Friday, April 19, 2019

Đành bỏ anh em - Lôi Vân 71.
 http://vnafmamn.com/decals/patch21.jpg
 Phù hiệu PĐ 231 Lôi Vân.

Mỗi khi nói đến Trần Kim Quan, bạn bè thường gọi anh bằng cái biệt danh không lấy gì làm êm tai cho lắm "Quan Mập". Nói đến Quan mập thì cả Không Đoàn không ai là không biết đến. Thế rồi theo thời gian, mọi người hầu như khhông cón ai nhớ tới họ và tên lót của anh nữa ngoại trừ người hạ sĩ quan văn thư phi đoàn. Đặc biệt hơn nữa là trong phi đoàn có hai Quan, người thứ nhất là Quan Mập, người thứ hai hơi cao, hơi gầy, họ Huỳnh thì lại được gọi một cách rất đàng hoàng là "Quan Huỳnh" để phân biệt với Quan Mập.
Trong suốt thời gian ở chung đơn vị, tôi chỉ được vài lần thấy anh mặc đồ bay đúng kiểu KQ, còn ngoài ra hầu như lúc nào anh cũng mặc quân phục của phi công trực thăng Bộ Binh Hoa Kỳ, tức là áo quần riêng biệt và không bao giờ bỏ áo vô trong quần. Đã thế, anh lại còn không bao giờ mang cấp bậc, trên đầu lúc nào cũng có cái mũ lưỡi trai đen bạc màu cố hữu. Thành ra nhìn anh cứ y hệt như một người lính lang thang vô kỷ luật nào đó (họa hoằn lắm mới thấy anh đeo khẩu P.38 bên hông, hoặc trong những phi vụ vô cùng nguy hiểm, anh mới mang theo mảnh áo giáp để che trước ngực). Tôi nghĩ khi anh ra đường lỡ gặp Quân Cảnh thì họ sẽ "hốt" ngay về Quân Vụ Thị Trấn với tội danh lè phè là cái chắc.
Thế nhưng mội người sẽ bị lầm lẫn ngay nếu đem tính tình và khả năng bay bổng của Quan ra để so sánh. Con người của anh không một chút gì giống với dáng dẻ bề ngoài: tính tình vui vẻ, luôn miệng nói cười, tôi chưa hề thấy anh nổi giận hoặc lớn tiếng với ai bao giờ, kể cả với những thuộc cấp không thi hành đúng lệnh của anh. Riêng về sự bình tĩnh, gan dạ, tình huynh đệ chi binh, lòng thành với các chiến hữu có thể nói khó mà tìm được một người thứ hai như anh.
Hình như Quan không hề biết sợ lưỡi hái của tử thần. Tôi còn nhớ, một lần trong lúc hành quân vào mật khu địch ở bên kia biên giới Campuchia. Trước đó hai ngày, một phi cơ trực thăng của phi đoàn do "Ngọc già" điều khiển đã bị bắn rơi bởi đạn phòng không, những phi cơ bạn bay trong vùng cùng hợp đoàn với Ngọc đã nhiều lần cố gắng đáp xuống để tìm cứu phi hành đoàn nhưng đều bị thất bại vì hỏa lực phòng không quá mạnh của địch. Cuối cùng, phi đoàn trưởng của chúng tôi đành phải quyết định cho hợp đoàn quay mũi trở về: ông không muốn hy sinh thêm thuộc cấp của mình.
Sau đó, không còn ai dám mạo hiểm bay vào hỏa lực phòng không dày như đan lưới dù rất nóng lòng muốn tìm cứu những đồng đội kém may mắn. Thế nhưng hôm ấy, sau khi hợp đoàn trở về Trảng Lớn ăn trưa (căn cứ Trảng Lớn, nơi đặt bộ chỉ huy tiền phương của SĐ25BB), Quan đã cùng phi hành đoàn âm thầm đi tìm chiếc phi cơ của Ngọc bị rớt. Một số người thấy Quan cất cánh đều cho rằng anh đi lấy thêm xăng và gắn thêm rocket để chuẩn bị cho phi vụ buổi chiều. Không một ai biết rằng anh và phi hành đoàn đã làm gì mà chỉ biết khoảng độ chừng hơn nửa giờ sau đó anh bay trở lại với thi thể của Ngọc trên tàu.
http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/5/5b/UH-1H_VNAF_in_flight_1971.jpg/744px-UH-1H_VNAF_in_flight_1971.jpg
Một lần, tôi được dịp bay chung với Quan trong một phi vụ "cover" cho Chinook (trực thăng vận tải) tiếp tế cho căn cứ Tống Lê Chân của Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng đang bị địch bao vây. Vừa cùng hợp đoàn Chinook cất cánh từ Lai Khê, khi phi cơ lên tới cao độ chừng 500 bộ (khoảng 150mét), đang lơ đãng nhìn những hàng cao cu trùng điệp lướt nhanh dưới chân, đầu óc nghĩ tới những giây phút sắp đến, bỗng dưng tôi cảm thấy mũi phi cơ chúi xuống và lệnh hẳn hướng bay. Với phản ứng tự nhiên của một hoa tiêu, tôi chụp lấy cần lái điều chỉnh thăng bằng và lấy lại hướng bay. Nhìn sang ghế bên phải, tôi thấy tay chân Quan buông thõng, đầu rũ xuống, nghẹo sang một bên. Tôi bấm intercom thất thanh gọi lớn: "Quan, Quan anh làm sao vậy?" thì bỗng anh bật dậy cười ha hả: "Tao thử xem mày phản ứng ra sao một khi lỡ tao bị bắn trên tàu". Tôi cự nự: "Giỡn cái gì mà ác vậy cha? lỡ chẳng may thật thì vợ con để cho ai!". Quan đáp: "Thì để cho thằng khác lo, sợ gì".
Sau đó tất cả chúng tôi trở lại với tâm trạng lo âu nhưng có phần đỡ căng thẳng hơn lúc trước, vừa bay, vừa trao đổi với nhau những câu chuyện vu vơ trên đường bay vào đơn vị bạn đang bị áp lực của địch đè nặng. Khi chúng tôi bắt đầu tới vùng trách nhiệm, hai chiếc Chinook cho biết họ sắp sửa vào đáp xuống căn cứ thì mọi "thủ tục chào đón" của địch dành cho chúng tôi cũng bắt đầu, không thiếu một thứ gì - từ đốt pháo bông (súng phòng không) tới bắn đại bác chào mừng (pháo kích vào bãi đáp). Quan cùng chiếc số 2 cũng bắt đầu "đáp lễ" một cách vô cùng ngoạn mục, từng loạt rocket, từng tràng minigun của chúng tôi nhả xuống liên tục như mưa trên đầu đoàn quân "sanh Bắc tử Nam".
Những họng phòng không, những nòng đại bác câm tiếng, hợp đoàn hoàn thành nhiệm vụ một cách mỹ mãn trước sự bất lực và lòng căm tức của đám "bộ đội cụ Hồ".
Một lần khác, sau khi hoàn thành phi vụ từ An Lộc trở về, tôi bay chiếc gun số 2 (trực thăng võ trang) bay bám theo sát chiếc số 1 do Quan lái. Vừa bay ngang suối Tàu Ô, Quan bấm máy liên lạc gọi tôi: 
- "Ê gun 2, cover cho tao leo xuống kiếm thằng Quan Huỳnh".
Nghe Quan nói thế, tôi thầm lo trong lòng, vì nơi Quan Huỳnh bị rớt mất tích trước đó mấy tuần chỉ cách suối Tàu Ô có vài cây số, là nơi đã từng xảy ra những trận quần thảo kinh hồn giữa ta và địch, nay chắc địch vẫn còn đóng chốt đâu đây. Thế mà Quan bất chấp những gì đang chờ đợi mìinh dưới đất. Anh "rà" xuống thật thấp và bay chậm với hy vọng may ra sẽ tìm ra được dấu vết nào đó của Quan Huỳnh ở phía dưới. Tôi từ trên cao độ 2000, rồi 1500 bộ, nhìn thấy Quan bay là là chung quanh chiếc phi cơ của Quan Huỳnh bị rớt, tim tôi như muốn nhảy khỏi lồng ngực. Tôi bấm máy gọi Quan:
- "Lên đi, không thấy gì nữa đâu, nửa tháng nay rồi còn gì mà tìm".
Quan đáp:
- "Ráng thêm chút nữa đi 2, may ra..."
Thấy Quan không chịu lên, tôi đành phải xuống thấp hơn nữa để cover cho gần hơn. Bỗng nhiên tôi nghe giọng Quan vang vang trong máy:
- "Mẹ, nó bắn, nó bắn lên!"
http://img694.imageshack.us/img694/6738/uh1hvnaf02.jpg
Tôi không kịp trả lời Quan. Hai khẩu minigun 6 nòng của tôi nhả từng tràng đạn liên hồi với nhịp bắn tối đa (4000 viên/phút). Từ phía dưới, Quan vụt phóng lên cao và cao giọng:
- "Tao thấy chúng nó rồi, cover cho tao trả đũa!"
Rồi không cần biết tàu mình lúc nãy có bị trúng đạn hay không, Quan quay mũi về hướng mục tiêu và cắm xuống, từng cặp rocket xé gió phóng xuống, nổ tung. Xong đợt thứ nhất, Quan quẹo ra và nói với tôi:
- " Hai, mày vô đi, làm ăn chung quanh chỗ tao vừa làm, tụi nó đông lắm".
Tôi đã chuẩn bị sẵn, chỉ chờ có thế. Quan vừa ra là tôi bắt đầu cắm xuống. Và cứ như thế chúng tôi thay phiên nhau cho tới khi xả hết rocket mới chịu lấy hướng bay về. May mắn, hôm ấy không chiếc nào bị ăn đạn địch.
Nói về Quan, về thành tích trong chiến đấu cũng như trong tình chiến hữu, có lẽ phải viết một quyển sách dày máy ra mới trình bày đủ những gì anh đã thể hiện trong đời binh nghiệp của mình. Tiếc thay, tôi không có đủ khả năng để làm công việc đó. Tôi chỉ có thể tóm tắt như sau: Quan không bao giờ tìm cách từ chối bất cứ phi vụ nào dù nguy hiểm tới đâu; Quan không hề quay lưng khi bạn bè lâm nạn, chưa từng lùi bước khi đơn vị bạn dưới đất bị lâm nguy, không bao giờ chùn tay lái trước hỏa lực của quân thù.
Thế rồi vào một ngày gần cuối năm 1974. Hôm ấy thời tiết xấu, sương mù giăng phủ khắp vùng rừng núi chiến khu D, đồn điền Minh Thạnh. Ngay từ sáng sớm chúng tôi đã có mặt bên sân đáp của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù chờ đợi thi hành những phi vụ "đứng tim", đổ các toán biệt kích vào lòng chiến khu địch!.
Sau cả ba lần cất cánh, chiếc trực thăng chỉ huy chở theo những sĩ quan trách nhiệm của Liên Đoàn đều trở về trong chán nản. Thời tiết quá xấu, sương mù vẫn còn dày đặc khắp vùng hành quân. Mãi đến gần 3 giờ chiều, chiếc trực thăng cất cánh thêm một lần nữa và lần này các cấp chỉ huy đã quyết định sẽ thả quân vào theo đúng như kế hoạch dự trù.
Sau khi hợp đoàn đang làm vòng chờ ở phía quân lỵ Chơn Thành, hai chiếc võ trang của chúng tôi cùng chiếc Charlie (trực thăng chỉ huy) bay sâu vào vị trí để xác định bãi đáp một lần cuối cùng trước khi hợp đoàn vào hạ cánh. Quan sát xong, chúng tôi bay trở ra để hướng dẫn hợp đoàn vào, Thiếu Tá Tiên, vị sĩ quan chỉ huy hợp đoàn là người từng nổi tiếng với nhữung phi vụ gay go, căng thẳng đã đem lại những chiến công rực rỡ cho đơn vị mình cũng như các đơn vị bạn.
Với một giọng rõ ràng, bình tĩnh, ông hướng dẫn hợp đoàn đến địa điểm đổ quân. Quan bay bên trái, tôi bên phải. Trước khi tới bãi đáp, Quan dặn dò tôi:
- "Ráng coi chừng cho kỹ nghe gun hai. Có dấu hiệu tụi nó đông lắm đó!".
Tôi không trả lời, chỉ bấm máy hai lần ra hiệu nhận rõ. Rồi giờ phút nghiêm trọng bắt đầu khi tiếng của Charlie vang lên trong máy:
- "Số 1, số 2 lần lượt hạ cánh".
http://www.vnafmamn.com/aircraft/UH1_VNAF14.jpg
Hai chiếc slick cắt ga cho phi cơ từ trên cao rơi nhanh xuống. Quan kè theo chiếc số 1, tôi cặp theo chiếc số 2. Cùng lúc đó, từng loạt đạn của nhiều loại vũ khí khác nhau bắn xối xả lên hợp đoàn chúng tôi - mục tiêu tốt nhất của địch. Lập tức, bốn khấu minigun của những xạ thủ kinh nghiệm trả đũa, nhả đạn tới tấp. Bất chấp đạn địch bắn lên như đan lưới, hợp đoàn vẫn giữ hướng bay đi vào bãi đáp theo lệnh của Charlie. Bỗng nhiên phi cơ của Quan quay đầu trở ra. Chưa hết ngạc nhiên thì tôi đã nghe tiếng Th/tá Tiên gọi lớn:
- "Gun 1 đi dâu vậy? Quan đi đâu vậy? Sao không theo hợp đoàn?".
Không nghe trả lời, ông gọi tiếp:
- "Quan, Quan, mày đi đâu vậy?"
Vẫn kông có tiếng trả lời, ông gọi cho tôi:
- " Gun 2 tiếp tục theo hợp đoàn"
Tôi bấm máy:
- "Nghe rõ Charlie"
Vừa bay, vừa nhả đạn, tôi không còn thời giờ để nghĩ tới Quan nữa vì hiện tại 2 chiếc "slick" chỉ còn một chiếc gun của tôi yểm trợ, tôi phải đặt hết tâm trí vào việc đối phó với quân thù.
Cuối cùng hợp đoàn đã thi hành xong nhiệm vụ. Khi cả ba chiếc lên đủ cao độ để bay về, tôi thở một hơi dài nhẹ nhõm. Bây giờ mọi người mới nhớ tới Quan, chiếc gun số 1, Gịong Th/tá Tiên vang lên trong máy:
- " Gun 1, gun 1, đây Charlie!"
Vẫn yên lặng, ông hét lớn hơn:
- "Gun 1 - Charlie, Gun 1 - Charlie"
Hoàn toàn không có tiếng nào đáp trả. Ông gọi cho tôi:
- "Gun 2 dùng tần số nội bộ gọi gun 1 xem sao"
Tôi đáp"
- " Đã gọi rồi Charlie, không nghe gì cả"
Sau một lúc im lặng, tôi đang suy nghĩ xem có cách gì để tìm được tàu của Quan hay không thì bỗng nghe tiếng Th/tá Tiên la lên trong máy:
- " Có một chiếc trực thăng đang đậu dưới Chơn Thành, để tao xuống xem sao?"
http://img694.imageshack.us/img694/3161/uh1hvnaf01.jpg
Cả hợp đoàn hạ cao độ thì thấy rõ ràng chiếc Gun 1 của Quan đang đậu dưới đó. Mọi người chưa hết ngạc nhiên và đang đặt một câu hỏi chuyện gì đã xảy ra cho Quan thì được Charlie từ phía dưới báo lên một tin như sét đánh ngang tai:
"Quan mập" đã đền nợ nước!
Nghe tin này, tất cả chúng tôi như người đang nằm trong mộng, sững sờ không nói với nhau được một lời. Phải cả phút sau đó, chúng tôi mới hoàn hồn và bày tỏ ý định muốn đáp xuống nhìn xác Quan và chia sẻ mất mát với anh em phi hành đoàn gun 1, nhưng Th/tá Tiên không cho phép và ra lệnh cho chúng tôi bay về trước. Ông e rằng một khi chúng tôi đáp xuống, địch sẽ rót đại bác vào quận lỵ, gây thêm mất mát, tang tóc cho mình một cách vô lý.
Vậy là sau bao lần thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc, cuối cùng Quan mập cũng đã vĩnh viễn ra đi. Sau đó chúng tôi được biết anh đã tử thương ngay từ những loạt đạn đầu tiên của địch. Một viên phòng không 12 ly 8 của quân thù đã xuyên qua đầu anh và đâm thẳng lên trần cockpit phà hỏng hệ thống truyền tin của phi cơ, vì thế mà Th/tá Tiên , tôi và tất cả anh em khác đều không ai liên lạc được với phi hành đoàn của gun 1 nữa. Sau khi Quan trúng đạn, Lâm Văn Có - hoa tiêu phụ của Quan hôm đó - vội vàng vừa điều khiển phi cơ, vừa cố liên lạc với các phi cơ khác nhưng vô hiệu. Không còn cách nào khác, Có đành quay mũi phi cơ bay thoát ra ngoài và đáp xuống Chơn Thành...
Quan ra di mà không một lời trối trăn từ biệt. Đành bỏ anh em bạn bè. Cánh chim nào lìa đàn mà không làm cả bầy xao xác, nhưng riêng với Cố Đại Uý Trần Kim Quan, một chiến hữu mà tôi từng mến phục, từng nhiều lân vào sanh ra tử, sự ra đi của nh đã để lại trong lòng tôi muôn vàn xót xa, thương tiếc.
Hơn 19 năm đã trôi qua nhưng hình ảnh quan tài của Quan với lá cờ vàng ba sọc đỏ của Tổ Quốc phủ kín, với tấm Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu lấp lánh bên hàng nến lung linh vẫn chưa phai nhạt trong tôi. Và tôi cũng tin rằng ở một nơi chốn bình yên nào đó, chắc chắn hồn anh cũng mãi nhớ đến những cánh chim cùng bầy ngày nào, giờ đang tan tác khắp bốn phương trời cách biệt.

Mlebourne cuối Đông '93
Lôi Vân 71.
( Biên Hùng chuyển )

No comments:

Post a Comment