Wednesday, May 24, 2023

 

68. Trong chiến dịch mùa khô 1973-1974, Chiến khu Đ đã phản công quân địch, tiến lên mở rộng vùng giải phóng, chuẩn bị cho thời cơ lớn trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh?

Đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, ta đã lập lại thế cân bằng và nghiên dần cán cân lực lượng về phía cách mạng. Một thế trận mới đã mở ra triển vọng đánh thắng giặc Mỹ theo lời di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1973, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch mùa khô 1973-1974 phản công và tiến công nhằm đánh bại kế hoạch bình định của địch, tiếp tục mở hành lang, tạo bàn đạp vững chắc, mở rộng hơn nữa vùng giải phóng miền Đông Nam Bộ, tạo thế và phát triển thực lực, chuẩn bị giành thắng lợi lớn hơn trong mùa mưa tới. Trong thực hiện kế hoạch mùa khô, phải thu hồi, làm chủ 4 xã ở Chiến khu Đ cũ, mở rộng và làm chủ một số khu vực phía nam sông Đồng Nai, đường 14 từ Đồng Xoài đi Bù Na, Bù Đăng, cô lập thị xã Phước Long và chi khu Phước Bình.

Đêm 4-11-1973, chiến dịch Bù Đăng-Tuy Đức (Quảng Đức) mở màn. Đoàn 249 đặc công R cùng bộ đội chủ lực tiến công địch trong căn cứ Bù Đăng, Tuy Đức, Đắc Sông và trụ lại đánh phản kích làm thiệt hại quân nguỵ thuộc sư đoàn 22 và đoàn biệt bích B1 đến chi viện, giải vây.

Chiến dịch Bù Đăng-Tuy Đức thắng lợi, mở ra một vùng giải phóng liên hoàn dọc theo tuyến biên giới từ Quảng Đức-Phước Long-Bình Long-Tây Ninh-Lộc Ninh nối liền xuống tới vùng trung tuyến Dầu Tiếng-Bến Cát-Củ Chi. Đặc biệt đường hành lang chiến lược từ hậu phương miền Bắc theo đường Trường Sơn có thể đi ô tô qua Chiến khu Đ về Lộc Ninh-thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền Nam Việt Nam từ khi ký kết Hiệp định Paris 1972.

Phố hợp với chiến dịch Bù Đăng-Tuy Đức, lực lượng vũ trang Chiến khu Đ và vùng ven đã tiến lên phản công, đẩy quân địch ra khỏi vùng căn cứ và vùng tranh chấp, giữ vững các cửa khẩu của chiến khu. Đầu tháng 1-1974, tiểu đoàn Phú Lợi và du kích xã đã chặn đánh trung đoàn 43 sư đoàn 18 nguỵ và 2 tiểu đoàn biệt động quân, diệt 134 tên, bắn cháy 6 xe thiết giáp. Bộ đội địa phương Châu Thành và Lái Thiêu đánh lui 1 tiểu đoàn bảo an, diệt 54 tên, bắn cháy 5 xe quân sự.

Trong lúc chiến dịch mùa khô đang diễn ra sôi động, Trung ương Cục chỉ thị “công tác xây dựng căn cứ là vấn đề rất lớn và cơ bản, bức thiết trước mắt cũng như lâu dài. Phải tạo được sự liên hoàn giữa các địa phương, các đơn vị của Quân khu và quân chủ lực Miền”.

Thực hiện chỉ thị của trên, Khu uỷ và Quân khu miền Đông đã chỉ đạo xây dựng vùng căn cứ mạnh cả kinh tế và an ninh quốc phòng; tập trung sản xuất lương thực để chống đói trước mắt và dự trữ lâu dài. Trong năm 1974, các đơn vị hậu cần Quân khu và hậu cần căn cứ đa gieo trồng và thu hoạch được 8.000 tấn lương thực. Bên cạnh đó, hậu cần Quân khu và các tỉnh Chiến khu Đ cũng mở được thêm nhiều cửa khẩu, thu mua nguồn hàng từ vùng địch đưa về căn cứ.

Các tuyến đường giao thông vận chuyển hàng hóa trong vùng căn cứ được lực lượng công binh làm tốt hơn, bắc được cầu dã chiến qua sông, suối, nhiều tuyến, nhiều đoạn chạy được xe ô tô vận tải, xe máy, xe quân sự. Từ những trung tâm Mã Đà (căn cứ Khu uỷ và Quân khu) đi ô tô được về Phước Hoà, Phước Tiến, Bình Mỹ, Bình Cơ… Đoạn Tà Lài, Vĩnh An đã có cầu phao để vượt sông Đồng Nai. Đặc biệt xe tăng và thiết giáp của ta có thể đi qua vùng Chiến khu Đ xuống tận vùng ven phía bắc và tây bắc Sài Gòn.

Nhìn chung, thế và lực ở miền Đông và Chiến khu Đ trong mùa khô 1974, đã mở ra rất lớn. Đây là một bước nhảy vọt của lực lượng ta sau cuộc tiến công chiến lược 1972. Căn cứ Chiến khu Đ đóng một vai trò quan trọng trong nhiệm vụ “trung chuyển” ở miền Đông, chuẩn bị cho những trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Comments

No comments:

Post a Comment