Tuesday, June 25, 2019

Đón xuân Mậu Tý, nhớ xuân Mậu Thân
31/01/2008 | N.H.V

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên !
Toàn thắng ắt về ta!".
Bài Thơ chúc Tết 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm ý một mật lệnh tổng tiến công và nổi dậy. Cả nước ra trận phơi phới mùa xuân, giáng cho Mỹ – ngụy một đòn đau choáng váng. Ta giành thắng lợi toàn diện cả chính trị, quân sự và ngoại giao, tạo tiền đề cho Đại thắng mùa Xuân 1975, hoàn chỉnh bản hợp xướng anh hùng ca Giải phóng dân tộc.
Chủ trương tiến công và tương quan lực lượng
Cuối năm 1967, cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ đã đến đỉnh cao. Miền Nam có 60 vạn quân ngụy và 54 vạn quân viễn chinh Mỹ với phương tiện chiến tranh hiện đại.
Ở Bến Tre, quân và dân ta giữ thế chủ động tiến công địch bằng ba mũi giáp công. Lực lượng chính trị, vũ trang được xây dựng, phát triển ngày càng cao.
Tháng 12-1967, Bộ chính trị ra nghị quyết chuyển cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy Bến Tre đề ra nhiệm vụ: “Phát huy truyền thống của quê hương Đồng Khởi, tự lực tự cường, đoàn kết một lòng, tập trung cao độ cùng quân và dân cả nước tổng công kích và nổi dậy…”
Tỉnh ủy chủ trương các huyện dồn sức ưu tiên cho thị xã, sẵn sàng tăng cường về cán bộ, vũ khí và phương tiện cho chiến trường chính. Khẩn trương phát triển lực lượng vũ trang (LLVT), tập trung cho mặt trận thị xã 4 tiểu đoàn bộ binh (516, 2, 3, 4), 1 tiểu đoàn đặc công, các đại đội săn tàu, 12ly8, ĐKZ75, cối 82ly, thông tin, trinh sát, c710 Thu Hà và 7 tiểu đoàn dân quân du kích. Các huyện cũng phát triển mạnh LLVT đủ sức tiến công địch trên địa phương mình. Lực lượng tham gia tiến công và nổi dậy được học 10 chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng trước khi đánh vào thành phố.
Lúc này ở Bến Tre, lực lượng địch có 13.118 tên, gồm 4 tiểu đoàn chủ lực thuộc trung đoàn 10 sư đoàn 7 bộ binh, 30 đại đội bảo an, 5.562 dân vệ và một số đơn vị công an, cảnh sát. Tại thị xã, địch tập trung lực lượng quân sự chiếm 1/4 quân số toàn tỉnh. Chúng bố trí chiếm giữ những vị trí quan trọng gồm: 3 tiểu đoàn chủ lực (có 1 tiểu đoàn cơ động) và 1 đại đội thám sát của trung đoàn 10 được bố phòng tại sân bóng đá, cầu Bà Mụ, ngả ba Tháp. Có 9 đại đội bảo an, dân vệ chiếm giữ cầu Gò Đàng, khu chợ Ngã Năm, cầu Nhà Thương, cầu Cá Lóc, chợ Bến Tre, Trung tâm Cải huấn… Tiểu đoàn 72 pháo binh bố trí tại sân bay Tân Thành và sân bóng đá thị xã. Đội tàu tuần giang thường trực tại sông Bến Tre. Hai chi đội thiết xa bọc thép bánh hơi và đội xe GMC…túc trực tại bãi quân xa Tiểu khu (trại Đinh Tiên Hoàng). Địch bố trí từng tiểu đội chốt chặn các ngã ba, ngã tư đường. Trên các điểm cao có hỏa lực mạnh để bảo vệ những vị trí then chốt.
Thế trận tiến công
Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban chỉ huy thống nhất gồm Nguyễn Văn Cánh (Bảy Đấu) – Bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Trung – Phó bí thư Tỉnh ủy, Nguyễn Văn Song (Năm Hỏa), Lê Minh Đào – Tỉnh đội trưởng kiêm chỉ huy trưởng, Nguyễn Văn Thạnh (Mười Thi) – Chính trị viên Tỉnh đội, Nguyễn Văn Ba (Mười Phục) – Tham mưu trưởng. Riêng Nguyễn Văn Khước – Khu ủy viên Khu 8 được mời vào Ban lãnh đạo của tỉnh.
Image
Cựu binh Mỹ được tướng Nguyễn Hữu Vị thuyết trình về trận D 516 phục kích diệt Mỹ tại cầu Cá Lóc.
Ngày 27-1-1968, Bến Tre nhận mật lệnh tiến công của Quân khu 8. Ngày 28-1 hội nghị cán bộ quân sự nghe bổ sung tình hình và phát lệnh tiến công. Đêm 28, 29-1 các đơn vị hành quân đến địa điểm tập kết. Ở hướng Nam, lực lượng quân sự của hướng chủ yếu gồm tiểu đoàn 516, 1 đại đội đặc công bộ, 2 trung đội đặc công thuỷ, 1 cối 120ly, 2 cối 82ly, 2 ĐKZ75, 3 sơn pháo 70ly, 2 tiểu đội nữ Thu Hà… có mặt tại điểm tập kết xã Lương Phú. Ở hướng Đông, lực lượng thứ yếu 1 gồm tiểu đoàn BB3, tiểu đoàn BB4, 1 đại đội đặc công bộ có mặt tại xã Hữu Định. Ở hướng Tây-Bắc, lực lượng thứ yếu 2 gồm tiểu đoàn BB2, 1 đại đội đặc công có mặt tại xã Tam Phước, Tường Đa. Đêm 30 và 31-1, Sở chỉ huy mặt trận thị xã có mặt tại Nhơn Thạnh, cách thị xã 1.800m về hướng Nam.
Trong lúc bộ đội trên các hướng bí mật hành quân áp sát thị xã, thì 15 giờ ngày 31-1 Bộ Tổng tham mưu ngụy thông báo đến Tỉnh trưởng Kiến Hòa là “Việt cộng” tràn ngập từ Buôn Ma Thuộc đến Quảng Trị, thông báo đồng bằng Nam bộ phải đề phòng. Đến 22 giờ đêm 31-1, lực lượng ta chiếm lĩnh xong vị trí chiến đấu. Ta bí mật thời điểm tiến công, nhưng yếu tố bất ngờ không còn nữa. Mặt trận Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Trung đã nổ súng trước. Mỹ Tho là mặt trận chính của Khu 8, nên Bến Tre nổ súng sau Mỹ Tho một giờ.
“Giờ G – Ngày N” – Pháo lệnh tiến công
Đêm mùng 2 rạng mùng 3 Tết Mậu Thân, cụm hỏa lực trên hướng chủ yếu bắn cấp tập vào Trung tâm hành quân Sở chỉ huy trung đoàn 10 và Tỉnh đoàn bảo an. Trung đội đặc công thuỷ của Hoàng Lam đã ém quân sẵn tại bờ bắc sông Bến Tre, nhanh chóng đánh chiếm trại Đinh Tiên Hoàng, bắt sống 6 xe nồi đồng, bám giữ đầu cầu tạo điều kiện cho tiểu đoàn 516 vượt sông. Khi kết thúc giai đoạn pháo hỏa chuẩn bị, tiểu đoàn 516 chia thành 2 mũi thực hành vượt sông Bến Tre bằng 70 chiếc ghe (tạm mượn không hỏi của dân để bảo vệ bí mật). Vừa đánh địch, vừa vượt sông và khi chiếm được bờ bắc thì tiến theo đường Hùng Vương và đường Nguyễn Huệ, hành tiến đánh chiếm các mục tiêu được giao, cuối cùng hợp điểm về mục tiêu chủ yếu – Dinh Tỉnh trưởng. Địch chống trả quyết liệt, các đại đội của ta phân tán đội hình thành trung đội, tiểu đội và lợi dụng từng dãy nhà, góc phố chiến đấu với địch, diệt một số tua, lô cốt, đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an số 289 và trung đội dân vệ tại cầu Cá Lóc. Địch chiếm giữ điểm cao trên đại lộ Phan Thanh Giản, dùng hỏa lực mạnh ngăn chặn bước tiến của tiểu đoàn 516, bảo vệ mục tiêu then chốt – Dinh Tỉnh trưởng.
Trong lúc đó, ở hướng thứ yếu 2, do tổ nữ vũ trang dẫn đường hy sinh gần nội ô nên tiểu đoàn BB2 hành tiến lạc hướng vào khu Mỹ Hòa Chay, không bắt tay được với tiểu đoàn 516 và gây bất lợi cho trung đội đặc công của Hoàng Lam. Ở hướng thứ yếu 1, tiểu đoàn BB3 và 2 trung đội đặc công bộ đánh tiêu hao nặng tiểu đoàn 1 trung đoàn 10 ngụy, diệt trận địa pháo tại sân bóng đá, đánh chiếm một góc Sở chỉ huy trung đoàn 10 và đánh hỏng đài phát thanh. Tiểu đoàn BB4 đánh tiêu hao nặng 1 đại đội thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn 10 tại Vườn Ươm, cầu Bà Mụ. Cùng đêm đó có 2 trung đội đặc công tập kích sân bay Tân Thành, phá hủy 4 máy bay, diệt 1 trận địa pháo.
Năm giờ sáng ngày 1-2, tất cả các hướng các mũi đồng loạt nổ súng. Đại đội đặc công tiến đánh Sở chỉ huy trung đoàn 10. Trung tá Nguyễn Tường Diễn – Trung đoàn trưởng trung đoàn 10 chỉ huy phản kích khôi phục lại bãi pháo sân banh, bị ta diệt tại chỗ. Lực lượng ta truy lùng địch và bắt sống tên Huệ – trung tá công binh về nghỉ phép tết tại thị xã. Tóm lại, đêm 1-2 lực lượng ta làm chủ hầu hết nội ô thị xã, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, vây chặt Dinh Tỉnh trưởng và toà hành chính tỉnh. Trung tá Huỳnh Văn Dư – Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kiến Hòa kêu cứu liên hồi.
Tám giờ sáng ngày 1-2, tiểu đoàn 4 trung đoàn 10 từ Mỹ Hóa phản kích vào thị xã, giải vây Dinh Tỉnh trưởng bị quân ta chặn đánh tại cầu Cái Cá. Cuộc chiến diễn ra ác liệt. Bộ đội đánh “xáp lá cà” với địch, đẩy lùi hàng chục đợt xung phong của chúng. Có tiểu đội không còn đạn, anh em chiến đấu đến người cuối cùng (trong số đó, đồng chí Hoàng Lam đã anh dũng hy sinh).Ngày 2-2, pháo địch ở hạm, tàu trên sông Hàm Luông và căn cứ Bình Đức (Mỹ Tho) bắn vào nội ô. Các loại máy bay ném bom, trực thăng vũ trang bắn hủy diệt khu chợ Bến Tre, làm hơn 300 đồng bào chết và bị thương. Cũng trong thời gian này, tiểu đoàn 516 đã diệt gọn 1 đại đội bảo an từ cầu Rạch Vong chạy về thị xã, bắt sống 34 tên.
Ngày 3-2, lực lượng ta vẫn bám giữ các khu vực đã đánh chiếm trong thị xã. Công an vũ trang, tự vệ mật cùng các cơ sở cách mạng lùng quét bộ máy kềm kẹp của địch. Tiểu đoàn 516 làm chủ khu hành chính An Hội, Ty Thuế vụ, Ty Hiến binh, Ty Cảnh sát quốc gia và đánh chiếm Tiểu khu bảo an, phá hủy kho súng có trên 1.000 khẩu. Địch tiếp tục dùng máy bay, pháo binh đánh dữ dội, hủy diệt hầu hết các khu phố. 16 giờ cùng ngày, tiểu đoàn pháo binh của Mỹ đến giải tỏa khu vực Tân Thành và sân bay để xây dựng trận địa pháo (18 khẩu), yểm trợ cho cuộc phản kích lớn vào nội ô trên nhiều hướng sắp tới. Lực lượng ta chuẩn bị đối đầu với chủ lực Mỹ.
Lập trận địa diệt Mỹ
Ban chỉ huy thống nhất nhận định: Quân Mỹ đã nhảy vào Bến Tre và theo tin trinh sát kỹ thuật, chúng có thể đổ thêm nhiều tiểu đoàn bộ binh Mỹ tiếp viện, hình thành liên quân Việt – Mỹ thực hành phản kích khôi phục lại các mục tiêu đã mất. Trong khi đó lực lượng ta chưa đủ khả năng đánh chiếm ngay dinh tỉnh trưởng. Ban chỉ huy thống nhất quyết định tổ chức một lực lượng gọn, nhẹ, được trang bị tốt trụ lại trong thị xã hoạt động chiến đấu kềm chân địch. Các tiểu đoàn bộ binh và các đại đội binh chủng rút ra ngoại ô lập trận địa sẵn sàng diệt quân Mỹ.
Đúng như nhận định của ta, chiều ngày 3-2, từ căn cứ Bình Đức (Mỹ Tho), 21 chiếc trực thăng vận chuyển 1 tiểu đoàn bộ binh Mỹ đổ xuống sân bay Tân Thành, phát triển và dừng lại ở ngã tư Phú Khương. Cùng lúc đó, đại bộ phận tiểu đoàn 516 rút ra ngoại ô, lập trận địa phục kích ở cầu Cá Lóc và Bắc cầu Gò Đàng, sẵn sàng đánh quân phản kích. 7giờ ngày 4-2, trực thăng vận chuyển tiếp 1 tiểu đoàn bộ binh Mỹ đổ xuống đồng Cây Đa, xã Phú Hưng, phát triển và dừng lại ở Nam cầu Gò Đàng. Như vậy, Mỹ đã sử dụng 2 tiểu đoàn bộ binh của Lữ đoàn 2, phối hợp với tiểu đoàn 4 trung đoàn 10 ngụy để phản kích vào nội ô trên 3 hướng được sự yểm trợ trực tiếp của tiểu đoàn pháo binh Mỹ ở Tân Thành. Ưu thế quân sự lúc này thuộc về lực lượng phản kích. Mỹ quyết định sử dụng 1/3 lực lượng của Sư đoàn 9 (Sư đoàn cơ động của Mỹ ở đồng bằng sông Cửu Long) vào phản kích trên chiến trường Bến Tre. Điều đó chứng tỏ chiến sự ở Bến Tre ác liệt đứng vào hàng thứ 3 sau mặt trận Sài Gòn – Gia Định và Huế.
11giờ ngày 4-2 (tức mùng 5 tết) tiểu đoàn Mỹ ở Phú Khương thực hành phản kích. Chúng cử 1 trung đội đi trước, lọt vào đoạn phục kích bị ta tiêu diệt gọn. Mỹ tức tối phản ứng mạnh. Chúng dùng pháo binh bắn cấp tập từ cầu Cá Lóc đến cầu Gò Đàng. Trực thăng vũ trang, máy bay ném bom đánh phá ác liệt vào khu vực đó. Trận địa cầu Cá Lóc bỏ ngỏ, dụ địch tiếp tục hành tiến trên tuyến lộ 26. Khi chúng đến còn cách cầu Gò Đàng 500m thì lọt vào trận địa phục kích của bộ phận trinh sát tiểu đoàn và dân du kích phối thuộc, ta nổ súng tiêu diệt đại đội đi đầu của tiểu đoàn Mỹ. Địch tức tối ném bom, bắn pháo ác liệt vào trận địa. Đến 16giờ 30 phút cùng ngày, tiểu đoàn Mỹ từ Nam cầu Gò Đàng hành quân vào thị xã. Khi đến cầu Cá Lóc, chúng lọt vào trận địa phục kích chủ yếu của ta. Tiểu đoàn 516 và 1 trung đội của tiểu đoàn BB4 nổ súng xung phong đánh “xáp lá cà”. Ta nhanh chóng tiêu diệt chỉ huy và thông tin. Tiểu đoàn Mỹ hoàn toàn mất liên lạc với chỉ huy cấp trên. Qua trinh sát kỹ thuật, ta được biết Bộ chỉ huy Lữ đoàn 2 hoảng hốt yêu cầu pháo binh Mỹ hủy diệt trận địa. Bộ đội nhanh chóng rời khỏi trận địa. Pháo binh Mỹ đánh chụp vào đội hình quân Mỹ, tự sát thương cho chúng rất nặng nề. Tiểu đoàn Mỹ này hoàn toàn mất sức chiến đấu. Như vậy, trong ngày 4-2-1968 quân ta đánh trận phục kích lớn với 2 tiểu đoàn bộ binh Mỹ, diệt gọn 1 đại đội và làm tiêu hao nặng 1 tiểu đoàn Mỹ.
(Xin nói thêm, năm 1998, đoàn Cựu chiến binh thuộc Tiểu đoàn Mỹ bị đánh bại ở cầu Cá Lóc đã về Bến Tre thăm lại chiến trường xưa và xác minh xem “đối thủ” năm xưa là ai? – có phải là đơn vị chủ lực thiện chiến của “Bắc Việt” hay không? Đoàn Cựu chiến binh Mỹ được Hội Cựu chiến binh Bến Tre tiếp xúc và khẳng định “đối thủ” đánh bại 2 Tiểu đoàn Mỹ ở mặt trận cầu Cá Lóc và Bắc cầu Gò Đàng là Tiểu đoàn 516 – đơn vị anh hùng của lực lượng vũ trang Bến Tre).
Image
Cựu binh Mỹ được Tướng Nguyễn Hữu Vị thuyết trình về tổng tiến công TX Bến Tre xuân Mậu Thân 1968.
20 giờ ngày Mùng 5 Tết, trận địa cầu Cá Lóc im tiếng súng. Bộ đội thấm mệt sau 4 ngày đêm chiến đấu liên tục và sử dụng gần hết đạn dược. Các lực lượng được lệnh rút ra vùng ven. Riêng tiểu đoàn 516 về Hữu Định bổ sung quân và hậu cần kỹ thuật.
Tiến công đợt I, tuy ta chưa dứt điểm được thị xã, nhưng mặt trận thị xã và mặt trận các huyện trong tỉnh phát huy thế trận chiến tranh nhân dân phát triển cao, phối hợp với chiến trường chung đã đánh cho Mỹ, ngụy một đòn đau nhớ đời. Với thành tích tổng tiến công ở thị xã nói riêng và toàn tỉnh nói chung, các LLVT Bến Tre đã được Bộ Tư lệnh Miền biểu dương. Riêng tiểu đoàn 516 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng III.
Bốn mươi năm nhìn lại
Người ta cần có khoảng cách nhất định để quan sát toàn cảnh của một không gian rộng lớn. Thế còn việc nhìn nhận sự kiện lịch sử thì cần có khoảng lùi về thời gian để nhận rõ tầm vóc của “vấn đề” trong chuỗi sự kiện lịch sử chiến tranh cách mạng.
Bốn mươi năm nhìn lại sự kiện xuân Mậu Thân 1968, mọi người dễ nhận thấy tầm vóc của sự kiện lịch sử này trong chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc. Đó là: Chủ trương Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa là đòn tiến công chiến lược tất yếu của Đảng – quân – dân ta khi chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ phát triển ở đỉnh cao. Một chiến dịch có quy mô toàn miền. Ta có thời gian chủ động chuẩn bị, nỗ lực lớn, quyết tâm cao thực hiện trận đánh lịch sử, làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho thế tiến công của cách mạng. Đảng ta đã dày công thực hiện mưu lược thiết kế trận đánh lịch sử, giỏi khai thác nghệ thuật ngoại giao và đòn tiến công quân sự trước hưu chiến để lừa địch. Đối phương chủ quan khinh địch. Ta tung ra đòn đánh hiểm vào các thành phố. Ta còn chủ động thực hiện mưu thuật giành bất ngờ khai triển những trận đánh vào dịp hưu chiến, tạo ra sự đột khởi trong toàn miền. Mặc dù Mỹ ngụy có hệ thống tình báo từ trung ương đến địa phương và tai mắt, chân rết khắp cơ sở vẫn không phát hiện được kế hoạch tổng công kích của ta. Bí mật “Giờ G – Ngày N” được bảo vệ đến phút chót. Địch bất ngờ về thời điểm, về mục tiêu và quy mô tiến công. Chúng choáng váng, bị động, lúng túng đối phó giai đoạn đầu.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 là đòn hiểm trúng huyệt cả Mỹ lẫn ngụy. Đòn hiểm đó chưa đủ lực “nốc ao” kẻ thù. Nếu như thời điểm lúc ấy, Bắc-Nam sử dụng thống nhất lịch âm, lịch dương thì “Giờ G – Ngày N” được nổ ra đồng loạt toàn miền, thắng lợi sẽ to lớn hơn! Phải nhìn sự kiện “Tết Mậu Thân” trong mối tương tác giữa chính trị, quân sự và ngoại giao thì mới thấy hết tầm vóc của thắng lợi. Nếu chỉ nhìn đơn lẻ ở góc độ quân sự, tổn thất trong cuộc chiến và tử nạn của đồng bào thì dễ rơi vào phiến diện, chỉ nhận thấy bi hùng, bi tráng, bi thương! Máu đỏ của những thương binh cùng bao liệt sĩ anh dũng ngã xuống ở ven đô, nội ô, góc phố… và công lao của trùng điệp đội ngũ cách mạng trong ba mũi giáp công góp sức cho chiến công chung là hoàn toàn có giá trị. Sự hy sinh mất mát trong chiến đấu là điều tất nhiên. Sự bi hùng, bi tráng, bi thương trong quân sự đã tạo nên cung bậc trầm hùng của bản hợp xướng anh hùng ca xuân Mậu Thân 1968.
Hiển nhiên, sự kiện ấy đã vang xa, dư luận nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là nhân dân tiến bộ Mỹ đã đấu tranh đòi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ bỏ sự dính líu quân sự lâu dài ở Việt Nam. Mỹ buộc phải ngồi vào bàn hội nghị nói chuyện “tử tế”, từng bước xuống thang chiến tranh, rút dần quân đội viễn chinh về nước, chuyển chiến lược “chiến tranh cục bộ” sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Lực lượng cách mạng có cơ sở tiếp tục xây “lực” và tạo “thế” cho chiến tranh nhân dân phát triển cao. Bổ sung, nâng cao và hoàn thiện khoa học nghệ thuật quân sự. Chủ động tạo thời cơ, tập trung toàn lực tung đòn “nốc ao” đối phương trong đại thắng mùa xuân lịch sử 1975. Thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

No comments:

Post a Comment