Sunday, November 6, 2022

 Trận Bình Giả 3/12/1964 - 3/1/1965 Võ Trung Tín - Nguyễn Hữu Viên 

Trận Bình Giã là trận đánh xảy ra vào cuối tháng 12 năm 1964 trong Chiến tranh Việt Nam tại làng Bình Giã, tỉnh Phước Tuy, giữa Quân lực Việt Nam Cộng hòa và quân CSBV. 

Bình Giã tọa lạc hai bên trục lộ trải đá trên một địa hình cao với rào tre bao quanh. Trục giao thông chính của Bình Giã là LTL7 nối liền giửa hai tỉnh Bà-Rịa và Long Khánh. Đa số đồng bào định cư tại đây là giáo dân từ Thanh Hóa và Nghệ-An di cư năm 1954. Khi bắt đầu định cư dân số làng Bình Giã độ khoảng 2000 người. Đến năm 1964 dân số của Làng Bình Giã lên đến khoảng 6000 người. Làng Bình Giã thuộc Chi khu Đức Thạnh cách tỉnh lỵ Phước Tuy khoảng 18 cây số, cách Saigon khoảng 67 cây số về phía Đông theo đường chim bay. Ngôi làng nhỏ này chỉ có hai trung đội Điạ Phương Quân phòng thủ. Người dân Bình Giã rất ngoan đạo dưới sự lãnh đạo của một Cha xứ. Khi quốc sách Ấp Chiến lược ra đời Làng Bình Giã được tổ chức thành một ngôi làng kiểu mẩu, những lủy tre xanh nhanh chóng mọc lên quanh làng. Dân làng được cha xứ tổ chức thành đội ngủ, được trang bi vũ khí đến cấp Trung đội. Những trạm canh quanh làng được tăng cường với hệ thống mìn bẩy sáng tháo tối gày. 

                         


Khởi đầu xâm lược miền Nam, CS đã hoạt động tuyên truyền, phá hoại, ám sát viên chức chính quyền. Các hoạt này dường như xẩy ra khắp nơi nhưng tuyệt đốt đã không xẩy ra tại vùng Bình Giã. CS đã thất bại không gày được hạ tầng cơ sở của chúng trà trộn với dân làng như tại những địa phương khác. Ngược lại, mỗi người dân Bình Giã là một tình báo viên. Mọi tin tức đều được báo cáo lên cha sở để cha sở đúc kết gởi lên quận. Có thể nói là tin tức tình báo mà Chi Khu Đức Thạnh và Tiểu khu Phước Tuy nhận được từ Bình giả là những nguồn tin đáng tin cậy nhất. Khi trận Bình Giã xẩy ra, người Bình Giã với hai bàn tay không đã tham gia chiến đấu sát cánh với lực lượng bạn khi hành quân tái chiếm làng. Khi CS tấn công làng dân chúng ẩn núp trong hầm kín đáo theo dỏi và báo cáo về quận mọi lực lượng của địch, che dấu thương binh và khi đơn vị tái chiếm làng, cả làng mang thực phẩm và nước uống ra tiếp đón, ủy lạo. Làng Bình Giã cũng là nơi địch quân lựa chọn để bắt đầu leo thang chiến tranh từ du kích chiến lên trận địa chiến. CS đã áp dụng chiến thuật “Công đồn đã viện”, đánh chiếm làng Bình Giã bằng lực lượng địa phương để nhữ đánh các đơn vị tiếp viện. Bình Giã được chọn làm mục tiêu vì Bình Giã ở cách xa quận/chi khu và chỉ được bảo vệ với 2 Trung đội Bảo-an (Lưc lượng địa phương sau này cải tên thành Địa –phương-quân). 

 Lực Lượng CSBV : CS đã tung vào chiến trường hai Trung đoàn chính quy Q761 và Q762, được tăng cường Trung đoàn 80 Pháo-binh Miền cùng với 2 tiểu đoàn 500 và 800 chủ lực quân khu miền Đông, Tiểu đoàn 186 của quân-khu 6, Đại đội D445 và các đơn vị du kích huyện và xã Tỉnh Bà-Rịa. Lực lượng tham dự tổng cộng lên đến trên 7000 người được đặt dưới sự chỉ huy của Trần đình Xu và Chính ủy Lê văn Tưởng. 

 Lực lượng VNCH : - 2 Trung Đội Bảo-An trấn giữ Bình Giã. - Chi Đoàn 3 Thiết Vận Xa, Chi Đoàn M24 Thiết Giap. - Các Tiểu Đoàn 30,TĐ 33 và TĐ38 Biệt Động Quân - Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến. - Tiểu Đoàn 1,3 và 7 Nhảy Dù. 

 Diển tiến : Vào đầu tháng12 năm 1964 các hoạt động du kích CS gia tăng gấp bội tại quanh vùng Bình-Giã trong khi các đại đơn vị của chúng từ Chiến Khu D di chuyển tập trung tại khu rừng phía bắc chi khu Đức-thạnh. Làng Bình Giã hầu như bị địch khuấy phá thường xuyên để thăm dò các vị trị bố phòng của làng. Rạng sáng ngày 3.12.1964, để chào đón ngày kỷ niệm 4 năm thành lập mặt trận giải phóng miền Nam (MTGPMN) đại đội Đ445 thuộc lực lượng địa phương tỉnh Bà-Rịa tấn công ấp chiếnlược Bình Giã. Đồng lúc đó, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Q761 bao vây và pháo kích chi-khu ĐứcThạnh. 

 Hai ngày sau 4/12/1964 BTL Quân-đoàn III cho trực thăng vận tiểu đoàn 30 Biệt-ĐộngQuân xuống trận địa tại một địa điểm phía Tây Nam chi-khu để từ đây mở cuộc hành quân giải tỏa Bình Giã. Cuộc đụng độ khá ác-liệt, quân CS yếu thế nên đã rút lui. VC bỏ lại trận địa 32 xác. Ngày 8.12, Đại đội 445 cùng với một đại đội thuộc Trung-đoàn Q761 tấn công làng Bình Giã lần thứ nhì. Trong lúc đó, Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Q761 và Tiểu đoàn 5 thuộc Trungđoàn Q762 đánh chi-khu Đất Đỏ. Các đơn-vị thuộc đoàn 80 pháo-binh pháo kích hai chi-khu ĐứcThạnh, Xuyên-Mộc và Trung-tâm Huấn-luyện Vạn-Kiếp để cầm chân yễm trợ cho các cuộc tấn công trên. Tuy nhiên, quân CS đã bị đẩy lui. Các cuộc pháo kích của địch quân không gây ra thiệt hại nào đáng kể. 

 Ngày 9.12, Chi-đoàn 3 thuộc Trung-đoàn 1 Thiết-giáp được lệnh mở cuộc hành quân giải tỏa liên tỉnh-lộ 7. 

Bốn ngày sau (13.12), trên đường hành quân trở về, Chi-đoàn 3 lọt vào ổ phụckích của trung-đoàn Q762 tại Bình Ba, trên trục lộ Phước Tuy - Hàm Tân. cách sông Cầu khoảng 600 thước. Có đến 14 chiếc M113, hơn phân nửa thiết-vận-xa của chi-đoàn bị phá-hủy và Đ/U Ngọc Chi-đoàn-trưởng bị tử thương. 

 Ngày 14/12 một ngày sau khi Chi-đoàn 3 Kỵ-binh bị phục-kích, Tiểu-đoàn 4 TQLC được trực-thăng-vận xuống bìa làng phía Tây Bình Giã để giải tỏa áp lực địch và giải vây cho phần còn lại của Chi-đoàn 3 Kỵ-binh còn đang cố thủ tại nơi bị phục-kích. Khi Tiểu-đoàn 4 TQLC bắt tay được với Chi-đoàn 3 Thiết-kỵ thì địch quân đã rút lui, trận địa chỉ còn lại xác người và xác các xe thiết vận xa M.113 bị phá hủy trong rừng cao su bỏ hoang. Việt cộng đã tháo gỡ, thu nhặt hết vũ khí, luôn cả quân trang trên người đã chết chúng cũng không từ. Tiểu-đoàn 4 TQLC bố trí yễm trợ cho Chi-đoàn 3Thiết-kỵ thu dọn chiến trường và rút ra khỏi trận địa. Tiểu-đoàn 4 TQLC tiếp tục hành quân tiến về phía rừng Sác gỉai tỏa áp lực địch dọc theo quốc-lộ 15 từ Phước-Tuy đến quận Long Thành. Không có hoạt động nào đáng kể của địch quân được ghi nhận. 

Ngày 16/12/1964 TĐ4TQLC di chuyển bằng xe GMC về Dỉ An và hằng ngày ứng chiến cho QĐ3 tại phi trường Biên Hoà. Những ngày sau trận Bình Ba, không có một dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của địch trong vùng. Các đơn vị tham chiến của địch đã rút sâu vào rừng gần bãi biển Hàm-Tân để tiếp nhận vủ-khí đạn dược từ một chiếc tàu từ miền Bắc vào cập bến tại Lộc-An ngày 22/12/1964 mang theo 44 tấn vũ khí gồm súng trường CKC, Tiểu liên AK47, K50, thượng liên RPD và súng chống chiến xa B40. Số vũ khí nầy được trang bị ngay cho các cán binh VC đang tham chiến. 

 Khuya ngày 28.12 Đại đội D445 cùng với Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Q761 trở lại tấn công Bình Giã lần thứ ba đồng thời dùng đại bác 75 ly không giật trực xạ vào chi khu Đức-Thạnh. 

 Trận Bình Giã ngày 29/12/1965 

Ngôi làng nhỏ Bình Giã này chỉ có hai Trung đội Điạ Phương Quân trấn giử, chỉ sau một vài giờ giao tranh là bị thất thủ. Sau khi chiếm xong làng, địch quân tăng viện thêm quân để cố thủ. 

 Sáng ngày hôm sau 29/12, Tiểu đoàn 38 BĐQ được trực thăng vận xuống trảng trống phía Tây Nam chi khu Đức-Thạnh để tái chiếm Bình Giã. Tiểu đoàn 38 BĐQ chia làm 3 mủi tiến quân vào Bình Giã nhưng cả ba mủi đều chạm súng nặng. Việt cộng đã bố trí trận địa, đào sẵn các công sự kiên cố chờ đánh viện binh trực thăng vận ở các bãi trống quanh làng, phục kích Tiểu đoàn 38 Biệt Động Quân ngay khi vừa chạm chân xuống đất. Tiểu đoàn này đã anh dũng chống trả mãnh liệt nhưng vẫn bị thiệt hại nặng, Tiểu Đoàn Trưởng và một Đại Đội Trưởng bị tử thương. Hơn một trăm chiến binh còn sống sót đã kéo vào tử thủ ở ngôi nhà thờ chính trong làng. 

                           


 Trước tình hình nghiêm trọng, ngày hôm sau, Quân đoàn III lại cho trực thăng vận Tiểu đoàn 30 Biệt Động Quân xuống phía Tây Nam làng Bình Giã để tiếp cứu quân bạn. Cuộc đổ quân không gặp sự sự kháng cự nào của địch quân, nhưng Tiểu đoàn này bị cầm chân ngay khi bắt đầu tiến vào làng và suốt ngày hôm đó Tiểu đoàn 30 vẫn không tiến lên được để bắt tay với tiểu đoàn 38 BĐQ đang cố thủ cách bìa làng độ 300 thước. Trong khi đó, nhờ sự che chở tích cực của dân làng, hơn một trăm tay súng TĐ 38 Biệt Động Quân vẫn giữ được vị trí, dù tất cả đều mang thương tích trên người. 

 Sáng ngày 30.12, Tiểu-đoàn 4 TQLC được trực thăng vận xuống phía Đông Nam ấp La Vân để tăng cường cho lực-lượng đã có sẵn tại đây chiếm lại Bình-Giã. Quân số khiển dụng của TĐ4TQLC khoảng 550 người. (TĐT Thiếu Tá Nguyển Văn Nho, TĐP Đ/U Trần Văn Hoán, ĐĐT:Tr/U Trần Ngọc Toàn, Tr/U Đổ Hửu Tùng, Th/U Nguyển Văn Huệ, Tr/U Nguyển Đằng Tổng. 2 SQ cố vấn là Th/T Ellẻ & Tr/U Brady và sau tăng cường Đ/U DG Cook và 2 Hạ Sỉ Quan TQLC Mỷ) Sau đó TQLC bắt tay được với các cánh quân của hai Tiểu-đoàn 30 và 38 BĐQ đẩy lùi quân CS về phía Đông. Đêm đến quân CS trở lại tấn công làng Bình-Giã nhưng đã bị đẩy lui sau gần một giờ giao-tranh. Tuy nhiên trong khi yểm-trợ cho quân bạn, một trực thăng của Mỹ đã bị bắn rơi trong đồn điền cao-su Quảng-Giao cách làng Bình Giả khoảng 4 cây số. Phi hành đoàn 4 người đều bị tử-thương. Hình chụp vào tháng 12/1964 tại Vũng Tàu, một phi đội trực thăng UH-1 của Hoa Kỳ đang chờ bốc một lực lượng bộ-chiến vào giải tỏa làng Bình Giả. (HÌNH ẢNH: Ralph Orlando). 

 Sáng ngày 31/12/1964, TĐ4TQLC được lịnh đưa quân vào đồn điền cao su Quảng Giao để tìm chiếc trực thăng bị nạn đêm qua. Khi tiến đến đồn điền cao su, cách làng Bình Giả 2Km về hướng Đông, ĐĐ 2 của Tr/Uý Tùng báo cáo đã thấy chiếc trực thăng rớt đêm qua và xác phi hành đoàn. Đại đội 2 mở rộng đội hình lục soát và khám phá ra nhiều gò mả mới chôn nhưng thật ra là các vị trí độn thổ phục kích của địch. Ngay lúc đó quân VC đã đội mồ tràn lên tấn công và vây đánh. ĐĐ 2 xiết chặt đội hình chống trả mãnh liệt, chận đứng nhiều đợt xung phong của địch. Sau khi bị thiệt hại mất một Trung Đội, VC bị đẩy lui. Được tin chạm địch, Tiểu-đoàn-Trưởng điều động Tiểu đoàn từ làng Bình-Giã đến tiếp cứu. Khi Tiểu đoàn đến thì VC đã rút lui. Khoảng nửa giờ sau, một trực-thăng tản thương và hai trực-thăng vỏ trang đến. Trực-thăng tản-thương đáp xưống nhận xác phi-hành-đoàn nhưng từ chối chuyên chở 12 xác TQLC bất chấp sự phản đối của các sĩ-quan cố-vấn Mỹ của đơn vị. Mãi đến 16.00 giờ không có trực thăng tản thương nên Tiểu-đoàn-Trưởng quyết định di chuyển xác theo đường bộ về làng Bình-Giã. Tiểu đoàn vừa thu quân chuyển sang đội hình di hành thì địch quân xuất hiện khắp bốn phía, nã súng không giật, súng cối tấn công tới tấp vào vị trí của đơn vị nầy và sau đó chúng dùng chiến thuật biển người tấn công khi vừa dứt đợt pháo kich. Tiểu đoàn 4TQLC chống trả chống trả dử dội và chận đứng nhiều đợt xung phong. Khoảng nửa giờ sau khi chạm súng Thiếu tá Nguyễn văn Nho Tiểu đoàn Trưởng bị tử thương và TĐ phó Đại-úy Hoán bị thương nặng. Trung-úy Trần ngọc Toàn Trung Đội trưởng Trung-đội 1 nắm quyền chỉ huy điều động Tiểu đoàn cố thủ trên ngọn đồi giữa rừng cao-su Quảng Giao. Tại đây Tiểu đoàn đã chận đứng thêm nhiều đợt xung phong và gây thiệt hại nặng cho VC. Trận đánh khốc liệt tiếp tục cho đến khi trời sụp tối, Trung-úy Trần ngọc Toàn bị thương ở chân đã cùng các quân nhân còn sống sót của hai Đại đội 1 và 3 mở đường máu xông phá vòng vây chạy thoát về đến Bình Giã. Trận Bình Giã ngày 31/12/1964

 Tối đến, phi cơ lên vùng thả hoả châu soi sáng trận địa. Dưới ánh sáng hoả châu, Tr/U Nguyển Đằng Tổng ĐĐT/ĐĐ4 hướng dẩn các quân nhân còn tản lạc tìm đường trở lại Bình Giả. Quân CS cũng rút lui ra khỏi trận địa và dùng xe bò chuyên chở xác các cán binh tử trận về hướng Rừng lá và Xuyên Mộc. Đại Tướng Nguyển Khánh chỉ định Đại Tá Lâm Quang Thơ đang là Chỉ Huy Trưởng Trường Thiết Giáp làm Chỉ Huy Trưởng Chiến Đoàn 5 mở cuộc hành quân Hùng Vương 2 để tảo thanh vùng Bình Gia. Sáng ngày 1/1/1965 nhiều đơn vị quân đội đuợc vận chuyển tới để tiếp viện cho mặt trận Bình Giả. 102 xác VC bỏ tại trận. Ngày 3/1/1965 BTL tiền phương của chiến đoàn 5 cùng Chi Đoàn Kỵ binh gồm 15 chiến xa M24 cùng với TĐ35BĐQ tùng thiết di chuyển từ Bà Rịa lên Đức Thành đã lọt vào ổ phục kích của Trung Đoàn Q762 trên LTL7. Lực lượng hành quân bị thiệt hại nặng, hầu hết Sỉ-quan của BTL tiền phương đều bị tử trận.

                           


  

 Các Sĩ Quan ĐĐ32 Nhảy Dù tại Bình Giã

 Từ trái sanh phải: Chuẩn Úy Nguyễn văn Tèo, Chuẩn Úy Trương Văn Ngoạt, ĐĐT: Trung Úy Lê Minh Ngọc, Thiếu Úy Nguyễn Đức Cần 

Ngay sau đó, BTL Quân đoàn III trực thăng vận 2 Tiểu đoàn 1 & 3 Nhảy Dù xuống phía đông Bình-Giã mở cuộc hành quân truy kích, và TĐ7ND mở đường từ Phước Lể đến Ba-Bình thu nhặt nhửng xác binh sỉ tử trận của 2 đơn vị Thiết Giáp và BĐQ nhưng không có cuộc giao tranh nào xảy ra, quân CS đã rút lui.., Sau đó 3 TĐND được trực thăng vận đánh thẳng vào mật khu Hác-Dịch để càn quét. Cuộc hành quân không có đụng độ lớn vì địch quân lẫn tránh. Các Tiểu đoàn Dù khám phá được nhiều kho lương thực, vũ-khí, đạn dược của Việt Cộng. Tổng kết : - Phía Việt Nam Cộng hòa tổng cộng có 201 quân nhân thiệt mạng (trong đó có 5 cố vấn Mỹ), 192 người bị thương (trong đó có 8 người Mỹ), và 68 người mất tích (trong đó có 3 người Mỹ) - Thiệt hại của TĐ4TQLC bao gồm 112 tử trận, 71 bị thương, 22 sĩ quan của TĐ đã tử trận kể cả Tiểu đoàn trưởng. Các cố vấn Donald G. Cook (cố vấn TĐ4TQLC), Harold G. Bennett và Charles E. Crafts (cố vấn TĐ33BĐQ) bị bắt làm tù binh. - Về phía Việt Cộng, theo lời xác nhận của một SQ cao cấp CS thì sự thiệt hại của họ trên 1000 nhân mạng gồm cả chủ lực, du kích và dân công. Sự thất bại về quân sự của trận Bình Giã đã ảnh hưởng rất lớn đến chính sách sử dụng quân đội Mỹ để thay thế QLVNCH trong đường lối chỉ đạo chiến tranh “lùng và diệt địch”. 

 Tài Liệu Tham Khảo : - Chiến tranh VN toàn tập 1963-1975 của Tiến Sỉ Nguyễn Đức Phương, Làng Văn xb2001. - Trận Bình Giã của Huỳnh bửu Sơn trên trang nhà www.bariaphuoctuy.org - Những sự thật về trận Bình Giã của Trần Ngọc Toàn, Cựu TĐT/TĐ4/TQLC trên trang nhà tvvn.org. - Trận Bình Giả lúc khởi đầu của MX Trần Ngọc Toàn trên tqlcvn.Victoria‘s blog.360.yahoo.com. - Phỏng vấn các chiến hữu trong SĐND

No comments:

Post a Comment