Saturday, December 15, 2018

ĐOÀN KẾ TƯỜNG - 40 Năm Tìm Bạn

11 Tháng Tám 201412:00 SA(Xem: 4457)
ĐOÀN KẾ TƯỜNG - 40 Năm Tìm Bạn



“Gần 40 năm trời trôi qua, tôi đã lần mò khắp nơi, và kể từ khi có internet thì ngày nào cũng lang thang trên khắp các trang mạng, cố tìm cho bằng được tông tích người bạn chí cốt là Ngô Văn Khiêm, nguyên Đại Úy, Pháo đội trưởng, pháo đội A, Tiểu đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù. Gặp gỡ bất cứ ai, nghe nói trước đây ở binh chủng Dù, tôi cũng dọ hỏi. Nhiều lần nhờ Du Tử Lê, liên hệ với anh em Nhảy Dù đang định cư ở Mỹ hỏi giùm, nhưng số anh em mà Du Tử Lê quen biết cũng chỉ lắc đầu. Mọi chuyện tưởng như đã không còn hy vọng, khi tuổi đời ngày càng chồng chất và thời gian còn lại trên trần gian cũng chẳng bao nhiêu. Bỗng dưng, cách nay nửa tháng, tôi tình cờ đọc được một bài viết ngắn của vài anh em NhảyDù đi tìm xác đồng đội, mới hay một năm trước đây, những anh em này, nhờ sự hướng dẫn của dân làng, đã tìm được một nấm mồ tập thể,chôn gần 2 xe GMC những chiến sĩ mũ đỏ đã vị quốc vong thân ngày 16/4/1975 tại phi trường Phan Rang. Bao gồm Trung tá Trần Văn Sơn,Lữ đoàn Phó, Lữ đoàn 2 Dù, Thiếu Tá Đặng Đình Tựu, trưởng ban 3 Tiểu Đoàn 1/Pháo Binh Dù, Đại Úy Ngô Văn Khiêm, Pháo dội trưởng Pháo đội A,Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Dù, và nhiều anh em vô danh khác. Cà Tèm, một chiến sĩ mũ đỏ trong nhóm đi tìm xác cho biết, tất cả chỉ còn là những nắm xương tàn nằm chung với nhau một huyệt, nên đã giữ nguyên trạng nấm mồ tập thể và chỉ xây một cái miếu nhỏ để thờ. Ngay sau đó, tôi được đọc thêm một bài viết của Thiếu Tá Nhảy dù Trương Dưỡng, mới hiểu rõ bạn mình và đồng đội đã chiến đấu hào hùng và hy sinh bi tráng như thế nào. Dĩ nhiên, tôi đã khóc, khóc một cách tự nhiên cho dù “tuổi già hạt lệ như sương!” Sau bao nhiêu năm tìm nhau, giờ thì mới hay bạn mình đã vĩnh viễn nằm xuống và ở lại với mảnh đất Phan Rang trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. 

Năm 1965, giã từ mái trường Thiếu Sinh Quân thân yêu, tôi thực sự bước vào cuộc chiến. Đơn vị đầu tiên trong đời chiến binh của tôi là trại LLĐB Lộc Ninh, nằm cuối phi đạo dã chiến, đủ cho các loại máy bay C.123, C119 và Caribu lên, xuống. Tất cả đều nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng bạt ngàn, xanh um trên nền đất bazan đỏ hơn màu máu. Cũng giống như hầu hết các trại LLĐB khác vào thời đó, toàn nằm dọc theo biên giới, hiếm có trại nào tọa lạc gần khu dân cư nên buồn lắm. Ấy vậy mà chỉ chưa đầy 3 tháng, tôi lại được lệnh lên trực thăng về tăng cường cho trại Chí Linh (Sông Bé) giữa lòng chiến khu Đ, cách Đồng Xoài chỉ hơn 10 cây số đường chim bay. Chưa hết, ở Sông Bé được mấy tháng, tôi lại vác ba lô lên thẳng Phước Long (BCH B.14 LLĐB), trình diện Đại Úy Lưu Yểm (Về sau ông làm tỉnh trưởng Phước Long, rồi Biên Hòa) và được điều phối về trại Bù Đốp. Đến khi, thành lập trại Tống Lê Chân (B.16 LLĐB), tôi lại theo chân mấy đại đội Biệt Kích Quân tăng cường qua đó một thời gian để làm hàng rào phòng thủ, bảo vệ cho công binh Mỹ san ủi mặt bằng, xây cất công sự...Cứ thế, quanh quẩn mãi với mấy cái trại biên phòng, thuộc B.14, B15, B16 cũng mất hết mấy năm. Sau Mậu Thân, tôi lại được quay trở về lại Lộc Ninh 

Lúc bấy giờ, trại LLĐB Lộc Ninh đã dời lên ở giữa sân bay, cách chi khu Lộc Ninh 1 km, khu trại cũ dưới thung lũng được làm khu gia binh do một trung đội BKQ canh gác, bảo vệ. Quân số trong trại bao gồm một toán A LLĐB Hoa Kỳ (12 người), một toán A LLĐB VN (12 người) 2 Trung đội Trinh Sát, 4 Đại Đội BKQ (1 Đại đội toàn người Miên và 3 Đại đội có dàn chỉ huy là người Kinh, còn từ cấp Trung đội trưởng trở xuống, hầu hết là người dân tộc Stieng). Tổng cộng tất cả hơn 400 tay súng, nhưng một nửa quân số luôn hoạt động bên ngoài, có khi cách xa trại vài chục cây số là thường. Mọi sinh hoạt trong trại đều diễn ra dưới những căn hầm bán lộ thiên với 2/3 nằm dưới mặt đất và những giao thông hào kiên cố. Giữa năm 1968 trại bị Công trường 7 và 2 trung đoàn Q.762 Q.763 VC tấn công. Trận đánh khốc liệt này được đài phát thanh Quân Đội và các báo tại Sài Gòn hồi đó gọi là trận Dạ Chiến Lộc Ninh. 

Vài tuần lễ sau khi trận chiến đi qua, có mấy xe Công Binh vào trại ủi đất để làm vị trí cho Pháo Binh. Chúng tôi được thông báo là trại sẽ được tăng cường 2 khẩu 105 ly. Chỉ một ngày sau khi vị trí hoàn chỉnh, thì một trung đội Pháo Binh thuộc Tiểu Đoàn 52/PB, Sư Đoàn 5, kéo súng vào trại. Chỉ huy Trung đội này là Trung Úy Nguyễn Trí Thức với 2 sĩ quan Tiền Sát Viên còn rất trẻ: Chuẩn Úy Ngô Văn Khiêm và Chuẩn Úy Huỳnh Công Ni. Khỏi phải nói, có thêm một trung đội người Kinh trong trại, chúng tôi vui biết chừng nào... Ngay buổi chiều hôm đó, tôi đã sang vị trí của họ để làm quen. Ngô Văn Khiêm quê ở Chợ Gạo, Mỹ Tho. Tánh tình hồn hậu, hay nói chuyện tiếu lâm và rất chân tình nên dễ gần gũi. Còn Huỳnh Công Ni gốc gác Đà Lạt, hiền lành nhưng có cung cách một công tử, con nhà giàu. Kể từ đó, tôi với Khiêm trở thành đôi bạn thân. Tối nào tôi cũng qua vị trí của Khiêm ngồi tán gẫu đủ thứ chuyện trên đời. Có hôm nhậu lai rai, có hôm pha cà-phê ngồi uống cho tới khuya. Không ít lần, đang ngồi với nhau thì bị pháo kích. Tôi lao xuống giao thông hào chạy vội về vị trí. Chưa đến nơi đã nghe tiếng 105 ly phản pháo, át cả tiếng đạn súng cối nổ trên phòng tuyến. Những lần như thế, mới mờ sáng Khiêm đã chạy qua đánh thức tôi dậy, vừa nói, vừa cười: “Tao sang coi mày còn sống hay đã chết.” 

Ở Lộc Ninh, trời đã buồn lại càng buồn hơn nữa vào những ngày mưa. Mưa làm cho mặt đất đỏ lầy lội, dính chặt như keo, nên chỉ còn ngồi trong hầm nhìn ra khoảng không gian chật chội, nặng chĩu màu mây xám xịt. Lúc bấy giờ, Huỳnh Công Ni đã có vợ, nên thường đem hình ra khoe với chúng tôi. Con gái Đà Lạt lúc nào cũng chưng diện thật đẹp. Còn tôi và Khiêm thì chưa đứa nào có được mối tình đầu. Khiêm kể: 
-Hồi còn đi học ở Mỹ Tho, tao cũng phải lòng vài con bạn cùng lớp. Nhưng nhát quá, mới đứng gần đã run nên không dám tỏ tình, đành để mấy em ôm cặp theo mấy thằng bạo miệng, bạo mồm. Xong tú tài, thì xếp bút nghiên vào Thủ Đức, ra trường, đi làm pháo thủ toàn ở những nơi khỉ ho, cò gáy, thế là dang dở đời trai. 

Thứ bảy, chúa nhật, hôm nào không hành quân, tôi và Khiêm cũng rủ nhau ra phố chợ Lộc Ninh vào quán A-Lìn, bên bờ suối, ngồi uống cà-phê. Đó là một phố chợ không đèn, hiu hắt với vài hàng quán lèo tèo và một bến xe bụi bặm, loe hoe vài chiếc xe đò cũ kỹ chạy đường Lộc Ninh-Bình Long. Dãy phố bên hông bến xe là tiệm thuốc tây Mặc Khải (thân phụ của nhà văn nữ Thụy Vũ) Nhưng ở đây vào ngày cuối tuần cũng rộn ràng bước chân của những cô thiếu nữ ở các làng cao su thuộc đồn điền Cexo của Tây, đổ ra mua sắm. Thấy chúng tôi ngắm nghía các em một cách say sưa, mấy anh 
em Hạ Sĩ Quan An Ninh bên chi khu góp ý: 
-Các xếp đừng đụng tới mấy em ở làng 2, làng 7, làng 9, làng 10, toàn là VC không đó. Mấy làng này nằm ngoài vòng kiểm soát của mình nên đậu nhiều hơn xôi! 

Thật ra có cho kẹo thì chúng tôi cũng không dám đụng đến các em. Ít khi nào chúng tôi còn nấn ná ngoài chợ khi trời sắp ngã về chiều. Cứ kéo nhau vào trại là chắc ăn. Điều mà tôi với Khiêm thường nói với nhau là nghĩ đến một ngày phải chia tay, mỗi đứa một phương trời. Đời lính biết đâu mà hẹn trước! 

Rồi một hôm, Chi Thông Tin Lộc Ninh tổ chức một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn. Đây là một sinh hoạt văn hóa hiếm khi diễn ra ở cái vùng đất heo hút này. Trong số quan khách được mời có cả tôi và Khiêm. Đó là một đêm vui mà tiết mục hấp dẫn nhất là các em nữ sinh trường Trung học Lộc Ninh (Đệ nhất cấp) được các thầy cô dẫn đi làm khán giả cổ động... Trong số đó có con bé Mai thật dịu dàng, xinh xắn và dễ thương. Dường như Khiêm chẳng để ý đến những gì đang diễn ra trên sân khấu, mà chỉ quay sang chiêm ngưỡng cô bé như bị hút hồn. Nó chỉ Mai cho tôi, và nhở tôi tìm cách nói với cô bé, lát nữa có người muốn đưa về, có được không? Tôi cứ tưởng mình làm chuyện cầu âu cho vừa lòng bạn, nhưng không ngờ Khiêm và Mai quen nhau từ đó và tôi nghiễm nhiên trở thành ông mai. Một ông mai mặc áo rằn ri, chân đi giày bốt-đờ-sô. Giữa mùa mưa năm đó, Trung đội của Khiêm kéo súng về đồi Đồng Long (An Lộc), thay thế vào đó là một trung đội khác. Sáng sớm, tôi chạy qua chỗ Khiêm thì thấy 2 khẩu 105 ly đã được móc vào 2 xe GMC. Hai chúng tôi chỉ kịp ôm nhau nói lời từ biệt trước khi tôi dẫn một Đại đội Biệt Kích đi nằm đường, rải từ ngã ba Xóm Bưng đến cầu Cần Lê trên quốc lộ 13, để an ninh lộ trình cho trung đội của Khiêm di chuyển. Gần trưa, tôi đứng ở đầu cầu Cần Lê, thì Khiêm đi qua, nó ngồi trên ca-bin chiếc GMC đầu 
tiên, cố thò đầu ra hét với tôi: 
-Mày ở lại mạnh giỏi, thế nào cũng gặp lại nhau. Tao luôn nhớ mày. 

Tôi quay mặt sang hướng khác, không nhìn đoàn xe đi qua. Xong nhiệm vụ, tôi rút quân về. Buổi chiều ngồi một mình uống cạn mấy lon bia mà nhớ bạn đến nao lòng. Ngày đó, làm gì có điện thoại di động như bây giờ. Ngay cả điện thoại hữu tuyến cũng chỉ nối đường dây nội bộ trong phạm vi trại mà thôi. Liên lạc xa chỉ trông cậy vào máy siêu tần số với hệ thống quay đầu bò (dinamo) và một hiệu thính viên... Còn liên lạc ngắn thì có máy ANPR C25. Chính vì thế mà có nhớ nhau đến mấy, tôi và Khiêm cũng không thể liên lạc với nhau. Mấy tuần sau, tôi nhận được thư Khiêm, nó nói, về nằm với Pháo Đội trên đồi Đồng Long, sát nách tỉnh lỵ Bình Long nên cũng đỡ khổ. Gần cuối thư nó viết: “Tao báo cho mày hai tin vui. Thứ nhất, tao và Huỳnh Công Ni vừa làm đơn xin thuyên chuyển qua Pháo Binh Nhảy Dù, đơn đã được chuyển đi. Thứ hai, Mai cũng vừa về Bình Long trọ học (đệ nhị cấp). Tao định sẽ cưới Mai làm vợ, nhưng không biết nhà người ta có chịu gả con cho đám lính tráng như tụi mình hay không?” Tôi đã đọc thư Khiêm nhiều lần đến thuộc lòng.Tháng sau, theo chân một cuộc hành quân mở đường để đoàn công-voa của đồn điền cao su CEXO chở gạo lên cho hơn 10 ngàn công nhân cạo mủ. Tôi về Bình Long gặp Khiêm. Buổi trưa, Khiêm, Mai và tôi rủ nhau vào một quán cơm ở chợ cũ, đầu con dốc Đại Lộ Hoàng Hôn. Nhìn hai đứa nó khắng khít bên nhau trông rất rất hạnh phúc và đẹp đôi khiến tôi cũng vui lây niềm vui của bạn. Ăn cơm xong, chẳng biết đi đâu vì tỉnh lỵ quá nhỏ, quá nghèo. Thế là vào một quán cà-phê ngồi tâm sự. Mấy tháng sau, thì Khiêm thư cho tôi báo đã cùng với Ni qua Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù. 

Năm 1970, tôi về Chiến Đoàn 3 Xung Kích Lưu Động (B.23 –Mike-Force ở Long Hải. Chiến đoàn có 3 Tiểu đoàn Biệt Kích Quân Tiếp Ứng, quanh năm đi hành quân xa. Tôi may mắn gặp Thiếu Tá Ngô Đình Lưu, nhận ra người miền Trung với nhau nên xếp cho về ban 5, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở hậu cứ. Thời gian này, Ngô Văn Khiêm được Tiểu Đoàn 1/PB Dù cho đi học một khóa Chiến Tranh Chính Trị kéo dài hơn tháng tại trại Lê Lợi, trong Biệt Khu Thủ Đô, đường Lê Văn Duyệt. Còn Mai thì theo gia đình về Sài Gòn ở Thanh Đa và mới bước vào Đại học Văn Khoa. Thế là cuối tuần nào tôi cũng từ Long Hải vù về Sài Gòn, cặp kè với Khiêm ra Thanh Đa đón Mai. Có khi vào rạp Rex coi xi-nê, có khi ra Mai Hương ngồi ăn kem, chứ chẳng biết làm gì hơn ở cái đất Sài Gòn hoa lệ mà chúng tôi thì tiền lính-tính liền! 

Giữa năm 1970, tôi từ giã cuộc đời Biệt Kích, quay về quê nhà ở Quảng Trị. Cứ tưởng còn lâu mới gặp lại Khiêm. Cuối năm đó tôi nhận được tin Khiêm lên Bình Long làm đám cưới với Mai, nhưng tôi không về được. Nào ngờ, đầu năm 1971, Khiêm tham dự hành quân Lam Sơn 719, đánh sang Hạ Lào. Khi đơn vị của Khiêm triệt thoái về Đông Hà, tôi đã đi tìm và gặp được cả Khiêm lẫn Ni và thêm một người bạn mới có cái biệt danh là “Dưỡng Cà Lăm”. Lúc bấy giờ cả ba đã đeo lon Trung Úy. Sau chiến dịch này, Huỳnh Công Ni xin về Pháo Binh Diện Địa, thuộc Tiểu Khu Lâm Đồng. Tôi đưa Khiêm về nhà. Mẹ tôi hỏi nó muốn ăn gì? Nó nói thèm canh chua miền Nam lắm. Mẹ tôi, một bà Mẹ quê miền Trung chơn chất, ít khi bước ra khỏi lũy tre làng. Nay vì chiến tranh phải tản cư lên tỉnh, nên không biết canh chua nam bộ là thứ gì. Thế là hai đứa ra chợ mua cá lóc, me chua và đủ món gia vị, đem về tự nấu. Chẳng hiểu có ngon lành gì không mà Khiêm cứ khen lấy, khen để. Chiều hôm đó, tôi và Khiêm về Huế. Hai thằng chui xuống một chiếc đò dưới chân cầu Gia Hội, kêu chủ đò chèo ra neo giữa lòng sông Hương nằm tâm sự cứ như là nhân tình. Đó là lần đầu tiên tôi nghe Khiêm triết lý về cuộc sống. Nó nói: “Chiến tranh ngày càng khốc liệt. Cứ đánh hết trận này đến trận khác. Tao nghĩ thế nào cũng có ngày ngã gục, không thì cũng tàn phế, bởi đi đêm hoài phải có lúc gặp ma. Tao học được ở đời lính hai điều. Thứ nhất là ý nghĩa 4 chữ “ Cư-An- Tư Nguy” quá tuyệt vời trên phù hiệu của trường Thủ Đức. Nhưng từ khi học được câu này thì chưa bao giờ “ Cư An” mà chỉ toàn là “Tư Nguy”. Thứ hai là khẩu hiệu “Nhảy Dù – Cố Gắng hết sức khiêm nhường. Quả thật, không ngày nào là không cố gắng, cố gắng không ngưng nghỉ mà chẳng biết cái gì đang chờ mình ở phía trước! Thôi thì cứ tiếp tục cố gắng, cố gắng đến cùng vậy”. Rồi Khiêm nhắc đến Mai, đến cái tương lai thật đơn sơ mà hai đứa mơ ước. Tôi nghe mà thương nó lắm, bởi cảm giác như bạn mình chẳng khác nào một con ngựa hồng sắp mỏi vó! Sáng sớm hôm sau, hai đứa lại chia tay, lại hẹn ngày gặp lại. Khiêm ra Đông Hà với đơn vị đang tái phối trí, còn tôi về Quảng Trị. 

Mùa hè đỏ lửa 1972, tôi làm phóng viên chiến trường, hết theo chân các đơn vị TQLC, đến Nhảy Dù tiến về Cổ Thành. Một lần biết được Pháo đội của Khiêm đang chốt vị trí tại một bãi cát bên phải quốc lộ 1, gần ngã 3 Hải Lăng, Lúc bấy giờ Khiêm đã lên Đại Úy, giữ chức vụ Pháo đội trưởng Pháo đội A, Tiểu đoàn 1 Pháo binh Dù. Chúng tôi ngồi ăn trưa trong tiếng nổ ì ầm liên tục, rung chuyển cả mặt đất. Tiếng đạn 130 ly từ trên núi rót xuống, tiếng 105 ly của Khiêm bắn đi yểm trợ cho các cánh quân đang tiến về Cổ Thành. Ai mà yếu bóng vía và không giỏi chịu đựng, chỉ cần ở đây vài phút là đã run như cầy sấy. Vậy mà Khiêm và các chiến binh can trường vẫn sống một cách hào hùng hết ngày này, sang tháng khác trong hoàn cảnh như thế. 

tue_01
Hình Nguyễn Bá Tuệ

Khiêm hỏi tôi bà già và các em đang ở đâu? Tôi cho Khiêm biết tất cả đều bình an và đang sống ở khu tản cư Non Nước, Đà Nẵng. Quả thật, trong chiến tranh, người dân Quảng Trị cũng gian truân chẳng kém gì đời lính. Họ liên tục có những cuộc bỏ phiếu bằng chân để lựa chọn. Bất chấp bom đạn trên đầu, cứ tìm nơi nào có bóng dáng người lính VNCH mà đến... 

Sau bữa cơm, tôi thấy nét mặt Khiêm đượm buồn, cho dù sạm nắng và dày dạn phong sương rất nhiều. Khiêm nói: 
- Báo cho mày biết, tao sắp làm cha. Ngày trước, chẳng ngán gì đường tên, mũi đạn, bất quá “áo bào thay chiếu anh về đất” là cùng. Còn bây giờ, khi biết mình sắp có con thì hơi lạnh cẳng! Thôi thì cứ phó thác cho số phận. 

Ngưng một lát, Khiêm đứng dậy móc trong túi quần trận ra đưa cho tôi một xấp tiền. Nó nói tiếp: 
- Đường từ đây về Huế rất an toàn, tất cả đều nằm trong sự kiểm soát của mình, ngoại trừ pháo kích thì không biết đâu mà lần. Lát nữa tao cho tài xế lái xe jeep đưa mày về Huế. Đó là lệnh, mày không được cãi. Mày không nên ở đây đêm nay. Tao gởi mày 5. ngàn. Cho mày 2 ngàn, coi như tao rửa lon Đại Úy trễ với mày. Gởi bà già 3 ngàn cho tao yên lòng. Tao ở giữa chiến trận thì để tiền trong túi mà làm gì. Mày cứ tiêu giùm tao...” 

Tôi xiết chặt tay Khiêm và nắm lấy thật lâu. Tự nhiên tôi trào nước mắt, chỉ thốt được một câu: 
-Tao thương mày quá Khiêm ơi! 
Khiêm nhìn tôi cố cười gượng: 
- Đ.m tinh thần Biệt Kích của mày đâu rồi? Ngày xưa tao ngưỡng mộ cái ngang tàng của mày lắm mà. Sao bây giờ lại yếu đuối thế! Đó là lần cuối cùng tôi gặp Khiêm! Cho dù thỉnh thoảng tôi vẫn ghé lại hậu cứ Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Dù, nằm sát Tiệu Đoàn 9 trong trại Hoàng Hoa Thám để hỏi tin tức và biết chắc nó vẫn chân cứng, đá mềm trên khắp nẻo chiến trường. 

Sau ngày 30/4/1975, tôi hy vọng Khiêm sẽ trở về, nhưng chờ hoài chẳng thấy. Một thời gian sau, tôi khăn gói đi vào trại tù, nơi được gọi là trại cải tạo! Ròng rã 10 năm lao lý, mỗi lần có số anh em từ trại khác chuyển đến, tôi đều dọ hỏi, nhưng cũng chẳng có ai biết Khiêm ở đâu. Năm 1985, tôi ra trại. Lại tiếp tục tìm kiếm. Bấy giờ tôi lại hy vọng bạn mình đã nhanh chân di tản được sang Mỹ, vì nghe nói Nhảy Dù và TQLC đi nhiều lắm. Cho đến khi có internet, tối nào trước khi tắt máy đi ngủ, tôi cũng gõ vào Google “Đại Úy Ngô Văn Khiêm pháo đội trưởng pháo đội A tiểu đoàn 1 pháo binh sư đoàn nhảy dù” và lần nào mạng cũng cho kết quả “Không hiển thị”. 

tue_02
Hình Nguyễn Bá Tuệ

Thế rồi, một buổi tối đầu tháng 7/2014, tôi đã hồi hộp đến nghẹn thở khi thấy tên Khiêm xuất hiện trên mạng, trong bài viết mang tựa đề “Cải táng những chiến sĩ mũ đỏ đã vị quốc vong thân ngày 16/4/1975 tại phi trường Phan Rang-tỉnh Ninh Thuận”. Người viết muốn thông báo cho bà con, bạn bè, thân hữu của Trung Tá Sơn, Thiếu tá Tựu và Đại Úy Khiêm là đã tìm được nấm mồ tập thể, chôn hài cốt của 3 anh em có cấp bậc cao nhất và một số chiến hữu khác dưới chân Núi Ngỗng, xã Ninh Sơn. Tháng 3/2013, một ngôi miếu nhỏ được xây dựng tại đó, sau 38 năm những cánh hoa dù về an nghĩ giữa 
lòng đất mẹ mà không ai nhang khói! Ý chừng để tránh phiền toái, tác giả bài viết ký tên là Cà Tèm với số điện thoại khuyến mãi: 01886423011. Mừng quá, tôi bấm ngay số điện thoại của Cà Tèm nhưng chỉ nghe tổng đài trả lời “số thuê bao đã tạm khóa, xin quý khách gọi lại sau”.

Thất vọng, nhưng tôi vẫn kiên trì gọi mỗi ngày 3 lần: sáng, trưa,chiều... Rồi gần 10 ngày sau, một buổi sáng tôi nghe chuông đổ. Đầu máy bên kia một giọng đàn ông lớn tuổi vang lên. Tôi giới thiệu ngay mình là bạn chí cốt của Ngô Văn Khiêm, rất xúc động khi đọc được tin này và rất cảm kích trước việc đi tìm xác đồng đội của anh em. Người đàn ông nói, anh ta cũng là chiến sĩ mũ đỏ và quê quán tại Phan Rang. Vì quá thương chiến hữu mà mấy chục năm qua cứ lùng sục, tìm kiếm để lo cho đồng đội một nấm mồ mới thấy yên lòng. Sau đó, Cà Tèm cho tôi số điện thoại thường dùng và tên thật của anh. Tôi hỏi Cà Tèm, hiện nay Khiêm có còn thân nhân nào không? Cà Tèm nói có, chị Mai vợ của anh đang ở Úc. Dù đã có gia đình mới nhưng hôm xây miếu cho anh Khiêm, chị cũng gởi tiền về. Tôi lại hỏi Cà Tèm có cách nào liên lạc được với Mai không? Cà Tèm nói sẽ gọi đt cho người em chồng hiện nay của Mai đang định cư ở Sài Gòn. Nhờ anh ta chuyển ngay cho Mai tên và số đt của tôi. Nếu cần thì Mai sẽ gọi. Cà Tèm cúp máy. Tôi tưởng nếu có thì cũng phải chờ một vài ngày Mai mới gọi cho tôi, bởi đã mất liên lạc với nhau hơn 40 năm rồi còn gì. Ấy thế mà chỉ một tiếng đồng hồ sau, chuông điện thoại của tôi reo, đầu máy bên kia giọng một người phụ nữ đứng tuổi nói trong xúc động: 
- Có phải anh Tường không? Em là Mai vợ anh Khiêm ở Úc gọi về cho anh đây. 

Quá xúc động, tôi hét lên trong máy: 
- Mai ơi, Mai khỏe không? 
- Em khỏe. Mấy chục năm qua, em cũng nhiều lần dò hỏi tin tức về anh nhưng không có ai trả lời chính xác.Anh Tường ơi, tội nghiệp Khiêm lắm. Những ngày tháng cuối cùng không hiểu linh tính thế nào mà Khiêm thường nói với em:
“Nữa, anh chết đi, anh sẽ kiếm cho em một người chồng tử tế. Còn thằng nào không đường hoàng anh sẽ không gả em đâu.” Rồi Khiêm lại mang hết đồ đạc về nhà và dặn dò em, chiến tranh chừng cũng sắp kết thúc, anh sẽ về sống mãi mãi bên em.” 
Ngưng một lát, dường như để nén cảm xúc, Mai nói tiếp: 
- Suốt đêm 16/4/1975, em không thể chợp mắt một phút nào cả. Lòng cứ nóng như lửa đốt. Mấy ngày sau, có một người y tá thuộc đơn vị của Khiêm, tên là Phan Bá Em đến nhà cho em biết. Sáng hôm đó, bên mình hầu như đạn dược, lương thực đã cạn kiệt và VC đã tràn vào phi trường. Trung Tá Trần Văn Sơn, Lữ đoàn phó, Lữ đoàn 2 Dù bị trúng một băng đạn vào người, ngã gục tại chỗ. Kế đó, Thiếu tá Đặng Đình Tựu cũng bị trúng đạn pháo kích và tử trận. Còn Khiêm thì bị thương nặng ở bụng và ở chân. Vừa lúc đó, có một chiếc máy bay chở đồ tiếp tế ra và bốc thương binh về. Khiêm được đưa 
lên máy bay và y tá Em băng bó tạm thời. 

tue_03
Hình Nguyễn Bá Tuệ.

Lúc bấy giờ, y tá Em cũng bị thương nhẹ ở tay. Nhưng rồi, phi trường bị pháo kích nặng, máy bay không cất cánh lên được. Ông Em nói với Khiêm : “Đại úy bị thương nặng, không đi được, phải nằm lại thôi. Còn em, trong tình hình này phải rời đây ngay.” Khiêm nắm tay người y tá và dặn, “cậu cố gặp vợ con tôi, kể cho họ biết. Nói là tôi yêu thương vợ con lắm. Thôi cậu đi. Chúc may mắn” Thế là Khiêm không bao giờ về nữa! Những ngày cuối tháng 4/75, chiến trường Long Khánh bùng nổ dữ dội, em rất muốn ra Phan Rang tìm anh Khiêm, nhưng đường xá chưa lưu thông. Đến ngày 4/5, em ra Phan Rang, đến phi trường thì gặp đám bộ đội còn trẻ canh gác ở đó cho biết. Đơn vị dọn dẹp phi trường và thu gom xác chết vài tuần trước đã di chuyển di nơi khác. Còn họ mới đến vài ngày nay nên không biết gì cả. Hai tháng sau, em trở ra Phan Rang 10 ngày cứ tìm kiếm, hỏi han khắp nơi, nhưng đành chịu thua. Sau đó, vì cuộc sống, em khai chồng chết và nhờ có học mấy năm văn khoa, em được họ cho học một lớp sư phạm ngắn hạn, rồi phân phối về dạy trường Trung học Giồng Ông Tố. Đến năm 1982, em gặp anh Hứa Duối, nguyên Đại Úy, Đại đội trưởng 204, Quân cảnh Dù. Anh Duối trong thời gian đi tù cải tạo thì gia đình tan nát. Tụi em đã dắt dìu nhau vượt biên sang Úc và đã sống với nhau 32 năm, có được 2 đứa con, đứa nào cũng ngoan và học hành đến nơi, đến chốn. Riêng cháu Sơn, con anh Khiêm, năm nay đã 42 tuổi rồi và rất thành đạt ở Úc. Quả thật, anh Khiêm đã phù hộ cho em gặp được người chồng tốt, vừa là đồng đội cũ của anh. Anh Duối là một người đàn ông hết mực tử tế với gia đình... 

Nghe Mai kể, lòng tôi buồn vui lẫn lộn. Cuối cùng, tôi cũng biết rõ tin tức của Khiêm. Thì ra, gần 40 năm qua, bạn tôi đã nằm lại ở một nơi đèo heo hút gió vào những ngày cuối 
cùng của cuộc chiến. Một cuộc chiến với hồi kết thúc thật bẽ bàng...! Bây giờ là tháng bảy âm lịch. Một buổi tối ngồi trong quán cà-phê với mấy người bạn trẻ. Tôi đem câu chuyện tình bạn của tôi và Khiêm trong thời chinh chiến với đoạn cuối còn nguyên vẹn cảm xúc kể cho họ nghe và quyết định vài hôm nữa sẽ ra Núi Ngỗng, Phan Rang để đốt cho Khiêm và anh em nằm lại ở đó một nén nhang. Nào ngờ những 
người bạn trí thức trẻ đó không những hết sức ủng hộ mà còn muốn theo chân tôi trong chuyến đi này một cách nhiệt tình. Thế là cùng nhau bàn bạc, chọn ngày 9/8 (13/7âm lịch) khởi hành sằng xe lửa. Theo đúng kế hoạch, 4 chú cháu chúng tôi, bao gồm 2 kỹ sư điện là Hồ Cao Anh Tuấn và Nguyễn Bá Tuệ, cùng với bác sĩ Đoàn Nguyễn Hoài Lê rời Ga Sài Gòn lúc 9 giờ tối. 6 giờ sáng hôm sau ra tới Phan Rang, nhờ Cà Tèm dẫn đường lên Núi Ngỗng. Cúng xong, chúng tôi xuống bãi biển Ninh Chữ nằm ghế bố nghỉ ngơi, chờ đến tối ra ga Tháp Chàm quay về lại Sài Gòn. 
Trở lại chuyện đi tìm hai cốt bạn, từ Phan Rang, chúng tôi theo quốc lộ 27 hướng lên Đà Lạt 20 cây số. Rẽ phải, vào một con đường đất ngoằn nghèo, chạy qua những sườn đồi trơ trụi, tha hồ gió cát mịt mù. Mới 9 giờ sáng mà nắng đã như thiêu, như đốt, giữa vùng đất cằn không một bóng cây xanh. Đi thêm 3 cây số nữa là tới một ngôi miếu nhỏ, sơn màu xanh da trời, nằm chơ vơ trên một miếng đất trống, bên phải một con đường mòn. Đó là nơi an nghỉ của Khiêm và một số đồng đội của nó. Tội nghiệp bạn tôi, khi còn sống thì lặn lội ở những nơi rừng sâu, núi thẳm gần như suốt thời trai trẻ. Khi nằm xuống, cũng ở một nơi đèo heo hút gió mà ngủ giấc ngàn thu! Nơi đây, ngày không một bóng người qua lại, đêm thiếu vắng cả ánh đèn dầu leo lét. Bạn tôi nằm dưới chân một hòn núi cô đơn, mang dáng dấp một con ngỗng trời, đầu hướng ra biển đông thì thầm sóng vỗ. 

Chúng tôi dọn lễ vật đã chuẩn bị sẵn. Thắp nhang, rót rượu, đốt thuốc mời nhau, chẳng khác gì những bữa tiệc, tương phùng , lính tráng ngày xưa! Cho dù giờ đây, Khiêm chỉ còn là một nắm xương tàn, dưới nền ngôi miếu nhỏ. Nhưng tôi tin linh hồn của Khiêm và những anh em nằm lại nơi đây, đã được những con ngỗng thiêng ở chân núi này chở theo những cánh hoa dù bay thẳng về trời từ lâu. 
Đoàn Kế Tường.

No comments:

Post a Comment