Sunday, July 27, 2014


Một tuần ở đảo Hoàng Sa



Rate This
Lời dẫn: Việt Nam đã có đủ các bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Nay chúng tôi giới thiệu bài điều tra có ý nghĩa như một tác phẩm du ký công vụ của tác giả Vĩnh Phúc kể về những ngày đến thăm, kiểm tra quần đảo Hoàng Sa (Paracels) và các điểm đảo Boisée (Phú Lâm), Drummond (Duy Mộng), Pattle (Hoàng Sa) và ngang qua các đảo Robert (Hữu Nhật), Duncan (Quang Hòa) do nhà nước Việt – Pháp đương thời quản lý… Trên thực tế, vào thời điểm năm 1938, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa vẫn có hải đăng do chính quyền nhà nước Việt – Pháp kiểm soát, có các đội lính tập An Nam trấn giữ và cho phép người Nhật đến khai thác phosphate và hải sản… Bài báo có tên Một tuần ở đảo Trường Sa, in trên trên Tràng An báo (Huế, số 345, ra ngày 9/8/1938, tr.1+4)…
Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, giới thiệu
  Hoàng Sa (phía dưới, bên trái, ghi là "Bãi Cát Vàng"), trong tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá biên soạn năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đời Lê Hy Tông
Hoàng Sa (phía dưới, bên trái, ghi là “Bãi Cát Vàng”),
trong tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá biên soạn năm Chính Hòa thứ 7 (1686) đời Lê Hy Tông
Thông báo hạm La Marne từ giã Tourane dưới một bầu trời quang đãng, ít sóng ít gió. Mặt bể đem lại cho tôi một cái cảm giác khoan khoái chạy khắp mình. Đảo Paracels cách Tourane 300 cây số và Hải Nam 250. Cứ theo tốc lực chiếc thông báo hạm nầy thì ngày hôm sau mới đến.
Tàu lần lần chạy mau thêm để lại cửa bể Tourane mịt mù sau chân trời. Cái cảm giác lúc nãy đã đổi ra đủ thứ khó chịu: nặng đầu, chóng mặt, buồn nôn… Không thể chịu những nỗi cực nhọc của sự say sóng, tôi phải chui vào cabine mà một viên sĩ quan đã nhường lại cho, nằm li bì, dẫu hết sức không thể đứng trên boong tàu nhìn mấy chiếc thuyền bé nhỏ của bạn chài lưới nhởn nhơ làm nghề giữa nơi trời nước bao la.
Nhọc li bì, nằm nép trong cabine cho đến 9 giờ sáng hôm sau, nghe ồn ào trèo lên sân tàu, theo tay chỉ của mấy người thủy thủ đã thấy một vài đảo nhỏ ở xa xa. Nhưng tàu không dừng, cứ đi thẳng vì muốn đổ bộ ở đảo Boisée trước nhất.
 “Chấm đen ở bên phải là Boisée!”. Một viên hạ sĩ quan chỉ cho tôi trông theo. Tàu đến gần, tôi ngạc nhiên thấy phất phới trên đám cây xanh, ngay giữa đảo, một ngọn cờ “mặt trời” đỏ chói. Hình như hiểu sự ngạc nhiên của tôi nên viên hạ sĩ quan lúc nãy vội vàng cắt nghĩa: “Vì trên đảo có một công ty Nhựt Bổn lập cơ sở nên mới có ngọn quốc kỳ của họ”. À ra thế.
Tàu bỏ neo ngoài khơi vì gần đảo rất cạn, vả lại có một dãy đá mọc dài dưới nước rất nguy hiểm. Ngồi dưới xuồng đi từ từ vào đến đất, cặp mắt thật đã được hưởng những phút vô cùng khoái lạc. Mấy bãi cát xa xa dưới lớp nước rất cạn, phản chiếu ánh mặt trời thành một màu lục tuyệt đẹp. Nước trong một cách lạ. Đáy sâu gần 3, 4 thước nhưng trông rõ như cách vài gang. Những mô đá, những cây san hô đủ màu: xanh, đỏ, trắng, tím, lục,… dưới đáy nước giống như một bức gấm thêu, lồng dưới một tấm thủy tinh dày.
Đảo Boisée cũng khá to. Đi bộ vòng quanh đảo cũng mất chừng hơn 1 giờ rưỡi. Có vài khóm cây to, còn thì toàn một thứ cây cành to bằng cổ tay nhưng gỗ rất mềm, lá dài không cao quá đầu người, mọc khắp đảo. Không có một con thú vật gì, trừ một thứ chim muông (mouetté) bay từng đàn rất đẹp nhưng thịt lại hôi, không ăn được. Lánh mình vào giữa đảo, lá vàng rụng đầy đất, bước lên êm như đi như trên thảm. Không một tiếng động, trừ ra tiếng sóng vỗ bờ xa xa: thật là một cảnh êm đềm như mộng.
Trước hết tôi gặp một bọn người Nhựt.
Họ đến đó tất cả là 56 người, chia làm hai đội. Một đội ở trên bộ phá rừng làm nhà, hiện đã xong ba cái nhà cây lợp kẽm và hiện đang làm thêm một cái to hơn. Một nửa làm cả dưới bể. Người cai quản có hơi biết tiếng Anh nên tôi với họ cũng có thể hiểu nhau được. Theo họ thì gần hết người ở đấy đều là thổ dân Đài Loan, chỉ có ba người quê ở Nhựt Bổn. Mỗi tháng có một chuyến tàu của công ty (tiệm chánh của công ty nầy là ở Đài Loan) đưa gạo muối sang và mang cá ướp, cá muối, rùa và cẩn xà cừ họ làm được về. Công ty Nhựt nầy không lấy phosphate như công ty trước.
Cơ nghiệp họ ở đảo Boisée cũng nhỏ hơn trước nhiều, vì với cái hình trạng của họ hiện thờ và những dấu vết của công ty trước để lại có thể quả quyết thế được. Ngay trước trại họ đóng còn thấy một cái nồi “úp de” cao hơn ba thước và vài chục thùng kẽm to tướng đã cũ nát, nằm ngổn ngang. Lại nhiều bức tường và hầm bằng béton đổ nát, chứng rằng cơ sở của công ty trước kia phải to lớn. Một cái cầu sắt bắt nằm ra bể, nay chỉ còn lại những thanh sắt mục rơi dài dưới đáy nước, tình cờ đi tắm mới trông thấy.
Bọn người Nhựt nầy chỉ toàn đàn ông. Họ ở đó một thời kỳ 8 tháng, đến mùa gió bão họ lại về xứ, đổi một ê kíp khác sang. Cơ nghiệp họ, hiện nay chưa có gì. Theo như hôm chúng tôi đến viếng họ, thấy cá ướp cũng chẳng có bao nhiêu và nhà cửa cũng còn sơ sài lắm.
Trên đảo trừ những người Nhựt ra, còn thấy nhiều mồ mả của ngư phủ Tàu không biết vì chết đuối hay là đến làm ăn ở đây mà mạng vong. Nhưng điều đáng chú ý nhứt là một cái miếu con ở gần trại của người Nhựt. Theo kiến trúc ấy, thật cũng khó phân biệt được của ta hay của Tàu, nhưng phần nhiều đều cho là của ta, của đội Tây Sa lập nên từ đời Minh Mạng. Nói vậy tưởng cũng không phải là vô lý.
Chúng tôi từ giã đảo Boisée vào khoảng sáu giờ chiều, sau khi đã để lại cho mấy người Nhựt ít bao thuốc lá (French Tobacco) và ít đồng hào Đông Dương làm kỷ niệm, và sau khi đã nhận được vô số vỏ nghêu hào và xác cây san hô đủ hình và đủ mùi tuyệt đẹp.
Quần đảo Paracels có 5 đảo chánh là: Boisée, Robert, Drummond, Duncan và Patle, ba đảo về giữa không quan hệ mấy vì diện tích nhỏ, không có cây to nên tàu chỉ dừng lại mỗi nơi ít giờ thôi. Trên đảo chẳng có gì cả, trừ ra vài cái mộ người Tàu và ròng một thứ cây nhỏ đã thấy ở đảo Boisée. Tôi quên nói mỗi đảo xa nhau những 3, 4 chục cây số, tàu phải chạy hằng giờ mới đến.
Trong khi tàu bỏ neo trước đảo Brummond, tối đến đã thấy tận chân trời một ngọn đèn phare nhấp nháy. Ngọn đèn ấy của Sở Địa dư Đông Dương đặt ở đảo Patle từ Novembre 1937 để giúp các nhà hàng hải tránh sự hiểm nghèo quanh quần đảo ấy trong những đêm gió bão mịt mù.
Trưa hôm sau tàu mới đỗ trước đảo Patle. Đảo nầy cũng bé nhỏ hơn đảo Boisée, nhưng quan hệ hơn là vì nó nằm gần bờ bể Đông Dương nhứt. Cũng như ở ba đảo kia, đảo nầy không có cây to.
Ngọn đèn phare đặt về phía tây đảo, thắp bằng hơi đá (acétylène), sáu tháng phải ra thay một bận. Cách đó chừng 100 thước có một cái miếu nhỏ; sau miếu lại có một tượng đá hình người đàn bà chắp tay trước ngực. Tượng cao chừng 1m50, chạm trổ rất đẹp. Có lẽ là của người Tàu làm chài lưới đem đến đó thờ.
Trên đảo Patle hiện nay là nơi căn cứ của đội lính tập An Nam. Chánh phủ không những muốn lập ở đó một đài thiên văn, còn muốn làm nơi trú ngụ cho những người chài lưới An Nam ra đó làm nghề.
Tôi không muốn bàn những sự lợi ích về việc dụng binh hay là một vấn đề gì khác, tôi chỉ tiếc ở dãy Tây Sa còn biết bao nhiêu mối lợi có thể nuôi sống biết bao nhiêu là gia đình. An Nam bấy lâu chỉ lo bo bo quanh nhà để chịu đói cực. Không kể đến những mỏ phosphate, riêng một nghề câu cá cũng đủ làm giàu. Nhiều thủy thủ đứng trên  tàu La Marne, thả sợi dây có lưỡi câu móc miếng thịt bò mà cũng có thể kéo lên được nhiều con cá rất to và rất ngon. Nếu người ta biết dùng những khí cụ thích hợp thì kết quả tất phải mỹ mãn lắm.
Sau một tuần linh đinh trên mặt bể bước chân lên đất bằng thật là một sự thích chí. Lúc bấy giờ thật là cũng chưa ngờ mấy hòn đảo khô khan ấy ngày nay lại thành một mối tranh giành của hai cường quốc, và biết đâu không vì nó mà thay đổi cuộc diện Thái Bình Dương./.
Vĩnh Phúc (VHNA)

No comments:

Post a Comment