Tuesday, December 20, 2016

NHỤC NHÃ THAY “VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH” ĐÀ LẠT!


NHỤC NHÃ THAY “VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH” ĐÀ LẠT!
Ngô Văn Giá

Vào ngày 10/7/2011, trên Vietnamnet xuất hiện bài báo “Đà Lạt: xây Vạn lý truòng thành trong khu du lịch?” của tác giả Trần Trung Sơn.

Bài báo mô tả công trình Vạn lý trường thành dài khoảng chừng 300m, uốn lượn vắt vẻo qua các ngọn đổi trong khu du lịch mang cái tên mỹ miều: Đồi Mộng Mơ; rằng đi trên cái gọi là Vạn lý trường thành bắt chước ấy bắt gặp các quần thể tượng là các chú lính Tần Thủy Hoàng tay cầm giáo, đầu đội nón chóp nhọn, mặc áo vàng, mô phỏng y như quân lính thời Tần Thủy Hoàng; rằng rất đông khách tham quan người Việt đứng trên các chòi canh hoặc trước cổng thành để chụp hình một cách sung sướng làm kỷ niệm; rằng lại có cả dòng chữ ghi câu nói của Mao Trạch Đông bằng chữ quốc ngữ “Bất đáo Truòng thành phi hảo hán”; rằng nước mình thiếu gì các công trình kiến trúc tiêu biểu, tầm vóc mà lại đi rước cái của ngoại bang về thờ…

Khi đó, bài báo đã gây nên một làn sóng công luận phản đối dữ dội. Các ý kiến đều cho rằng đó là một thái độ thấp kém về văn hóa, vong bản, nô lệ, bắt chước mù quáng của chủ đầu tư, và thái độ tắc trách của các cấp quản lý thuộc chính quyền Đà Lạt-Lâm Đồng. Hiện nay, nếu tra trên google từ khóa “Vạn lý trường thành Đà Lạt”, bài báo đó vẫn còn nguyên vẹn, và có thêm hàng chục bài báo khác cũng đã lên tiếng hoặc những đường link dẫn các bài báo này.
 
Ngày đó, đọc xong bài báo và theo dõi sự phẫn nộ của công luận, tôi vẫn nghĩ chắc chủ đầu tư và chính quyền Đà Lạt sớm can thiệp, cho dỡ bỏ, hoặc cải tạo để tránh lỗi sao chép máy móc và nô lệ văn hóa của công trình này.

Nhưng không. Báo chí lên tiếng chỉ giống như “muỗi đốt gỗ”. 

Ngày mùng 6/12/2016 vừa qua, trong một chuyến ghé thăm Đà Lạt, tôi rắp tâm hỏi thăm đến Đồi Mộng Mơ, nơi có công trình Vạn lý trường thành xem thực hư thế nào, đã được cải tạo chưa…Đến nơi, tôi vô cùng kinh ngạc, công trình mô phỏng chướng tai gai mắt này vẫn nguyên vẹn, trơ gan cùng tuế nguyệt, như bất chấp dư luận, như thách thức tất cả những ai có lòng tự trọng dân tộc.
 



 
Vẫn con đường bậc đá, hai bên đá dựng thành hai bức lũy, vài trăm mét lại có cổng thành, cổng đầu tiên bước vào vẫn lù lù bức chữ “Vạn lý trường thành phi hảo hán” không có nguồn dẫn của ai. Tấm biển chỉ đường hướng dẫn du khách ( trong hình) vẫn ngang nhiên dòng chữ hướng theo mũi tên “Vạn lý trường thành”. Điểm khác duy nhất nếu tính thời điểm bài báo của nhà báo Trần Trung Sơn ra mắt kể trên đó là quần thể tượng lính Tần Thủy Hoàng đã được phi tang, thôi không còn ngự trên đó nữa.

Lúc tôi đến tham quan vào quãng 4 giờ chiều. Tôi ngỏ lời với bảo vệ muốn gặp lãnh đạo của Công ty Cổ Phần Du Lịch Thành Thành Công Lâm Đồng - chủ đầu tư và quản lý khu du lịch Đồi Mộng Mơ, thì anh ta nhanh trí bảo là không có số của Sếp. Trong quá trình đi tham quan, tôi có trò chuyện với một số nhân viên dịch vụ của khu du lịch, hỏi là sau khi báo chí lên tiếng phản đối “Vạn lý trường thành” mà ông chủ ở đây không thay đổi gì ư? Đa phần những người được hỏi đều không biết công trình đã bị báo chí phê phán như thế nào và từ khi nào.

Trời đã sắp tối, mà mưa thì mỗi lúc một nặng hạt. Tôi không biết hỏi thêm ai nữa, đành lầm lũi ra về.

Gặp anh bạn làm việc tại Hội văn nghệ Lâm Đồng, trút “cục tức” cho đỡ, ai dè anh bạn cười khùng khục bảo: “Ông định đánh nhau với cối xay gió ư?”.

Hóa ra tiếng nói của báo chí và công luận 5 năm nay đối với chủ đầu tư và các cấp chính quyền Đà Lạt như nước đổ lá khoai?

Chả lẽ một chứng tích tiêu biểu cho thái độ mất gốc, nô lệ văn hóa vẫn ngang nhiên tồn tại trên một địa điểm trung tâm và đẹp đẽ vào bậc nhất của Đà Lạt mãi sao?

Ngày 8/12/2016
V.G

No comments:

Post a Comment