Tuesday, January 15, 2019

Bá Kiếm Mai

SỞ HỮU TOÀN DÂN
THUA VẠN LẦN DÂN THUỘC ĐỊA!


Sáng nay đọc status trên Face Mạnh Kim: “Sinh hoạt Sài Gòn tiếp tục bị xáo trộn. Một sự xáo trộn nữa lại bắt đầu từ ...một con hẻm nhỏ, rất nhỏ, và rất Sài Gòn - hẻm 71 Mạc Thị Bưởi, quận 1, khi một công văn lạnh lùng phán vội chiều nay dí vào từng mặt người dân, yêu cầu toàn bộ con hẻm phải bị giải tỏa trong… ba ngày nữa!”. Đây là ví dụ “điển hình tiên tiến” của nước XHCN tước đoạt quyền an cư lạc nghiệp của dân trên mãnh đất thuộc sở hữu toàn dân.

 Tôi xin kể quyền sở hữu đất của dân cách đây 104 năm, tại Nhà Bè, dưới thời thuộc địa, để thấy thực dân Pháp có lòng “nhân bản” gấp vạn lần XHCN. Trước hết, nói về bối cảnh cho dễ hiểu. Sau khi chiếm trọn Nam kỳ, Pháp đặt chế độ thuộc Pháp, nên ban hành Dân luật Giản Yếu vào năm 1883, với các nguyên tắc học lý giống Dân luật Pháp quốc. (Sau đó, chiếm Bắc kỳ đặt chế độ bảo hộ, Pháp ban hành Dân luật Bắc kỳ năm 1931. Rồi, ký hòa ước với triều đình Huế để Trung kỳ tự trị, Pháp ban hành Dân luật Trung kỳ năm 1936). Nghĩa là, Dân luật Giản yếu công nhận xã hội dân sự và các quyền dân sự của người dân An Nam bị đô hộ, trong đó có quyền sở hữu đất.

 Năm 1911, hãng Shell (tập đoàn Anh – Hà Lan) đến Nhà Bè đầu tư Cảng và kho chứa xăng dầu. Thực dân Pháp “ngu” hơn XHCN, vì không đứng ra đền bù đất, rồi giao cho Shell xây dựng, để kiếm tiền chênh lệch, mà Pháp tôn trọng quyền dân sự, để cho Shell thương lượng trực tiếp với 3 chủ đất tại đây, để thuê 100 mẫu, trong thời hạn 99 năm (Đến 30/4/1975, 3 HĐ này chưa đáo hạn, nhưng chủ hãng Shell bỏ của chạy lấy người, đất và cơ ngơi thành của Nhà nước).

 Lúc bấy giờ, 3 chủ đất đang cho cả trăm tá điền thuê tại địa điểm sẽ làm hãng (đong lúa 10 giạ/1.000m2/năm) nay Shell đàm phán giá thuê cao gấp 5 lần giá tá điền thuê, lại được lãnh tiền hàng tháng qua Cheque. Chủ đất sướng rên, nhưng Dân luật Giản yếu bảo vệ tá điền hiện hữu cho họ có quyền tiên mãi (được ưu tiên mua cùng giá, mà chủ đất định bán cho người khác hoặc được ưu tiên thuê cùng giá mà chủ đất định cho người khác thuê với giá cao hơn).

 Tuy tá điền không thuê nổi theo giá Shell thuê cao gấp 5 lần, nhưng họ có quyền không ký giấy khước từ thuê đất. Mà không có đủ giấy khước từ của tá điền, thì chủ đất không thể ký hợp đồng với Shell được. Do đó, chủ đất phải thương lượng cho tá điền được hưởng tiền thuê đất mấy năm đầu mà hãng Shell trả, để tá điền chịu ký tờ khước từ thuê đất.

Bỗng nhiên, tá điền có một cục tiền, có nhiều tá điền đi vô vùng sâu mua ruộng để làm chủ. Có nhiều tá điền - như ông nội tôi (Mai Bá Điền sinh 1885 chết 1979) quyết bỏ nghề chân lấm tay bùn, xin vào hãng Shell làm cu – li (sai gì làm nấy), đổi đời, lãnh lương tháng, thay vì đến Tết mới gặt lúa, nộp chủ ruộng, còn bao nhiêu trả nợ. Ông nội bỗng dư tiền nuôi ba tôi học hết cấp sơ học (lớp ba), tiếng Tây nói bập bẹ, còn trẻ nên hãng Shell nhận vào đào tạo nghề xăng dầu. Đến năm 1975, tổng lương xồi (lương chính + phụ cấp thâm niên + phụ cấp đắt đỏ + phụ cấp vợ con) của ba tôi là 94.000 đ/tháng, đóng thuế lợi tức 40.000 đồng (dã man hôn?), thực lĩnh: 54.000 đ vẫn gấp 2 lần lương giáo sư đệ nhị cấp. 

 Nhờ ông, cha làm làm hãng FDI xịn, tôi được học miễn phí ở Vườn trẻ Shell (ăn bánh Tây, uống sữa, múa hát). Con em công nhân học cấp 2 trở lên được Hãng Shell, Esso cho xe đưa rước đến các trường ở Sai Gòn (đến năm 1965, Nhà Bè mới có trường trung học). Nhờ là thợ cả, ba tôi được Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè lưu dụng để truyền nghề cho công nhân mới XHCN từ miền Bắc vào. Đến năm 1983, ba tôi về hưu không lãnh một cắc lương hưu. Nhưng, đến năm 2001, Hãng Shell gửi về cho ba tôi (và các nhân viên chưa tới tuổi hưu lúc giải phóng) 6.000 USD gọi là đền bù do hãng chưa kịp trả lương hưu. Vì, Hãng đã vi phạm HĐLĐ, do ngày 30/4/1975 đã từ bỏ không điều hành Hãng nữa, mà không thông báo cho công nhân biết trước một tháng!

 Sau Shell, ESSO và CALTEX đến tiếp tục thuê đất của địa chủ làm hãng dầu, mà bây giờ thành Tổng kho xăng dầu Nhà Bè. Nhờ thực dân Pháp, địa chủ cho thuê đất giá cao, nên nộp thuế hoa lợi cho Pháp cao hơn. Khoảng 400 tá điền đổi đời thành công nhân FDI, có tiền cho con ăn học làm BS, KS, giáo viên lứa đầu tiên ở Nhà Bè. 

 Bây giờ, nhớ lại năm 1991, UBND huyện Nhà Bè đứng ra làm “cò” giải tỏa 300 ha đất nông nghiệp để giao Đài Loan làm KCX Tân thuận. Với giá đền bù 11.000 đ/m2, nông dân bị giải tỏa trắng tay (đến ông Sáu Món – phó chủ tịch Hội nông dân huyện, cũng phản đối đếch nhận tiền đền bù), không đủ tiền vào vùng sâu mua ruộng canh tác, mà cũng không có tay nghề để được vào làm KCX, càng không có có tiền cho con học làm KS, BS để đổi đời.

 Cách nhau 80 năm, cũng lần đầu có các hãng nước ngoài vào Nhà Bè đầu tư, tại sao nông dân Nhà Bè năm 1911 thì lên đời, mà nông dân Nhà Bè năm 1991 lại xuống đời? Khốn nạn quá!

No comments:

Post a Comment