Wednesday, March 27, 2019

NHỮNG KỶ NIỆM VỀ HÀ VĨNH TƯỜNG
Đặng Xuân Hùng
        Tôi và Tường trở nên thân sau khi cùng chọn nhiệm sở: Tỉnh Phước Long, cùng với Nguyễn Hữu Nhơn và Lê Thanh Quang. Sau khi lên trình diện chúng tôi được cho về ăn Tết và sẽ bắt đầu nhận việc sau Tết âm lịch 1973, bắt đầu cuộc đời công chức tại một tỉnh lẻ. Sau khi sắp xếp công việc, Nhơn: Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Tu Nghiệp, Quang: Trưởng Ty Hành Chánh, Tường: Chủ sự phòng Tài thâu và tôi: Chủ sự phòng Kinh Tế, Ty Kinh Tài (Kinh Tế-Tài Chánh), vì Tỉnh thuộc loại C. Chúng tôi được đưa đến tạm trú tại Lưu trú xá của Trung Tâm Tu Nghiệp, vừa được xây cất xong. Đó là một căn nhà tương đối lớn, có cửa lớn ở hai đầu và một hành lang ở giữa đi vào 4 phòng dọc theo hai bên hành lang. Lưu trú xá này được xây cất để những viên chức xã ấp ở những quận xa xôi về tu nghiệp, có chỗ ngủ qua đêm. Nhưng thực tế nó chưa bao giờ được sử dụng. Lúc đầu tôi và Tường ở chung, Nhơn và Quang mỗi người một phòng, còn một phòng dùng để bàn ping pong. Cuộc sống tỉnh lẻ chẳng có gì giải trí ngoài những nơi như quán cà phê, bàn bi da hoặc ở nhà đọc sách hay đánh bài. Vì chúng tôi có đủ 4 “tay” trong một căn nhà cộng thêm với những bạn bè lui tới thăm nên môn giải trí sau cùng đã trở nên phổ thông nhất, đôi khi đông chúng tôi còn gầy tới 2 “sòng”, một xì phé và một sập xám. Riêng Tường thì nổi bật với tài xì phé, sau mỗi lần tan sòng, Tường thắng 5, 7 ngàn là bình thường. Tuy nhiên chúng tôi có một thỏa thuận người nào thắng nhiều nhất sẽ là “đầu tàu” cho bữa ăn sáng ngày hôm sau nên nếu thắng ít đôi khi còn lỗ.
        Tại Phước Long có cặp vợ chồng Trưởng ty Điện lực với chiếc xe La Dalat màu trắng duy nhất tại tỉnh và họ nổi tiếng tham dự những sòng đánh lớn gồm những bộ mặt cao cấp trong Tỉnh và những thương gia “nặng kí”, họ thường lái xe lòng vòng trong Tỉnh và hầu hết mọi người nhận ra họ, Tường hay nói đùa:
       - Tao sẽ phải “đụng” với hai vợ chồng Trưởng ty Điện lực để nó phải bán nhà máy đèn.
        Thế rồi một ngày Thứ bảy, Tường nghe nói buổi tối sẽ có sòng ở nhà ông Phó Tỉnh và có vợ chồng Trưởng ty Điện lực tham dự. Tường hỏi tôi:
       - Mầy còn bao nhiêu tiền?
        Tôi trả lời:
        - Tao còn 15 ngàn.
        Tường nói:
        - Đưa cho tao, tao còn 25 ngàn, tối nay tao sẽ đụng với tụi nó.
        Chiều tối Tường ra đi, chúng tôi gầy sòng sập xám cò con ở nhà để giải trí cuối tuần. Đến 8 giờ sáng vẫn chưa thấy Tường về. Chúng tôi đoán Tường “chiến thắng”nên mới ở lâu như vậy?. Khoảng 9:00 thấy Tường lững thững đi bộ về  miệng tủm tỉm cười, tôi hỏi:
        - Sao? Tối hôm qua thế nào?
        Tường trả lời:
        - Tao nợ bà Phó thêm 120 ngàn nữa.  
        Sau đó chúng tôi đi ăn sáng và ngồi nghe Tường thuật lại cuộc “đọ sức” đêm qua. Khoảng một tuần sau Tường về Saigon, khi trở lại Tỉnh, Tường nói với tôi:
        - Tao phải nói bà xã đi bán cái nhẫn hột xoàn để lấy tiền trả nợ bà Phó.         
        Trong thời gian làm chủ sự Kinh tế, khi nào anh Trưởng ty Kinh Tài về Saigon thì tôi đảm trách việc Xử Lý Thường Vụ, nhưng đôi khi cả anh Trưởng ty và tôi cùng về Saigon để lo công việc cho Tỉnh thì Tường đảm trách việc xử lý nầy.    
        Một hôm tôi mới vào văn phòng thì ông Phó Tỉnh gọi tôi lên văn phòng để gặp, khi tôi vào, ông đưa cho tôi một tờ giấy và hỏi:
        - Anh làm sao mà tụi thương gia “tố” anh đòi tiền mỗi khi cấp giấy phép kinh tế?
        Tôi bối rối vì đây là lần đầu tiên phải đối đầu với “trouble” trong cuộc đời công chức. Nhìn lướt qua tôi đọc được tên 7 thương gia vẫn thường xin cấp giấy phép chuyên chở hàng hóa. Tôi cho ông Phó Tỉnh biết những lời tố cáo trong đơn là hoàn toàn sai sự thật. Sau đó ông Phó Tỉnh nói tôi về văn phòng làm việc và ông sẽ cho điều tra về vấn đề nầy. Khoảng vài tiếng sau ông gọi tôi lên văn phòng trở lại và cho biết lý do sở dĩ có đơn tố cáo nầy là vì đây là sự trả thù nhưng “lầm người”. Ông giải thích thời gian hai tuần trước đó, tôi và anh Trưởng ty đi công tác ở Saigon, Tường xử lý thường vụ Trưởng ty, nhưng Tường lại vào phòng làm việc của tôi ngồi. Khi ký lộ trình thư cho ông Tỉnh Đoàn Trưởng Cán Bộ XDNT do một cán bộ để trên bàn, vì mới làm việc chưa biết hết những cấp chỉ huy tại Tỉnh nên Tường hỏi:
        - Ông LTB là ông nào?
        Anh cán bộ nghe vậy chạy về văn phòng nói với ông Tỉnh Đoàn Trưởng CB/XDNT:
        - Ông ấy kêu ông lên trình diện.
        Ông Tỉnh Đoàn Trưởng chạy qua tự giới thiệu và trách về việc bắt ông trình diện mới ký Lộ Trình Thư, và ý định trả thù bắt nguồn từ đó, nhưng Tường lại ngồi làm việc tại bàn của tôi nên tôi trở thành nạn nhân của việc trả thù.
        Sau vài tháng bà xã tôi xin chuyển lên Phước Long dạy học. Tường dọn qua phòng khác ở một mình, nhưng ăn cơm chung với vợ chồng chúng tôi. Vài tuần sau Tường nhờ tôi về Saigon đón bà xã lên bằng trực thăng của Air America, một hãng máy bay của cơ quan viện trợ Mỹ, vì tôi làm kinh tế và thường xuyên đi công tác Saigon. Bà xã của Tường là VTT mà một số bạn K17 có lẽ cũng biết. Thật sự hai người quen nhau nhưng gia đình Tường hoàn toàn không biết gì về sự liên hệ đó. Sau khi xuống trực thăng, nhìn qua một bãi đất trống tôi chỉ cho chị  Thủy và nói:
        - Đó là một căn nhà tụi tui ở, chị nhìn nó giống nhà bảo sanh không? Chị vô tư trả lời:
        - Ừ, nó giống nhà bảo sanh nên vào nhà nầy chắc sẽ có con.
        Đó là một câu nói đùa, nhưng đã trở thành sự thật: đó là cháu Hà Vĩnh Thuận, con trai duy nhất của Tường. Bà xã Tường đã có cháu Thuận từ căn nhà đó.
        Vài tháng sau tôi sang lại một căn cư xá công chức. Trên nguyên tắc Tòa HC Tỉnh làm giấy cấp quyền sử dụng nhưng thực sự mình phải thương lượng với chủ nhà cũ và trả họ một số tiền. Chúng tôi dọn về căn cư xá, khoảng một tháng sau, Tường được đưa đi giữ chức Phó Quận Bố Đức, một quận lưu vong được thành lập trên phần đất của Xã Phước Tín, Quận Phước Bình, vì Quận Bố Đức cũ đã bị VC chiếm đóng từ “Mùa hè đỏ lửa 1972”. Ông Quận Trưởng Bố Đức làm chủ căn cư xá bên cạnh tôi nên đã để Tường xử dụng căn cư xá. Thế là chúng tôi lại sống bên cạnh nhau. Đầu năm 1974, tôi được cử đi làm Phó quận Phước Bình, quận Châu thành của tỉnh Phước Long, nhưng văn phòng Quận cách tỉnh lỵ khoảng 3 km, và chỉ cách văn phòng của Tường 2km, Hằng ngày chúng tôi vẫn ăn sáng với nhau và sau đó ra văn phòng vì cùng chung một đường.
         Khoảng giữa năm 1974, Tường được cử đi làm Phó quận Đôn Luân tức Đồng Xoài. Cái tên được nhiều người biết đến. Tường đưa bà xã về Saigon vì cũng sắp đến ngày sanh, Tường ở trong Chi khu cùng với Quận Trưởng, chúng tôi ít gặp nhau hơn. Thỉnh thoảng Tường về Tỉnh họp cùng với Quận Trưởng hoặc đôi khi lấy lý do về Tỉnh công tác để đi trực thăng về Tỉnh chơi vài ngày vì trực thăng là phương tiện di chuyển độc nhất từ tỉnh xuống quận. Có lần tôi về Saigon khi trở lại tỉnh bạn bè cho biết Tường về tỉnh chơi nhưng khi biết tôi đi Saigon, Tường lại xách túi ra sân bay trực thăng kiếm máy bay đi về lại Đồng Xoài, mặc dầu ở tỉnh cũng có cả chục anh em QGHC.
        Khi bà xã tôi gần sanh cháu thứ nhì, mỗi tuần về Tỉnh chơi Tường hay hỏi tôi có cần tiền không? Nhưng tôi luôn trả lời “không” vì tôi biết Tường cũng cần tiền để lo cho cháu Thuận mới sinh. Sau vài tháng, Tường đưa vợ con lên ở trong Chi khu Đồng Xoài cho đến khi bắt đầu trận chiến xảy ra vào ngày 13-12-1974, quận Đức Phong của Phước Long (giáp tỉnh Quảng Đức) đã bị mất sau một đêm bị VC tấn công, sau đó VC tiến đánh Chi khu Bố Đức, bao vây Quận Đồng Xoài và pháo kích vào Tỉnh lỵ. Air Việt Nam ngưng các chuyến bay đến Phước Long từ ngày 13-12-1974. Sáng hôm đó tôi cố gắng ra văn phòng với mục đích dùng máy của Ban Viễn Thông để nói Tường kiếm máy bay trực thăng bay về Tỉnh, nhưng sau khi liên lạc được, ông Trưởng ban viễn thông của tôi cho biết: Ông Phó Tường mới lái xe ra ngoài Chi khu. Sau đó vài ngày tôi lại ra văn phòng và cố gắng liên lạc với Tường một lần nữa nhưng cũng không gặp. Những ngày sau đó tôi không ra văn phòng nữa vì tình trạng pháo kích nặng nề hơn. Tình hình trong tỉnh ngày càng rối loạn, cho tới ngày 23-12-1974, tôi đã trốn khỏi tỉnh bằng máy bay thám thính L.20 của Không quân công tác ở tỉnh và bị Tỉnh Trưởng báo cáo “đào nhiệm” về BNV. Nhóm chúng tôi gồm 4 người: một anh ĐS14, hai anh TS5 và tôi bị ông Tổng Trưởng bộ NV nhờ BTL/CSQG làm thủ tục truy tố về tội “đào nhiệm” với mục đích làm gương cho những tỉnh khác, nhưng tình hình thay đổi quá nhanh sau khi các tỉnh vùng 1, 2 bỏ chạy, các anh em HC chạy về trình diện BNV rất đông, nên việc truy tố chúng tôi được giao lại cho một Uỷ ban có tên “Hội Đồng Quản Trị Viên Chức BNV” đứng đầu là ông TTK xét xử. Cuối cùng chúng tôi được “tha” và đưa lên trông coi Trại Tiếp cư dân Phước Long tại Bình Dương. Tại đây tôi đã đi tìm những người trong Chi khu Đồng Xoài để hỏi tin tức của Tường. Cuối cùng tôi gặp được một sĩ quan cho biết chính mắt anh nhìn thấy khi Tường vừa lái xe ra tới cổng Chi Khu thì một quả đạn pháo kích rơi trúng xe và xác Tường bị tan nát văng tứ tung.
         Quyết định ở lại Đồng Xoài của Tường có lẽ do hai nguyên nhân: thứ nhất muốn chứng tỏ bản lãnh của một cấp chỉ huy và thứ hai là hy vọng những cấp chỉ huy cao cấp sẽ phải tiếp cứu ban tham mưu của Quận vào giờ phút chót, nhưng thực tế không như vậy, tất cả hầu hết những cấp chỉ huy cao cấp của Tỉnh Phước Long từ Tỉnh Trưởng bị chết hoặc bị bắt. Riêng hai người bạn đồng khóa Lê Thanh Quang và Nguyễn Hữu Nhơn bị bắt. Sau ngày 30-4-75 Quang được tha về nhưng đi bộ đến Đồng Xoài thì bị sốt cấp tính và từ trần tại đây. Dân địa phương đã chôn cất và giữ lại kỷ vật của Quang rồi liên lạc trao lại cho vợ Quang khi lên bốc mộ. Nguyễn Hữu Nhơn được tha về, sống ở Saigon một thời gian rồi chết.
        Sau 35 năm tôi mới có dịp viết lại những kỷ niệm của một tình bạn trong một giai đoạn ngắn ngủi của cuộc đời công chức, để chia sẻ với các bạn những gì đã xảy đến cho một người bạn của chúng ta ở một tỉnh lẻ xa xôi. Và cũng như thắp lên một nén hương để tưởng nhớ những người bạn đồng khóa, vì tinh thần trách nhiệm, tự trọng đã hy sinh những gì quý giá nhất đời mình cho Tổ quốc và cũng đã bảo vệ danh dự ngôi trường đào tạo chúng ta và tập thể đã kế thừa từ ngôi trường đó.
         Mùa Thu 2008

No comments:

Post a Comment