Sunday, April 5, 2020

5. THẤT THỦ LỘC NINH: SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH MẤT THIẾT ĐOÀN 1 KỴ BINH VÀ CHIẾN ĐOÀN 9
Những gì mà chúng tôi ước tính về trận TCK của CSBV vào lãnh thổ QĐ/III & V3/CT trong muà Hè này, nhất là về mặt trận chính sẽ diễn ra ở đâu, Tây Ninh hay Bình Long, tôi trình Tướng Hưng và cũng được Trung tá Trần văn Bình, Trưởng Phòng 2 QDIII & V3/CT trình lên Trung tướng Nguyễn văn Minh. Dĩ nhiên đã có những buổi thuyết trình riêng của Trung tá Bình và của tôi lên hai vị tư lệnh nầy. Các vị tướng và Bộ Tham mưu của Quân Đoàn cũng có những cuộc thảo luận, trước khi chiến dịch của CSBV diễn ra. Do đó nên mới có quyết định của Tướng Minh về việc phối trí lực lượng trình bày ở trên. Như vậy có thể nói rằng lực lượng QLVNCH cuả QĐIII & V3CT đã ở trong tư thế sẵn sàng chống trả chiến dịch TCK mới của CSBV trong mùa Hè năm đó. Chỉ một việc chưa hoàn tất được là Bộ Tư lệnh Tiền phương của Quân Đoàn III chưa kịp lên Thị xã An Lộc mà thôi. Lúc đó, Tướng Minh còn ở Biên Hoà và sau đó đưa Bộ Tư lệnh Tiền phương từ Thị xã Tây Ninh lên Lai Khê –căn cứ chính của SĐ5BB- từ đó điều khiển cuộc chiến thắng lợi trong lãnh thổ trách nhiệm của ông trong mấy tháng sau đó. Nên lưu ý rằng nếu để mất một tỉnh của Vùng 3 Chiến Thuật, Thủ đô Saigòn sẽ rúng động và Washington sẽ đảo điên vì sách lược Việt Nam Hóa Chiến Tranh chưa hoàn tất. Chính trị nội bộ Hoa Kỳ sẽ lên cơn sốt khi mà cuộc bầu cử tổng quát ở Hoa Kỳ sắp diễn ra trong những tháng cuối năm 1972 đó. Xét trên khía cạnh nầy, Tướng Nguyễn văn Minh là một anh hùng đã cứu nguy cho An Lộc, nói riêng, và cho Saigòn lẫn Washington. Nixon và Kissinger phải mang ơn Tướng Minh.
Tuy nhiên khi trận Tồng Công Kích của Cộng Sản Bắc Việt diễn ra thì có dư luận kể ở Saigòn lẫn Washington cho rằng, cũng như trận TCK Tết Mậu Thân, là QLVNCH bị bất ngờ. Sở dĩ có dư luận này có thể vì lý do sau đây. Từ 2 giờ sáng ngày 31 tháng 3, lực lượng CSBV pháo kích và tấn công dữ dội tất cả các căn cứ đóng quân của Chiến Đoàn 49, SĐ18BB, suốt trục lộ 22 từ tiền đồn Xa Mát ở biên giới Việt Miên dẫn vào đến Thiện Ngôn phía bắc tỉnh lỵ Tây Ninh. Quan trọng nhất là… Căn cứ Lạc Long, vì không chịu nổi cường lực tấn công của địch nên toàn bộ đơn vị hơn cấp tiểu đoàn, gồm bộ binh, pháo và quân xa rút khỏi căn cứ định về thị xã Tây Ninh, lọt vào ổ phục kích cấp trung đoàn của chúng buổi sáng sớm hôm đó, bị tổn thất rất nặng. Ngay trong buổi sáng đó, Tướng Minh chỉ thị cho Tướng Hưng và tôi bay lên Bộ Tư lệnh Tiền phương QĐ III ở Tây Ninh gặp ông. Khi Tướng Hưng và tôi đến đã thấy Trung tá Bình, Trưởng Phòng 2 QĐ III & V3CT chờ Trung tướng Minh ở phòng khách trước văn phòng Tư lệnh. Tướng Minh từ Biên Hoà đến, đi thẳng vào phòng không bắt tay ai, kể cả Tướng Hưng. Chúng tôi theo vào. Tướng Minh nhìn thẳng vào Trung tá Bình và tôi, xát muối: “Mấy người làm tình báo như vậy đó. Nó đánh tan Trung Đoàn 49 rồi! Tính sao đây? Tình hình sẽ ra sao?” Trung tá Bình (hiện ở Nam California) trước năm 1971 là Trưởng Khối Tình báo Quốc Nội của Phòng II/BTTM, là một sĩ quan Quân Báo lỗi lạc, nắm vững tình hình CSBV trên toàn quốc cả miền Bắc lẫn miền Nam, bình tĩnh trình Trung tướng Minh rằng ông tin chắc chắn CSBV và TWC/MN vẫn nhắm tấn công vào Bình Long và chiếm An Lộc. Trận đánh trong đêm và sáng đó trên trục lộ 22, ở Tây Ninh, chỉ là ‘hư chiêu”.
May thay, đang khi đó thì một sĩ quan của Phòng 2/BTL Tiền phương Quân đoàn vào trình cho Trung tá Bình một số tài liệu mà một đơn vị của Chiến Đoàn 49 ở Căn cứ Thiện Ngôn tìm thấy trong xác chết cuả một số cán binh CSBV bị hạ khi chúng tấn công căn cứ nầy trong đêm. Đơn vị nầy thuộc Sư đoàn C30B cuả TWC/MN mới thành lập ở Tây Nguyên, sau nầy gọi là Sư Đoàn Bình Long. Không thấy sự hiện diện của các Sư đoàn chủ lực của chúng là 5, 7, và 9 trong trận đánh trên trục lộ 22. Như vậy chúng giữ các đại đơn vị nầy cho trận đánh quyết định sắp tới. Đọc xong mấy tài liệu đó, Tướng Minh tỏ vẻ tin vào lời trình bày của Trung tá Bình. Tuy nhiên Ông ra lệnh cho Tướng Hưng ngay trong ngày phải trả Lữ đoàn 1 Nhảy Dù tăng phái cho SĐ5BB, lúc đó đang còn tiếp tục hành quân ở Bến Than, phía tây Quận Chơn Thành. Trực thăng bốc Lữ đoàn nầy vào buổi trưa, đưa vào hành quân giải tỏa trục lộ 22. Một Chiến đoàn khác của SĐ18BB và một Chiến đoàn Biệt Động Quân cũng được đưa vào vùng này ngay trong buổi sáng đó. Tướng Hưng cũng nhận thêm lệnh sẽ sẵn sàng trả Chiến đoàn 52 ở Căn cứ Hùng Tâm và chuẩn bị Trung đoàn 7 của SĐ5BB đang hành quân bên ngoài An Lộc, nếu cần, sẽ được bốc vào Tây Ninh trong ngày hôm sau tuỳ theo diễn biến tình hình trên trục lộ 22.
Nhưng tình hình đã diễn ra khá kỳ lạ là, ngay trong buổi sáng ngày đó, sau khi tấn công các căn cứ của Chiến đoàn 49, toàn bộ các đơn vị CSBV cấp tốc rút ra khỏi vùng nầy không thu chiến lợi phẩm và cũng không kịp mang xác chết của đồng bọn đi. Các đơn vị của Tướng Minh đưa vào vùng hành quân, không chạm súng và cũng không tìm thấy chúng, mà chỉ thu dọn chiến trường nhầy nhụa ở đó. Đến ngày 2 tháng 4, coi như trục lộ 22 ở Tây Ninh hoàn toàn được giải toả. Từ ngày đó cho đến hết ngày 3, tháng 4, trong toàn thể lãnh thổ QĐIII & V3CT không có một tiếng súng nổ. Tình trạng im ắng rờn rợn nầy như báo hiệu một cơn bão lớn sắp kéo đến.
Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Chiến dịch Nguyễn Huệ của CSBV ở QĐIII & V3CT thực sự mở màn. Đêm 4 rạng ngày 5, tháng 4, vào khoảng 3 giờ khuya, tôi bị đánh thức bởi tiếng điện thoại reo vang. Bên kia đầu giây là tiếng của Tướng Hưng. Ông cho biết, Đại tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 9, vừa báo cáo là căn cứ của Bộ Chỉ huy Trung đoàn 9, Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chỉ huy Chi Khu Lộc Ninh ở cuối và cặp theo sân bay Lộc Ninh đang bị pháo kích dữ dội và chắc chắn sẽ bị tấn công. Tiểu đoàn 3/9 (-) hành quân ở tây nam thị trấn Lộc Ninh, được lệnh rút về căn cứ của Chiến đoàn, đang bị địch bám sát tấn công liên tục. Đơn vị Thiết kỵ 1 của Trung tá Nguyễn Đức Dương và Tiểu đoàn 74 BĐQ/BP ở Ngã ba Lộc Tấn và Căn cứ A cũng đang bị pháo kích nặng. Ông ra lệnh cho tôi lên ngay Trung tâm Hành quân Sư đoàn (TTHQ/SĐ). Ông cũng nóí thêm là: Tụi nó đánh lớn rồi. Chiến dịch của tụi nó mở màn…”
Tôi đến TTHQ/SĐ thì Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3 Sư đoàn, đã ở đó rồi. Mấy phút sau Tướng Hưng đến. Tại đây tôi được biết, trước đó, khi được lệnh rời vùng hành quân, Tiểu đoàn 3/9 (-) báo cáo nghe tiếng chiến xa di chuyển rầm rộ ở hướng tây trên trục lộ 137, là con đường xuyên rừng nối liền Quốc lộ 13 và Liên quốc lộ 7, ở hướng tây, từ biên giới dẫn vào Lộc Ninh. Trung tá Nguyễn Đức Dương, Thiết đoàn 1 Kỵ binh, xác nhận vào giờ đó không có một chiến xa nào của ông nổ máy. Như vậy, rõ ràng chiến xa CSBV đã hiện diện ở chiến trường Lộc Ninh. Sự kiện nầy làm tôi bàng hoàng và cảm thấy xấu hổ về sự bất lực của mình, trong khi Tướng Hưng đang tiếp tục nghe Trung tá D. báo cáo tiếp nơi đóng quân của Thiết đoàn và Tiểu đoàn 74 BĐQ/BP đang bị pháo kích khủng khiếp. Nếu tiếp tục đóng tại chỗ sẽ bị tổn thất nặng nề hay bị tiêu diệt. Trung tá Dương nhận được lệnh điều động Tiểu đoàn BĐQ/BP rời bỏ khỏi căn cứ A và Ngã ba Lộc Tấn đồng thời chỉ huy Tiểu đoàn 2/9 (-) tùng thiết cho Thiết đoàn 1 Kỵ binh, đang hành quân ở vùng đông bắc Ngã ba Lộc Tấn, rút về tăng cường cho Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 ở thị trấn Lộc Ninh. Tuy nhiên, lúc đó Trung tá Dương chưa thể thi hành được vì trời còn chưa sáng và đơn vị Thiết kỵ, TĐ74/BĐQ/BP và TĐ 2/9 còn đang bị pháo dữ dội. Tiểu đoàn 1/9 ở Chi khu Bố Đức trên trục lộ 14A, cũng bị pháo kích nặng. Tất cả những chi tiết trên đây được báo cáo ngay cho Trung tâm Hành quân Quân đoàn. Chính Tướng Hưng cũng muốn trực tiếp trình báo cho Tướng Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT, nhưng không thể liên lạc được với Tướng Minh trên mọi hệ thống điện thoại hay vô tuyến suốt từ giờ phút đó cho mãi đến gần 9 giờ sáng hôm sau, ngày 5 tháng 4. Dĩ nhiên, các tướng lãnh khác và các giới chức trách nhiệm khác của QĐIII & V3CT cũng không liên lạc để trình báo tình hình ở Lộc Ninh cho Tướng Minh.
Khi Tướng Hưng tiếp xúc được với Tướng Minh là khi ông Hưng đang ở trên trực thăng chỉ huy bay trên không phận Lộc Ninh. Trên chiếc trực thăng này, lúc đó ngoài Tướng Hưng còn có Đại tá Hoa Kỳ William Miller, Cố vấn trưởng Sư đoàn, Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3 Sư đoàn (Khóa 5 Thủ Đức, như Tướng Hưng và tôi, nhưng thuộc Đai đội 2 SVSQ; sau trận An Lộc thăng cấp Đại tá, hiện đang ở Hoa Kỳ), và tôi, Trưởng Phòng 2. Tất cả đều đội mũ sắt trang bị hệ thống dẫn-hợp truyền tin, nên có thể nghe rõ đối thoại giữa Tướng Hưng với các cấp chỉ huy đơn vị cuả Sư đoàn dưới đất và với Tướng Minh, Tư lệnh Quân đoàn III & V3 CT và các giới chức khác.
Trước đó, khi trực thăng chỉ huy cuả Tướng Hưng đang bay trên vùng không phận Lộc Ninh, Tướng Hưng nhận được báo cáo cuả Trung tá Nguyễn Đức Dương là đơn vị Thiết kỵ của ông đang di chuyển trên QL-13 bị phục kích ở phía nam ấp Lộc Thạnh nên xin huỷ bỏ “mấy con gà cồ” –tức 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu 155 ly được tăng phái cho Thiết đoàn 1 Kỵ binh trước đó– để được nhẹ nhàng và di chuyển nhanh hơn. Câu trả lời cũng là lệnh của Tướng Hưng cho Trung tá Dương nghe rõ trong máy dẫn hợp, cho phép ông này phá huỷ các khẩu pháo đó sau khi hạ thấp bắn trực xạ vào toán quân CS phục kích hai bên đường. Dĩ nhiên khẩu lệnh được mã hoá bằng các ám hiệu truyền tin. Một chập sau nghe Trung tá Dương báo cáo đã thi hành xong, tuy nhiên không thể tiếp tục tiến về thị xã Lộc Ninh vì CS phục kích với đơn vị lớn. Tướng Hưng ra lệnh cho Trung tá Dương đưa thiết kỵ trở lại Ngã ba Lộc Tấn chờ đón Tiểu đoàn 74 BĐQ/BP, sau đó sẽ tập trung lực lượng, trở lại giải toả Lộc Ninh. Đại đội Trinh Sát cuả Trung đoàn 9, đang hoạt động ở tây bắc -cũng được đặt dưới sự chỉ huy của Trung tá Dương- được lệnh về Ngã ba Lộc Tấn. Các đơn vị thi hành lệnh. Tuy nhiên, lúc đó, chừng hơn 12 giờ trưa, Chi Đoàn 3/1 Thiết kỵ với một đại đội tùng thiết của Tiểu đoàn 2/9 đã vượt qua được đoạn đường bị phục kích và tiến được đến cua Chùm Bao gần Đồi 177 phía tây QL13, chỉ cách Căn cứ Lộc Ninh chừng hơn 1 cây số, nhưng không thể di chuyển được nữa vì bị bao vây và tấn công dữ dội. Trung tá Dương chỉ tiếp xúc được với đơn vị nầy qua hệ thống vô tuyến.
Khi tiếp xúc được với Tướng Minh, trên trực thăng chỉ huy, Tướng Hưng báo cáo việc này cho Tướng Minh. Tức khắc, Hưng bị xát muối lần đầu tiên trong chiến trường An Lộc 1972. Tiếng nói của Tướng Minh, Tư lệnh Quân đoàn, nghe rất rõ: “Đánh đấm gì lạ vậy! Chưa có gì mà đã bỏ cuả…” Máy bị cúp. Tướng Hưng ngỡ ngàng. Mọi người trên trực thăng buồn bã và yên lặng chỉ nghe tiếng mấy cánh quạt và tiếng máy nổ phành phạch. Trực thăng phải rời vùng để KQVN vào đánh yểm trợ cho căn cứ chỉ huy của Chiến đoàn 9 đang bị tấn công bộ binh. Sau các oanh tạc cơ của KQVN rời vùng, trực thăng chỉ huy của Tướng Hưng cũng quay về Lai Khê vì sắp cạn nhiên liệu. Một chập sau nghe tiếng Đại tá Miller hỏi: “What did Gen. Minh say, 45?” Không có tiếng trả lời. “Forty-five, hay 45”, là danh hiệu chỉ huy trong hệ thống truyền tin của Tướng Hưng. Miller hỏi Tướng Minh đã nói gì. Không ai còn đủ sức trả lời cho ông ta. Vả lại có những điều một tư lệnh Viêt Nam không thể nói cho cố vấn Hoa Kỳ của mình biết. Và nhiều điều ở chiến trường An Lộc, Tướng Hưng không thể nói cho Đại tá William Miller cố vấn trưởng Sư đoàn biết, nên sinh ra sự hiểu lầm lớn sau đó trong trận chiến quan trọng này.
Sau khi trực thăng chỉ huy đổ đầy xăng, Tướng Hưng và chúng tôi lại bay trở lên vùng trời An Lộc, ở độ cao trên 3,500 bộ, vì phòng không của địch bắn rất rát. Trong suốt buổi chiều chính Tướng Hưng một mặt liên lạc trực tiếp với các cấp chỉ huy quân trên mặt đất để nghe báo cáo và điều động họ đồng thời trực tiếp xin KQVN đánh yểm trợ. Tướng Hưng có biệt tài về sử dụng không yểm dù điều động các chiến đấu cơ xạ kích vào địch quân chỉ cách quân bạn một con đường hay đánh bom với các tọa độ chính xác mà không cần nhìn vào bản đồ khi ngồi trên trực thăng. Sở dĩ được như vậy là vì trên bản đồ mà ông sử dụng hằng ngày ông ghi tọa độ tất cả các ngã ba, ngã tư của các con đường, các ngã ba sông, các thị trấn, thị xã, các cao điểm, và các điểm-nhớ quan trọng. Gần như ông thuộc lòng toạ độ địa hình các nơi đó trong toàn lãnh thổ trách nhiệm. Ngày thường, khi thuyết trình tình hình cho ông nên thận trọng về địa điểm và tọa độ. Cách “đọc bản đồ trong trí nhớ dựa trên các điểm chuẩn” này rất khoa học và cần thiết cho mọi cấp chỉ huy. Đó là ưu điểm để nhanh chóng đánh trả đũa quân địch bằng pháo binh hay không quân, hoặc hướng dẫn điều động quân nhanh chóng và chính xác, nhất là khi chỉ huy trên trực thăng, từ khi ông còn làm Trung đoàn trưởng ở SĐ21BB. Làm việc với ông, tôi đã cố gắng học nghệ thuật tác chiến này.
Thế nhưng, với trận đánh buổi chiều đó của CSBV trên khắp nơi mà chúng bao vây hay bám đánh các cánh quân của Chiến Đoàn 9, từ căn cứ của Chiến đoàn, căn cứ của Tiểu đoàn 53 Pháo binh, của Chi khu, cặp theo sân bay Lộc Ninh, hay những cánh quân đang vừa đánh vừa di chuyển về các điểm tập trung như các đơn vị Thiết đoàn 1 Kỵ binh cuả Trung tá Nguyễn Đức Dương, TĐ74/BĐQ/BP, TĐ 2/9, TĐ 3/9 và Đại đội 9 Trinh sát, thì Tướng Hưng cũng không thế nào cứu vãn được các “đứa con” của mình thoát khỏi tình trạng nguy ngập. Một phần vì KQVN cho biết là phòng không của CSBV quá mạnh, nên một số chiến đấu cơ không thể đánh yểm trợ cho các đơn vị đang di chuyển, ngoại trừ các căn cứ ở thị xã cặp theo sân bay Lộc Ninh. Phần khác, vì lực lượng địch quân quá đông. Trong suốt ngày đó lực lượng phòng thủ của các căn cứ này đã chống trả hữu hiệu nhiều đợt tấn công bộ binh dữ dội của CSBV và KQVN đã yểm trợ đắc lực cho các căn cứ nầy. Tuy nhiên các căn cứ cấp đại đội Địa Phương Quân và trung đội Nghĩa quân ở các xã chung quanh thị xã đều bị tràn ngập, hay không chịu nổi phải rút bỏ hay tản lạc. Hai đại đội ĐPQ 293 và 294, rút về bảo vệ Bộ Chỉ huy Chi khu. Chợ Lộc Ninh và Nhà Thờ bị địch chiếm trong ngày. Đêm tối, các căn cứ trên trục lộ sân bay tiếp tục bị pháo dữ dội. Tổn thất càng nhiều hơn. Binh sĩ trú phòng kinh hoàng vì địch pháo kích với cường độ và sức công phá cuả các đầu đạn đại pháo pháo khủng khiếp. Nhất là các vị trí đặt pháo 155ly và 105ly cố định cuả TĐ53/PB bị tê liệt không thể phản pháo vì nhiều khẩu pháo bị phá huỷ vì pháo binh địch rót vào chính xác. Các mục tiêu pháo của ta lộ diện dễ bị trinh sát pháo của địch điều nghiên từ trước trận đánh.
Một điều tưởng cũng cần nêu lên là các đơn vị chiến thuật CSBV thi hành lệnh cấp trên rất chặt chẽ nhưng cũng rất máy móc. Thí dụ như đơn vị pháo của SĐ70 Pháo/TWC/MN bắn phá căn cứ đóng quân của Thiết đoàn 1 Kỵ binh ở Ngã ba Lộc Tấn dữ dội trong đêm trước cho đến khi đơn vị nầy bỏ căn cứ di chuyển thì họ chúng cũng ngưng không bắn nữa, coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Khoảng quá trưa Trung tá Dương đã liên lạc được với các đơn vị đã rút về được Ngã ba Lộc Tấn và được phân nhiệm tiến về Thị xã Lộc Ninh với hai cánh quân băng rừng cặp theo hai bên QL-13, mà không di chuyển trên trục lộ, tiến về Thị xã Lộc Ninh, tăng viện cho BCH Chiến đoàn 9 và đánh giải toả cánh quân Chi đoàn 3/1 và một đại đội cuả TĐ 2/9 tùng thiết đang bị địch bao vây ở cua Chùm Bao. Sau hai lần nỗ lực, nhưng không tiến lên được, Trung tá D. cho các đơn vị rút trở lại Ngã ba Lộc Tấn đế đóng quân qua đêm. Buổi tối đêm 5 tháng 4, khi các đơn vị Thiết đoàn 1 Kỵ binh, TĐ74/BĐQ/BP, TĐ 2/9 (-) và ĐĐ9TS tập trung trở lại khu vực nầy, dù đơn vị nào cũng bị tổn thất, nhưng không bị “ăn pháo” như đêm trước; chỉ bị trinh sát địch bám sát.
Sáng sớm hôm sau, ngày 6 tháng 4 Trung tá Dương cũng tiến hành kế hoạch hành quân với sự phân nhiệm như buổi chiều hôm trước để rút về Lộc Ninh như lệnh đã nhận được. Nhưng kế hoạch hành quân này có một thay đổi lớn về lộ trình. Cánh quân thứ nhất gồm Thiết đoàn 1 Kỵ binh (-), chừng 60 chiến xa và quân xa các loại trong đó có 14 chiến xa loại M-41 và M-113 của Chi đoàn 1/1 Chiến xa phối hợp với TĐ74/BĐQ/BP với hai khẩu pháo 155ly và bốn khẩu 105 ly. Cánh quân thứ hai gồm TĐ 2/9 (-) và Đại đội 9 Trinh sát.
Cánh quân thứ nhất, do chính Trung tá NĐD chỉ huy, không tiến về Lộc Ninh cặp theo phía tây QL-13 như buổi chiều hôm trước, nhưng từ Ngã ba Lộc Tấn băng rừng sâu hơn ở phía đông trục lộ nầy, với dự định đánh bọc ra quốc lộ và tiến chiếm mục tiêu chính là đồi 150 Bắc, nằm ở phía tây trục lộ, ở phía nam Đồi 177. Hai ngọn đồi nầy chỉ cách thị xã Lộc Ninh ở hướng tây bắc từ một đến hai cây số. Riêng ngọn đồi 150 Nam nằm ở tây nam thị xã, cách đồi 150 Bắc chừng hai cây số. Ngày hôm trước, 5 tháng 4, trong khi quân CSBV từ Đồi 150 Bắc tràn xuống chiếm Chợ, Nhà Thờ và tấn công Đồn Cảnh sát Quận thì các cánh quân khác của chúng xuất phát từ Đồi 150 Nam nhiều lần mở các đợt tấn công vào các căn cứ Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9, TĐ53/PB và Bộ Chỉ huy Chi khu Lộc Ninh đóng dọc theo sân bay. Cánh quân thứ hai gồm TĐ2/9 (-) và Đại đội 9 Trinh sát do Đại uý Nguyễn Quang Nghi, Tiểu đoàn trưởng TĐ2/9 chỉ huy, yểm trợ cho cánh quân thứ nhất ở hướng đông, cũng băng rừng tiến song song với cánh quân nầy và chiếm mục tiêu cao điểm phía đông thị xã là Đồi 178.
Nếu hai cánh quân trên chiếm được hai ngọn đồi 150 Bắc và 178 kẹp hai bên Thị xã Lộc Ninh thì KQVN có thể hoạt động hữu hiệu hơn khi đánh bom tiêu diệt một đơn vị lớn của CSBV đang chiếm Đồi 150 Nam mà chúng dùng nơi đó làm bàn đạp để tấn công ba căn cứ nằm dọc sân bay Lộc Ninh. Như vậy sẽ giải tỏa bớt áp lực địch để chờ viện binh. Đó là quan niệm hành quân của Tướng Hưng, khi ông ra lệnh cho các cánh quân dưới sự chỉ huy của Trung tá Dương rút từ Lộc Tấn về Lộc Ninh.
Nhưng tình hình diễn tiến trái ngược. Không may mắn cho cánh quân của Trung tá D. băng rừng cập theo sườn đông trục lộ khi tiến ra QL-13, lúc đó chừng 8 giờ sáng, ngày đó. Đơn vị tiến trước là Chi đoàn 1/1 Chiến xa không biết vì nhầm lẫn hay vì lý do nào đó lại đâm ra cua Chùm Bao, gần đồi 177 –tức là nơi Thiết Đoàn 1 Thiết kỵ bị phục kích hôm qua– thay vì đoạn quốc lộ gần đồi 150 Nam. Chiến xa tiến lên đồi thì quân địch trên đồi 177, đông như kiến cỏ, tràn xuống tấn công dữ dội, hết đợt nầy đến đợt khác, và gần như tiêu diệt TĐ1KB và TĐ74/BĐQ/BP. Trên trực thăng chỉ huy Tướng Hưng không còn liên lạc với Trung tá Dương được nữa cả giờ sau đó, khi đang bay trên vùng trời Lộc Ninh. Khi báo cáo sự kiện này lên Trung tướng Minh thì Hưng bị xát muối lần thứ hai. (Sau này được biết trận đánh ở cua Chùm Bao sáng ngày 6 tháng 4 đó gần như nguyên vẹn Sư đoàn Công trường 5 CSBV chủ động cộng thêm Trung đoàn 95B từ chiến trường Tây Nguyên xuống tăng cường cho mặt trận Bình Long; chúng đã bắt được Trung tá Nguyễn Đức Dương và một số sĩ quan khác cuả Thiết Đoàn và TĐ-74/BĐQ/BP).
Cánh quân thứ hai là TĐ 2/9 và ĐĐ9TS, cả hai do Đại úy Nguyễn quang Nghi chỉ huy, cũng tiến từ Ngã Ba Lộc Tấn cặp sườn đông QL-13, sâu hơn trong rừng, tiến về thị xã Lộc Ninh và chiếm đồi 178 ở phía đông thị xã. Đại úy Nghi là một sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn nổi tiếng. Nghi chỉ huy đơn vị của mình và ĐĐ9TS của Trung úy Thái Minh Châu suốt buổi sáng đó về gần mục tiêu nhưng không tiến được lên ngọn đồi 178 vì bị địch quân chận đánh dữ dội. Buổi quá trưa khi trực thăng chỉ huy lấy thêm đầy xăng nhớt, Tướng Hưng lên vùng, liên lạc được với Đại úy Nghi và được báo cáo tình trạng, ra lệnh cho Nghi bỏ mục tiêu quay ra QL-13 tìm tông tích của TĐ1KB và TĐ74/BĐQ/BP. Đại uý Nghi đã chỉ huy hai đơn vị thiện chiến này trở ra được trục lộ chính này nhưng không tiến nổi được lên khu vực chiến trường của hai đơn vị của Trung tá Dương. Buổi chiều ngày 6 tháng 4, khi nắng tàn Tướng Hưng quay về An Lộc thì TĐ2/9 và ĐĐ9TS báo cáo đã nằm trong khu Chợ Lộc Ninh dù bị tổn thất nặng nề. Tuy nhiên hình chư chỉ có một bộ phần nhỏ của đơn vị nầy vào được chợ Lộc Ninh. Phần lớn đang bị địch quân theo sát tấn công trên lộ trình rút về thị xã. Cánh quân này bị quân CSBV bám sát và tấn công liên tục suốt trong đêm đó.
Các căn cứ của Chi Khu Lộc Ninh, của Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Bộ Chỉ huy Chiến đoàn 9 của Đại tá Nguyễn Công Vĩnh bị pháo kích dữ dội nhiều đợt suốt đêm 5 rạng ngày 6 này. Căn cứ Chiến đoàn 9 ở cuối sân bay bị pháo nặng nhất, hầm cứu thương sập, tất cả Trung đội Quân y bị chết gần hết. Trong ngày quân CSBV mở nhiều đợt tấn công vào căn cứ nhưng đều bị đẩy lùi. Sự thực căn cứ nầy đứng vững được là nhờ vào yểm trợ của KQVN với các khu trục phản lực đánh sát bờ rào đất khá cao chung quanh. Cộng quân tổn thất rất lớn về nhân mạng. Căn cứ Tiểu đoàn 53 Pháo binh gần đó của Trung tá Thông cũng bị pháo giập nặng; các ụ pháo và các khẩu pháo của Tiểu đoàn hoàn toàn bị… câm tiếng, không còn một khẩu nào sử dụng được. Thương binh ở hai căn cứ này lên quá cao. Không một trực thăng nào của KQVN hay Hoa Kỳ đáp được xuống được để tải thương hay tiếp tế suốt hai ngày đêm liền vì phòng không của địch quá dày và quá mạnh.
Tiều đoàn 3/9 (-) (không nhớ tên Tiểu đoàn trưởng) hành quân ở phía nam thị xã, trong buổi chiều đó tuy bị Cộng quân bám tấn công nhưng bảo cáo là đã về được cuối sân bay, ở bìa rừng cao-su hướng đông phi đạo và của căn cứ Chiến đoàn 9. Tướng Hưng trực tiếp liên lạc với Tiểu đoàn trưởng và chỉ thị cho giữ quân tại chỗ để bảo vệ mặt ngoài cho Chiến đoàn chỉ trừ một đại đội vào căn cứ tăng cường cho Đại tá Vĩnh và một trung đội khác cho TĐ53/PB của Trung tá Thông. Tất cả các đơn vị của Chiến đoàn nằm chịu trận tại chỗ, suốt đêm 6 rạng ngày 7, kể cả hai đơn vị dã ngoại là TĐ 2/9 (-), ĐĐ9TS và TĐ 3/9 (-), hứng pháo của địch quân. ̣đến 4 giờ sáng ngày 7 thì mất liên lạc với Đại úy Nguyễn Quang Nghi, Tiểu đoàn trưởng TĐ 2/9 và cả Trung uý Thái Minh Châu, Đại đội trưởng ĐĐ9TS. Coi như cánh quân cuối cùng ở phía bắc Lộc Ninh kéo về thị xã Lộc Ninh bị tan rã. Tướng Hưng mất gần 2 nghìn quân, hơn 80 chiến xa và quân xa, và hơn hai chục khẩu pháo và 105 ly 155 ly. Màn đêm sắp phủ trùm lên sự nghiệp làm tướng của Tướng Hưng.
Đêm 6/4/1972 đó ngồi ăn cơm với Tướng Hưng ở căn cứ của Bộ Tư lệnh Hành quân nhẹ của SĐ5BB ở An Lộc, (căn cứ trên mặt đất, với các công sự khá chắc chắn, nhìn ngang hông của tư dinh tỉnh trưởng, chưa dời sang hầm ngầm mà Đại tá Lê Nguyên Vỹ đang tu bổ), ông kể lại cho tôi nghe từ ngày ông về phục vụ ở SĐ21BB khi còn là Trung uý, từ đầu năm 1964 cho đến năm 1968, do Tướng Nguyễn văn Minh làm Tư lệnh với bao nhiêu công trận và Tướng Minh đã mến thương, nâng đỡ ông như thế nào cho đến ngày Tướng Minh lên làm Tư lệnh QĐIII & Vùng 3 CT và đưa ông lên Tư lệnh SĐ5BB và thăng cấp tướng, Tướng Minh chưa một lần nào nặng lời với ông. Ông nói với tôi, ”Dưỡng à, trận chiến nầy vô cùng nguy hiểm, sống chết chỉ trong giây phút. Cùng khoá, cùng trung đội của Thầy Chiêu, ngày nay tôi đã lên tướng mà Dưỡng và các bạn khác, đến nay, chưa một người nào thăng được cấp trung tá. Như vậy là quá mức rồi, chết cũng đáng. Còn Dưỡng, tội tình gì mà ở đây cho thiệt thân, uổng mạng. Ngày mai về Lai Khê đi. Đưa Đại uý Bé lên đây là được rồ̀i.”(Đại úy Trần văn Bé là phụ tá của tôi, cũng là Biệt đội trướng Biệt đội Quân báo Sư Đoàn. Sau năm 1973, thăng Thiếu tá chuyển về Định Tường làm Trưởng phòng 2 Tiểu khu. Năm 1976 khi bị CSVN cầm tù ở Trại Suối Máu Biên Hoà, vượt ngục bị chúng bắt lại, đem xử bắn tại Suối Máu cùng một đại uý ngành An Ninh Quân Đội. Buổi trưa đó, ngay sau khi hai sĩ quan nầy bị bắn, trời đang nắng gắt bỗng tối sầm lại, giông gió nổi lên một chập lâu. Tù nhân các trại Suối Máu vẫn còn nhớ chuyện trời đất khóc người bị giết oan nầy).
Tôi không nói gì và suy nghĩ nhiều về lời tâm sự của Tướng Hưng. Một chập sau tôi dứt khoát trả lời là tôi không về Lai Khê… Buổi cơm thật buồn, vì chúng tôi mất mát, tổn thất lớn lao, mà chính tôi cũng có trách nhiệm là không hiểu tường tận về khả năng to lớn của CSBV ở biên giới tây bắc, vùng Lưỡi Câu, nơi tập trung quân trước trận đánh và các căn cứ địch trên dòng sông Chllong trong tỉnh Kratié của Kampuchia.
Ngày hôm sau, mới thực sự là ngày quyết định cho Lộc Ninh.
Khởi đầu ở buổi sáng, khoảng 6 giờ, khi binh sĩ ở mặt tiền của căn cứ của Chiến đoàn 9 thấy chiến xa CSBV lù lù tiến vào cổng của căn cứ, hoảng sợ bỏ chạy mà chưa có tấn công bộ binh như mấy ngày trước. Chiến xa của chúng vào trận địa chậm một đôi ngày nhưng gây ngay chấn động. Chừng bốn chiếc T. 54 của chúng tiến vào con đường dốc và bắn đại bác vào căn cứ. Đại tá Nguyễn Công Vĩnh trong hầm chỉ huy được báo cáo tin này. Ông báo cáo lên Bộ Tư lệnh nhẹ của Tướng Hưng là căn cứ bị chiến xa tấn công. Đó là báo cáo cuối cùng của của Đại tá Vĩnh trước khi cùng mấy sĩ quan tham mưu và toán Cố vấn Hoa Kỳ của Chiến đoàn, bỏ căn cứ và có ý định chạy ra với TĐ3/9 đang ở đầu sân bay ngoài căn cứ. Tuy nhiên tất cả đều bị CSVN bắt. Trung tá Thông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 53 Pháo binh gần đó, cũng chạy về hướng Tiểu đoàn 3/9 và cũng bị bắt.
Bên trong căn cứ của Chiến đoàn, Thiếu tá Trần Đăng Khoa, Trung đoàn phó, điều động binh sĩ củng cố lại tuyến phòng thủ. Quân phòng thủ dùng M-72 bắn vào mấy chiến xa, nhưng không hiệu quả và chiến xa T.54 địch bắt đầu nhả đạn và tiến lên căn cứ. Bộ binh địch tràn vào theo chiến xa, Thiếu tá Khoa trở xuống hầm chỉ huy gọi vô tuyến báo cáo với Tướng Hưng là Đại tá Vĩnh đã ra với TĐ3/9 nhưng không liên lạc được nữa. Chiến xa địch còn bên ngoài cổng, nhưng bộ binh địch đã vào trong căn cứ, đang đánh nhau ở phía trên hầm. Tướng Hưng, Trung tá Đăng Trưởng phòng 3, Thiếu uý Tùng tuỳ viên của Tướng Hưng, và tôi đang ở trên trực thăng chỉ huy, đều nghe rõ đối thoại của Tướng Hưng với Thiếu tá Khoa, trừ Đại tá Miller, Cố vấn trưởng không biết chuyện gì đang xảy ra. Ông ngơ ngác nhìn chúng tôi và hỏi gì đó, nhưng không ai trả lời. Thiếu tá K. yêu cầu “Xin dội bom trên đầu tôi, chúng đã tràn ngập căn cứ và đang bắn vào hầm chỉ huy, xin 45 đừng do dự…” Tướng Hưng nói: “Khoa, đây 45 nghe rõ, tôi sẽ làm đúng lời yêu cầu của anh. Tôi sẽ lo chu đáo cho gia đình anh…” Mấy tiếng sau cùng của Thiếu tá Khoa: “Xin cám ơn và vĩnh biệt 45…” nghe rõ kèm theo một tiếng nổ. Mắt Tướng Hưng hoen đỏ, đầy nước mắt. Chúng tôi đều rơi lệ. Nhìn xuống căn cứ chỉ thấy màn khói mỏng. Thảm kịch kéo đến, tôi nghe Hưng chuyển qua tần số gọi yêu cầu KQVN đánh bom trên căn cứ của Chiến đoàn 9, phá hủy chiếc nôi của con mình đề tàn sát địch quân đang tràn vào chiếm lĩnh nó. Khi ông gọi khu trục là lúc ông hiểu rõ hơn ai hết thảm kịch của chính ông. Đến lúc khu trục yêu cầu trực thăng rời vùng và tiếng bom từng đợt dội xuống căn cứ cũng là lúc Tướng Hưng bị Tướng Minh xát muối bầm mình. Đó là lần thứ ba..và rất dữ dội.
6. NHỮNG QUYẾT ĐỊNH SÁNG SUỐT CỦA TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG ĐÃ CỨU VÃN AN LỘC TRONG NGÀY 7/4/1972.
Buổi sáng trước khi lên trực thăng bay lên Lộc Ninh, Tướng Hưng đã ra lệnh cho Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 52 tăng phái, đóng ở hai căn cứ Hùng Tâm phía bắc cầu Cần Lê đưa hai tiểu đoàn ra Ngã ba QL.13. Trái với suy đoán hay phỏng đoán của nhiều người viết về đoạn quân sử này là Tướng Hưng ra lệnh cho Chiến đoàn 52 đưa quân lên tiếp viện cho Lộc Ninh tiến theo trục lộ này. Thực ra ông chỉ ra lệnh cho Chiến đoàn đưa quân ra QL.13 để chận hướng tiến của chiến xa địch trên trục lộ chính vào An Lộc như một tuyến phòng thủ phía trước của tuyến cầu Cần Lê. Ở căn cứ cầu Cầ̀n Lê có hai Đại Đội của SĐ5BB, một của TĐ 2/9, một của TĐ. 1/7 và hai Đại đội ĐPQ của Tiểu khu Bình Long với 6 khẩu pháo do Trung tá Nguyễn văn Hòa chỉ huy, trấn đóng. Vì buổi sáng sớm Tướng Hưng đã được Đại tá Nguyễn Công Vĩnh báo cáo là căn cứ của CĐ 9 bị chiến xa địch tấn công. Đến lúc đó mới xác nhận là CSBV thực sự có chiến xa. Vì vậy Tướng Hưng muốn lập thêm một tuyến, trước tuyến cầu Cần Lê, nằm trên trục lộ này, chừng 8 dậm (8 miles) ở hướng bắc An Lộc. Tướng Hưng sau khi mất liên lạc với Thiết đoàn I Kỵ binh ngày hôm trước đã không còn hi vọng tiếp viện hay giải tỏa Lộc Ninh nữa.
Nhưng diễn tiến trên trận địa không được như mong muốn vì khi chuyển quân ra chưa đến QL-13 Chiến đoàn 52 đã chạm địch nặng mà đó là Sư đoàn Công trường 5 CS và Trung đoàn 95B tăng phái là hai đơn vị đã phục kích và đánh tan Thiết đoàn 1 Thiết Ky trong ngày hôm trước. Trước buổi trưa ngày đó, 7 tháng 4, khi trực thăng của Tướng Hưng từ Lộc Ninh về bay trên vùng Cần Lê sau khi khu trục dội bom xuống căn cứ của Chiến đoàn 9, Tướng Hưng được Chiến đoàn 52 báo cáo đang chạm địch rất nặng trên Tỉnh lộ-17 khi đang tiến ra QL-13, nhưng không thể yếm trợ được bẳng phi pháo đánh cận vì sợ đánh nhầm vào quân bạn. Tướng Hưng ra lệnh cho chiến đoàn cố gắng rút về An Lộc, không cần tiến ra QL-13 phía bắc cầu Cần Lê nữa. May mắn là trực thăng chỉ huy vòng lên vùng phía bắc cầu Cần Lê trên trục Sông Bé chảy song song với QL-13, trước khi rời vùng, chúng tôi quan sát thấy một vị trí dã ngoại trên một vùng đất trên bờ sông có mấy cần antennes truyền tin vô tuyến mà cấp bộ chỉ huy cấp sư đoàn CSBV mới có, khi hành quân cấp tốc, Tướng Hưng gọi khu trục của KQVN đánh vào tọa độ đó. Phi vụ rất chính xác. Khi trở lại vùng trời cầu Cần Lê thì được báo cáo là phần lớn các đơn vị của Chiến đoàn 52 đã vượt qua phía nam cầu Cần Lê, dù thiệt hại nặng. Nhưng trên trục lộ thì dù trực thăng bay cao trên bốn nghìn bộ, vẫn quan sát thấy dòng người đang cuốn về cầu Cần Lê chen lẫn với một đoàn chừng hai mươi xe đang di chuyển mà chính Tướng Hưng và Đại tá Miller đều cho là chiến xa. Nửa ngờ rằng chiến xa CSBV, lại nửa ngờ rằng biết đâu đó là đoàn thiết giáp của Trung tá Nguyễn Đức Dương đã mất liên lạc truyền tin từ hôm qua. Tướng Hưng trở lại tần số của Thiết đoàn 1 Kỵ binh. Vô tuyến lặng câm.
Một lần nữa Tướng Hưng đưa ra một quyết định quan trọng khác. Ông sợ rằng bộ binh và chiến xa cuả địch đang “bôn tập” để tấn công An Lộc. Đây là chiến thuật “thừa thắng xông lên” cuả quân Bắc Việt, thường gọi là “cấp tập”. Một mặt ông chuyển tần số yêu cầu KQVN đánh bom xuống dòng người đang bôn tập trên QL.13, chừng tám đến mười cây số phía bắc cầu Cần Lê. Ông cũng ra lệnh cho tôi vẽ liền hai boxes B-52 cập theo bờ tây Sông Bé đưa ngay cho Đại tá Miller với yêu cầu đánh bom trong buổi chiều hay đêm đó. Mặt khác ông ra lệnh cho Trung tá Nguyễn văn Hoà, chỉ huy tuyến cầu Cần Lê, tức khắc đặt chất nổ phá sập các nhịp cầu béton cốt sắt của chiếc cầu này. Nếu phá sập cầu hoàn toàn thì tốt nhất. Đổng thời dùng pháo binh bắn chặn tối đa trên trục lộ phía bắc, mỗi khi khu trục của KQVN rời vùng. Nếu địch quân tấn công mạnh, liệu không giữ được pháo, thì phá huỷ 2 khẩu 155 ly và 4 khẩu 105 ly pháo binh ở đó. Trả bớt một Đại đội của TĐ-1/7 về cho Chiến đoàn 7 của Trung tá Lý Đức Quân nội trong buổi trưa. Lệnh phá cầu được Trung tá Hoà thi hành ngay. Tuy không đủ kỹ thuất làm cho cầu sụp đổ hoàn toàn nhưng mấy nhịp cầu bị hư hại nặng, chiến xa không thể di chuyển được.
Về đến căn cứ Bộ Tư lệnh nhẹ ở An Lộc, trong khi trực thăng chỉ huy bay về Lai Khê lấy thêm nhiên liệu, Tướng Hưng vào ngay Trung tâm Hành quân báo cáo mọi việc lên Trung tướng Minh, Tư lệnh QĐ III & V3CT. Lúc đó Đại tá Lê Nguyên Vỹ không có ở đó, còn Đại tá Bùi Đức Điềm, Tham mưu trưởng Hành quân Sư đoàn, đang chỉ huy việc dọn chuyển các cơ sở của Bộ Tư lệnh Hành quân của Sư đoàn sang căn cứ mới, vì suốt trong đêm trước và trong buổi sáng đó, pháo của địch đã tập trung nhiều hơn, rơi nhiều quả chung quanh căn cứ Bộ Tư lệnh nhẹ cũ mà chúng tôi suy đoán là thám sát pháo của địch đã điều nghiên kỹ vị trí cuả căn cứ cũ nầy. Khi bước vảo Trung tâm Hành quân ở căn cứ cũ, chưa dọn kịp, Tướng Hưng nói với tôi “chắc là bị xát muối nữa…”
Đúng và còn hơn thế nữa. Lần nầy thì chính Tướng Hưng bị Tướng Minh dội pháo, không phải là xát muối nữa. Không một sĩ quan nào dám nghe, họ lẻn ra ngoài. Tôi vì quá thân với Tướng Hưng, nên ở lại. Theo Tướng Minh thì Hưng ra lệnh cho phá cầu Cần Lê là coi như bỏ luôn mấy đứa con ở Lộc Ninh, làm tuyệt đường về của họ, nhất là Thiết kỵ của Trung tá NĐD. Biết đâu đoàn chiến xa mà Tướng Hưng gọi là “bôn tập” vào An Lộc trên QL.13, phía bắc cầu Cần Lê kh̀ông là đoàn chiến xa của Thiết Kỵ 1. Một cánh quân lớn như vậy gồm hơn 60 chiến xa, quân xa, bộ binh, tất cả hàng nghìn quân, mất liên lạc vô tuyến không có nghĩa là dễ dàng bị đánh tan rã hay biến mất vô tông tích. Đánh đấm như là giết con mình. Tướng Minh cho rằng Tướng Hưng có những quyết định vội vã, không cân nhắc, và nhất là không trình báo trước với thượng cấp trước khi quyết định. Tướng Hưng chỉ nín lặng nghe vì thực ra những điều Tướng Minh nêu ra rất hợp lý. Tướng Hưng không có lý do nào chính đáng để thưa trình cùng vị Tướng thượng cấp, cũng là thầy mình, ngoài lý do là sợ quân CSBV bôn tập tấn công An Lộc buổi trưa đó. Nhưng ông không dám trình bày… Ông đành chấp nhận sự thất bại của mình và tự quyết định số phận của mình.
Bước ra khỏi phòng hành quân, vào phòng ăn, khi đầu bếp dọn thức ăn lên cho ông và tôi, Tướng Hưng chỉ yêu cầu cho nước uống, tôi cũng vậy. Làm sao nuốt nổi cơm trong hoàn cảnh đó. Tổn thất quá lớn lao. Ông lập lại ý định quyết giữ An Lộc bằng sinh mệnh của ông và cho rằng cái nghiệp làm tướng của ông đã không còn gì nữa. Thân làm tư lệnh sư đoàn mà mới trận đầu tiên đã mất mát quá to lớn, gần một nửa Sư Đoàn, mà cái mất lớn nhất là mất niềm tin của người thầy là Tướng Minh đã từng tin tưởng nơi khả năng cầm quân của ông. Một lần nữa Tướng Hưng chỉ thị cho tôi về Lai Khê và đưa người phụ tá cuả tôi lên thay tôi. Tôi có trình với Tướng Hưng rằng hiện ở An Lộc tôi có Đại đội 5 Trinh Sát, với mấy toán viễn thám vừa thu hồi về. Các đơn vị nhỏ nầy rất thiện chiến, sẽ bảo vệ Tướng Hưng. Họ biết rõ địa thế, kinh nghiệm hoạt động trong rừng nhiều ngày đêm, di chuyển đêm dễ dàng ở mọi thế đất đồi núi sông ngòi, nhất là được chỉ huy bởi những sĩ quan kiên cường, giỏi trận mạc. Nếu Tướng Hưng quyết tự sát khi mất An Lộc, tôi tin rằng chúng tôi sẽ đem được xác ông và xăng ra rừng đốt và mang than tro hài cốt về được Lai Khê trong vòng hai tuần. Tôi khẳng định với Hưng, như lời hứa của một người bạn, là tôi sẽ giữ mạng sống của mình và mang xác Hưng về. Tôi ở lại với Hưng ở chiến trường nầy. Chuyện này sau đó tôi cho Đại uý Dương Tấn Triệu, Trung uý Lê văn Chánh, Đại đội trưởng Trinh Sát và Trung Uý Nguyễn Đức Trạch, tức nhà thơ Trạch Gầm, con trai trưởng của Nữ sĩ Tùng Long, là những sĩ quan thân tín phụ trách những công tác mật và gay go trong các mật khu của CSBV trong khu vực chiến thuật của Sư đoàn trước trận chiến. Ba sĩ quan ưu tú này là những người bạn thân cận, dám sống chết với tôi.
Sau buổi cơm toàn uống nước lã, Hưng chỉ thị cho họp tham mưu mời Đại tá Trần văn Nhựt, Tỉnh trưởng Bình Long, Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Phụ tá Hành quân của Tướng Minh, Trung tá Lý Đức Quân, Chiến đoàn trưởng Chiến Đoàn 7, các cố vấn Hoa Kỳ Sư đoàn và Tiểu khu, các sĩ quan tham mưu của Bộ̣ Tư lệnh nhẹ Sư đoàn và Trung tá Nguyễn văn Biết, Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 3 Biệt Động Quân được Trung tướng Minh cho tăng viện vào An Lộc, vừa mới được trực thăng vận vào sân bay Đồng Long ở phía bắc thị xã trong buổi sáng (đơn vị nầy mất mấy sĩ quan trong ngay buổi đầu tiên đổ quân vào An Lộc vì khi phi cơ chỉ huy của Trung tá Biết vừa đáp xuống đã bị pháo kích, may mà ông không hề hấn gì).
Buổi họp hành quân nầy tổ chức trong trong villa duy nhất trên mặt đất ở khu vực của Bộ Tư Lệnh nhẹ mới chuyển sang (Bản đồ #1). Lúc đó vào khoảng 2:30 giờ trưa ngày 7, tháng 4, sau khi hai boxes B-52 xin buổi sáng đã được Không lực Chiến lược Hoa Kỳ thực hiện ở phía bắc cầu Cần Lê cập theo Sông Bé như đã đề nghị. Lúc đó Tiểu đoàn 1/7 (-) cũng đã rút từ sân bay Quản Long ở phía đông về và các TĐ2/7, TĐ 3/7, ĐĐTS7, hành quân dã ngoại cũng đã rút về đóng quân án ngữ ở phía bắc và ven sườn tây bắc thành phố còn Bộ Chi huy Chiến đoàn 7, ở căn cứ Charlie, đã rút hết vào khu vực toà nhà Hành chánh của Tỉnh lỵ. Chỉ trừ Chiến đoàn 52 và đơn vị hỗn hợp của Trung tá Hoà ở Căn cứ Cần Lê chưa rút về được mà chỉ có những đơn vị nhỏ của Chiến đoàn 52 vượt được qua suối chạy về thị xã. Giờ đó Đại đội 7 Trinh sát, một toán nhân viên của Phòng 2 HQ Sư đoàn và Tiểu khu đang ở ngoài cổng sân bay Đồng Long, phía bắc thị xã, đón nhận các toán quân này và chờ đón những toán khác chạy về.
Sau khi tôi trình chiến trận trong mấy ngày qua và tổn thất của Sư đoàn ở Lộc Ninh và ước tính là trận An Lộc sẽ có thể diễn ra ngay trong đêm đó hay sáng ngày hôm sau, Trung tá Đăng trình sơ đồ bố trí các đơn vị phòng thủ tỉnh lỵ An Lộc theo quan niệm của Tướng Hưng. Sự phối trí nầy tạm thời áp dụng cho đến khi có tăng viện thêm (Bản đồ # 2). Theo sơ đồ đó thì tạm thời TĐ 1/7 và ĐĐ7TS sẽ đóng trấn giữ mặt bắc thành phố với TĐ 2/7 ở cánh trái. Khi Chiến đoàn 52 về toàn bộ, sẽ giao khu vực trách nhiệm lại cho chiến đoàn này và rút sang cánh trái án ngữ mặt tây bắc thanh phố. Nếu đơn vị nầy bị tổn thất nặng thì đóng ở khu vực nằm phía sau tuyến của TĐ1/7. Tuyến phía tây, từ cổng Phú Lố trở xuống phía nam do TĐ 3/7 án ngữ. Chiến đoàn 3 BĐQ án ngữ ở tuyến phía đông. Mặt nam thành phố do Tiểu khu phụ trách với các đơn vị ĐPQ trực thuộc. Tiểu khu duy trì các đơn vị ĐPQ trên hai ngọn đồi Gió và Đồi 169 ở đông nam thành phố.
Hai điều quan trọng trong buổi họp nầy là: Thứ nhất, Tướng Hưng yêu cầu Đại tá Trần văn Nhật (sau nầy thăng cấp Chuẩn tướng, Tư lệnh SĐ2BB) với tư cách là Tình trưởng ra lệnh trưng dụng tất cả các loại xe be kéo gỗ và tất cả các loại xe chuyên chở bốn bánh khác hiện có trong giờ đó tại tỉnh lỵ và Chiến đoàn 7 của Trung tá Lý Đức Quân trách nhiệm đem các loại xe kéo gỗ và xe đò làm chướng ngại vật lập tuyến phòng thủ án ngữ trục QL-13 dẫn vào thành phố và các trục lộ cổng Phú Lố ở phía tây và cổng xe lửa trên trục lộ từ sân bay Quản Lợi đổ vào. Thứ hai, Tướng Hưng yêu cầu Đại tá TVN thông tri cho dân chúng thành phố biết nên di tản vì CS sẽ tấn công lớn vào tỉnh lỵ. Chọn giữ lại các nhân viên công chức cần thiết về điều hành điện nước, y tế, chiêu hồi hay nhân viên bán quân sự ở lại, kỳ dư cho di tản khỏi thành phố để tránh tổn thất nhân mạng thường dân vô ích. Đại tá Nhựt, giữ sự tế nhị như thường xuyên, trong buổi họp hành quân đó không đưa ra ý kiến về hai việc nầy, nhưng liền sau đó gặp riêng Tướng Hưng và trình bày là hai chỉ thị trên của Tướng Hưng sẽ ảnh hướng rất lớn về tâm lý của quần chúng và rất quan trọng nên ông sẽ xin trình lại Trung tướng Tư lệnh QĐIII & V3CT kiêm Đại biểu Chính phủ ở Vùng 3 Chiến Thuật. Sau đó Tướng Hưng lên trực thăng không đem các trưởng phòng tham mưu theo. Tôi nghĩ là ông về̀ Lai Khê về chuyện phòng thủ ở đó với Trung tá Lê Thọ Trung, tham mưu trưởng và chuyện riêng gia đình liên quan đến quyết định tử thủ An Lộc của ông.
Buổi chiều trời chưa sụp tối khi Tướng Hưng trở lại An Lộc, thì thành phố đã hứng một số đạn pháo của Cộng sản và còn đang tiếp tục bị pháo tuy không nhiều lắm, nhưng đã có một số khá lớn cư dân –cả vài trăm người– được đưa đến điều trị ở bệnh viện thành phố chỉ cách Bộ Tư lệnh nhẹ một con đường. Ở phía bắc thành phố, là khu vực phố buôn bán và chợ An Lộc, binh sĩ các đơn vị của Chiến đoàn 9 ở Lộc Ninh bị thất tán cũng chạy về, kể cả dân chúng. Chiến đoàn 52, sau khi chạm súng ở phía tây bắc cầu Cần Lê và mất luôn cả hai căn cứ Hùng Tâm, cũng đã rút về, được đưa vào tuyến phòng thủ của phía bắc thành phố. Tổn thất của đơn vị nầy khá nặng, chỉ còn hơn bốn trăm quân có thể tác chiến được. Các đơn vị của Chiến đoàn 7 đang kéo các loại xe be và xe chuyển chở dân sự lập chướng ngại vật trên các trục lộ chiến xa địch có thể tiến vào thành phố như lệnh của Tướng Hưng mà hình như không có lệnh trưng dụng của Toà Tỉnh trưởng.
Đúng vào lúc nầy, khoảng 8 giờ đêm, trong phòng hành quân dưới hầm ngầm Tướng Hưng bị Trung tướng Minh xát muối lần chót, lần thứ năm, trước khi trận chiến An Lộc thực sự diễn ra, cũng nặng nề, về việc mà Tướng Hưng yêu cầu Đại tá Nhựt trong cuộc hop hành quân buổi xế trưa mà Đại tá TVN có nói cho Tướng Hưng biết sau buổi họp là sẽ trình lên Trung tướng Minh quyết định. Mà quyết định của Trung tướng Minh là không quyết định gì hết ngoài việc “xát muối” Tướng Hưng. Nhưng chuyện đã lỡ rồi, Chiến đoàn 7 đang thu xe dân sự lập tuyến án ngữ như lệnh đã nhận được. Ở đây phải ghi nhận quyết tâm và kiến thức quân sự vững chãi của Tướng Hưng. Ông đã nhận định rõ kích thước lớn lao cuả trận chiến sắp diễn ra, hay đã diễn ra từ hai hôm trước, nên nhanh chóng chọn quyết định phản ứng thích nghi của một vị tướng chỉ huy ngoài mặt trận và can đảm nhận chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình trước thượng cấp. Ở chiến địa, tình hình chuyển biến nhanh chóng từng phút, từng giây, thân làm tướng chỉ huy mà còn hỏi trình thưa gởi về lệnh lạc thì làm sao mà đánh giặc được…Vì vậy, mặc dù bị Tướng Minh xài xể nặng, khi buông ống nói điện thoại với Tướng Minh, ông chuyển sang tần số gọi Trung tá Lý Đức Quân, Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 7, hỏi xem chuyện lập chướng ngại vật trong vòng đai phòng thủ phía bắc tiến triển đến đâu và không hề nghe ông ra lệnh huỷ bỏ lệnh trong buổi họp xế trưa hay đình chỉ chuyện thu xe dân sự làm rào cản phòng thủ trên các trục lộ dẫn vào thành phố ở vòng đai mặt bắc.
Khoảng chừng gần 9 giờ đêm đó, Tướng Hưng cùng Đại tá Miller đi xe lên tuyến phía bắc gặp Trung tá Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7. Xe Jeep của tôi theo sau với Đại uý Triệu, nhân viên Phòng 2 Hành quân của tôi và vài tùy tùng. Trong khi Tướng Hưng và Cố vấn Miller đi cùng Trung tá Quân xem bố phòng cuả Chiến đoàn, tôi ra trạm kiểm soát và tiếp nhận binh sĩ từ mạn bắc chạy về. Hơn một giờ tiếp xúc với một số hạ sĩ quan và binh sĩ của Chiến đoàn 9, TĐ53 Pháo binh, Chi khu Lộc Ninh và những chiến binh thất lạc của Chiến Đoàn 52 vượt qua được cầu Cần Lê chạy về thành phố vào chập tối, tôi mới hiểu rõ những nhận thức của Tướng Hưng buổi trưa khi bay trực thăng từ Lộc Ninh, về cầu Cần Lê là chính xác:
Thứ nhất, nhiều người chạy từ Lộc Ninh về trên trục quốc lộ này đã lẩn trốn ở các bụi rập bên đường khi nghe tiếng động cơ chiến xa, nhìn thấy nhiều chiến xa CSBV với bộ đội mặc quân phục xanh lá cây ngồi trên tháp pháo và bộ đội nắm súng AK-47 và vác B-40 chạy bộ –vượt qua nơi ẩn trú của họ– về hướng cầu Cần Lê. Có những binh sĩ trốn chạy về trễ hơn cho biết đã mục kích phi pháo của KQVN oanh kích vào đoàn chiến xa và bộ đội CSVN ở quãng đường cách Lộc Ninh về phía nam chừng bảy, tám, đến mười cây số. Tổn thất của chúng rất lớn đến đỗi chúng bận rộn thu dọn xác chết và cứu thương đồng bạn không lưu ý đến dân chúng có quân nhân lẫn lộn chạy qua khu vực nầy.
Thứ hai, nhiều binh sĩ của Chiến đoàn 52 cho rằng đơn vị của họ ở Căn cứ Hùng Tâm bị pháo kích từ trong đêm đến sáng thì bị bộ binh tấn công, nên khi có lệnh rút ra ngã ba QL-13 thì bỏ căn cứ, di chuyển ra chưa đến mục tiêu đã chạm địch từ hướng QL-13 tiến vào. Chiến đoàn đã bắn hạ được những toán quân trước nhưng hình như bộ đội CSBV càng lúc càng đông hơn với nhiều loại súng nổ càng lúc càng dữ dội hơn. Đơn vị tuy chạm súng mạnh trong mấy giờ liền, tổn thất lớn, nhưng sau đó có tiếng bom B-52 nổ ở phía đông bắc khu chạm súng thì trận đánh thư giãn hơn nên nhiều đơn vị của chiến đoàn lần lượt rút được về An Lộc.
Thứ ba, một số thường dân, người Stiêng, cư ngụ ở một sóc nhỏ gần bên bờ Sông Bé cho biết khi thấy đông đảo bộ đội Công sản suốt đêm trực kéo qua sóc của họ đến khu vực khá rộng và cao gần bờ Sông Bé, ̣đến sáng tinh sương họ ở kéo cần dựng máy liên lạc lên, nên biết sắp đánh lớn, sợ nguy hiểm một số gia đình lẻn trốn về hướng quốc lộ và chạy cặp theo đường về thị xã. Chạy hết một buổi thì nghe máy bay nhỏ bỏ bom, mấy giờ sau khi qua khỏi cầu Cần Lê thì nghe máy bay lớn bỏ bom. Họ tin rằng “bụt” cứu họ thoát chết.
Tổng kết những tin tức nầy, tôi cho rằng nhận định về diễn tiến thế trận, việc chiến xa và bộ đội bộ binh của CSBV “bôn tập” để tấn công An Lộc, ngày 7/4, khi mục tiêu nầy chưa kịp tổ chức phòng ngự là vô cùng chính xác rút ra từ kinh nghiệm chiến trường với hàng trăm trận chiến thắng của Tướng Hưng –từ khi là đại đội trưởng tiến dần lên đến cấp tiểu đoàn trưởng rồi trung đoàn trưởng, trước khi là tư lệnh sư đoàn, người sĩ quan tên Hưng này là một cấp chỉ huy bách chiến bách thắng. Do đó, những quyết định cấp thời vô cùng chính xác của ông buổi trưa khi bay trên trực thăng chỉ huy trên vùng trời Lộc Ninh, QL.13, Sông Bé và cầu Cần Lê đã cứu vãn được An Lộc từ những giờ phút quyết định nhất làm thay đổi cục diện chiến trường An Lộc ngay sau đó và cục diện chiến tranh Viêt Nam trong hai năm kế tiếp. Thử nghĩ, nếu An Lộc mất ngay trong ngày đó, 7/4/1972, Saigòn sẽ ra sao? Washington sẽ nghĩ gì và làm gì? Sách lược “Việt Nam hóa Chiến tranh” của Nixon-Kissinger ở giai đoạn áp chót đó sẽ đi đến đâu? Mất An Lộc trong ngày đó sẽ tạo ảnh hưởng dây chuyền vô cùng khốc hại là chính phủ Nam Việt Nam và QLVNCH phải lo bảo vệ Thủ đô Saigòn là chính… Lấy quân ở đâu ra mà tăng cường tiếp viện cho Kontum và Quảng Trị? Hay Hoa Kỳ sẽ phải đưa Thủy Quân Lục Chiến trở lại Việt Nam? Không thể có chuyện đó. Và như vậy có phải sẽ mất tất cả hay không? Là thua cuộc sớm hơn và Hoa Kỳ còn tiếng tăm gì với thế giới!.. Vậy phải chăng quyết định sáng suốt và nhanh chóng của một tướng lãnh như Tướng Lê văn Hưng ở An Lộc trong thời điểm đó không là những quyết định lớn nhất mang tính cách quyết định trong Chiến Tranh Việt Nam, đã cứu nguy cho cả Saigòn lẫn Washington? Ông có xứng danh là một danh tướng của miền Nam hay không? Còn sau đó, khi trận An Lộc đã diễn ra, đến cả những người ở trong cuộc cũng ít người hiểu rõ về những khúc mắc trên đây đã xảy ra trước đó, huống chi những vị cầm bút, dù có tiếng tăm, ở bên ngoài dựa vào lời nói của người này hay người khác mà viết về Cuộc chiến An Lộc năm 1972 thì cũng dễ sai lạc lắm.
Tôi xin nhắc lại những quyết định trên của Tướng Hưng:
1. Quyết định đánh bom và oanh kích vào khu vực cuả một bộ chỉ huy dã ngoại cấp sư đoàn CSBV trên bờ tây Sông Bé.
2. Quyết định đưa Chiến đoàn 52 từ hai căn cứ Hùng Tâm ra ngã ba QL.13 lập thêm một tuyến án ngữ ở mặt bắc cầu Cần Lê, tuy chưa thực hiện nhưng đã chạm súng và kềm giữ được cánh quân lớn của CSBV đang bôn tập xuống tấn công cầu Cần Lê.
Vì nếu quân địch không trước tiên đánh cánh quân của Chiến đoàn 52 trên Tỉnh lộ 17, chúng sẽ bị đơn vị nầy đánh thúc ngang hông trên QL-13 khi bôn tập xuống hướng cầu Cần Lê. Trận đánh nầy chiến nầy đủ cho tuyến cầu Cần Lê chuẫn bị pháo tập lên khu vực tiến quân trên QL-13 phía đông bắc nơi chạm súng của Chiến đoàn 52 và có thời gian cần thiết phá các nhịp cầu Cần Lê.
3. Quyết định oanh kích và dội bom đoàn quân gồm chiến xa và quân bộ chiến của CSVN đang bôn tập từ Lộc Ninh hướng về cầu Cần Lê.
4. Quyết định cho Trung tá Nguyễn văn Hoà phá sập cầu Cần Lê ngăn cản kịp thời chiến Xa của CSBV tiến vào An Lộc khi thành phố chưa có lực lượng phòng thủ.
Chỉ ngay trong đêm đó Tư lệnh bộ của Sư đoàn Công trường 5 của quân CSBV đã không còn nghe trong hệ thống vô tuyến hành quân của Tư lệnh bộ TWC/MN hoặc COSVN hay Bộ Tư lệnh Hành Quân của Chiến dịch Nguyễn Huệ cho đến một tuần lễ sau theo ghi nhận và báo cáo của Đại Đội 5 Kỹ Thuật của SĐ5BB (là đơn vị kỹ thuật Truyền tin trực thuộc Phòng 7/BTTM/QLVNCH, chuyên môn dùng hệ thống vô tuyến tìm đài tối tân xen vào hệ thống truyền tin vô tuyến của CSBV bắt tin và chuyển dịch bản tin mật mã thành bạch văn cho Phòng 2/SĐ5BB nghiên cứu và ước tính. Mỗi Sư đoàn Bộ binh QLVNCH đều có một Đại Đội Kỹ Thuật như vậy).Với báo cáo của ĐĐ5KT và những tin tức của binh sĩ và thường dân từ Lộc Ninh chạy về, chúng tôi biết chắc chắn là Bộ Chỉ huy hành quân của SĐ-5/CS đã bị hủy diệt và cánh quân gồm bộ binh và chiến xa do Bộ Chỉ huy của Sư đoàn CS nầy điều động bôn tập tấn công An Lộc trong ngày 7 tháng 4, đã bị tổn thất nặng bởi cuộc oanh kích của KQVN buổi trưa và hai boxes B-52 trong buổi chiều cùng ngày. Cộng thêm sự truy cản của Chiến đoàn 52 và sự phá cầu Cần Lê, lực lượng của TWC/MN đã không thể tấn công và chiếm An Lộc trong ngày đó.
Cuộc tấn công chính của TWC/MN vào An Lộc chỉ thực sự diễn ra vào ngày 13 tháng 4, 1972, tức là gần một tuần sau đó. Trong thời gian 6 ngày, 5 đêm này Cộng quân chỉ pháo kích bừa bãi vào thanh phố. SĐ-5/CS của chúng phải bỏ chiến trường trên trục QL-13 vòng qua Mật khu Bến Than vào lộ trình cập theo Sông Saigòn về vùng Dầu Tiếng ̣để bổ sung quân lấy quân số từ Sư đoàn C30B của TWC/MN chuyển sang để có đủ quân trở lại chiến trường An Lộc. Sư đoàn mới thành lập C30B đã từng lấy cán bộ khung từ Sư đoàn Công trường 9 để làm nồng cốt và từng tấn công Chiến đoàn 49 của SĐ18 BB trên trục lộ 22 trong ngày 31/3/1972 rạng ngày 1/4/1972. Sau trận đánh trên, Sư đoàn C30B đã bỏ vùng hoạt động ở Tây Ninh tiến xuống vùng Sông Saigòn hoạt động từ vùng Bến Than, ở sườn phía tây quận Bình Long kéo dài xuống sườn phía tây Lai Khê, quận Bến Cát, xuống đến Mật khu Bời Lời và tấn công các đơn vị đóng trong các căn cứ cặp theo hành lang Sông Saigòn từ căn cứ Tống Lê Chân của Tỉnh Bình Long phía bắc Mật khu Bến Than, xuống Trị Tâm –Dầu Tíếng, Bến Cát và Bến Súc, tỉnh Bình Dương. Lần nầy, Sư đoàn C30B đã phải bổ sung một số quân lớn cho Sư đoàn Công trường 5 ở vùng Trị Tâm, bờ tây Sông Saigòn trong tuần lễ thứ hai của tháng 4.
Bổ sung quân xong, SĐ-5/CS tức tốc trở lại chiến trường An Lộc sau trận tấn công đợt thứ nhất vào thành phố An Lộc của SĐ-9/CS và các Trung đoàn 202 và 203 Chiến xa ngày 13 tháng 4. Riêng Sư đoàn C30B từ Trị Tâm kéo xuống Bời Lời, được lệnh đánh phá rối đồn bót ngoài ven tỉnh lỵ Bình Dương, như là mũi tấn công phụ cấp tiểu đoàn và đại đội, không phải cấp trung đoàn cộng mà sư đoàn nầy đã thực hiện ở trục lộ 22 mấy tuần trước. Bị thất bại ở đó, chúng kéo xuống vừa lấy thêm quân ở dọc hành lang sông Vàm Cỏ Đông trong trung tuần tháng 5, 1972 và hoạt động trong vùng Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ. Ở vùng hoạt động nầy chúng tấn công Hiếu Thiện và dự định cắt đứt trục lộ 22 và cô lập Tây Ninh nhưng bị SĐ25 BB đánh mấy trận dữ dội và thiệt hại nặng nên phải rút ra vùng Mật khu Mỏ Vẹt ngoài biên giới bổ sung lần thứ hai. Trong khi đó thì mặt trận An Lộc và mặt bắc Chơn Thành đang diễn ra ác liệt trong tháng 4 và tháng 5.
Trở lại mặt trận An Lộc. Sau khi Tướng Hưng tự ra lệnh phá huỷ cầu Cần Lê (không phải do Đại tá TVN, Tiểu khu trưởng Bình Long, đề nghị, như một số bài báo viết sai lạc) một số nhịp cầu hư hại nặng. Ở vùng cầu Cần Lê, Chiến đoàn 52, được tướng Hưng cho điều động TĐ31BĐQ –vừa mới được tăng viện- tiến lên ấp An Hữu phía nam cầu, tiếp ứng và yểm trợ, về được An Lộc với hơn 400 quân còn tác chiến được. Tình hình đã không còn nguy hiểm như buổi sáng ngày đó. Sau đó, các đơn vị do Trung tá Nguyễn văn Hòa chỉ huy ở Cần Lê gồm một đại đội của TĐ2/9, hai đại đội ĐPQ 256 và 257 cũng rời căn cứ Cần Lê rút về trong buổi xế trưa sau khi phả huỷ hai khẩu pháo 155 ly và bốn khẩu 105 ly theo lệnh của Tướng Hưng, vì không có xe để kéo pháo về. Buổi chiều khi quân bộ và chiến xa cuả CSBV tiến đến cầu Cần Lê thì đã không thể vượt được qua cầu, ngược lại chúng còn bị hứng thêm những trận oanh kích nặng của KQVN.
Dĩ nhiên cuộc tấn công qui mô vào An Lộc ngày 7 tháng 4 của TWC/MN phải đình hoãn. Thứ nhất, vì đơn vị bôn tập vào An Lộc là Sư đoàn Công trường 5 của chúng bị thiệt hại lớn lao. Thứ hai, chiến xa của các Trung đoàn 202 và 203 Chiến xa CSBV cũng bị thiệt hại, tuy không nặng lắm –khi phối hợp bôn tập với quân bộ chiến của SĐCT5/CS của TWC/MN– nhưng đã không thể qua được cầu Cần Lê đã được phá hủy kịp lúc. Nhờ vậy, Tướng Minh Tư lệnh QĐIII & V3CT chẳng những không mất An Lộc trong ngày, mà còn có thì giờ đổ quân vào đó tăng viện cho Tướng Hưng và giải tỏa được An Lộc. Từ đó, ông được đánh giá như một tướng tài đã đánh bại được CSBV trong muà Hè 1972 trong lãnh thổ trách nhiệm của ông.
Tướng Minh có một nhãn quang rất sáng giúp ông chọn đúng một người đủ tài để giữ đất giữ thành trong cơn giặc tràn bờ như dầu sôi lửa bỏng. Dù ông có chê trách hay nổi giận với người tướng này trong một chiến dịch, trong cuộc điều quân nhiều thất lợi lúc ban đầu đó, cũng không là điều đáng nêu lên. Tuy nhiên hình như hào quang có lúc bị che khuất nên ông trông một sĩ quan khác như con gà hóa thành con quốc –con cuốc– quá cưng chiều nó. Mà nếu chỉ coi con gà đó là con quốc cũng được, không ai muốn nói đến. Vì con quốc và con gà có hơn kém bao nhiêu đâu!.. Con quốc được tiếng kêu buồn thảm thiết. Con gà trống thì được tiếng gáy. Mà con “gà này” thì tiếng gáy thật hay. Nên Tướng Minh bị mê hoặc, nên tưởng nó là con phụng. Sự thực là sự thực. Trung tướng Nguyễn văn Minh là một cấp chỉ huy thực tốt, tôi luôn quí trọng, nhưng tôi nghĩ lòng tốt và sự tin tưởng của Trung tướng đối với thuộc cấp đã bị “con gà” kia khai thác và lợi dụng.
Sáng ngày 7 tháng 4, Chiến đoàn 3 BĐQ của Trung tá Nguyễn văn Biết, được trực thăng vận tăng viện vào An Lộc gồm các đơn vị chính là TĐ31, TĐ36 và TĐ52, chừng hơn 1,500 người. Trung tá Biết, các Tiểu đoàn trưởng, các Đại đội trưởng CĐ33BĐQ đều là những sĩ quan lỗi lạc, dày dạn chiến trường. Ngày hôm sau, Tướng Minh cho tăng cường vào An Lộc Trung đoàn 8 –là đơn vị cơ hữu của SĐ5BB– gồm hai TĐ 1/8, 2/8 và ĐĐ8TS chừng hơn 850 người do Đại tá Mạch văn Trường chỉ huy (TĐ3/8 được giữ lại Lai Khê để bảo vệ BTL Tiền Phương của Quân Đoàn III của Tướng Minh). Tuy nhiên suốt trận đánh cuả Trung Đoàn 8 ở An Lộc sau đó đều do Thiếu tá Huỳnh văn Tâm, Trung đoàn phó chỉ huy. Lý do là: ngay trong buổi trưa ngày đầu tiên, 8 tháng 4, khi Trung đoàn 8 (-) đổ quân vào khu phố phía bắc thành phố gần sân bay Đồng Long, Đại tá MVT, đứng ở cạnh đường trước bộ chỉ huy nhẹ của mình, quan sát các đơn vị trực thuộc vào vị trí, một viên đạn M-72 bị một Dodge 4/4 cán phải, nổ khá xa, một mảnh nhỏ văng trúng phần vai trước (tôi không nhớ rõ vai phải hay vai trái vì thương tích không đáng để ý) không chạm gân và xương, theo như lời Bác sĩ Hùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Quân Y của Sư đoàn, trình với Tướng Hưng. Nhưng khi Đại tá MVT xin ở lại Bộ TL/HQ Sư đoàn để điều trị, Tướng Hưng cười và cho Đại tá MVT ở trong căn phòng nhỏ –dành riêng cho Tư lệnh– ở cuối đường hầm ngầm. Tướng Hưng còn chỉ thị mỗi ngày Bác sĩ H. đến chăm sóc vết thương nhỏ nầy. Nơi dành cho tư lệnh là nơi an toàn nhất trong hầm ngầm, Tướng Hưng đã không dùng đến, nhường cho Đại tá MVT ở để trị vết thương. Tướng Hưng và Đại tá Cố vấn Miller phải bắc ghế bố ngay cửa hầm từ mặt đất xuống và đặt một chiếc bàn thấp, nhỏ, giữa hai chiếc ghế bố làm chiếc bàn hành quân cho hai người. Phần hầm chỗ nầy trở thành Trung tâm Hành Quân. Cạnh đó là một chiếc bàn dài kê sát tường đặt hệ thống truyền tin vô tuyến và điện thoại. Còn chúng tôi, Đại tá Lê Nguyên Vỹ, Đại tá Bùi Đức Điềm, Trung tá Trịnh Đình Đăng Trưởng phòng 3, Bác sĩ Hùng, tôi và mấy sĩ quan tham mưu cần thiết khác –chừng ba bốn người nữa– đều bắc ghế bố nằm ở phía đầu trong của chiếc bàn truyền tin.
Văn Nguyên Dưỡng
Theo Việt Thức

No comments:

Post a Comment