Friday, May 5, 2023

 Trận đánh đồn Phước Quả


                                                            

          Chị Tố Lan thân mến,

Đây là anh bạn của tôi kể lại trận đánh đồn Phước Quả. Nếu có thể chị post cho các bạn đọc biết đâu có bạn biết.

Lý Mỹ Hạnh 

                         ************************************ 

Nguyễn Ngọc Thạch 

                        

 Ghi lại để tưởng nhớ đến các chiến hửu thuộc Tiểu đoàn 3/9 Sư đoàn 5 Bộ Binh




Vào năm 1967 Tiểu đoàn được lệnh hành quân lên vùng Phước Long, lúc đó tôi là sĩ quan Ban 3 Tiểu đoàn, chuyên lo về hành quân và huấn luyện. Sau khi đặt chân xuống sân bay Phước Bình, Tiểu đoàn được lệnh di chuyển vào vùng hành quân với nhiệm vụ được giao phó là thực hiện kế hoạch Bình định Xây dựng vùng phía đông quận lỵ Phước Bình qua các xã Phước Sơn, Phước Quả, Phước Lộc và Hiếu Phong. Tiểu đoàn được phối trí như sau: BCH/TĐ + ĐĐCHCV + ĐĐ11 đóng tại đồn Phước Quả, ĐĐ10 đóng tại đồn Phước Lộc cách Phước Quả ba cây số, và ĐĐ9 hoạt động lưu động trong vùng trách nhiệm.

Tỉnh Phước Long nằm về hướng Đông Bắc của Sài Gòn. Đường quốc lộ 13 chạy về phía Bắc sẽ qua Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Bến Cát rồi tới quận Chơn Thành. Ở đây là ngả ba nếu rẽ về phải thì sẽ đi Đồng Xoài, Phước Bình, Phước Long và từ Đồng Xoài có ngả rẽ để đi Bù Đăng và Ban Mê Thuột. Còn nếu từ ngả ba Chơn Thành chạy thẳng thì sẽ đến An Lộc, Bình Long, Lộc Ninh. Khi đến gần biên giới Việt Miên xã Lộc Tấn, nếu chạy thẳ̉ng thì sẽ qua biên giới và tới thị trấn Snuol của Campuchia, còn ở ngả ba Lộc Tấn rẽ phải thì sẽ đi qua Bù Đóp (Bố Đức), con đường này nằm xong xong và cách biên giới 3 cây số. Đi tiếp tới sẽ đến quận lỵ Phước Bình và quẹo trái sẽ lên tỉnh lỵ Phước Long. Đây là vùng biên giới Việt Miên nằm trong hai tỉnh Bình Long và Phước Long với những đồn điền cao su bạt ngàn, đồn điền Michelin Dầu Tiếng, đồn điền Terre Rouge Hớn Quản, Lộc Ninh, Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch, Bồ Com, Văn Hiến v.v...

Phước Long là một tỉnh lỵ mới được thành lập từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nằm cách quận lỵ Phước Bình 8 cây số và gần núi Bà Rá. Đây là môt vùng rừng xanh đất đỏ sương lam chướng khí rừng thiêng nước độc, sốt rét rừng, ngày xưa ai mà bị đổi lên Bà Rá tức là coi như bị đày. Theo kinh nghiệm của dân địa phương cho biết là không nên ăn măng le, uống nước suối và ngủ̉̃ trưa, nên ăn nhiều ớt để tránh bệnh sốt rét rừng.  

Tình hình chiến sự tỉnh Phước Long lúc đó rất là căng thẳng, bị áp lực rất nặng vì cách mật khu Bù Gia Mập của VC không xa về phía Đông Bắc núi Bà Rá. Mật khu của VC ở bên kia biên giới Việt Miên rất là an toàn vì quân lực VNCH cũng như Hoa Kỳ không được quyền xâm phạm vào lảnh thổ của Miên. Nhưng trái lại thì quân CSBV lợi dụng thế trung lập thân cộng của Miên và Lào để làm hành lang xâm nhập qua đường mòn Hồ Chí Minh và xây dựng các mật khu an toàn của chúng ở bên kia biên giới. Quân CSBV tập trung ở các mật khu an toàn ở bên kia biên giới, đợi thời cơ thuận tiện để xâm nhập đánh phá, với mục tiêu và thời điểm là hoàn toàn do chúng lựa chọn, quân ta không có quyền gì khác hơn là ra sức chống đở tự vệ mà thôi.

Trong thời gian này chúng tôi đã chứng kiến một sự tàn ác dã man của VC khi chúng tấn công vào làng Dakson của người Thượng, ở phía đông bắc thị xã Phước Long và cách mật khu Bù Gia Mập không xa lắm. Khi Tiểu đoàn chúng tôi đến nơi thì VC đã rút đi để lại một cảnh hết sức đau lòng, VC đã giết sạch, đốt sạch nguyên cả làng sau khi toán nghĩa quân giữ làng bỏ chạy. Nhìn những thân hình mà đa số là đàn bà con trẻ bị đâm bị giết một cách hết sức dã man bị đốt cháy đen nằm trong các đống than hồng còn đang bốc khói làm liên tưởng đến bọn giặc Tàu phương Bắc đã từng đối xử với dân tộc ta trong thời kỳ Bắc thuộc: “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”.

Ngày 26 tháng 10, 1967 CSBV mở cuộc tấn công đại quy mô vào đồn Phước Quả. Vào khoảng 11 giờ đêm tôi nghe một loạt súng bắn báo động, lập tức tôi nhảy xuống hầm Trung tâm Hành quân để liên lạc với các toán tiền đồn phục kích bên ngoài. Phản ứng của tôi rất là nhanh, chổ tôi nằm trong căn nhà tranh sát cạnh hầm nên tôi phóng nhanh vô hầm. Vừa ngay lúc đó VC bắt đầu pháo kích dử dội, pháo như mưa đều khắp mọi nơi trong đồn. Ngay chổ tôi nằm, ở phía đầu nằm tôi có treo một tấm poncho để che mưa che nắng, sau này nhìn lại tấm poncho rách nát, không còn một chổ nào lớn hơn bàn tay. Trung úy Nhơn, Tiểu đoàn phó, có nuôi một con két nhỏ xíu cũng bị đứt đầu, nếu như tôi chỉ chậm chân chừng vài giây đồng hồ thì chắc đã nát thây. Những người chạy xuống hầm sau tôi đa số đều bị thương, trong số đó có Trung sĩ Võ Đà ban 5 Tiểu đoàn bị thương rất nặng, bị đứt mạch máu ở cổ quị ngay dưới chân tôi, máu phun ra có vòi, y tá đến băng nhưng không cứu kịp vì máu ra quá nhiều, ngồi chết dưới chân tôi. Số người bị thương nằm la liệt trong hầm, trong toán cố vấn Mỹ cũng có người bị thương nặng nằm ở một góc hầm.

Trong lúc đó thì các đại đội trưởng báo cáo tình hình ở các phòng tuyến đang bị tấn công với một hỏa lực rất là mạnh. Tôi gọi báo về Tiểu khu để xin pháo binh yểm trợ, nhưng tình hình ở BCH/Tiểu khu lúc đó cũng đang lúng túng vì đang bị pháo kích. Bởi vì khi địch mở một cuộc tấn công lớn, thường thì nó pháo kích khắp nơi để cho ta không biết đâu là điểm đâu là diện, chổ nào là mục tiêu chính, chổ nào là mục tiêu phụ. Và vì tôi nắm vững tình hình ở đây nên tôi quyết chắc là nó đánh điểm chính là ở đây, đồn Phước Quả. Tôi báo cho Tiểu khu biết rõ tình hình đang nghiêm trọng để tập trung yểm trợ về đây và đồng thời báo về BCH/Trung đoàn 9 ở Chơn Thành biết để theo dỏi.

Có một sự việc đáng nhớ là trước đó chừng một tháng có một Lao công Đào binh bỏ trốn. LCĐB là những quân nhân đào ngủ bị phạt đưa ra chiến trường để làm lao dịch, cho nên Thiếu tá Tôn Văn Lượng, Tiểu đoàn trưởng, liền cho thay đổi ngay kế hoạch phòng thủ. Lúc trước súng đại liên đặt ở các pháo đài góc, sau thay đổi lại đặt vào giửa các cạnh tuyến. Vì vậy khi VC mở các cuộc tấn công biển người vào giửa các cạnh tuyến, liền bị hỏa lực hùng hậu của các khẩu đại liên của ta chận đứng. Một điều đáng nói là vào năm 1967, quân đội ta vẫn còn dùng súng Garant, Carbine, Thompson, Trung liên đầu bạc, Đại liên 30 có từ thời Đệ nhị Thế chiến. Trong khi đó thì phía VC đã có súng AK47, B40, B41, Thượng liên nồi, súng phun lửa rất là tối tân.

Quân ta chống trả quyết liệt, nhưng vì hỏa lực địch quá mạnh nên độ nửa giờ sau thì một pháo đài góc đã bị tràn ngập. Không chần chờ Thiếu tá Lượng liền quyết định tung ra Trung đội Quân báo để tái chiếm lại pháo đài góc đó. Trung đội Quân báo là một lực lượng để bảo vệ BCH và là lực lượng trừ bị duy nhất của Tiểu đoàn, chỉ được sử dụng trong tình huống thật lâm nguy. Sau khi Quân báo đi rồi thì thành phần còn lại trong hầm TTHQ lo bố trí phòng thủ lại cho kỹ, những thùng lựu đạn cho mở nắp sẵn sàng để sử dụng khi địch tới gần và tôi cũng đã gọi pháo binh để chuẩn bị sẵn các loại đạn đầu nổ cao. Nếu trong trường hợp bị địch tràn ngập thì sẽ xin pháo binh bắn đạn nổ cao ngay trên đầu, tiêu diệt địch ở bên ngoài, còn bên ta tất cả ở trong hầm sẽ vô hại. Tuy nhiên đây là một quyết định cuối cùng khi đã lâm vào tình thế tuyệt vọng.

Chừng 10 phút sau Trung đội Quân báo báo cáo là đã chiếm lại được pháo đài góc, chận đứng sự xâm nhập của địch, giữ vững được phòng tuyến. Chúng tôi rất mừng, nhưng với áp lực địch quá mạnh tôi sợ các đợt xung phong kế tiếp sẽ dữ dội hơn nên tôi nói với Cố vấn Mỹ xin phi cơ chiến đấu phản lực lên yểm trợ. Cố vấn Mỹ đi theo Tiểu đoàn thường là họ chỉ lo giúp đở xin phương tiện tản thương hay yểm trợ hỏa lực, họ gọi rất là nhanh qua hệ thống liên lạc tối tân và trực tiếp bên phía Mỹ.

Một lúc sau Đại úy Cố vấn cho biết là máy bay đã cất cánh và yêu cầu ngưng tác xạ các loại súng bắn vòng cầu để máy bay vào vùng. Tôi gọi ngưng các loại súng cối và pháo binh và cho đốt mũi tên lửa lên để cho máy bay thấy. Mũi tên lửa là một tấm ván lớn cắt theo hình mũi tên, trên đó có gắn các lon sửa bò trong nhét vải bố tẩm dầu cặn và quay trên một trục. Khi đốt lửa lên và quay mũi tên chỉ về hướng địch đang tấn công, thì máy bay sẽ thấy rõ vị trí của địch mà đánh. Tôi xin dội bom theo hướng mũi tên và cách xa 500 thước. Sau khi dội trái bom đầu tiên, Đại đội trưởng ở ngoài tuyến báo cáo cho biết là xa quá vì địch quân đang bám sát hàng rào rồi, phải đánh gần lại. Tôi liền yêu cầu gần lại 200 thước và các quả bom sau đã đánh trúng mục tiêu. Sáng ra thấy các bộ phận con người bay văng tung tóe lên nóc nhà trông rất là ghê rợn.            

VC tiếp tục mở thêm nhiều đợt tấn công nữa nhưng không thành công nên đành phải chịu rút lui trước khi trời rạng sáng. Chiếc máy bay trực thăng tản thương đã đáp xuống khi trời còn chưa sáng hẳn. Chúng tôi vô cùng biết ơn và cãm phục những người phi công chiến đấu cũng như phi cơ trực thăng tản thương đã can đãm băng mình trong lửa đạn, trong đêm tối cực kỳ nguy hiểm để cứu nguy cho quân bạn, một điều rất khó khăn và nguy hiểm cho không quân yểm trợ là vị trí đồn Phước Quả nằm gần chân núi Bà Rá.

Sáng ra thu dọn chiến trường địch quân chết quá nhiều trên 200 xác trong và ngoài hàng rào đầy mìn bẩy và tịch thu được một số rất lớn vũ khí tối tân đủ mọi loại như K54, AK47, CKC, B40, thượng liên nồi và đặc biệt là hai cây súng phun lửa với hai bình hơi trông rất là lạ. Có một lính Quân báo chui ra hàng rào để lấy chiến lợi phẩm bị mìn nỗ cụt chân. Và vì không thể nào lấy hết xác để chôn cất được, cho nên sau cùng phải dùng dầu tưới lên để thiêu đốt tất cả.

Sau chiến thắng to lớn này tưởng đâu là sẽ được yên ổn trong một thời gian dài nhưng không ngờ chỉ vài ngày sau là chúng liền mở ngay một trận kế tiếp để phục thù. Đại đội 9 đang hoạt động lưu động bên ngoài giữ nhiệm vụ an ninh lộ trình từ Phước Quả ra Phước Bình. Thì vào lúc 12 giờ trưa bị VC dùng vận động chiến mở cuộc tấn công chớp nhoáng tràn ngập Đại đội 9. Tôi nghe tiếng thều thào trong máy của Lê Sĩ Linh khóa 20 Đà Lạt ĐĐT/ĐĐ9 cho biết là VC đông lắm yêu cầu cho bắn ngay trên đầu, rồi im bặt. Chúng tôi tức tốc điều động lực lượng ra tiếp cứu nhưng vì địch quá mạnh nên báo cáo lên Tiểu khu xin tiếp viện.

Sau đó Khu 32 Chiến thuật liền cho tăng viện Tiểu đoàn 31 Biệt Động Quân do Đại úy Trắng chỉ huy, đổ quân từ nhà thờ Phước Sơn đi xuống. Khi đến cua Phước Quả thì chạm địch rất mạnh, chiếc commando car bị bắn cháy, TĐ31/BĐQ bị áp đão vì địch quân quá đông và vì chiến trận là do họ sắp đặt phục kích sẳn. Vì vậy sau cùng TĐ31/BĐQ phải dạt ra, rút về phía chân núi Bà Rá khi trời tối và tìm đường về đến đồn Phước Quả. Qua ngày hôm sau được tăng viện thêm TĐ36/BĐQ mới giải tỏa xong. Khi ra thu dọn chiến trường, Trung úy Linh đã hy sinh bên hố chiến đấu kiến bu đầy người và bên cạnh đó còn có mâm cơm với ba quả trứng luột còn nguyên chưa kịp ăn. Ngoài ra còn có hai sĩ quan Trung đội trưởng đã anh dũng hy sinh đó là Thiếu úy Sến, khóa 21 Đà Lạt và một Chuẩn úy mà tôi quên tên, là cháu ruột của Đại tá Woong A Sáng, Tư lệnh phó Sư đoàn 5 Bộ Binh lúc đó.

Một tuần sau VC lại mở một cuộc tấn công kế tiếp nhằm vào đồn Phước Lộc do ĐĐ10 trấn giử, Trung úy Trần Hửu Tâm khóa 21 Đà Lạt làm ĐĐT. Tâm mới vừa được thăng cấp đặc cách ngoài mặt trận. Trước kia Tâm học khóa Biên tập viên Cảnh sát, nhưng sau đó đổi ý, không thích ngành Cảnh sát mà tình nguyện vào trường Võ Bị Quốc Gia. Đồn Phước Lộc nằm trên ngọn đồi  bên cạnh liên tỉnh lộ Phước Bình – Quảng Đức, cách đồn Phước Quả ba cây số.

Trong đêm đó VC kéo đại lực lượng tới tấn công, Tâm cho biết là địch rất đông, hỏa lực địch rất mạnh, cho nên tôi đã gọi Pháo binh yểm trợ ngay. Sau đó vì địch mở các đợt xung phong quá dử dội cho nên tôi phải nhờ Cố vấn Mỹ gọi chiến đấu cơ lên yểm trợ gấp. Nhờ vào sự yểm trợ vô cùng hửu hiệu của các phi tuần phản lực mà đã chận đứng được các đợt xung phong biển người của địch. Và vì theo lời Tâm yêu cầu cho yểm trợ sát cạnh cho nên có một quả bom rớt quá gần, gây cho bên ta một số bị thương, trong số đó tôi nhớ có Thượng sĩ Hồ Hến Lòng, là một Trung đội trưởng người Nùng rất dày dạn chiến trường, đã bị thương nặng và sau này phải bị giải ngủ.

ĐĐ10 đã chống trả vô cùng anh dũng, giử vững phòng tuyến cho đến sáng buộc địch quân phải rút lui để lại trên 100 xác chết và la liệt súng đạn đủ loại. Sau đó phải dùng xe ủi đất mới thu dọn sạch hết được. Một đặc điểm của đồn Phước Lộc là nằm trên đỉnh đồi cao, phía trước bằng phẳng gần liên tỉnh lộ, còn mặt sau là triền dốc cao rất khó tấn công. Vì vậy hệ thống mìn bẩy cũng như các hỏa tập tiên liệu của súng cối và pháo binh đều tập trung vào mặt trước của đồn. Khi VC tấn công vào phía trước chúng đã bị lọt vào vòng vây hỏa lực rất mạnh của đồn.

Đây là những chiến thắng lẩy lừng của Quân đoàn III, đã ghi lên những chiến tích vẽ vang trong quân sử của QL/VNCH. Và đã có bản nhạc để ca ngợi 72 tay súng oai hùng giử đồn Phước Lộc, cũng như bài ca Phước Quả và trước đó là bài ca Chiến thắng Lộc Ninh của Trung đoàn 9 Sư đoàn 5 Bộ Binh trong trận tái chiếm quận lỵ Lộc Ninh vào năm 1966. Chiến thắng Phước Quả cũng đã được nhắc lại trong quyển "Chiến thắng bị bỏ lở" của giáo sư Stephen Young và trong bộ sách "Một thời nhiễu nhương" của Bạch Hạc Trần Đức Minh ./.

Nguyễn Ngọc Thạch khóa 20 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam


No comments:

Post a Comment