Wednesday, November 20, 2024

38 NGÀY LÀM TÙ BINH CỦA QUÂN CSBV TẠI "CHẢO LỬA" ĐỨC LẬP NĂM 1969. 

- Tỉnh Darlac là cái chốt để giữ bánh xe vào trục của hệ thống phòng thủ của VNCH ở phía nam Cao nguyên Trung phần.                    


Lời nói đầu:Từ lâu, các lãnh đạo quân sự Việt-Mỹ vẫn xem tỉnh Darlac, mà tỉnh lỵ là Ban Mê Thuột, là cái chốt để giữ bánh xe vào trục (lincpin), một thành phần rất quan trọng của hệ thống phòng thủ của VNCH tại phía nam Cao nguyên Trung phần. Một cộng đồng người Thượng và Việt Nam khoảng 67 ngàn người sống ở tỉnh lỵ Ban Mê Thuột (BMT), chỉ cách biên giới Cambodge khoảng 40 km. (Đây chỉ là dân số của tỉnh lỵ BMT, vì theo bản đồ tỉnh Darlac của VNCH mà tôi có, thì dân số của quận BMT tính tới tháng 12/1970 là 149.994 người, và dân số của cả tỉnh Darlac là 230.475--người dịch). Các đồn điền trà và rừng rậm (scrub forest) che phủ khu vực chung quanh thành phố, trên một địa thế phần lớn bằng phẳng (flat landscape).QL-14 đi ngang rìa cuối của thành phố này, theo hướng đông bắc tây nam. Ngay phía bắc tp, QL-21 xuất phát từ QL-14, chạy về hướng đông ra biển và cuối cùng chấm dứt ở quận lỵ Ninh Hòa.                 



Các lãnh đạo QS của CSBV còn coi trọng nhiều hơn vị trí chiến lược của tỉnh Darlac nên năm Mậu Thân 1968, họ đã tung 1 lực lượng lớn gồm bốn TĐ của trung đoàn 33 CSBV, hai TĐ 301 và 401 quân địa phương và 4 đại đội du kích địa phương, tất cả khoảng 3 ngàn người, nhằm chiếm giữ BMT nhưng đã bị đẩy lui sau 4 ngày giao tranh đẫm máu. Trận đánh ác liệt này đã làm hư hay hủy hoại 3 ngàn căn nhà, và khiến khoảng 20 ngàn dân, hay 1/3 dân số tạm thời ko có chỗ ở. Khoảng 500 người dân chết và 800 bị thương. Nam quân có 74 chết. Có khoảng 900 lính CSBV và VC chết hay bị thương nặng. Cùng năm, họ cũng đánh vào CK và trại LLĐB Đức Lập, nhưng bị thiệt hại nặng. Năm 1969, họ lại mở chiến dịch Bu-Brang kéo dài trong 60 ngày

Năm 1975, họ lại tấn công vào CK Đức Lập vào sáng sớm ngày 9/3/1975 và sau khi chiếm CK đã tấn công vào tỉnh lỵ BMT. 

Tưởng cũng nên nhắc lại, chiến dịch Bu Prang-Đức Lập năm 1969 đã phần lớn quyết định bởi hỏa lực của không quân Mỹ. Trong vòng 60 ngày đã có 1.309 phi xuất chiến thuật để yểm trợ cho quân bạn. Thêm vào đó, 78 phi xuất của pháo đài bay B-52 đã thả bom xuống rừng rậm chung quanh hai trại. Sau cuộc vây hãm này, vì lý do chiến thuật, trại Bu Prang đã bị xe ủi đất cào bằng (razed) và xây dựng lại ở cách đó 11 dặm về phía đông nam, tại một khu vực ít nguy cơ hơn. 

Trại Bu Prang MỚI được xây dựng bởi TĐ 19 công binh Mỹ, khởi công ngày 28/1/1970. Gió mùa đã khiến mặt đất đầy bùn khiến đến tháng 11 mới xong, thay vì xong trước tháng 5. Mọi vật liệu đều chở đến bằng máy bay, vì QL-14 dẫn tới trại Bu Prang ko an ninh. Từ đây, trại Bu Prang mới sẽ an toàn hơn vì ở xa biên giới (trại cũ cách biên giới 5km), trên một đồi cao và mọi sinh hoạt đều dưới mặt đất". 


Sau đây là phần chuyển ngữ.

====

BÀI VIẾT NÀY DỰA TRÊN CUỘC PHỎNG VẤN THỰC HIỆN TẠI BỊNH VIỆN 71 DÃ CHIẾN, PLEIKU, VIỆT NAM NGÀY 10 và 11/12/1969.

Người phỏng vấn: Ông James M. Wearn, phòng quân báo (MID) của sđ 4 bộ binh Mỹ.

Người được phỏng vấn là trung sĩ (TS) Vernon Shepard, là quan sát viên pháo binh, thuộc chi đội B của Chi đoàn 7 của Thiết đoàn hay Trung đoàn 17 Thiết kỵ (Calvary Regiment), mất tích ngày 2/11/1969 và tìm về đơn vị ngày 10/12/1969. Trong bài viết, đương sự hay y đều ám chỉ TS Vernon Shepard. 

Phù hiệu và nhẩn đeo tay kỷ niệm 
của thiết đoàn 17 Mỹ
Trực thăng Cobra
Trực thăng quan sát OH-6
Bản đồ số 6533 IV (làng Đức Minh), xem ở link: Map Edition .
Ngày 2/11/1969 chuẩn úy Grega (phi công) và TS Vernon Shepard, quan sát viên, có phi vụ quan sát cho chi đoàn kể trên gần Bu Brang, Nam VN trên một máy bay quan sát OH-6. (Nói thêm trại LLĐB Bu Prang cũ ở tọa độ 522545, sau tháng 1/1970 dời về tọa độ 683505, xem bản đồ -- người dịch). 
Họ thuộc một toán gồm có một chiếc OH-6 khác (với chuẩn úy Nowicki là phi công và trung úy Curran, quan sát viên), và 2 trực thăng võ trang Cobra. Khoảng 1600 g ở 5 dặm đông của Bu Prang, đương sự thoáng thấy 3 hố chiến đấu cá nhân dọc QL-14. Đạn AK-47 bắn lên máy bay. Đương sự bị thương ở chân, hệ thống truyền tin của máy bay bị hư hỏng và nhớt bắt đầu xịt khắp máy bay. Ngay khi trúng đạn, chiếc OH-6 này bay về phía đông để nhường chỗ cho Cobra. Khoảng 5 dặm phía tây của nơi máy bay trúng đạn, một chiếc OH-6 khác ra dấu cho đương sự và Grega đáp xuống. Họ đáp xuống một cánh đồng trống gần QL-14 (tọa độ YU793658), xem bản đồ.                      
Chuẩn úy Grega và đương sự rời máy bay và chạy về chiếc OH-6 kia. Ngay khi cất cánh, chiếc OH-6 này đã trúng đạn phòng không. Máy bay bị xé toạt, rơi xuống đất và bốc cháy.

Chuẩn úy Nowicki, trung úy Curran và y thoát khỏi máy bay nhưng chuẩn úy Grega bị mắc kẹt trong máy bay đang cháy. Grega bị một vết thương ở phần thịt của mông phải do hỏa lực phòng không của địch. Cả ba người chạy xuống một sườn đồi tới khu có cỏ tranh cao (high weed). Một Cobra nhào xuống, bắn vào khu vực này và có vẻ chỉ định điểm bốc. Vào lúc này, trời đã sụp tối, trung úy Curran bò đi chỗ khác. Đương sự nghe một máy bay khác trúng đạn và rơi. Y nghe tiếng người bò sau lưng họ nhưng y nghĩ có thể là địch quân. Kế đó y thấy một ánh đèn (strobe) nhấp nháy của trung úy Curran, và một chiếc UH-1B đến và bốc Curran. Chiếc này đã bị bắn và buộc phải rời trước khi y và Nowicki tới. Vào lúc này, y và Nowicki ở khoảng 100 m tây nam của chỗ máy bay rơi, khoảng tọa độ YU793655. Y và Nowicki ở đây suốt đêm.

Sáng ngày kế 3/11/69, y và Nowicki đã dậy sớm, bò khoảng 20 m và thấy 4 lính CSBV võ trang AK-47 đang khám xét (go through) các máy bay rơi. Suốt ngày hôm đó họ đã thấy những trực thăng và ra dấu cầu cứu nhưng hình như ko ai thấy họ. Vào một lúc, Nowicki đã bò ra nơi đất trống và ném một lựu đạn lân tinh trắng nhưng ko được máy bay thấy. Suốt ngày hôm đó pháo binh và không kích ở cách họ 100 m. Nhiều tiếng nổ của súng nhỏ ở phía bắc của họ. Y cũng thấy những toán lính nhỏ quân csbv đi đi lại lại (intermittently) ở khoảng 200 m nam của vị trí của họ. Y và Nowicki tiếp tục trốn trong bìa rừng (tree line), ko lương thực và nước uống.                         

Rừng rậm ở khu vực Đức Lập

Nowicki có một khẩu Car-15, một băng đạn và một dao đi rừng; y có một dao nhíp. Để có nước, y và Nowicki liếm găng tay, những lá cây thấm nước và cắt những dây leo sũng nước.

Ngày 4/11/69 vô sự. Trong đêm 4/11, y và Nowicki đã bò 300 m xuyên qua một cánh đồng và leo lên một sườn dốc (incline) để tới sườn bên kia của một ngọn đồi - lúc này họ ở khoảng 500 m phía tây của địa điểm máy bay rơi (khoảng tọa độ YU791656). Trong khi bò ngang cánh đồng, họ đã bò ngang dây điện thoại. Y cho biết đã nhiều lần thấy dây điện thoại nhưng chưa bao giờ thấy máy truyền tin hay an-ten. 

Ngày 5/11, họ ở khu vực này suốt ngày. Y cũng nghe tiếng Việt suốt ngày. Vào lúc này họ cũng khám phá một dòng suối ở cách họ 10-20 m. Nowicki nói đã thấy một thân người bị treo trên cây gần nơi máy bay rơi. Chiếc Cobra đang nằm nghiêng và mủi bị gẫy. Địch đã lấy trang bị từ chiếc Cobra. Các thiết bị điện tử trên chiếc trực thăng này đều bị bắn bể và hai chiếc OH-6 bị hư hại do lửa, lựu đạn lân tinh và lựu đạn miểng.

Ngày 6/11 - họ đi về phía tây và nam. Lúc 14 g, họ tới một cánh đồng khác; lúc đó y đi sau Nowicki 20 feet thì súng nhỏ nổ. Y ko thể thấy Nowicki. Ba lính CSBV xuất hiện phía sau và bắt y, đưa tới bìa rừng cách đó 10 m. Y thấy 10 bunker ở bìa rừng và đều có nắp che và lổ ra vào rộng 2 feet x 2 feet, ở khoảng tọa độ YU788657 tới YU788655. Có khoảng 1 đại đội địch trong khu vực. Các bunker rộng 3 x 4 feet và cách nhau 15m. Lính CSBV cắt cỏ để làm giường cho y, cho y cơm vắt và nửa điếu thuốc. Khi di chuyển, có bộ đội mang AK đi sau. Vào lúc này y thấy Nowicki cũng được áp giải tới. Y thấy có 9 lính địch, 1 tên mang M-16, còn lại là AK, đội nón vải. Nowicki ở cách y 5 feet, và bị phỏng ở hông trái, vết phỏng rộng 4 x 8 in. Nowicki bị trói vào cây. Y chỉ vào vết thương và y tá đến. Y đứng dậy, và lính địch lấy ví của y và bỏ đi với 2 lính khác. Người y tá chăm sóc Nowicki mang túi vải cứu thương nhưng ko mang vũ khí. Người này quấn vết thương của Nowicki với vải rộng 7 tấc. Lúc này y và Nowicki được phép nói chuyện. Họ đều bị trói thúc ké với dây điện thoại màu xanh dương. Họ bị giải đi bởi 5 bộ đội, 2 tên đi trước, kế đó là y, kế đó một bộ đội, kế đó là Nowicki, sau đó là 2 bộ đội. Dọc đường mòn là các bunker có người ở và họ di chuyển theo đường mòn suốt ngày và vài giờ mỗi đêm. Khu vực này cây cối rậm rạp và các bunker ngày càng lớn và khoảng cách giữa bunker ngày càng xa. Y thấy có 6 bunker trong khu vực này. Đường mòn rộng 1 tới 2 feet, trên có táng lá dầy đặt, xem hình minh họa. Mỗi đêm họ di chuyển khoảng 2 giờ và ko được nói chuyện và người đi đầu có đèn pin. Khoảng 15 phút, y có thể ngừng để xin chút ít nước uống. Lúc 21g, họ tới 1 bunker nhỏ rộng 5 feet x 3 feet, có nắp che làm bằng những khúc cây, họ được phép cởi giày và cả hai được trói vào nắp che của bunker. Bộ đội ở bên ngoài, nhưng nấu cơm bên trong bunker. Cả 2 được cho ăn và được phép nói chuyện.          



Ngày 7/11, khi trời sáng họ được ăn cháo gạo và đậu, cho thuốc lá và trả giày. Họ đi theo đường cũ 50 m tới 1 đường mòn khác và đi bộ tới 11 g, cũng đội hình như cũ. Ko có bunker trên đường mòn này. Gặp hai nhóm, mỗi nhóm 20 người, mỗi nhóm có 2 súng cối 82 ly và 10 người mang 8-10 đạn cối. Cũng gặp 5 nhóm, mỗi nhóm 5 người mang đạn cối. Họ đều mang AK-47 và đi ngược chiều. Ko có vẻ là tân binh. Họ mang dép râu nhưng ko nón cối. Lúc 11 g nhóm rời đường mòn, nghỉ ngơi và ăn. Địch mặc áo len xanh, nhìn vết thương của y và chuyển y tới bunker. Y bị cởi áo quần bên ngoài bunker. Bác sĩ dùng ống chích để xịt nước cồn vào vết thương ở mông. Y đếm thấy 300 con dòi rớt ra. Sau đó họ vào bunker, trong đó có 2 người mặc áo len xanh, có vẻ là bác sĩ hay y tá; bác sĩ chích 1 mủi vào cánh tay và 6 mủi chung quanh vết thương (có lẽ là Novocain). Hai bác sĩ thắp đèn cầy để rửa vết thương và y nghe tiếng kéo cắt, nhưng ko thấy đau. Họ băng vết thương và y rời bunker, mặc lại quần áo và bác sĩ cắt lổ lớn trên quần chung quanh vết thương. Họ ko nói tiếng Anh nhưng ko ai mang súng. Y cảm thấy khỏe hơn, nói lời cám ơn và bắt tay bác sĩ. Bác sĩ cười và y trở về chỗ của Nowicki. Họ đi ngược đường mòn cũ và đi theo đường mòn nhỏ tới trời tối. Ko thấy bunker trên đường mòn cho tới chỗ qua đêm. Có đó 4 hay 5 lán nhỏ (lean-to) và bunker. Y và Nowicki ngủ trong bunker kế 1 lán nhỏ. Bộ đội cũng nghỉ đêm trong khu vực. Sau khi trời tối, họ được ra ngoài ăn và hút thuốc. Sau đó trở vào bunker.

Ngày 8/11. Dậy lúc trời sáng, ăn, hút thuốc và vào lại bunker trong 1 giờ. Được trả lại giày. Có 5 vệ binh và 1 sĩ quan đến. Họ bị bịt mắt và mất phương hướng. 

Đi bộ từ 9 g sáng tới 18 g. Dù bị bịt mắt, nhưng nhờ ngẩng đầu lên, y có thể thấy chút ít. Trong lúc di chuyển y gặp đại úy (đ.u.) Chirichigno và một lính VNCH. Đ.u. bị thương ở 2 tay và bàn tay và đang rên rỉ. Người lính thì OK. Xa hơn nữa (further down) trên đường mòn, họ gặp địch dẫn giải chuẩn úy Peterson đi ngược chiều. Họ đã tới trại tù binh lúc trời lặn, được tháo vải che mắt và tháo giày. Trại bao bọc bởi hàng rào làm bằng cọc cao 12 feet với chông nhọn bên ngoài, xem hình.                



Trại có hai hầm nhốt người rộng 15 x 8 feet và đào âm hơn mặt đất 2 feet. Các hầm làm bằng tre với cửa có khóa. Chân được đặt trong cùm (stock) làm bằng những khúc gỗ, khiến cử động rất khó khăn. Ba người Mỹ trong 1 hầm, người lính VNCH ở hầm khác. Họ có thể nói chuyện với giọng nhỏ. Đ.u. Chirichigno và y đang đau nhức. Một vệ binh trực gác suốt ngày trên chòi (shack) ở lối vào khu vực có hàng rào. Khu vực rộng khoảng 30 x 40 feet và có tàn lá che khuất (một tù binh VNCH trốn được cho biết trại gần tọa độ YU7467). 

Ngày 9/11. Địch bắt đầu làm hầm nhốt người mới. Họ phải mất 2 ngày mới xong và giải tới trại thêm 3 lính VNCH. Mỗi hầm nhốt 2 lính VNCH. Khoảng ngày 12-13/11/1969, chuẩn úy Peter được đưa tới bằng cáng và giam chung hầm với 2 lính VNCH. Công việc thường ngày của y, trừ những ngày y bị thẩm vấn, như sau: dậy vào lúc hừng đông, cửa và cùm được mở khóa để làm vệ sinh; ăn sáng với cơm - y phải cúi chào vệ binh để nhận thức ăn, chào vệ binh khi rời, chào khi trả tô thức ăn và chào lần nữa khi rời vệ binh; nghỉ ngơi suốt ngày trong hầm - chân trần; thường ko có ăn trưa bằng cháo, được ăn thịt ba lần. Ăn vào lúc hoàng hôn với thủ tục như lúc ăn sáng; kế đó cùm và hầm giam được khóa suốt đêm. Y và đ.u. Chirichigno đau đớn và rên rỉ suốt đêm. Y tá của trại đã sơ cứu và thay băng.

Khoảng 12-13/11. Cán bộ hỏi cung tới trại. Người này cao gần 6 feet, nặng 120 cân Anh, tóc đen ngắn, mắt nâu, 48 tuổi (y biết điều này nhờ hỏi vệ binh); gò má cao và tai vãnh (protrude); râu nhẳn nhụi, nói tiếng Anh chuẩn, với giọng nhỏ; mặc đồng phục ka-ki với dép râu và vớ; nón bằng vải fla-nen; khăn choàng cổ ngụy trang; mang súng lục nhưng ko cấp bậc. Người này rành tình hình hiện nay của nước Mỹ, Nam VN và thế giới; và cố gắng gây ấn tượng với y bằng kiến thức rộng rải về nước Mỹ như các thành phố, sản phẩm và tạp chí. Các kỹ thuật hỏi cung (y bị hỏi 4 lần khi làm tù binh): lần hỏi cung đầu tiên (có lẽ ngày 13/11) dành cho các câu hỏi về quân sự, ví dụ tên họ, cấp bậc, v.v..., đơn vị, loại máy bay, khu vực hành quân, tôn giáo, và nội quy của trại, ví dụ tôn trọng vệ binh và tuân thủ các lịnh của họ, ko nói chuyện, vệ sinh cá nhân và kẻ trốn trại sẽ bị bắn. Y đã trả lời mọi câu hỏi. Lần đầu tiên kéo dài 1 giờ. Khoảng 4 ngày sau là lần hỏi cung thứ 2.

Trong lần này, các bác sĩ đã tới trại và chích thuốc cho y, ở tay và ở mông và vá quần rách và thay băng cho vết thương. Các bác sĩ mặt áo len màu xanh dương, loại cổ rùa, và một bác sĩ có vẻ lai Tây phương. Cũng trong giai đoạn này, các tù binh được phát quần áo ngủ hay pyjama màu xanh đậm. Họ mặc quần áo ngủ với áo bay nomex để cho ấm. (Nomex là quần áo chống cháy của phi công Mỹ -- người dịch). Chuẩn úy Nowicki được phép ra suối để giặt áo bay nomex vì dính đất, máu và chất thải của người. Lần hỏi cung thứ 2 (có lẽ 16 hay 17/11): Y là người thứ 3 được hỏi cung, kéo dài 2 tiếng. Thẩm vấn viên đã hỏi về các cấp chỉ huy, tổ chức, và chiến thuật (người thẩm vấn có hiểu biết tốt về các chiến thuật và tổ chức của không kỵ Mỹ). Câu hỏi gồm: số người, tên của trang bị, mô tả công việc, và chiến thuật của trung đội tuần thám (scout platoon), bảo hành, trung đội chỉ huy và trung đội vũ khí nặng. Cũng hỏi về tên của chỉ huy trưởng và các trung đội trưởng. Cũng được hỏi về thông tin và vị trí của chi đội A, C, và D của chi đoàn 7/17 không kỵ. Khi được hỏi về số máy bay của 1 trung đội, y cố ý trả lời 1 cách mơ hồ và ko chính xác hay nói những con số xuất hiện đầu tiên trong đầu. Khi được hỏi về các quan sát viên, y chỉ cho tên những ai sắp rời đơn vị (DEROSed). Về tên các phi công, y trả lời ko biết vì y mới về đv. Tuy nhiên y nói chính xác tên của chi đội trưởng (troop commander) của y. Cuộc thẩm vấn chấm dứt.

Sơ đồ tổ chức quân đội Mỹ 
Y nói rằng sau đây là những gì xảy ra giữa lần hỏi cung 2 và 3: vào ngày hay khoảng ngày 17 và 18 tháng 11. Đ.u. Chirichigno và chuẩn úy Nowicki được giải tới lều hỏi cung cùng lúc và vệ binh trả giày cho họ. Họ trở về hầm giam và cho y biết họ sắp đến 1 trại tù lớn và y sẽ đi với họ khi y có thể đi lại. Vệ binh gắn ba-lô vào lưng của Nowicki, trói hai tay của mọi người bằng dây điện thoại và bịt mắt họ. Kế đó họ rời khu vực. Trong giai đoạn này có thêm 2 lính VNCH tới trại. Vì họ chống đối nội quy trại nên bị nhốt vào 1 hố dưới đất và bị đối xử tệ so với các lính VNCH khác.

Lần hỏi cung thứ ba (25-11): Hỏi cung nặng về tuyên truyền như: CCHL Kate đã bị hủy diệt và mọi người của căn cứ đều chết. 96 trực thăng bị bắn rơi, lực lượng GPMN tiêu diệt hai TĐ VNCH. Họ tự xưng thuộc Mặt trận Đức Lập và Bu Prang của chánh phủ cách mạng lâm thời của Nam VN. Họ còn nói tuần hành ở New York và Chicago và các TP khác có lính Mỹ mặc quân phục tham dự, có cả dân thường biểu tình. Cán bộ thẩm vấn cũng kể về sự kiện Mỹ Lai, nhắc tên trung úy Calley chịu trách nhiệm, và các viên chức Mỹ thoái thác trách nhiệm. Người này nói những người Mỹ tiến bộ đã tuần hành đòi Mỹ rút quân và những ai ko tham dự là quân xâm lược. Trong lúc hỏi cung, người này hỏi ý kiến của y. Y nói rằng đã hối hận về tội ác của mình để làm vui lòng người này.

Khi phỏng vấn trung sĩ Vernon Shepard tới đoạn này, người phỏng vấn đã nghi ngờ rằng lời khai cũng như băng thu thanh này của các tù binh, sẽ xúc phạm với quyền lợi của chánh phủ Mỹ. Vào lúc này, trưởng toán phỏng vấn, ông James Waern nhắc nhở trung sĩ Shepard và chuẩn úy Peterson, có xuất hiện của nhân chứng, những quyền của họ theo điều khoản 31 của Cẩm nang của Tòa án Quân sự (Manual for Courts-Martial (MCM). Cả hai trung sĩ Shepard và chuẩn úy Peterson chứng tỏ rằng họ hiểu quyền của họ theo khoản 31 và họ muốn tiếp tục cuộc phỏng vấn. Phỏng vấn tiếp tục.

Lần hỏi cung thứ tư, khoảng 30.11.1969. Y và chuẩn úy Peterson được giải từ hầm giam đến nhà hỏi cung. Ngoài người hỏi cung còn có 6 người. Người này nói y và Peterson rằng đây là các nhà báo và sẽ chụp hình để đăng trên 1 ấn phẩm của Mặt trận Giải phóng Miền Nam ở Hà Nội. Một người trong họ mang máy ảnh. Y và Peterson được mặc áo trận của Mỹ và ngồi trên khúc gỗ, nhìn xuống đất, để được chụp hình (khoảng 8 tấm). Sau đó y được hỏi về đời sống riêng tư, như tên vợ, nghề nghiệp cha mẹ, quan điểm về chiến tranh. Y trả lời rằng sẽ sai trái nếu làm vừa lòng kẻ lấy lời khai của mình. Ông James Wearn, người phỏng vấn tạm dừng bất kỳ câu hỏi nào khác về vấn đề này. Cuộc thẩm vấn của bộ đội CS kéo dài 30-40 phút.

Khoảng 6/12/1969 lúc 18 g, hai tù binh VNCH trốn trại. Sau khi lục soát, trại giam tù binh được lịnh di tản vì sợ bị phi pháo đồng minh tấn công. Y được dẫn giải đi nơi khác. Ngủ ban đêm trên đường mòn. Buổi sáng của ngày 7/12, họ tới 1 nơi có vẻ là một trạm tiếp tế. Nơi này gồm các lều, cánh đồng lúa và gia súc. Y được đối xử tử tế tại địa điểm này, được cấp bàn chải, kem đánh răng, khăn tắm, lương thực, chăm sóc y tế và nghe nói chuyện về lịch sử của Mặt trận Giải phóng miền Nam. Y được hỏi về quan điểm của mình với Mặt trận. Y được cấp một radio để nghe đài Hà Nội nói về chi phí chiến tranh, tội ác của Mỹ tại làng Mỹ Lai. Vào buổi sáng ngày 8/12, y được cấp giấy viết, kẻ hỏi cung nói rằng những gì viết trên giấy sẽ quyết định y có được phóng thích hay ko. Vào sáng ngày 9/12, y được biết là sắp phóng thích. Dự 1 buổi lễ ngắn. Sáng ngày 10/12, y đi bộ tới 1 hệ thống các bunker, có vệ binh đi theo, có kẻ mang B-40. Ở địa điểm này, 1 vệ binh bằng cách ra dấu và tiếng Anh bồi, cho y biết rằng đ.u. Chirichigno và chuẩn úy Nowicki sẽ bay ra Hà Nội.

Chi tiết về lúc phóng thích: Ngày 10/12, y và chuẩn úy Peterson đi bộ dọc một con đường cây cối mọc um tùm (overground), ko biết ở đâu. Y thấy 1 vị trí súng cối, nằm cạnh đường, trong một hố của đại bác.

Sau đó vệ binh dẫn y đi dọc một đường cũ cho tới khi gặp 1 đường tráng nhựa; ở đây y chờ phương tiện vận chuyển sắp xếp bởi các tù binh VNCH được thả trước y. Địa điểm của những sự kiện ngày 10/12 được tin rằng đã xảy ra trong khu vực 8-12 km tây nam của chi khu Đức Lập. Những tù binh Mỹ đã được quân VNCH đón nhận tại tọa độ YU 809721 và sau đó đến trại LLĐB Đức Lập.

Thông tin trên đây cung cấp bởi trung sĩ Vernon Shepard và chuẩn úy Michael Peterson, cả hai thuộc chi đội B của chi đoàn 7 thuộc thiết đoàn 17. Họ được báo mất tích ngày 2/11/69 và trở về ngày 10/12/69.


Chuyển ngữ từ: Bio, Nowicki, Hames E.

Viết xong ngày 23 tháng 11 năm 2024, cập nhật ngày 6/12/2024.

Viết từ San Jose.

Tài Trần


No comments:

Post a Comment