến Genève chia Việt Nam làm hai miền dọc theo vĩ tuyến 17 ở phía bắc Quảng Trị. Môt lần nữa, Trung Đoàn 95 đào bới vũ khí của họ chôn giấu dưới đầm lầy, ao hồ và xuất đầu lộ diện giữa thanh thiên bạch nhật tiến ra phía bắc, dọc theo con đường số 1 mà họ đã chiến đấu một cách gian khổ. Dọc theo con đường nầy, thỉnh thoảng có những trạm đóng quân của các chiến xa thuộc tiểu đoàn 6, súng thì chỉa lên trời, pháo tháp mở bung nắp ra.

Hòa bình ngắn ngủi diễn ra trên Quốc Lộ 1. Đầu năm 1962, vài cuộc phục kích xảy ra mà người ta biết là do những đơn vị chuyên nghiệp và thiện chiến, và chẳng bao lâu sau, quân đội Miền Nam cho biết rằng họ đã xác minh được đơn vị hoạt động trong vùng là Trung Đoàn 95 Việt cộng. Trung đoàn nầy đã quay trở lại “Con Đường Buồn Thiu”.

(Street Without Joy) trích dịch ở chương 7, của cuốn sách cùng tên, nói về "Cuộc Hành Quân Camargue". Người dân Huế và Quảng Trị gọi là “Trận Thanh Hương.”

Bernard Fall là người Pháp, từng tham gia chống Đức trong trận Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai. Sau khi chiến tranh chấm dứt, ông đi học lại, đậu tiến sĩ và qua sống ở Mỹ.

Trong chiến tranh Đông Dương Lần Thứ Nhứt (1945-54), ông qua Việt Nam làm phóng viên.

Địa điểm B. Fall bị giết chết
Điều nầy gợi cho binh lính Pháp một ấn tượng u ám rằng con đường số 1 là “Con Đường Buồn Thiu”, (2)

B. Fall theo chân quân đội Pháp trên khắp chiến trường Đông Dương, có kinh nghiệm về chiến tranh du kích và viết nhiều sách báo về cuộc chiến tranh nầy.

Khi chiến tranh Việt Pháp chấm dứt, ông về Mỹ làm giáo sư tại phân khoa Quan Hệ Quốc Tế tại trường Đại Học Howard. Chiến Tranh Đông Dương bùng nổ Lần Thứ Hai (1960-75), ông lại qua Việt Nam làm phóng viên chiến trường một lần nữa.

Địa điểm B. Fall bị giết chết.
Điều nầy gợi cho binh lính Pháp một ấn tượng u ám rằng con đường số 1 là “Con Đường Buồn Thiu”, (2)

Năm 1967, khi theo chân một đoàn xe tiếp tế của Mỹ từ Phú Bài ra giới tuyến, tới gần cầu An Lỗ, xe bị mìn, ông chết ngay trên xe, trước ngực vẫn còn mang chiếc máy ghi âm đang chạy nên tiếng mìn nổ ghi cả vào trong máy. Lúc ấy, vợ ông, Dorothy Fall, đang có thai, từ Mỹ mang cái bụng bầu qua Việt Nam đón xác chồng về.

B. Fall là một người cầm bút mô tả sự tàn ác của Việt Minh (Việt cộng trong chiến tranh Đông Dương. B. Fall bị coi là thành phần phản chiến, thiên tả.

“Những gì Pháp đã từng đối đầu ở Đông Dương trong thời kỳ cộng sản Việt Minh bây giờ là dạng thức của một cuộc chiến có tính cách chủ trương bạo lực, một cuộc chiến tranh không có trận tuyến, trong rừng rậm chống lại một kẻ thù ẩn núp có mật khu an toàn, được hỗ trợ và viện trợ từ một lân bang (Trung cộng?). Quân lực Pháp cũng phải đối đầu với những chiến dịch khủng bố tinh thần rất kinh hãi, được tổ chức một cách khéo léo và có hiệu quả cao dọc theo Quốc Lộ 1. Những khó khăn đó chính là một loạt các làng mạc được tổ chức phòng vệ kỹ lưỡng dọc theo dãy đồi cát và các đầm nước mặn chạy dài từ Huế đến Quảng Trị.

(1) Quân đội Pháp có các đội K-9 trong các đơn vị lớn, hoạt đông rất hữu hiệu, tìm ra nơi địch ẩn náu.

(2) Dẫn chứng một ví dụ chống du kích thành công ở phía sau phòng tuyến Nga trong Thế Giới Chiến Tranh thứ II, Quân Đoàn Đức L.V. xử dụng những đơn vị sau đây để càn quét lực lượng 3.000 quân du kích ở phía bắc Briansk: Sư Đoàn Thiết Giáp số 5, Sư Đoàn Bộ Binh số 6, Sư đoàn An Ninh 707, Trung Đoàn Bộ Binh 747.

Ở Mã Lai, tổng cộng có 25 ngàn binh lính Liên Hiệp Anh và Mã Lai, chiến đấu liên tục trong vòng 12 năm để đánh bại một lực lượng du kích cộng sản chỉ có 8 ngàn người.

Năm 1964, quân thường trực Cộng Sản ở Nam Việt Nam là trên 35 ngàn, tiêu chuẩn hóa thành 45 tiểu đoàn và được 90 ngàn du kích vùng miền. Nếu tính theo tiêu chuẩn 10 chống 1, ít ra Nam Việt Nam phài có một triệu quân. Thực ra, lúc đó, Nam Việt Nam có một quân đội, kể cả lính chính quy và lính vùng miền chưa tới nửa triệu người.”

Chú thích của người dịch:

(3) Tiếng Pháp là “La Rue Sans Joie” tiếng Anh là “Street Without Joy”.

(4) Làng Đơn Quế, tác giả viết lầm là Dong qué. Chắc là vậy, quí vị nào biết rõ hơn, xin chỉ giáo!

(5) Hồi xưa, triều đình dùng ngựa để chuyển thư văn, dọc “Con Đường Cái Quan”, có các trạm, có ngựa để người cưỡi thay ngựa mà chạy cho mau. Tại thành phố Quảng Trị, phía ngoài cửa Tiền, trên đường Quang Trung, đoạn gần trường Nguyễn Hoàng, chỗ có con đường đất đi vào làng Thạch Hãn, có một trạm ngựa nay đã mất dấu. Tuy nhiên, trước năm 1945, người dân Quảng Trị thường gọi khu vực nầy là trạm hoặc “Xóm Trạm”. Một trạm khác nằm ở làng Đơn Quế như B.Fall nói ở trong bài; có lẽ còn vài trạm khác nữa!

“Đối với những gì quan trọng và thấy trước được, B. Fall thuật lại một cách sống động và phân tích một cách cẩn thận; tác phẩm nầy là một cuốn sách mà các nhà thiết lập chính sách ở Hoa Thịnh Đốn và các binh lính Mỹ trên chiến trường cần phải đọc. Rủi thay, phần đông chẳng ai học bài học đó.

“Năm 1959, ông nhận giải thưởng của Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (SEATO) với công trình nghiên cứu về sự lật đổ của Việt cộng Sản. Là tác giả của nhiều sách và nhiều bài viết về chiến tranh Đông Dương, ông trở thành nhà phân tích có ảnh hưởng nhứt về chính sách của Mỹ ở Việt Nam.”
*********************
*********************


No comments:

Post a Comment