Tuesday, September 26, 2017

Hồi ức về một trận đánh hay

Thứ Tư, 24/06/2009, 14:34 [GMT+7]
55 năm sau ngày Chiến thắng Đak Pơ, chúng tôi tìm gặp một nhân chứng sống quan trọng của trận chiến này để nghe kể về một trận đánh được cho là có sự phối hợp hiệu quả với chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông là Nguyễn Tự- nguyên cán bộ tham mưu tác chiến của Tiểu đoàn 40- Trung đoàn 96 Anh hùng và hiện là Trưởng ban Liên lạc của Trung đoàn 96 tại Bình Định.
 
Ông Nguyễn Tự.
Ông Nguyễn Tự.
Thành phố Quy Nhơn những ngày giữa hè oi ả. Ở một góc sân nhỏ trong căn nhà số 79 trên đường Trần Cao Vân, ông Tự nhanh nhẹn lấy ra những tập tài liệu liên quan đến trận chiến năm xưa, và trong cuộc chuyện trò về quá khứ, không ít lần mắt ông rơm rớm. 
 
Trận giao thông chiến lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam
 
Để câu chuyện dễ hiểu và sinh động hơn, ông Tự lấy ra một mảnh giấy và cây bút, phác lên đó những đường nét rắn rỏi về sơ đồ chiến thuật trận đánh và bắt đầu kể lại diễn biến bằng giọng điệu thật hào hứng. 55 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của ông, từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc chiến đấu vẫn được lưu giữ. 
 
...Đông Xuân 1953-1954, thực hiện kế hoạch Na-va, địch mở chiến dịch Atlante ở miền Trung hòng chiếm toàn bộ vùng tự do Liên khu V. Ngày 20-01-1954, 4 Binh đoàn Cơ động (BĐCĐ) của địch gồm Binh đoàn số 10, 100, 41 và 42 với lực lượng nòng cốt là BĐCĐ 100 (thuộc loại mạnh nhất từng tham chiến ở Triều Tiên) tiến đánh Phú Yên. Lúc này, nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do được giao lại cho lực lượng địa phương, toàn bộ quân chủ lực tiến lên đánh địch trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Đêm 27-01-1954, ta tấn công tiêu diệt cụm cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Kon Rẫy, mở toang cửa ngõ Bắc Tây Nguyên, khiến địch hoảng hốt bỏ Kon Tum tháo chạy.
 
Trước tình thế Pleiku và quốc lộ 19 bị uy hiếp nặng, địch buộc phải điều BĐCĐ 100 từ Phú Yên lên chống đỡ. Thua đau tại 3 mũi tấn công: Từ Quy Nhơn đánh lên, An Khê đánh xuống và Phú Yên đánh ra, địch buộc phải hủy cuộc tấn công và rút quân, chỉ để BĐCĐ 100 ở lại cố thủ tập đoàn cứ điểm An Khê. Ngày 1-5-1954, để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của chiến trường, Trung đoàn 96- bộ đội chủ lực Liên khu V ra đời (gồm Tiểu đoàn 40 và Tiểu đoàn 79) ngay trên tuyến lửa và được lệnh cấp tốc hành quân lên phối hợp với đơn vị bạn cắt quốc lộ 19, triệt đường tiếp tế buộc địch phải rút bỏ An Khê, đồng thời lên kế hoạch đánh tiêu diệt khi chúng rút chạy. 
 
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ. Ảnh: Lê Anh
Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Đak Pơ. Ảnh: Lê Anh
Hơn 2 tháng bị bao vây cô lập, máy bay không đủ sức tiếp tế, ngày 24-6-1954 toàn bộ lực lượng địch ở An Khê rút về Pleiku. 12 giờ 30 phút, địch vừa đến Đak Pơ thì lọt ngay vào trận địa phục kích của ta. Ta phục kích tại một khúc cua tay áo gần đỉnh dốc Đak Pơ, quyết chiến điểm được xác định tại cây số 95. Đây là một đoạn đường hẹp, hai bên cỏ cây và vách đá dựng đứng, nếu chiếc xe đầu tiên “chết” ở đoạn này thì đoàn xe phía sau không thể tiến lên được và địch hết đường thoát. Để chuẩn bị, trước đó, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu chỉ thị cho Tiểu đoàn 40 dùng chiếc đồng hồ duy nhất của cả Tiểu đoàn (chiếc đồng hồ này chính là của ông Tự, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh) xác định thời gian một cách chuẩn xác nhất để tính thời điểm hạ lệnh tiến công, sao cho khi chiếc xe đầu tiên của địch tới quyết chiến điểm thì ta cũng từ bên sườn theo hướng vuông góc kịp đến nơi và nổ súng đúng lúc tiêu diệt gọn chiếc xe này. “Đây là một chi tiết rất quan trọng, vì nếu xuất kích sớm thì xung kích của ta bị phi pháo, thương vong nhiều trước khi nổ súng; nếu xuất kích chậm, nhiều xe và bộ binh của địch đã vượt qua khỏi quyết chiến điểm và sẽ quay lại đánh tạt sườn”- ông Tự phân tích. 
 
Sau khi địch lọt vào trận địa phục kích, Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu hạ lệnh cho toàn Trung đoàn xuất kích. Trung đội ĐKZ trong đội hình Tiểu đoàn 40 mở hết tốc lực xuyên qua lực lượng bảo vệ sườn của địch, đến nơi kịp lúc và bắn gục chiếc xe công binh đầu tiên đang chạm quyết chiến điểm ở đỉnh dốc. Ngay sau đó, mấy trăm chiếc xe bị ùn lại, dồn sít vào nhau như một con rắn khổng lồ dài hơn 5 km! Cùng với ĐKZ, các mũi xung kích cũng đồng loạt ào ạt xông lên, đánh tan lực lượng bảo vệ sườn và tràn xuống mặt đường. Chỉ sau 10 phút, tất cả chỉ huy BĐCĐ 100 đều bị loại khỏi vòng chiến. Mất chỉ huy, lại bị đánh phủ đầu, đội hình của chúng lớp chết lớp bị thương, số còn sống bỏ chạy thục mạng. Sau cơn hoảng loạn, địch củng cố đội ngũ, phản kích ác liệt, tuy nhiên, đợt phản kích cuối cùng của địch đã bị đập tan. 19 giờ cùng ngày, ta hoàn toàn làm chủ trận địa. Ông Tự vẫn còn nguyên niềm tự hào, hồ hởi khi nói về kết quả trận thắng này: “Trung đoàn 96 lúc đó vừa mới thành lập được 55 ngày là đã vào trận đánh này, chỉ có 700 chiến sĩ “đầu trần chân đất” nhưng đã đánh tan Binh đoàn Cơ động 100 của địch và lực lượng chiếm đóng An Khê với quân số lên đến 3.900 tên! Lúc đó chúng tôi không còn quan tâm đến cái chết nữa dù biết tương quan lực lượng hết sức chênh lệch”. 
 
Đặc biệt, có một điều ít được biết đến, đó là:  Chính Trung đội du kích của Anh hùng Núp đã phối hợp với Trung đoàn 96 trong trận đánh vang dội này. Ông Tự sôi nổi kể lại: “Hồi đó, khi chúng tôi phổ biến kế hoạch tác chiến trên sa bàn thì ông Núp cũng có mặt ở ngay bên cạnh mà”. Cùng với Trung đoàn 96, bằng tinh thần chiến đấu cao độ, Trung đội du kích gồm các chiến sĩ người Bahnar dưới sự chỉ huy trực tiếp của Anh hùng Núp đã tích cực tham gia tải đạn, cõng thương binh, chôn cất liệt sĩ... Có thể nói, Chiến thắng Đak Pơ có một phần không nhỏ sự hỗ trợ tác chiến của lực lượng du kích địa phương. 
 
Được tin thắng trận Đak Pơ, Bác Hồ đã gửi thư khen: “Các chú hoạt động có thành tích khá. Bác vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú và thưởng đoàn vừa thắng khá ở An Khê Huân chương Kháng chiến hạng nhất... Bác chờ nhiều tin thắng lợi của các chú và thân ái hỏi thăm đồng bào trong đó”. Trong cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ”-NXB Quân đội Nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đánh giá rất cao chiến thắng này: “...Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề...”. 
 
Chiến thắng đã được tôn vinh đúng tầm vóc?
 
Những ngày này, bên cạnh việc bận rộn chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đak Pơ, Ban Liên lạc Trung đoàn 96 tại Bình Định cũng đang làm đơn thỉnh nguyện gửi các cấp cao nhất của Nhà nước để đề nghị xem xét, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu vì thành tích xuất sắc không chỉ trong trận Đak Pơ mà còn những chiến công trước và sau đó. Hiện Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã có công văn đề nghị lập hồ sơ, thủ tục gửi về Quân khu 5 để thẩm định và hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Quốc phòng xét đề nghị truy tặng danh hiệu này cho Trung đoàn trưởng Nguyễn Minh Châu, đã mất năm 1999.
 
Những kỷ lục của chiến thắng Đak Pơ:
Riêng về đánh giao thông, trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chưa có trận vận động phục kích nào lớn hơn trận Đak Pơ.
Cụ thể:
Kỷ lục về tiêu diệt sinh lực địch: Địch chết và bị thương 700 tên, bị bắt sống 1.200 tên.
Kỷ lục về chiến lợi phẩm: Thu 229 xe cơ giới, 20 đại bác và hàng ngàn súng các loại.
Kỷ lục về hiệu quả chiến đấu: Lực lượng của ta ít hơn địch trên 5 lần nhưng chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ đã xóa sổ cả một Binh đoàn Cơ động, loại khỏi vòng chiến 3.900 tên địch.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai
Có thể thấy, Đak Pơ là một trận đánh được báo chí quốc tế ca ngợi là một trận đánh hay, là chiến công lớn nhất Liên khu V, và chỉ khi tin BĐCĐ 100 bị tiêu diệt bay tới Genève, địch mới chịu đưa ra điều kiện đàm phán và ký kết Hiệp định Genève. Thế nhưng, cho đến nay, dường như chiến thắng Đak Pơ vẫn chưa được tôn vinh xứng tầm, dù rằng Trung đoàn 96 đã được tuyên dương Anh hùng và địa điểm Chiến thắng Đak Pơ được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Suốt nhiều năm qua, ông Tự không ngừng băn khoăn: “Không biết vì sao cho đến nay Chiến thắng Đak Pơ không được sử sách ghi chép đầy đủ, báo đài không nói, không viết gì nhiều, trừ một vài tờ báo địa phương và mấy quyển sách lưu hành nội bộ”. 
 
Ông Nguyễn Tự cho biết thêm, hiện phần mộ của 147 liệt sĩ trong trận đánh này (trong đó có 87 người là bộ đội, còn lại là dân quân du kích và thanh niên xung phong) đều chưa được tìm thấy, mặc cho những nỗ lực tìm kiếm không ngừng của địa phương và của Ban Liên lạc Trung đoàn 96. Đã 6 lần ông cùng chính quyền An Khê tìm lại dấu tích những nơi chôn cất cũ nhưng đào lên chỉ thấy đất đen. “Về chuyện này chúng tôi thấy quá day dứt nhưng chưa biết cách sao?”- ông Tự lặng đi. Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam... quê hương của những liệt sĩ này vẫn còn biết bao người thân mong ngóng nhưng chưa biết bao giờ mới được đón con, em, cha, chú mình trở về. Cùng với Đài tưởng niệm Chiến thắng Đak Pơ, hiện chỉ còn một chứng nhân câm lặng bên vệ đường phía Nam quốc lộ 19 tại cây số 94. Đó là tấm bia tưởng niệm những người lính chết trận trong trận này. Những dòng chữ (bằng tiếng Pháp) cuối cùng trên bia còn ghi: “Nơi đây, ngày 24 tháng 6 năm 1954, những người lính Pháp và Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc của họ...”.
 

No comments:

Post a Comment